A dục vưƠng (asoka) cuộC ĐỜi và SỰ nghiệP



tải về 2.03 Mb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích2.03 Mb.
#34800
1   2

LỜI NÓI ĐẦU

Asoka, vị hoàng đế thứ ba của vương triều Maurya Ấn Độ, là một nhân vật lịch sử đã để lại cho nhân loại nhiều bài học lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mang đậm những dấu ấn đặc biệt khiến tên tuổi của ông trở thành huyền thoại và đi vào lịch sử. Những hành vi khét tiếng tàn bạo trước lúc quy ngưỡng Phật giáo khiến ông có biệt danh Caņdàśoka (Asoka tàn bạo), trong khi những việc làm nhân bản ông dốc tâm thực hiện sau khi trở thành một Phật tử đã khiến ông xứng đáng với danh hiệu Dhammàśoka (Asoka nhân từ). Cũng một con người, một cuộc đời ấy nhưng Asoka mang hai tên gọi khác nhau. Tất cả đều là phản ứng tình cảm quần chúng dành cho ông. Họ rỉ tai nhau ông là kẻ sát nhân tàn bạo nhưng rồi họ lại ca tụng ông là người đức độ nhân từ. Nhà lãnh đạo có thể không quan tâm đến suy nghĩ của quần chúng, nhưng quần chúng thì luôn tỏ ra công bằng đối vối nhà lãnh đạo.

Asoka được biết đến bởi trước hết ông là hoàng đế của một triều đại hùng mạnh và cực thịnh trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Ông thừa kế vương triều Maurya nổi tiếng hào hùng do ông nội ông,Chandragupta, sáng lập và do cha ông, Bindusàra, tiếp tục củng cố và mở rộng. Nhưng Asoka nổi tiếng không phải bởi ông là hoàng đế của một triều đại lớn và hùng mạnh mà bởi đường lối lãnh đạo đầy nhân bản của ông. Nếu như Chandragupta nổi danh nhờ công lao đánh đuổi quân ngoại xâm, thống nhất Ấn Độ, Bindusàra góp phần ổn định và mở rộng biên cương Maurya, thì Asoka rực sáng do từ bỏ chiến tranh, quyết tâm theo đuổi hòa bình và nỗ lực xây dựng một vương quốc thánh thiện nhất trong lịch sử. Các tài liệu và truyền thuyết còn lưu lại ngày nay cho thấy Asoka xứng đáng được lưu danh muôn thuở bởi tính cách đặc biệt của ông và bởi những gì mà ông đã làm cho cuộc đời:

Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương “ tự thắng mình hơn chiến thắng nguời khác,” một chủ trương đã biến ông từ một con người cực ác thành một con người cực thiện và mở ra nhiều viễn cảnh an lạc lớn cho cuộc đời.

Ông cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử quyết định “ dùng Pháp âm thay cho tiếng trống trận” khi đang ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, một động thái đã khiến ông nổi tiếng là bao dung, hòa bình, rất đáng cho hậu thế noi gương.

Asoka cũng đã có những đóng góp rất lớn về quan niệm đạo pháp và dân tộc được thể hiện rõ nét qua chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và chủ trương độc lập dân tộc của ông.

Ngoài ra, Asoka còn nổi bật trong vai trò sứ giả văn hóa và hòa bình do chủ trương từ bỏ chiến tranh, kiên quyết theo đuổi hòa bình và bang giao quốc tế trên cơ sở hợp tác và giúp đỡ các quốc gia khác trên nhiều lãnh vực.

Có lẽ do những động thái tích cực và nhân bản như thế mà tên tuổi của Asoka đã đi vào huyền thoại lịch sử và giá trị mà ông để lại vẫn còn, dù rằng ông ra đời cách đây hơn 20 thế kỷ. Ông đã để lại cho hậu thế một bài học lớn, bài học của sự nỗ lực, lòng nhiệt thành, sự tận tụy, tình thương và lòng bao dung, bài học của lòng tin ở chính mình và tin người khác trong tất cả việc làm và trong mọi quan hệ. Ông đã dùng tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xan tham, dùng chân thật thắng hư ngụy.

Cuộc đời và sự nghiệp của Asoka giúp ta hiểu rõ giá trị tích cực của một con người chuyển từ cực ác sang cực thiện, niềm tin vững chắc của một con người quyết tâm bỏ ác làm lành, sự nhiệt tâm và lòng, tận tụy của một con người trong mọi nỗ lực hướng thiện, sự tin tưởng chính mình và người khác trong quan hệ ứng xử, trách nhiệm, tình thương và lòng bao dung của một nhà lãnh đạo đối với đồng bào, đồng loại.

Asoka đã xây dựng được một vương quốc thái bình thịnh trị trong lịch sử nhờ những nỗ lực cá nhân và đường lối lãnh đạo sáng suốt, đầy nhân bản của ông. Đáng tiếc, các thế hệ con cháu của Asoka đã không giữ được những phẩm chất như ông và không theo đường lối của ông nên không bao lâu vương triều Maurya không còn thái bình thịnh trị nữa mà chuyển sang chiến tranh biến loạn và rồi đi đến tan rã.

Bạo loạn bắt nguồn từ nghèo đói và bất mãn. Chiến tranh phát xuất bởi tham vọng và hận thù. Nếu không thấu hiểu lòng dân, không quan tâm chăm lo cho dân thị bạo loạn nảy sinh. Nếu không kìm chế lòng tham , không nuôi dưỡng tình thương không có lòng cảm thông và bao dung rộng lớn thì chiến tranh bùng nổ. Thế giới hiện tại của chúng ta vẫn không thoát khỏi các thảm cảnh bạo động, chiến tranh bởi nghèo đói và bất công chưa được khắc phục, niềm tin không được nuôi dưỡng, sự cảm thông và lòng bao dung ít được vận dụng. Xem ra tấm gương Asoka vẫn chói sáng và hữu ích cho nhân loại ngày nay trong việc tìm ra lời giải cho một thế giới hòa bình, cảm thông, không thù hận.Nỗ lực ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Asoka chúng tôi hằng mong chỉ có thế.

Nghiên cứu về Asoka, chúng tôi phần lớn dựa vào nguồn tài liệu bia kỳ và trụ đá do ông để lại để xem xét về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chúng tôi cũng không bỏ qua các tài liệu Nam truyền và Bắc truyền lưu giữ trong các tác phẩm Dìpavamsa, Mahàvamsa, Divyàdàna hay Aśokàvadàna khi nói về nhân vật Asoka bởi, mặc dù được xem mang nhiều yếu tố truyền thuyết, các tài liệu này cung cấp một số thông tin có thể bổ sung cho nguồn tài liệu bia ký và trụ đá của ông. Chúng tôi cũng chú ý tới một số thông tin khảo cổ học khác có liên quan để giúp cho việc nghiên

cứu được hoàn bị hơn. Ngoài ra một vài ghi chép của các nhà chiêm bái và học giả Trung Hoa liên quan đến Asoka và các hoạt động của ông cũng được nêu ra và xem xét.

Chúng tôi cũng đã sử dụng nhiều tài liệu nghiên cứu và dịch thuật của nhiều học giả và dịch giả trong khi thực hiện công trình này, đặc biệt các bản kinh Pàli do Thầy chúng tôi phiên dịch đã được sử dụng và trích dẫn rất nhiều trong các chương viết và phần phụ lục. Có thể nói rằng nhờ những nổ lực tiên phong ấy mà chúng tôi có được nhiều thuận lợi trong công việc nghiên cứu, và về điều này chúng tôi rất mang ơn.

Do bước đầu tìm hiểu về Asoka, chúng tôi không hy vọng gì hơn là cung cấp một số thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vị hoàng đế tên tuổi này để những ai quan tâm có thể xem xét và nghiên cứu vấn đề kỹ hơn. Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi chuyển dịch các tài liệu bia ký và trụ đá Asoka ra tiếng Việt và bước đầu tìm hiểu và dẫn ra các bản kinh Phật thuộc kinh tạng Pàli mà Asoka đã nêu tên trong bia ký Bhabrù của ông. Nhưng dù đã nỗ lực rất lớn, chúng tôi hiểu rằng sai sót là điều khó tránh trong mọi công việc. Rất mong sự lượng thứ của quý độc giả cho những lỗi lầm không sao tránh khỏi ở trong tác phẩm này.

Vạn Hạnh, mùa An cư 2546

THÍCH TÂM MINH

Kính đề


---o0o---

DẪN NHẬP

Ý định viết về Asoka nảy sinh trong lúc tôi đang theo học các chương trình hậu đại học tại Đại học Delhi, Ấn Độ. Nhưng rồi do phải tập trung bài vở cho các kỳ thi M.A,M.Phil và làm luận án Ph.D ở đại học, tôi đã không thể thực hiện được ý định của mình. Thời gian qua rồi không trở lại. Vì thế mà mãi cho tới khi hoàn tất việc học ở Ấn, trở về nước, tôi mới có dịp tiếp cận với Asoka, con người trứ danh mà từ lâu tôi rất ngưỡng mộ.

Được tiếp cận với Asoka ngay chính trên quê hương của ông chắc chắn là một điều lý thú. Đáng tiếc tôi đã không có cái diễm phúc ấy. Thời biểu học tập ở đại học không cho phép tôi có đủ thì giờ để ghi lại cảm xúc của mình về một con người mà cuộc đời và sự nghiệp đòi hỏi phải dành nhiều thời gian và nỗ lực lớn mới mong nhận hiểu được đôi chút. Dù sao tôi cũng thấy mình may mắn hơn nhiều người khác vì đã có dịp tiếp xúc với xứ sở đã sản sinh ra Asoka mà sự kính trọng và lòng tự hào về ông vẫn không phai nhạt trong số đông quần chúng sau khi ông ra đi hơn 20 thế kỷ. Vì vậy, dù cảm xúc được ghi lại có hơi muộn, tôi ước mong được chia sẻ đôi điều cảm nhận của mình với những Phật tử Việt Nam đã âm thầm noi gương Asoka trong sứ mạng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Từ thuở nhỏ tôi đã quý Anh Chị kể cho nghe về gương sáng Asoka.

Asoka là vị hoàng đế thứ ba thuộc triều đại Maurya, trị vì Ấn Độ từ 270-232 trước Tây lịch. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương lớn về phương diện nỗ lực xây dựng đạo đức hạnh phúc cho con người và thiết lập nền tảng hòa bình thế giới. Ông là một vị vua nhân từ, hết lòng thương yêu và chăm lo hạnh phúc cho dân, đồng thời là một hoàng đế tài ba, có khả năng đặt ách thống trị lên nhiều lãnh thổ khác. Nhưng Asoka đã khước từ mọi tham vọng xâm lăng, từ bỏ bạo động chiến tranh, chủ trương hòa đồng bất bạo động.R.C.Mazumdar nói rằng Asoka vĩ đại không phải vì tài năng mở rộng đế quốc to lớn của mình mà vì tính cách của một con người, những lý tưởng mà ông đại diện và những nguyên tắc trị vì mà ông theo đuổi .1

Tô đặc biệt chú ý đến nhận xét này của Mazumdar bởi hai lẽ. Thứ nhất, không có gì đáng nói về Asoka nếu như ông chỉ là một hoàng đế có biệt tài về quân sự và thành công lớn trong lĩnh vực bành trướng quốc gia. Bởi có gì đáng nói khi chúng ta hiểu rằng chinh phục người khác bằng sức mạnh quân sự hay xâm lăng nô lệ hóa người khác là hành động điên cuồng của những kẻ vô lương ? Lịch sử loài người đã đổ đầy máu và nước mắt bởi những hành vi tham lam và thù hận của con người rồi, không cần thêm một Asoka anh hùng nào đó trên chiến trận một lúc vung tên giết chết hàng ngàn quân địch và chiếm cứ nhiều xứ sở mới lạ.

Thứ hai, Asoka xứng đáng được nêu gương muôn thuở bởi những gì mà Mazumdar gọi là “tính cách của một con người, những lý tưởng mà ông đại diện và những nguyên tắc trị vì mà ông theo đuổi”. Tính cách ấy là gì, theo tôi, đó là “tự thắng mình hơn chiến thắng người khác.” Sau chiến thắng Kalinga, một chiến công quân sự lẫy lừng mà Asoka giành được vào năm 262 trước Tây lịch khi ông tiến hành chính sách xâm lăng mở rộng đế quốc Maurya, Asoka biểu lộ tính cách lạ thường của một hoàng đế thắng trận mà sử gia Will Durant gọi là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử2 . Ông tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mọi ý đồ xâm lăng, từ bỏ bạo động chiến tranh, chủ trương hòa bình bất bạo động. Ông công khai bày tỏ sự hối tiếc về việc xâm lăng Kalinga “ bởi đã gây ra cảnh tàn sát chết choc đầy tang thương cho dân chúng một xứ sở độc lập,”3 tuyên bố theo đuổi Chánh pháp (Dharma ) và khuyến khích Chánh pháp,4 quyết định dùng Pháp âm (Dharma-ghoşa) thay tiếng trống trận (blerì-ghoşa), 5 chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava), 6 nỗ lực giải quyết việc nước việc dân,7 biến những cuộc dạo chơi săn bắn hưởng lạc của hoàng gia (vihàra-yàtrà) thành những cuộc du hành thuyết pháp và khuyến khích điều thiện (Dharma-yàrà ).8Có thể nói rằng tính cách đặc biệt này của Asoka đã mở ra một trang sử mới không chỉ trong lịch sử triều đại Maurya mà còn trong lịch sự loài người, trang sử “ tự thắng mình hơn chiến thắng người khác” 9được thực hiện bằng cách “ lấy tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xam tham, dùng chân thật thắng hư ngụy.”10

Tên tuổi Asoka bắt đầu tỏa sáng kể từ khi ông quyết định chuyển đổi tâm tính từ ác sang thiện. Trong các tài liệu liên quan, Asoka mang hai biệt danh tiêu biểu cho hai quãng đời khác nhau của ông.Can dàsoka (Asoka tàn bạo) là ác danh mà quần chúng gắn cho ông khi ông áp dụng các chính saách tàn bạo và Dharmàsoka ( Asoka nhân từ ) là thiện danh mà quần chúng dùng để tôn vinh ông sau khi ông thay đổi các chính sách tàn ác bằng các chính sách nhân từ. Kinh Pháp cú dạy rằng:11 “Ai dùng các hạnh lành làm xóa mờ nghiệp ác, người ấy chói sáng cõi đời này, như ánh trăng thoát khỏi áng mây che.” Asoka chói sáng cõi nhân sinh nhờ quyết tâm bỏ ác làm lành.

Sự nghiệp của Asoka được phản ánh khá đầy đủ trong các tài liệu bia ký và trụ đá của ông. Sự nghiệp ấy trước hết là sự nghiệp của một ông vua thương dân như con cái và nỗ lực làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân.Trong bia ký I và II , Asoka bày tỏ tấm lòng thương dân nhưcha mẹ thương yêu con cái và mong muốn hết thảy mọi người được hạnh phúc yên vui. Phát xuất từ tấm lòng thương dân và lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân, Asoka từ bỏ các thú vui cá nhân để tập trung giải quyết việc nước việc dân và làm các thiện sự12. Ông nỗ lực làm việc hết mình, không kể giờ giấc và nơi chốn, nhằm mục đích đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi người. Bia ký VI ghi nhận sự kiện Asoka hạ lệnh cho các quan chức có trách nhiệm phải mọi lúc mọi nơi thông báo ngay cho ông tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân. Chẳng những thế, Asoka còn thường xuyên du hành nhằm nắm bắt tình hình đất nước và xem xét hiện tình đời sống nhân dân13. Ông tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích của dân và xem nổ lực phục vụ nhân dân là cách duy nhất trả để trả nợ cho dân14. Trong công tác quản lý và điều hành quốc gia, Asoka thành lập đội ngũ quan chức chính phủ các cấp có trách nhiệm chăm lo lợi ích và hạnh phúc cho dân15. Ông huấn luyện rất kỹ đội ngũ các quan chức nhà nước, giáo dục họ phải nêu gương cho mọi người về nếp sống cần kiệm liêm chính và thái độ làm việc chí công vô tư; 16 các quan lại phải nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của dân và phải hết lòng phục vụ nhân dân17.

Tài liệu bia ký và trụ đá cũng phản ánh mối quan tâm to lớn của ông đối với sự sống và hạnh phúc của muôn loài18: “Đức Thánh thượng Priyadarśì mong muốn tất cả chúng sanh thoát khỏi bị hại, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc.”19. Trong các chỉ dụ ghi ở bia ký I và trụ đá V, Asoka ngăn cấm việc hy sinh súc vật cho các mục đích tế lễ và kêu gọi mọi người tránh làm tổn thương sự sống của muôn loài. Ông đề cao chế độ ăn chay20 và ban lệnh cấm chặt cây đốt rừng21.Có thể nói rằng Asoka là người đầu tiên phá bỏ tục lệ hiến tế và hy sinh thú vật hết sức nhẫn tâm của truyền thống Bà-la-môn giáo và là người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên thoát khỏi bàn tay tàn phá của con người. Ông cũng là người tạo tiền đề cho chế độ ăn chay và truyền thống yêu quý thiên nhiên rất đáng tự hào của người dân Ấn Độ. Tôi tin rằng các đạo dụ của ông nói về cấm sát sanh, đề cao chế độ ăn chay, tránh chặt cây phá rừng đã được tuân thủ triệt để và lâu bền bởi nhiều thế hệ dân chúng Ấn Độ, bởi lối sống và tập quán suy nghĩ của người dân Ấn Độ hiện tại đã có thể chứng minh điều đó. Một quan điểm hay đường lối được vận dụng lâu ngày thì thành ra truyền thống. Ngày nay du khách đến tham quan Ấn Độ có thể thưởng thức các món ăn chay bày bán khắp nơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp gần như nguyên vẹn của môi trường cảnh quan tự nhiên ở đây mà truyền thống yêu chuộng và bảo vệ vốn đã được thiết lập rất lâu từ ngàn xưa.

Về phương diện chăm lo hạnh phúc cho dân Asoka rất quan tâm phát triển các chế độ an sinh và phúc lợi xã hội22.Ông cho lập nhiều vườn cây ăn quả (xoài) một mặt mở rộng mặt bằng cây xanh và mặt khác phục vụ trái ngọt cho mọi người. Ông thành lập đội ngũ y bác sĩ và cho xây dựng hệ thống trạm xá và bệnh viện khắp nơi để lo việc chăm sóc y tế cho dân và chữa trị cho thú vật, sai nhân giống và ươm trồng các loại cây làm thuốc để giúp cho việc điều trị bệnh nhân và gia súc. Khắp nơi trên các nẻo đường, ông cho trồng các loại cây xanh tạo bóng mát, sai đào các giếng nước khoảng cách hai ba dặm đường để phục vụ tiện ích cho người và súc vật. cho xây dựng các nhà nghỉ hai bên vệ đường để khách bộ hành có chỗ nghỉ chân hay qua đêm. Các trạm cung cấp nước sạch cũng được xây dựng ở những nơi công cộng để phục vụ cho người và thú vật. Asoka đã làm rất tốt về phương diện này và chính ông đã đặt tiền đề cho các chế độ an sinh phúc lợi xã hội được duy trì cho đến ngày nay tại Ấn Độ.

Ngoài các chế độ an sinh phúc lợi xã hội mà mọi công dân Maurya đều được hưởng, Asoka còn có các chế độ ưu tiên dành cho các đối tượng xã hội gặp cảnh ngộ khó khăn hay bị tù đày. Cô nhi quả phụ, người nghèo khó, già cả được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt của nhà nước23.Phụ nữ lầm đường lạc lối được giáo dục và được tạo công ăn việc làm thích hợp. Phạm nhân có quyền kháng án trong trường hợp bị xử oan, được bảo vệ khỏi tình trạng bị ngược đãi, được phóng thích trong trường hợp phải nuôi con dại hay gặp quá nhiều bất hạnh rủi ro hoặc bị khổ đau bởi tuổi già.24

Một đặc điểm khác của Asoka là luôn luôn đề cao đạo đức nhân ái và vận dụng triệt để chính sách đức trị ( Dharma-vijaya) trong suốt thời gian ông trị vì. Khắp nơi trong các bia ký và trụ đá của ông, yếu tố đạo đức nhân ái hay đường lối đức trị được nhấn mạnh vượt trội. Asoka rất quan tâm xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị trên cơ sở phát huy nếp sống đạo đức của quần chúng và tỏ rõ biện pháp đức trị. Ông khuyên dạy tất cả con cái, cháu chắt và thần dân của mình phải muôn đời sống đạo đức Chánh pháp (Dharma) và phải có trách nhiệm khuyến khích nếp sống đạo đức Chánh pháp.25

Asoka cũng rất công bằng và bao dung trong chính sách đối với kẻ lầm đường lạc lối. Ông tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho những ai vi phạm phải sai lầm nhưng biết ăn năn hối lỗi. Ông chủ trương không truy quét các tội phạm nhưng ra sức thuyết phục họ trở về con đường lương thiện để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật26.Các điều khoản ghi ở bia ký Kalinga I, bia ký V, XIII, trụ đá IV, V cho thấy Asoka rất công bằng trong xét xử và bao dung độ lượng trong xử phạt.

Sau cùng, Asoka càng tỏa sáng như một vì sao khi ông quyết tâm theo đuổi đường lối hòa bình và chủ trương bang giao quốc tế trên cơ sở hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Bia ký Kalinga II xác nhận lập trường hòa bình, không tấn công xâm lăng các nước khác của Asoka. Bia ký này còn nói rõ ý chí, quyết tâm và lời hứa của ông về hòa bình là không bao giờ thay đổi.

Song song với lời cam kết của ông về hòa bình, tôn trọng chủ quyền độc lập dân tộc, Asoka mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia khác trên cơ sở tạo điều kiện và giúp đỡ các quốc gia này về phương diện chăm sóc y tế và mở rộng mạng lưới an sinh phúc lợi xã hội. Nguồn thông tin bia ký II cho hay Asoka đã cho thiết lập hai loại hình chăm sóc y tế (dve chikìchha ), một dành cho người và một dành cho thú vật, không những ở khắp nơi trong vương quốc của ông mà còn ở nhiều quốc gia khác. Các loại cây ăn quả và cây làm thuốc cũng được cho nhân giống và gieo trồng khắp nơi trong vương quốc của ông và tại các quốc gia láng giềng. Trên các tuyến đường các giếng nước được xây dựng và các loại cây xanh tạo bóng mát được gieo trồng để phục vụ tiện ích cho người và thú vật. Bia ký này nói đến một số quốc gia thừa hưởng chế độ đãi ngộ của nhà nước Maurya gồm Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmraparnì, xứ sở Yona do vua Hy Lạp Antiocho trị vì và bốn quốc gia Hy Lạp khác do các vị vua Ptolemy, Antigona, Maga và Alexander cai quản. Như vậy, từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên y học và văn minh Đông phương đã được giới thiệu và mở rộng sang thế giới phương Tây, dĩ nhiên bằng con đường hòa bình hữu nghị chứ không phải được đi kèm với chính sách xâm lăng. Về vấn đề này tôi tự hỏi phải chăng đội ngũ chuyên gia y khoa đông nhất nhì thế giới hiện nay của Ấn Độ và số lượng dược phẩm to lớn do đất nước này sản xuất và được tiêu thụ nhiều nơi trên thế giới ngày nay là thành quả lâu dài của truyền thống, y học Đông phương được khuyến khích và mở rộng từ thời Asoka ?

Rõ ràng động thái hòa bình và thiện chí của Asoka đã mở ra một bầu không khí hòa bình và hữu nghị rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhiều quốc gia ở châu Á và châu Âu chào đón thông điệp hòa bình hợp tác của ông. Bia ký XIII cho hay Asoka đã thành công lớn trong lãnh vực thu phục nhân tâm của nhiều quốc gia nhờ đường lối hòa bình đức trị (Dharma-vijàya ).

Một vấn đề quan trọng khác không thể bỏ qua trong khi nghiên cứu về Asoka và sự nghiệp của ông là nỗ lực và đóng góp rất lớn của ông dành cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Bên cạnh các chính sách trị quốc và ngoại giao đầy tính nhân bản đã khiến tên tuổi và sự nghiệp của ông đi vào lịch sử, Asoka còn nổi danh về các hoạt động và sắc chỉ tôn giáo, đặc biệt công tác truyền bá Phật pháp do ông chủ trương và hậu thuẫn đã khiến cho đạo Phật nhanh chóng phổ biến khắp nơi trên toàn cõi Ấn Độ và lan truyền ra các quốc gia khác. Ngày nay không ít người đã ngạc nhiên khi đọc các chỉ dụ nói về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo mà Asoka đã từng áp dụng cách nay gần 25 thế kỷ.

Nguồn tài liệu bia ký và các truyền thuyết nói nhiều về các hoạt động tôn giáo của Asoka. Theo các thông tin bia ký thì mặc dù rất sùng tín đạo Phật, Asoka tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người và đối xử bình đẳng với các tôn giáo khác . Ông thăm viếng và tặng quà cho các cơ sở tôn giáo thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm trông coi các vấn đề tôn giáo như lo phân phối các phẩm vật cúng dường của hoàng gia dành cho các giáo phái, phổ biến chỉ dụ của nhà vua đối với hoạt động của các tôn giáo. Tài liệu Mahàvamsa đề cập sự kiện kiết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba và các hoạt động truyền giáo được tiến hành dưới thời Asoka. Theo thông tin này thì sau hội nghị kiết tập kinh điển do Asoka bảo trợ, chín đoàn truyền giáo đã lần lượt được gởi đi chín xứ sở khác nhau bao gồm châu Á, châu Âu, châu Phi27 nhằm truyền bá giáo lý của đức Phật. Do đó , nếu ngày nay dấu tích Phật giáo được tìm thấy khắp nới trên đất nước Ấn Độ cũng như tại các quốc gia lân bang và đạo Phật được phổ biến rộng rãi trên toàn cõi châu Á và rồi trở thành một tôn giáo thế giới thì phần lớn là do công của Asoka. Có thể nói rằng tên tuổi của Asoka gắn liền với lịch sử phát triển Phật giáo nói riêng và văn hóa Ấn Độ nói chung khi ông ủng hộ cuộc hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba và công tác truyền bá Phật pháp được tiến hành tiếp sau đó.

Từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Asoka đã mở ra nhiều chân trời mới trong lịch sử loài người. Tinh thần Asoka được chấp nhận và chào đón khắp nơi, hứa hẹn nhiều viễn cảnh tốt đẹp.
---o0o---

CHƯƠNG I - ASOKA- NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Asoka ( 304-232 TTL), người kế vị ngai vàng vương triều Maurya Ấn Độ sau Chandragupta và Bindusàra, được xem là vị hoàng đế vĩ đại nhất trong số các hoàng đế tên tuổi của thế giới. Các sử gia đã không ngớt lời ca tụng con người vĩ đại này. R. Mookerji dẫn lời các học giả nêu nhận xét về Asoka : “Asoka giống David và Solomon của Isael về phương diện nỗ lực xây dựng một vương quốc thánh thiện. Về phương diện ủng hộ và mở rộng Phật giáo thành một tôn giáo thế giới, Asoka được ví với Constantine trong lịch sử Thiên chúa giáo. Về tư tưởng và hòa hiếu, Asoka khiến người ta nhớ đến Marcus và Aurelius. Asoka cũng khiến gợi nhớ một Charlemagne trong việc bành trướng quốc gia, trong khi những biện pháp cai trị của ông khiến người ta liên tưởng tới những bài diễn thuyết của Oliver Cromwell. Các truyền thống gắn với tên tuổi của Asoka nhắc người ta về vua Arthus và các hiệp sĩ bàn tròn của ông, thiện vương Alfred hay vua St.Louis của Pháp .”28Trong tác phẩm “The Discovery of India, “ Jawaharlal Nehru trích lời phát biểu của H.G.Wells : “ Trong hàng chục ngàn tên tuổi của các vị vua chúa tụ tập chung quanh các cột trụ của lịch sử, sự tôn nghiêm cùng sự độ lượng của họ, sự trầm lặng thanh thản cùng sự cao quý vương giả của họ, tên tuổi của Ashoka tỏa ánh hào quang mà hầu như một mình tỏa ánh hào quang, - là một vì sao. Từ Volga đến Nhật bản, tên tuổi của ông vẫn còn được trọng vọng. Trung Hoa, Tây Tạng và ngay cả Ấn Độ, tuy đã từ bỏ học thuyết của ông, vẫn giữ truyền thống về sự vĩ đại của ông. Ngày nay, những người đang sống nâng niu kỷ niệm về ông nhiều hơn những tên tuổi đã từng nổi tiếng như Constantine hoặc Charle-magne.” 29

Asoka là tên cha sinh mẹ đẻ, còn trong các chỉ dụ bia ký và trụ đá của ông, Asoka dùng hai danh hiệu khác nhau, Devànampiya và Piyadasi ( hay Priyadarśì ) , để chỉ về mình. Devànampiya nghĩa là “ Người con yêu quí của các thần linh” và Piyadasi hay Priyadarśì có nghĩa là “ Người nhìn cuộc đời với lòng từ ái.” Về cuộc đời và sự nghiệp của ông, các học giả thường nhấn mạnh hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn trước và sau khi Asoka lên ngôi khoảng tám năm và giai đoạn sau chiến thắng Kalinga trở đi, tức tám năm sau khi ông lên ngôi cho đến cuối cuộc đời. Sở dĩ có sự phân biệt như vậy là bởi đã có những chuyển biến quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông. Về một phương diện nào đó, các tài liệu liên quan không thống nhất trong việc mô tả nhân vật Asoka. Asoka như được đề cập trong các tác phẩm Mahàvamsa, Divyàvadàna hay Aśokàvadàna là một con người hoàn toàn khác với Asoka như được thấy trong các tài liệu bia ký và trụ đá của ông. Nếu như trong các tác phẩm Nam truyền Mahàvamsa, Asoka nổi danh với tên gọi Candàsoka ( Asoka tàn bạo) thì qua các tài liệu kia ký và trụ đá của ông, Asoka xứng đáng được tôn xưng là Dhammàsoka (Asoka Chánh pháp hay nhân từ). Cũng một con người, một sự nghiệp ấy nhưng Asoka mang hai biệt danh khác nhau. Đấy là đặc điểm của nhân vật lịch sử Asoka mà tác phẩm nghiên cứu này sẽ cố gắng làm sáng tỏ.
---o0o---

I.Dòng dõi

Asoka thuộc thế hệ thứ ba vương triều Maurya do ông nội ông, Chandragupta, sáng lập. Theo các sử gia, sự xuất hiện của Chandragupta thế kỷ thứ tư trước Công nguyên đáng dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử chính trị Ấn Độ cổ đại R.C.Mazumdar cho rằng “sự nghiệp của Chandragupta, người sáng lập triều đại Maurya, tỏa sáng trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, vì nó giải phóng đất nước này khỏi ách thống trị của người Macedonia và xây dựng sự thống nhất chính trị đầu tiên của Ấn Độ dưới quyền một vị vua. Đây là một thành công đáng kể, đặc biệt khi chúng ta biết rằng Chandra-gupta không phải là người thừa kế ngai vàng mà được sinh ra trong một hoàn cảnh khiêm tốn. Sự thăng tiến địa vị tối cao của Chandragupta đích thực là một thiên anh hùng ca trong lịch sử.”30 Các sử liệu sớm nhất của Ấn Độ được lưu giữ trong các Pùràna không đả động gì đến gia thế của Chandragupta. Truyền thống Kỳ Na giáo ( Jainism) xem ông là cháu ngoại của một vị thôn trưởng đứng đầu các gia đình làm nghề huấn luyện chim công ( mayura-poshaka )31. Truyền thống Bà-la-môn ( Brahminism) gắn dòng dõi Chandragupta với triều đại Nanda xứ Magadha32. Kathà-Sarit-Sàgara bảo ông là con trai của dòng họ Nanda33.Tác phẩm Mahàvamsa nói đến ông như một thành viên của dóng Sát đế lỵ Moriya ( hay Maurya) cư trú ở vùng Hy Mã Lạp sơn ( Himàlaya )3435. và Asoka, con trai của Bindusàra, là một Sát đế lỵ36, Trong bài kinh Đại bát Niết bàn ( Mahàparinibbàna Suttanta ) , Trường Bộ ( Dìgha Nikàya ), những người Moriya được mô tả là thuộc giai cấp Sát đế lỵ trị vì xứ Pipphalivana, cạnh biên giới Nepal ngày nay,từng cử đại diện đến Kusinàra xin chia phần xá lợi Phật đem về thờ nhưng do đến muộn nên chỉ nhận lấy phần tro còn lại sau lễ hỏa táng và phân chia xá lợi .B.C.Law dẫn nguồn tin từ Mahàvamsa-Tìka nói rằng một số người Sàkya bị vua Vidùdabha đàn áp trong vụ trả thù dòng học Sàkya đã bỏ trốn đến tận Himàlaya và tại đấy họ đã lập nên thành phố gọi là Moriya (Moriyanagara ). Theo ông, Chandra-gupta thuộc dòng họ Moriya trị vì xứ Pipphalivana37. Divyàvadàna đề cập Bindusàra, con trai Chandragupta, là một Sát đế lỵ đã làm lễ đăng quang ( mùrdhàbhishikta )

Tập hợp các nguồn tin trên đây chúng ta có thể đi đến nhận xét rằng Chandragupta thuộc dòng Sát đế lỵ Moriya và như vậy Asoka, con trai Bindusàra và cháu nội Chandragupta, mang huyết thống dòng dõi Sát đế lỵ. Vào tế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, Moriya là dòng vương tộc trị vì tiểu quốc cộng hòa Pipphalivana. Theo H.C.Raychaudhuri, dưới triều vua Agrammes, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Nanda, dân chúng tỏ ra bất mãn với triều đình và những người Moriya nhờ tài lãnh đạo của Chandragupta trở nên hùng mạnh vượt bực. Với sự trợ giúp của Kautilya, con trai một Bà-la-môn xứ Taxilà, Chandragupta tiến hành lật đổ vương triều Nanda đã đến hồi lụn bại.38

Chandragupta lên ngôi trị vì Ấn Độ từ năm 324 đến năm 300 trước Công nguyên thì nhường ngôi cho con trai Bindusàra và xuất gia trở thành một tu sĩ Kỳ Na giáo. Truyền thống Kỳ Na giáo nói đến ông như một ẩn sĩ, đệ tử của Bhadrabàhu, và các bia ký khắc vào đầu thế kỷ thứ 10 được phát hiện gần Seringapatam đề cập tên một đỉnh núi gọi là Chandragiri, tương truyền là chỗ ẩn cư tu hành của Chandragupta39. Trong khoảng thời gian 24 năm trị vì, Chandragupta đã mở rộng lãnh thổ của mình, phía nam đến tận Mysore và phía tây-bắc tới các biên giới Persia. Các lãnh địa như Punjab, Sind, Beluchistan, Afghanistan, Himavatkùta, Nepal và Kashmir đều thuộc quyền cai trị của ông.40

Bindusàra tiếp nối cha mình cai quản vương triều Maurya từ 300 đến 273 trước Công nguyên. Mặc dù là một hoàng đế lớn của triều đại Maurya, Bindusàra không được các sử gia nói đến nhiều như đối với cha ông, Chandragupta và con trai ông Asoka. Ông đứng giữa hai vị hoàng đế lớn Chandragupta và Asoka. Và đây có lẽ là lý do khiến ông không thu hút được sự chú ý của các sử gia, những người luôn luôn tỏ ra kính trọng, đề cao các hành động anh hùng cũng như những cống hiến đối với lãnh vực tôn giáo của Chandragupta và Asoka. Theo K. Hazra, dưới hào quang của hai vị hoàng đế này, các sử gia đã xem ông như một nhân vật mờ ảo và đã lờ đi những đóng góp của ông cho mục tiêu tôn giáo.41
---o0o---

II. Sự ra đời và thời gian trước khi lên ngôi

Asoka ra đời vào năm 304 trước Công nguyên. Theo Dìpavamsa, Bindusàra là người chồng của 16 bà vợ và là cha của 101 con trai trong đó chỉ có ba người được biết tên là Sumana ( hay Susìma, gọi theo Bắc truyền), con trai cả, Asoka, con trai thứ ba, và người con trai út có tên là Tisya. Tác phẩm Aśokàvadàna42 nói đến Subha-dràngì ( hay Dhammà, gọi theo Nam truyền), con gái một gia đình Bà-la-môn xứ Campà, là người đã sinh Asoka. Bà này, sau khi sinh Asoka, đã nói : “ Nay ta không còn sầu muộn (Asoka )”. Đứa trẻ mang tên Asoka từ đó. Tác phẩm Vamsatthappa-kàsinì43, sớ giải cuốn Mahàvamsa, có đề cập đến Sbhadràngì, nói rằng con trai bà mang tên Asoka bởi đứa bé này đã không làm cho bà đau đớn chút nào khi ra đời. Đứa trẻ có làn da xù xì và do vậy Binduxàra không yêu mến nó. Có một câu chuyện kể rằng mẹ đứa trẻ từng cố tránh cho con trai bà khỏi gặp cha nó nhằm bảo vệ tính mạng của đứa trẻ. Bà Subha-dràngì còn sinh thêm một đứa con trai khác có tên là Tissa hay Tisya, gọi theo Mahàvamsa, Vitàsoka,gọi theo Aśokàvadàna,44 hay Vigatàsoka, gọi theo Divyàvadàna.45

Xét theo các truyền thuyết nói trên thì có lẽ thuở ấu thời Asoka đã không được may mắn cho lắm bởi làn da dị tật bẩm sinh. Tuy vậy đến khi trưởng thành Asoka hoàn toàn chiếm trọn niềm tin của Bindusàra bởi tài thao lược quân sự của mình. Điều này có thể được thấy rõ qua việc ông được Bindusàra phái tới Takkasilà hay Taxilà nhằm dập tắt những cuộc nổi loạn ở đây.. Theo Divyàvadàna, trong thời gian Asoka được cử làm Phó vương tại vùng lãnh thổ Tây Ấn gọi là Avantirattham hay Avantì với Ujjain là thủ phủ, bạo loạn đã xảy ra ở Taxilà mà hoàng tử Sumana, anh trai ông, không thể giải quyết, vì vậy ông được phái tới Taxilà thay hoàng tử Sumana dập tắt cuộc nổi loạn46.Sumana tỏ ra bất lực trong những cuộc nổi loạn ở Taxilà và Bindusàra buộc phải gởi Asoka đến dẹp loạn. Tất cả các tài liệu đều không đề cập chế độ học vấn của Asoka. Bản sớ giải Theragàthà có nói đến trường hợp Vitàsoka, em trai Asoka, rất giỏi kiến thức ( vidyà ) cùng các bộ môn khoa học và nghệ thuật khác mà các hoàng tử Sát đế lỵ ( ksatriya-Kumàra ) đương thời phải học tập và nắm bắt47. Ta có thể nói rằng Asoka cũng thừa hưởng chế độ giáo dục như các anh em trai mình, bởi ngoài tài thao lượt quân sự, Asoka còn tỏ ra rất xuất chúng trong vai trò trị vì, tài ngoại giao, công tác quản trị, ban hành các điều luật, đặc biệt là chính sách đức trị ( Dharma-vijiya ) mà ông đã đề ra “ vì hạnh phúc và an lạc cho tất cả mọi người cả đời này và đời sau,” như các bia ký của ông đã nói rõ.

Ta cũng không biết đích xác các cuộc hôn nhân của Asoka đã diễn ra như thế nào. Các truyền thuyết và bia ký chỉ thông báo cho chúng ta Asoka là người lắm vợ ( polygamist) . Các tài liệu Tích Lan ghi nhận người vợ đầu tiên của ông là bà Devì hay Vedisa-Mahàdevì, con gái một gia đình thương gia giàu có vùng Vedisa. Asoka cưới bà này khi đang làm Phó vương xứ Ujjain. Cuộc hôn nhân đầu tiên này đã cho ra đời hai người con, Mahendra và Sanghamitrà, mà về sau trở thành những người mở đường cho sự xuất hiện của Phật giáo và giáo hội ở Tích Lan ( SriLanka ) . Mahendra là trưởng phái đoàn truyền giáo có công truyền bá Phật giáo vào Tích Lan, trong khi Sanghamitrà mở đường cho sự ra đời của giáo hội Tỷ-kheo ni ( bhikkunìsangha ) tại đây. Mặc dù là người vợ đầu tiên nhưng bà Devì không theo Asoka về kinh đô Pàtaliputra mà vẫn ở lại quê hương Ujjain của mình, thậm chí cả sau ngày Asoka lên nắm vương quyền Maurya. Tương truyền bà Devì đã cho xây dựng một ngôi tinh xá lớn ( Mahàvihàra ) tại vùng núi Vedisa ( Vedisagiri ) .Tác phẩm Samantapàsàdikà thuật sự kiện rằng sau khi nhận trách nhiệm giới thiệu Phật giáo sang Tích Lan , Mahinda đã khởi hành từ Pàtaliputra đến Ujjain thăm mẹ mình và ở lại tại Mahàvihàra một thời gian rồi từ đó đi tiếp sang Tích Lan. Địa danh Ujjain có bảo tháp Sàñchì rất nổi tiếng, lưu lại nhiều truyện tích nói về lòng mến mộ Phật pháp của Asoka, rất có thể được khởi dựng từ thời Asoka hoặc sau đó không lâu để đánh dấu tấm lòng mộ đạo của ông với bà Devì xứ Vedisa.

Người vợ thứ hai của Asoka được ghi nhận là bà Kàruvàkì, sinh hạ hoàng tử Tìvara48.Tác phẩm Divyàvadàna nói đến bà Padmàvatì, mẹ của hoàng tử Dharmavivardhana hay còn gọi là Kunàla, như là người vợ thứ ba của Asoka. Bà Asandhimitrà được xem là người thứ tư trong số các bà vợ của Asoka. Cả Mahàvamsa lẫn Divyàvadàna đều thống nhất bà Tissarakkhà hay Tisyaraksità là người vợ cuối cùng của Asoka49. Biên niên sử Kashmir có nói đến một hoàng tử tên Jalauka, con trai Asoka, nhưng không cho biết tên người mẹ. Về phía con gái, ngoài Sanghamitrà, con bà Vedisa- Mahàdevì, Asoka cũng được xem là cha của công chúa Càrumatì, người được gả sang xứ Nepal.Truyền thống Nepal 50

đề cập Càrumatì là con gái Asoka, từng theo vua cha chiêm bái thánh tích Lumbinì, về sau kết hôn với hoàng tử Devapàla xứ Nepal. Tương truyền bà và chồng bà đã lập nên thành phố Deopatan hay Devapatana gần Pasupati và xây dựng một ngôi chùa ở phía bắc thành phố này. Các tài liệu Nam truyền và Bắc truyền không thống nhất với nhau về mối quan hệ giữa Asoka và Mahendra. Theo các tài liệu Nam truyền lưu giữ trong các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa thì Mahendra ( hay Mahinda) là con trai Asoka, nhưng theo các tài liệu Bắc truyền ghi trong tác phẩm Aśokàvadàna và Divyà-vadàna thì Mahendra không phải con trai mà là em trai Asoka.


---o0o---

III. Các truyền thuyết xoay quanh việc đăng quang của Asoka

Asoka thừa kế ngai vàng Maurya vào năm 273 trước Công nguyên nhưng chính thức đăng quang ba hay bốn năm sau đó, nghĩa là 270 hay 269 trước Công nguyên. Các truyền thuyết, truyền thống, sử liệu và các sử gia nêu nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc lên ngôi của Asoka. Điều này cũng dễ hiểu bởi thứ nhất, xét truyền thuyết Tích Lan thì Bindusàra có rất nhiều con, việc chọn Asoka lên nắm vương vị lẽ tất nhiên đã khiến nảy sinh không ít bất mãn trong số các con cái và đám quần thần luôn tiếp tay cho các ông hoàng bà chúa. Thứ hai, tám năm au khi lên ngôi, tức 262 trước Công nguyên , Asoka từ một con người khét tiếng tàn bạo ( Candàsoka ) chuyển hẳn sang một người đầy nhân từ ( Dhammàsoka ), sự kiện này hẳn đã tạo ra không ít các truyền thuyết và huyền thoại về một ông vua đầy quyền lực nhưng giàu lòng nhân ái như Asoka.

Theo các thông tin ghi chép trong các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa thì việc lên ngôi của Asoka gắn liền với những cuộc chiến tương tàn xảy ra giữa các anh em ông. Mahàvamsa mô tả Asoka là kẻ giết hại 99 anh em trai mình, trừ Tisya, người em cùng mẹ, vì mục đích chiếm đoạt ngai vàng. Bởi sự kiện này Asoka có tên gọi là Candàsoka. Tuy nhiên, theo Divyàvadàna thì sự tranh giành vương vị chỉ xảy ra giữa Asoka và Sumana, anh trai ông, trong đó Sumana bị sát hại. Tàrànath, sử gia người Tây Tạng cho rằng Asoka chỉ sát hại sáu anh em trai. 51 Theo các tài liệu Tích Lan thì trong thời gian làm Phó vương tại Ujjain hay Avantì, Asoka hay tin Bindusàra lâmbịnh nặng, ông liền tức tốc quay trở về kinh đô Pàtaliputra , giết chết tất cả các anh em trai mình, trừ Tisya, để chiếm đoạt ngai vàng. Nhưng theo Divyàvadàna thì lúc Bindusàra lâm chung, ngai vàng Pàtaliputra bị bỏ trống,bấy giờ Asoka tiến hành chiếm đoạt vương vị. Trong cuộc chiến chống lại anh trai mình , Asoka được tể tướng Khallàtaka và 500 triều thần hậu thuẫn. Tác phẩm Mahà-bodhivamsa thuật rằng trong cuộc chiến giành ngôi vị, Asoka đứng riêng một trận tuyến chống lại Sumana, người thừa kế hợp pháp ngai vàng xứ Magadha và được tất cả anh em ông ủng hộ . Trong trận chiến này tất cả 99 anh em trai ông đều bị giết.52

Như vậy, cứ theo các tài liệu Tích Lan thì Asoka giết hại tất cả 99 người anh em cùng cha khác mẹ với mình trước khi lên nắm vương quyền Maurya. V.A. Smith không đồng tình với các truyền thuyết Tích Lan cho rằng Asoka giết chết tất cả anh em trai mình, trừ Tisya. Theo Smith, chắc chắn các anh chị em ông vẫn còn sống mười bảy hoặc mươi tám năm sau khi Asoka lên ngôi53. D.R.Bhandarkar cũng thấy rõ sự mâu thuẫn giữa tài liệu Tích Lan nói rằng Asoka giết chết 99 anh em trai và thông tin các bia ký Asoka cho hay không chỉ một mà nhiều anh em trai của Asoka vẫn còn sống không những ở kinh đô Pàtaliputra mà còn ở các thành phố khác của đế quốc ông54. R.Mookerji xem ra cũng không mấy đồng tình với các tài liệu Tích Lan khi nói rằng “ một con người có lòng mong ước cho tất cả anh em và bà con mình được hạnh phúc an lạc đầy cảm động như vậy không thể là một con người tàn bạo, như các truyền thuyết đã gián cho ông .”55. Sau khi đưa ra nhiều cứ liệu khác nhau về Asoka, đến lượt K.Hazra đi đến nhận xét rằng các tác giả Phật giáo chính thống muốn dệt nên một bức tranh tuyệt đẹp về Phật giáo , những giáo lý cao cả và tính chất vĩ đại của nó, đã nói đến Asoka như một kẻ tàn bạo ( Candàsoka ) và rồi muốn giới thiệu với chúng ta rằng chính nhờ ảnh hưởng to lớn của Phật giáo mà con người khét tiếng tàn bạo này đã trở thành một con người cao cả, một con người đầy từ tâm và thánh thiện nhất.56

Quả thực chúng ta khó biết đích xác việc Asoka lên ngôi thế nào và các tác giả Tích Lan có dụng ý tô hồng câu chuyện hay không, như K.Hazra đã nhận xét. Có điều lạ là các tài liệu Tích Lan bảo Bindusàra có tất cả 101 người con , mà toàn là con trai. Điều này hoàn toàn trái với quan điểm của Asoka khi ông nói vầ các anh em trai , các chị em gái và các bà con ông, như được ghi trong các bia ký. Như vậy phải chăng Bindusàra chỉ có toàn con trai hay ngoài 101 con trai ra Bindusàra còn có những người con gái khác mà các tài liệu Tích Lan không nói đến ? Lại nữa, trong số 101 con trai của Bindusàra chỉ có ba người được biết tên là Sumana, Asoka và Tisya. Theo các tài liệu Mahàvamsa, Divyàvadàna và Aśokàvadàna thì tên tuổi Sumana, Asoka và Tisya gắn liền với việc chiếm đoạt ngai vàng của Asoka, những người con khác của Bindusàra chỉ là con số được nêu ra. Sumana bị sát hại trong lúc tranh chấp vương vị, Asoka lên nắm ngai vàng còn Tisya được sống sót và về sau được Asoka bổ làm phó vương ( uparàja ) 57 Như vậy con số 101 con trai do tài liệu Tích Lan cung cấp là đúng hay thực sự Bindusàra chỉ có ba người con như được kể tên trong các tài liệu Nam và Bắc truyền ? Từ những điều vừa nêu ta khó tin các truyền thuyết Tích Lan là hoàn toàn xác thực. Bởi vậy, nhận xét của K.Hazra về các tác giả Tích Lan muốn thổi phồng câu chuyện Asoka không phải không có cơ sở. Hazra khiến chúng ta nhớ tới câu chuyện Angulimàla sát hại 999 mạng sống trước khi được đức Thế Tôn cảm hóa, như được ghi lại trong tập Theragàthà và các sớ giải.

Chúng ta có hai tài liệu kinh tạng nói về Angulimàla, một được chép trong Majjhima Nikàya và một được ghi trong tập Theragàthà thuộc Khuddaka Nikàya. Chúng ta không có gì phải nói về tài liệu thứ nhất được đề cập trong bài kinh số 86, Majjhima Nikàya, ngoài việc thán phục sức cảm hóa của đức Phật đối với tên cướp hung bạo Angulimàla và việc Angulimàla từ một tên cướp khét tiếng hung tàn chuyển thành một tu sĩ đầy từ tâm và kham nhẫn. Tuy nhiên ta không thể không giật mình khi đọc sang tài liệu thứ hai được lưu giữ trong Theragàthà, ở đấy Angulimàla hiện rõ là tên cướp tàn ác. Con số 999 mạng sống bị Angulimàla tước đoạt được ghi nhận bởi các sớ giải Majjhim Nakàya và Theragàthà khiến chúng ta có cảm giác rằng các nhà sớ giải kinh tạng Pàli đã đẩy câu chuyện đi quá xa thực tế.

Các quan điểm bênh vực do việc lên ngôi của Asoka bao gồm các truyền thuyết, những lời tiên tri cũng như lập trường ủng hộ Asoka của các triều thần đương thời, như được thấy phần lớn trong tác phẩm Divyàvadàna. Trong tác phẩm Du Thiên Trúc sự,Pháp Hiển ( Fa-hsien ) ghi lại câu chuyện tiền thân của Asoka, kể rằng trong đời quá khứ, khi còn là một cậu bé con đang nghịch cát trên đường, Asoka đã gặp đức Phật Ca Diếp ( Haśyapa ) đang đi khất thực. Cậu bé hoan hỷ nhặt một nắm đầy đất cúng dường cho Ngài. Đức Phật tiếp nhận nắm đất cúng dường của cậu bé. Do nhân duyên này, cậu bé được phước báo trở thành một vị vua Chuyển luân vương trị vì cõi Diêm Phù Đề ( Jambudvìpa )58.Trong hồi ký của mình, Nghĩa Tịnh ( I-sting ) có nói đến trường hợp đức Phật báo trước sự xuất hiện của Asoka và vương quốc to lớn của ông. Theo Nghĩa tịnh, trong khi giải thích giấc mộng của vua Bimbisàra về mẫu vải và chiếc gậy vàng biến thành 18 mảnh, đức Phật dạy giáo lý của Ngài sẽ được chia làm 18 trường phái sau hơn 100 năm Ngài nhập Niết bàn và bấy giờ sẽ xuất hiện một vị vua tên Asoka, trị vì toàn cõi Diêm Phù Đề ( Jambudvìpa )59.Trong thời gian Bindusàra còn tại vị, vị thầy của ông, một tu sĩ phái Àjìvika, đã tiên đoán Asoka sẽ là người thừa kế ngai vàng Maurya60.Divyàvadàna thuật rằng đức Phật đã đoán trước Asoka là một vị vua chân chánh sẽ xây dựng 84.000 bảo tháp để tôn thờ xá lợi của Ngài61 .Tác phẩm này còn nói thêm rằng Asoka là một vị vua sẽ trị vị một vương quốc rộng lớn bằng Chánh pháp, về sau ( nhà vua) sẽ từ bỏ vương quốc, cạo râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình và sẽ thành một vị Phật Độc giác ( Pratyeka-Buddha ).62

Các truyền thuyết và lời tiên tri chỉ nói Asoka sẽ làm vua và là vị vua xứng đáng nhưng không nói Asoka sẽ lên ngôi vua bằng cách nào. V.A.smith dẫn cứ liệu từ các bia ký Asoka và cho rằng Asoka lên ngôi một cách êm thấm, phù hợp với nguyện vọng của tổ tiên63. Tuy nhiên, theo K. Hazra, việc đăng quang của Asoka đã diễn ra không mấy êm ái bởi nó được tiến hành bốn năm sau khi Bindusàra qua đời, nghĩa là một khoảng thời gian khá dài đủ để làm mờ phai những tranh luận liên quan đến quyền nắm ngai vàng Pàtaliputra64. Theo Divyàva-dàna thì trước khi lâm chung, Bindusàra bảo anh trai Asoka là Sumana nhận trách nhiệm trông coi vương quốc và vì vậy đã sai các triều thần không nghe và giục Asoka chiếm đoạt ngai vàng. Asoka chấp nhận lời đề nghị này65 . Cũng theo Divyàvadàna, khi được tin một cuộc nổi loạn khác xảy ra ở Taxilà, Bindusàra muốn cử Asoka đến Taxilà dẹp loạn bởi ông đã từng dẹp loạn thành công ở đấy một lần, nhưng các triều thần vốn không ưa Sumana, anh trai Asoka, và muốn đẩy ông này rời xa kinh đô nên đã dàn xếp việc đề cử Sumana đi Taxilà thay vì Asoka66. Tài liệu này ghi nhận rằng trong khi hoàng tử Sumana thất bại trong việc dẹp loạn ở Taxilà, ngai vàng Pataliputra bị bỏ trống, Asoka liền chiếm đoạt ngai vàng với sự giúp sức của các triều thần và sau đó tìm cách chống lại anh trai mình, người bị sát hại trong lúc cố phế truất kẻ cướp ngôi.67

Như vậy, theo cả hai nguồn tài liệu Nam truyền và Bắc truyền thì Asoka là người chiếm đoạt ngai vàng vương quốc Magadha. Có điều tài liệu Tích Lan nêu con số người bị sát hại liên quan đến việc chiếm ngôi của Asoka lên đến 99, trong khi tài liệu Bắc truyền chỉ nói một mình Sumana bị giết. Cũng có những tác giả khác không gán cho Asoka bất kỳ hành vi giết hại nào đối với anh em ông nhưng đề cập ông đã áp dụng những chính sách tàn bạo. Tác phẩm Aśokàvadàna, chẳng hạn, mô tả Asoka là kẻ giết hại các thuộc hạ của mình, thiêu sống nhiều phụ nữ trong hoàng cung, thiết lập một ngục tù để hành hình những người vô tội68.Cũng theo Aśokàvadàna, Asokatreo giá cho những chiếc đầu của các tu sĩ Bà-la-môn cố tình sỉ nhục các tượng Phật, sự việc chỉ chấm dứt khi Vitàsoka, em trai ông ,can thiệp69. Những việc như thế này chắc chắn chỉ có thể xảy ra trước khi Asoka chính thức trở thành một Phật tử. Càng về sau, như các bia ký của ông đã nói rõ, Asoka càng tỏ rõ là ông vua hiền thiện và mộ đạo. Truyền thuyết Tích Lan kể rằng Asoka quá chăm chút cây Bồ đề đến nỗi bà vợ Tishyarkshita trẻ đẹp của ông trở nên ghen ty muốn triệt hạ cây này. Huyền Trang ( Yuan Chwang ) , nhà chiêm bái và học giả Trung Hoa du học Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ bảy, ghi nhận câu chuyện và nói thêm rằng để bảo vệ , Asoka đã cho xây một bức tường đá bao bọc cây Bồ đề70.Theo Pháp Hiển ( Fa-hsien ) , một tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đến Ấn Độ khoảng đầu thế kỷ thứ năm, thì bà hoàng này muốn triệt hạ cây Bồ đề vì thường xuyên thấy Asoka lễ bái dưới gốc cây.71

Ngày nay đa số các học giả đều cho rằng Asoka trở nên thánh thiện nhờ những ảnh hưởng Phật giáo. Ta sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề này ở các chương tiếp theo.

Dù sao, những việc mà Asoka làm trước khi trở thành một Phật tử chân chính cũng khó tránh được cái tên Candàsoka mà người ta đã gán cho ông. Chỉ một việc ông đánh chiếm xứ Kalinga trong đó hàng trăm ngàn người bị giết chết và hàng trăm người khác bị bắt tù đày và làm nô lệ cũng đủ cho người đời “ban tặng” ông danh hiệu Candàsoka. Không hiếm các vị vua trong lịch sử mang tên như ông Candàsoka. Nhưng hiếm có vị vua nào lại có thể thay đổi tâm tính một cách triệt để như Asoka để từ một người có biệt danh Candàsoka người ta lại tôn xưng ông là Dhammàsoka.

Các niên đại về cuộc đời Asoka và những nhân vật cùng những sự kiện liên quan đến Asoka được rút ra từ nguồn tài liệu bia ký của ông đối chiếu với các tài liệu Nam và Bắc truyền được lưu giữ trong các tác phẩm Mahàvamsa và Divyà-vadàna, như sau :

. 304 trước Công nguyên – Asoka ra đời.

. 286 trước Công nguyên- Asoka được bổ làm Phó vương Ujjain; cùng năm ấy ông cưới bà Devì, con gái một thương gia dòng họ Sàkya.

. 284 trước Công nguyên- Mahendra, con trai lớn của Asoka, ra đời.

. 282 trước Công nguyên- Sanghamitrà, con gái lớn của Asoka, ra đời.

. 274 trước Công nguyên- Cuộc chiến tranh giành vương vị xảy ra; hoàng thái tử Sumana bị giết hại; Asoka chiếm ngai vàng; Nigrodha, con trai hoàng thái tử Sumanra, ra đời.

. 270 trước Công nguyên- Asoka chính thức đăng quang.

. 270-266 trước Công nguyên- Tissa, em trai Asoka được bổ làm Phó vương ( Uparàja ).

. 268 trước Công nguyên- Sanghamitrà, con gái Asoka cưới cháu trai của ông là Agnibrahmà.

. 267 trước Công nguyên- Sumana, con trai Sanghamitrà và là cháu ngoại Asoka, ra đời.

. 266 trước Công nguyên- Asoka cải giáo, chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo do công Nigrodha; Asoka chuyển hóa em trai mình là Tissa thành Phật tử; Tissa xuất gia thọ đại giới dưới sự dẫn dắt của Mahàdhammarakkhita; Aghibrahmà, con rễ và là cháu trai Asoka, xuất gia thọ đại giới.

. 264 trước Công nguyên- Mahendra, con trai Asoka, xuất gia thọ đại giới; Sanghamitrà, con gái Asoka, xuất gia thọ đại giới.

. 263 trước Công nguyên- Kunàla, con trai Asoka và Padmàvatì, ra đời.

. 262 trước Công nguyên- Chinh phục Kalinga.

. 262-254 trước Công nguyên- Sự kiện thanh lọc Tăng già do Asoka và Moggaliputt Tissa tiến hành.

. 253 trước Công nguyên- Hội nghị kiết tập kinh tạng lần thứ ba được tổ chức ở Pàtaliputra dưới sự chủ trì của Moggaliputta Tissa và do Asoka chính thức bảo trợ; các đoàn truyền giáo được gởi đi nhiều quốc gia khác nhau nhằm phổ biến giáo lý của đức Phật.

. 252 trước Công nguyên- Mahendra đưa Phật giáo vào Tích Lan.

. 240 trước Công nguyên- Hoàng hậu Asandhimitrà qua đời.

. 236 trước Công nguyên- Tisyaraksità được cất lên làm chánh hậu.

. 235 trước Công nguyên- Kunàla được bổ làm Phó vương Taxilà.

. 233 trước Công nguyên- Tisyaraksità ganh tỵ muốn triệt hạ cây Bồ đề vì thường xuyên thấy Asoka lễ bái dưới gốc cây.

. 232 trước Công nguyên- Asoka qua đời sau khi trị vì được 38 năm

---o0o---


CHƯƠNG II - VƯƠNG QUỐC MAURYA DƯỚI THỜI ASOKA


Asoka lên ngôi thừa hưởng một vương quốc to lớn do ông nội ông, Chandragupta, sáng lập và do cha ông, Bindusàra, tiếp tục củng cố và mở rộng. Trong khoảng thời gian tám năm đầu mới lên ngôi, giống như Chandragupta và Bindusàra, Asoka đã áp dụng chính sách xâm lăng nhằm mở rộng đế quốc Maurya. Trận đánh chiếm xứ Kalinga thuộc vùng Orissa ngày nay là một bằng chứng về chính sách xâm lăng của Asoka. Nhưng chiến thắng Kalinga cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng tronglịch sử triều đại Asoka: chấm dứt chính sách xâm lược, mở ra một kỷ nguyên mới về hòa bình tiến bộ xã hội, phát triển tôn giáo, ổn định chính trị, quan hệ ngoại giao và nhiều lĩnh vực khác của vương triều Maurya. Kể từ sau trận Kalinga, nghĩa là từ 262 trước Công nguyên trở đi, Asoka từ bỏ mọi ý đồ xâm lăng và áp dụng một chính sách hòa bình triệt để. Trong các bia ký của mình, Asoka tỏ ra hối tiếc về việc xâm lăng Kalinga và xác nhận : “ Tiếng trống thúc quân ( bheri-ghosa ) ngày nào nay được thay thế bởi tiếng gọi Chánh pháp ( Dharma-ghosa )”72. Việc Asoka áp dụng chính sách như thế nào để mang lại thái bình cho xứ sở ông và giữ vững quan hệ hòa hiếu với các lân bang là vấn đề sẽ được bàn đến ở các chương tiếp theo. Trong phạm vi chương này; chúng ta sẽ tập trung xem xét hai vấn đề chính, phạm vi lãnh thổ và cơ cấu tổ chức- quản lý nhà nước dưới triều Asoka.
---o0o---

I.Phạm vi lãnh thổ



Về phạm vi lãnh thổ do Asoka cai quản, nguồn tài liệu bia ký và trụ đá của ông cung cấp cho chúng ta khá nhiều thông tin. Các bia ký và trụ đá của ông được tìm thấy tại nhiều nơi khác nhau thuộc Ấn Độ ngày nay và tại các quốc gia lân cận nói rõ phạm vi rộng lớn của vương quốc Maurya dưới thời Asoka. Trước hết, chuyển từ đông sang tây, chúng ta có hai văn bản, bản bắc và bản nam, về 14 bia ký Asoka được tìm thấy tại vùng đông nam, gần vịnh Bengal. Trong số này, bản bắc được khắc gần ngôi làng Dhauli, thuộc quận Purì, vùng Orissa. Bản nam được ghi tại thị trấn Jaugadà, thuộc quận Ganjàm, bang Madra. Tất cả các bia ký này được dựng tại vùng Kalinga vừa mới chiếm cứ, thuộc đông nam Ấn Độ. Chuyển về phía bắc, chúng ta có văn bản thứ ba về các bia ký của Asoka được khắc trên một tảng đá gần ngôi làng Kàlsì , thuộc quận Dehrà Dun. Hướng về phía tây, ta có hai văn bản, một được khắc tại Manserà, quận Hazàrà và một tại Shàhbàzgarhì, thuộc thủ phủ Peshàwar, Pakistan. Chuyển sang bờ biển phía tây, chúng ta chú ý tới một văn bia được phát hiện gần Junàgarh thuộc Kàthiàwàr và một văn bia khác tại Sopàrà thuộc quận Thànà, cách Bombay 37 dặm về hướng bắc. Gần đây người ta lại phát hiện một loạt 14 bia ký tại các biên giới phía nam lãnh thổ Asoka, tức YerragudI, thuộc quận Kurnool, bang Madras. Vào năm 1903, Levis Rice tìm thấy ba văn bia nằm gần nhau tại quận Chitaldrug thuộc Bắc Mysore. Tất cả những bia ký này và những địa điểm chúng được phát hiện giúp chúng ta hiểu rõ phạm vi rộng lớn của vương quốc Aśka.

Nội dung các bia ký Asoka cung cấp thêm cho chúng ta những địa danh hay vùng lãnh thổ thuộc vương quốc Maurya. Trong các bia ký II và XIII, Asoka thông báo cho chúng ta về các vị vua trị vì bên ngoài Ấn Độ như Yavana, Amtiyoka, Turumàya, Amtekina, Maga và Alikasumdara. Về phía nam đế quốc Asoka, nằm trong và ngoài Ấn Độ, có các xứ sở như Chola, Pàndya, Keralaputra, Sàtiyaphutra và Tambapamnì. Các bia ký V và XIII nói đến các địa danh xa xôi như Yona, Kamboja, Gamdhàra, Ràstika-Petenika, Bhoja-Petenika, Nàbhaka- Nàbhapamti, Amdhra, và Pàrimda. Theo công trình nghiên cứu và khảo sát của D.R.Bhanarkar, trừ các xứ sở như Chola, Pàndya, Sàtiyaputra và Keralaputra, tất cả các xứ sở còn lại đều thuộc quyền cai quản của Asoka.73

Một nguồn thông tin khác có thể giúp thêm cơ sở cho việc xác định biên giới vương quốc Maurya dưới thời Asoka là các trụ đá và bảo tháp ( Stùpa ) của ông được tìm thấy tại nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ và các lân bang. Các trụ đá Asoka dược phát hiện ở Punjab, Kauśàmbi, Sañchi, Sàrnàth, tại Rummindeì và ở Nigliva thuộc Tarài, Nepal. Huyền trang ( Yuan Chwang ) nói đến các bảo tháp Asoka được xây dựng ở Kapis ( Kafiristan), Nagar ( Jalalabad) và ở Udyàna thuộc vùng biên giới tây bắc, tức Đông Afghanistan. 74

Ngoài ra, các tài liệu Hy Lạp nói về các thuộc địa của triều đại Chandragupta cũng giúp chúng ta hình dung phạm vi rộng lớn của vương quốc Maurya dưới thời Asoka. Theo các tài liệu này thì không bao lâu sau khi Alexander qua đời, những cuộc xâm lăng Ấn Độ của ông ở phía đông Indus, vượt Punjab trải rộng cho đến sông Hyphasis hay Bias đều nhanh chóng rơi vào tay Chandragupta. Bốn chức phó vương các lãnh địa Aria, Arachosia, Gedrosia và Paropanisadai cũng được Seleukos Nikator nhượng lại cho Chandragupta vào năm 305 trước Tây lịch. Như vậy biên giới Maurya dưới thời Chandragupta đã được mở rộng cho tới dãy Hindu Kush và các quốc gia rộng lớn ngày nay như Afghanistan, Baluchistan và Makra, cùng với vùng biên giới tây bắc đều được sáp nhập vào đế quốc Maurya. Ấn Độ lúc bấy giờ bao gồm các thành trì nổi tiếng như Kabul, Zabul, Kandahar và Heart. B.M. Barua đồng nhất các xứ sở Kashmir, Nepal, Butan và Sikkim ngày nay với các sở Yona, Kàmboja, Gàndhàra và Nàbhaka được nói đến trong bia ký Asoka 75.Theo V.A Smith thì Bindusàra tiếp tục giữ vững lãnh thổ Maurya rộng lớn do Chandragupta để lại76. Đến thời Asoka, vương quốc Maurya lại tiếp tục được mở rộng ra ở phía đông nam, sau chiến thắng Kalinga.

Căn cứ các tài liệu nêu trên thì Maurya dưới thời Asoka là một vương quốc rộng lớn, bao gồm các quốc gia ngày nay như Pakistan, Afghanistan, Butan, Sikkim, Nepal và toàn bộ Ấn Độ hiện tại. B.M.Barua mô tả đế quốc Asoka theo các hướng địa lý như sau : phía bắc được giới hạn bởi dãy Himalaya; phía nam tiếp giáp với lãnh thổ độc lập Chola, Pàndya, Sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnya; phía đông trải rộng cho đến tận vịnh Bengal; phía tây tiếp giáp với lãnh thổ Tây Á Antiyoka.77

Theo Will Durant, xứ đó là một tam giác mênh mông , đáy ở phía Bắc , tức dãy Himalaya quanh năm tuyết phủ, đỉnh ở phía Nam, tức đầu đảo Tích Lan, quanh năm nóng như thiêu. Phía Tây là Ba Tư mà dân chúng, ngôn ngữ, thần thánh đều rất gần gũi với Ấn Độ thời Veda, cơ hồ hai xứ là bà con chú bác với nhau. Nếu chúng ta theo biên giới phía Bắc Ba Tư mà tiến về phương Đông thì sẽ gặp Afghanistan, nơi mà nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp và Ấn Độ dung hòa với nhau trong một thời gian rồi tách biệt nhau ra không còn bao giờ gặp lại nhau nữa; tiến lên phía Bắc chút nữa, đây là Kaboul nơi xuất phát những cuộc xâm lăng đẩm máu Hồi và Mông Cổ, và hai dân tộc đó làm chủ Ấn Độ trong ngàn năm. Ở phía trong biên giới, đây là Peshawer chỉ cách Kaboul một ngày ngựa. Bạn nhận thấy đất Nga ở xứ Kashmir thật sát Ấn Độ, thông với Ấn bằng những đèo Hindoukouch. Ở phía cực Bắc Ấn Độ là tỉnh Cachenire. Ở phía Nam Cahenire là miền Pendjap với châu thành Lahore và kinh đô mùa hè của Ấn Độ, tức Simla. Tiến về phía Đông thì tới xứ Miến Điện với những ngôi chùa giát vàng ở Rangoon và con đường Mandalay chói chang ánh nắng. Phía Tây là tỉnh Bombay với những châu thành dân cư đông như kiến. Ở phía Đông và phía Nam là tiểu quốc Hyderabad và Mysore mà các vua chúa đều có óc duy tân tiến bộ. Dọc theo bờ vịnh Bengale là tỉnh Madras. Sau cùng là chiếc cầu Adam- một hàng mỏm đá ló một nửa lên khỏi mặt nước- đưa ta tới đảo Tích Lan. 78

Bản đồ Ấn Độ mà sử gia Will Durant vừa mô tả chỉ được thực hiện không lâu trước hoặc sau ngày Ấn Độ độc lập nhưng cũng giúp chúng ta hình dung sự sộng lớn của lục địa này dưới thời Asoka như thế nào bởi những địa danh được đề cập xưa kia từng là đất của Ấn Độ. Rõ ràng với một lãnh thổ rộng lớn như vậy việc điều hành và cai quản chắc chắn sẽ gặp phải không ít khó khăn. Tiếp theo chúng ta sẽ xem Asoka đã thiết lập hệ thống tổ chức và quản trị như thế nào để điều hành và quản lý quốc gia to lớn của mình.
---o0o---

CHƯƠNG III - CHÍNH SÁCH CỦA ASOKA

J. Jolly và R.Schmidt nêu nhận xét rằng người ta có thể đánh giá tài năng lãnh đạo và quản lý quốc gia của một ông vua qua hai đặc điểm nổi trội, khả năng điều hành nhà nước và tài ứng dụng đúng lúc và có hiệu quả các nguyên tắc nhằm bảo đảm cho tự thân, quốc gia, dân chúng và nhiều yếu tố khác của quốc gia được an toàn và hơn thế được lợi ích và hạnh phúc79.Nhận xét này xem ra hoàn toàn thỏa đáng đối với trường hợp Asoka, một hoàng đế không những giỏi về mặt lãnh đạo và điều hành quốc gia mà còn rất xuất sắc trong việc ứng dụng đúng lúc các nguyên tắc trị quốc khiến cho nước nhà ngày càng hưng thịnh và dân chúng được an cư lạc nghiệp . Về khả năng thứ nhất của Asoka, nghĩa là tài lãnh đạo và điều hành quốc gia của ông, chúng ta đã có dịp nói đến ở chương trước đây. Trong chương này chúng ta sẽ tập trung xem xét khả năng thứ hai của Asoka, tức là khả năng ứng dụng đúng lúc và có hiệu quả các nguyên tắc điều hành quốc gia hay còn gọi là chính sách trị quốc của ông.

Về chính sách trị quốc của Asoka,các bia ký và trụ đá của ông cung cấp cho chúng ta một số lượng thông tin rất lớn. Chính các bia ký và trụ đá của ông là các văn kiện lịch sử hết sức quan trọng và tuyệt đối cần thiết cho công tác nghiên cứu và đánh giá về con người Asoka cũng như sự nghiệp của ông, về cơ cấu tổ chức và quản lý nhà nước dưới triều đại ông, đặc biệt là về các chính sách mà Asoka đã đề ra mỗi lúc khác nhau nhằm củng cố và phát triển quốc gia. Tài liệu bia ký và trụ đá của ông cũng phản ánh rất rõ lý tưởng hòa bình mà Asoka đã nỗ lực theo đuổi nhằm mang lại thái bình cho đất nước và thiết lập quan hệ hòa hiếu với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, để hiểu rõ các chính sách của Asoka chúng ta sẽ tập trung xem xét hai đường lối chính của nhà nưóc Maurya dưới hai hình thức gọi là đối nội và đối ngoại.
---o0o---

I. Đường lối đối nội

Về phương diện đối nội, nhà nước Asoka tiêu biểu cho một nhà nước vì dân, được cụ thể hóa qua các chính sách sau đây :


1.Chính sách lấy dân làm gốc :
Nhà nước Asoka không phải là nhà nước do dân bầu nhưng lấy dân làm gốc. Các quan chức nhà nước Asoka cũng không do dân bầu nhưng phục vụ vì lợi ích của nhân dân. Quan điểm lấy dân làm gốc, vì hạnh phúc nhân dân mà phục vụ là đặc điểm nổi bật của nhà nước Asoka. Quan điểm hay chính sách ấy trước hết được thể hiện một cách cụ thể và sinh động qua cách nói của Asoka cũng như qua tấm gương phục vụ không mệt mỏi của ông vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Trong bia ký Kalinga, văn bản Dhauli, Asoka tuyên bố: “ Tất cả mọi người là con cái của ta. Bởi t among muốn cho các con ta được hạnh phúc và an lạc đời này và đời sau, ta cũng mong cho tất cả mọi người được như vậy.”

Asoka là một hoàng đế rất mực thương dân , xem dân như con cái của mình, lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân. Cách nghĩ và cách nói này của Asoka là một bằng chứng của quan điểm lấy dân làm gốc. Một bằng chứng khác của chính sách lấy dân làm gốc của Asoka là ông tự xem mình không chỉ là một vị vua phải có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc cho dân mà còn là một người mắc nợ nhân dân, cần phải nỗ lực làm việc nhiều hơn thanh toán món nợ ấy80. Bia ký VIII xác nhận Asoka từ bỏ nhiều thú vui của cá nhân để tập trung vào công việc chăm lo hạnh phúc và giáo dục nhân dân. Ông xem trọng việc nước hơn việc nhà, lấy hạnh phúc của dân làm thú vui cho chính mình. Asoka làm việc không mệt mỏi, chú tâm giải quyết việc nước việc dân ở mọi lúc mọi nơi. Trong bia ký VI, Asoka ra lệnh cho các quan chức có trách nhiệm phải báo cáo ngay cho ông mọi công việc liên quan đến đời sống nhân dân, thậm chí khi ông đang ăn, đang ở hậu cung, đang ngủ, đang ở tại các trại chăn nuôi, đang ở chỗ thuyết giáo hay khi ông đang vui chơi. Nhưng dù đã làm việc hết mình, Asoka vẫn không hài lòng về khả năng giải quyết công việc của mình. Bia ký VI ghi nhận sự kiện rằng Asoka phàn nàn về năng lực làm việc của mình. Ông tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích của nhân dân mà theo ông căn bản của việc làm ấy chính là nỗ lực giải quyết công việc. Nhưng Asoka không chỉ quyết định việc nước việc dân dựa trên báo cáo, ông còn đích thân thị sát và giải quyết công việc tại các địa phương. Tiểu bia ký I, văn bản Brahmgiri, và bia ký VIII xác nhận Asoka đã thực hiện nhiều cuộc tuần du các địa phương nhằm xem xét tình hình đất nước và đời sống nhân dân.

Từ các thông tin bia ký và trụ đá trên đây ta có thể khẳng định rằng quan điểm hay chính sách lấy dân làm gốc đã được thực hiện một cách triệt để bởi hoàng đế Asoka. Các quan niệm như “đi sâu đi sát quần chúng ,” “ lãnh đạo là đầy tớ của dân ,” xem ra đã được vận dụng triệt để và có hiệu quả bởi Asoka cách nay hơn 20 thế kỷ !

Một bằng chứng khác về chính sách lấy dân làm gốc của Asoka là đội ngũ các quan chức nhà nước Maurya thường xuyên được giáo dục về lý tưởng phục vụ nhân dân và về ý thức trách nhiệm lãnh đạo. Asoka tỏ ra rất quan tâm việc huấn luyện đội ngũ các quan chức đại diện nhà nước chăm lo việc dân, và chính ông là tấm gương sáng cho việc huấn luyện đó. Theo các thông tin bia ký thì đội ngũ quan chức các cấp của nhà nước Asoka được huấn luyện tốt và làm việc khá thông minh và có hiệu quả. Trong các chỉ dụ của mình, Asoka thường xuyên nhắc nhở quan chức các cấp của ông sống đúng pháp ( Dharma ) và thực thi công việc đúng pháp luật để nêu gương cho mọi người81 .Ông quy định các quan chức có phẩm hàm khác nhau cứ ba hay năm năm một lần phải có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm phổ biến, hướng dẫn và khuyến khích mọi người sống theo pháp luật. Các quan chức phải làm việc cần mẫn và phải hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của mình82. Asoka cho rằng mục đích của kẻ làm quan là phải chăm lo hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy , theo ông, kẻ làm quan cần phải hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân và phải làm việc hết mình vì lợi ích của nhân dân83 .Quan lại phải hết lòng chăm lo cho dân, tựa như vú em hết lòng chăm lo cho con trẻ. Ông phát biểu; “ Giống như một người giao phó đứa con thân yêu của mình cho người vú chăm bẵm, nghĩ rằng: “ Bà vú ân cần này sẽ chăm sóc chu đáo cho đứa con của ta ;” cũng vậy, ta thiết lập đội ngũ các quan chức Ràjjùka với ý nghĩ rằng họ sẽ làm việc cần mẫn vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.”84



Như vậy, song song với cách sống và làm việc tích cực của mình, lối giáo dục và rèn luyện cán bộ nhà nước trên đây của Asoka chắc chắn đã mang lại những kết quả nhất định cho đường lối lãnh đạo của ông. Tài liệu Aśokàvadàna thuật câu chuyện rằng Mahendra, em trai Asoka, là một kẻ bướng bỉnh đã làm nhiều việc phi pháp khiến quần chúng oán hận. Các quan chức của Asoka biết được liền nhắc nhở Mahendra: “ Chúng tôi mong rằng ngài sẽ tuân thủ các nguyên tắc mà quốc gia đã đề ra cho chúng ta và tỏ rõ công lý đối với những ai tìm cách phá vỡ các nguyên tắc ấy, bởi lẽ nhà nước có công minh thì dân mới tín nhiệm; khi nhà nước được dân tín nhiệm thì quốc gia sẽ thái bình,”85 Những lời lẽ được thốt ra như thế này chứng tỏ đội ngũ các quan chức nhà nước Asoka đã được giáo dục rất tốt về chính sách lấy dân làm gốc và các quyên tắc trị quốc dựa trên chính sách ấy.
---o0o---
2.Chính sách đức trị
Một đặc điểm khác của Asoka là luôn luôn đề cao đạo đức nhân ái và vận dụng triệt để chính sách đức trị ( Dharma-vijava ) trong suốt thời gian ông trị vì. Khắp nơi trong các bia ký và trụ đá của ông, yếu tố đạo đức nhân ái hay đường lối đức trị được nhấn mạnh vướt trội. Divyàvadàna nói rằng Asoka trị vì một vương quốc rộng lớn mà không có đàn áp, không bắt ép người vô tội, không dùng vũ lực mà dùng đức trị86.Mặc dù là truyền thuyết, nhận định này ngụ ý rằng nhà nước Asoka là một nhà nước đức trị. Dưới thời Asoka, không một cuộc bạo loạn nào được ghi nhận đã xảy ra trong vương quốc Maurya như từng xảy ra trước đó nhiều lần dưới thời Bindusàra. Phải chăng đây là bằng chứng của một đất nước thái bình thịnh trị? Bia ký V cho chúng ta hay mười ba năm sau khi lên ngôi, Asoka thành lập một đội ngũ quan chức các cấp có trách nhiệm trông coi về kỷ cương và đạo đức xã hội gọi là Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta. Nhiệm vụ của các quan chức này là thúc đẩy kỷ cương đạo đức hay còn gọi là chính sách đức trị nhằm bảo đảm lợi ích và hạnh phúc cho tất cả mọi người, đặc biệt là quần chúng ở các vùng xa xôi như Yavana, Kamboja, Gandhàra, cư dân các vùng biên giới, các đối tượng già yếu, làm thuê làm mướn, bị tù tội hay bị lưu đày khổ sai87. Mười ba năm sau, tức 26 năm sau khi lên ngôi, Asoka thành lập thêm đội ngũ các quan chức có trách nhiệm trông coi về pháp luật gọi là Ràjùka . Cũng giống như đội ngũ các Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta, nhiệm vụ của các quan chức Ràjùka cũng có trách nhiệm xem xét các trường hợp tù nhân xin kháng án và giúp các tù nhân bị xử tôi chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng đời sau sẽ được may mắn88.Các chỉ dụ ghi trong trụ đá I và VII quy định quan chức các cấp của chính phủ phải sống kỷ cương và nêu cao đạo đức, đồng thời phải phổ biến chính sách đức trị của nhà nước nhằm dẫn dắt cuộc sống hạnh phúc nhân dân. Để làm tốt việc này, các quan chức phải điều hành việc nước theo pháp luật, xử lý công việc theo pháp luật, phải làm cho dân được hạnh phúc nhờ pháp luật và bảo vệ dân bằng pháp luật. Quan chức các cấp cũng có trách nhiệm tuần du theo định kỳ ba năm hay năm một lần tùy theo phẩm hàm nhằm phổ biến, khuyến khích và nhắc nhở nhân dân sống đúng pháp luật. Với Asoka, pháp luật đồng nghĩa với kỷ cương đạo đức. Người sống đúng pháp luật do đó là người tôn trọng kỷ cương và nêu cao đạo đức. Hai yếu tố kỷ cương và đạo đức không tách rời nhau trong quan niệm không tách rời nhau trong quan niệm pháp luật của Asoka. Asoka xem kỷ cương đạo đức là nhân tố của hạnh phúc. Bởi vậy theo ông, sống và làm việc theo pháp luật tức là sống tạo hạnh phúc cho mình và đem hạnh phúc cho người.

Asoka rất quan tâm xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị trên cơ sở phát huy nếp sống đạo đức của quần chúng và tỏ rõ biện pháp đức trị. Ông khuyên dạy tất cả con cái, cháu chắt và thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức Chánh pháp ( Dharma ) và phải có trách nhiệm khuyến khích nếp sống đạo đức Chánh pháp89.Asoka quan niệm Chánh pháp (Dharma ) là thiện hay tốt lành ( sàdhu ) được thể hiện qua việc tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, sống với tâm lương thiện, hào phóng, chân thật và trong sạch9091.Ông kêu gọi mọi người tránh xa sát sanh hay làm hại; hiếu kính cha mẹ; tôn trọng thầy cô giáo; đối xử tốt với bà con, bạn bè cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-mô; xử sự hào phóng với kẻ làm công, người giúp việc; giúp đỡ người nghèo khó, kẻ bất hạnh92.Ông khuyên mọi người sống từ hòa, chân thật, trong sạch, thanh cao, trọng lẽ phải, tự chế, biết đủ, biết ơn và tiết kiệm93.Ông khuyến khích mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật hay tiễn người đi xa bằng những việc làm thiết thực phù hợp Chánh pháp mà ông gọi là vận may Chánh pháp ( Dharma-mangala ) như bố thí, không sát sanh, tôn trọng thầy cô giáo, cung kính cúng dường các bậc hiền thánh, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở94. Asoka đề cao đạo đức bằng cách đề cao Pháp thí ( Dharma-dàna) , nói rằng tất cả mọi người nên từ bỏ sát sanh, hiếu kính cha mẹ, cung kính cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn, giúp đỡ bà con bạn bè, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở và khuyến khích người khác làm điều tương tự95 . Ông nhắc nhở mọi người sống đúng Chánh pháp “ bởi những ai theo đúng Chánh pháp sẽ được hạnh phúc đời này và đời sau.”

Trong chính sách đối với kẻ lầm đường lạc lối, Asoka tỏ rõ tấm olòng khoan dung trong các trường hợp lỗi lầm và công bằng trong xét xử. Ông tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm phải sai lầm nhưng biết ăn năn hối lỗi. Ông chủ trương không truy quét các tọi phạm nhưng ra sức thuyết phục họ trở về con đường lương thiện để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật96.Trong các chỉ dụ ghi ở bia ký V và trụ đá IV, Asoka quy định các quan chức Dharma-mahàmàtra và Ràjùka phải có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của các phạm nhân để “pháp luật luôn đi đôi với công lý”97 và để “ không một ai phải chịu cảnh tù tội hay khổ đau mà không có lý do.”98.Các quan chức phải tuân thủ con đường trung đạo ( majham patipàda ) , nghĩa là phải tỏ ra công bằng và không thiên vị trong công tác điều hành và xử lý công việc.99 .Họ phải quản lý theo Chánh pháp hay pháp luật ( Dharma) , giải quyết công việc theo pháp luật, khiến cho dân được hạnh phúc nhờ pháp luật và bảo vệ dân bằng pháp luật100.Các phạm nhân phải được đối xử công bằng, có quyền kháng án trong trường hợp bị xứ oan, được ân giảm hình phạt trong trường hợp phải nuôi con dại, gặp bất hạnh rủi ro hay bị khổ đau bởi tuổi già101. Trụ đá V ghi nhận sự kiện rằng 26 năm kể từ khi lên ngôi, Asoka đã 25 lần ân xá cho các phạm nhân.
---o0o---
3.Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân
Có thể nói rằng chăm lo hạnh phúc cho dân là chính sách lớn và là chính sách hàng đầu của nhà nước Asoka. Chính sách này bắt nguồn từ chính sách lấy dân làm gốc của nhà nước Maurya và là cụ thể hóa câu nói của Asoka xem dân như con cái mình, mong muốn cho dân được hạnh phúc an lạc, giống như các con mình. Đã là gốc thì việc chăm bón cho gốc được vững chắc, xanh tươi là bổn phận của nhà lãnh đạo. Đã là con cái thì việc chăm lo hạnh phúc cho con cái là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, Asoka xem ra vừa là vua vừa là cha mạ của dân.

Về phương diện chăm lo hạnh phúc cho dân, Asoka tỏ rõ tấm lòng của một hoàng đế thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của dân hơn bất kỳ vị hoàng đế nào trong lịch sử. Tấm lòng của ông dành cho dân có thể sánh với tấm lòng của bậc làm cha mẹ dành cho con cái mình và được thể hiện qua hai việc làm cụ thể: chăm lo đời sống vật chất cho dân và giáo dục nhân dân trở thành những công dân tốt. Một bậc cha mẹ hết lòng yêu thương con mình hẳn sẽ làm hai công việc như Asoka đã làm, nghĩa là nuôi dưỡng con khôn lớn và giáo dục con nên người. Asoka cũng tỏ ra là một hoàng đế thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân khi ông thiết lập đội ngũ quan chức nhà nước các cấp sẵn sàng lo cho dân với niềm tin rằng các quan chức của mình sẽ hết lòng chăm lo hạnh phúc cho dân, giống như những người vú ân cần chăm bẵm những đứa con thân yêu mà ông đã tin tưởng gởi gắm. Như vậy, đội ngũ lãnh đạo của nhà nước Asoka,từ vua chí quan, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka thể hiện rõ nét ở các điểm sau đây:

a.Tấm gương làm việc và phục vụ không mệt mỏi của Asoka vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân : Asoka thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của dân không chỉ ở lời nói hay tấm lòng mà còn ở những hành động và việc làm cụ thể. Việc ông từ bỏ nhiều thú vui cá nhân để tập trung giải quyết việc nước việc dân như được ghi nhận trong bia ký VIII là biểu hiện cụ thể tấm lòng thương dân, lo lắng cho hạnh phúc nhân dân của một vị vua. Thái độ tích cực giải quyết việc nước việc dân không kể giờ giấc và nơi chốn của ông cũng nói rõ tấm lòng thương yêu và lo lắng của ông đối với nhân dân và hạnh phúc của nhân dân102.Ngoài ra, việc ông thường xuyên du hành nhằm thúc đẩy lợi ích và hạnh phúc của nhân dân như được ghi trong bia ký I là bằng chứng sống động của chính sách quan tâm chăm lo cho dân của nhà nước Asoka. Nhưng dù đã làm việc hết mình như thế, Asoka vẫn không hài lòng về khả năng giải quyết công việc của mình. Bia ký VI ghi nhận sự kiện rằng Asoka tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích chung của cộng đồng, một việc làm cao cả đòi hỏi năng lức giải quyết rất lớn, và ông từng phàn nàn về khả năng làm việc yếu kém của mình.

b.Thiết lập đội ngũ quan chức nhà nước các cấp thuộc các ban ngành khác nhau nhằm mục đích phục vụ hạnh phúc của nhân dân : Một đặc điểm khác của chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka là việc thiết lập đội ngũ quan chức các cấp thuộc ban ngành khác nhau của chính phủ nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân.Asoka rất quan tâm chính sách chăm lo hạnh phúc và giáo dục nhân dân. Ông thành lập nhiều ban ngành nhà nước các cấp chuyên lo lợi ích cho cộng đồng như ban chuyên trách về pháp luật, ban chuyên trách về kỷ cương và đạo đức xã hội, ban chuyên trách về nông nghiệp, ban chuyên trách về chăn nuôi, ban chuyên trách về phụ nữ, ban chuyên trách về các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội.Các quan chức của nhà nước Asoka được huấn luyện rất kỹ về lý tưởng phục vụ nhân dân và ý thức trách nhiệm lãnh đạo. Bia ký VI nêu rõ sự kiện năm thứ mười ba sau khi lên ngôi Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàta và Dharma-yukta với mục đích thúc đẩy kỷ cương và đạo đức xã hội. Trụ đá IV ghi nhận thêm rằng 26 năm sau khi lên ngôi. Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Ràjùka có trách nhiệm trông coi về pháp luật nhằm mục đích bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Các Ràjùka này được huấn luyện nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc cũng như khổ đau của dân và có trách nhiệm khuyên răn quần chúng các địa phương sống kỷ cương đạo đức để được lợi ích đời này và đời sau. Các Ràjùka cũng được giáo dục xem xét các trường hợp xin kháng án của thân nhân các phạm nhân hay giúp cho các tù nhân đã bị xử tội chết được hưởng lợi ích đời sau bằng cách tạo cho họ cơ hội bố thí trong ba ngày được gia hạn ( thời gian để thân nhân hoặc xin kháng án hoặc không xin kháng án) .Asoka tuyên bố trong bia ký rằng ông thiết lập đội ngũ các Ràjùka với mục đích phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân và ông tin các quan chức này sẽ hết lòng chăm lo cho dân.



c. Đẩy mạnh đường lối đức trị hay kỷ cương đạo đức nhằm đưa đất nước tiến đến thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp : Asoka ý thức rất rõ thế nào là lợi ích của đường lối đức trị trong một quốc gia độc lập hoàn toàn vể chính trị và quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng. Các tài liệu bia ký ghi nhận rằng sau chiến thắng Kalinga, Asoka từ bỏ mọi ý đồ chiến tranh và theo đuổi chính sách hòa bình, đồng thời đẩy mạnh đường lối đức trị nhằm xây dựng đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Bia ký XIII xác nhận tám năm sau khi lên ngôi, Asoka bắt đầu thực hành Chánh pháp (Dharma), yêu mến Chánh pháp và phổ biến Chánh pháp. Ông tuyên bố áp dụng nguyên lý đức trị ( Dharma-vijava chinh phục bằng Chánh pháp hay đạo đức ) trong tất cả đường lối trị quốc cũng như trong chính sách bang giao với các quốc gia láng giềng. Mục đích đường lối đức trị của Asoka là thúc đẩy nếp sống đạo đức của toàn dân nhằm xây dựng đất nước thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp, đồng thời tỏ rõ thái độ hòa bình, hòa hiếu của nhà nước Maurya đối với các quốc gia khác. Bia ký IV, dựng vào năm thứ mười sau ngày Asoka lên ngôi, nói rõ quan điểm đức trị của Asoka. Sắc dụ chép : “ Hàng trăm năm trước đây, việc giết hại thú vật để tế lễ, đối xử không thương tâm với sinh linh, xử sự không đúng với các thân nhân, với các Sa-môn, Bà-la-môn đã không ngừng gia tăng. Nay, do kết quả thực hành Chánh pháp, đức Thánh thượng Priyadarśì ban chiếu chỉ rằng tiếng trống trận (bherì-ghosa) năm xưa nay biến thành tiếng gọi của Chánh pháp ( Dharma-ghosa). Nhờ các điều lệ tôn giáo do đức Thánh thượng Priyadarśì ban bố, việc từ bỏ giết hại thú vật, không làm hại sinh linh, đối xử tốt với bà con, với các Sa-môn, Bà-la-mô, hiếu thảo với cha mẹ và các bậc trưởng thượng ngày càng được gia tăng. Đức Thánh thượng Priyadarśì sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thực hành này. Tất cả con cháu của đức Thánh thượng Priyadarśì sẽ đẩy mạnh việc thực hành đạo đức và Chánh pháp cho đến muôn đời, sẽ sống trong đạo đức và Chánh pháp và sẽ truyền dạy đạo đức và Chánh pháp.” Bia ký VIII ghi nhận thêm rằng cùng năm ấy, Asoka công du chiêm bái thánh tích Bodhgayà, chỗ đức Phật giác ngộ, thăm viếng và tặng quà cho các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, tiếp xúc với quần chúng trong nước, giảng dạy đạo đức cho dân và thảo luận với nhân dân về đường lối đức trị. Năm thứ mười ba sau khi lên ngôi, Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta nhằm mục đích phổ biến và thúc đẩy chính sách đức trị , bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của toàn dân, đặc biệt đối với dân chúng các vùng xa xôi như Yavana,Kamboja, Gandhàra, cư dân các vùng biên giới, các đối tượng già yếu, làm thuê làm mướn, bị tù đày hay khổ sai103.26 năm sau khi lên ngôi. Asoka tiếp tục đẩy mạnh đường lối đức trị bằng cách thành lập thêm đội ngũ các quan chức Ràjùka có nhiệm vụ thúc đẩy kỷ cương và đạo đức ở các tỉnh thành địa phương, xem xét các trường hợp phạm pháp xin kháng án và tạo điều kiện cho các phạm nhân được làm việc thiện104.Ngoài ra, chính sách ân xá cho phạm nhân trước thời hạn tù đày của Asoka cũng nói rõ mục đích của đường lối đức trị mà nhà nước Asoka đã nỗ lực theo đuổi. Trụ đá V ghi lời Asoka xác nhận rằng ông đã 25 lần ân xá cho các phạm nhân.

d.Tăng cường đầu tư cho chính sách an sinh, phúc lợi xã hội : Có lẽ nét nổi bật nhất trong chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka là tăng cường đầu tư cho chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Asoka rất quan tâm chính sách này và chính ông đã đặt tiền đề cho nhiều chế độ an sinh , phúc lợi xã hội được duy trì ở Ấn Độ cho đến ngày nay. Các chế độ phúc lợi xã hội hiện hữu trong xã hội Ấn độ hiện đại như chăm sóc các vườn cây cảnh, các công viên công cộng tạo cảnh trí và bóng mát cho quần chúng có chỗ thư giãn hay nghỉ ngơi, xây các giếng nước dọc hai bên đường hay tại những nơi có đông người qua lại để phục vụ tiện ích cho dân, hẳn đã có mặt và được làm rất tốt dưới thời Asoka. Rõ ràng không chỉ đến thời Asoka chính sách an sinh, phúc lợi xã hội mới được vận dụng. Sách Arthaśàstra và những ghi chép của Mégasthènes cho chúng ta biết nhà nước Maurya dưới thời Chandragupta rất quan tâm chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Asoka cũng xác nhận trong bia ký rằng nhân dân của ông đã hưởng được hạnh phúc nhờ các điều kiện phúc lợi xã hội mà các vị vua tiền nhiệm và chính ông đã tạo ra105 .Tuy nhiên chỉ dưới thời Asoka chính sách này mới được vận dụng triệt để và đạt hiệu quả cao. Lý do cũng dễ hiểu.Nhà nước Asoka theo đuổi chính sách hòa bình, không chiến tranh, chủ trương chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái, không dùng vũ lực hay quân sự. Trong một quốc gia yêu chuộng hòa bình và đề cao đạo đức, không chủ trương chiến tranh hay dùng vũ lực quân sự như thế thì các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội có đủ điều kiện , để được phát triển mạnh mẽ. Bia ký và trụ đá Asoka thông báo cho chúng ta khá chi tiết về các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của nhà nước Maurya. Tài liệu của Mégasthènes nói đến sự kiện các quan chức Ràjùka dưới thời Asoka có trách nhiệm trông coi các công trình công ích như bảo vệ và nạo vét sông rãnh, đào giếng, đắp đê, làm đường106 .Bia ký XII nói đến một loại quan chức gọi là vraja-bhùmika chuyên lo các công viên công cộng, các vườn xoài, các giếng nước, các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành107 .Trong chỉ dụ ghi ở trụ đá VII , Asoka ra lệnh cho trồng dọc theo các đường lộ các loại cây đa tạo bóng mát cho người và thú vật, thành lập các vườn xoài, đào các giếng nước cách nhau hai ba dặm đường, xây dựng các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành, lập các trạm cung cấp nưóc tại nhiều nơi khác nhau để phục vụ cho người và súc vật. Bia ký II ghi sắc chỉ của Asoka cho thành lập khắp nơi, trong vương quốc Maurya cũng như tại các quốc gia lân cận như Chola, Pàndya, Sàtiyaputra, Keralaputra, các xứ sở Tây Á do người Hy lạp cai trị, hai loại hình trị liệu gọi là chi kìchha,một dành cho người và một dành cho thú vật. Các loại cây thuốc cần cho việc điều trị người và thú vật cũng được cho nhập khẩu ươm trồng khắp nơi ở trong nước và xuất sang trồng ở nước ngoài.R.Mookerji cho rằng thuật ngữ chikìchha được đề cập trong bia ký II ngụ ý đầy đủ các điều kiện chăm sóc y tế như (a) đội ngũ các y bác sĩ, (b) thuốc men và (c) bệnh viện108.Như vậy, dưới thời Asoka hệ thống chăm sóc sức khỏe cho dân cũng như điều trị cho thú vật đã được thiết lập khắp nơi trong vương quốc Maurya. Điều đáng ghi nhận thêm trong bia ký này là Asoka không chỉ thành lập hệ thống chăm sóc y tế ở khắp nơi trong nước, ông còn mở rộng hệ thống chữa trị sang các nước láng giềng. Điều này chứng tỏ rằng Maurya không chỉ là một đất nước thái bình thịnh trị mà còn là bè bạn tốt của các quốc gia khác.

e.Chế độ đặc biệt dành cho các đối tượng xã hội gặp cảnh ngộ khó khăn : Ngoài các chế độ phúc lợi xã hội mà mọi công dân Maurya đều được hưởng, nhà nước Asoka còn có chính sách đặc biệt dành cho một số đối tượng gặp cảnh ngộ khó khăn trong cuộc sống như người già cả, kẻ không nơi nương tựa , phụ nữ bất hạnh, người bị tù đày hay khổ sai. Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka vươn tới tận mọi ngỏ ngách của xã hội. Bia ký V quy định các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của phạm nhân, trợ cấp tiền bạc trong trường hợp tù nhân có gia đình quá đông người109 hay phải lo cho con dại, đình chỉ khổ sai trong trường hợp tù nhân bị ngược đãi, phóng thích tù nhân trong trường hợp tuổi già . Trụ đá IV quy định các quan chức Ràjùka phải xem xét đơn kháng án của thân nhân các phạm nhân, tạo điều kiện đế các tù nhân bị xử tội chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng hưởng được lợi ích đời sau. Các đối tượng già yếu không nơi nương tựa cũng được quan tâm đặc biệt bởi nhà nước Asoka, như được ghi trongbia ký V . Trong chính sách đối với phụ nữ, các quan chức Stryadhyaksha-mahàmàtra có trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho nữ giới, đặc biệt đối với các phụ nữ làm nghề múa hát, bán thân hay kỹ nữ110 .B.M.Banrua cho rằng nhiệm vụ của các quan chức Stryadhyaksha-mahàmàtra là ngăn chận, không để các hạng phụ nữ này làm hoen ố đạo đức xã hội, đặc biệt đối với các Sa-môn, Bà-la-môn111.Như vậy nếu quan điểm của Barua là xác thực thì điều đó cũng có nghĩa là nhà nước Asoka hẳn đã có chính sách đặc biệt dành cho một số đối tượng phụ nữ gặp cảnh ngộ bất hạnh, ít nhất phải tạo công ăn việc làm mới cho họ.


---o0o---
4.Chính sách tôn giáo
Như phần lớn các vị vua Ấn Độ, Asoka rất quan tâm tôn giáo và luôn tỏ ra có trách nhiệm đối với các tổ chức tôn giáo nằm trong phạm vi cai quản của mình. Ông xem tôn giáo là tiếng nói của đạo đức và tâm linh, do đó việc chăm sóc và đối xử đúng đắn với tôi giáo cũng đồng nghĩa với việc chăm sóc và đề cao nếp sống đạo đức và tâm linh của quốc gia. Asoka tự hào về một quốc gia có nhiều tổ chức tôn giáo. Bia ký XII ghi rõ lập trường tôn trọng và ủng hộ tất cả mọi đoàn thể và tổ chức tôn giáo của Asoka. Chỉ dụ viết: “Đức Thánh thượng Priyadarśì tôn trọng tất cả mọi giáo phái, tu sĩ cũng như cư sĩ, và ban quà tặng cùng phẩm vật cúng dường để bày tỏ tấm lòng tôn trọng của ngài. Đức Thánh thượng ban chiếu chỉ rằng người ta không nên chỉ tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác vì lý do này hay vì lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những làm tổn thương giáo phái của mình mà còn làm thương tổn giáo phái của người khác. Về nhiều phương diện khác nhau, tất cả mọi giáo phái đều xứng đáng được tôn trọng. Những ai tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng “như vậy ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta,” thì ngược lại những người ấy chỉ làm tổn thương giáo phái của chính mình. Do vậy , tất cả mọi giáo phái nên hòa thuận với nhau bằng cách lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe giáo lý của nhau.”

Chỉ dụ trên đây có thể được xem là chính sách cơ bản của nhà nưóc Asoka đối với tôn giáo. Chỉ dụ ấy khẳng định rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của nhà nước Asoka. Mặc dù là một Phật tử, Asoka tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người và xử sự bình đẳng đối với các tôn giáo khác. 112 Ông khẳng định niềm tin đối với Phật, Pháp, Tăng113 nhưng không ép buộc hay lôi kéo ngưòi khác theo tín ngưỡng của mình. Đường lối đức trị của Asoka in đậm giáo pháp của đức Phật nhưng không vì thế mà khiến ảnh hưởng đến niềm tin của người khác. Ishwar Topa ghi nhận rằng mặc dù có thế lức lớn và là chỗ dựa vững chắc của Phật giáo Asoka đã tỏ ra vĩ đại hơn trong việc khuyến khích sự phát triển chung của các tôn giáo và các nền văn hóa.Chính lý tưởng to lớn rộng mở của đạo Phật đã khiến Asoka trở thành vĩ đại nhất trong số các hoàng đế vĩ đại của thế giới.114

Các tài liệu liên quan không thống nhất về thái độ của Asoka đối với các tôn giáo. Tài liệu Tích Lan lưu giữ trong các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa đề cập đến sự kiện Asoka kế tục các hoàng đế tiền nhiệm thết đãi 60.000 Bà-la-môn mỗi ngày. Sự việc kéo dài được ba năm , sau đó các tu sĩ Phật giáo với số lượng tương tự thay chân các Bà-la-môn tiếp nhận khoản thết đãi này. Người ta nói rằng mỗi ngày Asoka chi tới 40.000 tiền vàng cho việc thết đãi các tu sĩ Phật giáo115. Truyền thống Kỳ Na giáo gắn Asoka với việc truyền bà tín ngưỡng này vào lãnh thổ Kashmir116. Abul Fazl,một đại thần của hoàng đế Akbar, viết trong tác phẩm Àin-i-Akbar của mình rằng khi Asoka lên ngôi, ông ngược đãi Bà-la-môn giáo và ủng hộ việc thiết lập Kỳ Na giáo tại Kashmir. Truyền thống Kỳ Na giáo thông báo với chúng ta dưới triều đại Asoka, các Nigantha ( tu sĩ Kỳ Na giáo ) rất nổi tiếng và quan hệ mật thiết với Asoka117.Tuy nhiên nhận định này là hoàn toàn trái với những gì được đề cập trong tác phẩm Aśokàvadàna rằng Asoka đã sát hại nhiều tu sĩ Kỳ Na giáo. Tài liệu Vitàśokà-vadàna thuộc Aśokà-vadàna kể rằng sau khi chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo, Asoka trở thành một tín đồ quá trung thành với tôn giáo này đến độ ông đã ra lệnh giết hại hàng chục ngàn tu sĩ Kỳ Na giáo118

Cứ theo các tài liệu trên đây thì ngoài tín ngưỡng của mình là Phật giáo, Asoka ngược đãi các tôn giáo khác mà rõ nét nhất là Bà-la-môn và Kỳ Na giáo. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương và đường lối lãnh đạo của Asoka xem dân như con cái va nỗ lực làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân, như được thấy trong các tài liệu bia ký và trụ đá của ông. K.Hazra cho rằng thật khó tin một hoàng đế tỏ rõ tấm lòng thương yêu và lo lắng cho hạnh phúc của tất cả thần dân như Asoka lại mắc phải những sai lầm nghiêm trọng như các truyền thuyết mô tả119.Cũng theo K.Hazra thì không có một chứng cứ nào trên thế giới cho thấy một vị vua Phật giáo vì lý do xây dựng và phát triển tôn giáo của mình lại chủ trương triệt tiêu các tôn giáo khác120. Rõ ràng những gì các truyền thuyết nói về Asoka là hoàn toàn trái ngược với những gì mà chính Asoka đã phát biểu trong các chỉ dụ của ông. Từ bia ký XII, ta thấy rằng Asoka không những tôn trọng và ủng hộ tất cả các tôn giáo, ông còn khuyên tín đồ các tôn giáo tôn trọng nhau và không nên bài xích lẫn nhau vì bất kỳ lý do gì, “ bởi tất cả mọi tôn giáo đều xứng đáng được tôn trọng và bởi sự bài xích tôn giáo người khác sẽ khiến thanh danh tôn giáo mình bị thương tổn.” Đây quả là lời nói tâm huyết của một hoàng đế đầy nhân từ và bao dung, hiểu rõ đức tin của chính mình và vì thế không muốn làm tổn thương đức tin của chính mình và vì thế không muốn làm tổn thương đức tin của người khác. Từ đây chúng ta có thể nêu nhận xét rằng nếu Asoka đã là một tín đồ hết lòng hết dạ với tín ngưỡng của mình thì chắc chắn ông đã không làm những gì khiến tổn thương thanh danh tôn giáo của ông. Hơn thế, là một hoàng đế, Asoka không thể chỉ vì tín ngưỡng của mình mà phá vỡ niềm tin của đại đa số quần chúng bởi những hành vi ngược đãi tôn giáo thô thiển. Chắc chắn ít có nhà lãnh đạo nào lại không hiểu rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong đó có các tổ chức tôn giáo thường đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong một xứ sở rộng lớn và có số lượng tôn giáo phong phú như Ấn Độ. Thái độ này có thể được tìm thấy ở một số các vị vua Ấn Độ như Bimbisàra, Pasenadi, đặc biệt là Ajàtasuttu mà tên tuổi của họ được lưu lại trong các văn bản tôn giáo, không chỉ ở đạo Phật mà cả Ấn giáo và Kỳ Na giáo, như là những tín đồ mộ đạo và ủng hộ viên tích cực. Sự kiện các vị quốc vương này được lưu danh và được đề cao trong các kinh sách tôn giáo chứng tỏ họ đã có những đóng góp hay ảnh hưởng nào đó đối với các tôn giáo đương thời hoăc chí ít họ không chủ trương bài xích hay ngược đãi tôn giáo nói chung.

Xét trường hợp Ajàtasattu được đề cập trong bản kinh Sa-môn quả ( Sàmaññaphala Suttanta ). Trường Bộ, ta có thể hiểu được biện pháp trị quốc và thái độ của vị vua này đối với các tôn giáo nằm dưới quyền cai quản của ông. Bản kinh cho chúng ta hay Ajàtasattu từng đến tham vấn hầu hết các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời kể cả đức Phật để dò hỏi về chủ trương và đường lối của các tôn giáo này. Sự kiện này cho thấy Ajàtasattu rất khôn khéo trong lãnh vực ngoại giao và nắm bắt chủ trương của các tôn giáo thường là bộ phận sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đối với đại đa số quần chúng. Trong văn bản, Ajàtasattu biểu lộ thái độ không hài lòng đối với các học thuyết tôn giáo đương thời và chỉ chấp nhận giáo pháp của đức Phật sau khi đàm đạo với ngài. Nhưng dù không hài lòng với chủ trương của một số nhà lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, Ajàtasattu hoàn toàn không chỉ trích hay bài xích quan điểm của họ , bởi theo lời ông thì ông không thể làm cho một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước ông không được vui lòng.121

Thái độ tương tự như vậy được thấy rõ hơn ở Asoka. Bia ký XII xác nhận rằng Asoka tôn trọng và khuyến khích sự phát triển của tất cả mọi đoàn thể hay tổ chức xã hội, cả tu sĩ lẫn cư sĩ, đặc biệt khuyến cáo mọi tổ chức tôn giáo không nên chia rẽ mà nên hòa thuận với nhau. Điều này chứng tỏ Asoka ý thức rất rõ vai trò của các đoàn thể xã hội hay tổ chức tôn giáo nằm dưới quyền cai quản của ông. Tiểu bia ký I , văn bản Brahmagiri, đề cập sự phát triển của tín ngưỡng đa thần ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Bia ký này chép: “ Thời gian này dân chúng ở Jambudvìpa (Ấn Độ) chưa gần gũi với thần thánh đã trở nên gần gũi với thần thánh.” F.W.Thomas cho rằng câu nói này ngụ ý việc Asoka mở rộng tín ngưỡng thần linh của Bà-la-môn giáo cho cư dân các bộ lạc vùng núi chưa từng biết tới tín ngưỡng này122.Theo R.Mookerji, câu nói trên mang hai ý nghĩa, thứ nhất, vào thời gian này ở Jambudvìpa, những người chưa tín ngưỡng thần thánh đã trở nên tin tưởng và tôn thờ thần thánh và thứ hai, vào thời gian này, xung đột về thần thánh và các tín đồ tôn thờ thần thánh đã lắng dịu đáng kể ở Jambudvìva123.Bia ký IV ghi nhận những biểu hiện tiến bộ về đạo đức trong đời sống nhân dân Ấn Độ nhờ các điều răn tôn giáo do Asoka công bố. Tài liệu Divyàvadàna cũng cho chúng ta biết dưới thời Asoka Ấn Độ là một đất nưóc thái bình thịnh trị. Như vậy, từ các thông tin trên chúng ta có đủ bằng chứng để khẳng định rằng Asoka không hề mắc sai lầm trong chính sách tôn giáo nói riêng và trong các chính sách trị quốc của ông nói chung.

Ta không thể phủ nhận một số tình cảm ưu ái mà Asoka đã đặc biệt dành riêng cho tôn giáo của mình là Phật giáo. Chẳng hạn, việc ông thăm viếng các thánh tích và thiết lập các bia ký và trụ đá tại các địa danh Phật giáo, xây dựng các bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật, ủng hộ hội nghị kiết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba, v.v… Tuy nhiên những việc làm như thế không có nghĩa là Asoka quá thiên vị tôn giáo của mình mà không màng tới các tôn giáo khác.Bia ký Nigliva ghi sự kiện rằng mười bốn năm sau khi lên ngôi, Thánh thượng Priyadarśì cho mở rộng gấp đôi ngôi bảo tháp tôn thờ xá lợi đức Phật quá khứ Konàkamana ( Câu Na Hàm Mâu Ni ) ; hai mươi năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng ngự giá đảnh lễ ngôi bảo tháp và cho xây dựng một trụ đá tại đây. Các bia ký hang động đồi Barabar chép rằng mười hai năm sau khi lên ngôi, Thánh thượng Priyadarśì ban hang động Nigrodha cho các tu sĩ Àjìvika. Bia ký VIII bảo mười năm sau khi lên ngôi, Asoka công du chiêm bái thánh tích Bodhgayà, thăm viếng và tặng quà cho các Sa-môn (śramana) và Bà-la-môn ( brahmana) . Danh từ śramana-bràhmana ngụ ý các tu sĩ Bà-la-môn giáo và các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác không chấp nhận truyền thống kinh điển Vệ đà (Veda) của Bà-la-môn giáo thường được gọi chung là Sa-môn (śramana). Các tu sĩ Phật giáo cũng được gọi là śramana. Như vậy, cứ theo thông tin bia ký trên thì Asoka không chỉ thăm viếng thánh tích và các tu sĩ Phật giáo, ông còn viếng thăm và tặng quà cho các tu sĩ Bà-la-môn cũng như các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác mà nổi trội trong thời đại ông là các tu sĩ Kỳ Na giáo và các tu sĩ phái Àjìvika. Trong các chỉ dụ của ông , Asoka bày tỏ sự kính trọng đối với các tôn giáo124 và khuyên tất cả thần dân của mình kính trọng và đối xử đúng đắn với các Sa-môn và Bà-la-môn125.Điều này tỏ cho thấy Asoka đã áp dụng chính sách bình đẳng đối với các tôn giáo và thành viên của các tổ chức tôn giáo. Trong cơ cấu tổ chức nhà nước, Asoka thiết lập đội ngũ các quan chức Aharma-mahàmàtra có trách nhiệm phục vụ các mục đích tôn giáo và lo phân phối các phẩm vật cúng dường của hoàng gia cho các tổ chức tôn giáo126 .Trụ đá VII nói đến bốn tôn giáo tiêu biểu đương thời gồm Phật giáo, Bà-la-môn giáo, Kỳ Na giáo và giáo phái Àjìvika.
---o0o---

II. Đường lối đối ngoại

Về phương diện đối ngoại, nhà nước Asoka tiêu biểu cho một nhà nước chủ trương hòa bình độc lập dân tộc và hợp tác quốc tế, được thể hiện qua các chính sách sau đây:


1.Chính sách hòa bình, độc lập dân tộc :
Nhà nước Asoka chủ trương hòa bình và độc lập dân tộc trên cơ sở không tiến hành chiến tranh và không xâm lăng các quốc gia khác. Asoka có lẽ là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử loài người từ bỏ tham vọng chiến tranh và có ý đồ xâm lăng ngay sau khi đã bước lên đỉnh cao của quyền lực. Ít có vị hoàng đế nào lại tỏ ra xấu hổ về chiến tranh và ân hận công cuộc xâm lăng ngay sau ngày chiến thắng như Asoka. Khát vọng chiến thắng và tham vọng chiếm hữu thường làm cho con người trở nên mù mắt trước mọi lầm than và tủi nhục của kẻ khác. Asoka là một trong số rất ít nhà lãnh đạo thấy rõ nguy cơ của chiến tranh và hậu quả đen tối của ý đồ xâm lăng. Ông không ngại diễn tả cho mọi người cảnh tượng xấu xa và tàn khốc của nạn xâm lăng Kalinga mà chính ông là tác nhân. Bia ký Kalinga của ông có lẽ là bản cáo trạng đầu tiên và hay nhất về tội ác chiến tranh và chính sách xâm lăng; “ 100.000 người bị giết chết, 150.000 người bị bắt làm tù binh và hàng trăm ngàn người khác đã bỏ mạng tại chiến trường Kalinga. Thánh thượng Priyadarśì vô cùng hối hận việc xâm lăng Kalinga bởi đã gây ra cảnh tàn sát, chết choc và tù đày đầy tan thương cho dân chúng của một xứ sở độc lập.” Bia ký Kalinga nói tiếp rằng Asoka rút ra bài học lớn từ cảnh tượng tang thương của chiến trận Kalinga và bắt đầu thể hiện tấm lòng khoan dung độ lượng của mình đối với các trường hợp lỗi lầm. Ông bắt đầu thực hành Chánh pháp ( Dharma), yêu mến Chánh pháp và truyền bá Chánh pháp127 , tuyên bố thay trống trận ( Bherì-ghosa ) bằng Chánh pháp ( Dharma-ghosa)128,chủ trương chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái hay đức trị ( Dharma- vijaya ) .129

Kể từ sau chiến thắng Kalinga, Asoka từ bỏ mọi ý đồ chiến tranh xâm lăng và theo đuổi chính sách hòa bình đức trị. Bia ký Kalinga II , văn bản Jaugada, nêu rõ lập trường hòa bình và thái độ thân thiện của Asoka đối với các quốc gia láng giềng. chỉ dụ viết : “ Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này : Nhà vua này muốn gì ở chúng ta ?” Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp ( Dharma ) để được lợi ích đời này và đời sau. Asoka còn khẳng định trong chỉ dụ của mình rằng ông làm như thế là để trả nợ cho tất cả chúng sanh và ông muốn mọi người hiểu rằng ý chí, quyết tâm và lời hứa của ông về hòa bình sẽ không thay đổi. Ông ra lệnh cho các quan chức cao cấp phải làm việc thật tốt “để mọi người hiểu ra rằng đối với quần chúng đức vua như một người cha luôn luôn mong ước điều tốt lành cho các con mình.” Không một cuộc chiến tranh hay xâm lăng nào được ghi nhận đã nổ ra hay được tiến hành bởi nhà nước Maurya kể từ sau ngày Asoka chinh phục xứ sở Kalinga. Asoka đã thực hiện trọn vẹn lời cam kết của mình và kiên quyết theo đuổi đường lối hòa bình cho đến cuối cuộc đời.


---o0o---
2.Chính sách trao đổi và hợp tác quốc tế vì lợi ích của các dân tộc
Sau một thời gian thực hiện đường lối đức trị và chăm lo hạnh phúc cho dân, nhà nước Asoka đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Asoka xác nhận trong các bia ký của mình về những kết quả mà quốc gia của ông đã đạt được nhờ theo đuổi đường lối đức trị. Tiểu bia ký I , văn bản Brahmagiri, ghi nhận sự phát triển của tín ngưỡng đa thần ở khắp nơi trong xứ sở Jambudvìpa. Thông tin này, một mặt nói rõ sự kiện Asoka không hề ngược đãi Bà-la-môn giáo khi ông chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo, nhưng mặt khác tỏ cho thấy rằng lúc này dân chúng Ấn Độ đang sống trong niềm tin tôn giáo và đang thiên về đời sống đạo đức. Bia ký IV đề cập sự kiện nhân dân Ấn Độ đã tỏ ra tiến bộ rõ rệt trong tất cả các mối quan hệ: hiếu phụng cha mẹ; vâng lời thầy cô giáo; thuận thảo với anh chị em; xử sự đúng đắn với bà con, bạn bè; cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; thương yêu và bảo vệ muôn thú. Ta có thể nói rằng từ những thành quả mà Asoka đã đạt được trong đường lối lãnh đạo của ông đã khiến vị vua này nghĩ đến việc mở rộng chính sách đức trị sang các nước láng giềng trên cơ sở trao đổi và hợp tác quốc tế vì lợi ích và hạnh phúc của các dân tộc.

Bia ký II, văn bản Jaugada, nói rõ nguyện vọng của Asoka muốn giới thiệu Chánh pháp ( Dharma) hay đường lối đức trị ( Dharma-vijaya) cho nhân dân các quốc gia khác “ vì lợi ích đời này và đời sau”. Theo sử liệu Dìpavamsa và Mahà-vamsa thì vua Tích Lan Devànampiya Tissa là một người bạn tốt và là đồng minh đáng tin cậy của Asoka mặc dù cả hai chưa hề gặp mặt; trong một văn thư gởi cho Devànampiya Tissa, Asoka thông báo ông đã quy y Phật, Pháp, Tăng và khuyên Devànampiya nên tín ngưỡng Tam bảo130.Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Tích Lan càng gắn bó chặt chẽ sau sự kiện Mahendra, con trai Asoka, nhận trách nhiệm giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan. Biên niên sử Tích Lan131 nói đến việc sứ giả hai nước liên tục qua lại với nhau nhằm chuyển đạt thông điệp hợp tác của hai hoàng đế vì lợi ích của hai dân tộc. Tài liệu này nói rằng vua Devànampiya Tissa của Tích Lan và 50.000 thần dân của ông đã trở thành những người Phật tử đầu tiên ngay sau khi Trưởng lào Mahendra vừa đặt chân lên đất nước này và thuyết giảng bài pháp thứ nhất.

Tài liệu kể tiếp rằng sau khi nghe Mahendra thuyết giảng , hoàng hậu Anula ( có nơi bảo là công chúa) và 500 thị tỳ của bà tỏ ý muốn xuất gia nhưng không thể thực hiện ý nguyện bởi giáo hội ở đây đang thiếu các thủ tục cần thiết cho nữ giới xuất gia. Vua Devànampiy sau khi xem xét sự việc đã phái sứ giả sang Ấn Độ, đệ trình Asoka ý nguyện của mình muốn mời Tỷ-kheo ni Samgha-mitra, con gái Asoka, sang Tích Lan tiến hành các thủ tục xuất gia cho phụ nữ đồng thời xin một nhánh cây Bồ đề đem về trồng ở Tích Lan cho quần chúng kính ngưỡng. Tài liệu thuật rằng mặc dù rất buồn lòng phải xa cách người con gái yêu quý của mình, Asoka đã đáp ứng yêu cầu của nhà vua Devànampiya, gởi Samgha-mitra sang đảo Sư tử và chiết tặng nhánh cây Bồ đề sang Tích Lan được mô tả khá sinh động ở bức tranh phù điêu trên cổng phía Đông Đại bảo tháp Sàñchì. Tài liệu Tích Lan còn nói rằng trong khi Asoka đang tham dự lễ tiễn chân sứ giả mang nhánh cây Bồ đề về Tích Lan thì một phái bộ ngoại giao Tích Lan khác do tăng sĩ Sumana, người cùng đi trong phái đoàn truyển giáo của Mahendra và là cháu ngoại Asoka, dẫn đầu, đến Ấn Độ truyền đạt ý nguyện của nhà vua Tích Lan xin thỉnh cầu xá lợi Phật cho xứ sở mình. Asoka đáp ứng nguyện vọng của nhà vua Tích Lan bằng cách gởi tặng nhân dân Tích Lan một dĩa đầy xá lợi mà sau đó được tôn thờ tại bảo tháp Thuparama ở Colombo. Các chuyên gia về Phật giáo Tích Lan sơ khởi đã để lại ấn tượng sâu sắc và tiếp tục đánh thực lòng nhiệt thành mộ đạo của hàng triệu tín đồ Phật giáo xứ sở này. Thứ nhất là nhánh cây Bồ đề thiêng liêng do Asoka gởi tặng và thứ hai là chiếc răng Phật được mang từ Ấn Độ về Tích Lan khoảng 500 năm sau đó.132

Nhưng quan hệ của nhà nước Asoka với các quốc gia khác không chỉ về phương diện tín ngưỡng và văn hóa. Song song với các phái đoàn truyền giáo được gởi đi khắp nơi trong và ngoài nước nhằm mục đích phổ biến Chánh pháp ( Dharma ) và giới thiệu đường lối đức trị ( Dharma-vijaya ) , Asoka còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác và trao đổi với các nước về các lãnh vực khác như y học và trồng trọt. Bia ký II, văn bản Girnar, đề cập việc Asoka cho mở rộng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho dân và điều trị cho thú vật không chỉ ở trong nưóc mà còn vươn sang các nước láng giềng. Bia ký này nói đến một số quốc gia được hưởng chế độ chăm sóc y tế của nhà nước Asoka gồm Chola, Pàndya, Sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnì ở phương nam, Antiocho ở tây bắc và các quốc gia láng giềng với Antiocho. Tài liệu này cũng nói rõ việc Asoka cho xuất và nhập khẩu các loại cây làm thuốc và cây ăn quả để trồng trong nước và ở nước ngoài. Như vậy quan hệ giữa nhà nước Maurya với các quốc gia khác trở nên thân thiện và gắn bó không chỉ trên phương diện trao đổi văn hóa và tín ngưỡng mà còn thể hiện ở sự chăm sóc lẫn nhau cả về phương diện đời sống vật chất lẫn sức khỏe tinh thần.

Nhận định về đường lối lãnh đạo của Asoka, K.Hazra nói rằng Asoka đã giữ vững đế quốc rộng lớn của mình và thiết lập quan hệ thân thiện với các thế lực nước ngoài mà không dùng đến vũ lực chiến tranh hay chính sách xâm lược133. Theo W.Rahula, Asoka là vị hoàng đế lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áp dụng những lời dạy của đức Phật về hòa bình, bất bạo động và yêu thương trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn về cả nội bộ lẫn ngoại giao. Ông công khai quay lưng lại với chiến tranh, bạo động và đón nhận thông điệp của bất bạo và hòa bình. Không có bằng chứng lịch sử nào nói rằng có vua láng giềng nào đã lợi dụng sự sùng đạo của Asoka để tấn công ông về quân sự, hay có một cuộc nổi loạn nào trong đế quốc ông lúc sinh thời .Trái lại hòa bình ngự trị khắp trên lãnh thổ, và ngay cả những xứ bên ngoài vương quốc ông cũng dường như đã chấp nhận sự lãnh đạo nhân từ của ông134.Quan điểm của hai học giả này là hoàn toàn chính xác bởi theo thông tin ghi ở bia ký XIII thì Asoka không chỉ thu phục nhân tâm quần chúng trong nước mà còn đạt được thành công lớn trong đường lối ngoại giao dựa trên cơ sở đức trị ( Dharma-vijay ). Nguồn tin này cho hay các quốc gia và dân tộc đương thời chấp nhận đường lối đức trị của Asoka gồm Chola, Pàndya, Tàmraparnì ở phương Nam, các lãnh địa và dân tộc Kamboja, Nabhaka, Nabhiti, Pitinika, Andhra và Palida ở phía Bắc và Đông Bắc, các quốc gia ở Tây Bắc như vương quốc vua Anitocho, vương quốc vua Ptolemy, xứ sở vua Antigocho , vương quốc vua Maga và vương quốc vua Alexander. Theo khảo cứu của P.H.L.Eggermont135 thì Antiochus II, trị vì Babylon và Persia khoảng 261-247 trước Công nguyên; Ptlemy tức Ptolemaseus II, trị vì Ai Cập từ 285-247 trước Công nguyên; Antigono hay Antigonus Gonatas trị vì Macedonia từ 277-240 trước Công nguyên; Maga hay Maka làm vua Xy –ri 50 năm, qua đời trong khoảng thời gian 253-250 trước Công nguyên; Alexander là hoàng đế xứ Epirus, lên ngôi vào năm 272 trước Công nguyên và mất vào năm 255 trước Tây lịch.
---o0o---

CHƯƠNG IV - ASOKA - VỊ HOÀNG ĐẾ PHẬT TỬ

Trong các chương trước chúng ta đã mô tả khá đầy đủ về Asoka, vương quốc Maurya của ông cũng như các chính sách mà vị vua này đã đề ra nhằm điều hành quốc gia to lớn của mình và thiết lập quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng. Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét vị hoàng đế này trong vai trò một Phật tử, những cống hiến của ông đối với Phật giáo; Asoka trong vai trò một Pháp vương (Dharmaràja) , theo đuổi lý tưởng Chánh pháp (Dharma) và cai trị bằng Chánh pháp; Giáo pháp của Asoka ; và đặc biệt ảnh hưởng Phật giáo trong đường lối trị quốc của ông.

Có một thời các học giả đã tỏ ra lúng túng không biết Asoka là ai và tín ngưỡng hay tôn giáo mà ông theo đuổi là gì136.Ngày nay với số lượng thông tin thu nhập được từ các nguồn sử liệu văn học và đặc biệt là tù khoa khảo cổ học, việc xác định thân thế và sự nghiệp của vị hoàng đế này không còn là vấn đề khó khăn. Các truyền thuyết và sử liệu khác nhau đều thống nhất Asoka là một Phật tử, mặc dù có vài sai khác nhỏ về vị thầy đầu tiên đã ảnh hưởng đến việc cải giáo của ông. Edward Thomas cho rằng Asoka từng là tín đồ Kỳ Na giáo trước khi trở thành một Phật tử137, nhưng theo sử liệu Tích Lan thì trước khi quy y Tam bảo, Asoka, giống như cha mình, theo tín ngưỡng Bà-la-môn. Trong chỉ dụ ghi ở tiểu bia ký I, Asoka thông báo với chúng ta các giai đoạn tiếp cận Phật giáo của ông và tự nhận là đệ tử Phật (upàsika).trong bia ký Bhabrù, Asoka khẳng định niềm tin đối với Phật, Pháp, Tăng, tuyên bố giáo pháp của đức Phật là khéo thuyết, đồng thời nêu rõ bảy bài kinh trong số các kinh điển Phật giáo mà ông cho là quan trọng và khuyên tất cả Tăng, Ni, nam nữ Phật tử cần phải thường xuyên đọc tụng và thực hành. Ở bia ký VIII và trụ đá Rummindeì, Asoka là nhà chiêm bái Phật tích. Trụ đá Nigliva đánh dấu tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp của Asoka qua việc trùng tu bảo tháp đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamana) .Asoka hiện rõ trong các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì là người bảo vệ Phật pháp bởi lời tuyên bố tẩn xuất những ai gây chia rẽ Tăng già. Truyền thuyết Ấn Độ và ký sự của các nhà chiêm bái Trung Hoa xem Asoka là người xây dựng nhiều chùa tháp Phật giáo và là nhà bảo trợ chính của phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvàtisvàda). Truyền thống Tích Lan gắn Asoka với hội nghị kiết tập lần thứ ba và công tác truyền bá Phật pháp đánh dấu sự phát triển của đạo Phật ở bên trong và bên ngoài lục địa Ấn Độ.
---o0o---

I.Các truyền thuyết về sự cải giáo của Asoka

Các tài liệu và truyền thuyết liên quan không thống nhất với nhau về bưóc đầu Asoka tiếp cận Phật giáo. Theo tài liệu Mahàvamsa thì Nigrodha là vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên đã cảm hóa Asoka từ tín ngưỡng Bà-la-môn sang đức tin Phật giáo. Truyền thuyết này nói rằng Nigrodha là con trai Sumana, anh trai Asoka, người bị Asoka sát hại trong cuộc chiến tranh giành ngôi vị vương triều Maurya. Khi Sumana bị sát hại, mẹ của Nigrodha khi ấy đang mang thai ông bị buộc phải rời hoàng cung sinh sống trong một ngôi làng dành cho cư dân giai cấp hạ lưu. Vào ngày rời hoàng cung, bà hạ sinh Nigrodha, đứa bé có nhiều dấu hiện đặc biệt lúc chào đời và bảy năm sau xuất gia thành một tu sĩ Phật giáo. Một hôm, sa-di trẻ Nigrodha đi ngang qua hoàng cung và lọt vào tầm mắt của Asoka bởi dáng vẻ thánh thoát và trầm tỉnh lạ thường. Asoka cảm thấy hoan hỷ, cho mời vị sa-di nhỏ tuổi vào hoàng cung và bảo : “ Con thân, hãy chọn chổ ngồi mà con nghĩ là thích hợp.” Nigrodha liếc nhìn ngai vàng đang bỏ trống và Asoka hiểu ra rằng vị sa-di trẻ này có ý muốn trở thành chủ nhân của hoàng cung. Ông dắt tay Nigrodha và đặt cậu bé ngồi lên ngai vàng, sau đó thết đãi vị sa-di các món ăn đặc biệt dành riêng cho ông. Sau buổi tiếp đãi trang trọng, Asoka hỏi vị sa-di trẻ về giáo lý của đức Phật và Nigrodha nói cho ông về Appamàda, nêu rõ lòng nhiệt thành mến đạo đưa đến kết quả bất tử và thái độ xem thường đạo lý dẫn đến khổ đau sinh tử. Cảm kích bởi lời dạy này, Asoka tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn và chấp nhận giáo lý của đức Phật. Sự kiện xảy ra vào năm thứ tư kể từ khi Asoka chiếm ngai vàng Pàtaliputra, tức vào năm Asoka đăng quang , khoảng 270 hay 269 trước Tây lịch.

Nhưng trong khi truyền thuyết Mahàvamsa xem Nigrodha là người đầu tiên chuyển hóa Asoka thành một Phật tử và Moggaliputta Tissa được xem là vị thầy thứ hai của ông, thì tài liệu do Huyền Trang (Yuan Chwang) cung cấp cho rằng, chính trưởng lão Upagupta là người đã chuyển hóa tín ngưỡng của Asoka. Theo Huyền Trang, Asoka gặp Upaguta sau sự kiện ông phá bỏ chế độ ngục tù dã man do ông lập ra ở Ujjain. Tài liệu Aśokàvadàna đề cập việc Asoka cho thiết lập hệ thống lao tù ở Pàtaliputra (Huyền Trang bảo là ở Ujjain) được mệnh danh là địa ngục trần gian bởi những ai đã rơi vào đây thì không còn cơ may sống sót. Một hôm , có vị tu sĩ tên Balapandita vô tình bưóc vào cửa nhà lao thì liền bị các cai tù tống giam vào ngục. Mấy ngày sau Balapandita bị ném vào vạc dầu đang cháy sôi sục nhưng không hề bị thương tổn. Sự việc đến tai Asoka, ông liền đến hiện trường xem xét và bị cảm kích bởi cảnh tượng phi thường và lời khuyên giáo của tu sĩ Balapandita. Ông bắt đầu theo đuổi tôn giáo chân chính và từ bỏ con đường tội ác. Ngục tù được phá bỏ và các cai tù hung ác bị thiêu sống 138

Như vậy, cứ theo lời Huyền Trang thì Asoka gặp Upagupta sau khi chế độ ngục tù được phá bỏ, nghĩa là sau khi Asoka đã được Balapandita cảm hóa. Do đó, nếu bảo Upagupta là người đầu tiên chuyển hóa Asoka thì điều đó hoàn toàn trái với những gì được mô tả trong truyền thuyết Aśokàvadàna. Lại nữa, theo khảo cứu của Waddell thì Upagupta của Huyền Trang không ai khác chính là Moggaliputta Tissa của tài liệu Mahàvamsa139 ,Bởi vậy nếu cho rằng Upagupta hay Moggaliputta là người đầu tiên chuyển hóa tín ngưỡng của Asoka thì nhận định như vậy không phù hợp với tài liệu Mahàvamsa xem Nigrodha là người thầy đầu tiên của Asoka. Tài liệu do Huyền Trang cung cấp cũng không thống nhất với Mahàvamsa về sự kiện Asoka cho xây dựng bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật ở khắp nơi trong vương quốc của ông. Theo Huyền Trang thì do lời khuyên của Upagupta, Asoka cho triệu tập các thợ giỏi trong nước và ra lệnh cho xây dựng các bảo tháp khắp nơi trong xứ sở của mình nhằm tôn thờ xá lợi đức Phật. Các xá lợi này được lấy ra từ tám ngôi bảo tháp gốc và được phân ra tôn thờ tại các bảo tháp mới được xây dựng. Tuy nhiên theo tài liệu Mahàvamsa140 thì sau khi được Nigrodha cảm hóa, Asoka nhân một buổi thết đãi chư tăng tại hoàng cung đã hỏi xem giáo lý của đức Phật có bao nhiêu pháp môn. Khi biết rằng giáo lý bậc Đạo sư gồm 84.000 pháp môn, Asoka quyết định cứ mỗi pháp môn của bậc Đạo sư sẽ được cúng dường bằng một bảo tháp. Ông hạ chỉ cho quan lại các địa phương lo việc xây dựng 84.000 bảo tháp tại nhiều thành phố khác nhau của Ấn Độ, riêng ông chịu trách nhiệm xây dựng tinh xá Asoka (Aśokàràma) tại kinh đô Pàtaliputra.

Tài liệu bia ký và trụ đá không hé cho chúng ta bất kỳ thông tin nào về các đạo sư đầu tiên đã ảnh hưởng đến việc cải giáo của Asoka. Các bia ký và trụ đá của ông chỉ thông báo việc Asoka tín ngưỡng Tam Bảo, tự nhận là đệ tử Phật cùng một số Phật sự mà ông đã làm với tư cách là một hoàng đế Phật tử. Theo các truyền thuyết Ấn Độ, Tích Lan và tài liệu của Huyền Trang được nêu trên thì ba nhân vật quan trọng đã ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Asoka là Nigrodha, balapandita và Moggaliputta Tissa hay Upagupta, gọi theo truyền thuyết Ấn Độ và tài liệu của Huyền Trang. Tài liệu Tích Lan lưu giữ trong tác phẩm Mahàvamsa xem Nigrodha là người đầu tiên cảm hóa đức tin của Asoka, tuy nhiên càng về sau vai trò Nigrodha càng mờ dần và nhường chỗ cho Moggaliputta Tissa trong vị trí bậc thầy tinh thần của Asoka. Tài liệu Bắc truyền chép trong tác phẩm Aśokàvadàna cũng cho thấy Moggaliputta Tissa hay Upagupta là nhân vật quan trọng đối với Asoka. Mahàvamsa nói đến việc hai người con Asoka, Mahendra và Sanghamitra, xuất gia trở thành hai tu sĩ tài đức nhờ ảnh hưởng của Moggaliputta Tissa141 .Truyền thuyết Ấn Độ ghi nhận rằng sau khi thực hiện xong công trình xây dựng các bảo tháp, Asoka tỏ ý muốn du hành chiêm bái các thánh tích Phật giáo và ông cho mời Upagupta đang sống ẩn cư tại núi Urumunda gần Mathura để thực hiện ý định của mình.Upagupta do đó trở thành người hướng dẫn của nhà vua trong cuộc hành trình này142.

Trong sử liệu Tích Lan , tên tuổi Moggaliputta Tissa gắn liền với nhiều Phật sự quan trọng được tiến hành dưới sự bảo trợ của Asoka. Trước hết là công tác thanh tịnh hóa tổ chức Tăng già đang ở trong thời kỳ phân hóa và chia rẽ trầm trọng bởi danh vọng và lợi dưỡng. Mahàvamsa thuật rằng với sự quy ngưỡng Phật giáo của Asoka, chùa chiền được xây dựng khắp nơi và tăng sĩ Phật giáo được cung phụng đầy đủ các tiện nghi vật chất. Những người ngoại đạo bị tổn thất danh lợi liền tìm cách xâm nhập Tăng già. Số lượng ngoại đạo xuất gia tu Phật ngày càng lớn, tập quán và kiến giải củ của họ khiến ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín của giáo hội. Các bậc chân tu không chấp nhận sinh hoạt chung với các tăng sĩ gốc ngoại đạo. Tranh chấp nổ ra ngày càng gay gắt trong tổ chức Tăng già đến độ các lễ Bố tát (Uposatha) và Tự tứ (Pavàranà) đã không được tiến hành trong vòng bảy năm.

Tài liệu này nói rằng Asoka hết sức lo lắng cho hiện trạng của giáo hội nên ông đã cho triệu hồi Moggaliputta Tissa về kinh đô Pàtaliputra nhằm tìm giải pháp cho vấn đề. Được Moggaliputta gợi ý, Asoka cho triệu tập tăng chúng tại tinh xá Asoka (Aśokàràma) để tiến hành thanh lọc Tăng già. Biện pháp thanh lọc được thực hiện bằng cách chất vấn các tu sĩ Phật giáo về giáo lý của bậc Đạo sư. Những ai cho rằng Phật giáo chủ trương lý thuyết linh hồn bất tử hay các vấn đề tương tự thì liền bị trục xuất khỏi Tăng già. Chỉ những ai nói rằng bậc Đạo sư chử trương giáo lý phân tích (vibhajjavàda) thì mới được giữ lại trong giáo hội. Truyền thuyết này nói rằng 60.000 tăng sỉ gốc ngoại đạo đã bị buộc phải hoàn tục sau sự kiện thanh lọc Tăng già và giáo hội trở lại các sinh hoạt thanh tịnh. Tài liệu Mahàvamsa ghi nhận thêm rằng sau khi giáo hội trở lại thanh tịnh, Moggaliputta chọn 1000 Tỷ-kheo thông suốt giáo lý nhằm đọc tụng và kiết tập tam tạng, công việc được hoàn tất sau chín tháng, riêng Moggaliputta, cho ra đời tập Kathàvatthu đánh đổ các quan điểm sai quấy của ngoại đạo. Thành công của hội nghị kiết tập kinh tạng lần này được đánh dấu bởi sự kiện các phái đoàn truyền giáo sau đó lần lượt được gởi đi nhiều quốc gia nhằm mục đích phổ biến Chánh pháp. Theo B.Jinananda, các đoàn truyền giáo đã được gởi sang các quốc gia, xa xôi ở châu Á, châu Phi và châu Âu.143

Nư vậy, từ các thông tin trên ta có thể nói rằng mặc dù Nigrodha (hay Balapandita) là người đầu tiên cảm hóa đức tin của ông, chính Moggaliputta Tissa đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Asoka. Asoka trở nên nổi tiếng với nhiều hoạt động tôn giáo và văn hóa một phần nhờ công lao của Moggaliputta Tissa.


---o0o---

II. Sự ngưỡng mộ Phật giáo của Asoka

Các bia ký va truyền thuyết nói rất nhiều về tấm lòng nhiệt thành của Asoka đối với tôn giáo mà ông vừa mới quy ngưỡng. Theo các tài liệu này thì sau khi quy y Tam bảo, Asoka dành nhiều tình cảm ưu ái cho tôn giáo của mình. Trước hết , trong các bia ký, Asoka tự nhận là đệ tử Phật (upàsika)144, khẳng định niềm tin và bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng145. Ông đối đãi nồng hậu với chư tăng và khuyên thần dân có thái độ tương tự đối với hàng xuất gia. Truyền thuyết Tích Lan thuật rằng sau khi được Nigrodha cảm hóa, mỗi ngày Asoka đón tiếp hàng vạn tu sĩ Phật giáo đến thọ trai và nói pháp tại hoàng cung. Theo tài liệu này thì mỗi ngày Asoka phải chi hết 40.000 tiền vàng cho việc thết đãi 60.000 tu sĩ Phật giáo. Tác phẩm Samantapàsàdika146 nêu con số Asoka dành ủng hộ cho giáo hội Phật giáo mỗi ngày lên tới 500.000 tiền vàng, được chia như sau: 100.000 dành cho Nigrodha chi tiêu các Phật sự; 100.000 dành cho việc mua sắm hương hoa cúng dường các điện Phật; 100.000 dành cho việc hoằng pháp lợi sanh; 100.000 dùng cung cấp các tiện nghi vật chất cho các tăng sĩ; 100.000 dành cho việc điều trị các tu sĩ đau ốm. Tài liệu Bắc truyền còn đi xa hơn trong việc mô tả tấm lòng ngưỡng mộ Phật giáo của Asoka bằng cách thuật câu chuyện rằng sau khi hoàn tất công trình xây dựng các bảo tháp, Asoka hiến tặng toàn bộ vương quốc của mình cho Tăng già và rồi ông đã ba lần mua lại nó từ giáo hội. Trong ký sự của mình, Pháp Hiển (Fa-hsien) nhắc lại chuyện này và nói thêm rằng Asoka đã cho xây một tòa tháp lớn ở Pàtaliputra và một trụ đá gần bên cạnh trên đó ghi rằng “ Asoka đã hiến tặng toàn cõi Diêm Phù Đề (Jambudvìpa) cho giáo hội Tăng già và rồi đã xin chuộc lại bằng tiền. Ông đã tặng đi và chuộc lại vương quốc của mình trong ba lần.”147

Asoka cũng biểu lộ tấm lòng ngưỡng mộ Tam bảo của mình bằng cách tự thân chiêm bái các thánh tịch, lập các bia ký và trụ đá tại các địa danh Phật giáo và cho xây dựng nhiều bảo tháp nhằm tôn thờ xá lợi và xiển dương Phật pháp. Bia ký VIII ghi rằng mười năm sau khi lên ngôi, Asoka hành hương chiêm bái thánh tích Bodhgayà, chỗ đức Phật giác ngộ, thăm viếng và tặng quà cho các Sa-di và Bà-la-môn. Một số tranh điêu khắc tìm thấy ở các cổng đại bảo tháp Sàñchì xác nhận các sự kiện được nêu trong tài liệu bia ký Asoka và các truyền thuyết Tích Lan và Ấn Độ. Bức tranh trên cổng phía đông đại bảo tháp Sàñchì vẽ cây Bồ đề và ngôi bảo tháp Bodh-Gayà ở chính giữa. Bên trái là một đám đông các nhạc công và các tín đồ mang các bình nước. Bên phải vẽ cảnh nhà vua Asoka và hoàng hậi Tisyaraksità đang rời kiệu voi và đảnh lễ câ Bồ đề. Bức tranh điêu khắc trên cổng phía nam đại bảo tháp mô tả cuộc viếng thăm bảo tháp Ràmagrama của Asoka. Bên phải bức tranh vẽ cảnh vua Asoka đang ở trên một cỗ xe ngựa theo sau là một đoàn tùy tùng, bên trái là cảnh các loài rồng (nàga) đang lễ bái ngôi bảo tháp.

Trụ đá Nigliva thông báo mười bốn năm kể từ lúc đăng quang, Asoka cho xây rộng gấp đôi ngôi bảo tháp tôn thờ đức Phật quá khứ Kanakamuni và sáu năm sau, tức hai mươi năm sau khi lên ngôi, nhà vua ngự giá lễ bái ngôi bảo tháp và cho dựng một trụ đá tại đây. Trụ đá Rummindeì cho hay hai mươi năm sau khi đăng quang, hoàng đế Priyadarśì ngự giá chiêm bái chỗ đức Phật đản sanh, cho dựng một trụ đá và giảm tô thuết cho dân làng Lumbinì “ bởi đức Thế Tôn đã ra đời tại đây.” Theo tài liệu Bắc truyền148 thì sau khi cho xây dựng các bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật khắp nơi trong nước, Asoka đã thực hiện chuyến hành hương chiêm bái các thánh tích Phật giáo dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Upagupta. Tài liệu này mô tả khá chi tiết về cuộc hành trình của Asoka:

Trước tiên, đoàn đến thăm vườn Lumbinì, chỗ đức Phật đản sanh. Nhà vua tặng 100.000 tiền vàng cho dân chúng vùng này và cho xây dựng một bảo tháp (Stùpa) tại đây. Sau đó đoàn viếng thăm Kapilavastu, quê hương của đức Phật. Tiếp theo phái đoàn đến Bodhayà, chiêm bái gốc cây Bồ đề, chỗ đức Phật giác ngộ, tại đây nhà vua trao tặng số tiền hơn 100.000 tiền vàng vá cho xây dựng một điện Phật (Chaitya) Các địa danh tiếp theo mà đoàn hành hương đến chiêm bái gồm Rishipatana hay Ispatana gần Banares, chỗ đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên gọi là “ Chuyển vận bánh xe Chánh pháp” (Dhammacakkappavattana) , và kusinagana, nơi bậc Đạo sư trút hơi thở cuối cùng hay nhập niết bàn. Tại hai điểm này Asoka cũng biểu lộ sự tôn kính của mình bằng cách cúng dường tiền vàng và xây dựng các bảo tháp như ông đã làm đối với hai thánh tích trước. Ở Sravasti, đoàn viếng thăm tịnh xá Jetavana, nơi đức Phật đã từng sống và thuyết giảng Chánh pháp trong một thời gian dài, chiêm bái bảo tháp ba vị đại đệ tử của đức Phật là Xá Lợi Phất (Sàriputra) Mục Kiền Liên (Maudgalàyana) và Đại Ca Diếp (Maha Kasyapa). Chuyện kể rằng khi nhà vua viếng thăm bảo tháp tôn giả Vakkula, ông chỉ cúng một tiền đồng bởi nghe đâu lúc sinh thời vị tôn giả này đã gặp nhiều trắc trở trên con đường tu tập và không làm nhiều việc công đức, trong đó tại bảo tháp tôn giả Ànanda, quà tặng của hoàng gia lên tới 6.000 tiền vàng.

Truyền thống Nepal đề cập sự kiện Asoka hành hương xứ Nepal dưới sự hướn dẫn của Upagupta và nói rằng ông đã cho xây dựng một bảo tháp (stupa) tại trung tâm thành phố Patan, cách Katmandu hai dặm về hướng đông nam, và bốn bảo tháp khác tại bốn địa điểm chính của thành phố mà nay còn dấu vết149

Trong khi tài liệu bia ký chỉ đề cập việc Asoka cho xây rộng gấp đôi ngôi bảo tháp tôn thờ đức Phật quá khứ Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamana) đã có từ trước và chứng cứ khảo cổ học xác nhận đại bảo tháp Sàñchì và bảo tháp Bharhut thuộc thời đại của ông150, các truyền thuyết nói rằng Asoka đã cho xây dựng khắp nơi trong vương quốc của mình 84.000 bảo tháp nhắm tôn thờ xá lợi Phật. Dù con số rất lớn và mang tính rất tượng trưng, các truyền thuyết đề cập các bảo tháp do Asoka cho xây dựng không phải không có cơ sở. Trong ký sự của mình, Pháp Hiển dành nhiều trang viết để mô tả tập tục tôn thờ bảo tháp xá lợi ở Ấn Độ, Tích Lan và nói đến nhiều bảo tháp do Asoka xây cất ở nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ. Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả Trung Hoa đến Ấn Dộ vào các thập niên đầu thế kỷ thứ bảy, bảo rằng ông đã trông thấy nhiều bảo tháp cổ của Asoka ở Ấn Độ và ở bên ngoài các biên giới phía bắc Ấn Độ151.Theo tài liệu Mahàvamsa thì sau khi được Nigrodha cảm hóa, Asoka đã sai xây dựng 84.000 bảo tháp tại nhiều thành phố và địa phương khác nhau, riêng ông chịu trách nhiệm xây dựng tinh xá Asoka (Aśokàràma) tại kinh đô Pàtaliputra. Tất cả công trình này được hoàn tất trong thời gian ba năm152. Theo Huyền Trang thì do lời khuyên của Upagupta, Asoka cho triệu tập các nghệ nhân trong nước và ra lệnh cho xây dựng các bảo tháp ở khắp nơi trong vương quốc của mình nhằm tôn thờ xá lợi Phật153 . Truyền thuyết Avadàna nói rằng Asoka muốn phân xá lợi của đức Phật thành 84.000 ngôi bảo tháp vừa mới xây xong nên đã cho khai quật ngôi bảo tháp mà vua A Xà Thế (Ajàtasatru) dùng để tôn thờ xá lợi Phật được hom góp lại từ bảy bảo tháp gốc. Bảo tháp thứ tám tại Ràmagrama do các loài rồng (naga) canh giữ không thể khai quật. Các xá lợi lấy ra từ bảy ngôi tháp này được chia đều và tôn thờ tại 84.000 bảo tháp vừa mới xây dựng154. Truyền thuyết Avadàna bằng văn kệ nêu con số bảo tháp do Asoka xây dựng còn lớn hơn nhiều so với truyền thuyết Avadàna viết theo thể loại văn xuôi. Theo tài liệu này thì 3.510 triệu bảo tháp đã được xây cất do yêu cầu của dân chúng Taxila và 10.000.000 bảo tháp khác được xây ở các bờ biển bởi các loài dạ xoa (yaksha)155.

Một bằng chứng khác nói rõ tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp của Asoka là việc ông sẵn sàng để cho bà con và con cháu mình xuất gia phục vụ đạo pháp và riêng ông cũng từng sống với Tăng già. Tài liệu Tích Lan thuật rằng bốn năm sau khi lên ngôi, em trai Asoka là Tisya, phó vương xứ Ujjain, cháu trai và là con rể Agni-Brahmà và cháu ngoại ông Sumana đều xuất gia đầu Phật. Sau khi Tisya xuất gia, chức phó vương Ujjain bọ bỏ trống, bấy giờ Asoka định cử con trai Ujjain nhưng Mahendra và cả Sanghamitra nữa đều tỏ ý xuất gia dưới sự dẫn dắt của Moggaliputta Tissa156.Tên tuổi của Mahendra. Sanghamitra và Sumana gắn liền với lịch sử Phật giáo Tích Lan . Mahendra và Sumana có công rất lớn trong việc giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan, trong khi Sanghamitra mở đường cho sự ra đời của giáo hội Tỷ-kheo ni tại đây.

Các học giả nêu nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh lời tuyên bố của Asoka về việc hơn một năm ông gần gũi Tăng già. Trong tiểu bia ký I, Asoka bảo rằng hơn hai năm rưỡi làm một đệ tử cư sĩ (upàsika) ông đã không cố gắng nhiều, nhưng hơn một năm gần gũi Tăng già ông đã nỗ lực rất lớn. Theo K.Hazra, câu nói này ngụ ý rằng khi Asoka trở thành một Phật tử ông đã không tha thiết đối với Phật giáo và đã không nỗ lức làm bất cứ điều gì cho tôn giáo này. Nhưng khi gần gũi với Tăng già ông đã làm mọi thứ cho sự phát triển của Phật giáo157. B.M. Barua cho rằng sự chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo của Asoka được bắt đầu kể từ khi ông tiếp cận hay gần gũi Tăng già158 .Nói khác đi, Barua cho rằng chỉ sau khi Asoka tiếp xúc và gần gũi Tăng già như bia ký của ông đã nói thì lòng tin Phật của ông mới bắt đầu lớn mạnh. R.Mookerji nêu nhận xét tương tự : “ Trước trận chiến Kalinga, nghĩa là khoảng 265 trước Công nguyên, Asoka đã là một cư sĩ Phật tử. Ông duy trì tín ngưỡng này từ 265 đến 262, khi lòng tin Phật của ông trở nên mạnh mẽ hơn do kết quả sự hối hận về những thảm cảnh ông đã gây ra trong trận chiến Kalinga và chính điều này đã khiến ông trở nên gần gũi Tăng già.”159

Ý kiến của ba học giả này chỉ đúng một phần, tức là sau hơn một năm gần gũi Tăng già đức tin Phật giáo của Asoka càng trở nên mạnh mẽ. tuy nhiên nếu cho rằng, như quan điểm của K. Hazra, Asoka không tha thiết đối với Phật giáo và không nỗ lực làm bất cứ điều gì thì cho tôn giáo này khi trở thành một cư sĩ Phật tử thì một nhận định như vậy không hoàn toàn hợp lý. Xét về mặt tâm lý, Asoka là một người rất nhạy cảm và năng động. Bằng chứng là ngay sau chiến thắng Kalinga ông đã nhận ra nỗi bất hạnh của những kẻ chiến bại và tỏ ý hối tiếc về việc xâm lăng của mình. Và ông đã làm ngay những gì có thể làm để bù đắp phần nào sự tổn thất không thể bù đắp đối với một xứ sở bị chiến bại. Các tài liệu liên quan cũng cho thấy Asoka từng là một kẻ hiếu chiến và theo tín ngưỡng Bà-la-môn. Như vậy việc ông trở thành tín đồ Phật giáo chắc chắn không phải là chuyện ngẫu nhiên mà phải vì một lý do nào đấy. Đa số học giả ngày nay đều tin rằng việc hối hận về thảm cảnh chiến trận Kalinga là động cơ khiến Asoka quy ngưỡng Phật giáo và nỗ lực làm điều thiện. Như vậy ta có thể nói rằng Asoka trở thành Phật tử là do động cơ nội tâm. Một người do hối tiếc việc đã qua và mong muốn làm cho tâm hồn mình được thanh thản như Asoka thì không thể không nỗ lực làm ngay điều gì đó để xóa đi ký ức cũ.

Tài liệu Mahàvamsa cũng thông báo cho chúng ta ngay sau khi được Nigrodha cảm hóa (vào năm 270 hay 269 trước Công nguy6en theo tài liệu này),Asoka đã thể hiện mạnh mẽ lòng tin của mình đối với Tam bảo. Ông tiếp đãi nồng hậu tăng sĩ Phật giáo mỗi ngày tại hoàng cung, lắng nghe chư tăng thuyết pháp và tỏ ý xây dựng nhiều bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật .D.R .Bhandarkar cũng không đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng rất lâu trước khi Asoka chính thức viếng thăm Tăng già (như bia ký của ông đã đề cập), ông đã tiếp đãi 60.000 tăng sĩ Phật giáo mỗi ngày tại hoàng cung và xây dựng 84.000 tinh xá (vihàra) . Bhandarkar bảo lưu quan điểm của Mahàvamsa cho rằng ngay sau khi được Nigrodha cảm hóa, Asoka đã tiếp xúc với Tăng già, bởi vậy, theo ông, “ chúng ta không thể nói rằng nhà vua hơn một năm thăm viếng Tăng già mà đúng hơn là hơn một năm sống với Tăng già.” 160

Lời tuyên bố của Asoka trong tiểu bia ký I cũng gây không ít tranh luận xoay quanh việc ông có xuất gia trở thành một tu sĩ hay không. Theo một số học giả thì Asoka từng xuất gia làm một tu sĩ Phật giáo161. Các học giả này cho rằng lời tuyên bố tiếp cận Tăng già của ông trong bia ký có nghĩa là Asoka đã nhập Tăng già làm tu sĩ ở vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của ông162. Nhận định này được củng cố bởi truyền thuyết Divyàva-dàna nói rằng lúc về già Asoka xuất gia và trở thành một vị Bích Chi Phật (Pratyeka Buddha)163164. Tuy nhiên không một chứng cứ nào trong các bia ký cho thấy Asoka rời bỏ vương vị và theo tài liệu Tích Lan165 thì Asoka mất sau khi trị vì được 37 năm. Theo các thông tin Mahàvamsa và Divyàvadàna thì Asoka lên ngôi năm 270 hay 269 và mất vào năm 232 trước Công nguyên. Như vậy con số 37 hay 38 năm Asoka trị vì mà tài liệu Tích Lan đề cập là khớp với các niên đại nêu trên và chứng tỏ Asoka không rời bỏ ngai vàng cho đến lúc qua đời. tài liệu Aśokàvadàna cũng nói đến sự kiện Asoka không ngừng cúng dường chư tăng cho đến giây phút cuối cùng, mặc dù bị cháu trai là hoàng thái tử Sampadi hay Samprati nhiều phen ngăn cản166 .Nghĩa Tịnh (I-tsing) cũng nói đến việc ông từng thấy một pho tượng Asoka mặc áo cà sa khi ông viếng thăm thánh tích Phật giáo Ấn Độ.

B.M.Barua cho rằng trong bia ký Bhabrù, trụ đá Kauśàmbì và trụ đá Lumbinì, Asoka luôn tỏ rõ là một vị vua và là một cư sĩ đệ tử đức Phật. Theo ông không một nơi nào trong các tài liệu ấy cho hay Asoka rút lui khỏi cuộc đời167.Nhưng nếu Asoka không trở thành tu sĩ thì lời tuyên bố hơn một năm gần gũi hay tiếp cận Tăng già của ông cần phải được hiểu như thế nào ? K.Hazra cho rằng ý nghĩa câu nói này có thể được giải thích bởi một đoạn văn trong Luật tạng (Vinaya Pitaka) đề cập trường hợp một người ở điạ vị giữa cư sĩ (upàsika) và một Tỷ -kheo (bhikkhu) được gọi là Bhikkhugatika, Buddhaghosa giải thích rằng Bhikkhugatika dùng để chỉ một người cùng sống trong một tinh xá (vihàra) với các Tỷ-kheo nhưng chưa thọ giới đầy đủ như vị Tỷ-kheo mà đang hướng đến địa vị Tỷ-kheo.168

Như vậy theo quan điểm của Hazra thì mặc dù không chính thức trở thành một tu sĩ, Asoka từng có một thời gian sống với Tăng già. Sử gia R.C.Mazumdar nêu ý kiến rằng Asoka không trở thành một tu sĩ Phật giáo nhưng ông đã từng sống với Tăng già hơn một năm169. Học giả N.Dutt cũng đồng tình với quan điểm trên khi nói rằng không có một gọi ý nào trong các bia ký của ông và truyền thống Phật giáo tỏ cho thấy Asoka trở thành một Tỷ -kheo. Theo ông, Asoka là một cư sĩ tận tâm và có lẽ đã từng sống một thời gian trong tu viện Phật giáo170. Theo D.R.Bhandarkar, Asoka tiếp xúc với Tăng già ngay sau khi được Nigrodha cảm hóa, do đó câu nói của ông trong tiểu bia ký I không có nghĩa là Asoka viếng thăm mà ông đã sống với Tăng già trong thời gian hơn một năm171. Kết quả đó, theo Bhandarkar, được đánh dấu bởi bia ký VIII nêu rõ sự kiện rằng bắt đầu từ năm thứ mười trở đi kể từ khi lên ngôi Asoka đã thay thế các cuộc du hành hưởng lạc (vihàra-yàtrà) bằng các chuyến du hành thuyết pháp hay khuyến khích nếp sống đạo đức (Dharma-yàtrà).172


---o0o---

II.Tổ chức nhà nước và hệ thống quản lý

Về phương diện tổ chức và quản lý, bộ luận Arthaśàstra tương truyền do Kautilya, một đại thần thuộc vương triều Chandragupta, biên soạn và tài liệu do Mégasthènes, sứ thần của nah2 vua Syrie Seleukos Nikator, để lại cung cấp cho chúng ta ít nhiều hiểu biết về hệ thống điều hành nhà nước và thuật quản lý của triều đại Maurya đầu tiên. Tuy nhiên để hiểu rõ cơ cấu tổ chức và quản lý nhà nước dưới thời Asoka, các bia ký của ông là nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy. Vương quốc Maurya là một nhà nước theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền, đứng đầu là quốc vương, kế đến là hội đồng triều thần gồm các quan lại phụ giúp quốc vương trông coi việc triều chính173 .Các bia ký cũng nói đến các phân ban hay bộ thuộc guồng máy nhà nước trung ương như phân ban trông coi về pháp luật, phân ban trông coi về đạo đức xã hội, phân ban trông coi về biên cương hay quốc phòng, phân ban trông coi các đô thị, phân ban trông coi các vấn đề về phụ nữ, phân ban trông coi việc chăn nuôi. Xét tài liệu bia ký đề cập việc Asoka cho thiết lập hệ thống chăm sóc y tế ở khắp nơi trong nước và ở nước ngoài, B.M.Barua cho rằng hẳn phải có một phân ban hay bộ nhằm trông coi công tác này174. Ta cũng có thể kể thêm một phân ban chăm lo các vấn đề an sinh phúc lợi xã hội, bởi các hoạt động này rất được chú trọng và mở rộng dưới thời Asoka, như tài liệu bia ký của ông đã nói rõ. Bia ký Asoka cũng nhắc đến các quan chức gọi là dùta ( sứ giả hay đại sứ ) đảm nhiệm công tác đối ngoại. Đứng đầu các phân ban hay bộ có các quan chức gọi là Mahàmàtra.

Vương quốc Maurya mà Pàtaliputra ( Patna ngày nay) là kinh đô được chia làm nhiều địa hạt khác nhau; mỗi điạ hạt lại được chia thành nhiều trấn hay quận huyện và do một vị phó vương ( uparàja ) hay người đại diện trông coi. Chúc vụ phó vương hay đại diện do nhà vua cắt cử. Dưới thời Bindusàra, Asoka từng giữ chức phó vương vùng Ujjain hay Avantì. Làng xã la đơn vị hành chánh nhỏ nhất của tố chức nhà nước dưới thời Asoka. Ta có được thông tin này nhờ trụ đá Rummindeì, ghi sự kiện 20 năm sau khi lên ngôi, Asoka ngự giá chiêm bái thánh tích Lumbinì và ban lệnh giảm tô thuế cho dân làng Lumbinì bởi “đức Thế Tôn đã ra đời tại đây .”

Về Pàtaliputra, được khởi dựng từ thời Udaya, cháu nội vua Ajàtasatru175, sứ thần Syrie là Mégas-thènes, đến Ấn Độ dưới thời Chandragupta, mô tả như sau: Kinh đô dài khoảng mười lăm cây số, rộng ba cây số, có hình dáng một hình bình hành, có tường thành bằng gỗ bao bọc chung quanh và các lỗ châu mai để bắn cung tên từ bên trong ra. Thành gồm 570 vọng tháp và 64 cổng lớn, mặt trước có hào sâu phòng thủ và cũng dùng làm cống thoát nước cho cả thành phố. Cung điện nhà vua tuy cất bằng gỗ nhưng đẹp hơn các cung điện ở Suse và Ecbatane, chỉ kém các cung điện Perśepalis. Các cột trụ trong cung điện đều bọc vàng, vẽ những hình chim và lá cây, trong cung bày đồ đạc vàng son rực rỡ, ở bên ngoài cung có nhiều hồ dùng nuôi cá kiểng.176

Về cơ cầu tổ chức, bộ luận Arthaśàstra cho biết Pàtaliputra gồm một hội đồng ba mươi nhân viên chia làm sáu ủy ban. Một ủy ban điều khiển kỹ nghệ; một ủy ban lo về ngoại kiều, kiếm chỗ ở cho họ, hướng dẫn họ mà cũng dò xét sự di chuyển của họ; một ủy ban giữ sổ sinh sổ tử; một ủy ban cấo giấy phép cho thương nhân, quy định việc bán các sản phẩm tự nhiên, kiểm soát các đồ đo lường; một ủy ban nữa kiểm soát việc bán các hóa phẩm; và một ủy ban khác lo việc đánh thuế 10% vào mọi việc giao dịch. Will Durant dẫn lời Havell thừa nhận; “ Tóm lại, ở thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, Pàtaliputra có vẻ là một đô thị tổ chức và cai trị rất hoàn hảo theo những quy tắc tốt nhất của môn xã hội học.” Sử gia này cũng trích lời V.A.Smith khen ngợi cơ cấu hành chánh của Pàtali-putra : “ Sự tuyệt hảo của các biện pháp đó đáng làm cho ta ngạc nhiên dù ta chỉ mới xét các đại cương mà thôi, nếu đi sâu vào chi tiết ta càng thán phục rằng hơn ba trăm năm trước Công nguyên, làm sao Ấn Độ đã sáng lập và thực hành được một nền hành chánh như vậy.” 177

Sang thời Asoka, Pàtaliputra dường như được mở rộng ra và các công trình kiến trúc gỗ được thay thế bằng các kiến trúc sa thạch. Pháp Hiển ( Fashien ), một tăng sĩ Phật giáo Trung Hoa đến Ấn Độ đầu thế kỷ thứ năm , mô tả cung điện của Asoka như sau; “ Cung điện và các sảnh đường nằm ở trung tâm thành phố đến nay ( nghĩa là khoảng 650 năm sau ) vẫn còn như xưa, được xây dựng theo lối xếp chồng các khối đá với các tường thành và các cổng bao quanh và được trang trí với nghệ thuật khắc chạm duyên dáng cùng các công trình điêu khắc lắp ghép tinh xảo.” 178. Tường thuật này của Pháp Hiển tỏ cho thấy Asoka đã dùng đá để xây cất cung điện thay cho vật liệu bằng gỗ của thời Chandragupta. Công cuộc khai quật cổ thành Pàtaliputra được tiến hành bởi P.C. Mukharji và sau đó bởi tiến sĩ D.B.Spooner đã phát hiện một số dấu vết còn lại của cung điện Asoka,những mảnh vỡ của các cột trụ bằng đá bóng nhẵn mà người ta cho là thuộc kiến trúc cung điện của ông. Hơn thế, người ta còn phát hiện một sàn gỗ nằm sâu khoảng năm mét dưới lòng đất bên trên phủ một lớp đất dày ba mét tiếp theo là một lớp tro trong đó các mảnh vỡ của những chiếc cột được tìm thấy. Các chứng cứ khảo cổ này có thể giải thích sự kiện Asoka đã dùng đá để thay thế các kiến trúc bằng gỗ như Pháp Hiển đã mô tả.

Chúng ta không được biết đích xác có bao nhiêu điạ hạt trong đế quốc rộng lớn của Asoka. Ngoài Pàtaliputra, các bia ký của ông chỉ thông báo cho chúng ta về bốn lãnh thổ quan trọng do các thành viên hoàng gia cai quản. Đó là Ganghàra phía tây bắc với trung tâm Taxilà, Kalinga, phía đông nam với thủ phủ là Tosalì, Ujjain ở phía tây và Suvarnagiri ở phía nam179. Mahàvamsa thông báo Asoka từng đề cử Tisya, em trai ông,làm phó vương ( uparàja ) nhưng không cho biết thuộc địa hạt nào. Pháp Hiển ( F-hsien ) nói đến việc hoàng tử Dharmavivardana giữ chức vụ phó vương vùng Gandhàra180.Theo Divyàvadàna, Dharmavivardana là tên gọi khác của hoàng tử Kunàla được Asoka đề cử làm phó vương Taxilà, thủ phủ Gandhàra181.Bia ký Rudradàman đề cập một vị phó vương người địa phương có tên là Pusyagupta trấn nhậm lãnh địa phía tây với trung tâm là Girnar, dưới thời Chandragupta, trong khi dưới triều đại Asoka, Raja Tusàpha được đề cử trông coi lãnh địa này182.Từ những thông tin do các bia ký cung cấp, chúng ta có thể nói rằng dưới thời Asoka có hai loại phó vương được đề cử nhằm cai quản các địa hạt của vương quốc Maurya.Thứ nhất là hạng phó vương thuộc hoàng gia gọi là Kumàra hay Àryaputra va thứ hai là hạng phó vương không thuộc hoàng gia, như trường hợp Raja Tusàpha được cử trấn nhậm lãnh địa phía tây với Girnar là thủ phủ.

Lại nữa, tại mỗi lãnh địa có hệ thống các quan lại phụ giúp việc quản trị cho vị phó vương. Tác phẩm Divyàvadàna nói đến trường hợp dân chúng xứ Taxilà dưới thời Bindusàra nổi lên chống đối các quan lại đàn áp nhưng không chống lại vị hoàng tử phó vương hay mệnh lệnh triều đình183. Trong truyền thuyết nói về hoàng tử Kunàla trấn nhậm lãnh thổ Gandhàra, người ta kể rằng ông hoàng này từng bị một phen khốn đốn bởi kẻ khác đã mạo danh ông gởi mật lệnh giả cho các quan lại dưới quyền ông184 .Bia ký Kalinga II nói rõ sự kiện các phó vương có quyền đề cử các thuộc hạ của mình vào chức vụ Mahàmàtra nhằm kiểm tra và giám sat định kỳ việc thực thi pháp luật. Theo bia ký Kalinga I, văn bản Dhauli, và Tiểu bia ký I, văn bản Brahmagiri, thì các phó vương và các vị Mahàmàtra cùng làm việc với nhau. Vào thời gian đầu, vị Hoàng tử phó vương (Àryaputra ) có trách nhiệm gởi thánh chỉ của nhà vua đến các quan lại địa phương, nhưng về sau trách nhiệm này cũng được giao cho các vị Mahàmàtra. Bia ký Kalinga II, văn bản Jaugada, nói đến một hạng Mahàmàtra khác được biết bởi tên gọi là Làjavachanika, người trực tiếp nhận chỉ thị của nhà vua mà không thông qua vị hoàng tử phó vương. Như vậy Mahàmàtra ở đây có thể được xem là chức vị tổng đốc bởi các Mahàmàtra này được giao trách nhiệm cai quản độc lập các tổng trấn.

Pràdeśika. Ràjùka và Yukta là tên gọi của các loại quan chức khác được nói đến trong bia ký Asoka.B.M.Barua xem Ràjùka là người đại diện chính quyền trung ương có trách nhiệm đối với nhà vua trong việc chuyển các mật lệnh và các chỉ dụ của nhà vua đến các quan tổng đốc ( Mahàmàtra ) ở các thị trấn hay quận huyện thuộc phạm vi quản lý của mình. Như vậy Ràjùka đóng vai trò như một sứ giả mang các mật lệnh và chỉ dụ của nhà vua cho các quan lại địa phương. Ràjùka nhận các chỉ dụ từ bộ phận thư ký riêng của nhà vua và chuyển giao cho các quan lại địa phương có trách nhiệm thi hành185. Tuy nhiên theo D.R.Bhandarkar và R.Mookerji thì Ràjùka là một quan chức có trách nhiệm về mặt pháp luật, có quyền thưởng phạt đối với người có công hay kẻ phạm tội186.Cũng có ý kiến cho rằng công việc của Ràjùka là thống kê đất d0ai, thu thuế má, trông coi các công việc về nông nghiệp, như được mô tả trong Kurudhamma-Jàtaka. Mégasthènes thông báo cho chúng ta rằng Ràjùka có trách nhiệm trông coi các việc công ích như bảo vệ sông rãnh, đào giếng, đắp đê, làm đường …Ràjùka cũng có quyền ban thưởng cho người có công và trừng phạt kẻ phạm tội187.Từ các thông tin trên ta có thể hiểu rằng Ràjùka là một chức vị khá cao trong cơ cấu tổ chức nhà nưóc của vương triều Asoka, mỗi Ràjùka đứng đầu một ban ngành chuyên trách khác nhau trong hệ thống quản lý nhà nưóc.

Về chức vị Pràdeśika, Thomas đồng hóa Pràdeśika với Pradeshtri được nói đến trong bộ luận Arthaśàstra, nghĩa là một quan chức có trách nhiệm thực hiện việc thu thuế và ngăn bắt kẻ trốn thuế188.Bộ luận Arthaśàstra của Kautilya cũng cho chúng ta biết về chức năng của vị quan chức gọi là Yukta. Theo Kautilya, Yukata là chức danh dành cho các quan lại ngân khố địa phương có trách nhiệm quản lý tài sản của nhà vua, tiến hành việc thu thuế và kết toán các khoản thu nhập189. Như vậy cả hai loại quan chức Pràdeśika và yukta xem ra có chung một trách nhiệm là thực hiện việc thu thuế cho ngân khố quốc gia. Tuy nhiên, theo bia ký III thì năm năm một lần, cùng với các Ràjùka, các Pràdeśika và Ykta có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm giám sát và đôn đốc mọi người thực thi pháp luật. Theo ý kiến của Kern thì Pràdeśika là chức quan ngang hàng với tổng đốc190 , trong khi theo tài liệu của Kautlya được nói ở trên thì Yukta chỉ là một quan lại địa phương. Như vậy ta có thể hiểu rằng Yukta là một chức quan có lẽ thuộc cấp quận huyện và Pràdeśika cũng là một chức quan nhưng ở cấp cao hơn.

Ngoài ra, bia ký Asoka còn nói đến một số quan chức đứng đầu các bộ như Dharma-Mahàmàtra, quan trông coi về đạo đức xã hội; Ithijhakha-Mahàmàtra hay Stryadhyaksha-Mahàmàtra, trông coi các vấn đề về phụ nữ; Anta-Mahàmàtra, trông coi các biên giới; Mahàmàtra-Nàgaraka, trông coi về đô thị; Vachabhùmika, lo về chăn nuôi191.Sau cùng ta phải kể đến một loạt các quan chức trông coi các công trình và phúc lợi xã hội, những việc mà Asoka rất quan tâm và được làm rất tốt dưới triều đại của ông. Rải rác trong các bia ký của ông người ta đọc thấy chức danh các viên chức trông coi các công trình công ích và an sinh xã hội như Vraija-bhùmika192, trông coi các công viên công cộng, các vườn xoài, các giếng nước, các nhà nghỉ dọc theo các đường lộ dành cho khách hành hương. Lại có một bộ phận công nhân viên chức khác chăm nom các vườn cây thuốc và các viên chức y sĩ chăm lo việc chữa trị cho người và thú vật.

Trên đây là các thông tin về cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý nhà nước dưới thời Asoka. Tiếp theo chúng ta sẽ thử xem những động cơ nào đã thực sự khiến cho guồng máy nhà nước này vận hành tốt và có hiệu quả.

Mặc dù có vài ý kiến xem ông là một triết gia hơn là một quốc vương, một nhà đạo đức hơn một nhà quản lý193, đa số các học giả đều công nhận tài lãnh đạo và năng lực quản lý quốc gia của Asoka.K.Hazra cho rằng các hệ thống quản lý và cải cách của ông có đủ lý do để chứng minh rằng Asoka không chỉ là một nhà quản trị tài ba của thời đại ông mà còn là một hoàng đế lớn của mọi thời đại. Trước và sau ông, khó có ai đạt được vị trí mà Asoka đã đạt được trong lịch sử chính trị và tôn giáo của Ấn Độ cổ đại. Từ bỏ mọi chiến tranh và ý đồ xâm lăng, Asoka đã giữ vững một đế quốc to lớn và duy trì quan hệ thân thiện với các thế lực nước ngoài194.Theo B.M.Barua, “ việc thành lập các phái đoàn thanh tra nhà nước năm năm và ba năm một lần (đi thanh tra các nơi trên toàn quốc), việc bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra trông coi về đạo đức xã hội, chuẩn bị những phương án tỷ mỉ cho việc giáo dục, công dân, cải tiến về quản lý tội phạm, nhân tính hóa các điều luật hình sự , nhấn mạnh các quan niệm hiếu thảo, khuyến khích các lễ nghi và v.v…là những sáng kiến bổ sung trách nhiệm cho một nhà nước lý tưởng mà Asoka đã cưu mang và ấp ủ.”195

Có thể nói rằng động cơ mạnh mẽ nhất khiến guồng máy quản lý nhà nước dưới thời Asoka vận hành tốt và có hiệu quả trước hết và trên hết là nguyên lý vì con người và hạnh phúc của con người mà chính Asoka đã nỗ lực thực hiện . Asoka đại diện cho nguyên tắc sống làm việc vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Nhà nước Asoka tiêu biểu cho một mô hình nhà nước của dân, do dân và vì dân mà hơn 20 thế kỷ sau các quốc gia dân chủ phương Tây mới nói đến. Bộ luận Arthaśàstra đề cập sự kiện Chandragupta thiết lập điều lệ lên ngôi của các quốc vương Maurya, nói rằng đức vua phải tuyên thệ suốt đời phụng sự nhân dân vào dịp lễ đăng quang. Các lời thề như sau; “ Xin hãy bắt ta từ bỏ thiên đường, từ bỏ cuộc sống và trở thành một kẻ tuyệt tự nếu ta áp bức thần dân.” “ Niềm hạnh phúc của Người(vua) là niềm hạnh phúc của thần dân.Người coi những gì làm cho Người vui thích đều không tốt, mà coi bất cứ thứ gì làm cho thần dân vui thích đều là tốt.” Ngoài ra, luận Arthaśàstra còn nhấn mạnh đức vua phải luôn luôn sẵn sàng gánh vác việc công , không nề hà hay than thở. Nếu nhà vua hành động sai trái thì dân chúng có quyền phế truất ông và thay thế một vị vua khác196.Như vậy cứ theo bộ luận Arthaśàstra thì mỗi vị vua Maurya đều phải là một hoàng đế chân chính, có lòng thương dân và luôn luôn lo lắng cho dân, lấy hạnh phúc của dân làm niềm vui của mình và không được đi ngược ý chí của toàn dân. Asoka kế thừa truyền thống này và chứng tỏ là một hoàng đế xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Trước hết, Asoka là vị hoàng đế rất mực thương dân. “ Tất cả thần dân là con cái ta; bởi ta có lòng mong muốn cho các con ta được hạnh phúc và an lạc đời này và đời sau, ta cũng mong muốn cho tất cả thần dân của ta được như vậy.”197. Từ quan điểm lấy dân làm gốc, vì hạnh phúc nhân dân mà phục vụ, Asoka từ bỏ những cuộc dạo chơi săn bắn và nhiều thú vui khác của hoàng gia ( vihàr-yàtra ) để tập trung vào công việc chăm lo đời sống và giáo dục nhân dân ( Dharma-yàtra ). Theo ông198,nỗ lực quản lý và điều hành quốc gia không chỉ là nghĩa vụ mà còn là món nợ mà một vị vua phải làm đối với nhân dân. R.Mookerji cho rằng hiếm có vị vua nào lại nhấn mạnh các nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với dân như Asoka199. Bia ký VI nói rõ Asoka chú tâm giải quyết công việc ở mọi lúc và mọi nơi; ông lệnh cho các quan chức phải báo cáo ngay cho ông những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân,ngay cả khi ông đang ăn, đang ở hậu cung, đang ngủ, đang ở tại các trại chăn nuôi, đang ở chổ thuyết giáo hay khi ông đang vui chơi. Asoka còn nói thêm trong bia ký rằng ông không bao giờ bằng lòng về các nỗ lực giải quyết công việc của mình, bởi ông cho rằng làm việc là để phục vụ hạnh phúc của dân trong đó nỗ lực giải quyết các công việc là căn bản. Asoka cũng ý thức rất rõ rằng việc quản lý và điều hành một quốc gia rộng lớn như Maurya không thể chỉ hoàn toàn dựa vào những báo cáo mà cần phải thường xuyên theo dõi và giám sát thực tế. Đó là lý do vì sao ông thường xuyên du hành với mục đích xem xét tình hình đất nước và hiện tình đời sống nhân dân200.Rõ ràng nhờ ý chí phục vụ không mệt mỏi và tài năng lãnh đạo đa dạng của Asoka mà guồng máy nhà nước Maurya dưới sự điều khiển của ông được vận hành tốt và có hiệu quả.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần làm cho guồng máy nhà nước của Asoka vận hành có hiệu quả là đội ngũ các nhà quản lý các cấp do ông thiết lập và đề cử đã tỏ ra xuất sắc trong các nhiệm vụ được giao. Mặc dù rất năng động trong cung cách điều hành và giải quyết các công việc, Asoka không thể một mình quản lý hết mọi việc của một quốc gia rộng lớn như Maurya. K. Hazra cho rằng nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và quản lý giỏi và với sự trợ giúp của đội ngũ quan chức chính phủ các cấp. Asoka đã quản lý hết sức thành công toàn bộ đế quốc to lớn của mình và đã thu phục lòng người một cách dễ dàng.201

Hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước của ông khá quy mô và vận hành có hiệu quả. Asoka tỏ ra rất sắc sảo trong khoa học quản trị khi thiết lập hệ thống quản lý nhà nước với nhiều ban ngành chuyên trách và đề cử nhiều chức vụ quản trị tương ứng. Danh sách các quan chức đứng đầu các bộ hay ban ngành chuyên trách thuộc nhà nước trung ương, hệ thống các quan lại địa phương với các nhiệm vụ và chức năng được quy định rõ tỏ cho thấy Asoka ý thức rất rõ việc quản lý nhà nước rộng lớn bằng phương tiện thông tin, bằng chứng là ông đã cho dựng các bia ký và trụ đá khắp nơi nhằm phổ biến chính sách nhà nước và hướng dẫn nếp sống nhân dân. Ông từng phàn nàn việc một số các chỉ dụ của ông đã bị thông tin thiếu chính xác202.Trong các chỉ dụ của mình, Asoka thường xuyên nhắc nhở quan chức các cấp sống đúng pháp luật và làm việc theo pháp luật để nêu gương cho mọi người203.Bia ký Kalinga ghi rõ những lời răn của ông dành cho các quan lại địa phương, nhắc nhở họ về bổn phận và nghĩa vụ của kẻ làm quan. Theo Asoka204,mục đích của kẻ làm quan là chăm lo hạnh phúc cho dân, vì vậy kẻ làm quan phải tuyệt đối cần mẫn và phải hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân. Trong cách nói của mình, Asoka ví dân như trẻ thơ, quan lại như người vú. Dân cần phải được chăm sóc bởi quan lại cần mẫn, giống như đứa trẻ cần phải được chăm sóc bởi người vú ân cần.

Có thể còn nhiều yếu tố khác nữa khiến bộ máy nhà nước của Asoka được củng cố vững chắc và vận hành có hiệu quả. Chẳng hạn, chính sách đức trị và chăm lo hạnh phúc cho dân, phản ánh của quần chúng nhân dân đối với chính sách nhà nước và thái độ của các quan chức chính phủ mà họ có quyền nói lên vào dịp các phái đoàn thanh tra nhà nước đến làm việc tại các điạ phương. Bia ký VIII ghi nhận sự kiện rằng mười năm sau khi lên ngôi, Asoka chiêm bái thánh tích Bodhgaya, chỗ đức Phật giác ngộ, và từ đó trở đi ông thường thực hiện những chuyến du hành gọi là Dharma-yàtrà nhằm phổ biến chính sách đức trị bằng cách thăm viếng các tổ chức tôn giáo, tiếp xúc với quần chúng nhằm khuyến khích nếp sống đạo đức và thảo luận với nhân dân về đường lối đức trị, K . Hazra cho rằng Asoka đã thiết lập một nhà nước lý tưởng dựa trên tình thương và sự cảm thông205. Quả thực, với một ông vua hết lòng thương dân như thế và với một đội ngũ các quan chức chính phủ được giáo dục thương yêu và chăm lo hạnh phúc cho dân như thế thì không có gì quá đáng khi nói rằng nhà nước của Asoka là một nhà nước lý tưởng của mọi thời đại.


---o0o---

III.Những cống hiến của Asoka đối với Phật giáo

Tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp đã thôi thúc Asoka làm nhiều việc cho tôn giáo này mà chúng ta đã có dịp nêu trên đây. Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét một số cống hiến quan trọng khác ông đã dành cho Phật giáo với tu cách la một hoàng đế Phật tử. Trong các trụ đá sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì, Asoka tỏ rõ là một hoàng đế Phật tử luôn lo lắng cho sự thịnh suy của đạo pháp được thể hiện bởi lời cảnh báo tẩn xuất những ai gây chia rẽ Tăng già (Sangha). Chỉ dụ nhấn mạnh: “ Không một tăng ni nào được phép gây chia rẽ Tăng già . Bất cứ ai, dù là tăng hay ni, cố tình tạo ly gián hay gây chia rẽ Tăng già, sẽ bị buộc mặc áo trắng và bị trục xuất khỏi Tăng già.”

Theo quan điểm của đạo Phật, Tăng già là một thực thể sống động của Phật pháp, Tăng già còn là Phật pháp còn. Nói khác đi, Tăng già tiêu biểu cho tiếng nói của Chánh pháp, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy Chánh pháp, do đó sự thịnh suy của Chánh pháp tùy thuộc rất lớn vào sự thịnh suy của Tăng già. Gây chia rẽ hay tạo ly gián là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Tăng già, cũng có nghĩa là suy tàn của Phật pháp. Bởi vậy, việc gây chia rẽ hay phá hòa hợp Tăng được xem là một trọng tội trong giới luật Phật giáo. Đạo Phật nói đến “ngũ nghịch” (pañca-parikuppà) tức năm tội lớn206 mà bất cứ ai vi phạm thì không tránh được quả báo phải đọa địa ngục, rất hiếm cơ may được trở lại làm người. Trong số năm trọng tội này, gây chia rẽ hay phá hòa hợp Tăng được xếp ở vị trí cuối cùng. Tác ohẩm Cullavagga thuộc luật tạng Pàli (Pàli Vinaya Pitaka) đề cập trường hợp Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) vi phạm trọng tội gây chia rẽ Tăng già phải chịu quả báo sanh vào địa ngục (niraya) trong một kiếp (kalpa)207. .Trong bộ luật Pàti-mokkha dành cho tu sĩ Phật giáo, tội danh gâ chia rẽ Tăng già được xếp vào nhóm trọng tội thứ hai gọi là Sanghàdisesà. Sanghàdisesà bao gồm 13 điều luật quy định một vị Tỷ -kheo không được sống chung với tăng chúng nếu vi phạm một trong số 13 điều luật này. Trong 13 điều luật ấy, điều thứ mười và mười một ngăn cấm mọi hành vi gây chia rẽ hay phá hòa hợp Tăng già. Như vậy ta có thể nói rằng những gì được ghi trong các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì là hoàn toàn phù hợp với tinh thần giới luật Phật giáo. Các chỉ dụ Sàrnàth,Kauśàmbì và Sàñchì một mặt nói rõ mối quan tâm của Asoka đối với tiền đồ Phật pháp nhưng mặt khác cũng gián tiếp phản ánh một thực tế có lẽ không mấy sáng sủa của sinh hoạt Tăng già vào thời kỳ này. Tài liệu Tích Lan nói đến sự kiện phân hóa trầm trọng xảy ra trong Tăng già và Asoka với tư cách là một hoàng đế Phật tử đã nổ lực rất lớn trong việc cứu vãn tình thế.

Theo tài liệu biên niên sử Tích Lan thì vào những năm đầu triều đại Asoka Phật giáo bị biến nhiễm rất nặng một mặt bởi sự tiếp tục ra đời của nhiều chi phái Phật giáo khác nhau và mặt khác bởi số lượng tu sĩ ngoại đạo gia nhập Tăng già ngày càng đông dẫn đến tình trạng giáo lý đức Phật bị hiểu nhầm và hành trì sai lạc. Việc Asoka quy ngưỡng Phật giáo và đặc biệt sự sủng ái của ông dành cho tôn giáo này đã hấp dẫn các tu sĩ ngoại đạo với số lượng rất lớn đến với tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên một khi gia nhập Tăng già, các tu sĩ này vẫn duy trì nếp sống cũ và dẫn giải lời Phật dạy theo quan điểm ngoại đạo. Uy tín và thanh danh của giáo hội bị sút giảm. Các bậc chân tu không chấp nhận sinh hoạt chung với các tu sĩ gốc ngoại đạo. Tranh chấp nổ ra ngày càng gay gắt trong nội bộ Tăng già đến độ các lễ Bố tát (Uposatha) và Tự tứ (Pavàranà) đã không được tiến hành trong suốt thời gian bảy năm. Tài liệu Mahàvamsa thuật rằng mặc dù Asoka đã nỗ lực rất lớn nhằm cứu vãn tình trạng bất đồng, Tăng già đã không thể hòa hợp và thanh tịnh. Sau cùng Asoka buộc phải triệu hồi trưởng lão Moggaliputta Tissa về kinh thành Pàtlaputra để tiến hành việc thanh lọc Tăng già. Theo nguồn tin Mahàvamsa thì 60.000 tăng sĩ gốc ngoại đạo đã bị Asoka trục xuất khỏi Tăng già trong dịp này và giáo hội trở lại các sinh hoạt thanh tịnh. Sự kiện này khẳng định quyết tâm của Asoka trong việc lành mạnh hóa tổ chức Phật giáo.

Tuy nhiên, từ những sự kiện trên ta không thể không thắc mắc phải chăng việc Asoka dành nhiều tình cảm ưu ái cho Phật giáo đã ít nhiều khiến cho tôn giáo này lâm vào cảnh phân hóa? Con số 60.000 tu sĩ ngoại đạo bị tẩn xuất khỏi giáo hội như tài liệu Mahàvamsa mô tả phải chăng chỉ nói lên sự quan tâm của Asoka đối với tiền đồ Phật pháp hay còn phản ánh một sự thực rằng Asoka đã nhận ra sai sót của mình đối với tổ chức Phật giáo và nỗ lực chấn chỉnh ? Rhys Davids cho rằng sự quy ngưỡng Phật giáo của Asoka và sự hào phóng của ông đối với Tăng già là bước thứ nhất trên con đường tụt dốc của Phật giáo và cũng là bước đầu tiên dẫn đến việc Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ. Phản bác quan điểm quy kết nặng nề này của Rhys Davids đã có D.R.Bhandarkar 208. Tuy thế ta vẫn phải thấy rằng việc Asoka dành quá nhiều ân điển cho Tăng già đã ít nhiều khiến cho Phật giáo rơi vào cảnh phân hóa để rồi sau đó ông đã nỗ lực chấn chỉnh.

Theo các tài liệu Tích Lan thì sau khi quy ngưỡng Tam bảo, Asoka đã dành cho tăng sĩ Phật giáo quá nhiều ân sủng đến độ các tu sĩ ngoại đạo đã tìm cách xâm nhập Tăng già để mong thỏa mãn danh lợi. Số lượng các tu sĩ ngoại đạo gia nhập giáo hội ngày càng đông vượt quá số lượng các tăng sĩ Phật giáo chân chính. Sự kiện này dẫn đến tình trạng giáo lý của đức Phật bị hiểu nhầm và hành trì sai lạc và Tăng già trở nên phân hóa trầm trọng. Bởi sự kiện phân phái vốn đã nảy sinh rất lâu trước thời Asoka và cho đến thời Asoka thì sự việc càng trở nên phức tạp, ta không thể quy kết toàn bộ trách nhiệm phân hóa Tăng già cho Asoka. Tuy nhiên việc Asoka quá sùng tín đối với tôn giáo của mình đã khiến ông khó tránh được sai lầm. Asoka không sai lầm khi tín ngưỡng Phật giáo, nhưng ông sai lầm khi không lường được mức độ lạm phát ở trong tố chức Tăng già do tấm lòng sùng tín thái quá của ông. Việc một nhà vua dành quá nhiều ân sủng cho tăng sĩ là cơ duyên không hay lắm cho sinh hoạt Tăng già bởi từ đây những biểu hiện tiêu cực có thể nảy sinh trong tăng chúng. Asoka đã dành quá nhiều ân điển cho tăng sĩ Phật giáo đến độ nhiều người đã nhầm tưởng Phật giáo là con đường mưu sinh và giáo hội là nơi người ta dễ dàng tìm kiếm danh lợi. Và như vậy ta có thể kết luận rằng sự ra đời của các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì cũng như sự kiện thanh lọc Tăng già được nói đến trong tác phẩm Mahàvamsa là kết quả nỗ lực mà Asoka đã làm nhằm bảo vệ sự trong sáng của Phật pháp và nhằm điều chỉnh phần nào sự sai sót của ông trong vai trò một hoàng đế có trách nhiệm bảo đảm sự phát triển ổn định của các tổ chức tôn giáo và xã hội nằm dưới quyền quản lý của ông. Thông tin từ các trụ đá cho hay để giữ cho Tăng già và các đoàn thể xã hội khỏi tình trạng phân hóa, Asoka đã chỉ thị mỗi quan chức Mahàmà tra ở kinh đô Pàtaliputra và ở các nơi khác trong quốc gia phải có trách nhiệm hướng dẫn và thực thi các điều khoản đã được ghi trong các chỉ dụ.

Sau cùng Asoka càng nổi bật trong vai trò một hoàng đế Phật tử bởi hai sự kiện tôn giáo quan trọng mà ông đã trực tiếp bảo trợ và thực hiện liên quan đến lịch sử phát triển Phật giáo. Hội nghị kiết tập kinh tạng lần thứ ba được tổ chức dưới sự bảo trợ của ông nói rõ quyết tâm của Asoka trong việc gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của Chánh pháp, trong khi việc các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi trong nước và sang các quốc gia láng giềng phản ánh ước muốn mở rộng đức tin Phật pháp của ông. Sử liệu Tích Lan thuật rằng sau khi Tăng già trở lại hòa hợp và thanh tịnh, trưởng lão Moggaliputta Tissa tuyển chọn 1.000 Tỷ -kheo tinh thông giáo lý để tiến hành hội nghị kiết tập tam tạng. Hội nghị được tổ chức ở kinh đô Pàtaliputra, đặt dưới sự chủ tọa của Moggaliputta Tissa và do Asoka chính thức bảo trợ. Hội nghị kéo dài trong chín tháng, thảo luận đầy đủ tam tạng (tipitaka) gồm kinh tạng (suttapitaka), luật tạng (vinaya-pitaka) và luận tạng (abhidhammapitaka), riêng trưởng lão Moggaliputta cho ra đời tập Kathà-vatthu đánh đổ mọi quan điểm sai quấy của ngoại đạo. Kết thúc hội nghị, Asoka gởi các phái đoàn truyền giáo sang nhiều quốc gia khác nhau nhằm phổ biến giáo lý của đức Phật. Ngày nay phần lớn các học giả đều cho rằng sự hiện diện hầu như nguyên vẹn của tạng Pàli và sự kiện quốc tế hóa Phật giáo là thành quả nổi bật của hội nghị kiết tập lần này.

Truyền thống Tích Lang hi nhận sự kiện rằng chính trưởng lão Mahinda là người đã đưa Phật giáo vào Tích Lan và mang theo mình các bài kinh được sưu tập trong thời gian hội nghị kiết tập lần thứ ba được triệu tập dưới thời đại đế Asoka. Những bài kinh này đầu tiên được truyền khẩu từ đời này sang đời khác cho đến dưới thời vua Vattagàmani (29-17 trước Công nguy6en) chúng mới được viết ra thành văn bản. theo M. Winternitz thì chínhtạng kinh được sưu tập trong thời kỳ kiết tập lần thứ do Mahinda mang đến Tích Lan và được ghi chép dưới thời vua Vattagàmani là khớp với tam tạng Pàli mà hiện chúng ta đang có209 . R.F.Gombrich nêu nhận xét tương tự, cho rằng tạng Pàli mà ít nhiều chúng ta có ngày nay hẳn đã có mặt trong thời Asoka và do Mahinda mang đến Tích Lan. Giống như M.Winternitz210 và W.Geiger211, Gombrich rút ra kết luận này trên cơ sở các văn bản giống nhau được tìm thấy giữa tạng Pàli hiện có và bia ký Bhabrù của Asoka. Việc Asoka gởi các phái đoàn truyền giáo đi nhiều nơi trong nước và sang các nước khác được nói đến khá đầy đủ trong các tác phẩm Mahàvamsa, Samantapàsàdikà và được củng cố bởi nguồn tài liệu bia ký liên quan cũng như ký sự của các nhà chiêm bái Trung Hoa. Theo tài liệu Mahàvamsa thì chín phái đoàn truyền giáo đã được gởi đi chín xứ sở sau đây:

1.Phái đoàn do Majjhantika dẫn đầu được gởi đi Kashmir và Gandhàra.

2.Phái đoàn do Mhàraksita dẫn đầu đi Yavana hay xứ sở Hy Lạp.

3.Phái đoàn do Majjhima dẫn đầu đến vùng Himàlaya.

4.Phái đoàn do Dharmaraksita dẫn đầu sang Aparàntaka.

5.Phái đoàn do Mahàdharmaksita dẫn đầu đến Mahàràstra.

6.Phái đoàn do Mahàdeva dẫn đầu sang Mahisamandala hay Mysore.

7.Phái đoàn do Raksita dẫn đầu đi Vanavàsi.

8.Phái đoàn do Sona và Uttra dẫn đầu sang Suvarnabhùmi.

9.Phái đoàn do Mahendra dẫn đầu sang Srilanka.

Tác phẩm Samantapàsàdikà của Buddha-ghosa nhắc lại danh sách các đoàn truyền giáo này và thêm bớt một vài chi tiết như sau ; Majjhantika đến xứ sở Kashmir và Ganghàra, thuyết bài kinh Asìvisùpamà và chuyển hòa 80.000 người theo Phật pháp. Mahàraksita thuyết bài pháp Kàla-kàràma tại xứ sở Yanarattham, hóa độ cho 73.000 người. Majjhima đến Hima-vantapradeśa, giảng kinh Dhammaraksita đến Aparànta, giảng kinh Aggikkhandopamà và quy y Tam bảo cho 37.000 người. Mahàdeva thuyết kinh Devadùta ở Mahim-sakamandala, độ 40.000 người. Raksita giảng pháp thoại Mahà-nàradakassapajàtaka tại Vanavàsi, chuyển hóa 84.000 tín đồ. Sona và Uttara thuyết kinh Brahmajàlà ở Suvarnabhùmi, cảm hóa 60.000 người theo đức tin Phật giáo.

Tài liệu Dìpavamsa cho hay không chỉ một mình Majjhima đến Himàlaya hay Himavanta mà cùng đi với ông còn có Kassapagotta, Dundu-bhissara, Sahadeva và Mùlakadeva. Một số tài liệu viết bằng tiếng Bràhmi cổ thế kỷ thứ nhất hay thứ hai trước Công nguyên được tìm thấy tại các bảo tháp Sañchì có nói đến tên tuổi các vị này. Một văn bản nằm bên cạnh một bình đựng xá lợi được phát hiện ở bảo tháp số 2 ghi rằng : “Đây là xá lợi của các đạo sư, trước hết là A la hán Kassapagotta và A la hán Vàchhi Suvijayata.”212. Ngoài ra, người ta còn phát hiện thêm bốn bình xá lợi khác co chứa các văn bản ở bên trong . Các văn bản này nói đến danh tánh một số đạo sư mà xá lợi của họ được lưu giữ trong những chiếc bình này, đó là Kassapagotta (Sava-hemavata-àcàriya-dạo sư của dân chúng Hemavata), Majjhima, Hàritìputra, Vàchhi Suvijayata,Mahavànaya, Àpagiva, Kodiniputa, (Kaundiniputra), Kosikiputa, Gotiputa (Gauptiputra) và Mogaliputta (Maudgaliputra)213.Như vậy, từ nguồn thông tin trên chúng ta có thể nói rằng Kasapagotta và Majjhima là những nhà truyền giáo được phái đến các quốc gia vùng Himàlaya và những vị khác có lẽ là những trưởng lão đã từng tham gia hội nghị kiết tập lần thứ ba được tổ chức dưới thời Asoka.

Theo một số học giả thì Mogaliputta (Maudgaliputra) được nói đến trong các văn bản Bràhmi phát hiện ở Sàñchì chính là Mogaliputta Tissa, chủ tịch hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba, của sử liệu Tích Lan. Tên tuổi của Majjhima cũng được tìm thấy trên hàng chữ ghi bên ngoài một chiếc bình xá lợi được tìm thấy tại bảo tháp số 11 ở Sonari214 và Kassapagotta được nói đến trong một văn bản khác phát hiện ở địa điểm tương tự dưới tên gọi Kotiputa215.Trong một văn bản khác người ta cũng tìm thấy danh tánh Gotiputa và Dadabhisàra. Tất cả các tài liệu này xác nhận tên tuổi của các nhà truyền giáo thời Asoka, nghĩa là Kassapagotta, Majjhima và Dundudhissara như được nói đến trong các biên niên sử Tích Lan. Điều đáng chú ý là tác phẩm Mahàvamsa đề cập Majjhima là trưởng phái đoàn truyền giáo được gởi tới vùng Himàlaya, trong khi các văn bản phát hiện ở Sàñchì xem Kassapagotta là đạo sư của tất cả dân chúng Himavanta (Sava-hemavata-àcàriya). Phái Phật giáo Hemavata, một chi phái của Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravàda) , được xem là ra đời ở Himàlaya và Kassapagotta có thể đã là vị đạo sư chuyển hóa dân chúng xứ sở này theo Phật giáo. D.R.Bhandarkar nói rằng Asoka đã gởi hai phái đoàn truyền giáo, một đến vùng Himàlaya bao gồm Kashmir và Gandhàra và một sang các quốc gia phía tây. Học giả này cho rằng dẫn đầu phái đoàn truyền giáo, một đến vùng Himàlaya là Kassapagotta chứ không phải Majjhima và ông xem Majjhantika, người mà sử liệu Tích Lan bảo là dẫn đầu đoàn truyền giáo đến Kashmir và Gandhàra, không ai khác chính là Majjhima. Theo Bhandarkar, Kassapagotta ,trưởng đoàn truyền giáo được phái đi Kikàlya trong đó Majjhima là một thành viên, đã yêu cầu Majjhima lãnh trách nhiệm truyền bà Phật pháp tại xứ sở Kashmir và Gandhàra216.Bhandarkar cũng cho rằng Rakkhita, Dhammarakkita, Mahà-dhammarakkhita và Mahàrakkhita mà tài liệu biên niên sử Tích Lan xem là dẫn đầu các đoàn truyền giáo đi các xứ sở Vannavàsi, Aparàntaka, Mahà-rattha và quốc gia Yavana thực ra không phải là bốn nhân vật đi riêng rẽ mà cùng nằm trong một phái đoàn truyền giáo được gởi sang các quốc gia phía tây Ấn Độ bao gồm Vanavàsi, Aparànta, Mahàrattha và Yonaloka217.

Ngoài các tài liệu chữ viết được phát hiện ở Sàñchì, người ta không tìm thấy văn bản nào khác nói đến các nhà truyền giáo dưới thời Asoka và sự kiện phổ biến Chánh pháp của ông như được ghi lại trong các biên niên sử Tích Lan. Mặc dù không lấp đầy các chi tiết của nguồn sử liệu Tích Lan, các văn bản này chứng minh rằng nguồn thông tin sử liệu Tích Lan đề cập sứ mạng truyền giáo của Asoka sau sự kiện kiết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba là hoàn toàn xác thực.T.W.Rhys Davids218 cũng cho rằng các biên niên sử Tích Lan không những xác nhận mà còn bổ sung cho nguồn thông tin về các đoàn truyền giáo của Asoka.

Theo sử liệu Tích Lan thì sau khi Mahendra đến Anuràdhapura, toàn bộ đảo quốc này dần dần chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo và sau cùng được mệnh danh là Dhammdìpa- đảo quốc Chánh pháp. Thành công lớn nhật của phái đoàn truyền giáo do Mahinda dẫn đầu ở Tích Lan là đã biến đất nước này thành căn cứ địa vững chắc của Phật giáo Thượng tọa bộ, nơi lưu giữ khá chân xác các truyền thống và kinh văn của đạo Phật nguyên thủy cho đến ngày nay. Ngoài ra, theo W.Rahula thì bước chân truyền giáo của Mahinda không chỉ mang đến cho Tích Lan một tôn giáo mới mà còn cả một nền văn minh rực rỡ đang ở đỉnh cao của nó. Mahinda đã giới thiệu nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ vào Tích Lan cùng với các mô hình chùa tháp Phật giáo. Ông cũng được xem là cha đẻ của nền văn học Tích Lan219.Trong bản sớ giải kinh Trung bộ (Papañcasùdanì) của mình, Buddhaghosa nói rằng Mahinda đã mang sang Tích Lan các sớ giải tam tạng kinh, luật,luận Phật giáo và chuyển dịch ra tiếng Tích Lan vì lợi ích của dân chúng đảo quốc này.

Từ các tài liệu Trung Hoa chúng ta biết rằng Asoka đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Phật giáo vào Kashmir. Trong ký sự viết về Asoka, Huyền Trang nói rằng Asoka đã gởi các tu sĩ Phật giáo đến Kashmir nhằm mục đích phổ biến đạo Phật ở đây. Cũng theo Huyền Trang, Asoka đã cho xây dựng nhiều chùa tháp ở Kashmir và hiến tặng toàn bộ xứ sở này cho giáo hội220. Các tài liệu Bắc truyền xem Asoka là ủng hộ viên đắc lực của phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda) có trung tâm sinh hoạt ở Kashmir. Theo sử gia Tây Tạng Tàranàtha, Asoka hộ trì cho các tu sĩ Nhất thiết hữu bộ ở Aparàntaka, Kashmir và Tukhara.221

Nguồn tài liệu bia ký và trụ đá Asoka không nhắc đến hoạt động của các đoàn truyền giáo nhưng nói rõ việc Asoka đã gởi nhiều sứ giả đi khắp nơi trong nước và sang nước ngoài nhằm phổ biến đường lối đức trị (Dharma-vijava) của ông . Bia ký XIII ghi chỉ dụ nhấn mạnh nguyên lý đức trị hay sự chinh phục đạo đức (Dharma-vijaya) mà Asoka muốn giới thiệu và mở rộng cho quần chúng không chỉ ở trong nước mà còn ở các quốc gia và dân tộc khác như Yona, Kamboja, Nabhaka, Pitimika, Andhra,Palida, quốc gia Antiocho phía tân bắc do người Hy Lạp cai quản và một số quốc gia Hy Lạp khác kế cận Antiocho, cùng các quốc gia Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmpraparnì ở phương nam. Bia ký này còn nói thêm rằng những noi nào các sứ giả không đến được thì quần chúng ở những nơi ấy sau khi nghe chỉ dụ của hoàng đế Devànampiya Priyadaśì hãy theo đuổi và thực hành Chánh pháp (Dharma). D.R.Bhandarkar cho rằng bia ký XIII nói rõ các hoạt động truyền giáo mà Asoka đã tiến hành không chỉ ở khắp nơi trong vương quốc của ông và Tích Lan mà còn ở nhiều nơi khác của Syria, Ai Cập, Macedonia, Epirus và Cyrene. Bhandarkar cũng xem Trung Quốc và Miến Điện là các quốc gia ít nhiều chịu ảnh hưởng đường lối đức trị của Asoka bởi câu nói “ những nơi các sứ giả không đến được” ghi trong bia ký XIII.222

So sánh hai nguồn tài liệu, các tài liệu Tích Lan đề cập tên các quốc gia mà Moggaliputta Tissa gởi các đoàn truyền giáo đến truyền bá Phật pháp (Buddhavacana) và tài liệu bia ký Asoka ghi nhận tên các dân tộc mà ông đã gởi các sứ giả đến để giới thiệu đường lối đức trị (Dharmavijava) , E.Frauwaller cho rằng hai tài liệu này đề cập những vấn đề giống nhau từ những cách nhìn khác nhau. Các tài liệu Tích Lan nói đến các quốc gia trong khi các bia ký Asoka đề cập các dân tộc. Do đó, theo Frauwallner, các quốc gia được đề cập bởi các tài liệu Tích Lan phủ kín các xứ sở tương tự được nói đến trong các bia ký Asoka223. Lại nữa, tất cả các tài liệu này đều nói đến công tác truyền bá Chánh pháp (Dharma) được khuyến khích và hậu thuẫn bởi Asoka. Các tài liệu Tích Lan xác nhận sự kiện các đoàn truyền bá Phật pháp (Buđha-dhamma) do Asoka bảo trợ, trong khi tài liệu bia ký Asoka nêu rõ công tác truyền bà đường lối đức trị (Dharmavijava) do Asoka chủ trương. Như vậy phải chăng hai nguồn tài liệu cùng ám chỉ một sự kiện nhưng được mô tả dưới hai lăng kính khác nhau ? Vấn đề ở đây là tìm xem tại sao một hoạt động truyền giáo quan trọng như vậy lại không được Asoka cho ghi vào bia ký hay chỉ được đề cập tế nhị dưới hình thức các sứ giả Dhammavijava ? Nghi vấn này được học giả K. Hazra giải đáp đầy đủ hơn nếu chúng ta chứng minh được giáo pháp mà Asoka muốn truyền bá và mở rộng là Phật pháp.

Theo K. Hazra224, “ việc Asoka gởi các sứ giả đi nhiều nơi trong nước và sang nước ngoài nhằm mục đích khuyến khích Chánh pháp là một sự kiện quan trọng của lịch sử Phật giáo thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Ước muốn mở rộng Phật pháp của Asoka lớn đến độ các hoạt động truyền giáo của ông không chỉ giới hạn ở Ấn Độ mà còn mở rộng sang các quốc gia láng giềng. Nhờ các nỗ lực này của Asoka mà Phật giáo đã được thiết lập vững chắc ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ và ở một số quốc gia khác. Asoka là vị hoàng đế Ấn Độ đầu tiên có tầm nhìn và tư tưởng mở rộng giáo lý dạo Phật sang các quốc gia khác và ông đã thành công. Đây quả là một sự kiện đầy ý nghĩa trong lịch sử Phật giáo. Tuy nhiên Asoka đã hết sức thận trọng trong công việc ghi lại những gì ông đã làm cho sự phát triển Chánh pháp. Mặc dù các bia ký của ông chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến sự cống hiến của ông đối với Phật giáo, nhưng lạ thay chúng không hề nói đến sự kiện truyền giáo vốn được xem là một trong số các sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo Ấn Độ cổ đại. Chúng ta có cảm tưởng rằng hoặc là Asoka quyết định không cho ghi lại sự kiện hoặc là ông ngại lưu lại tên tuổi của mình như một nhà truyền bá Phật pháp cho hậu thế. Có lẽ Asoka đã nghĩ rằng những gì ông đã làm đối với Phật giáo là bình thường, không phải là những gì quá đặc biệt nên đã không gnghĩ đến việc cho ghi lại trong các bia ký của ông. Nhưng dù không được nói đến trong các bia ký, chúng ta không có gì nghi ngờ về tính xác thực của toàn bộ câu chuyện liên quan đến các phái đoàn truyền giáo mà các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa đã nói đến. Các biên niên sử này cung ứng cho chúng ta những thông tin giá trị liên quan đến lịch sử văn hóa và tôn giáo Tích Lan cũng như các quốc gia láng giềng. Những gì các tác phẩm này đề cập thường được chứng thực bởi các bia ký và vì thế chúng là nguồn thông tin trung thực và đáng tin cậy. Do đó thông tin biên niên sử Tích Lan nói về các đoàn truyền giáo của Asoka được gởi đi nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ và sang nước ngoài hẳn là có giá trị về mặt lịch sử, dù rằng chúng không được nói đến trong các bia ký của ông.”

Sử gia Will Durant cho rằng225 về phương diện tôn giáo Asoka đã thực hiện được một nhiệm vụ lớn nhất trong lịch sử. trong khoảng hai trăm năm sau khi ông mất, đạo Phật lan tràn khắp Ấn Độ và bắt đầu xâm chiếm châu Á một cách hòa bình. Theo Durant, nếu cho tới ngày này, từ Kandy ở đảo Tích Lan tới Kamakura ở Nhật bản, nét , mặt an tĩnh của đức Thích Ca còn gợi cho người ta khoan hồng với người đồng loại và yêu mến hòa bình, thì một phần là nhờ công lao của một con người đầy mơ mộng- có thể một vị thánh, chưa biết chừng-đã có thời làm vua Ấn Độ. Cũng theo Durant thì công cuộc truyền bá Chánh pháp sang thế giới Hy Lạp do các tu sĩ Phật giáo thực hiện dưới sự hậu thuẫn của Asoka đã giúp cho dân chúng phương Tây sau này dễ chấp nhận luân lý Ki Tô giáo226.Riêng đối với châu Á, đạo Phật đã đóng vai trò rất lớn trong việc làm giàu thêm vốn văn hóa của các dân tộc ở đây đến độ các quốc gia Phật giáo châu Á đã không ngừng tìm kiếm và thường lấy làm tự hào nếu họ phát hiện chút dấu vết nào đó, dù rất nhỏ và không bảo đảm cho lắm về mặt lịch sử, cho thấy quốc gia của họ đã có cơ duyên tiếp thu Chánh pháp từ thời Asoka.
---o0o---

CHƯƠNG V - ASOKA - VỊ VUA CHÁNH PHÁP

Trong chương trước chúng ta đã đề cập Asoka trong vai trò một hoàng đế Phật tử được thể hiện rõ nét qua tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp của ông và qua những gì ông đã làm cho tôn giáo này. Trong chương này chúng ta sẽ xem xét Asoka trong vai trò một Pháp vương (Dhammaràja) hay vị vua Chánh pháp, theo đuổi lý tưởng Chánh pháp và cai trị bằng Chánh pháp.

Nền văn hóa Aryan Ấn Độ227 lưu truyền thuyết “Đại nhân tướng” (Mahàpurisa-lakkhana) hay 32 tướng tốt được tìm thấy ở các bậc vĩ nhân và hai lý tưởng cao cả thường được theo đuổi bởi các vị này : hoặc là xuất gia thành bậc Chánh giác hoặc là trở thành vị vua cai trị thiên hạ bằng Chánh pháp. Tương truyền khi thái tử Siddhattha vừa mới ra đời, ẩn sĩ Asita phát hiện ngài có đầy đủ 32 mỹ tướng của bậc đại trượng phu và đã tiên đoán ngài hoặc sẽ trở thành một bậc Chánh đẳng giác, nếu xuất gia, hoặc sẽ trở thành một minh quân cai trị thiên hạ bằng Chánh pháp, nếu lưu lại thế gian.228

Kinh điển Phật giáo nguyên thủy cũng duy trì truyền thuyết này và xem con đường xuất gia hay làm vua cai trị bằng Chánh pháp là hai lý tưởng cao cả mà con người có thể kỳ vọng và theo đuổi. Hai bài kinh, Kinh Tướng (Lakkhana Suttanta) và Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavattì Sìhanàda Suttanta) , lưu giữ trong tuyển tập Trường Bộ (Dìgha Nikàya) có thể xem là tiêu biểu cho truyền thuyết này. Bài kinh thứ nhất đề cập 32 tướng tốt của bậc đại nhân và hai lý tưởng cao cả được theo đuổi bởi những ai có đầy đủ 32 mỹ tướng này. Bài kinh thứ hai nêu rõ pháp trị nước (Dhamma) của vị vua gọi là Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì) .Tổng hợp cả hai bài kinh này sẽ cho thấy đầy đủ chân dung một Pháp vương hay vị vua cai trị bằng Chánh phap theo quan điểm Phật giáo.

Trước hết, bài kinh Lakkana xác định: “ Những ai , này các Tỷ-kheo, có đầy đủ 32 tướng đại trượng phu này, những vị ấy sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia sẽ làm vị Chuyển luân Thánh vương dùng Chánh pháp trị nước, bình định bốn phương đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu (Ràjà hoti cakkavatti dhammiko dhamma-ràjàcàturanto vijitàvì janapada-tthàvarija-ppatto satta-ratana-samannà-gato). Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với Chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao (So imampathavim sàgara-pariyantam adandena asatthena dhammena abhivijiya ajjhàvasati). Nếu từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A la hán, Chánh đẳng giác, vén lui màn vô minh che đời.”229

Đặc điểm chung của hai vị này là sự xuất hiện của họ ở đời mang lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho số đông, bởi cả hai đều lấy Chánh pháp làm thầy, tôn trọng Chánh pháp, nỗ lực truyền bá Chánh pháp và bởi sự xuất hiện của họ khiến cho số đông xa lìa ác pháp, an trú vào thiện pháp, nhờ công lao giảng dạy và phổ biến Chánh pháp.

Về pháp trị nước của vị vua Chuyển luân Thánh vương, bài kinh Cakkavattì Sìhanàda ghi lời vua Chuyển luân Thánh vương Dalhanemi dạy con trai mình như sau:

“ Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp (dhammam nissayà), kính trọng Pháp (dhammam sakkaronto), kính trọng Pháp (dhammam sakkaronto), cung kính Pháp (dhammam garukaronto), đảnh lễ Pháp (dhammam mànento), cúng dường Pháp (dhammam pùjento). Tôn trọng Pháp (dhammam apacàyamàno), tự con trở thành Pháp tràng dhammam-ddhajo), Pháp kỳ (dhamma-ketu), xem Pháp là thầy (dhhammà-dhipateyyo), tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho quần thần, cho Bà-la-môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim (dhammikam rakkàvarana-guttim samvidahassu anto-janasmimbala-kàyasmim khattiyesu anuyuttesu bràhmanagahapatikesu negama-jànapadesu Samana-Bràhmanesumiga-pakkhìsu). Chớ có làm gì phi pháp trong quốc độ của con. Này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con, có người không có tiền của, hãy đem tiền của cho người ấy. Này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con, có những Sa-môn, Bà-la-môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực hành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thỉnh thoảng sẽ đến với con và hỏi con; “ Thưa tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nào nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào đem lại bất hạnh và đau khổ cho tôi lâu ngày, hành động như thế nào đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tôi lâu ngày?” Con hãy nghe họ và ngăn chận họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ Làm điều thiện. Này con thân yêu hư vậy là Thánh vương Chánh pháp.” 230

Bài kinh nói tiếp rằng vua Chuyển luân Thánh vương tuân giữ các ngày trai giới và nhiếp phục bốn phương bằng Chánh pháp. Đi đến đâu nhà vua đều khuyến khích mọi người, từ quan chí dân, tuân giữ năm giới cấm-không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu-và sống tri túc. Tất cả các quốc vương chư hầu đều tôn kính vua Chuyển luân Thánh vương và tuân phục Chánh pháp của ngài.

Không có tài liệu hay truyền thuyết nào nói rằng Asoka có hảo tướng của bậc đại trượng phu, nhưng những gì ông đã làm cho đất nước và nhân dân ông cũng như chính sách hòa hiếu của ông đối với các lân bang có thể sánh với việc làm của vị vua Chuyển luân Thánh vương, như được mô tả trong các truyền thuyết. Tác phẩm Divyàvadàna gắn Asoka với danh hiệu Chakravartì Dhàrmiko Dharmaràjo. D.R.Bhandarkar cho rằng bất cứ ai đọc đoạn kinh Phật nói về pháp trị nước của vị vua Chuyển luân Thánh vương sẽ không khỏi giật mình bởi sự trùng hợp kỳ lạ giữa truyền thuyết và việc làm của Asoka231.Theo Bhandarkar, Asoka đã theo đuổi đường lối đức trị hay sự chinh phục đạo đức (Dharma-vjava) dựa theo các bản kinh Phật232.Việc Asoka có ừng dụng lời dạy của đức Phật vào đường lối trị quốc của ông hay không hay ảnh hưởng Phật giáo trong chính sách trị quốc của ông như thế nào ta sẽ tìm hiểu ở các chương tiếp theo. Ở đây chúng ta sẽ xem các tài liệu liên quan mô tả thế nào về Asoka trong vai trò một Pháp vương hay vị vua cai trị bằng Chánh pháp.

Trước hết, Asoka hiện rõ trong các chỉ dụ của ông là một vị vua Chánh pháp bởi không một nơi nào trong các bia ký và trụ đá của ông không nhắc đến Chánh pháp và hoạt động của ông liên quan đến việc phổ biến Chánh pháp (Dharma). Có thể nói rằng Dharma là danh từ được dùng nhiều nhất và lập đi lập lại nhiều lần trong các chỉ dụ của Asoka. Trong bia ký XIII, Asoka tuyên bố rằng ông thực hành Chánh pháp (Dharma), yêu mến Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp. Từ lời tuyên bố này, ta có thể xét vai trò Pháp vương của Asoka qua ba phương diện : sự thực hành Chánh pháp, tấm lòng yêu mến và tôn trọng Chánh pháp của ông và công tác truyền bá Chánh pháp mà Asoka đã nỗ lực tiến hành nhằm mang lại hạnh phúc cho nhân dân và thái bình cho xứ sở.
---o0o---

I.Sự thực hành Chánh pháp

Vai trò Pháp vương của Asoka được thể hiện trước hết bởi sự kiện ông là người sống và làm việc theo tinh thần Chánh pháp. Asoka thực hành Chánh pháp bằng chấp nhận Chánh pháp làm thầy dùng Chánh pháp làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Trong bia ký Bhabrù, Asoka xác nhận nương tựa Tam bảo, Phật , Pháp, Tăng. Ông tuyên bố dùng Chánh pháp (Dharma) thay trống trận (bherì)233,xem việc chinh phục bằng Chánh pháp hay đạo đức (Dharma-vijaya) là chiến thắng tối hậu234.Trong nếp sống hàng ngày, Asoka tự đặt mình trong các điều lệ đạo đức tôn giáo và nỗ lực làm điều thiện. Ông hạn chế việc ăn thịt đế tránh gây thương tổn cho các sinh vật235, thực hành các ngày trai giới, thay thế các cuộc dạo chơi săn bắn và hưởng lạc của hoàng gia (vihàra-yàtrà) bằng các cuộc du hành truyền bá Chánh pháp hay làm các thiện sự (Dharma-yàtrà)236. Trong tiểu bia ký I, Asoka thông báo ông đã sống với chư tăng hơn một năm mà ta có thể tin chắc là để học hỏi và trau dồi Phật pháp. Trong chỉ dụ ghi ở trụ đá II, Asoka đã khái quát hóa sự thực hành Chánh pháp như sau: Tránh xa điều ác hay tội lỗi, nỗ lực làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chân thật, nuôi dưỡng thiện tâm và bố thí, Asoka thực hành Chánh pháp bằng cách từ bỏ chính sách đàn áp xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình đức trị. Ông kiên quyết từ bỏ điều ác và nỗ lực làm việc lành vì hạnh phúc đời này và đời sau của tất cả chúng sinh. Bia ký VI cho hay Asoka hạ lệnh cho các quan lại có trách nhiệm phải thông báo ngay cho ông những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, dù ông đang ở đâu và làm gì. Asoka khẳng định trong bia ký rằng trách hiệm cao cả nhất của ông là thúc đẩy lợi ích của nhân dân mà căn bản là phải nỗ lực giải quyết mọi công việc. Ông xem mình là người mắc nợ chúng sinh và do đó ông phải nỗ lực thanh toán món nợ ấy bằng cách phục vụ lợi ích và hạnh phúc đời này và đời sau của tất cả chúng sinh. D.R.Bhandarkar cho rằng bia ký VI nói rõ mối quan tâm của Asoka đối với toàn bộ cuộc đời và lý tưởng của ông là phục vụ lợi ích vật chất và tâm linh của cuộc đời bao gồm không chỉ con người mà còn các loài thú vật và các sinh linh khác.237

Về phương diện chăm lo lợi ích vật chất của quần chúng, trụ đá VII thông báo với chúng ta Asoka cho trồng dọc the oven lộ các loại cây tạo bóng mát cho người và thú vật, thành lập các vườn xoài, đào các giếng nước ở hai bên vệ đường, dựng các nhà nghỉ dọc đường dành cho khách bộ hành lập các trạm cung cấp nước công cộng để phục vụ tiện ích cho người và súc vật. Bia ký II ghi nhận thêm một số công trình phúc lợi xã hội khác mà Asoka đã thực hiện nhằm bảo đảm hạnh phúc cho người và súc vật như cho xây dựng hệ thống chăm sóc y tế ở khắp nơi trong nước để chữa trị cho người và thú vật , lập các vườn cây làm thuốc và cây ăn quả. Điều đáng chú ý ở trong bia ký này là Asoka không chỉ tập trung chăm lo lợi ích vật chất cho dân chúng của ông mà còn mở rộng chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân chúng các quốc gia khác. Bia ký ghi rõ : “ Hoàng đế Priyadarśì đã cho thiết lập hai loại hình chăm sóc y tế dành cho người và thú vật tại các khu vực như Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmrparnì, quốc gia Antiocho do người Hy Lạp trị vì và các lân bang của Antiocho. Các loại cây dùng làm thuốc và cây ăn quả cũng được nhập khẩu và ươm trồng ở những nơi chưa có. Trên các tuyến đường, các giếng nước được xây dựng và các loại cây được gieo trồng tạo bóng mát cho người và thú vật.”

Về phương diện giáo dục, trụ đá VII nêu rõ mối quan tâm của Asoka về một nếp sống phát triển đạo đức và tâm linh của tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia, văn hóa hay dân tộc. Chỉ dụ ghi : Hoàng đế Pryadarśì nghĩ như thế này: “ Bằng cách nào quần chúng có thể đạt được tiến bộ và lợi ích trong Chánh pháp? Bằng cách nào ta có thể nân cao đời sống tâm linh của quần chúng ?” Về vấn đề này, Hoàng đế Priyadarśì suy nghĩ như sau: “Ta sẽ ban bố các chỉ dụ và huấn thị đạo đức, và quần chúng sau khi nghe các chỉ dụ và huấn thị của ta sẽ theo đuổi đạo đức, tự thăng tiến và sẽ đạt được lợi ích đáng kể trong Chánh pháp.” Chỉ dụ nói tiếp rằng Asoka chỉ thị cho các quan chức Purusa, Ràjuka và Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm giải thích và phổ biến các huấn chỉ đạo đức của ông cho mọi tần lớp nhân dân. Họ phải khuyến khích quần chúng làm các điều lành, phù hợp Chánh pháp (Dharma) như tỏ rõ lòng từ bi, sống với tâm hào phóng, thành thật, trong sạch, có thái độ nhã nhặn lịch thiệp và thiện tâm.Asoka còn nêu rõ trong chỉ dụ các đức tính cần thiết cho việc tạo dựng hạnh phúc đời này và đời sau của quần chúng như đức hiếu sinh, lòng hiếu thảo, tính khiêm nhường, thái độ trung thực, chân thành và không làm hại. Mười ba năm sau khi lên ngôi, Asoka cho thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm phổ biến Chánh pháp và khuyến khích đạo đức không chỉ ở trong nước mà còn ở các xứ sở xa xôi như Yona, Kamboja, Gandhàra, Ràtrika, Pitinika, Aparànta và các vùng biên giới phía tây238.Bia ký XIII nói rõ sự kiện Asoka mở rộng Chánh pháp hay đường lối đức trị của ông sang các quốc gia độc lập như Chola, Pàndya, Tàmraparnì, vương quốc Antiocho do người Hy Lạp cai quản và các quốc gia láng giềng của Antiocho. Thậm chí ông còn mong muốn đường lối đức trị (Dharma-vijava) được ứng dụng rộng rãi ở những nơi mà các sứ giả Chánh pháp của ông không đến được239. Nhưng Asoka không chỉ giáo dục đạo đức quần chúng thông qua các chỉ dụ và đội ngũ các quan lại, ông còn trực tiếp hướng dẫn và thảo luận với nhân dân về đức trị, Asoka từ bỏ các thú vui của hoàng gia (vihàra-yàtrà) để thực hiện những cuộc du hành phổ biến Chánh pháp (Dharma-yàtrà) Ông thăm viếng và tặng quà cho các Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc trưởng lão; thăm viếng quần chúng nhân dân, giảng dạy đạo đức và thảo luận với quần chúng về chính sách đức trị. Rõ ràng nỗ lực của Asoka đã không uổng phí. Trụ đá I ghi nhận rằng nhờ các huấn chỉ đạo đức của ông mà sự kính trọng và lòng yêu mến Chánh pháp của quần chúng nhân dân ngày càng được phát triển. Bia ký IV xác nhận thêm rằng đa số quần chúng đã tránh xa sát sanh, không làm hại sinh linh, xử sự đúng đắn với bà con, với các Sa-môn, Bà-la-môn, hiếu kính đối với cha mẹ và các bậc trưởng thượng, nhờ các thông điệp đạo đức của Hoàng đế Priyadarśì.


---o0o---

II.Tấm lòng yêu quý Chánh pháp

Một bằng chứng khác nói rõ vai trò Pháp vương (Dhammaràja) của Asoka là tấm lòng yêu mến và tôn trọng Chánh pháp của ông được tìm thấy ở nhiều nơi trong các tài liệu liên quan và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo sử liệu Tích Lan thì Asoka bắt đầu tỏ rõ tấm lòng yêu mến Chánh pháp ngay sau khi ông gặp Nigrodha, tức vào năm ông đăng quang khoảng 270 hay 269 trước kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu này nói rằng sau khi nghe Nigrodha giảng giải về Appamàda, Asoka quyết định từ bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn và chấp nhận nương tựa giáo pháp của đức Phật. Những ngày tiếp theo ông cho mời Nigrodha và các tu sĩ Phật giáo đến hoàng cung thọ trai và thuyết giảng Chánh pháp. Chính từ những buổi nghe pháp này mà Asoka biết được giáo lý của đức Phật gồm 84.000 pháp môn và đã quyết định cho xây dựng 84.000 bảo tháp để bày tỏ tấm lòng mến mộ Phật pháp của ông240.Cũng theo tài liệu Tích Lan thì khi Asoka nhận ra sự kiện mất đoàn kết và bất tịnh ở trong giáo hội do các tu sĩ ngoại đạo gây ra, ông đã quyết định triệu hồi trưởng lão Moggaliputta Tissa về kinh đô Pàtaliputra để tiến hành chấn chỉnh Tăng già. Tài liệu cho hay sau khi Moggaliputta đến kinh đô, Asoka đã yêu cầu vị trưởng lão này giảng pháp cho ông trong thời gian một tuần, sau đó đích thân ông thẩm tra các tu sĩ Phật giáo về giáo lý của đức Phật241.Sự kiện Asoka đích thân chất vấn tu sĩ Phật giáo về giáo lý của bậc Đạo sư chứng tỏ ông rất tự tin và am tường về Phật pháp, và chúng ta hiểu rằng đây không phải là kết quả của một tuần lễ nghe pháp mà là kết quả của một thời gian dài miệt mài học hỏi và nghiên cứu Chánh pháp của Asoka được phản ánh khá rõ trong các tài liệu bia ký và truyền thuyết liên quan. Trên đây chúng ta đã xét tài liệu Mahàvamsa đề cập sự kiện Asoka cho mời các tu sĩ Phật giáo đến hoàng cung để thọ trai và thuyết pháp mỗi ngày. Sự kiện này tỏ cho thấy Asoka rất mến một Phật pháp và mong muốn nắm bắt các triết lý sâu xa của bậc Đạo sư. Trong tiểu bia ký I, Asoka thông báo với chúng ta ông từng sống với Tăng già hơn một năm mà kết quả là sau đó ông đã nỗ lực rất lớn (trong việc truyền bá Chánh pháp). Mặc dù bia ký này không cho hay ông đã làm gì trong thời gian hơn một năm sống với Tăng già, chúng ta tin rằng Asoka đã dành trọn thời gian đó để nghiên cứu và học hỏi Phật pháp. Nội dung bia ký Bhabrù sau đây cho thấy Asoka rất giỏi Phật pháp và rất tha thiết đối với lời Phật dạy. Chỉ dụ viết:

“ Hoàng đế Priyadarśì, quốc vương Magadha, đảnh lễ chư Tăng, kính mong chư Tăng được sức khỏe, hỷ lạc và xin có lời cáo bạch như sau: Thưa chư Tôn đức, chư Tôn đức biết rằng tôi có lòng kính tín Tam bảo- Phật, Pháp, Tăng. Thưa chư Tôn đức, những gì đức Phật nói, tất cả là khéo thuyết. Nhưng tôi xin được phép chọn ra các đoạn kinh sau đây với ước mong Chánh pháp được trường tồn:

1.Luận về tầm quan trọng của Giới luật (Vinaya-Samukasa).

2.Thánh cư hay nếp sống phạm hạnh cao cả (Aliya-vasàni).

3.Các lo lắng về tương lai (Anàgata-bhayàni).

4.Các vần thơ nói về đời sống ẩn sĩ (Muni-gàthà).

5.Bài kinh đề cập sự Tịch tịnh (Mauneya-sùte).

6.Những câu hỏi của xá lợi Phất (Upatisa-pasine).

7.Pháp thoại giáo giới Ràhula.(Làghulovàde).

Thưa chư Tôn đức, tôi mong tất cả chư Tôn đức Tăng, Ni, cũng như chư vị nam nữ cư sĩ sẽ thường xuyên thảo luận và xem xét các điểm giáo lý này.”

Từ thông tin bia ký trích dẫn trên đây chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng Asoka rất giỏi Phật pháp và đó là kết quả của lòng đam mê học hỏi và nghiên cứu Phật pháp lâu dài của ông, thông qua việc tiếp xúc với Tăng già và kinh điển Phật giáo. Việc chọn ra bảy bài kinh mà ông xem là căn bản cho đời sống Tăng, Ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ như được nói đến trong bia ký chứng tỏ khả năng nghiên cứu Phật học hết sức sâu rộng của Asoka và càng khẳng định tấm lòng yêu quý và trân trọng Chánh pháp của ông.

Asoka thấy rõ lợi ích của Chánh pháp và do đó mong muốn Chánh pháp được trường tồn bằng cách khuyên mọi người nên thực hành và phổ biến Chánh pháp vì lợi ích và hạnh phúc lâu dài của tất cả. Trong bia ký IV, Asoka nêu rõ lợi ích của việc hành trì Chánh pháp và khuyên tất cả con cháu của mình tiếp tục phát huy nếp sống đạo đức và nỗ lực truyền bá Chánh pháp cho đến muôn đời. Chỉ dụ ghi : “ Nếp sống đạo đức đã được tăng trưởng và Hoàng đế Priyadarśì sẽ thúc đẩy hơn nữa nếp sống đạo đức này. Các con cái và cháu chắt của Hoàng đế sẽ phát huy nếp sống đạo đức cho đến muôn đời, sẽ sống trong Chánh pháp và sẽ phổ biến Chánh pháp, bởi phổ biến Chánh pháp là việc làm tối thượng.”

Asoka quan niệm đạo đức hay nếp sống theo Chánh pháp là căn bản của hạnh phúc và do đó khuyến khích đạo đức hay truyền bá Chánh pháp có nghĩa là mở lối đi hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi loài. Theo ông, đạo đức hay Chánh pháp là một thái độ sống có khả năng mang lại hạnh phúc và an lạc cho mình, cho người và cho mọi loài. Chánh pháp đồng nghĩa với hạnh phúc nên Asoka nỗ lực phổ biến đạo đức hay truyền bá Chánh pháp và xem đây là bổn phận thiêng liêng và là món quà tặng quý giá ông dành cho tất cả chúng sinh. Với Asoka, không có món quà nào cao quý hơn Chánh pháp, nghĩa là giúp cho mọi người hiểu rõ lợi ích của nếp sống từ bỏ sát sanh, phụng dưỡng cha mẹ, tôn trọng thầy cô, các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, đối xử tốt với bà con, bạn bè, người làm công , kẻ giúp việc242.Asoka theo đúng Chánh pháp và nỗ lực hết mình nhằm trao tận tay mọi người món quà Chánh pháp, bởi theo ông243 những ai sống đúng Chánh pháp sẽ hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Ông thiết lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra nhằm mục đích phổ biến Chánh pháp, khiến cho mọi người “được nuôi dưỡng bởi Chánh pháp, được tiến bộ bởi Chánh pháp, được hạnh phúc bởi Chánh pháp và được bảo vệ bởi Chánh pháp.”244 Ông mong muốn tất cả con cái cháu chắt của mình sẽ muôn đời thừa kế nếp sống đạo đức và phát huy sự nghiệp truyền bá Chánh pháp của ông để hòa bình và hạnh phúc luôn hiện hữu trên thế gian. Ở đây tấm lòng mong muốn Chánh pháp được trường tồn của ông đồng nghĩa với tấm lòng mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc và an lạc lâu dài, cả đời này và đời sau.

Cũng phát xuất từ tấm lòng yêu quý và mong muốn Chánh pháp được tồn tại lâu dài, Asoka đã ủng hộ hội nghị kiết tập lần thứ bà do trưởng lão Moggaliputta Tissa chủ trì nhằm phục hồi sự trong sáng của giáo lý giải thoát đang bị dẫn giải sai lạc và sử dụng sai mục đích bởi các tăng sĩ Phật giáo gốc ngoại đạo. Đặc biệt ông đã đứng sau lưng các tu sĩ Phật giáo trong công tác truyền giáo được tiến hành ngay sau kỳ hội nghị. Tài liệu Mahàvamsa thông báo rằng hội nghị đã làm việc trong chín tháng, tập trung đọc tụng và biên tập đầy đủ kinh, luật, luận, riêng trưởng lão Moggaliputta Tissa, chủ tịch hội nghị, cho ra đời tác phẩm Kathàvatthu đánh đổ mọi quan điểm sai quấy của ngoại đạo. Thành quả đáng kể của cuộc kiết tập lần này là giáo lý Thượng tọa bộ (Theravàda) sau đó được truyền sang Tích Lan và được lưu giữ hầu như nguyên vẹn bởi những người con Phật ở đảo quốc Chánh pháp này, trong khi tại Ấn Độ nguồn giáo lý này đã gần như biến mất hoàn toàn. Các phái đoàn truyền giáo liên tiếp được gởi đi nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ và sang nước ngoài đánh dấu công lao mở rộng Phật pháp của Asoka cũng được xem là bắt nguồn từ thành công của cuộc hội nghị lần này. Tài liệu Mahàvamsa thuật rằng sau khi kết thúc hội nghị, trưởng lão Moggaliputta nghĩ đến việc mở rộng giáo lý của bậc Đạo sư sang các nước và đã gởi các đoàn truyền giáo đến các xứ sở Kashmir, Gandhàra, Mahisamandala, Varanasi, Aparantaka, Yavana, Himàlaya, Suvarnabhùmi và Sri Lanka245.Mặc dù tài liệu Tích Lan xem Moggaliputta là người quyết định gởi các phái đoàn truyền giáo đi nhiều nơi khác nhau, ta không thể bỏ quên vai trò to lớn và hết sức quan trọng của Asoka trong công tác này.

Có ba lý do sau đây chứng tỏ Asoka không thể thiếu vắng trong công tác truyền bá Phật pháp. Thứ nhất, Asoka là một Phật tử rất quý trọng Chánh pháp và hiểu rất rõ lợi ích của Chánh pháp. Bằng chứng là ông đã nỗ lực rất lớn để bảo vệ, duy trì và phổ biến Chánh pháp. Các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì nói rõ quyết tâm bảo vệ Chánh pháp của Asoka thông qua việc bảo vệ Tăng già khỏi sự phân tán hay chia rẽ. Sự kiện ủng hộ hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba tổ chức ở Pàtaliputra phản ánh tấm lòng mong muốn gìn giữ Chánh pháp của Asoka, trong việc gởi các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi trong nước và sang nước ngoài chứng tỏ tâm nguyện phổ biến Chánh pháp của ông. Đối với một vị hoàng đế luôn tỏ rõ tấm lòng yêu quý Chánh pháp đối với hạnh phúc của mọi loài như Asoka thì việc cho mở rộng hay ủng hộ sự nghiệp truyền bá Chánh pháp là điều hiển nhiên.

Thứ hai, Asoka là học trò của Moggaliputta Tissa, chịu ảnh hưởng Moggaliputta rất lớn về phương diện đạo đức và tâm linh. Theo sử liệu Tích Lan thì Moggaliputta là người đã giúp giải tỏa nỗi ám ảnh tội lỗi của Asoka sau khi vị sứ thần của ông do hiểu lầm mệnh lệnh của ông đã giết chết một số tu sĩ Phật giáo không chấp hành việc ông yêu cầu tiến hành lễ Bố tát (Uposatha)246. Cũng theo tài liệu Tích Lan thì Moggaliputta là người đã giảng dạy Chánh pháp cho Asoka và dẫn dắt hai người con của ông là Mahendra và Sanghamitra vào chánh đạo 247 Tài liệu Mahàvamsa của Tích Lan cũng gắn tên tuổi Moggaliputta bên cạnh tên tuổi Asoka trong công tác thanh tịnh hóa tổ chức Tăng già và Phật sự kiết tập kinh điển.Divyàvadàna mô tả Upagupta tức Moggaliputta là người trức tiếp hướng dẫn cho Asoka trong chuyến hành hương chiêm bái các thánh tích Phật giáo của hoàng gia, và theo ký sự của Huyền Trang thì chính Upagupta hay Moggaliputta đã gợi ý cho Asoka về việc xây dựng 84.000 bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật. Xét theo các tài liệu nói trên thì ảnh hưởng của Moggaliputta đối với Asoka là rất lớn. Chúng ta có thể nói rằng những gì Moggaliputta nghĩ đến cũng chính là những gì Asoka quan tâm. Bởi vậy nếu tài liệu Mahàvamsa bảo rằng Moggaliputta quyết định gởi các đoàn truyền giáo sang các nước thì điều đó cũng có nghĩa là Asoka đã hoàn toàn đồng tình với quyết định của Moggaliputta và sẵn sàng đứng sau lưng vị trưởng lão này trong công tác truyền bá Chánh pháp.

Sau cùng , một lý do quan trọng khác đòi hỏi sự hiện diện và ủng hộ mạnh mẽ của Asoka trong công tác truyền giáo đó là chính sách bang giao hay đối ngoại của nhà nước Maurya. Chúng ta biết rằng các đoàn truyền giáo được gởi đi nhiều nơi, không chỉ ở trong nước mà còn sang nhiều quốc gia khác và điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp về mặt ngoại giao của nhà nước Asoka. Rõ ràng Moggaliputta đã không thể thực hiện ước nguyện truyền bá Chánh pháp sang quốc gia khác nếu như không có sự hậu thuẫn của Asoka trong chính sách đối ngoại. Về mặt này, các tăng sĩ Phật giáo đã hưởng được nhiều lợi thế bởi mối quan hệ thân thiện giữa nhà nước Asoka và nhiều quốc gia trong khu vực. Tài liệu Tích Lan nói đến mối quan hệ thân hữu giữa Asoka và quốc vương Devànampiya Tissa xứ Tích Lan. Theo tài liệu này thì Devànampiya từng là bạn thân và là đồng minh của Asoka. Tác phẩm Dìpavamsa cho hay trước khi Mahinda chính thức giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan, Asoka từng gởi thư cho Devànampiya Tissa, xác nhận mình đã quy y Tam Bảo và mong quốc vương Devànampiya cũng sẽ làm hư vậy. Bản sớ giải Luật tạng, Samantapàsàdikà, của Buddha-ghosa ghi nhận sự kiện rằng sau khi nhận sứ mạng truyền bá Phật pháp sang Tích Lan, Mahinda đã khởi hành từ kinh đô Pàtaliputra đến Vedisa thăm mẹ mình và ở lại một thời gian tại tinh xá Mahàvihàra, cố ý chờ Asoka gởi sứ thần sang Tích Lan thực hiện các thủ tục ngoại giao sau đó ông mới đáp thuyền đi Tích Lan, chúng ta tin rằng Asoka cũng đã có công hàm ngoại giao tương tự đối với các quốc gia khác, nơi mà các tăng sĩ Phật giáo được cử đi truyền bà Chánh pháp, bởi việc làm như vậy là cần thiết và hoàn toàn nằm trong khả năng của ông. Theo các tài liệu bia ký và trụ đá thì Asoka đã có chính sách quan hệ hòa hiếu với nhiều quốc gia trong khu vực và đã mở rộng mạng lưới chăm sóc y tế và chế độ phúc lợi xã hội sang các quốc gia này. Như vậy về phương diện chíng trị và ngoại giao, Asoka đã mở đường cho các tu sĩ Phật giáo trong công tác truyền giáo, và chúng ta có thể nói rằng các tăng sĩ Phật giáo đã không gặp phải nhiều khó khăn trong công tác mở rộng Chánh pháp một khi chính sách hòa bình hợp tác của Asoka đã được chào đón bởi các quốc gia và một khi đích thân Asoka là người hậu thuẫn cho công tác này.


---o0o---

III.Công tác giảng dạy Chánh pháp

Theo truyền thống Phật giáo, một trong những việc làm có ý nghĩa quan trọng của một Pháp vương hay vị vua Chánh pháp là công tác hướng dẫn và giáo dục quần chúng theo Chánh pháp. Asoka là vị vua Chánh pháp và về phương diện này ông là vị hoàng đế tiêu biểu. Các chỉ dụ ghi trong bia ký và trụ đá của ông phần lớn là những bài học đạo đức được viết ra cho quần chúng với mục đích dẫn dắt mọi người sống theo Chánh pháp. Asoka cho rằng có hai cách khiến quần chúng đạt được tiến bộ trong Chánh pháp là nghe thuyết giảng hay đặt mình vào Chánh pháp (Dharma-niyamana) và xem xét hội tâm hay thiền định (nijhatiyà) .Nghe thuyết giảng, theo Asoka, nghĩa là lắng nghe các huấn chỉ đạo đức của ông, trong khi xem xét nội tâm có nghĩa là thực hành các huấn chỉ đó248. Asoka ý thức rất rõ sự khó khăn của việc giáo dục đạo đức quần chúng trong một xứ sở rộng lớn như vương quốc Maurya nên đã cho dựng các bia đá khắp nơi ngõ hầu dẫn dắt nếp sống đạo đức của mọi người. Ông cho khắc các huấn chỉ của mình lên bia đá với hy vọng “ chúng sẽ bền lâu như mặt trăng mặt trời, để cho con cái, cháu chắt và tất cả thần dân của ông sẽ nối dõi ông theo đúng Chánh pháp.” 249.Asoka mong muốn tất cả mọi người sẽ muôn đời sống theo Chánh pháp vì theo ông Chánh pháp là con đường đưa đến hạnh phúc và “ vì những ai theo đúng Chánh pháp sẽ hưởng hạnh phúc đời này và đời sau.” Sau chiến thắng Kalinga, tức tám năm sau khi lên ngôi, Asoka bắt đầu đẩy mạnh công tác giảng dạy Chánh pháp.

Trước hết, Asoka định nghĩa rất rõ về Chánh pháp (Dharma) và lợi ích của Chánh pháp mà ông mong muốn trao truyền cho mọi người. Theo ông, Chánh pháp (Dharma) là thiện hay tốt lành (sàdhu) được thể hiện qua các hành động cụ thể như tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, có lòng tốt hay hảo tâm, sống với tâm hào phóng, chân thật, trong sạch250,thanh cao, tiết độ, tự điều phục251, bất hại, và vì vậy bất cứ ai theo đúng Chánh pháp sẽ hưởng hạnh phúc đời này và đời sau252.Asoka mong muốn tất cả chúng sinh được yên ổn, chế ngự lòng tham, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc253.Bởi vậy ông đề xuất nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo đảm hạnh phúc và an lạc cho các loài hai chân (người) , bốn chân (thú vật), các loài chim muôn và các loài vật sống dưới nước254

Về phương diện đạo đức cuộc sống , Asoka nhấn mạnh nguyên lý bất hại (ahimsà) và tôn trọng sự sống của tất cả mọi loài. Trong bia ký I, Asoka ngăn cấm việc giết hại thú vật cho các mục đích tế lễ và ra lệnh giảm dần chế độ ăn thịt của mình cho đến khi không còn bất kỳ sinh vật nào bị hy sinh bởi các bữa ăn của ông. Bia ký VIII mô tả việc Asoka từ bỏ thú vui săn bắn để tập trung vào công việc phổ biến Chánh pháp. Trong chỉ dụ ghi ở trụ đá V, Asoka quy định điều luật nghiêm cấm sát hại và ăn thịt các loài vật như vẹt, cò, ngỗng, loài chim sống ở nước, loài sếu, các loài dơi,ong, kiến, ba ba, tôm, lươn, cá gangàpuputaka, cá skate, rùa, nhím,sóc,bò, trâu, các loài vật sống trong nhà như chó,mèo,chuột,các loài tê giác, bồ câu trắng, bồ câu nội địa, và tất cả loài thú bốn chân. Con người cũng không được giết hại, các loài dê cái, cừu cái và lợn cái đang có con nhỏ, không được thiến gà, không được thiêu hủy các loại vỏ trái cây có mầm sống bên trong, không được đốt rừng, không được dùng sinh vật để nuôi sinh vật.Cá không được giết và không được bày bán vào các ngày mười bốn, ngày rằm và ngày mùng một, cũng như vào các lễ húy tôn giáo. Cũng vậy, các loại trâu đực, dê đực, cừu đực, lợn đực, cùng các loài súc vật khác không được thiến vào ngày mồng tám, ngày mười bốn, ngày rằm, các ngày Tisyà và Punarvasu, các ngày trăng tròn trong năm và các ngày lễ tôn giáo. Vào các ngày Tisyà và Punarvasu cũng như vào các ngày trăng tròn trong năm, việc đóng móng ngựa và móng bò không được tiến hành.

Xét những việc làm và các sắc chỉ trên đây thì Asoka là người yêu quý và tôn trọng sự sống của hết thảy mọi loài , thậm chí các loài côn trùng và thảo mộc. Ở đây tình thương và lòng từ bi của ông tỏa rộng muôn phương hòa nhịp với sức sống của vạn vật vũ trụ. Theo những gì được nói đến trong các bia ký thì Asoka là người đầu tiên phá bỏ tục lệ hiến tế thú vật hết sức nhẫn tâm của truyền thống tín ngưỡng Bà-la-môn và là người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên thoát khỏi bàn tay tàn phá của con người. Ông cũng là người tạo tiền đề cho chế độ ăn chay và truyền thống yêu quý thiên nhiên rất đáng tự hào của người dân Ấn Độ. Người viết tin rằng các đạo dụ này của ông đã được tuân thủ triệt để và lâu dài bởi nhiều thế hệ dân chúng Ấn Độ, bởi lẽ những gì Asoka đề cập trong các bia ký cũng chính là những gì mà số đông quần chúng ở đây đã và đang theo đuổi. Đa số người dân Ấn Độ ngày nay đều ăn chay và có thói quen không hái hoa bẻ cành. Các nhà hành, quán ăn Ấn độ chuyên phục vụ đồ chay và luôn luôn chật kín khách hàng. Các ngôi chợ Ấn độ chất đầy các mặt hàng thực vật và rau trái, không có nhiều quầy hành bán thịt cá. Ấn Độ có nhiều công viên cây xanh và đến mùa xuân thì các loài hoa phủ kín các thảm cỏ ở các công viên trong rất đẹp. Rất nhiều thanh niên thiếu nữ đến thưởng ngắm và tình tự hàng giờ giữa các thảm hoa nhưng tuyệt nhiên không lợi dụng hoa hồng để tranh thủ hoa lòng. Hoa hồng cũng được trao tặng nhau vào các ngày lễ kỷ niệm hay sinh nhật nhưng phải đặt mua ngoài chợ.

Ta có thể nói rằng hơn 2.000 năm trước Asoka đã ý thức tầm quan trọng của chế độ ăn chay và sự cần thiết của thế giới tự nhiên và đã nêu gương lớn trong lãnh vực này. Dĩ nhiên những gì Asoka đã làm đều phát xuất từ tình thương và sự hiểu biết của ông hơn là bởi tình thế bắt buộc như hiện tình của chúng ta ngày nay. Ngày nay chúng ta nói đến ăn chay và nhắc nhở nhau tránh chặt cây phá rừng bởi chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định để tránh cho cuộc sống khiỏ bị tiêu diệt. Thông thường chúng ta chỉ nỗ lực giải quyết một vấn đề một khi kết quả của nó đã rõ ràng, nhưng một người hiểu biết Phật pháp như Asoka thì luôn thấy rõ và quan tâm giải quyết nguyên nhân hơn là kết quả của mọi vấn đề.

Một khía cạnh giáo dục khác mà Asoka tỏ ra rất quan tâm là giáo dục cách thái đạo đức của quần chúng phủ hợp với đạo lý truyền thống. Về phương diện này, Asoka nhấn mạnh các đức tính như hiếu kính cha mẹ, tôn trọng sự sống, chân thật, vâng lời thầy cô giáo, hào phóng đối với bạn bè, bà con, tôn trọng các bậc hiền thánh và các bậc trưởng thượng, đối xử tốt với người làm công, kẻ giúp việc. Asoka xem các đức tính trên đây là đạo lý truyền thống có khả năng giúp con người sống thọ255 và là những đức tính đưa đến hạnh phúc đời này và đời sau256. Asoka xem ra rất quan tâm việc uốn nắn cách thái đạo đức của quần chúng bởi trong các bia ký của ông Asoka nói rất nhiều về vấn đề này. Trong bia ký III, Asoka phát biểu : “ Lành thay phụng sự cha mẹ. Lành thay hào phóng đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc, các Sa-môn, Bà-la-môn. Lành thay tránh sát sanh. Lành thay sống tiết độ.” Bia ký IX đề cập việc Asoka khuyên mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật, tiễn người đi xa…bằng những việc làm thiết thực, phù hợp Chánh pháp, gọi là Dharma-mangala, như đối xử tốt với kẻ làm công, người giúp việc, tôn trọng thầy cô giáo, tránh sát hại sinh vật, cúng dường các bậc Sa-môn, Bà –la-môn. Trong bia ký XI, Asoka nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của “Pháp thí” (Dharma-dàna) hay quà tặng Chánh pháp và khuyên tất cả mọi người nên dành cho nhau món quà này. Chỉ dụ viết: “ Không có món quà nào cao quý hơn Chánh pháp, nghĩa là hiểu biết Chánh pháp, ban phát Chánh pháp và sống theo Chánh pháp. Tất cả các bậc cha mẹ, con cái, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, hay kẻ láng giềng nên trao cho nhau món quà này, tức là nhắc nhở nhau đối xử tốt với kẻ làm công, người giúp việc, hiếu thảo với cha mẹ , hào phóng đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc, cúng dường các Sa-môn,Bà-la-môn,tránh sát hại sinh vật. Đây là Pháp thí hay quà tặng Chánh pháp (Dharma-dàna) đáng được tán thán, đáng được làm bởi tất cả mọi người vì lợi ích đời này và đời sau.” Trong bia ký XIII phát hiện ở Shahbazgarhi, Asoka bày tỏ sự hối tiếc về việc xâm lăng Kalinga, tuyên bố theo đuổi và phổ biến Chánh pháp, đồng thời mong muốn dân chúng xứ sở Kalinga được hạnh phúc thông qua việc vững tin ở điều lành và nỗ lực làm lành. Trụ đá VII ghi sự kiện Asoka nóng lòng tìm kiếm biện pháp khiến cho mọi người dân đều được tiến bộ và lợi ích trong Chánh pháp bằng cách ban bố các huấn chỉ đạo đức, đồng thời đề cử các quan chức Purusa, Ràjùka, Dharma-mahàyàtra có trách nhiệm phổ biến và giải thích cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ các chỉ dụ đạo đức của ông. Một đoạn trong chỉ dụ này viết: “ Hoàng đế Priyadarśì công bố như sau: “ Tất cả những gì tốt lành mà Hoàng đế đã làm đều được quần chúng hưởng ứng theo đuổi và nhờ đó mọi người khác sẽ theo gương, được tiến bộ và sẽ được tiến bộ trong việc hiếu thảo đối với cha mẹ, thầy cô giáo, tôn trọng các bậc trưởng thượng, xử sự đúng đắn với các Sa-môn, Bà-la-môn, với những người nghèo khổ, kẻ làm công, người giúp việc.”

Đoạn văn trên cho thấy Asoka đã nêu gương lớn trong việc giáo dục đạo đức quần chúng và mong muốn đẩy mạnh nếp sống đạo lý truyền thống trong đời sống nhân dân. Bia ký III xác nhận mười hai năm su khi lên ngôi, Asoka quy định các quan chức Yukta, Ràjùka, Pràdeśika cứ năm năm một lần có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm khuyến khích dân chúng theo đuổi nếp sống đạo đức Chánh pháp. Thông tin bia ký V cho hay mười ba năm sau khi lên ngôi, Asoka cho thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm thúc đẩy nếp sống đạo đức hay thực hành Chánh pháp trong các tầng lớp nhân dân vì hạnh phúc và lợi ích của mọi người. Các quan chức Dharma-mahàmàtra cũng được bổ nhiệm tại các xứ sở xa xôi như Yona, Kamboja, Ganghàra, Ràstrika, Pitinika, Aparànta và tại các quốc gia nằm ở biên giới phía tấy Ấn Độ nhằm mục đích khuyến khích nếp sống đạo đức của quần chúng. Bia ký XIII nói đến thành quả mà Asoka đã đạt được nhờ thực hiện chính sách đạo đức hay đường lối đức trị (dharma-vijaya). Thông tin bia ký này cho hay đạo đức hay Chánh pháp đã được thiết lệp khắp nơi không những trong vương quốc Maurya mà còn mở rộng sang các quốc gia và dân tộc khác như Yona hay Antiocho do người Hy Lạp trị vì, các vương quốc láng giềng của Antiocho do các quốc vương Ptolemy, Antigono, Maga và Alexander cai quản, các quốc gia tận phía nam như Chola, Pàndya, các xứ sở Kamboja và Gandhàra ở phía bắc và các dân tộc Nabhaka, Nabhiti, Pitinika, Andhra và Palida. Rõ ràng nỗ lực của Asoka về phương diện giáo dục đạo đức quần chúng đã chứng tỏ thành công lớn và Asoka cũng nhận ra kết quả nỗ lực của mình. Trong bia ký IV, Asoka xác nhận:

“Hàng trăm năm trước đây, việc giết hại súc vật để cúng tế, đối xử tàn ác với sinh linh, xử sự không đúng với bà con, với các Sa-môn và Bà-la-môn đã không ngừng gia tăng. Nhưng ngày nay, do Hoàng đế Priyadarśì thực hành Chánh pháp, tiếng trống thúc quân ngày nào đã biến thành tiếng gọi của Chánh pháp đối với tất cả mọi người. Nay phần lớn quần chúng đã từ bỏ giết hại súc vật, không tàn sát sinh linh, xử sự đúng đắn với bà con, với các Sa-môn và Bà-la-môn, hiếu kính đối với cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Nếp sống đạo đức đã được gia tăng và Hoàng đế Priyadarśì sẽ thúc đẩy hơn nữa nếp sống đạo đức này. Các con cái và cháu chắt của Hoàng đế sẽ phát huy nếp sống đạo đức cho đến muôn đời, sẽ sống trong Chánh pháp và sẽ phổ biến Chánh pháp, bởi phổ biến Chánh pháp là việc làm tối thượng,”257

Sau cùng chúng ta chú ý tới một việc làm có ý nghĩa quan trọng khác của Asoka trong vai trò một Pháp vương theo đuổi lý tưởng Chánh pháp. Đó là việc ông mong muốn xây dựng một thế giới thoát khỏi mọi ám ảnh và sợ hãi về chiến tranh, bạo động, tin tưởng vào lòng nhân ái, đạo đức và bất hại của con người. Việc Asoka từ bỏ chiến tranh và mộng xâm lăng được thể hiện rõ nét qua lời tuyên bố thay trống trận bằng Chánh pháp của ông cũng như qua chính sách bang giao hòa hiếu của nhà nước Maurya với các quốc gia láng giềng. Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử tuyên bố khước từ mọi danh vọng và sở hữu thế gian cơ bản do chiến tranh và xâm lăng mang lại. Ông xem thường danh vọng được xây dựng bằng bạo lực, chiến tranh và mong muốn lưu danh bằng đạo đức và lòng nhân ái. Tài liệu Aśokàvadàna thuật lời Asoka nói với tể tướng Ràdhagupta trước lúc lâm chung rằng ông không lo lắng vì xa lìa tài sản của cải, nhà cửa, thậm chí cả vương quốc của mình, nhưng ông cảm thấy buốn vì phải rời xa các bậc thánh258.Câu nói này chứng tỏ Asoka xem nhẹ danh lợi thế gian và chỉ muốn được gần gũi và sống lâu hơn với chư tăng và Chánh pháp. Trong bia ký X, ông nêu rõ : “ Hoàng đế Priyadarśì không xem danh vọng là nhhững thứ mang lại nhiều lợi ích trừ phi nó được xây dựng như ý ngài mong muốn nghĩa là tất cả mọi người trong hiện tại cũng như tương lai sẽ theo đuổi Chánh pháp và thực hành Chánh pháp. Vì mục đích này, Hoàng đế Priyadarśì ước muốn được lưu danh. Và ngài mong rằng mọi nỗ lực của ngài, dù lớn hay nhỏ, đều nhằm lợi ích tưong lai của mọi người và khiến cho tất cả đều được tự do.”

Trong bia ký II, Asoka cất bỏ gánh nặng lo lắng của các quốc gia và dân tộc khác bởi lời tuyên bố hòa bình, bất bạo động. Chỉ dụ viết : “ Các dân tộc chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: ‘Nhà vua này muốn gì ở chúng ta?’ Điều mong muốn duy nhất của ta đối với các dân tộc này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ ta mà hãy tin tưởng ở ta, rằng từ nơi ta họ sẽ nhận được hạnh phúc chứ không phải khổ đau, họ cũng nên hiểu thêm rằng đối với tất cả ta sẽ bao dung độ lượng và sẽ khích lệ mọi người thực hành Chánh pháp (Dharma) vì lợi ích đời này và đời sau.”

Có thể nói rằng tự do và vô úy là hai thứ mà Asoka mong muốn kiến tạo cho tất cả mọi người và mọi dân tộc trên thế giới. Để tạo dựng tự do, Asoka tuyên bố quay lưng với chiến tranh , xâm lăng và chủ trương hòa bình, độc lập dân tộc. Để thiết lập vô úy, Asoka tỏ rõ thái độ thân thiện, bao dung và hòa bình đối với tất cả mọi người và mọi dân tộc, đồng thời tạo điều kiện để tất cả đều được tiến bộ trong Chánh pháp và hưởng được lợi ích của Chánh pháp. Đây chính là thông điệp hòa bình và hạnh phúc mà Asoka đã vận dụng triệt để và hữu hiệu trong suốt thời gian gần 40 năm trị vì của ông.

Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavattì Sìhanàda Suttanta) đề cập sự kiện tất cả các quốc vương chư hầu đều tôn kính vua Chuyển luân Thánh vương và tuân phục Chánh pháp của ngài. Trong thực tế, Asoka là một hoàng đế lớn của triều đại Maurya nhưng tất cả những gì ông đã làm chắc chắn đã thu phục nhân tâm của nhiều quốc gia và chúng ta có thể nói rằng cuộc đời và sự nghiệp của ông xứng đáng được lưu danh như một vị vua Chuyển luân Thánh vương, nhưng không phải trong huyền thoại mà trong hiện thực.
---o0o---

CHƯƠNG VI - GIÁO PHÁP ASOKA

Sau khi xem xét Asoka trong vai trò một hoàng đế Phật tử và trong vai trò một vị vua Chánh pháp, bây giờ chúng ta sẽ thử xem Asoka đã tìm thấy điều gì ở Phật giáo là khả dĩ cho sự nghiệp trị quốc của ông .A.J.Toynbee nêu quan điểm rằng mọi thể chế chính trị đều bắt nguồn từ tôn giáo. Nói khác đi, Tonynbee cho rằng đức tin và tư tưởng tôn giáo đứng đằng sau và chi phối các thể chế chính trị. Nhận xét của nhà sử học kiêm triết gia người Anh này có thể gây nhiều tranh luận trong số những người theo quan điểm chính trị học hiện đại, nhưng Toynbee không phải không có lý khi nhấn mạnh vai trò và ảnh hưởng tôn giáo trong đời sống chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh các thể chế chính trị cổ đại. Chẳng phải tìm đâu xa, các nhà nước châu Âu trong cổ là một điển hình về ảnh hưởng tôn giáo trong sinh hoạt chính trị .Asoka khẳng định đức tin ở Phật giáo, trị vì vương quốc Maurya dựa trên Chánh pháp (Dharma) và như vậy vấn đề chúng ta cần xem xét ở đây là pháp trị quốc mà Asoka đạ nói đến trong các chỉ dụ của ông phải chăng là Phật pháp (Buddha-dharma) .

Các học giả nêu nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này .J.F.Fleet cho rằng Pháp (Dharma) được nói đến trong các bia ký và trụ đá Asoka không phải là Phật pháp (Buddha-dharma) mà chỉ là vương pháp (raja-dharma) , nghĩa là các bổn phận được kê ra cho hàng vua chúa và quan lại259.D.R. Bhandarkar không đồng tình với quan điểm trên của Fleet bởi ông cho rằng Pháp của Asoka không phải chỉ để cho hàng vua quan theo đuổi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mà đúng hơn là để cho quần chúng thực hành nhằm mục đích dẫn dắt nếp sống chân thiện của tất cả mọi người260.J.M.Macphail cũng cho rằng giáo pháp của Asoka không tiêu biểu cho Phật giáo mà tiêu biểu cho hiếu đạo giản dị mà Asoka mong muốn hết thảy thần dân của ông , không phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng, sẽ theo đuổi261262.Nhưng ở một nơi khác học giả này lại bảo Pháp của các bia ký Asoka là pháp Ấn giáo (Hinduism) với một ít sai khác vì muốn màu Phật giáo hơn là mang đậm tư tưởng đạo đức căn bản của Phật giáo263.R.Mookerji cũng theo chân các học giả trên khi nói rằng chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa tôn giáo mà Asoka đã theo đuổi với tư cách cá nhân và tôn giáo mà ông đã nỗ lực truyền đạt và giới thiệu cho dân chúng của ông264.Mookerji cho rằng Asoka tín ngưỡng Phật giáo, và nếu vậy thì những gì Asoka muốn truyền đạt cho người khác , theo Mookerji, đích thực không phải là Phật giáo.F.W.Thomas cũng nghi ngờ Pháp của Asoka là Phật pháp bởi theo ông các bia ký và trụ đá Asoka không hề nói đến các giáo lý Phật giáo như Tứ diệu đế, Bát thánh đạo, Thập nhị nhân duyên, cũng không có từ ngữ hay ý niệm nói về Niết bàn265. V.A.Smith nêu quan điểm rằng Pháp hay các nguyên lý đạo đức mà Asoka muốn truyền đạt được tìm thấy trong mọi tôn giáo và không tiêu biểu cho một tôn giáo nào.

Trái với quan điểm của các học giả trên, senart cho rằng các bia ký Asoka tiêu biểu cho bức tranh đầy đủ và trọn vẹn về Phật giáo266.D.R.Bhandarkar cũng thiên về quan điểm xem Pháp của Asoka là các giáo lý cơ bản của Phật giáo dành cho cư sĩ.Theo Bhandarkar267, giáo lý Phật giáo gồm hai phần: thứ nhất là giáo lý dành cho các tu sĩ, tức là các tăng ni,và thứ hai là giáo lý dành cho những người tại gia cư sĩ. Bhandarkar cho rằng Asoka là một cư sĩ quần chúng mà ông giảng dạy Chánh pháp cũng là những người tại gia cư sĩ, vì vậy, theo ông , muốn biết rõ Pháp của Asoka có phải là Phật pháp hay không thì cần phải hiểu rõ những bài kinh mà Phật giáo dành riêng cho những người cư sĩ đọc tụng, suy gẫm và thực hành. Học giả này dẫn chứng nhiều bản kinh Phật so sánh với các bia ký của Asoka và đi đến kết luận rằng trong các bia ký của ông Asoka đã vay mượn các giáo lý của Phật giáo.



Trên đây là hai loạt ý kiến khác nhau về nguồn giáo lý chứa đựng trong các tài liệu bia ký và trụ đá Asoka. Để có được một đánh giá chắc chắn hơn về giáo pháp của Asoka, chúng ta sẽ tập trung khảo sát vấn đề này qua ba phương diện: Niềm đam mê học tập và khả năng nắm bắt Phật pháp của Asoka, Phật pháp và bia ký Asoka, tư tưởng Phật học trong bia ký Asoka.
---o0o---

I.Niềm đam mê học tập và khả năng nắm bắt Phật pháp của Asoka


Lý do thứ nhất khiến chúng ta có cơ sở để tin rằng Asoka đã vận dụng giáo lý Phật giáo vào đường lối trị quốc thông qua các chỉ dụ của ông là sự kiện ông rất thích thú học hỏi và nghiên cứu Phật pháp và, như là kết quả, rất giỏi về Phật học. Cứ theo truyền thuyết Tích Lan thì ngay lần đầu gặp tu sĩ trẻ Nigrodha, tức vào năm ông lên ngôi, khoảng 270 hay 269 trước Công nguyên, Asoka đã tỏ rõ tấm lòng yêu quý Phật pháp. Ông được cảm hóa bởi bài pháp do Nigrodha và các tu sĩ Phật giáo vào hoàng cung thọ trai và giảng dạy Chánh pháp. Cũng theo tài liệu Tích Lan thì Asoka từng học Phật pháp với Moggalaputta Tissa, một trong những vị tu sĩ Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiệp của ông. Chuyện kể rằng dưới thời Asoka Phật giáo bị biến nhiễm na75ng bởi các tập quán và kiến giải sai lạc do các tăng sĩ gốc ngoại đạo gây ra ở trong giáo hội. Asoka rất lo lắng cho tương lai của đạo pháp và hiện trạng của giáo hội nên đã cho triệu hồi Moggaliputta Tissa về kinh đô Pàtaliputra để tìm giải pháp cho vấn đề. Khi Moggaliphutta về đến kinh thành, Asoka đã yêu cầu vị trưởng lão này giảng pháp cho ông trong suốt thời gian một tuần lễ, sau đó đích thân ông chất vấn các tu sĩ Phật giáo về giáo lý của bậc Đạo sư. Tài liệu Mahàvamsa thuật rằng Asoka đã yêu cầu các tu sĩ Phật giáo lần lượt trình bày kiến giải của mình về lời dạy của đức Phật. Những ai cho rằng Phật giáo chủ trương linh hồn bất tử hay những lý thuyết liên quan thì bị buộc rời khỏi Tăng già. Chỉ những ai bảo đức Phật chủ trương giáo lý hay phương pháp phân tích (vibhajjavàda) thì mới được lưu lại trong giáo hội. Tài liệu này cho hay 60.000 tu sĩ Phật giáo gốc ngoại đạo đã bị Asoka trục xuất hỏi giáo hội trong đợt thẩm tra này. Sự kiện Asoka đích thân thẩm vấn các tu sĩ Phật giáo về giáo lý của đức Phật chứng tỏ ông rất giỏi về Phật pháp lâu ngày của ông. Tài liệu bia ký268 cũng thông báo cho chúng ta Asoka đã từng sống với Tăng già hơn một năm mà kết quả là sau đó ông đã nỗ lực rất lớn trong công tác truyền bá Chánh pháp. Mặc dù bia ký này không cho biết đích xác Asoka đã làm gì trong suốt hơn một năm sống với Tăng già, chúng ta tin rằng ông đã dành trọn thời gian đó để nghiên cứu và thực hành Chánh pháp. Sở dĩ chúng ta có niềm tin như vậy là bởi trong một bia ký khác269 Asoka đã cho chúng ta thấy khả năng nghiên cứu sâu rộng và tài nắm bắt Phật pháp rất tinh tế của ông. Bia ký Bhabrù đề cập sự kiện Asoka tán dương giáo lý đức Phật là khéo thuyết, điều này chứng tỏ rằng ông đã đọc rất kỹ các bản kinh Phật, bởi lẽ chỉ có những ai đọc kỹ những lời dạy của đức Phật được lưu giữ trong kinh tạng mới thấy hết tài năng thuyết pháp của ngài. Hơn thế, bia ký này còn nói đến sự kiện Asoka đã chọn ra bảy bài kinh trong số các bản kinh Phật và khuyên tất cả tăng ni và Phật tử nên chú tâm nghiên cứu và thực hành. Điều đó càng chứng minh Asoka không những nghiên cứu sâu rộng về giáo lý của đức Phật mà còn thấy rõ những giáo lý nào cần thiết và thiết thực cho đời sống của tăng ni và tín đồ. Từ thông tin bia ký Bhabrù chúng ta thấy rằng Asoka không những đánh giá cao lời dạy của đức Phật mà còn mong muốn giáo lý của ngài được nghiên cứu và thực hành rộng rãi bởi tất cả tăng ni và phật tử. Thông tin này thật cần thiết bởi nó giúp phá tan sự nghi ngờ của nhiều người về Pháp của Asoka là Phật pháp. Cũng từ thông tin này chúng ta thấy rằng R.Mookerji đã không hoàn toàn chính xác khi cho rằng có sự khác biệt giữa tín ngưỡng mà Asoka theo đuổi với tư cách cá nhân và tín ngưỡng mà ông muốn giới thiệu cho dân chúng của ông. Ít nhất bia ký Bhabrù đã cho thấy Asoka tín ngưỡng Phật giáo và mong muốn mở rộng tín ngưỡng ấy cho nhiều người khác.

Ta cũng khó tin rằng một người am tường và thấy rõ hiệu năng của Phật pháp như Asoka lại không vận dụng nguồn giáo lý ấy vào đường lối trị quốc của mình, đặc biệt khi đường lối trị quốc ấy hoàn toàn dựa trên Chánh pháp và nhất mực đề cao đạo đức. Có nhiều lý do để tin rằng Pháp mà Asoka nói đến trong các bia ký và trụ đá của ông đều được khắc dựng sau ngày Asoka quy ngưỡng Phật giáo, nghĩa là sau khi ông từ bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn và chuyển sang đức tin Phật giáo. Như vậy ta có thể nói rằng tất cả những huấn chỉ mang tính tôn giáo và đạo đức mà Asoka cho khắc lên bia ký và trụ đá chắc chắn là các huấn chỉ Phật giáo hoặc ít ra cũng lấy cảm hứng từ đức tin Phật pháp mà ông vừa mới quy ngưỡng. Giả thiết này được củng cố một phần bởi đức tin Phật pháp rất vững mạnh của ông và phần khác quan trọng hơn bởi Asoka rất giỏi Phật pháp.Lại nữa, trong bia ký XIII, Asoka tuyên bố thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và phổ biến Chánh pháp. Asoka là một Phật tử và như vậy lời tuyên bố này của ông không gì khác là lời xác nhận về giá trị Phật pháp mà ông đã thực hành và mong muốn mở rộng cho mọi người.Asoka cũng nhận ra rằng kể từ khi ông quy ngưỡng Phật giáo và thực hành lời Phật dạy, ông đã tạo ra được một chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống quần chúng nhân dân. Dân chúng của ông đã được tiến bộ đáng kể về phương diện đạo đức và tâm linh nhờ các huấn chỉ tôn giáo của ông270.Bia ký IV cho hay tình trạng giết hại súc vật để tế lễ, đối xử tàn ác với sinh linh, không hiếu kính cha mẹ, xử sự không đúng với bà con, với Sa-môn, Bà-la-môn đã được khắc phục đáng kể nhờ tấm gương thực hành và phổ biến Chánh pháp của Asoka. Từ thông tin bia ký này, chúng ta có thể nói rằng đạo đức hay Chánh pháp mà Asoka theo đuổi và nỗ lực truyền bá thông qua các bia ký và trụ đá của ông không gì khác là đạo đức Phật giáo bởi Phật giáo ngăn cấm mọi hình thức sát sanh. Bia ký IV xác nhận tình trạng giết hại súc vật để cúng tế đã được khắc phục nhờ các huấn chỉ đạo đức của Asoka. Xem ra những gì Asoka đã làm là hoàn toàn đi ngược với tín ngưỡng Ấn giáo bởi lẽ tôn giáo này chủ trương hy sinh thú vật cho các mục đích tế lễ. Trong bia ký I, Asoka tuyên bố ngăn cấm việc giết hại súc vật cho mục đích cúng tế, đạo dụ này chắc chắn đã gây không íy bất bình cho giới tu sĩ Bà-la-môn đương thời nhưng qua sự việc này ta thấy rằng Asoka đã thành công trong việc bãi bỏ tục giết hại súc vật hết sức nhẫn tâm của tín đồ Ấn giáo trong các lễ hội tôn giáo. Sự kiện này càng khiến chúng ta tin rằng Chánh pháp hay các nguyên lý đạo đức mà Asoka đã nói đến trong các bia ký và trụ đá của ông là Phật pháp, chứ không phải pháp Ấn giáo như học giả V.A.Smith quan niệm.

Sau cùng, Asoka thích thú học hỏi và nghiên cứu Phật pháp chắc chắn không phải chỉ để thỏa mãn tín ngưỡng và tri thức cá nhân mà còn để tìm ra những đáp án thiết thực cho sự nghiệp trị quốc của ông, và về phương diện này ông đã thành công, Asoka là một ông vua hiền triết nhưng đồng thời cũng là nhà quản trị xuất sắc. Việc ông vận dụng lời dạy của đức Phật vào đường lối trị quốc và biến giáo lý ấy thành các đạo dụ có tính cách pháp lý chứng minh Asoka là một con người có đầu óc thực tế. Sử gia Will Durant nói rằng các sắc lệnh của Asoka tỏ cho thấy ông đã hoàn toàn tin lời dạy của đạo Phật và rán áp dụng nó vào việc trị quốc, nghĩa là vào khu vực hoạt động khó đem nó vào việc trị quốc, nghĩa là vào khu vực hoạt động khó đem nó ra thực hành nhất271. Asoka đọc được tinh thần mỗi lời dạy của đức Phật và vận dụng tinh thần ấy vào đường lối trị quốc của ông. Thomas bảo rằng bia ký Asoka không đề cập các giáo lý Tứ đế (Cattàra Ariyasaccàni), Bát thánh đạo (Ariyaatthan-gikamagga), Thập nhị nhân duyên (Paticca-samuppàda), Niết bàn (Nibbàna), đấy là sự thật, nhưng phải chăng đấy chính là dụng ý của Asoka mong muốn biến Niết bàn Phật giáo thành hiện thực thông qua một nếp sống đạo đức giản dị mà ai cũng có thể theo đuổi? Asoka không nói đến các khái niệm Phật giáo như Tứ đế, Bát thánh đạo, Duyên sinh, Niết bàn nhưng các đạo lý của ông phản ánh tinh thần Tứ đế, Bát thánh đạo, Niết bàn. Hơn nữa, đúng như D.R.Bhandarkar đã nhận xét, Asoka là một cư sĩ và quần chúng mà ông mốn truyền đạt Chánh pháp cũng là những người tại gia cư sĩ, bởi vậy chắc chắn Asoka đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng về giáo lý nào của đức Phật là thích hợp cho quần chúng số đông. Sự kiện bia ký IV cho hay dân chúng Ấn Độ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nếp sống đạo đức Chánh pháp chứng tỏ Asoka đã thành công trong việc ứng dụng đạo đức Phật giáo vào chính sách trị quốc của ông. Một bằng chứng khác nói rõ tài năng ứng dụng Phật pháp vào đường lối trị quốc của Asoka là việc ông đã chọn ra bảy bài kinh trong số các bản kinh Phật giáo để cho hàng tu sĩ xuất gia cũng như hàng cư sĩ tại gia chuyên tâm học hỏi và thực hành. Nội dung các bài kinh này nói gì ta sẽ xem xét sau272, tuy nhiên việc tuyển chọn bảy bài kinh trong số hàng ngàn hàng vạn bài kinh Phật để cho các tu sĩ và cư sĩ ứng dụng chứng tỏ Asoka không những giỏi Phật pháp mà còn thấy rõ lợi ích thiết thực của giáo lý đức Phật đối với mỗi đối tượng cụ thể. Asoka cũng chứng tỏ là người am tường giới luật Phật giáo khi ông công bố mệnh lệnh tẩn xuất các tăng ni cố ý gây chia rẽ Tăng già. Các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì nói đến trường hợp Asoka ban hành điều luật buộc các tăng ni cố tình gây chia rẽ trong Tăng già phải mặc áo trắng và rời khỏi giáo hội. Rõ ràng đây là điều lệ được nói đến trong giới luật Phật giáo và được ứng dụng trong tổ chức giáo hội nhưng Asoka đã vận dụng điều lệ ấy và biến nó thành pháp lệnh nhà nước.

Tổng hợp các thông tin trên ta có thể đi đến nhận xét rằng Asoka đã miệt mài học tập và nghiên cứu Phật pháp và đã vận dụng nguốn giáo lý ấy vào đường lối trị quốc của ông. Điều đáng chú ý ở đây là ông đã vận dụng những lời dạy của đức Phật một cách khéo léo và tài tình, đem lại những kết quả thiết thực cho đất nước và nhân dân ông mà không cần tuyên bố đấy là giáo lý của ai và do ai dạy. Chân lý không cần nhãn hiệu. Asoka tự nhận là đệ tử Phật nhưng không hề bắt ép ai theo tín ngưỡng của mình. Ông hết lòng ca ngợi giáo lý của đức Phật và thực sự đã vận dụng giáo lý ấy vào sự nghiệp trị quốc nhưng trong các chỉ dụ của ông, Asoka không hề nhân danh đức Phật hay giáo pháp của ngài. Dường như rằng Asoka đã ý thức rất rõ sự phiền toái và giới hạn của biện pháp trị quốc nhân danh tôn giáo và ông đã cố gắng không để cho tình cảm tôn giáo xen vào công việc triều chính. Về phương diện này Asoka tỏ ra sắc sảo và tế nhị hơn các bậc tiền bối của mình. Chẳng hạn, Bimbisàra từng nhân danh một Phật tử để đưa 80.000 dân của ông đến quy y đức Phật và lắng nghe giáo pháp của ngài 273 và ra điều lệnh không cho phép bất kỳ ai đụng đến các Sa-môn Thích tử (Sakyaputtiya Samana)274. Asoka không có những biểu hiện như thế, nhưng những gì ông làm chắc chắn đã mang lạo nhiều lợi ích không những cho những người cùng tôn giáo với ông mà còn cho hết thảy mọi người dù thuộc bất kỳ tôn giáo hay tín ngưỡng nào. Ông đã khiến tất cả mọi người sống với những lời dạy của đức Phật mà không hề bị mặc cảm là kẻ bội giáo hay bị ngăn cản bởi áp lực tình cảm tôn giáo. Một người hãy cứ sống thiện đi thì đã là Phật tử rồi, không cần phải khoe khoan mình là đệ tử ai hay giáo lý nào anh ta theo đuổi.


---o0o---

II.Phật pháp và bia ký Asoka

Sau một thời gian học hỏi và thực hành giáo lý của đức Phật Asoka nhận ra sự tiến bộ của bản thân cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Ông cảm thấy phấn chấn hẳn lên , sức khỏe dồi dào và năng lực làm việc tăng lân rõ rệt. So với thời gian trước ông từng phàn nàn về năng lực yếu kém của mình275 thì giở đây Asoka cảm thấy tinh tấn vượt trội, thích thú giải quyết việc nước việc dân và hăng hái làm nhiều việc thiện276 .Phật pháp đã tiếp sức cho ông. Cảm nghiệm sự tiến bộ của tự thân nhờ thực hành lời dạy của đức Phật, Asoka nghĩ ngay đến biện pháp khiến cho hết thảy mọi người đều được tiến bộ và lợi ích bởi Chánh pháp. Ông cho khắc các huấn chỉ của mình lên vách núi và trụ đá với hy vọng “ quần chúng sau khi nghe được sẽ theo đuổi và sẽ đạt được tiến bộ và lợi ích trong Chánh pháp.”277 .Đó là lý do ra đời của các bia ký và trụ đá Asoka.

Do đó, nếu xem xét kỹ các sự kiện liên quan đến cuộc đời của Asoka ta đã có thể thấy được mối liên hệ mật thiết giữa Phật pháp và các bia ký của ông. Asoka thực hành Phật pháp, nhận ra lợi ích của lời Phật dạy và ông cho khắc các chỉ dụ của mình lên các bia đá với hy vọng truyền đạt cho mọi người lợi ích của Phật pháp mà chính ông đã gặt hái được. Nói khác đi, các bia ký và trụ đá của ông chính là hệ quả của sự thực hành Phật pháp mà Asoka mong muốn chia sẻ với hết thảy mọi người. Do tính phổ thông của nguồn giáo lý được tìm thấy trong các bia ký và trụ đá nên nhiều người đã nghĩ rằng Pháp của Asoka không phải là Phật pháp. Tuy nhiên từ cơ sở các cứ liệu đã nói từ trước đến nay ta đã có thể hoàn toàn an tâm với kết luận về Pháp của Asoka. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ xem Asoka đã vận dụng giáo lý nào của Phật giáo vào đường lối trị quốc của ông, và để có được lời giải đáp này chúng ta phải xem Asoka đã nói gì trong các bia ký của ông, song song với việc dẫn chứng những lời dạy của đức Phật trong kinh tạng mà từ đó Asoka đã rút ra.

Để hiểu được Pháp của Asoka, chúng ta cần phải hiểu đối tượng mà Asoka muốn truyền đạt là ai song song với việc tìm xem những giáo lý nào trong Phật giáo mà Asoka đã vay mượn. Về phương diện này, D.R.Bhandarkar hoàn toàn có ký khi nói rằng Asoka là một cư sĩ và đối tượng mà ông muốn giảng dạy Chánh pháp cũng là những người cư sĩ. Học giả này cũng tỏ ra xuất sắc khi phân biệt hai nguồn giáo lý mà Phật giáo dành cho hai đối tượng khác nhau giữa tu sĩ và cư sĩ và cho rằng pháp của bia ký Asoka là các giáo lý Phật giáo dành cho hàng tại gia cư sĩ. Chúng ta không nghĩ rằng Asoka chỉ đề cập những vấn đề liên quan đến đời sống cư sĩ, bởi một vài nơi trong các bia ký và trụ đá của ông Asoka cũng biểu lộ mối quan tâm đối với đời sống tu sĩ. Bia ký Bhabrù, chẳng hạn, đề cập các bản kinh Phật bói về phạm hạnh của các bậc thánh (Aliya-vasàni), về đời sống ẩn sĩ (Muni-gàthà), về độc cư thiền tịnh (Mauneya-sùte), về sự tinh tấn của người xuất gia trước lẽ vô thường (Anàgat-bhayàni); hay trong các trụ đá Sànàrth, Kauśàmbì và Sàñchì, Asoka bày tỏ mối lo ngại về tình trạng chia rẽ trong Tăng già và đã ra điều lệ khắc phục.Tuy nhiên nhìn chung thì đối tượng mà các chỉ dụ Asoka muốn nhắn đến là những người cư sĩ và Pháp mà Asoka mong muốn truyền đạt cũng là Pháp dành cho cư sĩ. Điều này có thể được thấy rõ qua việc Asoka luôn nhấn mạnh đến hạnh phúc đời này và đời sau của quần chúng thông qua nếp sống đạo đức nhân ái mà ông đã lập đi lập lại nhiều lần trong các bia ký và trụ đá của ông.



Asoka đề cao nếp sống không sát sanh278, hiếu kính cha mẹ279 và các bậc trưởng thượng280, tôn trọng thầy cô giáo281 cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn282 sử sự tốt đối với thân bằng quyến thuộc283chia sẻ với bạn bè284,đối đãi nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc285, giúp đỡ người già, người nghèo khó, kẻ khổ đau286.Ngoài ra bia ký Asoka còn nhấn mạnh các đức tính như thiện tâm (dayà)287, bố thí (dànam)288, thành thật (satyam)289, trong sạch (śaucham)290, lịch thiệp (màrdavam)291, thánh thiện (sàdhutà)292, tiết kiệm (apa-vyayatà)293, tự chế (samyama)294,tịnh tâm (bhàva-śuddhi)295, biết ơn (kritajñatà), bất hại (avihàsà)296, tận tâm (dridha-bhaktinà)297, yêu mến sự thật (dharma-rati)298. Đặc biệt Asoka đề cao nguyên lý chiến thắng bằng Chánh pháp hay đạo đức (Dharma-vijaya) được nỗ lực làm việc lành, tỏ rõ thiện tâm, sống với tâm hào phóng, chân thật và trong sạch.

Tổng hợp các đức tính và nguồn giáo lý bia ký trên đây chúng ta thấy rằng Asoka đã đọc rất kỷ các bản kinh Phật để rút ra các nguyên lýđạo đức cần thiết cho cuộc sống con người, đặc biệt là đời sống Phật tử có các bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình và nhiều mối tương giao với xã hội. Không sát sanh là nguyên lý đạo đức đầu tiên mà một người Phật tử phải tuyệt đối tuân thủ nhằm bảo đảm hạnh phúc cho tự thân và cho mọi loài. Chúng ta không có gì nghi ngờ về nguyên lý không sát sanh được nói đến trong các bia ký Asoka bởi đây là giới cấm thứ nhất trong số năm giới cấm (pañca-sìla) của Phật giáo mà một người Phật tử phải tuân giữ. Về phương diện ứng xử đạo đức trong đời sống gia đình và tương giao xã hội, Asoka hẳn đã chú ý rất nhiều đến bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Sungàlovàda Suttanta) được lưu giữ trong tuyển tập Trường Bộ (Dìgha Nikàya). Bài kinh này, thứ 31 trong số 34 bài kinh thuộc tuyển tập Trường Bộ, đề cập chi tiết về nếp sống đạo đức của người Phật tử được thể hiện cụ thể qua việc biết cân nhắc chọn lựa giữa những gì nân và không nên làm, song song với việc thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người gia chủ đối với (a) cha mẹ, (b) thầy cô giáo, (c) vợ con,(d) bạn bè và thân bằng quyến thuộc, (e) người làm công, kẻ nô bộc, và (f) các Sa-môn, Bà-la-môn. Do tính chất quan trọng của nó đối với đời sống người cư sĩ, bài kinh được mệnh danh là giới luật của người gia chủ (gihi-vinaya). Theo ông, bất cứ ai lắng nghe bài kinh này thì vị ấy nhất định sẽ tốt hơn, không xấu299.Bài kinh do đức Phật thuyết giảng cho một thanh niên có tên là Singàla, người mà ngài đã gặp trong lúc đi khất thực ở thành Vương Xá (Ràjagaha). Vị thanh niên này tuân thủ lời di huấn của phụ thân trước lúc lâm chung bào chàng lễ bái sáu phương vào mỗi buổi sáng sớm. Hôm ấy, bắt gặp Singàla đang hành lễ ở bên ngoài cổng thành, đức Phật hỏi lý do và rồi dậy cho chàng hành lễ sáu phương ‘ phù hợp với pháp luật của bậc thánh’. Đức Phật dạy Singàla rằng theo giáo pháp của ngài, sáu phương tiêu biểu cho sáu mối quan hệ mà một người gia chủ cần phải khéo thiết lập và cư xử. Phương Đông tiêu biểu cho cha mẹ; phương Nam là sư trưởng; phương Tây là vợ con; phương Bắc là bạn bè; phương Dưới là lao công, tôi tớ; phương Trên là Sa-môn, Bà-la-môn. Ngài dạy Singà la rằng thay vì lễ sáu phương, một người nên làm tốt các trách nhiệm đối với gia đình và xã hội như hiếu thảo đối với cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, yêu thương vợ con, chia sẻ với bạn bè, hậu đãi người làm công và kẻ nô bộc, cung kính cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn. Bài kinh dành phần lớn một dung để mô tả sáu mối tương giao, các trách nhiệm và bổn phận mà người ta cần thực hiện trong các tương giao và kết quả mà đôi bên cùng được hưởng nhờ thực hiện tốt các mối giao hảo. Chẳng hạn, con cái hết lòng phụng dưỡng cha mẹ thì đáp lại cha mẹ sẽ thương yêu con cái và sẽ làm mọi điều tốt lành cho con. Một học trò biết tôn trọng và vâng lời thầy thì đáp lại người thầy sẽ hết lòng dạy dỗ học trò và sẽ tạo điều kiện cho học trò thành đạt. Một người chồng nhất mực thương yêu và thủy chung với vợ thì người vợ sẽ đảm đang chu tất mọi việc trong gia đình. Một người sẵn sàng chia sẻ và chân thành với bạn thì đáp lại sẽ được bạn bè quý mến và tìm cách bảo vệ. Một người chủ luôn quan tâm và hậu đãi người ăn kẻ ở thì đáp lại sẽ nhận được sự phục dịch tận tâm của người làm công, kẻ tôi tớ. Một cư sĩ biết cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn thì đáp lại vị ấy sẽ nhận được những lời khuyên dạy bổ ích từ những con người thánh thiện này. Các bia ký Asoka không mô tả cặn kẽ sáu mối tương giao giống như bài kinh nhưng chắc chắn Asoka đã mong muốn tất cả thần dân của mình sẽ sống đúng như những gì được mô tả trong bài kinh, bởi lẽ đây chính là các nguyên lý giúp xây dựng đời sống hạnh phúc gia đình và tiến bộ xã hội. Rõ ràng Asoka đã không phải bận tâm nhiều cho việc tìm ra các nguyên tắc trị quốc bởi nguồn giáo lý Phật giáo mà ông tỏ ra quan tâm và thích thú nghiên cứu và học hỏi đã giúp ông rất lớn. Ông nhấn mạnh việc hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, xử sự tốt đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc, cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, hậu đãi người làm công, kẻ giúp việc, xem ra tất cả điều này đã được đức Phật chi 3 dạy cặn kẽ cho thanh niên Singàla ở trong bài kinh Singàlovàda.

Đối với một số đức tính mà các bia ký Asoka nhấn mạnh như thiện tâm (dayà), bố thí (dàna), chân thực (sacha), trong sạch (sochaya), thánh thiện (sàdhutà), tự chế (samyama), nhã nhặn (màdava), tận tâm (drdhabhaktità), bất hại (avihìsà), chúng ta có bài kệ, ghi trong bài kinh Tướng (Lakkhana Suttanta) thuộc Trường Bộ (Dìgha Nikàya), đề cập các đức tình tương ứng .Bài kệ này, nêu rõ một số đức tính mà nếu chuyên tâm thực hành thì hạnh phúc và an lạc cõi trời sẽ được thành tựu, chép như sau:

“ Sacce ca dhamme ca dame ca samyame soceyya-sìlàlay-uposathesu ca,

Dàne ahimsàya asàhase rato dalham samàdàya samattam àcari.”

“Sống chân thực, đúng pháp,

Điều phục và tự chế,

Sống với hạnh thanh tịnh,

Ngày trai giới, Bố tát.

Bố thí, không bạo động,

Không làm hại một ai,

Tâm kiên cố hành trì,

Sống thật sự toàn diện.”300

So sánh các bia ký Asoka và bài kệ trích dẫn trên đây chúng ta thấy rằng các đức tính như chân thật (sacha), trong sạch (sochaya), bố thí (dàna), bất hại (ahimsà), tự chế (samyama), tận tâm hay tâm kiên cố (dridhabhaktità) là hoàn toàn giống hau giữa hai nguồn tài liệu D.R.Bhandarkar cho rằng đức tính bất hại (ahimsà/asàhasa) và tự chế (dama/samyama) được nêu trong bài kệ là tương ứng với đức tính thiện tâm (dayà) và nhã nhặn (màdava) của bia ký Asoka. Bhandarkar cũng xem việc trì giới (sìla) được ghi trong bài kệ là tiêu biểu cho đức tính thánh thiện (sàdhutà) mà bia ký Asoka đã nói đến301. Thông tin từ bài kinh cho chúng ta hay những đức tính được đề cập trong bài kệ vốn là sở hành của Như Lai trong nhiều tiền kiếp nên hiện tạo ngài được sinh ra với đầy đủ hảo tướng của bậc Đại trượng phu, quyết chắc thành tựu hai ngôi vị cao thượng, hoặc trở thành bậc Chánh giác thuyết pháp độ sanh hoặc làm vị vua Chuyển luân Thánh vương chinh phục thiên hạ bằng Chánh pháp. Rõ ràng Asoka đã đọc rất kỹ bài kinh này và đã tìm thấy các đức tính trên đây là khả dĩ để bổ sung cho nguồn giáo pháp của ông. Ông vận dụng nguồn giáo lý này thứ nhất bởi ông tin tưởng vào kết quả hiện tại và tương lai của các đức tính được nêu trong bài kệ và thứ hai bởi nguồn cảm hứng rút ra từ bài kinh, đặc biệt là về gương sáng của đấng minh quân chinh phục thiên hạ bằng Chánh pháp được mô tả trong bài kinh mà chính Asoka đã và đang nỗ lực theo đuổi.

Một nguồn giáo lý khác mà Asoka đã vận dụng và đưa vào văn bản bia ký của ông là bài kinh Điềm lành lớn hay Vận may tối thượng (Mahàmangala Sutta) được lưu giữ trong Kinh Tập (Sutta Nipàta). Bài kinh này đề cập một loạt các đức tính và bổn phận của người cư sĩ sống đời sống gia đình mà sự thực hành chúng sẽ mang lại cho vị ấy vận may tối thượng (mahàmangala). Bài kinh có tên Mahàmangala, , nêu trỏ các lý do để thành tựu vận may tối thượng, khiến chúng ta liên tưởng đến bia ký số IX trong đó Asoka khuyên thần dân của mình nên đánh dấu những ngày kỷ niệm bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với Chánh pháp gọi là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala). Các đức tính và bổn phận được nêu trong bài kinh gồm : (1) không thân cận kẻ ngu nhưng gần gũi bậc trí; (2) cứ trú nơi thích hợp và thường xuyên tự thẩm xét chính mình (atta-sammàpanidhi); (3) siêng năng học tập, giỏi tay nghề, khéo huấn luyện và khéo ăn nói (subhàsità-vàcà); (4) chăm sóc mẹ cha (màtàpitu-upatthàna), nuôi dưỡng vợ con, yêu mến an tịnh; (5) bố thí (dàna), sống chân chánh (dhamma-cariyà), giúp đỡ các bà con (ñàtakànam sangaha), hành động không lỗi lầm (anavajjàni Kammàni); (6) từ bỏ điều ác (pàpapàrati), chế ngự đam mê rượu, nhiệt tâm trong Chánh pháp (dhammesu appamàda), (7) kính lễ và hạ mình, biết đủ và biết ơn (kataññutà), đúng thời nghe Chánh pháp (dhammasavanam); (8) nhẫn nhục, nói lời hòa nhã (sovacassatà), giao thiệp với bậc chân nhân, đàm luận Chánh pháp (dhamma-sàkacchà); (9) sống phạm hạnh trong sạch (brahmacariyà), hiểu rõ bốn Thánh đế, chứng ngộ quả Niết bàn; (10) tâm không động, không sầu muộn, không vướng lụy khi xúc phạm với mọi thứ ở đời.

So sánh nguồn giáo lý trong các bia ký Asoka và nội dung bài kinh trên chúng ta thấy rằng Asoka hầu như đã vay mượn toàn bộ bài kinh Mahàmangala để xây dựng giáo pháp của ông. Các động thái mà bia ký Asoka nhấn mạnh như hiếu kính cha mẹ, bố thí, chăm sóc giúp đỡ bà con, tránh xa tội lỗi, cung kính các Sa-môn, Bà-la-môn đều được tìm thấy trong bài kinh . Hơn thế, các đức tính khác mà Asoka đề cao như thiện tâm, nhã nhặn, chân thật, trong sạch, thánh thiện , tự chế, biết ơn, yêu mến sự thật, thẩm xét tự thân, v.v,cũng được bài kinh nói đến như là các điều kiện để thực hiện vận may tối thượng.

Nhưng Asoka không chỉ khuyến khích điều thiện, ông còn chỉ rõ điều ác (àsinava/papa)302 và khuyến cáo mọi người nên lánh xa303. Về mặt này, Asoka cũng vay mượn những lời dạy của đức Phật ở trong kinh tạng. Trong các bia ký của ông, Asoka xem các hành vi như sát sanh, tàn bạo, sân hận,kiêu căng, ganh tỵ304, tham lam, đua nịnh, dễ cáu gắt, thiếu kham nhẫn, lười biếng, thờ ơ305, không hiếu kính cha mẹ, dối gạt vợ con, không chân thực với bạn bè, không chia sẻ với bà con, không bố thí306 là những điều ác không nên làm. Trong số các cảnh báo của đức Phật về điều ác, phi pháp, những lời khuyến cáo của ngài lưu trong bài kinh Bại vong (Paràbhava Sutta) thuộc Kinh Tập (Sutta Nipàta) có thể được xem là nguồn tài liệu mà Asoka s9ã vay mượn để sử dụng trong các chỉ dụ của ông.Bài kinh ghi lời đức Phật nói về các điều ác, phi pháp như sau:

(1) Thường xuyên giao du với kẻ ác và thực hành pháp của kẻ ác:

(2) Lười biếng , không nỗ lực, dễ cáu gắt và thích đám đông;

(3) Giàu có nhưng không phụng dưỡng mẹ cha;

(4) Dối trá, lừa gạt kẻ nghèo khó, bậc Sa-môn, Bà-la-môn.

(5) Có tài sản lớn nhưng không san sẻ với một ai;

(6) Tự hào về dòng dõi, tài sản, gia đình, khinh thị các bà con;

(7) Đắm say tửu sắc, tiêu xài hoang phí.

(8) Quan hệ bất chính với vợ người;

(9) Ghen tỵ vợ mình;

(11)Tiêu xài lãng phí khi tại chức vị;

(12)Tham lam vô độ.

Cả hai nguồn tài liệu nói trên khá thống nhất trong việc nêu trỏ một số điều ác, phi pháp và đều xác nhận chúng là nguyên nhân của mọi thất bại. Trong bài kinh Paràbhava, đức Phật gọi chúng là nguyên nhân dẫn đến bại vong; trong bia ký của mình Asoka xem chúng là “những lý do thất bại.”307

Sau cùng, chúng ta chú ý tới quan niệm chinh phục lòng người bằng Chánh pháp hay đạo đức (Dharma-vijaya) mà Asoka đã xem như là nguyên lý căn bản cho đường lối cai trị của ông. Asoka đã áp dụng chính sách đức trị và trong chừng mực nào đó đã thành công trong việc đưa đất nước đến chỗ thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp, đồng thời thiết lập quan hệ hòa hiếu với các nước trong khu vực. Về phương diện này,Asoka rõ ràng đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là nguồn cảm hứng rút ra từ hai bài kinh ở Trường Bộ, kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavattì Sìhanàda Suttanta) và kinh Tướng (Lakkhana Suttanta). Hẳn là hình ảnh vị vua Chuyển luân Thánh vương cai trị bằng Chánh pháp được mô tả trong hai bài kinh đã tạo ấn tượng lớn đối với Asoka và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường lối trị quốc của ông: “ Vị này (Chuyển luân Thánh vương) dùng Chánh pháp trị nước, là vị Pháp vương , bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy báu. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với Chánh pháp, không dùng trượng , không dùng đao.” Trong bia ký IV, Asoka tuyên bố dùng Pháp âm (Dharma-ghosa) thay thế tiếng trống trận (Bherì-ghosa), nghĩa là từ bỏ chiến tranh xâm lăng và chủ trương chinh phục lòng người bằng đạo đức hay Chánh pháp (Dharma-vijaya). Trong bia ký Kalinga II, Asoka khiến cho các quốc gia khác yên tâm và thoát khỏi lo lắng về mối đe dọa xâm lăng bởi lời tuyên bố bao dung và từ bỏ chiến tranh của ông: “ Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này : ‘Nhà vua này muốn gì ở chúng ta?’ Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để đượclợi ích đời này và đời sau.” Bia ký XIII nêu sự kiện Asoka mong muốn tất cả chúng sinh không bị tổn hại, chế ngự tham dục, được đối xử côngbằng và sống hạnh phúc. Bia ký này nhấn mạnh nguyên lý Đức trị hay chinh phục đạo đức (Dharma-vijaya) mà Asoka xem là căn bản cho đường lối đối nội và đối ngoại của ông. Ông cũng kêu gọi tất cả con cái và cháu chắt ông chớ có tìm kiếm sự chinh phục nào khác ngoài việc chinh phục một lãnh thổ mới bằng chiến tranh xâm lăng dẫn đến các nỗi khổ đắng cay và gây hiểm họa cho văn hóa, đồng thời bảo đảm thiện chí của các lân bang và tôn trọng các hiệp ước về toàn vẹn lãnh thổ, song song với việc chiếm trọn tình cảm và lòng biết ơn của các quốc gia này ngang qua các hoạt động , văn hóa và từ thiện.308
---o0o---

III.Tư tưởng Phật học trong các bia ký Asoka

Tài liệu bia ký và trụ đá Asoka mang âm hưởng tư tưởng tôn giáo và triết lý sâu sắc đến độ nhiều người đã nghĩ rằng Asoka là một nhà hiền triết hay một giáo chủ tôn giáo hơn là một hoàng đế. Thực ra Asoka chỉ là người ham thích học hỏi tôn giáo, nhiên cứu triết lý và khéo vận dụng các tư tưỏng tôn giáo và triết lý ấy vào đường lối trị quốc của ông. Sự khôn ngoan của một nhà lãnh đạo là biết tập hợp chung quanh mình nhiều bộ óc giỏi và tận dụng tối đa khả năng biến hóa của những bộ óc đó cho mục đích của mình. Asoka đã tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm Phật giáo đủ để dùng vào việc trị quốc của ông. Các bia ký và trụ đá của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng và triết lý Phật giáo mà ông đã thai nghén lâu ngày và mong muốn được chia sẻ với mọi người.

Will Durant nói rằng các sắc lệnh của Asoka rõ ràng chịu ảnh hưởng Phật giáo, trong số các sắc lệnh ấy có chỗ nói tới một đời sống vị lai đấy, và chỉ điểm đó cũng đã cho ta thấy rằng tư tưởng, tín ngưỡng của Phật tử đã khác xa chủ trương hoài nghi của Phật tổ rồi. Nhưng không có đoạn nào trong các sắc lệnh bảo dân phải thờ phụng một vị thần nào cả, chẳng những vậy , ngay đến Phật tổ, cũng không bắt dân thờ nữa309.Nhận định này của Will Durant không hoàn toàn chính xác cho lắm,nhất là đoạn nói về sự khác biệt giữa tín ngưỡng của Phật tử và chủ trương của Phật tổ, tuy nhiên Durant hoàn toàn đúng khi cho rằng các sắc lệnh Asoka chịu ảnh hưởng Phật giáo và không bắt dân ph3i tôn thờ thần linh, ngay cả Phật tổ. Đây quả là một trong số các đặc điểm của tư tưởng Phật học được tìm thấy trong bia ký Asoka mà tiếp theo chúng ta sẽ khảo sát.

Nhưng trước khi xem xét nội dung các tư tưởng Phật học được phản ánh trong bia ký Asoka, ta cũng nên nhắc lại ở đây quan điểm của D.R.Bhandarkar rằng Asoka là một cư sĩ và đối tượng mà ông muốn truyền dạy Chánh pháp cũng là những người tại gia cư sĩ. Bởi vậy không phải tất cả tư tưởng triết lý của Phật giáo đều bao hàm trong bia ký của ông. Asoka là một Phật tử đồng thời là một vị vua, do đó những gì ông nói và làm chắc chắn không vượt ra ngoài cương vị một Phật tử và hơn thế một hoàng đế có trách nhiệm chăm lo lợi ích chung của cộng đồng. Bia ký Asoka phản ánh các tư tưởng sau đây:


1,Tư tưởng tôn trọng sự sống hay bất hại (Ahimsà):
Các bia ký Asoka nhấn mạnh nguyên lý không sát sanh hay bất hại (bia ký III, IV, IX, XI, XIII; trụ đá V, VII) ngụ ý xây dựng một đời sống đạo đức thánh thiện trên cơ sở tôn trọng sự sống của tất cả mọi loài. Không sát sanh tức không cố ý giết hại hay gây thương tổn đối với mọi loài hữu tình và bất hại (ahimsà) cũng có nghĩa là chấm dứt mọi ý tưởng và hành động sát hại hay gây thương tổn đối với sự sống (Ca kàyena vàcàya manasà ca (bhùtànam) nahimsati)310. Đây là đặc điểm nổi bật trong các bia ký Asoka, phản ánh sâu sắc tư tưởng từ bi, tôn trọng sự sống và bất bạo động của Phật giáo. Asoka khuyên tất cả thần dân của mình tránh xa sát sanh, không làm tổn hại đến mọi loài bởi ông mong muốn tất cả chúng sinh thoát khỏi bị hại, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc (bia ký XIII). Ông tuyên bố từ bỏ mọi ý đồ xâm lăng bởi ông từng chứng kiến cảnh tượng tàn khốc của chiến tranh và chết choc. Ở đây Asoka như đọc thấy tư tưởng hết sức nhân bản của đức Phật khi ngài nói đến một tâm lý rất chung của chúng sanh là lo sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống. Kinh Pháp cú dạy như thế này: “ Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống; hãy lấy mình làm ví dụ để không giết hại và không khiến người khác giết hại.”311 .Asoka ngăn cấm nạn giết hại súc vật để tế lễ, một hành vi tìm kiếm an lạc cho mình qua việc gây khổ đau cho kẻ khác không chút thương tâm và không mấy công bằng của các tín đồ Ấn giáo. Việc làm này cho thấy Asoka đã theo gương đức Phật khi ngài phản đối thái độ sai lầm của con người dùng sự sống của kẻ khác để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Đương thời người ta thấy đức Phật lên án mạnh mẽ tục hiến tế súc vật của các Bà-la-môn, cho rằng đó là hành vi của những người tự hành khổ mình và hành khổ người. Động thái này của Asoka cũng phản ánh một tư tưởng rất người và rất mực công bằng của Phật giáo rằng tất cả chúng sanh đều mong muốn được an lạc, bởi vậy không thể dùng khổ đau của kẻ khác để đổi lấy an lạc cho chính mình. Đức Phật dạy: “ Chúng sanh cầu mong được an lạc.Ai dùng roi trượng hại kẻ khác để tìm an lạc cho mình, người ấy không đạt được an lạc ở đời sau.”312
---o0o---
2.Tư tưởng thiết thực hiện tại hay tinh thần thực tiễn
Điều này ngụ ý những việc làm thiết thực hữu ích mà con người cần tỏ rõ trong cuốc sống của mình. Chẳng hạn , trong bia ký XI, Asoka đề cao Pháp thí hay quà tặng Chánh pháp (Dharma-dàna) và liền chỉ rõ đó là những động thái thiết thực mà con người cần phải làm và khuyến khích người khác cùng làm như hiếu kính cha mẹ; cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; chia sẻ với bà con, bạn bè; đối xử nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc, Nói khác đi, khi một người thực hiện và khuyến khích người khác làm những việc như trên thì được gọi là Pháp thí hay ban bố Chánh pháp cho kẻ khác. Như vậy Pháp thí ở đây có nghĩa là hành động hay việc làm thiết thực hữu ích mà một người có thể làm cho người khác. Đây là một trong những đặc điểm của giáo lý Phật giáo mà có lẽ Asoka đã đọc được khi tiếp cận với những lời dạy của đức Phật. Chúng ta thấy trong bài kinh Singàlovàda (Giáo thọ Thi CaLaViệt) rằng đức Phật đã dạy cho thanh niên Singàla thế nào là ý nghĩa thiết thực của lòng tôn kính sáu phương. Ngài đã cũ thể hóa sáu phương thành sáu mối tương hệ trong cuộc sốn và khuyên Singàla nên xử sự “đúng pháp” trong tất cả các mối tương hệ đó. Chẳng hạn, để tỏ rõ tấm lòng tôn kính đối với phương Đông thì thay vì hướng về phương Đông lễ lạy, người ta nên hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ hiện tiền. Đối với phương Nam tiêu biểu cho sư trưởng hay thầy cô giáo thị việc kính lễ nên được tiến hành bằng cách tôn trọng và lắng nghe lời dạy bảo của thầy. Phương Tây tiêu biểu cho vợ con, do đó việc chăm lo hạnh phúc cho vợ con là đồng nghĩa với lòng tôn trọng phương Tây. Đức Phật gọi phương Bắc là bạn bè và khuyên Singàla nên tôn kính phương Bắc bằng cách luôn luôn sống chân thành và hết lòng với bạn. Phương Dưới được xem là tiêu biểu cho kẻ ăn người ở, bởi vậy, để tỏ lòng tôn trọng phương Dưới, người ta nên đối đãi nhân hậu với kẻ ăn người ở của mình. Phương Trên ngụ ý các Sa-môn và Bà-la-môn mà nghĩa cử tôn kính và cúng dường cho các bậc thánh nhân này được xem là đồng nghĩa với việc đảnh lễ phương ấy.

Asoka thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thực tiễn của Phật giáo khi ông ban bố chỉ dụ kêu gọi mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật, tiễn người đi xa bằng những việc làm thiết thực và hữu ích hư đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở, tôn trọng thầy cô giáo, không sát hại sinh linh, bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn (bia ký IX). Ở đây bia ký Asoka khiến chúng ta nhớ tới lời dạy của đức Phật trong bài kinh Kùtadanta, Trường Bộ, khi ngài nói đến việc thay thế các lễ tế đàn giết hại súc vật và hao tốn tiền của bằng những việc làm thiết thực và hữu ích như bố thí, trì giới, làm các điều thiện. Asoka cố ý xây dựng truyền thống lễ hội theo tinh thần này bởi theo ông đó là những nghĩa cử cao đẹp, thiết thực, hợp với đạo lý mà ông gọi là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala). Ông cũng muốn đơn giản hóa các cuộc lễ hội dân gian thường được tổ chức rất linh đình và tốn kém bởi ông cho rằng đây là cách hay nhất để tiết kiệm sức người và sức của (apa-vyayatà-apa-bhàndatà).313

Liên quan đến tinh thần thực tiễn trong các bia ký Asoka, tôi chú ý đến câu chuyện ngụ ngôn được ghi trong bài kinh Kùtadanta mà tôi tin Asoka đã từng đọc qua. Chuyện kể như thế này : “ Thuở xưa, có một vị vua tên là Mahàvijita rất giàu có, tài sản của cải chất thành đống , sở hữu vô số vàng bạc và châu báu. Một hôm, đang ngồi ở nơi nhàn tịnh, nhà vua suy nghĩ: ‘Ta đã sở hữu nhiều tài sản, đã chiếm được một vùng đất đai rộng lớn. Nếu nay ta tổ chức một tế đàn lớn, như vậy phải chăng ta sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài?’ Nhà vua liền cho gọi người chủ tế và thông báo cho ông ta về suy nghĩ của mình. Vị chủ tế liền tâu: ‘ Nay vương quốc của Bệ hạ đang gặp tai ương bởi nạn cướp bóc, làng mạc và thành thị bị tàn phá, nông thôn nhan nhản kẻ cướp. Nếu Bệ hạ cho đánh thuế các vùng này thì đó là việc làm sai lầm. Nếu Bệ hạ nghĩ rằng: ‘Ta sẽ tiêu diệt dịch cướp bằng cách hành hình, tống tù, tịch thu, đe dọa trục xuất,’ như vậy nạn cướp này sẽ không hoàn toàn chấm dứt. Những kẻ sống sót sẽ tiếp tục nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. Tuy nhiên, bằng cách này, Bệ hạ có thể loại sạch nạn cướp, tức là, những ai trong vương quốc của Bệ hạ chuyên việc canh tác và chăn nuôi, Bệ hạ hãy cung cấp hạt giống và thực phẩm gia súc cho họ; những ai chuyên việc kinh doanh, Bệ hạ hãy đầu tư tiền vốn; những ai phục vụ triều chính, Bệ hạ hãy trả tiền lương đủ cho họ sinh sống. Những người này, so mải mê làm công việc của mình, sẽ không nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. Thu nhập của Bệ hạ ngày càng tăng, xứ sở được thanh bình, không còn tai ương cướp bóc, dân chúng hân hoan, vui đùa với con cái và sống với cửa nhà rộng mở.”314

So sánh đoạn văn trên với các bia ký Asoka, chúng ta có cở sở để tin rằng Asoka đã rút ra những bài học bổ ích cho việc trị quốc của ông từ những bản kinh như thế này. Các chính sách được nói tới trong các bia ký của ông như đề cao đạo đức, chăm lo hạnh phúc cho dân, tăng cường đầu tư cho các công trình công ích và phúc lợi xã hội, ưu đãi đối với người già cả, kẻ nghèo khó, phụ nữ lầm đường lạc lối, khoan dung và giảm án cho các phạm nhân, v.v… hẳn là những chính sách thiết thực hữu ích mà Asoka đã học được từ Phật giáo và đã ứng dụng thành công trong lĩnh vực trị quốc của ông.


3.Tư tưởng hòa bình- Vô úy thí (Abhaya-dàna):
Asoka thấm nhuần giáo lý từ bi, tôn trọng sự sống của Phật giáo nên bia ký của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng hòa bình, bất bạo động. Ông tuyên bố dùng Chánh pháp thay trống trận315, chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái316, biểu lộ tấm lòng bao dung và độ lượng đối với lỗi lầm của mọi người317. Asoka nhận rõ thảm cảnh của chiến tranh và ý đồ đen tối của mộng xâm lăng ngay sau khi ông vừa chinh phục xứ sở Kalinga. Ông tỏ ra ân hận về công cuộc xâm lăng của mình “ bởi đã gây ra cảnh chết choc đầy tang thương cho dân chúng một xứ sở độc lập.”318 .Kể từ sau chiến thắng Kalinga trở đi, Asoka từ bỏ chiến tranh, xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình, bất bạo động. Trong bia ký Jaugada, ông khẳng định không dùng vũ lực quân sự để xâm lăng các quốc gia khác mà dùng điều thiện để phục vụ lợi ích của mọi dân tộc. Asoka xác nhận trong bia ký rằng ông làm như vậy là để trả nợ cho tất cả chúng sinh , rằng ý chí, quyết tâm của ông là không bao giờ thay đổi, Ở đây chủ trương hòa bình của Asoka là đồng nghĩa với vô úy thí (abhaya-dàna) hay ban phát không sợ hãi cho loài hữu tình được nói đến trong Phật giáo. Bởi bạo động, chiến tranh mang đến khổ đau và sợ hãi cho chúng sinh, chủ trương hòa bình, bất bạo động của Asoka có nghĩa là giải phóng chúng sinh khỏi khổ đau và sợ hãi. Ở đây ta lại thấy Asoka như đọc được lời dạy về úy thí của đức Phật : “ Này các Tỷ -kheo, Thánh đệ tử tứ bỏ sát sanh, ban bố không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, ban bố không hận thù cho vô lượng chúng sinh, ban bố không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi ban bố cho vô lượng chúng sinh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là đại bố thí.”319

Phật giáo nói đến ba loại bố thí-tài thí (àmisa-dàna), pháp thí (dharma-dàna) và vô úy thí (abhaya-dàna). Tài thí là cung cấp vật dụng hay tạo phương tiện sinh sống cho người khác. Pháp thí là khuyến khích hay dạy ngưòi hưóng thiện, tu nhân tích đức. Vô úy thí là tỏ rõ tấm lòng từ bi bằng cách giải phóng mọi người khỏi lo âu và sợ hãi. Asoka xem ra đã thực hiện đầy đủ các hạnh bố thí được nói đến trong Phật giáo. Ông lãnh đạo đất nưóc giàu mạnh,ban bố các chính sách thiết thực khiến dân chúng an cư lạc nghiệp tức là đã làm tròn hạnh nguyện tài thí hay bảo đảm sinh kế cho tất cả mọi người. Tự thân ông cũng thăm viếng, tặng quà và hỗ trợ tiền tài cho các Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc cao niên trưởng lão320.Ngoài ra , hạnh bố thí tài vật của ông cũng được đánh dấu bởi chính sách bang giao giúp đỡ các quốc gia khác về phương diện y tế và các chế độ an sinh phúc lợi xã hội. Asoka đề cao pháp thí bằng cách nỗ lực truyền bá Chánh pháp và đẩy mạnh đường lối giáo dục đạo đức cho mọi tầng lớp của xã hội, Ông cũng tỏ rõ là người thực hiện hạnh Pháp thí khi ủng hộ công cuộc truyền bá Phật pháp do các tăng sĩ Phật giáo thực hiện ở khắp nơi trong nước và ở ngoài nưóc. Đặc biết , với chính sách hòa bình và với tấm lòng đầy bao dung độ lượng, Asoka đã thiết lập đức vôúy, khiến cho hết thảy mọi người không còn lo sợ bởi chiến tranh khổ đau mà hoàn toàn tin tưởng ở ông, bởi “đức vua giống như người cha, thươngyêu hết thảy mọi người, xem mọi người như con cái”, và bởi “đức vua sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp mọi người thực hành Chánh pháp để được lợi ích đời này và đời sau.”321


4.Tư tưởng bao dung hay hộ trì chân lý (Saccà-nurakkhana) :
Bia ký Asoka cũng phản ánh tư tưởng bao dung hay tinh thần hộ trì chân lý được nói đến trong Phật giáo. Theo quan điểm của đức Phật, bao dung hay hộ trì chân lý có nghĩa là khẳng quyết đức tin của chính mình nhưng không vì thế mà bài xích niềm tin của người khác. Đây là sắc thái tư tưởng rất đặc biệt của đức Phật, đặt nền tảng cho thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng của người khác rất sáng suốt và rất trí thức của Phật giáo. Trong bài kinh Thương Già (Cankì Sutta), số 95, Trung Bộ (Majjhima Nikàya), đức Phật nêu rõ thái độ bao dung và hộ trì chân lý như sau: “ Này Bhàradvàja, nếu có người có lòng tin và bảo : ‘Đây là lòng tin của tôi,’ người ấy hộ trì chân lý ; nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: ‘ Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm.’322. Ngài nói thêm với Bhàradvàja rằng hộ trì chân lý không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều rằng chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm. Như vậy, theo Phật giáo, một người có đức tin và kiên quyết theo đuổi đức tin của mình thì được gọi là hộ trì chân lý, nhưng người ấy không nên quá cực đoan cho rằng chỉ những gì mình tin là đúng, ngoài ra la hư vọng. Nói khác đi, người ta có quyền theo đuổi và bảo vệ đức tin của riêng mình nhưng không phải vì thế mà bài xích tín ngưỡng của người khác. Đây quả là tư tưởng độc đáo của đức Phật khiến cho tôn giáo của ngài nổi tiếng là bao dung và hòa bình. Người ta nói rằng bậc Đạo sư từng khuyên Sìha, vị tướng quân người Licchavì, và Upàli, người gia chủ giàu có danh tiếng xứ sở Nalanda, tiếp tục ủng hộ cho các tu sĩ Kỳ Na giáo sau khi hai vị cựu tín đồ Kỳ Na này tuyên bố quy y Tam Bảo, bởi theo lời ngài thì từ lâu gia đình của họ đã là “giếng nước mưa nguồn của các tu sĩ phái Kỳ na (Jainism).”323

Asoka biểu lộ thái độ tương tự đối với tín ngưỡng cũ của mình là Bà-la-môn giáo và các giáo phái đương thời sau khi ông chính thức quy ngưỡng Phật giáo. Ông thăm viếng, tặng quà và cúng dường tài vật cho các Sa-môn, Bà-la-môn324, ban tặng hang động Nigrodha và Khalatika cho các tu sĩ Àjìvìka325.Thông tin trụ đá VII cho hay Asoka đã bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra và nhiều loại quan chức khác ở kinh đô Pàtaliputra và tại các tỉnh thành trong nước nhằm phục vụ các mục đích tôn giáo. Các quan chức này có nhiệm vụ chăm nom, tạo điều liện cho các tu sĩ xuất gia cũng như những người cư sĩ tu tại gia của mọi giáo phái thực hành Chánh pháp nhằm thúc đẩy lòng nhân từ, tínhtrung thực, lòng rộng lượng, trong sạch, từ hòa và thiện tâm trong đời sống quần chúng nhân dân. Họ cũng được giao trách nhiệm phân phối các phẩm vật cúng dường của hoàng gia dành cho Tăng già, các tu sĩ Bà-la-môn, các nhà tu khổ hạnh Kỳ Na giáo và các tu sĩ giáo pháo Ájìvika. Có thể nói rằng chính tấm lòng bao dung của đức Phật đã mở đường cho chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của nhà nước Maurya. Trong chỉ dụ ghi ở bia ký Girnar, Asoka đã cụ thể hóa tinh thần hộ trì chân lý của đức Phật bằng những lời lẽ như sau: “ Người ta không nên chỉ tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người vì lý do này hay lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những làm tổn thương giáo phái của mình mà còn làm thương tổn giáo phái của người khác. Về nhiều phương diện khác nhau, tất cả mọi giáo phái đều xứng đáng được tôn trọng. Những ai tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng như vậy ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta’, thì ngược lại những người ấy chỉ làm tổn thương giáo phái của chính mình.”

5.Tư tưởng sống đạo đức trong sạch để hưởng hạnh phúc đời này và đời sau:

Bia ký Asoka nhấn mạnh đến hạnh phúc đời này và đời sau thông qua nếp sống đạo đức, trong sạch và hướng thiện. Asoka đề cao nếp sống đạo đức nhân ái được thể hiện qua việc từ bỏ sát sanh, tránh các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chân thực, thanh cao326 vốn đã được đứcPhật khái quát hóa qua bài kệ số 138 ghi trong bản kinh Pháp cú:

“ Không làm các điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.”

Asoka mong muốn hết thảy mọi người được hạnh phúc an lạc đời này và đời sau và ông tin chỉ có nếp sống đạo đức tôn giáo mới giúp mọi người thực hiện mục đích ấy327.Ông đề cao nếp sống không sát sanh; hiếu kình cha mẹ; tôn trọng thầy cô giáo; cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; giúp đỡ bà con , bạn bè; đối xử nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc. Ông gọi những việc làm này là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala) bởi chúng đưa đến hạnh phúc đời này và đời sau328.Ngoài ra, bia ký của ông còn nhấn mạnh đến một số các đức tính khác như thiện tâm, bất hại, bố thí, chân thật, trong sạch, từ hòa, thánh thiện, tự chế, thanh tịnh tâm, biết ơn, tín tâm, yêu mến sự thật, tiết kiệm. Asoka tin rằng nhờ nuôi dưỡng và phát triển các đức tính như thế mà con người có thể đạt được hạnh phúc đời này và đời sau.

Asoka rất tin tưởng lý thuyết nhân quả nghiệp báo và do đó bia ký của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng đạo đức luân lý. Ông kêu gọi mọi người sống lương thiện, trong sạch, chân thực, từ hòa, hào phóng; ông đánh thức mọi người về lòng hiếu thảo, thái độ tôn kính, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, lòng nhân hậu. Ông tin tưởng kết quả tốt lành của hành vi không sát sanh, chế độ ăn chay, công đức của bố thí. Trụ đá V đánh dấu sự kiện Asoka ngăn cấm việc sát sanh và làm tổn thương các loài sinh vật. Chỉ dụ ghi ở trụ đá IV cập sự kiện Asoka ra điều lệ cho phép các tù nhân bị xử tội chết được gia hạn thời gian chấp hành án trong ba ngày để xem thân nhân của họ có xin kháng án hay không và để cho các tội nhân có cơ hội bố thí và ăn chay trong thời gian đó với hy vọng hưởng được lợi ích đời sau. Có thể nói rằng tất cả những hành vi đạo đức luân lý được đề cập trong các bia ký và trụ đá Asoka phản ánh khá đầy đủ và sâu sắc tư tưởng đạo đức Phật giáo. Trước đây chúng ta đã có dịp điểm qua một số bài kinh tiêu biểu cho khía cạnh đạo đức luân lý Phật giáo mà rõ nét nhất là hai bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta) thuộc Trường Bộ và kinh Điềm lành lớn hay Vận may tối thượng (Mahà-mangala Sutta) thuộc Tiểu Bộ. trong hai bản kinh này, cơ sở đạo đức Phật giáo được nêu trỏ khá đầy đủ. Bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt nêu rõ nếp sống không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không làm các ác nghiệp, không phung phí tài sản hay tiết kiệm, phụng dưỡng cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, thương mến vợ con, giúp đỡ bạn bè, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở, cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn là căn bản hạnh phúc cho đời này và đời sau329. Bài kinh Điềm lành lớn hay Vận may tối thượng đề cập một số các đức tính cần thiết cho việc xây dựng hạnh phúc hiện tại và tương lai như hiếu kính cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, bố thí, sống chân chánh, giúp đỡ các bà con, hành động không lỗi lầm, từ bỏ điều ác, chế ngự rượu chè, thực hành Chánh pháp, cung kính và hạ mình, biết đủ và biết ơn, nhẫn nhục, nói lời hòa nhã, gần gũi bậc chân nhân,yêu mến an tịnh, tự thẩm sát bản thân, sống trong sạch , thanh cáo, tâm không sầu muộn, không giao động và không vướng lụy. Như vậy, so sánh hai nguồn tài liệu, bia ký -trụ đá Asoka và kinh điển Phật giáo, chúng ta có thể đi đến kết kuận rằng tư tưởng đạo đức được đề cập trong các bia ký và trụ đá Asoka không khác gì là tư tưởng đạo đức Phật giáo, Asoka đã không phí công nghiên cứu đạo Phật bởi các tư tưởng thiết thực được tìm thấy trong bia ký và trụ đá của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng thiết thực của Phật giáo.


---o0o---

CHƯƠNG VII - ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ QUỐC VÀ NGOẠI GIAO CỦA ASOKA

Asoka chính thức nắm giữ vương quyền Maurya từ năm 270 đến năm 232 trước Công nuyên. Trong khoảng thời gian 38 năm ấy, ông đã đưa đất nước Ấn độ đạt đến chỗ phồn vinh, thái bình thịnh trị nhờ vào tài năng và đường lối lãnh đạo sáng suốt của ông. Ngoài ra, Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ chủ trương đường lối hòa bình triệt để và đề ra các chính sách bang giao hòa bình triệt để và đề ra các chính sách bang giao hòa hiếu với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Tác phẩm Divyàvadàna ghi nhận sự kiện rằng Asoka trị vì một vương quốc rộng lớn mà không có đàn áp, không bắt ép người vô tội, không dùng vũ lực mà dùng đức trị330.Thông tin bia ký IV cũng cho hay nhờ các huấn chỉ tôn giáo do đức Thánh thượng Priyadarśì ban bố, dân chúng Ấn Độ đã tiến bộ đáng kể về phương diện đạo đức . Trong tiểu bia ký I Asoka thông báo với chúng ta ông từng sống với Tăng già hơn một năm, thông tin này một mặt nói rõ tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp của ông nhưng mặt khác gián tiếp phản ánh sự kiện rằng vương quốc Maurya của ông đã đạt đến thái bình thịnh trị đến độ Asoka đã có thể hoàn toàn an tâm tĩnh tu trong tu viện một thời gian khá lâu. Bia ký XIII đề cập sự kiện Asoka đã thu phục nhân tâm không những ở khắp nơi trong nước mà còn ở nước ngoài nhờ theo đuổi đường lối đức trị (Dharma-vijava). Nhận xét về thành quả của ông, K.Hazra nói rằng nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và quản lý giỏi và với sự trợ giúp của đội ngũ quan chức chính phủ các cấp, Asoka đả quản lý hết sức thành công toàn bộ đế quốc to lớn của mình và đã thu phục lòng người một cách dễ dàng331.Cũng theo học giả này, Asoka đã giữ vững đế quốc rộng lớn của mình và thiết lập quan hệ thân thiện với các thế lực nước ngoài mà không dùng đến chiến tranh hay chính sách xâm lăng332. W.Rahula cho rằng Asoka là vị hoàng đế lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áp dụng những lời dạy của đức Phật về hòa bình, bất bạo động và yêu thương trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn cả về nội bộ lẫn ngoại giao. Ông công khai quay lưng lại với chiến tranh, bạo động và đón nhận thông điệp của bất bạo và hòa bình.Không có bằng chứng lịch sử nào nói rằng có vua láng giềng nào đã lợi dụng sự sùng đạo của Asoka đế tấn công ông về quân sự, hay có một cuộc nổi loạn nào trong đế quốc ông lúc sinh thời. Trái lại hòa bình ngự trị khắp nơi trên lãnh thổ, và ngay cả những xứ bên ngoài vương quốc ông cũng dường như đã chấp nhận sự lãnh đạo nhân từ của ông.333

Tổng hợp các thông tin, nhận xét và đánh giá trên về thành quả của ông, chúng ta thấy rằng Asoka đã thành công lớn trong sự nghiệp chính trị nhờ tài năng lãnh đạo và đặc biệt là đường lối trị quốc và ngoại giao sáng suốt của ông. Trong các chương trước chúng ta đã nói đến tài lãnh đạo và các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước Maurya đều nằm gọn trong các tàiliệu bia ký và trụ đá của ông mà trong chương vừa qua chúng ta đã có dịp xem xét đầy đủ và chứng minh chúng mang đậm tư tưởng và tinh thần Phật học.Các bia ký và trụ đá Asoka phản ánh sâu sắc giáo lý của đức Phật. Bởi vậy trong chương này chúng ta sẽ tiếp tục tìm xem Phật giáo đã đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp chính trị của Asoka hay nói cách khác, Phật giáo đã có những ảnh hưởng như thế nào đối với chính sách trị quốc và ngoại giao của nhà nước Maurya.
---o0o---

I.Phật giáo hóa Asoka

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến ảnh hưởng Phật giáo trong đường lối trị quốc và ngoại giao của Asoka mà bỏ quên sự kiện Phật giáo hóa Asoka hay ảnh hưởng Phật giáo trong cuộc đời của ông. Không thể có sự kiện Phật giáo hóa đường lối Asoka nếu không có sự kiện Phật giáo hóa con người Asoka. Mọi thể chế nhà nước đều bắt nguồn từ con người và nếu nó mang sắc thái đạo đức hay tôn giáo nào đó thì điều đó có nghĩa là những người làm ra nó chịu ảnh hưởng bởi cơ sở đạo đức Maurya mang sắc thái Phật giáo bởi trước hết Asoka là một Phật tử.

Đạo Phật không chủ trương đào tạo những nhà lãnh đạo đất nước nhưng quan tâm xây dựng những con người hoàn thiện, có khả năng làm chủ chính mình và đảm đang nhiều việc lớn, kể cả việc quốc gia đại sự. Đức Phật không chủ trương luận bàn chính trị và tránh các vấn đề thế sự. Ngài tránh bàn thế sự và khuyên các môn đệ của mình không nên tham gia thế sự bởi đấy không phải là phận sự của kẻ xuất gia. Tuy nhiên, là một bậc đạo sư có trách nhiệm hướng dẫn nếp sống đạo đức và hạnh phúc của quần chúng, ngài đã không thể hoàn toàn bỏ qua mọi diễn biến của thời thế nhất là khi vấn đề ấy liên quan trực tiếp đến con người và an nguy của con người. Bản sớ giải kinh Pháp cú (Dharma-pada Atthakathà) nói rằng ngài từng đứng trước làn tên mũi đạn của hai bộ tộc Sàkya và Koliya đang chuẩn bị đánh nhau đế nói lời hòa giải. Cũng vậy, khi Ajàtasattu phái đại thần Vassakara đến thỉnh vấn ngài về ý định của ông muốn chinh phục xứ Vajjì, đức Phật đã gián tiếp can ngăn công cuộc xâm lăng của vị vua này bằng cách nói đến bảy yếu tố hùng mạnh của dân tộc Vajjì334.Luật tạng ghi nhận sự kiện rằng trong thời gian nổ ra các cuộc chiến tranh chấp biên giới, một số quân lính của vua Bimbisàra trốn khỏi quân đội lẩn trốn trong Tăng già. Nhà vua đệ trình sự việc lên đức Phật và ngay lập tức ngài ban hành điều lệ không chấp nhận việc xuất gia cho những ai đang ở trong thời kỳ phục vụ quốc gia.335

Về phương diện giáo dục, đức Phật chú ý xây dựng những mẫu người hoàn thiện tương ứng với vị trí của họ trong đời sống xã hội. Ngài chấp nhận yếu tố tích cực của văn hóa Aryan khi ngài xây dựng nhân vật Chuyển luân Thánh vương lãnh đạo đất nước dựa trên Chánh pháp. Tuyển tập Trường Bộ (Dìgha Nikàya) lưu giữ hai bài kinh, Cakka-vattìsìhanàda và Lakkhana, trong đó đức Phật nói về vị vua Chuyển luân Thánh vương (Dharmma) của vị vua này. Văn học Jàtaka thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ thuật câu chuyện đức Phật nói về Thập vương pháp (Dasaràjadhamma) hay mười đức tình cần thiết của một minh quân. Trong bài kinh Kùtadanta, Trường Bộ , ngài kể cho vị Bà-la-môn Kùtadanta câu chuyện ngụ ngôn nói về biện pháp trị nước thiết thực và hữu hiệu của vị vua tên Mahàvijita. Như vậy, tất cả những câu chuyện liên quan đến cuộc đời đức Phật và những bản kinh của ngài đuợc lưu giữ trong kinh tạng mà Asoka đã có dịp đọc hay nghe qua chắc chắn đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chúng ta có thể nói rằng chính nhân cách vĩ đại và thánh thiện của đức Phật cùng những lời dạy sáng suốt và nhân ái của ngài đã thánh hóa con người Asoka.



Sự nghiệp chính trị của Asoka mà tiêu biểu là các chính sách trị quốc và ngoại giao của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng Phật giáo và in đậm tinh thần Phật học. Tất cả các chỉ dụ và sắc lệnh do ông ban bố đều không ngoài mục đích dẫn dắt nếp sống đạo đức tôn giáo của quần chúng và thiết lập tình huynh đệ bằng hữu với các quốc gia láng giềng. Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ nhận rõ vai trò to lớn và lý tưởng cao cả của vị vua Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì) được nói đến trong kinh điển Phật giáo và nỗ lực theo đuổi lý tưởng ấy. Ông thực sự là một vị vua Chánh pháp , dùng Chánh pháp trị nước, chinh phục bốn phương bằng đạo đức nhân ái, mang lại thái bình cho đất nước, trị vì một quốc gia rộng lớn mà không dùng trượng hay dùng đao. Ông đề cao đạo đức nhân ái, từ bỏ chiến tranh xâm lăng, chủ trương hòa bình hữu nghị. Như vậy, về vai trò và đường lối trị quốc, Phật giáo đã mở đường cho Asoka trong vai trò một vị vua Chánh pháp và lý tưởng trị quốc được theo đuổi bởi vị vua này. Đọc lại các bản kinh Phật nói về vị hoàng đế Chuyển luân Thánh vương và sự nghiệp của ông như kinh Cakkavattìsìhanàda và kinh Lakkhana rồi so sánh cuộc đời và sự nghiệp của Asoka, chúng ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng Asoka đích thực là “bản sao” của kinh điển Phật giáo. Phật giáo đã thánh hóa con người bằng da bằng thịt của Asoka để rồi chính con người ấy sẽ dần dần thánh hóa cuộc đời. Theo Will Durant, Asoka đã hoàn toàn tin lời dạy của đạo Phật và rán áp dụng nó vào việc trị quốc336.Nói khác đi, Phật giáo đã chuyển hóa mạnh mẽ con người Asoka và do đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp chính trị hay đường lối trị quốc và ngoại giao của ông.

Về con người cá nhân, Asoka rõ ràng chịu ảnh hưởng tư tưởng Thập vương pháp (Dasaràja-dhamma) được chép trong tuyển tập Jàtakà. Thập vương pháp hay mười đức tính của một vị vua gồm (1) bố thí (dàna), (2) giới hạnh (sìla), (3) biến xả (pariccàga), (4) chân trực (ajjava), (5) khổ hạnh (tapa), (6) nhu hòa (maddava), (7) không sân hận (akkodha), (8) bất hại (ahmasà), (9) nhẫn nhục (khanti), (10) không đối lập hay thuận theo ý chí của toàn dân (avirodha).Có thể nói rằng cuộc đời Asoka phản ánh khá đầy đủ nội dung Thập vương pháp. Ông thực hiện đầy đủ hạnh bố thí (dàna)337, sống một cuộc đời đạo đức thanh cao và tuân thủ các giới hạnh (sìla)338. Ông thực hành hạnh biến xả (pariccàga), từ bỏ các thú vui và hạnh phúc cá nhân để tập trung các công tác phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân339.Asoka biểu lộ thái độ chân trực (ajjava), không thiên vị người thân kẻ sơ, xử lý công việc rất nghiêm minh. Truyền thuyết Divyàvadàna cho hay Asoka đã tống giam em trai mình là Mahendra vào ngục tối khi vị công tử này cậy quyền thế làm những việc xằng bậy khiến công chúng oán hận340.Ông công khai bày tỏ sai lầm của mình về việc xâm lăng Kalinga341 và thường xuyên thảo luận với quần chúng nhân dân về đường lối đức trị342. Về đức tính khổ hạnh hay khắc khổ (tapa) , Asoka thực hành nếp sống giản dị, giảm thiểu tối đa chế độ ăn thịt343, từ bỏ các cuộc vui chơi săn bắn và nhiều thú vui khác của hoàng gia344.Ông thậm chí đã từng sống nếp sống phạm hạnh kham khổ của tăng sĩ trong thời gian hơn một năm345.Ông sống nhu hòa (maddava) với mọi người và đề cao đức tính khiêm tốn nhu hòa346.Ông không có tâm thù hận hay ác độc (akkodha), ngược lại ông luôn tỏ rõ từ tâm đối với tất cả mọi người. Bia ký XIII ghi lời Asoka khẳng định rằng ông thậm chí sẵn sàng bao dung và tha thứ cho những người mắc phải sai lầm. Cuộc đời và sự nghiệp của ông phản ánh sâu sắc tinh thần bất hại (ahimsà). Asoka không những không sát sanh, làm hại, ông còn khuyên răn mọi người không được sát sanh và làm hại. Đặc biệt, động thái bất bạo động và hòa bình của ông là tấm gương sáng về đức tính bất hại. Ông có đức tin và tính kham nhẫn (khanti) lạ thường. Truyền thống Tích Lan lưu truyền câu chuyện rằng Asoka rất sùng tín cây Bồ đề đến độ bà vợ ông, hoàng hậu Tishyarakshita, trở nên ghen tỵ muốn triệt hạ cây này vì thường xuyên thấy Asoka lễ bái dưới gốc cây. Trong ký sự của mình, Huyền Trang có thuật lại câu chuyện này và nói thêm rằng Asoka đã lặng lã cho xây một bức tường đá bao bọc chung quanh để bảo vệ cây Bồ đề347.Truyền thuyết Aśokàvadàna thuật rằng lúc về già Asoka bị cháu trai mình là hoàng thái tử Sampadi và đám quần thần rút lần hết quyền hành và đối xử tệ bạc. Chúng ngăn cản ông làm điều lành và rút dần phần ăn của ông cho đến khi chỉ còn nửa trái àmalaka cho mỗi bữa ăn. Mặc dù bị ngược đãi, ông tiếp tục hạnh bố thí cúng dường của mình, chia sẻ vật thực với chư tăng các phần ăn sau cùng và kham nhẫn sống với niềm vui Chánh pháp cho đến lúc qua đời. Trong suốt 38 năm trị vì, Asoka chứng tỏ là nhà lãnh đạo thuận ý dân (avirodha). Ông thường xuyên thảo luận và lấy ý kiến của dân trước khi đề xuất các chính sách348. Ông ra lệng cho các quan chức chính phủ phải theo hạn kỳ tuần du nhằm phổ biến chính sách nhà nước và xem xét hiện tình đời sống nhân dân và chính ông cũng thường xuyên du hành nhằm nắm bắt tình thế và giáo dục nhân dân. Không một cuộc bạo loạn nào được ghi nhận đã nổ ra trong suốt thời gian trị vì của ông và đời sống quần chúng được tiến bộ đáng kể về đạo đức và hạnh phúc.349
---o0o---

II.Phật giáo hóa đường lối Asoka

Asoka đọc kỹ các bản kinh Phật, thấy rõ giá trị thực tiễn của giáo lý đạo Phật đối với cuộc sống đạo đức và hạnh phúc của con người nói chung nên đã không bỏ qua cơ hội vận dụng nguồn giáo lý này vào đường lối trị quốc của ông. Ngoài ra, ông cũng nhận ra giá trị to lớn của tinh thần từ bi bất bạo động và lý tưởng hòa bình mà Phật giáo luôn đề cao và đã nỗ lực theo đuổi các lý tưởng ấy thông qua đường lối đối ngoại.


A. Đường lối trị quốc:
Về đường lối trị quốc, các bia ký của ông cho thấy Asoka chịu ảnh hưởng tư tưởng đức trị được đề cập trong các kinh điển Phật giáo. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống , số 26, Trường Bộ, mô tả vai trò trị quốc của một minh quân như sau; Vua là người yêu quý sự thật (dharma) và tôn trọng sự thật, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho quần thần, cho Bà-la-môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim. Trong quốc độ, nhà vua là người sống chân chánh, đúng pháp; bảo đảm đời sống cho muôn dân; tôn trọng các bậc đức hạnh; khuyến khích mọi người làm lành và ngăn chận mọi người làm ác. Kinh Kùtadanta, số 5, Trường Bộ, nói đến cảnh một đất nước thái bình thịnh trị trong đó các vua quan hết lòng thương yêu chăm lo cho dân, không dùng chính sách đàn áp, không đánh sưu cao thuế nặng, biết vận dụng các chính sách thỏa đáng, tạo công ăn việc làm thích hợp cho dân, khiến dân được yên ổn, chăm lo làm ăn, mọi người được an vui, nhà nhà được an vui, sống với cửa nhà rộng mở: “ Thuở xưa, này Kùtadana, có một vị vua tên là Mahàvijita rất giàu có, tài sản của cải chất đống, sở hữu vô số vàng bạc và châu báu. Một hôm, đang ngồi ở nơi nhàn tịnh, nhà vua suy nghĩ: ‘ Ta đã sở hữu nhiều tài sản, đã chiếm được một vùng đất đai rộng lớn. Nếu nay ta tổ chức một tế đàn lớn, như vậy phải chăng ta sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài?’ Nhà vua liền cho gọi người chủ tế và bảo cho ông ta hay về suy nghĩ của mình. Vị chủ tế liền tâu: ‘ Nay vương quốc của Bệ hà đang gặp tai ương bởi nạn cướp bóc, làng mạc và thành thị bị tàn phá, nông thôn nhan nhản kẻ cướp. Nếu Bệ hạ cho đánh thuế các vùng này thì đó là việc làm sai lầm. Nếu Bệ hạ nghĩ rằng : ‘ Ta sẽ tiêu diệt dịch cướp bằng cách hành hình, tống tù, tịch thu, đe dọa trục xuất,’ như vậy nạn cướp này sẽ không hoàn toàn chấm dứt. Những kẻ sống sót sẽ tiếp tục nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. Tuy nhiên, bằng cách này, Bệ hạ có thể loại sạch nạn cướp, tức là, những ai trong vương quốc của Bệ hạ chuyên việc canh tác và chăn nuôi, Bệ hạ hãy cung cấp hạt giống và thực phẩm gia súc cho họ; những ai chuyên việc kinh doanh, Bệ hạ hãy đầu tư tiền vốn; những ai phục vụ triều chính, Bệ hạ hảy trả tiền lương đủ cho họ sinh sống. Những người này, do mải mê làm công việc của mình, sẽ không nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. thu nhập của Bệ hạ ngày càng tăng, xứ sở được thanh bình, không còn tai ương cướp bóc, dân chúng hân hoan vui đùa với con cái và sống với cửa nhà rộng mở.’350

Asoka mong muốn xây dựng một vương quốc thánh thiện dựa trên đạo đức và Chánh pháp (Dharma). Ông chủ trương đường lối đức trị hay chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava) được thể hiện qua việc nỗ lực truyền bá và nêu cao đạo đức, hết lòng chăm lo hạnh phúc cho dân, không dùng hình phạt, điều chỉnh sưu thuế, tạo công ăn việc làm cho dân, tăng cường chế độ phúc lợi xã hội, có chế độ ưu tiên trợ giúp cho người nghèo khó, già cả, kẻ lầm đường lạc lối, ân giảm hình phạt cho các phạm nhân.



Trước hết về lý tưởng phục vụ , nhà nước Asoka là một nhà nước vì dân. Asoka thương dân như con cái351 và nỗ lực làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân352.Ông làm việc không kể giờ giấc và nơi chốn. Ông bảo các quan chức có trách nhiệm phải báo cáo ngay cho ông những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân353.Chẳng những thế, Asoka còn thường xuyên du hành nhằm nắm bắt tình thế và xem xét hiện tình đời sống nhân dân. Bia ký VIII ghi nhận sự kiện Asoka thay thế các cuộc dạo chơi săn bắn của hoàng gia (vihàra-yàtrà) bằng những cuộc du hành (Dharma-yàtrà) thăm viếng, tặng quà, thảo luận và giáo dục quần chúng nhân dân. Tiểu bia ký I cho hay Asoka đã thực hiện nhiều cuộc du hành khuyến giáo nhân dân với kết quả là dân chúng Ấn Độ (Jambudvìpa) ngày càng tỏ ra yêu mến đạo đức và sùng tín tôn giáo.

Trong công tác quản lý và điều hành quốc gia, Asoka thành lập đội ngũ quan chức chính phủ các cấp có trách nhiệm chăm lo và sẳn sàng phục vụ lợi ích của nhân dân. Ông huấn luyện rất kỹ đội ngũ quan lại các cấp, giáo dục họ phải nêu gương cho mọi người; họ phải làm việc chuyên cần, chí công vô tư, phải tận tụy với dân, không được cậy quyền thế làm điều xằng bậy và hạch sách nhân dân. Với Asoka, người lãnh đạo phải có lòng thương dân như cha mẹ thương yêu con cái và phải tận tụy chăm lo cho dân như người vú ân cần chăm lo cho con trẻ354.Có thể nói rằng về phương diện phục vụ nhân dân, Asoka chịu ảnh hưởng sâu sắc lý tưởng phụng sự chúng sinh của đức Phật và Tăng đoàn của ngài. Cuộc đời đức Phật là tấm gương lớn về lý tưởng phụng sự chúng sinh và ngài thành lập Tăng đoàn cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích và an lạc cho mọi người. Nalinaksha Dutt cho rằng chính lý tưởng phụng sự chúng sinh của đức Phật đã khiến Jìvaka mang toàn bộ vốn liếng y học của mình phục vụ tăng ni, Anàthapindika và Visakhà dốc tài sản ra vì lợi lạc của các tu sĩ, Asoka ban bố các tiện nghi vật chất và giáo dục đạo đức vì lợi ích của thần dân ông và các dân tộc láng giềng355.Asoka thương dân như cha mẹ thương yêu con cái và nỗ lực làm việc hết mình vì lợi ích của nhân dân tức là ông noi theo đức hạnh từ bi của đức Phật và các thánh Tăng luôn luôn thương yêu hết thảy mọi loài và nỗ lực hết mình vi hạnh phúc của chúng sinh. Kinh Từ bi (Mettasutta) nhấn mạnh: “ Như tấm lòng người mẹ đối với người con một của mình, trọn đời lo che chở cho con. Cũng vậy, đối với tất cả các loài hữu tình, hãy nuôi dưỡng tâm ý không hạn lượng, rộng lớn: ‘ Mong mọi loài chúng sanh , được an lạc an ổn; mong chúng chứng đạt được, hạnh phúc và an lạc.’’’356. Trong các chỉ dụ của mình, Asoka xác nhận mọi nỗ lực của ông đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích và hạnh phúc của tất cả chúng sinh357.Xem ra câu nói này của ông có phần nào giống với lời tuyên bố của đức Phật trong các bản kinh Pàli: “ Như Lai ra đời vì hạnh phúc và an lạc cho số động, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người.” Asoka nỗ lực phục vụ nhân dân gần 40 năm. Đức Phật chứng minh lời tuyên bố phụng sự chúng sinh bằng 45 năm thuyết pháp độ sinh của ngài. Asoka không ngừng tằng cường đội ngũ quan chức các cấp nhằm mục đích mở rộng mạng lưới chăm lo lợi ích và hạnh phúc cho dân. Sự kiện này thêm một bằng chứng cho thấy Asoka đã theo gương đức Phật khi ngài quyết định thành lập Tăng già với mục đích mở rộng công tác phụng sự chúng sinh thông qua đội ngũ các tu sĩ Phật giáo. Luật tạng Pàli (Pàli Vinaya Pitaka) ghi nhận sự kiện rằng khi số thành viên của Tăng già lên tới 61 vị, đức Phật liền khuyên các đệ tử mình đi khắp mọi nơi nhằm phổ biến giáo lý của ngài “ vì hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người.”Tài liệu này còn nói rằng đức Phật căn dặn các học trò mình không nên đi hai người một hướng mà nên đi mỗi người một ngã để cho việc truyền bá Chánh pháp được phổ biến rộng rãi.358

Về phương diện xây dựng đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, Asoka kế thừa đầy đủ tư tưởng đạo đức Phật giáo. Ông đề cao nếp sống không sát sanh, hiếu kính cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, giúp đỡ bà con bạn bè, đối xử nhân hậu với người ăn kẻ ở, cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, những việc làm mà kinh Phật gọi là căn bản và cần thiết để chiến thắng hai đời, đời này và đời sau359.Ông nhấn mạnh tính chân thực, trong sạch, thánh thiện, bố thí, tín tâm, bất hại, từ hòa, tự chế, yêu mến sự thật, tiết kiệm, những đức tính mà đạo Phật đã xem là có khả năng mang lại hạnh phúc (sukha) hay vận may tối thượng (mahàmangala) cho những ai khéo nuôi dưỡng360.Asoka quan niệm một đời sống hạnh phúc phải là một đời sống đạo đức được thể hiện bởi mỗi cá nhân trong tất cả các mối quan hệ vói tự nhiên, gia đình và xã hội. Trước đây chúng ta đã đề cập một số bản kinh Phật nhấn mạnh nếp sống đạo đức và hạnh phúc của người cư sĩ và đã chỉ rõ nội dung giống nhau giữa các bản kinh này và bia ký Asoka.Ta có thể nói rằng Asoka đã xây dựng tư tưởng đạođức của mình dựa trên các bản kinh Phật, đặc biệt là hai bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta) và Vận may tối thượng (Mahàmangala Sutta). Tất cả các đức tính, bổn phận và trách nhiệm đạo đức mà bia ký Asoka nhấn mạnh đều được đề cập đầy đủ và dẫn giải chi tiết ở trong hai bài kinh này.

Asoka xem trọng đạo đức, đề cáo đạo đức và nỗ lực truyền bá đạo đức. Ông sống cuộc đời đạo đức và nỗ lực hết mình vì sự nghiệp truyền bá đạo đức. Ông khuyên răn con cái, cháu chắt và tất cả thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức và phải có trách nhiệm phổ biến đạo đức. Với Asoka, đạo đức là nền tảng của hạnh phúc; do đó theo ông, sống đạo đức và khuyến khích đạo đức phải là trách nhiệm của mỗi người và mọi người. Ông đề cao đạo đức bằng cách đề cao Pháp thí (Dhrama-dàna), cho rằng không có loại bố thí nào cao quý hơn Pháp thí361.Quan điểm này của Asoka là hoàn toàn phù hợp với quan niệm Pháp thí (Dharmma-dàna) được nói đến trong Phật giáo. Trong bài kệ 354 thuộc tuyển tập Pháp cú, chúng ta tìm thấy câu “Sabbadànam dhammadànam” có nghĩa là, trong tất cả các loại bố thí, bố thí pháp là bố thí tối thượng.

Pháp thí (Dharmma-dàna) tức là ban bố sự thật cho người khác hay giúp người khác nhận ra điều hay lẽ phải. Chẳng hạn, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng con cái, cha mẹ còn có trách nhiệm khuyên ngăn con làm điều ác và khuyến khích con làm điều lành. Đây gọi là Pháp thí, tứckhuyên ngăn người khác làm ác và khuyến khích người khác làm lành. Đáp lại, người con có bổn phận không những lo phụng dưỡng cha mẹ bằng của cải vật chất làm ra đúng pháp mà còn khuyến khích, hướng dẫn và an trú cha mẹ bằng của cải vật chất làm ra đúng pháp mà còn khuyến khích, hướng dẫn và an trú cha mẹ vào Chánh pháp. Một đoạn trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) nêu rõ quan niệm báo hiếu của đạo Phật trong đó Pháp thí (Dhamma-dàna) được nhấn mạnh và được xem là việc làm duy nhất đủ để đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ. Đoạn kinh chép như sau : “ Này các Tỷ -kheo, những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích , hướng dẫn,an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.

Phân tích đoạn kinh trên, Tỷ-kheo Thích Minh Châu nói rằng : “ Khởi điểm là xây dựng lòng tin nơi cha mẹ nếu cha mẹ chưa có lòng tin. Lòng tin ở đây là lòng tin Chánh pháp, và Chánh pháp không có nghĩa là lời Phật dạy mà Pháp còn có nghĩa là chân thật, là quyết định tánh hiền thiện. Pháp là những gì chân thật, không có hư vọng, không có giả dối; Pháp là những gì hiện thiện tốt đẹp, không phải độc ác bất thiện. Và xây dựng lòng tin cho cha mạ là xây dựng tánh chất chân thực, tánh chất hiền thiện nơi cha mẹ. Lời khuyên thứ hai là một thông điệp bỏ ác làm lành. Nếu cha mẹ theo ác giới, tức là sống một nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời khuyên cha mẹ làm các thiện hạnh về thân, về lời, về ý nghĩ, sống một đời sống trong sạch và hiền thiện. Thứ ba là một lời khuyên nhân đạo, lợi tha, khuyên cha mẹ nghĩ đến sự đau khổ của người khác mà bố thí, làm vơi nhẹ những khổ đau chung quanh, nghĩ đến tình nhân loại. Lời khuyên thứ tư không theo ác tuệ, là một lời khuyên chánh kiến, từ bỏ các ác tri kiến, phát triển những tri kiến chân thật, xây dựng một cái nhìn lành mạnh và hướng thiện cho cuộc đời.”362

Như vậy, Pháp thí cơ bản là khuyến khích người khác bỏ ác làm lành, một hình thức giáo dục đạo đức rất đơn giản nhưng thiết thực mà mọi người đều có thể thực hiện thông qua nếp sống của chính mình. Tự mình bỏ ác làm lành rồi khuyến khích người khác bỏ ác làm lành, đấy là Pháp thí. Asoka chú ý vận dụng tinh thần Pháp thí này của Phật giáo bởi nó giúp ông rất lớn về phương diện nâng cao đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội mà không phải tốn kém nhiều cho chi phí giáo dục. Ta có thể nói rằng chính tinh thần Pháp thí này - tự mình sống đạo đức, sống theo lẽ phải và khuyến khích người khác sống đạo đức, sống theo lẽ phải- mà Asoka học được từ Phật giáo và vận dụng triệt để vào đường lối trị quốc của ông đã góp phần tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới mẻ của đời sống con người và xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình và đạo đức xã hội được tăng trưởng đáng kể so với các thời đại trước đó. Thông tin bia ký IV cho hay hành trăm năm trước đó, việc giết hại súc vật để tế lễ, đối xử tàn ác với sinh linh, xử sự không đúng với thân bằng quyến thuộc, với các Sa-môn, Bà-la-môn đã không ngừng gia tăng. Nhưng kể từ năm thứ mười hai triều đại Asoka, nhờ các huấn chỉ của ông, dân chúng Ấn Độ đã tiến bộ đáng kể về phương diện đạo đức.

Chúng ta cũng đừng quên tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Asoka và trong đời sống xã hội. Chính các tôn giáo mà Asoka xem trọng và đối xử bình đẳng đã giúp ông rất lớn về phương diện giáo dục đạo đức quần chúng và nâng cao đời sống tâm linh của xã hội. Asoka học được tinh thần hộ trì chân lý (saccànurakkhana) của đức Phật-một người có quyền theo đuổi đức tin hay quan điểm của người khác- và biến nó thành đạo dụ tôn trọng tự do tín ngưỡng và thái độ bao dung tôn giáo trong đường lối trị quốc của ông. Trong bia ký XII, Asoka sử dụng tinh thần hộ trì chân lý của Phật giáo để ban bố chính sách tôn giáo với lời lẽ như sau; “ Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của mình và bài xích tôn giáo của người vì lý do này hay vì lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những tự làm tổn thương tôn giáo của mình mà còn làm thương tổn tôn giáo của người khác, nghĩ rằng ‘Như thế ta sẽ làm rạng danh tôn giáo của ta,’ thì trái lại người ấy tự làm tổn thương tôn giáo của chính mình.”

Sẽ có người bảo hòa đồng tôn giáo là sách lược của các nhà làm chính trị và là đặc điểm chung của mọi nhà nước chuyên chế. Quả đúng như vậy, nhưng trong mọi trường hợp này ta không loại trừ khả năng cách thái bao dung của đức Phật và những lời dạy chí tình chí lý của ngài về đức tin và lòng bao dung tôn giáo đã tác động mạnh mẽ đến Asoka và ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách tôn giáo của ông.

Về phương diện chăm lo đời sống cho dân, Asoka vận dụng các chính sách thiết thực và hợp lý được nói đến trong kinh điển Phật giáo. Ông theo đuổi đường lối của vị vua Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì), dùng Pháp trị nước, từ bỏ gươm đao và hình phạt, bảo đảm đời sống vật chất và hạnh phúc cho muôn dân. Ông thực hiện chính sách không đánh sưu cao thuế nặng khiến dân chúng lầm than, oán hận. Bản kinh Kùtadana lưu ý chính sách sưu cao thuế nặng sẽ khiến lòng dân oán hận nổi lên chống đối, nạn đói lan tràn dẫn đến cướp bóc và như vậy quốc gia sẽ lâm vào cảnh tai ương. Khi quốc gia lâm cảnh tai ương, nếu dùng chính sách đàn áp, bắt bớ, tra tấn, giam cầm thì loạn lạc càng gia tăng, lòng dân càng thêm oán hận. Biện pháp vỗ yên lòng dân và diệt trừ loạn lạc do đó phải là biện pháp khoan dung và tạo công ăn việc làm phù hợp cho dân: “ Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cung cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cung cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những vị này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống với nhà cửa mở rộng.”363

Chúng ta thiếu các tài liệu nói về chính sách sưu thuế dưới triều đại Asoka, trừ trụ đá Rummideì ghi sự kiện Asoka ban lệnh miễn các loại thuế tôn giáo cho dân làng Lumbinì và họ chỉ phải đóng một phần tám lợi tức sản xuất. Mặc dù rất tiến bộ về đường lối trị quốc, ta không nên quá lý tưởng hóa các chính sách của Asoka mà cho rằng nhà nước của ông là hoàn hảo về mọi mặt, nhất là chế độ sưu thuế, bởi nhà nước nào cũng vậy đều phải trông cậy rất lớn vào sưu thuế mới đứng vững. Về mặt này nhà nước Asoka chắc chắn cũng không ngoại lệ. Tài liệu Arthaśàstra và những ghi chép của Mégasthènes cho chúng ta biết được đời sống kinh tế ở đế quốc Maurya thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Theo các tài liệu này thì thương mại phát triển trong toàn đế quốc, các tuyến đường lớn nối liền các vùng cách xa nhau hàng nghìn dặm. Hàng hải được mở rộng và thương thuyền các nước cập bến tại hải cảng. Quan hệ buôn bán với các nước ngoài được khuyến khích. Thương nhân nước ngoài được biệt đãi và được khuyến khích. Thương nhân nước ngoài được biệt đãi và được hưởng đặc quyền ngoại giao. Người ta bảo những người cố Ai Cập dùng the Ấn Độ để bọc các xác ướp và dùng loại chàm từ Ấn Độ để nhuộm vải vóc.Người ta cũng nói đến chinapatta, tên một loại lụa sản xuất ở Trung Quốc. Sự kiện hàng to lụa được nhập từ Tàu chứng tỏ Ấn Độ đã có quanhệ buôn bán với Trung Quốc ít ra là từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Tại các thành phố lớn và đô thị, cuộc sống xa hoa phát triển , các hoạt động trở nên phức tạp hơn, chuyên môn hóa và được tổ chức tốt hơn. Các quán hàng, lữ điếm, hiệu ăn, nhà khách, sòng bạc mọc lên rất nhiều. Các phường hội thu hút các hội viên, nghề chơi bời du hý tạo công ăn việc làm cho nhiều lớp người như vũ nữ, ca sĩ, kỹ nữ. Buôn bán và các ngành nghề khác đều bị đánh thuế và về một phưong diện nào đó, việc hàng nghề tôn giáo cũng vậy. Nông nghiệp được phát triển và chỉnh đốn về nhiều mặt kể cả tô thuế. Người ta điều chỉnh và từng thời kỳ kiểm tra lương thực, thị trường, các nhà sản xuất, các lò mổ, việc nuôi trâu bò, quyền sử dụng nước. Như vậy ngay trước thời Asoka, đời sống kinhtế Ấn Độ đã phát triển mạnh và nhà nước đã biết các tổ chức và quản lý tốt để tăng ngân sách quốc gia từ nguồn thu thuế.

Asoka lên ngôi thừa hưởng các điều kiện xã hội đã được tổ chức tốt và phát triển trước đó nên hình như không gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành và quản lý quốc gia. Chắc chắn ông đã duy trì cơ cấu tổ chức và quản lý kinhtế đã có từ trước bởi điều này sẽ khiến ông thu được nguồn lợi nhuận đáng kể. Điều khiến chúng ta có thể tin là Asoka đã không quá khắc khe trong chế độ sưu thuế bởi thứ nhất ông là người chối bỏ chiến tranh, kiên quyết theo đuổi đường lối hòa bình và vì thế không phải lo chi tiêu nhiều cho quân đội và binh bị, những thứ vốn ngốn rất nhiều kinh sách quốc gia .Thứ hai, nhà nước của ông cũng không phải là loại nhà nước tiêu xài vô độ bởi lẽ Asoka chính là tấm gương sáng về lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính; các quan lại của ông cũng được giáo dục tốt về lý tưởng phục vụ lợi ích cộng đồng và nếp sống liêm khiết, cần kiệm. Có thể nói rằng dân chúng Ấn Độ dưới thời Asoka đã có được một cuốc sống yên ổn và hạnh phúc nhờ chính sách theo đuổi hòa bình và chủ trương cần kệm liêm chính của nhà nước Maurya. Chính hai yếu tố này, nghĩa là hòa bình và cần kiệm liêm chính, mà hết thảy vua quan nhà nước Asoka đều nhất mực theo đuổi, đã một mặt khiến cho dân chúng tránh được can qua bởi chiến tranh và nạn sưu thuế và mặt khác có thể hưởng các chế độ phúc lợi xã hội do việc nhà nước biết sử dụng hợp lý nguồn lợi tức quốc gia cho các công trình công ích trong điều kiện đất nước thái bình, không có chiến tranh. Thông tin bia ký364 cho hay Asoka đã cho xây dựng khắp nơi trong vương quốc của ông hailoại hình chăm sóc y tế, một dành cho người và một dành cho thú vật. Các loại cây dùng làm thuốc và cây ăn quả được nhập khẩu và cho trồng khắp nơi nhằm đáp ứng công tác chữa trị và tiêu dùng. Dọc theo các lộ giới, các giếng nước được xây dựng và các loại cây tạo bóng mát được gieo trồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người và thú vật. Một thông tin khác365 cho biết Asoka cho dựng các nhà nghỉ dọc hai bên đường dành cho khách bộ hành, lập các trạm cung cấp nước tại những nơi công cộng lại để phục vụ tiện ích cho người và thú. Rõ ràng những công trình phúc lợi xã hội trên đây chỉ có thể được làm tốt và có hiệu quả trong điều kiện đất nước hòa bình, không có chiến tranh; các quan chức chính phủ sống liêm khiết, không tham nhũng.

Một lý do khác khiến chúng ta tin rằng Asoka đã áp dụng chính sách sưu thuế hợp lý ấy là bởi hầu như không có cuộc bạo loạn nào xảy ra trong vương quốc của ông suốt thời gian ông trị vì.bạo loạn bắt nguồn từ nghèo đói và bất mãn, nhưng cả hai yếu tố này xem ra đã được khắc phục tốt dưới thời Asoka. Chắc chắn Asoka đã thường xuyên điều chỉnh các chính sách của ông và có chế độ miễn giảm tô thuế cho dân cày vào những lúc dân chúng gặp cảnh khốn khó hay trong trường hợp bị thiên tai lũ lụt. Ta có thể hoàn toàn tin tưởng ở điều này bởi trong chỉ dụ của ông Asoka luôn hắc nhở các quan chức chính phủ phải thường xuyên nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của quần chúng và phải làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân366.Nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của dân tức là đi sâu đi sát quần chúng nhân dân, hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân để kịp thời chia sẻ và giúp đỡ . Mặt khác, Asoka ra lệnh tất cả mọi sự kiện liên quan đến đời sống nhân dân đều phải được thông báo ngay cho ông vào lúc mọi nơi để ông kịp thời giải quyết367.Rõ ràng quan điểm và cách làm việc này của vua quan nhà nước Maurya khiến chúng ta có lý do để tin rằng dân chúng Ấn Độ dưới thời Asoka không những thoát khỏi cảnh hà khắc về sưu thuế mà còn hưởng được các chế độ trợ giúp đặc biệt và kịp thời của nhà nước trong trường hợp gặp nguy khó. Mégasthènes nói rằng cứu đói là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước Maurya, và phân nữa số hàng trong các kho hàng của nhà nước được dự trữ phòng khan hiếm và đói.

Do tấm lòng thương dân và nhờ biện pháp quản lý kinh tế khá hiệu quả, chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka vươn khắp mọi ngỏ ngách và đến tận đáy xã hội. Vệ sinh và bệnh viện được phục vụ miễn phí và cán bộ y tế được cắt cử làm việc tại các trung tâm. Cô nhi quả phụ, người già cả, ốm đau, tàn tật được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước. Phụ nữ lầm đường lạc lối được chăm lo giáo dục và được tạo công ăn việc làm thích hợp. Tù nhân được ân xá và có quyền kháng án trong trường hợp bị xử oan. Bia ký V cho hay các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của phạm nhân, trợ cấp tiền bạc trong trường hợp tù nhân có gia đình quá đông người368 hay phải lo cho con dại, đình chỉ khổ sai trong trường hợp tù nhân bị ngược đãi, phóng thích tù nhân trong trường hợp tuổi già. Trụ đá IV quy định các quan chức Ràjùka phải có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của thân nhân các phạm nhân, tạo điều kiện để các tù nhân bị xử tội chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng hưởng được lợi ích đời sau. Các đối tượng già yếu, không nơi nương tựa cũng được quan tâm đặc biệt bởi nhà nước Asoka, như được ghi trong bia ký V. Trong chính sách đối với phụ nữ, các quan chức Strydhyaksha-mahàmàtra có trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho nữ giới, đặc biệt đối với các phụ nữ làm nghề múa hát, bán thân hay kỹ nữ369 . B.M.Barua cho rằng nhiệm vụ của các quan chức Stryadhyaksha-mahàmàtra là ngăn chận, không để các hạng phụ nữ này làm hoen ố đạo đức xã hội, đặc biệt đối với các Sa-môn, Bà-la-môn370. Do đó, nếu ý kiến của Barua là đúng thì điều đó có nghĩa là nhà nước Asoka hẳn đã có chính sách đãc biệt dành cho những phụ nữ gặp cảnh ngộ bất hạnh, ít nhất phải tạo công ăn việc làm mới cho họ.

B. Đường lối đối ngoại:

Ngoài chính sách nội vụ đáng được liệt vào hạng nhà nước hết lòng vì dân, nét nổi bật và đáng trân trọng của nhà nước Asoka có lẽ là chính sách bang giao quốc tế được tiến hành trên cơ sở theo đuổi đường lối hòa bình hợp tác, từ bỏ chiến tranh xâm lăng, tôn trọng chủ quyền độc lập dân tộc. Ngay sau ngày chiến thắng Kalinga, tức khoảng năm 262 trước Công nguyên trở đi, Asoka biểu lộ một động thái chưa từng có trong lịch sử. Ông công khai bày tỏ mối ân hận về công cuộc xâm lăng Kalinga, tuyên bố từ bỏ chiến tranh, chủ trương đường lối hòa bình triệt để. Ít có vị hoàng đế nào lại tỏ ra hối tiếc về hành vi xâm lăng của mình ngay sau khi vừa giành chiến công vang dội và xem việc chinh phục quân sự chẳng lấy gì làm vinh quang như Asoka. “ Hoàng thượng Priyadarśì cảm thấy vô cùng ân hận vì đã gây ra cảnh chết chóc đầy tang thương cho dân chúng một xứ sở độc lập. Người xem việc chinh phục bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava) là chiến thắng cao cả”371.Asoka hối tiếc về chiến công quân sự của mình bởi ông hiểu ra điều mà đức Phật gọi là quy luật muôn thuở: “ Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt hận thù.”372 “ Chiến thắng gây thêm thù oán, bại trận nuôi oán hận khổ đau; chỉ có từ bỏ thắng bại mới khiến con người được an lạc.”373. Ông từ bỏ dùng sức mạnh quân sự và chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái tức là ông tuân theo điều mà Phật giáo gọi là tự chiến thắng mình hơn chiến thắng người khác; “ Dầu chiến thắng hàng vạn người trên chiến trường cũng không bằng tự chiến thắng mình. Tự thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất.”374

Tự thắng mình nghĩa là làm chủ được bản tân mình, không để cho tham lam, giận dữ và si mê chi phối, thoát khỏi mọi ám ảnh bởi dục vọng, mọi cám dỗ bởi uy quyền, mọi toan tính bởi ham muốn, mọi mưu toan bởi sợ hãi. Nói khác đi, tự thắng mình tức là thoát khỏi nô lệ của bản thân, không còn làm những việc điên rồ bởi động cơ dục vọng, bởi lòng khao khát quyền lực hay sự toan tính sử dụng uy quyền. Đạo Phật không xem chiến thắng người khác bằng vũ lực là vinh quang bởi nó bắt nguồn từ những động cơ thấp hèn như tham lam, tật đố, ích kỷ, thù hận. Ngược lại, đạo Phật đánh giá cao tự thắng mình bởi đấy là khả năng chiến thắng bản thân, sự kiểm soát và điều phục thân tâm thoát khỏi các động cơ hèn hạ va việc làm tội lỗi bắt nguồn từ tham, sân, si. Mọi diễn biến tốt hay xấu của cuộc đời tùy thuộc vào quan điểm và hành động của chúng ta. Đức Phật gọi thế giới này là khổ đau ấy là bởi con người đã không kìm nén được ham muốn của chính mình. Ngài dạy thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho dục vọng bởi vì con người quá tham lam ích kỷ375.Bạo động, chiến tranh và nhiều nguy cơ khác đe dọa sự sinh tồn của loài người đều có gốc rễ từ lòng tham không đáy của con người chúng ta. Chúng không ngừng thiêu cháy chúng ta và thiêu cháy cả thế giới bao lâu chúng ta chiến thắng được các ham muốn của mình. Vì lẽ này Phật gia ví cuộc đời như ngơi nhà đang bốc cháy; thế giới của chúng ta đang thiêu cháy ngày đêm bởi chiến tranh và bạo động, bởi hận thù và si mê. Chúng ta thật xấu hổ và khổ đau khi phải sống trong một thế giới như vậy, cái thế giới mà lẽ ra người ta có thể làm cho nó đẹp ra bởi tình thương và sự cảm thông thì ngược lại luôn luôn bị con người làm cho xấu đi bởi hận thù và lòng ích kỷ!

Asoka tuyên bố từ bỏ chiến tranh xâm lăng nghĩa là ông đã tự chiến thắng chính mình, chiến thắng các ham muốn của bản thân để không còn xúc tiến các hành vi xâm lăng hay chinh phục người khác bằng vũ lực quân sự không gì khác là hành vi nô lệ hóa người khác bắt nguồn từ sự nô lệ hóa bản thân. Một người không kìm nén tham lam và thù hận mới tiến hành chiến tranh xâm lăng hay làm những việc khiến người khác khổ đau. Sự kiện Asoka từ bỏ chiến tranh xâm lăng, theo đuổi đường lối hòa bình chứng tỏ ông đã nhận ra giá trị to lớn của tư tưởng tự chiến thắng mình và thấy rõ lợi ích của tư tưởng này trong đường lối xây dựng đất nước thái bình.Dân chúng của ông không còn lo sợ bị điều vào quân đội, được tự do làm ăn sinh sống; tiền bạc lương thực không bị vơ vét cho chiến dịch quân sự, thay vào đó có thể dùng vào các mục đích an sinh xã hội. Có thể nói rằng Asoka đã làm một việc hết sức có ý nghĩa cho dân chúng của ông và dân chúng các nước khác khi quyết định từ bỏ chiến tranh xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình. Ở đây ông đã theo gương đức Phật thiết lập đức vô úy (abhaya) cho mọi người. Ông khiến cho dân chúng của ông không còn lo lắng bởi nạn điều binh và vơ vét lương thực. Ông giải phóng dân chúng các nước khác khỏi tâm lý lo sợ bị tấn công và nô lệ bởi lời tuyên bố bao dung và hòa bình. Chỉ dụ của ông ghi ở tiểu bia ký II nói rõ Asoka đã thực hiện tinh thần vô úy thí (abhaya-dàna) của Phật giáo đối với các quốc gia và dân tộc khác: “ Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: ‘Nhà vua này muốn gì ở chúng ta?’ Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để được lợi ích đời này và đời sau.” Thật là một thông điệp hòa bình đáng lưu truyền cho muôn thuở! Will Durant cho rằng nếu cho tới ngày nay, từ Kandy ở đảo Tích Lan tới Kamakura ở Nhật Bản, nét mặt an tĩnh của đức Thích Ca còn gợi cho người ta khoan hồng với người đồng loại và yêu mến hòa bình thì một phần là nhờ một người mơ mộng-có thể một vị thánh,chưa biết chừng – đã có thời làm vua ở Ấn Độ376.Rõ là tình thương chúng sinh của đức Phật đã phủ kín các chính sách của Asoka.

Người ta bảo tình thương của đức Phật rất rộng lớn, không thể dùng tâm thái thông thường của con người mà đo lường được; tình thương ấy vượt ra ngoài mọi biên giới chủng tộc và văn hóa, tìm đến với hết thảy mọi người mọi loài, không một mảy may phân biệt. Tôi cho rằng chính tình thương chúng sinh của đức Phật mà Asoka ít nhiều cảm nhận được đã mở đường cho chính sách hòa bình và bang giao hợp tác quốc tế của ông. Chính tình thương ấy là động lực khiến Asoka đem hết tâm sức của mình phụng sự chúng sinh, không phân biệt quốc gia hay dân tộc. Bia ký II, văn bản Jaugada, nói rõ nguyện vọng của Asoka muốn giới thiệu Chánh pháp (Dharma) và đường lối đức trị (Dharma-vijaya) cho nhân dân các quốc gia khác “ vì lợi ích đời này và đời sau”. Theo tài liệu Dìpavamsa và Mahàvamsa thì vua Tích Lan Devànampiya Tissa từng là bạn tốt và là đồng minh của Asoka; trong một văn thư gởi cho Devànampita Tissa, Asoka thông báo ông đã quy y Phật, Pháp, Tăng và khuyên Tissa nên tín ngưỡng Tam Bảo.377

Mối qian hệ giữa Ấn Độ và Tích Lan càng gắn bó chặt chẽ sau sự kiện Mahendra, con trai Asoka, nhận trách nhiệm giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan. Biên niên sử Tích Lan378 nói đến việc sứ giả hai nước liên tục qua lại với nhau nhằm chuyển đạt thông điệp hợp tác của hai hoàng đế vì lợi ích của hai dân tộc. Theo sử liệu này thì vua Tích Lan Devànampiya Tissa và 50.000 thần dân của ông đã trở thành những người Phật tử đầu tiền ngay sau khi Trưởng lão Mahendra vừa đặt chân lên đất nưóc này và thuyết giảng bài pháp thứ nhất. Tài liệu này cũng nói rằng sau khi nghe Mahendra thuyết giảng, hoàng hậu Anula và 500 thị tỳ của bà tỏ ý muốn xuất gia nhưng không thể thực hiện ý nguyện bởi giáo hội ở đây đang thiếu các thủ tục cần thiết cho nữ giới xuất gia. Vua Tissa sau khi xem xét sự việc đã phái sứ giả sang Ấn Độ, đệ trình Asoka ý nguyện của mình muốn mời Tỷ -kheo ni Samghamitra, con gái Asoka, sang Tích Lan tiến hành các thủ tục xuất gia cho phụ nữ đồng thời xin một nhánh cây Bồ đề đem về trồng ở Tích Lan cho quần chúng kính ngưỡng. Tài liệu thuật rằng mặc dù rất buồn lòng phải xa cách người con gái yêu quý của mình, Asoka đã đáp ứng yêu cầu của nhà vua Devànampiya Tissa, gởi Samghamitra sang đảo Sư tử và chiết tặng nhánh cây Bồ đề cho sứ giả mang nhánh cây Bồ đề về Tích Lan thì một phái bộ ngoại giao Tích Lan khác do tăng sĩ Sumana dẫn đầu đến Ấn Độ truyền đạt ý nguyện của nhà vua Tích Lan xin thỉnh cầu xá lợi Phật cho xứ sở mình. Asoka đáp ứng nguyện vọng của vua Tissa bằng cách gởi tặng nhân dân Tích Lan một đĩa đầy xá lợi mà sau đó được tôn thờ tại bảo tháp Thuparama ở Comlombo.

Nhưng quan hệ đối ngoại của nhà nước Maurya với các quốc gia khác không chỉ giới hạn ở phương diện tín ngưỡng và văn hóa mà còn mở rộng sang các lãnh vực khác. Theo bia ký II, văn bản Girnar, thì Asoka đã cho mở rộng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho dân và điều trị cho thú vật sang một số quốc gia khác như Chola, Pàndya, sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnì ở phương nam, Antiocho ở tây bắc và các quốc gia láng giềng với Antincho. Ông cũng cho ươm trồng các loại cây làm thuốc và cây ăn quả ở các quốc gia này, cho xây dựng hệ thống giếng nước và trồng cây dọc theo hai bên vệ đường để phục vụ tiện ích cho người và súc vật. Như vậy quan hệ giữa nhà nước Maurya và các quốc gia khác trở nên thân thiện và gắn bó không chỉ trên phương diện trao đổi tín ngưỡng và văn hóa mà còn thể hiện ở sự chăm sóc lẫn nhau cả về phương diện đời sống vật chất lẫn sức khỏe tinh thần. Asoka đã mở rộng tâm thái từ bi của người Phật tử để làm lợi ích cho hết thảy mọi người, không phân biệt chủng tộc hay văn hóa, không tỵ hiềm quốc gia hay dân tộc.

Người ta có thể thắc mắc động cơ nào đã khiến Asoka dốc hết tâm lực của mình phụng sự nhân dân các nước khác, trong khi bản thân ông không hề nuôi mộng xâm lăng hay mưu toan chính trị. Quả thực, chúng ta quen nghĩ về cuộc đời này theo lối “không ai cho không ai điều gì” và do đó khó có thể chấp nhận sự kiện một hành động trợ về cuộc đời quá hợp lý đến độ chúng ta không còn tin một người có thể làm điều tốt cho người khác mà không vì động cơ tư lợi hay toan tính cá nhân. Thật khó tin một ông vua giỏi chính trị như Asoka lạo dễ dàng làm nhiều việc tốt cho các quốc gia khác mà không hề mưu tính chuyện này chuyện kia, nhưng điều đó là thực, Asoka đã làm lợi ích cho nhiều quốc gia và dân tộc khác nhưng không hề có bất kỳ mưu toan nào về kinh tế hay chính trị cho đất nước của ông. Ông cảm nhận tình thương chúng sinh vô bờ bến của đức Phật qua tấm gương thuyết pháp độ sinh đầy nhẫn nại của ngài nên sẵn sàng làm tất cả mọi việc tốt lành cho người khác mà không hề mưu tính chuyện cá nhân hay mong chờ đáp trả.

Kinh điển Phật giáo lưu ý mọi người về bốn tâm thái rộng mở vô biên (catu-appamaññà) hay bốn Phạm trú (catu-Brahmavihàrà) mà người ta cần nuôi dưỡng đối với mọi loài chúng sinh gồm từ (mettà), bi (karunà),hỷ (mudità) và xả (upekhà).Từ (mettà) nghĩa là ban phát tình thương cho chúng sinh, bi (karunà) là xót thương nỗi bất hạnh khổ đau của loài hữu tình, hỷ (mudità) là hân hoan chia sẻ niềm vui với kẻ khác, xả (upekhà) là giữ tâm bình đẳng đối với mọi loài. Tất cả mọi người con Phật đều được khuyên nuôi dưỡng và phát huy bốn tâm thái từ, bi, hỷ, xả này phải được tu tập và nuôi dưỡng thường xuyên để cho năng lực cảm tác của chúng thẩm thấu khắp mọi nơi, trở thành rộng lớn, khơng bị giới hạn, mở ra cho đến vô tận (appamàna). Chẳng hạn, chúng ta thấy thế nào là tâm từ rộng lớn của một người Phật tử qua lối mô tả sau đây về mettà: “ Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên,dưới,bề ngang,hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.” Về tâm bi (karunà), tâm hỷ (mudità) và tâm xả (upekhà), người Phật tử cũng được khuyên vận dụng và phát triển theo cách tương tự.

Như vậy,Phật tử là người mở rộng tâm thái từ, bi,hỷ,xả đến với hết thảy mọi người và mọi loài, không phân biệt sắc thái chủng tộc hay văn hóa, không bị giới hạn bởi các biên giới quốc gia hay hào lũy dân tộc. Mọi chúng sanh đều bình đẳng về sự sống và sự chết, hạnh phúc và khổ đau. Asoka là một Phật tử, đã cảm nhận sâu sắc giáo lý từ,bi,hỷ,xả của đạo Phật và đã vận dụng giáo lý ấy vào các chính sách trị quốc lẫn ngoại giao của ông. Ông tuyên bố chấm dứt bạo động chiến tranh và theo đuổi hòa bình bất bạo động bởi tất cả chúng sinh đều lo sợ sự chết và yêu quý mạng sống379.Ông chủ trương đường lối hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc bởi hết thảy mọi người đều mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau.380

Chủ trương từ bỏ chiến tranh xâm lăng, theo đuổi hòa bình thiện chí của Asoka cũng phản ánh một quan điểm hết sức minh triết của đạo Phật; Cuộc đời mong manh vô thường, hãy sống từ bỏ điều ác, gấp tâm làm điều lành381.Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhaddekaratta Sutta), Trung bộ, khuyên thế này : “ Hôm nay hãy nhiệt tâm làm; ai biết chết ngày mai? Không ai điều đình được với đại quân thần chết.” (Ajji’ eva kiccam àtappam; ko jaññà maranam suve? Na hi no samgaran tena mahà-senera maccunà). Quốc vương Pasenadi nước Kosala, đệ tử đức Phật, từng có những cuộc đàm đạo với bậc Đạo sư, cho rằng các trận chiến chính trị, kinh tế, quân sự không đem đến một hướng đi (gati), một điểm tựa cho con người khi bị già chết chinh phục. Theo Pasenadi, trong cục diện con người luôn bị già chết chi phối , thì sống chơn chánh đúng pháp, làm các việc lành, làm các công đức là có ý nghĩa nhất382. Asoka ít bàn về lẽ vô thường (aniccam), nhưng tất cả việc làm đầy thiện chí của ông tỏ cho thấy ông đã ý thức rất rõ lời dạy của đức Phật về giới hạn của cuộc đời và đã nỗ lực rất lớn làm cho nó có ý nghĩa bằng cách sống hòa bình với mọi người và mong muốn chia sẻ với người khác niềm vui của cuộc sống hạnh phúc và hòa bình.

Phật giáo đã giúp Asoka hiểu ra sự thật bình đẳng giữa mọi loài chúng sanh và chỉ cho ông những cách thái ứng xử hết sức sáng suốt và nhân bản trong tất cả các mối quan hệ gần xa. Trí tuệ Phật giáo đã soi đường cho chính sách Asoka. Lòng từ bi của đức Phật đã mở lối cho thái độ hòa bình, tinh thần bao dung và mọi quan hệ hợp tác thân thiện mà nhà nước Asoka đã thiết lập với nhiều quốc gia và nhiều dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới.
---o0o---

CHƯƠNG VIII - LỜI KẾT

Chúng ta nói lời tạm biệt Asoka với lòng kính trọng và khâm phục một con người vĩ đại, một danh nhân lịch sử, đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho cuộc đời này, đặc biệt về phương diện xây dựng đạo đức và hạnh phúc cho con người và thiết lập nền tảng hòa bình thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Asoka xứng đáng là tấm gương cho mọi nhà lãnh đạo chân chính trên thế giới. Các truyền thuyết nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như các chỉ dụ bia ký và trụ đá do ông để lại mãi mãi là những bài học lớn và bổ ích cho mọi con người ở trong mọi thời đại, bởi nó gợi cho người ta về tính cách của một con người, về sự nỗ lực, lòng tận tụy, tình thương và lòng bao dung của một nhà lãnh đạo, tài ba có khả năng chinh phục quân sự và đặt ách thống trị lên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng đã tuyên bố khước từ mọi tham vọng xâm lăng, từ bỏ bạo động, chiến tranh và chủ trương hòa bình, bất bạo động. Chẳng những thế, Asoka còn có di ngôn để lại cho con cái, cháu chắt và hết thảy thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức ,hòa bình và không được tìm kiếm bất kỳ cuộc chinh phục quân sự nào khác, ngoài việc thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava). Đáng tiếc thế giới của chúng ta đã không sản sinh nhiều con người như Asoka để đạo đức, nhân ái và hòa bình luôn ngự trị trên cõi đời này thay vì hận thù, bạo động và chiến tranh.

Trước khi tiếp xúc với Phật giáo, cuộc đời và sự nghiệp của Asoka không tỏa sáng; trái lại còn có phần mờ ám và đáng phê phán bởi tham vọng và quyền lực. Nhưng kể từ khi gặp đạo Phật, Asoka bắt đầu sáng lên nhờ trí đức vốn có của một con người được Phật giáo đánh thức và cổ vũ. “ Ai dùng các hạnh lành làm xóa mờ nghiệp ác, người ấy chói sáng cõi đời này, giống như ánh trăng thoát khỏi đám mây che phủ.”383.Phật giáo đã đánh thức lòng nhiệt thành, tình thương và lòng bao dung trong con người Asoka và động viên ông dùng tâm thành để đối xử với mọi người, lấy tình thương xóa hận thù, dùng hiểu biết để bao dung tất cả. “ Lấy không giận thắng giận,lấy thiến thắng không thiện, lấy thí thắng xan tham, lấy chơn thắng hư ngụy.”384 Asoka đã dốc tâm theo đuổi đường lối Phật giáo, lấy tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xan tham, dùng chân thật thắng gian tà. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng kể người ta tin rằng một người có thể mắc phải sai lầm và hung ác trong quá khứ nhưng nếu biết chuyển đổi tâm tánh và quyết tâm theo đuổi điều thiện thì sẽ không mắc sai lầm và trở thành một người tốt, một con ngưòi hiền thiện. Đạo Phật đã mở cửa cho những con người như Agulimàla và Asoka và giúp họ trở nên thánh thiện. Quả vậy, với sự quy ngưỡng Phật giáo, Asoka đã thay đổi chính mình để từ một con người khét tiếng tàn bạo (Candàsoka) ông được tôn xưng là con người nhân từ (Dharmàsoka).

Về đường lối lãnh đạo của Asoka, chúng ta không thấy có lý do gì để phê phán ngoài việc nhắc lại quan điểm của Walpola Rahula rằng ông đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áo dụng lời dạy của đức Phật về bất bạo động ,hòa bình và yêu thương trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn cả về nội bộ lẫn ngoại giao385. Kết quả của đuờng lối trị quốc và ngoại giao ấy là thế nào, ai cũng thấy rõ . Điều đáng nói ở đây là Asoka đã kiên quyết theo đuổi chính sách bất bạo động và hòa bình và chứng minh với thế giới rằng bạo lực và chiến tranh chỉ gây thêm khổ đau và hậnthù, trong khi bất bạo động và hòa bình mang lại hạnh phúc và yêu thương cho tất cả. Đường lối trị quốc bằng đạo đức nhân ái và chính sách bang giao quốc tế dựa trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc mà Asoka áp đụng cũng khiến đem lại hạnh phúc và cảm thông lớn cho vô số người. Will Durant nói rằng Asoka thất bại về phương diện chính trị, 386nhận định này xem ra không hoàn toàn chính xác bởi theo nguồn tin bia ký XIII thì Asoka không chỉ thu phục nhân tâm trong nước mà còn đạt được thành công lớn ở nước ngoài nhờ theo đuổi đường lối trị quốc hòa bình đức trị. Thật khó tin một đường lối trị quốc và ngoại giao đầy tình người và nhân bản như thế lại không nhận được kết quả khả quan và không thu phục lòng người, dù ở bất kỳ thời đại nào.

Những người con Phật và dân chúng châu Á nói chung mang ơn Asoka rất lớn bởi nhờ ông mà giáolý của đức Phật được mở rộng và lan truyền khắp nơi, đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia là làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc. Công cuộc truyền bá Phật pháp do Asoka chủ trương và hậu thuẫn đã khiến cho nhiều vùng đất châu Á trở nên xanh tươi phì nhiêu, nhiều dân tộc trở nên hiền hòa và cao thượng, có tâm hồn thanh thản, hoan hỷ, dễ tiếp thu cái mời, có trí óc tình tĩnh để hiểu được hết thảy, tha thứ cho hết thảy và sau cùng có tấm lòng nhân từ bao dung luôn mở ra cho mọi loại.

Có người sẽ hỏi Asoka là nhà lãnh đạo đạ làm nhiều điều tốt như thế cho nhân loại, đặc biệt là đường lối hòa bình mà ông đã có công mở ra, nhưng tại sao không mấy ai noi theo tấm gương của ông? Đây là thắc mắc lớn đặt ra không những cho các nhà lãnh đạo trên thế giới mà con cho tất cả mọi người chúng ta, những người đang sống trong một thế giới mà khoảng cách địa lý đã được thu hẹp rất nhiều những khoảng cách giữa con người và con người thì hầu như ngày càng bị đẩy xa. Mặc dù rất dễ gặp gỡ và trao đổi với nhau ở mọi lúc và mọi nơi, chúng ta phải nhận ra rằng con người ngày nay thiếu hẳn sự cảm thông lẫn nhau387;và mặc dù sống trong điều kiện tối ưu của nền văn minh vật chất, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn bởi khát vọng chiếm hữu và thế giới của chúng ta bị đốt cháy ngày đêm bởi hận thù, bạo động và chiến tranh. Phải nhận rõ sự thật về mình như thế mới hiểu được vì sao thế giới không đi đến hòa bình, và không ai chịu nhường nhịn ai giữa các dân tộc, và phải nhận rõ về mình như thế thì mới hiểu được tại sao Asoka đã tạo được bầu không khí hòa bình và cảm thông lớn giữa các dân tộc, trong khi chúng ta thì không. Bởi lẽ không ai khác chính mỗi con người chúng ta đang tạo ra các tường rào ngăn cách giữa mình và người khác và chính mỗi người chúng ta đang trực tiếp thiêu cháy hay dự phần thiêu cháy cuộc đời này bởi tham lam, sân hận và si mê.

Mâu thuẫn ở trong mỗi con người chúng ta góp phần đẩy cuộc đời lâm vào cảnh trớ trêu. Hơn 25 thế kỷ trước, đức Gotama đã ví cuộc đời này như ngôi nhà đang cháy, ý nói rằng baolâu con người chưa dập tắt lửa tham, lửa hận, lửa si trong lòng mình thì thế giới này không tránh khỏi bị thiêu cháy hay đi đến hủy diệt. Đạo Phật xem tham lam (lobha), thù hận (dosa) và si mê (moha) là gốc rễ của mọi tranh chấp, xung đột và chiến tranh. Chính tham, sân, si- nguồn nhiên liệu vốn có sẵn trong mỗi con người chúng ta, không thể đo lường và dường như không hề vơi cạn, chỉ chờ có cơ hội là bộc phát thiêu cháy tất cả-là nguyên nhân khiến con người không xích lại gần nhau và khiến cho thế giới luôn chìm trong khói lửa bạo động và chiến tranh. Nhưng con người sinh ra không phải để thiêu cháy chính mình và thiêu cháy cuộc đời này. Chính vì thế mà mỗi người cần phải nhận thức về các mồi lửa tham, sân, si ở chính mình và ra sức dập tắt chúng.

Phật giáo quan niệm hòa bình thế giới bắt nguồn từ hòa bình ở trong lòng mỗi người mà việc khuất phục gốc rễ tham, sân, si là căn bản. Tuyên bố UNESCO ngày nay cũng nêu rõ: “ Chiến tranh bắt nguồn trong tâm thức con người, do đó chính trong tâm thức con người ý thức hòa bình phải được xây dựng.” Xem ra gốc rễ của chiến tranh và hòa bình đã có câu trả lời khá thống nhất giữa truyền thống tâm linh và tư duy hiện đại. Vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực của con người và mỗi người, bởi không ai dám chắc sẽ dập tắt các mồi lửa chiến tranh trong lòng người khác, trừ phi chính người ấy phải bắt đầu làm điều đó.

Asoka tuân theo lời dạy của đạo Phật, quyết tâm thoe đuổi đường lối hòa bình, bất bạo động và đã thành công nhờ ý chí kiên cường và thái độ dứt khoát đối với chiến tranh và mọi ý tưỡng liên quan đến chiến tranh. Ông từ bỏ xâm lăng quân sự, dập tắt mọi ý tưởng chiến tranh khiến cho các quốc gia và dân tộc khác không còn lo sợ bị tấn công hay lo lắng phòng thủ. Ông theo đuổi hòa bình, chủ trương bang giao giùp đỡ các dân tộc khác trên nhiều lĩnh vực khiến cho mọi quốc gia đều được thái bình thịnh vượng. Đây đích thực là động thái hòa bình, đồng thời là biện pháp duy nhất và triệt để nhất để thiết lập hòa bình và cảm thông lớn giữa các dân tộc. Cách thái này của Asoka nhắc nhở chúng ta về các giải pháp giới hạn và kém hiệu quả của chúng ta cho hòa bình thế giới, cảnh tỉnh chúng ta về nguy cơ gốc rễ của chiến tranh,soi sáng cho chúng ta về con đường thật sự đi đến hòa bình.

Asoka chỉ ra đời một lần và những việc ông làm cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi và thời gian nhất định, trong khi cuộc đời thì diễn tiến không ngừng. Tuy vậy ông đã để lại cho cuộc đời một bài học lớn, bài học của lòng nhiệt thành, sự tận tụy, tình thương và lòng bao dung, bài học của lòng tin ở chính mình và tin người khác trong tất cả việc làm và trong mọi quan hệ. Ông đã dùng tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xan tham, dùng chân thật thắng gian tà. Asoka đã nêu một tấm gương lớn cho cuộc đời. Dù diễn tiến của cuộc đời không giống như ông mong muốn, cách thái và di ngôn ông để lại vẫn luôn luôn là các chuẩn mực và kim chỉ nam cho những ai yêu mến đạo đức, trân trọng nhân ái, khao khát hòa bình, thương yêu đồng loại.

 

 

---o0o---  


PHỤ LỤC I - BẢN DỊCH CÁC BIA KÝ VÀ TRỤ ĐÁ ASOKA



A.Các tiểu bia ký
Bia ký I,(Brahmagiri)
Phụng mệnh Hoàng tử Phó vương (Àryaputra) và các Đại quan (Mahàmàtra) xứ Suvarnagiri, chúng tôi xin gởi đến các quan chức Isila lời cầu chúc sức khỏe và thánh chỉ sau đây: Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hơn hai năm rưỡi làm một cư sĩ (upàsika), ta đã không nỗ lực nhiều, nhưng sau hơn một năm gần gũi (chung sống với) Tăng già (Sangha),ta đã nỗ lực rất lớn. Trong thời gian này, những người dân Ấn Độ (Jambudvìpa) chưa tôn thờ thần linh đã tôn thờ thần linh. Đây chính là kết quả của sự nỗ lực. Kết quả này là khả dĩ, không chỉ đối với kẻ thượng quan, mà kẻ hạ quan cũng có thể đạt được hạnh phúc cõi trời nếu y nỗ lực. Vì lẽ đó, ta ban bố chỉ dụ này để các quan chức lớn nhỏ sẽ chú ý nỗ lực nhiều hơn, ngay cả những người láng giềng của ta cũng được biết, và để sự nỗ lực được duy trì lâu dài. Hơn thế, sự nỗ lực cần được phát triển, phát triển rộng rãi, ít nhất một lần rưỡi. Đức Thánh thượng cho công bố đạo dụ này trong chuyến du hành của ngài.

---o0o---


Bia ký II
Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần lonh, dạy như sau: Tất cả mọi người phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, phải tôn trọng sự sống, phải nói lòi chân thật. Hết thảy mọi người cần phải thực hành và khuyến khích các đức hạnh cao quý này. Cũng vậy, học trò cần phải tôn kính thầy và phải xử sự đúng đắn với thân bằng quyến thuộc. Đây là đạo lý truyền thống khiến được sống lâu. Vì vậy, hết thảy mọi người cần phải thực hành đạo lý này. Chỉ dụ này được viết bởi Chapada.
---o0o---
B.Bia ký bhabruhay bairat số 2

Hoàng đế Priyadarśì, quốc vương Magadha, đảnh lễ chư Tăng, kính mong chư Tăng được sức khỏe, hỷ lạc và xin có lời cáo bạch như sau: Thưa chư Tôn đức, chư Tôn đức biết rằng tôi có lòng kính tín Tam bảo- Phật,Pháp,Tăng. Thưa chư Tôn đức, những gì đức Phật nói ,tất cả là khéo thuyết. Nhưng tôi xin mạn phép chọn ra các đoạn kinh sau đây với ước mong Chánh pháp được trường tồn:

1.Luận về tầm quan trọng của Giới luật (Vinaya-samukasa).

2.Thánh cư hay nếp sống phạm hạnh cao cả (Aliya-vasàni).

3.Các lo lắng về tương lai (Anàgata-bhayàni).

4.Các bài kệ nói về đời sống ẩn sĩ (Muni-gàthà).

5.Bài kinh đề cập sự tịch tịnh (Mauneya-sùte).

6.Những câu hỏi của Xá Lợi Phất (Upatisa-pasine).

7.Giáo giới Ràhula.(Là ghulovàde).

Thưa chư Tôn đức , tôi mong tất cả chư Tôn đức Tăng, Ni, cũng như chư vị nam nữ cư sĩ sẽ thường xuyên thảo luận và xem xét các điểm giáo lý này. Thế nên, thưa chư Tôn đức, tôi cho khắc bia ký này để mọi người hiểu rõ ý định của tôi.


---o0o---
C.Các bia ký Kalinga
Bia ký I,(Dhauli)
Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần linh, ban chiếu chỉ cho các đại quan (Mahàmàtra) có trách nhiệm cai quản thành phố Tosalì như sau: Bất cứ điều gì ta xem là đúng, ta mong muốn thấy điều đó được thực thi và hoàn thành bằng biện pháp đúng đắn. Và ta nghĩ đây là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu ấy, nghĩa là nhắc nhở các ngươi. Các ngươi được cất nhắc trông coi hằng ngàn người với mục đích thu phục tình cảm quần chúng. Hết thảy thần dân đều là con cái của ta. Vì ta có lòng mong cho các con ta được hưởng trọn lợi ích và hạnh phúc cả đời này và đời sau, nhân danh chúng, ta mong tất cả thần dân của ta cũng được như vậy. Tuy nhiên các ngươi có thể không hiểu được tầm mức quan trọng của vấn đề. Ai đó trong các ngươi có thể nắm bắt được vấn đề này nhưng cũng chỉ nắm bắt được một phần, không phải toàn bộ. Vì vậy cần phải chú ý hơn vấn đề này, dù cho các người đã khéo nắm bắt nó. Trong phạm vi cai quản của các ngươi, sự kiện có thể xảy ra là người nào đó phải chịu cảnh tù tội hay khổ đau và vì lý do này có thể đi đến tử vong khiến cho nhiều người khác phải khổ đau, sầu muộn. Do đó, các ngươi cần phải thực hành con đường trung đạo (majham patipàda), nghĩa là phải tỏ ra công bằng và không thiên vị. Không ai có thể hành động đúng đắn hay xử lý công việc thành công với các khuynh hướng tâm lý không ổn định như ganh tỵ, thay lòng đổi dạ, tàn ác, thiếu kiên nhẫn, thiếu cân nhắc, lười biếng,mệt mỏi. Bởi vậy các ngươi cần phải hiểu là mình sẽ không có những xu hướng tâm lý bất ổn như thế. Cội rễ của toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ định tâm và lòng kiên nhẫn. kẻ nào tỏ ra mệt mỏi trong công tác quản lý thì sẽ không thành công. Nhưng con người ta cần phải tháo vát, tiến bộ và phát triển. Đây là điều các người cần phải cân nhắc. Vì vậy ta nhắc nhở các ngươi: Các ngươi cần hiểu rằng các ngươi phải hoàn thành các nghĩa vụ đối với ta, rằng ta đã răn dạy như vậy như vậy. Nếu các ngươi làm tốt những điều ta dạy thì kết quả các ngươi nhận được sẽ rất lớn, nhưng nếu các ngươi không thực thi lời ta dạy thì hậu quả sẽ rất xấu. Những ai không hoàn thành việc ta giao phó , những người ấy không hưởng được hạnh phúc thiên giới cũng không nhận được ân điển của hoàng gia. Bởi ta nghĩ đến hai kết quả của sự chú tâm hoàn thành bổn phận; do đó, nếu các ngươi làm tốt điều ta dạy, các ngươi sẽ đạt được hạnh phúc cõi trời và hoàn thành các nghĩa vụ đối với ta.

Đạo dụ này phải được đọc vào các ngày Tisya, trong khoảng thời gian giữa các ngày Tisya và vào các dịp thuận lợi để cho mọi người cùng nghe, thậm chí cho một người nghe. Làm như thế tức là các ngươi thực hiện đầy đủ lời ta dạy. Vì lý do đó, đạo dụ này được viết ra để các phán quan của thành phố không ngừng nỗ lực khiến cho không một công dân nào của thành phố chịu cảnh tù tội hay khổ đau mà không có lý do. Cũng vì lý do đó, ta sẽ phái các quan chức cao cấp (Mahàmàtra), những người không khắc khe cũng không bạo động nhưng chu đáo trong mọi công việc, cứ năm năm tuần du một lần để xem các phán quan có làm đúng như điều ta dạy hay không. Tại Ujjayinì, Hoàng tử phó vương sẽ phái một đoàn quan chức các cấp tuần du ba năm một lần để thực hiện mục đích tương tự. Tương tự, tại Takhasilà, vị Hoàng tử phó vương cũng làm như thế. Khi các quan chức tiến hành tuần du thì không được lơ là nhiệm vụ mà phải có trách nhiệm xem xét các phán quan có làm đúng điều ta dạy hay không.


---o0o---
Bia ký II (Jaugada)
Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần linh, ban sắc chỉ: Các đại quan xứ Samàpà có quyền tiếp chỉ của Hoàng thượng được thông báo như sau: Bất cứ điều gì ta xem là đúng , ta mong muốn thấy điều ấy được thực thi và hoàn thành bằng biện pháp đúng đắn. Và ta nghĩ đây là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu ấy, nghĩa là nhắc nhở các ngươi: Hết thảy thần dân, đều là con cái của ta. Bởi ta có lòng mong muốn cho các con ta được hưởng trọn lợi ích và hạnh phúc đời này và đời sau, nhân danh chúng , ta mong tất cả thần dân của ta cũng được như vậy.

Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: Nhà vua này muốn gì ở chúng ta? Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phức từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để được lợi ích đời này và đời sau.

Vì vậy ta tuyên bố với các ngươi, do làm như thế ta trả xong món nợ cho các chúng sinh, và ta nhắc nhở và bảo cho các ngươi rằng ý định, quyết tâm và lời hứa của ta là không bao giờ thay đổi. Do đó các ngươi cần làm tốt các bổn phận của mình để mọi người hiểu rằng “đức vua là cha của chúng ta; chúng ta là con cái của người; người hiểu chúng ta như hiểu chính mình.” Cùng lúc nhắc nhở và báo cho các ngươi biết rõ ý chí, quyết tâm và lời hức không vi phạm của ta, ta cũng có chỉ thị gởi đến các quan chức khắp các tỉnh thành để họ thực hiện mục đích này. Vì các ngươi là những người có trách nhiệm làm cho dân tin, mang lại lợi ích và hạnh phúc đời này và đời sau cho dân; do đó, nếu các ngươi sẽ đạt được hạnh phúc cõi trời và hoàn thành các nghĩa vụ đối với ta. Vì lẽ ấy, ta cho khắc bia ký này tại đây để các quan chức cao cấp không ngừng nỗ lực làm việc khiến cho các dân tộc ở các vùng biên giới đạt được tin tưởng và thực hành đạo đức tôn giáo.

Chỉ dụ này phải được công bố vào các ngày Tisya trong năm, trong khoảng thời gian giữa các ngày Tisya và vào các dịp thuận lợi để cho mọi người cùng nghe, thậm chí cho một người nghe. Làm như thế tức là các ngươi thực hiện đầy đủ lời ta dạy.


---o0o---
D.Mười bốn bia ký
Bia ký I,(Shahbazgarhi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho khắc đạo dụ này: Tất cả mọi người không được giết hại sinh vật và dùng sinh vật để tế lễ. Không được tiến hành lễ hội Samàja. Vì lẽ đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, thấy rõ nhiều bất công trong lễ hội Samàja. Tuy nhiên đức Thánh thượng cũng nhận thấy lễ hội có những thứ đáng ca ngợi.

Trước đây, trong nhà trù của Hoàng gia, hàng trăm ngàn sinhvật bị giết mỗi ngày cho mục đích ẩm thực. Nhưng nay, khi đạo dụ này được ban ra, chỉ có ba sinh vật bị giết thịt, hai con công và một con nai, nhưng nai thì không thường xuyên. Ngay cả ba sinh vật này về sau sẽ không còn bị giết thịt nữa.


---o0o---
Bia ký II, (Girnar)
Khắp nơi trong vương quốc của đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, và tại các lãnh địa như Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmraparnì, tại xứ sở vua Hy Lạp Antiocho và tại các xứ sở các vị vua láng giềng của vua Hy Lạp Antiocho- khắp các nơi ấy, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho xây dựng hai loại hình trị liệu-chăm sóc y tế cho người và trị liệu cho thú vật. Các loại cây làm thuốc cần cho việc điều trị người và thú được phép nhập khẩu và cho trồng tại những nơi chưa có. Các loại cây lấy rễ và cây ăn quả cũng được phép nhập khẩu và cho trồng khắp nơi. Trên các trục lộ, các giếng nước được xây dựng và các loại cây được gieo trồng để phục vụ tiện ích cho người và thú vật.
---o0o---
Bia ký III,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như thế này: Mười hai năm sau khi lên ngôi, ta ban lệnh như sau: Khắp nơi trong vương quốc của ta, các quan chức Yukta, Ràjùka và các quan chức Pràdeśika phải thực hiện tuần du năm năm một lần nhằm phổ biến Chánh pháp (Dharma) và thúc đẩy các công việc khác. Họ cần phải giảng dạy cho quần chúng như sau; Phụng dưỡng cha mẹ là cao quý; chia sẻ với bạn bè, giúp đỡ bà con, thân bằng quyến thuộc,cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn là cao quý; không sát hại sinh vật là cao quý; không tiêu xài phung phí hay tiết kiệm là cao quý. Hội đồng bộ trưởng cần phải chỉ thị các quan chức Yukta kết toán các khoản công tác phí của các quan chức tuần du theo tinh thần luật định của Hoàng gia.
---o0o---
Bia ký IV,(Girnar)
Hàng trăm năm trước đây, việc giết hại thú vật để tế lễ, đối xử tàn ác với sinh linh, xử sự không đúng với bà con, với các Sa-môn và Bà-la-môn đã không ngừng gia tằng. Nhưng ngày nay, do đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, thực hành Chánh pháp (Dharma), tiếng trống trận (bherì-ghosa) mở ra cho mọi người quang cảnh các thế giới thần tiên,các loài voi, các khối lửa và nhiều cảnh giới chư thiên khác.

Ngày nay, nhờ các huấn chỉ tôn giáo do đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ban bố, việc từ bỏ sát hại súc vật,không gây tổn hại cho sinh linh, xử sự đúng đắn với bà con, với các Sa-môn, và Bà-la-môn, hiếu kính cha mẹ và tôn trọng các bậc trưởng thượng đã được gia tăng, như chưa từng thấy mấy trăm năm trước đây.

Đạo đức đã được phát triển và đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thực hành đạo đức này. Các con cái và cháu chắt của đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, sẽ thúc đẩy sự thực hành đạo đức này cho đến môn đời, sẽ sống trong Chánh pháp (Dharma) và sẽ truyền dạy Chánh pháp, bởi đây là việc làm cao cả, nghĩa là, giảng dạy Chánh pháp.

Thực hành đạo đức không thuộc về người không có đức hạnh. Vì vậy sự phát triển đạo đức là đáng ca ngợi. Vì lý do này, chỉ dụ này được viết ra để các con cái và cháu chắt của ta luôn luôn thúc đẩy đạo đức và không để đạo đức biến mất. Chỉ dụ này được đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, cho khắc khi ngài đăng quang được mười hai năm.


---o0o---
Bia ký V,(Mànsehrà)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Điều thiện thật khó làm. Người nào làm điều thiện, người ấy thành tựu được điều khó làm. Cho đến nay ta đã làm được nhiều điều thiện.

Do đó, t among các con cái và cháu chắt nhiều đời của ta sẽ noi gương ta làm nhiều điều thiện. Nhưng người nào tỏ ra lơ là hay bỏ qua một phần làm thiện tức người ấy sẽ làm ác . Điều ác hay tội lỗi cần phải được tiêu diệt.

Trước đây, các quan chức Dharma-Mahàmàtra chưa từng được biết tới. Nhưng nay, mười ba năm sau khi lên ngôi, ta thành lập các quan chức Dharma-Mahàmàtra, ta dùng các quan chức này trong mọi giáo phái nhằm xây dựng và phát triển Chánh pháp vì lợi ích và hạnh phúc cho những ai tận trung với tôn giáo. Các quan chức này cũng được cắt cử phục vụ tại các xứ sở và dân tộc như Yona, Kamboja,Gandhàra, Ràstrika, Pitinika và các dân tộc Aparànta hay các bộ tộc biên giới phía tây. Họ được đề cử phục vụ trong quân đội, trong các hội chúng ẩn sĩ Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, giữa những người nghèo khó và người già yếu nhằm mục đích mang lại lợi ích và hạnh phúc cho họ và để giúp những người thực hành Chánh pháp thoát khỏi phiền toái. Họ cũng được đề cử nhằm xem xét đơn kháng án của các phạm nhân, giúp phạm nhân khỏi bị ngược đãi, giải phóng phạm nhân trong trường hợp phạm nhân phải nuôi con dại hay gặp quá nhiều bất hạnh hoặc bị khổ sở bởi tuổi già. Họ cũng được bổ làm việc tại Pàtaliputra và tại các tỉnh thành bên ngoài, trong các hậu cung của các anh chị em ta và bất cứ nơi nào có thân nhân của ta sinh sống. Ta dùng các quan chức Dharma-Mahàmàtra này khắp nơi trong vương quốc của ta để họ giúp mọi người thực hành Chánh pháp, tận trung với Chánh pháp và làm các việc thiện.

Vì vậy, ta cho khắc đạo dụ này để Chánh pháp được trường tồn và để cho các tế hệ con cháu của ta muôn đời sống trong Chánh pháp.


---o0o---

Bia ký VI,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ban chiếu chỉ như sau: Trong các triều đại trước đây, công tác quản trị hay tiếp thu các trình báo không được tiến hành vào mọi lúc. Vì vậy nay ta sắp xếp lại như sau: vào mọi lúc, khi ta đang ăn, đang ngủ, đang ở hậu cung, đang ở các trại chăn nuôi, đang ở chổ thuyết giáo, đang vui chơi hay bất kỳ ở đâu, các quan lại có trách nhiệm khấu trình (Prativedaka) phải trình báo cho ta mọi việc liên quan đến nhân dân. Ta phải giải quyết mọi vấn đề của dân ở bất cứ nơi đâu. Và nếu ta ra lệnh bằng miệng cho một người nào đó hiến tặng tiền bạc hay công bố ý định của ta thì các ngươi phải ghi là “ lệnh cho hiến tặng tiền bạc hay công bố thánh chỉ ,” hoặc giả khi tar a lệnh cho các quan chức cao cấp của nhà nước (Mahà-màtra) về một vấn đề nào đó khẩn cấp mà theo đó tranh luận hay bàn cãi xảy ra tại Hội đồng các quan lại (Parisat) thì ngay lập tức các ngươi phải trình báo sự việc cho ta vào mọi lúc và ở mọi nơi. Đây là thánh chỉ của ta. Bởi ta không thấy hài lòng về mình trong sự nỗ lực giải quyết công việc. Trách nhiệm thiêng liêng của ta là thúc đẩy lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó căn bản là nỗ lực giải quyết công việc.Không có việc làm nào cao cả hơn là thúc đẩy lợi ích cộng đồng. Và nếu như ta có nỗ lực làm điều gì thì điều đó có nghĩa là ta trả xong món nợ cho tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh được hạnh phúc đời này và hưởng được thiên giới đời sau.

Vì lý do này,ta cho khắc đạo dụ này để cho lời ta được bền lâu, ngỏ hầu các con cái và cháu chắt nhiều đời của ta sẽ vâng theo vì lợi ích của tất cả chúng. Nhưng lợi ích và hạnh phúc rất khó thành tựu trừ phi phải nỗ lực và bền bỉ.


---o0o---
Bia ký VII,(Shahbazgarhi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, mong muốn quần chúng mọi giáo phái sống khắp mọi nơi. Vì tất cả họ đều ước muốn chế ngự tham dục và sống thanh tịnh . Tuy nhiên quần chúng thì có nhiều khuynh hướng và ham muốn khác nhau. Họ có thể thực hiện toàn bộ hay một phần các bổn phận của mình. Nhưng dù cho người nào có ít bố thí, ít chế ngự tham dục, ít nội tâm thanh tịnh, ít lòng biết ơn và ít kiên trì lòng tin đi nữa thì cũng cần thiết và đáng được ca ngợi.
---o0o---
Bia ký VIII,(Shahbazgarhi)
Trong các thời quá khứ, chư vị Hoàng đế từng thực hiện những cuộc du hành hưởng lạc gọi là Vihàrayàtrà, trong đó gồm việc săn bắn và các trò tiêu khiển khác tương tự. Nhưng khi lên ngôi mười năm, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ngự giá chiêm ngưỡng chỗ đức Phật giác ngộ (Sambodhi), kể từ đó ngài thực hiện những cuộc du hành Chánh pháp (Dharma-yàtra) trong đó ngài thăm và tặng quà cho các Sa-môn và Bà-la-môn, thăm viếng dân chúng trong nước, hướng dẫn và thảoluận với họ về đạo đức. Việc làm này khiến đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, có thêm niềm vui lớn.
---o0o---
Bia ký IX,(Kalsi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Quần chúng thường tổ chức nhiều lễ lạc khác nhau. Lúc gặp ngộ cảnh bất trắc, cưới vợ gả chồng cho con, sinh nhật con cái, tiễn người đi xa-vào những lúc ấy quần chúng thường tiến hành các lễ hội khác nhau. Nhưng trong những trường hợp như vậy, những người mẹ và những người vợ thường bày ra những buổi lễ đông đúc ,linh tinh, tầm thường, không lợi ích.

Nay các lễ hội cần được xem xét lại và tiến hành có hiệu quả hơn. Các lễ hội trước đây chỉ mang lại kết quả nhỏ. Tuy nhiên chúng sẽ mang lại quả lợi ích lớn nếu được tiến hành hợp với Chánh pháp. Nghĩa là các lễ hội trong đó người ta đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở , tôn kính thầy cô giáo,tránh gây tổn hại cho các sinhvật, bố thí cúng dường cho các Sa-môn,Bà-la-môn. Những lễ hội như thế được gọi là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala).

Do đó, tất cả mọi người-cha mẹ, con cái, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, người đồng nghiệp hay thậm chí kẻ hàng xóm-nên khuyên bảo nhau như thế này: “ Việc này đáng ca ngợi; lễ hội này đáng được tiến hành cho đến khi đạt được mục đích; lễ hội như vậy tôi sẽ thực hiện.” Bởi cáclễ hội kia khác những lễ hội này – chúng không có kết quả chắc chắn. Chúng có thể đưa đến kết quả hoặc không , và nếu có cũng chỉ giới hạn ở đời này. Nhưng lễ hội Chánh pháp thì vượt ra ngoài thời gian. Giả sử người ta không đạt kết quả ngay đời này thì đời sau sẽ được phước đức vô tận. Nhưng nếu người ta đạt kết quả ngày đời này thì cả hai đường đều gặp vận may, nghĩa là, kết quả ngay trong đời này và phước đức vô tận ở đời sau nhờ nuôi dưỡng vận may Chánh pháp (Dharma-mangala).
---o0o---
Bia ký X,(Kalsi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, không xem danh tiếng là thứ mang lại nhiều lợi ích, trừ phi nó được xây dựng như ý ngài mong muốn, tức là , tất cả mọi người trong hiện tại và trong tương lai sẽ lắng nghe Chánh pháp và thực hành Chánh pháp. Vì lẽ đó mà đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ước muốn được danh tiếng. Và bất cứ nỗ lực nào của ngài, tất cả đều vì lợi ích đời sau và đều khiến cho mọi người thoát khỏi trói buộc hay khổ đau. Trói buộc hay khổ đau tức là điều ác hay tội lỗi. Quả là những người có địa vị danh giá hay địa vị thấp hèn đều khó thành tựu mục đích này trừ phi phải nỗ lực hết mình và xả ly tất cả. tuy nhiên trong hai hạng người này, hạng có điạ vị danh giá khó đạt mục đích hơn.
---o0o---
Bia ký XI,(Shahbazgarhi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, dạy như sau: Không có bố thí nào bằng Pháp thí (Dharma-dàna), nghĩa là hiểu rõ Chánh pháp, ban bố Chánh pháp và xử sự bằng Chánh pháp. Bố thí Chánh pháp được làm như sau: đối xử nhân hậu với người tôi tớ, kẻ giúp việc hiếu kính cha mẹ; chia sẻ và giúp đỡ bạn bè, bà con; bố thí cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; không sát hại sinh vật hay dùng sinh vật cho mục đích tế lễ.

Tất cả cha mẹ, con cái, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, người đồng nghiệp, hay kẻ láng giềng cần phải phổ biến Pháp thí này, nói như sau: “ Việc làm này đáng ca ngợi, việc làm này đáng được xem là bổn phận.” Làm như thế, người ta đạt được lợi ích đời này và hưởng phước báu vô tận đời sau nhờ công đức Pháp thí (Dharma-dàna).


---o0o---
Bia ký XII,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tôn trọng hết thảy mọi giáo phái, dù là hạng tu sĩ xuất gia hay tại gia cư sĩ; ngài bày tỏ lòng tôn trọng bằng cách tặng quà và cúng dường các vật dụng cho thành viên các giáo phái. Nhưng đức Thánh thượng không xem các tặng vật và lòng kính trọng bề ngoài ấy là quan trọng bằng sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái. Sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái có thể làm bằng nhiều cách, nhưng gốc rễ là chế ngự lời nói, nghĩa là, không nên tôn trọng giáo phái của mình và đặt điều nói xấu giáo phái của người khác. Trái lại, người ta nên tôn trọng giáo phái của người khác vì lý do này hay vì lý do khác. Làm như thế, người ta vừa phát huy giáo phái của mình vừa giúp phát huy giáo phái của người khác.Bằng ngược lại, người ta sẽ làm tổn thương giáo phái của chính mình và làm thương tổn giáo phái của người khác. Những ai tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng; “ như vậy ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta,” thì ngược lại người ấy chỉ làm tổn thương ngiêm trọng giáo phái của chính mình. Do đó, hoà hợp tôn giáo là điều đáng ca ngợi. Trong ý nghĩa như vậy, tất cả mọi giáo phái cần lằng nghe và sẵn sàng lằng nghe giáo lý của người khác. Đây chính là ước muốn của đức Thánh thượng, tức là, tất cả mọi giáo phái cần có sự hiểu biết rộng rãi và nguồn giáo lý thâm hậu. Và những ai tự bằng lòng với niềm tin của mình, những người ấy cần phải được bảo là đức Thánh thượng không xem tặng vật và lòng kính trọng bề ngoài là quan trọng bằng sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái.

Vì lẽ đó, ta bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra (trông coi về đạo đức xã hội), các quan chức Strì-adhyaksa-mahàmàtra (trông coi các vấn đề phụ nữ), các quan chức có trách nhiệm về chăn nuôi mục súc và các bộ phận quan lại khác nhằm mục đích khuyến khích các giáo phái phát triển và làm rạng danh Chánh pháp.


---o0o---
Bia ký XIII,(Shahbazgarhi)
Tám năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, chinh phục xứ Kalinga. 15.000 người bị bắt làm tù binh, 100.000 người bị giết chết và hàng trăm ngàn người khác đã bỏ mạng trên chiến trường này.

Sauk hi chinh phục xứ Kalinga, đức Thánh thượng Priyadarśì, nguời con yêu quý của các thần linh, đã thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp. Đức Thánh thượng cảm thấy hối tiếc việc chinh phục Kalinga vì đã gây ra cảnh tàn sát, chết chóc và đày ải khổ đau và đáng thương tâm cho dân chúng một xứ sở độclập. Nhưng đức Thánh thượng càng thấy đau đớn hơn nếu chết chóc, thương tật hay đày ải lại xảy ra cho thân nhân các Sa-môn và Bà-la-môn hay tín đồ các giáo phái hay những người gia chủ sống với đạo tâm kiên cố và có đức hạnh như hiếu kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng, tôn trọng thầy cô giáo, xử sự tốt đối với bạn bè, đồng nghiệp, ân nhân bà con quyến thuộc, người làm công, kẻ nô bộc.Lại nữa, ngài hết sức đau buồn nếu thiên tai bất hạnh ập đến cho bạn bè, người quen, đồng nghiệp và thân bằng quyến thuộc của những người có cảm tình thủy chung, vì điều này gây tai ách cho họ dù rằng họ có cuộc sống ổn định. Tất cả tai ương này mọi người phải gánh chịu như nhau nhưng đức Thánh thượng là người đau khổ nhất. Ngoại trừ xứ Yona,không có quốc gia nào không có các hội chúng Sa-môn và Bà-la-môn cư trú. Cũng vậy, không nơi nào trong một quốc gia lại không có những người tin theo giáo phái này hay tôn giáo nọ.

Do đó, ngày nay, dù việc chết chóc có con số chỉ bằng một phần trăm hay một phần ngàn số người bị chết, bị thương và bị bắt ở Kalinga, đức Thánh thượng cũng xem điều ấy là nghiêm trọng. Chẳng những thế,ngài sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm sai lầm trong trường hợp đáng tha thứ. Ngay cả đám lục lâm thảo khấu nằm trong vương quốc của ngài, đức Thánh thượng cũng ra sức thuyết phục chúng trở về con đường lương thiện, để chúng thấy rõ sức mạnh ăn năn của ngài mà thấy xấu hổ về các hành vi phạm pháp của mình và tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Quả vậy, đức Thánh thượng mong muốn tất cả chúng sanh thoát khỏi bị hại, chế ngự tham dục, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc.

Đức Thánh thượng cho rằng chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava).Và ngài đã thực hiện thành công mục tiêu chiến thắng này trong vương quốc của ngài và trong số các dân tộc vùng biên giới, thậm chí vươn xa 600 do do tuần, đến xứ Yona do đức vua Antiocho trị vì và xa hơn là xứ sở của bốn vị vua Ptolemy, Antigono, Maga và Alexander; cũng vậy tại các xứ sở Chola, Pàndya và Tàmrapanì ở phương nam. Khắp nơi trong lãnh thổ và các dân tộc nằm dưới quyền cai quản của ngài như Yona,Kampoja,Nabhaka,Nabhiti,Pitinika,Andhra và Palida, dân chúng đều tuân theo huấn chỉ đạo đức của ngài. Thậm chí đức Thánh thượng mong rằng tại những xứ sở mà các sứ giả của ngài chưa đến được, quần chúng ở những nơi ấy sau khi nghe được các huấn chỉ của ngài sẽ thực hành Chánh pháp. Chiến thắng bằng đạo đức ấy, tình thương được mở ra. Dù tình thương ấy chưa bộc lộ mạnh mẽ, đức Thánh thượng xem đây là nhân tố đưa đến kết quả lớn trong tương lai.

Vì lẽ đó, đạo dụ này được viết ra để các con cái và cháu chắt của ta không còn nghĩ đến sự chinh phục nào khác ngoài việc chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái. Và chúng cần hiểu rằng chỉ có thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái mới là chiến thắng thực sự. Sự chinh phục như vậy đưa đến lợi ích đời này và đời sau. Mong rằng tất cả chúng được hạnh phúc trong sự nỗ lực thực hành Chánh pháp. Mong tất cả chúng được lợi ích đời này và đời sau.
---o0o---
Bia ký XIV,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho khắc các đạo dụ dưới nhiều hình thức khác nhau; tóm tắt, trung bình hay giải thích rộng rãi. Nhưng thường thì các đạo tu ấy không được viết đúng ở mọi nơi. Vương quốc của đức Thánh thượng rất rộng lớn nên ngài đã cho khắc nhiều đạo dụ và sẽ cho khắc nhiều đạo dụ hơn nữa khiến dân chúng nghe được điều hay lẻ phải mà hành theo. Tuy nhiên, có đôi khi vì lý do địa phương hay vì lý do cắt xén các tảng đá hay do lỗi của người khắc bia mà các đạo dụ đã được viết ra không đầy đủ.
---o0o---
E.Các đạo dụ khắc trên bảy trụ đá

Trụ đá I

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, ta đã cho khắc đạo dụ này. hạnh phúc đời này và đời sau thật khó đạt, trừ phi phải hết lòng yêu quý Chánh pháp, hết lòng xem xét chính mình, hết lòng vâng theo Chánh pháp, hết lòng lo sợ điều ác và hết lòng nỗ lực làm điều thiện. Quả vậy, nhờ huấn chỉ đạo đức của ta mà càng ngày quần chúng càng yêu quý Chánh pháp và sống theo Chánh pháp.

Tất cả các quan chức Purusa của ta, dù là cấp cao, cấp thấp hay bậc trung, đều phải làm đúng như điều ta dạy và phải thực thi đúng đắn các bổn phận của mình, nghĩa là phải có trách nhiệm nhắc nhở những người có tâm lý hay thay đổi hoàn thành các bổn phận của họ. Các quan chức Anta-mahàmàtra của ta cũng phải làm như thế. Sau đây là huấn chỉ của ta cho các ngươi: quản lý theo Chánh pháp (hay pháp luật), giải quyết công việc theo Chánh pháp, khiến cho dân được hạnh phúc nhờ Chánh pháp và bảo vệ dân bằng Chánh pháp.

---o0o---


Trụ đá II
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh , tuyên cáo như sau: Chánh pháp là thiện. Nhưng thế nào là Chánh pháp? Ấy là tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, có từ tâm, sống với tâm hào phóng, chân thật và trong sạch.

Ta đã giúp cho mọi người hiểu biết tâm linh bằng nhiều cách khác nhau. Đối với loài hai chân và bốn chân, các loài chim và các loài sống dưới nước, ta đã ra lệng đối xử từ tâm, thậm chí cho tới ân huệ, về sự sống của chúng. Tương tự, ta đã làm nhiều điều thiện khác.

Vì lẽ đó, ta cho khắc đạo dụ này để nó được bền lâu và để mọi người nương theo đó mà sống .Người nào thực hành theo đạo dụ này tức là người ấy đã làm một việc tốt.
---o0o---
Trụ đá III
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, nói như sau: Con người ta chỉ thấy việc tốt của mình, cho rằng : “Điều thiện này ta đã làm.” Nhưng con người thường mù quáng đối với tội lỗi của mình, không nghĩ rằng : “ Ta đã phạm tội ác này hay ta đã rơi vào sai lầm.”

Quả vậy, điều ác thật khó thấy. Nhưng mọi người cần phải hiểu như sau: “ Những thứ này thôi thúc tội ác, tức là, hung bạo, độc ác, giận dữ, kiêu căng, ganh tỵ. Mong rằng ta sẽ không bị sụp đổ bởi những thứ này.” Đặc biệt, mọi người cần phải lưu ý mình như sau: “Điều này giúp ích cho ta đời này, điều kia giúp ích cho ta đời sau.”


---o0o---

Trụ đá IV
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, ta cho khắc đạo dụ này.

Ta đã bổ nhiệm các quan chức Ràjùka có trách nhiệm quản lý hành trăm ngàn dân. Ta cũng đã ban bố luật cai quản tùy thuộc thẩm quyền của các quan chức Ràjùka để họ nắm vững mà không ngại thực hiện các nhiệm vụ mang hạnh phúc cho dân và phân phối các tặng phẩm của hoàng gia. Các quan chức Ràjùka cần nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc hay khổ đau của dân và cùng với sự giúp sức của các tín đồ ngoan đạo khích lệ dân chúng ở các tỉnh thành rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc đời này và đời sau.

Như vậy các quan chức Ràjùka cần phải tuân thủ Thánh chỉ của ta. Họ cũng phải nghe lời các quan chức Purusa, những người hiểu rõ các mong muốn của ta; các quan chức Purusa phải có trách nhiệm khuyên nhắc các quan chức Ràjùka làm việc tốt để ta được vui lòng.

Như vậy một người giao phó đứa con của mình cho một người vú chăm sóc, an tâm nghĩ rằng; “ Người vú ân cần này sẽ chăm sóc chu đáo cho đứa con của ta,” cũng vậy , ta thành lập các quan chức Ràjùka với ý nghĩ rằng họ sẽ hết lòng chăm lo lợi ích và hạnh phúc cho dân.

Để các quan chức Ràjùka an tâm thực hiện các nhiệm vụ của mình, ta đã cho họ được quyền tự do quyết định và xử lý mọi công việc theo luật định.

Vì ta mong pháp luật luôn đi đôi với công lý, ta chỉ thị rằng đối với những phạm nhân đã được tuyên án tử hình, họ được nhận ba ngày ân huệ. Trong thời gian nhận ân huệ này, dù thân nhân các phạm nhân hoặc yêu cầu các quan chức Ràjùka xem xét mức án của họ hoặc không yêu cầu, các phạm nhân sẽ được tạo điều kiện để thực hành bố thí hay ăn chay để được hưởng lợi ích đời sau ngay sau khi kết thúc ba ngày ân huệ, cuộc sống đạo đức được phát triển, song song với sự tự chế và bố thí cho mọi người.


---o0o---
Trụ đá V
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, ta ban điều luật ngăn cấm sát hại các loài vật như vẹt,cò,ngỗng,loài chim sống ở nước,loài sếu, các loài dơi,ong,kiến,ba ba,tôm lươn,cá gangàpuputaka, cá skate, rùa ,nhím ,sóc ,bò ,trâu, các loài vật sống trong nhà như chó, mèo, chuột, các loài tê giác,bồ câu trắng,bồ câu nội địa, và tất cả loài thú bốn chân. Con người cũng không được giết hại các loài dê cái, cừu cái và lợn cái đang mang thai hay có con nhỏ, không được thiến gà, không được thiêu hủy các loại vỏ trái cây có mầm sống bên trong, không được đốt rừng, không được dùng sinhvật để nuôi sinhvật. Cá không được giết và không được bày bán vào các ngày mười bốn, ngày rằm và ngày mồng một, cũng như vào các lễ húy tôn giáo. Cũng vậy, các loại trâu đực, dê đực ,cừu đực, cùng các loại súc vật khác không được thiến vào các ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm, các ngày Tisyà và Punarvasu, các ngày trăng tròn trong năm và các ngày lễ tôn giáo. Vào các ngày Tisyà và Punarvasu cũng như vào các ngày trăng tròn trong năm,việc đóng móng ngựa và móng bò không được tiến hành.

Cho đến nay, 26 năm kể từ khi lên ngôi, ta đã 25 lần ân xá cho các phạm nhân.


---o0o---
Trụ đá VI
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên cáo như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, vì lợi ích và hạnh phúc của quần chúng, ta đã cho khắc một loạt các đạo dụ để mọi người từ bỏ lối sống sai lầm và phát huy nếp sống chân chánh. Nghĩ rằng: “ lợi ích và hạnh phúc của mọi người sẽ được bảo đảm,” ta không chỉ nghĩ đến bà con của ta mà còn quan tâm đến hết thảy mọi người gần xa và theo đó sắp xếp mọi việc để cho mọi người được sống hạnh phúc. Ta làm như thế đối với mọi tầng lớp xã hội.

Ta tôn trọng tất cả mọi giáo phái và bày tỏ lòng tôn trọng của ta bằng nhiều hình thức tôn kính và cúng dường khác nhau. Ta cũng tôn trọng sự lựa chọn tín ngưỡng của mỗi người. Sau khi lên ngôi được 26 năm, ta cho khắc đạo dụ này.


---o0o---
Trụ đá VII
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Các hoàng đế trong quá khứ đã từng mong như thế này: Làm sao quần chúng đã không được tiến bộ trong Chánh pháp. Về vần đề này, ta suy nghĩ như sau: Các hoàng đế trong quá khứ đã từng mong quần chúng được tiến bộ trong Chánh pháp nhưng họ đã không đạt được mong ước. Vậy thì bằng cách nào quần chúng được tiến bộ trong Chánh pháp. Bằng cách nào ta có thể nâng cao đạo đức của quần chúng?

Về vấn đề này, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, suy nghĩ như sau: Ta sẽ cho công bố các đạo dụ, ta sẽ ban bố các huấn chỉ đạo đức, và quần chúng sau khi nghe các huấn dụ của ta sẽ theo đuổi đạo đức, tự thăng tiến và sẽ đạt được tiến bộ đáng kể trong Chánh pháp.

Vì lẽ đó, ta đã cho công bố các đạo dụ và ban bố nhiều huấn chỉ đạo đức để các quan chức Purusa có trách nhiệm chăm lo cho dân sẽ giảng giải và phổ biến chúng. Cũng vậy, ta đã chỉ thị các quan chức Ràjùka có trách nhiệm trông nom hàng trăm ngàn dân phải giảng giải và khuyến khích quần chúng thực hành Chánh pháp.

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, nói như sau: Sauk hi xem xét vấn đề này, ta đã cho dựng các trụ đá ghi các đạo dụ, bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra và cho công bố các chỉ dụ.

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ban lệnh như sau: Dọc theo các đường lớn, các loại cây đa phải được trồng tạo bóng mát cho người và súc vật, các vườn xoài phải được thành lập, các giếng nước phải được đào cách nhau vài ba dặm, các nhà nghỉ phải được xây dựng; các trạm cung cấp nước phải được thành lập chỗ này chỗ kia để phục vụ tiện ích cho người và gia súc. Tuy nhiên đây chỉ là các lợi ích nhỏ nhặt mà chư vị hoàng đế tiền nhiệm và chính ta đã làm vì hạnh phúc của nhân dân. Lợi ích lớn lao hơn mà ta đã làm ấy là giúp cho quần chúng thực hành Chánh pháp.

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Ta bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra để lo các công việc; họ được bổ nhiệm phục vụ trong mọi giáo phái, lo phân phối các tặng phẩm của hoàng gia cho các tu sĩ xuất gia và cho những người cư sĩ tu tại gia. Ta cũng bổ nhiệm các quan chức này để lo công việc của Tăng gaì, tương tự họ được giao trách nhiệm lo các vấn đề liên quan đến các tu sĩ Bà-la-môn, các tu sĩ phái Àjìvika và các tu sĩ phái Kỳ Na. Trước đây các quan chức cao cấp (Mahà-màtra) đã được biệt phái phục vụ các giáo phái. Nay ta bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra để họ phục vụ tất cả mọi giáo phái.

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Các quan chức Dharma-mahàmàtra và các quan chức Mukhà đứng đầu các bộ có trách nhiệm phân phối các tặng phẩm của ta và của hoàng hậu. Họ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau khiến mang lại an lạc trong các hậu cung của ta ở kinh đô và ở các tỉnh khác. Ngoài việc lo phân phối các vật phẩm cúng dường của ta và các hoàng hậu, họ cũng sẽ lo phân phối các vật phẩm cúng dường của các hoàng tử con ta nhằm thúc đẩy các hạnh lành và sự hức hành Chánh pháp khiến cho mọi người mở rộng lòng từ bi, sống với tâm hào phóng, chân thực, trong sạch, thanh cao và chân thiện.

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Tất cả các thiện nghiệp ta đã làm đều được quần chúng noi theo và làm theo, nhờ đó mọi người đã đạt được tiến bộ và sẽ được tiến bộ trongnếp sống hiếu kính cha mẹ, vâng lời thầy cô giáo, tôn trọng các bậc trưởng thượng, xử sự đúng đắn với các Sa-môn, Bà-la-môn, với người nghèo khó kẻ bất hạnh, thậm chí với kẻ ăn người ở.

Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, nói như sau: Có hai cánh khiến quần chúng được tiến bộ trong Chánh pháp, thứ nhất là nghe thuyết giảng hay theo đuổi Chánh pháp và thứ hai là thiền định hay xem xét nội tâm là quan trọng nhất. Theo đuổi Chánh pháp nghĩa là tuân theo những điều ta dạy như không sát sanh và nhiều sự thực hành khác, trong khi thiền định hay xem xét nội tâm là đạt được tiến bộ trong Chánh pháp bằng cách không sát sanh hay làm tổn hại sinh vật.

Chính vì mục đích ấy, ta cho ghi lại lời giáo huấn này, bền lâu như mặt trăng mặt trời, để con cái, cháu chắt và tất cả thần dân của ta sẽ muôn đời sống theo Chánh pháp. Bởi lẽ những ai theo đuổi Chánh pháp sẽ đạt hạnh phúc đời này và đời sau.

Hai mươi năm sau khi lên ngôi, ta cho khắc đạo dụ này.

Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần linh, ban lệnh hư sau: Huấn dụ về Chánh pháp này phải được khắc lên các trụ đá và các bia đá để nó được bền lâu.


---o0o---
F.Các đạo dụ ngắn khắc trên bốn trụ đá
Trụ đá I,(Sarnath)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: …Pàtali-putra … không một ai được phép gây chia rẽ Tăng già. Bất cứ ai, dù là tăng hay ni, gây chia rẽ Tăng già, đều phải bị buộc mắc áo trắng và bị trục xuất khỏi tu viện. h ưvậy đạo dụ này phải được thông báo đến Tăng già bao gồm Tỷ-kheo cũng như các Tỷ-kheo ni.

Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần linh, khuyến cáo như sau: Đạo dụ này phải được đặt trong phạm vi tu viện. Một đạo dụ tương tự khác cũng được bố cáo cho các vị cư sĩ tu tại (upàsaka) gia được biết. Đối với các cư sĩ tu tại gia, đạo dụ này phải được công bố vào mỗi ngày trai giới. Vào các ngày trai giới, mỗi quan chức Mahàmàtra phải tham gia phục vụ ngày trai giới để tự mình nắm bắt đạo dụ này và để hiểu rõ nó hơn. Các quan chức Mahàmàtra phải phái các thuộc hạ của mình đi khắp nơi trong phạm vi cai quản của mình để thông báo đạo dụ này. Tương tự, đạo dụ này phải được gởi đến mọi thành lũy và quận huyện.

---o0o---
Trụ đá II,(Kauśàmbì)
Đức Thánh thượng ban lệnh như sau: Các quan chức Mahàmàtra ở Kauśàmbi… Bất cứ ai,tăng hay ni, phá hòa hợp Tăng già, sẽ bị buộc mặc áo trắng và bị trục xuất khỏi tu viện.
---o0o---
Trụ đá III (Sàñchì)
Tăng già (Giáo hội) Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni phải hòa hợp nhất trí bao lâu các con cái và cháu chắt nhiều đời của ta trị vì và baolâu mặt trăng mặt trời còn chiếu sáng. Những vị tăng hay ni nào gây chia rẽ Tăng già sẽ bị buộc mặc áo trắng và bọ buộc sống tại một nơi bên ngoài tu viện. Tại sao ta ban lệnh như thế? Ấy là vì ta muốn Tăng già được hòa hợp và tồn tại lâu dài.
---o0o---

Trụ đá IV
Đức Thánh thượng hạ chỉ cho các quan chức Mahàmàtra ở mọi nơi biết như sau: Bất cú quà tặng nào thuộc đệ nhị Hoàng hậu, dù là các vườn xoài hay các công viên hay các công viên hay các nhà tế bần hay bất cứ thứ gì khác, những thứ này phải được xem là thuộc hoàng hậu ấy. Đây là yêu cầu của Đệ nhị Hoàng hậu,mẹ của hoàng tử Tìvara, Kàruvàki.
---o0o---
G.Các đạo dụ kỷ niệm khắc trên các trụ đá

Trụ đá I (Rummidei)
Mười hai năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ngự giá chiêm bái nơi này vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sàkyamuni) đã ra đời tại đây. Đức Thánh thượng đã ban cho chạm một vật biểu trưng bằng đá và cho dựng một trụ đá tại đây để đáng dấu chỗ đức Thế Tôn ra đời.

Dân làng Limbinì được miễn các loại thuế tôn giáo và chỉ đóng một phần tám lợi tức sản xuất.


---o0o---
Trụ đá II (Nigliva)
Mười bốn năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, cho mở rộng gấp đôi ngôi bảo tháp tôn thờ đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Konàkamana) và hai mươi năm sau khi đăng quang, đức Thánh thượng ngự giá chiêm bái ngôi bảo tháp và cho dựng một trụ đá tại đây.

---o0o---
H.Các bia ký hang động
Bia ký I (Hang động Nigrodha)
Mười hai năm sau khi lên ngôi , đức Thánh thượng Priyadarśì ban hang động Nigrodha này cho các tu sĩ phái Àjìvika.

---o0o---


Bia ký II,(Hang động đồi Khalatika)
Mười hai năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì ban hang động đồi Khalatika này cho các tu sĩ phái Àjìvika.
---o0o---
Bia ký III,(Hang động số 2 đồi Khalatika)

Mười chín năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì ban hang động trên đồi Khalatika hữu tình này để (các tu sĩ) trú mưa.



 
---o0o---

PHỤ LỤC II - 7 BẢN KINH PHẬT ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG BIA KÝ BHABRÙ(hay BAIRAT 2)


Về bảy bản kinh Phật được nói đến trong bia ký Brahù bay Bairat số 2, các học giả nêu nhiều quan điểm và nhận xét khác nhau. Trước hết, về bản kinh thứ nhất, Vinaya-samukasa, A.J.Edmunds cho rằng đó chính là bài kinh số 49 thuộc tuyển tập Phật Tự Thuyết (Udàna), Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya). Kinh này nêu rõ phương pháp thuận thứ thuyết pháp của đức Phật, bắt đầu bằng việc Thế Tôn giải thích về lợi ích của bố thí (dàna), trì giới (sìla),về chư thiên (saggaldeva), sự nguy hiểm của các dục (kàmànam àdìnava) ,và lợi ích của việc từ bỏ (kàmànam nissarana), sau cùng Ngài nói đến bốn sự thật cao cả hay tứ thánh đế (cattàriariyasaccàni) gồm khổ (dukkha), tập (samudaya), diệt (nirodha), đạo (magga) mà theo Edmunds, Asoka hẳn đã rất chú ý388. Tuy nhiên, theo S.N.Mitra thì bài kinh Chân nhân (Sappurisa-sutta),số 113, Trung Bộ (Majjihima Nikàya), trong đó có sử dụng các từ ngữ như Vinayàdhàra và attànukkamseti=sàmukkamso, đáng được xem là bản kinh thứ nhất mà Asoka đã nêu trong bia ký Bhabrù của ông389.B.M.Barua đồng hóa bản kinh thứ nhất của bia ký với bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanata) lưu giữ trong tuyển tập Trường Bộ (Dìgha Nikàya), Bởi theo ông kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt đề cập nếp sống kỷ cương đạo đức của những người tại gia cư sĩ mà Budhaghosa đã gọi là Giới luật dành cho người gia chủ (Gihivinaya) và được áp dụng không những cho các cư sĩ mà còn cho cả tăng ni390.Xét nội dung ba bài kinh được đề xuất bởi ba học giả này thì ý kiến của B.M.Barua đáng được chấp nhận hơn cả bởi bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttata) nhấn mạnh vai trò kỷ cương và đạo đức theo luật pháp của bậc Thánh (Ariyaninaya), tức những vấn đề mà Asoka hết sức quan tâm và được đề cập rất nhiều trong các bia ký và trụ đá của ông. Về bản kinh thứ hai, Aliya-vasànI, Rhys Davids xem là đồng nhất với bài kinh Sangìti, số 33, Trường bộ391. Tuy nhiên, nhận xét này không hoàn toàn đúng bởi ta có bài kinh mang tên tương tự được tìm thấy ở Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya), số 20, tập V, kinh Thánh cư (Ariyavàsà).Nội dung bài kinh này nêu rõ quan điểm của đức Phật về mười Thánh cư hay nếp sống phạm hạnh của bậc thánh (Ariyavàsà),rất giống tiêu đề bản kinh ghi trong bia ký Bhabrù. Bản kinh thứ ba của bia ký, Anàgatabhayàni, có thể được xem là đồng nhất với bài kinh có tên tương tự được tìm thấy trong Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) có thể được xem là đồng nhất với bản kinh Muni-gàthà, bản kinh thứ tư ghi trong bia ký Bhabrù.R.Mookerji xem bản kinh thứ năm của bia ký Bhabrù,Mauneya-sùte, là tương tự với bài kinh Nàlaka (Nalàkasutta) lưu trong Kinh Tập (Sutta Nipàta) thuộc Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya).Mặc dù Rhys Daviads đồng nhất nó với các đoạn văn thuộc Luật tạng (Vinaya Pitaka),thật hoàn toàn chính xác để nói rằng bản kinh thứ sáu nêu trong bia ký, Upatisa-pasine, không gì khác là bài kinh Sàriputta (Sàriputtasutta) được tìm thấy trong tuyển tập Kinh Tập (Sutta Nipàta) Upatisa là tên gọi khác của Tôn giả Sàriputta, và nội dung của bài kinh gồm các câu hỏi và giải đáp giữa Tôn giả Sàriputta và đức Phật. Ta cũng hoàn toàn yên tâm khi nói rằng bản kinh thứ bảy nêu trong bia ký Bhabrù, Làghulovàde musàvàdam adhigichya, chính là bài kinh Giáo giới Ràhula tại rừng Am Bà La (Amba-latthika Ràhulovàdasutta) được lưu giữ trongtuyển tập Trung Bộ (Majjhima Nikàya),bởi lẽ không chỉ tên kinh mà nội dung bài kinh cũng hoàn toàn phù hợp với tiêu đề bản kinh nêu trong bia ký.

Từ các thông tin trên , bảy bài kinh sau đây có thể được chọn ra và được xem là tương ứng với bảy bản kinh mà Asoka đã nêu trong bia ký Bhabrù:

1.Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta)= Vinaya-samukasa.

2.Kinh Thánh cư (Ariyavàsà)=Aliya-vasàni.

3.Kinh Các lo sợ về tương lai (Anàgata-bhayàni)=Anàgatabhayàni.

4.Kinh Ẩn sĩ (Munisutta)=Muni-gàthà.

5.Kinh Nàlaka (Nàlakasutta)=Mauneya-sùte.

6.Kinh Sàriputta (Sàriputtasutta)=upatisa-pasine.

7.Kinh Giáo giới Ràhula tại rừng Am Bà La (Ambalatthika Ràhulovàdasutta)= Là ghulo-vàde musà vàdam adhigicvhya.

Các trích dẫn dưới đây về bảy bài kinh nói trên được rút ra từ các bản dịch kinh tạng Pàli do Tỷ-kheo Thích Minh Châu thực hiện.


---o0o---
1.Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta), số 31, Trường Bộ (Dìgha Nikàya)  

Như vậy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn sống ở Ràjagaha (Vương Xá thành), tại Velunava (Trúc Lâm), Kalandakani-vàpa (chỗ tìm ăn của loài sóc). Lúc bấy giờ, Singàlaka (Thi ca-La-Việt),gia chủ tử, dậy sớm ra khỏi, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước , với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông, hướng Nam , hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng.

Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực. Thế Tôn thấy Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước , chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng. Thấy vậy Ngài nói với Singàlaka, gia chủ tử:

-Này Gia chủ tử, vì sao Ngươi dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông …hướng Thượng?

-Bạch Thế Tôn, thân phụ con khi gần chết có dặn con: “Này con thân yêu, hãy đảnh lễ các phương hướng.” Bạch Thế Tôn, con kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ lời nói của thân phụ con, buổi sáng dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông…hướng Thượng.

-Này Gia chủ tử, trong luật pháp của bậc Thánh , lễ bái sáu phương không phải như vậy.

-Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc Thánh, thế nào là lễ bái sáu phương? Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc Thánh, đảnh lễ sáu phương phải như thế nào? Lành thay! Thế Tôn hãy giảng pháp ấy cho con!

-Này Gia chủ tử, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Singàlaka, gia chủ tử, vâng lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

-Này Gia chủ tử, đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn ác pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành để chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung, vị này sanh ở thiện thú, Thiên giới.

Thế nào là bốn nghiệp phiền não đã được diệt trừ? Này Gia chủ tử, đó là nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nhiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo. Bốn nghiệp phiền não này đã được trừ diệt.

Thế Tôn thuyết giảng xong , bậc Đạo Sư lại giảng thêm:

Sát sanh và trộm cắp,

Nói láo, lấy vợ người.

Kẻ trí không tán thán,

Những hạnh nghiệp như vậy.

Thế nào là không làm ác ghiệp theo bốn lý do? Ác nghiệp làm do tham dục, ác nghiệp làm do sân hận, ác nghiệp làm do ngu si, ác nghiệp làm do sợ hãi. Này Gia chủ tử, vì thị Thánh đệ tử không tham dục, không sân hận, không ngu si, không sợ hãi, nên không làm ác nghiệp theo bốn lý do.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Đạo Sư lại giảng thêm:

Ai phản lại Chánh pháp,

Vì,tham,sân,bố,si,

Thanh danh bị sứt mẻ,

Như mặt trăng đêm khuyết.

Ai không phản Chánh pháp,

Vì tham, sân,bốsi,

Thanh danh đươc tròn đủ,

Như mặt trăng đêm đầy.

Thế nào là không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản? Này Gia chủ, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.

Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sau là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm như vậy.

Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không che chở hộ trì, vợ con không che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm như vậy.

Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm như vậy.

Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì tâm sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vần đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.

Này Gia chủ tử, thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy. Này Gia chủ tử, thân cận ác hữu có sáu nguy hiểm như vậy.

Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “ Quá lạnh”, không làm việc;”quá trễ”,không làm việc;”quá sớm”,không làm việc; tôi đói quá,” không làm việc; “tôi no quá”, không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Đạo Sư lại giảng thêm:

Có bạn gọi bạn rượu.

Có bạn, bạn bằng mồm,

Bạn lúc thật hữu sự,

Mới xứng danh bạn bè.

Ngủ ngày ,thông vợ người

Ưa đấu tranh ,làm hại,

Thân ác hữu, xan tham,

Sáu sự não hại nguời.

Ác hữu, ác bạn lữ,

Ác hạnh,hành ác xứ,

Đời này cả đời sau,

Hai đời, nguời bị hại.

Cờ bạc và đàn bà,

Rượu chè, múa và hát

Ngủ ngày, đi phi thời,

Thân ác hữu,xan tham,

Sáu sự não hại người.

Chơi xúc xắc, uống rượu,

Theo đuổi đàn bà nguời,

Lẽ sống của người khác,

Thân cận kẻ hà tiện,

Không thân cận bậc trí,

Nguời ấy tự héo mòn,

Như trăng trong mùa khuyết.

Rượu chè không tiền của,

Khao khát, tìm tữu điếm,

Bị chìm trong nợ nần,

Như chìm trong bồn nước.

Mau chóng tự hại mình,

Như kẻ mất gia đình,

Ai quen thói ngủ ngày,

Thức trọn suốt đêm trường,

Luôn luôn say sướt mướt,

Không thể sống gia đình.

Ở đây ai hay than:

Ôi quá lạnh, quá nóng,

Quá chiều, quá trễ giờ,

Sẽ bỏ bê công việc,

Lợi ích điều tốt lành,

Bị trôi dạt một bên.

Ai xem lạnh và nóng,

Nhẹ nhàng hơn cỏ lau,

Làm mọi công chuyện mình,

Hạnh phúc không từ bỏ.

Này Gia chủ tử, có bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải là bạn, dầu tự cho là bạn.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Tỏ lộ thân tình việc đã qua, tỏ lộ thân tình việc chưa đến, mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp , kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; Đồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán, sau lưng chỉ trích. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; Là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Đạo sư lại giảng thêm:

Người bạn gì cũng lấy,

Người bạn chỉ nói giỏi,

Người nói lời nịnh hót,

Người tiêu pha xa xỉ;

Cả bốn, không phải bạn,

Biết vậy, người trí tránh,

Như đường đầy sợ hãi.

Này Gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật; Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật; che chở của cải của bạn khi bạn vô ý phóng dật; là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi; khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn.Này Gia chủ tủ, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng nh ưtrong vui phải được xem là người bạn chân thật.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; nói cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cọi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.

Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn, hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Đạo Sư lại giảng thêm:

Bạn sẵn sàng giúp đỡ,

Bạn chung thủy khổ vui,

Bạn khuyến khích lợi ích,

Bạn có lòng thương tưởng;

Biết rõ bốn bạn này,

Người trí phục vụ họ,

Như mẹ đối con ruột.

Người trí giữ giới luật,

Sáng như lửa đồi cao.

Người tích trữ tài sản,

Như cử chỉ con ong.

Tài sản được chồng chất,

Như ụ mối đùn cao,

Người cư xử như vậy,

Chất chứa các tài sản,

Vừa đủ để lợi ích,

Cho chính gia đình mình.

Tài sản cần chia bốn

Để kết hợp bạn bè:

Một phần mình am hưởng,

Hai phần dành công việc,

Phần tư, phần để dành,

Phòng khó khăn hoạn nạn.

Này Gia chủ tử, vị Thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Này Gia chủ tử, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Đông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam vần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè.Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cân được hiểu là Sa-môn, Bà-là-môn.

Này Gia Chủ tử, có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.” Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Dông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con. Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Đông theo nắm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách . Như vậy phương Đông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử , có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam; Đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt. Này Gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này Gia chủ tử, như vậy là người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Nay Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ,lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặo nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử. Như vậy các bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách và bạn bè có lòng thương vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Bắc được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới theo năm cách như vậy, có lòng thương đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới theo năm cách , có lòng thương đối với Thánh chủ nhân theo năm cách. Như vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về lời; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị yấ các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây; Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi; dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời. Này Gia chủ tử, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách.Như vậy phương Trên được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Đạo Sư lại giảng thêm:

Cha mẹ là phương Đông,

Sư trưởng là phương Nam,

Vợ chồng là phương Tây,

Bạn bè là phương Bắc.

Nô bộc là phương Dưới,

Sa-môn , Bà-la-môn,

Có nghĩa là phương Trên.

Cư sĩ vì gia đình,

Đảnh lễ phương hướng ấy.

Kẻ trí giữ Giới, Luật,

Từ tốn và biện tài,

Khiêm nhường và nhu thuận,

Nhờ vậy được danh xưng.

Dậy sớm không biếng nhác,

Bất động giữa hiểm nguy,

Người hiền, không phạm giới,

Nhờ vậy được danh xưng.

Nhiếp chúng ,tạo nên bạn,

Từ ái, tâm bao dung,

Dẫn đạo, khuyến hóa đạo,

Nhờ vậy được danh xưng.

Bố thí và ái ngữ,

Lợi hành bất cứ ai,

Đồng sự trong mọi việc,

Theo trường hợp xử sự.

Chính những nhiếp sự này,

Khiến thế giới xoay quanh,

Như bánh xe quay lăn,

Vòng theo trục xe chính.

Nhiếp sự này vắng mặt,

Không có mẹ hưởng thọ,

Hay không cha hưởng thọ,

Sự hiếu kính của con.

Do vậy bậc có trí,

Đối với nhiếp pháp này,

Như quan sát chấp trì,

Nhờ vậy thành vĩ đại,

Được tán thánh, danh xưng.

Khi được nghe vậy, Singàlaka, gia chủ tử bạch Thế Tôn: “ Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và chúng Tỷ -kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”


---o0o---
2.Kinh Thánh cư (Ariyavàsà), Tăng Chi Bộ Kinh, tập V, chương Mười pháp, số 20

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Kura tại một thị trấn của dân tộc Kuru gọi là Kammàsa-dhama. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ -kheo…Thế Tôn nói như sau:

Này các Tỷ-kheo, có mười Thánh cư này, với những Thánh cư này, các vị Thánh đã sống, đang sống và sẽ sống. Thế nào là mười?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận năm chi phần, thành tựu sáu chi phần, hộ trì một chi phần, đầy đủ bốn y cứ, trừ khử sự thật cá nhân, đã đoạn tận hoàn toàn các tầm cầu, các tư duy không có uế trược, thân hành được khinh an, tâm được khéo giải thoát, tuệ được khéo giải thoát.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ -kheo đã đoạn tận năm chi phần?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận dục tham, đoạn tận sân, đoạn tận hôm trầm thụy miên đoạn tận trạo hối, đoạn tận nghi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận năm chi phần.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thành tựu sáu chi phần?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không có hân hoan, không có thất vọng, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng…khi mũi ngửi hương…khi lưỡi nếm vị …khi thân cảm xúc…khi ý biết pháp, không có hân hoan, không có thất vọng, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo thành tựu sáu chi phần.

Và này các Tỷ -kheo, thế nào là Tỷ-kheo đầy đủ bốn y cứ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có đắn đo thân cận một sự, có đắn đo kham nhẫn một sự, có đắn đo tránh né một sự, có đắn đo trừ khử một sự. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đầy đủ bốn y cứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ -kheo trừ khử sự thật cá nhân?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với những sự thật sai biệt phổ thông được các Sa-môn, Bà-la-môn phổ thông chấp nhận như: “ Thế giới là thường còn, thế giới là không thường còn, thế giới có giới hạn, thế giới không có giới hạn, sinh mạng với thân thể là một, sinh mạng với thân thể là khác, Như Lai có tồn tại sau khi chết, NhưLai không tồn tại sau khi chết, Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại và không tồn tại sau khi chết,” tất cả những tin tưởng ấy được trừ diệt, trừ bỏ, xả bỏ, quăng bỏ, giải thoát, đoạn tận, từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trừ khử những sự thật cá nhân.

Và này các Tỷ -kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã đoạn tận hoàn toàn các tầm cầu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận hại tư duy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đã đoạn tận tầm cầu.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tâm hành được khinh an?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn khổ, đoạn lạc, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tâm hành được khinh an.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tâm được khéo giải thoát?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tâm được giải thoát khỏi tham, tâm, được giải thoát khỏi sân, tâm được giải thoát khỏ si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tâm được khéo giải thoát.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tuệ được khéo giải thoát?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết rằng; “Tham ái đã được đoạn tận nơi ta, được chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai,” biết rằng: “ Sân đã được đoạn tận nơi ta…trong tương lai”,biết rằng: “Si đã được đoạn tận nơi ta, được chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như cây tala, không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tuệ được khéo giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, tất cả những vị Thánh nào trong quá khứ đã sống theo Thánh cư, tất cả những vị ấy đã sống theo mười Thánh cư này. Này các Tỷ-kheo, tất cả những vị Thánh nào trong tương lai sẽ sống theo Thánh cư, tất cả những vị ấy sẽ sống theo mười Thánh cư này. Này các Tỷ-kheo, tất cả những vị Thánh nào trong hiện tại sống theo Thánh cư, tất cả những vị ấy đang sống theo mười Thánh cư này.

Này các Tỷ-kheo, đây là mười Thánh cư mà các vị Thánh đã sống, đang sống và sẽ sống.

---o0o---

3.Kinh Các sợ hãi về tương lai (Anàgata-bhàyàni), Tăng Chi Bộ Kinh, tập III, chương Năm pháp ,kinh số 78.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sự sợ hãi về tương lai này, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.Thế nào là năm?

Ỏ đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau:” Nay ta còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Khi đã già yếu, và bị già chinh phục, thật không dễ dàng gì đế tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ dàng gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị gaì, ta sẽ sống được thoải mái.”

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ nhất này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt…chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quan sát như sau: “ Nay ta ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn. Nhưng rồi đến thời bệnh sẽ xúc chạm thân này.Khi đã già yếu, và bị già chinh phục, thật không dễ dàng gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ dàng gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta,,không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, dầu có bị bệnh, ta sẽ sống được thoải mái.”

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ hai này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt,…chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quan sát như sau: “ Này không có đói kém, được mùa, đồ ăn khất thực dễ kiếm được, thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Nhưng rồi đến thời có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực khó kiếm được, không dễ dàng gì để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Và những người bị nạn đói sẽ dời đến chỗ nào được nhiều đồ ăn; tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp. Khi phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ dàng gì để tác ý đền giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ dàng gì để sống tại các cư trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị đói kém, ta sẽ sống được thoải mái.”

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ ba này về tương lai,như vậy là vừa đủ để Tỷ -kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt…chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quan sát như sau: “Này loài người sống với nhau thuận hòa, hoan hỷ với nhau, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Nhưng rồi đến thời có sự sợ hãi về nạn cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe để đi trốn tại chỗ nào không có sự sợ hãi, dân chúng đi đến chỗ nào có sự an ổn; tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ gì đế tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với người ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, và nếu thành tựu trạng thái ấy, có gặp sự sợ hãi, ta sẽ sống được thoải mái.”

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ tư này về tương lai, như vậy là vừa để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt…chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quan sát như sau: “ Nay chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hoan hỷ, không tranh luận nhau, sống thoải mái, cung chung một lời dạy. Nhưng rồi đến thới chúng Tăng chia rẽ. Khi chúng Tăng chia rẽ, thật không dễ gì tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, chúng Tăng có chia rẽ, ta sẽ sống được thoải mái.”

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ năm này về tương lai, như vậy thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt…chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng dạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.


---o0o---
4.Kinh Ẩn sĩ (Musisutta), số 12, Phẩm Rắn, Kinh Tập (Sutta Nipàta)


“Thân mật,sanh sợ hãi,

Không trú xứ, không thân,

“Ai đã chặt sanh hữu,

Sanh hữu đã đoạn tận,

Được gọi là ẩn sĩ,

Bậc đại sĩ đã thấy,

“Sau khi ước lượng đất,,

Không còn muốn tham ái,

Vị ấy chân ẩn sĩ,

Đoạn tận mọi lý luận,

“Đã rõ mọi trú xứ,

Vị ấy chân ẩn sĩ,

Không còn phải ra sức,

“Bậc chiến thắng toàn diện,

Đối với tất cả pháp,

Bậc từ bỏ tất cả,

Các bậc trí nhận thức.

“Vị có trí tuệ lực,

Định tĩnh, thích thiền định,

Giải thoát các trói buộc,

Các bậc trí nhận thức,

“Bộ hành, riêng một mình,

Trước chê bai ,tán thán,

Như sư tử, không sợ,

Như gió không vướng lưới,

Bậc lãnh đạo mọi người.

Các bậc trí nhận thức,

“Vị nào biết xử sự,

Khi người khác nói lời,

Vị không có tham ái,

Các bậc trí nhận thức,

“Ai thật tự mình đứng,

Nhàm chán các nghiệp ác,

Các bậc trí nhận thức,

“Ai biết tự chế ngự,

Trẻ và hạnh trung niên,

Vị không nên chọc giận,

Các bậc trí nhận thức,

“Ai sống nhờ người cho,

Nhận từ trên, từ giữa,

Không đủ để tán thán,

Các bậc trí nhận thức,

“Rõ biết được thế giới,

Vượt khỏi được bộc lưu,

Vị chặt đứt trói buộc,

Các bậc trí nhận thức,

“Hai nếp sống không giống,

Gia chủ và vợ con,

Gia chủ không chế ngự,

Bậc ẩn sĩ luôn luôn,

“Giống như loại chim công,

Không bao giờ sánh bằng,

Cũng vậy , người gia chủ,

Bậc ẩn sĩ viễn ly,

 

 


Trú xứ, sanh bụi bặm,

Hình ảnh bậc ẩn sĩ”.

Không còn gieo giống thêm,

Không muốn nó tùy sanh,

Một mình đi im lặng,

Con đường tịch mịch ấy”.

Tìm hiểu được hột giống,

Được tiếp tục tùy sanh,

Thấy sanh diệt chấm dứt,

Không rơi vào tính toán.”

Không ham trú xứ nào,

Không tham, không say đắm,

Đạt đến bờ bến kia.”

Bậc toàn tri, thiện tuệ,

Không còn bị ô nhiễm.

Ái đoạn diệt, giải thoát,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Giới cấm được đầy đủ,

Gìn giữ trì chánh niệm,

Không hoang vu, lậu tận,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Ẩn sĩ, không phóng dật,

Không có bị giao động,

Giữa các tiếng vang động,

Như son không dính nước,

Người không ai lãnh đạo,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Như cột trụ hồ tắm,

Lời khen chê cực đoan,

Với căn khéo định tĩnh,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Thẳng như cây thoi đưa,

Quán sát chánh bất chánh,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Không làm các điều ác,

Bậc ẩn sĩ chế ngự,

Vì không làm ai giận,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Nhận lãnh đồ khất thực,

Hay từ chỗ còn lại,

Không nói lời hạ mình,

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

Thấy được lý chân đế,

Vượt biển lớn như vậy,

Không ỷ lại, vô lậu.

Vị ấy thật ẩn sĩ.”

An trú, thật xa nhau,

Không ngã sở, khéo nhiếp,

Ngăn chận hữu tình khác,

Che chở loài hữu tình.”

Loài chim có cổ xanh,

Chim thiên nga nhanh nhẹn,

Không sánh bằng Tỷ-kheo,

Sống thiền định trong rừng.”


---o0o---


5.Kinh Nàlàka (Nàlakasutta),số 11, Đại Phẩm, Kinh Tập (Sutta Nipàta)


“Ẩn sĩ Asita,

Thấy chúng các chư Thiên,

Chúng hoan hỷ vui vẻ,

Chúng cung kính In-đa,

Với nhiệt tình nói lên,

“Thấy chư Thiên hoan hỷ,

Với tâm tư cung kính,

Asita:


“Vì sao chúng chư Thiên,

Chúng cầm áo, vui múa392

“Trong thời gian chiến trận,

Dũng sĩ được thắng trận,

Thời gian ấy chúng không,

Chúng thấy gì hy hữu,

“Chúng la lớn393 ca hát,

Chúng múa tay394, vỗ tay,

Này ta hỏi các người,

Các ngươi hãy mau chóng,

Chư Thiên:

“Tại xứ Lumbinì,

Có sanh vị Bồ tát,

Ngài sanh, đem an lạc,

Do vậy chúng tôi mừng,

“Ngài,chúng sanh tối thượng,

Bậc Ngưu vương loài người,

Ngài sẽ chuyển pháp luân,

Rống tiếng rống sư tử,

“Sau khi nghe lời ấy,

Liền vội vàng bước xuống,

Của vua Tịnh Phạn vương,

Nói với các Thích Ca:

 

“Thấy Thái tử chói sáng,



Trong lò đúc nấu vàng,

Bừng sáng và rực rỡ,

Họ Thích trình Thái tử,

“Sau khi thấy Thái tử,

Thanh tịnh như sao ngưu,

Sáng chiếu như mặt trời,

Ẩn sĩ tâm hân hoan,

“Chư Thiên cầm ngôi lọng,

Cây lọng có nhiều cành,

Chúng quạt với phất trần,

Nhưng không ai thấy được,

Bậc ẩn sĩ bện tóc,

Thấy Thái tử (nằm dài),

Như đồng tiền bằng vàng,

Có lông trắng đưa lên,

Đẹp ý, lòng hân hoan,

“Sau khi ẵm bồng lên,

Bậc cầu đạo tìm hiểu,

Tâm tư được hoan hỷ,

“Vị này bậc vô thường,

“Khi vị ấy nghĩ đến,

Số mệnh không tốt đẹp,

Thấy vậy, các Thích ca,

“Có sự gì chướng ngại,

“Thấy họ Thích lo lắng,

“Ta không thấy bất hạnh,

“Đối với (Thái tử) ấy,

Vị này không hạ liệt395

“Thái tử này sẽ chứng,

Sẽ chuyển bánh xe pháp,

Vì lòng từ thương xót,

Và đời sống Phạm hạnh,

“Thọ mạnh Ta ở đời,

Đến giữa đời sống Ngài,

Ta sẽ không nghe pháp,

Do vậy Ta sầu não,396

“ Sau khi khiến họ Thích,

Bậc sống theo phạm hạnh,

Vị ấy vì lòng từ,

Khích lệ nó học pháp,

“Khi người nghe tiếng Phật ,

Bậc đã đạt Bồ đề,

Hãy đi đến chỗ ấy,

Và sống đời Phạm hạnh,

“Như vậy, được khuyên bảo,

Vị ấy ở tương lai,

Do vậy Nà-la-ka,

Sống với căn hộ trì,

“ Khi nghe tin pháp luân,

Đến thấy được hoan hỷ,

Hỏi Mâu ni tối thắng,

Như A-xi-ta khuyên,

(Kệ mở đầu đã xong)

“ Lời A-xi-ta này,

Con hỏi Gô-ta-ma,

Không nhà, con đi đến,

Con hỏi bậc ẩn sĩ,

Con đường đạo tối thượng,

“ Thế Tôn đáp như sau:

Là đạo hạnh mâu ni,

Hãy đến lắng tai nghe,

Hãy vững trí, an thần,

Hãy tu hạnh Sa-môn,

Giữa khen chê trong làng,

Sống hạnh thật an tịnh,

“Tiếng cao thấp phát ra,

Nữ nhân hay cám dỗ,

“Hãy từ bỏ dâm dục,

Đối hữu tình yếu mạnh397

“Ta thế nào, chúng vậy,

Lấy ngã làm ví dụ,

Hãy bỏ dục, bỏ tham,

Bậc có mắt hành đạo,

“Bụng đói, ăn chừng mực,

Vị ấy không ham dục398

“Sau khi đi khất thực.

Đi đến dưới gốc cây,

“Bậc hiền trí hành thiền,

Hành thiền dưới gốc cây,

“Khi đêm hết, sáng đến,

Chớ hân hoan khất thực,

“Ẩn sĩ không đi gấp,

Tìm ăn399cắt nói chuyện,

“Nếu được, thật là tốt,

Nghĩ vậy, cả hai mặt,

“Đi với bát cầm tay,

Chớ khinh đồ cho ít,

“Bậc Sa-môn thuyết giảng,

Nhưng đến bờ bên kia,

Tuy vậy chớ nghĩ rằng,

“Với ai không có tham,

Đoạn tận hành thiện ác,400

“Thế Tôn lại nói thêm

Thức tri hạnh ẩn sĩ,

Với lưỡi ấn nóc họng,

“Tâm chớ có thụ động,

Không hôi hám, độc lập,401

“Hãy tập ngồi một mình,

Sống một mình được gọi,

Nếu tự mình tìm được,

“Hãy chói sáng mười phương,

Của các bậc hiền sĩ,

Mong đệ tử của Ta,

“Hãy đọc các dòng nước,

Nước khe núi chảy ồn,

“Cái gì trống402 kêu to,

Ngu như ghè với nước,

“Khi Sa-môn nói nhiều,

Tự biết, nên thuyết pháp,

“Ai biết, biết tự chế,

Vị ấy là ẩn sĩ,

Vị ấy là ẩn sĩ,

 

 

 



 

 

 



 

 

 



Trong lúc giữa ban ngày,

Cõi Trời Ba Mươi Ba,

Với y áo, thanh tịnh,

Các vị ấy cầm áo,

Những lời khen tán thán.”

Dõng dạc và phấn chấn,

Ở đây vị ấy nói.”

 

Lại nhiệt tình hoan hỷ?



Là do nhân duyên gì?”

Với các Asura,

Asura bại trận,

Lông tóc dựng ngược dậy,

Chư Thiên403hoan hỷ vậy.”

Và chúng tấu nhạc trời404,

Chúng múa nhảy vũ điệu,

Trú đảnh núi Meru405

Giải tỏa điều ta nghi!”

 

Trong làng các Thích Ca,



Báu tối thắng, vô tỷ,

Hạnh phúc choloài người,

Tâm vô cùng hoan hỷ.”

Ngài,loài người tối thắng;

Thượng thủ mọi sanh loại,

Trong khu rừng , ẩn sĩ,

Hùng mạnh nhiếp loài thú .”

Ẩn sĩ Asita

Và đi đến lâu đài,

Đến nơi Ngài ngồi xuống,

“Hoàng tử nay ở đâu,

Ta nay muốn thấy Ngài.”

Rực rỡ như vàng chói,

Được thợ khéo luyện thành,

Với dung sắc tuyệt mỹ

Cho ẩn sĩ Tư Đà.406

Chói sáng như lửa ngọn,

Vận hành giữa hư không,

Giữa trời thu, mây tịnh,

Được hỷ lạc rộng lớn.”

Đưa lên giữa hư không,

Có hàng ngàn vòng chuyền,

Có tán vàng, lông thú,

Kẻ cầm lọng, phất trần.”

Tên Kăn-ha-xi-ri,

Trên tấm chăn màu vàng,

Lại trên đầu Thái tử,

Tâm ẩn sĩ phấn khởi,

(Đưa tay) bồng Thái tử.”

Con trai dòng họ Thích,

Vượt khổ, nhờ tướng, chú,

Thốt lên lời như sau:

Tối thượng loài hai chân.”

Số mệnh của tự mình,

Vị ấy rơi407nước mắt,

Họ ẩn sĩ đang khóc:

Sẽ xảy cho Thái tử?”

Vị ẩn sĩ trả lời:

Xảy đến cho Thái tử,

Chướng ngại sẽ không có,

Chớ có gì lo lắng.408

Tối thượng quả Bồ đề,

Thấy thanh tịnh tối thắng,

Vì hạnh phúc nhiều người,

Được truyền bá rộng rãi.”

Còn lại không bao nhiêu,

Ta sẽ bị mệnh chung,

Bậc tinh cần vô tỷ,

Bất hạnh409và khổ đau.410

Sanh hoan hỷ rộng lớn,

Bước ra khỏi nội thành,

Thương con trai của chị,

Bậc tinh cần vô tỷ.”

Từ người khác411nói lên,

Đã đi con đường pháp,

Hỏi kỹ về đạo pháp412,

Dưới bậc Thế Tôn ấy.”

Bởi vị nghĩ hạnh phúc,

Đường tối thắng thanh tịnh,

Với phước đức chất chứa,

Chờ đợi bậc chiến thắng.”

Được bậc chiến thắng chuyển,

Bậc ẩn sĩ Ngưu vương,

Pháp Mâu ni tối thượng,

Trong buổi gặp gỡ trước.”

 

Con biết là như thật,



Đường giải thoát mọi pháp.

Tin hạnh người khất sĩ,

Hãy nói lên cho con,

Đưa đến Mâu ni hạnh.”

“Khó hành, khó thực hiện,

Ta sẽ cho ngươi biết,

Ta sẽ nói cho ngươi,

Hãy kiên trì bền chí!”

Không để bị giao động,

Hãy chế ngự tâm sân,

Không cống cao kiêu mạn.413

Như ngọn lửa trong vườn,

Chớ cám dỗ ẩn sĩ!’

Xả mọi dục cao thấp,414

Không đối nghịch, tham đắm.415

Chúng thế nào, Ta vậy,

Chớ giết, chớ bảo giết.”

Đây phàm phu bị nắm,

Vượt điạ ngục loài người.416

Ít dục, không tham lam,

Không dục ,thật tịch tịnh.”

Ẩn sĩ vào rừng sâu,

Sửa soạn ngồi (an tịnh)”.

Hoan hỷ trong rừng sâu,

Thỏa mãn sở thích mình.417

Cần phải đi đến làng,

Đồ mang418từ làng đi.”

Đến làng, giữa gia đình,

Không nói chuyện liên hệ.419

Không được, cũng là tốt,

Vị ấy trở về420cây !”

Không câm421dáng như câm,

Không chê422người đem cho.”

Con đường cao và thấp,

Không có hai con đường,423 (?)

Đường này chỉ là một (?)”

Tỷ-kheo, cắt giòng nước,

Vị ấy không sầu não.”

“Ta dạy cho các ngươi,

Hãy tu như lưỡi dao,

Hãy hạn chế bao tử!”

Nhưng chớ nghĩ quá nhiều,

Sống cứu cánh Phạm hạnh.”

Sống đúng hạnh424Sa-môn,

Là hạnh bậc ẩn sĩ,

Thoải mái trong cô độc.”

Sau khi nghe tiếng nói,

Hãy hành thiền , bỏ dục,

Tăng trưởng tâm và tín.”

Từ khe núi425vực sâu,426

Biển lớn động im lặng.”

Cái gì đầy yên lặng,

Bậc trí như ao đầy.”

Nói liên hệ đến đích,

Tự biết, nên nói nhiều.”

Ai biết,không nói nhiều,

Xứng đáng hạnh ẩn sĩ,

Đạt được hạnh ẩn sĩ.”

 

 

 



 

6.Kinh Sàriputta(Sàriputtasutta), số 16,Phẩm Tám,Kinh Tập (Sutta Nipàta)



Sàriputta

“Trước con chưa từng thấy,

Tiếng nói thật ngọt ngào,

Từ cõi Đâu xuất đến,

“Bậc có mắt xuất hiện,

Quét sạch mọi u ám,

“ Bậc giác ngộ, độc lập,

Ngài đến ở đời này,

Từ nhiều người trói buộc,

“ Ai Tỷ-kheo nhàm chán,

Tại gốc cây, nghĩa địa,

“ Tại chỗ cáo thấp ấy,

Trong hướng đi bất tử,

“ Bao nguy hiểm ở đời,

Khiến Tỷ-kheo không run,

“Ngôn ngữ và hành xứ427

Có bao nhiêu giới cấm,

“Chấp nhận học tập gì,

Thông minh, giữ chánh niệm,

Trên tự ngã của mình,

Thế Tôn :

“Này Sàriputta”

Với người biết nhàm chán,

Khi sử dụng sàng tọa,

Với ai muốn giác ngộ,

Ta sẽ nói người ấy,

“Vị Tỷ-kheo có trí,

Không có sợ năm điều,

Các loại ruồi mối bay428

Xúc chạm của loài người,

“ Vị ấy không nên sợ,

Khi đã được thấy biết,

Bậc tìm đến chí thiện,

Cần phải lo khắc phục,429

“Khi thọ lãnh biện hoạn,

Với lạnh và cực nóng,

Bị chúng cảm xúc nhiều,

Cần tinh tấn cần mẫn,

“ Chớ ăn trộm ăn cắp,

Hãy cảm xúc từ tâm,

Khi rõ biết tâm tư,

Hãy gột sạch , tẩy sạch,

“ Chờ để bị chi phối,

Hãy đào chúng tận gốc,

Đối những gì khả ái,

Hãy hoàn toàn nhiếp phục,

“Thiên trọng về trí tuệ,

Hãy chận đứng loại bỏ,

Hãy khắc phục bất lạc,

Hãy khắc phục bốn pháp,

“Ta sẽ ăn những gì,

Thật khó khăn ta ngủ,

Với những tư tưởng ấy,

Bậc hữu học, không nhà,

“Với đồ ăn, vải mặc,

Cần ước lượng vừa đủ,

Chế ngự đối với chúng,

Dầu phẫn uất, không nói,

“Với mắt cuối nhìn xuống,

Chú tâm vào thiền định,

Cố gắng tu tập xả,

Hãy cắt đứt trừ khử,

“Bị buộc tội bằng lời,

Phá hoại sự cứng rắn430

Nói lên những lời nói,

Không để tâm suy tư,

“Lại nữa, năm loại vua,

Hãy học nhiếp phục chúng,

Đối với sắc và tiếng,

Cùng đối các cảm xúc,

“Hãy chế ngự ước muốn,

Vị Tỷ-kheo chánh niệm,

Rồi đúng thời vị ấy,

Với chuyên tâm nhất trí,



 

Chưa ai từng được nghe,

Như tiếng bậc Đạo Sư,

Xá Lợi Phất nói vậy.”

Đời này và Thiên giới,

Độc cư, chứng an lạc.”

Như thật, không man trá,

Lãnh đạo các đồ chúng,’

Con đến với câu hỏi.”

Sống an tọa, trống không,

Hay núi rừng hang sâu.”

Bao điều cần chinh phục431

Tại trú xứ vắng lặng.”

Tỷ-kheo cần chinh phục

Tại trú xứ vắng vẻ.”

Của vị ấy là gì?

Tỷ-kheo cần tinhtấn?”

Vị Tỷ-kheo nhất tâm,

Tẩy sạch các cấu uế,

Như thợ lọc vàng bạc.”

 

Thế Tôn bèn trả lời:



Có gì là khoan khoái?

Tại chỗ tịnh trống không,

Sống đúng với tùy pháp,

Như ta đã quán tri432

Chánh niệm sống biên địa,433

Đáng sợ hãi ở đời:

Cùng các loài bò sát,

Cùng các loại bốn chân.”

Tri kiến của người khác,

Nhiều sợ hãi của chúng,

Thấy được các nguy hiểm,434

Tất cả nguy hiểm khác.”

Khi cảm xúc đói khổ,

Cần phải nhiếp phục chúng,

Kẻ không bỏ nhà cửa,435

Lòng hết sức kiên trì.”

Chớ nói lời nói láo,

Đối kẻ yếu436kẻ mạnh,437

Trong tình trạnh dao động,438

Phần hắc ám đen tối.”

Bởi phẫn nộ , quá mạn,

Và an trú như vậy,

Hay đối không khả ái,

Chớ để bị chi phối.”

Hoan hỷ trong chí thiện,

Nguy hiểm ách nạn ấy,439

Đối trú xứ vắng lặng,

Khiến sầu muộn khóc than.”

Và được ăn tại đâu?

Nay ta ngủ tại đâu?

Vị ấy có thể than,

Hãy nhiếp phục trừ chúng.”

Đúng thời, thâu hoạch được,

Với mục đích thỏa mãn,440

Sống nhiếp phục trong làng,

Những lời độc thô ác,”

Chân không đi lang thang,

Với rất nhiều tỉnh giác,

Tự ngã khéo định tĩnh,

Các nghi ngờ hối tiếc.441

Chánh niệm, tâm hoan hỷ,

Giữa các đồngPhạm hạnh,

Hiền thiện và đúng thời,

Các chủ thuyết người khác.”

Hiện có ở trên đời,

Luôn luôn giữ chánh niệm,

Đối với vị và hương,

Hãy chế ngự tham ái.”

Đối với những pháp ấy,

Tâm tư khéo giải thoát,

Chơn chánh suy tư pháp,

Hãy đoạn tận hắc ám.

Thế Tôn nói như vậy.”


 
---o0o---
7.Kinh giáo giới La Hầu La ở rừng Am Bà La (Ambalatthikà Ràhulovàdasutta), số 61, Trung Bộ (Majjhima Nikàya)
Như vậy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Ràhula (La hầu-la) ở tại Ambalatthika. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Amba-latthika, chỗ Tôn giả Ràhula ở. Tôn giả Ràhula thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Ràhula đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Ràhula:

-Này Ràhula, ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?

-Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-Cũng ít vậy, này Ràhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.

Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút ít nước còn lại ấy rồi bảo Ràhula:

-Này Ràhula, ông có thấy chút ít nước còn lại ấy bị đổ đi không?

-Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Cũng đổ đi vậy, này Ràhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.

Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả Ràhula.

-Này Ràhula, ông có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?

-Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Cũng lật úp vậy, này Ràhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.

Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả Ràhula:

-Này Ràhula, ông có thấy chậu nước này trống không không?

-Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Cũng trống không vậy, này Ràhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tám quý.

Này Ràhula, ví như một con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi. Ở đây, người nài nghĩ rằng: “ Con voi của vua này có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận con voi này thường dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi. Con voi của vua (như vậy) không quăng bỏ mạng sống (của mình).” Này Ràhula, nhưng khi con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay cómặt ở chiến trường, khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, dùng vòi. Ở đây , người nài nghĩ rằng: “ Con voi của vua này, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường…(như trên)…dùng đuôi, dùng vòi. Con voi của vua (như vậy) đã quăng bỏ mạnh sống (của mình), và nay con voi của vua không có việc gì mà không làm.” Cũng vậy, này Ràhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng ngưới ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Ràhula, “ Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi” này Ràhula, ông phải học tập như vậy.

-Này Ràhula, ông nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?

-Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.

Cũng vậy, này Ràhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp.

Này Ràhula, khi ông muốn làm một thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: “Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Một thân nghiệp như vậy, này Ràhula, ông nhất định chớ có làm.Này Ràhula,nếu sau khi phản tỉnh, ôngbiết: “ Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.” Một thân nghiệp như vậy, này Ràhula, ông nên làm. Này Ràhula, khi ông đang làm một thân nghiệp, ông cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: “ Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, ông hãy từ bỏ một thân ngiệp như vậy. Nhưng nếu, này Ràhula, trong khi phản tỉnh ông biết như sau: “ Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.” Thân nghiệp như vậy, này Ràhula, ông cần phải tiếp tục làm. Sau khi ông làm xong một thân nghiệp, này Ràhula, ông cần phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: “ Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, ông biết như sau: “ Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ .’ Một thân nghiệp như vậy, này Ràhula, ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, ông biết như sau: “ Thân nghiệp này ta đã làm.Thân nghiệp này không đưa đến tự hại,không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai;thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.”Do vậy, này Ràluha, ông phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.Này

 Ràhula, khi ông muốn làm một khẩu nghiệp gì , hãy phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: “ Khẩu nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: “ Khẩu nghiệp này ta muốn làm. Khẩu nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời khẩu ngiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.”Một khẩu nghiệp như vậy, này Ràhula, nhất định chớ có làm. Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: “ Khẩu nghiệp này ta muốn làm. Khẩu nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đêm đến quả báo an lạc.” Một khẩu nghiệp như vậy, này Ràhula, ông nên làm. Này Ràhula, khi ông đang làm một khẩu nghiệp, ông cần phải phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: “ Khẩu nghiệp này ta đang làm. Khẩu nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: “ Khẩu nghiệp này ta đang làm. Khẩu nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, ông hãy từ bỏ một khẩu nghiệp như vậy. Nhưng nếu Ràhula, khi phản tỉnh, ông biết như sau: “ Khẩu nghiệp này ta đang làm, .Khẩu nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.” Khẩu nghiệp như vậy này Ràhula, ông cần phải tiếp tục làm. Sau khi ông làm cong một khẩu nghiệp, này Ràhula, ông cần phải phản tỉnh khẩu nghiệp ấy như sau: “ Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đứa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ:” Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, ông biết như sau: “ Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.”Một khẩu nghiệp như vậy, này Ràhula, ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Đạo sư hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ , trình bày,cần phải phòng hộ trong tương lai. Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, ông biết như sau: “ Khẩu nghiệp này ta đã làm. Khẩu nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời khẩu nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đưa đến quả báo an lạc.” Do vậy, này Ràhula, ông phải trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.

Này Ràhula, khi ông muốn làm một ý nghiệp gì, hãy phản tỉnh ý nghiệp ấy như sau: “Ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.” Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết : “Ý nghiệp này ta muốn làm. Ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đaư đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ.” Một ý nghiệp như vậy, này Ràhula, ông nhất định chớ có làm. Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết : “Ý nghiệp này ta muốn làm. Ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.” Ý nghiệp như vậy, này Ràhula, ông nên làm. Này ràhula, khi ông đang làm một ý nghiệp, ông cần phản tỉnh ý nghiệp ấy như sau: “Ý nghiệp này ta đang làm. Ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ.”Này Ràhula, nếu trong khi phản tỉnh, ông biết: “Ý nghiệp này ta đang làm. Ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời ýnghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem lại quả báo đau khổ.” Này Ràhula, ông hãy từ bỏ một ý nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Ràhula, khi phản tỉnh ông biết như sau: “Ý nghiệp này ta đang làm. Ý nghiệp này của ta không đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.” Ý nghiệp như vậy, này Ràhula, ông phải tiếp tục làm. Sau khi ông làm xong một ý nghiệp, này Ràhula, ông cần phải phản tỉnh ý nghiệp ấy như sau: “Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem lại quả báo đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.”Nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, ông biết như sau: “Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai;thời ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ.” Một ý nghiệp như vậy, này Ràhula, ông cần phải lo âu, cần phải tàm quý, cần phải nhàm chán, cần phải phòng hộ trong tương lai. Còn nếu trong khi phản tỉnh, này Ràhula, ông biết: Ý nghiệp này ta đã làm. Ý nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.” Do vậy, này Ràhula, ông phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.

Này Ràhula, trong thời quá khứ, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tịnh hóa thân nghiệp, đã tịnh hóa khẩu nghiệp, đã tịnh hóa ý nghiệp, tất cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh nhưvậy nhiều lần, đã tịnh hóa thân nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, đã tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, đã tịnh hóa ý nghiệp. Này Ràhula, trong thời vị lai, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào sẽ tịnh hóa thân nghiệp, sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sẽ tịnh hóa ý nghiệp, tất cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, sẽ tịnh hóa thân nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, sẽ tịnh hóa ý nghiệp. Này Ràhula, trong thời hiện tại, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào tịnh hóa thân nghiệp, tịnh hóa khẩu nghiệp, tịnh hóa ý nghiệp, tất cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, tịnh hóa thân nghiệp, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, tịnh hóa ý nghiệp. Do vậy, này Ràhula: “ Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa khẩu nghiệp; sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hóa ý nghiệp.” Như vậy, này Ràhula, ông cần phải tu học.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ràhula, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

---o0o---


THƯ MỤC
I.Nguồn tài liệu Pàli
-Kinh Trường Bộ, II, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991.

-Kinh Trường Bộ, II, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991.

-Kinh Bộ Tăng Chi, II, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996.

-Kinh Bộ Tăng Chi, IV, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996.

-Kinh Tiểu Bộ, I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1999.

-Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh II, Tu Thư Đại học Vạn Hạnh, 1974.

-E.Hare, The Book of Gradual Saving, IV, Pali Text Society, London, 1955-1992.

-M.Walshe, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publication, London,1987.

-Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts,I,Motilal Banarsidass Publishers, Pvt,Ltd,Delhi,1965-1998.

-Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts,II, Motiala Banarsidass Publishers, Pvt, Delhi, 1965-1998.

-Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts, III, Motilal Banarsidass Publishers,Pvt,Ltd,Delhi,1965-1998.
---o0o---
II. Các tài liệu Ấn Độ và Tích Lan
-Divyàvadàna.

-Dìpavamsa.

-Indian Antiquary.

-Journal of Asiatic Society of Bengal.

-Journal of the Royal Asiatic Society (New Series).

-Kautilya’s Arthaśàstra.

-Mahàbodhivamsa.

-Mahàbodhi Centenary Commemorative Volume.

-Mahàvamsa.

-Mahàvamsa Tika.

-Parisishta Parvan.

-Samantapàsàdikà.

-Vishnu Puràna.
---o0o---

III. Các tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật

-B.C.Law, Geography of Early Buddhism, London,1932.

-B.M.Barua, Asoka and his Inscriptions, New age Publishers Ltd,Calcutta,1955.

-C.J.Shah, Jainism in North India, London, 1932.

-D.R.Bhandarkar, Asoka,University of Calcutta,1955.

-H.C.Raychaudhuri, Political History of Ancient India, Calcutta,1938.

-Heinz Bechert, The Dating of the Historical Buddha, Vandenhoeck & Ruprecht,-Gottingen,1991.

-E.Thomas, Jainism or the Early Faith of Asoka, London,1877.

-F.A.Schiefner, Taranatha’s Geschichte des Buddhismus,St.Peterburg,1869.

-J.Legge,A Record of Buddhistic Kingdoms,Oxford,1886.

-J.Przyluski,La Legende de I’Emperur Asoka, Paris,1923.

-J.Takakusu, Archipelago A Record of the Buddhist Religion as practiced in India and the Malay Archipelago Oxford,1896.

-K.C.Ojha,The Rule History of Foreign in Ancient India,…?

-K.Hazra, Royal Patronage of Buddhism in Ancient India, Delhi, 1984.

-M.Winternizt, A History of Indian Literature, Motilal Banarsidass Publishers Pvt,Ltd,Delhi,1993.

-N.Dutt,Gilgit Manuscripts,Srinagar,1939.

-N.Dutt,Early Monastic Buddhism, Calcutta,1941-1945.

-P.V.Bapat,2500 Years of Buddhism, Ministry of Information and Broadcasting, Government of India,1997.

-R.Basak,Asokan Inscriptions, Calcutta,1959.

-R.C.Mazumdar,The Age of Imperial Unity,Bombay,1951.

-R.K.Mookerji, Chandra Gupta Maurya and his Times, University of Madras, 1943.

-R.Mookerji, Asoka, Motilal Banarsidass Publishers,Pvt,Ltd,Delhi,1989.

-V.A.Smith,The Early History of India, Oxford,1924.

-V.A.Smith, Asoka,S.Chand & Co,Delhi,1964.

-T.Watters,On Tuan Chwang’s Travels in India,London, 1904.

-W.Geiger.Pàli Literature and Language, Munshiram Manharlal Publishers Pvt,Ltd.Delhi,1996.

-Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, 1992.

-Phạm Thủy Ba cùng các dịch giả khác, Phát hiện Ấn Dộ, tập I, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1990.

-Thích Minh Châu, Những lời đức Phật dạy vể Hòa bình và Giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.

-Thích Thiện Siêu & Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong đạo Phật, Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh, 1998.



-Thích Nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2000.
---o0o---
Hết

1 AIUtr .71.

2 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.99-100

3 Bia ký XIII

4 Bia ký XIII.

5 Bia ký IV

6 Bia ký XIII.

7 Bia ký VI

8 Bia ký VIII.

9 Pháp cú, kệ số 103 chép: “Dầu thắng hàng vạn địch quân trên chiến trận cũng không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất.”

10 Pháp cú,kệ số 223

11 Pháp cú, kệ số 137.

12 Bia ký VIII.

13 Tiểu bia ký I; bia ký.

14 Bia ký VI.

15 Bia ký V; trụ dá I,IV.

16 Bia ký Kalinga I,II; trụ đá I, IV

17 Trụ đá IV.

18 Bia ký II, bia ký VIII.

19 Bia ký XIII

20 Bia ký I.

21 Trụ đá V.

22 Bia ký II; trụ đá VII

23 Bia ký V.

24 Bia ký V.

25 Bia ký IV,V,IX,XI,XIII.

26 Bia ký XIII.

27 P.V.Bapat, 2500 years of Buddhism, tr,42.

28 R.Mookerji,Asoka,tr.1-2

29 Phát hiện Ấn Độ, tập I,tr.217.

30 AIU,tr,54.

31 PSP,VIII,229f.

32 MR,Act IV;VNP,IV,24.

33 HFRAI,tr.45.

34 MV,tr,27-30.

35 DVY,tr.370.

36 Như trên, tr,409

37 GBE, tr.29.

38 PHAI,tr.268-69.

39 CMT,tr.65.

40 JBORS, II, 1916,tr.81

41 RPBAI,tr.58.

42 LLEA,tr.320

43 MVT,IV,125.

44 MV,tr,28.

45 DVY,tr.233

46 Như trên,tr,234.

47 Theragàtha Commentary, Colombo, 1918,tr,295.

48 Trụ đá Allahaba

49 R.Mookerji, Asoka,tr.8.

50 EB,II,Fascile 2,tr.185.

51 R.Mookerij, Asoka,tr, 4; B.M Barua, Asoka and his Inscriptions,tr.36.

52 MBV,tr.99.

53 EHI,tr.163.

54 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.8.

55 R.Mookerji, Asoka,tr.6.

56 RPBAI.tr.68.

57 R.Mookerji, Asoka,tr.7.

58 RBK,tr.90.

59 ARBRIMA,tr,14.

60 DVY,tr.234-35.

61 DVY,tr.368.

62 EB,II,Fascile,2,tr.190.

63 EHI,tr.163-64

64 RPBAI,tr.63.

65 DVY,tr.372-73.

66 DVY,tr.371.

67 R.Mookerji, Asoka,tr.3.

68 R.Mookerji,Asoka,tr,4.

69 V.A.Smith,Asoka,tr.229-30.

70 R.Mookerji,Asoka,tr.5-6.

71 Như trên,tr.6.

72 Bia ký IV.

73 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.42.

74 OYC,II, tr.184.

75 B.M.Barua,Asoka and his Inscription,tr.104.

76 V.A.Smith,Asoka,tr.76.

77 B.M.Barua, Asoka and hia Inscriptions,tr.69.

78 Nguyễn Hiến Lê, lịch sử văn minh Ấn Độ,tr.30.

79 J.Jolly & R.Schmidt, Kautilya’s Arthaśàtra,I,tr.5

80 Bia ký Kainga II,văn bản Jaugda;bia ký VI, văn bản Girnar

81 Trụ đá I.

82 Bia ký Kalinga.

83 J.Jolly & R.Schmidt, Kautilya’s Arthaśàtra,I,tr.5

84 Trụ đá IV.

85 V.A.Smith,Asoka,tr.232

86 EB,II, fascile,2tr.190

87 Bia ký V.

88 Trụ đá IV.

89 Bia ký IV,V,IX,XI,XIII.

90 Trụ đá II.

91 Trụ đá VII.

92 Tiểu bia ký II; Bia ký III,IV,VII,VIII, IX,XI,XIII;trụ đá V, VII.

93 Tiểu bia ký II; bia ký III ,XIII;trụ đá II, VII.

94 Tiểu bia ký II; bia ký III ,XIII;trụ đá II, VII.

95 Bia ký XI.

96 Bia ký XIII.

97 Trụ đá IV.

98 Bia ký Kalinga I.

99 Bia ký Kalinga I.

100 Trụ đá I.

101 Bia ký V.

102 Bia ký VI.

103 Bia ký VI.

104 Trụ đá IV.

105 Trú đá VII.

106 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.52.

107 R. Mookerji, Asoka,tr,58

108 R.Mookerji,Asoka,tr.132,phần chú thích cuối trang.

109 D.R.Brhandarkar, Asoka,tr.63.

110 B.M.Barua,Asoka and hia Inscriptions,tr.183.

111 Như trên.

112 Trụ đá VI;biaký XII.

113 Bia ký Bhabrù hay Bairat.

114 B.M.Barua, Asoka and his Inscriptions,tr.358.

115 V.A.Smith, Asoka,tr.208.

116 JEFA,tr.30-31.

117 JNI,tr.139.

118 Nguyên bản dùng chữ Àjìvikas, đúng ra là chữ Niganthas bởi toàn bộ câu chuyện đề cập về các tu sĩ Kỳ Na giáo bị sát hại . Có lẽ tác giả của câu chuyện đã có sự nhầm lẫn giữa các vị Àjìvika, các tu sĩ tuân thủ nếp sống khổ hạnh do giáo chủ Makhali Gosàla đề xuất, và các vị Nigantha, tức các tu sĩ Kỳ Na giáo chấp nhận nếp sống khắc kỷ khổ hạnh do Nigantha Nàtaputta hay Mahàvìra chủ trương.

119 RPBAI,tr.67.

120 Như trên.

121 Kinh Sa môn quả, Trường bộ.

122 R. Mookerji, Asoka,tr.111,phần chú thích cuối trang.

123 R.Mookerji, Asoka,tr.111,phần chú thích cuối trang.

124 Bia ký XII, trụ đá VI.

125 Bia ký III, IX,XI,XIII.

126 Trụ đá VII.

127 Bia ký XIII.

128 Bia ký IV.

129 Bia ký XIII.

130 V.A.Smith, Asoka,tr.212.

131 V.A.Smith, Asoka,tr.213-15; R.Mookerji, Asoka,tr.35-36.

132 P.V.Bapat, 2500 of Buddhism,tr.75.

133 RPBAI,tr.64.

134 Thích nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì ,tr.204-06.

135 DHB, phần I, tr.142.

136 James Prinsep đã tỏ ra lúng túng với tước hiệu Priyadarśì của Asoka khi ông nghiên cứu về các bản chữ Bràhmì. Học giả này đã không biết Priyadarśì là ai, thuộc triều đại nào. Chỉ đến lúc Turnour phát hiện từ biên niên sử Tích Lan Piyadasi là tước hiệu hay tên gọi khác của Asoka, cháu nội Chadragupta, thuộc vương triều Maurya thì nhân vật Asoka mới bắt đầu ló dạng (Xem D.R.Brandarkar, Asoka,tr.3)

137 D.R.Brandarkar, Asoka,tr.69.

138 V.A.Smith, Asoka,tr.224-25.

139 JASB,1897,tr.76-84.

140 V.A.Smith, Asoka, tr.208.

141 V.A.Smith,Asoka,tr.210.

142 V.A.Smith,Asoka,tr.226.

143 P.V.Bapat,2500 years of Buddhism,tr.42

144 Tiểu bia ký I.

145 Bia ký Bhabrù.

146 SP,I,tr.52.

147 RBK,tr.80.

148 V.A.Smith, Asoka,tr.226-28.

149 EB,II, Fasciscle 2,tr.185.

150 R.Mookerji, Asoka,tr.81.

151 EB,II, Fascicle 2,tr.189.

152 V.A.Smith, Asoka,tr.208.

153 V.A.Smith ,Asoka,tr.225.

154 V.A.Smith, Asoka,tr.225-26.

155 V.A.Smith, Asoka,tr.226.

156 V.A.Smith,Asoka,tr.210.

157 RPBAI,tr71.

158 B.M.Barua ang his Insciptions,tr.215-16.

159 R.Mơkerji, Asoka,tr.23-24.

160 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.73-74.

161 Will Durant chẳng hạn cho rằng Asoka từng mặc áo cà sa trong một thời gian. Xem Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.100.

162 RPBAI,tr.72-73.

163 DVY,tr.140-44.

164 ARBRIMA,tr.73.

165 V.A.Smith, Asoka,tr.220.

166 RPBAI,tr.82-83.

167 B.M.Barua, Asoka and his Inscriptions, tr.262-64.

168 RPBAI,tr.72.

169 AIU,tr.75.

170 N.Dutt,Early Monastic Buddhism,tr.262-64.

171 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.74.

172 Như trên, tr.74-75.

173 B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.146.

174 B.M.Barua, Asoka and his Inscription, tr.186.

175 Theo tài liệu Vàya Putràna

176 R.Mookerji, Asoka, tr.94-95.

177 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.98.

178 RBK,tr.77.

179 RBK,tr.77.

180 R.Mookerji, Asoka,tr.8,51

181 R.Mookerji,Asoka,tr.51.

182 R.Mookerji, Asoka,tr.51.

183 R.Mookerji, Asoka,tr.52;B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.34.

184 R.Mookerji, Asoka,tr.52.

185 B.M.Barua, Asoka and his Incription,tr.151.

186 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.53;R.Mookerji,Asoka,tr.53.

187 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.53.

188 D.R.Brandarkar,Asoka,tr.52.

189 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.51.

190 D.R.Brandarkar,Asoka,tr.52.

191 D.R.Brandarkar, Asoka,tr.54-56;R.Mookerji, Asoka,tr.56.

192 Bia ký XII.R.Mookerji, sau khi so sánh với tài liệu Arthaśàstra của Kautilya, cho rằng vraja-bhùmika là một quan chức trách nhiệm xây dựng các giếng nước, hồ nước, các vườn hoa, vườn cây ăn trái, các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành , bảo vệ an toàn cho nhân dân và súc vật trên các tuyến đường. (Xem R.Mookerji, Asoka,tr.160-61, phần chú thích cuối trang.)

193 Heras cho rằng Asoka là một triết gia hơn là một quốc vương, một bậc thầy về đạo đức hơn là một nhà quản trị. ( Xem QJMS, XVII, tr.276).C.J.Shah nêu quan điểm tương tự: “ Về phương diện chính trị, Asoka là một tín đồ phái Quaker và là người xứng đáng với vị trí một đạo sư hơn là một hoàng đế.” ( Xem C.J.Shah,Jainism in North India,tr.133 )

194 RPBAI,tr.64-65.

195 B.M.Barua,Asoka and his Inscriptions,tr.221-22.

196 Phát hiện Ấn Độ, tập I,tr.201.

197 Bia ký Kalinga II.

198 Bia ký VI.

199 R.Mookerji,Asoka,tr.50.

200 R.Mookerji,Asoka,tr.50.

201 RPBAI,tr.64.

202 Bia ký Kalsi.

203 Trụ đá I.

204 Trụ đá IV.

205 Trụ đá IV.

206 Tức giết cha, giết mẹ, giết A la hán, sát thương đức Phật và phá hòa hợp Tăng. (Xem Kinh Bộ Tăng Chi, tập II, tr.546-47, viện NCPHVN, 1996.)

207 Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts,part III, tr.254.

208 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.207-08.

209 M.Winternitz.AHistory of Indian Literature, tâp II,tr.40.

210 M.Winternitz,A History of Indian Literature,tr.16.

211 W,Geiger,Pàli Literature and Language,tr.10-11.

212 AR,tr.34.

213 AR,tr.35.

214 AR,tr.35.

215 AR,tr.35.

216 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.150.

217 D.R>Bhandarkar,Asoka,tr.150.

218 T.W.Rhys Davis,Buddhist India,tr.301.

219 W.Rahula, History of Buddhism in Ceylon,tr.59.

220 DVY,I,tr.269,BSI,tr.138.

221 STGB,tr.38.GM.I,tr.9.

222 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.139-40.

223 E.Frauwallner, The earliest Vinaya and the Beginnings of Buddhist Literature,tr.16-17

224 RPBAI,tr.88.

225 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.103.

226 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.102.

227 Văn hóa Ariyan được nói đây ngụ ý nền văn hóa Ấn Độ bắt nguồn từ lúc những người Aryan xâm nhập Ấn Độ từ khoảng 2000-1500 trước Công nguyên mà các kinh sách Vệ đà được xem là sản phẩm văn học đầu tiên . Trong bài kinh Ambattha (Ambattha Sutanta) , Trường bộ (Dìgha Nikàya) và kinh Phạm Ma (Bhahmàyu Sutta), Trung bộ (Majjhima Nikàya) các Bà-la-môn Pokkharasàdi và Bhamàyu bảo học trò của mình là Ambattha và Uttara đến xem xét về con người Sa môn Gotama “ bởi theo Thánh điển (kinh Vệ đà) của chúng ta truyền lại về 32 Đại nhân tướng, những ai có 32 tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác. Nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy báu vật. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương và tri vì với Chánh pháp, không dùng gậy ,không dùng đao.Nếu vị này xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A la hán, Chánh đẳng giác, quét sạch mê lầm ở đời, (Xem Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh II,tr.135, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1974.) Bài kinh Sela, số 7 , Đại phẩm (Mahàvagga) thuộc Kinh tập (Sutta Nipàta) ghi nhận câu chuyện rằng vị Bà-la-môn Sela sau khi phát hiện 32 tướng tốt ở đức Phật đã xác nhận ngài xứng đáng là vị vua cai trị bốn phương thiên hạ và đã yêu cầu ngài chấp nhận địa vị của một vị vua tối thượng, nhưng đức Phật bảo rằng ngài là một vị Pháp vương (Dhammaràja) chuyển vận bánh xe Chánh pháp

228 Xem Kinh Nàlaka, số 11, Đại phẩm, Kinh Tập (Sutta Nipàta) .

229 Kinh Trường Bộ, tập II, tr.480.

230 Kinh Trường Bộ ,tập II, tr.358-59.

231 D.R.Bhandarkar, Asoka,tr.204.

232 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.206.

233 Bia ký IV.

234 Bia ký XIII.

235 Bia ký I.

236 Bia ký VIII.

237 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.199-203.

238 Bia ký V.

239 Bia ký XIII.

240 V.A.Smith,Asoka,tr.207-08.

241 P.V.Bapat,2500 years of Buddhism,tr.41.

242 Bia ký XI.

243 Trụ đá VII.

244 Trụ đá I.

245 V.A.Smith, Asoka,tr.212.

246 V.A.Smith, Asoka,tr,216-17.

247 V.A.Smith, Asoka,tr.210.

248 Trụ đá VIII.

249 Trụ đá VII.

250 Trụ đá II.

251 Bia ký III.

252 Trụ đá VII.

253 Bia ký XIII.

254 Trụ đá II.

255 Tiểu bia ký II.

256 Bia ký IX,XI.

257 Bia ký IV.

258 DVY,tr.279.

259 JRAS, 1908,tr.491-97.

260 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.105.

261 J.M.Macphail,Asoka,tr.48

262 V.A.Smith,Asoka,tr.59-60.

263 V.A.Smith,Asoka,tr.29-30

264 R.Mookerji,Asoka,tr.60.

265 CHI,tập I ,tr.505.

266 IA, 1891,tr.264-65.

267 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.107-13.

268 Tiểu bia ký I.

269 Bia ký Bhabrù hay Bairat.

270 Bia ký IV.

271 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.100

272 Xem Phụ lục II.

273 Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts,phần II,tr.2-5.

274 Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts, phần I,tr.197.

275 Bia ký VI.

276 Tiểu bia ký I.

277 Trụ đá VII.

278 Bia ký III, IV,XI; trụ đá VII.

279 Các bia ký III, IV,XI,XIII; trụ đá VII.

280 Bia ký IV;trụ đá VII.

281 Tiểu bia ký II, Bia ký IX.

282 Bia ký III, IV,VII, IX,XI.

283 Bia ký III, XI.

284 Bia ký III,XI,XIII.

285 Bia ký IX,XI,XIII; trụ đá VII.

286 Bia ký VIII; trụ đá VII.

287 Trụ đá II, VII.

288 Bia ký VII, trụ đá II, VII.

289 Tiểu bia ký II ;trụ đá II, VII.

290 Trụ đá II, VII.

291 Bia ký XIII; trụ đá VII.

292 Trụ đá VII.

293 Bia ký III.

294 Bia ký VIII.

295 Bia ký VII.

296 Bia ký VII.

297 Bia ký IV;trụ đá VII.

298 Bia ký VII,XIII.

299 JRAS, 1915,tr.809.

300 Kinh Trường Bộ, tập II,tr.486.

301 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.110.

302 Trụ đá II, III.

303 Trụ đá II.

304 Trụ đá III.

305 Bia ký Kalinga I.

306 Bia ký IV.

307 Bia ký KalingaI, Trụ đá III.

308 B.M. Barua, Asoka and his Inscriptions,tr.235-36.

309 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.100.

310 Samyutta Nikàya,tậpI,tr.165.

311 Pháp cú, kệ số 129-130.

312 Pháp cú, kệ số 131.

313 Bia ký III.

314 M.Waldhe,The long Discourses of the Buddha,tr.135-36

315 Bia ký IV.

316 Bia ký XIII.

317 Bia ký XIII.

318 Kinh Nguốn nưóc công đức, Tăng chi.

319 Kinh Nguốn nưóc công đức, Tăng chi.

320 Bia ký VIII.

321 Bia ký Jaugada.

322 Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh tập II, tr.172,Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1974.

323 Xem Kinh Upàli, số 56, Trung Bộ; E.M.Hare, The Book of the Gradual Saying ,tập IV,tr.126-27

324 Bia ký VIII.

325 Bia ký hang động Nigrodha và đồi Khalatika.

326 Trụ đá II.

327 Bia ký Jaugada.

328 Bia ký IX.

329 Bia ký VIII.

330 EB,II, Fascile,2,tr.190

331 RPBAI,tr.64.

332 RPBAI,tr.64.

333 Thích Nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì,tr.204.

334 7 yếu tố khiến dân tộc Vajji hùng mạnh gồm:1.Thường xuyên hội họp với nhau; 2.Hội họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết;3.không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống lâu đời;4.tôn trọng và lắng nghe lời khuyên của các bậc trưởng thượng;5.không cưỡng ép bắt cóc phụ nữ và thiếu nữ; 6. tôn trọng giữ gìn các tự miếu và tiến hành các lễ hội đã có từ lâu đời;7.bảo hộ, che chở và hộ trì các bậc tu hành chân chánh khiến cho cuộc sống đạo đức tâm linh ngày càng được nâng cao.(Xem Kinh Đại bát Niết bàn (Mahàparinibbàna Suttanta). Trường Bộ,I,tr.541-44)

335 Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts, phần I,tr.194-96.

336 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.100

337 Bia ký VIII

338 Bia ký I; trụ đá V

339 Bia ký V,VI.

340 V.A.Smith, Asoka,tr.231-32

341 Bia ký XIII.

342 Bia ký VIII.

343 Bia ký I.

344 Bia ký VIII.

345 Tiểu bia ký I.

346 Bia ký XIII; trụ đá VII.

347 R.Mookerji,tr.4-5.

348 Bia ký VIII.

349 Bia ký IV.

350 M.Walshe, The long Discourses of the Buddha,tr.135-36

351 Bia ký KalingaI, II.

352 Bia ký VI.

353 Bia ký VI.

354 Trụ đá IV.

355 MCCV,tập I,tr.12.

356 Kinh Tiểu Bộ ,tập I, tr.508-09.

357 Bia ký VI,X.

358 Rhy Davids & H.Oldenberg,Vinaya Texts, phần I, tr.112-13

359 Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt , số 31, Trường Bộ.

360 Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Trường Bộ và Kinh Điềm lành lớn, Kinh Tập

361 Bia ký VI,X.

362 Thích Thiện Siêu & Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong đạo Phật, tr,81-82

363 Kinh Trường Bộ tập I,tr.242.

364 Bia ký II.

365 Trụ đá VII.

366 Trụ đá IV.

367 Bia ký VI.

368 D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.63.

369 B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.183.

370 Như trên.

371 Bia ký XIII.

372 Pháp cú, kệ số 5.

373 Pháp cú , kệ số 201.

374 Pháp cú, kệ số 103.

375 Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh ,tr.73.

376 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.103.

377 V.A.Smith, Asoka,tr.212.

378 V.A.Smith, Asoka,tr.212.

379 Kinh Pháp cú, kệ số 129 và 130, nói như thế này; “Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống, hãy lấy mình làm ví dụ mà không giết hại hay khiến người khác giết hại.”

380 Kinh Pháp cú,kệ số 131, bảo: “ Tất cả chúng sanh đều mong muốn được hạnh phúc; do đó người nào xây dựng hạnh phúc của mình trên sự khổ đau của người khác thì nhất định sẽ gặp bất hạnh đời sau.”

381 Kinh Nhất dạ hiển giả. Trung bộ; Kinh Các sợ hãi về tương lai. Tăng chi bộ; Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ; Pháp cú, kệ số 116

382 Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.

383 Pháp cú, kệ số 137.

384 Pháp cú, kệ số 223.

385 Thích nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì, tr.204.

386 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.103.

387 Xem A.Peccei & D.Ikeda, Before it is too late, tr.92-94, đoạn nói về liên lạc tăng, cảm thông giảm (More communi cation, less communion)

388 JRAS,1913,tr.378.

389 IA,Xlvìii,1919,tr.8-11

390 JRAS,1915,tr.809.

391 Rhys Diavids, Dialogues of the Buddha,part I,tr.xiii.

392 Bhamayatha

393 Marù

394 Selenti.

395 Orak

396 Atto.

397 Tasathàvare

398 Nicchàto.

399 Ghàsesanam.

400 Kiccàkiccà.

401 Asito

402 Unakam

403 Vadayyanti.

404 Bunjàni.

405 Meru: Tu-di.

406 Asita

407 Galayti

408 Adhimadasà.

409 Vyasanagate

410 Aghàvi.

411 Parato.

412 Samayam.

413 Anunnate.

414 Parovara.

415 Aviruddho asàratto.

416 Narakamimam.

417 Abhitosayam.

418 Abhihàram.

419 Payutam.

420 Upanivattati.

421 Amùgo.

422 Nàvajàniya.

423 Digunam.

424 Samanopàsanassa.

425 Sobbhesu.

426 Padaresu.

427 Gocara.

428 Damsàdhipàtànam.

429 Parisayàhi.

430 Khila:năm triền cái của thiền.

431 Abhisambhavati.

432 Tajànam.

433 Pariyantacàvì.

434 Abhisambhavati.

435 Anoko.

436 Tasa.

437 Thàvarà.

438 Avilattam.

439 Tosana.

440 Rusito.

441 Takkàsayam.


tải về 2.03 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương