Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Phật Lịch 2539 – 1995 tiểu sử danh tăng việt nam thế KỶ XX tập I thích Đồng Bổn Chủ biên Thành Hội Phật Giáo tp. Hồ Chí Minh ấn hành



tải về 1.74 Mb.
trang56/68
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.74 Mb.
#12299
1   ...   52   53   54   55   56   57   58   59   ...   68

HÒA THƯỢNG THÍCH BÌNH MINH


(1924 - 1988)

Hòa thượng Thích Bình Minh, pháp danh Quảng Tuấn, thế danh Nguyễn Bình Minh, sinh ngày 20 tháng 10 năm Giáp Tý (10-11-1924) tại xã Hương Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Chữ và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Ninh. Ngài là con út trong gia đình có bốn trai hai gái, nên được học hành chu đáo cả Nho lẫn Tây học.

Gia đình Ngài đều là những Phật tử thuần thành. Trung tuần tháng 6 năm Mậu Dần (1938), Ngài được song thân cho phép xuất gia và được Sư cụ Thanh Tiên, trụ trì chùa Tuân Lục, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nhận làm đệ tử và truyền thụ tam quy ngũ giới.

Cuối năm 1938, Ngài được truyền thụ Sa Di giới và tu học ở chùa Tuân Lục được hơn một năm. Cuối năm 1939, khi Sư cụ Thanh Tiên vào trụ trì tại chùa Lễ (An Lạc) thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An, Ngài được theo Bổn sư.

Ngài tu học tại đó đến giữa năm 1944 thì ra chùa Quán Sứ, được Hòa thượng Trí Hải quan tâm đưa sang chùa Bồ Đề (huyện Gia Lâm) theo học Tổ Tuệ Tạng (tức Tổ Cồn) và sau đó lại trở về chùa Quán Sứ học Duy Thức học do Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha (Thiều Chửu) giảng.

Vào đầu năm 1945, Ngài được cử đi trụ trì chùa làng Phú Nghĩa Hạ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mới được nửa năm thì Cách Mạng Tháng Tám thành công, Ngài trở lại chùa Quán Sứ và sau đó Ngài về chùa Cồn (Nam Định) theo Tổ Tuệ Tạng để tu học.

Từ cuối năm 1945 đến giữa năm 1954, Ngài y chỉ hẳn vào Tổ Tuệ Tạng để tu học và đã theo hầu Tổ trú chân đó đây nhiều cảnh chùa như Quần Phương Trung, Nam Anh, Cát Chữ, Nội, Sở, Vọng Cung, Quán Sứ v.v...

Vào trung tuần tháng 3 năm Mậu Tý (1948), Tổ Tuệ Tạng tổ chức giới đàn để truyền thụ Tỳ kheo giới cho Ngài và các bạn đồng tu có giới hạnh.

Từ năm 1951 đến 1954, Tổ cho Ngài ra ở chùa Quán Sứ để học Trung cấp ngoại điển. Sau Hiệp định Genève, Ngài vào Nam để tham cứu thêm nội điển nơi các bậc Tôn đức Phật giáo đàng trong. Đầu tiên, Ngài tạm trú tại chùa Ấn Quang, nơi có Phật học đường Nam Việt đang mở do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc cũng là đồng hữu tu học môn Luật tạng với Ngài tại chùa Cồn.

Đầu năm 1955, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam ra đời, chùa Giác Minh được thành lập, Ngài về chùa Giác Minh giữ chức Giảng viên kiêm Thủ quỹ. Sau đó Ngài về chùa Giác Hoa ở Gia Định để học thêm ngoại ngữ và nghiên cứu nội điển. Cũng trong năm này, Ngài cùng một số vị Tăng hữu sang Campuchia tham quan các ngôi chùa nổi tiếng và tìm hiểu về Phật giáo Nguyên Thủy.

Năm 1957, Ngài được cử giữ chức Tổng thư ký Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, tiếp theo Ngài làm Ủy viên Hoằng pháp, rồi cố vấn giáo lý và Chánh Duy Na chùa Giác Minh cho đến năm 1960.

Năm Tân Sửu (1961), Ngài khai sơn cảnh chùa riêng do Ngài tự tạo để tìm sự yên tĩnh tư duy về giáo lý và giảng dạy Tăng tín đồ. Đó là chùa Hòa Bình ở đường Lê Văn Duyệt, quận 10 Sài Gòn. Tại nơi đây chính thức bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa của Ngài. Tăng tín đồ khắp nơi quy ngưỡng về học Giáo lý và Luật tạng rất đông và đều đặn.

Năm 1964, Ngài được bầu làm Đặc Ủy Tăng Sự Miền Vĩnh Nghiêm, và giữ chức vụ ấy đến ngày thống nhất đất nước (1975). Trong thời gian này, Ngài cùng Hòa thượng Thích Thanh Kiểm hướng dẫn một đoàn Phật tử Việt Nam tham quan chiêm bái thắng tích các cảnh chùa ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (năm 1967). Rồi cùng các Hòa thượng trong đoàn Phật giáo Việt Nam đi thăm viếng Phật giáo các nước Lào, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông (1969). Trong những năm này, Ngài được mời làm Giáo sư giảng dạy tại Phật học viện Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1972, Ngài được Giáo Hội cử đi dự Đại hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới lần thứ 10 tại Tích Lan (Colombo) cùng với các Hòa thượng Thanh Kiểm, Độ Lượng, Kim Sang. Sau đó Ngài được cơ duyên thăm viếng các ngôi chùa nổi tiếng tại Kandy, Anuradhapura, Mihintale.

Cuối năm 1972 đến năm 1973, Ngài được mời làm Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Phật học Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, sau đó làm Đặc Ủy Phật học miền Vĩnh Nghiêm cho đến ngày thống nhất đất nước, và tiếp tục giữ chức Ủy Viên Quản Trị chùa Vĩnh Nghiêm suốt những năm về sau.

Năm 1983-1984, Ngài dạy luật tại Phật học viện Thiện Hòa chùa Ấn Quang, và phụ trách môn Kinh Luật tại các trường hạ Vĩnh Nghiêm, Giác Ngộ và các Phật học Ni trường cùng giảng giáo lý phổ thông cho Phật tử tại chùa Hòa Bình. Đặc biệt, qua các lớp chuyên khoa Luật học tại chùa Hòa Bình, Ngài đã tạo được một thế hệ kế thừa vững chắc về căn bản giáo điển cần thiết để thi hành nhiệm vụ Sứ Giả Như Lai.

Ngoài việc giảng dạy, Ngài còn biên soạn các giáo trình, phiên dịch các kinh điển phổ cập và công trình cuối cùng là phiên dịch bộ luật Yết Ma Chỉ Nam ra tiếng Việt, giúp cho Tăng Ni có điều kiện hành sự tác pháp Thiền môn đúng luật. Bên cạnh đó, Ngài tổ chức việc tác pháp tụng giới đều đặn tại giới tràng chùa Hòa Bình cho Tăng sinh các nơi về đây thực tập, và là giới tràng tụng Bồ Tát giới cho cư sĩ Phật tử.

Nhưng hữu thân tức hữu bệnh, một bệnh nan y đã khiến Ngài ra đi về cõi Phật vào ngày 15 tháng 11 năm Mậu Thìn (23-12-1988) tại chùa Hòa Bình trong sự luyến tiếc của Tăng Ni Phật tử. Ngài trụ thế được 64 năm với 40 hạ lạp.

Hòa thượng đã biên soạn và phiên dịch các tác phẩm :

- Phật Giáo giáo khoa (biên soạn).


- Kinh 42 Chương (dịch).
- Kinh Di Giáo (dịch).
- Kinh lễ 6 phương (dịch).
- Nghi thức phổ thông (biên soạn).
- Yết Ma Chỉ Nam (dịch).

---o0o---


HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC QUANG


(1908 - 1988)

Hòa thượng Thích Phước Quang thế danh Tiêu Mao, sinh ngày 28-4 Mậu Thân (1908) tại làng Tân Hội, huyện Vạn Linh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Xuất thân trong một gia đình nông dân, thân phụ là cụ Tiêu Minh, thân mẫu là cụ Ấu Quý. Ngài tham gia phong trào Tam Dân do Tôn Dật Tiên lãnh đạo. Năm 1927, bị Tưởng Giới Thạch khủng bố, cả gia đình chạy sang Việt Nam, vào Chợ Lớn, xuống Định Tường làm công cho tiệm giải khát tại thành phố Mỹ Tho để kiếm sống.

Nhờ ảnh hưởng truyền thống cách mạng của gia đình nên khi sang Việt Nam, Ngài dễ dàng hội nhập vào xã hội của giai cấp lao động nghèo để giúp đỡ người cô thế, chống áp bức bất công nên được đồng bào người Hoa cũng như người Việt thương mến quý trọng.

Thuở thiếu thời Ngài là một võ sư nổi tiếng từ Sài Gòn đến Lục Tỉnh. Do đó các quan lại cầm quyền cùng hương chức hội tề chuyên áp bức nhân dân đều nể sợ Ngài, anh em tựu nghĩa về dưới trướng rất đông. Ngài tập họp được một nhóm anh em công nhân người Hoa quan hệ với thợ thuyền hãng xưởng ở Mỹ Tho hòa nhập vào cao trào Cách Mạng tại địa phương.

Năm 1936-1939, Ngài hướng dẫn công nhân lao động thành phố Mỹ Tho tham gia phong trào Mặt trận bình dân Nam Kỳ, dự mít-tinh, đấu tranh đình công bãi thị đòi dân sinh, dân chủ. Sau đó Ngài được cách mạng huy động cùng với Hà Tôn Hiến, võ sĩ Tộ chuyên trách huấn luyện anh em võ trang, tự vệ đỏ.

Đêm 22 tháng 11 năm 1940, nhận lệnh khởi nghĩa, Ngài hướng dẫn toán nghĩa quân người Hoa trong thành phố Mỹ Tho cùng nhân dân toàn tỉnh nổi dậy cướp chánh quyền. Nhưng do cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị lộ, giặc Pháp đã đề phòng, việc cướp chánh quyền bị thất bại, chúng ra tay đàn áp, Ngài và anh em phải lẩn trốn và hoạt động bí mật.

Tháng 8 năm 1945, Ngài cùng nghĩa quân một lần nữa cướp chính quyền. Cách Mạng Tháng Tám thành công, Ngài được cử làm Hội trưởng Hội Hoa kiều Liên Hữu, là tiền thân của Hoa Kiều giải phóng Liên hiệp Hội tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1954.

Tháng 7 năm 1954, hòa bình lập lại, Ngài tiếp tục lãnh đạo người Hoa tham gia các cuộc mít-tinh biểu tình đòi thi hành hiệp định Genève. Ngài bị chính quyền nhà Ngô ba lần vây bắt, nhờ mưu trí và tài võ nghệ cao cường nên cả ba lần Ngài đều trốn thoát.

Năm 1954, Ngài lên Sài Gòn gắn với phong trào hòa bình hoạt động cùng ông Ký Đăng, khi cơ sở bị phát hiện, Ký Đăng bị bắt, Ngài trốn thoát được và bước qua bước ngoặt mới: Ngài xuất gia đầu Phật, bỏ lại sau lưng quá khứ hào hùng ấy mà đi vào lãnh vực tịch tịnh từ bi.

Năm 1960, Ngài xuất gia tại chùa Giác Nguyên ở Khánh Hội, được Hòa thượng Thiện Tường thâu nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Phước Quang, húy là Trừng Minh. Tại đây Ngài Phước Quang chăm lo tu học và chấp lao phục dịch thiền môn dưới sự dìu dắt của Hòa thượng Bổn sư.

Năm 1961, chùa khai giới đàn, Ngài được thọ giới Sa Di. Do là người Hoa, nên Hòa thượng Bổn sư cho phép tu học hành đạo theo Hoa Tông mang tính đặc thù của người Hoa, vốn là để Ngài gần gũi kết duyên với Hoa Tông mà cảm hóa tín đồ người Hoa truyền thừa đạo mạch. Nhờ sự kiên trì tu học, Ngài ngày càng có uy tín trong giới Phật giáo người Hoa, cuối năm 1961, Ngài kiến lập Từ Đức Tịnh Xá làm trú xứ và làm nơi qui tụ Phật tử người Hoa về đây lễ bái tu học.

Năm 1962, Ngài thọ Tỳ kheo giới tại Giới đàn chùa Tứ Diện tỉnh Trà Vinh. Từ đây, trên đường hành đạo, Ngài đã có điều kiện tập hợp tín đồ, quy tụ quần chúng thành lập các Hội quán, các tổ chức hợp pháp như:

. Hội Từ Thiện - Quan Âm cứu trợ.
. Đại Từ Liên Xã.
. Nhóm chống bắt lính v.v...

Năm 1970, chư Tôn người Hoa tại Việt Nam trù bị thành lập Giáo Hội Phật Giáo Hoa Tông Việt Nam. Ngài được mời làm thành viên Ban trù bị. Đến năm 1972, tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài được bầu làm Tổng vụ Trưởng Tài chánh Ban chấp hành Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và cũng tại Đại hội này, Ngài được suy tôn làm Hòa thượng.

Năm 1973, Ngài xây dựng thêm ngôi chùa Từ Đức mới, với qui mô lớn hơn nhằm mở rộng cơ sở, qui tụ quần chúng làm Phật sự. Ngoài việc tu học phụng sự đạo pháp, Ngài còn lãnh đạo tín đồ người Hoa cùng với Phật giáo toàn quốc tham gia đấu tranh đòi hòa bình chống áp bức theo xu thế chung bấy giờ; và còn vận động tài chánh vật chất chuyển ra vùng cách mạng, giúp cho cán bộ hoạt động nội thành ăn ở hội họp rất bí mật và an toàn.

Năm 1975, với lực lượng và uy tín lớn sẵn có, Ngài huy động các tầng lớp người Hoa tham gia cuộc cách mạng lịch sử thống nhất nước nhà. Cách mạng thành công, Ngài được Phật giáo Hoa Tông Việt Nam bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong kỳ Đại hội bất thường. Đến tháng 8-1975, Ngài lại được đề cử làm Ủy viên đoàn Chủ tịch kiêm Thủ quỹ Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước Thành Phố.

Tháng 3 năm 1976, Ngài được cử làm Ủy viên Ban kiểm tra bầu cử Quốc hội thống nhất. Từ năm 1976 đến 1987, Ngài là Đại biểu Hội đồng Nhân dân Quận 5 các khóa 1, 2, 3; là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Thành phố và quận 5 suốt 3 nhiệm kỳ. Và là Trưởng Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu nước quận 5, sau là Chánh Đại diện Phật giáo quận 5.

Năm 1978, Ngài hướng dẫn 148 hộ tư sản chuyển sang sản xuất tại Tân Lập, Tiền Giang. Tại đây Ngài đã kiến tạo một cơ sở Từ Đức 3.

Tháng 11, năm 1981, tại Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc ở chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ngài được suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng Minh.

Năm 1982, tại Đại hội thành lập Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Ngài được cử làm Ủy viên Ban Trị Sự, đặc trách hệ Hoa Tông.

Ngoài ra, trong quá trình hành đạo của mình, Ngài đã xây dựng được các cơ sở đến nay vẫn còn phát huy tác dụng lợi ích cho xã hội là:

. Trường Chính Nghĩa (Mỹ Tho).


. Trường Chánh Giác (Thủ Dầu Một).
. Tang nghi quán Quảng Đông (quận 5).

Tuổi già sức yếu, định luật vô thường rồi cũng đến với bất cứ một ai. Tuy đảm trách nhiều chức vụ Phật sự trong lúc ngã bệnh, Ngài vẫn chỉ đạo công tác cho đến khi không thể trở dậy được nữa. Ngài đã làm di chúc, sáng suốt ủy thác sự nghiệp lại cho Giáo Hội và Môn đồ, cầu thỉnh Chư Tôn đức về chùa Từ Đức để gặp mặt lần cuối cùng và làm lễ cúng dường rộng rãi.

Ngài nhẹ nhàng thị tịch vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 8 Mậu Thìn, tức ngày 30-9-1988 tại chùa Từ Đức quận 5. Trụ thế 81 năm, hành đạo 30 năm.

Hòa thượng Thích Phước Quang có công lao to lớn trong hoạt động cách mạng xuyên suốt hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Là một bậc tu hành tiêu biểu giàu lòng yêu nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

---o0o---



tải về 1.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   52   53   54   55   56   57   58   59   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương