Biển-đức XVI. Những Trao Đổi Cuối Đời. Với Peter Seewald



tải về 1.13 Mb.
trang55/61
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích1.13 Mb.
#39400
1   ...   51   52   53   54   55   56   57   58   ...   61
Đó là sáng kiến của Ngài?
Đúng. Thêm vào đó là những luật được ban hành do tôi trách nhiệm, chẳng hạn như luật triệt tiêu việc rửa tiền. Nó rất được quốc tế hoan nghênh. Dù sao, tôi đã làm khá nhiều chuyện, để cải tổ IOR. Tôi cũng đã tăng cường hai ủy ban quốc tế, để kiểm soát nó, và đã có được những tiến bộ đáng kể. Tôi đã âm thầm đóng góp trong việc ra luật và trong nhiều công việc cụ thể khác. Tôi nghĩ, giờ đây người ta có thể dựa vào đó mà đi tới.
Dưới thời Ngài đã lộ ra nhiều chuyện được bưng bít từ lâu.
Dĩ nhiên tôi đã muốn làm nhiều hơn những gì tôi có thể. Do những lời nói lên trong chặng đường thánh giá thứ chín [khi hồng y Ratzinger đề cập tới những xấu xa trong Giáo Hội], nhiều người đã nói rằng: Ấy, Giáo Tông giờ đây đã ra tay! Tôi cũng muốn điều đó, nhưng giải quyết nó là chuyện chẳng dễ chút nào cả. Các vấn nạn cơ chế và nhân sự chòng tréo vào nhau, nếu nóng vội thì lại hư chuyện, thay vì chữa lành. Vì thế đã phải cẩn thận và chậm rãi tiến hành.
Sau khi từ chức, người ta mới biết được là Ngài đã sa thải nhiều trăm linh mục.
Khi sự việc nổ ra, giáo luật chỉ cho phép treo chén mà thôi. Nhưng so với luật pháp hoa-kì, thì hình phạt đó không đủ, vì đương sự vẫn tiếp tục là linh mục. Và chúng tôi đã cùng với các giám mục hoa-kì quyết định: Phải sa thải, phải cho hoàn tục các linh mục này, có như thế mới gọi là phạt.
Ngài đề cập tới thời còn làm Bộ Trưởng.
Vâng, đúng. Rồi tôi cho sửa lại hình luật vốn tự nó rất yếu, để đặc biệt bảo vệ các nạn nhân và nhờ đó có thể ra tay nhanh hơn. Là vì các vụ án kéo dài lê thê, và sau mười năm mới có thể phạt một ai, thì sự việc lúc đó đã quá trễ.
Ngài đã sa thải trên dưới 400 linh mục…
Lúc tôi đã trở thành Giáo Tông và đã có được những khoản luật cải tổ trước đây.

Cả chuyện về Williamson [một giám mục thuộc Huynh Đoàn Pi-ô bị vạ tuyệt thông; Giám Mục này không chấp nhận có chuyện Quốc-xã giết dân Do-thái và đã được giáo tông Biển-đức giải vạ tuyệt thông. Người dịch], mà chúng ta đã bàn cặn kẽ trong cuốn „Ánh Sáng Thế Gian“. (8) Một câu hỏi chót về chuyện này: Chính xác vào lúc nào Ngài được thông báo về những khó khăn gặp phải?
Được thông báo sau khi sự việc đã xẩy ra. Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi, tại sao không ai trong chúng tôi biết trước được chuyện này. Tôi không thể tưởng tượng được điều này.

Quốc Vụ Khanh của Ngài, hồng y Bertone, đã có thể yêu cầu Ngài rút lại quyết định chứ.

Vâng.
Và thế là xong mọi chuyện.


Dĩ nhiên. Nhưng tôi không tin hồng y Bertone đã biết trước chuyện này; tôi không thể tưởng tượng được việc ông đã biết trước.
Có thể coi vụ Williamson là một biến cố sang trang của nhiệm kì của Ngài. Ngài có nghĩ như thế không?
Thời đó người ta đã tạo ra một trận chiến tuyên truyền ghê gớm chống lại tôi. Những kẻ chống tôi rốt cuộc đã có cớ để nói rằng, tôi là người không có khả năng và không thích hợp cho vị trí lãnh đạo. Quả đó là thời khắc đen tối và nặng nề cho tôi. Nhưng rồi người ta đã hiểu ra, là tôi quả thật không được thông tin đầy đủ về trường hợp này.
Đã không có một hậu quả nhân sự nào về vụ này?
Không. Chỉ có việc tôi đã tổ chức lại hoàn toàn mới Uỷ Ban Ecclesia Dei, vốn là kẻ trách nhiệm trong vụ này, vì qua sự vụ xẩy ra, tôi nghiệm thấy, nó không hoạt động đúng đắn.
Phải chăng Ngài quá mềm yếu?
Tôi nghĩ tất cả lỗi là do Uỷ Ban, nên tôi đã cải tổ nó tận căn.
Hai tác giả người í Andrea Tornielli và Paolo Rodari đi tới kết luận trong cuốn sách Attacco a Ratzinger [Tấn Công Ratzinger] vốn được phổ biến trước khi vụ Vatileaks xẩy ra của họ, là đã có những âm mưu, những chiến dịch truyền thông và những tấn công từ phía những nhóm chống Công Giáo nhằm chống lại Giáo Tông. Ngài có nghĩ rằng, đã có những âm mưu hay chống phá nào trong giáo triều không?
Không, có lẽ tôi không nói được. Dù sao, tất cả những vị lãnh đạo, các bộ trưởng và chủ tịch hội đồng, đều đứng về phía tôi.
Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone là người đặc biệt phải chịu nhiều búa rìu công luận. Bertone không xuất thân từ giới ngoại giao. Người ta bảo, nếu được điều hành bởi một người chuyên môn hơn, thì đã tránh được nhiều chuyện tạo gánh nặng cho Ngài. Tại sao không đổi nhân sự cho vai trò trọng yếu này?
Vì tôi không thấy có lí do để đổi. Bertone đúng không phải thuộc giới ngoại giao, nhưng ông là một tuyên úy, giám mục và nhà thần học, giáo sư, nhà giáo luật. Là chuyên gia giáo luật, ông cũng dạy luật quốc tế và nắm vững các khía cạnh pháp lí của vai trò mình. Vấn đề đơn giản là ông bị tiên kiến bởi một số thành phần. Và họ tìm mọi cơ hội, để minh chứng điều họ tin. Vâng, có thể ông có lỗi lầm, vì đi đây đó nhiều quá. Nhưng đối với tôi ông trước sau vẫn là một người của đức tin, luôn cố gắng hết mình phục vụ Giáo Hội. Ngoài ra, những sự việc đó đang được tiến hành điều tra về mặt pháp lí, ta phải chờ kết quả.
Nhiều hồng y, trong đó có hồng y Schönborn [của Áo], trong một cuộc họp mặt đã yêu cầu phải thay Bertone. Có phải thế không?
Không, không có chuyện đó.
Cũng như thánh Biển-đức, vị quan thầy tên hiệu của Ngài, Ngài cũng đã gặp một „con quạ“, tên mà người ta dùng để gọi anh quản gia Paolo Gabriele của Ngài. Anh này đã đánh cắp tài liệu mật. Chuyện này tác động trên Ngài như thế nào?
Chắc chắn nó không gây ra nơi tôi một thứ thất vọng hay một nỗi đau theo kiểu trần gian. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Cả khi nhìn vào con người, tôi cũng không thể tưởng tượng được, sao anh ta lại có thể muốn điều như thế. Do động lực nào? Tôi không thể đào sâu về mặt tâm lí học.
Một số người cho rằng, điều đó đã có thể xẩy ra, là vì Ngài quá tin người.
Vâng, nhưng không phải tôi tuyển chọn anh ta. Tôi hoàn toàn không biết anh. Xem mọi hướng, thì anh là người xem ra hoàn toàn thích hợp cho công việc này.
Người ta nói, khả năng hiểu người nói chung không phải là điểm mạnh của Ngài.
(Cười) Đúng, tôi công nhận điểm này. Nhưng mặt khác tôi là người rất cẩn thận và hay đề phòng, vì tôi có nhiều kinh nghiệm về những hạn chế nơi người khác và cả nơi chính tôi.
Ngài thấy thế nào về mặt pháp lí của sự việc?
Ngay cả nền tư pháp của Vatican cũng phải được độc lập, điều này tôi cho là quan trọng. Tôi không chấp nhận chuyện quân vương phán, đây là việc để riêng trẫm quyết định. Một nhà nước pháp quyền phải để cho tư pháp có đường đi riêng của mình. Còn việc quân vương có thể ban khoan hồng lại là chuyện khác.
Ngày mùng 6.10.2012 tòa án tuyên phạt anh quản gia 18 tháng tù. Anh bước vào tù ngày 25 tháng 10. Ngài tới thăm anh ngày 22 tháng 12, tha thứ và ra lệnh khoan hồng cho anh. Gabriel được thả ngay trong ngày. Anh ta đã nói gì với Ngài trong lần thăm đó?
Anh ta ngỡ ngàng tức giận về chính con người anh. Tôi không muốn phân tích nhân cách của anh. Việc anh làm là một chuyện; thêm vào đó là những thứ người ta đổ cho anh; những gì anh tự khai và những thứ người ta gán cho anh pha trộn với nhau cách lạ lùng. Anh đã hiểu ra, mình không được phép làm như thế và mình đã đi lầm đường.
Người ta ngờ rằng, một mình anh quản gia không thể làm được một chuyện như thế. Ngài nghĩ thế nào?
Chỉ một mình anh chuyển tài liệu ra ngoài. Không thể một ai khác vào đó được.
Cũng có thể có những đồng chí, đồng bạn xúi dục anh ta?
Có thể, nhưng tôi không biết. Dù sao, đã chẳng phát hiện ra được ai ngoài anh.
Ngài đã lập ra một uỷ ban để điều tra vụ này. Ngài có hốt hoảng, khi biết tại Vatican cũng có quá nhiều đố kị, ghen tương, ham muốn danh vọng thái quá?
Chuyện thiên hạ biết cả rồi. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, là mọi chuyện đó không phải xẩy ra ở khắp Vatican. Ở đây có rất nhiều người tốt, hết lòng tận tuỵ làm việc, từ sáng tới tối. Tôi biết rất nhiều điều tốt ở đây, để rồi phải nói rằng, ờ thì mình cũng phải chấp nhận chuyện không hay đó. Trong một cơ chế gồm nhiều ngàn người không thể chỉ có người tốt mà thôi. Mình phải thú nhận, điều đó gây ra thật nhiều vẩn đục, nhưng ta không được vì thế mà bỏ quên những người khác. Tôi cảm động, khi gặp bao nhiêu người ở đây thật sự muốn sống hết mình vì Chúa và Giáo Hội và cho con người. Bao nhiêu là người tốt và lương thiện tôi đã gặp ở đây! Điểm này nặng cân hơn so với điểm kia và tôi muốn nói rằng, thế gian là vậy! Chúa cũng đã cho ta biết điều đó! Trong lưới có cả cá xấu.
Để kết thúc phần này: Người kế nhiệm của Ngài có nói tới một nhóm áp lực của những người đồng tính trong Vatican. Ngài có thấy đây thật sự là một vấn nạn, như người kế nhiệm của Ngài nhận định không?
Quả thật người ta đã tố giác với tôi về một nhóm, và chúng tôi đã giải tán. Bản tường trình của Uỷ Ban điều tra (gồm ba vị hồng y) có đề cập tới nhóm này. Đó là một nhóm nhỏ, có lẽ gồm bốn hoặc năm người, hiện đã bị chúng tôi giải tán. Nay có xuất hiện lại thêm nhóm nào không, thì tôi không biết. Chắc chắn không có chuyện đầy dẫy những nhóm như thế ở Vatican.
Vụ VatiLeaks có làm cho Ngài chán nản trong vai trò của mình không?

Không, là vì tôi biết điều đó luôn có thể xẩy ra. Nhất là, như tôi đã nói, mình không được phép bỏ đi giữa cơn bão tố, mà phải ở lại chống cự.





tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   51   52   53   54   55   56   57   58   ...   61




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương