ĐỀ CƯƠng tuyên truyền kỷ niệM 45 NĂm cuộc tổng tiến công và NỔi dậy xuâN 1968



tải về 57.27 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích57.27 Kb.
#13301


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1968

---

Cách đây 45 năm, mùa Xuân 1968, đã diễn ra cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Đòn tiến công chiến lược đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quan trọng, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", bước leo thang cao nhất của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến công Xuân 1968 là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, biểu hiện tinh thần độc lập, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1968, Thừa Thiên Huế là một trong những chiến trường trọng điểm. Với 26 ngày đêm “tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” làm chủ thành phố Huế, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đóng góp xuất sắc vào chiến công chung của quân và dân toàn miền Nam. Bốn mươi lăm năm nhìn lại, thời gian càng làm nổi bật tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng mùa xuân năm ấy.

Kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, phát hành Đề cương tuyên truyền về sự kiện lịch sử này với những nội dung chính như sau:

I- CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1968 Ở MIỀN NAM

Đầu năm 1967, chiến công của quân và dân ta trên cả 2 miền Nam, Bắc đã làm xuất hiện tình thế mới có lợi cho ta trên chiến trường. Tháng 5 và 6 năm 1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình mọi mặt và dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, đưa ra chủ trương: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.

Tháng 10/1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp mở rộng, quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.

Tháng 1/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III), sau khi phân tích tình hình đã nhận định: địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược Chiến tranh cục bộ, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật. Do đó, ta phải tranh thủ thời cơ "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định", tạo ra bước ngoặt mới của cuộc chiến tranh. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, "nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cả ở 2 miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định".

Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, các chiến trường ở miền Nam gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, đảm bảo hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trong toàn miền…

Ngay từ Thu Đông 1967, ta đã mở các đợt hoạt động tác chiến đánh bồi vào quân Mỹ và đồng minh, phá sự chuẩn bị mùa khô của địch, đẩy chúng vào thế bị động hơn, buộc địch phải phân tán lực lượng, trực tiếp tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định.

Trong đợt này, ở vùng ven đô thị và nông thôn đồng bằng, lực lượng ta được lệnh duy trì hoạt động như thường lệ để không gây sự chú ý đề phòng của địch. Ở vòng ngoài, ta mở các chiến dịch quy mô tương đối lớn tại các khu vực rừng núi nhằm phân tán chủ lực địch. Chiến sự sôi động và quyết liệt nhất là chiến dịch Bình Long - Phước Long từ 27/10 đến 05/12/1967 và chiến dịch Đắc Tô 1 ở Bắc Tây Nguyên từ ngày 03/11 đến 22/11/1967. Cùng với chiến thắng ở các chiến trường khác, ta đã buộc quân Mỹ và quân chủ lực ngụy Sài Gòn phải co dần vào thế phòng ngự.

Để tiếp tục nghi binh, căng kéo lực lượng của địch, đẩy chúng tiếp tục bị động về chiến lược, ta và bạn Lào mở chiến dịch Nậm Bạc ở Thượng Lào từ ngày 12/01/1968; chiến dịch đường 9 Khe Sanh từ ngày 20 đến 27/01/1968, tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ đường 9, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm Làng Vây, Tà Cơn.

Các hoạt động nghi binh, đặc biệt chiến dịch Khe Sanh đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam và giới lãnh đạo Mỹ bị lạc hướng. Trong khi địch dồn lực lượng ra Khe Sanh thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ diễn ra ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam.

Sau quá trình chuẩn bị, đúng vào đêm 29 rạng ngày 30/01/1968 (đêm giao thừa, rạng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, theo lịch miền Nam), quân và dân các tỉnh đồng bằng ven biển Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đồng loạt nổ súng mở màn cuộc Tổng tiến công. 24 giờ sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra khắp các tỉnh và thành phố lớn ở miền Nam.

Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam.

Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, lực lượng vũ trang cách mạng đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Quân giải phóng đã đánh mạnh, đánh trúng vào 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh quân khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, tuyến giao thông huyết mạch. Ta đã chiếm giữ và làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm, vây hãm Khe Sanh, tiến công và nổi dậy tại nhiều vùng nông thôn, tiêu diệt nhiều sinh lực cao cấp và phương tiên chiến tranh, dự trữ hậu cần hiện đại nhất của địch, giải phóng hàng triệu đồng bào.

Thắng lợi oanh liệt của đòn Tổng tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ Xuân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, làm rung chuyển cả nước Mỹ, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải chủ trương "phi Mỹ hóa" chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc không điều kiện, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với ta ở Hội nghị Paris, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược của Mỹ

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, dù chưa đạt được yêu cầu của khả năng thứ nhất theo dự kiến ban đầu và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ đạt được. Cục diện đó cho phép chúng ta tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư Chúc Tết 1969: “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là một biểu hiện sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, biểu hiện sự độc lập, tính sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.

45 năm kể từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã kết thúc thắng lợi; đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện.

Kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta khắc sâu thêm khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập, tự do của Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước hôm nay và mai sau; khẳng định niềm tin bền vững vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự sáng tạo, độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược; sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh to lớn; là tình đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Đông Dương trên tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Những nhân tố đó vẫn tiếp tục giữ nguyên tính thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

II- CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1968 Ở THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện chủ trương của Trung ương, trên cơ sở thế và lực trên chiến trường, tháng 10/1967, Khu ủy Trị Thiên Huế họp, đề ra nhiệm vụ “Tiến lên tổng tiến công và tổng khởi nghĩa, giải phóng Trị - Thiên - Huế, giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập chính quyền cách mạng, đánh bại mọi cuộc phản kích của địch”. Giữa lúc Thành ủy Huế và các Đoàn đang triển khai kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết Khu ủy thì ngày 19/11/1967, Khu ủy, Quân Khu ủy nhận được chỉ thị của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng về tổng tiến công, tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam. Thời gian thực hiện tổng tiến công và nổi dậy được quy định bắt đầu vào Tết Mậu Thân 1968.

Ngày 03/12/1967, Ban Thường vụ Khu ủy Trị Thiên Huế họp tại Khe Trái (vùng núi Hương Trà) để nghiên cứu chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương. Ban Thường vụ Khu ủy hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong Khu tập trung sức lực và trí tuệ, khẩn trương đẩy mạnh chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm chấp hành triệt để chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên”.

Về công tác tổ chức chiến trường, Khu ủy, Quân Khu ủy quyết định: tập trung chiến trường trọng điểm là Huế; chia Mặt trận Huế làm 2 cánh, cánh Bắc là hướng chính. Cánh Nam là hướng tấn công, khởi nghĩa quan trọng, đồng thời là hướng chủ yếu đánh quân địch phản kích. Thành thị là trọng điểm nhưng nông thôn phải đồng thời khởi nghĩa.

Thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương, Nghị quyết của Ban Thường vụ Khu ủy về nhiệm vụ của chiến trường trọng điểm, Hội nghị Thành ủy Huế tháng 01/1968 đã xác định quyết tâm: “Động viên các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ ”.

Trong tháng 01/1968, Bộ Chỉ huy Mặt trận Huế được thành lập gồm các đồng chí: Lê Minh, Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Huế làm Chỉ huy trưởng; Thiếu tướng Lê Chưởng, Phó Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu Trị Thiên làm Chính ủy; đồng chí Nam Long, Phó Tư lệnh Quân khu, làm Chỉ huy phó; đồng chí Đặng Kinh, Phó Tư lệnh Quân khu kiêm Tham mưu trưởng, làm Chỉ huy phó.

Để chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, các cấp ủy đảng, đơn vị vũ trang đã bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, Khu ủy, Quân Khu ủy Trị - Thiên, Thành ủy Huế, triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ thông suốt tình hình, nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Trên chiến trường chính là Mặt trận Huế, lực lượng vũ trang cách mạng gồm 8 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, thuộc Trung đoàn 6, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 324), Trung đoàn 8 (Sư đoàn 325) và Đoàn 5 (Thành đội Huế).

Tất cả các đơn vị đều được giáo dục và chuần bị tốt về tư tưởng, xây dựng quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trong mùa Xuân 1968.

Lực lượng vũ trang địa phương của 3 huyện ngoại thành (Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy) có 14 đội biệt động, 3 đại đội địa phương và hàng ngàn du kích, có khả năng độc lập chiến đấu và phối hợp với các đơn vị chủ lực để tiến công địch cả trong và ngoài thành phố, lùng quét tề điệp, bảo an dân vệ và các đoàn bình định của địch, đồng thời làm nòng cốt cho phong trào khởi nghĩa của quần chúng cả ở thành thị và nông thôn.

Đi đôi với việc đẩy mạnh công tác tư tưởng, các đơn vị ở Mặt trận Huế đều luyện tập cách đánh vào thành phố, vượt tường thành, bơi qua sông suối, đánh chiếm vị trí đầu não của địch. Cán bộ, chiến sĩ các đội biệt động, đội võ trang công tác sau khi được huấn luyện đều được giữ bí mật tuyệt đối cho tới giờ nổ súng.

Ở Phú Lộc (Đoàn 4) và Phong Điền, Quảng Điền, Đảng ủy Đoàn 4 và các huyện ủy chuẩn bị thực hiện tiến công các mục tiêu quận lỵ, xác định vị trí địch trên địa bàn, các tổ chức ngụy quyền, phân chi khu quân sự địch ở các xã, đồng thời huy động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, phối hợp tích cực với Mặt trận Huế.

26 ngày đêm tiến công, nổi dậy làm chủ thành phố Huế

2 giờ 33 phút ngày 31/01/1968, pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử. Trung đoàn 6, Trung đoàn 9, Đoàn 5, các đội công tác, biệt động, trinh sát vũ trang, đại đội địa phương, du kích, tự vệ nội, ngoại thành đồng loạt tiến đánh các mục tiêu.



Ở cánh Bắc: Quân ta tiến đánh khu Mang Cá - Chỉ huy sở Sư đoàn I bộ binh của địch, đánh chiếm khu An Hòa, cửa Chánh Tây, cống Thủy Quan, mở đường tiến quân vào thành, đánh chiếm sân bay Tây Lộc, Đại Nội, đánh chiếm cửa Hữu, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, khu Cột Cờ, khu Gia Hội, chợ Đông Ba. Đồng thời đánh chiếm các mục tiêu vành ngoài như Kim Long, Kẻ Vạn, cầu Bạch Hổ, cầu An Hòa, Đốc Sơ, Bồn Trì, Bồn Phổ, An Lưu, La Chữ…, diệt gần 1 tiểu đoàn địch.

Ở cánh Nam: Bộ đội ta tấn công tiểu khu Thừa Thiên (Phan Sào Nam) diệt một số lớn địch, tiêu diệt sở chỉ huy cảnh sát dã chiến, đánh vào cơ quan CIA và khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang, chiếm Đài Phát thanh Huế, cầu Kho Rèn, các ty, sở, các tòa đại diện chính phủ Trung phần, dinh tỉnh trưởng, nhà ga, xưởng quân sự, nhà lao Thừa Phủ (giải phóng hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt)… Đồng thời tiến công địch ở vành ngoài như diệt trung đoàn 7 thiết giáp ngụy ở Tam Thai, tiêu hao nặng đại đội Nam Triều Tiên ở Tân Lăng, tiêu diệt căn cứ Đại đội Hắc báo ở Phủ Cam, đánh chiếm Chỉ huy sở Tỉnh đoàn bình định, đánh chiếm Tiểu đoàn quân vận ở An Cựu, đốt cháy hơn 100 xe quân sự…

Sáng 31/01/1968, lực lượng cách mạng đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu bên trong và vòng ngoài thành phố. Đúng 9 giờ ngày 31/01/1968, lá cờ của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam phấp phới bay cao trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.

Hòa nhịp với với tiếng súng tấn công thắng lợi của các lực lượng vũ trang, hàng chục vạn quần chúng ở thành phố Huế và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc đã nhất tề nổi dậy, bao vây đồn địch, kêu gọi binh lính ngụy bỏ súng quay về với nhân dân. Tại nhiều địa phương, với sự hỗ trợ của bộ đội, tự vệ và du kích, chính quyền cách mạng được thành lập.

Tại Huế, khi tiếng súng tấn công của ta vừa nổ, các đội tự vệ nội thành đã nhanh chóng đánh chiếm vùng Gia Hội, bốt Đông Ba và các vị trí khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang đánh địch. Hàng vạn đồng bào ở khu Gia Hội, Bãi Dâu, Thành Nội đã tổ chức mít tinh hoan hô chiến thắng và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng. Nhiều đội tự vệ được thành lập ở khu Gia Hội, Đông Ba…, được trang bị vũ khí để sẵn sàng đánh địch. Khu Gia Hội tổ chức mít tinh làm lễ phát súng cho tự vệ đánh giặc. Các tầng lớp nhân dân thành phố Huế hết lòng hết sức giúp đỡ lực lượng vũ trang và cùng sát cánh với bộ đội đánh địch. Anh em lái xe xích lô chuyên chở thương binh, phụ nữ tiếp tế nuôi quân, thanh niên, học sinh vào đội tự vệ truy lùng địch. Một số bác sĩ, y sĩ các bệnh viện tích cực phục vụ cứu chữa thương, bệnh binh. Nhiều binh sĩ ngụy quân, nhân viên ngụy quyền đã dẫn đường cho bộ đội đánh địch, chỉ dẫn nơi để vũ khí, kho tàng của địch…

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các đội công tác đã tỏa về các khu phố, tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách của Mặt trận và phát triển lực lượng tự vệ, ổn định đời sống của nhân dân; tổ chức các cuộc họp, vận động nhân dân chuẩn bị hầm tránh pháo và kêu gọi những người thân làm việc cho ngụy quân, ngụy quyền ra nộp vũ khí, trình diện chính quyền cách mạng. Do ta triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động nên quần chúng tham gia công tác cách mạng ngày càng đông. Lực lượng thanh niên ra đường dùng sơn, phấn màu viết lên tường các khẩu hiệu cách mạng, xóa các khẩu hiệu của địch, đưa bàn ghế ra đường làm chướng ngại vật chặn địch, vận chuyển thương, bệnh binh về tuyến sau. Việc tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ được các chị, các mẹ, bà con các khu phố tích cực lo liệu ngay từ ngày nổ súng đầu tiên.

Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố Huế ra đời, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế - chính quyền cách mạng cấp tỉnh đầu tiên ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ - được thành lập, đã cổ vũ quân và dân toàn tỉnh quyết tâm chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, lực lượng phụ nữ đã có những đóng góp tích cực trong chiến đấu, phục vụ chiến trường, tuyên truyền binh vận... Tiêu biểu là tiểu đội du kích xã Thiên Thủy (nay thuộc xã Thủy Thanh, Hương Thủy) được thành lập vào đầu năm 1967, gồm 11 cô gái làng Vân Thê do đồng chí Phạm Thị Liên làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội đã phối hợp với Tiểu đoàn 10 Bộ đội địa phương, chặn đánh một tiểu đoàn lính Mỹ tại ngã ba chợ Cống, phường Phú Hội, giữ vững vị trí trong 8 ngày liền. Chiến công của tiểu đã được Bác Hồ khen ngợi bằng 4 câu thơ:

"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương".

Tiểu đội 11 cô gái sông Hương và chị Phạm Thị Liên đã vinh dự được tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố ngày càng quyết liệt. Từ ngày 19 đến 26/02/1968, địch rút 8 tiểu đoàn (6 tiểu đoàn Mỹ, 2 tiểu đoàn ngụy) từ vùng 2 và một phần quân của vùng 3 chiến thuật tăng cường ồ ạt cho Huế. Cụ thể, bổ sung cho phía Bắc và Tây Bắc Huế 4 tiểu đoàn Mỹ, 2 tiểu đoàn Biệt động ngụy ở Bao Vinh; lấy Tây Bắc là hướng chủ yếu để giải tỏa Huế, kết hợp với quân ở trong thành nống dần ra. Ở cánh Nam Huế, địch nống ra cầu Kho Rèn, cầu Lòn, nhà ga và chùa Bảo Quốc, bắc được cầu tạm qua sông Hương để đưa quân từ phía Nam sang chi viện cho nội thành. Mức độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt.

Khu vực Thành Nội, địch dùng các loại bom, pháo đánh sập nhiều đoạn thành, phá nát nhiều nhà cửa.

Trong điều kiện thiếu thốn nhiều mặt nhưng với tinh thần và ý chí quyết tâm giữ thành để phục vụ nhiệm vụ chính trị toàn miền Nam, quân và dân ta đã ngoan cường chiến đấu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trên cơ sở tương quan lực lượng, từ ngày 21 đến 26/02/1968, các đơn vị của ta lần lượt rút lui khỏi thành phố, kết thúc 26 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, giữ "pháo đài thép" - thành phố Huế anh hùng.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương và Khu ủy giao, cùng với các chiến trường khác trong toàn miền Nam, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Với thắng lợi lịch sử đó, tháng 10/1968, quân dân Thừa Thiên Huế vinh dự được Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tuyên dương ngọn cờ đầu “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Nối tiếp truyền thống “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, 45 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngày nay, toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân tiếp tục thống nhất ý chí và hành động, nêu cao tinh thần quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những Trung tâm lớn, đặc sắc về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ; y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước./.


BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY THỪA THIÊN HUẾ


Каталог: upload -> file
file -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
file -> SỰ tham gia của cộng đỒng lưu vực sông hưƠNG, SÔng bồ trong xây dựng và VẬn hành hồ ĐẬp thủY ĐIỆN Ở thừa thiêN – huế Nguyễn Đình Hòe 1, Nguyễn Bắc Giang 2
file -> Tạo Photo Album trong PowerPoint với Add In Album
file -> Thủ tục: Đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trình tự thực hiện: Bước 1
file -> CỦa chính phủ SỐ 01/2003/NĐ-cp ngàY 09 tháng 01 NĂM 2003
file -> CHÍnh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
file -> BỘ TÀi chính số: 2114/QĐ-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 33/2003/NĐ-cp ngàY 02 tháng 4 NĂM 2003 SỬA ĐỔI, BỔ sung một số ĐIỀu củA nghị ĐỊnh số 41/cp ngàY 06 tháng 7 NĂM 1995 CỦa chính phủ
file -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 57.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương