Báo cáo tham luận Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)



tải về 19.92 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích19.92 Kb.
#30415
Báo cáo tham luận

Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Đơn vị: xã A Xing
Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là việc làm quan trọng, trong việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” nhất là đất nước ta đang trong trong thời kỳ hội nhập Quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự tác động kinh tế kéo theo sự xâm nhập văn hóa của các nước là vấn đề không tránh khỏi nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì sự xâm nhập các loại hình văn hóa độc hại và có nguy cơ làm mai một dần nền văn hóa dân tộc và làm mất đi giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, tại Hội nghị hôm nay cho phép tôi được trình bày tham luận về vấn đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc” của xã A Xing trong thời gian qua để chúng ta cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp tốt hơn: Đó là làm thế nào, để Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa của từng dân tộc nói riêng.



Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

A Xing là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa nằm cách Trung tâm huyện Hướng Hóa khoảng chừng 30 km về phía Nam, với diện tích tự nhiên là 1.615 ha, Dân số 2.225 người, toàn xã có 7 thôn bản với 470 hộ gồm 4 dân tộc anh em (Kinh, Vân Kiều, Pa kô, Ka đô). Trong đó phần lớn là dân tộc Vân kiều và Pa kô. Nhìn chung, đời sống nhân dân còn thấp, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 95%, dân cư phân bố rải rác, sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội còn hạn chế.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” trong đó có nộng dung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành và dưới sự chỉ đạo sâu sát của Cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở từng bước được hình thành, nhiều hoạt động nhiều phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa thực sự đi vào cuộc sống.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không thể không chú ý tới nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Thời gian qua công tác bảo tồn các di sản văn hoá ở xã đã được duy trì và phát triển, đặc biệt là các hoạt động văn hoá mang đậm đà bản sắc dân tộc như: Oát Xa Nớt của dân tộc Vân Kiều; Ca Lơi Cha Chấp của dân tộc Pa Kô. Một số lễ hội đã được khơi dậy và duy trì, củng cố; đây là những loại hình văn hoá mang tính cộng đồng được diễn ra ở các bản, làng, góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, giao lưu cộng đồng tiêu biểu như: Hát với Cồng chiêng được tổ chức vào dịp sinh nhật Bác 19/5; Lễ cúng cơm mới thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch …Nhìn chung các lễ hội này từng bước được thực hiện theo nếp sống mới nhưng vẫn mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Việc sưu tầm các giá trị văn hoá vật thể cũng được chú trọng như các nhạc cụ truyền thống: Tù Và, Cồng, Chiêng, khèn…; Sưu tầm lại trang phục truyền thống của dân tộc; đặc biệt đến nay xã đã thành lập được đội Cồng Chiêng với sự tham gia của những già làng, nghệ nhân và những người am hiểu về loại hình nghệ thuật này. Xã đã duy trì ổn định và từng bước phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và một số loại hình văn hóa dân gian cũng được đưa vào trong các ngày lễ hội truyền thống.

Về công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể: xã đã khoanh vùng, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa Khe Cu Dong (đã được công nhận di tích Cấp tỉnh).

Bên cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Đảng bộ, chính quyền cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay toàn xã có 6/7 thôn đã có Nhà sinh hoạt cộng đồng, một số thiết chế văn hóa được trang bị âm thanh như: Tivi, loa máy phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân. Xã đã phát động điển hình văn hóa; có 9/9 làng, đơn vị được UBND huyện công nhận làng văn hóa, đơn vị văn hóa, 01 làng được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa xuất sắc; phát động được 2 làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; trên 90% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa, 80% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa năm 2012.



Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, xã cũng gặp một số khó khăn như sau:

1. Là địa bàn miền núi xa xôi, cách trở, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nên đây là một trở ngại lớn trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc.

2. Việc sưu tầm, dàn dựng, khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức, chủ yếu thông qua hoạt động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.

3. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của nhân dân về số lượng và chất lượng của các lễ hội.

4. Một số bà con còn xem nhẹ đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.



Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Có thể nói rằng, văn hóa dân tộc là giá trị vật chất tinh thần vô giá không cân đong, đo đếm nhưng lại rất phong phú và rất đa dạng. Tuy nhiên, cũng dễ mất đi giá trị vốn có của nó nếu chúng ta không biết cách giữ gìn và phát huy giá trị. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là việc làm rất quan trọng rất cần thiết trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiên đậm đà bản sắc dân tộc. Nhân Hội nghị hôm nay tôi xin đề xuất một số ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của xã A Xing sau:

1. Có chính sách hỗ trợ phù hợp về tài chính, tạo môi trường cho với các già làng, trưởng bản, những người có tâm huyết và năng khiếu sáng tác, sưu tầm, dàn dựng, bảo tồn các giá trị, nét đẹp tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

2. Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, lưu trữ các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc.

3. Hướng dẫn biện pháp quản lý, giữ gìn, phát huy các hoạt động văn hoá lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán lành mạnh.

4. Tiến hành điều tra, khảo sát, phân loại, bảo tồn, phát huy và phát triển các nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực của các dân tộc thiểu số.



Tôi đã trình bày xong báo cáo tham luận về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của xã A Xing, cám ơn quý vị đại biểu đã lắng nghe. Cuối cùng, xin kính chúc quý vị đại biểu, cùng toàn thể hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

- Xin chân thành cám ơn!

tải về 19.92 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương