Con Ðường Cổ Xưa (The Buddha's Ancient Path)



tải về 1.51 Mb.
trang9/17
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích1.51 Mb.
#38731
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17

1. Không nói dối: Trong nội dung của chánh ngữ giới đầu tiên là không nói dối đồng thời phải nói lời chân thật. Người như vậy theo Metta sutta (Từ Bi kinh) nói, là người ngay thẳng và chánh trực (Uju, Sùju). Người ấy sống chân thật, liêm khiết và đáng tin cậy. Người ấy không vì danh, vì lợi hoặc vì muốn làm vui lòng người khác mà chối bỏ sự thật. Có thể người ấy bị xem là nghiêm khắc, nhưng 'sự thật chỉ có một, không có sự thật thứ hai219[30]'. Ðức Phật không bao giờ tuyên bố một điều gì ngày hôm nay rồi ngày mai lại nói ngược lại220[31]. Bởi vì Ngài nói như thế nào thì Ngài làm như thế ấy và Ngài làm như thế nào thì Ngài nói như thế ấy, nên Ngài được gọi là Tathàgata (Như Lai), bậc Ðạo Sư cũng được gọi là Saccanàma, 'người mệnh danh là chân lý'.

Liên quan đến tội nói dối này, Ðức Phật đã nhấn mạnh trong bài học đầu tiên cho Sa di Ràhula (La Hầu La), Sa di bảy tuổi, dường như có tật xấu thích nói dối (chúng ta biết rằng trẻ con ở lứa tuổi này, vô tình hay cố ý thường hay nói dối).

Một hôm Ðức Phật đến thăm Sa di Ràhula. Ràhula chuẩn bị sẵn sàng tọa và đem nước cho Ngài rửa chân. Bậc Ðạo Sư rửa chân xong rồi ngồi xuống. Sa di Ràhula cúi đầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi sang một bên. Khi ấy bậc Ðạo Sư đổ một ít nước vào chậu và nói:

- Này Ràhula, con có thấy ít nước còn lại trong chậu không?

- Bạch Ðức Thế Tôn con có thấy.

- Cũng vô nghĩa như vậy, này Ràhula, là Sa-Môn hạnh của những ai nói láo không biết hổ thẹn.

Rồi bậc Ðạo Sư đổ nước trong chậu đi và nói với Sa di:



- Này Ràhula, con có thấy chút nước còn lại đã bị hất đi không?

- Thưa có, bạch Ðức Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ràhula! Sa-Môn hạnh thực sự đã bị vứt bỏ đối với người nào nói dối không biết hổ thẹn.

Rồi bậc Ðạo Sư lật úp chậu nước lại và nói:



- Này Ràhula, con có thấy rằng cái chậu đã bị lật úp xuống không?

- Bạch Ðức Thế Tôn, con có thấy.

- Cũng vậy nầy Ràhula, Sa-Môn hạnh thực đã bị lật úp đối với người nào nói dối không biết hổ thẹn.

Rồi bậc Ðạo Sư lật ngửa chậu nước lên và bảo:



- Này Ràhula, con có thấy chậu nước này đã rỗng không chăng?

- Bạch Ðức Thế Tôn con có thấy.

- Cũng vậy này Ràhula, Sa-Môn hạnh của người nói láo cũng rỗng tuếch, trống không như vậy.

...


Ðức Phật đưa ra ẩn dụ con voi của đức Vua:

'Này Ràhula, ví như một con voi của Vua, có cặp ngà dài như càng xe, to lớn, khéo huấn luyện và có kinh nghiệm trên chiến trường, khi lâm trận con voi này dùng hai chân trước, hai chân sau, dùng phần thân trước, phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng cặp ngà và đuôi của nó, những giữ cho cái vòi được bảo vệ (bằng cách đặt nó vào miệng)'.

Thấy vậy (cách xử sự của con voi), người nài nghĩ: "Khi con voi của Vua, với ngà dài như càng x xe ...như trên... mà bảo vệ cái vòi của nó. Như vậy con voi của Vua không quăng bỏ mạng sống của nó.

Nhưng, này Ràhula (vào một lần khác) khi con voi của Vua với ngà dài như càng xe, to lớn ...như trên... khi lâm trận, nó chiến đấu với hai chân trước, với hai chân sau, với phần thân trên, với phần thân dưới, với đầu, với tai, với cặp ngà, với đuôi và cả với vòi của nó. Con voi của Vua sẽ quăng bỏ mạng sống của nó. Giờ đây không có điều gì mà con voi của Vua này không làm'.

Cũng vậy, này Ràhula những ai nói láo không biết hổ thẹn, Như Lai nói rằng không có điều ác nào mà người ấy không làm. Vì vậy, này Ràhula con hãy tự mình luyện tập như vầy: "Ta sẽ quyết không nói láo, dù chỉ để vui đùa"221[32].

2. Nói ly gián hay nói hai lưỡi (Pisunàvàcà: ly gián ngữ) là điều ác kế tiếp mà cái lưỡi có thể phạm, từ Pàli Pisunàvàcà nghĩa đen là "Phá vỡ tình bạn". Vu khống người khác là một điều độc ác nhất vì nó đòi hỏi phải đưa ra một lời tuyên bố dối trá với ý định làm hại thanh danh của người khác. Người nói lời ly gián thường phạm vào hai tội ác một lúc, vì lời vu cáo của họ không đúng sự thật nên họ đã phạm tội nói láo và sau đó họ còn phạm tội đâm thọc sau lưng người khác (ly gián).

Trong thi ca văn kệ Sanskrit người đâm thọc sau lưng người khác được so sánh với con muỗi tuy nhỏ nhưng rất độc. Nó bay đến với tiếng hát vo ve, đậu lên người bạn, hút máu và có thể, nếu là muỗi cái, truyền bệnh sốt rét vào bạn. Lại nữa những lời lẽ của người đâm bị thóc, thọc bị gạo này có thể ngọt ngào như mật ong, nhưng tâm địa của họ đầy nọc độc.

Như vậy chúng ta hãy tránh lời nói đâm thọc hay lời nói ly gián phá hủy tình thân hữu. Thay vì gây chia rẽ, chúng ta hãy nói những lời đem lại sự an vui và hoà giải. Thay vì gieo hạt giống phân ly, chúng ta hãy mang an lạc và tình bạn đến những ai đang sống trong bất hoà và thù nghịch. Ðức Phật nói: "Hãy sống đoàn kết, đừng cãi vả". Còng Hoàng Ðế A-Dục cho khắc trên đá câu: "chỉ có tinh thần hoà hợp là đáng tuyên dương" (samavàyo eva sàdhu). Vì chúng ta sống trong thế gian này hoàn toàn lệ thuộc vào nhau nên chúng ta cần phải học cách sống với nhau trong an lạc, thân thiện và hài hòa.

3. Giới kế tiếp là không nói những lời độc ác đồng thời phải nói những lời hòa nhã, lễ độ. Những gì chúng ta nói có thể đem đến được - mất, khen - chê, danh thơm -tiếng xấu, khổ đau - hạnh phúc. Một lời nói êm ái, hoà nhã có thể làm động lòng trái tim chai đá nhất, trong khi một lời độc ác có thể gây ra sự đau đớn khó lường.

Chúng ta phải nghĩ hai lần trước khi nói không tốt về một người nào, vì đó là một cố gắng để làm tổn hại danh dự và nhân cách của người đó. Tuy nhiên, nếu khen một người nào thì không có vấn đề gì cả, vì lời khen này không đưa đến khó chịu và thù oán, ví như chúng ta tô điểm phớt qua bức tranh một tí, vậy thôi. Ðức Phật dạy:

'Phàm con người đã sanh
Sanh với búa trong miệng
Kẻ ngu si nói bậy,
Tự chặt đứt lấy thân'
222[33].

Vào thời Ðức Phật, người ta thường tổ chức một lễ hội gọi là "Lễ của Kẻ Ngu" (Bàlanakkhatta), trong buổi lễ này chỉ có những người ngu si, ngớ ngẩn tham dự. Suốt một tuần lễ bọn người ngu này trét phân bò và tro lên khắp người rồi đi lang thang, vừa đi vừa la hét, chửi mắng mọi người một cách thô tục. Ngay cả bạn bè, thân quyến, sư sãi họ cũng không chừa. Người nào ném cho họ vài đồng thì được thoát nạn. Một số vị đề tự thuần thành của Ðức Phật cầu xin Ngài và tăng chúng đừng đi vào thành (khất thực) cho đến khi lễ hội chấm dứt. Lúc ấy Ðức Thế Tôn nói: 'Những kẻ ngu đần độn và thiếu học thường gây rối như vậy, nhưng bậc trí luôn tu tập chánh niệm để đạt đến Bất Tử Niết bàn'223[34].

Ngôn ngữ của một người thường biểu thị cá tính của họ; một lời độc ác, một điệu bộ khó ưa, một nụ cười bất chánh, có thể biến một người bản chất hiền lương thành kẻ tội phạm, biến một người bạn thành kẻ thù.

"Chớ nói lời độc ác
Nói ác, bị nói lại
Khổ thay lời phẫn nộ
Ðao trượng phản chạm mình
224[35]".

Một trong những câu chuyện tiền thân của đức Bồ tát kể lại trường hợp Ngài đã làm thế nào để cho mẹ của mình dứt bỏ lời nói độc ác. Theo lời đồn bà là người đa ngôn và độc miệng, nhưng người con (Ðức Bồ tát) biết những khuyết điểm của mẹ, không muốn nói thẳng sợ làm cho bà Phật lòng. Một hôm, Bồ tát (lúc đó là Vua xứ Benares 'Ba la nại') ngự chơi vườn thượng uyển với mẫu hậu và quần thần. Trên đường đi, một con chim giẻ cùi xanh (một loại chim có màu lông sặc sỡ hay kêu ầm ĩ) cất tiếng kêu the thé chói tai đến nỗi mọi người phải bịt tai lại và la lên: "Thật là một tiếng kêu ác độc, một tiếng rít mới ghê rợn làm sao, đừng có kêu nữa, đừng có bắt người ta phải nghe nữa". Rồi sau đó, vô tình Bồ tát và mẫu hậu cùng đoàn tuỳ tùng tản bộ đến một nơi êm ái dễ chịu kia, một con chim sáo cất tiếng hót ngọt ngào đến nỗi mọi người đều hân hoan và mong rằng nó sẽ hót lại nữa.

Ðây chính là lúc mà đức Bồ tát hằng chờ đợi, Ngài liền nói: "Thưa mẫu hậu, tiếng kêu của loài chim giẻ cùi thật là khó chịu và mọi người thà bịt tai lại còn hơn phải nghe tiếng kêu của nó. Không ai thích lời nói thô lỗ cả. Con chim sáo dù đen đủi và không đẹp nhưng đã chiếm được cảm tình và sự chú ý của mọi người nhờ tiếng hót ngọt ngào của nó. Do vậy lời nói của người ta cần phải thân ái và tiết chế, điềm đạm và mang đầy ý nghĩa...". Ðược Bồ tát khuyên giải như vậy, từ đó về sau người mẹ trở nên tế nhị hơn trong lời nói và tao nhã hơn trong tính cách225[36].

Lời nói nhã nhặn và lịch thiệp có sức hấp dẫn và là một vốn quý đối với xã hội, vậy mà cái đẹp này thường bị phá hỏng bởi lời nói thô lỗ cọc cằn "ngôn ngữ của trái tim, ngôn ngữ xuất phát từ trái tim, luôn luôn mộc mạc, thanh nhã và đầy năng lực"226[37].

4. Giới thứ tư và cũng là giới cuối cùng liên quan đến Chánh Ngữ là không nói lời phù phiếm hay nói lời vô ích, tức là những lời không đem lại lợi ích cho ai cả. Người ta thường thích nói chuyện phù phiếm cho qua ngày, nhất là những chuyện gièm pha chê bai người khác với ác ý. Các cột lượm lặt trên báo chí cũng được xem là không tốt. Các ông, các bà khi rảnh rỗi thường mãi miết trong các câu chuyện gẫu bất tận, họ giải trí bằng cái giá phải trả của người khác. Như J.L. Hollard nói: "Ngồi lê đôi mách luôn luôn là sự tự thú hoặc về lòng hiểm độc, hoặc về tính khờ dại của mình. Ðó là một việc làm thấp hèn, phù phiếm và quá ư là xấu xa, vì trong các câu chuyện đó những người láng giềng suốt đời là kẻ thù". Lời khuyên vàng ngọc của Ðức Phật là: "Này các Tỳ khưu, khi các con tu tập cùng nhau thời có hai việc cần làm, hoặc là nói về pháp (dhamma) hoặc là giữ sự yên lặng như bậc Thánh"227[38].

Ðức Phật rất chê trách những cuộc nói chuyện huyên thuyên phí thời gian vô ích. Những lời gièm pha và đồn đãi không tốt vì nó làm quấy động sự yên tĩnh và định tâm. "Chỉ một lời hữu ích, nghe xong tâm an tịnh - hơn nói cả ngàn câu, toàn những lời vô nghĩa"228[39].

Trong ngôn ngữ Pàli từ Muni (Mâu Ni) có nghĩa là người luôn giữ sự yên lặng (Bậc tịch tịnh), thường được dùng để gọi một vị Thánh. Vâng "Yên lặng là vàng" chính vì vậy đừng nên nói, trừ khi bạn chắc chắn rằng bạn không thể tốt hơn trong sự yên lặng.

Nói nhiều là mối hiểm nguy,
Người thường yên lặng tránh điều tai ương,
Két kia liến thoắng bị giam
Hoá chim không nói vẫy vùng tự do
229[40].

"Người ta không thể trở thành bậc trí chỉ vì nói nhiều"230[41]. Cũng không phải vì nói nhiều mà người ta được gọi là bậc lão thông Pháp (Dhammadhara)231[42]. Và sợ rằng người ta có thể hiểu lầm sự yên lặng của bậc Thanh Tịnh (Muni), Ðức Phật nói: "Giữ yên lặng không biến kẻ ngu dốt, si mê thành bậc Thánh (muni)"232[43].

Im lặng nhưng ngu si
Ðâu phải bậc hiền trí.

Ðể kết luận cho phần Chánh Ngữ này chúng ta hãy nghe bài kinh Subhàta (Khéo Thuyết) trong Kinh Tập (Suttanipàta) 78.



Bậc thiện nhân nói lên,
Lời khéo nói tối thượng,
Thứ hai nói đúng pháp,
Không nói lời phi pháp
Thứ ba nói khả ái,
Thứ tư nói chân thật,
Không nói lời dối trá.


Hãy nói lên những lời
Không thiêu đốt Tự Ngã
Không làm hại người khác
Lời nói ấy khéo nói.
Hãy nói lời khả ái,
Nói lời khiến hoan hỉ
Không mang theo ác hại,
Khiến người khác ưa thích
Chân thật lời bất tử,
Ðây thường pháp là vậy,
Họ nói, bậc thiện nhân,
An trú trên chân thật
Trên mục đích trên pháp.


Lời gì Ðức Phật nói
An ổn đạt Niết bàn
Ðoạn tận các khổ đau,
Ðây lời nói tối thượng.

--ooOoo--



Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14
[Trở về trang Thư Mục]

Con Ðường Cổ Xưa
(The Buddha's Ancient Path)
Piyadassi Thera
Dịch giả: Tỳ Khưu Pháp Thông

CHƯƠNG IX

CHÁNH NGHIỆP (SAMMÀ-KAMMANTA)

-ooOoo-


Chánh nghiệp là chi thứ hai của nhóm giới trong đạo Phật. Chánh nghiệp là sự tránh phạm ba tà nghiệp: sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Như đã nói đến trong một chương trước, nó khắc sâu vào tâm lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh; chỉ lấy những gì được cho và sống cuộc đời trinh bạch, trong sạch. Như vậy ba yếu tố này là ba giới đầu trong ngũ giới, hai giới còn lại là không nói dối và không uống rượu. Không cần phải có kiến thức khoa học mới hiểu được rằng những học giới cơ bản này, trong khi uốn nắn nhân cách của mình, người giữ giới, đã thúc đẩy những quan hệ chánh trực và hài hoà giữa mình và mọi người. Bằng việc giữ giới này ta đã đem lại cho mọi người sự vô uý (không sợ hãi), an ổn và yên vui. Tất cả mọi giới hạnh, hay nếp sống hiền thiện, đều được thiết lập trên căn bản từ bi (Mettà - Karunà), những trạng thái tâm vô lượng mà chúng ta đã bàn ở chương Chánh Tư Duy. Một người không có hai đức tính nổi bật này thì khó mà có thể được gọi là một người giới hạnh, những hành động của thân và khẩu không thấm đượm lòng từ bi thì không thể được xem là hiền thiện. Chắc chắn ta không thể sát sanh, trộm cắp v.v...với những ý nghĩ từ bi và một lương tâm hiền thiện được, mà ta phải bị thúc đẩy bởi những tư duy độc ác, tham lam và si mê.

Ðiều cần thiết là phải khép tâm vào kỷ luật ở một mức độ nào đó, bởi vì một cái tâm không được điều phục sẽ luôn luôn tìm những lý lẽ để biện minh cho việc phạm những ác nghiệp về lời nói hay việc làm "khi tâm không phòng hộ, thân hành cũng không được phòng hộ, và như vậy khẩu hành cũng không được phòng hộ"233[1].

Ðức Phật dạy:

'Do những hành động của mình mà người ngu được biết là ngu và bậc hiền trí cũng vậy. Do cư xử mà bậc hiền trí làm chói sáng trí tuệ của mình'.

'Người có đầy đủ ba pháp này cần phải biết là một người ngu. Ba pháp đó là gì? Thân làm ác, lời nói ác và ý nghĩ ác. Người ngu được biết là ngu do đầy đủ ba pháp này'.

'Người đầy đủ ba pháp này sẽ được xem là bậc hiền trí. Ba pháp đó là gì? Thân hành chân chánh, lời nói chân chánh và ý nghĩ chân chánh. Bậc trí được biết đến do đầy đủ ba pháp này'.

'Vì vậy này các Tỳ khưu, các con phải học tập như vầy: Chúng ta sẽ sống từ bỏ ba pháp, đầy đủ ba pháp đó một người ngu được biết là ngu, và sẽ thực hành ba pháp, đầy đủ ba pháp ấy một người được biết là bậc hiền trí. Này các Tỳ khưu các con phải tự học tập như vậy'.

Nhân cách con người được tạo dựng qua cách cư xử. Không ai có thể ban tặng món quà nhân cách tốt đẹp này cho người khác. Mỗi người cần xây dựng nhân cách cho mình bằng sự tích cực tư duy, phản tỉnh, thận trọng, tinh cần, chánh niệm và định tâm. Cũng như muốn tinh tường một bộ môn nghệ thuật nào đó người ta cần phải khổ công lao nhọc, việc tinh thông nghệ thuật cư xử cao quý trong đó một nhân cách hiền thiện vững vàng nương tựa cũng phải cần khổ như vậy, nghĩa là ta phải luôn luôn chuyên cần và tỉnh giác. Như William Hawes nói: "Một nhân cách tốt đẹp ở trong mọi trường hợp, là hoa trái của nỗ lực tự thân, nó không phải là sản phẩm được thừa hưởng nơi cha mẹ, nó không phải được tạo ra từ những hoàn cảnh thuận lợi bên ngoài, nó không nhất thiết phải phụ thuộc vào sinh trưởng, tài sản, năng khiếu hay địa vị. Mà nó chính là kết quả do những cố gắng của con người. Nếu chúng ta muốn có được một nhân cách tốt đẹp thực sự chúng ta phải nhớ lời cảnh tỉnh của Ðức Phật không nên dễ duôi và mộng tưởng hão huyền: 'Hãy thận trọng, luôn luôn chánh niệm' 234[2]".

Trong việc rèn luyện nhân cách điều đầu tiên cần làm là thực hành tự chế (Samyama). Nếu một người thay vì tự chế, lại sống buông thả theo các dục lạc ngũ trần, giới hạnh và nhân cách của họ sẽ suy thoái - về vấn đề này tất cả các vị giáo chủ của mọi Tôn giáo và khoa tâm lý học đều đồng ý. Những ai đang say mê trong dục lạc và những ai do bị thôi thúc của dục vọng phải hưởng thụ sẽ không thể rèn luyện nhân cách cho đúng đắn đến chừng nào họ biết cách kiểm soát tâm của họ.

Tự chế phát xuất từ sự phản tỉnh về giới và những lợi ích của giới. Ðặc biệt những người trẻ tuổi cần phải phát triển một lòng yêu mến giới hạnh, vì điều này nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần. Một cái tâm không tiết chế sẽ tự tiêu mòn trong những hoạt động phù phiếm. Nhân cách là một điều gì đó mà chúng ta phải xây dựng, phải rèn luyện nó trên cái đe của sự quyết tâm.

Tuy nhiên, các học giới không mang ý nghĩa của những điều răn. Ðức Phật không phải là nhà làm luật có toàn quyền quyết định. Hoàn toàn không có sự cưỡng ép hay thúc bách nào trong đạo Phật. Việc chấp nhận các học giới của hàng tại gia cư sĩ cũng như các tu sĩ là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.

Thật là thú vị khi thấy cách Ðức Phật huấn luyện các đệ tử của mình. Kesi, một người chuyên huấn luyện ngựa. Một hôm viếng thăm Ðức Thế Tôn, và cuộc đối thoại sau đây đã xảy ra.



Này Kesi, con là người huấn luyện ngựa, một người chuyên điều phục những con ngựa cho trở nên thuần tính. Vậy con huấn luyện ngựa trở nên thuần tính bằng cách nào?

Bạch Ðức Thế Tôn con huấn luyện một con ngựa trở nên thuần tính bằng nhiều cách, có khi thì mềm mỏng, có khi thì thô bạo, có khi thì phải dùng đến cả hai.

Giả sử, này Kesi, một con ngựa cần được thuần hoá, không chịu phục tùng theo những cách luyện tập của con, lúc ấy con sẽ làm gì với con ngựa đó?

Trong trường hợp như vậy, bạch Ðức Thế Tôn, con sẽ giết nó. Vì lý do gì? Sợ rằng nó làm mất uy tính cho dòng tộc thầy con. Nhưng còn Ngài, bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc điều ngự vô song những người đáng được điều ngự. Bạch Ðức Thế Tôn Ngài điều ngự một người đáng được điều ngự như thế nào?

Này Kesi, Như Lai điều phục người đáng điều phục bằng nhiều cách, có khi bằng những cách mềm mỏng, có khi bằng những cách cứng rắn, có khi bằng cả hai cách. Này Kesi, đây là cách mềm mỏng: Như thế này là thân làm thiện, như thế này là quả báo của thân làm thiện. Như thế này là lời nói thiện, như thế này là quả báo của lời nói thiện. Như thế này là ý nghĩ thiện, như thế này là quả báo của ý nghĩ thiện. Như thế này là chư thiên, như thế này là nhân loại.

Và này Kesi, thế nào cách cứng rắn: Ta nói như thế này là thân hành ác, như thế này là quả báo của thân hành ác. Như thế này là lời nói ác, như thế này là quả báo của lời nói ác. Như thế này là ý nghĩ ác, như thế này là quả báo của ý nghĩ ác. Như thế này là địa ngục, như thế này là cảnh giới của hàng súc sanh, như thế này là cảnh giới của hàng ngạ quỷ.

Và này Kesi, thế nào là cách vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn: Ta nói như thế này là thân làm thiện, như thế này là quả báo của thân làm thiện, như thế này là thân hành ác, như thế này là quả báo của thân hành ác ...như trên.

Bạch Ðức Thế Tôn, giả sử có người không chịu theo cách điều phục của Ðức Thế Tôn. Lúc ấy, bạch Ðức Thế Tôn Ngài sẽ làm gì với người đó?

Trong trường hợp đó, này Kesi, Như Lai sẽ giết người ấy.

Nhưng chắc chắn là Ðức Thế Tôn không bao giờ đoạt mạng sống của người ấy chứ? Thế thì sao Thế Tôn lại nói: "Ta sẽ giết người đó!".

Thực sự như vậy, này Kesi, đúng là Như Lai không bao giờ tước đoạt mạng sống của người khác. Tuy vậy, nếu một người không chịu cách điều phục bằng lời mềm mỏng, bằng lời cứng rắn. Lúc ấy Như Lai nghĩ rằng người ấy không cần gì phải nói nữa và các Tỳ khưu đồng phạm hạnh của người ấy không cần phải khuyến hoá người ấy nữa. Trong luật của bậc Thánh, này kesi, khi Như Lai và các Tỳ khưu đồng phạm hạnh của người này nghĩ rằng người ấy không cần thiết phải nói và khuyến hoá nữa, như thế là đã giết người ấy vậy"235[3].

Cuộc đối thoại này rõ ràng đã nói cho chúng ta biết rằng, Ðức Phật không có ý định áp đặt những điều răn lên hàng đệ tử của Ngài, mà như một người thầy đầy lòng bi mẫn, Ngài vạch ra cho họ thấy cái gì là đúng, cái gì là sai và đâu là những hậu quả của chúng.

Như Lai nói: "Này các Tỳ khưu, các người hãy từ bỏ điều ác". Ðiều ác có thể từ bỏ được. Nếu nó không thể từ bỏ được, Như Lai sẽ không nói như vậy. Bởi vì điều ác có thể từ bỏ được, Như Lai lại mới nói với các con: "Này các Tỳ khưu, các con hãy từ bỏ điều ác".

Nếu việc từ bỏ điều ác này dẫn đến mất mát và đau khổ, Như Lai sẽ không nói: "Hãy từ bỏ điều ác".

Này các Tỳ khưu, các con hãy trau dồi điều thiện. Ðiều thiện có thể được trau dồi, nếu điều thiện không thể trau dồi được, Như Lai sẽ không nói như vậy. Bởi vì điều thiện có thể được trau dồi, nên Như Lai mới nói: "Này các Tỳ khưu, các con hãy trau dồi điều thiện". Nếu trau dồi điều thiện dẫn đến mất mát và khổ đau, Như Lai sẽ không nói: "Hãy trau dồi điều thiện". Nhưng vì nó dẫn đến an lạc và hạnh phúc, do vậy Như Lai mới nói: "Này các Tỳ khưu, các con hãy trau dồi điều thiện236[4]".

Công việc còn lại của mỗi người là thực hiện những nỗ lực cần thiết để biến những học giới mà mình đã tự nguyện chấp nhận ấy thành hành động cụ thể. Tuy nhiên nếu như người ấy thờ ơ và lười biếng thì cho dù các học giới đã được tuyên thể và có sự hỗ trợ của nguời khác qua những tấm gương và điển hình giữ giới của họ, cũng không có lợi gì cả. Trách nhiệm nằm trong đôi tay của chính họ.



"Giống nào người đã gieo,
Từ đó quả người gặt.
Hành thiện gặt quả thiện,
Hành ác gặt quả ác
Ðã gieo hạt giống nào,
Người phải gặt quả nấy".


1. Giới thứ nhất là tránh sát sanh đồng thời mở rộng lòng từ đến tất cả chúng sanh không đưa ra một giới hạn nào cả. 'Tất cả chúng sanh' trong đạo Phật, hàm ý tất cả mọi loài sinh vật, mọi loài có hơi thở. Một điều ai cũng phải nhìn nhận rằng tất cả mọi loài có sự sống, dù là người hay vật, đều ham sống và sợ chết. Vì sự sống quý giá đối với muôn loài như vậy, mục đích của chúng sanh là không để nó bị hại và tìm cách kéo dài sự sống. Ðiều này áp dụng đến cả những sinh vật nhỏ nhoi nhất có ý thức về sự sống. Như Ðức Phật đã nói:

"Ai mưu cầu hạnh phúc,
Bằng cách hại chúng sanh,
Các loài thích an lành.
Ðời sau chẳng hạnh phúc" -- Dhp. 131.

Hạnh phúc của mọi sinh vật tuỳ thuộc vào sự sống của chúng. Vì vậy tước đoạt đi cái được xem là vô cùng giá trị đối với chúng là cực kỳ độc ác và vô lương tâm. Do đó, có ngạc nhiên chăng khi thấy rằng những người muốn giết hại người khác đã tự chuốc vào thân sự thù hận và căm phẫn của những người mà họ muốn giết đó?



"Ai cũng sợ trừng phạt,
Ai cũng quý mạng sống,
Hãy suy ta ra người,
Chớ giết chớ bảo giết
237[5]".

"Ta sao người cũng vậy,
Người sao ta cũng vậy,
Hãy suy ta ra người,
Chớ giết chớ bảo giết"
238[6].

Không làm hại và giết chóc kẻ khác là chuẩn mực đạo đức của người con Phật cũng như của tất cả những ai có lương tri cảm xúc. Những ai muốn dưỡng thói quen đối xử ác độc với loài vật cũng hoàn toàn có khả năng ngược đãi con người khi có cơ hội. Khi một ý nghĩ ác độc dần dần phát triển thành nỗi ám ảnh, nó có thể dẫn đến tính tàn bạo. Như trong kinh điển có nói: 'Những ai sát sanh thường phải chịu đau khổ trong kiếp hiện tại và có thể đưa đến một cái chết thê thảm. Sau kiếp sống này nghiệp ác của họ sẽ đẩy họ vào khổ cảnh lâu dài. Nếu những người sát sanh này có được tái sanh trong những gia đình giàu có với sắc đẹp, sức mạnh và những thân lạc khác, ác nghiệp của họ vẫn bám sát lấy họ khiến phải đoản mạng'.

Ngược lại: 'Người sống có lòng thương tưởng đến những chúng sanh khác và tránh xa việc sát sanh sẽ được tái sanh vào những cõi an vui và nếu có sanh lại làm người cũng sẽ được đầy đủ sức khoẻ, sắc đẹp, giàu sang, có ảnh hưởng, thông minh v.v...' 239[7]

Giáo lý về nghiệp (Kamma) là một trong những nguyên lý căn bản của đạo Phật. Chính những hành động có chủ ý của chúng ta được gọi là nghiệp. Nếu ta hiểu được sự vận hành của nghiệp và quả (Kamma - vipàka) ta có thể không bị lôi kéo vào những hành động ác và bất thiện để rồi phải chuốc lấy họa vào thân như Pháp Cú kinh có nói: 'Khổ não bước theo sau, như bánh xe lăn theo chân con bò vậy' 240[8].

Một điều khá lý thú là trong những năm gần đây các cuộc điều tra nghiên cứu về hiện tượng nghiệp báo và tái sanh đã được thực hiện. Rất nhiều những lời giải thích mang tính thuyết phục mà ta có thể thấy trong hai cuốn sách đáng quan tâm nhất của bà Gina Cerminara. Ðây là một trích đoạn trong cuốn Many Mansions của bà:

"Phương pháp soi kiếp của Cayce quả thực có sức hấp dẫn bởi vì nó truy nguyên ra tai họa và những mặt hạn chế khác của con người trong kiếp hiện tại có liên quan đến những hành vi đặc biệt nào đó của họ ở quá khứ và như vậy đã đưa cái quan niệm mơ hồ về nghiệp (Kamma) đến chỗ rõ nét hơn và được chú ý trực tiếp hơn... Một vị giáo sư đại học kia sinh ra đã bị mù cả đôi mắt, nghe nói đến phương pháp soi kiếp của Cayce... và xin được thử nghiệm... cuộc soi kiếp đã phát hoạ lại bốn lần tái sanh trước đó của ông... chính tại Persia (Ba Tư) ông đã khởi xướng một điều luật Tôn giáo mà điều này đã dẫn đến hậu quả mù loà của ông trong kiếp hiện tại. Kiếp đó ông là người của một bộ lạc man rợ có tục lễ chọc mù mắt những kẻ thù của họ bằng que sắt nung đỏ và chính ông đã đảm nhận công việc dã man này'.

Ðúng vậy, thế gian dường như có vẻ bất toàn và mất cân đối. Giữa chúng ta là những con người thôi, nói chi đến thế giới loài vật, chúng ta đã thấy một số sinh ra trong đau khổ, lún sâu trong cảnh cùng quẩn khốn khó và vô cùng bất hạnh, số khác lại sinh ra trong cảnh giàu sang hạnh phúc, hưởng một đời vinh hoa phú quý không biết gì đến những thống khổ của thế gian. Lại nữa, một số ít người đặc chọn nào đó được phú cho trí thông minh nhạy bén và khả năng tâm linh vĩ đại, trong khi nhiều người khác lại bị phủ vây trong tăm tối vô minh. Giải thích thế nào về trường hợp một số người chúng ta lại may mắn có được sức khoẻ, dung sắc, và bà con thân quyến, trong khi số khác lại yếu đuối đáng thương, thiếu thốn đủ mọi bề và sống cô độc? Vì sao một số người sanh ra hưởng thọ lâu dài trong khi số khác lại chết lúc tuổi còn thanh xuân? Tại sao một số người lại may mắn có nhiều thế lực, danh vọng và được mọi người nhìn nhận, trong khi số khác hoàn toàn bị lãng quên? Ðây là những vấn đề phức tạp đỏi hỏi phải có sự giải đáp thoả đáng.

Nếu thẩm xét kỹ chúng ta sẽ thấy rằng những dị biệt lớn lao này không phải do công việc của một tác nhân bên ngoài hay một đấng siêu nhân nào cả, mà là do chính những hành động và phản ứng của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đối với những việc làm thiện hay ác của chúng ta. Chúng ta tạo nghiệp (Kamma) riêng cho chính mình là vậy.

Do đó, phận sự của tất cả những người có hiểu biết là chặn đứng lại những việc làm gây tổn thương và có hại cho người khác, đồng thời tu tập một tấm lòng rộng lượng đầy tình thương và nhân đức. Sát sanh là sát sanh không thể biện hộ là vì mục đích thể thao, hay lấy thực phẩm hoặc - như trường hợp giết các loại sâu bọ - vì bảo vệ sức khoẻ. Thật là vô ích khi cố gắng biện hộ cho bản thân mình bằng cách nói: "Tôi làm điều này vì lý do chánh đáng thế này hay thế khác". Nói thẳng, nói thật là tốt hơn hết. nếu chúng ta sát sanh chúng ta phải có đủ thành thật để nhìn nhận việc ấy và xem nó như một điều gì đó bất thiện.

Vậy thì, đối với vấn đề chay mặn thì sao? Ăn thịt cá hoàn toàn không bị cấm trong đạo Phật. Nếu bạn không thấy, không nghe hay không nghi con vật đó bị giết là để dành cho bạn, lúc ấy thịt của nó có thể chấp nhận được, ngược lại thì không. Không có luật nào hay điều khoản nào trong lời dạy của Ðức Phật quy định người Phật tử phải sống hoàn toàn hay thậm chí sống chủ yếu bằng hình thức ăn chay. Ăn mặn hay không ăn mặn hoàn toàn tuỳ thuộc vào quan niệm riêng của mỗi người. Tuy nhiên những ai ăn trứng đã thụ tinh vẫn bị xem là phạm giới sát sanh.



tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương