KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)


Ðánh giá lại một số bình luận về phẩm thứ 24 của Kinh Pháp Hoa



tải về 0.83 Mb.
trang18/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   27

Ðánh giá lại một số bình luận về phẩm thứ 24 của Kinh Pháp Hoa


Thứ đến, theo ba nguồn sử liệu vừa đề cập ở trên, phẩm thứ 24, tức phẩm Phổ Môn (P’u-men; Sandkrit: Sàmantamukhaparivartto Nàmà-valokitesvara vikurvanà-nirrdesas Cartuvimsatmah) là được thêm vào về sau. Vậy có sự miễn cưỡng hay lạc đề nào không trong công việc kết nối như thế? Là một phẩm kinh được cho là tiêu biểu của trường phái Phật giáo tín ngưỡng, ý nghĩa của Phẩm Phổ Môn này cần phải được hiểu như thế nào trong bộ kinh Pháp Hoa để có thể vẫn tiêu biểu cho trường phái Phật giáo trí tuệ mà không có sự chống đối lẫn nhau? Muốn đề nghị một giải pháp cho các vấn nạn như thế, trước hết chúng ta cần phải bàn thảo phần kết cấu của bộ kinh. Như đã nói trước đây, việc sáng tạo kinh Diệu Pháp Liên Hoa diễn ra là vì nhu cầu của quần chúng Phật tử. Từ đó, nội dung của kinh hẳn phải được cấu tạo để phù hợp với một số đòi hỏi bức thiết của bối cảnh lịch sử, ở đó Phật giáo không còn là một tổ chứng thống nhất và vẹn toàn, mà là Phật giáo của nhiều trường phái và bộ phái tư tưởng, thậm chí chống trái lẫn nhau. Từ đây, người ta có giả thuyết rằng kinh Pháp Hoa được tạo ra nhằm mục đích thống nhất các bộ phái Phật giáo trong lãnh vực tư tưởng lẫn hợp nhất tổ chức tăng đoàn ở giai đoạn đó. Do vậy, phần bổ sung các chương, phẩm về sau vào kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hay chuyển đổi thứ tự các chương, phẩm trong kinh có thể được thực hiện nhằm nối kết với định hướng vừa nói ở trên. Hiển nhiên rằng không thể có bất cứ sự lạc đề hay miễn cưỡng nào trong việc thêm phần “Quán Thế Âm Bồ Tát” như là phẩm thứ 24 vào kinh Diệu Pháp Liên Hoa, một tuyệt tác văn học của Phật giáo, như là một vài học giả chủ trương. Song hành với cách suy nghĩ như thế, có một khuyết điểm chung mà các học giả thường mắc phải. Nghĩa là giới nghiên cứu thường rơi vào lỗi tự mâu thuẫn trong cách giải thích về kinh dẫn đến hai quan điểm khác nhau: Một mặt, hầu hết học giả đều thừa nhận rằng tất cả Bồ Tát chỉ là đức tính và đức hạnh của Ðức Phật lịch sử được nhân cách hóa thành, do thế trong thực tế những vị Bồ Tát ấy không thật sự tồn tại. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét cách giải thích và bình luận của giới học giả về giáo lý Bồ Tát, bằng cách này hay cách khác, tất cả Bồ Tát đều được tán dương và tôn vinh như là thần thánh siêu phàm, và trong một vài trường hợp, còn vượt trội hơn Ðức Phật Gotama trong lãnh vực từ bi và trí tuệ. Nghĩa là các vị Bồ Tát này hiện hữu khắp mọi nơi và có thể cứu chúng sanh khổ đau trong cuộc đời này với một số điều kiện. Nói khác đi, khuynh hướng tư duy hiện nay liên hệ đến giáo lý Bồ Tát, đặc biệt là sự hiểu và nhận thức về Bồ Tát Quán Thế Âm, không những dẫn đến sự ứng dụng, hành trì sai lạc giữa cộng đồng Phật giáo như sự thật đang diễn ra, mà chiều hướng trên, trong một cách nào đó, cũng khiến cho Phật giáo có vẻ tương tự Thiên chúa giáo. Do vậy, khuynh hướng trên cần phải được gạn lọc lại trong tinh thần giảng dạy của Ðức Thế Tôn. Nhằm để giải quyết sự mâu thuẫn nội tại sâu sắc, và để soi sáng vai trò Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, quan điểm tế nhị đó cần được xem xét và nghiên cứu lại chi tiết và cẩn thận. Bằng việc làm như thế chúng ta có thể hy vọng giới thiệu được một phương pháp giải thích và tu tập mới về Phẩm Phổ Môn mà không có bất cứ sự chống trái nào giữa hai khuynh hướng tư tưởng Phật giáo “Phật giáo Trí Tuệ và Phật giáo Tín Ngưỡng” như đã được chỉ ra ngang qua ý nghĩa của Phẩm Phổ Môn (Cánh Cửa Phổ Quát hay Phổ Thông) của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Tuy nhiên, trước khi đi vào thảo luận khía cạnh triết lý ứng dụng của phẩm thứ 24 này, trước hết chúng ta cần phải bàn thảo một từ ngữ quan trọng “sự cứu rỗi” hay “sự cứu độ” (salvation) mà hầu hết các học giả đã sử dụng nhằm chỉ đến ý nghĩa chứng ngộ hay giải thoát trong Phật giáo, đồng thời nối kết khái niệm ấy với tín ngưỡng Bồ Tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm), xem ngài như là vị thần đầy quyền uy và bất diệt thật sự, vốn đã đưa đến việc ngộ nhận chung giữa cộng đồng Phật giáo cũng như trong hàng ngũ học giả. Tại sao cần phải giải thích từ ngữ này rõ ràng, bởi vì từ ‘salovation’ (sự cứu rỗi hay cứu độ) bao hàm hai ý nghĩa: đó là người cứu rỗi (cứu độ) và người được cứu rỗi (được cứu độ). Từ đây, do ảnh hưởng lối tư duy quán tính có nguồn từ tôn giáo và tín ngưỡng hữu thần, hoặc theo cách suy nghĩ của người phương Tây, khuynh hướng giải thích thông thường lập tức xuất hiện một cách máy móc qua việc ám chỉ rằng đấng cứu rỗi hay cứu độ là Bồ Tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm) tức người nghe tiếng cầu cứu của thế gian), và người được cứu độ hay được cứu rỗi là chúng sanh khổ đau. Chúng ra có thể nói một cách không do dự rằng tư tưởng như thế hoàn toàn đối nghịch với lời dạy chân chính của Ðức Thế Tôn, vì trong Phật giáo, không có bất cứ ai, bao gồm cả Ðức Phật, có năng lực hay uy quyền để cứu độ người khác:

Tự mình làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình ác không làm,

Tự mình làm thanh tịnh,

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai”

Quan điểm này cũng là tư tưởng chủ đạo của “sự tự nỗ lực hay tự độ” trong kinh Saddharma-pundarida (Diệu Pháp Liên Hoa), bởi vì, theo tinh thần giáo lý cốt lõi của Pháp Hoa, “Chư Phật, các bậc đáng tôn kính, xuất hiện ra trong đời là để giúp chúng sanh mở bày cánh cửa tri kiến Phật, và giúp cho chúng sanh tự thanh tịnh hóa mình...” Nói khác đi, khái niệm cứu rỗi hay cứu độ (salvation) chỉ có thể phù hợp với giáo điều của các tôn giáo hữu thần, mà không hề có bất cứ sự tương ứng nào với nội dung của giáo lý Phật giáo. Nó hoàn toàn xa lạ với Phật giáo, và giới học giả Phật học cần phải tránh dùng nó để chỉ đến các cấp độ giải thoát tâm linh của Phật giáo, vốn là thành quả của tự nỗ lựctự chứng đắc. Thay vào đó, các thuật ngữ liên hệ đến giải thoát như “liberation, emancipation, deliverance” có lẽ thích hợp hơn trong việc diễn tả những lãnh vực chứng ngộ tâm linh của Phật giáo.

Một ngộ nhận nghiêm trọng thường thấy khác liên quan đến phẩm thứ 24 mà giới học giả hay vướng mắc là việc lý giải 32 hoặc 33 thân tướng của Bồ Tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm). Ngang qua khuynh hướng bình luận phổ biến mà các học giả đã giải thích, không có gì nghi ngờ về việc người ta có thể tin tưởng rằng Bồ Tát Quá Thế Âm sẽ thị hiện ra một thân tướng cụ thể nào đó trong 32 hoặc 33 thân nhằm để đáp ứng nhu cầu của chúng sanh đang khổ đau, miễn là họ thỏa mãn các điều kiện thiết yếu sau: (1) đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài, (2) thành kính niệm danh hiệu của Ngài. Bên cạnh ấy, có một cách tư duy, giải thích khác về 32 hoặc 33 thân tướng khác nhau của Bồ Tát Quán Thế Âm dường như đã đồng hóa Avalokitesvara (Quán Thế Âm) với Bràhma (Phạm Thiên), vị thần sáng thế tối cao của đạo Hindu. Khuynh hướng này thường xem danh hiệu Avalokitesvara chỉ là một tên gọi khác của Bràham, được chuyển tải vào trong hệ thống giáo lý Phật giáo vì mục đích duy trì sự sống còn cho Phật giáo trong thời kỳ phục hưng mãnh liệt của đạo Hindu dưới sự bảo trợ của triều đại Sunga vào khoảng 25 năm cuối của thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Do vậy, 32 hoặc 33 thân tướng biến hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm được nghĩ là không có gì khác với 32 hoặc 33 hiện thân tướng ở cõi trời do Bràhmanism (đạo Bà la môn) chủ trương. Hệ quả của việc làm ấy là đã khiến Bồ Tát Quán Thế Âm nổi lên như là đối tượng lý tưởng cho việc thờ cúng, không những trong cộng đồng Phật giáo mà còn phổ cập giữa tín đồ đạo Hindu. Trên cơ cở của một số dữ kiện đáng tin và có tính thuyết phục được trích dẫn và phân tích dưới đây, chúng ta có thể nói rằng ý tưởng và lối tư duy vừa nêu là một sự ngộ nhận nguy hiểm và hoàn toàn đối lập với tinh thần giáo lý Bồ Tát.

Có lẽ không cần thiết để đưa ra lời bình luận đối với cách suy nghĩ thứ nhất, vì qua lời dạy của Ðức Phật trong kinh Pháp Cú được trích dẫn ở trên chiều hướng ấy đã tự biểu lộ tính yếu kém. Tuy nhiên đối với khuynh hướng luận thứ hai, trước hết chúng ta hãy đọc lại những lời dạy sau đây của Ðức Phật trước khi đánh giá về nó. Kinh Tăng Chi Bộ ghi lại rằng:

“Này Bà la môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc. Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặn đứt từ gốc rễ, được là thành như cây ta la, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà la môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn thát bà, Ta có thể là Dạ xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà la môn, bông sen xanh hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng không bị nước thấm ướt; cũng vậy, này Bà la môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà la môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.”

Nhận xét đầu tiên cần phải phân tích ngang qua lời dạy trên là nguồn gốc học thuyết đa thân (nhiều thân tướng) của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì trong thực tế khái niệm đó rõ ràng là bắt nguồn từ kinh bộ Nikàya vừa đề cập, mà không phải là kết quả của bản sao chép vụng về từ học thuyết đa thần mang tính giáo điều của đạo Hindu. Lý do hỗ trợ ý kiến này hy vọng là hợp lý, bởi vì như người ta đã biết, Phật quả hay “Ðức Phật” không phải là một đẳng cấp hay một danh xưng độc quyền dùng để chỉ một người nào đó, ngay cả Ðức Thế Tôn Sakyàmuni (Thích Ca Mâu Ni), mà đó là một hình dung từ được dùng để nhằm chỉ những ai có thể đoạn trừ tất cả cấu uế, lậu hoặc (àvasas) không còn chút dư tàn, và có thể chứng ngộ chân lý rồi giúp kẻ khác đi theo con đường giác ngộ ấy như Thái tử Siddattha (Tất Ðạt Ða) đã làm. Nói khác đi, bất cứ chúng sanh nào, có thể đó là chư thiên, loài người, dạ xoa, càn thát bà hoặc bất cứ loài hữu tình gì, mà trong họ khát ái đã được nhổ tận gốc, và tất cả phẩm chất cần phải có của bậc giác ngộ đã được hội đủ, đều có khả năng trở thành Phật. Giải thích theo một cách khác, trong mọi chúng sanh đều có tiềm tàng khả năng thành Phật; hay nếu chúng ta có thể nói, do thành tựu trọn vẹn một số điều kiện tất yếu như sắp được bàn thảo dưới đây, chủng tử Phật có thể biểu hiện trong hết thảy chúng sanh. Như thế, nếu như con người có thể đạt đến vị trí của một Ðức Phật, vậy tại sao họ không thể trở thành Quán Thế Âm (Avalokitesvara)? Thêm vào đó, Avalokitesvara (Quán Thế Âm), như đã nói ở trước đây, chỉ là sự nhân cách hóa của đức tánh trí tuệ và từ bi; do vậy hai tính chất này không chỉ biểu hiện trong 32 hay 33 loại thân tướng như thường được hiểu và bàn luận, mà từ bi và trí tuệ có thể hiện hữu trong tất cả hình tướng của mọi chúng sanh ở khắp các thế giới. Lý do thật là đơn giản bởi vì hai đức tánh ấy là năng lực nội tại để trở thành Phật, hay chủng tử Phật của mọi chúng sanh. Những lời dạy sau đây của Ðức Phật trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sẽ soi sáng một cách rõ ràng luận cứ của chúng ta:

Quán Âm Ðại Sĩ, đầy thần thông lực,

Ðầy tuệ giác lực, đầy phương tiện lực,

Cho nên khắp cả, mười phương thế giới,

Không đâu mà không biến thể xuất hiện.”

Do đó, khái niệm về 32 hoặc 33 biến hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm phải là sự phát triển giáo lý có dụng ý của các triết gia Phật giáo. Khái niệm này thực chất được phát triển từ lời dạy nguyên thủy của Ðức Phật nhằm vào mục đích giúp Phật giáo có thể thiết lập được mối quan hệ với các tôn giáo hữu thần đương đại, đặc biệt là đối với đạo Hindu, để đáp ứng nhu cầu và là mối quan tâm khẩn thiết của tín đồ Phật giáo trong cùng thời gian. Tuy thế, ý nghĩa ứng dụng mang tính triết học của nó dĩ nhiên phải bao hàm một cái gì đó khác với tôn giáo hữu thần. Bởi vậy, ý kiến, hay tư tưởng nào xem Bồ Tát Quán Thế Âm như là hiện thân thánh đạo Hindu phải được xem như cách giải thích sai lạc về giáo lý Phật giáo và cần phải loại trừ mà không đòi hỏi bất cứ bình luận nào. 

---o0o---



tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương