阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang22/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   101

Tập 22

Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi bốn:


(Sớ) Thừa thượng, thử kinh cụ hữu như thị bất khả tư nghị công đức, cố Phật thuyết thử kinh, lương hữu dĩ dã. Sạ giả, tạm dã; tạm thời chi thuyết, phi cứu cánh dã. Tam thừa giả, thừa bổn vô tam, quyền thuyết hữu tam, vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát dã. Chung giả, đối Sạ nhi ngôn, Thật giả, đối Quyền nhi ngôn. Ngôn Thế Tôn thỉ thành Chánh Giác, diễn đại Hoa Nghiêm, đại giáo nan đầu, tùy chúng sanh căn, thuyết tam thừa pháp, hậu nãi hội Quyền quy Thật, tất dữ đại xa, cố viết “đẳng ban trân tứ”. Thử Như Lai nhất đại thời giáo chi đại trí dã.

() 承上,此經具有如是不可思議功德,故佛說此經,良有以也。乍者暫也,暫時之說,非究竟也。三乘者,乘本無三,權說有三,謂聲聞緣覺菩薩也。終者對乍而言,實者對權而言。言世尊始成正覺,演大華嚴,大教難投,隨眾生根,說三乘法,後乃會權歸實,悉與大車,故曰等頒珍賜。此如來一代時教之大致也。

(Sớ: Theo như phần trên, kinh này có đủ các công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nên Phật nói kinh này chính là vì lý do đó. “Sạ” là tạm, tức nói tạm thời, chẳng phải rốt ráo. Tam thừa: Thừa vốn chẳng có ba, nói quyền biến là có ba, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. “Chung” là đối với “tạm” mà nói, Thật là đối với Quyền mà nói. Ý nói đức Thế Tôn lúc mới thành Chánh Giác, diễn giảng kinh đại Hoa Nghiêm, nhưng đại giáo khó thể thích hợp mọi căn cơ nên tùy thuận căn tánh của chúng sanh mà nói pháp ba thừa, sau đó thâu tóm các pháp quyền biến về pháp chân thật, đều ban cho cỗ xe to, nên nói là “bình đẳng ban cho món quý báu”. Đây chính là những nét chánh yếu trong giáo pháp cả một đời Như Lai vậy).
Liên Trì đại sư tự giải thích đại ý của đoạn văn trong lời tựa. Đại sư thật sự từ bi đến tột bậc, tuy lời văn đã nói rất rõ ràng, nhưng đại sư sợ chúng ta chẳng thể hiểu những ý nghĩa bao hàm trong ấy, hoặc tuy có thấy, nhưng thấy chưa thấu triệt, chưa được rốt ráo nên Ngài chẳng ngại phiền, tự chú giải thêm. “Thừa thượng” chính là chữ “cố” () trong lời tựa, phần trước là Tổng Tán, tiếp nối phần Tổng Tán. Ngài lại nói rõ kinh A Di Đà “cụ hữu như thị bất khả tư nghị công đức” (có đủ các công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy), câu này nhằm tổng kết đoạn Tổng Tán chúng ta vừa đọc, “cố Phật thuyết thử kinh, lương hữu dĩ dã” (nên đức Phật nói kinh này chính là vì lý do đó), nêu ra bổn nguyện và bổn hoài độ chúng sanh của Phật là như vậy. Nếu chẳng nói kinh A Di Đà thì bổn ý độ chúng sanh của Phật sẽ chẳng thể trọn hết được, sự nghiệp độ chúng sanh của Phật sẽ chẳng thể viên mãn, đủ thấy: Kinh này chẳng thể không nói!

Sạ thuyết tam thừa” là tạm thời nói, trọn chẳng phải là pháp rốt ráo, vì sao chẳng nói pháp rốt ráo?


(Diễn) Phi cứu cánh giả, tùy nghi chi quyền, phi xuất thế bổn hoài dã.

() 非究竟者,隨宜之權,非出世本懷也。

(Diễn: “Chẳng phải là cứu cánh”: Quyền biến thuận theo cơ nghi, chẳng phải là bổn hoài xuất thế).
“Xuất thế bổn hoài”: Vì sao đức Phật đến thế giới này? Ngài có thể không đến, từ rất lâu Ngài đã vượt khỏi ba cõi, vượt thoát lục đạo, vì sao còn phải trở lại? Nói thật ra, bổn ý Ngài đến cõi này là để nói kinh A Di Đà, đến vì mục đích ấy. Đã là như vậy, sao không vừa đến liền nói kinh này chẳng phải là hay hơn ư? Vừa đến mà nói ngay kinh này thì quý vị chẳng tin; do vậy, phải nói rất nhiều kinh luận rồi mới nói bộ kinh này, quý vị sẽ tin tưởng, mới hiểu Phật pháp rốt ráo, quả thật là như vậy.
(Diễn) Như kinh vân: “Ngã thử cửu bộ pháp, tùy thuận chúng sanh thuyết, nhập Đại Thừa vi bổn, dĩ cố thuyết thị kinh”, thị dã.

() 如經云:我此九部法,隨順眾生說,入大乘為本,以故說是經。是也。

(Diễn: Như kinh nói: “Chín bộ pháp này của ta do tùy thuận chúng sanh mà nói, lấy nhập Đại Thừa làm gốc, vì thế nói kinh này” chính là nói về chuyện này vậy).
Đại sư dẫn lời đức Phật tự nói để thuyết minh: “Chín bộ pháp” chính là chín thứ trong mười hai phần giáo, những phần giáo ấy đều vì “tùy thuận chúng sanh” mà nói, trọn chẳng phải là pháp rốt ráo, dùng những pháp ấy để khuyên dụ, hướng dẫn hết thảy chúng sanh tiến nhập Đại Thừa. Đại Thừa mới là bổn hoài thuyết pháp của đức Phật. Kinh này là kinh Đại Thừa, không chỉ là kinh Đại Thừa mà còn là pháp môn Tổng Trì của các kinh Đại Thừa, chúng ta nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa này. Tiếp theo đây là lời giải thích về ba thừa.
(Diễn) “Thừa bổn vô tam” giả, như kinh vân: “Thập phương Phật độ trung, duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam”. Quyền thuyết hữu tam giả, như kinh vân: “Trừ Phật phương tiện thuyết, đản dĩ giả danh tự, dẫn đạo ư chúng sanh”.

() 乘本無三者,如經云:十方佛土中,唯有一乘法,無二亦無三。權說有三者,如經云:除佛方便說,但以假名字,引導於眾生。

(Diễn: “Thừa vốn chẳng có ba” là như kinh nói: “Trong các cõi Phật khắp mười phương, chỉ có pháp Nhất Thừa, không có hai, mà cũng chẳng có ba thừa”. “Quyền biến nói có ba” là như kinh dạy: “Ngoại trừ đức Phật do phương tiện mà nói, [những pháp tam thừa] chỉ có giả danh tự nhằm hướng dẫn chúng sanh”).

Kinh văn [được trích dẫn ở đây] là kinh Pháp Hoa. Trong đoạn này, chúng ta phải đặc biệt chú ý: Phật pháp chân thật gọi là “Nhất Thừa pháp”, nhất Phật thừa. Trong giáo pháp suốt cả đời đức Phật, chỉ có hai bộ kinh thuộc pháp Nhất Thừa là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, những kinh khác đều thuộc pháp Tam Thừa. Kinh A Di Đà là tổng quy túc của pháp Nhất Thừa, có như vậy, mới hiểu kinh này chiếm địa vị nào trong giáo pháp cả một đời đức Phật. Nhị Thừa và Tam Thừa đều là “nói phương tiện”, mục đích nhằm khuyên dụ, dẫn dắt chúng sanh khế nhập Nhất Thừa, đấy mới là bổn hoài xuất thế của Phật.



Tiếp theo đây là lời giải thích câu “chung quy Nhất Thật”, “chung” () là cuối cùng. Cuối cùng chắc chắn sẽ quy hướng pháp Nhất Thừa chân thật, “ngôn Thế tôn thỉ thành Chánh Giác, diễn đại Hoa Nghiêm” (ý nói đức Thế Tôn lúc mới thành Chánh Giác, diễn nói kinh đại Hoa Nghiêm). Câu này cho chúng ta biết khi đức Phật mới xuất hiện trong thế gian bèn nói đại pháp căn bản.
(Diễn) Thỉ thành Chánh Giác diễn đại Hoa Nghiêm giả, vị Như Lai ư Bồ Đề Tràng thành Đẳng Chánh Giác, dữ tứ thập nhị vị Pháp Thân đại sĩ, cập túc thế thiện căn thành thục thiên long bát bộ đẳng, như vân lung nguyệt, vị thuyết viên mãn Tu-đa-la, Bồ Tát vạn hạnh nhân hoa trang nghiêm Nhất Thừa quả hải.

() 始成正覺演大華嚴者,謂如來於菩提場成等正覺,與四十二位法身大士,及宿世善根成熟天龍八部等,如雲籠月,為說圓滿修多羅,菩薩萬行因華,莊嚴一乘果海。

(Diễn: “Vừa mới thành Chánh Giác diễn đại Hoa Nghiêm”, ý nói: Như Lai thành Đẳng Chánh Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng, cùng với các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi hai địa vị và hàng thiên long bát bộ có thiện căn trong đời trước đã chín muồi, giống như mây vờn quanh trăng, diễn nói Khế Kinh viên mãn, nhân hoa vạn hạnh của hàng Bồ Tát trang nghiêm quả hải Nhất Thừa).
Đoạn này giới thiệu giản lược kinh Hoa Nghiêm, từng câu, từng chữ trong đoạn này đều phải chú ý. “Như Lai” (Tathāgata) là một trong mười danh hiệu nơi quả đức của Phật. Ý nghĩa của danh hiệu này là “kim Phật như cổ Phật chi tái lai” (vị Phật hiện tại giống như vị cổ Phật trở lại), do vậy, gọi là Như Lai. Đây là nói theo mặt Sự. Kinh Kim Cang nói: “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp), đấy là nói theo Lý. Ở đây, [chữ Như Lai] chỉ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. “Ư Bồ Đề tràng”: Nơi Phật thị hiện thành Đẳng Chánh Giác được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-gayā). Bồ Đề có nghĩa là giác, Phật ở dưới cội Bồ Đề, ban đêm thấy sao Mai, đại triệt đại ngộ, nơi ấy được gọi là Bồ Đề Tràng. Ngài ngồi dưới gốc cây, cây ấy được gọi là Bồ Đề thụ (Bodhivrksa, cây Bồ Đề), danh xưng do vậy mà có. “Thành Đẳng Chánh Giác”: Không nói “thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”! Ngàn vạn phần chớ nên ơ hờ đọc lướt qua câu này. “Chánh Đẳng Giác” là quả vị Phật thấp hơn Phật trong Viên Giáo, tức là Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật hoặc Biệt Giáo Phật thì được gọi là Đẳng Chánh Giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Viên Giáo Phật. Viên Giáo Phật chẳng thị hiện tám tướng thành đạo, Thích Ca Mâu Ni tỏ lộ tám tướng thành đạo, nhưng tám tướng thành đạo thường là Tạng Giáo Phật. Đương nhiên, đức Thế Tôn đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa trước, đã viên mãn Bồ Đề, nhưng lần này, Ngài biểu diễn trong thế giới này dưới thân phận không cao là Tạng Giáo Phật, giống như Quán Thế Âm Bồ Tát là bậc Đẳng Giác Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng trong hội Lăng Nghiêm, Ngài biểu diễn thân phận Sơ Trụ Bồ Tát, đấy là thị hiện.

Dữ tứ thập nhị vị Pháp Thân đại sĩ” (cùng với các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi hai địa vị): Khi đức Phật mới thành Chánh Giác tại Bồ Đề Tràng chính là Ngài thị hiện vừa mới thành Phật. Thị hiện thành Phật nhất định phải giảng kinh, thuyết pháp. Ngài giảng trong Định, phàm phu chúng ta không thể thấy được. Lũ phàm phu chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi tịnh tọa dưới gốc cây, đâu có biết Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong Định. Bốn mươi hai địa vị Pháp Thân đại sĩ, kinh nói “bốn mươi mốt”, ở đây nói “bốn mươi hai” là bao gồm cả địa vị Diệu Giác, [đức Phật] nói ra cảnh giới sở chứng của chính mình cho các vị Pháp Thân đại sĩ ấy. Do vậy, đối tượng [được tiếp độ bởi kinh ấy] là các vị Bồ Tát đã minh tâm kiến tánh, mới có tư cách tham gia pháp hội trong Định của Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngoài những vị Bồ Tát ấy ra, còn có rất nhiều chư thiên và tám bộ quỷ thần tham gia pháp hội ấy. Khi chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm thường hoài nghi, đức Phật đã vì hàng Pháp Thân đại sĩ nói “Tu-đa-la viên mãn”, sao còn có thiên long bát bộ? Thiên long bát bộ là phàm phu, họ có tư cách gì để tham gia pháp hội này? Đừng bỏ sót câu trước đó “túc thế thiện căn thành thục” (thiện căn trong đời trước đã chín muồi), câu này phải giảng như thế nào? Những vị thiên long bát bộ quỷ thần ấy vốn cũng là Pháp Thân đại sĩ. Vì sao Pháp Thân đại sĩ hiện thân phận ấy? Giống như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Nên dùng thân phận nào để độ được, bèn hiện thân ấy”. Vô Độc Quỷ Vương trong kinh Địa Tạng là Pháp Thân đại sĩ thị hiện thân quỷ vương trong ngạ quỷ đạo nhằm độ chúng sanh, trọn chẳng phải là quỷ vương thật sự, mà là Bồ Tát! Do đây có thể biết rằng: Bất luận thân phận nào trong kinh Hoa Nghiêm đều là Pháp Thân đại sĩ, thị hiện trong lục đạo nhằm giáo hóa hết thảy chúng sanh. Do vậy, đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm, họ nhất định đến tham gia. Cũng có vị hỏi: Họ tham gia pháp hội ấy thì trong quỷ thần đạo còn có họ hay không? Vẫn còn có họ! Thậm chí họ vẫn đang chấp hành nhiệm vụ trong quỷ thần đạo, giáo hóa chúng sanh ở trong ấy. Họ có năng lực phân thân tới tham gia pháp hội. Pháp Thân đại sĩ có thần thông, một mặt đi nghe đức Phật giảng kinh, một mặt vẫn lo liệu công chuyện của họ, trọn chẳng trở ngại công việc, họ có năng lực ấy.

“Như vân lung nguyệt” (như mây vờn quanh trăng), tỷ dụ thầy trò hợp đạo, “vị thuyết viên mãn Tu-đa-la” (bèn nói Khế Kinh viên mãn), pháp hội nhân duyên thù thắng, đức Phật vì họ nói đại kinh viên mãn. “Tu-đa-la” là Kinh Tạng, dịch nghĩa là Khế Kinh. Trong giáo pháp cả một đời đức Phật, tức là toàn bộ Đại Tạng Kinh, chỉ có một bộ kinh Hoa Nghiêm mới có thể gọi là kinh Phật viên mãn. Vì sao? Ý nghĩa của Tam Tạng được bao gồm trọn vẹn trong ấy, nói đến Giới, lại có Định và Huệ, Tam Học trọn đủ không thiếu sót. Mười hai thể loại cũng trọn đủ, mười hai phần giáo viên mãn. Do vậy, kinh này được gọi là “căn bản pháp luân”.

Nội dung của kinh Hoa Nghiêm là gì? Thanh Lương đại sư chia nó thành bốn khoa lớn là “tín, giải, hành, chứng”. Do bốn khoa này, ta thấy rất rõ nội dung của bộ kinh lớn này, cho thấy nó đúng là Tu-đa-la viên mãn. Vừa mở đầu, kinh Hoa Nghiêm liền nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm nơi quả vị Phật, giúp chúng ta kiến lập tín tâm. Tín tâm ấy chẳng phải là Tín Tha mà là Tín Tự. Nếu tin vào Tha Phật, Tha Phật và ta không liên quan, chỉ có tăng thêm lòng ngưỡng mộ suông mà thôi, chẳng phải là phước báo của chính mình. Chúng ta nhất định phải hiểu: Một bộ kinh Hoa Nghiêm từ đầu đến cuối nói về chính bản thân chúng ta, không nói đến bất cứ chuyện gì ngoài con người thật sự của chúng ta. Do đây có thể biết: “Viên mãn Tu-đa-la” đối với chúng ta rất thân thiết như vậy.

Y báo và chánh báo trang nghiêm là do Tánh Đức hiển lộ, nhưng chúng ta mê mất Tánh Đức, tuy trọn đủ sự trang nghiêm như thế mà hiện thời chẳng thể thụ dụng. Tánh Đức nhất định phải nhờ vào Tu Đức mới có thể hiển hiện, mới có thể thụ dụng được. Do vậy, phần kinh văn thứ hai [trong kinh Hoa Nghiêm] khá dài, giảng rõ Lý và Sự của sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo. Trong phần trước là phần Tín đã bày ra [y báo và chánh báo trang nghiêm trong Nhất Chân pháp giới] cho chúng ta thấy, tuy thấy nhưng vẫn chưa hiểu, giống như quý vị đến viện bảo tàng của Cố Cung (cung điện hoàng gia ở Bắc Kinh), thấy những món đồ bằng đồng đời Thương hoặc Châu, chúng là quốc bảo, nhưng quý vị thấy chúng là một đồ đồng nát, sắt rỉ, không biết giá trị! Ắt phải có người biết giá trị dần dần giải thích, nói rõ, quý vị mới hoảng nhiên đại ngộ, chúng vốn là những món đồ quý báu dường ấy. Phần Giải là nói rõ Chân Như bổn tánh của chính chúng ta, vốn sẵn trọn đủ, có thể sanh ra vạn pháp. Khi Lục Tổ đại sư ngộ đạo đã nói mấy đề mục, chiếu theo những đề mục ấy mà soạn văn chương thì chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn tự sẵn đủ, nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Phần Giải của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thuyết minh đạo lý này, thanh tịnh là gì, pháp nào cũng đầy đủ là gì, chẳng thiếu sót mảy may nào. Nó lại có thể biến hiện vạn pháp, không một pháp nào chẳng do nó biến. Giải thích như vậy sẽ trừ sạch nghi hoặc cho chúng ta, đấy mới là đại triệt đại ngộ, ngộ rồi sẽ tu.

Phần thứ ba là Hành, Hành là tu hành. Tu cái hạnh gì vậy? Tu hạnh kiến tánh, đó gọi là Bồ Tát Hạnh. Do vậy, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, hễ gặp một vị thiện tri thức bèn nêu lên hai câu hỏi. Thứ nhất là tu Bồ Tát đạo như thế nào? Câu hỏi thứ hai là nên học Bồ Tát hạnh ra sao? Do vậy, sau khi ngộ, sẽ có hai chuyện sau đây: Tu đạo như thế nào, học hành như thế nào? Vậy thì học đạo là giữ tấm lòng như thế nào, chúng ta giữ tấm lòng gì? Dùng cái tâm gì? Giữ tấm lòng, dụng tâm là đạo. Bồ Tát đạo là giác tâm, Bồ Tát là giác ngộ, có ý nghĩa giác ngộ. Vì thế, Bồ Tát đạo là giác tâm, Bồ Tát hạnh là hành vi giác ngộ. Trong hết thảy vạn pháp, tâm giác chứ không mê; trong hết thảy vạn hạnh, hạnh cũng phải giác chứ không mê. Trong đại kinh nói đại lược hai ngàn pháp môn, thật ra, làm sao có thể hành cho hết được? “Hai ngàn” là nêu đại lược, nhằm bảo với chúng ta: Chuyện gì cũng phải giác, lúc nào cũng phải giác, chỗ nào cũng phải giác, không một pháp nào chẳng giác; đấy mới là Bồ Tát đạo và Bồ Tát hạnh.



“Bồ Tát vạn hạnh nhân hoa”: Bồ Tát còn đang tu nhân, chưa chứng quả. “Hoa” tượng trưng cho nhân hạnh (hạnh tu tập khi còn đang tu nhân). Thực vật khai hoa trước rồi mới kết quả; hoa nở xum xuê, chúng ta biết quả báo nhất định trang nghiêm, “trang nghiêm Nhất Thừa quả hải”. Bồ Tát tu đức, chỉ có Tu Đức mới có thể trang nghiêm Tánh Đức. “Nhất Thừa quả hải” là Tánh Đức. Cuối cùng, đức Phật hết sức thiện xảo, cách dạy học đúng là khéo léo đến tột cùng, dùng Thiện Tài đồng tử nêu gương tu học Bồ Tát hạnh cho chúng ta, nêu gương cho chúng ta xem. Do vậy, kinh này không chỉ có lý luận, có phương pháp, mà còn giảng cảnh giới rất rõ ràng, cuối cùng còn kèm theo biểu diễn. Trên thực tế, Thiện Tài đồng tử và năm mươi ba vị thiện tri thức biểu diễn cho chúng ta xem. [Kinh Hoa Nghiêm] đúng là một cuốn sách giáo khoa viên mãn đến cùng cực, là sách giáo khoa tốt nhất trong thế gian lẫn xuất thế gian.

(Diễn) Đại giáo nan đầu giả.

() 大教難投者。

(Diễn: Đại giáo khó thể thích hợp mọi căn cơ).
Tuy kinh Hoa Nghiêm tốt đẹp như thế, nhưng kinh quá lớn. “Đầu” () là “đầu duyên, đầu cơ” (phù hợp với các duyên và các căn cơ), hiềm rằng chúng sanh căn tánh quá kém, đại pháp không có cách nào phù hợp với điều họ ưa thích.
(Diễn) Như Văn Thù, Phổ Hiền, chư đại Bồ Tát, các các lãnh giải đắc ích.

() 如文殊、普賢、諸大菩薩,各各領解得益。

(Diễn: Như Văn Thù, Phổ Hiền, các vị đại Bồ Tát ai nấy đều lãnh ngộ, thấu hiểu, được lợi ích).
Phải là những vị như vậy mới được, Pháp Thân đại sĩ mà! Người căn cơ chín muồi, vừa nghe liền khai ngộ. “Lãnh giải” là khai ngộ. “Đắc ích” là chứng quả. Họ vừa khai ngộ liền chứng nhập, khế nhập Nhất Chân pháp giới, giống như phần Chứng ở cuối kinh [Hoa Nghiêm] được gọi là “nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới”. “Đắc ích” là nhập. Nếu chẳng nhập cảnh giới, làm sao quý vị đắc ích? “Nhập” là chứng, những người ấy mới có thụ dụng.

(Diễn) Kỳ thượng đức Thanh Văn, tích hạnh Bồ Tát, như lung, như manh, đỗ thị tuyệt thính.

() 其上德聲聞,積行菩薩,如聾如盲,杜視絕聽。

(Diễn: Những vị Thanh Văn đức hạnh cao cả, Quyền Giáo Bồ Tát, như đui, như lòa, chẳng thấy, chẳng nghe gì).
Thượng đức Thanh Văn ” là Tứ Quả A La Hán, “tích hạnh Bồ Tát” là Quyền Giáo Bồ Tát, chưa kiến tánh, còn chưa khai ngộ, chưa phải là Pháp Thân đại sĩ. Những người như vậy ở trong hội Hoa Nghiêm “như lung, như manh” (như đui, như lòa), “lung” (聾) là không nghe được, “manh” (盲) là không thấy được. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng bộ kinh lớn này, họ (Thanh Văn và Quyền Giáo Bồ Tát) chẳng thấy được, mà cũng chẳng nghe được. Ngay cả A La Hán và Quyền Giáo Bồ Tát đều chẳng thấy, chẳng nghe, khó trách bọn phàm phu chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi dưới gốc Bồ Đề, tịnh tọa tại đó, ngồi hơn hai tuần lễ, công phu định lực của Thích Ca Mâu Ni Phật tuyệt quá! Chúng ta chỉ thấy như vậy, trừ điều ấy ra, chuyện gì khác cũng chẳng thấy được! Ai biết Thích Ca Mâu Ni Phật đang mở đại pháp hội tại đó, giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cho các vị Pháp Thân đại sĩ? Kinh Hoa Nghiêm được giảng trong mười bốn ngày, tức là giảng trong hai tuần, nhưng phàm phu chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Định tại đó, nhập Định suốt hai tuần, chẳng biết trong Định Ngài làm rất nhiều chuyện. Quý vị đọc Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ, công phu định lực của lão hòa thượng Hư Vân kể ra cũng khá lắm, Ngài thường tịnh tọa suốt tám, chín ngày là chuyện rất bình thường, chẳng đứng dậy, cũng có lần ngồi hơn nửa tháng. Trong Định, Ngài cũng đi tham học. Theo sách Niên Phổ, trong Định, Ngài thường lên cung trời Đâu Suất nghe Di Lặc Bồ Tát giảng Duy Tâm Thức Định. Đức Phật giảng kinh trong Định, Bồ Tát đi nghe kinh trong Định. Tôi vừa mới nói, những vị thiên long bát bộ căn cơ chín muồi, các Ngài trọn chẳng rời [chỗ mình đang ở], thân thể hoàn toàn chẳng rời đi, chỉ có thần thức ra đi. Chúng ta thấy lão hòa thượng Hư Vân nhập Định, ngồi ở nơi đó, nhục thân không đi, nhưng thần thức lên trời Đâu Suất nghe Di Lặc Bồ Tát giảng Duy Tâm Thức Định. Do vậy, phàm phu, ngoại đạo chẳng cần phải nói tới nữa! [Tuy chúng sanh] chẳng biết cảnh giới của Phật, Bồ Tát, nhưng Phật tuyệt đối chẳng bỏ một ai, đấy là lòng từ bi của Phật! “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai). Quý vị không có đủ trình độ ấy nên chẳng thể tiếp nhận đại pháp, bèn giảng những thứ nhỏ nhặt cho quý vị, giảng nông cạn một chút là được rồi!
(Diễn) Ư thị Như Lai thoát Xá Na trân ngự chi phục, trước trượng lục tệ cấu chi y, thoái quy Lộc Uyển.

() 於是如來脫舍那珍御之服,著丈六弊垢之衣,退歸鹿苑。

(Diễn: Do vậy, đức Như Lai cởi áo Xá Na trân quý, mặc y trượng sáu hèn tệ, nhơ bẩn, lui về Vườn Nai).
Trong hội Pháp Hoa là Báo Thân Như Lai, “Xá Na” là Lô Xá Na (Locana), tức danh hiệu của Báo Thân Phật. Phật có ba thân, Pháp Thân gọi là Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), Báo Thân gọi là Lô Xá Na, Ứng Thân gọi là Thích Ca Mâu Ni. Tướng Báo Thân quá lớn, trong đại kinh có nói: “Phật hữu vô lượng tướng, tướng hữu vô lượng hảo” (Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo). Ứng Thân Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo, rất hữu hạn. Ở đây, ý nói: Nhằm độ các Pháp Thân đại sĩ, Phật hiện Báo Thân, hiện tướng trang nghiêm khôn sánh, ấy là Tánh Đức, là cảnh giới Hoa Nghiêm. Hiện tại, lại vì đến thuyết pháp cho các vị Thanh Văn, Tích Hạnh Bồ Tát, phàm phu, và ngoại đạo, nếu Phật hiện thân [trang nghiêm vĩ đại] như vậy, phàm phu chúng ta chẳng thể thấy được, chẳng thể tiếp nhận được, nên mới hiện thân nhỏ nhoi này, hiện kim thân cao trượng sáu, chẳng khác thân thể của chúng ta cho mấy. “Trượng lục”: Ngàn vạn phần quý vị đừng dùng thước hiện thời [để hiểu khái niệm này, nếu không], một trượng sáu thước gần như gấp đôi chiều cao trung bình của con người! Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật tuy cao, nhưng vẫn chưa cao đến mức ấy. Quý vị có thể đọc sách của đại sư Hoằng Nhất thời cận đại, Sư trước tác không ít, Ngài có viết bộ Luật Học Tam Thập Tam Chủng Hợp San, trong ấy có bài Châu Xích Khảo Cứ (khảo sát những chứng cứ về thước được dùng vào đời Châu). Vào đời Châu, một thước tương đương với sáu tấc theo hệ thống đo lường hiện thời của Đài Loan. “Trượng lục”: Có thể thấy Phật rất cao, theo cách tính hiện thời, đại khái từ một mét tám mươi mấy cho đến một mét chín mươi, cao hơn người bình thường một chút. Thước thời ấy ngắn, thước hiện thời dài hơn thước khi xưa. Từ dưới cội Bồ Đề, lão nhân gia đứng dậy, đến Lộc Dã Uyển (Mrgá-dāva), vì trong Lộc Dã Uyển có mấy vị xuất gia đang tu hành tại đó, nên Ngài đến độ họ.
(Diễn) Thuyết Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Ba La Mật chi tam thừa quyền pháp.

() 說四諦、十二因緣、六波羅蜜之三乘權法。

(Diễn: Nói các pháp tam thừa quyền biến như Tứ Đế, mười hai nhân duyên, sáu Ba La Mật...)
Mấy câu này đã bao gồm trọn vẹn các pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt một đời. Tại Lộc Dã Uyển, đức Phật chỉ nói Tứ Đế, độ năm người trong nhóm Kiều Trần Như (Ajñāta Kaundinya), tức năm vị tỳ-kheo. Tam Bảo của Phật pháp xuất hiện trong thế gian: Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật, Phật Bảo trọn đủ; thuyết pháp Tứ Đế, Pháp Bảo trọn đủ; năm vị ấy nghe xong, trong ấy có một vị chứng A La Hán trước hết (ngài Kiều Trần Như), đều theo Phật xuất gia, Tăng Bảo trọn đủ. Trụ thế Tam Bảo thành tựu tại Lộc Dã Uyển. Đấy là khi sáng lập giáo pháp ban sơ, kể cả thầy và năm học trò, chỉ có sáu người. Sáu người kiến lập Phật pháp thế gian, Phật pháp được kiến lập từ đây. Về sau, Tăng đoàn dần dần mở rộng, người xuất gia cũng dần dần nhiều hơn. Do vậy, đệ tử thường theo Phật có một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị. Trong bốn mươi chín năm, đức Phật giảng Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Ba La Mật. Tứ Đế là pháp Tiểu Thừa Thanh Văn, Thập Nhị Nhân Duyên là pháp Trung Thừa Duyên Giác, Lục Ba La Mật là Đại Thừa Phật pháp, tức Bồ Tát pháp, đó là Tam Thừa. Tam Thừa đều là nói quyền biến, chẳng phải là nói rốt ráo. Mấy câu này cũng giới thiệu lịch sử Phật giáo một cách đơn giản.
(Diễn) Hậu nãi hội Quyền quy Thật giả, A Hàm chi hậu, phục kinh Phương Đẳng đàn ha, Bát Nhã đào thải, tứ thập niên dư, chí Pháp Hoa hội thượng, phương năng hội quy Nhất Thừa dã.

() 後乃會權歸實者,阿含之後,復經方等彈呵,般若淘汰,四十年餘,至法華會上,方能會歸一乘也。

(Diễn: Sau đấy mới gom Quyền về Thật. Sau thời A Hàm, lại trải qua thời Phương Đẳng chỉ trích, quở trách [quyền tiểu], thời Bát Nhã đào thải [những chấp trước quyền tiểu], hơn bốn mươi năm, đến hội Pháp Hoa mới có thể gom hết về Nhất Thừa).
Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] đã ban cho chúng ta một sự khải thị rất lớn. Ngày nay chúng ta học Phật, học chưa được mấy bữa đã nhất định muốn tu hành chứng quả. Nếu chẳng chứng quả, bèn không có tâm nhẫn nại. Quý vị nghĩ: Ta tu hành nhiều năm như thế, ngay cả tin tức cũng chẳng có, vậy thì Phật pháp chưa chắc đáng tin cậy, không tu nữa! Còn có một hạng người tự cảm thấy “ta đã khai ngộ rồi”, “ta đã kiến tánh rồi”, “ta đã chứng đắc A La Hán”, nói đơn giản, thẳng thừng là [những kẻ ấy] “nói nhăng, nói cuội”! Chúng ta phải hiểu, những vị có phước phận học với Thích Ca Mâu Ni Phật thuở ấy, bất luận xét theo thiện căn, phước đức, hay nhân duyên, bất cứ nói theo phương diện nào cũng đều sâu dầy hơn chúng ta. Chúng ta không có cơ duyên gặp Phật, không có cơ hội học với Phật! Ngay cả người học với Phật mà còn phải học suốt bốn mươi năm mới khai ngộ, chúng ta học dăm ba năm làm sao có thể thành công cho được?

Thứ tự dạy học của Phật là A Hàm mười hai năm, giống như giáo dục Tiểu Học của Phật giáo, tạo lập cơ sở, giáo dục cơ sở trong mười hai năm. Chúng ta ngày nay có ai chịu phát tâm tự mình tạo lập cơ sở trong mười hai năm? Phương Đẳng tám năm, Phương Đẳng là tiến nhập Đại Thừa, rồi lại nói Bát Nhã hai mươi hai năm. Thời gian tổng cộng bốn mươi năm! Người thuở ấy thật sự có tâm kiên trì, hằng ngày nghe Phật giảng kinh, nghiên cứu, thảo luận, y giáo phụng hành, như vậy thì mới có thể thành tựu! Nay chúng ta học Phật không đạt thành tích, chính mình phải phản tỉnh, kiểm điểm cho nhiều, vì sao không có thành tích? [Các đệ tử] có bốn mươi năm vun bồi cơ sở rồi [đức Phật] mới vì mọi người nói pháp Nhất Thừa. Giáo nghĩa của Pháp Hoa và Hoa Nghiêm không hai, không khác; khi ấy “hội Tam Thừa quy Nhất Thừa” (dung hội Tam Thừa về Nhất Thừa), “hội” () là dung hội, dung hội tất cả A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, quy nạp pháp Nhất Thừa.



(Diễn) Quyền tức tam, Thật tức nhất.

() 權即三,實即一。

(Diễn: Quyền là ba, Thật là một).

Nói theo mặt phương tiện thì có ba giai đoạn, có ba tầng lớp; còn nói thật sự thì đích thực chỉ một; đủ thấy là một nhưng ba, ba nhưng một. Chính vì những pháp ấy “tuy một mà ba, tuy ba mà một”, nên cổ đức mới nói: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người viên đốn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên). Chúng ta hỏi A Hàm có phải là pháp Nhất Thừa hay không? Phương Đẳng có phải là pháp Nhất Thừa hay không? Bát Nhã có phải là pháp Nhất Thừa hay không? Nếu chẳng phải là pháp Nhất Thừa thì làm sao có thể hội quy pháp Nhất Thừa? Nếu chẳng phải là pháp Nhất Thừa, vì sao có thể tách thành pháp Tam Thừa? Một mà ba, ba nhưng một. Nói cách khác, pháp Nhất Thừa có thể nói cạn, có thể nói sâu, có thể nói dài, có thể nói ngắn, cùng một ý nghĩa mà có thể dài, ngắn, sâu, cạn. Trình độ cạn thì nói cạn, trở thành A Hàm. Trình độ bậc trung thì nói ở mức độ trung bình, trở thành Phương Đẳng hay Bát Nhã. Với người đã chín muồi thì nói chân thật, trở thành pháp Nhất Thừa, chuyện là như vậy đó! Do vậy, nhất định chớ nên chấp trước! Nếu khởi phân biệt, chấp trước trong ấy, khế nhập Nhất Thừa sẽ bị chướng ngại, quyết định chớ nên có phân biệt, chấp trước!

Chúng ta thấy rất nhiều người học Phật pháp tại Trung Quốc từ xưa đến nay, hễ học Phật bèn học ngay Đại Thừa, chưa hề học theo thứ tự thuận “A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã”. Ví như chúng ta học kinh Hoa Nghiêm, vừa nhập môn liền học kinh Hoa Nghiêm, được không? Được chứ! Kinh Hoa Nghiêm nói cạn sẽ là A Hàm, nói sâu là Phương Đẳng. Nếu dạy quý vị hãy “lìa hết thảy tướng, chính là hết thảy pháp” để đọc kinh Hoa Nghiêm thì là Bát Nhã. Có thể biến toàn bộ kinh Hoa Nghiêm thành cuộc sống của chúng ta, thành tâm hạnh hiện thời của chúng ta, thì gọi là pháp Nhất Thừa. Từ một bộ kinh cũng có thể thấy nghĩa quyền biến của Tam Thừa, tức ý nghĩa Quyền Giáo. Nếu quý vị hiểu đạo lý này, mới hiểu cổ nhân Trung Quốc tấn tu như thế nào. Thuở ấy, Thanh Lương đại sư tuyên giảng kinh Hoa Nghiêm tại Ngũ Đài, lão nhân gia suốt đời giảng năm mươi lượt, có học trò đã nghe Ngài giảng năm mươi lần. Năm mươi biến kinh Hoa Nghiêm là từ A Hàm giảng đến Phương Đẳng, giảng tới Bát Nhã, cuối cùng giảng đến Nhất Thừa, chẳng cần phải giảng gì khác, người đời sau tôn xưng lão nhân gia là Hoa Nghiêm Bồ Tát. Thật ra, giáo pháp đâu có Nhất Thừa hay Tam Thừa? Giáo không có Thừa, Thừa là do con người phân ra. Tam Thừa là do căn tánh chúng sanh bất đồng mà chia ra, Giáo chẳng có một hay ba, [căn tánh của] con người thì có một và ba; đem Giáo phối hợp với người nên Giáo cũng biến thành một hay ba, có ý nghĩa như vậy. Do vậy, hết thảy Phật pháp, không pháp nào chẳng sống động, hoạt bát, chớ nên chấp trước tướng văn tự thì mới có thể hiểu thông suốt đại nghĩa.


(Diễn) Đại xa, vị đại bạch ngưu xa, tức Đại Thừa diệu pháp dã.

() 大車,謂大白牛車,即大乘妙法也。

(Diễn: “Xe to” là xe ngựa, tức diệu pháp Đại Thừa).
Đây là tỷ dụ trong kinh Pháp Hoa, “đại bạch ngưu xa” là xe ngựa, người Ấn Độ gọi ngựa là “đại bạch ngưu”. Vào thời cổ, xe ngựa lớn nhất, có thể ngồi được mười mấy người, nên thường được sánh ví với Đại Thừa.

Đoạn này nhằm giải thích câu “đẳng ban trân tứ” (bình đẳng ban cho món quý báu); chỉ cần căn tánh chín muồi, Phật đối xử bình đẳng với hết thảy chúng sanh, quyết định giúp đỡ quý vị khế nhập pháp Nhất Thừa, đấy là bổn hoài xuất thế và bổn nguyện dạy học của Như Lai. “Dĩ Như Lai nhất đại thời giáo chi đại trí dã” (nêu lên những nét chánh yếu trong giáo pháp cả một đời Như Lai vậy). Tiếp theo đây giảng về pháp môn Niệm Phật, nói đến pháp môn đặc biệt.



(Sớ) Nhi ư kỳ trung, phục xuất Niệm Phật nhất môn, bất luận đại căn, tiểu căn, đản niệm Phật giả, tức đắc vãng sanh, diệc bất đãi căn thục, phương nãi hội chi quy Thật. Đản vãng sanh giả, tức đắc Bất Thoái, dụ như bất thứ chi trạc, ấm tự chi quan, ân xuất phi thường, danh “thù ân” dã.

() 而於其中,復出念佛一門,不論大根小根,但念佛者,即得往生。亦不待根熟,方乃會之歸實。但往生者,即得不退,喻如不次之擢、廕序之官,恩出非常,名殊恩也。

(Sớ: Nhưng trong ấy lại nêu ra một môn Niệm Phật, bất luận đại căn hay tiểu căn, chỉ niệm Phật liền được vãng sanh, cũng chẳng cần phải đợi đến khi căn cơ chín muồi mới dung hội về Thật pháp. Chỉ cần được vãng sanh sẽ liền được Bất Thoái, ví như chẳng theo thứ tự mà được nâng lên [địa vị cao tột], làm quan do tập ấm62, ân đức ấy vượt trỗi lẽ thường, nên gọi là ân đức thù thắng vậy).
Đoạn này nhằm giải thích câu cuối cùng, tỷ dụ pháp môn Niệm Phật. “Nhi ư kỳ trung” tức là trong các pháp Tam Thừa và Nhất Thật, mà cũng là trong giáo pháp suốt một đời đức Phật, “phục xuất Niệm Phật nhất môn” (lại nêu ra một môn Niệm Phật), “phục” (復) có nghĩa là “lại”, lại giảng cho quý vị pháp môn Niệm Phật này. Pháp môn này đặc biệt, Tam Thừa và Nhất Thừa trong phần trước đều có đại căn và tiểu căn, tiểu căn chỉ có thể học pháp Tiểu Thừa và Trung Thừa, [căn tánh] Đại Thừa mới học được pháp Bồ Tát; nhưng pháp môn Niệm Phật không cần! Quý vị hãy đọc lời chú giải trong bộ Diễn Nghĩa.
(Diễn) “Bất luận đại căn, tiểu căn” tam cú, đối thượng “thỉ thành Chánh Giác, diễn Đại Hoa Nghiêm” thuyết, vị: Hoa Nghiêm thuần tiếp thượng căn, hạ căn tuyệt phận.

() 不論大根小根三句,對上始成正覺,演大華嚴說。謂華嚴純接上根,下根絕分。

(Diễn: Ba câu “bất luận đại căn hay tiểu căn...” là nói đối ứng với câu “mới thành Chánh Giác, diễn Đại Hoa Nghiêm” trong phần trên. Ý nói: Hoa Nghiêm thuần tiếp thượng căn, hạ căn trọn chẳng có phần).
Đối tượng của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. Kẻ chưa phá vô minh, chưa chứng Pháp Thân sẽ chẳng có phần. Do vậy nói “hạ căn tuyệt phận”.
(Diễn) Kim tắc thượng tự Bất Thoái Bồ Tát, hạ cập du du phàm phu, tam căn phổ lợi cố.

() 今則上自不退菩薩,下及悠悠凡夫,三根普利故。

(Diễn: Nay thì trên từ hàng Bất Thoái Bồ Tát, dưới đến kẻ phàm phu miệt mài [mê muội], lợi lạc trọn khắp ba căn).
Nói về pháp môn Niệm Phật. “Thượng tự Bất Thoái Bồ Tát”: Bất Thoái Bồ Tát là Pháp Thân đại sĩ. Luận theo những bậc thượng căn thì [pháp môn Niệm Phật] có thể bao gồm trọn hết chúng đương cơ của kinh Hoa Nghiêm, đồng thời lại còn có thể bao gồm tất cả phàm phu, lục đạo phàm phu, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn! “Tam căn phổ lợi” (lợi ích khắp ba căn): Đối tượng của pháp này hết sức rộng lớn, thượng căn, trung căn, hạ căn, không gì chẳng bao gồm, họ đều đạt được lợi ích, đó gọi là “phổ lợi”. Trong phần Sớ đã viết: “Đản niệm Phật giả, tức đắc vãng sanh” (Chỉ cần là người niệm Phật liền được vãng sanh ). Tám chữ này hết sức quan trọng; nhưng “niệm Phật” thì quý vị phải biết niệm, nhất định phải đúng lý, đúng pháp thì sẽ đúng là “vạn người tu, vạn người về”.
(Diễn) Diệc bất đãi căn thục tứ cú.

() 亦不待根熟四句。

(Diễn: Bốn câu “cũng chẳng đợi căn cơ chín muồi...”).
Tức là đoạn “diệc bất đãi căn thục, phương nãi hội chi quy Thật, đản vãng sanh giả, tức đắc Bất Thoái” (cũng chẳng đợi căn cơ chín muồi rồi mới dung hội về pháp chân thật, chỉ cần được vãng sanh sẽ liền được Bất Thoái) trong lời Sớ, nói về bốn câu ấy.

(Diễn) Đối thượng “đại giáo nan đầu” ngũ cú thuyết, vị: Pháp Hoa đãi căn thành thục, phương nãi hội quy; kim tắc bất sĩ đàn ha, vô phiền đào thải, tức đắc Tây quy cố.

() 對上大教難投五句說,謂法華待根成熟,方乃會歸。今則不俟彈呵,無煩淘汰,即得西歸故。

(Diễn: Là nhằm đối ứng với năm câu “đại giáo khó thích hợp mọi căn cơ...” trong phần trên mà nói, nghĩa là: Pháp Hoa phải đợi căn cơ chín muồi rồi mới dung hội, quy nạp về [Nhất Thật], nay pháp môn này chẳng đợi chê bai, quở trách [các pháp quyền, tiểu], chẳng nhọc công đào thải, mà liền được về Tây vậy).

Đã trải qua bốn mươi năm dạy học mới có tư cách tham gia pháp hội Pháp Hoa. Nay thì chẳng cần phải chê bai, quở trách [pháp quyền tiểu], mà cũng chẳng cần phải đào thải [chấp trước tiểu pháp], liền thành tựu. Tập khí nặng nhất của phàm phu là phân biệt, chấp trước. Phật dành mười hai năm giảng cho họ pháp Tiểu Thừa, họ bèn chấp trước Tiểu Thừa. Phật thấy tu học pháp Tiểu Thừa đã đủ rồi, thành tích đã thuần thục rồi, có thể nâng họ lên cao một mức nữa, lại giảng kinh Phương Đẳng. Kinh Phương Đẳng chỗ nào cũng quở trách Tiểu Thừa, phê bình người Tiểu Thừa là “tiêu nha, bại chủng” (mầm mộng bị cháy, hạt giống lép), khuyên người tu Tiểu Thừa phải bỏ Tiểu Thừa, học pháp Đại Thừa, hồi Tiểu, hướng Đại, vì sao? Khi ấy mới có tư cách học Đại Thừa, họ đã có cơ sở Tiểu Thừa. Nói “xả Tiểu Thừa” là buông xuống, đừng nên chấp trước Tiểu Thừa, tiếp tục tấn tu Phật pháp Đại Thừa không ngừng, từ cơ sở Tiểu Thừa tấn tu Phật pháp Đại Thừa, như vậy là đúng! Họ học Phương Đẳng tám năm khá lắm, nhưng căn bệnh cũ lại bùng lên, lại chấp vào Phật pháp Đại Thừa. Hai mươi hai năm Bát Nhã hoàn toàn giảng về ly tướng, nói tới “tam luân thể không”, đào thải sạch sẽ chấp trước phàm tình của họ, hoàn toàn dùng tấm lòng thanh tịnh để tiếp nhận pháp Nhất Thừa. Trong hội Pháp Hoa giảng về pháp Nhất Thừa, tâm phải thanh tịnh mới có thể tiếp nhận pháp Nhất Thừa; nhưng trong pháp môn Niệm Phật, chẳng cần phải trải qua những giai đoạn ấy, chỉ cần vãng sanh sẽ đắc ba thứ Bất Thoái, thật chẳng thể nghĩ bàn!

Tiếp theo đó là tỷ dụ: Ví như “bất thứ chi trạc”, “trạc” (擢) là nâng cao lên; giống như thăng quan, mọi người đều có đẳng cấp, dần dần thăng lên chức cao hơn. Người này chẳng trải qua từng đẳng cấp, vừa được thăng chức liền đạt tới địa vị tối cao, do duyên cớ nào? “Ấm tự chi quan”, giống như trong thời đại đế vương thuở trước, cha là thân vương, con cái khôn lớn lại được phong làm thân vương, loại quan này gọi là “ấm tự chi quan” (làm quan nhờ tập ấm), tức thế tập, chẳng cần phải qua thăng chức dần dần, đây là ân đức đặc thù của hoàng đế. “Ân xuất phi thường, danh thù ân dã” (Ân đức vượt trỗi lẽ thường nên gọi là “thù ân”), mang ý nghĩa ấy. Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ giống như tình trạng này, chẳng cần phải trải qua nhiều đẳng cấp ngần ấy, [vừa vãng sanh] liền đạt ngay địa vị Pháp Thân đại sĩ, tuy chưa chứng đắc, dẫu chỉ là Hạ Phẩm Hạ Sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới liền được đãi ngộ, hưởng thụ giống như trong cõi Thật Báo, giống như quan chức do thế tập vậy. Ân vượt trỗi lẽ thường, chẳng thể nghĩ bàn!

Hôm nay lập hội Phật Giáo, chúng tôi và mấy vị chủ quản tôn giáo của chánh phủ cùng dùng cơm, chúng tôi rất cảm khái. Vì sao Phật giáo ở Trung Quốc có lịch sử tồn tại lâu dài như vậy? Vì sao nó có ảnh hưởng to lớn và sâu đậm đến văn hóa Trung Quốc như vậy? Ấy là vì nó được sức mạnh từ hàng quốc vương cho đến đại thần, sức mạnh của quốc gia hộ trì, cho nên có thể phát triển rạng rỡ. Hiện thời, tình thế khác rồi, dị đoan nẩy nở như rừng, mỗi cá nhân mua một khoảnh đất nhỏ, có thể giảng kinh thuyết pháp ở đó, mỗi người giảng một phách. Hiện thời, giảng kinh thuyết pháp chẳng biết là bao nhiêu! Mỗi một đạo tràng nhỏ tụ tập một nhóm tín đồ, phân tán sức mạnh của toàn thể Phật giáo, Phật giáo chẳng có sức ảnh hưởng đối với xã hội. Như trong hiện thời, pháp hội của chúng ta là tập trung thuyết pháp, tại thành phố Đài Bắc chỉ có một đại giảng đường, chẳng cần phải tách rời. Lần giảng kinh này, mấy ngàn người nghe, gây sức ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Quý vị thấy giảng kinh hằng ngày tại đây, hằng ngày có mấy ngàn người đến nghe, người không học Phật cũng đến học Phật. Họ thấy đằng kia, nơi này có mấy người, hai mươi người, ba mươi người, chẳng bằng Cơ Đốc giáo. Nếu họ muốn nghe kinh thì nơi này giảng khác nơi kia, giảng những ý nghĩa khác nhau; nghe nhiều người giảng, chẳng biết ai giảng đúng, ai giảng trật, nên nghe thuyết pháp theo kiểu nào? Đấy là tri kiến không thống nhất, không có nhận thức chung, đấy là tướng suy, tướng diệt pháp trong Phật pháp.



Trước kia, người xuất gia có tư cách xuất gia, hoằng pháp có tiêu chuẩn hoằng pháp, chẳng thể ai cũng có thể tùy tiện giảng kinh, mà cũng chẳng phải ai cũng có thể tùy tiện xuất gia. Do vậy, họ có trình độ khá cao. Nếu hiện thời quốc gia thật sự chú ý đến chuyện này, nhân tài hoằng pháp phải tập trung huấn luyện. Nếu kiến giải khác nhau, trong nhà mình có thể đóng cửa để thảo luận, nhưng khi giảng cho bên ngoài nhất định phải giảng giống như nhau, chớ nên gây nghi hoặc, hoài nghi cho người nghe, như vậy mới được! Pháp sư giảng kinh phải thường nhóm họp một chỗ, cùng nghiên cứu thảo luận, trao đổi những điều tâm đắc, có thể thường họp lại biện luận, nhằm đối nội chứ không đối ngoại. Như vậy thì bất luận là lý luận, phương pháp, hay sự tu trì cá nhân, mọi người nhất định có tiến bộ. Không cần biết là giảng bộ kinh nào, nói chung không gây hiểu lầm, theo cùng một phương hướng. Phương hướng ấy chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hoặc là trong Hành Môn có một nguyên tắc tối cao: Tam Quy Y. Đây là nguyên tắc chỉ đạo của chúng ta: Quy y Phật, Phật là giác chứ không mê; quy y Pháp, Pháp là chánh chứ không tà, chánh tri chánh kiến, chẳng phải là tà tri, tà kiến; quy y Tăng, Tăng là tịnh chứ không nhiễm. Thân tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Nguyên tắc lớn này tốt lắm, Phật pháp có thể hưng vượng.

(Diễn) Bất thứ chi trạc giả, ngôn thử độ tu hành, tiệm tiệm đoạn Hoặc, phương xuất sanh tử, như thọ quan giả, tất tuần tư cách, thứ đệ thăng thọ.

() 不次之擢者,言此土修行,漸漸斷惑,方出生死,如授官者,必循資格次第升授。

(Diễn: “Chẳng theo thứ tự mà được nâng cao lên” là nói tu hành trong cõi này, phải đoạn Hoặc dần dần thì mới thoát khỏi sanh tử, như được phong làm quan, phải căn cứ trên tư cách mà lần lượt trao cho những chức quan cao hơn).
Ý nghĩa này vừa mới giảng rồi.
(Diễn) Kim Niệm Phật pháp môn, bất tất tiệm tiệm đoạn Hoặc, đản đắc vãng sanh tức siêu sanh tử, dụ như bất tuần thứ đệ, đốn thọ cao quan dã. Ấm tự chi quan giả, ngôn thử độ tu hành, công viên hạnh mãn, phương thành thánh quả.

() 今念佛法門,不必漸漸斷惑,但得往生即超生死,喻如不循次第,頓授高官也。廕序之官者,言此土修行,功圓行滿,方成聖果。

(Diễn: Nay pháp môn Niệm Phật chẳng cần phải dần dần đoạn Hoặc, chỉ cần được vãng sanh liền vượt thoát sanh tử, ví như chẳng theo thứ tự, liền được trao ngay chức quan cao. “Được tập ấm làm quan” là nói tu hành trong cõi này, phải công hạnh viên mãn thì mới thành tựu thánh quả được).
Đây là nói về tu hành theo đường lối thông thường.

(Diễn) Như đắc quan giả, tất Minh Kinh trúng thức.

() 如得官者,必明經中式。

(Diễn: Như được làm quan ắt phải thi đỗ khóa thi Minh Kinh).
Trước kia, khảo thí Tứ Thư, Ngũ Kinh, ắt phải thông đạt, hiểu rõ những kinh luận ấy [thì mới đậu khoa thi Minh Kinh], đó là quan văn.
(Diễn) Hoặc hãn mã thành công.

() 或汗馬成功。

(Diễn: Hoặc dầy công hãn mã63).
Đây là quan võ, đều phải qua khảo thí.
(Diễn) Kim Niệm Phật pháp môn, bất tất công hạnh viên mãn.

() 今念佛法門,不必功行圓滿。

(Diễn: Nay pháp môn Niệm Phật không cần phải công hạnh viên mãn).
Không cần đến.
(Diễn) Trượng Phật nguyện lực, tật đăng bỉ ngạn.

() 仗佛願力,疾登彼岸。

(Diễn: Nhờ vào nguyện lực của Phật, mau chóng lên bờ kia).
Đây là nói tới đới nghiệp vãng sanh, chẳng cần phải phá vô minh, chẳng cần phải đoạn Kiến Tư phiền não, đới nghiệp vãng sanh là thành công rồi!
(Diễn) Dụ như tổ tông di ấm, hiện ưng tước lộc dã.

() 喻如祖宗遺廕,現膺爵祿也。

(Diễn: Ví như tổ tông di ấm64, nay con cháu được hưởng tước lộc).
Thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Sánh ví hết sức hay. Hôm nay đã hết giờ rồi!
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 11 hết
---o0o---


tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương