CHÚa nhậT 3 MÙa vọng a lời Chúa: Is 35,1-6a. 10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11 MỤc lụC


Thiên Chúa có làm việc hay không?



tải về 0.54 Mb.
trang12/22
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích0.54 Mb.
#35905
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   22

21. Thiên Chúa có làm việc hay không?


Gioan Tẩy Giả dám phê bình thủ hiến Hêrôđê Antipas. Để làm cho con người cố chấp này im lặng, vị thủ hiến đã nhốt Gioan vào ngục Macheronte. Dù sao thì tại đây, Gioan vẫn có nhiều người đến thăm viếng. Ông nóng lòng đặt câu hỏi và điều ông biết được làm cho ông thất vọng. Tiếng nói của Gioan mạnh mẽ vang lên đầy đe dọa. Ông đã nói: “Đấng đến sau tôi thì quyền phép hơn tôi!”. Ông loan báo một vị quan tòa sẽ ném vào lửa tất cả những gì xấu xa và không sinh hoa kết trái, và người ta nói với ông về một người hiền lành, một người có tài chữa bệnh! Ông không kiềm chế được và sai người đến hỏi: “Ngài có phải là Đấng-phải-đến hay không?”

Có ai mà không đặt những câu hỏi như thế? Giêsu, Ngài là tất cả những gì người ta nói về Ngài phải không? Câu trả lời cho Gioan làm cho chúng ta chưa thỏa mãn: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được chữa lành, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại, Tin Mừng được loan báo cho người nghèo khó”. Đó là điều người ta chờ đợi nơi Đấng Cứu Thế, đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã làm ở đó, hồi xưa. Nhưng bây giờ thì sao? Từ hơn hai ngàn năm nay thế giới đã đi đến đâu rồi? Biết nói thế nào với những người hỏi chúng ta: “Chúa Kitô của bạn mang lại điều gì? Điều đó có thay đổi gì không?”.

Từ ngục tù của chúng ta, chúng ta cũng đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu. Chúng ta bị giam hãm trong những chân trời rất hạn hẹp, và có thể trong sự thiếu nhạy bén để hiểu rằng Chúa Kitô đang hành động: “Phúc thay kẻ nào không vì Ta mà nghi ngờ”.

Học biết Nước Trời đang đến như thế nào! Trong thế giới có nhiều người nổi danh của chúng ta chỉ có một số tên tuổi được nhắc đi nhắc lại: Mẹ Têrêsa, Đức cha Camara, Đức cha Romeo, cha Guy Gilbert và những thanh niên bụi đời của cha, sư huynh Roger ở Taizé và không quên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Nhưng còn có hàng ngàn người nghèo mà các linh mục, các nữ tu và các giáo dân, bản thân họ cũng nghèo, đang rao giảng Tin Mừng và thực hành Tin Mừng đó.

Chính nhờ các tín hữu này mà Chúa Kitô tác động trên thế giới. Người cũng nói với chúng ta như đã nói với những người được Gioan phái đến: “Các ngươi hãy thuật lại điều mà các ngươi đã nghe và đã thấy”. Nhưng những “công việc của Chúa Kitô” ít ồn ào hơn tiền bạc và chiến tranh. Phải chú ý mới thấy được tất cả tình yêu được làm “nhân danh Chúa Giêsu”. Cũng như nói rằng chúng ta đối diện với một Chúa Kitô vô danh mà chúng ta chỉ biết vào thời cánh chung, khi đó chúng ta sẽ biết Người không ngừng hoạt động như thế nào.

Chúa Kitô vô danh sao? Phải, nếu chúng ta dừng lại ở những tư tưởng và những câu hỏi về Người. Nhưng khi chúng ta tác động với Người, chúng ta thấy những kẻ què bước đi ra sao và những kẻ chết sống lại như thế nào. Người tín hữu anh hùng ở Liên Xô hoặc người Kitô hữu Braxin dấn thân hoạt động cho công bằng và giải phóng, chắc chắn không tự hỏi Chúa Giêsu có phải đúng là Đấng mà người ta chờ đợi hay không? Có lẽ đôi khi chúng ta tự đặt cho mình một câu hỏi khác: “Có phải Giáo Hội đúng là dấu chỉ Chúa Giêsu đã đến hay không?” Đây là một câu hỏi hay nếu nó không phải là một cái mẹo đối với những khiếm khuyết riêng của chúng ta. Giáo Hội là chính tôi, kẻ loan báo hay không loan báo Tin Mừng. Giáo Hội là nơi tôi sống, là nơi có lẽ do lỗi lầm của tôi mà người ta không thấy được tác động của Thiên Chúa.


22. Đấng sẽ đến


Vui tươi và ôn hòa là hai đặc điểm quan trọng biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi một cộng đoàn và nơi chính người đồ đệ của Ngài. Ai sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, hay cộng đoàn nào có Chúa hiện diện thì người đó hay cộng đoàn đó sẽ sống vui tươi và ôn hòa.

Mở đầu bài suy niệm Chúa nhật 3 Mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội nhắc lại sự thật này qua lời dạy của thánh Phaolô: “Hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại cho anh chị em là hãy vui lên, đức ôn hòa của anh chị em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã đến gần…”.

Hai tuần Mùa vọng đã qua rồi, ngày Đại Lễ Giáng Sinh sắp đến, khắp nơi nhất là tại các thành phố, ngày Đại Lễ Giáng Sinh đã xuất hiện qua những trang hoàng, những đèn điện được xếp theo hình các ngôi sao, Giáo Hội lên tiếng nhắc lại cho các con cái mình lý do sâu xa nhất của niềm vui Kitô vui không phải vì những lợi lộc hay vì được chiếm hữu của cải vật chất, mà vui vì được Thiên Chúa đến hiện diện với con người và ở giữa cộng đoàn con người.

Dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa tình thương được thực hiện và sự an lành được ban cho con người. “Mù được thấy, què được đi, kẻ chết sống lại”, những lời loan báo này được thực hiện nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người trong Israel, dân Do Thái. Thực vậy, chính Ngài đã khẳng định: “Hãy về thuật lại cho Gioan điều các ông nghe và thấy, người mù được thấy, què được đi, phong hủi được thấy, điếc được nghe, kẻ chết sống lại và Tin Mừng được loan báo cho người nghèo khó, phúc cho ai không bị vấp ngã vì Ta”.

Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ đó qua các phép lạ công khai mà dân chúng được chứng kiến, giờ đây Ngài nhắc lại các dấu chỉ đó cho Gioan để củng cố niềm tin của ông đang gặp thử thách và mang lại cho ông niềm vui thuở ban đầu khi ông tuyên xưng niềm tin: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng, Ngài thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.

23. Vui mừng


Chủ đề chính của phụng vụ Chúa nhật hôm nay là niềm vui mừng và hy vọng. Thực vậy, tiên tri Sophonia luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và tha thứ. Chính trong niềm tin tưởng ấy mà tiên tri đã kêu gọi: hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion. Hãy mừng lên, hỡi Israel, vì Thiên Chúa đang ở giữa ngươi. Người là Đấng Cứu tinh oai hùng, sẽ lấy tình thương mà đổi mới các ngươi. Cũng trong chiều hướng ấy, thánh Phaolô cũng đã kêu gọi: hãy vui lên anh em, tôi nhắc lại: hãy vui lên trong Chúa. Và đoạn Tin mừng diễn tả: chính trong niềm hy vọng ơn Cứu độ mà những người Do thái thiện chí đã phấn khởi đến với Gioan Tiền hô xin ông cho biết phải làm gì để đón nhận Đấng Cứu thế sắp đến. Như vậy qua các bản văn Kinh thánh, chúng ta thấy: Thiên Chúa chính là niềm vui mừng và hy vọng của con người. Bởi chính mình Ngài mới có thể giải thoát nhân loại khỏi mọi nỗi cơ cùng, khỏi kiếp sống nô lệ. Chỉ mình Ngài mới có thể ban cho nhân loại niếm vui, bình an và hạnh phúc. Do đó, lời kêu gọi: hãy vui lên, hãy vui lên trong Chúa là điều rất hợp lý.

Ngày hôm nay chúng ta không còn phải đón chờ Chúa đến như dân Do thái ngày xưa, bởi vì Chúa đã đến rồi. Ngài đang hiện diện bên chúng ta như Ngài đã nói: Này đây, Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Ngài vẫn tiếp tục thi ân cho chúng ta như Ngài đã thi ân cho dân Do thái ngày xưa. Nhưng có thật là chúng ta vui mừng vì sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình? Có thật chúng ta vui mừng vì được Chúa viếng thăm? Có thật chúng ta vui mừng vì được làm con Chúa, được làm người có đạo? Phải chăng đã chẳng có những lúc chúng ta nghĩ rằng: làm con Chúa vui đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy những phiền lụy cho cuộc đời? Những người không tin có Thiên Chúa, họ có thể an tâm ăn chơi xả láng, có thể mánh mung, lường gạt để kiếm cho được lắm bạc nhiều tiền với hy vọng một cuộc sống thỏa mái ung dung. Còn làm con Chúa ư? Có cả một mạng lưới lề luật vây bọc quanh chúng, đến nỗi chúng ta cỉam thấy mình như bị ngộp thở bởi những trói buộc và cấm đoán…

Nếu Thiên Chúa của chúng ta là một hung thần luôn đàn áp con người, nếu lề luật của Ngài như là những thứ giết chết tự do của chúng ta, thì quả thật chúng ta chẳng nên vui mừng vì được làm con Thiên Chúa như vậy. Nhưng Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của tình yêu thương. Một Thiên Chúa luôn nhẫn nhục trước sự bất tín, bất trung của dân Ngài. Một Thiên Chúa luôn biết nhỏ lệ trước những nỗi đớn đau của kiếp người. Một Thiên Chúa cảm thông và tha thứ cho những yếu đuối của con cái mình. Chính trong tình yêu thương vô biên ấy mà Thiên Chúa có đặt ra những lệ luật, thì đó chỉ là những lời diễn tả tình yêu, là hàng rào gìn giữ chúng ta trong tình yêu và là con đường dẫn chúng ta tới sự sống. Chúng ta phải vui mừng vì được tôn thờ một Thiên Chúa như thế trong đời mình.

Nếu ngày hôm nay chúng ta hỏi thánh Gioan tiền hô: Chúng tôi phải làm gì? Có thể ông sẽ bảo chúng ta rằng: hãy thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Hãy nhìn Ngài như một người cha, như một người ban thân hay như một người tình để thấy được tình yêu vô bờ của Ngài. Thấy được tình yêu vô bờ của Ngài, chúng ta cũng sẽ thấy được điều mình phải làm để đáp trả lại tình yêu tuyệt đối ấy.




tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương