Biển-đức XVI. Những Trao Đổi Cuối Đời. Với Peter Seewald



tải về 1.13 Mb.
trang53/61
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích1.13 Mb.
#39400
1   ...   49   50   51   52   53   54   55   56   ...   61
Paris ngày 12.09.2008: Sự xuất hiện của Ngài tại thủ đô Pháp được ví như một trận bóng trên sân nhà. Hẳn Ngài thoả mãn lắm?
Đúng, phải nói như vậy. Tôi yêu văn hoá pháp và cảm thấy một cách nào đó như ở nơi nhà mình. Quả thật cảm động, khi dâng thánh lễ trên Esplanade des Invalides trước 200 ngàn người…
Một điều chẳng ai nghĩ có thể xẩy ra…
… cuộc gặp trong Viện Hàn Lâm giống như một cuộc tái sum họp của những bạn bè, rất cảm động. Rồi cuộc gặp ở Collège des Bernadins, cũng có các cựu tổng thống hiện diện. [Cựu tổng thống] Giscard biết tôi, sau đó ông đến thăm tôi một lần nữa. Tôi soạn các diễn văn của tôi dựa theo truyền thống thần học của Pháp, vì thế như có một sự cảm thông tinh thần toát ra tự thâm tâm mình.
Paris – nơi dấy lên bao nhiêu là kỉ niệm.
Dù rằng tôi đã không tới đó nhiều lần, như người ta vẫn nói. Lần đầu tiên tôi tới Paris là vào năm 1954, khi diễn ra Hội Nghị về thánh An-tịnh (Augustinus), đó là chuyến du lịch hải ngoại lớn nhất của tôi cho tới lúc đó. Được bước vào thế giới lớn của khoa học quốc tế và vào thế giới tinh thần đặc biệt của người Pháp là một kỉ niệm luôn hằn mãi trong tâm trí tôi.
Chúng ta nói tới một cuộc gặp gỡ khó khăn, cho dù đó là quê hương của Ngài: Berlin, tháng 9 năm 2010. Tôi nghĩ, chuyến đi đó là một thử thách đặc biệt đối với Ngài.
Hoàn toàn đúng, phần vì cách nào đó Berlin là nơi truyền thống công giáo đã trở nên xa lạ trên nhiều lãnh vực, cho dù ở đây Công Giáo vẫn hiện diện và vẫn được sống đạo, nhưng chỉ còn là biên lề; nơi đây là thành phố của Tin Lành. Trong các lá thư gởi cho linh mục chánh xứ Weiger do bà Barbara Gerl-Falkowitz xuất bản, [nhà thần học dòng tên] Romano Guardini đã mô tả cách đáng sợ cái cảm tưởng xuyên tận da thịt của ông, khi thấy cảnh nghèo nàn của Công Giáo đang phải đối diện với quyền lực của văn hoá trần tục ở Berlin. Hẳn đó là kinh nghiệm ban đầu, rồi đây nó sẽ phải được điều chỉnh lại đôi chút. Nhưng kinh nghiệm nền tảng này ngày nay có lẽ lại được chứng thực một lần nữa. Như vậy rõ ràng mình không thể chờ đợi được gì ở Berlin như ở Madrid, London hay Edinburg. Ba nơi này cũng không phải là những thành phố công giáo, nhưng công luận ở đó khác…
Đúng một năm trước Giáo Tông đã được tiếp đón nồng hậu tại những nơi này.
Berlin rõ ràng lạnh lùng. Nhưng mặt khác tín hữu công giáo cũng đã chứng tỏ niềm vui và sự hiện diện của họ tại đây. Thánh lễ ở cầu trường Olympia quả thật cảm động…
Ngài có nghĩ là sẽ xẩy ra những chuyện mà mình không muốn?
Có nguy cơ đó. Như chúng ta thấy, đã có những quậy phá trong chuyến thăm của Gio-an Phao-lô II…
Tôi không nói tới những chống đối trên đường phố, nhưng của các đại diện cộng đồng, các đại diện chính giới. Ngay trong diễn văn chào mừng tổng thống Wulff đã có những đòi hỏi phải sửa đổi các giáo huấn nền tảng công giáo.
Mình phải dự trù những chuyện đó. Vì thế tôi đã chẳng ngạc nhiên hay sửng sốt gì về mọi chuyện xẩy ra. Nhưng rồi không khí thật cảm động, khi tôi nói trong Quốc Hội. Mọi người im phăng phắc lắng nghe, cơ hồ một cây kim rớt cũng có thể nghe được. Tôi nhận ra không khí đó không chỉ vì lịch sự, mà đúng là một lắng nghe từ trái tim, và đó là giây phút đầy ý nghĩa đối với tôi.
Trong bài diễn văn quan trọng ở Freiburg Ngài yêu cầu Giáo Hội phải tiến hành một cuộc giải thế (Entweltlichung). Theo Ngài, cần phải làm điều này, để các tố chất của đức tin có thể phát huy được hiệu lực của chúng. Giải thế không có nghĩa là quay lưng lại với con người, giã từ bác ái ki-tô giáo hay rút lui khỏi mọi dấn thân xã hội và chính trị, nhưng là từ bỏ quyền lực, của cải, hư danh, dối trá và tự dối mình. Bài nói chuyện đã bị nhiều người – kể cả những người trong Giáo Hội có khi cố tình diễn dịch sai. Tại sao lại có thể xẩy ra được như vậy?
Khái niệm „giải thế“ hẳn quá xa lạ đối với người nghe, vì thế có lẽ tốt hơn mình không nên quá nhấn mạnh vào từ đó. Nhưng tôi nghĩ là nội dung câu nói vốn đã đủ rõ, để những ai muốn hiểu, thì họ cũng hiểu rồi.
Đó là một câu nói mang tính cách mạng.
Vâng.
Vấn đề là luôn giữ tinh thần phản kháng, chấp nhận lội ngược dòng không xu thời, để cho thấy rằng, Ki-tô Giáo gắn liền với một thế giới quan riêng bao gồm cả bí ẩn về cuộc sống đời đời, thế giới quan này vượt trên mọi thứ thuần trần tục và vật chất. Theo Ngài, phải cần một sự chân thật mới và cần một cuộc sống ki-tô giáo thật, nghĩa là cần một cuộc canh tân thật sự và quyết liệt của Giáo Hội. Điều này hiện được giáo tông Phan-sinh nói rất dễ hiểu.
Vâng, có nhiều cách nói.
Về chuyện thuế tôn giáo ở Đức. Nếu được toàn quyền quyết định, thì Ngài sẽ quyết định cách khác?
Quả thật tôi rất nghi ngờ tính đúng đắn của hệ thống thuế tôn giáo hiện đang có. Tôi không nói là phải bỏ hẳn thuế. Nhưng việc đương nhiên dứt phép thông công những ai không đóng thuế là điều, theo tôi, không thể bền được.
Nhiều cơ quan truyền thông ở Đức coi Giáo Hội công giáo là đối thủ của tiến bộ, tiến bộ là điều Giáo Hội tìm cách chống. Có lẽ chưa có một giáo tông nào trong Thời Mới bị đối xử tệ ngay chính trên quê hương mình như Ngài. Ngài cảm thấy cái tệ đó đến mức nào?
Các giáo tông trong Thời Mới tất cả đều là người Í, mà cũng đừng nên quên rằng, Pi-ô IX đã bị hiểu lầm, khi ngài không chịu lãnh đạo nước Í chiến đấu chống lại nước Áo. Ban đầu, ngài được coi là một Giáo Tông yêu nước, quyết tâm, tiến bộ. Nhưng khi ngài không chịu đáp ứng kì vọng, thì dân Í hoàn toàn chống lại ngài. Ngày nay ta không thể tưởng tượng được mức độ cực đoan của sự chống đối đó. Nhưng đó lại là nét cao cả của ngài, bởi vì nếu ngài chấp nhận làm lãnh tụ nước Í, thì quốc gia Vatican đã tiêu tan. Ngài cảm được nỗi chán chường của người dân đối với mình, một chán chường mà chỉ là thánh mới có thể chịu đựng vượt qua được.

Một thí dụ nữa là Biển-đức XV. Thời đó người Í coi việc tham gia Thế Chiến I là một phần của Risorgimento, của sự hồi sinh của nước Í. Miền Trento còn thuộc nước Áo, Í phải tìm cách lấy lại. Do đó, họ coi Thế Chiến I là một bổn phận yêu nước. Nhưng Biển-đức XV lại cho đó là một cuộc chém giết vô nghĩa. Ngài đã bị người công giáo chửi bới vô cùng thậm tệ. Song thái độ đó quả là anh hùng, khi dám nói rằng: Không, đây không phải là hành động yêu nước, mà là một sự tàn phá vô nghĩa.


Nói cách khác: Ngài đã có thể tự thích ứng được với những tấn công đó, chúng không làm cho Ngài quá….
Không, sở dĩ tôi nghĩ tới hai giáo tông của thế kỉ vừa qua và thế kỉ trước, là để thấy rằng, các ngài còn bị đối xử tệ hơn tôi.
Xem ra Giáo Hội công giáo Đức cũng chưa dấn thân đủ, chẳng hạn trong việc tái phúc âm hoá, dù tình trạng mất đức tin ở đây đã đạt tới mức độ báo động.
Ở nước Đức chúng ta có một đạo Công Giáo đã đâu vào đó và được trả lương cao, với rất nhiều tín hữu được nhận vào làm công, những người này sau đó lại đối xử với Giáo Hội trên tinh thần chủ - thợ. Giáo Hội đối với họ chỉ là ông chủ, mà mình phải cẩn thận đề phòng. Như vậy họ không tới do động năng đức tin, mà từ vị thế chỗ làm. Theo tôi, cái nguy hiểm lớn nhất của Giáo Hội ở Đức là có quá nhiều người làm công trả lương và vì thế nó bị lệ thuộc vào một cơ chế bàn giấy thiếu chất thiêng liêng. Giáo Hội ở Í không thể trả lương cho một lượng người như thế, người làm ở đây đa số tự nguyện. Vì thế những đại hội công giáo lớn thường đều ở Rimin chẳng hạn đều được xây dựng trên xác tín niềm tin. Từ tổ chức các gian phòng, trang hoàng kĩ thuật, mọi thứ đều do thiện nguyện, không trả tiền. Một hoàn cảnh khác hẳn.
Và nó tạo nên một ý thức khác.
Dĩ nhiên. Tôi ưu tư về tình trạng đó, về sự lệ thuộc quá nhiều vào tiền bạc, về sự than phiền thiếu tiền khiến cho nỗi bất bình gia tăng, và về sự cay nghiệt trong các giới trí thức.
Thất vọng của Ngài về chuyến thăm nước Đức lớn như thế nào?
Theo sự lượng giá của riêng tôi thì chữ thất vọng không đúng. Dĩ nhiên có những nhóm bề thế trong Công Giáo có lẽ không đồng ý với những gì tôi nói, nhưng mặt khác bài nói của tôi đã khiến cho người nghe phải nghĩ lại; nó gợi ý cho những nhóm trầm lặng và đã khích lệ họ. Rõ ràng những suy nghĩ như thế tạo ra nhiều phản ứng khác nhau. Quan trọng là sự suy nghĩ lại và việc sẵn sàng canh tân thật sự.
Havanna, ngày 28.03.2012. Trước đó Ngài ở Mễ-tây-cơ, rồi sang Cuba. Ngài còn nhớ gì khi tới Havanna không?
Dĩ nhiên tôi biết mọi chuyện đã được bộ máy sắp đặt, nào đoàn pháo binh, nào bắn súng và mọi thứ khác. Nhưng một cách nào đó tôi cũng cảm được sự công nhận nơi phía chủ tịch nước về Vatican và Giáo Tông, về Giáo Hội và về Công Giáo, những điều đó làm dấy lên hi vọng.

Tôi đã đề nghị Cuba lấy ngày thứ sáu tuần thánh làm ngày nghỉ lễ. Raoul Castro cho hay, „chuyện này phải qua quyết định của Hội Đồng Nhà Nước. Lúc này tôi chỉ có thể chấp nhận như một trường hợp ngoại lệ, và sau khi có sự chấp thuận của Hội Đồng Nhà Nước nó sẽ trở thành mãi mãi“. Và sự việc cũng đã xẩy ra như thế. Tôi có cảm tưởng, điều quan trọng đối với ông Chủ Tịch là làm sao vừa giữ được chủ thuyết mác-xít cứng ngắc, hầu tiếp tục nắm giữ quyền uy quốc gia, vừa mở lần ra cho Ki-tô Giáo. Mở ra cho Ki-tô Giáo, thì tự do cũng theo chân lớn lên.


Còn việc gặp Fidel Castro ra sao?
Một cách nào đó khá cảm động. Ông hẳn đã già và yếu bệnh, nhưng hãy còn minh mẫn và xem ra cả linh hoạt. Tôi không tin ông có thể thoát được ra khỏi toàn bộ cấu trúc suy tư mà ông đã lớn lên trong đó. Nhưng qua những đổ vỡ của lịch sử thế giới ông thấy cần phải đặc biệt đặt lại cho mình cả câu hỏi về tôn giáo. Rồi ông yêu cầu tôi gởi sách cho ông.
Ngài đã gởi?
Tôi đã gởi cho ông cuốn „Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua Và Hôm Nay“ và một hai cuốn khác nữa. Ông không phải là con người mà ta có thể hi vọng vào một cuộc trở lại với Thiên Chúa, nhưng ông đã nhận ra rằng, sự việc diễn tiến không như ông nghĩ và ông phải đặt lại toàn bộ vấn đề và phải suy nghĩ lại.



tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   49   50   51   52   53   54   55   56   ...   61




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương