Các bài suy niệm chúa nhậT 2 phục sinh – Năm B chúa nhật về LÒng thưƠng xót của thiêN chúA



tải về 0.5 Mb.
trang24/24
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích0.5 Mb.
#38059
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

42. Vui mừng vì thấy Chúa.


(Chúa Nhật Lòng Nhân Hậu Chúa)

(Trích trong ‘Manna’)



Suy Niệm

"Chúng tôi đã được thấy Chúa"

Đó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ.

Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất,

nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi.

Động từ "thấy" được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này.

Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm.

Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay.

Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn.

Để thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin.

Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.

"Phúc cho ai không thấy mà tin"

Chúng ta vẫn tin bao điều mình không thấy.

Các bạn trẻ vẫn tin vào tình yêu, tình bạn.

Các đôi vợ chồng vẫn tin vào sự chung thủy của nhau,

dù chẳng ai thấy rõ hết lòng dạ con người.

Tin không phải là một hành vi mù quáng, phi lý.

Tin chẳng hề làm hạ giá con người.

Trái lại, chỉ con người mới biết tin và dám tin.

Nhờ tin, tôi không còn bị giam trong thế giới chật hẹp

của cân đo đong đếm, của vật chất khả giác,

nhưng được đưa vào một thế giới phong phú hơn nhiều:

thế giới của những ngôi vị tự do, của chính Thiên Chúa.

Tin là chấp nhận bấp bênh, là có thể bị lừa.

Nhưng nếu không tin thì không thể sống được.

Vấn đề là tôi phải biết tôi đã tin vào ai.

Khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng niềm tin:

niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào con người.

Cả hai niềm tin nâng đỡ nhau và cho tôi hạnh phúc.

Ông Tôma không tin vào lời chứng của các bạn,

nên ông chậm tin vào việc Chúa phục sinh.

Khi Chúa giúp ông lấy lại niềm tin vào Chúa,

ông sẽ gắn bó hơn nhiều với cả tập thể.

Chúng ta là những kẻ không thấy mà tin.

Không thấy bằng mắt thường,

nhưng vẫn thấy bằng con mắt đức tin.

Tin là một cách thấy nghiêm túc.

Người tin là người thấy bằng trái tim.

Họ thấy được Đấng Vô Hình rõ hơn cả cái hữu hình.

Kitô hữu là người tin Chúa, nên cũng là người thấy Chúa.

Thấy Thiên Chúa hiện diện như người Cha nhân từ.

Thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người trên trái đất,

sống chết chỉ vì say mê Cha và say mê con người

và đã sống lại để cho cuộc đời một ý nghĩa mới.

Thấy mọi người là con cái Cha và là anh em của nhau.

Dù những điều chúng ta tin thật là mầu nhiệm,

nhưng đó không phải là chuyện mơ hồ, viễn vông.

Thế giới hôm nay chỉ tin vào những người đã thấy.

Ước gì chúng ta dám mạnh dạn tin Chúa hơn,

để có thể thấy Chúa tỏ tường hơn

và giúp người khác thấy điều mình đã thấy.

Gợi Ý Chia Sẻ

Nhiều khi chúng ta không thấy Chúa chỉ vì chúng ta không dám liều lĩnh tin vào Ngài. Có khi nào bạn gặp được Chúa, vì đã dám quên mình để sống cho tha nhân không?

Có khi nào bạn gặp khủng hoảng đức tin chưa (mất lòng tin vào Thiên Chúa và vào con người)? Đâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng? Đâu là cách bạn giải quyết?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,

xin hãy gọi tên chúng con

như Chúa đã gọi tên

chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,

xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài

như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,

xin hãy đến và đứng giữa chúng con

như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,

xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con

như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm

mà không được gì,

xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,

như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

xin tỏ mình ra

cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,

để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,

và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.


43. Củng cố đức tin.


Có một chi tiết đặc biệt liên quan tới đoạn Phúc Âm vừa nghe, đó là cùng một đoạn Phúc Âm này đã được chọn để dùng cho Chúa Nhật thứ hai phục sinh cho ba năm liền A, B, và C, nghĩa là năm nào vào Chúa Nhật thứ hai phục sinh, chúng ta cũng đều đọc, nghe đoạn Phúc Âm này. Chi tiết này nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa phong phú trong Mùa Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh là trung tâm và là nguồn năng lực tái tạo cộng đoàn những đồ đệ của Chúa.

Ngay từ khởi đầu đoạn Phúc Âm, chúng ta được nhắc lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ nhưng lại vắng mặt Tôma, và trong lần hiện ra này, Chúa đã ban cho các tông đồ sự bình an: "Bình an cho các con". Sự bình an này làm cho các tông đồ thực sự được vui mừng. Các tông đồ được vui vì thấy Chúa, rồi Chúa trao ban cho các tông đồ Chúa Thánh Thần, quyền năng tha tội và sai các ông ra đi làm chứng cho Chúa. Các tông đồ có thể nói được trong giai đoạn này - trong phần thứ nhất của đoạn Phúc Âm hôm nay - đã tin phần nào và đã chia sẻ cho Tôma: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa", nhưng Tôma không tin và đòi kiểm chứng một cách cụ thể. Có thể nói, đây là giai đoạn thứ hai của cộng đoàn. Thái độ cứng lòng tin của Tôma đã gây chia rẽ hay làm yếu kém đi sức mạnh làm chứng của cộng đoàn cho Chúa Phục Sinh. Một cộng đoàn chia rẽ như vậy thì chắc chắn không thể nào có sự bình an, không thể nào có niềm vui để làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

Cộng đoàn Kitô chúng ta ngày hôm nay là một cộng đoàn của những người tin Chúa Phục Sinh đã qui tụ lại. Chắc chắn Chúa Phục Sinh hiện diện ở giữa chúng ta, Ngài là trung tâm liên kết và nâng đỡ sự hiệp nhất của cộng đoàn chúng ta, Ngài là nguồn mạch của sự bình an và niềm vui của cộng đoàn chúng ta. Chúa Phục Sinh ban cho cộng đoàn các đồ đệ đầu tiên sự bình an, Chúa Thánh Thần và sức mạnh làm chứng cho Chúa. Đó là một cộng đoàn lý tưởng cho tất cả mọi cộng đoàn Kitô khác rải rác khắp nơi trên thế giới, qua muôn thế hệ. Đó là một cộng đoàn lý tưởng, trong đó niềm vui và sự bình an đã thay thế cho sự u buồn thất vọng: thấy Chúa các tông đồ đều vui mừng. Và niềm vui, sự bình an này luôn luôn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Nhưng vì là những con người cụ thể, như chúng ta đây, mỗi người đều có những giới hạn của mình và cộng đoàn của chúng ta, cộng đoàn của các môn đệ Chúa chắc chắn phải trải qua những thử thách, những trở ngại.

Sự vắng mặt, sự cứng lòng tin của Tôma, thái độ của Tôma, tất cả những điều đó đã góp phần hay ảnh hưởng trên sự hiệp nhất của cộng đoàn. Sự vắng mặt của chúng ta, sự cứng lòng tin của mỗi người chúng ta hay thái độ của chúng ta đối với Chúa Giêsu cũng như đối với anh chị em, thái độ đó cũng có ảnh hưởng trên sự hiệp nhất của cộng đoàn. Chúa Giêsu đã đáp lại khuyết điểm này của cộng đoàn các tông đồ để mang lại niềm vui và sự bình an, để trao ban sứ mạng qua việc Chúa đáp lại đòi hỏi của Tôma để biến đổi ông, và Tôma đã tin và tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa Trời tôi, Lạy Chúa và là Chúa Trời con". Và Chúa Giêsu dường như muốn cho các môn đệ của Ngài từ đó không nên thách thức như Tôma nữa: "Phúc cho những ai không thấy mà tin".

Cộng đoàn chúng ta hôm nay cần thực hiện lý tưởng của cộng đoàn Kitô tiên khởi của các đồ đệ. Hãy để cho Chúa Giêsu Phục Sinh qui tụ chúng ta lại trong tình yêu của Người, hãy đón nhận sự bình an của Chúa trong niềm vui nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần để làm chứng một cách xứng đáng cho Chúa. Nhưng như vừa nói chúng ta đây là những con người có giới hạn và Chúa Phục Sinh cũng đã hiểu như thế nên Ngài đã thiết lập và để lại cho chúng ta một phương thế để tái tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn, để gìn giữ cộng đoàn được luôn hiệp nhất với Chúa và giữa mọi người với nhau, phương thế đó là bí tích Hòa Giải: "Các con tha tội cho ai thì trên trời cũng tha; các con cầm tội ai thì trên trời cũng cầm lại".

Không có phương pháp nhân loại nào khác có sức phục hồi và củng cố sự hiệp nhất cộng đoàn các môn đệ Chúa cho bằng phương thế siêu nhiên mà Chúa Giêsu đã thiết lập và muốn cho các tông đồ sử dụng, và chúng ta biết rất rõ phương thế đó là phương thế nào. Đó là sự tha thứ bí tích, và đó cũng là bí tích của sự tha thứ. Dĩ nhiên, để lãnh nhận bí tích tha thứ của Chúa để chúng ta được tha thứ và tha thứ cho nhau, để xây dựng lại sự hiệp nhất cộng đoàn các môn đệ Chúa, để làm cho cộng đoàn chúng ta có thể chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó "Hãy làm chứng cho Thầy", thì mỗi người chúng ta cần hành động như Tôma, cần kiểm điểm lại đức tin của mình và loại bỏ đi những gì không phù hợp với đức tin trong nếp sống của chúng ta, để có thể khiêm tốn tuyên xưng mỗi ngày, mỗi giây phút: "Lạy Chúa, Lạy Chúa Trời con, Lạy Chúa, con tin Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của con." Cần phải canh tân đức tin hàng ngày để đức tin của chúng ta được củng cố thêm mãi, để chúng ta có được sự bình an, niềm vui và sức mạnh làm chứng cho Chúa mọi nơi, mọi lúc.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta canh tân đức tin và củng cố đức tin.

44. Chú giải của Noel Quesson.


Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở... Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà đó.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai lần Đức Giêsu Phục sinh “hiện ra” cách nhau tám ngày. Tự nhiên chúng ta dễ để tâm chú ý dện lần hiện ra thứ hai với “Tôma” hơn, vì ta thường đồng hóa với ông, khi trên thực tế ta cũng thấy nơi mình một “kẻ hồ nghi”, một “kẻ cứng lòng tin” và có thể gặp được nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu đức tin của ta.

Nhưng dù có thông đồng với Tôma, ta cũng không thể bỏ qua việc đọc trọn vẹn bản văn trên.

Trước tiên, ta cần lưu ý, Đức Giêsu hằng sống thường hiện ra vào Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, đó có phải là điều ngẫu nhiên không? Ta quá biết rõ, thời đó các Kitô hữu tiên khởi đâu có ngày nào cũng họp nhau lại. Hằng ngày mỗi người đều phải lo sinh kế. Họ không thể luôn sống bên nhau. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh chỉ hiện “đến” trong khung cảnh buổi họp mặt hằng tuần của họ. Chúng ta có thể nhầm lẫn khi coi đức tin như một vân đề hoàn toàn “riêng tư” hay “cá nhân”: ta thấy rằng sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh đăc biệt được nhận biết, thấu cảm, và xác nghiện trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ tập thể. Họ cùng hiện diện với nhau, tập họp chung ‘trong Giáo Hội’.



Các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông.

Vào lúc thánh Gioan viết những dòng trên. Giáo hội đang gặp sợ hãi và bách hại. Các môn đệ Đức Giêsu đã có thói quen tụ họp này tại nhà ông này, mai tại nhà ông khác. Họ đón tiếp nhau. Họ kiểm tra lẫn nhau: có những người rút lui, có những kẻ bồ đức tin, bỏ nhóm. Họ đâm hoảng sợ. Họ đóng kín cửa. Nhưng giờ đây mỗi Chúa nhật như “Chúa nhật đầu tiên” này, “dấu chỉ” bữa tiệc ly lại được cử hành và một cách huyền nhiệm, Đức Giêsu lại lướt qua những kẻ thuộc về Người, trong “nơi mà họ hiện diện” tại Êphêxô, Côrintô, Giêrusalem, Rôma. Đúng vậy mỗi Chúa nhật là ngày Phục sinh! Chúa vẫn luôn hiện diện giữa cuộc sống chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con sống động, dù không thấy Chúa nhưng chúng con vẫn tin.

Lạy Chúa, ngày nay chúng con cũng dễ khóa chặt cửa lại vì sợ hãi, khi Thánh Thần Chúa thổi đến, xin cho những bức tường vây hãm chúng con sụp đổ, để chúng con trở lại thời ca vang: Nào ta hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô Phục sinh.

Trước khi đi xa hơn trong việc suy niệm đoạn tin Mừng trên, chúng ta tự hỏi Đức Giêsu muốn giải thoát để phục sinh chúng ta khỏi những tình trạng nào? Khỏi tình trạng bí bức không lối thoát, khỏi tình trạng sợ hãi, đóng cửa cài then, khỏi tình trạng “nguy tử” cho mình? Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khỏe, đau đớn và thất vọng, khó khăn thuộc phạm vi gia đình, nghề nghiệp. Đó là “Nơi các môn đệ đang hiện diện: đóng cửa cài then!”



Người nói với các ông: “Chúc anh em được bình an”. Thế rồi, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an!”.

Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, trước hết không phải là niềm vui dễ dàng, niềm vui tự phát; nghĩa là niềm vui tự nhiên làm ta thấy phấn khởi khi mọi sự đều ổn thỏa, tình trạng sức khỏe khả quan, “tuổi trẻ” vẫn tràn đầy sinh lực, công việc đều thành công, tương quan bạn hữu và gia đình luôn thoải mái. Nhưng niềm vui Phục sinh là niềm vui đến ‘sau' sự sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an khơi dậy từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (từ cái chết của một kẻ bị đóng đinh) mà từ đó trở đi không có gì để cướp đi khỏi họ niềm vui này: đó là niềm vui và sự bình an phát xuất từ “lòng tin” vào Đức Giêsu. Cũng như ngày thứ nhất trong tuần đó, mỗi buổi họp mặt Chúa nhật, Đức Giêsu đều chúc bình an cho ta, qua tiếng nói của Linh mục: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” và Công đồng Vatican II đã tái lập truyền thống xưa “hôn chúc bình an”: các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô: bắt tay nhau, ôm hôn, mỉm cười với nhau và chào chúc: “Bình an Đức Kitô. Đó không phải là cử chỉ tầm thường, nhưng là “trở nên Đức Kitô” đối với người gần cận của mình; “khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy hiện diện ở đó giữa họ”



Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em.

Đó! Chúng ta đâu có thể tưởng tượng được một lời nói như vậy! Thế mà chính Đức Giêsu lập lại cho ta. Tôi là một con người đâu có ra gì, thế mà lại trở nên Đức Giêsu, được sai gởi đến với anh em tôi y như Người đã được “Chúa Cha” sai gởi đến trần gian. Chúng ta đừng lướt qua nhanh những lời trên. Cũng đừng vội vàng gán cho Tôma là kẻ cứng lòng tin. Hãy dừng lại nơi những lời nói trên đây của Đức Giêsu. Ta hãy hiểu biết trách nhiệm trọng đại mà Người trao phó cho ta: “sứ vụ” của Đức Kitô được trao phó cho Giáo Hội và một phần cho tôi. Tôi được Đức Giêsu “sai đi” như Đức Giêsu được Chúa Cha “sai đến”. Một lần nữa tôi phải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ trên: “sứ vụ” có nghĩa là “sự sai đi” (bởi tiếng La tinh là “missus”) và “tông đồ” có nghĩa là “kẻ được sai đi” (bởi tiếng Hy Lạp là ‘apostolos’). Khi tôi gặp một người nào trong công việc làm ăn, trong môi trường sống của tôi, thì không phải chỉ nhân danh cá nhân, hay vì lợi ích riêng của tôi, mà chính vì tôi được Đức Kitô sai đến? Tôi phải truyền thông cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người nói với bạn những gì tôi sẽ nói với bạn; Người luôn “sống động” trong tôi. Tôi là “miệng lưỡi” của Người, là “thân thể” Người, kề cạnh bạn, để thông tỏ cho bạn tình yêu của Chúa Cha.



Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Đó là việc ban Thánh Thần, một cuộc “tạo thành mới”: Thần Khí của Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ. Đức Giêsu đã chết “đã tiến về gặp gỡ Chúa Cha” các Kitô hữu tiếp tục công trình của Người. Họ sẽ mang hơi thở sống động của Người, mang Thần Khí Người. Họ sẽ tiếp tục thể hiện những việc làm của Người. Sau này thánh Phaolô sẽ nói: “Anh em là thân hình Đức Ki tô. Anh em là Đền thờ của Thánh Thần”. Còn thánh Gioan cho ta biết, Đức Giêsu lập lại cử chỉ của Thiên Chúa Đấng tạo thành trong sách Sáng thế (St 2,7): “Lạy Thánh linh tạo dựng, xin hãy đến!”.

Đối với Gioan, việc Thánh Thần ngự đến đã xảy ra vào chiều ngày Phục sinh: hoạt động cốt thiết của Đức Giêsu sau khi chiến thắng tử thần, là thông ban “Thánh Thần, Đấng đã Phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết” (Rm 8,11). Trong kinh Tin kính đó là điều cốt yếu ta kháng định về Thánh Thần: “Người là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống”. Thần Khí được trao ban cho các môn đệ ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, sẽ hiện lộ ngời sáng trên công trường năm mươi ngày sau đó, vào ngày lễ Ngũ tuần. Đó là thần khí của Thiên Chúa vừa mới thành công rực rỡ, ta dám nói như thế - khi giật Đức Giêsu ra khỏi quyền lực tử thần, và mạc khải Ngài như con Thiên Chúa, nhờ cuộc Phục sinh. “Xét như Đấng đã được Thần Khí thánh hóa, Người đã được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng, do việc Người từ cõi chết sống lại” (Rm 1,4).

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

'Thắt buộc” và “tháo cởi”, “tha giải” và “cầm giữ”. Kiểu nói này là một hình thức văn phạm của tiếng Aramên: theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác nhận một thực tại cách mạnh mẽ hơn, và để nhấn mạnh tới từ mang tính “tích cực”. Như thể, khi trao ban cho các môn đệ Thần Khí Ngài, Đức Giêsu cũng thông nho họ quyền tháo gỡ con người khỏi sự ác: kể từ đó, ngay tại trần gian, các ông trở nên những kẻ mang” tình xót thương của Thiên Chúa cho mọi người, cũng như Đức Giêsu đã trở nên hiện thân của tình thương đó! “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”. Người Kitô hữu cũng được trao ban cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu đã tuyên bố là của Người, trong Hội đường Nagiarét, vào lúc khởi đầu tác vụ: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân của Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc, 4,18-19). Tôi có mang thần khí đó, Thần khí giải phóng, Thần khí ban sự sống, Thần khí yêu mến và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là một ân huệ Phục sinh.



Một người trong nhóm Mười Hai, nên là Tôma, không có mặt khi Đức Giêsu đến. Ông nói: “Nếu tôi không thấy... tôi chẳng có tin”.

Đó là “con người chậm trễ”. Sau buổi lễ gặp mặt, ông mới tới. Trong Tin Mừng, Tôma luôn là người chỉ tin vào lương tri của mình, là người thiết thực nên nghi ngại cả thái độ liều lĩnh của Đức Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu? (Ga. 14,15). Khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh cho Lagiarô, thì Tôma chỉ thấy trước mắt cái chết (Ga 11,15-16).



Tám ngày sau... Đức Giêsu lại đến và nói: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy, đừng cứng lòng tin nữa”.

Một tuần. Tôi thấy như Đức Giêsu đang mỉm cười hóm hỉnh trao đổi với Tôma. Người có vẻ đang nói với ông: “Này anh bạn, bạn tưởng tôi đã chết và khuất mặt, khi bạn bày tỏ thái độ không tin. Nhưng tôi vẫn hiện diện lúc đó, cách vô hình, chứng kiến các bạn nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, lúc đó tôi không tỏ mình ra với các bạn”. Đó là thái độ kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người đã chọn thời gian của Người.



Ong Tôma thưa Người: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”

Đó là tiếng kêu diễn từ một lòng tin của con người đã đòi “chạm, thấy”. Ong đã hiểu được Đức Giêsu cho dù không hiện hình, vẫn có đó! Người hiện diện cả vào giờ phút ông nghi ngờ.



Vì thấy Thầy, nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.

Đó là mối phúc, mối phúc cuối cùng. Những thực tại cao siêu nhất của Thiên Chúa, ta không thể tự mình thấy được. Chỉ có “đức tin” dẫn đưa chúng ta tiến sâu vào những thực tại đó. Và đó chính là hạnh phúc đích thực!




.


Каталог: sites -> default -> files -> Documents -> 201504
Documents -> GIÁo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận : 38557616.  Giờ Thánh Lễ
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc (NGÃ SÁu chợ LỚN) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TẬp san hiệp sống tin mừng tháng 12. 2015 TƯ liệu học tập của hiệp hội thánh mẫu lưu hành nội bộ NỘi dung
Documents -> KÕt cÊu bª t ng Vµ bª t ng cèt thÐp L¾p ghÐp
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
201504 -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin giáo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5

tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương