Danh mục các tin, BÀi của bản tin khđs tháng 11/2012


NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG TRÁI CÂY



tải về 0.82 Mb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu10.12.2017
Kích0.82 Mb.
#35034
1   2   3   4   5   6

NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG TRÁI CÂY


Cần bón phân đúng, đủ

Muốn vườn cây ăn trái vừa đạt năng suất vừa đạt chất lượng cần phối hợp nhiều biện pháp canh tác như quản lý dinh dưỡng, quản lý nước, BVTV, tỉa cành tạo tán, trong đó biện pháp quản lý dinh dưỡng là quan trọng nhất.

Cây ăn trái có 3 thời kỳ cần bón phân: Thời kỳ sau thu hoạch, thời kỳ chuẩn bị ra hoa và thời kỳ phát triển trái. Nếu không hiểu rõ bản chất của từng thời kỳ thì khó mà bón đúng, bón đủ phân bón cho vườn cây ăn trái của mình.

Thời kỳ sau thu hoạch: Việc bón phân vào thời kỳ này rất quan trọng vì nếu không thì cây không đủ dinh dưỡng để hồi phục. Năng suất trái cây phụ thuộc vào hiệu quả quang hợp, nên cần phải nhanh chóng cho cây ra nhiều đọt non, nhiều lá. Nếu vườn cây bình thường thì sử dụng tỷ lệ NPK 1:1:1, nếu vườn sinh trưởng kém, vườn vừa cho năng suất cao thì có thể sử dụng tỷ lệ NPK: 2:1:1 hoặc 3:1:1. Lượng phân bón ở giai đoạn này thường căn cứ vào đặc điểm của cây và năng suất trái vừa thu hoạch, nếu năng suất càng cao thì lượng bón phải càng nhiều.

Thời kỳ chuẩn bị ra hoa: Lúc này cây dinh dưỡng để lá và đọt vừa ra thành thục, tạo mầm hoa nên cần giảm tỷ lệ N mà tăng P hoặc K.

Thời kỳ phát triển trái: Thời kỳ này dài hay ngắn tùy cậy nhưng có thể chia làm 3 giai đoạn nhỏ:

+ Giai đoạn sau đậu trái: Thường trong khoảng 1 tháng đầu sau đậu trái, lúc này trái lớn rất chậm nên không cần nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên cũng không thể thiếu vì nếu thiếu sẽ dễ gây rụng trái. Nếu có điều kiện nên sử dụng phân bón lá kết hợp với phân bón gốc có tỷ lệ NPK: 1:1:1.

+ Giai đoạn trái phát triển nhanh: Lúc này trái cây sẽ lớn rất nhanh nên cần nhiều dinh dưỡng. Với những cây có trái ra tận đầu cùng của cành như nhãn, chôm chôm, xoài thì nên sử dụng tỷ lệ NPK: 1:1:1. Với những cây có quả nơi nách lá, cành, thân như cây có múi (bưởi, cam, quýt), mít, sầu riêng, dâu… thì cần hạn chế cây sinh đọt và lá mới nên cần tăng tỷ lệ K lên NPK: 2:2:3. Với những cây có giai đoạn sinh trưởng này ngắn (như nhãn) thì có thể chỉ bón 1 lần nhưng những cây có thời gian giai đoạn này dài như cây có múi thì cần chia làm 2-3 lần bón.

Thời kỳ trái trưởng thành,,chín: Lúc này trái cây đã lớn hết cỡ và bước vào giai đoạn thành thục, chín, cây cần bón đủ K thì mới có mẫu mã trái đẹp, chất lượng. Tỷ lệ NPK lúc này thường là 1:1:2.

Lưu ý thêm về cây ra hoa nghịch vụ

Nếu để cây ra hoa tự nhiên thì hoa ra không tập trung, năng suất thấp nên cây duy trì được sức khỏe bình thường, còn nếu cho ra hoa sớm thì hoa sẽ ra đồng loạt, đậu nhiều nên dễ gây hiện tượng suy kiệt do phải mang trái nhiều quá sức của cây. Bởi vậy câu hỏi đầu tiên nhà vườn phải trả lời là dự định bắt cây cho bao nhiêu quả để trên cơ sở đó mà xác định chính xác liều lượng kích thích, tránh hiện tượng hoa ra quá nhiều làm cho cây yếu đi. Việc xác định đó cũng sẽ đảm bảo cho việc bón phục hồi sau thu hoạch được đầy đủ.

Sau khi đậu trái thì công việc tiếp theo là phải tỉa trái, tỉa sao cho số lượng quả để lại vừa với sức nuôi dưỡng của cây, nên tỉa trái làm 2 lần chỉ sao cho có năng suất và chất lượng cao nhất.

Nhiều nhà vườn cho rằng trái cây ra nghịch vụ thường bị sượng có nguyên nhân từ phân bón. Trái cây bị sượng là do quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng về nuôi trái không đồng đều mà lý do là bởi cây bị ra đọt, lá mới. Để tránh hiện tượng này cần thiết phải không được bón dư thừa phân đạm và quản lý nước hợp lý, không để ướt (mưa phải dùng bạt che gốc) và cũng không bị khô quá. Tỷ lệ NPK cũng phụ thuộc vào loại cây, ví dụ như với nhãn xoài có thể dùng tỷ lệ 1:1:1 nhưng với sầu riêng nên sử dụng tỷ lệ NPK: 2:2:3 và bổ sung thêm KNO3 phun lá.



Để sử dụng phân bón có hiệu quả

Khi bón cho cây ăn trái có 2 dinh dưỡng bị mất nhiều nhất là lân và đạm. Lân thì bị keo đất giữ chặt và chuyển thành dạng khó tiêu, còn đạm thì biến thành NH3 bốc hơi. Do thất thoát nên hiệu quả sử dụng phân bón trên cây ăn trái thường chỉ đạt 25 - 35%.

Để hạn chế thất thoát, các nhà nông hóa Hoa Kỳ đã sáng chế nên 2 phụ gia là Agrotain và Avail. Agrotain ức chế hoạt động men Ureaza nên giảm thất thoát do bay hơi 35%, Avail ngăn không cho hạt lân tác dụng với các ion Al, Fe nên 50% lân không chuyển thành dạng khó tiêu.

Ứng dụng thành tựu khoa học trên, Cty Phân bón Bình Điền đã SX thành công Đạm hạt vàng Đầu trâu 46A+ và Lân DAP Đầu trâu 46P+. Cả 2 loại phân này đều là phân Urea (có N = 46%) và DAP (N: 18% và P2O5: 46%) chính hiệu, do hạn chế được thất thoát từ 25 - 35% nên chỉ đóng bao 35 kg nhưng giá trị dinh dưỡng bằng với loại bao 50 kg thông thường.



Theo báo nông nghiệp

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LÊ
Thời vụ trồng và một số yêu cầu kỹ thuật

Dưa lê có yêu cầu về nhiệt độ từ 18 – 32oC. Do đó thời vụ gieo trồng cây này có thể kéo dài từ giữa mùa xuân tới giữa mùa thu hằng năm. Nhưng thời vụ gieo trồng chính của nhiều nơi lại là khoảng tháng 2-3 dương lịch và được thu quả từ quãng tháng 5-6. Đất trồng dưa lê cần chọn chân cao, đất tốt, đất thịt nhẹ hay cát pha. Đất xấu, đất cát cần tăng thêm phân bón lót và tăng thêm lần bón thúc. Đất sét, đất thịt nên xới xáo nhiều hơn và bón tăng phân hữu cơ. Đất cần luôn luôn ẩm, song lại phải thật thoát nước. Sau mỗi trận mưa rào, nước cần được tháo bỏ thật nhanh. Về ánh sáng, dưa lê cũng như tất cả các giống dưa khác đều yêu cầu rất lớn, đất không thông thoáng, bị che lấp ánh sáng không nên trồng dưa lê.



Kỹ thuật bón phân và làm giàn trồng dưa lê

1. Bón phân

Lượng phân bón lót cho mỗi 1.000 m2 đất (Khoảng 3 sào Bắc bộ) chừng 3-5 tấn phân chồng hoai cộng 1,5 tạ vôi bột cùng 8kg đạm, 25kg lân và 8kg kali nguyên chất.

- Bón thúc lần thứ nhất khi cây có 2-3 lá thật, kết hợp với xới đất sâu làm cỏ và vun gốc, vun nhẹ với khoảng 2kg đạm và 2kg kali nguyên chất.

- Bón thúc lần hai sau lần thứ nhất 40-45 ngày, khoảng 2kg đạm và 2kg kali nguyên chất. Kết hợp vun xới làm cỏ và bấm ngọn cho cây phát triển nhánh.

- Bón thúc lần thứ ba, khi cây bắt đầu nở hoa. Khoảng sau khi trồng 60-70 ngày. Cũng kết hợp vun xới và làm giàn.

Sau khi trồng 90 – 100 ngày sẽ được thu hoạch quả chín. Đặc điểm của dưa lê là cây cho cả hoa đực và hoa cái như tất cả các cây trong họ bầu bí. Nhưng ở hoa cái của dưa lê vẫn tồn tại cả nhị đực. Do đó cây rất dễ thụ phấn và đậu quả. Một đặc điểm quan trọng nữa là, cây dưa lê cho hoa ở ngay nách lá đầu tiên của cành nhánh. Nên muốn dưa lê sai quả cần lưu ý tới khâu bấm ngọn cho cây phân nhánh. Có nhiều cách bấm ngọn cho cây phân nhánh.



2. Làm giàn

a. Nếu làm giàn, thì nên làm giàn theo kiểu hình chữ nhân và luống được đánh theo hướng đông tây cho cả ngày cây dưa lê đều được hưởng ảnh nắng. Luống đánh cao 30 – 35cm, rộng 1,2 – 1,5m, bổ rãnh hai hàng, cách nhau 60 – 70cm, bón phân vào rãnh, trộn đều với đất rồi san bằng và trồng mỗi cây một hốc, cách nhau 30 – 35cm. Khi cây bắt đầu leo thì làm giàn. Mỗi cây dưa được cắm hai cọc giàn. Khi cây có 6 – 7 lá thật thì bấm ngọn, để cây sinh các nhánh con, để lại 2 nhánh to khỏe nhất, còn lại bấm bỏ hết. Hai nhánh con này cho leo lên hai cọc giàn, lên cao 30 – 40cm lại buộc dây đỡ. Mỗi nách lá sẽ lại phát sinh một nhánh cháu. Mỗi đốt lá đầu tiên sẽ cho một hoa cái để cho quả. Quả đậu rồi thì giữ lại không cho sinh nhánh và ngoi ngọn tiếp. Mỗi nách lá của một nhánh con sẽ cho một quả. Làm cách này cây tuy ít nhánh, ít quả, song quả do có giàn, ít bị giun dế làm thối quả.

b. Nếu không làm giàn, thì đánh luống rộng hơn 1,5 – 1,8m. Bỏ hốc ở giữa luống, bón phân lót trộn đất vào cào bằng các hố cách nhau 80-100cm, trồng mỗi hốc 3 – 4 cây dưa đều nhau, sau này dãn cây về các phía và cho bò đều trên mặt luống. Khi bấm ngọn, ta có thể làm theo các cách sau:

Cách 1: Sau lá thứ 5 thì bấm ngọn cho cây lên nhánh cháu và chỉ giữ lại hai nhánh to khỏe. Khi 2 nhánh con có 5-6 lá thì lại bấm ngọn cho mỗi nhánh mọc được 5 nhánh cháu thì lại bấm ngọn. Mỗi nhánh cháu có 5-6 lá lại bấm ngọn lần nữa để mỗi nhánh cháu có 5 nhánh chắt. Mỗi cây dưa được bấm ngọn ba lầm và cho tới 72 nhánh con, cháu chắt. Chúng có khả năng cho tới mỗi cây 72 hoa cái có khả năng cho quả.

Cách 2: Sau khi cây có 6-7 nhánh thật thì bấm ngọn và chỉ để 4 nhánh con; mỗi nhánh con có 5-6 lá lại bấm ngọn và lấy mỗi nhánh con 5 nhánh cháu. Sau hai lần bấm ngọn, mỗi cây dưa lê sẽ cho tới 24 hoa cái có khả năng cho quả. Sau đó để cây phát triển tự nhiên, sinh thêm lá quang hợp nuôi quả.

Cách 3: Cũng bấm ngọn khi cây có 5-6 lá và để đúng 5 nhánh con. Sau đó cho chúng phát triển tự nhiên. Hai cách sau có thể bổ hốc dầy hơn ở giữa luống hoặc trồng thành một hàng dọc. Các nhánh phát triển tự nhiên vẫn cho quả, song số quả ta không kiểm soát được, dễ có quả nhỏ.

Thu hoạch dưa lê

- Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng sẽ thu hoạch quả chín. Dưa lê thu hoạch khi quả to và đạt tiêu chuẩn, mùa thu hoạch rộ dưa lê vào khoảng tháng 5 đến tháng 6.



- Sau khi thu hoạch cần vận chuyển ngay tới nơi tiêu thụ để đảm bảo chất lượng quả tốt nhất vì vậy cần thu hoạch quả thành nhiều đợt và yêu cầu thu hoạch đúng kỹ thuật.

Theo báo Nông nghiệp

NUÔI GÀ SAO




Mô hình nuôi gà sao, kỳ đà của anh em ông Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Đông ở thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến (Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Vốn xuất thân từ cán bộ thú y của HTXNN Hòa Tiến, tháng 7/2009, ông Tiến và người em trai (trú tại nội thành Đà Nẵng) khăn gói vào các tỉnh Long An, Tiền Giang… cả tháng trời để tìm hiểu mô hình nuôi gà sao. Sau đó mua 100 con gà sao giống với số tiền 5 triệu đồng về nuôi. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi, môi trường thay đổi đột ngột, 30 con gà giống đã “đội nón ra đi”.

Không nản chí, hai ông tiếp tục chăm sóc gà theo những điều học hỏi được, số gà còn lại lớn dần rồi đẻ trứng. Ông Tiến đã tự nghiên cứu chế tạo tủ ấp trứng gà. Sau một 1 nuôi, đến nay cơ sở đã có đàn gà hơn 2.000 con gồm cả gà giống, gà thịt và một dãy chuồng trại hơn 200 m2 với tổng giá trị hơn 250 triệu đồng”.

Ông Tiến cho hay, gà sao nuôi từ khi trứng ấp nở sau 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 1,8 - 2 kg và bắt đầu đẻ khoảng 80 trứng (trong vòng 3 tháng tiếp theo), sau đó gà nghỉ 1 tháng rồi tiếp tục sinh sản theo chu kỳ tiếp theo. Mỗi năm 1 con gà sao đẻ gần 250 quả trứng. Gà sao thương phẩm cũng có thời gian nuôi tương tự như gà giống và bán giá khoảng 150.000 đ/kg. Nguồn thức ăn của giống gà này vô cùng phong phú, từ chuối cây xắt lát, rau bèo, cỏ cho đến thóc, gạo...

Ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm ấp trứng gà sao trong tủ ấp “chuyên dụng”: Điều kiện độ ẩm 60 - 70 %; nhiệt độ từ 37,5 - 39,5 độ C, mỗi ngày đảo trứng từ 3 - 4 lần. Gặp cúp điện phải mở cửa buồng ấp ra cho hệ thống thoát hơi. Khi ấp, cần đặt đầu nhọn của trứng phía dưới. Trứng gà sao sau khi ấp 28 ngày thì nở, mang gà con ra úm trong thùng cát tông khoảng 1 tuần, lắp bóng điện 75 - 100W. Hằng ngày, cho gà con ăn bột gia cầm tương ứng cho đến 20 ngày.

Muốn nuôi gà sao hiệu quả, cần phải tuân thủ kỹ thuật sau: Chuồng trại luôn dọn vệ sinh, khử trùng sạch sẽ; cho ăn đúng giờ giấc; thức ăn phải sạch sẽ (rửa sạch rau (rau muống) trước khi cho gà ăn; thay nước uống trong bình hằng ngày; gặp trời nóng cần bơm nước trên mái tôn cho gà mát; hằng tuần cho uống thuốc “Five-bại liệt” để phòng ngừa bệnh.

Hiện nay, trong trại của ông có 1.500 con gà sao lớn nhỏ, mỗi ngày ông cho ăn khoảng 10 kg bột công nghiệp, 15 kg lúa, 30 bó rau muống (loại nhỏ) và nước uống hàng ngày. Thời gian qua, ông đã xuất bán hơn 500 con gà giống và gà thịt với giá thành 1 con gà giống 10 ngày tuổi là 50.000 đồng; 30 ngày tuổi 80.000 đồng; gà giống đẻ 500.000 đồng/cặp; 100.000 đồng/con (cỡ 5 - 6 lạng 50 ngày tuổi); loại 250.000 đ/cặp (cỡ 7 - 8 lạng 60 đến 70 ngày tuổi).

Ở gà sao, con trống và con mái hình thức giống nhau nên phân biệt rất khó, cần có kinh nghiệm. Theo ông Tiến, gà mới nở, lấy ngón tay đặt dưới hậu môn, nếu khoảng cách hai xương hở lớn là mái, ngược lại là trống. Khi lớn, gà sao trống có thân hình to, lớn hơn, tiếng kêu kép; gà mái nhỏ hơn, tiếng kêu đơn. Nuôi gà sao 10 con mái cần 1 con trống.

Với hơn 1 năm nuôi gà sao, mặc dù trong giai đoạn thử nghiêm nhưng bước đầu có hiệu quả, bởi giống gà sao này có sức đề kháng tốt, chưa thấy bệnh tật; chuồng trại tương đối đơn giản, ít tốn tiền đầu tư cũng như diện tích xây dựng không lớn lắm; nguồn thức ăn dồi dào tại chỗ rất dễ mua, giá lại bình dân; giống gà sao có năng suất cao, chất lượng thịt ngon nên đầu cung không kịp đáp ứng cho người tiêu thụ là các quán ăn, nhà hàng… Ngoài ra, ông còn kết hợp nuôi thử nghiệm 15 con kỳ đà sinh sản.

Theo nongnghiep.vn

LÂM NGHIỆP
SẢN XUẤT CÂY GIỐNG LÂM NGHIỆP,

LÃI RÒNG 500 TRIỆU ĐỒNG/NĂM


Từ hai bàn tay trắng, anh Hồ Đức Phát (48 tuổi), ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi mỗi năm lãi ròng hơn 500 triệu đồng từ sản xuất cây giống lâm nghiệp.

“Gia đình tôi là nông dân nghèo, nhà lại đông anh em, ba mẹ suốt ngày quần quật, nhưng cuộc sống vẫn luôn túng quẫn, ăn bữa sáng lo bữa tối. Bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi là lúc tôi bén duyên với mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp lúc còn phục vụ trong quân ngũ” - anh Phát tâm sự.





Anh Phát kiểm tra cây giống trong vườn ươm của mình.

Thời điểm anh xuất ngũ, những năm 1989-1990, Đảng và Nhà nước có chính sách khuyến khích trồng rừng, phủ xanh đồi trọc, nhu cầu cây giống rất lớn. Anh thấy chọn con đường sản xuất cây giống là sống được. Tuy nhiên, lúc này trong tay anh lại không có tiền.

Để thực hiện con đường của mình, anh phải chạy vạy vay mượn khắp nơi được 5 triệu đồng. Anh vào TP. Hồ Chí Minh mua hạt và cây giống keo lai, bạch đàn, xà cừ… có nguồn gốc xuất xứ về ươm hơn 1ha. Thế nhưng, buổi ban đầu, kinh nghiệm còn non nớt, thời tiết lại khắc nghiệt, cây non chết hơn phân nửa, làm anh thâm hụt vốn.

Không nản, anh tiếp tục đi mua giống về ươm lại. Anh khắc phục các yếu tố bất lợi của thời tiết bằng cách sử dụng mái che, đèn chiếu sáng, và hệ thống phun nước tự động, nhằm giữ cho cây có độ ẩm tốt nhất để phát triển. Nhờ vậy cây phát triển tốt, khách hàng càng lúc càng nhiều. Năm 2010, anh quyết định ký hợp đồng thuê dài hạn 4ha đất để mở rộng diện tích vườn ươm. Hiện nay, tổng diện tích vườn ươm cây lâm nghiệp của anh là 5ha, với khoảng 100.000 cây, cứ 3 tháng anh xuất bán 1 lần. Mỗi năm anh thu lãi ròng trên 500 triệu đồng. Hiện gia đình anh thuộc loại khá giả của huyện Sơn Tịnh.

Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/ tháng. Anh chia sẻ: Tôi rất vui khi nhìn những cây giống do mình ươm trồng góp phần tạo thu nhập cho bà con nghèo quê mình và phủ xanh những vùng đồi trọc, hoang hóa trước kia”.



Theo dân việt.net

NGƯ NGHIỆP
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI CUA
YÊU CẦU VỀ CON GIỐNG

* Nguồn cua giống cung cấp cho nghề nuôi cua chủ yếu dựa vào nguồn giống khai thác trong tự nhiên. Cua giống thu được ở hàng đáy, ghe cào ở các cửa sông; tìm bắt ở các bãi sình vùng ngập mặn. Hiện nay có nơi đã cho sinh sản nhân tạo giống cua biển

* Cua con có các cỡ :

- Cua hạt tiêu (chiều rộng mai từ 0,5-0,7 cm);

- Cua hạt me (chiều rộng mai từ 1-1,5 cm);

- Cua mặt đồng hồ (chiều rộng mai từ 3-4 cm).

* Tốt nhất là nên mua cua giống từ vùng lân cận và sau khi đã đánh bắt được chuyển nhanh về nơi thả nuôi.

* Trong từng ao nên thả cua cùng cỡ. Cũng có thể chọn cỡ cua theo mong muốn ngay ở nơi cung cấp cua giống, hoặc tuyển chọn trước lúc thả nuôi

XÂY DỰNG VÀ CẢI TẠO AO NUÔI

1. Xây dựng ao nuôi

- Ao nuôi cua con thành cua thương phẩm thường có diện tích từ 500m2 đến 5000m2, sâu 1-1,5 m.

- Địa điểm: ao nuôi cần được xây dựng ở vùng dễ thay nước nhờ vào thuỷ triều để giảm chi phí.

- Chọn những vùng có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, nông nghiệpvà nước thải sinh hoạt sinh hoạt.

- Bờ ao: bờ cần được nén kỹ để chống mọi, rò rỉ và sạt lỡ. Chân bờ ao rộng từ 3-4m, chiều cao từ 1.5 đến 2m, cao hơn mực nước triều cao nhất ít nhất là 0,5m.

- Kênh: phía trong ao, cách bờ 2-3m đào một kênh rộng 3-4m bao quanh ao. Ở giữa ao chừa lại một cồn nổi cao hơn mặt nước ao 0.2-0.3m. Trong kênh nên bỏ thêm chà (nhánh cây được phơi khô) cho cua ẩn nấp.

- Cống : mỗi ao nuôi nên có hai cống ở hai đầu đối diện nhau, nếu ao hình chữ nhật thì hai cống sẽ đặt ở hai bờ thuộc chiều rộng. Cống thoát đặt sát đáy và thông với kênh trong ao. 

- Làm đăng chắn quanh bờ không cho cua vượt bờ ra ngoài, có thể dùng lưới mùng loại thưa bao quanh, đăng tre. Đăng chắn phải nghiêng về phía trong ao một góc 600, đăng phải cao từ  0.8-1m.



2. Cải tạo ao

- Tuỳ theo độ phèn của đáy ao mà có cách xử lý cho phù hợp, nếu pH của đất dưới 6 thì rải vôi bột (CaCO3) cho đáy ao: tháo cạn nước rải vôi đều trên đáy ao, cả lòng kênh và mép bờ ao.

- Lượng vôi rải từ 7-10 kg/100m2 ao. Phơi đáy ao 2-3 ngày, sau đó cho nước ra vào 3-4 lần xã sạch nước phèn .

 KỸ THUẬT QUẢN LÝ VÀ CHĂM SÓC



1. Mật độ thả giống

Cua hột tiêu 2-3 con/m2, cua hột me 1-2 con/m2, cua mặt đồng hồ 0.5-1 con/ m2. Thả giống vào lúc trời mát, ở nhiều điểm khác nhau trong ao. Mỗi ao nên thả giống trong một hai ngày cho đủ số lượng.

 

2. Quản lý, chăm sóc

- Cho ăn : cua nuôi trong ao phải cung cấp thức ăn hàng ngày. Thức ăn chủ yếu là cá vụn, còng, ba khía, đầu cá … Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4 – 6% trọng lượng cua, cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17 – 19h.

- Cách cho ăn : Thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau. Có thể dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua. Sau 2-3 giờ cho ăn kiểm tra sàng ăn, nếu cua ăn hết thức ăn trong sàng thì có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn

- Định kỳ thu mẫu để tính sản lượng cua có trong ao mà điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ.

- Hàng ngày phải cho cua ăn, không được để cua đói. Những cua lớn bị đói sẽ giết những cua nhỏ ăn thịt. Vì vậy nuôi cua phải có thức ăn dự trữ. Những ngày không có thức ăn tươi sống thì cho cua ăn thức khô : cá vụn, tép phơi khô. Trước lúc rải xuống ao cho cua ăn nên ngâm cá khô vào nước vài chục phút cho cá mềm ra.

- Việc đảm bảo môi trường nước trong sạch rất quan trọng đối với cua, nhất là nuôi mật độ dày cho ăn thức ăn tươi sống. Ở những nơi có thuỷ triều lên xuống hằng ngày cần thay nước thường xuyên. Mỗi ngày thay từ 20-30% lượng nước trong ao. Một tuần thay toàn bộ nước trong ao một lần. Nước mới trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.

- Trong thời gian nuôi khoảng 2 tuần một lần bắt cua cân đo để xem sinh trưởng của cua, xem xét tình trạng của cua : cua khoẻ nhanh nhẹn, không bị ký sinh ngoài vỏ; xem trong xoang mang có bị ký sinh hay không. Nếu có hiện tượng bị nhiễm bệnh thì phải tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý.

- Thời gian cuối của vụ nuôi trọng lượng cua trong ao tăng lên, cho ăn thức ăn nhiều nên môi trường rất dễ bị nhiễm bẩn. Do đó, việc thay nước, thường xuyên kiểm tra môi trường rất quang trọng..

- Trong một số trường hợp, đáy ao tích tụ nhiều thức ăn thừa, thối rữa, có thể phải tháo cạn, gạn cua và làm vệ sinh đáy ao: cào bỏ lớp bùn trên mặt và thức ăn thừa thối ra ngoài.

Thu hoạch cua biển

Đánh thử cua lên kiểm tra chất lượng. Cua thương phẩm đạt 250g/con trở lên. Cua chắc thịt hoặc đã đầy gạch (cua cái). Khi thấy cua đã đạt tiêu chuẩn, được giá thì thu hoạch cua để bán.



Theo dân trí
KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG HÀU
1. Nuôi vỗ đàn bố mẹ

- Chọn những cá thể lớn, kích thước từ 15-20cm, khối lượng thân từ 800-1.500g, vỏ không bị dập vỡ để nuôi tạo đàn bố mẹ. Nuôi treo trong đầm, nơi có độ mặn tương đối ổn định từ 15-20‰ và giàu thức ăn.

- Trước khi cho đẻ, hàu bố mẹ được nuôi vỗ từ 5-10 ngày trong bể xi-măng, ít thay nước (20% thể tích bể/ngày), thức ăn là các loại vi tảo.

2. Cho đẻ và ương ấu trùng

Kích thích hàu đẻ bằng cách thay đổi nhiệt độ nước của môi trường nuôi từ 3- 40C để gây sốc kích thích hàu đẻ trứng, phóng tinh. Tỷ lệ đực cái là 4:6. Trứng thụ tinh ngay sau khi đẻ và được lọc qua lưới với kích thước mắt lưới 40mm và chuyển sang bể ương ấp.

- Mật độ ương ban đầu là 20-25 tế bào/ml. Sau 24 giờ lọc thu ấu trùng đỉnh vỏ thẳng và chuyển ương trong bể mới có dung tích 2-3m3 với mật độ 10-15 con/ml.

3. Chăm sóc và quản lý ấu trùng

- Hằng ngày thay 1/2 thể tích nước trong bể ương. Thay toàn bộ nước, vệ sinh bể và chuyển ấu trùng sang bể ương mới 2 ngày/lần.

- Cho ăn bằng vi tảo mật độ 1.000 - 5.000 tế bào/ml vào buổi sáng và chiều.- Sục khí 24/24 giờ; độ mặn là 8-20‰; nhiệt độ nước 24-300C; pH 7,8-8; nồng độ O2 từ 4-6mg/lít. Thấy ấu trùng phân tán đều trong bể là được.

4. Thu ấu trùng

Trong điều kiện bình thường, thời gian ương kéo dài từ 20-25 ngày. Khi ấu trùng đạt kích thước 250-350um chúng xuất hiện chân bò và chuyển sang trạng thái sống bám cố định vào giá thể. Đây là giai đoạn để thu con giống.

- Thu ấu trùng bám vào giá thể bằng các loại vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ sò, ngói vỡ, tấm nhựa... để phục vụ nuôi treo.

- Thu ấu trùng ở dạng đơn: con giống bám vào vật bám với kích thước nhỏ (25um) như: bột xi-măng, bột vỏ hầu phục vụ cho kiểu nuôi khay. Xu thế hiện nay là sử dụng con giống dạng đơn để nuôi khay.



5. Nuôi thành con giống

Ấu trùng sau khi bám 2 ngày, đưa ra ngoài môi trường tự nhiên nuôi thành con giống. Nuôi treo hoặc nuôi khay trong thời gian 2 tháng, kích thước thu được từ 2-3cm chiều cao vỏ.


CHUẨN BỊ BÃI VÀ GIÁ THỂ NUÔI HÀU

1. Chọn bãi nuôi

- Độ sâu, đặc điểm nền đáy

- Các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp, đặc biệt là nồng độ muối, độ trong, không bị nhiễm bẩn. Không có nguồn nứơc ngọt đổ ra trực tiếp

- Dòng chảy và độ cao của thủy triều

- Nguồn nước có đầy đủ thức ăn

- Ít sóng gió, ít tàu bè qua lại; giao thông thuận lợi



2. Giá thể: 

Ấu trùng hàu bám vào các loại giá thể khác nhau: vỏ nhuyễn thể, đá, cọc... Khi không có giá thể cứng chúng có thể bám vào rong biển. Giá thể thích hợp là giá thể có chứa canxi (vỏ nhuyễn thể, đá vôi...)

Có thể dùng dây thừng, tre, ống nhựa, gỗ, sọ dừa... làm giá thể.

Giá thể có thể dùng để nuôi treo (bè, giàn) thì thường lớn và phải bền hơn giá thể dùng nuôi đáy.



3. Yêu cầu về giá thể: 

- Rẻ, có số lượng lớn

- Rắn, hơi nhám, bề mặt sạch (màu sắc không quan trọng

- Trọng lượng riêng thích hợp, không quá nặng khi treo, nhưng phải vừa đủ để không bị nổi.

- Dễ vận chuyển

- Diện tích bề mặt lớn 

- Dòng nước chảy được qua toàn bộ bề mặt, đường kính đủ lớn cho sự sinh trưởng từ ấu trùng đến cỡ thu hoạch

- Thích hợp cho cả nuôi treo hoặc nuôi đáy.

- Ít tích tụ bùn trên bề mặt

- Giá thể nuôi đáy phải dễ dàng phân huỷ sau 1 thời gian nuôi.

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc Hàu

1. Nuôi hàu thương phẩm

* Nuôi cọc: Cọc là cây rừng ngập mặn, tre hoặc cọc xi -măng; cắm riêng rẽ với khoảng cách 0,5m ở những nơi có giống tự nhiên. Nếu hàu bám nhiều thì cần san thưa nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của hàu.

* Nuôi đáy:Các tảng đá được xếp thành từng cụm với lối đi ở giữa để thu hàu giống. Nên chọn nền đáy cứng để giá thể không bị lún.

* Nuôi giàn:Giống nuôi bè nhưng khung được làm bằng các loại cây rừng ngập mặn, đóng cố định xuống nền đáy. Giá thể có hàu giống bám được treo vào khung và nuôi cho đến khi thu hoạch.

* Nuôi khay:ưu điểm là tạo được hàu có hình dáng đẹp. Hàu giống được tách ra khỏi giá thể và nuôi trong khay ở dạng rời từng con một (hàu đơn). Khay được đóng bằng gỗ, đáy lót lưới hoặc làm sàn bằng tre, gỗ. Các khay nuôi có thể bố trí theo dạng một hoặc nhiều tầng.

* Nuôi dây:Giá thể có hàu bám được treo vào dây nylon lớn gắn với các phao nổi; 2 đầu của sợi dây được cố định bằng neo hoặc cột. Cách nuôi này phù hợp với những nơi có sóng gió lớn.

* Nuôi bè: Giống cách nuôi dây, năng suất thu được khá cao. Các dây nylon có hàu giống được treo vào bè. Bè làm bằng gỗ, có phao nổi xung quanh và cũng được cố định bằng neo. Bè có thể kéo đi nơi khác trong trường hợp khu vực nuôi bị bão hoặc môi trường không còn phù hợp.

2. Chăm sóc quản lý

Chủ yếu làm vệ sinh định kỳ (khoảng 10 ngày/lần), sửa chữa thiết bị nuôi, san thưa, diệt địch hại như cua, sao biển, ốc... Theo dõi các yếu tố môi trường, thời tiết để có biện pháp bảo vệ.

THỜI ĐIỂM THU HOẠCH

Khi hàu đạt cỡ thương phẩm, khoảng 10 con/kg, tiến hành thu hoạch vào trước mùa sinh sản, lúc này hàu có tỷ lệ thịt cao và ngon.

Để đảm bảo nguồn hàu giống cho vụ sau, nên chừa lại 10-15% sản lượng hàu để tham gia sinh sản.

Theo nông thôn ngày nay
Y TẾ

NGUY CƠ BÙNG PHÁT CÚM A/H5N1


Đây là thông tin được cảnh báo tại hội thảo truyền thông nguy cơ về bệnh cúm A/H5N1 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 22-11. TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua các nghiên cứu điều tra mới nhất của cơ quan thú y tại Việt Nam đã phát hiện ra nhánh C của virus cúm A/H5N1 nhưng vẫn chưa ghi nhận sự lây lan của virus mới này sang người.

Tuy nhiên, trước tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm bị bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc diễn ra phức tạp như hiện nay thì nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát và lây lan sang người là rất cao nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp khống chế triệt để.

Hơn nữa, việc buôn lậu gia cầm bị bệnh trong thời gian qua là nguy cơ rất lớn để bùng phát, lây lan cúm A/H5N1 từ quốc gia này sang quốc gia khác hay từ vùng này sang vùng khác.

Theo Khoa học đời sống


ĂN NHIỀU CÀ CHUA GIẢM NGUY CƠ ĐỘT QUỴ


Theo nghiên cứu của Đại học Đông Phần Lan cho thấy một hóa chất màu đỏ gọi là lycopene, có nhiều trong cà chua, ớt hay dưa hấu, giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Nghiên cứu được tiến hành trong vòng 12 năm trên 1.031 người, trong đó những người có nồng độ lycopene trong máu cao giảm 55% nguy cơ bị đột quỵ so với những người có nồng độ chất này trong máu thấp.



Tiến sĩ Jouni Karppi thuộc nhóm nghiên cứu giải thích lycopene đóng vai trò như chất chống oxy hóa, giảm viêm và ngăn ngừa đông máu. Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ. 

Theo khoa học và đời sống



tải về 0.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương