Đặc San Chu Văn An



tải về 10.77 Mb.
trang22/29
Chuyển đổi dữ liệu12.05.2018
Kích10.77 Mb.
#38156
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   29
Tiếc Thương Thầy BÙI ĐÌNH TẤN
Nguyễn Bát Tuấn, CVA 57
Kẻ viết bài này là một cưu học sinh Chu Văn An tuổi đời đã bước sang bên kia sườn đồi, có nghĩa là đã “xế chiều”, con cháu khá “xum xuê” nên rất vất vả trong tuổi già, đã vậy lại mang trong người nhiều căn bệnh kinh niên, đáng kể nhất là “bệnh lười”. Căn bệnh cố hữu này đã làm bạn với kè viết từ trước khi biết cầm bút. Một hôm, cách nay hơn một tháng, anh bạn Lê văn Ngọc, người phụ trách tờ Đặc San 3 CVA Sydney, yêu cầu tô đóng góp một bài cho Đặc San tôi đã “phe lờ” lảng sang chuyện khác. Khổ một nỗi là bạn Ngọc và tôi lại hay có dịp gặp nhau, mà lần nào trước khi chia tay, bạn cũng nhắc lại chuyện “viết bài”. Trước tôi còn tìm cách hãn binh, nại lý do này, lý do kia; nhưng sau nhiều lần nghe cái điệp khúc...”ông đã viết xong chưa” rát cả tai, tôi đành nghĩ tới chuyện tìm “hình nhân thế mạng”, chạy về nhà nha71c điện thoại gọi đến Kingsgrove cầu cưu bạn Đ.G.Thoại bút hiệu Thanh Văn, một “cây viết” về nhiều thể loại: truyện ngắn, nghiên cứu... và đã cho xuất bản mấy quyển sách. Bạn Yhanh Văn rất sốt sắng đóng góp, mặc dầu sức khoẻ của bạn không mấy khả quan vì tuổi tác. Tưởng như vậy là làm vừa lòng ông bạn “dễ tính” Ngọc rồi. Nhưng... không phải thế! Ông vẫn than chưa đủ mỗi khi gặp tôi. Ông nói dai lắm! Anh còn cho tôi biết kỳ này mình phải làm cho “xô tụ” để còn gử sang “Huê Cờ” mà “gõ” chứ! Chắc hẳn anh Ngọc muốn “đem chuông đi đánh xứ người” đây. Tôi chợt nhớ đến một người bạn cũ học cùng lớp, cách nay đúng nửa thế kỷ, lớp 2B1 niên khoá 55-56; anh bạn này hồi đi học đã được mệnh danh là “con thầy Vũ Hoàng Chương”. Với biệt danh này đã nói lên tài viết văn của anh rồi. Chẳng thế mà anh đang làm chủ một tờ tuần san khá nổi tiếng ở Melbourne, tờ Victoria TV, tên cúng cơm là Nguyễn Xuân Khoan. Gọi điện thoại xuống Melbourne, được anh vui vẻ nhận lời. Lòng tôi nhẹ bỗng, như chút đi được một món nợ.

Sáng nay, hơi rảnh, tôi lại sắp phải đi xa, nên đến thăm ông chủ bút, nhân tiện báo cho Ngọc một tin buồn: thầy Bùi Đình Tấn vừa qua đời. Ngọc còn cho tôi biết là anh đã nhận được tin này từ hôm qua, và đang có ý định nhờ tôi viết một bài kỷ niệm về thầy Tấn, vì anh biết tôi biết nhiều về ông thầy khả kính này.

Thực tình, tôi cũng muốn viết một bài nhắc lại những kỷ niệm giữa thầy Tấn và tôi, và cũng để các bạn CVA chia sẻ với tôi nỗi niềm vô cùng thương tiếc này, khi hay tin thầy qua đời. Lại thêm có sự cỏ vũ của bạn Ngọc, tôi quyết tâm viết cho xong những dòng tâm tư trước khi có việc phải đi xa.

Như thường lệ, chiều ngày 17-7, tôi mở máy computer ra để “check” e-mail, thật là sửng sốt khi đọc điện thư của anh N.Đ.Năng, Hội Trưởng hội Ái hữu Bưởi-CVA Nam Cali loan báo hung tin: Giáo sư cựu Hiệu Trưởng Bùi Đình Tấn vừa thất lộc tại Houston, Texa, ở cuối thư anh Năng lại thòng thêm câu: tôi loan tin này với sự dè dặt thường lệ. Tôi nghĩ chắc là anh Năng mới được tin này và chưa kịp kiểm chứng lại xuất xứ từ đâu. Tôi vội hồi âm “mong rằng tin này là tin...nịt cồ” vì mới năm 2004 tôi còn gặp thầy trong Đại Hội CVA toàn cầu kỷ niệm 50 năm tại Nam Cali. Khi đó thầy còn đầy đủ phong độ như xưa, minh mẫn, vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn. Nhưng hôm sau, bật máy lân trông chờ tin tức nơi anh Năng, tôi nhận được rất nhiều điện thư từ khắp nơi gửi về, từ Houston của P.H.Cường, từ Nam Cali của C.S.Cường, từ Motreal của Đ.P.Hạnh... và còn nhiều nhiều nữa, cùng với đề tựa:giáo sư Bùi Đình Tấn...

Nhất là thư của anh Hạnh lại còn kèm thêm bản “cáo phó”. Như vậy là tin Thầy qua đời là chính xác rồi, không còn hoài nghi gì nữa. Tôi bần thần cả người, suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện xưa, những kỷ niệm ngày trước như đã được ghi lại trong một đĩa nhựa nhỏ xíu, đang được lần lượt chiếu lại trong tâm trí tôi. Tôi biết thầy từ trước năm 1954, từ hồi còn học tại trường CVA gần cửa Bắc thành phố Hànội. Đã là học sinh CVA thì ai cũng biết thầy dạy môn sử địa, nhưng ít người biết thầy còn là chủ tịch Hội đồng kỷ luật. Hồi đó tôi thấy thầy rất nghiêm, lại kèm thêm chức vụ đặc biệt nàynên tụi học sinh Đệ Nhất cấp chúng tôi ai ai cũng phải kiêng nể nhiều phần. Sau này gần gũi với thầy nhiều, mới thấy thầy không quá nghiêm khắc, mà trái lại, Thầy rất vui vẻ và thân thiện.

Tháng 9 năm 1961, tôi cùng hai người bạn là anh Trần Huy Bích và Nguyễn Văn Luận nhận sự vụ lệnh xuống trường Trung học Tân An thuộc tỉnh Long An dạy học, chúng tôi là những chàng sinh viên “rách” mang trong mình 2, 3 chứng chỉ (chưa tốt nghiệp) xin dạy giờ đẻ kiếm tiền, tiếp tục học. Tôi dạy môn Toán, anh Bích dạy môn Việt Văn, hiện nay anh đang dạy tại một trường Đại Học ở Nam Cali và anh Luận dạy Lý Hoá. Khi đó Hiệu Trưởng là thầy Bùi Đình Tấn của chúng ta. Xin nói thêm là 3 chúng tôi đều là học sinh CVA, nên khi trình SVL chúng tôi rất mừng mà thầy cũng vui. Thầy còn cho biết năm nay là niên học đầu tiên trường có lớp thi Tú Tài, nên cần có giáo sư đủ trình độ. Khi gặp lại thầy trong hoàn cảnh này, chúng tôi hơi ngạc nhiên, vì thầy đã dạy học tại trường CVA khá lâu, từ CVA Hànội, không biết vì lý do gì Thầy lại đổi xuống Long An? Không lẽ Thầy không muốn làm Hiệu Trưởng? Lý do này không vững, vì dầu Long An là tỉnh ngay sát Gia Định, nhưng cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ đi xe đò khá bất tiện. Sau này, tôi mới biết hồi đó Thầy bị Bộ Giáo Dục “đì”, có lẽ là dưới thời Bộ Trưởng Trần Hữu Thế. Cùng thời đó thầy Nguyễn Đình Phú (Phú đen) làm Hiệu Trường Trung Học Kiến Hoà...

Tuy bị “đì” Thầy vẫn vui vẻ hàng ngày ra bến xe An Đông đón xe đò đén trường làm việc. Thầy cẩn thận chỉ dẫn cho chúng tôi biết là đón xe đò Thuận Thành đi Mỹ Tho, khởi hành lúc 6giờ30 sáng và sẽ đến cửa trường lúc 7giở0 vừa kịp vào lớp. Thầy còn cho biết phải đón xe đi Mỹ Tho chứ đừng đón xe đi Long An vì trường Trung Học Tân An toạ lập ở ngoại tỉnh, trên con đường quốc lộ số 4 từ Long An đi Mỹ Tho. Nếu đón xe đi Long An lại mất thêm một cuốc xe Lam từ tỉnh lỵ đến trường. Còn lúc về thì dễ hơn, đến trưa sau khi tan học, có rất nhiều xe từ Lục tỉnh về Saigon, vì là xe chạy đường trường nên rất tốt và thường có vài chỗ trống. Chính Thầy Tấn ở chức vụ Hiệu Trưởng cũng không có phương tiện riêng. Thầy vẫn dùng xe đò sáng đi chiều về. Tôi còn nhớ một lần gặp tôi từ lớp học bước ra, Thầy nói: “Ông Tuấn nhớ thắt ca-vat khi vào lớp. Học trò ở nhà quê có nhiều người khá lớn tuổi và đã có gia đình”. Thầy thường gọi học trò cũ là ông. TỪ đó mặc dầu trời nóng, tôi vẫn phả đeo cái “thòng lọng” vào cổ, chỉ khi nào bước lên xe đò trở về Saigon mới tháo ra bỏ vào cặp.

Tôi đã học được ở Thầy rất nhiều, nhất là những “bước đi đầu đời vào nghiệp gõ đầu trẻ”. Sự thành công trong nghề dạy học của tôi sau này một phần lớn do gương sáng của Thầy. Cuối niên học đó, Thầy lại được đổi về trường CVA, tôi chỉ còn gặp Thầy trong các kỳ chấm thi Tú Tài và ở một vài trường tư thục.

Sau tháng Tư 1975, tôi được biết Thầy đã may mắn ra đi vào giờ phút chót. Từ đó tôi không liên lạc được với Thầy nhưng biết chắc cắn Thầy đang định cư tại Mỹ.

Rồi đến năm 2004, nhân tham dự ngày Đại hội CVA toàn cầu, kỷ niệm 50 năm tại Nam Cali, tôi lại được gặp Thầy. Gặp lại Thầy, vợ chồng tôi vô cùng mừng rỡ. Chúng tôi bước lại trước mặt Thầy cất tiếng chào “thưa Thầy”. Thầy đáp lại: “À! Ông Tuấn, hiện nay ông bà ở đâu?”

      -Thưa Thầy chúng con định cư tại Úc.

Trò nhận ra Thầy, Thầy nhận ra trò không chút bỡ ngỡ sau 29 năm xa cách.

Trong đêm đại hội này tôi rất vui vì được gặp lại thầy cũ, bạn cũ rất nhiều, mà tước đây những tưởng không bao giờ còn được gặp nữa. Thời gian nhu đi ngược lại nửa thế kỷ, còn không gian không hề thay đổi, vui vẻ, ồn ào, xưng hô mày tao loạn xạ, mặc dầu người nào cũng gần bảy chục tuổi, cháu nội, cháu ngoại đầy đàn. Thật là vui! Về phía các bạn tôi gặp lại những tên như N.M.Hùng, Đ.V.Hiền, T.M.Công, P.C.Bạch, N.T.Thi< P.Q.Hồng, C.X.Châu Phê vân vân và vân vân.

Nhưng về phía các thầy cũ chỉ còn thầy Bùi Đình Tấn, thầy Nguyễn Văn Đỉnh, thầy Nguyễn Văn Mùi, thầy Hoàng Đình Thanh, ngồi cùng bàn với các thầy còn có anh Dương Minh Kính, cựu Hiệu Trưởng, anh Lưu Trung Khảo, anh Phạm Biển Thước, anh Hà Tường Cát, những anh này cũng là giáo sư CVA. Bên cạnh bàn dành cho các thầy là bàn dành cho các diễn giả trong đêm Đại hội, tôi nhận thấy có N.M.Hùng, Tr.H.Bích, N.V.Canh...gặp lại anh Bích tôi vội kêu Bích đến chào Thầy Tấn và cũng để nhờ anh L.V.Ngọc chụp vài bức hình kỷ niệm những ngày “đầu đời” tại Trung Học Tân An. Cùng lúc đó anh N.K.Do cũng vác máy đến chụp.Do thấy Hà Tường Cát ngồi ngay cạnh thầy Tấn, anh bèn cất tiếng: “Ê! Thằng Cát, mày đứng dậy, đi chỗ khác để tao chụp hình các thầy”. Cả lũ chúng tôi lại cười ấm lên! Thầy Đỉnh nặng tai, có đeo máy, nhưng rất khó nghe, nhất là trong bầu không khí ồn ào của buổi Đại Hội. Khác hẳn thầy Đỉnh, thầy Tấn rất thính tai, rất minh mẫn và nhanh nhẹn, ban Tổ Chức đã nhiều lần mời Thầy lên sân khấu để trao tặng quà kỷ niệm. Nhắc tới chuyện này làm tôi nhớ tới những giây phút rất “quê” mà đến giờ này vẫn còn áy náy. Chuyện là như thế này: tham dự Đại Hội kỳ này, phái đoàn Úc gồm có vợ chồng tôi và anh chị Ngọc-Huyến, vì là phái đoàn ở xa nhất, nên Ban Tổ Chức đã dành mọi ưu đãi cho chúng tôi. Đến gần cuối chương trình, khi thấy một số người đứng dậy ra về, tôi cũng vvội bước ra ngoài Hội trường để xem có bạn nào đem theo cái “cell” để nhờ gọi về nhà người cháu đem xe đi đón, vì sợ gọi trễ quá, khi mọi người về hết chỉ còn lại vợ chồng tôi, trời khuya nơi xứ lạ thật không tiện. May nhờ có N.K.Do và V.M.Hà làm giúp tôi chuyện này. Khi trở lại Hội Trường theo lời nhà tôi kể lại: vừa rồi còn có tiết mục trao quà kỷ niệm. Tôi rất áy náy về chuyện này vì đã không mang theo quà kỷ niệm tặng Ban Tổ Chức. Bà xã còn kể rằng khi tôi bước ra ngoài thì Ban Tổ Chức kêu đích danh tôi lên nhận quà kỷ niệm do Thầy Tấn đại diện ban Tổ Chức trao tặng. Anh Năng kêu nhiều lần không thấy tôi đâu bèn mời nhà tôi lên thay mặt. Nhà tôi rất cảm động và hân hạnh được nhận quà từ tay thầy Tấn và Thầy còn nói: “Anh Tuấn không những là người học trò tốt, mà còn là bạn đồng nghiệp tốt của tôi”



Ôi! Nay Thầy đã vĩnh viễn ra đi, nhưng lời nói làm đó sao có thể phai nhoà trong đầu óc tôi. Đây cũng là lời nói cuối cùng Thầy nói với tôi, tuy không trực tiếp nhưng tôi không bao giờ quên. Anh Năng, anh Bích ơi! Lúc đó chắc các anh và tôi không bao giờ nghĩ đây là lần cuối cùng chúng ta được gặp Thầy, được bắt tay Thầy. Giờ đây, ở bên kia bờ đại dương, không thể bay đến Texas để tiễn đưa Thầy tới nơi an nghỉ cuối cùng, tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho Hương linh Thầy được an nghi nơi cõi vĩnh hằng.



BIẾT ĐẾN BAO GIỜ GẶP LẠI

PRETTY WOMAN !


Nguyễn Khắp Nơi, CVA58
Tôi sinh ra ở Bắc Giang.

Vào năm 1954, gia đình tôi lúc đó đang ở Hà Nội, tôi đã lên Trung học, học lớp Đệ Ngũ của trường Chu Văn An. Tôi chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng cũng nghe loáng thoáng cậu tôi và các bác các chú bàn về . . . Hiệp đinh Genève.

Một tối, sau khi ăn cơm xong, cả nhà đang ngồi quây quần nói chuyện thì cậu tôi đổi đề tài, nói về Hiệp định Genève chia đôi đất nước, miền Bắc sẽ do Việt Minh Cộng Sản chiếm, còn miền Nam giao cho chính phủ Tự Do, ông kết luận:

“Gia đình mình sẽ . . . di cư vào Nam để sống dưới chế độ Tự Do”

Mợ tôi phản đối ngay:

“Vào Nam nguy hiểm lắm, tôi nghe bạn bè kể chuyện, con muỗi ở đó to bằng . . . con ruồi, hút hết máu người ta . . .

Dân ta vào Nam chỉ đi làm ở đồn điền cao su, không chêt vì sơn lam chướng khí thì cũng bị muổi mòng cắn mắc bệnh sốt rét mà chết.”

Cậu tôi trả lời ngay:

“Muỗi mòng, sơn lam chướng khí cũng còn có thuốc chữa, cũng còn hy vọng sống sót. Ở đây với Việt Minh, chúng nó vào là bắt tôi ngay đấy. Chết là cái chắc!”

Tôi nghe thấy cái tên Việt Minh là nhớ lại cái đêm cả gia đình tôi phải chạy bán sống bán chết, trốn chui trốn nhủi từ Bắc Giang ra đến vùng Tề, để khỏi bị chúng bắt, là không ham ở lại Hà Nội chút nào cả.

Mợ tôi chắc còn sợ Việt Minh hơn tôi rất nhiều, nên không thấy bà phản đối nữa.

Suốt những ngày còn lại, cậu mợ tôi lúc nào cũng bận rộn, lúc thì lo thu dọn đồ đạc, xem cái nào có thể đem theo, cái nào phải bỏ lại, lúc thì đi gặp bạn bè bàn chuyện nên ở lại hay nên . . . Vào Nam.

Ngày lên phi trường, mợ tôi bế em bé, chị Oanh lo cho hai đứa em gái, còn tôi được giao nhiệm vụ trông chừng đứa em trai tám tuổi. Mợ dặn tôi là hai anh em phải nắm chặt lấy tay nhau, đừng để bị lạc, vì trên máy bay đông người lắm.

Xuống phi trường, cả đám nhốn nháo chạy ngược chạy xuôi, tôi nắm chặt tay em tôi chạy theo cậu.

Đến khi sửa sọan lên xe cam nhông về nơi tạm trú, mợ tôi nhìn lại tôi, ngạc nhiên hỏi:

“Em con đâu?”

Tôi ngạc nhiên nhìn mợ, vì từ hồi xuống máy bay tới giờ, tôi vẫn . . . nắm chặt bàn tay của đứa em trai, đâu có lạc đi bước nào đâu.

Nghe mợ hỏi, tôi nắm bàn tay em tôi đưa lên:

“Em con đây . . . Thằng An nó ở đây với con đây này . . .”

Vừa nói, tôi vừa quay lại nhìn . . . Thằng An . . .

Thằng Anh đâu không thấy, mà chỉ thấy tôi đang nắm chặt bàn tay của . . . một con bé nào lạ hoắc, nó đang mở lớn cặp mắt ra mà nhìn tôi, nhìn mợ tôi.
Tôi không biết ăn nói ra sao, cứ đứng như trời trồng mà nhìn con bé.

Con bé lúc bấy giờ mới biết tôi không phải là anh nó, và mợ tôi cũng không phải là mẹ của nó. Nó hoàng hốt dựt tay ra khỏi tay tôi, há miệng thật lớn ra mà khóc, vừa khóc vừa gọi mẹ nó:

“Mẹ ơi . . . Mẹ ơi . . .”

Tôi cũng bắt đầu hoảng vì đã để lạc em tôi. Nhưng tôi không thể nào tin là đứa em trai tôi tự nhiên lại biến thành một đứa con gái như vậy, nên tôi vẫn cứ nắm chặt lấy bàn tay của đứa con gái, hy vọng là, chỉ một lúc sau, nó lại biến trở lại thành em trai của tôi.

Mợ tôi còn hốt hoảng hơn tôi nữa, bà quay tứ phía, một tay nắm tay tôi, tay kia nắm tay đứa con gái, vừa chạy đi tìm, vừa gọi tên em tôi:

“An ơi . . . An ơi, con ở đâu? Mợ đây này con ơi.”

Cậu tôi dắt một lô chị em gái của tôi chạy lại, khi không thấy em trai tôi đâu cả, ông cũng phụ với mợ tôi mà vừa đi tìm kiếm vừa gọi tên em tôi:

“An ơi, An ơi”

Ngay lúc đó, một bà khác xuất hiện, vừa dắt tay em An của tôi vừa chạy tứ tung, miệng gọi:

“Thanh ơi . . . Thanh ơi . . . Con ở đâu, Thanh ơi. Mẹ đây này con ơi.”

Khi cả hai đám người chạy dâm xầm vào nhau, nhìn lại, tôi hú hồn hú vía, vì thằng em trai của tôi đang lồm cồm ngồi dậy, còn đứa con gái thì đang ôm chầm lấy mẹ nó mà khóc bù lu bù loa.

Lúc đó, cậu tôi cũng chạy lại. Đằng kia, một ông nữa cũng chạy tới.

Bà mẹ ôm dứa con gái vừa tìm được, tay kia giao trả thằng em trai của tôi, lúng túng nói với mợ tôi:

“Em chẳng biết làm sao, mà đang nắm tay con gái của em xuống máy bay, nhìn lại hóa ra là nắm tay đứa con trai này đây. Nó là . . . con của chị phải không? Chị cho em xin lỗi nhé!

Mợ tôi vui vẻ gật đầu, cười mếu máo:

“Nó đúng là thằng con trai của tôi đấy, may quá, đã tìm lại được nó rồi. Tôi cho nó đi với thằng anh nó đây này. Anh em nó nắm tay nhau xuống máy bay, không biết làm sao mà lại nắm nhầm tay con gái của chị như thế này nữa. Hưng, con xin lỗi cô đi con.”

Tôi lý nhí nói câu xin lỗi, liếc mắt nhìn đứa con gái: Đầu tóc nó rối bù, mặt mày lấm lem đầy những nước mắt. Cặp mắt nó thật là lớn, hèn chi nó khóc mới nhiều nước mắt như vậy. Tôi chợt nhớ ra, lúc máy bay ngừng, tôi đứng lên, đưa hai tay lên xốc lại cái túi đeo vai rồi mới đưa xuống nắm lấy tay đứa em trai. Đứa con gái lúc đó chắc vừa mới ở đằng sau bước tới, cũng đưa tay lên nắm tay mẹ nó đang đứng cạnh tôi, nên mới lộn mà nắm lấy tay tôi, còn em tôi thì nắm lấy tay mẹ của đứa con gái.

Hai ông bố bắt tay nhau cười thông cảm.

Khi đi trở lại khu tập trung, thì ra cả hai gia đình được xếp đi chung một chuyến xe về khu tạm trú.

Khu tạm trú là một trường nữ trung học, tên là Gia Long. Nhà tôi đông người, được xếp vào ở tạm một khu gần cầu thang, nhà đứa con gái có mỗi ba người, được xếp vào ngay gầm cầu thang, kế bên gia đình tôi.

Xếp dọn đồ đạc xong xuôi rồi, ngày hôm sau, cha mợ Thanh mới dắt nó qua chào làm quen với gia đình tôi. Xứ lạ quê người, hai gia đình chưa từng quen biết đã trở thành thân nhau, cùng giới thiệu tên tuổi. Cậu tôi lớn, làm anh, cha của Thanh (tên là Tâm) nhỏ hơn, nên làm em. Thanh còn quá nhỏ, nhỏ lắm, khoảng sáu bầy tuổi gì đó, lại chẳng có anh chị em gì cả, nên cứ chạy theo mấy đứa em gái của tôi mà nói chuyện.

Ở trung tâm tạm cư được khoảng một tháng thì đến kỳ tựu trường, trung tâm phải dời đi nơi khác, trả chỗ lại cho trường Gia Long. Gia đình tôi chọn đi vùng Thị Nghè, còn gia đình của Thanh chọn đi Phú Thọ. Hai gia đình vẫn liên lạc thăm viếng nhau. Lúc đầu, cậu còn dắt tôi và em trai đi thăm gia đình chú Tâm, nhưng khi lớn lên rồi, chỉ còn có cha mợ hai bên thỉnh thoảng đi thăm nhau mà thôi.Tôi tiếp tục học trường Chu Văn An, thỉnh thoảng viết vài bài thơ gởi đăng báo xuân của trường. Đến năm Đệ Nhất, mấy đứa bạn rủ tôi vào ban báo chí. Thằng Dzũng ròm quảng cáo:

“Cuối năm, đem báo đến bán cho học sinh của trường Trưng Vương, tha hồ ngắm các người đẹp. Làm quen được em nào, chiều Chủ Nhật, dắt em đi dung dăng dung dẻ trên đường Catina, thơm cả cuộc đời.”

Tôi nghe cũng thấy . . . vui vui, nên nhập bọn.

Ngày bán báo, tôi háo hức sửa soạn, giặt cái áo sơ mi cho trắng tinh lên, ủi cái quần ka ki xanh đậm cho thật thẳng, sửa soạn cách ăn nói cho thật hay, ngâm thử mấy vần thơ cùa tôi cho thật nhưyễn để mong gặp một nàng tiên nào đó trong đời

Tói trường Trung Vương, bọn chúng tôi được giới thiệu với ban đại diện của trường. Đúng là gái Bắc Kỳ, cô nào cũng xinh tươi ăn nói duyên dáng, ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Thằng Dzũng ròm nhắc nhở vào tai tôi:

“Chấm được cô nào chưa? Mau lên, kẻo . . . lỡ chuyến đò.”

Năm nay chúng tôi trúng mối, vì gần tết rồi, việc học hành cũng tạm gọi là được thong thả, bà Hiệu Trưởng cho phép chúng tôi đi tới từng lớp mà quảng cáo bán báo xuân.


Đứa nào cũng tranh nhau đi đến các lớp lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ để mong tìm các bóng hồng mà làm quen. Đến các lớp Đệ Ngũ, đứa nào cũng thấm mệt rồi, tới lớp Đệ Lục, Đệ Thất, chẳng đứa nào muốn đi, vì . . . mấy cô nữ sinh này hỉ mũi còn chưa sạch, làm sao dám làm quen dẫn đi dạo phố Bonard! Vì thế, chúng nó trôn hết, giao cho tôi và mấy thằng cù lần lửa vác báo đi bán.

Lớp nhỏ dễ lấy cảm tình. Bọn con nít nghe tôi ngâm thơ hay quá, rủ nhau mua báo, có đứa còn lên xin chữ ký của tác giả nữa, làm cho tôi cảm động quá. Cô giáo đang dậy học còn hỏi chúng tôi . . . có muốn chụp hình chung hay không nữa.

Sẵn thằng bạn có đem máy chụp hình theo, chúng tôi rủ nhau ra trước sân chụp hình kỷ niệm. Mấy chị nhỏ bu theo thi sĩ để chụp hình, làm tôi lại càng cảm động hơn.
Tôi một tay ôm chồng báo, tay kia vẫy mấy mầm non của đất nước ra chụp hình. Đang đi, tôi thấy tay tôi có cái gì vương vướng, mới quay xuống nhìn:

Một . . . mầm non nào đó đang nắm tay tôi bước đi thật là hồn nhiên.

Tôi cũng chẳng ngạc nhiên, cứ thế nắm lấy tay mầm non Đệ Thất này mà vui vẻ chụp hình.

Bất chợt, cô bé, một tay vẫn nằm tay tôi, kéo vai tôi xuống, hỏi nhỏ:

“Anh . . . Có phải là . . . Anh Hưng, hồi di cư năm 1954 tạm trú ở trường Gia Long?

Tôi quay xuống, cô bé lạ hoắc, tôi chẳng biết nó là ai cả, chỉ thấy có mỗi cặp mắt bự thật là bự đang chăm chú nhìn tôi mà thôi. Tôi ngờ ngợ, đã có một lần nhìn thấy cặp mắt này ở đâu rồi. Tôi liếc nhìn cái bảng tên của cô bé nai tơ:

“Nguyễn Ngọc Thanh.”

Tôi ngạc nhiên, thảng thốt kêu lên:

“Thanh . . . Thanh con chú Tâm, di cư tạm trú ở trung tâm trường Gia Long?”

Thanh nhìn tôi vui vẻ gật đầu.

Trời ơi! Con bé Thanh . . . Mới ngày nào đầu bù tóc rồi, cặp mắt bự thật bự, khóc đầy những nước mắt . . . Bây giờ đã . . . học Đệ Thất rồi?

Thế là chúng tôi nói chuyện huyên thuyên, hỏi thăm cha mẹ nhau tới tấp. Tôi kể cho cô giáo của Thanh nghe câu chuyện đặc biệt của tôi khi vừa mới bước chân xuống phi trường, nắm tay Thanh đi mà cứ tưởng là đang nắm tay thằng em trai, làm cô giáo và cả lớp cùng cười thật là vui vẻ.

Con Thanh cứ thế mà đi theo tôi, nói hết chuyện này tới chuyện khác, nó năm tay tôi tự nhiên cứ như là anh em thứ thiệt vậy.

Đám bạn tròi đánh của tôi, khi nghe chuyện, chúng nó không gọi tôi là . . . “Hưng Rù” nữa, mà cho tôi cái tên mới: “Hưng . . . Gia Long”.

Còn thằng Dzũng ròm, nó nhún vai nhìn tôi . . . khi dễ, rồi mới phang cho tôi một câu:

“Đem tới cho cha mẹ nó . . . vài tạ gạo. Nuôi cho em chóng lớn rồi hãy dẫn đi dạo phố. Còn nếu mày vẫn muốn dẫn nó đi chơi bây giờ, mỗi lần đi, nhớ đem theo . . . chai sữa.”

Qua năm sau, tôi lên Đại học. Tôi cũng muốn nối nghiệp bố, đi học Sư Phạm, nhưng cậu tôi gạt ngang:

Dân mình đông, nhà mình cũng tới mười người. Con đi học . . . Bác sĩ đi, chữa cho dân chúng, khám bệnh cho cả nhà cũng đủ giúp đời rồi, con ạ.

Thế là tôi học Y khoa, học trần thân khoai củ mới ra trường. Tôi đang thụ huấn quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức thì Việt Cộng tổng tấn công Tết Mậu Thân. Biệt Khu Thủ Đô tập trung sinh viên của các trường Đại học lại, nam sinh thì đi canh gác, nữ sinh thì làm nhiệm vụ cứu thương, khóa chúng tôi được điều về các trường để chỉ dậy phương pháp cấp cứu và chữa trị tạm thời. Tiểu đội của tôi được điều về Phân Khoa Dược.

Sau khi giảng giải về các loại phỏng và cách thức bôi thuốc và phỏng ngừa, tôi mời một vài cô sinh viên lên để thực tập. Từ dưới hàng dự thính, một số sinh viên bước ra. Vì ngồi lâu, nên khi đứng lên, các cô bị tê chân, đứng xiểng niểng vào với nhau. Một cô muốn ngã, đưa tay ra với lung tung, tay tôi vừa mới đưa tới, cô vội vàng chụp ngay lấy để giữ thăng bằng. Tôi đưa cô tới chỗ thực tập rồi buông tay ra để cô ngồi xuống, cô gái thay vì buông tay tôi ra, cô lại nắm chặt hơn, nói nhỏ vào tai tôi:

“Anh . . . Có phải là . . . Anh Hưng, hồi di cư năm 1954 tạm trú ở trường Gia Long?

Tôi chồm dậy nhìn cô sinh viên đang đứng trước mặt, cặp mắt cô to thật to, đang mở lớn ra mà nhìn tôi.

Thanh! Đúng là Thanh rồi!

Tôi nắm chặt lấy tay của Thanh, mừng rỡ kêu lên:

“Thanh . . . Thanh con của chú Tâm đó phải không?

Thanh . . . mau lớn quá . . . Đã là Sinh viên rồi . . . Thanh học giỏi quá!”

Cả đám nữ sinh viên nhao nhao lên hỏi thăm:

Thanh . . . quen với anh bác sĩ này đấy hả? Quen từ hồi nào vậy?

Mấy thằng bạn cùng tiểu đội của tôi cũng háo hức muốn nghe chuyện.

Thế là tôi lại phải kể lại câu chuyện năm xưa hồi mới tới phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi nắm tay em trai tôi mà hóa ra nắm tay cô Thanh này đây. Tất cả nghe rất lấy làm thú vị cho câu chuyện có một không hai của chúng tôi.

Sắp tới giờ ăn trưa rồi, Đại úy Đại đội trưởng cho phép chúng tôi nghỉ tới 2 giờ chiều mới tiếp tục. Tôi mời Thanh đi ăn trưa, uống nước. Thanh thông cảm cho anh bác sĩ nghèo, vừa mới vào lính, chưa được lãnh lương, nên cùng tôi đi bộ tới trưởc cửa Thư Viện Pháp, đối diện với Bệnh Viện Grall để uống nước. Vừa đi bộ dọc theo Đại lộ Cường Để, cả hai cùng nói chuyện thật là vui. Tôi nhắc lại chuyện xưa:

“Mới hồi nào Thanh còn là cô nữ sinh lớp Đệ Thất, bây giờ đã là cô sinh viên trường Dược rồi.”

Thanh cũng cười theo tôi, bắt chước tôi nhắc lại chuyện cũ:

“Anh cũng giỏi quá đi, mới ngày nào còn là cậu học sinh Đệ Nhất, nay đã là . . . Ông Bác Sĩ rồi. Thời gian đi mau quá. Anh đã . . . có vợ chưa?”

Vợ ở đâu mà sẵn vậy? Tôi . . . bác sĩ nghèo, ai mà thèm lấy. Còn Thanh thì sao? Đã có bao nhiêu chàng . . . trồng cây si rồi? Đám cưới, đám hỏi gì chưa?”

Thanh cười thật tươi, cặp mắt sáng ngời đáp trả lại tôi:

“Nếu mà em có ai, thì bố mẹ em đã đến cho nhà anh biết ngay rồi.”

Ngừng một lúc, Thanh liếc xéo tôi, rồi nhìn ra xa xa, nói bâng quơ:

“Em cũng . . . có người em yêu rồi, nhưng mà còn phải chờ anh ta ngỏ lời . . . “

Tôi vô tình, nhìn Thanh nói ngay:

“Anh nào mà . . . dại vậy? Có cô bạn gái đẹp như thế này mà không nhanh tay thì người khác đến xin đi ngay đấy.”

Tôi kể cho Thanh nghe, đã nhận sự vụ lệnh lên trình diện Tiểu Khu Quảng Đức, khoàng tuần sau thì đi. Hết ngày hôm nay, tôi phải trở về Trường Bộ Binh Thủ Đức để học quân sự tiếp, rồi qua Nha Quân Y học thêm về tổ chức hành chánh, y tế . . . Sau đó mới đi nhận đơn vị.


Thanh dặn tôi, khi nào lên Quảng Đức, nhớ viết thơ về cho cô địa chỉ, để cô viết thư thăm hỏi, và nếu có dịp, cô sẽ . . . lên thăm tôi.

Lên đến Quảng Đức, tôi trình diện Đại Tá Tỉnh Trưởng, nhận Quân Y Viện Tỉnh, kiêm luôn chức vụ Trưởng Ty Y Tế Tỉnh, mặc sức mà bận rộn.

Đang lúc chiến trận lên cao độ, thương binh vận chuyển về càng lúc càng đông, tôi không có một giờ trống nào để ăn uống, nói chi đến việc viết thư cho gia đình, cho Thanh.
Gần tám tháng sau, nhân dịp gần Tết, tôi mới được phép về Sàigòn thăm nhà và ăn tết luôn. Tôi vội vàng viết thơ cho Thanh, Thanh nhận thư, trả lòi là cô đang sửa soạn cho kỳ thi cuối năm, suốt ngày ngồi thư viện để học. Tôi hẹn sẽ đón Thanh sau giờ học, tại trước cửa Thư viện.
Tới trường Dược, còn sớm, thư viện chưa tới giờ đóng cửa, tôi ghé qua trường Văn Khoa đi vòng vòng chung quanh trường, ghé quán mua chai nước ngọt rồi trỏ ra đi dọc theo hàng cây xanh bóng mát. Thoáng thấy bụi cây hoa bụp đỏ chói, tôi ngắt liền một bông thật đẹp để lát nữa tặng người đẹp, rồi nhẩy lên phiến xi măng trên hàng rào ngoài đường, ngồi vừa uống vừa nhìn qua bên kia đường chờ Thanh.

Chiều bắt đầu nhạt nắng, gió từ phía bờ sông Sàigòn thổi về thật mát.

Từ phía bên kia đường, có một vài sinh viên bước ra. Một cô mặc mini skirt mầu đỏ, đeo cặp kính đen, vừa đi vừa đưa tay chận tóc cho khỏi bay, nhưng chận được tóc cho khỏi bay thì cái skirt của cô lại bị gió thổi tung lên, cô mỉm cưởi, lấy cái nón rộng vành chụp lên đầu, tay kia đưa xuống giữ cái skirt cho khỏi bay.

Nhìn cô thật đẹp, thật dễ thương.

Tôi buột miệng nói một mình:

“Cô nào mà trông xinh quá đi!

Cô gái cứ thế một tay giữ nón, tay kia giữ cái mini skirt mà bước đi chậm chậm dọc theo đường Cường Để, về phía đường Thống Nhất, mắt nhìn ra giòng xe đang chạy, có vẻ như chờ đợi ai đó.

Tôi ngập ngừng:

Không lẽ đó là Thanh?

Thanh của tôi đẹp tới như vậy sao?

Tôi nhẩy xuống đất, vội vã băng ngang đường đi về phía cô gái. Cô gái có vẻ đã nhìn thấy tôi, cô đưa tay gỡ cặp kiếng đen ra, đôi chân vẫn chậm chậm bước đi.
Qua đến bên đường, tôi nhìn rõ cô gái hơn: Cặp mắt to đen láy, đúng là Thanh của tôi rồi. Tôi cười thật tươi, bước vội vàng tới bên Thanh, đưa tặng người đẹp bông hoa đỏ thắm.
Tôi vừa mới mở miệng định nói câu chào hòi, thì Thanh đã tấn công tôi ngay:

“Anh hẹn cả tháng trời nay là đi đón em, vậy mà khi em ra tới ngoài dường, chờ mãi cũng chẳng thấy ai đón ai đưa gì cả.”

Tôi ngớ mặt nhìn Thanh, bỗng dưng, cái . . . Rù trong người tôi biến đi đâu mất, tôi hăng hái trả lời Thanh:

“Anh ra đây chờ em từ lâu lắm rồi, anh ngồi ở bên kia đường kia kìa. Anh không ngờ là Thanh hôm nay lại . . . đẹp quá như vậy, làm anh cứ đứng ngẩn ngơ ra mà ngắm em, ngắm em mãi tới nỗi quên cả băng qua đường để đón em nữa đó. Cho anh xin lỗi em nha.”

Thanh được khen, thích thú đỏ hồng đôi má, nhưng vẫn kết tội tôi:

“Em vẫn xấu xí, mặt mũi tèm lem như thủa nào đó mà. Chắc là anh ở Quảng Đức, ngắm mấy cô người Thượng quen rồi, nên bây giờ về thành phố, nhìn ai cũng khen đẹp đó. Em thấy ông lính ngồi chong hóc bên kia đường, biết ngay là anh rồi, khỏi cần chứng minh nữa.”


Lương Trung Úy, thêm phần lương Y sĩ phụ trội, lãnh hơn tám tháng trời nay chưa xài đồng nào, tôi vững bụng hăm hở mời Thanh đi dạo phố phường nói chuyện tâm tình, rồi đi ăn tối.

Gởi xe Honda xong, cả hai vui vẻ cùng nhau đi dạo phố. Sống ở Quảng Đức hơn nửa năm trời, nhìn ở đâu cũng toàn là rừng núi với suối đồi, bây giờ nhìn Saigòn với những tòa nhà cao vút , những ánh đèn xanh đỏ chói lòa, tôi cảm thấy thật là vui thích, lại thêm được đi cạnh Thanh, càng thêm vui hơn nữa. Bất chợt, tay tôi đụng phải một cái gì: Bàn tay Thanh đã nắm lấy tay tôi. Tôi sung sướng nắm chặt lấy bàn tay của Thanh như thủa nào vừa mới xuống phi trường Tân Sơn Nhứt.

Đi ngang một quán bán đĩa nhạc ngoại quốc, tôi chợt nhớ ra một bài hát, liền dắt Thanh vào quán:

“Anh muốn tặng em một bài hát, hay lắm, giống em lắm!”

Tôi nói với cô bán hàng, hỏi mua dĩa hát “Oh! Pretty Woman” của Roy Orbison và muốn nghe thử trước. Từ cặp loa stereo phát ra giọng ca thật trầm ấm của người nam ca sĩ :

“Pretty woman, walkin' down the street,

Pretty woman, the kind I'd like to meet,

Pretty woman,

I don't believe you

You're not the truth,

No one can look as good as you....Mercy”

Thanh thích thú nghe bài hát, reo lên:

“A! Bài hát này hay quá, em cũng đã nghe qua rồi và thích lắm.”

Vừa đi, tôi vừa giải thích lý do tặng bản nhạc cho Thanh:

“Khi anh ngồi chờ em, chợt thấy em bước ra, nhìn em thật đẹp, thật cao sang, em đưa tay giữ mái tóc, rồi đội nón lên, đưa tay kia chặn cái skirt cho đừng bị gió bay. Em đẹp quá, dễ thương quá. Anh ngắm em, chợt nhớ tới bài hát tả người đẹp đang đi dạo trên phố, nên mới mua tặng em đó.”

Thanh cảm động, nắm chặt lấy bàn tay của tôi thật lâu, rồi mới nói:

“Suốt tám tháng trời ở Quảng Đức, anh mới học nói được những lời nói này đó hả?”

Ngồi nói chuyện với nhau ở quán La Pagoda, tôi ngập ngừng hỏi Thanh:

“Cái anh chàng mà em nói là người em yêu đó. . . Anh ấy đã . . . ngỏ lời gì với em chưa?”

Thanh liếc nhìn tôi, nói ngay:

“Em vừa mới nghe anh ta nói cách đây khoảng nửa tiếng đồng hồ thôi. Nhưng mà không biết đó có phải là . . . lời tỏ tình hay không nữa?”

Tôi nhìn Thanh, thật là bất ngờ, thật là sung sướng. Tôi không ngờ là Thanh đã yêu tôi. Từ trước tới giờ, tôi mặc dù rất yêu thích Thanh, nhưng lại sợ rằng Thanh chỉ coi mình như là một người anh. Mỗi lần được Thanh nắm tay, tôi cứ tưởng tượng là Thanh chỉ cần một bàn tay bào bọc, nâng đỡ mà thôi.

Tôi đưa tay ra nắm lấy hai bàn tay của Thanh:

“Anh . . . rất yêu. . . mến Thanh. Lần này về nói chuyện với em xong, anh sẽ về nói với cậu mợ xin cưới em. . .”

Thanh cũng nắm chặt lấy hai bàn tay của tôi, nói nhỏ:

“Ngay từ hồi mới . . . sáu tuổi đời, em đã biết nắm tay anh . . . trao thân gởi phận của em cho anh rồi còn gì nữa. Năm em mười một tuổi, em đã lại nắm tay nhắc nhở anh. Mãi tới năm nay, năm em đúng 21 tuổi đời, tuổi trưởng thành, em mới được anh nắm tay em, nói cho em nghe lời nói em đã chờ đợi từ lâu. Cám ơn anh đã nói yêu em. Em sẽ giữ bàn tay của anh trong bàn tay em . . . suốt cuộc đời của em.

Tôi cảm động quá, nắm chặt tay Thanh, trấn tỉnh mãi mới nói được một câu mà tôi cho là đẹp nhất trong đời tôi:

“Anh cũng giữ em bên cạnh anh . . . suốt cuộc đời của anh.”

Phần cuối của cuộc tình, còn dài dòng lắm. Xin để qua năm, ngày rộng tháng dài, tôi sẽ kể tiếp.

Pretty woman, don't walk on by,

Pretty woman, don't make me cry,

Pretty woman,



CHU VĂN AN TRƯỚC NGÀY RỜI HÀ NỘI


CVA Đặng Khắc Khánh


Những ngày tháng vào năm 1954 đem đến cho người dân Hà Nội biết bao nỗi âu sầu, lo lắng. Làm sao không khỏi đau đớn khi phải quyết định cho mình những quyết định đau đớn. Đi là phải xa rời Hà Nội, xa rời quê hương miền Bắc, không biết ngày về. Ở lại còn đau đớn hơn vì phải chấp nhận cuộc sống đầy rủi ro bất trắc một khi bức màn tre buông uống.

Vào những ngày sôi bỏng của đất nước, tôi đang học năm đầu tiên tại Chu văn An. Chu văn An ngày ấy tọa lạc tại cửa Bắc thay vì tại Bưởi. Trường Bưởi do đơn vị nhảy dù Pháp Việt đồn trú. Trường sở Chu văn An là dẫy lầu ba tầng cổ kính rộng rãi khang trang.

Thân phụ tôi, nhà giáo Đặng văn Biền, cũng mới được Nha Học Chính Bắc Phần thuyên chuyển từ Sơn Tây về Chu văn An được hơn hai năm. Gia đình tôi đầu quân Chu văn An gồm có : CVA Đạng Xuân Hồng, chú tôi, CVA Đặng Đức Kim, anh tôi, và CVA Đặng Duy Nhạc, em tôi.

Dù là học sinh lớp nhỏ, giờ thực nghiệm cũng được giảng dậy tại giảng đường rộng rãi, giáo sư làm thí nghiệm cho học sinh theo dõi.

Các thầy dạy xuất sắc, tôi còn nhớ một số thầy như thày Bính dạy Toán, thầy Triề dạy Lý Hóa, thầy Phong dạy Pháp văn, thầy Lê Trung Nhiên dạy Anh văn, thầy Nhiên sau tiến thân rất xa, làm Khoa Trưởng Văn Khoa Sàigòn.

Học trò ngày đó ăn mặc chững chạc. Các thầy luôn mặc đồ lớn. Học cùng lớp tôi nhớ có Lê Nhân Thuần. Ngoài giờ học, học sinh còn được hướng dẫn thăm viếng các sinh họat khác tại Hà Nội như Đài Phát Thanh, gặp gỡ giáo sư Thẩm Oánh, Giám đốc đài.

Một vài sinh hoạt khác tôi còn nhớ kỹ là lúc CVA được vinh dự đứng hàng đầu đón Quốc Trưởng Bảo Đại tại Hồ Hoàn Kiếm nhân buổi duyệt binh của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam vào năm 1954. Quốc trưởng Bảo Đại cao lớn đi trước, theo sau là các tướng Pháp Việt. Một sinh hoạt khác nữa là buổi văn nghệ mừng Xuân phối hợp giữa Chu văn An và Trưng Vương rất xuất sắc tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Nhà tôi ở cửa Bắc, rất tiện việc mấy anh em chú cháu đi bộ tới trường học. Sáng ngày ăn sáng thì có gánh hàng rong như phở, xôi lạp xường gánh qua tha hồ thưởng thức.

Chiều đi học về tà tà đi bộ ra đê Cổ Ngư hóng mát hay ăn bánh tôm, hoặc lại thăm câu lạc bộ ca nô hay tới thăm Chùa Trấn Quốc. Hồ Tây rộng mênh mông không thấy bờ bên kia.

Hà Nội ngày đó rất sạch sẽ thanh lịch.

Một kỷ niệm khó quên là ngày xuân đi thăm đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, gò Đống Đa hay đền Hai Bà Trưng.

Ngày vui của tuổi xuân tại Hà Nội chưa được bao

lâu, là xảy đến Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Chính quyền Quốc gia dưới sự chèn ép của Pháp và các thế lực quốc tế cũng cố gắng chống trả. Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt ra đời với các tướng Nguyễn văn Vân, Bác Sĩ Hòang Cơ Bình, ông Trần Trung Dung, cố gắng kết hợp các người quốc gia yêu nước. Thị Trưởng Đỗ quang Giai ra lệnh quân sự hóa lực lượng cảnh sát. Cảnh sát Hà nội mặc quần áo trận đội nón sắt tuần tiễu nhiều lần trên các xe vận tải cỡ nhỏ, qua các đường phố Hà Nội, đảm bảo an ninh cho mọi người dân Hà Nội.

Chúng ta có thể hãnh diện về những người quốc gia chân chính từ cấp lãnh đạo đến cấp thừa hành đã tích cực góp phần bảo vệ quê hương. Than ôi, phần này quá ít!

Ngày sửa soạn di cư vào Nam, bà Ngoại tôi từ vùng Hải Hậu bất ngờ lên thăm. Đúng ra ông ngoại tôi là điền chủ đã bị Cộng Sản bắt làm con tin, trong chiến dịch cải cách ruộng đất của Cộng Sản, bảo bà tôi ra Hà Nội kêu gọi con cháu trở về. Không ai chịu ở lại, bà ngoại xót xa rơi lệ trở về, bà không thể để ông ngoại một mình gánh chịu mọi oan khiên.

Chúng tôi đau xót nhìn bà trở về, tự hỏi bà, vốn xuất thân là tiểu thư, con gái cưng quan Tuần Phủ, rồi đây làm sao có thể đương đầu với những đợt sóng đỏ vùi dập sắp đến.

Thế rồi tháng Tám năm 1954, cả gia đình chúng tôi lên máy bay bỏ lại Hà Nội, nhìn Hồ Gươm một lần chót để hướng về miền Nam.

Tại miền Nam, chúng tôi cũng hãnh diện là đều tốt nghiệp Đại Học, đã được trao phó những trách vụ chỉ huy hay chuyên môn, để cũng như các Chu Văn An khác góp phần xây dựng và bảo vệ phần đất Miền Nam tự do. Hy vọng một ngày mai tươi sáng trở lại quê hương để chúng ta có thể đóng góp tích cực hơn cho đất nước thân yêu.


Каталог: groups -> 20618264 -> 1558597453 -> name
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam
name -> Đặc San Chu Văn An
20618264 -> Tiếng Nói Chánh Thức của Liên Minh Dân Chủ vn chủ Tịch lmdcvn & Chủ Nhiệm Danh Dự: Cố Gs Nguyễn Ngọc Huy
20618264 -> Chuyện tháng Tư Đen

tải về 10.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương