Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Phật Lịch 2539 – 1995 tiểu sử danh tăng việt nam thế KỶ XX tập I thích Đồng Bổn Chủ biên Thành Hội Phật Giáo tp. Hồ Chí Minh ấn hành



tải về 1.74 Mb.
trang57/68
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.74 Mb.
#12299
1   ...   53   54   55   56   57   58   59   60   ...   68

HÒA THƯỢNG THÍCH THANH CHÂN


(1905 - 1989)

Hòa Thượng pháp danh Thích Thanh Chân, hiệu Nhẫn Nhục, thế danh là Nguyễn Thanh Chân. Sinh ngày 4 tháng 10 năm Ất Tỵ (1905), tại thôn Quỳnh Trân, xã Nam Cầu Hạ (nay là xã Nam Hạ ), huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà.

Ngài sinh ra trong một gia đình Nho học thuần đức, ngay từ thuở thiếu thời, đã được giáo đục đúng mực, sống hòa ái với mọi người, có chí tiến thủ và lúc nào cũng tỏ ra hiếu thuận với song thân. Người Thầy đầu tiên chính là anh cả của ngài, đã trực tiếp kèm Ngài học hành suốt quảng đời niên thiếu.

Năm Kỷ Mùi (1919) khi tròn 15 tuổi, Ngài được song thân dẫn đến xin thọ pháp xuất gia học đạo với Hòa Thượng Thanh Tích, Giám tự Hương Sơn lúc đó. Vốn sẵn trí thông minh lại làu thông Nho điển, nên Ngài đã nhanh chóng được Thầy nhận làm đệ tử truyền trao giáo pháp.

Năm 17 tuổi (Tân Dậu-1921) sau thời gian chấp tác hành đạo, Ngài được Bổn Sư cho thọ Sa Di giới. Từ đây Ngài được phép đi tham học khắp nơi với tâm niệm muốn trực tiếp thâm nhập tạng bản Phật pháp mà chìa khóa ban đầu là vốn Nho học, do đó Ngài tiếp tục tìm đến cụ Tú ở Bát Tràng để nâng cao thêm kiến thức Nho học, tiếp nữa đến cụ Cử Đồng Bào.... Để rồi sau khi thấy trình độ tương đối, Ngài mạnh dạn tìm đến Thiền Viện Phúc Khánh (Bằng Sở) để học Phật, lúc này do Hòa thượng Phan Trung Thứ (Thanh Cát ) trực tiếp giảng dạy.

Năm 21 tuổi (Ất Sửu -1925) Ngài thọ Tỳ Kheo giới. Sau khi được thọ giới, Ngài càng ra sức trau dồi kiến thức Phật học, không ngừng nỗ lực phấn đấu để tự vươn lên trong điều kiện khiếm khuyết về vật chất lẫn phương tiện lưu truyền kinh tạng. Không lâu sau đó Ngài được cử nhận chức trụ trì chùa Quỳnh Chân tại quê nhà.

Năm Giáp Tuất (1934) khi đã 30 tuổi, Ngài trở lại Hương Tích tiếp tục tinh nghiên giáo lý và để được gần gũi Bổn sư thọ giáo thêm những điều chưa hiểu. Thời gian này chính là giai đoạn thử thách cực kỳ lao nhọc. Cũng như Tăng chúng khác, ngoài những thời khóa tu học, Ngài phải lao động chấp tác để có lương thực sinh sống hoặc phải san bằng cây cỏ, tạo mở lối đi, tránh bớt vẻ hoang vu nơi cô tịch xa xôi.

Khi Bổn sư viên tịch, Tăng chúng đồng thanh đề cử ngài làm Giám viện động Hương Tích. Với nhiệm vụ nặng nề này Ngài càng tỏ ra nghiêm túc để làm gương độ chúng, nhưng không tạo ra khoảng cách trong đồng môn và Tăng chúng các thế hệ sau. Các lớp Phật pháp căn bản được Ngài mở ra theo quy trình nhất định để Tăng chúng có dịp hiểu sâu thêm tinh hoa Phật Đà và nhận rõ mục đích cao đẹp của việc xuất gia. Đó cũng là ước nguyện lâu dài của Ngài đối với tiền đồ Phật giáo khi hội đủ nhân duyên kết hợp.

Nhưng ước nguyện cao đẹp ấy chỉ mới bắt đầu kiến tạo nền móng chưa được bao lâu thì liên tục từ những năm 1947 cho đến 1950, quân Pháp chọn nơi này làm vị thế chiến lược, nên đã ra sức đánh phá ác liệt. Vì thế Phật tử chung quanh nhất là Tăng chúng, phải rời khỏi nơi này. Ròng rã những tháng ngày kế tiếp chỉ còn Ngài là người duy nhất ở lại với chùa Tổ trông nom coi sóc để mọi người tản cư. Hành động cũng có nghĩa rằng Ngài là điểm tựa để các tổ chức kháng chiến bám trụ. Tấm lòng yêu nước nồng nàn của Ngài đã được thể hiện mãnh liệt trong thời gian, hoàn cảnh đó.

Năm Bính Thân (1956), khi tình hình vãn hồi mọi hoạt động của Hương Sơn trở lại khung cảnh ban đầu, Ngài đã được chính thức cử giữ chức trụ trì thắng cảnh này cho đến ngày viên tịch.

Ngoài việc nghiêm hành giới luật và dù trong bất kỳ giai đoạn nào Ngài cũng là thành viên tích cực của Giáo Hội Phật Giáo, không bao giờ xao lãng nhiệm vụ của người tu sĩ yêu nước. Từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến suốt cả thời gian kháng chiến, Ngài từng là Ủy viên Mặt trận Việt Minh các cấp, Ủy viên Mặt trận Liên Việt Liên khu 3. Sau năm 1956, Ngài cũng liên tục giữ chức Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình và tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh 6 khóa.

Bên cạnh đó, Ngài còn là một trong nhiều vị sáng lập hội Phật Giáo Cứu Quốc với cương vị Ủy viên thường trực và chủ bút tờ báo Diệu Âm, tiếng nói Phật Giáo yêu nước thời đó.

Ngài còn tích cực vận động và tìm sự ủng hộ từ mọi phía nhất là với các vị Tôn đức miền Bắc lúc đó, nhằm thành lập một tổ chức Phật Giáo Thống Nhất. Năm 1956, Ngài đã hợp cùng chư vị khác trong Tăng đoàn đến gặp Chủ Tịch Hồ Chí Minh để xin phép thành lập Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam.

Năm Mậu Tuất (1958), Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam được thành lập, Ngài được tham gia vào Ban Trị Sự Trung Ương và Ban Chứng Minh Đạo Sư, đồng thời trực tiếp làm Chi Hội Trưởng các tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình. Từ đó Ngài đã yên tâm tu dưỡng và hoằng hóa trên cương vị lãnh đạo của một tổ chức Phật Giáo Thống Nhất ở Miền Bắc. Dù vậy trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, tấm lòng vị Tăng già thiết tha với đạo vẫn hoài vọng thiết tha.

Năm Ất Mão (1975), thời điểm thống nhất đất nước sau hơn hai mươi năm chia cắt. Ước mơ thống nhất Phật Giáo lúc này càng trở nên thiết thực bội phần, nhất là theo định luật vô thường tuổi đời Ngài đã không còn cơ duyên tồn tại lâu hơn. Do đó Ngài cùng Hòa Thượng Trí Độ và một vài vị lãnh đạo Miền Bắc lo xúc tiến công việc. Các Ngài liền tìm gặp lại chư vị trong Nam sau bao năm dài ngăn cách. Tấm lòng đó đã bắt nhịp đúng với tâm tư nguyện vọng của những vị trong Nam. Thuận duyên lớn nhất đã đem đến kết quả thống nhất Phật Giáo nhanh chóng chính là nhờ nhiệt tình của Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Các Ngài đã gặp nhau và đã cùng nhau thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Năm 1981 (Tân Dậu), ngay tại Đại hội đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ngài được suy cử Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương và giữ nguyên chức vụ này cho đến khi viên tịch.

Năm Mậu Thìn (1988), sau bao năm dài lao nhọc tâm não lẫn thể lực, căn bệnh cũ tái phát trầm trọng, Ngài phải vào bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô để điều trị.

Năm Kỷ Tỵ (1989) sau hơn một năm trị bệnh, Ngài đã thị tịch ngày 17 tháng 02, nhằm ngày 12 tháng 01 â.l, hưởng thọ 85 tuổi đời, 70 tuổi đạo.

---o0o---

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ HƯNG


( 1917 - 1990 )

Hòa thượng Thích Huệ Hưng, húy Ngộ Trí thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc ).

Ngài thế danh là Nguyễn Thanh Chẩm, sanh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Tho, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu, thân mẫu là cụ Trần Thị Mậu pháp danh Diệu Thiệt. Năm 62 tuổi, cụ bà xuất gia thọ giới Sa Di Ni.

Là con trưởng trong gia đình gồm bảy anh em, Ngài dìu dắt các bào đệ bước vào lộ trình giải thoát như :

1/ Thượng tọa Thích Huệ Viên, trụ trì chùa Sơn Bửu (Vũng Tàu ).
2/ Thượng tọa Thích Minh Cảnh, trụ trì tu viện Huệ Quang.
3/ Ni Sư Thích Nữ Như Trí (đã viên tịch năm 1978).
4/ Ni Sư Thích Nữ Như Diệu, trụ trì tu viện Diệu Đức, Quận Bình Thạnh.

Vốn sanh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tín Tam Bảo, sâu trồng ruộng phước Tăng già, Ngài sớm nhận thức cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường. Ngài đến núi Sập để tìm nơi tu dưỡng, hằng ngày lo niệm Phật tụng kinh. Cơ duyên hội đủ, Ngài được Tổ Vạn An (Sa Đéc) cho thế phát năm 1938, lúc ấy Ngài vừa tròn 21 tuổi.

Năm 1942, Tổ Vạn An khai đàn trao giới, Ngài chính thức thọ Sa Di. Vốn thông minh sẵn có và lòng khát ngưỡng Đại Thừa, ngày đêm Ngài tinh tấn tu hành, lo phụng trì chánh giới.

Năm 1943, Tổ Vạn An biết Ngài là bậc pháp khí Đại Thừa, xứng đáng ngôi Long Tượng của Phật pháp bèn quyết định cho thọ Tỳ Kheo Bồ Tát Giới tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long. Sau đó ở lại chùa này học kinh luật trong mười tháng rồi qua chùa Phước Duyên ở Mỹ Tho tu học cho đến năm 1945, Ngài vào học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh được 6 tháng. Vì tình hình chiến sự trong nước, Ngài phải trở về học với Hòa thượng Hành Trụ tại chùa Long An - Sa Đéc.

Cuối mùa đông 1947, Ngài cầu học với Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tại Phật Học Đường Liên Hải - Sàigon.

Năm 1951, Ngài dưỡng bệnh tại chùa Giác Nguyên - Khánh Hội, đồng thời dạy kinh pháp cho Tăng chúng. Cũng tại chùa Giác Nguyên này, Ngài phiên dịch kinh Duy Ma Cật và Kim Cang Giảng Lục.

Năm 1954, với hoài bão “ Hoằng pháp là nhà, lợi sanh là sự nghiệp”, Ngài đã phụ giúp Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ chùa Ấn Quang giảng các bộ kinh Đại Thừa.

Năm 1955, Ngài làm Phó Liên trường Hội Cực Lạc Liên Hữu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên trường.

Năm 1956, Ngài sang Nam Vang dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề, khi trở về Ngài được mời làm trụ trì chùa Kim Huê - Sa Đéc.

Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mở khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa Thượng Thích Thiện Hòa làm Trưởng ban và mời Ngài đảm nhiệm Phó trưởng ban kiêm Thư ký.

Năm 1958, Ngài giảng dạy tại Phật Học Đường Phước Hòa - Trà Vinh.

Năm 1960, Ngài mời Thượng tọa Huệ Phát giữ chức vụ trụ trì chùa Kim Huê để Ngài yên tâm nhập thất thiền định.

Năm 1962, Ngài xây dựng Thiền viện Tập Thành ở Bà Chiểu và làm giới sư Đại giới đàn Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang.

Năm 1964, ngài được mời làm giới sư tại Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự.

Từ năm 1966 đến 1969 Ngài làm giáo sư tại Phật Học Viện Cao Đẳng Huệ Nghiêm và giảng kinh Viên Giác tại chùa Tuyền Lâm.

Năm 1970, Ngài khai sơn Tu Viện Huệ Quang rồi thường trụ và hành đạo tại đây. Ngài được mời làm giới sư tại các giới đàn: Huệ Quang - Mỹ Tho (năm 1972), Phước Huệ - Nha Trang (năm 1973), Quảng Đức - Long Xuyên (năm 1974) và được mời làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng được suy cử làm Tổng lý Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang.

Từ năm 1976 đến 1980, hai Đại giới đàn Quảng Đức và Thiện Hòa được mở ra tại chùa Ấn Quang, Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê.

Năm 1982, Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I đề cử ngài giữ chức vụ Phó Ban Trị Sự Thành hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục Tăng Ni.

Năm 1984, Ngài là giới sư Đại giới đàn do Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Ấn Quang. Đồng thời Ngài được mời giảng dạy tại các trường hạ do Thành Hội tổ chức cùng giữ chức Hiệu Phó kiêm giảng viên trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở 2.

Năm 1987, Đại Hội Phật Giáo nhiệm kỳ II, Ngài được tái cử chức vụ Phó Ban Trị Sự Thành Hội. Mùa an cư năm này, Ngài làm thiền chủ trường hạ do Thành Hội tổ chức tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Tháng 10/1987, Ngài đi dự Đại Hội Phật Giáo toàn quốc kỳ II tại Hà Nội. Ngài được tấn phong Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm 1988, Ngài làm Yết Ma A Xà Lê tại Đại giới đàn do Thành Hội Phật Giáo tổ chức lần thứ II tại chùa Ấn Quang.

Năm 1989, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam được thành lập, Ngài được cử làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn.

Cuộc đời hành hóa của Ngài rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục. Ngài là một luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật Tử trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Trong sự nghiệp tham thiền và giảng dạy, Hòa Thượng đã phiên dịch:

- Kinh Duy Ma Cật.
- Kim Cang Giảng Lục.
- Lược Sử Đức Lục Tổ.
- Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại  Định.
 
Chưa xuất bản:

- Kinh Phật thuyết Đương Lai Biến.


- Kinh Phật thuyết diệt tận.
- Tập Tri Kiến Giải Thoát.

Đang soạn dịch:

- Kinh Phạm Võng Hiệp Chú.

Theo năm tháng trôi qua, bốn đại tùy duyên thuyên giảm, Ngài ngọa bịnh tại thiền sàng. Chẳng bao lâu Hòa thượng thu thần viên tịch vào ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1990). Ngài trụ thế được 74 năm, với 46 hạ lạp. Bảo tháp Ngài được xây dựng tại Đại Tòng Lâm - Bà Rịa để cùng đứng chung với các vị tiền bối đã kiến tạo nên cơ sở Tổ đình Ấn Quang.

---o0o---



tải về 1.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   53   54   55   56   57   58   59   60   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương