1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.


- Nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh



tải về 1.72 Mb.
trang14/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   31

13 - Nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh.

Dương Anh Sơn


Về nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh, đây là đề tài đã được rất nhiều người tranh biện từ khi Phạm Quỳnh khởi xướng phong trào đề cao Truyện Kiều. Mãi đến ngày nay, cuộc bàn cãi có vẻ đi đến hồi chấm dứt sau nhiều bài biên khảo có giá trị của nhiều học giả danh tiếng xác định về nguồn gốc Truyện Kiều. Trong phạm vi tiểu luận, việc đề cập là một điều cần thiết để từ đó chúng ta dễ dàng tìm hiểu rõ thêm về Nguyễn Du, cũng như những vấn đề mà tiểu luận hướng đến.

TIẾT 1: CÁC TÀI LIỆU KHẢO CỨU VỀ NGUỒN GỐC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH


Từ trước tới nay đã có rất nhiều tài liệu biên khảo, khảo cứu về nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh được xem là có giá trị mà chúng ta có thể đề cập sau đây:
1. Bài của Thượng Chi Phạm Quỳnh, có nhan đề “Truyện Kiều” đăng trong Nam Phong Tạp Chí sau được in lại trong Thượng Chi Văn Tập xuất bản ở Hà Nội năm 1943 và tái bản tại Sài Gòn vào năm 1962. Đại để trong bài này, Phạm Quỳnh đã đưa ra giả thuyết cho rằng Truyện Kiều có lẽ mượn từ nội dung truyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài tự là Đạm Tân. Đây là một tập truyện ngắn trong tuyển tập của nhiều tác giả có tên chung là “Ngu Sơ Tân Chí”. Trước đó, Phạm Quỳnh cũng đề cập đến một giả thuyết khác, ông viết: “Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà Cụ phỏng theo để đặt ra Truyện Kiều đề là Thanh Tâm Tài Nhân Lục không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện và lời văn cũng tầm thường ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh cao lưu loát, không đặc sắc gì nhưng bộ tiểu thuyết ấy cũng không phải là truyện đặt ra cả, có lẽ căn cứ ở sự thực mà cấu kết ra”. [1]

2. Bài của ông Đào Duy Anh đăng trong khảo luận về Kim Vân Kiều chương thứ hai (từ trang 36 - 43) cũng đã nhận rằng nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh có lẽ được dẫn ý từ cuốn “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân. Ông cũng đưa thêm ý kiến: “Quyển tiểu thuyết ấy không có tên thiệt của tác giả, chỉ có biệt hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân ở đầu mỗi hồi, lại có thêm mấy chữ Thánh Thán Ngoại Thư, để tỏ rằng sách ấy do Thánh Thán phê bình. Song trong Trung Quốc Văn Học Sử dẫn trên trang bìa thấy những sách Tây Sương Ký và Thủy Hử Truyện có chép do Thánh Thán phê bình, mà sách Kim Vân Kiều Truyện thì thấy có chép vào hạng tiểu thuyết tầm thường không có quan hệ gì tới Thánh Thán cả. Cũng như ở sách Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đó chỉ là ngụy thác Thánh Thán đề tăng giá trị cho sách mà thôi” (SĐD, trang 39). Dĩ nhiên, ông cũng đã chứng minh rõ về sự kiện vừa nêu này trong phần phụ chú của ông.

3. Bài của ông Trần Trọng Kim viết vào năm 1925 lại gián tiếp công nhận nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh lấy từ tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. nghĩa là “Kim Vân Kiều Truyện”. Ông đã đưa ra lời nhận xét trong lời tựa “Truyện Thúy Kiều không phải là một truyện tự tiên sinh tưởng tượng mà đặt ra, tiên sinh thấy có một tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, văn chương thật là tầm thường ... Nhân bộ tiểu thuyết tầm thường ấy mà làm một tập văn chương kiệt tác là bởi Tố Như tiên sinh có cái cảm tình riêng, và cái thiên tài đem tiếng nước nhà mà thêu dệt nên được những lời cẩm tú”…[2] Ngoài ra, trong phần chú thích chữ “Phong Tình Cổ Lục” của hai ông Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ lại mở đường cho một giả thuyết cho rằng có thể Truyện Kiều được rút ra từ bộ truyện cùng tên. Nhưng điều này không có gì chắc chắn cả và các học giả hầu như ít chú ý tới giả thuyết này.

4. Bài của Giáo sư Dương Quảng Hàm viết vào khoảng năm 1941 trong tạp chí Tri Tân số 4 có nhan đề “Nguồn gốc quyển Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du” và sau được in lại trong “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của tác giả. Dầu vậy, lập luận của Giáo sư Dương Quảng Hàm cả hai nơi đều công nhận là nguồn gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Tàu nhan đề là “Kim Vân Kiều Truyện: do một tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân soạn ra về cuối thế kỷ thứ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII và do một nhà phê bình là Kim Thánh Thán bút nhuận”. [3]


Trên đây là bốn nguồn tài liệu tiên khởi trong việc truy nguyên nguồn gốc Truyện Kiều có thể tin cậy được. Và hầu hết những bài biên khảo này cho thấy đa số các tác giả đều công nhận nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh được lấy từ câu chuyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Về sau, lại có một số các giáo sư và học giả danh tiếng uyên thâm Hán học đã làm công việc tái xác định nguồn gốc Truyện Kiều lần nữa. Một cách tổng lược, chúng ta có thể kể đến các bài biên khảo sau đây:
a. Bài của hai ông Lý Văn Hùng và Bùi Hữu Sủng có nhan đề là “Thanh Tâm Tài Nhân là ai?” đăng trong Bách Khoa số 209 (15/9/1965, trang 47 đến 55). Trong loạt bài này, hai vị này đều đưa ra những dữ kiện về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và cuốn truyện này xem như là căn bản Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.
b. Bài của Giáo sư Giản Chi Nguyễn Hữu Văn với nhan đề là “Nguồn gốc Truyện Kiều đăng trong tạp chí Văn số 43 (l/l0/1965. trang 9 - 27). Ông Giản Chi đã làm công việc tìm hiểu và xác định danh tính của Thanh Tâm Tài Nhân. Theo đó, Thanh Tâm Tài Nhân chính là Từ Vị, khách của Hồ Tôn Hiến đã căn cứ vào sự thực mà viết ra truyện Kim Vân Kiều với dụng ý là để ca tụng tài năng của Hồ Tôn Hiến mà thôi. Về sau, nhân cảm thân thế nàng Kiều, Từ Vị mới nối thêm đoạn tái hợp với Kim Trọng mà trước đó Từ chỉ viết đến hồi Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là hết. Trong phần kết luận, G.S Giản Chi đã viết như sau: “Vậy Kim Vân Kiều Truyện của họ Từ hiển nhiên là viết vào đời Gia Tĩnh Triều Minh. Còn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử thì có lẽ viết sau và viết lại (thành hồi) theo “Kim Vân Kiều Truyện” của Từ Vị. Vậy thì dữ kỳ nói như giáo sư Dương Quảng Hàm rằng nguồn gốc Truyện Kiều ... là một quyển tiểu thuyết Tàu tên là Kim Vân Kiều Truyện do một tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân soạn ra về cuối thế kỷ thứ 16 hoặc đầu thế kỷ thứ 17 và do Kim Thánh Thán (1627-1662) bình luận. Sao rằng nói “Lam bản” Truyện Kiều là quyển 'Kim Vân Kiều Truyện” của Từ Vị, viết vào thời Gia Tĩnh Triều Minh đầu thến kỷ thứ XVI” ... Nói khác ơn, G.S Giản Chi đã làm công việc tái xác nhận nguồn gốc của Đoạn Trường Tân Thanh chính là “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Tử hay Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng “Lam bản” của cuốn này do tác giả là Từ Vị mới đúng.
c. Trong một loạt bài có giá trị đăng liên tiếp trên tạp chí Vạn Hạnh số 15, 16 và 17 (8, 9, 10/1966, trang 132-140), Giáo sư Bửu Cầm lại một lần nữa, cũng như ông Lý Văn Hùng, Bùi Hữu Sủng và Giản Chi đã công nhận thuyết của Giáo sư Dương Quảng Hàm như đã trình bày ở trên. Giáo sư Bửu Cầm viết:
“Tôi đồng ý với nhà học giả họ Dương về điểm này. Tôi đã được xem bản Truyện Kiều chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân nên nhận thấy lời của ông Dương Quảng Hàm “quả không ngoa” (số 15, trang 136).
Và giáo sư cũng đã làm công việc xác định tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân như ông Giản Chi.
d. Ngoài ra. trong việc phiên dịch cuốn “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Tử [4] cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm đã gián tiếp công nhận cuốn truyện này là lam bản của Đoạn Trường Tân Thanh. Cụ đã viết:

“Sau khi đọc cuốn Đoạn Trường Tân Thanh của Cụ Nguyễn Du, ai mà chẳng thấy ước ao được thấy cuốn Thanh Tâm Tài Tử bằng chữ Hán để xem trong truyện ghi chép thế nào, mà cụ diễn ra lối thơ lục bát bằng quốc âm, lại có sức hấp dẫn độc giả như vậy”. [5]


Bài tựa của cụ Tô Nam nhấn mạnh: “mà cụ (Nguyễn Du) diễn ra lối thơ lục bát” cũng như việc cho phổ biến bản Kiều chữ này của ủy ban dịch thuật Nha Văn Hóa (Sài Gòn) hàm ý xác định lam bản của Đoạn Trường Tân Thanh chính là “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Tử.
Qua những luận cứ trên, đa số các nhà biên khảo có uy tín về nguồn gốc Truyện Kiều đều công nhận giả thuyết lam bản của Đoạn Trường Tân Thanh chính là Kim Vân Kiều Truyện. Điều đó chắc chắn hay không, có đúng sự thực không là câu hỏi không thể giải đáp một cách khẳng định ngoài việc đưa ra các chứng cớ hợp lý mà thôi.
Dầu vậy, khi đọc Kim Vân Kiều Truyện (bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm) chúng ta nhận thấy hầu như tất cả cốt truyện, ý tưởng chính yếu nơi Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du đều tương tự bản Kiều chữ nay. Sự khác biệt quan trọng cần phải được lưu ý chính là những tư tưởng đạo Phật mà Nguyễn Du tiên sinh đã đem lồng vào để tạo nên một sắc thái mới cho Đoạn Trường Tân Thanh. Bên cạnh đó, với ngòi bút điêu luyện tài tình, tiên sinh đã biến câu chuyện với nhiều tình tiết rườm rà thành những câu thơ vừa gọn gàng, vừa thanh nhã, vừa thâm thúy. Thành thử không thể xem Đoạn Trường Tân Thanh là một bản dịch Kim Vân Kiều Truyện được, nhưng là một công trình sáng tạo từ những chất liệu cũ càng. Vả lại, có lẽ Tố Như tiên sinh đã ít nhiều bắt gặp sự tương đồng nào đó giữa cõi lòng của mình và cảnh ngộ nàng Kiều nên mới chọn “Kim Vân Kiều Truyện” để viết thành thơ. Nói khác hơn, tiên sinh đã có lòng yêu nhân vật Kiều và cuộc đời ba chìm bảy nổi của nàng; yêu nhân vật mang tên Kiều, tức là yêu tác phẩm đã hình thành cuộc đời nàng. Nói như Đặng Tiến:
“Yêu một tác phẩm nghệ thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm”.[6]
Mặc dầu “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Tử không phải là một tác phẩm có giá trị cao như Kim Bình Mai, Tây Sương Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Chí ... nhưng cốt truyệnvà nhân vật đã có một cái gì thật gần gũi với Tố Như. Và dưới thiên tài của tiên sinh, cuộc đời của nàng Kiều đã được khơi dậy trong một ý nghĩa mới. Phải chăng nghệ thuật chính là sự hòa hợp của lòng mình bên cạnh khả năng sáng tạo? Nếu chấp nhận như thế, Đoạn Trường Tân Thanh với một ý nghĩa nó đang mang: “Tiếng than khóc mới về nỗi đau lòng” (tạm dịch). Cái mới mà Nguyễn Du đem vào đã có một vị trí nghệ thuật và tư tưởng thật đặc biệt, không thể xem là một bản chuyển thể bình thường được. Với Đoạn Trường Tân Thanh, thi tài của Tố Như đã đạt đến trình độ hoàn mỹ và giàu chất sáng tạo.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Phạm Quỳnh, Thượng Chi Văn tập, Tập III, Sài Gòn, BQGGD, TB1, 1962, tr. 99 (305tr)
[2] Nguyễn Du, Truyện Thúy Kiều, Trần Trọng Kim & Bùi Kỷ Hiệu Khảo, Sài Gòn, Tân Việt TB lẩn 8, tr. XII & XIII và tr. 53.
[3] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Sài Gòn: BGD: TB, 1968, tr. 379
[4] Thanh Tâm Tài Tử, Kim Vân Kiều Truyện, bản dịch Tô Nam Nguyễn Đình Diệm (Q1 & Q2), Nhà Văn Hóa PQVKĐTVH, xb, 1971 (443 tr & 203 tr).
[5] Thanh Tâm Tài tử, sđd.
[6] Đặng Tiến, sđd, tr. 25
Đọc Kỳ 5

Dương Anh Sơn

Giáo Sư Triết học

Trung học Ninh Hòa


oOo



tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương