KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang16/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   101

Trả lời: Tại công văn số 6636/BNN-TT ngày 19/8/2014

1. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho người nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để hợp tác cùng nông dân thực hiện “Cánh đồng lớn”, cụ thể như:

- Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; trong đó có quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân nhằm khuyến khích liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch;

- Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng;

- Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có chính sách hỗ trợ các địa phương trồng lúa 500.000 đồng/ha/năm với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm với đất lúa khác nhằm tập trung đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng; hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả;

- Hàng năm khi giá lúa gạo xuống quá thấp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạm trữ thóc gạo nhằm đẩy giá thị trường lên có lợi hơn cho nông dân;

- Hộ gia đình, tổ chức sản xuất lúa áp dụng mô hình trình diễn giống lúa mới, kỹ thuật canh tác, công nghệ sơ chế, bảo quản lúa gạo được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;

- Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

2. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại văn bản số 1101/TTg-KTTH ngày 31 tháng 7 năm 2013, yêu cầu quy hoạch thương nhân theo hướng ưu tiên các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa; hạn chế thấp nhất các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu; đồng thời có lộ trình phù hợp để thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28/8/2013 phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, đã xác định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng, ban hành Lộ trình.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với người sản xuất, góp phần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo, nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời giúp nông dân an tâm sản xuất.



8. Cử tri các tỉnh AN Giang, Bến Tre kiến nghị: Cử tri đã phản ánh rất nhiều lần, tuy chủ trương mua lúa tạm trữ đã giải quyết một phần khó khăn của nông dân về khâu tiêu thụ, nhưng Chính phủ chưa giải quyết tốt việc doanh nghiệp tìm mọi cách chờ nông dân bán hết lúa mới mua (thường đầu vụ giá thấp, gần cuối vụ giá cao, nông dân khi thu hoạch phải bán lúa ngay để trả nợ và các khoản chi phí sản xuất, không giữ lại để bán giá cao); lấy tiền hỗ trợ để kinh doanh có lợi nhuận, bắt nhà nước trả lãi, do đó, lợi nhuận luôn thuộc về các doanh nghiệp, nông dân thì phải chịu thiệt. Đề nghị Chính phủ kiểm tra xử lý các doanh nghiệp làm trái quy định và có giải pháp hỗ trợ cho nông dân theo hướng khác như hỗ trợ trực tiếp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất đây là cách hỗ trợ nông dân tối ưu nhất, không hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp; có kế hoạch thu mua tạm trữ lúa đúng với thời vụ thu hoạch ở từng địa phương để người nông dân đạt lợi nhuận trên 30%.

Trả lời: Tại công văn số 6541/BNN-CB ngày 15/8/2014

- Về ý kiến doanh nghiệp không mua lúa ngay khi có quyết định mua tạm trữ:

Tạm trữ là biện pháp hỗ trợ thị trường, thông qua đó để ngăn chặn sự suy giảm và duy trì ổn định giá lúa, gạo, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cho phép thời gian mua tạm trữ thóc, gạo chỉ từ 30 đến 45 ngày và nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay từ 3 đến 4 tháng tính từ ngày quyết định mua tạm trữ. Như vậy, nếu doanh nghiệp thu mua càng chậm thì thời gian được hỗ trợ lãi suất càng ngắn.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và ban hành Quy chế Kiểm tra, giám sát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp trong quá trình thu mua tạm trữ. Qua kiểm tra, giám sát của các địa phương và Đoàn kiểm tra liên ngành chưa phát hiện thấy doanh nghiệp nào vi phạm các quy định của Thủ tướng Chính phủ trong các đợt mua tạm trữ vừa qua.

- Về kiến nghị các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân:

Việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng tiền là vi phạm các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Để hỗ trợ cho nông dân, bên cạnh giải pháp mua tạm trữ, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa như:

+ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

+ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

+ Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010.

+ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trong đó có quy định mức thu thủy lợi phí và miễn thủy lợi phí (Điều 19).

+ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn nhằm khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gắn kết với vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

+ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Hiện nay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai kế hoạch tái cơ cấu các ngành sản xuất, trong đó có chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tăng cường công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu để tiêu thụ tối đa lúa, gạo hàng hóa cho nông dân với giá tốt nhất. Qua đó sẽ đem lại lợi nhuận và thu nhập ngày càng cao cho người nông dân trồng lúa.

- Về đề nghị có kế hoạch thu mua tạm trữ lúa đúng với thời vụ thu hoạch của từng địa phương:

Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng. Đây không phải chính sách bao tiêu sản phẩm hay hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là biện pháp kích cầu, thông qua đó nhằm duy trì ổn định giá lúa, gạo trên thị trường, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa. Vì vậy, thời điểm mua tạm trữ không căn cứ vào thời điểm thu hoạch lúa của từng địa phương, chỉ phụ thuộc vào thị trường (khi giá lúa gạo thấp hơn giá định hướng) và do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thực tế các đợt tạm trữ vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá lúa, gạo trên thị trường đều tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ, qua đó đã nâng cao lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.



9. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại mức tỷ lệ đóng góp của nhân dân nên còn từ 10 - 15% là vừa, vì hiện tại người dân nông thôn, nhất là nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất… như tỷ lệ hiện nay rất khó đạt 20 tiêu chí.

Trả lời: Tại công văn số 6477/BNN-VPĐP ngày 13/8/2014

Việc huy động đóng góp của người dân phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, bằng các hình thức thích hợp là quy định của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Sau 03 năm thực hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó yêu cầu các địa phương Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp, không được huy động quá sức dân”.



10. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh, Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân rất đồng tình với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tỷ lệ đóng góp đã được quy định, nhằm đổi mới bộ mặt nông thôn; nhưng thực tế ngân sách nhà nước cũng như doanh nghiệp đang gặp khó khăn, do đó, nhân dân đóng góp hầu như 100%, bên cạnh còn phải đóng góp nhiều khoản phí khác tại địa phương… trong lúc này, nông dân còn khó khăn hơn cả, do giá lúa, cá bấp bênh, làm ăn không lãi. Đề nghị nghiên cứu cho giãn lộ trình xây dựng NTM sau 2015, đồng thời, thực hiện hỗ trợ vốn đúng theo tỷ lệ ở hàng năm của từng công trình để địa phương tổ chức thực hiện…

Trả lời: Tại công văn số 6478/BNN-VPĐP ngày 13/8/2014

Mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Ngày 15/7/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Ban Chỉ đạo trung ương đã thống nhất quan điểm chỉ đạo là quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu trên cơ sở nỗ lực cao nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương nhưng không nóng vội, chạy theo thành tích. Các địa phương cần lựa chọn nội dung tác động trực tiếp đến đời sống của người dân trên địa bàn để ưu tiên tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực thực hiện.

Để tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 về phát hành bổ sung 15.000 tỷ đồng (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm) từ nguồn Trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ đầu tư thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2016.

Việc huy động đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, bằng các hình thức thích hợp là quy định của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Sau 03 năm thực hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó yêu cầu các địa phương Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp, không được huy động quá sức dân”.

11. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới có 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí quy định trung tâm văn hóa xã và từng thôn có nhà văn hóa, đầu tư trang thiết bị và các thiết chế văn hóa Nhà nước đầu tư 50% còn lại 50% do nhân dân đóng góp; Tiêu chí về y tế theo quy định phải có 70% người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế. Hai tiêu chí trên rất khó thực hiện ở các vùng kinh tế xã hội khó khăn. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có vận dụng cho phù hợp từng vùng miền.

Trả lời: Tại công văn số 6878/BNN-VPĐP ngày 26/8/2014

- Về thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa: Tại Điều 9, Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có hướng dẫn xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa khi đáp ứng đủ 2 yêu cầu: Có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các Trung tâm văn hóa – thể thao xã; 100% thôn hoặc liên thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa – khu thể thao thôn (không yêu cầu từng thôn có nhà văn hóa).

Ngày 30/5/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn theo hướng phù hợp hơn với miền núi và xã đặc biệt khó khăn, xã hải đảo.

- Về tiêu chí y tế: Việc quy định tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 70% trở lên nhằm phù hợp với tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến tháng 12/2013, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế bình quân của cả nước đã đạt 69%. Thực tế hiện nay, các xã đặc biệt khó khăn thường có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cao hơn bình quân của cả nước vì theo Luật Y tế những người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước cấp 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.



12. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Sản xuất nông nghiệp nói chung, người trồng lúa nói riêng. Tuy có sự quan tâm hướng dẫn chỉ đạo về áp dụng kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, nhưng Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ về giá tiêu thụ nông sản, nên người nông dân sản xuất ra nông sản chất lượng cao bán giá như nông sản bình thường dẫn đến thường lỗ và không có lãi. Đề nghị khắc phục tình trạng này.

Trả lời: Tại công văn số 5966/BNN-CB ngày 29/7/2014

Việc “nông sản chất lượng cao bán giá như nông sản bình thường” như cử tri tỉnh Bạc Liêu phản ánh có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: Chất lượng nông sản (lúa) không đạt được yêu cầu như mong muốn, do bị lẫn loại giảm phẩm cấp; Công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến còn nhiều bất cập; Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm có chất lượng cao

Trong nhiều năm qua để đảm bảo cho người sản xuất lúa không bị lỗ, Nhà nước đã có chính sách tạm trữ, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ, hạn chế tình trạng giá bị giảm sâu; Việc trợ giá nông sản cần được cân nhắc để phù hợp với cơ chế thị trường.

Để khắc phục tình trạng cử tri nêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các Bộ Ngành thực hiện các giải pháp sau:

1. Triển khai đề án tái cơ cấu ngành, tập trung tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm có giá trị gia tăng cao;

2. Triển khai các chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ bảo quản và chế biến nông sản;

3. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo quy hoạch; áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng nông sản từ khâu giống đến kỹ thuật canh tác; thực hiện liên kết doanh nghiệp với nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; bảo đảm tính đồng nhất về chất lượng và hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

13. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Cử tri đề nghị cần có chính sách khuyến khích mở rộng việc phát triển cánh đồng lớn kết hợp với thu mua tạm trữ và chế biến, xuất khẩu gạo, tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống lúa chất lượng cao để giảm diện tích giống lúa thường chất lượng thấp.

Trả lời: Tại công văn số 6635/BNN-TT ngày 19/8/2014

1. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích mở rộng phát triển cánh đồng lớn kết hợp với thu mua, tạm trữ và chế biến, xuất khẩu gạo cụ thể như:

- Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; trong đó có quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân nhằm khuyến khích liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch;

- Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng;

- Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/05/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có chính sách hố trợ các địa phương trồng lúa 500.000 đồng/ha/năm với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm với đất lúa khác nhằm tập trung đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng; hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả;

- Hàng năm khi giá lúa gạo xuống quá thấp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạm trữ thóc gạo nhằm đẩy giá thị trường lên có lợi hơn cho nông dân.

2. Công tác nghiên cứu lai tạo giống lúa chất lượng cao để giảm diện tích giống lúa thường, chất lượng thấp cũng luôn được Bộ Nông nghiệp và PTNT đặc biệt quan tâm:

- Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai đề án sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” đến năm 2020. Mục tiêu là nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, có giá bán tối thiểu 600 USD/tấn đối với gạo trắng hạt dài và 800 USD/tấn đối với gạo thơm;

- Bên cạnh chọn tạo giống lúa mới, Bộ đang đặc biệt quan tâm đến củng cố hệ thống nhân giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bộ ưu tiên kinh phí cho dự án sản xuất giống lúa trong Chương trình giống quốc gia đến 2020, dự án khuyến nông sản xuất giống lúa ở ĐBSCL; gắn kết các dự án này với mục tiêu đến 2015 ít nhất 50% diện tích lúa ở ĐBSCL sử dụng giống cấp xác nhận (hiện nay mới đạt khoảng 25-30%).

14. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người sản xuất theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa thủ tục rườm rà, mức hỗ trợ thấp, mất nhiều thời gian để thực hiện và không hiệu quả. Đề nghị không nên hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa mà nên hỗ trợ theo hướng bền vững là xây dựng hạ tầng, kênh mương nhằm giảm chi phí trong sản xuất trồng lúa.

Trả lời: Tại công văn 6643/BNN-TT ngày 19/8/2014

Ngày 11 tháng 5 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó có quy định hỗ trợ trực tiếp người sản xuất lúa với mức 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước, 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Tuy nhiên, do diện tích đất lúa của từng hộ thấp, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, nên với mức hỗ trợ trên thì số tiền mỗi hộ được nhận không đáng kể, trong khi thủ tục phức tạp, để nhận được tiền mất nhiều thời gian, hiệu quả thấp.

Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ ngành xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2012/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Đất đai 2013 và khắc phục những hạn chế của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định đã bỏ quy định hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất lúa, thay vào đó, Ngân sách nhà nước sẽ tăng mức hỗ trợ cho địa phương trồng lúa, cụ thể 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, trong đó có nội dung đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa nhằm giảm chi phí sản xuất lúa; hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,…



15. Cử tri các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh kiến nghị: Tình hình sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra một số nông sản, nhất là giá lúa, giá mủ cao su giảm liên tục; tình trạng giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu giả không đảm bảo chất lượng nhập khẩu tràn lan, không được cơ quan chức năng về quản lý nhà nước kiểm soát, gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ, lập lại trật tự ở địa bàn nông thôn, đầu tư xây dựng hệ thống kho đủ tiêu chuẩn dự trữ các sản phẩm nông sản như lúa, ngô, cà phê, tiêu, điều... kể cả mủ cao su để đảm bảo giá cả ổn định khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trả lời: Tại công văn số 6548/BNN-CB ngày 15/8/2014

  • Về kiểm soát buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả:

Trong những năm vừa qua, tình hình buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước và sức khỏe người dân.

Trước tình hình trên, ngày 19/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389). Hiện nay, các tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo 389 của tỉnh.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, tổ chức họp giao ban hàng tháng và đột xuất, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu giả.

Ngày 20/01/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào 3 đợt thanh tra diện rộng trong năm 2014 về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất kích thích và chất cấm; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân, thời gian tới việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực. Đề nghị các địa phương quan tâm tuyên truyền cho nhân dân biết, chủ động tham gia để việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả đạt hiệu quả.

- Về xây dựng hệ thống kho dự trữ:

Việc xây dựng hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long theo quyết định số 3242/QĐ-BNN-CB ngày 02/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kết thúc vào 31/12/2013. Đến nay, tổng tích lượng kho chứa lúa, gạo tại ĐBSCL đã đạt trên 6 triệu tấn, đảm bảo đủ năng lực dự trữ lúa, gạo phục vụ xuất khẩu. Đối với các nông sản khác (ngô, cà phê, tiêu, điều, mủ cao su sơ chế...), những năm vừa qua và đến nay, không gặp khó khăn về kho dự trữ.

Hiện nay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai kế hoạch tái cơ cấu các ngành sản xuất; rà soát, tổ chức lại các chuỗi sản xuất từ quy hoạch, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ theo thị trường, tạo sự phát triển ổn định. Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và kiến nghị với Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.



16. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm khâu tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp, góp phần giải quyết khó khăn cho nông dân để phát triển nông nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 5854/BNN-CB ngày 24/7/2014

Để giải quyết tốt hơn vấn đề tiêu thụ và chế biến nông sản góp phần giải quyết khó khăn cho nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang nỗ lực tiến hành các giải pháp sau:

- Đàm phán mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước.

- Đấu tranh tháo gỡ rào cản ở thị trường các nước, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chế biến, xuất khẩu.

- Khuyến khích phát triển liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp.

- Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

- Tăng cường nghiên cứu, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ chế biến hiện đại, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao trên cơ sở phát triển của từng ngành hàng, phù hợp với yêu cầu của từng thị trường.



17. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị Chính phủ cần quan tâm chính sách trợ giá để nông dân yên tâm cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp; quy hoạch các vùng chuyên canh và có nhiều chính sách thu hút liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và nhà tiêu thụ sản phẩm.

Trả lời: Tại công văn số 6138/BNN-KH ngày 01/8/2014

- Những năm qua, thông qua công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, nền sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả nông lâm thủy sản) ở nước ta đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa: lúa gạo ở ĐBSCL, ĐBSH; chè ở Trung du MNPB, Lâm Đồng; cà phê, cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; cá tra, tôm ở ĐBSCL,Duyên hải miền Trung,...

Để thu hút các nhà khoa học, các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Ngày 29/4/2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định nêu trên để các địa phương triển khai thực hiện. Theo báo cáo của các địa phương, 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xây dựng trên 300 ngàn ha cánh đồng lớn, trong đó có khoảng 30-40% được các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

- Về chính sách trợ giá đầu ra sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất: hiện nay Chính phủ chưa đặt vấn đề về chính sách hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau đây:

+ Khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân và tiêu thụ sản phẩm (đã nêu ở trên).

+ Hỗ trợ lãi suất để tạm trữ lúa gạo khi vào vụ thu hoạch rộ.

+ Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa,...

18. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Hiện nay, tình trạng dịch bệnh nấm trên cây thanh long ở Bình Thuận làm thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng quả thanh long nhưng chưa có thuốc đặc trị. Cử tri kiển nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu tìm ra thuốc để giúp người dân trị bệnh nấm trên cây thanh long.

Trả lời: Tại công văn số 6684/BNN-BVTV ngày 19/8/2014

Bắt đầu từ khoảng năm 2009, tại Bình thuận và các tỉnh phía nam nước ta đã xuất hiện một loại bệnh hại trên cây và quả thanh long, Các cơ quan nghiên cứu đã xác định đây là bệnh đốm nâu ( nông dân còn gọi là đốm trắng dựa trên triệu chứng ban đầu ) do nấm gây ra. Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa.

Các Viện thuộc Bộ đang tập trung nghiên cứu để đưa ra các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả nhất. Cục Bảo vệ thực vật đã khẩn trương tiến hành khảo nghiệm, xác định thuốc trừ bệnh.

Tuy nhiên, kết quả khảo nghiệm bước đầu cho thấy thuốc BVTV có hiệu lực không cao đối với bệnh đốm nâu thanh long. Chăm sóc cây khoẻ, bón phân cân đối, cắt tỉả tán cây thông thoáng, vệ sinh vườn trồng, các biện pháp giảm thiểu chấn thương quả do côn trùng hoặc các tác nhân khác gây ra có tính chất quyết định trong việc phòng chống bệnh.

Từ năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành Quy trình kỹ thuật tạm thời phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long để làm cơ sở cho các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng trong sản xuất thanh long bền vững và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều địa phương đã áp dụng có hiệu quả, góp phần giảm đáng kể thiệt hại do bệnh gây ra.

19. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét cho tỉnh Bình Thuận chuyển đổi đất lúa trồng cây thanh long, là cây lợi thế của địa phương (theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất lúa).

Trả lời: Tại công văn số 6992/BNN-TT ngày 28/8/2014

Ngày 10/6/1013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó nêu rõ chủ trương duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Để thực hiện chủ trương trên, tại Quyết định số 1006/QĐ-BNN-TT ngày  13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ cần chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản; rà soát quy hoạch, xác định các vùng đất chuyên trồng lúa nước cần được bảo vệ và đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Ngày 31/7/1014 Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu chuyển đổi 770 nghìn ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác.

Trước đó, ngày 8/11/2013 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 47/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Người sử dụng đất khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản chỉ cần báo cáo với UBND cấp xã nếu việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã. Thông tư giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định các loại cây trồng hàng năm phù hợp cho chuyển đổi trên đất trồng lúa tại địa phương.

Ngoài ra, theo Luật Đất đai, Nghị định 42/2012/NĐ-CP, người sử dụng đất có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm; tuy nhiên, trong trường hợp này phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, nông dân hoàn toàn có thể chuyển một phần đất trồng lúa sang trồng cây thanh long, nếu cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, tuy nhiên phải thực hiện theo các quy định hiện hành, hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền tại địa phương.

20. Cử tri các tỉnh Kiên Giang, Phú Yên và TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi đó giá sản phẩm nông nghiệp thấp (giá lúa) khiến cho người nông dân không yên tâm sản xuất, phải bỏ ruộng đi làm việc khác. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, khắc phục tình trạng này.

Trả lời: Tại công văn số 5784/BNN-KH ngày 22/7/2014

Sản xuất nông nghiệp nước ta thường xuyên gặp thiên tai bão lụt; sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra dễ gặp rủi ro lớn, mất mùa và khi được mùa thì lại rớt giá. Trong khi vật tư nông nghiệp đầu vào chủ yếu lại không ổn định, phần nhiều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, …) giá cả bấp bênh lên xuống. Mặt khác, kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường; việc quản lý khá phức tạp, như tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả đã và đang tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nông dân, dẫn đến tình trạng có nơi còn bỏ ruộng đồng đi kiếm công việc khác có thu nhập cao hơn, đúng như kiến nghị của cử. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương tăng cường việc kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp; kiên quyết ngăn chặn kịp thời tình trạng đưa vật tư kém chất lượng, hàng giả ra ngoài thị trường; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; kết hợp với việc tuyên truyền giáo dục để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng yếu kém nói trên.

- Cùng với việc tăng cường đầu tư sản xuất các nhà máy vật tư nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung ổn định cho nông dân, Bộ Tài chính chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện giá bán vật tư nông nghiệp theo quy định của Luật giá và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp phải thực hiện niêm yết giá bán và đăng ký giá với Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý giá bán vật tư nông nghiệp đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất.



21. Cử tri các tỉnh Hậu Giang, Cao Bằng, Hà Nam, Ninh Bình, Sóc Trăng, Khánh Hòa kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả hơn cho nông dân như: cung cấp giống chất lượng cao, vay vốn hoặc trợ giá mua máy móc nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả thị trường để người nông dân có định hướng sản xuất phù hợp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Năm 2014, cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc kém chất lượng và hàng giả; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả hơn cho nông dân, tiếp tục đầu tư xây dựng tốt đối với thủy lợi, giao thông nông thôn; định hướng đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đất nước phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững có hướng đi lâu dài phù hợp với tình hình thực tế, cho vay vốn ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp để người trồng lúa không bỏ ruộng.

Trả lời: Tại công văn số 5785/BNN-KH ngày 22/7/2014

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, hàng năm và trong năm 2014 nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ như sau:

- Trợ giá giống gốc để tạo điều kiện sản xuất ra nhiều giống tốt, chất lượng cao đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp. - Đẩy mạnh Chương trình giống; Khuyến khích và đầu tư cho các dự án giống cây, con để gắn kết giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp với nông dân nhằm sản xuất ra nhiều giống có chất lượng cao.

- Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khi vào vụ thu hoạch tập trung, nhà nước thực hiện chính sách mua tạm trữ để giảm bớt áp lực tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đảm bảo cho nông dân sản xuất có lãi.

- Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

- Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư các công trình xây dựng thủy lợi, nhất là công trình hoàn thành để đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất lúa và một số cây công nghiệp chính; chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hạn chế rủi ro thiên tai.

- Hướng dẫn nông dân mở thêm các ngành nghề mới, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP giúp nông dân có điều kiện để mua sắm máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp.

- Tăng cường hơn nữa việc kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp từ Trung ương tới địa phương; có biện pháp tích cực đủ sức răn đe và xử lý nghiêm tình trạng đưa vật tư kém chất lượng và hàng giả ra ngoài thị trường gây thiệt hại cho nông dân.

- Bộ Công Thương và các Hiệp hội ngành hàng kịp thời thông báo về tình hình giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân có điều kiện chọn lựa những loại vật tư phù hợp và sản xuất những loại cây, con đảm bảo hiệu quả.



22. Cử tri các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị nhà nước có chính sách quan tâm thỏa đáng tam nông, hỗ trợ xây dựng nông thôn để phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn.

Trả lời: Tại công văn số 6865/BNN-KTHT ngày 26/8/2014

Sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn”, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”. Đây là một chương trình quan trọng, có chiến lược lâu dài để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Sau 3 năm triển khai Chương trình nông thôn mới đã huy động được 485 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 161.938 tỷ đồng, đã có 185 xã đạt 19 tiêu chí, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã trong nông nghiệp. Mô hình cánh đồng lớn được 43 tỉnh trong cả nước áp dụng, có hơn 9.000 mô hình sản xuất với tổng số vốn hỗ trợ trên 8.400 tỷ đồng đem lại năng suất cao hơn trước từ 15-40%, tăng thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 gấp 1,8 lần năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm 2%/năm còn 12,6% năm 2013. Đời sống văn hóa xã hội được nâng cao, giao thông, điện, đường, trường, trạm được đầu tư cải tạo, xây mới khang trang, bước đầu đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy rằng cánh đồng lớn là phương thức tổ chức sản xuất mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Để khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn thì Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg. Trong Quyết định này quy định rõ trách nhiệm và chính sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia là doanh nghiệp, hộ nông dân và tổ chức đại diện của nông dân (hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã). Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để xây dựng quy hoạch cánh đồng lớn và các chính sách hỗ trợ của địa phương. Thời gian tới Chính phủ tiếp tục theo dõi và sẽ điều chỉnh các cơ chế chính sách này cho phù hợp trong với điều kiện thực tiễn.

23. Cử tri các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam kiến nghị: Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhiều hơn nữa để nhân dân giảm bớt khó khăn yên tâm đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất. Bên cạnh đó, cần có giải pháp kiềm chế tăng giá vật tư nông nghiệp và ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng được bán trên thị trường.

Trả lời: Tại công văn số 6137/BNN-KH ngày 01/8/2014

Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong giai đoạn 2009-2013, Nhà nước đã đầu tư trên 520 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn (chiếm 51,7% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ và tăng hơn 2,6 lần so với 5 năm trước). Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 và Nghị quyết của Quốc hội, đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục được ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội.

Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức của chăn nuôi nông hộ thời gian qua như: quy mô nhỏ, chưa an toàn về dịch bệnh, năng lực cạnh tranh còn thấp, ô nhiễm môi trường..., Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020" theo hướng an toàn và phát triển bền vững.

Để khắc phục tình trạng tăng giá vật tư nông nghiệp và ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng được bán trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp sau:

- Nhà nước tăng cường đầu tư và có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất vật tư nông nghiệp; đảm bảo cân đối và chủ động nguồn cung vật tư nông nghiệp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ giá và thị trường vật tư nông nghiệp theo quy định của Luật giá, ngăn chặn tình trạng đẩy giá bán vật tư lên quá cao.

- Tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp; kiên quyết ngăn chặn kịp thời tình trạng đưa vật tư kém chất lượng, hàng giả ra thị trường; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, kết hợp với việc tuyên truyền giáo dục để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.



24. Cử tri các tỉnh Hải Dương, Thái Bình kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị Nhà nước đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sớm có chính sách bình ổn giá nông sản, tiếp tục hỗ trợ về khoa học công nghệ, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống của nhân dân, quan tâm đến chế độ chính sách đối với những cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 6142/BNN-KH ngày 01/8/2014

Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong giai đoạn 2009-2013, Nhà nước đã đầu tư trên 520 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn (chiếm 51,7% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ và tăng hơn 2,6 lần so với 5 năm trước). Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 và Nghị quyết của Quốc hội, đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục được ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:

- Về chính sách bình ổn giá nông sản: Hiện nay, Chính phủ chưa có chủ trương ban hành chính sách riêng về bình ổn giá nông sản. Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp: hỗ trợ lãi suất thu mua, tạm trữ lúa gạo khi vào vụ thu hoạch rộ; hỗ trợ lãi suất mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013); khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013)….

- Hỗ trợ về khoa học công nghệ: Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương thực hiện Chương trình phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản (Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009); Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012); Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 (Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006)…Bộ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

- Về đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống nhân dân: Thực hiện mục tiêu vừa phải duy trì, bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; Bộ Nông nghiệp và PTNT đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa để khuyến khích nông dân giữ đất trồng lúa. Ngoài ra, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

- Về chế độ chính sách đối với những cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp: Bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút cán bộ nông nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù như kiểm ngư, kiểm lâm…hoạt động ở các khu vực có nhiều khó khăn (vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, miền núi, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển…).



tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương