Bán nguyệt san – Số 231 – Chúa nhật 14. 09. 2014


CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH - ONWARD CATHOLIC SOLDIER



tải về 0.88 Mb.
trang5/5
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích0.88 Mb.
#37692
1   2   3   4   5

CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH - ONWARD CATHOLIC SOLDIER



GIỚI THIỆU



“Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: ‘Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe'. Người đáp, ‘Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe’” (Mt 13, 36b-43).

Trong đêm Vọng Phục Sinh, khi nhắc lại các lời hứa của Bí tích Rửa Tội, Linh mục hỏi, “Anh Chị em có từ bỏ ma quỷ và mọi việc cũng như những hứa hẹn hão huyền của nó không?”. “Thưa từ bỏ”, câu trả lời phản xạ cho tất cả các câu hỏi; thế mà, cuộc chiến thiêng liêng đàng sau sự cần thiết của những câu hỏi ấy và tính cấp thiết để trả lời chúng với niềm xác tín lại thường bị bỏ qua. Xung đột giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật không được nhắm đến như trạng thái bình thường trong công trình tạo dựng, thế nhưng, đó là thực tế hiện tại. Satan đã bị đánh bại nhưng nó vẫn nguy hiểm và gây chết chóc. Hôm nay, hạt giống của nó vẫn mọc lên, bóp nghẹt đời sống đức tin của bao người.

Thánh Kinh nói đến Satan và ma quỷ rất nhiều lần, ám chỉ cũng như hiển nhiên. Qua hai ngàn năm, Giáo Hội và các thánh của Giáo Hội nói đến Satan như một thực thể hiện sinh, nhan nhãn và mạnh mẽ... đang tìm cách huỷ diệt vĩnh viễn các linh hồn. Các thánh từ khắp nơi trên thế giới thuộc mọi hoàn cảnh kinh tế, văn hoá và ơn gọi khác nhau không ngừng tin sự có mặt của ma quỷ và đưa ra những giáo huấn về thực tại này.

Chống lại và khước từ thực tại ma quỷ là một hiện tượng khá mới mẻ. Để giúp vượt qua ý tưởng dối trá khi cho rằng không có ma quỷ, hoặc Satan không còn hoạt động, thì bên cạnh những trích dẫn Thánh Kinh, tôi đã lấy thêm hơn 1.000 câu trích từ các tài liệu của Giáo Hội và các thánh, những trích dẫn từ thời sơ khai đến các lời gần đây nhất của các Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế và của bao anh chị em thiện nam tín nữ từ Đông sang Tây vốn sẽ được sử dụng để xác minh đúng cho từng hoàn cảnh. Họ là những người không ngừng ngợi khen Thiên Chúa, họ đã để lại những chứng từ liên quan đến thực thể Satan và cách thức tốt nhất giúp họ chiến thắng nó. Các lời của họ là những câu nói rất người mang tính lịch sử đề cập sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sẽ thật khôn ngoan khi chúng ta nhận ra sự thích đáng để rút ra cho mình bao bài học từ những lời đó.

Ôi, vào cuối đời, chúng ta sẽ cảm thấy hối hận làm sao khi nhìn lại bao gương lành gương sáng cùng những lời chỉ dạy của Chúa cũng như của các thánh giúp chúng ta nên trọn lành; vậy mà chúng ta thật vô tâm khi lãnh hội chúng. Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời con, liệu con có hài lòng với cách sống của con trong một năm qua? (Thánh Phanxicô Salêsiô).

Làm sao có thể điều chỉnh cuộc sống, vun trồng các nhân đức và thoát khỏi tội lỗi nếu người ta không biết những phương sách, qua đó, tìm lại con người tốt lành của mình trước đây, xa lánh những gì nhuốc nhơ, tránh khỏi bao cám dỗ và cạm bẫy của quân thù? (Chân Phước Louis Granada).

Cứ như thế, Giáo Hội hôm nay và mai ngày vẫn luôn nói đến thực tại Satan và ma quỷ. Bỏ qua thực tại này chỉ là góp phần phục vụ tên Dối Trá, điều mà G.K. Chesteron từng gọi là “nền dân chủ của sự chết”. Đừng tin vào một số ít người với những lời này lời kia khi họ cho rằng không có ma quỷ... dẫu chúng xem ra thuyết phục đến đâu. Thay vào đó, hãy tin những lời của Đức Giêsu trong Thánh Kinh, những giáo huấn của Hội Thánh Ngài được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần cùng những lời của các thánh, các đấng tử đạo. Hãy kêu cầu với những ai đi trước chúng ta nay đang ở trên trời, xin các ngài soi đường dẫn lối cho chúng ta đến với Chúa.

Nói đến niềm tin của người tín hữu, thì ma quỷ, điều mà các nhà thần học ít cẩn trọng có thể nói đến, là một sự hiện diện đầy ngờ vực, nhưng có thực; riêng tư nhưng không chỉ mang tính biểu tượng. Nó là một thực tại mạnh mẽ, một tự do siêu phàm độc hại chống lại tự do của Thiên Chúa (Hồng Y Joseph Ratzinger).

Sẽ đi trệch với hình ảnh được cung cấp bởi giáo huấn Thánh Kinh của Hội Thánh khi chúng ta từ chối nhìn nhận sự hiện hữu của ma quỷ; để rồi coi nó như một nguyên lý cam chịu thua thiệt, không như các tạo vật khác, một kẻ không nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc của mình; hoặc giải thích ma quỷ như một thực thể giả tạo, một cái gì được nhân cách hoá mang tính ý niệm, không có thật của những nguyên nhân không thể lý giải về bao tai hoạ chúng ta gặp phải (Giáo Hoàng Phaolô VI).

Khi nói đến cuộc chiến thiêng liêng, những câu trả lời tôi nhận được cụ thể sẽ rơi vào một trong năm phạm trù. Bốn phạm trù đầu tiên là vô tri, lừng khừng, hăng nhiệt và sợ hãi. Cả bốn phạm trù đều là những lý do đáng quan tâm. Vô tri về thực tại của cuộc chiến thiêng liêng một chỉ làm lợi cho Satan. Lừng khừng đối với nó thì tệ hơn, chúng ta nhớ lại cái “không nóng không lạnh” của sách Khải Huyền (x. Kh 3, 16). Quá hăng nhiệt với cuộc chiến, xem mình đáng nể, thường lại dẫn đến tự cao tự đại. Sợ hãi nó, cũng chỉ ngăn trở chân lý và làm cho gông cùm nô lệ thêm kiên cố. Phạm trù thứ năm, may thay, lớn nhất trong tất cả các phạm trù là niềm vui thích đầy say mê.

Người vô tri nhìn cuộc chiến thiêng liêng qua đôi mắt thơ ngây. Chưa nhận thức được sự thâm nhập và môi trường xâm hại của ma quỷ, họ nhìn cuộc chiến thiêng liêng như một ẩn dụ cổ xưa, một ẩn dụ phát triển nhanh chóng cái vô dụng của nó trong thời buổi hiện đại này. Họ coi toàn bộ ý niệm về sự dữ dường như đã được nhân cách hoá bởi Satan và thuộc hạ của nó với chủ nghĩa hoài nghi. Hạng vô tri không chỉ từ chối sự hiện diện hung hãn của Satan mà còn chối nhận cả sự hiện hữu sờ sờ của nó nữa. Không kẻ thù nào nguy hiểm hơn kẻ thù mà bạn nghĩ không có nó.

Đừng chế nhạo Lời Chúa và phủ nhận sự hiện diện của ma quỷ. Sự dữ quá hiển nhiên trong thế giới hôm nay cho thấy điều đó. Đừng nói Satan đã chết, nay không còn, nó không nhiều đến thế... vì trong mưu mô của nó, nó phao tin rằng, nó vẫn sống ngay khi chết (Fulton Sheen, Tôi tớ Chúa).

Tôi, nữ tu Faustina, theo lệnh Chúa, đã viếng thăm những cảnh vực địa ngục để rồi có thể nói cho các linh hồn về nó và chứng thực về sự hiện hữu của nó... Tôi lưu ý một điều: phần lớn các linh hồn ở đó là những linh hồn đã không tin có một hoả ngục (Thánh Faustina Kowalska).

Chúng ta không thể đơn thuần coi ma quỷ như một biểu tượng của sự ác; bằng không, như những nhà xã hội, chúng ta chỉ biết đứng nhìn mà không giải thích được gì. Và những ai bảo, chúng tôi không còn tin vào những điều ấy nữa, suy nghĩ của họ về thế kỷ hai mươi này thật quá hời hợt (Hồng Y Joseph Ratzinger).

Người lừng khừng nhìn cuộc chiến thiêng liêng với đôi mắt dửng dưng. Thông thường, sai lầm của họ là coi yêu thương ngang với chấp nhận, xem chân lý ngang với vị tha. “Việc ai người ấy lo!”, “Sống và hãy sống!” hoặc “Đừng xét đoán...!” là những câu thần chú quen thuộc của họ. Họ càu nhàu và kêu trách rằng, một Thiên Chúa ‘công bằng’ sẽ không để một tạo vật gớm ghiếc như thế tồn tại, cứ để con mồi thao túng mặc sức trên Dân Người! Họ không nhận ra trần gian là một bãi chiến và thiên quốc mới là phần thưởng. Lừng khừng trước chân lý và không sẵn sàng cầm lấy vũ khí, họ dễ bị lạc đường.

Đây là lý do khiến người ta thờ ơ liều lĩnh đánh mất chính mình: từ trong linh hồn họ, một sự nhạt nhẽo đã che giấu một sự dữ lớn lao vốn là nguyên nhân của mọi tai ương (Thánh Alphonsô Liguôri).

Hãy luôn nhìn nhận rằng: ở đây, trên trái đất này, chúng ta đang chiến đấu; mãi trên thiên đàng, chúng ta mới nhận lấy triều thiên chiến thắng (Thánh Piô Pietrelcina).

Cửa thiên đàng mở ra, sự sống đánh bại tử thần trong một cuộc thánh chiến (Thánh Agnes Monteculciano).

Khi bạn từ bỏ Satan, dẫm đạp dưới chân mọi hiệp ước với nó, tiêu huỷ “liên minh hoả ngục” xưa; và rồi, thiên đàng của Chúa mở ra trước mặt bạn (Thánh Cyril Jérusalem).

Người quá hăng nhiệt coi cuộc chiến thiêng liêng với đôi mắt tự phụ. Họ coi đó là cuộc đại chiến với những vũ khí sáng ngời, một đạo quân hùng hậu bên cạnh họ và kẻ thù không đáng gì đang co rúm vì sự có mặt của họ. Họ co duỗi cơ bắp, thán phục khả năng của chúng, sững sờ trước vẻ lộng lẫy chúng có; họ coi thân xác mình và những công năng của nó như thể là những gì của riêng họ. Họ yêu thích hình ảnh giết chết con rồng, nhưng lại không muốn chuẩn bị cho điều đó hoặc sợ bẩn tay khi làm điều đó. Họ thường viết những diễn văn thắng trận trước khi biết đến kế hoạch chiến đấu. Họ không nhận ra rằng, nếu kế hoạch chiến đấu là của riêng họ, hoặc biết rất rõ, nếu họ tiến lên phía trước mà không có một quyền năng thích đáng nào đó thì một chỉ phó mình cho sự tác hại dữ dằn của Satan mà thôi.

Sức người không thể sánh với sức quỷ; vì thế, chỉ với sức mạnh của Thiên Chúa mới có thể đánh bại ma quỷ, chỉ ánh sáng của Người mới có thể soi thấu những mưu chước của nó (Thánh Gioan Thánh Giá).

Tính bạo tàn của ma quỷ cốt ở chỗ nó ăn tươi nuốt sống chúng ta bất cứ lúc nào nếu quyền lực Thiên Chúa không bảo vệ chúng ta (Thánh Bonaventura).

Chiến thắng nào không có sự hợp tác của thân xác mới được gọi là chiến thắng do nỗ lực riêng của con; nhưng thân xác cũng đâu phải của con, nó là công trình của Thiên Chúa (Thánh Gioan Climacus).

Chúng ta không buộc phải có những vũ khí bóng loáng để chiến thắng Goliath, nhưng chỉ cần biết chọn một vài viên sỏi, những viên sỏi thích hợp, với sự khôn ngoan và can trường của Đavid (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Kẻ sợ hãi nhìn cuộc chiến thiêng liêng qua đôi mắt khiếp đảm. Họ tưởng tượng rằng, càng để ý đến ma quỷ, sẽ càng gia tăng những cuộc chiến thiêng liêng. Họ tin rằng, cách nào đó, chiến đấu thiêng liêng là một lây nhiễm vốn sẽ lây lan nếu họ biết điều đó là thật. Những người khác thì nghĩ rằng, lãnh vực chiến đấu thiêng liêng chỉ là việc của giới tu trì; bằng cách ấy, họ bán non chính mình và những gì đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Một số khác lại sợ rằng, đó không phải là việc của họ, nên họ né tránh cuộc chiến và chấp nhận mọi hậu quả. Sợ hãi và khiêm tốn lệch lạc ấy chỉ làm lợi cho Satan. Sợ hãi của bạn nuôi dưỡng Satan, chỉ giúp nó mạnh mẽ kiên cường hơn.

Tôi thật sự sợ những người quá sợ ma quỷ hơn là sợ chính ma quỷ (Thánh Têrêxa Avila).

Đừng sợ ma quỷ, hãy sợ mưu mô của nó vốn đang khiến con chao đảo (Thánh Antôn Padua).

Đừng sợ những cạm bẫy của kẻ thù. Rốt cuộc, nó buộc phải bất lực trước một linh hồn gắn bó với Chúa Giêsu. Thế nên, con cứ an lòng (Thánh Piô Pietrelcina).

Tên cám dỗ hằng canh chừng, gây chiến ác liệt nhất để chống lại những ai nó thấy thận trọng tránh tội nhất (Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả).

Dù ngây ngô hay thờ ơ, kiêu ngạo hay sợ hãi, cả bốn phạm trù trên đều đưa con người rời xa chân lý và hướng về dối trá. Dù không nhất thiết là cố tình, họ vẫn đã tuân theo lời mời chào của Satan.

Phạm trù cuối cùng thuộc về những ai đáp trả với lòng nhiệt thành, họ nhìn cuộc chiến thiêng liêng với con mắt đức tin. Từ ngữ nhiệt thành “enthousiasm” có một nguyên ngữ thú vị. Nó bắt nguồn bởi hai từ Hy Lạp “en + theos”, hoặc trong tiếng Anh “in + god”. Theo nghĩa đen, enthousiasm, nhiệt thành, là “ở trong Thiên Chúa”. Những ai nhiệt thành đều nhận ra chiến thắng của Thiên Chúa trên chiến thắng của sự ác và vai trò của họ là thực hiện nó cho đến khi hoàn thành chiến thắng đó. Họ cũng nhận ra sự cần thiết phải giải thoát và bảo vệ chính mình cũng như người khác. Họ tín thác cho Thiên Chúa và mở lòng mình ra cho những đường lối diệu kỳ của Người. Họ chuẩn bị chiến đấu nhưng không trông mong điều đó. Nếu cuộc chiến xảy ra như một phần trong ý định của Thiên Chúa, họ sẵn sàng đón nhận. Họ chỉ tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa cho dù điều đó buộc họ phải ở tuyến đầu hoặc ngoài biên thuỳ. Bất cứ điều gì Thiên Chúa cho phép, họ chấp nhận; bất cứ điều gì xảy ra, họ thấy tay Người đang thực hiện. Như trẻ thơ, họ phó mình cho lời hứa của Thiên Chúa, Abba và sức mạnh của Người. Sức mạnh của họ là Thiên Chúa đang hoạt động ngang qua sự yếu hèn của mình.

Hãy luôn canh chừng kẻ thù nhưng đừng gây chiến với nó, vì đây không phải là thái độ của người lính nhưng là thái độ của kẻ dấy loạn (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Chúng ta đừng bao giờ quên hai chân lý này: Chúa Giêsu ở với tôi, và dù gì xảy ra đi nữa thì vẫn xảy ra bởi ý muốn của Thiên Chúa (Chân Phước Charles de Foucauld).

Khiêm tốn, khiêm tốn và luôn luôn khiêm tốn. Satan khiếp sợ và run rẩy trước những linh hồn khiêm tốn. Thiên Chúa sẵn sàng làm những việc lớn lao với điều kiện là chúng ta phải thực sự nhu mì (Thánh Piô Pietrelcina).

Những chiến sĩ thiêng liêng đích thực nhìn cuộc chiến qua đôi mắt của Đức Maria, Mẹ Đầy Ơn Phúc. Cuộc chiến thiêng liêng luôn được hoàn tất bởi ân sủng của Thiên Chúa và phù hợp với sự cho phép của Người. Điều đó thường ẩn khuất, lặng lẽ và vô danh. Khiêm tốn, vâng phục, phó thác và tin tưởng là những vũ khí của người chiến sĩ Chúa Kitô. Sau Chúa Giêsu, không chiến sĩ nào lớn hơn Đức Maria. Qua mọi thời, lời “Xin Vâng” của Đức Maria đánh bại lời “Thưa Không” của Satan. Thánh Kinh đặt Đức Maria ngay giữa chiến trận. Từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền, Đức Maria là Eva mới sinh ra Adam mới (x. St 3 & Kh 12). Lời “Fiat” xin vâng của Đức Maria là khởi đầu cho kết thúc của Satan. Nếu bạn được gọi để dấn thân trong cuộc chiến thiêng liêng, bạn chỉ có thể làm điều đó dưới sự bảo trợ của Mẹ Đầy Ơn Phúc và đúng với ý định của Thiên Chúa.

Không ai thực sự yêu mến Đức Mẹ mà lại phải sa hoả ngục, bởi Mẹ là người chiến thắng đáng sợ đối với ma quỷ (Thánh Alphonsô Liguôri).

Ở đâu có Mẹ, ở đó vắng bóng quỷ ma (Thánh Louis Montfort).

Hãy lắng nghe và ghi nhớ trong lòng, đừng bối rối cũng đừng nản lòng với những tiếc xót. Đừng sợ bất cứ bệnh tật, phiền muộn, lo lắng hay đau đớn nào. Không phải ta đang ở đây và không phải ta là Mẹ của con sao? Con không ở dưới bóng áo và sự che chở của Mẹ sao? Mẹ không phải là nguồn suối của đời con sao? Con không ở dưới nếp áo Mẹ, trong vòng tay Mẹ sao? Ở đó, con còn cần gì nữa? (Lời Mẹ Guadalupe nói với thánh Juan Diego).

Cẩn trọng với từng từ ngữ là điều cần thiết mỗi khi nói đến Satan. Phải tránh gán cho nó quá nhiều sức mạnh và ảnh hưởng, điều này thật quan trọng. Bạn đừng bao giờ là nạn nhân của ý niệm khi cho rằng ma quỷ cách nào đó mạnh mẽ và uy quyền ngang bằng Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tạo Hoá và Satan chỉ là tạo vật. Sức mạnh của ma quỷ cũng như khả năng thực hiện quyền lực của nó đều bị giới hạn bởi Thiên Chúa và khả năng thực hiện đó chỉ được phép theo cấp độ phục vụ ý muốn của Người. Thiên Chúa có thể và chính Người đã sử dụng những hành động của ma quỷ để dẫn đến những dự định cho vinh quang Người - nếu bạn để Người hành động. Tốt hay xấu, điều đó tuỳ vào ý muốn của Thiên Chúa; mọi sự đều có thể hữu ích cho việc cứu độ của Người.

Thiên Chúa mạnh mẽ hơn nhiều trong việc phục hồi ơn cứu độ so với ma quỷ vốn chỉ muốn giam hãm con người (Thánh Paulinus Nola).

Bất luận điều tốt hay xấu xảy đến, hãy tin rằng, Thiên Chúa sẽ biến tất cả nên điều lành cho con (Thánh Jane Frances Chantal).

Linh hồn thật sự yêu mến Thiên Chúa biết rằng, mọi sự xảy đến trên trần gian đều do lệnh của Thiên Chúa hoặc là được phép Người (Thánh Alphonsô Liguôri).

Một cách tương tự, bạn đừng cho rằng, Satan không mấy mạnh mẽ và chẳng ảnh hưởng gì; điều này cũng thật quan trọng. Nghĩ như thế chẳng khác gì bạn dọn cỗ cho nó. Đừng bao giờ tin không có ma quỷ, tin như thế là không biết giáo huấn bất biến của Hội Thánh; cũng đừng đùa với câu nói “ma quỷ bắt tôi làm điều đó”. Nói như thế là từ chối ý chí tự do cũng như vai trò của bạn khi phạm tội. Nó còn là một trở ngại cho việc thống hối và hoà giải. Thông thường, chân lý được tìm thấy chính giữa hai cái nhìn trái ngược này.

Ma quỷ sung sướng khi bị buộc tội. Thật vậy, nó thực sự muốn con đổ lỗi cho nó. Nó sẵn sàng lắng nghe tất cả cáo buộc của con lâu chừng nào có thể để ngăn con đến toà giải tội (Thánh Augustinô).

Đừng sợ ma cũng đừng sợ quỷ, Đấng cùng chiến đấu với chúng ta mạnh mẽ hơn chúng nhiều (Thánh Cyril Jérusalem).

Với cuốn sách này, tôi hy vọng soi rọi một luồng sáng mạnh mẽ vào tên ác quỷ, luồng sáng của Đức Kitô và Hội Thánh Ngài, một luồng sáng xua tan mọi bóng tối. Dựa vào Thánh Kinh và bút tích của các thánh để đào sâu và gợi hứng, những chương tiếp theo sẽ đưa ra những lời khuyên thực dụng về việc phải chiến đấu hoặc không chiến đấu thế nào. Những thực tế, những cảnh báo, những gánh nặng và những lợi ích của cuộc chiến thiêng liêng sẽ được bàn thảo. Satan sẽ được nói đến, nhưng chỉ trong mức độ nó phụng sự Nước Thiên Chúa.

Nói với con về ma quỷ hẳn chẳng thú vị gì, nhưng giáo lý, qua đó Cha được phép nói về nó lại sẽ rất ích lợi cho con (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Chúa muốn tôi chia sẻ những gì tôi được dạy và những gì tôi tin. Cả bạn nữa, hãy sử dụng rộng rãi Thánh Kinh, các tài liệu có thẩm quyền và sự khôn ngoan của các thánh cho những ý tưởng được bày tỏ.

Hãy dõi theo các thánh, bởi ai theo chân các ngài, chính họ cũng sẽ nên thánh (Thánh Giáo Hoàng Clement).

Cách tự nhiên, những ý tưởng này vừa mang tính tấn công vừa mang tính bảo vệ; vừa phòng ngừa vừa chữa lành; vừa hướng đến các nhân đức vừa tránh xa mọi thói hư tật xấu.

Khi bạn được đánh động bởi một đoạn Thánh Kinh, hãy cầu nguyện với đoạn văn đó. Hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần mặc khải tất cả ý nghĩa đoạn văn cho bạn. Khi được đánh động bởi lời nào đó của một vị thánh hay một huấn từ nào đó của Hội Thánh, bạn hãy nghiền ngẫm những soi dọi thích ứng của nó. Hãy thẩm thấu lời Thánh Kinh và lời các thánh, đừng chỉ lướt qua chúng.

Sau cùng, vì những mục đích của cuốn sách, khi tôi nói đến Satan, xin vui lòng biết cho rằng, tôi đang nói đến tất cả các thiên thần đã sa ngã. Dẫu được gọi dưới bất cứ danh hiệu nào: sự dữ, thần ô uế, ma quỷ, tà quyền, quỷ vương hay gì đi nữa... tất cả chúng vẫn chỉ là một, kẻ thù nghịch với Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng những ai yêu mến Người.

Không cần phải sợ hãi để gọi đích danh tác nhân đầu tiên của sự dữ bằng chính cái tên của nó: Quỷ Dữ (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Ma quỷ không phải là một con người, nó là một đạo quân có tổ chức của sự ác (Gioan Hardon, Tôi tớ Chúa).

Bởi không hiểu biết và thờ ơ cũng như bởi những nỗ lực của ma quỷ, nhiều người trong Hội Thánh không thích nói đến thực tại Satan và sự cần thiết của cuộc chiến thiêng liêng. Ngu ngơ, thờ ơ... dẫn đến băn khoăn sợ hãi. Tiêu trừ cặp rồng sinh đôi ngu ngơ và thờ ơ này cùng với những băn khoăn và sợ hãi theo sau chúng là một điều quan trọng. Với sự khôn ngoan, bình an, ân sủng, sự thật, lòng thương xót của Thiên Chúa cùng với sự cẩn trọng đúng đắn dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc, thì nay, đã đến lúc chúng ta cần nói đến sự thật về cuộc chiến chống lại tên ác quỷ này.

Ma quỷ không dám lộ diện hay hành quyền chết chóc của nó bất cứ nơi nào danh rất thánh của Đức Maria chiếu rọi. Tên ngài càng được kêu lên thường xuyên với tất cả lòng yêu mến, ma quỷ càng nhanh chóng cao chạy bay xa (Thomas a’ Kempis, Tôi tớ Chúa).

Với ma quỷ, Đức Maria quá mạnh mẽ đến nỗi chỉ một hơi thở của ngài vẫn khiến nó khiếp đảm hơn tất cả mọi cầu khẩn của các thánh (Thánh Louis Monfort).



Những tướng quỷ trong hoả ngục sợ hãi Đức Maria cho thấy sự kính trọng ngài (Thánh Louis Monfort).
Còn tiếp nhiều kỳ
LTS. Lm. Minh Anh, TGP Huế có một tài sản rất lớn và quí báu, đồng thời sẵn sàng trao tặng cho bất cứ ai muốn nhận, đó là 13 bản dịch của những tác phẩm uy tín và giá trị. Quí vị có thể chọn lựa tên tác phẩm và xin nhận qua email bằng file, hoặc tham khảo tại đây (tải về máy dễ dàng):

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&id=69





CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH - ONWARD CATHOLIC SOLDIER
“Đừng sợ những mưu chước, những công kích của ma quỷ, kẻ có thể đến cướp phá và chiếm cứ thành phố linh hồn con. Không, đừng sợ, nhưng hãy như những chiến sĩ đang dàn quân trên mặt trận, võ trang bằng thanh kiếm đức ái của Thiên Chúa. Thanh kiếm này là ngọn roi quất vào chúng” (Thánh Catarina Siêna). ...File kèm




Tìm Kiếm và Giữ Lấy Bình An - Searching for and Maintaining Peace
Cần biết rằng, con đường dẫn đến Thiên Chúa, dẫn đến sự trọn lành mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta thì ngắn hơn, hiệu năng hơn và thật hiển nhiên, dễ dàng hơn khi chúng ta học biết dần dần cách thức giữ lấy bình an thẳm sâu trong tâm hồn ở bất cứ hoàn cảnh nào. Vì lẽ, lúc bấy giờ, tâm hồn đã phó mặc cho sự dẫn dắt của Thánh Thần, và với ân sủng của Người, Thiên Chúa có thể hành động nhiều hơn những gì mà tâm hồn có thể thực hiện bằng sức riêng của mình. ...File kèm




TỰ DO NỘI TÂM - La Liberté intérieure (Jacques Philippe)
Cuốn sách này nói đến chủ đề nền tảng của đời sống Kitô giáo: tự do nội tâm. Mục đích của nó thật rõ ràng. Mọi Kitô hữu cần khám phá ra rằng, ngay trong những hoàn cảnh bên ngoài bất ưng nhất, bên trong chúng ta vẫn có một khoảng không tự do mà không ai có thể lấy đi, bởi Thiên Chúa là nguồn mạch và là bảo chứng của tự do đó. Không có khám phá này, chúng ta sẽ luôn luôn bị giới hạn cách nào đó và sẽ không bao giờ nếm hưởng được hạnh phúc đích thực. Nhưng nếu chúng ta học cách để cho khoảng không tự do nội tâm này mở ra, thì dù cho bao điều làm chúng ta đau khổ, vẫn không gì thực sự có thể đàn áp hay nghiền nát chúng ta. ...File kèm




Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô của D. Wahrheit
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô của D. Wahrheit được hiệu đính từ một tập sách rất khó đọc dạng ronéo. Sau một thời gian dài tìm tác giả cũng như người dịch, tôi được Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Giám Đốc Đài Chân Lý  Á Châu, cho biết: các sách có tên tác giả D. Wahrheit là những tác phẩm của Đài Chân Lý Á Châu đã phát thanh, được thính giả ghi lại trong thời gian khó khăn khi chưa có internet (D: Đài; Wahrheit: Chân Lý); và nay, được phép ngài cho phổ biến, tôi chân thành giới thiệu tập sách bổ ích Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô này cùng các bạn trẻ, cách riêng những bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân. Lễ Thánh Mônica, 27.8.2009. Lm. Minh Anh (Gp. Huế) ...File kèm




Thầy Dạy Khát Khao - Le Maître du désir
Con người muốn sống. Con người được tạo dựng để sống. Không chỉ tự nhiên tìm cách bảo tồn sự sống, nhưng chúng ta còn muốn phát triển nó, làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, tươi đẹp hơn, thanh cao hơn, mạnh mẽ hơn; tắt một lời, sống động hơn. “Vì chưng, gánh nặng nặng nề nhất là tồn tại mà không sống” (Victor Hugo). Sống có ý nghĩa gì nếu không có niềm vui sống? ...File kèm




HOA TRÁI THINH LẶNG - Thoughts in Solitude
Những lời ghi chép trong tập này được viết vào những năm 1953 và 1954 vào thời điểm mà tác giả, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nhờ sự rộng lượng của các Bề Trên, có thể tận dụng những cơ hội đặc biệt dành cho việc tĩnh tâm và suy niệm; từ đó, mới có đề tựa tập sách như trên. Điều này không muốn nói rằng, những lời ghi chép đó mang tính chủ quan hay tự thuật. Chúng không hề được nhắm đến như một tường trình về những cuộc phiêu lưu tinh thần. Đối với tác giả, không có cuộc phiêu lưu nào để viết, và nếu có, nó cũng sẽ không phó mặc cho việc in ấn trong bất kỳ trường hợp nào. Đây chỉ là những suy tư về đời sống chiêm niệm, những hiểu biết bằng trực giác mà dường như có một tầm quan trọng cơ bản vào một lúc nào đó trong quá khứ. ...File kèm




Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích - “A Catholic Perspective on The Purpose Driven Life”
Là một linh mục Công giáo Rôma, từ hơn 50 năm nay, tôi vẫn thường lướt qua những phim ảnh và những cuốn sách được yêu chuộng như là nguồn tài liệu khả dĩ có thể sử dụng cho việc giảng dạy và viết lách. Sự hiếu kỳ đó đã dẫn tôi đến với quyển sách của Mục sư Rick Warren.  ...File kèm




Sống Theo Đúng Mục Đích - The Purpose-Driven Life
Ngày nay, ta biết quá nhiều thứ, nhưng lại ít biết về chính mìình, theo đuổi nhiều thứ nhưng không biết cái gì là chính. Ta quay cuồng và bị lôi kéo, bị xô đẩy giữa biết bao khuynh hướng, trào lưu mà không biết đi về đâu. Biết mình, biết mục đích đời mình và sống đúng mục đích, điều quan trọng bậc nhất trong đời sống này sẽ giúp đời sống ta thay đổi, có ý nghĩa và triển nở đến vô tận. (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, giới thiệu) ...File kèm




BÀI CA CỦA BÌNH MINH - THE SONG OF THE DAWN
Người ta có thể ngạc nhiên khi những ý tưởng sâu sắc lại được tìm thấy trong những tác phẩm thi ca của các nhà thơ hơn là của các triết gia; bởi lẽ, nhà thơ vận dụng hết mọi nỗi niềm và khai thác tối đa khả năng tưởng tượng. Như đá lửa, trong chúng ta, có những hạt giống của ánh sáng. Qua lý trí, triết gia khơi dậy chúng, đang khi nhà thơ làm cho chúng chiếu toả rạng ngời hơn nhờ đặc ân tưởng tượng. Descartes, Cogitationes Privatae ...File kèm




ĐI TRÊN NƯỚC - WALKING ON WATER
Cầu nguyện, yêu thương, đời sống tinh thần, đời sống đạo đức sắp giải thoát bạn khỏi những ảo giác. Một khi đời sống đức tin triển nở, thật tuyệt vời, tuyệt vời! Nhưng khi nó trệch hướng, thì đó là bệnh hoạn, một dịch tể phải tránh. Khi ảo giác rơi rụng, con tim không còn bị tắc nghẽn, tình yêu sẽ nở hoa. Đó cũng là lúc hạnh phúc chợt đến và bắt đầu có sự đổi thay. Và rồi, chỉ khi đó, bạn mới biết Thiên Chúa là ai...  ...File kèm




TAKING FLIGHT - BAY LÊN ĐI!
Đã một thời, Tony de Mello, một linh mục dòng Tên dạy đàng thiêng liêng không ngừng đánh động tâm hồn bao người khắp năm châu; bởi lẽ, ngài quá yêu đời, yêu cuộc sống - một cuộc sống thực tế, sôi nổi và tràn đầy niềm vui. Những chuyện kể đầy mê hoặc, đầy nhiệt huyết, đậm nét hài hước và những hiểu biết sâu sắc của ngài về bí quyết hạnh phúc, về việc khám phá bản ngã đích thực của mỗi người - tất cả đã tạo nên một tác động đầy phấn khích cho bất cứ ai đã từng nghe ngài. Ngài đến cho những tâm hồn được giải thoát, cho người vô cảm biết yêu thương, đem ý nghĩa cho tất cả những gì làm nên một nẻo đường thiêng liêng trên đó bao người đang tiến bước. ...File kèm




SADHANA - MỘT NẺO ĐƯỜNG DẪN TỚI THIÊN CHÚA - Linh Thao Kitô Giáo Theo Lối Đông Phương
 Nguyên bản tiếng Anh chúng ta đang có là Sadhana toàn tập, không rút gọn, như tác giả đã lưu ý (complete and unabridged). Vì thế, bạn sẽ có một bản dịch đầy đủ. Ước mong sao, chúng ta cùng khám phá những chiều kích mới mẻ của kho tàng hiểu biết và tinh thần bên trong chính mình, qua việc ý thức đem toàn thể con người - thân xác, linh hồn, con tim, lý trí, ký ức và tưởng tượng - đi vào cầu nguyện, đi vào chiêm ngắm Đấng đang ngự ở đó. ...File kèm




HUẾ CỔ VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI

Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Hué” của Cố Ngôn (J. B. Roux) được chuyển dịch như một đóng góp nhỏ nhân dịp Kỷ Niệm 15 Năm Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tôn phong 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam (1988-2003) với tựa đề “Vết Tích Chứng Nhân Đức Tin Của Huế Cổ”. Nay, nhân Kỷ Niệm 20 Năm Tôn Phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (1988-2008), một lần nữa tập sách được tái bản với đề tựa mới, “Vết Máu Trên Huế Cổ”.

...File kèm


VỀ MỤC LỤC

 TÂN PHÚC ÂM HÓA BẢN THÂN TU SĨ VÀ CỘNG ĐOÀN

  (DÒNG THÁNH TÂM HUẾ THƯỜNG HUẤN - Ngày 16-24/7/2014)

  



Kính mời viếng thăm www.cvlctt.net (chỉ vì lòng Chúa thương tôi)

Kính thưa Quý Thầy,


Trong cuộc tiếp kiến 120 Bề Trên Tổng Quyền Các Dòng Nam họp Đại Hội ở Rôma từ 27-29/11/2013 để thảo luận về việc giải quyết những thách đố đang đặt ra cho giới tu sĩ, ĐTC Phanxicô đã thông báo năm 2015 sẽ được dành cho đời sống thánh hiến (10/2014-11/2015) với chủ đề “Điều mới mẻ trong đời thánh hiến từ Công đồng chung Vatican 2” với 3 mục tiêu chính được công bố ngày 31/1/2014: Nhìn lại quá khứ gần đây trong tâm tình biết ơn và đồng thời thống hối vì những yếu đuối và thiếu sót; hướng nhìn về tương lai trong hy vọng; và khích lệ các người sống đời thánh hiến sống hiện tại trong sự hăng say; đồng thời quyết định duyệt lại qui luật về tương quan giữa các dòng tu và Giám mục địa phương để thăng tiến sự quí chuộng hơn đối với đoàn sủng của mỗi dòng.
Hình ảnh người môn đệ đích thực được rõ nét nơi bức họa Tiệc Ly, thánh Gioan tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và mắt nhìn ra phía trước, nghĩa là người môn đệ phải ở mật thiết với Chúa Giêsu rồi mới có thể thông truyền Chúa Giêsu cho thế giới. Trong sứ mệnh ấy, chúng ta nghe Huấn quyền nói nhiều đến Tân Phúc Âm hóa. Vì thế, khi nhận lời mời của Cha Tổng Quyền Antôn kính yêu mà đến với quý thầy trong chín ngày thường huấn ngắn ngủi này, tôi xin chia sẻ chủ đề TÂN PHÚC ÂM HOÁ BẢN THÂN TU SĨ VÀ CỘNG ĐOÀN. Tân nhưng không phải mới về nội dung, vì Tin Mừng vẫn là một, Chúa Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi vẫn như thế, mà mới trong nhiệt huyết, mới trong phương pháp, mới trong cách diễn tả, nhờ đặt Chúa Kitô ở trung tâm đời sống của chúng ta.
Hòa chung với Giáo Hội hoàn vũ, HĐGMVN cũng lên kế hoạch mục vụ “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” và năm nay là Năm Tân Phúc Âm hóa Gia Đình, mà đối với tu sĩ chúng ta thì cốt yếu trước hết phải là tân phúc âm hóa bản thân và cộng đoàn chúng ta. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, nhấn mạnh “cần phải có một sự chuyển mình thật mạnh dạn, thật can đảm, chuyển từ một loại “mục vụ bảo trì” gìn giữ và bảo vệ cơ chế, cơ sở sang một “mục vụ truyền giáo” đích thực… và cần phải Phúc-Âm-hóa mọi lãnh vực, mọi “ngóc ngách của hữu thể”, mọi bình diện của cuộc sống1.
Với những chỉ dẫn minh bạch như thế của Huấn Quyền Giáo Hội, trước khi đi vào chi tiết nội dung cụ thể, tôi mời anh em thưởng thức bài hát “Bài Học Quét Lá”, với ý thức tự nhắc nhở “Đi về đâu do mình chọn lấy con đường”.
Còn tiếp nhiều kỳ
VỀ MỤC LỤC

BỆNH SẠN THẬN


Câu chuyện Thầy Lang, Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Sạn Thận hoặc Sạn đường Tiết niệu là bệnh rất xưa và thường xảy ra. Chỉ cần bị bệnh  một lần là ta  nhớ mãi những cơn đau khiếp đảm mà sạn gây ra khi nó di chuyển trong đường tiết niệu. Có người nói là đau sạn thận  còn khủng khiếp hơn khi các bà đau bụng “vượt cạn chỉ có một mình”

Ngày nay, nhờ nhiều phương pháp điều trị tiến bộ, sạn được loại bỏ dễ dàng, mau lẹ và an toàn. Sau đó, với các phương pháp phòng ngừa hữu hiệu, bệnh ít có nguy cơ tái phát và con người tránh được sự ôm bụng kêu đau. 

Đại cương 

Sạn  là kết quả của một loạt những phản ứng hóa học, trong đó nước tiểu trở nên quá đậm đặc khiến các chất calcium oxalate, uric acid, cystine kết tinh lại thành những hạt nhỏ. Rồi với thời gian, các hạt nhỏ này  kết tụ dần dần thành cục sạn lớn

Bệnh có thể xẩy ra cho nhiều người trong một gia đình hoặc gây ra do các  rối loạn của ruột, tuyến giáp trạng hoạc do khiếm khuyết trong cấu tạo của hai trái thận.

 Đàn ông bị sạn thận gấp đôi đàn bà. Cho tới tuổi 70 tuổi thì 5% nữ giới và 9% nam giới đều mắc bệnh sạn thận ít nhất một lần. Sau đó sạn thường hay tái phát. Người da trắng bị sạn nhiều hơn người da mầu.

Bệnh thường xẩy ra cho dân cư sống ở vùng khí hậu khô nóng hơn là ở  nơi nhiệt độ ôn hòa. Không uống nước đầy đủ khiến nồng độ nước tiểu cô đặc  là một trong nhiều yếu tố đưa đến sạn kết tinh.

Một vài dược phẩm như triamterene, acetazolamide có thể gây ra sạn thận. Tiêu thụ thực phẩm nhiều oxalate cũng có thể là một nguy cơ. 



Các loại sạn

Sạn thận có thể do nhiều hóa chất tạo thành.



1- Sạn calcium.

Có tới 75% sạn được cấu tạo bằng chất calcium (oxalate, phos phate , carbonate). Nam giới  bị loại sạn này nhiều  gấp hai ba lần nữ giới. Sạn bắt đầu vào tuổi từ  20 đến 30 và hay tái phát vào những năm sau đó. Calcium oxalate là nhiều nhất và thường thường là do ăn thực phẩm có nhiều hóa chất này hoặc do hậu quả các bệnh ở ruột  hoặc tăng chức năng tuyến cận giáp mà ra. 



2- Sạn uric acid.

Chiếm 10% các loại sạn thận và cũng có nhiều ở đàn ông. Người bị sạn này thường cũng bị bệnh thống phong (gout).



3- Sạn cystine. 1%, thường do di truyền gây ra.

4- Sạn struvite.

To, đôi khi làm nghẹt thận, gây ra do các bệnh nhiễm trùng đường tiểu tiện.

Các loại sạn trên  có thể nhỏ như hạt cát hoặc lớn như trái banh bóng bàn; có thể trơn tru nhẵn nhụi hay sắc cạnh.

Sạn được tạo ra trong trái thận hay trong ống dẫn nước tiểu.

Thường thường sạn thận không gây đau trừ khi nó di chuyển từ thận xuống ống dẫn tiểu. Những cơn đau này rất dữ dội khiến người bệnh nhớ suốt đời. 

Nguy cơ gây sạn:

a- Sạn thận xẩy ra khi ta không uống đầy đủ nước, nước tiểu trở nên đậm đặc, các hóa chất kể trên kết tinh;

b- Khi ta ăn quá nhiều vài thực phẩm như bơ, sữa, chocolate, đậu phọng;

c- Khi có nhiễm trùng đường tiết niệu;

đ- Trước đây đã có sạn;

e- Đàn ông;

g- Trong gia đình có thân nhân bị sạn. 

Triệu chứng

Cơn đau do sạn di chuyển hoặc kẹt ở thận, ống dẫn nước tiểu  đều rất dữ dội và xẩy ra  bất thình lình. Đau xuất phát  ở một bên mạng mỡ hay bụng dưới, chạy xuống bẹn, bắp đùi. Các cơn đau không thuyên giảm với thay đổi vị trí nằm, ngồi hoặc sau khi uống thuốc chống đau không có chất á phiện. Đôi khi bệnh nhân bị sốt ,  ớn lạnh, ỉ đái ra máu, ói mửa.

Bình thường, sạn hiện diện trong âm thầm. Cho nên tìm ra sạn đôi khi là do tình cờ chụp quang tuyến bụng trong lúc điều trị  các bệnh khác hoặc đi tiểu tiện ra sạn nhỏ.

Khi nghi ngờ có sạn, bác sĩ sẽ thử nước tiểu coi xem có lẫn máu và nhiễm trùng không; rồi sẽ cho chụp hình  quang tuyến các loại để xác định sự hiện diện của sạn. 



Điều trị

Để chữa sạn thân, các nhà chuyên môn về khoa tiết niệu có thể áp dụng mấy cách sau đây: 



a- Theo dõi  - Đợi chờ.

Trong nhiều trường hợp, sạn nhỏ có thể được tiểu tiện ra ngoài, nhất là khi ta uống nhiều nước.  Mỗi lần tiểu, lọc coi có sạn nhỏ trong nước tiểu, đưa bác sĩ để phân loại. 



b- Dùng thuốc. Tùy theo loại sạn, sẽ có dược phẩm thích hợp.

Nếu sạn loại uric acid thì thuốc Allopurinol sẽ làm giảm hóa chất này trong máu, dung dịch Bicarbonate làm tan sạn. Đồng thời cần uống nhiều nước.

Sạn cystine thường rất hiếm, thuốc Penicillamine, Tiopronun thường được dùng để làm giảm cystine. Nên uống nhiều nước.

Khi sạn gây ra nhiễm trùng đường tiểu tiện, thuốc  kháng sinh được dùng trước khi sạn được lấy ra.



c- Nghiền sạn bằng sóng lực trong nước (Shock wave lithotripsy):

Đây là phương pháp trị liệu tương đối mới, được sáng chế bên Tây Đức và bắt đầu dùng ở Hoa Kỳ từ năm 1984.

Có nhiều loại máy nhưng nguyên tắc chung giống nhau: máy tạo ra những đợt sóng lực có sức mạnh làm rạn nứt, tan vỡ sạn mà không gây thương tích cho cơ thể. Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp sạn nằm ở thận hoặc phần trên của ống nước tiểu.

Người bệnh nằm trên một cái nệm nước hay trong bể nước, các đợt sóng có sức mạnh chuyển qua nước, dội vào nơi có sạn. Trung bình cần từ 200 tới 400 đợt sóng để làm vỡ sạn, đôi khi cần tới 1500 đợt. Thời gian chạy máy lâu khoảng từ 45 phút tới một giờ.

Phương pháp  có thể thực hiện trong ngày, sau vài giờ theo dõi, bệnh nhân có thể về nhà. Thường thường không cần đánh thuốc mê, nhưng để bớt đau, bệnh nhân được cho liều thuốc an thần. Bệnh nhân cũng mang máy bịt tai để tránh âm thanh to do sóng lực gây ra.

Khi về nhà, cần uống nhiều nước, đi tới đi lui, tiểu tiện ngay khi mót đái, lọc nước tiểu để theo dõi sạn ra nhiều hay ít.



d- Giải phẫu.

Khi sạn quá lớn mà các phương pháp trên không có kết quả thì nhiều phương thức giải phẫu được áp dụng và bệnh nhân cần được nhập bệnh viện để giải phẫu.

Với sạn nhỏ, bác sĩ có thể đưa một ống plastic đầu có dụng cụ gắp sạn vào ống tiểu hoặc thận để gắp sạn ra. 

Phòng ngừa lâu dài

Mỗi lần đau sạn là một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Cho nên để tránh sạn tái phát, người bệnh cần biết cách phòng ngừa, gồm có:

a- Uống nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước trong cơ thể, khiến nước tiểu cô đặc tạo ra cơ hội thuận tiện cho sạn kết tinh, đóng cục. Có bác sĩ khuyên phải uống chừng 10 ly nước một ngày.Tránh chất lỏng làm mất nước trong cơ thể như cà phê, rượu. Nhưng khi đau là lúc sạn di chuyển trong ống thì không nên uống nước. Sạn có thể làm kẹt niệu quản , đưa tới phình nở các khoang ở thận.

b- Ăn kiêng: sạn được cấu tạo bởi hóa chất có trong vài thực phẩm, nên ta cần tránh. Khi bị sạn calcium, ta cần giảm thiểu thực phẩm nhiều calcium như bơ sữa, chocolate, đậu phọng; với sạn uric acid thì ta cần bớt ăn thịt vì thịt làm tăng purine, tiền thân của acid này; còn sạn cystine thì cần giới hạn cá vì cá có nhiều chất cystine.

c- Uống thuốc theo toa bác sĩ và giữ hẹn để được theo dõi tình trạng sạn. Sự theo dõi này cần thực hiện hầu như suốt đời. 

Kết luận

Trong tất cả các trường hợp sạn bộ máy tiết niệu, số lượng nước tiêu thụ hàng ngày có  một vai trò rất quan trọng. Nước uống làm nước tiểu loãng và ngăn ngừa các tinh thể gây sạn kết tụ với nhau. Cho nên, mỗi ngày, người bị bệnh sạn  thận cần uống ít nhất tám ly nước hoặc nhiều hơn.

Xin lưu ý là  một số thực phẩm làm thay đổi mức độ kiềm hoặc acid của nước tiểu ( chỉ số pH) và có ảnh hưởng tới sự kết tinh các hóa chất trong sạn thận.

Rau, trái cây (ngoại trừ trái prune, plumbs, cranberries), sữa,  làm nước tiểu có độ kiềm.

Thực phẩm có nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, pho mát; trái plumb, prunes, cranberries, ngô báp, đậu lentils  làm nước tiểu có độ acid.

Ngoài ra, kinh nghiệm các cụ ta là nước sắc rễ đu đủ, nước ngô và râu ngô  luộc, nước sắc cây râu mèo cũng được dùng để làm tiêu sạn.

Xin quý thân hữu dùng thử coi xem có công hiệu không. Vừa rẻ tiền vừa  không sợ tác dụng phụ của hóa chất trong dược phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC



www.bsnguyenyduc.com

Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ

Vài hàng giới thiệu : Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.

http://www.youtube.com/user/DrNguyenYDuc/videos


VỀ MỤC LỤC


TỪ NỂ VỢ ĐẾN SỢ VỢ


TỪ NỂ VỢ ĐẾN SỢ VỢ

TỪ NỂ VỢ 

Báo Phụ Nữ Thứ Hai, số 111, ra ngày 8.11.2010, có đăng một mẩu chuyện như sau:

Trong buổi tuyên dương gia đình hạnh phúc, người ta đã hỏi một ông cụ 71 tuổi, nhân vật được tuyên dương:

- Xin bác cho biết làm thế nào bác giữ được hạnh phúc suốt 50 năm chung sống?

Ông cụ móm mén, đầy vẻ hài hước:

- Vợ chồng chúng tôi có một nguyên tắc: Cái gì quan trọng thì tôi quyết định, còn cái gì không quan trọng thì vợ tôi quyết định.

- Thế những vấn đề gì được xem là quan trọng ạ?

- Thú thật là…vấn đề đó do vợ tôi quyết định, nên suốt 50 năm qua, chúng tôi chưa gặp vấn đề quan trọng nào cả.

Và tác giả bài viết đã kết luận:

- Nếu phỏng vấn bất kỳ người chồng nào có “thâm niên” cơm lành canh ngọt với vợ, chắc chắn bạn sẽ được nghe nói đến một điều kiện quan trọng nhất: Nhường vợ. Cánh đờn ông chẳng thường nói đùa với nhau “Nhất vợ nhì trời” đó sao.

Lại có chuyện khác rằng:

Có một anh nọ xưa nay rất là sợ vợ. Vợ quát tháo thế nào, anh ta cũng ngậm miệng, không dám cãi một lời. Anh ta đi đánh bạc, mãi xẩm tối mới về. Thổi cơm ăn xong, chị vợ ngồi chờ chồng mỏi mắt. Chị ta tức lắm. Khi anh chồng vừa mới ló mặt vào ngõ, chị ta đã chạy ra túm ngực lôi vào nhà, gầm rít. Anh ta vừa gỡ tay vợ túm ngực, vừa kêu xin:

- Bỏ tôi ra! Tôi xin bu nó!

Chị vợ được thể càng làm già, túm luôn tóc ấn đầu anh ta xuống. Anh ta liền vung tay gạt ngã chị vợ, tát cho luôn chị vợ mấy cái, rồi trợn mắt, quát:

- Người ta đã sợ thì để cho người ta sợ chứ!

Và chuyện sau cùng:

Một trận mưa đám mây bất ngờ đổ xuống làm cho anh chồng kia không kịp chạy ra sân thu gom quần áo đang phơi. Và thế là anh ta liền bị bà vợ thuộc vào hạng sư tử Hà đông “tích” cho một trận tơi bời hoa lá cành.Thấy vậy anh chồng này, vốn là người hàng xóm, bèn mở miệng chê bai, phóng thanh qua dậu mồng tơi mà rằng:

- Sao ông hèn quá vậy, sao ông nhát quá vậy. Cứ để cho bà ấy làm tới hoài mãi sao? Phải tay tui thì…

Vừa nói đến đây, bỗng bà vợ xuất hiện. Bà đứng chống nạnh, trừng mắt và phán:

- Phải tay tui thì sao?

Và thế là anh chồng này bèn cúi mặt xuống như muông chim, miệng thì ấp a ấp úng:

- Dạ, phải tay anh, thì anh đã thu gom từ trước lúc trời mưa ạ.

Mencken có nói một câu đáng cho gã suy nghĩ: Khi một người đờn ông và một người đờn bà lấy nhau, thì họ chỉ còn là một người. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên là phải quyết định xem người đó là người nào?

Qua hai câu chuyện kể trên, gã nhận thấy quan điểm của tác giả Trần Triều trong bài viết “Nhất vợ” hơi bị đúng:

“Chuyện phái mạnh chấp nhận lùi một bước, để vợ ở “cơ trên” là hết sức bình thường. Và hơn thế nữa, chuyện vâng lời vợ để được yên ổn cũng chẳng có gì lạ. Người đờn ông vốn thích suy luận và phân tích, luôn hiểu rằng: Gây với vợ và trái lời vợ, thì từ chết đến bị thương, chỉ chuốc khổ thêm cho cả nhà mà thôi”.

Trước câu hỏi: Đờn ông vốn mạnh ngoài xã hội, nhưng sao lại “yếu” trong gia đình? Một anh chồng khác đã trả lời như sau:

“Thực ra không phải đờn ông sợ vợ, mà là sợ mất hoà khí trong gia đình. Với bản tính rộng lượng, anh chồng dễ chép miệng cho qua để yên chuyện. Khổ nỗi, mỗi lần được anh chồng nhịn là một lần chị vợ tưởng mình đúng hoàn toàn, nên cứ thế “phát huy”. Một lần, hai lần, ba lần và nhiều lần như thế, quyền lực của chị vợ tăng lên dần, khiến cán cân quyền lực trong gia đình nghiêng hẳn về bên nội tướng lúc nào cũng chẳng biết. Cái bi kịch khó giải quyết ở chỗ: Có những chị vợ thâu tóm quyền lực một cách quá đáng, mà vẫn nghĩ chân lý thuộc về họ, nên không chịu lùi một bước, không nghĩ mình còn phải biết tôn trọng anh chồng nữa”.

Được đàng chân lân đàng đầu. Chị vợ cứ vô tư phom phom tiến tới, đâu có ngờ rằng sức chịu đựng của anh chồng cũng có hạn, tới một lúc nào đó, tức nước ắt hẳn sẽ vỡ bờ, để lại những hậu quả não nùng và bi đát. Một anh chồng đã tâm sự như sau: 

“Nhịn mãi, nhịn hoài đến lúc không nhịn được nữa, tôi đã nghĩ:

- Một sự nhịn là chín sự…nhục.

Thế nên, thỉnh thoảng tôi bất ngờ quật lại vợ một phát, khiến bà ấy cũng tá hoả. Tôi vô tình nghe được vợ tâm sự với người bạn qua điện thoại:

- Ông nhà tôi lạ lắm, vốn hiền lành, nhưng lâu lâu lại nổi khùng bất tử, làm mình cũng sợ thật. Mà sao lạ thế nhỉ?

Tôi cười thầm trong bụng, hoá ra bà ấy cũng biết sợ, thế là còn may. Thực ra, lâu lâu vùng lên một lần chỉ để vớt vát lại đôi chút quyền lực, cho bà ấy “tỉnh ngộ”, chứ lúc nào cũng nhịn, thì vợ dễ “hư” lắm. Nói ra nghe kỳ cục, chứ khoảng một tháng là tôi lại cãi vợ một lần và có thể gây nhau từ cuộc cãi vã đó”.

 

ĐẾN SỢ VỢ 

Thế nhưng, có người lại cho rằng sợ vợ là một căn bệnh di truyền hay mãn tính của nhiều anh chồng. Căn bệnh mãn tính này đã bén rễ sâu vào tâm can tì phế, và lục phủ ngũ tạng, khó lòng mà chạy chữa;

"Sợ vợ" là chứng nan y

            Cố công, chạy chữa thuốc gì cũng toi!

            Cái này lệ thuộc giống nòi

            Di truyền trong máu phải coi kỹ càng

            Xin đừng hụt hẫng, hoang mang

            Nên đi xét nghiệm..chớ than, chớ sầu!

Nhiều anh chồng chẳng những không hổ thẹn, mà lại còn rất lấy làm hãnh diện về cái “nhân đức sợ vợ” của mình:

Tôi đây thích sợ vợ nhà 

Thì đâu có sợ người ta chê cười.

Vợ tôi, tôi sợ kê tôi

Miễn tôi không sợ vợ người thì thôi.

Người xưa thường bảo với tôi

Vợ mày mày sợ thế là người khôn

Chớ không mày đã không còn

Công ơn vợ dưỡng nên chồng hôm nay.

Là người phải biết nghĩ dài

Mai sau già yếu ngày ngày vợ nuôi

oOo

Sợ vợ, đôi chữ nghe thanh



Thời nay sợ vợ, nổi danh... anh hùng

Người ta cứ bảo tui khùng

Đường đường quân tử, nhưng chùn hồng nhan

Thời nay sợ vợ mới sang

Chớ không sợ vợ, có màn ra hiên.

Sở dĩ như vậy là vì “nhân đức sợ vợ” sẽ đem lại cho anh chồng nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống:

Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,

Nhất vợ nhì trời là chuyện tự nhiên.

Đàn ông sợ vợ thì sang,

Đàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.

Đàn ông không biết thờ "bà"

Cuộc đời lận đận kể là vứt đi.

Đàn ông sợ vợ ai khi,

Vợ mình, mình sợ sá gì thế gian!

Đàn ông khí phách ngang tàng,

Nghe lời vợ dạy là hàng "trượng phu."

Đàn ông đánh vợ là ngu,

Tốn tiền cơm nước, ở tù như chơi.

Mặc dù đôi lúc cũng cảm thấy xót xa cho thân phận làm chồng của mình:

Lấy nàng từ thuở mười nhăm,

Đến khi mười chín tôi đà năm con.

Nàng thì trông hãy còn son,

Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời.

Nắng mưa là chuyện của trời,

Tề gia nội trợ có tôi bao thầu.

Suốt ngày cày cấy như trâu,

Chiều về rửa chén cũng "ngầu" như ai.

Nấu cơm, đi chợ hàng ngày,

Bồng con, thay tã tôi đây vẹn toàn.

Lau nhà, lau cửa chẳng màng,

Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu.

Nhiều khi muốn hộc xì dầu,

Xin nàng nghỉ phép, nàng chau đôi mày.

Nàng đòi thi đấu võ đài,

Tung ra một chưởng, chén bay ào ào.

Nhớ xưa mình mới quen nhau,

Em ăn, em nói ngọt ngào dễ thương.

Cho nên tôi mới bị lường,

Mang thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng.

Nhưng dầu sao chăng nữa, thì cuối cùng vẫn một lòng một dạ thuỷ chung cùng nàng:

Than ôi thực tế phũ phàng,

Mày râu một kiếp thôi đành đi đoong.

Một lòng thờ vợ sắt son,

Còn non còn nước thì tôi còn... thờ.

Tóm lại, người khôn thì phải “ăn lời vợ”, chỉ kẻ dại khờ mới dám cãi lại mà thôi:

Đàn ông nể vợ là sang,

Ngồi nghe vợ dạy là hàng trượng phu.

Đàn ông đánh vợ là ngu,

Vừa mất tiền thuốc vừa tù chung thân.

Tới đây, gã xin mượn câu truyện của tác giả Thảo Trần trên báo Phụ Nữ Việt Nam như một kết luận. Tác giả viết như sau:

Tớ sợ vợ.

Vợ ghê gớm nên chồng sợ vợ thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng vợ tớ lại không ghê gớm mà tớ vẫn sợ mới là điều để nói, nên tớ nói ra để các chị em nghe mà học.

Tớ cũng lắm tội như nhiều đàn ông khác, cũng nhậu nhẹt bia bọt, cũng về muộn, ít ăn cơm nhà, cũng một tấc đến trời, trăm voi không được bát nước xáo. Nhưng vợ tớ lại chẳng giống vợ các ông ấy. Cô ấy không gầm gào, chì chiết khi thấy chồng về muộn. Không rình rập, theo dõi khi chồng nói là đi họp hành, công tác. Không phong tỏa kinh tế, không theo dõi điện thoại. Nghĩa là vợ tớ để tớ tự giác hoàn toàn (chứ không phải là mặc xác đâu).

Càng nghĩ đến vợ, tớ càng phục cô ấy. Vợ tớ là người đàn bà đảm đang, chịu thương chịu khó. Việc nhà cô ấy làm tất, không bắt tớ làm gì cả. Nhưng có hôm thấy cô ấy mệt, tớ bảo để tớ rửa bát chẳng hạn, là mắt cô ấy nhìn tớ cực kỳ âu yếm, cô ấy hôn tớ đánh chụt rồi bảo: “Ôi! Anh thật tuyệt vời. Hôm nay em thấy mệt. May quá...”.

Thế là thỉnh thoảng muốn được vợ hôn và cám ơn, tớ lại đóng vai người chồng tốt. Thực ra so với cô ấy thì tớ làm việc nhà chỉ bằng cái móng tay, nhưng chỉ thế thôi mà vợ tớ đã cảm động lắm, nên yêu tớ nhiều hơn và tớ cũng yêu vợ, biết ơn vợ nhiều hơn.

Vợ vò võ ở nhà chăm con, lo chuyện gia đình, tớ thì cứ tớn lên đánh đu với đám bạn ở quán, nhưng vợ tớ không cáu. Hôm nào tớ về sớm, vợ nhìn thấy mừng như bắt được vàng, reo tướng lên: “Ôi, hôm nay anh ngoan quá, về sớm... Sướng thật”. Nghe thế lòng dạ tớ cứ sướng mê tơi. Nhìn mắt vợ sáng long lanh mà lòng cũng thấy vui.

Thế là thời gian nhậu của tớ cứ ngắn dần khiến đám bạn gán cho tớ danh hiệu sợ vợ. Điều mà tớ yêu nhất và cũng nể nhất ở vợ là cô ấy biết cám ơn và xin lỗi từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Nhiều bà vợ hiếu thắng, hay tranh cãi đến thắng mới thôi, nhưng vợ tớ mà thấy ý kiến hai đứa trái nhau thì cô ấy không tranh cãi nữa mà sau đó cô ấy đi tìm tài liệu để xem ý nào đúng rồi mới nói tiếp. Cô ấy bảo: Đó không phải là hiếu thắng mà muốn có kiến thức. Khi biết ý mình sai thì cô ấy nói: “... Anh nói đúng, còn em thì sai rồi, xin lỗi chồng nhé”.

Tớ thích vợ tớ ngay cả ở cách nói lời xin lỗi và cám ơn, rất vui vẻ và chân thành. Ví như: “Hôm nay mẹ nấu cơm khô quá. Xin lỗi cả nhà nhé”; “Xin lỗi con bé bỏng. Hôm nay mẹ cáu con thế là mẹ sai rồi. Nhưng lần sau con đừng làm thế nữa nhé...”.

Tớ sợ nhất là khi mở cửa ra thấy vợ ngồi nghiêm túc ở bàn nước chờ mình. Những lúc ấy tớ sợ vãi cả linh hồn vì biết vợ đang cáu lắm. Vợ tớ mà cáu thực sự không bao giờ cô ấy to tiếng, không bao giờ xưng hô anh với tôi. Cô ấy rất giỏi kìm chế. Cô ấy bảo: “Cả giận mất khôn. Mỗi lời nói khi mất khôn sẽ làm sứt mẻ tình vợ chồng, em chả dại...”. Vì vậy mà vợ tớ rất bình tĩnh bảo: “Anh ngồi đây, em muốn nói chuyện với anh...”, thế là cô ấy đem tội của tớ ra nói, cô ấy phân tích tác hại, cô ấy nói sự lo lắng của cô ấy... Sau mỗi lần “em muốn nói chuyện với anh” của vợ là tớ sợ hàng tháng, ngoan ngoãn hàng tháng vì biết mình đã bước đến giới hạn chịu đựng của vợ.

Tớ đẹp trai lại tốt tính nên cũng lắm cô thích, nhưng rồi họ bảo tớ là thầy tu. Mấy thằng bạn thì bảo tớ sợ vợ. Có cậu còn nghĩ vợ tớ ghê gớm lắm, hay ghen lắm nên tớ cứ nhũn như con chi chi. Quả là oan cho vợ tớ. Thực ra, với người vợ đáo để ghê gớm, chồng sợ là sợ mất thể diện, chứ chẳng phải sợ gì vợ, có khi còn ghét là đằng khác. Chả thế mà nhiều anh chán vợ, có bồ là vì thế. Dùng chiêu lạt mềm buộc chặt như vợ tớ mới là cao thủ.

Có lẽ mỗi người chúng ta nên nhiệt liệt hoan hô những anh chồng sợ vợ, bởi vì:

Kính vợ đắc thọ.

Sợ vợ sống lâu.

Nể vợ bớt ưu sầu.

Để vợ lên đầu,

là trường sinh bất tử.

Gã Siêu gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC


Giáo sĩ: xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân



- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com
- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ; Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)


- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net
Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị
Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.
TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam
Lm. Luca Phạm Quốc Sử USA

1 Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam http://www.hdgmvietnam.org/duong-huong-muc-vu-cua-giao-hoi-chua-kito-tai-viet-nam/5540.63.8.aspx




tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương