Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Phật Lịch 2539 – 1995 tiểu sử danh tăng việt nam thế KỶ XX tập I thích Đồng Bổn Chủ biên Thành Hội Phật Giáo tp. Hồ Chí Minh ấn hành



tải về 1.74 Mb.
trang59/68
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.74 Mb.
#12299
1   ...   55   56   57   58   59   60   61   62   ...   68

HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM NGUYỆN


(1917 - 1990)

Hòa thượng pháp danh Tâm Nguyện, thế danh là Phạm Văn Quý, sinh ngày 23 tháng chạp năm Bính Thìn (16-1-1917) tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngài là con thứ ba trong một gia đình Nho giáo. Thân phụ là cụ đồ Phạm Đình Giá, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ấm.

Gia đình tuy theo Nho học nhưng lại có đạo tâm hướng về Phật giáo. Lúc nhỏ Ngài được cha mẹ cho đi chùa lễ Phật, nghe giảng kinh pháp, Ngài sớm nhận ra thân người là giả tạm, năm uẩn đều không. Do đó, Ngài có ý xuất gia đầu Phật.

Năm 17 tuổi (1934), được song thân chấp thuận, Ngài đến chùa Bảo Khám thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đảnh lễ cầu Tổ đệ tứ là Hòa thượng Thích Doãn Hài, xin được xuất gia học đạo. Ngài được Tổ thu nạp làm đệ tử và cho thế phát quy y.

Năm 18 tuổi (1935), Ngài được Bổn sư trao truyền thập giới tại chùa Bảo Khám (Tế Xuyên) và được ban pháp danh Tâm Nguyện. Bấy giờ phong trào chấn hưng Phật giáo nở rộ trên miền Bắc. Hội Bắc Kỳ Phật Giáo được thành lập. Báo Đuốc Tuệ, cơ quan truyền bá đạo Phật của hội được xuất bản. Hai Phật học đường được hội mở tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội và chùa Bồ Đề ở Gia Lâm. Ngài được Bổn sư cho lên Hà Nội theo học tại các Phật học đường này. Ngài luôn tỏ ra là một học Tăng đạo hạnh, tinh tấn tu hành.

Năm 22 tuổi (1939), sau ba năm tu học tinh cần, Ngài được đăng đàn thọ Tỳ Kheo giới tại Đại giới đàn ở chùa Quán Sứ, trụ sở của Hội Bắc Kỳ Phật Giáo do Tổ Trung Hậu là Hòa thượng Chân Như làm Đàn đầu Hòa thượng. Hòa thượng Trung Hậu bấy giờ là Giám đốc Phật học đường Bằng Sở ở Hà Nội, còn Hòa thượng Trung Thứ là Đốc giáo và Hòa thượng Tuệ Tạng là Phó đốc giáo kiêm giáo sư luật học. Đến năm 1940 Hòa thượng Trung Thứ viên tịch, qua năm sau, 1941, đến lượt Hòa thượng Trung Hậu. Do đó, Hòa thượng Tuệ Tạng phải đảm trách luôn cả chức Giám đốc lẫn Đốc giáo để điều hành Phật học đường Bằng Sở. Từ đó, Ngài theo Hòa thượng Tuệ Tạng để tu học và đã trở nên một trong những học trò xuất sắc của Tổ.

Năm 1943, Ngài được Tổ Thiện Bản trú trì chùa Cao Đà chỉ định làm đương gia. Từ năm 1946 đến năm 1950, tuy Ngài theo học tại Phật học đường Quán Sứ, nhưng vẫn phụng mệnh Tổ Cao Đà làm trú trì trực tiếp chùa Thượng Nông và Lý Nhân.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, Hòa thượng Tuệ Tạng rời chùa Quán Sứ cùng đệ tử lui về chùa Vọng Cung ở xã Quần Phương tỉnh Nam Định. Trong số đệ tử theo Tổ về đây có Ngài. Ngày 10-5-1959, Hòa thượng Tuệ Tạng viên tịch tại đây. Trước khi trở về cõi Phật, Hòa thượng Tuệ Tạng đã ủy thác cho Ngài cùng với Hòa thượng Thích Tâm Thông cùng trú trì chùa Vọng Cung. Từ đó Ngài cùng các Tăng hữu tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh, mà chư Tổ đã dày công xây đắp. Ngài mở trường dạy Tăng Ni hậu tiến tu học và truyền giảng Phật pháp cho thập phương tín hữu.

Trong thời gian làm trú trì chùa Vọng Cung, Ngài vẫn dành thì giờ cùng với Tăng Ni sơn môn Tế Xuyên trông nom Tổ đình, đồng thời giữ chức thủ tọa chùa Bồ Đề ở Gia Lâm.

Năm 1983, Ngài cùng Tăng Ni tín đồ xây dựng lại chùa Vọng Cung được khang trang, tạo nơi đây thành một chốn già lam ở thành Nam.

Ngoài việc phụng sự đạo pháp, Ngài còn đóng góp công sức vào các công tác từ thiện xã hội. Từ năm 1981 đến năm 1984, Ngài là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Đại biểu Hội đồng Nhân Dân phường Trần Hưng Đạo. Năm 1984, Ngài là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Nam Định khóa 9.

Ngày 13-8-1990 vào lúc 17 giờ, Ngài đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 74 tuổi đời, 51 hạ lạp. Suốt cuộc đời từ lúc thiếu thời cho đến giờ phút cuối, Ngài luôn luôn tâm nguyện: “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp” mà chư Tổ đã căn dặn. Ngài thường lãnh nhiệm vụ giảng sư trong các khóa hạ và chủ hạ nhiều năm tại trường hạ chùa Cả ở Nam Định. Ngài còn được mời làm Đàn đầu Hòa thượng, Yết Ma, Giáo Thọ tại nhiều giới đàn tại địa phương. Tầng lớp Tăng Ni trung, hạ, tọa tại tỉnh Nam Hà hiện nay, hầu hết là học đồ, giới tử do chính Ngài dạy bảo. Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia noi theo trên bước đường tu học vậy.

---o0o---

HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU HUỆ


(1914 - 1991)

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Văn Ba, pháp danh Tâm Ba tự Nhựt Quang, pháp hiệu Bửu Huệ thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt), đời thứ 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm), sinh năm Giáp Dần (1914) tại xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang. Thân phụ là cụ Đặng Văn Cử, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thu. Ngài theo họ mẹ và là con thứ trong gia đình có hai anh em.

Năm lên 7, Ngài được theo học trường Pháp - Việt đến hết bậc Tiểu học. Vốn thuộc gia đình giàu lòng kính tin Tam Bảo, Ngài thường theo mẹ đi chùa lễ Phật ở nhiều nơi, và quy y Tam Bảo tại chùa Thiên Thai - Bà Rịa, được Hòa thượng Huệ Đăng ban pháp danh là Tâm Ba. Lớn lên, Ngài thường tới chùa lễ Phật nghe pháp, cảm nhận được lẽ vô thường tan hợp, sinh tử chia ly, và có ý muốn tìm học đạo giải thoát.

Năm 1938 (Mậu Dần), Ngài tìm đến thọ giáo với Hòa thượng Pháp Long thuộc dòng Lâm Tế, trú trì chùa Thiên Phước tại Tân Hương. Ngài được Bổn sư chỉ dạy kinh Phật và cho đọc các tạp chí Phật học như Từ Bi Âm, Duy Tâm, Viên Âm, Đuốc Tuệ v.v... Nhờ đó hạt giống bồ đề nơi Ngài ngày càng tăng trưởng.

Năm 1944 (Giáp Thân) lúc 30 tuổi, Ngài chính thức xuất gia tại chùa Thiên Phước. Tám tháng sau, ở chùa Long Quang tỉnh Vĩnh Long mở giới đàn, Ngài được Bổn sư cho đến thọ giới Sa Di.

Năm 1946, hai Hòa thượng Trí Tịnh và Thiện Hoa mở Phật học đường tại chùa Phật Quang, vùng rạch Bang Chang quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ngài tới theo lớp Sơ đẳng Phật học 2 năm.

Bấy giờ chiến tranh Pháp - Việt xảy ra khắp thôn quê. Chùa Phật Quang nằm trong vùng mất an ninh. Hòa thượng Trí Tịnh phải lên Sài Gòn mở Phật học đường Liên Hải đặt tại chùa Vạn Phước xã Bình Trị Đông, cách Chợ Lớn 5 Km. Ngài cùng một số huynh đệ đã mãn lớp Sơ đẳng Phật học tại chùa Phật Quang, cùng lên đây theo học.

Năm Ngài 35 tuổi (1949), Phật học đường Liên Hải mở Đại giới đàn, Ngài được Ban Giám đốc cho đăng đàn thọ Cụ Túc giới.

Cùng thời gian, Phật học đường Mai Sơn được thành lập, đặt tại chùa Sùng Đức - Chợ Lớn, do Thượng Tọa Huyền Dung chủ giảng. Sau mùa an cư 1949, Hòa thượng Trí Hữu cắm đất lập chùa Ứng Quang ở đường Lorgeril (nay là đường Sư Vạn Hạnh) và thành lập ở đây một Phật học đường. Năm 1950, do sự giúp sức vận động của các Hòa thượng Nhật Liên và Thiện Hòa, ba Phật học đường trên đây nhập chung lại và gọi là Phật Học Đường Nam Việt, đặt tại chùa Ứng Quang, sau đổi tên là Ấn Quang. Ngài và các Tăng sinh ba trường trở thành Tăng sinh Phật Học Đường Nam Việt.

Lúc này, ngoài số học Tăng cũ, còn có nhiều học Tăng từ các tỉnh và Phnôm - Pênh đến học, tổng số đến 100 vị. Ngài tiếp tục là học Tăng của trường. Năm 1951 Ngài hoàn tất chương trình Trung cấp Phật học. Đến năm 1954 Ngài hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học với các vị đồng khóa như Ngài: Huệ Hưng, Thiền Tâm, Tắc Phước, Bửu Đạt, Tịnh Đức, Tịnh Chơn v.v...

Trong thời gian theo học lớp Cao đẳng, Ngài là học Tăng cao tuổi nhất, được Ban giám đốc cho tham gia việc điều hành sinh hoạt của đại chúng với chức vụ Tri Sự. Ngoài ra, Ngài còn cùng các Tăng hữu tham gia công tác giảng dạy cho lớp Sơ đẳng, phụ trách môn văn. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Ngài cùng Hòa thượng Thiền Tâm xin Ban Giám đốc cho về quê ẩn tu tịnh nghiệp trong một thời gian dài đúng với sở nguyện và hứa sẽ trở lại gánh vác Phật sự để đền ơn Tam Bảo.

Suốt thời gian 10 năm, Ngài ở yên trong tịnh thất Nam Tuyền- Long An, cắt đứt với cảnh đời bận rộn, bế môn từ khách, chuyên tâm tụng kinh sám hối, trì chú, tĩnh tọa tham thiền theo đúng thời khắc biểu đã ấn định, không thay đổi.

Sau Pháp nạn 1963, Phật giáo trở lại sinh hoạt bình thường, và chuẩn bị cho một sự hợp nhất sau quá trình đấu tranh chống lại sự đàn áp tôn giáo. Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Nhiều công tác Phật sự mới được đặt ra. Nhu cầu đào tạo những vị Như Lai Sứ Giả tài đức lại càng cấp thiết. Chùa Ấn Quang trở thành văn phòng Viện Hóa Đạo. Hòa thượng Thích Thiện Hoa là Trưởng ban Hoằng pháp, quyết định dời Phật học viện vào An Dưỡng Địa (Phú Lâm). Nơi đây yên tĩnh, tiện cho việc tu học của Tăng sinh.

Cơ duyên phục vụ đạo pháp của Ngài đã đến. Trong phiên họp ngày 4-2-1964 tại chùa Ấn Quang, Hòa thượng Thiện Hòa và Hòa thượng Thiện Hoa nhất trí cử Ngài Thanh Từ đến tịnh thất Nam Tuyền xã Tân Hương mời Ngài, và đi Bến Tre mời Ngài Thiền Tâm, đồng xả thất lên Sài Gòn chung lo Phật sự.

Ban Giám đốc Phật Học Đường Ấn Quang giao trách nhiệm cho quý Ngài thành lập trường Trung đẳng Phật học Chuyên khoa đặt tại chùa Huệ Nghiêm với gần 40 học Tăng. Ngài được cử làm Giám Viện, Hòa thượng Thiền Tâm làm Giáo thọ. Hòa thượng Thanh Từ làm Quản viện. Đồng thời Ni trường Dược Sư ở Gia Định cũng được khai giảng, đặt dưới sự lãnh đạo kiêm nhiệm của ba vị.

Trong phiên họp ngày 4-5-1965 tại chùa Ấn Quang giữa Ban Giám đốc với Tổng vụ Tăng sự và Phật Học vụ, trường Trung Đẳng Phật học Chuyên khoa được đổi thành Phật Học Viện Huệ Nghiêm, nhận thêm khoảng 300 Tăng sinh vào tu học, gồm các trình độ từ Đệ thất (lớp 6) đến Đệ nhất (lớp 12) theo chương trình phổ thông. Ngài vẫn giữ chức Giám viện.

Đến năm 1968, Phật học viện gặp khó khăn về tài chánh, phải phân tán Tăng sinh tới các Phật học viện Hải Đức ở Nha Trang, Liễu Quán ở Phan Rang, Bảo Tịnh ở Phú Yên, Nguyên Thiều ở Bình Định. Phật học viện Huệ Nghiêm chỉ duy trì một lớp Trung đẳng Chuyên khoa khóa II. Cũng năm ấy, thể theo lời mời của Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục, Ngài đảm nhiệm luôn chức vụ phụ tá Vụ trưởng Phật học vụ, đặc trách chỉ đạo các Phật học viện Bắc Tông tại các tỉnh miền Nam.

Năm 1970 Đại hội Văn hóa Giáo dục kỳ IV họp tại Đà Lạt, Giáo Hội quyết định thành lập một Viện Cao Đẳng Phật Học đặt tại chùa Huệ Nghiêm suy cử Hòa thượng Trí Tịnh làm Viện trưởng, Ngài làm Phó Viện trưởng. Ngài cũng trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn Luận cho Tăng Ni sinh ở hai trường Huệ Nghiêm và Dược Sư.

Cuối năm 1974, Hòa thượng Thiện Hòa đau yếu phải vào bệnh viện, bèn làm giấy ủy quyền cho Ngài trọn quyền quản lý các cơ sở trực thuộc Tổ đình Ấn Quang như hãng vị trai Lá Bồ Đề, cô nhi viện Diệu Quang. Ngài lại được Hội đồng Quản trị chùa Ấn Quang cử làm Phó đổng lý. Ngoài ra Ngài còn được cử làm Trưởng ban Quản trị để duy trì cơ sở Huệ Nghiêm cho đến ngày viên tịch.

Về công đức khai đàn truyền giới, năm 1965, Ngài làm Trưởng ban tổ chức và Giáo thọ giới đàn Sa Di tổ chức tại chùa Huệ Nghiêm. Năm 1966 Ngài lại làm Trưởng Ban tổ chức Đại giới đàn Tỳ Kheo, Bồ Tát miền Quảng Đức cũng tổ chức tại chùa Huệ Nghiêm. Năm 1968 Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ tại Đại giới đàn Hải Đức ở Nha Trang. Năm 1969 Ngài lại được cử làm Trưởng Ban tổ chức Đại giới đàn Tỳ Kheo, Bồ Tát lần thứ 2 tại chùa Huệ Nghiêm.

Sau ngày 30-4-1975 hoạt động của Phật giáo chuyển qua hoàn cảnh mới. Ngài hướng dẫn chư Tăng nhập thất tĩnh tu tại bản viện theo phương pháp và kinh nghiệm mà Ngài đã thực hành trong 10 năm (1954-1964).

Trong những năm chiến tranh, Ngài phải lánh cư nhiều nơi, nhiễm phải bệnh sốt rét. Lúc về già, bệnh tái phát khá nặng. Ngài bàn giao việc quản trị viện cho các đệ tử, chỉ làm cố vấn. Vào lúc 2 giờ ngày 27 tháng 10 Tân Mùi (02-12-1991), Ngài viên tịch tại chùa Huệ Nghiêm, hưởng thọ 78 tuổi đời và 42 hạ lạp.

---o0o---



tải về 1.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   55   56   57   58   59   60   61   62   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương