Bán nguyệt san – Số – Chúa nhật 18. 08. 2013



tải về 1.06 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích1.06 Mb.
#36458
1   2   3   4   5   6

CHÚT TÌNH RIÊNG



Ở đời, có những chuyện riêng người ta giữ kín trong lòng chỉ để cho lòng mình biết. Thế nhưng cũng có những chuyện riêng như là kỷ niệm, như là niềm vui người ta muốn gửi đến cho những người thân quen khi có dịp. Kỷ niệm riêng, chút tình riêng ấy sẽ ở lại mãi trong lòng người cảm nhận.

Dăm ba năm trước, khi về chủ sự Lễ Hành Hương Minh Niên tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, Đức Cha Phêrô phụ tá không ngần ngại nói lên tâm tình, nói lên tình riêng của mình. Đức Cha nói rằng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng là nơi rất thân quen từ những ngày còn làm thầy và khi đã lãnh sứ vụ linh mục. Ngài thường lui tới nơi mảnh đất thiêng này và đặc biệt với Núi Đức Mẹ để thủ thỉ, để thỏ thẻ với Mẹ lòng của Ngài. Trở về Đền Đức Mẹ dâng Lễ lại nhớ lại hình ảnh ngày xưa và lại nhớ lại những ơn lành Mẹ trao ban cho Ngài.



Mới đây, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - giám mục giáo phận Cần Thơ - cũng trở về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để dâng lễ mừng kính Thánh Anphongsô đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế.

Cảm xúc trào dâng, Đức Cha lại gửi đến tâm tình hết sức riêng và hết sức đặc biệt của Ngài : "Ngay từ nhỏ, lúc đó tôi khoảng chừng 8 tuổi. Mỗi lần đi Lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, sau Lễ, mẹ tôi dẫn tôi ra núi Đức Mẹ đọc kinh rất lâu". Còn nhỏ tôi chẳng hiểu gì nhưng tôi nghĩ rằng mẹ tôi nói với Đức Mẹ : "Mẹ ơi ! Con là người vợ góa, nhiều con thơ, một mình con không làm nổi gì đâu, Mẹ không tiếp sức thì con không làm gì được".

Đức Cha ngừng lại một chút vì xúc động, tình thương của người con nhớ về mẹ của mình lại trào dâng, ngừng lại hơi nghẹn lời một chút rồi Ngài tiếp : "Mẹ tôi cầu nguyện với Mẹ và rồi Mẹ tôi nuôi các con ăn học. Tôi năm đó 8 tuổi, đứa út mới có 1 tuổi. Mẹ tôi nuôi chúng tôi và chúng tôi, anh em chúng tôi đứa nào cũng biết đọc biết viết. Mẹ tôi cầu nguyện với Đức Mẹ. Đó là bài học cho chính tôi, mỗi khi tôi gặp khó khăn thử thách thì chạy đến Đức Mẹ. Lúc tới đây, trước khi thăm các cha các thầy, tôi đã tới núi Đức Mẹ để cầu nguyện".

Các đức cha có chút tình riêng với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nói như thế. Nếu có dịp được nói, tôi cũng sẽ nói như thế này :

Ngày còn bé, chắc cũng vào khoảng 8 tuổi, Dì ruột của tôi ở Gia Kiệm, cứ mỗi lần Dì về Sài Gòn là Dì lại dẫn tôi lên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Mỗi lần lên nhà thờ Dòng thì Dì lại dẫn tôi quỳ trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở cánh trái của nhà thờ. Chẳng biết Dì nòi gì nhưng chỉ thấy Dì cầu nguyện với Đức Mẹ thật lâu. Chưa hết, Dì còn dẫn tôi ra trước núi Đá của Mẹ để cầu nguyện thật lâu.

Khi xem lại hình kỷ niệm của gia đình, chỉ còn được vài tấm hiếm hoi. Có một tấm giá trị đó là hình cưới của ba mẹ tôi. Nhìn trong ảnh lại hình ảnh thân quen hiện ra đó là bức ảnh lưu niệm ngày cưới của ba mẹ tôi được chụp trước núi Đức Mẹ cùng với Cha Eugène Larouche Dòng Chúa Cứu Thế. Lại dính dáng đến Mẹ Hằng Cứu Giúp tại ngôi đền thiêng thánh này.

Không chỉ thế, ông bà ngoại tôi cũng là giáo dân của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Cha Gioan Nguyễn Văn Thính trước khi mất cũng đã cho tôi những kỷ niệm về ông bà ngoại.

Cả cuộc đời cứ ở trong bàn tay của Mẹ Hằng Cứu Giúp thì phải.

Ba mẹ cưới nhau cũng ở ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này, tôi khấn dòng cũng tại ngôi Đền này, lãnh sứ vụ linh mục cũng tại ngôi Đền này và ... hy vọng chết cũng được chết trong tay của Mẹ ở ngôi Đền này.

Chắc có lẽ không chỉ các đức cha, bản thân tôi nhưng rất, rất nhiều người hơn một lần đến đây với Mẹ và ít nhiều gì đó cũng đã nhận ơn lành của Chúa đến từ Mẹ. Và như thế, tình riêng của mỗi người, ngày mỗi ngày lại sâu lắng, lại trào tràn đến với những ai chạy đến Mẹ.

Ngày này đây, ngày mỗi ngày và hàng giờ, hàng phút mỗi khi cổng Đền Thờ mở, lúc nào cũng có người đến với Mẹ để thỏ thẻ, thủ thỉ tâm tình với Mẹ. Cứ nhìn vào quyển sổ tâm tình với Mẹ ta nhận ra tình riêng của con với Mẹ. Những quyển sổ dày đặc lời xin ơn, lời tạ ơn cũng chưa nói hết tình riêng của những người đến đây. Nhiều và nhiều ơn lành khác mà chỉ người nhận và người trao ban mới biết mà thôi.

Tình riêng với Mẹ là vậy. Con thưa với Mẹ, Mẹ nghe con, Mẹ hiểu con và con yêu Mẹ.

Chút tình riêng cộng lại thành tình yêu lớn tại ngôi Đền Thánh Thiêng này.

Những ai đến với Mẹ chắc chắn sẽ không phải về tay không bởi lẽ lòng Mẹ bao la như mây trời và mênh mông như biển lớn.

Anmai, CSsR


VỀ MỤC LỤC


BIẾT ĐỦ


Chúa Nhật 18C

Thanh sang Mĩ được hơn ba mươi năm rồi. Anh lớn lên từ một vùng đất nghèo. Ngày rời quê hương, anh hi vọng sẽ hạnh phúc hơn vì sẽ có một sự nghiệp rực rỡ.
Sau khoảng hai mươi năm bươn chải, làm việc chăm chỉ, anh mua được một căn nhà rộng có 4 phòng ngủ với nội thất toàn đồ đạc sang trọng và một chiếc xe Mercedes hạng sang. Trong xã hội, nhiều người mơ ước giống anh nhưng không được. Có thể nói anh đã ổn định về mặt vật chất và địa vị xã hội. Tuy thế, Thanh vẫn cảm thấy không thỏa mãn với những gì mình đang có. Anh tự hỏi tại sao lại chưa thấy hạnh phúc: Có phải vì tôi chưa có nhiều nên chưa thoải mái? Tôi sẽ hạnh phúc hơn khi có thêm một cái nhà bên bờ biển để cuối tuần đi thư giãn? Tôi sẽ cảm thấy an vui hơn nếu ngồi được vào vị trí cao hơn trong công ty?
Thế là anh tiếp tục lao vào cuộc tích góp của cải vật chất và phát triển tiếng tăm. Cuối cùng, sau gần mười năm, anh có được những điều mình mơ ước. Nhưng anh vẫn không thấy mình thật sự hạnh phúc. Rõ ràng là anh đã có rất nhiều, nhiều hơn rất nhiều người. Câu hỏi tại sao tiếp tục treo lơ lửng trong tâm trí anh.
Một Chúa Nhật kia, gia đình Thanh đi Lễ chung. Đã lâu lắm rồi, cả nhà chưa có dịp cùng đi Lễ với nhau như vậy. Việc đi Lễ  đối với Thanh nhiều năm nay chỉ là một bổn phận phải làm theo thói quen mà cha mẹ đã truyền lại. Nhưng không hiểu sao ngày hôm ấy Thanh cảm thấy xúc động mạnh bởi các bài Lời Chúa mà đã nghe khá nhiều lần. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giảng Viên mở đầu thế này: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”” (Gv 1:1)
“Không. Không thể như thế được.” Thành tự nói trong tâm trí mình như muốn phủ nhận những gì anh đang nghe.
Tiếp theo, bài đáp ca bằng Thánh vịnh 90 được xướng lên:

Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,

Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”

Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi !          

 

“Ừ nhỉ. Câu này nghe có lí vì con người đến trong và ra đi khỏi cuộc đời này như một làn gió thoảng qua.” Thành bắt đầu ngẫm nghĩ sâu hơn.


Trong bài đọc thứ 2 trích từ thư của Thánh Phao-lô, Thanh nghe rõ nhất câu này: “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5) Anh chợt thấy … nhột nhột.
Cuối cùng bài Tin Mừng được vị phó tế vĩnh viễn đọc vang lên. Thầy Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.
Chữ “tham lam” làm Thanh suy nghĩ. Anh tự hỏi bản thân có tham lam không. Không, anh không nghĩ mình là kẻ tham lam vì anh chẳng lấy của ai cái gì. Những gì anh có là do bàn tay lao động của anh làm ra.
Thánh Lễ kết thúc. Đang trên đường ra lấy xe để về nhà, Thanh nhìn thấy phía trước mình anh chàng nhân viên lau dọn trong công ty. Bỗng nhiên Thanh nhận ra sự khác biệt rất rõ giữa anh và người ấy. Khác biệt thứ nhất: Xe hơi của Thanh đắt tiền hơn xe hơi của anh ta. Khác biệt thứ hai: Nhà của Thanh mới và rộng hơn nhà anh ta. Khác biệt thứ ba: Thanh tướng tá đẹp trai hơn anh ta. Khác biệt thứ tư: Thanh có bằng cấp cao hơn anh ta. Nhưng khác biệt thứ năm mới làm Thanh để ý nhất, đó là: Thanh cười không tươi bằng anh ta. Nói cách khác, Thanh cảm thấy mình không bình an như người ấy.
Chiều hôm ấy, Thanh quyết định gọi điện với lý do thăm hỏi anh nhân viên nọ nhưng thực ra là đang loay hoay đi tìm câu trả lời cho khúc mắc trong lòng mình. Trong câu chuyện giữa hai người, Thanh nhận ra thêm những thua kém vật chất danh vọng của anh nhân viên. Cuối cùng, Thanh nói người ấy:
“Cậu có cần giúp đỡ gì thì cứ cho tôi biết.”
Người ấy đáp lại một cách chân tình: “Cám ơn sếp. Em thấy mình như vậy là đủ để hạnh phúc rồi.”
Thanh chợt giật mình khi nghe “đủ để hạnh phúc”. Phải rồi, đây là chìa khóa giải gỡ khúc mắc bấy lâu nay. Anh nhân viên lau chùi có thể không đủ tiền để mua cái nhà lớn hơn, không đủ bằng cấp để xã hội phải cung kính, không đủ quyền lực để sai khiến thiên hạ,… nhưng anh ta biết xem những gì mình đang có là đủ để tâm hồn thanh thản hạnh phúc.
Các ý nghĩ bỗng dồn về rất nhanh trong tâm trí giúp Thanh phản tỉnh. Rõ ràng là Thanh đang có “đủ để hạnh phúc”. Anh có một mái ấm gia đình quý giá mà anh lâu nay bỏ lơ. Đức tin cho anh ý nghĩa cuộc đời và bình an, vậy mà bấy lâu nay anh chẳng hề để ý chăm sóc. Của cải anh đang có là những hồng ân, vậy mà anh vẫn nghĩ là đương nhiên. Bầu trời trong veo mùa thu xinh đẹp thế mà hôm nay anh mới thấy…. Nguyên nhân của việc anh cảm thấy mình không hạnh phúc thật sự rất đơn giản: vì anh chưa biết ĐỦ. Vì chưa biết đủ nên anh chưa biết thưởng thức trọn vẹn. Đến lúc này thì anh nhận ra rằng không biết đủ là một dạng tham lam tinh tế. Hóa ra bấy lâu nay anh là một kẻ tham lam ngu ngốc mà không biết. Biết đủ không phải là dậm chân tại chỗ khước từ sự cầu tiến và phát triển, nhưng biết đủ là khôn ngoan tận hưởng những gì mình đang có trong tay một cách trân trọng và đầy tròn nhất.
Cuộc nói chuyện hôm ấy kết thúc bằng những tiếng cảm ơn được lặp đi lặp lại liên tục từ miệng Thanh. Anh nhân viên không hiểu sao sếp lại cảm ơn mình, mà lại cảm ơn nhiều lần nữa chứ. Còn Thanh thì vui mừng như tìm được một kho tàng chôn giấu bấy lâu nay. Thanh tự nhủ sẽ tìm cách “đền ơn” người nhân viên của mình.
Hôm nay, nhờ sống hai chữ BIẾT ĐỦ mà Thanh là một người hạnh phúc hơn nhiều. Anh có thêm không gian và thời gian để thưởng thức những điều quan trọng nhất của cuộc đời. Tốt hơn nữa, Thanh nhận ra một chân lý mà Thánh Tê-rê-xa thành Avila đã khám phá cách đây mấy trăm năm: có Chúa là có đủ.
Giuse Việt, O.Carm.

[30A+V0713]


English: http://only3minutes.wordpress.com/enough/

VỀ MỤC LỤC


TÌNH YÊU TRONG SỰ THẬT, CỐT LÕI CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

 

Đan Quang Tâm



(Trích tập san GHXHCG số 9)  

Caritas in veritate là nguyên tắc xây dựng nên học thuyết xã hội của Hội Thánh, một nguyên tắc hành động theo các tiêu chí định hướng cho hành động luân lý” (Thông điệp Caritas in Veritate, sau đây gọi tắt là CiV, 6). Một đóng góp quan trọng của Đức Bênêđictô XVI cho huấn quyền về xã hội của Hội Thánh là giới thiệu và triển khai ý tưởng “tình yêu trong chân lý” như là nhân đức cốt lõi trong giáo huấn xã hội Công giáo. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng sự nhấn mạnh này về tình yêu của Đức Bênêđictô đi chệch hướng giáo huấn xã hội truyền thống. Đức Gioan XXIII dạy rằng tình yêu “tóm lược toàn bộ giáo huấn và hoạt động Hội Thánh” (Thông điệp Mater et Magistra, 6). Mặc dù các giáo hoàng từ Đức Lêô XIII trở về sau đều cho rằng nguyên chỉ có công bằng thì chưa đủ để lập nên trật tự xã hội, mà cần phải có thêm tình yêu, nhưng chỉ có Đức Bênêđictô mới đặt tình yêu ở vào tâm điểm của học thuyết xã hội Công giáo. Ngài nhận rằng tình yêu là nguồn lực độc đáo của toàn bộ học thuyết xã hội, có vị trí còn cao hơn đức công bằng xã hội, vốn từ lâu đã được xem là nhân đức cốt lõi của giáo huấn xã hội Công giáo. 



“Tình Yêu – caritas – là một sức mạnh phi thường thúc đẩy con người can đảm và quảng đại dấn thân trong lĩnh vực công lý và hòa bình. Đó là một sức mạnh bắt nguồn từ Thiên Chúa, Tình Yêu Vĩnh Cửu và Sự Thật Tuyệt Đối” (CiV, 1). Tình yêu “đem lại thực chất cho mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa và với người gần bên; tình yêu là nguyên tắc không những của các quan hệ vi mô (với bạn bè, các thành viên trong gia đình hoặc trong những nhóm nhỏ) mà còn là của những quan hệ vĩ mô (xã hội, kinh tế và chính trị)” (CiV, 2).

Tình yêu ở đây là đề tài được khai triển trong Thông điệp đầu tiên Deus Caritas Est (viết tắt là DCE) của Đức Giáo hoàng Bênêđictô. Tình yêu trong Caritas in Veritate phải được hiểu theo ý nghĩa được diễn giải trong Thông điệp Deus Caritas Est. Đức Bênêđictô nhận xét rằng trên thế giới ngày nay “tình yêu đã và đang tiếp tục bị hiểu lầm và bị tước đoạt ý nghĩa. […] Trong các lĩnh vực xã hội, pháp luật, văn hóa, chính trị và kinh tế  – nói cách khác, các bối cảnh bị phơi nhiễm nhất trước nguy cơ này – tình yêu dễ bị gạt đi như là không liên quan đối với việc diễn giải và định hướng trách nhiệm luân lý. Do đó phát sinh nhu cầu liên kết tình yêu với sự thật không những theo hướng mà Thánh Phaolô đã chỉ ra, là chiều hướng veritas in caritate (Ep 4,15), nhưng còn theo chiều ngược lại và mang tính bổ sung, đó là chiều hướng caritas in veritate. Sự thật cần được tìm kiếm, khám phá và diễn tả trong “nhiệm cục” tình yêu, nhưng tình yêu đến lượt mình, cũng cần được hiểu biết, khẳng định và thực hành trong ánh sáng của sự thật” (CiV, 2).  

Cần lưu ý, tình yêu hiểu cho đúng nghĩa, “không phải chỉ là một cảm tính” bởi vì “cảm tính đến rồi đi” (DCE, 17), trong khi tình yêu thì bền vững “theo nghĩa ‘mãi mãi’ (DCE, 6). Thế nhưng, “không có sự thật, tình yêu suy thoái và trở thành cảm tính. Tình yêu trở thành một cái vỏ trống rỗng, được lấp đầy một cách tùy tiện” (CiV, 3). 

Trên cấp độ cơ bản nhất, tình yêu và sự thật bổ sung, hoàn tất cho nhau trong đó “hành động mà thiếu hiểu biết thì mù quáng, còn tri thức thiếu tình yêu thì cằn cỗi” (CiV. 30). Nghĩa là con người được thúc đẩy tìm kiếm sự thật và chia sẻ sự thật với nhau vì tình yêu. Ngược lại, con người chỉ yêu thực khi các hành động của mình phù hợp với sự thật. Đức Bênêđictô nói: “Chỉ có ở trong sự thật thì tình yêu mới chiếu sáng, chỉ có trong sự thật thì tình yêu mới thực sự sống. Sự thật là ánh sáng mang lại ý nghĩa và giá trị cho tình yêu” (CiV, 3). Nói cách khác, “tình yêu không loại trừ tri thức, trái lại, còn đòi hỏi, cổ vũ và làm sinh động tri thức từ bên trong” (CiV, 30).

Đức Bênêđictô viết tiếp về tương quan giữa tri thức và tình yêu: “Tri thức và tình yêu không ở trong những gian phòng tách biệt: tình yêu phong phú nhờ tri thức và tri thức tràn đầy tình yêu” (CiV, 30).

Đến đây, ta có một định nghĩa hoàn toàn mới về học thuyết xã hội: học thuyết xã hội là học thuyết về “caritas in veritate in re sociali” (tình yêu trong sự thật trong những vấn đề xã hội). Caritas in veritate” chính là nguyên tắc cốt lõi để xây dựng nên học thuyết xã hội của Hội Thánh.

 _______

Tài liệu tham khảo:

“Ever Ancient, Ever New, Caritas in Veritate and Catholic Social Doctrine”, Linh mục Thomas D. Williams, L.C., Alpha Omega, XIII, n.1, 2010 – pp. 45-66

“Love, Truth and the Economy: A Reflection on Benedict XVI’s Caritas in Veritate”, Giáo Sư Luật John M. Breen, Loyola University Chicago School of Law, Havard Journal of Law & Public Policy, Vol. 33.

 Augustinô Đan Quang Tâm



VỀ MỤC LỤC


tải về 1.06 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương