Đề tài sáng kiến kinh nghiệm Bảo tồn nhạc cụ truyền thống văn hoá Bru vân Kiều PaKô



tải về 85.2 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích85.2 Kb.
#35515

Đề tài sáng kiến kinh nghiệm - Bảo tồn nhạc cụ truyền thống văn hoá Bru vân Kiều – PaKô.

Lời nói đầu
Là một vùng đất nhỏ hẹp nằm ở khúc ruột miền Trung nhưng Quảng Trị có nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Ngoài người Kinh là dân tộc đa số, có 522.139 người (chiếm tỷ lệ 87%), còn có các dân tộc thiểu số, đông nhất là đồng bào Bru - Vân kiều (thường gọi là người Vân kiều) có 62.741 người, chiếm 10,5%, sau đó là người Tà ôi - PaKô (thường gọi là người Pa kô) có 12.820 người, chiếm 2,4%. Người Kinh cư trú tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển và gò đồi trung du, còn người Vân kiều, Pa kô sống ở vùng núi cao dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. 

Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều – PaKô ở huyện Hướng Hóa được biết đến là một cộng đồng dân tộc có nền văn hóa bản địa đa sắc màu với các đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng. Bên cạnh các lễ hội, phong tục tập quán như Tết mừng lúa mới, Mừng hội sim, Lễ phong thần, Lễ hội đâm trâu, Arêuping… thì nguời Vân Kiều ở huyện Vân Kiều –PaKô ở huyện Hướng Hóa lại có thêm một kho tàng nhạc cụ truyền thống độc đáo với nhiều loại hình khác nhau. Chính những nhạc cụ này đã cấu thành nên những âm thanh đặc sắc của con người và cảnh vật núi rừng nơi đây. Nhạc cụ của người Vân Kiều chưa thật sự phong phú và kỹ năng chế tác còn thô sơ nhưng nó được xem là di sản quý báu trong kho tàng văn hóa dân gian của người Vân Kiều – Pakô từ xưa đến nay.

H­ướng Hoá, mãnh đất với truyền thống dựng n­ước và giữ n­ước, bảo vệ biên cương, đã ghi vào trang sử chói chang, vẻ vang muôn thuở. Nét đặc tr­ưng khác biệt giữa H­ướng Hoá với các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh là con ng­ười và văn hoá nơi đây. Đồng bào ng­ười Kinh, Pa Kô và Vân Kiều có những nét đặc sắc văn hoá riêng với cuộc sống cộng đồng và phong tục, tập quán độc đáo hoà lẫn với khí thiêng sông núi; với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo... của ng­ười Pa Kô, Vân Kiều mà hiếm địa phương nào có đ­ược. Mỗi một dân tộc đều rất đặc sắc và phong phú, biểu hiện quan niệm về vũ trụ, về thiên nhiên và con người, về tập quán và quan niệm cuộc sống của mỗi dân tộc tạo nên một bức tranh tổng thể đan xen sắc màu hoà quyện văn hoá các dân tộc của huyện Hướng Hoá. Hình thành nên các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú đa dạng cần được bảo tồn và phát triển.
Phần I

I. Sự cần thiết để xây dựng đề tài về công tác bảo tồn và quản lý văn hóa về nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bru vân kiều - Pakô.

Trong thời đại hiện nay con người vận động theo sự phát triển của xã hội cho nên sự đồng hóa về dân tộc là điều đương nhiên đặc biệt là các dân tộc đang cùng nhau sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các dân tộc sẽ tương đồng về bản sắc văn hóa, lãng quên những giá trị văn hóa của dân tộc mình hiện đang xảy ra; điều đó vô cùng nguy hại cho bản sắc văn hóa của một dân tộc trong thời đại hiện nay.

Người Vân Kiều – Pakô có truyền thống văn hoá đặc trưng tương đồng, trong các lễ hội người dân thường sử dụng các nhạc cụ, điệu hát, trang phục, điệu nhảy... Mỗi lễ hội có các điệu nhạc, điệu múa khác nhau, nhạc cụ sử dụng cũng không giống nhau. Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế xã hội ngày càng hiện đại; nên các loại nhạc cụ truyền thống được thay bằng các nhạc cụ hiện đại, dần dần những nhạc cụ truyền thống đó ít được sử dụng và có xu hướng dần bị lãng quên.

Việc khôi phục và bảo tồn nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình nhằm truyền lại cho con cháu những nét văn hoá của người Vân Kiều – Pakô để duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Văn hoá, văn nghệ luôn là một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người Vân Kiều – Pakô, là vốn cổ truyền quý báu.

Những đặc điểm trên cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn có hại đối với bản sắc văn hoá; có thể nói rằng công tác quản lý và bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc là hết sức quan trọng; phát triển bản sắc văn hóa đồng nghĩa với phát triển xã hội, phát triển con người mới làm cho xã hội văn minh hơn, sắc màu hơn. Vì vậy việc xây dựng đề tài là rất cần thiết.

II. Thực trạng những vấn đề về nhạc cụ truyền thống dân tộc Vân Kiều – PaKô.

Hướng Hóa với ba dân tộc chủ yếu sinh sống đó là dân tộc Kinh, Vân Kiều và Pakô tạo nên một nền văn hóa đa bản sắc dân tộc, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng biệt dễ nhận thấy đó là về văn hóa, ngôn ngữ, trang phục, lối sống, phong tục tập quán…

1. Hiện nay công tác phát huy bảo tồn những giá trị văn hóa đặc biệt là các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống của dân tộc Vân Kiều – PaKô trên địa bàn huyện chưa được các cấp các ngành quan tâm một cách toàn diện, chỉ với mức độ thông qua các phong trào; chủ yếu là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; cho nên việc bảo tồn và lưu giữ văn hóa truyền thống còn nhiều hạn chế.

2. Hiện nay, đất nước đang mở cữa, nền văn nghệ dân tộc ngày càng bị các luồng văn hóa khác lạ, kể cả độc hại từ phương Đông, phương Tây... xâm nhập vòa như những dòng nước đục pha vào vào dòng nước trong xanh để dần dần chuyển hóa sang những sắc màu khác lạ... cụ thể là văn hóa dân tộc nói chung, trong đó có âm nhạc dân gian, dân tộc – cái hồn cốt của văn hóa Việt Nam cứ mờ dần bản sắc. Sự xân nhập của văn nghệ nước ngoài càng mạnh, càng sâu hơn trên toàn lãnh thổ nước ta tạo thành sự tranh chấp gay gắt trong đời sống tinh thần của cộng đồng Việt Nam. Âm nhạc dân tộc bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem, một bộ phận lớn tuổi trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào âm nhạc thương mại, âm nhạc nước ngoài, quay lưng với âm nhạc truyền thống.

3. Những người biết chơi nhạc cụ truyền thống đã ít hơn trước và người biết chế tác cũng chỉ còn vài nghệ nhân cao tuổi ở rải rác các bản làng. Bởi lẽ những chiếc nhạc cụ bằng tre nứa như đàn Ta lư, Đàn môi, Sáo, Khèn... đòi hỏi người làm phải thật sự yêu thích từ việc sơ chế nguyên liệu, cho đến việc tỉ mẩn chuốt từng chiếc lưỡi gà bé xíu (lưỡi gà bên trong của ống sáo). Điều đáng buồn hơn là các nhạc cụ đang mất dần đất diễn. Nếu không có những ngày hội thì bình thường chả mấy khi được chơi, được biểu diễn đến công chúng. Người trẻ bây giờ không còn thích nghe Oát xa nớt, Ca lơi, Cha chấp nữa. ít khi chơi kèn trong đêm trăng để trai gái múa hát, đưa tình với nhau hoặc chơi kèn để ru con, dỗ con...

4. Đa số lớp trẻ hiện tại, việc hiểu các bài ca, điệu múa là rất khó khăn, chưa nói đến chuyện biểu diễn. Muốn biểu diễn được thì phải hiểu, thuộc các bài chiêng, các bài hát dân ca… Mặt khác, nhạc cụ truyền thống đang mai một dần đi. Số ít nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ hiện cũng chỉ làm bằng đam mê như hoài niệm một thời. Nghề chế tác nhạc cụ truyền thống khó đem đến cho họ một cuộc sống no đủ.

5. Văn hóa truyền thống càng bị biến dạng, theo xu hướng đồng hóa về bản sắc, các nhạc cụ truyền thống có diễn biến thất truyền bởi không được truyền lại cho thế hệ trẻ; một số nhạc cụ ở các gia đình, dòng họ bị mất mát, hư hỏng và bị bào mòn cùng thời gian, con người hiện đại không còn chăm chút với truyền thống dân tộc, tập quán của ông cha để lại.

6. Các di sản văn hoá phi vật thể như Văn chương truyền miệng (nghệ thuật dân gian), Truyện cổ (Ănxoartâybăn), Dân ca: Oát-xà nớt (hát giao duyên), Adâng (hát ru ), Ca lơi - cha chấp... dần bị lãng quên, ít truyền lại thế hệ con cháu hoặc có thể nói là bị thất truyền.

7. Những nghi lễ, lễ hội đặc sắc như: trưởng thành, bỏ mả, cúng bến nước, mừng lúa mới, nhà mới... đang bị giản lược, sân khấu hóa - những nhạc cụ truyền thống độc đáo đang bị mai một, thưa vắng dần trong đời sống của đồng bào dân tộc. “Có một thực thể văn hóa đang mất đi từng ngày, trong cuộc vật lộn văn hóa dữ dội đang diễn ra”.

III. Nét đặc trưng văn hóa các nhạc cụ truyền thống:

Lịch sử mưu sinh của đồng bào dân tộc Vân Kiều –PaKô gắn liền với núi rừng. Cuộc sống quanh năm gắn bó với con sông, con suối với cảnh nương rẫy, núi non trùng điệp đã tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách cũng như lối sống sinh hoạt đặc trưng của con nguời nơi đây. Và nhạc cụ truyền thống của họ cũng được hình thành theo lối sống sinh hoạt lao động đó. Bằng những nguyên liệu có từ thiên nhiên như tre, nứa, lá cây và một số loại cây rừng quý khác họ có thể chế tạo ra những loại nhạc cụ độc đáo thông qua đôi bàn tay lao động khéo léo và đầu óc cảm nhận âm thanh tuyệt mỹ. Nhạc cụ của họ là những sản phẩm thủ công nên mang tính thuần túy riêng biệt. Sáng tạo nhạc cụ từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nên việc sử dụng nó cũng gắn liền với những sự kiện của đời sống. Vào các ngày lễ hội hay cưới hỏi, ma chay chúng ta dễ dàng bắt gặp những nhạc cụ này. Tùy từng sự kiện khác nhau mà người dân nơi đây sẽ sử dụng loại nhạc cụ phù hợp.

Nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều –PaKô tương đối nhiều. Tuy nhiên, hiện nay người ta chỉ sưu tầm và lưu giữ được một số loại tiêu biểu như: Sáo, khèn bè, đàn ta lư, thanh la, chiêng, tù và... Trong số các loại nhạc cụ này, loại nhạc cụ phổ biến nhất phải kể đến là sáo. Sáo của người Vân Kiều –PaKô có rất nhiều loại như Pi (sáo Pi mo) là loại sáo dùng để thổi trong lễ cúng tế, đặc biệt là lễ cúng cầu hồn, nó thể hiện sự trang trọng linh thiêng của các thầy mo. Nếu không cách điệu thì sáo Pi có thể nói là một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc trong cúng tế của người Vân Kiều. Sáo Khui là loại sáo phổ nhạc hát đệm làn điệu Xà nớt, thường để diễn tả, biểu đạt nhân tình thế thái về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản. Qua sáo Khui người ta giải bày nhiều điều thầm kín trong lòng mà chỉ có cuộc giao lưu đó mới biểu đạt được một cách thấu đáo cái lý và cái tình. Sáo Tỳ rel (Tarier) là một loại nhạc cụ dùng cho thanh niên hát giao duyên bằng làn điệu Oát. Ngoài ra người Vân Kiều – PaKô có Sáo môi là loại nhạc cụ dùng cho nam và nữ thổi trong lúc hát giao duyên, tâm tình tự sự. Đàn Ta lư hay còn gọi là Măngđôlin có 2 dây, được làm bằng gỗ mực, có thùng đàn rỗng. Loại nhạc cụ này phục vụ cho các đôi nam nữ vừa hát dân ca kết hợp với các bài hát đương đại, đặc biệt nó được dùng trong các lễ hội vui tươi, nhộn nhịp, tự nhiên và nó không bao giờ phục vụ trong đám đình. Khèn là loại nhạc cụ được người Vân Kiều sử dụng phổ biến trong các lễ hội tươi vui. Thanh la và Chiêng được làm bằng đồng. Chiêng là loại nhạc cụ thường sử dụng trong các lễ hội truyền thống như Mừng lúa mới, lễ Khơi, Lễ hội đâm trâu... còn Thanh la là loại nhạc cụ truyền thống mà người Vân Kiều dùng để hòa giải và thể hiện sự phẫn nộ của mình...Trước đây, người Vân Kiều – PaKô chỉ quen sử dụng các nhạc cụ này trong đời sống sinh hoạt và trong các nghi lễ của làng, bản. Điều đó được quy định rõ ràng. Nhưng nay khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng văn minh thì việc sử dụng các nhạc cụ đó cần phải tiến bộ hơn. Không bó hẹp phạm vi sử dụng mà thay vào đó họ đã biết mở rộng, biết đưa những nhạc cụ truyền thống kết hợp với các làn điệu dân ca và sử dụng trên sân khấu biểu diễn, mang cái truyền thống phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Tuy nhiên để nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều có cơ hội phát huy giá trị trong đời sống hiện đại thì tất yếu cần sự hỗ trợ thích hợp để bảo tồn di sản văn hóa truyền thống này đúng nghĩa.

Bản sắc văn hóa dân tộc là kết quả của quá trình phát triển của xã hội loài nguời, là biểu thị của nền văn minh nhân loại, qua đó con người phát triển và hình nhân cách, lối sống… với thiên nhiên, siêu nhiên và tính ngưỡng. Ở từng vùng miền, từng dân tộc con người phát triển theo xu hướng khác nhau, cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người cũng khác nhau, Nhu cầu về ăn, mặc, ở, nhu cầu giao tiếp với cộng đồng; nhu cầu thể hiện tình cảm, suy nghĩ, hành động của mình trước thiên nhiên và xã hội. Do khác nhau về hoàn cảnh, lịch sử, địa lý, nòi giống… nên nhu cầu của con người ở mỗi vùng, mỗi Quốc gia đều khác nhau. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành những nét đặc sắc của cộng động các dân tộc Việt, con người Việt Nam. Lịch sử dân tộc ta từ ngày từ thời kỳ dựng nước là lịch sử không ngừng đấu tranh chống ngoại xâm dể dành và giữ nền độc lập, tạo nên phẩm chất cao cả và thiêng liêng nhất của bản sắc văn hóa Việt; đó là tin thần "Yêu nước thương nòi" được biểu lộ không chỉ ở lòng dũng cảm, đức hi sinh mà còn ở tinh thầ đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người, ý tức bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đạo lý…

Bản sắc không phải là cái ngưng động, bất biến mà luôn vận động và phát triển một cách biện chứng theo xu hướng tích lũy, thu nạp những điều tốt đẹp, tiến bộ, loại bỏ cái xấu, cái lạc hậu không phù hợp với thời đại. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử văn hóa Việt Nam đã "Gạn đục khơi trong" tiếp thu những tinh hoa của nhân loại tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt, hình thành nên những giá trị di sản văn hóa đặc sắc cho các thế hệ sau.

IV. Một số nhạc cụ truyền thống tiêu biểu trong hệ thống nhạc cụ cồng chiêng.

Nói đến dân nhạc trong âm nhạc Pa Kô –Vân kiều tuy chưa phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nhưng phần nào đã khắc hoạ được những nét nhân bản sâu xa, sự rung cảm tự nhiên trước cuộc sống. Do điều kiện thiên nhiên, cuộc sống, nét văn hoá, nhạc cụ của họ kỹ thuật sáng chế chưa cao, nhưng những nhạc cụ đó là một nét cơ bản trong sinh hoạt âm nhạc. Sự kết hợp giữa dân ca và dân nhạc là nét đặc trưng.

Đặc điểm của dân nhạc là thường đi kèm với hát trong mọi lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, vì vậy mang đậm tính tự do. Trong quan niệm của họ, hoà tấu là nhiều người chơi, chứ ít có sự hoà hợp các nhạc cụ. Một điểm khác đó là nhạc cụ của Họ ít dây, ít nốt, nên dân nhạc còn mang đậm tính nguyên sơ, về hình dáng, cấu tạo còn thô sơ, thể hiên sự ít lai tạp các âm nhạc khác. Nên về cao độ các bài dân nhạc đơn giản, quãng đặc trưng có khi lặp lại, chỉ thay đổi về tiết tấu.

1. Thanh La: Părnol (Vân kiều) - Tăl lè (Pa kô)

Thanh la Được làm bằng đồng hợp kim với thiếc có pha chìhình tròn. Thanh la có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính 15 - 25 cm, mặt hơi phồng, xung quanh có thành cao 4 cm, ở cạnh thanh la người ta dùi hai lỗ thủng để xỏ một sợi dây quai. Mặt là trung tâm phát âm, thành là trung tâm nhân to tiếng. Khi diễn tấu nhạc công cầm dây quai dơ lên, còn một tay nắm lại đánh vào thanh la hoặc cầm dùi gõ vào mặt bề mặt của thanh la tạo ra tiếng. Âm thanh cao, vang, vui, trong trẻo, đánh mạnh nghe chói tai.

Thanh la có hai thứ tiếng:

- Tiếng Vang: nghệ nhân chỉ cầm sợi dây quai giữ Thanh la và để Thanh la được tự do rung động.

- Tiếng Nặng: nghệ nhân cầm sợi dây quai của Thanh la và dùng các ngón tay nắm giữ lấy một phần bề mặt Thanh la điều khiển âm điệu sức rung động của Thanh la giảm bớt.

Thanh la được người dưới xuôi (người kinh) đúc ở các xưởng đúc đồng; người Vân Kiều – Pakô mua về chỉnh sử lại để âm thanh phù hợp với nghệ thuật thẩm âm của tâm hồn người Vân Kiều – Pakô gắn liền với thần linh đất trời.



2. Tù và: Xăng còi (tên gọi Vân Kiều) - Tăng còi (tên gọi Pa kô)

Là loại nhạc cụ làm bằng sừng trâu, được khoét lấy phần xương sụm bên trong, phía đầu nhọn của sừng trâu được đục lỗ thông hơi, gắn lá đồng mõng tạo lỗ khí âm phát ra khi thổi.

Tù và được sử dụng trong đám ma, ngày giỗ; ngày con gái lấy chồng và về nhà bố mẹ lần đầu; được dùng trong việc phục vụ trưởng bản, già làng uống rượu cần và đón lúa mùa

3. Trống: Xêkơi (tên gọi Vân Kiều) – Akưr (tên gọi Pa kô).

Thân trống được làm từ cây gỗ tốt trong rừng, có hình tròn ở giữa cấu tạo phình lên có kích thước lớn hơn hai đầu, được đục khoét rõng bên trong, trống có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Hai đầu bề mặt trống được bọc bằng da bò và được căng siết lại với nhau bởi các sợi dây mây, ở giữa thân trống có ngăn cách âm bằng cuộn mây chiều cao khoảng 3cm.

Trống được dùng trong cúng bái, trông các lễ hội, ngày thường không có việc gì thì không được đánh trống.

Trống được đánh đôi (hai người khiêng trống vừa cùng đánh trống nhưng khác nhịp) thường được đánh trong đám ma, lễ đâm trâu, Ariêu ping…, đánh đơn (một người đánh, đánh theo phịp điệu có tiết tấu) dùng khi đón tiếp khách, thể hiện sự kính trọng khách.



4. Chiêng núm: Coàng (tên gọi Vân Kiều) – Koòng (tên gọi Pa kô).

Nhạc cụ này cũng cấu tạo như Thanh la, nhưng khác ở chổ là có núm ở giữa chiêng; nhạc cụ này chủ yếu dùng trong các đám chay, đám hội làng, các lễ hội…. Phải nói rằng đây không phải là những nhạc cụ do tự tay người Vân Kiều làm ra mà được đưa và đúc ở dưới xuôi, nhưng đã là gia đình Vân Kiều, đặc biệt các hộ khá giả đều phải có chiêng.



5. Khèn: Kên (tên gọi chung Vân Kiều - Pa kô).

Khèn bè làm từ cây trúc, có hai mặt gồm 14 ống trúc gép lại với nhau, mỗi mặt gồm 7 ống trúc, mỗi ống trúc có kích thước khác nhau được xếp từ thấp lên cao. Được gắn bởi thanh gỗ quý (gọi là A túp) để chia hai thanh trúc, ở các thanh trúc nối với A túp dán bằng sắp nhựa tổ ông; các lỗ thông khí trên thanh trúc được bố trí xen kẻ không theo một tật tự ở mỗi bên.

Khèn được thổi ngẫu hứng, chơi khèn khi vui, khi buồn, trong các lễ hội, khi đi sim, hoặc con trai làng khác đến đi sim….

6. Sáo: Terirer (tên gọi Vân Kiều) – Tỳ rel (tên gọi Pa kô).

Được làm bằng các ống Lồ Ô có chiều dài khoảng 60 phân. Các mắt của ống nứa được đục thủng tạo thành một ống rỗng. Riêng mắt cuối cùng được giữ nguyên làm lá chắn. Trên mỗi ống khoan 5 đến 7 lỗ. Các lỗ đó có thứ tự là đồ, rê, mi, pha, son, la. Các lỗ thường nằm gần nhau, cách nhau 2cm. Lỗ được dùng để thổi cách 6 lỗ còn lại khoảng 10 đến 20cm. Sáo dùng thổi trong các dịp lễ hội của làng.



7. Sáo môi: Ứng Krào (tên gọi chung Vân Kiều - Pa kô).

Loại nhạc cụ đánh bằng miệng, được làm bằng tre, kích thước khoảng 20cm; sáo môi được chơi trong các lễ hội, đặc biệt là khi đi sim, hoặc con trai làng khác đến đi sim…. người con trai khi đêm xuống muốn ngõ ý tìm hiểu người con gái nào đó thì ngẫu hứng chơi nhạc cụ này ở dưới sàn nhà; khi người con gái bị mệ hoặc tiếng sáo môi sẽ thức dậy để đi chơi cùng chàng trai để tìm hiểu tình yêu đôi lứa.



8. Ngoài ra còn có Đàn Ta rưng: Toàng (tên gọi Vân Kiều) – Toòng (tên gọi Pakô), Xoàng: Sar (tên gọi chung Vân Kiều - Pakô)… các loại chấp chính, Coọc lổ (con chim), Xara, Tà ngạc, Ti leẹch, Tên - nỏ.
Phần II

I. Công tác bảo tồn những giá trị di sản văn hóa của nhạc cụ dân tộc Vân Kiều – Pa Kô.

1. Nhạc cụ dân tộc Vân Kiều – Pa Kô là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

1.1. Nhạc cụ mang tính vật thể:

Các nhạc cụ như Thanh La: Părnol (Vân kiều) - Tăl lè (Pa kô), Tù và: Xăng còi (tên gọi Vân Kiều) - Tăng còi (tên gọi Pa kô) ,Trống: Xêkơi (tên gọi Vân Kiều) – Akưr (tên gọi Pa kô), Chiêng: Coàng (tên gọi Vân Kiều) – Koòng (tên gọi Pa kô), Khèn: Kên (tên gọi chung Vân Kiều - Pa kô), Sáo: Terirer (tên gọi Vân Kiều) – Tỳ rel (tên gọi Pa kô), Đàn: A Chung (tên gọi Vân Kiều) – Tăl lừ (tên gọi Pakô), Đàn Ta rưng: Toàng (tên gọi Vân Kiều) – Toòng (tên gọi Pakô)…là những vật thể mang tính chất tiêu biểu, là công trình nghệ thuật đặc biệt được xây dựng nên với các sản phẩm là đồng đúc, tre nứa, gỗ quý, sừng trâu, da bò… với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Đây là những công trình đặc trưng thể hiện bản sắc văn hóa, văn minh, sáng tạo nghệ thuật, kỷ thuật của cha ông để lại. có thể nói các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Vân Kiều - Pa kô là di sản văn hóa bắt nguồn từ đời sống lao động, sinh hoạt hành ngày cho nên những nhạc cụ mang tính đơn giản, kỷ thuật chế tác bằng thủ công cho nên nó mang tính chất riêng biệt, không lẫn lộn với nhạc cụ của một dân tộc khác.



1.2. Nhạc cụ mang tính chất di sản văn hóa phi vật thể: bên cạnh nhạc cụ là di sản văn hóa vật thể còn mang tính văn hóa phi vật thể; những âm thanh phát ra của một nhạc cụ đều thể hiện tình cảm, thể hiện từng cung bậc cảm xúc khác nhau của người chơi, gắn với từng hoàn cảnh và từng thời điểm của cuộc sống.

Hay nói cách khác, là mang tính tập quán, các hình thức thể hiện, các biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, nhóm người và cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ, hay có ý nghĩa tương đối giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa phi vật thể được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng được các cộng đồng và nhóm người tái tạo để thích ứng với môi trường; với sự tác động qua lại giữa họ với thiên nhiên, cũng như với lịch sử cả cộng đồng, và đem lại cho họ về bản sắc và tính kế thừa. tiểu biểu: Như nhạc cụ sáo môi: (ứng Krào) khi chơi sáo môi đều gắn với sự vật hiện tượng sự việc đi kèm đó là bối cảnh người con trai khi đêm xuống muốn ngõ ý tìm hiều người con gái nào đó thì ngẫu hứng chơi nhạc cụ này ở dưới sàn nhà; khi người con gái bị mệ hoặc tiếng sáo môi sẽ thức dậy để đi chơi cùng chàng trai để tìm hiểu tình yêu đôi lứa. như vậy một nhạc cụ vừa là văn hóa vật thể nhưng vừa mang tính phi vật thể kèm theo là một bản bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Tuy nhiên những bản sắc văn hóa đó ngày càng có nguy cơ biến mất, ít được gữi gìn, mà thay vào đó là những hành vi của lối sống hiện đại, do vậy công tác bảo tồn là một việc làm cấp bách trong thực trạng hội nhập của văn hóa hiện nay.



2. Quan điểm, giải pháp bảo tồn.

2.1. Quan điểm:

Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng và độc đáo, là đều đang trăn trở, để tìm cho mình những hướng đi thích hợp. Tuy nhiên, bài toán về bảo tồn văn hóa gắn với không gian sống và sinh kế của người dân không dễ gì thực hiện trong một sớm một chiều mà rất cần sự kiên nhẫn và tâm huyết của những người làm văn hóa, quản lý văn hóa, đòi hỏi một cách làm khoa học và chuyên nghiệp thì mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.

2.1.1. Coi trọng nguyên tắc đa dạng, không có vùng văn hóa cao hay thấp, các vùng văn hóa cần được tôn trọng bình đẳng. Trong đó các loại hình, hình thái biểu hiện văn hóa của các tộc người, các nghệ nhân, vùng văn hóa đều cần được nhận diện, kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tìm các hướng bảo tồn thích hợp.

2.1.2. Việc bảo tồn, phát huy phải đảm bảo hài hòa các yếu tố truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế và tránh coi văn hóa các tộc người là một thực thể khép kín, không biến đổi. Do đó, cần tiến hành hoạt động kiểm kê di sản theo tinh thần của Luật Di sản, trên tinh thần khoa học, có sự tham gia của người dân, đánh giá tổng thể cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và nghệ nhân trong bối cảnh sinh tồn của di sản, đồng thời phát triển các hình thức bảo tồn gắn với sự phát triển cộng đồng với sinh kế của người dân...

2.1.3. Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhiều tiền của, công sức, tài liệu, đầu tư cho sự nghiệp này đã đem lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, sự đầu tư trên đang chủ yếu hướng vào di sản vật thể: chống xuống cấp, tu sửa, phục chế hoặc dựng lại từ trí nhớ của người dân, thậm chí có nơi còn làm mới dựa trên những câu chuyện dân gian nửa hư nửa thực. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiện nay khó khăn hơn di sản vật thể rất nhiều. Công bằng mà nói, sự đầu tư đã quá chênh lệch, phi vật thể lại không có sự hấp dẫn của xã hội hóa, điều kiện lưu giữ không thể như tháp cổ, đền chùa, cho nên, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là việc cần bàn và bàn cho thật rõ.

2.1.4. Cần tìm phương thức tích cực nhất, truyền dạy tích cực nhất văn hóa dân gian dân tộc thiểu số cho thanh thiếu niên dân tộc. Cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các địa phương, Ngành giáo dục, tổ chức Đoàn thanh niên cần phải có trách nhiệm cao trong vấn đề này.

Nếu mỗi trường học (dân tộc nội trú, xã vùng cao), mỗi tổ chức thanh niên ở địa phương vùng dân tộc và mỗi gia đình có sự giúp đỡ của các nghệ nhân, các cán bộ văn hóa và nhất là có sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền địa phương thì việc truyền dạy vốn di sản văn hóa sẽ có hiệu quả đáng kể. Nghĩa là, chúng ta đã phần nào sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy được vốn văn hóa cổ truyền các dân tộc nói trên cho thế hệ kế tiếp, góp phần giữ vững nền văn hóa dân tộc trước thềm hội nhập quốc tế.

2.1.5. Đã đến lúc Cấp ủy, chính quyền địa phương phải thật sự vào cuộc và có giải pháp cụ thể, nghiêm túc, không nên để các nghệ nhân và những người tâm huyết "đơn độc" trên con đường bảo tồn di sản. Hiệu quả của việc gìn giữ di sản để được công nhận ở tầm quốc tế, đó cũng là một kinh nghiệm rất quý, rất bổ ích để các địa phương có thể học để áp dụng.



2.2. Giải pháp bảo tồn:

2.2.1. Tăng cường công tác sưu tầm kiểm kê các loại nhạc cụ truyền thống để xây dựng kế hoạch bảo tồn đảm bảo số lượng, lẫn chất lượng. Trước mắt sưu tầm một số nhạc cụ truyền thống trong hệ thống âm nhạc cồng chiêng của dân tộc Vân Kiều - Pa kô để trưng bày triển lãm.

2.2.2. Phục dựng làng nghề, họ gia đình có nghệ nhân làm nghề chế tác các nhạc cụ truyền thống phục vụ công tác du lịch và giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa.

2.2.3. Đánh giá, lựa chọn thống kê các Nghệ nhân có đủ năng lực, am tường hiểu biết về các giá trị văn hoá để truyền dạy văn hoá phi vật thể cho thế hệ trẻ. Có chế độ đãi ngộ hoặc khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, các nhạc cụ khác; các làn điệu dân ca…

2.2.4. Khẩn trương xây dựng ở các làng văn hóa phải đảm bảo có sự bảo tồn, trưng bày các nhạc cụ truyền thống ở nhà học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn bản. Tránh việc làm hình thức, phong trào mà đi vào thực chất với lòng quyết tâm cao.

2.2.5. Quy hoạch thành lập các Câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ hát dân ca, có tư cách và có quy chế sinh hoạt tại các thôn bản.

2.2.6. Phát huy công năng cũng như giá trị sử dụng của các di sản văn hóa vật thể thông qua hoạt động văn hoá mang đậm nét bản sắc dân tộc như tổ chức các Lễ hội, các buổi biểu diễn thông qua công tác xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư...

2.2.7. Kêu gọi và tranh thủ sự đầu tư các Tuor, tuyến du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, để phát huy và quảng bá di sản văn hóa bản địa.

2.2.8. Khơi dậy các Lễ hội truyền thống thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng... đặc biệt là khơi dậy các Lễ hội đâm trâu, Lễ hội A Riêu Ping (Tục Dời mã), Mừng lúa mới…

2.2.9. Tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc từ đó phát huy những gía trị văn hoá của đồng bào mình.

2.2.10. Tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội cùng chung tay xây dựng và bảo tồn giá trị di sản văn hoá nói trên.

II. Quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa nhạc cụ truyền thống.

1. Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định rõ về việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa của từng địa phương và cả Đất nước.

2. Tổ chức thực hiện công tác quản lý di sản văn hoá ở địa phương:

- Trên cơ sở Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; cần xem đây là cơ sở là tiền đề và hành lang pháp lý để quản lý di sản một cách hiệu quả.

- Tiến hành xây dựng đội ngũ quản lý dưới dạng tổ công tác chuyên môn về sưu tầm bảo tồn nhạc cụ truyền thống ở 22 xã, thị trấn.

- Xây dựng chuyên đề qua hàng năm để tổ chức thực hiện có hiệu quả và dần nâng cao chất lượng về âm nhạc, nhạc cụ của dân tộc Vân Kiều – Pa Kô.

- Tổ chức kiểm kê các nhạc cụ, phân loại, xác định giá trị, tính chất để có biện pháp bảo tồn và quả lý di sản văn hóa của âm nhạc Vân Kiều – Pa Kô.

- Xây dựng nguồn ngân sách cho di sản văn hóa, đồng thời xã hội hóa công tác xây dựng, bảo tồn, trùng tu và phát triển giá trị di sản văn hóa dân tộc.

- Tổ chức thi đua khen thưởng cho tập thể, cá nhân, Nghệ nhân, Nghệ nhân ưu tú, để động viên kip thời trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc về âm nhạc, nhạc cụ.

Tóm lại: công tác quản lý và bảo tồn nhạc cụ truyền thống là hết sức quan trọng vì đó là di sản biểu hiện nền văn minh của một dân tộc, một cộng đồng người, một quần cư hay một dòng họ… thế nên để quản lý tốt cần có sự đồng lòng giữa nhà nước với nhân dân, định hướng giá trị văn hóa phù hợp với "Thuần phong mỹ tục" của người dân Việt và trên hết là đồng bào các dân tộc Việt Nam.


Phần III

Tổ chức thực hiện và kết luận đề tài

I. Tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đề tài sáng kiến kinh nghiệm, nếu có giá trị, có hiệu quả cao để áp dụng trong việc bảo tồn và quản lý văn hoá nhạc cụ truyền thống trên địa bàn huyện, thì có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; nó giúp ích cho việc bảo vệ những giá trị tinh hoa văn hóa cho các đồng bào dân tộc Hướng Hóa.

Ngành chuyên môn tham mưu cấp trên tạo cơ chế phù hợp để thực hiện việc quản lý và bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của dân tộc Vân Kiều – Pa Kô.

Các địa phương triển khai thực hiện phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể để tổ chức bảo tồn di sản văn hoá nhạc cụ truyền thống một cách có hiệu quả.



II. Kết Luận.

Người Vân Kiều – Pa Kô theo thuyết vạn vật hữu linh nên bất cứ một sự vật, hiện tượng nào đều có thần linh trú ngụ và tác động, vì thế mà bất cứ sự vật hiện tượng nào, từ bất thường đến bình thường đều được tổ chức cúng thần. Cúng thì có cả lễ và hội, đấy là lúc chiêng, trống, khèn, thanh la và các nhạc cụ khác được mang ra sử dụng, lúc thì như nghi lễ, lúc lại như giải trí, khi thì mang chức năng thông tin...

Phải thừa nhận với nhau rằng, người chơi được cồng, chiêng và các nhạc cụ khác đang ngày một ít đi, vì các lễ hội truyền thống đang ít đi hoặc bị biến tướng hoạc không gian dậm chất hùng thiêng núi rừng mất dần (tức không có không gian). Các nhạc cụ truyền thống cũng không được coi trọng như ngày xưa nữa vì càng ngày các bí ẩn càng được bạch hóa dưới ánh sáng khoa học. Và nhiều lý do nữa khiến các nhạc cụ truyền thống đang mất dần vai trò trong đời sống của người dân bản địa.

Nói tóm lại cần phải ứng xử với không gian văn hóa, đặc biệt là các nhạc cụ truyền thống không chỉ có ý chí và quyết tâm, mà cần phải có sự hiểu biết thấu đáo và tôn trọng nó thật sự; để từ đó vươn tới bảo tồn các nhạc cụ truyền thống là bảo vệ sự tinh túy của văn hóa lễ hội, phát huy tính tự ngẫu hứng, hoang sơ, linh thiêng ….. cái chất bản sắc văn hóa và âm thanh của Thanh La, Tù và, Tăng còi, Trống, Chiêng, Khèn, Sáo, Ta rưng… mà các nhạc cụ khác không thể có được, đó linh hồn của thần thánh, là bản sắc riêng của từng dân tộc cần phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy.


XÁC NHẬN CỦA HĐTĐKT Hướng Hoá, ngày 6 tháng 12 năm 2012

TM. HĐTĐKT PHÒNG VH&TT NGUỜI LÀM ĐỀ TÀI

CHỦ TỊCH


TRƯỞNG PHÒNG VH&TT Nguyễn Phú Sơn

Hồ Xuân Phúc


N gười thực hiện: Nguyễn Phú Sơn - Chuyên Viên Phòng VH&TT


tải về 85.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương