GIẢi nhân quyền việt nam 2008 giải truyền thông liên mạng 2011 trong số NÀY



tải về 0.5 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.5 Mb.
#28731
1   2   3   4   5   6

Kết luận

TPP không phải là chiếc đũa thần sẽ mang lại phồn vinh nhanh chóng cho Việt Nam nhờ vào gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư của thị trường chiếm 40% GDP toàn thế giới.

Điều quan trọng là CSVN có nghiêm chỉnh thi hành những khuyến cáo của các quốc gia thành viên trong quá trình đàm phán và cam kết áp dụng quy định của TPP để không bị chế tài, thì mới tạo ra một không gian phát triển thuận lợi hơn cho VN.

Muốn như vậy, thì đây là thời điểm thuận lợi cho đảng CSVN nhìn lại toàn bộ chủ trương, đường lối và các chính sách phát triển kinh tế nhân tổ chức đại hội đảng lần thứ XII dự trù diễn ra vào tháng 1-2016.

Thứ nhất là CSVN nên sớm chính thức chia tay chủ nghĩa Mác Lê-nin lạc hậu đã kéo đất nước trì trệ từ hàng chục năm qua và chấm dứt mọi hình thức độc quyền của đảng CSVN.

Thứ hai là nên bỏ chính sách ba không, tích cực đẩy mạnh các quan hệ với Hoa Kỳ để cùng hợp tác bảo vệ con đường tự do hàng hải trên biển Đông, vì nếu TQ khống chế sẽ làm ảnh hưởng rất lớn cho TPP.



Nếu lãnh đạo CSVN làm được 2 điều nói trên thì việc gia nhập TPP mới thực sự mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc và đất nước Việt Nam.

Nhưng từ bỏ quyền lực hay thực hiện một chính sách tôn trọng nhân quyền là điều mà không một chế độ độc tài nào tự ý làm nếu không có nỗ lực đấu tranh của người dân. Vì thế, chúng ta nên coi việc CSVN đàm phán với các quốc gia, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ để tham gia vào TPP, là một cơ hội nhằm mở rộng các cuộc vận động buộc Hà Nội phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm cũng như tôn trọng các hoạt động của những đoàn thể xã hội. Đồng thời, những đòi hỏi gắn liền TPP với cải thiện nhân quyền của CSVN cũng gởi một thông điệp cụ thể tới chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên TPP về chính nghĩa và mục tiêu đấutranh bất khoan nhượng của người Việt yêu nước.



(Dân Luận)
Trong tuần này, dư luận tại VN lại nóng lên bởi những chi tiết mà chắc chưa có người dân nào được biết ngoài mấy ông Bộ trưởng. Và, bỗng dưng… tôi thấy “thương” mấy ông này quá. Nhất là khi nghe trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết dù qua 3 lần điều chỉnh tăng lương nhưng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn rất thấp, chưa hợp lý, ngay cả lương bộ trưởng cũng thế.

“Do mức lương cơ sở thấp nên lương tính theo ngạch, bậc, chức vụ thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người vừa tốt nghiệp ĐH khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng. Với lương như vậy, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn”.

Quả là tội nghiệp cho các ông Bộ trưởng VN, lương có hơn 14,4 triệu đồng một tháng thì quả thật không đủ tiền cho vợ đi chợ, cho con đi học, cho cả nhà ăn sáng, trả lương cho mấy cô người giúp việc.

Chưa nói đến chuyện làm bộ trưởng thì phải có dăm ba bộ com-lê, vài chục cái cravate, vài chục cái chemise, năm bảy đôi giày thật xịn… chưa kể các thứ linh tinh khác. Chắc là phải đi vay nợ mới làm được bộ trưởng. Thế mà nhiều ông vẫn cứ thích làm bộ trưởng mới lạ. Thoạt nghe thấy thương ghê! Nhưng sự thật dân không thương mà lại có những phản ứng ngược hẳn. Bởi người dân ngu gì mà không biết ngoài lương ra, các vị còn có lậu, có bổng lộc gấp trăm ngàn lần lương chính thức.

Ngay trong Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến phản kháng. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng dư luận phản ứng với thông tin lương Bộ trưởng cũng khó sống thì phải đặt vấn đề thế nào là “sống”?

Ông nói: “Nhưng tại sao lương thấp vậy người ta vẫn muốn làm Bộ trưởng? Tôi chỉ thấy chắc chắn một điều là thu nhập của họ rất cao. Cứ trông cách sống của họ là biết họ thu nhập cao rồi. Vậy nên nói “khó sống” người dân phản ứng là phải, khi thu nhập người lao động bình thường là 2-3 triệu đồng/tháng, công chức như chúng ta cũng chỉ 4-5 triệu đồng/ tháng thôi người ta vẫn sống thì 14-15 triệu đồng/tháng sao bảo là khó”.

Ông Cao Sĩ Kiêm Đại biểu QH Thái Bình, thẳng thắn: “Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đàng hoàng so với tiêu pha. Thu nhập “thực” của họ, tôi biết, gấp xa nghìn lần mức lương mà họ đang hưởng. Số liệu đó không phản ánh chính xác thực tế. Vì còn nhiều khoản thu nhập… ngoài không được kê khai, tính vào lương mà mình không biết, không thống kê được”.

Còn ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì nhận xét: “Nói lương là thế, nhưng tổng thu nhập của Bộ trưởng khác với lương, họ không khai làm sao mà biết được. Khoản này thì không có văn bản nào quy định”.

  Trên các trang báo, người dân cũng “bóc mẽ” cái sự lương thấp này. Người dân phân tích bổng lộc là những khoản được nhà nước cấp cho như đất đai, xe hơi, nhà cửa, đặc quyền, kinh doanh… Và người ta thường nói “lương lậu” tức là lương đi đôi với lậu. Cái khoản “lậu” này mới đáng sợ. Và rõ ràng, có những quan chức trong xã hội, lương chỉ là danh chính ngôn thuận để ký tên trong sổ sách. Thực chất, “lương thật” của họ phải bao gồm: Lương (theo quy định) bổng lộc lậu nữa, mới có thể xênh xang nhà lầu, xe hơi, con cái du học các nước tư bản.

Chính những con sâu này đang là kẻ nội thù nguy hiểm nhất làm mất niềm tin của dân, làm suy sụp chế độ.

Đó là chuyện trong Quốc hội ở kỳ họp này. Ngoài Quốc hội cũng có một vị bộ trưởng đáng thương nữa. Đó là Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng bộ Giao thông- đau đớn xác nhận một sự thật đau lòng.

Muốn thay nhà thầu Trung Quốc cũng không được

Nói chuyện với báo chí sáng 9/6 vừa qua, ông Thăng than thở: "Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Do đó, rất mong mọi người chia sẻ".

Tại cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lý giải vì sao Việt Nam phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mà không phải là của các nước khác, đồng thời tại sao lại không thể "đuổi" nhà thầu Trung Quốc yếu kém về năng lực.

Theo Bộ trưởng Giao thông, việc mua các đoàn tàu của Trung Quốc cho dự án này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhân dân cũng như các cơ quan truyền thông.

“Vì mua đoàn tàu của Trung Quốc mà tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn, đe dọa có, khuyên giải cũng có mà đề nghị cũng có. Thậm chí có người còn bảo: ông Thăng ơi! ông đừng mua các đoàn tàu của Trung Quốc. Tại sao lại mua, ông có vấn đề gì với Trung Quốc không?”.

Tại sao ông Thăng bị dân nghi ngờ?

Có nghĩa là ông Thăng cũng bị dân nghi ngờ là có “chấm mút” gì với anh chủ thầu Trung Quốc. Cũng như 6 sếp ban quản lý dự án đường sắt tiêu 11 tỷ đồng lót tay của nhà thầu Nhật Bản vừa bị khui ra ánh sáng vào ngày 4/6 vừa qua.

Những vụ ăn chia giữa quan chức với nhà thầu ở VN như đã thành… tiền lệ, lớn nhỏ gì có thầu là có thông đồng, có lót tay. Đó là ưu tiên hàng đầu trước và sau khi chọn nhà thầu. Ông Thăng có bị nghi ngờ thậm chí chửi bới cũng chẳng có gì lạ.

Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội) bày tỏ mối lo ngại: “Từ xưa đến nay, hàng Trung Quốc vẫn thật giả lẫn lộn, rất khó để phát hiện ra. Thực tế, chất lượng các loại sản phẩm của Trung Quốc đã mất lòng tin với rất nhiều người trên khắp thế giới. Ông nhấn mạnh: “Thông qua việc xây dựng tuyến đường sắt và mua tàu Trung Quốc lần này, chúng ta cũng nên rút ra kinh nghiệm rằng, đối với nhà đầu tư, cho dù có vốn nhưng khi đã mất niềm tin cũng không nên bắt tay với họ trong bất kỳ dự án nào nữa”

Nhưng trong vụ này, có vẻ như ông Thăng hoàn toàn không chấm mút gì nên ông cứ ngang nhiên nói thẳng ra nỗi đau tím ruột của mình cho dân thông cảm.

Ông kể: “Dự án được thực hiện theo Hiệp định được ký giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2008”. Theo Hiệp định này, phía Trung Quốc tài trợ vốn. Các nhà thầu thi công, giám sát, cung cấp thiết bị cũng là của Trung Quốc. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đây là các điều kiện trong Hiệp định đã được ký giữa hai Chính phủ, là việc rất khó khăn nên không thể muốn thay đổi là có thể thay đổi được”.

Điều đó cũng có nghĩa là ông Bộ trưởng Thăng bị Chính phủ đặt vào tình thế “đã rồi” không thể làm gì hơn được. Nếu ông có quyền thì ông đã tống cổ anh nhà thầu Trung Quốc này đi từ lâu rồi. Bởi từ khi thực hiện dự án, nhà thầu này đã làm ăn rất tắc trách, bê bối, coi tính mạng người dân như sâu bọ. Hãy thử nhìn qua những gì họ đã gây ra:

Làm ăn lề mề để kiếm thêm tiền

Dự án được chính thức phát lệnh khởi công từ ngày 10-10-2011 và dự định sẽ hoàn thành cuối năm 2014 để đưa vào khai thác sử dụng từ quý II-2015. Sau hàng loạt lý do dẫn đến sự chậm trễ, dự án được chuyển sang cuối năm 2015 mới xong và đưa vào chạy thử vào đầu năm 2016. Ngoài chậm tiến độ, sau 5 năm thi công, tổng mức đầu tư dự án này đã phải điều chỉnh từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD, tăng 316 triệu USD so với ban đầu. Đó cũng là chiêu láu cá của mấy anh ba Tàu. Làm ăn lề mề để buộc chủ nhà phải tăng vốn mới hoạt động tiếp. Chủ đầu tư lại bị dồn thế không tăng không được vì đó là vốn mượn của Tàu, phải làm cho xong.



Làm ẩu, làm liều không kể đến tính mạng người dân

Hàng vạn người dân thủ đô đang phải lưu thông ở những nơi mà tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, những lưỡi hái tử thần luôn treo trên đầu họ, mỗi ngày.

Trong một khoảng thời gian ngắn, tai nạn liên tục xảy ra, với mức độ, hình thức khác nhau, nhưng có chung nguyên nhân được tuyên bố là do “thi công ẩu”. Đó là tội coi thường tính mạng của người dân.

Vài thí dụ gần nhất:

- Tối 10-5 xảy ra vụ rơi cọc thép dài 9m, rộng 0,3m, nặng khoảng 630kg tại công trường thi công nhà ga số 4 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), suýt trúng hai người đi xe máy.

- Ngày 12-5, vụ sập cần cẩu trước số nhà 561 và 539 đường Cầu Giấy đè trúng một phụ nữ đang mang thai và một thanh niên đang lưu thông trên đường.

- Chưa kể đến việc vào khoảng 9h30 cùng ngày (12/5), trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), một thanh sắt từ công trình đường sắt trên cao đã rơi xuống đường và trúng vào chiếc ô-tô Honda Civic.

- Trước đó, cuối năm 2014, tại các công trường thi công dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng đã xảy ra 2 vụ rơi vật liệu xuống đường khiến 1 người chết, 3 người bị thương.

- Khi xảy ra vụ rơi dầm thép công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông hôm 6-11-2014, Bộ trưởng Giao thông cam kết rằng: Sẽ không có tai nạn nào như vậy nữa. Hàng loạt cán bộ thuộc Ban quản lý dự án bị giáng chức, điều chuyển. Nhưng ngay khi dự án được thi công trở lại, ngày 28-12, tai nạn lại tiếp tục xảy ra, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Lần này, Bộ trưởng GTVT lần đầu tiên đề cập đến nguyên nhân tư vấn giám sát. Theo đó, ông yêu cầu phải chấm dứt hợp đồng với tư vấn giám sát (Trung Quốc), ký hợp đồng với một công ty giám sát của VN, do Bộ GTVT chỉ định. Nhưng trả lời PV báo chí, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc BQL dự án đường sắt (Bộ GTVT), nói rằng chỉ thay người đứng đầu đơn vị, còn tư vấn giám sát vẫn là nhà thầu Trung Quốc.

Nói như vậy có nghĩa là cùng với việc tổng thầu Trung Quốc ngang nhiên nuốt lời hứa về tiến độ, vốn, an toàn lao động…, để thấy rằng, chủ đầu tư dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra ở đại dự án gần 9.000 tỉ đồng này.

Phải nói thẳng là ngay cả đến cấp Bộ trưởng cũng bất lực trước sự tung hoành ngang ngược của nhà thầu Trung Quốc, không chỉ ở các dự án giao thông mà trong rất nhiều lãnh vực khác.

Tội nghiệp cho ông Bộ trưởng, nhưng ông đau một thì dân đau mười bởi bao nhiêu tai ương dân chiụ hết và mỗi người còng lưng gánh món nợ đến 21 triệu đồng, trả đến đời con đời cháu cũng chưa hết. Nói thẳng ra Trung Quốc bất chấp mọi thủ đoạn để khống chế cả nền kinh tế VN.

Mộng bành trướng của họ chẳng bao giờ chấm dứt.

Văn Quang





Rừng Trường Sơn cách đây chưa đầy ba năm còn rậm rạp, dày ken những gốc cổ thụ, bây giờ hiện ra trước mắt chúng tôi là những đồi trọc và cây con chưa tới nửa tuổi. Chúng tôi tiếp tục đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, một cảnh tượng tiêu điều hiện ra trước mắt: không còn những cánh rừng cổ thụ như cách đây ba năm mà thay vào đó là những nông trường và những đồi cây mới mọc liu phiu, chưa chắc đã trụ qua được mùa nắng hạn và gió Lào này.

Còn đâu chuyện “hạt muối bỏ biển”

Có thể nói rằng với tốc độ khai thác kinh hồn bạt vía mà cho đến hiện tại, không thể nói được là ai đã biến núi rừng Trường Sơn thành đất trống đồi trọc, hầu như toàn bộ các loại danh mộc trên tuyến đường Trường Sơn đã biến mất. Rừng cũng đã trơ trọi, thay vào đó là hàng ngàn ngôi nhà mới mọc và hàng triệu lô đất đợi người mua dọc hai bên đường.

Một người chuyên cung cấp các loại dịch vụ địa ốc trên tuyến đường Trường Sơn từ Nghệ An đến Ninh Bình, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Xây dựng thì dễ chứ có gì mà khó. Mình có đất thì mình xây. Chẳng hạn mình có 200 mét thổ cư, 800 mét lâm nghiệp chứ có ai cấp cho mình cả ngàn mét thổ cư. Nhưng đất của mình thì mình muốn làm gì mình làm, ai lấy của mình chứ!”

Theo ông này, chuyện mua đất ở hai bên đường mòn Hồ Chí Minh rất dễ dàng bởi đây là một trong những chính sách mở của nhà nước. Người mua sẽ không được cấp chủ quyền xây dựng nhà ở, chỉ được cấp giấy đất trồng rừng nhưng cứ im lặng mà xây dựng, kinh doanh, biết chung chi một chút thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ, cũng chẳng có ai hỏi han hay cấm kị xây dựng gì. Cứ im lặng mà làm thì được.

Trong trường hợp có khả năng mua đất, xây nhà nhưng cảm thấy khó khăn, sợ nhà cầm quyền địa phương sờ gáy thì tốt nhất nên mua những ngôi nhà hoặc những nhà trọ, khách sạn đã được xây dựng, đã đi vào hoạt động vài ba năm nay. Điều đó chứng tỏ một điều là những ngôi nhà, khách sạn hay nhà trọ này không bị sờ gáy, vẫn ăn nên làm ra và có độ ổn định.

Hơn nữa, hiện tại, số lượng lô đất đã được bán dọc hai bên đường mòn Hồ Chí Minh đã lên đến hàng trăm ngàn lô đã được xây dựng kiên cố, có hàng triệu lô đang chuẩn bị xây dựng. Chuyện này chắc chắn phải nằm trong chính sách của nhà nước, nếu không nằm trong chính sách nhà nước thì không ai dám xây dựng như vậy. Theo người đàn ông này, chuyện xây dựng, kinh doanh trên đường Trường Sơn đã là chuyện gạo đã thành cơm, khó bề thay đổi. Hơn nữa, có con đường thì phải có người ở, có người làm ăn, kinh doanh và có những khu phố sầm uất, đó mới là con đường.

Hiện tại, đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, người ta có thể bắt gặp đủ các loại hàng quán phục vụ du lịch, phụ vụ dân ăn chơi và có thể nếm tất cả các loại đặc sản rừng như thịt nai, thịt cầy rừng, thịt nhím, thịt lợn rừng, thịt mang, thịt gà rừng, thịt sóc, thịt thỏ, thịt chồn, thậm chí thỉnh thoảng có cả thịt hổ, thịt báo, thịt các loại kì đà, rắn… Nói chung, các loại thú quí hiếm đang nằm trong danh sách đỏ đều được biến thành đặc sản trong các hàng quán hai bên đường mòn Hồ Chí Minh.

Và điều này không phải giấu diếm hay dấm dúi gì, mọi bảng hiệu quảng cáo của các nhà hàng, trạm dừng chân hay quán cơm xe đường dài đều có ghi tên các loại đặc sản rừng. Một số quán ghi tên cả loại thú bị giết thịt, một số quán chỉ ghi nội dung là có đặc sản rừng và đặc sản biển. Và cách kinh doanh của các hàng quán ở đây khá công khai, hầu như không có gì phải ngần ngại, mặc dù trên các phương tiện thông tin báo chí nhà nước luôn kêu gọi, hô hào bảo vệ rừng và bảo vệ động vật quí hiếm. Và nhà nước cũng từng tuyên bố sẽ đóng cửa rừng để bảo vệ cây cối cùng hệ động vật của Trường Sơn.

Trước đây ba năm, khi chúng tôi đi dọc trên đường Trường Sơn, ghé thăm những bản Mường, một vị trưởng lão trong bản đã nói với chúng tôi rằng sở dĩ miền Bắc thắng miền Nam, đưa quân vào miền Nam được là nhờ rừng núi Trường Sơn. Nơi đây, với hệ thực vật phú, có thể cứu đói và chữa bệnh, với lượng cây rừng dày đặc, nếu máy bay phe đối phương ném bom, chỉ cần chạy vào rừng cây thì bao nhiêu bom dội xuống cũng chẳng khác gì muối bỏ biển. 

Nhưng hiện tại, cũng vị trưởng lão này nhận xét, ông lắc đầu ngao ngán, nói rằng Trường Sơn bây giờ là những quả đồi trọc, nếu có chiến tranh thì không cần bỏ bom vì bom đã được cài sẵn trong núi. Những quả bom mà vị trưởng lão này muốn nói đến có cái tên khá quen thuộc là “china boom”.



China boom

Một người không muốn nêu tên, sống ở Nghệ An, từng là thợ rừng thuộc hàng có số có má trong giới lâm tặc, chia sẻ với chúng tôi: “Mỗi ngày mà phá cả rừng, không có kiểm lâm, không có chuyện gì thì cưa được khoảng 2 hecta. Nhưng mà tùy cây, loại có đường kính khoảng cái thùng nước thì quá đơn giản, đi cái rẹt. Chứ loại cây mà đường kính to cả mét thì ngày hạ được vài chục cây.”

Theo anh, chuyện rừng Trường Sơn bị đốn hạ là chuyện chẳng có gì phải ngạc nhiên, bởi có những cánh rừng ở sát sườn cơ quan quản lý nhà nước như rừng thông ở Lâm Đồng, người ta vẫn ngang nhiên chặt phá trơ trọi thì nghĩa lý gì những cánh rừng bạt ngàn cây quí như Trường Sơn. Chỉ riêng bản thân anh ta, mỗi đêm có thể dùng cưa lốc để phang từ bốn đến sáu hecta rừng già. Điều này hoàn toàn trong khả năng, chẳng có gì là đặc biệt.

Vì với giới lâm tặc, động cơ đồng tiền thôi thúc họ mạnh nhất. Chỉ cần bên nhà cầm quyền bật đèn xanh, thông báo tỉ lệ (thường thì tỉ lệ lâm tặc hưởng trong vài năm trở lại đây rất thấp, kiểm lâm hưởng 80% để chung chi cho các quan chức, còn lâm tặc hưởng 20%, khỏi phải chung chi cho ai nhưng nếu có sự cố báo giới thì lâm tặc phải hy sinh, chịu làm tốt thí) và tiến hành khai thác rừng. Việc khai thác luôn diễn ra vào ban đêm và phải diễn kịch theo kiểu rừng bị khai thác trộm, đây là kịch bản bắt buộc.

Và khi cầm chiếc cưa lốc trên tay, chỉ cần nghĩ đến những khối gỗ quí mà trong đó mình được hưởng chừng 5% sau khi chia lại trong số 20% kia, trong đó nếu may mắn sẽ gặp những cây gỗ huỳnh đàn, chỉ cần giấu một khúc thì giàu to, tay chân lâm tặc trở nên mạnh mẽ khác thường; mỗi nhát cưa của anh ta trở nên có thần lực và điều anh ta mong mỏi duy nhất là đụng phải một cây gỗ mà thớ gỗ khiến cho lưỡi cưa tóe lửa, cứng đến độ hỏng cả máy. Đó chắc chắc là gỗ huỳnh đàn lâu năm. Anh ta chỉ mong như vậy thôi! Và cứ như thế, chiếc máy cưa trở nên linh hoạt lạ thường, đi phăng phắc, càng lâu bị tóe lửa, anh ta cưa càng hăng say. Rừng đổ gục sau lưng.

Với đà này, cả trăm Trường Sơn cũng chết chứ nghĩa lý gì một Trường Sơn. Và nguồn gỗ này về đâu? Anh ta nói rằng phần lớn bán cho Trung Quốc và chỉ có Trung Quốc rộng lớn mới cần đến số gỗ của Trường Sơn. Nhà buôn đồng bằng có tích trữ thì cũng chỉ để bán cho Trung Quốc mà thôi.

Và không những vậy, người Trung Quốc đã tiến hành thuê đất dọc Trường Sơn với thời hạn 49 năm để trồng rừng. Họ xây dựng cũng khá nhiều, theo cách của người Việt đang xây dựng hai bên đường Hồ Chí Minh bấy lâu nay. Sắp tới đây, việc xây dựng của họ sẽ thuận lợi hơn khi luật nhà đất 2014 có hiệu lực. Và rồi đây Trường Sơn sẽ ra sao? Có lẽ chỉ có lịch sử mới trả lời được.


Thoạt nhìn chế độ chính trị của một quốc gia và môi trường sống là biệt lập không có quan hệ gì với nhau, nhưng thực ra chế độ chính trị và môi trường sống có quan hệ hỗ tương một cách khá kỳ lạ.

Nhìn trên bản đồ thế giới, chúng ta thấy các nước Tự do Dân chủ luôn có môi trường sống tốt hơn rất nhiều so với các chế độ độc tài chuyên chế.

Điển hình là Trung cộng. Hiện nay Trung cộng là “công xưởng” của thế giới với một mức tăng trưởng kinh tế có thể được gọi là “lý tưởng” cho các quốc gia mưu tìm sự phát triển kinh tế- xã hội.

Có một khoảnh khắc nào đó trong tư duy chiến lược của các nhà hoạch định chính sách của thế giới, người ta có cảm tưởng rằng mô hình chính trị và kinh tế hiện nay của Trung cộng là “mẫu mực” của sự phát triển cho thế giới trong tương lai và đã hình thành cái gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh”, coi mô hình phát triển của Trung cộng là một nhân tố sẽ thay thế cho mô hình phát triển của Mỹ và sẽ là lựa chọn cho nhân loại trong tương lai?

Nhưng thực tế lại nghiệt ngã và “sáng suốt” hơn tư duy nóng vội của các nhà hoạch định chính sách. Điều này cũng là một minh chứng cho sự bất cập của các nhà “tư tưởng” phương Tây dễ bị cái hào nhoáng bên ngoài đánh lừa.

Trung Cộng ngày hôm nay là một “bệnh nhân” với nhiều căn bệnh nan y. Trong đó ô nhiễm môi trường là một căn bệnh trầm trọng nhất sau căn bệnh bất bình đẳng xã hội có thể dẫn đến bạo loạn khi thời cơ đến làm sụp đổ chế độ độc tài, độc ác nhất hành tinh này.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một mô hình thu nhỏ của người đàn anh Trung Cộng.

Tăng trưởng kinh tế theo kiểu “mì ăn liền” đã để lại một hậu quả trầm trọng về môi sinh mà bản thân năng lực nền kinh tế của Việt Nam không giải quyết nổi.

Nếu ở Bắc Kinh khói bụi có thể làm mờ đi sự hào nhoáng của nó trong con mắt của thế giới và của chính người dân Trung cộng, thì môi trường tại Hà Nội cũng “kinh hoàng” không kém.

Hà Nội với những ao hồ đẹp nên thơ một thời hoàng kim, đẹp đến mức khó tả trong âm nhạc, thơ ca và hội họa một thời như hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch và đặc biệt là hồ Tây.

Hồ Tây rất rộng từ bên này nhìn sang bờ bên kia mờ mờ trong những ngày mùa đông sương giá, có cảm tường xa vời vợi. Hồ Tây tuyệt đẹp nếu môi trường ở đây không làm nản lòng bất cứ ai một lần đứng bên bờ hồ trong ráng chiều rực rỡ!

Nhưng Hồ Tây ngày hôm nay là một ổ vi trùng, với khối nước đục lờ nhờ, đặc quánh vì nước thải, vì rác, vì xác động vật nổi lềnh bềnh. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc, những mảng rêu xanh, vàng đóng kín mặt hồ… Và người dân Hà Nội như đã “lờn” với thực trạng kinh khủng đó, họ bình thản bước đi trong cái mùi xú uế vây quanh, ám vào mũi và quần áo.

Không khí ở Hà Nội và cả miền Bắc Việt Nam thuộc dạng ô nhiễm nhất nước. Ai một lần ra Hà Nội bằng tàu hỏa, nếu “lỡ dại” mở cửa để đón không khí trong lành thì khi đến Hà Nội họ sẽ không nhìn ra được mình trong gương, một khuôn mặt đen đủi, lạ hoắc vì khói bụi!

Còn Sài Gòn, “hòn ngọc Viễn Đông” của một thời vang bóng cũng đã là quá khứ.

Sài Gòn ngày hôm nay bừa bộn, hỗn tạp và nhếch nhác về quy hoạch và kiến trúc bởi nạn đầu cơ bất động sản của nhà cầm quyền CSVN biến đất ở đây thành vàng, cho nên việc mua được một miếng đất đã ngốn hết ngân sách của một công ty, một gia đình và vì vậy để đối phó, họ xây dựng vá víu cho qua miễn sao có mái nhà để ở, có một cơ ngơi để làm việc… Và cũng vì quy hoạch, kiến trúc lộn xộn không có tầm nhìn xa, đã biến Sài Gòn thành sông, sau những cơn mưa lớn mùa hè. Nước từ cống rãnh tràn lên đường, đem vào nhà dân tất cả những thứ bẩn thỉu khủng khiếp..

Tại VN ngày hôm nay, những dòng sông lớn, sông nhỏ đẹp nên thơ đã chết, chỉ còn lại những dòng nước tù đọng, đen ngòm, cá chết hàng loạt trôi nổi đầy mặt nước, làm cho môi trường ô nhiễm thêm.

Vì tăng trưởng theo kiểu “mì ăn liền” nên dân số Sài Gòn tăng lên một cách chóng mặt, đẩy giá sinh hoạt lên cao ngất ngưởng.

Những khu ổ chuột cũng mọc lên như nấm và từ những khu ổ chuột này, người dân lại xả ra môi trường chung quanh những chất bẩn như phân người, phân súc vật, bao nilon, xác chết của động vật..

Những con kênh ở Sài Gòn, những con đường trong những khu dân cư nghèo tràn ngập rác, mùi hôi thối nồng nặc vì một hệ thống vệ sinh môi trường què quặt bởi tham nhũng và vô trách nhiệm.

Nhưng quan trọng nhất là ý thức của người dân đặc biệt đáng lo ngại.

Người dân Việt Nam ngày hôm nay xả rác một cách “vô tư”. Họ ném ra môi trường chung quanh bất cứ thứ gì bỏ đi như rác, bao nilon, xác súc vật, họ không thèm bỏ vào thùng rác cho dù thùng rác chỉ nằm cách một tầm tay với. Họ “vô ý thức” và “vô trách nhiệm” đến cùng cực, họ chỉ giữ cho chỗ ở của mình tương đối sạch sẽ còn môi trường chung quanh thì mặc kệ vì nó không là của họ, không thuộc về họ!?

Họ sống trên đất nước của họ, với gia đình và người thân, và những thế hệ con cháu họ cũng sẽ tiếp tục sống ở đây, vậy mà họ không hề thiết tha gì đến môi trường sống. Thậm chí khái niệm về môi trường sống là một khái niệm xa vời và xa xỉ chỉ để dành cho người giàu..!? Ai cũng có thể “kết án” họ nhưng mấy ai hiểu đợc cái tâm thế của họ đây?



tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương