Các bài suy niệm chúa nhậT 2 MÙa vọng c lời Chúa: Br 5,1-9; Pl 1,4-6, 8-11; Lc 3,1-6 MỤc lụC


Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt



tải về 359.13 Kb.
trang10/11
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích359.13 Kb.
#37404
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

17. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt


VIỆC GIẢNG DẬY CỦA GIOAN TẨY GIẢ

1. Khuôn mặt Gioan Tẩy giả nổi bật trong suốt thời gian mùa vọng vì ông là vị tiên tri cuối cùng của CƯ, là người duy nhất trong các tiên tri chỉ cho thấy Đấng mình loan báo, là Đấng cứu độ thế gian, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta (kinh tiền tụng lễ thánh Gioan tẩy giả).

Đoạn văn này tường thuật ơn gọi tiên tri của ông bằng cách lồng vào trong khung cảnh lịch sử trần thế và tôn giáo. Nhưng theo lời trình bày long trọng lúc mở đầu, ta có thể đoán được, và sẽ cố gắng minh chứng bằng bản văn còn nhắm xa hơn con người Gioan tẩy giả; đàng sau vị Tiền hô, chính Chúa Giêsu mà bản văn muốn loan báo và đặt vào trung tâm lịch sử nhân loại.

2. Thật vậy, mới nhìn qua, thì hình như trong đoản văn chúng ta đang nghiên cứu đây, Lc chỉ chú ý đến sứ vụ tiên tri của ông Gioan tẩy giả. Nhưng nhiều dấu chứng cho thấy là qua sự kiện này, Lc muốn nhắm đến việc Chúa Giêsu ngự đến.

a. Trước hết, điểm đáng chú ý là Lc tham chiếu nhiều đến lịch sử đương thời để đánh dấu việc khai mào sứ vụ của Gioan tẩy giả, mà không nói gì đến sứ vụ của Chúa Giêsu (3,21), mặc dù đối với ông, đó là việc chủ yếu. Điều bất thường này sẽ làm ta ít ngạc nhiên nếu ta nhận xét là ngay từ đầu phúc âm, Luca xem Gioan tẩy giả và Chúa Giêsu liên đới với nhau (xem phần trước: những sự song đối giữa truyền tin và sinh hạ)

Cũng như sự kiện thời hiệu của Luca 1,5 (dưới thời vua Hêrođê) được áp dụng cho cả hai lần truyền tin về Gioan tẩy giả và Chúa Giêsu (Lc 1,5-25 và 26-38), thì thời hiệu lịch sử của Lc 3,1-2 cũng có giá trị cho những bước đầu của sứ vụ Gioan và Chúa Giêsu. Luca sẽ không trình bày một cách long trọng như thế, nếu chỉ muốn đánh dấu những bước đầu trong sứ vụ của Gioan tẩy giả mà thôi.

b. Việc kể tên hoàng đế Roma, tổng trấn Philatô và các vị quận vương khác không nhất thiết liên quan đến sứ vụ của tiên tri Gioan cho bằng liên hệ đến vua Giêsu. Như chúng ta đã thấy, Luca thường đề cập cách song đối trong Phúc Âm của ông vương quyền của Chúa Giêsu với vương quyền của các vua trần thế đương thời. Cho nên ở đây, ông phải nghĩ đến Chúa Giêsu nhiều hơn là Gioan tẩy giả.

c. Luca trích dẫn tiên tri Is 40,3 như các tác giả phúc âm khác để mặc cho sứ vụ Gioan tẩy giả một ý nghĩa. Nhưng ông còn kéo dài câu trích dẫn đó cho tới việc loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa đã tỏ hiện, là để cho thấy trước tiên ông muốn nói đến ngày xuất hiện của Chúa Giêsu.

Bởi thế có thể kết luận rằng, khác với các đoạn song song trong Mt và Mc, đoạn văn này của Lc loan báo việc xuất hiện của Chúa Giêsu ngay trong sứ vụ của Gioan tẩy giả. Cái nhìn này không làm ta ngạc nhiên, vì trong hai chương đầu nói về thời thơ ấu, Lc đã minh chứng dài dòng rằng sứ mạng của Gioan tẩy giả hoàn toàn hệ tại trong việc loan báo, rao giảng vế Chúa Giêsu (Lc 1,14.17, 19.41-44. 76-77.)

3. Như vậy, Lc đã nhìn hai sự xuất hiện của Gioan tẩy giả và của Chúa Giêsu thế nào?

a. Khi đánh dấu thời gian xuất hiện của Chúa Giêsu và Gioan tẩy giả tương quan với các vua và thượng tế thời bấy giờ, Lc muốn xác định thời gian của hai sự xuất hiện đó trong lịch sử trần thế, như các sử gia Hy Lạp thường làm. Cách tính thời gian này cũng không được chính xác, vì nó chỉ cho niên hiệu của triều đại Tiberiô Xêda (Tibère Cêsar) mà thôi, và một khoảng cách thời gian giữa sứ vụ của Gioan và Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài không xa thời gian Gioan rao giảng bao nhiêu. Ông ước tính Chúa Giêsu chịu phép rửa vào năm thứ 15 triều đại vua Tiberiô và dữ kiện này trùng hợp với Ga 2,20 (Chúa Giêsu ở tại Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua năm 28).

b. Khi nói đến sự xuất hiện của Gioan và Chúa Giêsu, Lc không mấy quan tâm đến lịch sử trần thế cho bằng lồng chúng vào lịch sử cứu rỗi. Khi trích dẫn dài dòng Is 40,3-5 ông cho thấy qua các sự kiện đó, việc hoàn tất lời tiên tri của CƯ và xác định đúng tầm quan trọng của chúng: sứ mạng của Gioan là việc loan báo lần cuối cùng ơn cứu độ, sứ mạng của Chúa Giêsu là việc Thiên Chúa ngự đến và là ơn cứu độ cho mọi người.

c. Sứ mạng của Gioan tẩy giả bắt đầu, tạo nên một giai đoạn chuẩn bị của thời tiên tri: là thời gian mà Israel được kêu gọi trở về với Thiên Chúa của mình trong tinh thần sám hối và khiêm hạ. Đây là giai đoạn cuối cùng của Cực ước.

d. Sứ mạng của Chúa Giêsu chỉ mới được loan báo như là việc cao điểm lời rao giảng của vị tiền hô mà thôi. Sứ mạng đó sẽ là việc Chúa ngự đến, là ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Qua những lời tiên báo của Isaia, độc giả phúc âm, khi đã biết được mạc khải của biến cố phục sinh, có thể nhận ra thiên tính của Chúa Giêsu và ơn cứu độ Ngài đem đến cho mọi người.

Luca giúp nắm vững tầm quan trọng phổ quát của biến cố bằng cách đặt nó vào lịch sử thánh của dân Chúa (tại Giuđea, Galilê, dưới thời thượng tế) cũng như vào lịch sử của thế giới ngoại giáo (đời hoàng đế Tiberiô, vùng Iturêa). Nhưng việc loan báo vẫn còn kín đáo, vì Luca muốn tôn trọng đường lối sư phạm tiệm tiến của mạc khải.

4. Tại sao phụng vụ mùa vọng lại dùng bản văn này là bản văn không liên quan đến việc sinh hạ của Chúa Giêsu và chỉ nhắm tới sứ mạng của Ngài một cách gián tiếp qua sứ mạng của Gioan?

Điều này có thể do bởi sự kiện các phúc âm ít tường thuật các việc xẩy ra trước khi Chúa Giêsu ra đời. Và nhất là do bởi mối quan tâm muốn trình bày một bản văn công bố ngày Chúa Giêsu gần đến. Ngày Chúa đến thật ra không phải chỉ thể hiện trong ngày giáng sinh mà thôi nhưng còn xẩy ra trong suốt chuỗi xuất hiện liên tục, từ truyền tin đến dâng mình đền thánh, từ lúc chịu phép rửa bởi Gioan cho đến Phục sinh.

Mỗi một lần xuất hiện trên, thực ra cũng chỉ là lời hứa và bảo chứng cho lần xuất hiện cuối cùng trong vinh quang và uy quyền của ngày quang lâm. Người Kitô hữu hôm nay, khi đọc phúc âm kể lại các lần xuất hiện đã qua của Chúa Giêsu, phải luôn luôn hướng về lần ngự đến cuối cùng đó như là ơn cứu độ của mình.

Trong lúc gần đến ngày Giáng sinh, đoạn phúc âm này kêu mời chúng ta chuẩn bị ngày Chúa đến. Qua lời kêu gọi thống hối ăn năn, qua lời hứa ban ơn cứu độ cho mọi người, bản văn soi sáng cho chúng ta về mầu nhệm của hài nhi nằm trong máng cỏ và qui hướng chúng ta về ngày hài nhi ấy trở lại trong vinh quang.

5. Nét quan trọng trong sứ vụ của Gioan mà truyền thống đã giữ lại để làm nổi bật cá vị của ông là phép rửa của ông ban trên sông Giođan. Tước vị ho baptistês (12 lần trong phúc âm nhất lãm; trong Flavius Josèphe) là một dấu chứng. Những người đương thời của Chúa Giêsu rất kinh ngạc về nghi thức này, vì nó mang môt cái gì mới lạ.

Trước Gioan tẩy giả đã có một phong trào “thanh tẩy” khá mạnh ở Palettin và Xiri, nơi xuất phát là sông Giođan và các nguồn của nó ở phía bắc. Có nhiều ảnh hưởng đã gây nên phong trào đó. Phong trào bành trướng hơn 400 năm, từ 150 trước Chúa Giêsu đến khoãng năm 300 sau Chúa Giêsu, chia ra nhiều môn phái “thanh tẩy” (x. J. Thomas. Le mouvement baptiste en Palesine et Syrie).

Một vài nghi lễ dưới thời Gioan cũng na ná như phép rửa của ông. Các người biệt phái đã lập thói quen thanh tẩy thường nhật: luật thứ sáu trong sách Mishna, chia thành khái luận, có bàn đến những tập tục thanh tẩy này. Những người tân tòng muốn gia nhập Do thái giáo phải tắm là chuyện bình thường (ngày nay vẫn còn trong đạo Do thái chính thống) được xem như là phần bổ túc cắt bì (x. R.E.O White, The Biblical Doctrine of Initoation, Londres, 1960, tr. 56-72; G.R.Beaslay Murray, Baptism in the New Testatement, Londres, 1962, tr. 18-31). Mới đây những nghi thức thanh tẩy của môn phái Cumran được sửa lại gần giống như phép rửa của Gioan. Những cuộc khai quật trong ngành khảo cổ đã cho thấy có nhiều giếng ở Cumrân, ít nhất là hai trong số đó được dùng cho nghi thức thanh tẩy. Các bản văn nói về vấn đề này đều có trong qui luật của Cộng đoàn. Chẳng rõ ràng gì: chắc chắn có một lời thề long trọng biểu thị việc gia nhập vào cộng đoàn, nhưng người ta không biết chắc chắn có việc tắm rửa đặc biệt bổ túc cho nghi thức gia nhập hay không. Về sau thì việc tắm rửa có nghi thức này được làm lại mỗi ngày. Người ta kết luận là việc thanh tẩy của Gioan không trực tiếp mượn nghi thức của Cumrân, hai nghi thức này có lẽ là hai cách diễn tả song song với nhau của cùng một phong trào rộng lớn (về liên quan giữa nghi thức áp dụng tại Qumân và phép rửa của Gioan, x.J.A. T.Robinson, The Baptism of John and the Qumân Community, Havard Theo. Rev. 50 (1957), 175-191; G.R.Beaslay- Murray, Baptism in the N.T. 11-18).

Đâu là những nét phân biệt phép rửa của Gioan với các nghi thức tương tự áp dụng trong thời đại ông? Mặc dù đã nghiên cứu tìm tòi, người ta vẫn không biết được nguồn gốc chính xác phép rửa của Gioan; không thể nào xác định cho đúng môi trường trực tiếp mà Gioan đã mượn nghi thức này. Dù phép rửa của Gioan được ban cho người đã từng quen với loại nghi thức này, chúng ta vẫn phải giả thiết là nghi thức của ông có một yếu tố thật độc đáo, vì dân chúng kinh ngạc.

Trong các nghi thức thanh tẩy của người biệt phái và người Esséniens, thì chính đương sự tự làm lấy nghi thức, trái lại Gioan thanh tẩy cho ai thú nhận tội lỗi mình. Những nghi thức thanh tẩy cũng như các việc tắm rửa các môn phái trên được làm lại mỗi ngày, trong lúc phép rửa của Gioan hình như chỉ một lần thôi, hoặc ít ra là đã ghi dấu một biến chuyển quan trọng trong đời sống của một người. Trên điểm này thì phép rửa của các người mới tòng giáo có thể so sánh với phép rửa của Gioan. nhưng khác với phép rửa của các người mới tòng giáo, phép rửa của Gioan được ban cho những người Do thái, sự kiện này nói lên một xác quyết quan trọng là: hệ thống luật lệ của Do thái giáo, dưới cái nhìn của Gioan, không thể nào cứu rỗi con người khỏi tội lỗi. Các nghi thức khác chú trọng ít nhiều đến cử chỉ bên ngoài, còn Gioan thì nhấn mạnh đến tâm tình thống hối mà phép rửa chỉ là dấu chỉ ngoại diện mà thôi. Sự nội tâm hóa các việc đạo đức chuẩn bị cho những lời huấn dụ của Chúa Giêsu. Được tuyên bố hoặc tỏ ra thanh sạch chưa đủ, cần phải thanh sạch bên trong nữa. Sau hết, phép rửa của Gioan khác biệt bởi đặc tính cánh chung và thiên sai. Phép rửa đó tạo nên việc sám hối sinh ơn thanh tẩy cho dân, mà các tiên tri đã báo trước để chuẩn bị cho thời cứu độ (Is 1,16; Ez 36,25; Zac 13,1...)

Làm thế nào để so sánh phép rửa của Gioan và phép rửa của Chúa Giêsu? Chính Gioan đã nói là ông rửa “trong nước”, còn Đức Kitô sẽ rửa “trong Thánh Thần” (Mc 3,12;Lc 3,16; Ga 1,31-33). Phép rửa của Gioan tự nó thông ban đời sống mới.

Hiệu quả phép rửa của Gioan (để thanh tẩy dân chúng khỏi tội lỗi) hình như được đặt vào giữa tâm tình thống hối thuần túy bên trong và nghi thức Kitô giáo phát sinh hiệu quả mà nghi thức đã biểu thị. Nghi thức của Gioan xem ra dính liền với hành động tượng trưng, đặc thù của thời tiên tri (1V 22,11; Is 20,2; Gr 19,10; 28,10; Ez 4,3). Không phải là một tâm tình suông nhưng là một tâm tình được thể hiện bằng một hành vi tượng trưng.



KẾT LUẬN

Đó là hoạt động của vị Tiền hô được lồng vào trong khung cảnh lịch sử. Thời gian hoạt động của ông không còn được căn cứ vào triều đại của một vị vua Giuda hay Israel như các tiên tri xưa nữa (x.Is 1,1; Gr 1,2; Ez 1,2; Am 1,1; Mi 1,1; So 1,1) nhưng căn cứ vào triều đại của vị chúa tể hoàn cầu là César. Sự kiện này nói lên tính cách phổ quát của Tin mừng được Gioan loan báo.



Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Giống như ơn gọi của Gioan tẩy giả, ơn gọi chúng ta cũng gắn liền chúng ta với thời đại hiện tại. Chúng ta không phải là những con người của thời xa xưa hay tương lai. Phải sống trong ngày hôm nay của Thiên Chúa (Dt 4,7) là thời gian duy nhất thuận lợi cho việc phát triển con người Kitô hữu chúng ta (2Cr 6,2). Như Gioan tẩy giả, Chúa muốn chúng ta sống trong một khung cảnh cụ thể từ đó chúng ta xuất phát. Khung cảnh này là giòng giống, gia đình, xứ sở, khí hậu sẽ chi phối thái độ và cuộc sống của ta. Gioan là con người của sa mạc, con người thời Tibère César, chúng ta là những con người của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của thế kỷ 20. Chúa quan phòng đã muốn như vậy. Và cách thế duy nhất giúp chúng ta đáp ứng ơn gọi cách trung tín như Gioan tẩy giả là cương quyết chấp nhận thời đại và môi trường chúng ta để biến thành nơi phục vụ lời Chúa và là nơi hành động với tư cách là Kitô hữu, theo chân Chúa Giêsu.

2. Vào thời đại Gioan, các vị hoàng đế và vương hầu, các tổng trấn và quận vương, cũng như các chính khách của mọi thời đại, đều tưởng rằng họ là những người thực hiện những biến cố quan trọng nhất của lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay người ta chỉ nhắc tới họ chỉ vì họ có chút liên hệ với một vị tiên tri không tên tuổi của đế quốc La mã: vị tiên tri đó là Gioan tẩy giả, người đã loan báo trong sa mạc vương quốc sắp đến của Thiên sai. Nhìn về phía Thiên Chúa, thì không phải những cuộc chinh phục vĩ đại của đế quốc La mã hay những ân mưu của Herôđê là quan trọng. Nhưng đúng hơn là Lời Chúa xảy đến cho Gioan, con của Giacaria. Trong phạm vi tâm linh là phạm vi duy nhất mang tính cách quyết định cho cuộc sống con người, những cái vỏ uy quyền và vinh quang bên ngoài không có giá trị gì. Vì Thiên Chúa thực hiện những ý định lớn lao của người về thế gian. Đời sống của ta cũng thế: bất chấp khả năng chính trị, kinh tế hay văn hóa của chúng ta, Thiên Chúa cũng có thể dùng chúng ta để thay đổi bộ mặt thế giới, nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng gọi của Ngài mà trở về với Ngài mỗi ngày.

3. Trong sa mạc của cuộc sống chúng ta (nỗi cô đơn của tâm hồn có thể làm cho nhiều người can đảm nhất phải nản lòng). Lời Chúa vang dội trong chúng ta qua lời rao giảng khi chúng ta được mời gọi đến tham dự ngày lễ Chúa nhật với các anh chị em tín hữu khác để tôn thờ Chúa Cha, nhờ lễ vật của Chúa Giêsu Con Ngài. Lúc đó, qua cộng đoàn giáo xứ, chúng ta sẽ gặp gỡ tất cả mọi tín hữu trên hoàn cầu là những người đồng thời với chúng ta, dù họ thuộc dân tộc, chính thể và nghi lễ nào. Tất cả đều được hưởng ơn tha thứ tội lỗi. Nếu biết chạy đến bí tích cáo giải với một tâm hồn thống hối thành thật. Như thế chúng ta mới chuẩn bị chu đáo việc gặp gỡ Đấng Cứu Thế trong hiến tế. Tạ ơn nơi bàn thánh và lời cầu nguyện chúng ta mới có hiệu quả hơn, trong ý hướng hiệp nhất và truyền giáo, cho mọi người biết nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô và lãnh nhận nơi Ngài ơn Cứu độ.

4. Hãy dọn đường cho Chúa trong tâm hồn ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20). Hãy sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co đầy sở thích trái chướng, hãy làm cho ý hướng và hành vi trong đời sống chúng ta được ngay thẳng; hãy kiên trì trong đường lối ngay chính của việc bổn phận, không cực đoan hoặc “xét lại”. Hãy lấp đầy hố thẳm của của tâm hồn. Nếu trống rỗng lòng quảng đại và lý tưởng Kitô giáo. Hãy bạt xuống các đồi núi của tính kiêu căng, hãy san bằng các chỗ gồ ghề trong tính tình và hãy chấm dứt chia rẽ.

5. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi (1Tm 2,4). Nhưng biết bao người chưa ý thức, cảm nghiệm hồng ân của mạc khải Kitô giáo và chưa thấy được vinh quang của Chúa trong giáo hội của Ngài mà vị tiên tri Isaia đã loan báo. Hãy nghĩ đến đông đảo dân chúng ngoài kitô giáo (Rm 11,25-27). Hãy cầu nguyện cho họ trong mùa vọng này và kêu xin Chúa ban nhiều ơn gọi truyền giáo, để ánh sáng phúc âm tỏa lan hết mọi người (Rm 10,14-18). Hãy trở nên các nhà truyền giáo theo gương vị tiền hô bằng cách này hay cách khác, ít nữa bằng lời kinh và bằng việc trung thành chu toàn sứ mạng riêng biệt của mỗi người ở bất cứ nơi nào mà Chúa quan phòng cho ta sống.




tải về 359.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương