9 tháng Tư 20 tháng Tư, 1975


Figure 2 Tù binh CSBV tại Xuân Lộc tháng Tư, 1975



tải về 1.6 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu15.01.2018
Kích1.6 Mb.
#36029
1   2   3   4   5   6

Figure 2 Tù binh CSBV tại Xuân Lộc tháng Tư, 1975
II. TÌNH HÌNH TỔNG QUÁT
A/- PHƯỚC LONG: TRẬN ĐÁNH THĂM DÒ

Vào đầu tháng 1 năm 1975, sau gần một tuần lễ mở cuộc tấn công vào Phước Long, quân CSBV đã làm chủ tỉnh địa đầu miền núi của Vùng 3 Chiến thuật.

Với chính sách “4 không” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, VNCH quyết không để mất một tấc đất nào do tiền nhân để lại. Nhưng QLVNCH trên lý thuyết có khoảng 1 triệu quân nhân phục vụ dưới cờ, chỉ có vài trăm ngàn quân thực sự chiến đấu ngoài mặt trận. QLVNCH phải rải quân giữ đất, giữ dân. Hai Sư đoàn Tổng trừ bị bị cầm chân ở vùng giới tuyến phía Bắc. Các Sư đoàn Bộ binh lo giữ đất và giữ dân vùng trách nhiệm của mình, kể cả các Liên đoàn BĐQ cũng không rảnh tay. Khi Phước Long bị uy hiếp, QLVNCH đã không có lực lượng trừ bị hùng hậu để cứu viện. Đây là điều tối kỵ trong binh pháp. BTL/QĐIII chỉ đưa được 3 Đại đội Trinh sát của 3 Sư đoàn 5, 18, 25, và 2 Đại đội 81/ Biệt Kích Dù.

Ngày 30 tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 3 và 7/CSBV đồng loạt tấn công quận lỵ Phước Bình. Đến chiều thì Bộ Chỉ huy Chi khu bị bắn sập. Lực lượng đang đóng tại đây phải lui về đóng chung quanh phi trường Sông Bé. Bốn chiến xa của CS bị bắn hạ tại cuối vòng đai phi trường…quân CS đã chiếm được núi Bà Rá, nơi đặt trạm viễn liên làm gián đoạn tạm thời các liên lạc với tỉnh lỵ. Sau đó các tiền sát viên CS đặt tại núi này đã điều chỉnh pháo 130ly làm tê liệt hầu hết các pháo đội của QLVNCH thuộc lực lượng phòng thủ.” (Nguyễn Đức Phương – Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập).

Khi có dấu hiệu quân CSBV điều động lực lượng chuẩn bị đánh Phước Long, Tổng Thống hỏi Đại tá Tỉnh trưởng có cần thêm quân tăng viện, vị Tỉnh trưởng trả lời chưa cần (Một sĩ quan cấp Trung tá thuộc Phòng 3 Tiểu khu cho Đại úy Phạm Hữu Đa, Đại đội trưởng Trinh sát 18 biết như vậy). Đại đội 18 Trinh sát, cùng 2 Đại đội 5 và 25 được trực thăng vận vào Phước Long thay thế Tiểu đoàn BĐQ, 3 tháng trước khi tỉnh này bước vào trận chiến.

ĐĐ18TS hoạt động khu vực quận Bố Đức mới. Một Trung đội của đơn vị này vào phòng thủ chung với ĐĐ/ĐPQ trong căn cứ. Một Tiểu đoàn quân CSBV di chuyển bằng xe molotova đến bao vây căn cứ. Đơn vị của Đa cùng ĐĐ/ĐPQ đã chiến đấu dũng cảm. Nhờ có pháo binh yểm trợ dồi dào và hữu hiệu, đơn vị giặc bị xóa sổ. Nhưng sau đó trong một cuộc điện đàm, Đại tá Tỉnh trưởng cho biết vì tình trạng khan hiếm đạn dược, pháo binh chỉ có thể bắn tối đa 5 trái một ngày. Cuộc điện đàm bị Cộng quân bắt được (do một nhân viên kiểm thính trên núi Bà Rá nói lại với Đa). Chúng biết quân ta khan hiếm đạn dược, liền điều động 3 Tiểu đoàn vào trận để trả thù, và dứt điểm tuyến phòng thủ bên ngoài của Phước Long. Quân số ít, pháo binh yểm trợ nhỏ giọt, không quân không can thiệp kịp thời, trước nguy cơ bị tiêu diệt, đơn vị trú phòng đành phải rút chạy.

Sáng sớm ngày 3 tháng 1, quân CSBV tấn công vào thị xã Phước Long. Để cứu viện, Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn III cho trực thăng vận 2 Đại đội 81 Biệt kích Dù do Trung tá Thông chỉ huy. Đơn vị cứu viện đến. Nhưng quá ít, và qúa muộn màng!

Ngày 6 tháng 1 năm 1975, lúc 3 giờ 30 chiều, quân CSBV với chiến xa yểm trợ, đã xuất hiện khắp nơi. Nhiều xe tăng giặc bị bắn cháy. Nhiều tên lính “cụ Hồ” bị giết chết. Nhưng thế giặc mạnh, quân giặc đông, vũ khí đạn dược dồi dào, quân trú phòng ở thế hạ phong, đành phải rút chạy. Đến 11 giờ đêm thì không còn liên lạc được với Phước Long.

Phước Long đã thất thủ!

Phước Long cách Sàigòn khoảng 110 cây số về hướng Đông – Bắc, bị cô lập từ nhiều tháng. Các cuộc tiếp tế cho thị xã đều phải thực hiện bằng đường hàng không. Trong lúc đó CSBV đã đưa vào đây 3 sư đoàn cùng nhiều đơn vị pháo. Đó là Sư đoàn 3, 7, 9 và bộ đội đặc công, phối hợp cùng lực lượng địa phương và du kích.

Về phương diện quân sự, việc thất thủ Phước Long không quan trọng, nhưng hậu quả tâm lý và chính trị thì thật to lớn.

Ngày 18 tháng 12 năm 1974 tại Hànội, một cuộc họp liên tịch Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, có đại diện các chiến trường Miền Nam tham gia, sau khi phân tích tình hình chính trị và quân sự trong và ngoài nước, tên Thủ tướng muôn năm của Bắc Việt Phạm Văn Đồng phát biểu: “ …Mỹ rút quân do qui định của hiệp định Paris…Ngày nay, nó đem quân can thiệp trở lại là một chuyện không thể có. Có chăng là dùng không, hải quân chi viện…”. Rồi hắn vừa cười to vừa nói: “ Nói chơi cho vui nhưng cũng đúng sự thật là cho kẹo Mỹ cũng không vào”.

Khi được tin chiếm được Phước Long, Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Cộng đảng Bắc Việt nói: “Lần đầu tiên ở Miền Nam, một tỉnh hoàn toàn được giải phóng. Tỉnh đó lại ở gần Sàigòn và mở rộng vùng căn cứ quan trọng của ta ở Miền Đông. Thực tế này nói rõ hơn hết khả năng của ta, sự phản ứng thế nào của ngụy và nhất là của Mỹ”. Ngày 8 tháng 1, trong một bài diễn văn, Lê Duẩn phát biểu: “ Tình hình đã sáng tỏ. Chúng ta quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm. Hai năm là ngắn và cũng là dài. Cuộc chiến đấu ở Miền Nam được thực lực mạnh ở Miền Bắc đẩy lên thành sức mạnh cả nước. Bây giờ quân Mỹ đã rút ra rồi, quân đội ta có sẵn trong Nam…Đây là nội dung của thời cơ, ta phải nắm vững quân sự, chính trị, ngoại giao…”

Về phía VNCH, nguyên Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng VNCH, ông Bữu Viên viết: “Cộng sản trong khi tiến hành việc thử thách ý chí của QLVNCH và đặc biệt để đo lường phản ứng của chính phủ Mỹ đã lựa chọn thật đúng một mục tiêu dễ dàng. Sự thất thủ Phước Long hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một tỉnh đã hoàn toàn lọt vào tay cộng sản và đây là một bằng chứng hiển nhiên của sự vi phạm trắng trợn thỏa ước ngưng bắn của Cộng sản…”

Kết thúc hội nghị, Ngày 24 tháng 1 năm 1975, Phái đoàn Miền Nam do Trần Văn Trà làm trưởng đoàn lên đường trở về B2. Nhưng trước đó bọn họ phải đến chào từ giả “Thái Thượng Hoàng” Lê Đức Thọ để nhận chỉ thị cuối cùng: “ Tôi đã đến cuộc họp thường trực Quân ủy Trung ương; đã truyền đạt quyết tâm của Bộ Chính trị là đánh Ban Mê Thuột. Chỉ chấp hành lệnh không thảo luận gì nữa cả”. Trước đó trong hội nghị, Thọ đã đưa ý kiến: “ Phải đặt vấn đề dứt khoát là giải phóng Man Mê Thuột. Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Ban Mê Thuột là thế nào?”

Bộ Chính trị Cộng đảng Bắc Việt quyết định chọn Phước Long làm trận mở đầu cho kế hoạch tổng tấn công thôn tính Miền Nam, là chọn một mục tiêu dễ dàng, nhưng mang tính to lớn vì là một tỉnh, dù dân số ít hơn xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình của Gia Định (vào thời điểm này, xã Phú Nhuận đã có lối 50 ngàn dân). Dù chỉ cách Thủ đô Sàigòn của VNCH khoảng 110 cây số, nhưng là một tỉnh miền núi, khó phòng thủ, khó ngăn chận những đường địch xâm nhập. Dân cư thưa thớt. Tỉnh địa đầu của Vùng 3 này giáp ranh với Vùng 2 của Cao Nguyên Trung phần. Các con đường bộ dẫn tới Phước Long, từ lâu đã bị các đơn vị cộng quân đóng chốt đắp mô. Việc ra vào Phước Long chỉ còn trông nhờ vào đường hàng không. Phước Long như một ốc đảo nằm giữa biển giặc và biển rừng mênh mông.

CSBV đã chọn mục tiêu dễ, để có thể nhanh chóng thanh toán, hầu đạt được tiếng vang quốc tế.

Đánh Phước Long, CSBV muốn trắc nghiệm phản ứng của Mỹ. Thật ra chúng đã có câu trả lời, như Phạm Văn Đồng nói: “…cho kẹo Mỹ cũng không vào”. Nhưng điều quan trọng hơn hết là đo lường khả năng của QLVNCH. Có dư luận cho rằng Tổng thống Thiệu để cho mất Phước Long là tháu cáy Mỹ. Theo ngôn từ CSBV thì “Thiệu làm mình làm mẩy” với Mỹ. Nhưng có lẽ ta phải đồng ý với lời giải thích của Tổng thống: “ Phải cần tối thiểu hai trung đoàn cho cuộc hành quân nầy và các đơn vị nầy phải được không vận. Với lực lượng địch hiện diện trong vùng, chúng ta chắc chắn phải đối đầu với phản ứng mạnh của địch quân và thiệt hại do đó sẽ nặng nề. Một khi đã chiếm lại được tỉnh nầy, phải cần đến nhiều lực lượng để bảo vệ. Điều này không những làm mất đi di động tính của một số đơn vị mà đồng thời còn tạo ra khó khăn cho vấn đề tiếp liệu. Do đó tốt nhất nên tiết kiệm quân để tăng cường các nơi khác có giá trị hơn về chiến lược”.


B/- BAN MÊ THUỘT: TRẬN ĐÁNH MỞ MÀN

Sau khi đánh chiếm Phước Long một cách dễ dàng, chúng đã có đáp số. Bộ Chính trị CSBV liền quyết định dứt khoát về kế hoạch thôn tính Miền Nam trong hai năm 1975-1976. Trần Văn Trà đề nghị đánh Ban Mê Thuột, với lý do: “…tấn công Ban Mê Thuột chắc chắn phải là một ngạc nhiên cho ngụy và cũng là nơi chúng không phòng bị…Nếu hậu cần bị mất, địch quân ở tuyến trước sẽ rối loạn và mất tinh thần”.

Nhận định “tấn công BMT là một ngạc nhiên cho ngụy” của Trà cũng giống phán đoán của Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn II Phạm văn Phú. Ông chỉ chú trọng phòng thủ Kontum và Pleiku. Ông không hề nghĩ rằng CSBV sẽ đánh BMT trước. Nhưng Đại tướng Cao Văn Viên và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không nghĩ như vậy. Hai vị chỉ huy cao cấp này không hề bất ngờ. Ông đã báo cho Tướng Phú biết việc Sư đoàn 320/CSBV đang tiến về phía Nam để tấn công Ban Mê Thuột, và chỉ thị Tướng Phú điều động Sư đoàn 23BB trở lại Ban Mê Thuột, đồng thời tăng cường 1 Chi đoàn chiến xa M.48.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, từ lúc 2 giờ sáng, CSBV sử dựng 3 Sư đoàn 316, F10, và 320 tấn công Ban Mê Thuột. Trong vài ngày, Ban Mê Thuột đã thất thủ.

Khi BMT bị đánh, BTL/QĐII của Thiếu tướng Phạm Văn Phú quyết định tái chiếm. Ngày 11.3.75, hai Tiểu đoàn 72 và 96/BĐQ thuộc Liên đoàn 21/BĐQ được trực thăng vận từ Kontum xuống Chi khu Buôn Hô. Nhưng do những sai lầm của Tướng Tư lệnh Sư đoàn 23BB, và do không quân đánh bom lạc vào TTHQ/BTL mặt trận, việc giải cứu gặp nhiều trở ngại. Những ngày kế tiếp, các cuộc hành quân cứu viện của Sư đoàn 23BB cũng không khá hơn. Cuộc chiến tiếp diễn đến ngày 15.3 thì Tổng thống Thiệu ra lệnh di tản. Kế hoạch hành quân tái chiếm BMT đã thất bại.
C/- QĐII: CUỘC TRIỆT THOÁI THẤT BẠI DẪN ĐẾN SỰ SUY SỤP

Mất Ban Mê Thuột, ngày 14 tháng 3, Tổng thống triệu tập một buổi họp tại Cam Ranh. Thành phần tham dự, ngoài Tổng thống, có Đại tướng Cao Văn Viên, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Trung tướng Đặng Văn Quang, và Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Hội đồng tướng lãnh quyết định di tản toàn bộ chủ lực quân của Quân đoàn II về vùng Duyên Hải theo lộ trình Liên tỉnh lộ 7B. Được biết kế hoạch này chỉ liên quan đến quân chủ lực. Nhưng thật là sai lầm! Trong dân có quân. Làm sao có thể bảo toàn bí mật không để cho dân biết như một cuộc hành quân bình thường. Thế là sự hỗn loạn đã có ngay từ khi đoàn quân triệt thoái chưa bắt đầu.

Cuộc Di tản chiến thuật, Triệt thoái hay Lui binh của Quân đoàn II đã thi hành quá vội vàng, thiếu sự chuẩn bị. Các cấp chỉ huy trách nhiệm đã không nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình và địa vật. Con đường 7B đã bỏ hoang phế từ lâu, bị xuống cấp. Nhiều cầu cống hư nát. Tướng Tư lệnh Quân đoàn đã điều khiển cuộc Lui binh từ Nhatrang. BTTM/QLVNCH chỉ ngồi ở Saigòn giám sát. Mặc dầu đạt được yếu tố bất ngờ lúc đầu, nhưng di chuyển chậm do sông núi ngăn trở, do thân nhân và gia đình binh sĩ, cùng dân chúng lẫn lộn giữa đoàn quân. Dân chúng dễ bỏ chạy tán loạn mỗi khi gặp địch ra chận đường hoặc bắn quấy phá. Sự hỗn độn do dân chúng làm lây lan đến tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Khi Tướng CSBV Văn Tiến Dũng phát hiện, đã cho Trung đoàn 95B và Sư đoàn 320 của Thiếu tướng Kim Tuấn truy kích, đánh chận. Sự tan rã của đoàn quân di tản là không tránh khỏi. Theo ước tính của Bộ TTM/QLVNCH, ít nhất Quân đoàn II bị thiết hại 75% khả năng tác chiến.

Khoảng 60 ngàn quân chủ lực sau khi về đến Tuy Hòa, chỉ còn lại khoảng 20 ngàn. Năm Liên đoàn BĐQ với quân số khoảng 7 ngàn, chỉ còn lại 900 người. Lữ đoàn 2 Kỵ binh với hơn 100 thiết xa các loại, chỉ còn đúng 13 thiết vận xa M.113.

Trong tổng số 400 ngàn dân vùng cao nguyên chạy lánh nạn CS chỉ có khoảng 100 ngàn người đến được Tuy Hòa”.

(Nguyễn Đức Phương – Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập”.


D/- QĐI: CUỘC TRIỆT THOÁI THẤT BẠI DẪN ĐẾN MẤT NƯỚC

Quân khu I đã hoàn toàn rơi vào tay CS một cách dễ dàng chỉ trong khoảng 10 ngày (19 - 30.3.75). (Nguyễn Đức Phương – CTVNTT).

Cuộc triệt thoái thất bại của Quân đoàn II đã gây ảnh hưởng tai hại lên BTTM/QLVNCH và Tổng thống Thiệu. Các quyết định của vị Tư lệnh Tối cao Quân lực cho lệnh giữ Huế, bỏ Huế, rồi lại ra lệnh giữ Huế quá muộn màng, khiến vị Tư lệnh chiến trường không kịp thời thi hành, đã đưa đến sự suy sụp hoàn toàn các đơn vị hùng mạnh, gồm các Lữ đoàn của Sư đoàn TQLC, các Sư đoàn Bộ binh 1, 2, 3 và các Liên đoàn BĐQ.

Phước Long chỉ là khúc nhạc dạo đầu, Ban Mê Thuột mới là trận đánh mở màn chính cho giai đoạn chót của cuộc chiến tranh Quốc – Cộng.

Nếu chỉ tính từ trận Ban Mê Thuột, từ lúc 2 giờ sáng ngày 10 tháng Ba, quân CSBV chỉ mất 50 ngày đêm đã tiến đến Sàigòn, cắm lá cờ máu, đúng ra là nửa máu, nửa bùn xanh dơ bẩn với ngôi sao vàng đã lên màu ten trên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975.
III. TRẬN ĐÁNH MỞ ĐẦU: MẶT TRẬN ĐỊNH QUÁN

A/- TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

1/- Địch:


  • Trung đoàn 812/QK6.

  • Sư đoàn 7/QĐ4, gồm các Trung đoàn 141, 165, và 209.

  • Đơn vị xe tăng (đếm được 10 chiếc), đơn vị cao xạ phòng không 37ly (phát hiện 2 khẩu).

  • Tiểu đoàn pháo, gồm các loại 120ly, 122ly, 130ly và 122ly.


2/- Bạn:

  • Lực lượng Chi khu Định Quán.

  • Đại đội 377/ĐPQ.

  • Tiểu đoàn 2/43, Sư đoàn 18BB

Ngày 5 tháng Ba, tại Đồng Xoài, Đảng ủy Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 tổ chức cuộc họp mở rộng, có Lê Đức Anh, Tư lệnh phó Mặt trận, Bùi Cát Vũ, Tư lệnh phó Quân đoàn, tham dự để bàn thảo nhiệm vụ của Sư đoàn Một trong những nhiệm vụ trọng yếu là xử dụng lực lượng lớn tiến chiếm các vị trí của ta trên đường QL.20 từ Bắc Túc Trưng đến Phương Lâm. Quan trọng hơn hết là phải tiêu diệt Chi khu Định Quán. Định Quán là vị trí chiến lược quan trọng của Vùng 3 chiến thuật. Hơn nữa quân CSBV tấn công Định Quán, tiến đánh Lâm Đồng là để hổ trợ cho chiến dịch đánh Cao Nguyên Trung phần của chúng. Chiếm được Định Quán còn mở được hành lang giao liên chiến lược quan trọng cho Quân đoàn 4.

B/- DIỄN TIẾN

Trung đoàn 141/Sư 7 làm nổ lực chính, được sự hổ trợ của Trung đoàn 209 bằng cách đánh quấy rối ở hướng Nam cầu sông La Ngà. Trung đoàn 165 tiến chiếm Phân Chi khu Phương Lâm ở hướng Bắc.

Ngày 6 tháng Ba, 35 xe vận tải molotova vận chuyển Sư đoàn 7 từ Phước Long, đến điểm tập kết tại một vị trí gần sông Đồng Nai.

Trong lúc quân CSBV rộn ràng chuẩn bị chiến trường, Sư đoàn 18BB đưa Chiến đoàn 43 của Đại tá Lê Xuân Hiếu lên Túc Trưng. Tiểu đoàn 1/43 của Đại úy Đổ Trung Chu hành quân hoạt động vùng phía Nam cầu sông La Ngà. Tiểu đoàn 3/43 của Thiếu tá Nguyễn Văn Dư vẫn bảo vệ Chi khu Hoài Đức, bên kia sông La Ngà. Ngày 17 tháng Ba, Tiểu đoàn 2/43 của Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế từ Xuân Lộc, được vận chuyển lên bảo vệ Định Quán.

Định Quán nằm trên QL.20, đường đi Đàlạt. Tiểu đoàn ĐPQ/LK của Thiếu tá Làu Vĩnh Quay trấn giữ cầu sông La Ngà (Thiếu tá Quay, Khóa 10 Võ bị Đàlạt, cùng khóa với Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo). Phía Bắc Chi khu Định Quán là Phân Chi khu Phương Lâm, tiếp giáp với Madagui của quận Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, do lực lượng NQ bảo vệ.

Các đơn vị ĐPQ và NQ chiếm giữ những cao điểm chung quanh để bảo vệ thị trấn. TĐ2/43 đến Định Quán vào khoảng 5 giờ chiều. Đã quá trễ! Vị Tiểu đoàn trưởng chưa có dịp nghiên cứu địa thế, chưa kịp gặp gở các cấp chỉ huy diện địa, chưa nắm rõ tình hình thực sự của địch, thì 5 giờ sáng ngày hôm sau, trận đánh đã mở màn. Thời gian vừa đúng 12 tiếng. Đơn vị chưa kịp làm quen, chưa sẵn sàng!

Tiểu đoàn bố trí quân trên một ngọn đồi ở phía Tây – Bắc quận lỵ, gần căn cứ Pháo diện địa có 2 khẩu 105ly. Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn được Đại đội Chỉ huy và Công vụ của Trung úy Võ Kim Thạch, Đại đội 2 của Trung úy Võ Văn Mười bảo vệ. Tướng Tư lệnh cho kéo theo đơn vị 1 Trung đội Pháo 105ly, 1 Toán Công binh Chiến đấu. Các Đại đội 1 của Trung úy Nguyễn Văn Hào bố trí quân trong một khu rừng chồi phía Đông, Đại đội 3 của Trung úy Nguyễn Tri Hùng chiếm những ngọn đồi ở phía Tây, và Đại đội 4 của Trung úy Hà Văn Dương ở khu rừng hướng Bắc. Trung đội Biệt kích Tiểu đoàn tăng phái cho Chi khu, bảo vệ quận.

Vào lúc trời vừa tối, toán phục kích của Trung úy Dương nổ mìn claymore và súng tiểu liên M.16. Một tiểu đội giặc lọt vào tuyến phục kích, bị tiêu diệt gọn. Tất cả mặc quân phục và mang phù hiệu cấp bậc bộ đội Bắc Việt. Có tên mang ba sao! Có thể là Hạ sĩ nhất, hay Thượng úy. Lúc quá nữa đêm, Trung úy Hào báo cáo một toán VC trên 10 tên lọt vào tuyến tiền đồn của đại đội. Chúng bảo vệ một tên có vẻ là cấp chỉ huy đi giữa. Tất cả đều bị hạ sát. Tịch thu được một khẩu súng lần đầu tiên gặp. Bình thường giống như một khẩu colt 45, khi dương ra trở thành khẩu tiểu liên. Tịch thu được nhiều tài liệu, nhưng đã không có dịp để đọc, cũng chưa kịp thời gửi về Phòng 2/SĐ!

Các Trung đoàn của Sư 7/CSBV đã vào vùng. Tiểu đoàn 2 và 3/141 vào vị trí lúc 9 giờ 30. Theo Ký sự của Sư đoàn 7 (do nhà xuất bản QĐND, Hànội xuất bản năm 1986), Tiểu đoàn 1/141 gặp phục kích, phải đi vòng. Vậy toán giặc bị Đại đội 4 của Trung úy Dương phục kích là đơn vị thuộc Tiểu đoàn 1/141. Đại đội trưởng ĐĐ7/CSBV Phạm Xuân Thiện dẫn đơn vị đột nhập căn cứ Pháo và đồi 112. Từ sáng sớm, Tiểu đoàn không liên lạc được với căn cứ Pháo bạn. Không biết tình hình bên trong như thế nào. Tiểu đoàn 9/209/CSBV hoạt động phía Nam cũng chạm súng với Tiểu đoàn 1/43 của Đại úy Chu.

Đúng 4 giờ 30 phút sáng, pháo địch dồn dập bắn vào BCH/Chi khu, vào quận đường, vào thị trấn. Sau đợt bắn pháo kéo dài 1 tiếng đồng hồ, quân CSBV mở cuộc tấn công.

Quân trú phòng chống cự mãnh liệt. Trung đội Biệt kích/TĐ sát cánh cùng các chiến binh ĐPQ và NQ chiến đấu rất dũng cảm. Gánh cải lương lưu động vừa đến quận trình diễn đêm hôm qua, tá túc trong quận, cũng xông xáo chiến đấu như những chiến binh thực thụ. Không có súng, họ tiếp tế đạn, thức ăn, nước uống và tải thương. Họ nhanh chóng tìm cách xử dụng súng của những quân nhân bị thương vong để lại. Họ là dân, là nghệ sĩ, không hề biết qua súng đạn, nhưng trong giờ phút lâm nguy, họ cũng bắn súng, cũng ném lựu đạn, lo việc tải thương, đã góp công trong việc chống trả quân thù. Đúng như người xưa nói: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”

Trung đoàn phó 141/Sư đoàn 7/CSBV Bé Ích Quan bò đến Tiểu đoàn 2, đơn vị mũi nhọn tiến công vào quận. Thấy khó “nuốt”, vì địa thế có nhiều hóc đá. Hắn liền cho tăng cường thêm quân, thêm súng SKZ, súng trọng liên, và gấp rút tổ chức đội hình tấn công.

Tiểu đoàn 2/43 đến tăng cường Định Quán vào buổi chiều, trước giờ tấn công, là một bất ngờ đối với giặc. Thông thường chúng phải học tập, thực tập trên sa bàn, lên kế hoạch hành quân chi tiết.

Suốt buổi sáng, vị trí đóng quân của Tiểu đoàn chỉ bị bắn pháo. Giặc chỉ bao vây, không tấn công. Các Đại đội 1, 3, và 4 nằm tiền đồn bên ngoài cũng trong tình trạng như thế. Chỉ bị bắn pháo. Hai khẩu pháo 105ly kéo theo đã có dịp bắn yểm trợ đắc lực cho quân bạn. Vào lúc quá trưa, các cao điểm chung quanh thị trấn đã thấy xuất hiện lá cờ máu. Tiếp theo cột cờ trong quận cũng thấy ngọn cờ đỏ được kéo lên. Thiếu tá Quận trưởng bị bắt. Trung đội Biệt kích/TĐ biệt phái bảo vệ quận, một số bị thương vong, thành phần còn lại rút chạy về đến Tiểu đoàn. Lợi dụng lúc Tiểu đoàn chưa bị tấn công, Đại đội 3/2 của Trung úy Nguyễn Tri Hùng đang nằm tiền đồn bên ngoài, được lệnh phá vòng vây kéo về phối hợp Đại đội 2 của Trung úy Mười, và Đại đội Chỉ huy của Trung úy Thạch bảo vệ BCH/TĐ. Đại 4 của Trung úy Dương vẫn nằm tại chỗ ở hướng Bắc, và Đại đội 1 của Trung úy Hào ở hướng Đông quận.

Sau khi BCH Chi khu và các cao điểm chung quanh thị trấn thất thủ, Tiểu đoàn 2/43 là vị trí cuối cùng của Định Quán còn đứng vững, nhưng nằm cô đơn giữa biển giặc. Chiếm được quận, địch chuyển hướng tấn công Tiểu đoàn. Mũi tấn công mạnh nhất xuất phát từ hướng Đông – Nam. Đó là tuyến bố phòng của Đại đội Chỉ huy, nơi đặt hai khẩu pháo. Để trả lời các đợt tấn công biển người của quân CSBV, vị Trung đội trưởng pháo cho hạ thấp nòng, trực xạ vào đội hình tấn công của chúng. Những trái đạn chống biển người với hàng ngàn mũi tên bắn chính xác, cùng với tiểu liên M.16, đại liên M.60, và lựu đạn M.26 của bộ binh, đã đốn ngã quân giặc đông như kiến. Nhưng lớp này ngã xuống, lớp khác lại tiến lên. Cảnh tượng giống như khi ta dí ngón tay, giết đàn kiến di chuyển. Một số kiến chết, chúng tản ra, rồi tụ lại tiếp tục. Chúng như những con thiêu thân lao vào ánh đèn. Địch bị sát hại rất nhiều. Cứ sau một đợt tấn công thất bại, chúng tạm ngừng, lo tản thương, tái tổ chức đơn vị, lại mở đội hình tấn công đợt khác. Giặc cố dồn quân dứt điểm vị trí kháng cự cuối cùng này. Vị sĩ quan không yểm bay trên chiếc L-19 bao vùng rất tận tụy. Những phi tuần chiến đấu A-37, F-5E, AD-6 thay nhau dội bom lên đầu quân giặc. Thật cảm động khi Tiểu đoàn trưởng hỏi sao không có người thay thế mà từ lúc sáng tới giờ, vẫn là người bạn không quân ấy. Anh bảo những người khác cũng đang bận rộn, chỉ còn lại anh. Giặc sử dụng cả Trung đoàn 141 bao vây tấn công. Tên Trung đoàn phó Bé Ích Quan trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 2/141. Vị trí phòng thủ của Tiểu đoàn 2/43 chỉ có 2 Đại đội Tác chiến và Đại đội Chỉ huy. Cứ sau một đợt bắn pháo tàn bạo, là đợt tấn công biển người. Theo Thiếu úy Nù, Trung đội trưởng pháo tăng phái, hiện định cư tại Tiểu bang Massachusetts, khi kéo pháo theo TĐ2/43, Thiếu tá Nguyễn Tiến Hạnh, Tiểu đoàn trưởng TĐ181PB đã cho mang theo nhiều trái đạn pháo chống biển người. Chính nhờ loại đạn hiếm này được xử dụng tối đa, đã ngăn chận kịp thời những đợt tấn công của giặc.

Trời về chiều, giặc điều thêm quân. Trận chiến trở nên ác liệt. Quân bạn sắp hết đạn. Tình hình trở nên nguy khốn. Vị trí có thể bị tràn ngập bất cứ lúc nào. Vị Trung đội trưởng pháo được mời đến:

Anh còn bao nhiêu trái đạn chống biển người?

Hai trái, thưa Thiếu tá.

Vậy chỉ xử dụng khi thấy địch quá đông. Nhớ phải bắn chính xác vào đội hình tấn công của chúng.

Nhận hiểu, Thiếu tá”.

Trong lúc đó máy bay vẫn thay nhau đánh bom. Tiểu đoàn trưởng xin đánh bom gần. Có lúc đã xin đánh ngay trên đầu. Người bạn không quân bay trên cao an ủi:

Thẩm quyền đừng tuyệt vọng. Tôi sẽ cố điều chỉnh chính xác vào đầu giặc”.

Thật sự vị Tiểu đoàn trưởng cũng hơi tuyệt vọng. Nhưng trách nhiệm quá nặng nề. Là một chiến binh của QLVNCH oai hùng, anh nhất định không để đơn vị lọt vào tay giặc. Cả một Trung đoàn quân CSBV đang bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn anh. Nếu không thoát được, nếu phải chết thì phải chết sao cho xứng đáng!

Những loạt bom đánh gần rơi trúng ngay đội hình tấn công của địch. Giặc chết vô số. Tiếng rên la dậy trời. Chúng đang cầu xin và than khóc: “Bác ơi! Đảng ơi! Con chết mất!” Tuyệt nhiên không hề nghe thấy tiếng “Trời ơi!” hay “Bố Mẹ ơi!”. Những tên lính “Sinh Bắc Tử Nam” này là đội quân tiên phong của Quốc tế Cộng sản. Chúng chiến đấu không phải cho gia đình, cho Tổ quốc Việt Nam, mà cho Bác Hồ và Đảng Cộng sản của chúng. Chúng bị tuyên truyền, bị nhồi sọ, bị tẩy não để thực hiện giấc mơ thế giới đại đồng của Hồ Chí Minh. Lão Hồ khi đến thăm khu lăng mộ của Đức Trần Hưng Đạo, đã hợm hĩnh đề thơ:

Bác đưa một nước qua nô lệ,

Tôi dắt năm châu đến đại đồng”.

Ta đừng lấy làm lạ khi Phạm Văn Đồng theo lệnh Hồ Chí Minh, thi hành chỉ thị của đảng CSVN, ký văn kiện dâng quần đảo Hoàng Sa cho Trung cộng.

Trong chiến trận, người chiến binh phải chấp nhận thương đau, chấp nhận nổi bất hạnh. Và phút bất hạnh đã đến với đơn vị khi hai trái bom cuối cùng rơi ngay tuyến phòng thủ. Ta với giặc cùng chết. Quân bạn chịu một số tổn thất. Đội hình tấn công của giặc áp sát quân bạn, bị hai trái bom tiêu diệt, tan rã. Lợi dụng lúc giặc bối rối, số sống sót tản mát vào các cụm rừng, Tiểu đoàn trưởng gọi máy gặp trực tiếp Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo, xin lệnh đưa đơn vị ra khỏi vòng vây. Phối hợp cùng hai đại đội bên ngoài, đơn vị phá vòng vây giặc, di chuyển đến bố trí quân trên một cụm đồi ở hướng Tây.

Suốt ngày chống trả đơn độc. Không có pháo yểm trợ. Tiểu đoàn chỉ trông chờ vào không quân. Mệt mỏi rã rời, đạn dược cạn, con số thương vong mỗi lúc lên cao. Đơn vị đã mất khả năng chiến đấu nhạy bén. Tại cụm đồi này, Tiểu đoàn trưởng dự định nghỉ ngơi lấy lại sức, sau đó vào lúc nửa khuya sẽ di chuyển về cầu sông La Ngà, sẽ mang theo với gần 100 thương vong.

Bản tin buổi chiều đài BBC hôm đó loan tin quận Định Quán thất thủ. Nhưng sau đó, phát ngôn viên chính phủ, Trung tá Lê Trung Hiền họp báo cải chính: “Quận Định Quán chưa mất, hiện quân chính phủ đang tổ chức phản công địch…”

Tin của đài BBC và lời đính chính của phát ngôn viên chính phủ đều đúng. Khi Tiểu đoàn 2/43 vào vùng chiều ngày 17 tháng Ba, để thống nhất chỉ huy, Tướng Đảo chỉ thị đặt tất cả lực lượng quân sự tại Định Quán dưới quyền chỉ huy của TĐT/TĐ2/43. Do đó khi Trung tá Hiền nói Định Quán chưa mất thì cũng đúng, vì TĐ2/43 vẫn còn nằm tại Định Quán.

Trong lúc đó địch vẫn bám sát, nhưng chưa có hành động nào. Trung đoàn 141 phối hợp cùng Trung đoàn 165, được tăng cường thêm 4 xe tăng. Trong đêm, chúng điều quân bao vây, vòng vây mỗi lúc một khép kín, xiết chặt dần dần.

Đêm đó bầu trời đầy sao, có vầng trăng khuyết. Ánh sáng yếu ớt tỏa xuống trần gian, một thứ ánh sáng nhợt nhạt, lạnh lẽo! Từ trên đồi cao, ta có thể thấy rõ ràng địch đang điều quân ở bên dưới. Trông chúng như những con ma đi ăn đêm. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng giả chim, giả thú rừng. Nhưng pháo từ Chiến đoàn bắn không tới. Ban đêm máy bay không hoạt động được. Chỉ còn một phương tiện hỏa lực yểm trợ duy nhất là 2 cây đại pháo 175ly ở Xuân Lộc. Nhưng cứ mỗi 5 phút hay lâu hơn mới bắn được một trái, mà độ sai số thì quá lớn, do đó không thể bắn yểm trợ gần quân bạn được.

Lối 9 giờ đêm, Tướng Tư lệnh gọi nói chuyện với Tiểu đoàn trưởng. Ông cho biết vì lời cải chính của phát ngôn viên chính phủ, Tướng Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Văn Toàn quyết định TĐ2/43 phải ở lại Định Quán. Sẽ có quân cứu viện vào ngày mai để mở cuộc hành quân tái chiếm thị trấn Định Quán. Nhưng ngày mai đó đã không bao giờ đến! Lối 5 giờ sáng, với chiến thuật cố hữu “Tiền pháo Hậu xung”, quân địch có chiến xa dẫn đầu, đông gấp bội lần, đã đè bẹp vị trí bố phòng tạm bợ của TĐ2/43 với vũ khí đã cạn hết đạn dược. Giặc xông lên, tràn ngập ngọn đồi. Lúc đó TĐT, và vị sĩ quan tiền sát pháo binh đang cố điều chỉnh bắn pháo. Đột nhiên người lính cận vệ la lớn: “Bảo Định! Bảo Định! (danh hiệu truyền tin của TĐT)” Vị TĐT ngước nhìn lên. Một toán bộ đội cộng sản với súng AK đã gắm lưởi lê đang tiến lại gần, khoảng cách rất ngắn. Tiểu đoàn trưởng chỉ kịp hét lên: “Lăn xuống núi!” Và những người lính còn lại chỉ kịp lăn xuống triền dốc, lẫn sâu vào rừng cây. Sau đó tìm cách di chuyển về cầu sông La Ngà.

Buổi chiều ngày 19 tháng Ba, đơn vị về đến cầu sông La Ngà, được trực thăng tiếp tế lương thực và đạn dược. Trực thăng bốc đi những thương binh. Linh mục cai quản họ đạo sở tại đến thăm. Cha tự giới thiệu là cựu Trung úy Quân đội Quốc gia, từng tham dự trận Điện Biên Phủ, cha tâm sự:

Chiều hôm kia thấy tiểu đoàn con di chuyển lên Định Quán là cha thấy không xong rồi. Lối một tuần lễ trước đây, cha bị họ đưa vào rừng cho coi một cuộc biểu dương lực lượng. Cha thấy chúng có nhiều quân, nhiều đại pháo, và lối 10 chiếc xe tăng”.

Tin tức của cha phù hợp với báo cáo của Trung úy Hào, ĐĐT/ĐĐ1/2 bố trí quân ở hướng Đông quận lỵ. Buổi sáng khi Cộng quân mở cuộc tấn công Chi khu, trước tuyến bố phòng của đại đội, xuất hiện 10 chiếc xe tăng. Những chiếc xe này chỉ nổ máy, chạy qua chạy lại, mà không tiến vào thị trấn. Hình như chỉ để thị uy, hay chúng sợ không dám vượt qua tuyến bố phóng của quân bạn. Tin này được gửi ngay về Sư đoàn. Khi Tướng Tư lệnh Quân đoàn III Nguyễn Văn Toàn về thăm BTL/SĐ18BB tại Xuân Lộc, Trung tá Thịnh, Trưởng Phòng 2/SĐ thuyết trình cho biết có 10 chiếc xe tăng địch xuất hiện tại mặt trận Định Quán. Tướng Toàn không tin. Ông nói: “Chúng đi đường mô mà đến đó”. TĐT/TĐ 2/43 được gọi đến trình diện. Tướng Toàn đã không có lời bình luận nào khi vị TĐT trình bày những điều mắt thấy tai nghe. Sau này khi đi tù, đọc báo “Quân đội Nhân dân”, tình cờ đọc bài viết về cách vượt sông của những đoàn xe cơ giới và thiết giáp. Có thể là tác giả cường điệu. Chúng chọn những khúc sông cạn, dùng những bó chà, tre nứa và cây rừng cột lại làm cầu phao. Trần Văn Trà viết hồi ký cho biết được Liên Xô cung cấp mấy bộ cầu ghép. Phó phòng Công binh Miền Bùi Hữu Trừ, tức Sáu Nhản báo cáo:

Tất cả xe pháo đều được đưa qua sông trên phà ứng dụng: giữa là khoang thuyền hiện đại, hai bên là vật nổi tự tạo…”

Buổi tối hôm đó, Tiểu đoàn đóng quân ngay dưới gầm cầu La Ngà, gần căn cứ Tiểu đoàn/ĐPQ. Thiếu tá Quay rất ưu ái TĐT/TĐ2/43. Vì chỉ vài năm trước, họ đã gặp nhau tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Thiếu tá Quay là Đại đội trưởng Khoá sinh, vị TĐT bây giờ, lúc đó là khóa sinh ĐĐT. Tình thầy trò, tình chiến hữu dễ thân nhau. Nhưng rất tiếc, họ đã không có dịp cùng nhau chống trả quân địch, khi đơn vị ĐPQ này bị đại bại vài ngày sau đó. Thiếu tá Quay đã bị bắt.


Lúc trời gần sáng, TĐ2/43 được lệnh di chuyển về Túc Trưng. Ngày hôm sau, được quân xa đưa về Xuân Lộc. Tiểu đoàn nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ ở Núi Thị.

Trong thời gian gần 20 ngày, trước khi tham gia trận chiến cuối cùng, đơn vị được bổ sung quân số. Tiểu đoàn đã đạt được con số trên 600, tương đối khá đầy đủ. Dù tình trạng khẩn trương, giặc đang gần kề, nhưng đơn vị có một số lớn là tân binh, kể cả sĩ quan từ các khóa chót của Trường Võ Bị Quốc Gia ĐàLạt, nên cần được huấn luyện bổ túc tại chỗ. Việc sinh hoạt chính huấn để hun đúc tinh thần cũng không thể bỏ sót. Dù bận rộn, Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo cũng đã đến đơn vị tâm tình với quân sĩ hai lần.


IV. TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH: MẶT TRẬN XUÂN LỘC
A/- CHUẨN BỊ CHIẾN TRƯỜNG

Thị xã Xuân Lộc như một ấp chiến lược, chiều dài vài cây số, chạy dọc theo QL.1, theo hướng Bắc - Nam; chiều ngang khoảng 1 cây số, theo hướng Đông - Tây. Hầu hết khu vực dân cư, phố xá, các cơ sở hành chánh, trường học và căn cứ quân sự đều nằm hướng Đông. Phía Tây QL.1 là rừng cao su, trải dài đến Núi Thị, xa hơn là đèo Mẹ Bồng Con. Khu vực giữa thị xã và Núi Thị không thể là con đường xâm nhập của Cộng quân, nên được giao cho lực lượng diện địa phòng thủ. Vòng cung hướng Đông tiếp giáp với rừng, do lực lượng cơ hữu Sư đoàn đảm nhận. Hai đầu thị xã, Tướng Tư lệnh cho đắp những ụ chống chiến xa. Hàng rào bao quanh thị xã được tăng cường thêm những vòng rào kẽm gai concertina. Một loại kẽm gai vòng ngăn chận xe thiết giáp rất hữu hiệu. Mìn chống chiến xa được cấp phát tối đa, được gài đặt bất cứ nơi nào xe tăng giặc có thể mò đến.

Trong kho đạn của Sư đoàn, có nhiều loại hỏa tiễn chống chiến xa của trực thăng, loại nòng cở 2.75. Đây là loại hỏa tiễn quân CSBV đã xử dụng trong trận chiến An Lộc hồi mùa hè năm 1972. Chúng lấy được từ những kho vũ khí của Quân đội Hoa Kỳ để lại tại Phi trường Quảng Lợi. Ống phóng chỉ là ống nứa chẻ làm đôi với cục pin là đủ. Tầm xa độ vài trăm mét. Đạn đạo không chính xác, nhưng cũng gây thiệt hại đáng kể khi trúng mục tiêu. Tướng Đảo cho mở kho, cung cấp loại đạn này cho quân sĩ, và huấn luyện họ cách xử dụng. Đại đội Trinh sát 18 của Đại úy Phạm Hữu Đa là đơn vị sở đắc thứ này nhiều nhất. Đơn vị này có nhiệm vụ bảo vệ BTL/TP và TTHQ/SĐ, bố phòng tại cửa ngõ QL.1, từ Cua Heo đi vào thị xã, và các cao ốc bên trong Xuân Lộc.

Để đề phòng tình huống xấu, Sư đoàn cho thiết lập nhiều căn cứ hỏa lực. Quan trọng hơn hết là căn cứ hỏa lực Núi Thị. Do địa thế núi cao, tầm quan sát rộng, những khẩu pháo đặt tại đây có thể khống chế khu vực ngã ba Dầu Giây và thị xã Xuân Lộc nằm bên dưới. Ngoài Trung tâm Hành quân tại BTL/SĐ cũ ở hậu cứ, 3 Trung Tâm khác được thiết lập tại Tư dinh Tướng tư lệnh, ở ngã ba Tân Phong ( số 2, gần quận đường Xuân Lộc), và Núi Thị (số 3, căn cứ Tiểu đoàn 2/43). Mỗi vị trí đều được thiết kế đầy đủ thiết bị cho một Trung tâm Hành quân cấp Sư đoàn.

Tiểu đoàn 18 Quân Y và Bệnh xá Sư đoàn di chuyển về căn cứ Long Bình. Thân nhân và gia đình binh sĩ được khuyến khích về Biên Hòa.

“Văn ôn, võ luyện” là điều các đơn vị trưởng luôn bận tâm. Dù chiến trận đang gần kề, quân CSBV đã chiếm hết Vùng 1 và Cao Nguyên Trung phần, bộ đội của chúng đã vào đến Nhatrang, nhưng việc huấn luyện binh sĩ vẫn không hề xao lảng. Các đơn vị vẫn thường xuyên được huấn luyện tại chỗ và sinh hoạt chính huấn. Trong giai đoạn hiện tại, quân CSBV đã thường xuyên xữ dụng xe tăng và xe bọc thép phối hợp cùng bộ binh tấn công ta. Do đó binh sĩ phải được huấn luyện kỹ thuật chống chiến xa, cách sử dụng súng M.72 và XM.202 sao cho chính xác. Đây là 2 loại hỏa tiễn chống tăng rất hữu hiệu. Các đơn vị lại được cấp phát thêm loại đạn M.79 chống chiến xa. Với khẩu súng nhẹ nhàng, lối 3 kg, có tầm bắn xa hơn 300 mét, là vũ khí chống chiến xa tiện lợi.

BTL/Quân đoàn III cho tăng phái đến mặt trận Xuân Lộc 2 khẩu đại bác tự hành 175ly đặt trên bánh xe xích với tầm tác xạ trên 30 cây số.
B/- TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

1/- Địch:

Quân đoàn 4/CSBV do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy.

Hoàng Cầm tên thật Đỗ Văn Cẩm, sinh năm 1920, con nhà nghèo, mù chữ, chỉ biết đọc biết viết sau khi đã vào bộ đội Việt Minh, tham gia lớp học bình dân học vụ. Năm 21 tuổi đi lính khố xanh, rồi đào ngũ, sau đó tham gia Việt Minh. Cuộc đời binh nghiệp của Hoàng Cầm leo lên từ cấp Tiểu đội trưởng (1946) đến cấp Thượng tướng (1987). Trong trận Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (còn có tên Trung đoàn Sông Lô) thuộc Đại đoàn 312, Cầm chỉ huy đơn vị đánh chiếm Trung tâm Chỉ huy của Tướng Pháp de Castries. Tháng 7 năm 1974, Quân đoàn 4 thành lập (còn gọi Binh đoàn Cửu Long), Hoàng Cầm được cử làm Tư lệnh Quân đoàn tân lập này.

Người xưa có nói: “Nhân bất học, bất tri lý”. Học vấn là chìa khóa của tri thức. “Nhỏ không học, lớn làm Tướng” là một đại họa cho một đạo quân. Với khoảng 40 ngàn quân trong tay, tiến đánh một đối thủ chỉ có vỏn vẹn 5 ngàn quân, Thiếu tướng Hoàng Cầm đã không làm nên cơm cháo gì, lại bị thảm bại. Hắn đã nướng ít nhất 10 ngàn quân dưới quyền. Nhưng Hoàng Cầm vẫn được thăng cấp, thăng chức! Thật ra cái gọi là “Quân đội Nhân dân” của CSBV không thể làm khác. Nếu cách chức, lột lon Hoàng Cầm thì hóa ra công nhận thất bại hay sao. Chúng phải nuôi ảo tưởng chiến thắng để đánh lừa nhân dân và quân đội. Hằng năm chúng vẫn trơ trẽn làm Lễ Chiến Thắng Xuân Lộc!

Một Quân đội văn minh và tiên tiến như QLVNCH thì ngược lại: Có công thì thưởng, có tội phải phạt. Đó là trường hợp của Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, cựu Tư lệnh Sư đoàn 3BB bị lột lon, bị cách chức khi để mất tỉnh Quảng Trị hồi mùa hè đỏ lửa năm 1972. Mặc dù lúc đó Sư đoàn 3BB do ông chỉ huy không thể đối đầu với đại quân của CSBV ngang nhiên vượt sông Bến Hải. Nhưng vì là Tướng chỉ huy, ông phải chịu trách nhiệm về sự bại trận của đơn vị mình.
Khi tham gia trận đánh Xuân Lộc, QĐ4 có các đơn vị cơ hữu và thống thuộc như sau:


  • Sư đoàn 6 do Đặng Ngọc Sĩ (Phó Tư lệnh Quân khu) chỉ huy, có các Trung đoàn 33, 274, 812.

  • Sư đoàn 7 do Lê Nam Phong (tên này tính nóng như lửa, ăn nói cộc cằn và thô lỗ) chỉ huy, có các Trung đoàn 141, 165, 209.

  • Sư đoàn 341, khi sát nhập vào QĐ4, được cải danh là Sư đoàn 1, do Trần Văn Trấn (tên này bị quân ta bắt làm tù binh, được trao trả hồi Hiệp định ngừng bắn Paris) chỉ huy, có các Trung đoàn 266, 270, 273.

  • Trung đoàn 26 xe tăng, có các Tiểu đoàn 21, 22 và 1 Tiểu đoàn vừa từ Miền Bắc vào. Vào những ngày cuối, QĐ4 còn được tăng viện thêm 1 ĐĐ xe tăng.

Các đơn vị tăng cường:

  • Trung đoàn 95B (vào vùng trước ngày 15.4.75).

  • Sư đoàn 325, có các Trung đoàn 18, 95, 101 (vào vùng ngày 15. 4.75).

  • Liên đoàn 75 Pháo binh.

  • Quân đoàn 2 của Nguyễn Hữu An, có thêm Sư đoàn 3 của Quân khu 5 do Lê Trọng Tấn thống lĩnh (xuất hiện ở Rừng Lá ngày 21.4.75).


2/- Bạn:

Sư đoàn 18BB do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo làm Tư lệnh.

Chuẩn tướng Lê Minh Đảo sinh năm 1933 tại Gia Định, tốt nghiệp Khoá 10 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ Sĩ quan Cán bộ Trường VBQGVN, Sĩ quan Tùy viên Tướng Lê Văn Kim, Tiểu đoàn trưởng TĐ1/31/SĐ21BB, Trung đoàn phó TrĐ31/SĐ21BB, Giám đốc TTHQ Quân đoàn IV & Quân khu 4, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng các Tiểu khu Long An, Chương Thiện và Định Tường. Từ Tháng 3/1972 đến tháng 4/1975: Tư lệnh Sư đoàn 18BB. Vinh thăng Chuẩn tướng ngày 1.11.1972, Thiếu tướng ngày 25.4.1975.

Theo sự đánh giá của của Bộ TTM/QLVNCH và Đồng Minh, Sư đoàn 18BB là một trong vài sư đoàn kém hiệu năng. Nhưng đơn vị này đã nhận được luồng gió mới kể từ khi Đại tá Lê Minh Đảo về giữ chức Tư lệnh. Ông đã dẫn dắt sư đoàn từ yếu kém trở thành sư đoàn thiện chiến nhất của QLVNCH trong giai đoạn cuối: “…the 18th Division proved in the end to be the best division in the Republic of Vietnam Armed Forces” (Historical Atlas Of The Vietnam War). Mãi đến năm 1972, Quân kỳ Sư đoàn chỉ được tưởng thưởng 1 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, nhưng đến năm 1975, QK/SĐ đã được tưởng thưởng thêm 3 ADBT với Nhành DL, và được vinh dự mang Giây Biểu Chương màu Quân Công Bội tinh (màu xanh). Ông là một trong số các vị Tướng lên cấp không dựa vào chính trị. Ông cũng là 1 trong 4 vị Tướng được CSBV thả ra cuối cùng sau 17 năm tù cải tạo. Một người bạn Mỹ của ông, Richard Childress, Giám đốc Á châu Sự vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Reagan, đặc trách về Tù binh, thường có dịp làm việc với Nguyễn Cơ Thạch, Ngoại trưởng của Hànội, đã yêu cầu Thạch phóng thích người bạn. Thạch hỏi ai, Childress nói Lê Minh Đảo. Thạch nhăn nhó và lầu bầu: “Đó là một gả cứng đầu” (That’s a tough one). Theo George J. Veith & Merle L. Pribenow II – Fighting Is An Art.



Thiếu tướng Lê Minh Đảo đến định cư Hoa kỳ tháng 4 năm 1993.

Tại Xuân Lộc, lực lượng tham chiến gồm có:

  • Trung đoàn 43 do Đại tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy.

  • Trung đoàn 48 do Trung tá Trần Minh Công chỉ huy.

  • Trung đoàn 52 do Đại tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy.

  • Đại đội 18 Trinh sát do Đại úy Phạm Hữu Đa chỉ huy.

  • Biệt đội Kỹ thuật/Phòng 7/BTTM do Đại úy Phát chỉ huy.

  • Thiết đoàn 5 Kỵ binh do Trung tá Trần Văn Nô chỉ huy.

  • Pháo binh Sư đoàn: Tiểu đoàn 180 (155ly), và các TĐ/Pháo 105ly: 181, 182, 183.

  • 2 khẩu đại bác tự hành 175ly của PB/QĐIII tăng phái.

  • Tiểu đoàn 82/BĐQ do Thiếu tá Vương Mộng Long chỉ huy.

  • Lữ đoàn 1 Nhảy Dù do Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh chỉ huy.

  • Các đơn vị ĐPQ và NQ/LK tại Xuân Lộc của Đại tá Phạm Văn Phúc.


C/- PHỐI TRÍ LỰC LƯỢNG


tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương