阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang21/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   101

Phần 11

Tập 21

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, trang hai mươi ba:


(Sớ) Hựu tiền thị Tánh Đức, kim thị Tu Đức. Tiền thị tự tánh thanh tịnh, kim thị ly cấu thanh tịnh, nãi chí tánh tịnh chướng tận đẳng, hỗ dung bất nhị như Giáo trung thuyết.

() 又前是性德,今是修德。前是自性清淨,今是離垢清淨。乃至性淨障盡等,互融不二,如教中說。

(Sớ: Lại nữa, phần trước nói về Tánh Đức, phần này nói về Tu Đức. Phần trước là tự tánh thanh tịnh, phần này là ly cấu thanh tịnh, cho đến tánh thanh tịnh, hết chướng v.v... dung nhập lẫn nhau, chẳng hai, như trong Giáo đã nói).
Đoạn này là lời tổng kết cho khoa này, trình bày rất rõ ràng. Chữ “tiền” () chỉ đoạn thứ nhất, tức là phần Minh Tánh. Phần Minh Tánh giảng về Tánh Đức, còn đoạn thứ hai này là Tán Kinh (khen ngợi kinh). Tán Kinh chính là nói về Tu Đức. Trong đoạn Minh Tánh, kinh văn khá sâu, giảng về “tự tánh thanh tịnh”, câu nào cũng đều bàn luận xứng tánh; còn đoạn Tán Kinh này giảng về Tu Đức. Tánh Đức tuy vốn sẵn đủ, nhưng nếu không có Tu Đức, Tánh Đức của chúng ta sẽ chẳng thể hiện tiền. Tánh Đức nhất định phải dựa vào Tu Đức mới có thể hiện tiền, “Tánh - Tu bất nhị”. Nếu hiểu đạo lý này, chắc chắn chẳng thể chấp Lý phế Sự, hoặc chấp Sự phế Lý. Do đây có thể biết: Người niệm Phật chẳng thể không hiểu giáo nghĩa, chẳng thể không hiểu giáo lý. “Tự tánh thanh tịnh tâm” là giáo lý, mà cũng là giáo thể, nhất định phải hiểu rõ [giáo lý và giáo thể] rồi mới có thể thật sự “đoạn Hoặc, chứng Chân”.
(Diễn) Hựu tiền thị hạ, thị tổng kết lưỡng tiết, Tánh Đức, Tu Đức, xuất Thiên Thai giáo.

() 又前是下,是總結兩節。性德、修德,出天台教。

(Diễn: Lại nữa, từ chữ “tiền thị” trở đi, tổng kết hai đoạn [Minh Tánh và Tán Kinh, khái niệm] Tánh Đức và Tu Đức phát xuất từ tông Thiên Thai).


Đoạn kinh văn này nhằm tổng kết hai đoạn kinh văn ở phía trên, đoạn thứ nhất là Minh Tánh, đoạn thứ hai là Tán Kinh. Đoạn thứ nhất nói về giáo lý, xuyên suốt tất cả kinh luận. Chẳng những kinh luận trong nhà Phật đều từ Tánh Đức lưu lộ, mà thậm chí hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian, có thể nói là hết thảy pháp trong tận hư không, trọn khắp pháp giới, không gì chẳng từ Tánh Đức biến hiện. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Đoạn thứ nhất hết sức trọng yếu.

Chúng sanh tuy sẵn có Tánh Đức, nhưng nếu không có Tu Đức thì từ đầu đến cuối Tánh Đức bị vô minh, phiền não trói buộc, chẳng thể hiển hiện. Giống như chúng ta trong hiện thời, có ai trong chúng ta chẳng sẵn đủ Tánh Đức? Nói theo phương diện Tánh Đức, kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác đã dạy: “Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật). Không sai! Quả thật vốn sẵn là Phật! Trong [giáo nghĩa] Lục Tức Phật, Thiên Thai đại sư có nói Lý Tức Phật, tức là nói theo phương diện Tánh Đức. Tuy bổn tánh của chúng ta vốn chẳng hai chẳng khác với chư Phật, nhưng hiện thời cảnh giới của chúng ta khổ sở chẳng thể kham nói nổi! Vì sao biến thành như vậy? Vì mê mất Tánh Đức, còn Phật, Bồ Tát thì ngộ Tánh Đức này; có thể thấy Tánh Đức không hai, chỉ có mê hay ngộ khác nhau. Mê bèn là phàm phu lục đạo, giác ngộ sẽ là chư Phật, Bồ Tát.

Nay chúng ta đã mê, phải phá mê khai ngộ ra sao? Chính là phải nói đến Tu Đức. Trong phương diện Tu Đức, ở đây, Liên Trì đại sư đặc biệt nói đến Tán Kinh. Nói cách khác, chúng ta muốn tu hành thì kinh điển có quan hệ mật thiết nhất đối với chúng ta. Chúng ta dựa vào đâu để tu? Nương tựa vào thứ gì? Kinh điển là chỗ nương tựa duy nhất. Kinh điển có thật sự đáng nương cậy hay chăng? Chúng ta không khỏi nẩy sanh hoài nghi. Nếu hiểu đoạn thứ nhất đôi chút thì những nghi vấn ấy sẽ được giải quyết. Kinh điển từ Tánh Đức của Phật lưu lộ. Nói cách khác, chúng ta nương vào kinh điển là nương vào Tánh Đức. Tu Đức là nương vào Tánh Đức để khởi tu, làm sao có thể nói là chẳng thể khôi phục Tánh Đức? Đấy là sự mạch lạc trong văn tự, nói Tánh Đức xong, lập tức bàn về Tu Đức, đạo lý là ở chỗ này!

Khi đức Thế Tôn sắp nhập diệt, Ngài đã dạy các đệ tử mai sau hãy nương theo Tứ Y Pháp, điều thứ nhất là “y pháp, bất y nhân”. Quý vị phải hiểu: Pháp là Tánh Đức, là viên mãn. Như Lai chứng đắc cực quả rốt ráo, Pháp từ quả đức viên mãn rốt ráo mà lưu lộ. Vì sao chẳng thể nương theo người? Con người dẫu tu tốt đẹp tới đâu đi nữa, Tánh Đức vẫn chưa thể phô bày trọn vẹn. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phần vô minh chưa phá, chưa chứng Tánh Đức viên mãn. Đạo lý là ở chỗ này! “Xuất Thiên Thai giáo”: Hai danh từ Tánh và Tu thoạt đầu do Thiên Thai đại sư lập ra.


(Diễn) Tự tánh thanh tịnh, ly cấu thanh tịnh, xuất Khởi Tín Luận.

() 自性清淨,離垢清淨,出起信論。

(Diễn: Hai khái niệm tự tánh thanh tịnh và ly cấu thanh tịnh phát xuất từ Khởi Tín Luận).

Tự tánh thanh tịnh và ly cấu thanh tịnh” xuất phát từ Khởi Tín Luận, tức xuất phát từ hai câu nói trong bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát. Thật ra, chúng chính là Tánh Đức và Tu Đức. Từ bổn tánh mà nói thì “tự tánh thanh tịnh” vốn chẳng nhiễm, tại thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng nhơ, chẳng sạch. Đó mới là thanh tịnh thật sự. “Tự tánh thanh tịnh” chính là Tánh Đức như tông Thiên Thai đã nói. “Ly cấu thanh tịnh” giống như Tu Đức trong tông Thiên Thai. “Cấu” () là phiền não, Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh, chúng có thể nhuốm bẩn bổn tánh. Sự nhuốm bẩn ấy chẳng phải là thật sự nhuốm bẩn. Nếu bổn tánh có thể bị thứ gì khác nhuốm bẩn, sẽ chẳng thể gọi là chân tánh. Đấy là tương tự, chứ không phải thật sự bị nhuốm bẩn. Giống như gặp phải ngày trời âm u, mặt trời không mọc. Mặt trời đi đâu rồi? Bị mây che lấp. Quý vị hãy suy nghĩ: Mây có thể che lấp mặt trời hay không? Chẳng thể che lấp! Mặt trời quá ư là lớn, chẳng thể che lấp được, [chỉ là] dường như bị che lấp mà thôi, che lấp gì vậy? [Mây] che lấp con mắt của chính mình, khiến cho chúng ta chẳng thấy được mặt trời. Có chướng ngại ấy thì tự tánh thanh tịnh của chúng ta chẳng thể hiện tiền. Nếu tự tánh thanh tịnh hiện tiền, nhất định phải lìa phiền não. Chẳng lìa phiền não, tự tánh thanh tịnh vẫn chẳng thể hiện tiền. Tự tánh thanh tịnh hiện tiền thì gọi là Phật hay Bồ Tát. Chẳng thể hiện tiền, bị phiền não che lấp, thì gọi là phàm phu. Đấy là nguyên tắc và nguyên lý được nói trong ngàn kinh vạn luận và vô lượng pháp môn, quyết định chẳng thể thay đổi được!


(Diễn) Tánh tịnh chướng tận, xuất Viên Giác Kinh.

() 性淨障盡,出圓覺經。

(Diễn: Câu “tánh tịnh, chướng hết” trích từ kinh Viên Giác).
Câu “tánh tịnh, chướng tận” lấy từ kinh Viên Giác. Ba câu trên đây lấy từ ba thứ kinh luận khác nhau để dẫn chứng. Nêu ra ba thứ kinh luận khác nhau với hàm ý: Ngàn kinh muôn luận không gì chẳng nói như vậy. Đó gọi là Phật pháp. Nếu trái nghịch nguyên tắc và nguyên lý này sẽ chẳng phải là Phật pháp. Tương ứng với nguyên tắc và nguyên lý này thì gọi là “học Phật”. Chẳng tương ứng với nguyên tắc và nguyên lý này thì gọi là “ngoại đạo”. Do vậy, bản thân chúng ta phải kiểm điểm tâm hạnh của chính mình, xem nó có tương ứng với nguyên tắc và nguyên lý này hay không? Chúng ta hằng ngày tu hành, khi tu thì có đức hay là không? Tu Đức, đức ấy là Tánh Đức, tu Tánh Đức, Tánh Đức là gì? “Tự tánh thanh tịnh”, “tánh tịnh, chướng tận”.

Chúng ta mỗi ngày tu hành, có phải phiền não ngày một giảm nhẹ hay không? Nếu phiền não ngày một giảm nhẹ, cái tâm trong cảnh giới ấy đương nhiên ngày một thanh tịnh. Đấy gọi là Tu Đức. Do sự tu tập ấy, quý vị sẽ đạt được gì? Tánh Đức. Phiền não giảm từng phần thì Tánh Đức thấu lộ từng phần. Nếu chúng ta mỗi ngày dụng công tu hành, chẳng thấy phiền não giảm thiểu, Tánh Đức chẳng tỏ lộ, tuy tu mà không có đức, tu uổng công rồi! Tuy tu mà chẳng đạt được thành tích. Nếu quý vị hiểu rõ nguyên lý này, bất luận quý vị niệm Phật, tham Thiền, trì chú, tụng kinh, hay lễ bái, phương pháp, mánh khóe vô lượng vô biên, nhưng đều chẳng tách rời nguyên tắc này. Bất luận dùng mánh khóe nào, nói chung là phải đoạn phiền não, phải chứng cái tâm tự tánh thanh tịnh. Tự tánh thanh tịnh là đại Bồ Đề tâm, phải chứng đại Bồ Đề!


(Diễn) “Hỗ dung” nhất cú, tổng đảnh thượng tam chủng. “Hỗ dung bất nhị” giả, vị toàn tánh khởi tu, toàn tu tức tánh, tánh ngoại vô tu, tu ngoại vô tánh dã.

() 互融一句,總頂上三種。互融不二者,謂全性起修,全修即性,性外無修,修外無性也。

(Diễn: Câu “hỗ dung” (dung nhập lẫn nhau) tổng kết ba thứ trên đây. “Dung nhập lẫn nhau chẳng hai” ý nói: Dùng toàn bộ tánh để bắt đầu tu, toàn thể tu chính là tánh, ngoài tánh không có tu, ngoài tu không có tánh).
“Hỗ dung bất nhị” (dung nhập lẫn nhau chẳng hai) thì mới thật sự nhập môn. Đối với người tu pháp môn Niệm Phật chấp trì danh hiệu mà nói, đây là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm thì Tánh và Tu chưa viên dung, vẫn là hai, Tánh Đức chưa phải là Tu Đức, Tu Đức chẳng phải là Tánh Đức. Công phu thành phiến và Sự nhất tâm bất loạn đều chưa viên dung, viên dung là Lý nhất tâm bất loạn. Vì sao kẻ ấy (hành giả tu pháp môn Niệm Phật) chẳng thể viên dung? Kẻ ấy chẳng hiểu rõ, thông đạt ý nghĩa của hai đoạn Minh Tánh và Tán Kinh trong bộ Sớ Sao. Nói như vậy, người niệm Phật chúng ta chẳng thể không nghiên cứu kinh. Những kinh khác chúng ta có thể không nghiên cứu, chứ kinh A Di Đà chẳng thể không nghiên cứu, lại còn phải thâm nhập, thông hiểu thấu triệt nó bằng sách Sớ Sao Diễn Nghĩa.

Nay chúng ta triển khai Sớ Sao, nhờ bộ Diễn Nghĩa mới thấu hiểu những ý nghĩa rộng lớn, tinh vi, sâu xa trong đó. Nếu không có bộ Diễn Nghĩa này, sách Sớ Sao vẫn còn là quá sâu, rất nhiều nghĩa lý vi diệu trong ấy chúng ta vẫn chưa thấy được. Có bộ Diễn Nghĩa thì mới thật sự thông suốt bổn hoài của Liên Trì đại sư, mà cũng là thấu hiểu thông suốt bổn hoài trong giáo pháp suốt cả một đời đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Bản chú giải này quả thật là công đức vô lượng vô biên, thật đúng như bài kệ Khai Kinh đã nói “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ). Có câu nói: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (Thân người khó được, Phật pháp khó nghe), chúng ta đã được làm thân người, mà cũng được gặp Phật pháp. Chẳng những được gặp, mà còn gặp sách Sớ Sao Diễn Nghĩa thật sự khó gặp, nếu trong một đời này chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới tức là phụ bạc chính mình quá mức! Có được bộ Sớ Sao này, không chỉ vãng sanh, mà còn nếu dùng một chút sức sẽ có thể Thượng Phẩm Thượng Sanh, vì sao? Tất cả nghi chướng của quý vị đều bị phá trừ. Phá trừ nghi chướng, trong một đời này chắc chắn sẽ đắc Lý nhất tâm bất loạn, Thượng Phẩm Thượng Sanh, thật sự khế nhập “Tánh - Tu bất nhị”, đạt đến cảnh giới ấy.

Toàn tánh” là Tánh Đức, “khởi tu” là Tu Đức, “toàn tu” là Tu Đức, “tức tánh” là Tánh Đức, là một chuyện, chứ không phải hai chuyện. “Ngoài Tánh không có Tu, ngoài Tu không có Tánh”: Trong phần trên, chúng tôi đã giảng rõ ý nghĩa Tánh Đức và Tu Đức, chúng do tâm hiện, thức biến. Tâm thức chính là tác dụng của Tánh Đức. Nếu dựa theo kinh Đại Phương Quảng đã giảng về “Thể, Tướng, Dụng”, Tánh Đức là Thể, duy tâm sở hiện là Tướng, duy thức sở biến là tác dụng. Thể - Tướng - Dụng là một, dung nhập lẫn nhau, không hai. Nói tới Thể, nhất định bao gồm Tướng và Dụng; nói đến Tướng, nhất định bao gồm Thể và Dụng. Một mà ba, ba mà một, đấy mới là thật sự khế nhập “ngoài Tánh không có Tu, ngoài Tu không có Tánh”. Khi ấy, kinh Đại Thừa thường nói là “lìa hết thảy tướng, chính là hết thảy pháp”. Sự “lìa” ấy chẳng phải là nói lìa tướng bên ngoài. Quý vị phải nhớ: Tướng bên ngoài chính là Thật Tướng của Tánh Đức, làm sao quý vị có thể lìa được? “Lìa” ở đây chính là lìa tướng hư vọng trong tâm của chúng ta, lìa tướng ấy!

Nếu quý vị đã từng đọc Duy Thức Luận thì câu nói này sẽ dễ giảng, mà cũng dễ hiểu. Trong Duy Thức Luận đã giảng rõ: Tâm và Tâm Sở mỗi thứ đều có bốn phần, [mỗi Tâm Vương trong] tám Tâm Vương đều có bốn phần, [mỗi Tâm Sở trong] năm mươi mốt pháp Tâm Sở cũng có bốn phần, tức: Tự Chứng Phần, Chứng Tự Chứng Phần, Kiến Phần và Tướng Phần. Chúng ta lìa hết thảy tướng, tức là lìa Tướng Phần của Tâm và Tâm Sở, chứ không phải là lìa tướng cảnh giới bên ngoài; nhưng quý vị phải biết: Tướng Phần [hư vọng như vừa nói đó] của Tâm và Tâm Sở là kể từ thức thứ bảy trở xuống (tức bảy thức trước, không tính A Lại Da thức). Bởi lẽ, Tướng Phần của thức thứ tám là Thân Tướng Phần! Tướng Phần của thức thứ tám là Tướng Phần của Tánh Đức, không có cách nào lìa được, các nhà Duy Thức gọi nó là Bổn Chất Tướng, kinh gọi nó là “Thật Tướng của các pháp”. “Lìa” là lìa tướng hư vọng, tức [là lìa] Tướng Phần của Thất Chuyển Thức58 và năm mươi mốt Tâm Sở59, chúng là tướng hư vọng, không thật. Lìa hết thảy tướng, chính là hết thảy pháp, “chính là hết thảy pháp” tức là [do lìa hết thảy Tướng Phần hư vọng (Sơ Tướng Phần) của bảy thức và các Tâm Sở bèn] thấy được Bổn Chất Tướng của hết thảy pháp, thấy được Thật Tướng của các pháp. Có ý nghĩa này! Khi đạt được điều này thì mới có thể thật sự ngộ nhập “Tánh - Tu bất nhị, vạn pháp giống hệt như một”.


(Diễn) Hựu cựu vân: “Tánh tịnh, chướng tận, hỗ dung bất nhị” giả.

() 又舊云:性淨障盡,互融不二者。

(Diễn: Lại như cổ đức nói:“Tánh tịnh, chướng tận, dung nhập lẫn nhau bất nhị” thì ...)
“Tánh” vốn sẵn thanh tịnh, tức là tự tánh thanh tịnh. “Chướng” () là hai thứ chướng, tức Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, mà cũng là Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh, những chướng ấy cũng hết. Khi đó, chẳng những Lý - Sự viên dung, mà lại còn “Sự - Sự viên dung” như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Đấy chính là Lý - Sự vô ngại và Sự - Sự vô ngại dung nhập lẫn nhau, chẳng hai!
(Diễn) Dĩ toàn tánh khởi tu thời, phá toàn tánh chi vô minh, đoạn toàn tánh chi sanh tử, chung nhật bổn thể, chung nhật công phu, tánh tịnh tức chướng tận dã.

() 以全性起修時,破全性之無明,斷全性之生死,終日本體,終日工夫,性淨即障盡也。

(Diễn: Do khi toàn tánh khởi tu thì sẽ phá vô minh nơi toàn tánh, đoạn sanh tử nơi toàn tánh, suốt ngày là bổn thể, suốt ngày công phu, tánh tịnh thì chướng sẽ hết).
Đây là cảnh giới Cứu Cánh Tức Phật [trong Lục Tức Phật của tông Thiên Thai]. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phần sanh tướng vô minh chưa đoạn, do chướng chưa đoạn sạch sẽ, Tánh vẫn chưa hoàn toàn tịnh. Phải đạt tới “tánh tịnh, chướng tận” thì mới là đạt đến mục tiêu học Phật một cách viên mãn, đấy là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng phải là Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là công phu Lý nhất tâm đạt đến chỗ cùng cực. Phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, chính là Lý nhất tâm bất loạn. Cùng chứng Lý nhất tâm như nhau, nhưng công phu sâu hay cạn khác biệt rất lớn. Từ địa vị Sơ Trụ của Viên Giáo cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều gọi là Lý nhất tâm; ở đây, đại sư nêu ra nguyên tắc này. Nói cách khác, giúp cho chúng ta thành tựu Lý nhất tâm bất loạn, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề trong một đời; do vậy, nếu chướng đã hết thì Tánh sẽ thanh tịnh viên mãn.

Đối với một câu Phật hiệu, điều khẩn yếu nhất là phải khởi lên sự nhận biết này: Phải giác ngộ! Hễ giác thì phiền não chẳng còn nữa, vô minh cũng chẳng còn. Vô minh và phiền não do đâu mà có? Do tâm bất giác động mà có vô minh. Từ vô minh, nếu tiếp tục mê, càng mê càng sâu nên mới sanh ra ba tướng tế, xuất hiện sáu tướng thô. Chúng ta càng mê sâu hơn trong cảnh giới, câu A Di Đà Phật nhắc nhở chúng ta giác ngộ, giác chứ không mê. Sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” dịch sang tiếng Hán là Quy Y Vô Lượng Giác. Một câu Phật hiệu này chẳng những từ tâm đấng Đạo Sư A Di Đà Phật trong cõi Tây Phương in vào tâm [chúng sanh], mà còn là điều kiện tất yếu để tiếp nhận Tha Lực (pháp môn này được gọi là Nhị Lực pháp môn), nhưng Tự Lực lại càng trọng yếu hơn! Tự Lực niệm niệm nhắc nhở Tự Tánh Giác: Giác rồi thì Tánh sẽ tịnh. Giác rồi thì chướng sẽ đoạn.

Làm thế nào để khiến cho một câu A Di Đà Phật niệm nơi miệng mà mỗi tiếng đều là Tự Tánh Giác? Cổ nhân thường nói: “Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì” (Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm). Niệm là gì? Vô minh, phiền não. Nay chúng ta tạm chẳng bàn đến vô minh, tướng ấy quá nhỏ nhiệm, ngay cả Kiến Tư phiền não mà chúng ta còn chưa đoạn được, làm sao có thể đoạn vô minh? Công phu là tuần tự mà tiến dần dần! Trước hết là chế phục Kiến Tư, đắc công phu thành phiến, rồi lại đoạn Kiến Tư, đắc Sự nhất tâm bất loạn. Cuối cùng lại phá vô minh, thành tựu Lý nhất tâm bất loạn. Trong một đời này, có thể làm được như vậy, nhưng quý vị phải biết niệm. Người không biết niệm, dẫu suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, nhưng một câu Phật hiệu chẳng thể chế phục phiền não. Phiền não là mê, nếu người ấy chẳng giác nơi Phật hiệu thì Phật hiệu của người ấy vẫn là mê. Mê sẽ chẳng thể phá mê được! Ngộ mới có thể phá mê. Người ấy mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu mà vẫn chẳng thể phá mê, niệm theo kiểu như vậy chẳng thể vãng sanh.

Mê là gì? Trong tâm khởi tâm động niệm là mê. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, bất luận dấy lên thiện niệm hay ác niệm, hễ dấy niệm bèn là vô minh, là mê. Bởi lẽ, trong cái tâm tự tánh thanh tịnh vốn chẳng có một vật, chẳng có ý niệm. Hễ có một ý niệm thì phải giác ngộ ngay lập tức, ngay tức khắc “Nam-mô A Di Đà Phật”, vì sao? Một ý niệm vừa khởi lên, tự mình biết là mê, Nam-mô A Di Đà Phật ta lại giác; hễ giác, vọng niệm chẳng còn nữa. Do vậy, công phu sơ bộ là hễ niệm dấy lên liền lập tức dùng A Di Đà Phật thay thế nó. Bởi lẽ, quý vị dấy lên một niệm là mê, là phiền não; một câu A Di Đà Phật là ngộ, là giác, lập tức chế phục phiền não. Phương pháp niệm như vậy là đúng cách.

Dùng một câu Phật hiệu thay thế hết thảy vọng niệm. Đối với tất cả phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều dùng một câu Phật hiệu để thay thế. Một câu Phật hiệu này có thể chế phục phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Có thể thật sự chế phục trong nửa năm thì công phu của quý vị liền thành phiến. Chế phục ba năm, chắc chắn có thể đạt được Sự nhất tâm bất loạn, quý vị đã chứng được Niệm Phật tam-muội, đấy là công phu chân chánh. Đoạn kinh văn này giảng về lý luận ấy. Tu Đức được kiến lập từ Tánh Đức, huống chi Tánh và Tu bất nhị! Phương pháp này là “toàn Tánh khởi Tu”, vì sao? Danh hiệu A Di Đà Phật là danh xưng của Tánh Đức, là danh hiệu của Tánh Đức. Chúng ta niệm một câu danh hiệu này, tức là niệm một câu A Di Đà Phật sẽ chính là [niệm] toàn thể Tu Đức. Toàn bộ tánh là Nam-mô A Di Đà Phật, toàn thể tu cũng là Nam-mô A Di Đà Phật. Quý vị nhất định phải thấu hiểu ý nghĩa này.

Tâm Kinh đến cuối cùng quy kết Bát Nhã là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, chú không gì sánh bằng. Tôi sợ nhất là quý vị vừa nghe đến chữ Chú liền ngay lập tức học Mật, nhất định quý vị sẽ hiểu lầm, đi theo ngã rẽ. Chú trong tiếng Phạn là đà-la-ni, có nghĩa “gồm thâu hết pháp, nắm giữ hết thảy nghĩa”. Tôi đặc biệt nhắc nhở mọi người: Một câu Nam-mô A Di Đà Phật có phải là đà-la-ni hay không? Câu này có phải là gồm thâu hết thảy pháp, nắm giữ hết thảy nghĩa hay chăng? Không sai một tí nào! So với Bát Nhã Tâm Kinh, nó còn cao minh hơn. Bát Nhã Tâm Kinh là đại thần chú, một câu Nam-mô A Di Đà Phật là vô thượng đại thần chú, là thần chú vô thượng không gì sánh bằng. Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối niệm câu A Di Đà Phật chính là quý vị đang tu vô thượng Mật Thừa, chẳng cần phải học pháp Mật Tông nào khác nữa.



Có nhận biết như vậy thì trong một đời này, nếu chúng ta là người công phu nhanh chóng, trong ba năm sẽ đắc Niệm Phật tam-muội, Thiền Định khá lắm. Năm năm, mười năm có thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, có thể phá một phần vô minh. Nếu quý vị biết sử dụng, tức là những lý luận, phương pháp và cảnh giới trong A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa đều biết sử dụng, hoàn toàn có thể vận dụng chúng vào cuộc sống thường nhật, biến một bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa thành cuộc sống của chính mình, đấy là toàn tánh khởi tu, hoàn toàn phá vô minh, trong đời này sẽ Thượng Phẩm Thượng Sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Viên mãn Bồ Đề trong một đời, xét về mặt lý luận, chẳng phải là không thể, nhưng xét theo mặt Sự thì có được hay chăng? Được chứ! Nói theo mặt Sự cũng thông suốt. Vấn đề là quý vị có thật sự liễu giải giáo nghĩa hay chăng? Có liễu giải triệt để hay là không? Có phải là quý vị đã biến sự liễu giải ấy thành cuộc sống của chính mình hay không? Sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần thì không gì chẳng phải! Đó gọi là “toàn tánh khởi tu”, đó mới gọi là “suốt ngày bổn thể, suốt ngày công phu”. Một câu A Di Đà Phật thoạt đầu nhằm chế phục phiền não, rồi đoạn phiền não, mục đích rốt ráo cuối cùng là tâm thanh tịnh hiện tiền. Quán chiếu và công phu nhất định phải biết vận dụng lẫn nhau, sẽ tiến triển nhanh chóng. Câu tiếp theo đây bàn đến sự giao xen, dùng lẫn cho nhau.
(Diễn) Dĩ toàn Tu tức Tánh thời, tuy phá vô minh, phá vô sở phá, tuy đoạn sanh tử, đoạn vô sở đoạn. Chung nhật công phu, chung nhật bổn thể, chướng tận tức tánh tịnh dã.

() 以全修即性時,雖破無明,破無所破。雖斷生死,斷無所斷。終日工夫,終日本體,障盡即性淨也。

(Diễn: Bởi lẽ, khi toàn thể Tu là Tánh thì tuy phá vô minh, mà phá cái chẳng có gì để phá, tuy đoạn sanh tử mà đoạn cái chẳng có gì để đoạn. Suốt ngày công phu, suốt ngày bổn thể, chướng hết, tánh bèn tịnh).
Hai câu này nói gộp lại, tức là công phu được vận dụng lẫn nhau. Chúng ta muốn nói câu này cho rõ ràng thì cách vận dụng lẫn nhau là như thế nào? Đừng bị mê hoặc bởi văn tự. Tầng ý nghĩa thứ nhất là công phu nơi Phật hiệu: “Khi khởi tâm động niệm bèn lập tức dùng Phật hiệu để chế phục, lập tức thay đổi [vọng niệm thành Phật hiệu]”. Tầng thứ hai là sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, quyết định dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Chân tâm là tâm thanh tịnh; do vậy, mắt thanh tịnh thấy sắc thanh tịnh ở bên ngoài. Chúng ta dùng Nhãn Thức sẽ thấy Sắc Trần, vì sao? Nhãn Thức chẳng thanh tịnh. Vì sao Nhãn Thức chẳng thanh tịnh? Trong Nhãn Thức có bốn phần, [trong bốn phần ấy] có Kiến Phần và Tướng Phần, cho nên chẳng thanh tịnh. Lìa hết thảy tướng, chúng ta dùng con mắt thanh tịnh để thấy sắc thanh tịnh, dùng tai thanh tịnh để nghe tiếng thanh tịnh. Đây là dạy quý vị hãy dùng cái tâm thanh tịnh như thế nào để thấy cảnh giới thanh tịnh bên ngoài. Tầng ý nghĩa thứ hai là như vậy đó.

Nếu chúng tôi nói kiểu này mà quý vị vẫn chưa hiểu rõ thì hãy nhớ một nguyên tắc đơn giản nhất như sau: Đãi người, tiếp vật bằng lòng chân thành, quyết định chẳng lừa dối, quyết định chẳng hư giả. Người khác lừa dối chúng ta, chúng ta vẫn phải đối đãi với họ bằng lòng chân thành, vì sao? Họ đang mê, họ không biết Tu Đức, chúng ta đã giác ngộ, chúng ta phải toàn tánh khởi tu, toàn tu tức tánh. Toàn tánh là gì? Tâm chân thành chính là toàn tánh. Đối đãi hết thảy mọi người, hết thảy cảnh giới, chân tâm là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Nếu trong cảnh giới quý vị có phân biệt thì cái tâm chẳng thanh tịnh; nếu trong cảnh giới quý vị chẳng bình đẳng thì cái tâm chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì tướng nhất định bình đẳng, nhất định chẳng có phân biệt. Quý vị hiểu nguyên lý này, trong cuộc sống thường nhật, từ sáng đến tối, suốt năm rèn luyện trong cảnh giới này thì là đúng. Dùng phương pháp này để giúp cho một câu Phật hiệu của quý vị, Phật hiệu dấy khởi giác tâm của quý vị. Dùng một câu Phật hiệu lại giúp cho quý vị sử dụng cái tâm như thế, tức là dùng chân tâm. Thật sự có thể tu học như vậy thì không một ai chẳng thành tựu, đúng như cổ đức đã nói: “Vạn người tu, vạn người về”, chẳng một ai luống uổng! Nguyên lý là “tánh tịnh thì chướng tận”. Tôi lại nêu một tỷ dụ nhằm so sánh thô thiển nhất, “tánh tịnh” là chân tánh, chân thành, Chướng là nghiệp chướng hay tội nghiệp. Chẳng phải là chúng ta hằng ngày đều nói muốn tiêu nghiệp chướng hay sao? Dùng cái tâm chân thành thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Nghiệp chướng tiêu trừ thì chân tâm sẽ hiển lộ. Chuyện là như vậy đó!

Quý vị muốn thật sự tiêu nghiệp thì phải dùng chân tâm đãi người, tiếp vật. Người khác dùng cái tâm giả dối đối với ta, ta vẫn dùng chân tâm đãi người. Nếu người khác tăng thêm tội nghiệp mà [ta cảm thấy] tội nghiệp của ta cũng chớ nên giảm bớt, dường như nếu tội nghiệp của ta giảm bớt thì ta chẳng xứng với những người tội nghiệp tăng thêm hằng ngày ấy! [Cách nghĩ như vậy] chẳng gọi là điên đảo thì cái gì mới là điên đảo? Do vậy, người giác ngộ sẽ giống như Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát đến thế gian này hóa độ chúng sanh, người thế gian nhìn Phật, Bồ Tát với ánh mắt nào? Há Phật, Bồ Tát cũng [có cái nhìn phân biệt, chấp trước] giống như người thế gian ư? Nếu vậy, chẳng những [Phật, Bồ Tát] không thể độ chúng sanh, mà nhất định sẽ bị chúng sanh độ ngược lại. Vì thế, nhất định phải giác ngộ, nhất định chớ nên có kiến giải giống với mọi người; nếu không, sẽ là lầm lẫn to lớn, không cần phải hỏi nữa! Những người ấy đối xử với ta bằng ác tâm, dùng ác ý đối đãi ta, đem hết thảy chuyện ác đổ lên thân ta, ta phải làm sao? Thưa quý vị, chính là vì hết thảy chúng sanh có ác tâm, ác ý, ác hạnh đối với quý vị, quý vị cứ dùng tâm chân thành đối đãi họ thì nghiệp chướng từ vô thỉ kiếp đến nay của quý vị sẽ bị tiêu trừ hết. Nếu không có những người ác và chuyện ác ấy, nghiệp chướng của quý vị làm sao tiêu trừ được? Chân tâm của quý vị từ đâu mà hiển thị cho được? Tu hành không gì hơn là trải qua sự việc để rèn luyện tâm. Rèn luyện cái tâm thanh tịnh trong cảnh giới, trong sự tướng, rèn luyện gì vậy? Rèn luyện ta dùng chân tâm đãi người, rèn luyện điều này! Đó gọi là tu hành thật sự, niệm Phật thật sự.

Chân tâm đãi người xử thế là Nam-mô A Di Đà Phật, vì Nam-mô A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, thứ gì cũng đều phải giác, sự gì cũng đều phải giác, lúc nào cũng giác, nơi đâu cũng giác, giác chứ không mê, đó gọi là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật chẳng phải là một câu khẩu hiệu, phải biến câu khẩu hiệu ấy thành sự thật, biến thành tâm lý và hành vi của chúng ta thì câu Phật hiệu mới là Tánh - Tu bất nhị, mới là Lý - Sự viên dung. Danh là Sự, cảnh giới là Lý, đấy là người thật sự niệm Phật. Quý vị hãy suy nghĩ: Trong quá khứ chúng ta có niệm câu Phật hiệu này như vậy hay chăng? Nếu chẳng tương ứng với Lý - Sự này, khó trách đã niệm nhiều năm như thế mà chẳng có tin tức gì! Niệm đúng lý, đúng pháp, lẽ đâu chẳng có tin tức? Sau khi đã có tin tức, tín tâm của chính mình đã đầy đủ, chắc chắn nắm chắc vãng sanh Tây Phương, chẳng còn mảy may hoài nghi nào! Khi ấy tiền đồ là một bầu quang minh sáng tỏ, suốt ngày từ sáng đến tối pháp hỷ sung mãn. Quả báo ấy do đâu mà có? Do Tánh - Tu bất nhị mà có!

Đoạn lớn thứ hai trong lời tựa là Tán Kinh, đoạn này là Tổng Tán, đoạn tiếp theo là Biệt Tán. Đoạn thứ nhất trong lời tựa là Minh Tánh, giảng về giáo lý, mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều nói các kinh dựa trên nguyên lý này. Các Ngài nương vào đâu để nói, dựa vào gì để nói, chính là dựa vào những điều được trình bày trong năm câu của đoạn thứ nhất, tức giáo lý. Phần Tổng Tán nói đến giáo nghĩa. Người biết nghe kinh sẽ nghe hiểu giáo lý. Vì đã nghe hiểu giáo lý sẽ thông suốt hết thảy các kinh, đó gọi là “một kinh thông, hết thảy kinh thông”, đó là người thuộc bậc cao nhất. Không có công phu thì làm sao thực hiện [chuyện này]? Bất đắc dĩ phải cầu điều thấp hơn, tức là cầu giáo nghĩa. Tuy giáo nghĩa chẳng bằng giáo lý, nhưng nếu có thể thông suốt một loại kinh, thông suốt một phần lớn thì cũng khá lắm, thông suốt một tông, hoặc thông cả mấy tông.

Kinh văn từ đầu cho đến đoạn này đều nói về nguyên lý, nguyên tắc, giáo lý, giáo nghĩa. Hai đoạn kinh văn này rất giống những điều được nói trong kinh Hoa Nghiêm. “Biển pháp luân của một vị Phật là biển pháp luân của hết thảy chư Phật”, chính là [nội dung của] đoạn Minh Tánh trong phần trước. “Tu-đa-la của một vị Phật là Tu-đa-la của hết thảy chư Phật” chính là điều được nói trong phần Tổng Tán. Do vậy, hết thảy kinh quả thật quán thông lẫn nhau. Đã hiểu rõ ý nghĩa một bộ kinh, quý vị lại đọc hết thảy các kinh, sẽ thấy [những kinh ấy] chẳng ra ngoài nguyên lý và nguyên tắc này, đều hiểu thông suốt hết. Chúng ta lại xem phần Biệt Tán. Phần Biệt Tán chú trọng [ca ngợi] bộ kinh này.


Nhị, Biệt Tán.

二、別讚.

(Thứ hai, khen ngợi riêng)
Dưới đây là bốn khoa nhỏ, tức bốn tiểu đoạn.
Sơ, tiên xuất thuyết kinh sở dĩ, nhị thống luận Tịnh Độ công đức, tam đặc thị trì danh vi yếu, tứ quảng hiển trì danh sở bị.

(Tự) Cố ngã Thế Tôn, sạ thuyết Tam Thừa, chung quy Nhất Thật, đẳng ban trân tứ, cánh tích thù ân.

初先出說經所以,二統論淨土功德,三特示持名為要,四廣顯持名所被

()故我世尊,乍說三乘,終歸一實,等頒珍賜,更錫殊恩。

(Trước hết, nêu nguyên do vì sao đức Phật nói kinh, hai là luận định chung về công đức của Tịnh Độ, ba là đặc biệt chỉ rõ trì danh là trọng yếu, bốn là nói rộng về những căn tánh được tiếp độ bởi pháp trì danh.

Tựa: Vì thế, đức Thế Tôn ta tạm nói ba thừa, rốt cuộc quy về Nhất Thật, bình đẳng ban cho món quý báu, lại còn ban bố ân đức đặc biệt thù thắng).
Mấy câu này nêu rõ lý do vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuyết pháp.
(Diễn) Cố ngã Thế Tôn sạ thuyết tam thừa giả, cố tự, thượng thừa diệu dụng lai.

() 故我世尊乍說三乘者,故字,承上妙用來。

(Diễn: “Vì thế, đức Thế Tôn ta tạm nói ba thừa”: Chữ “vì thế” nhằm tiếp nối ý nghĩa diệu dụng đã được nói trong phần trên).
Chữ “cố” nhằm thừa tiếp phần trước, mở đầu phần sau.
(Diễn) Ngã giả, thân chi chi từ.

() 我者,親之之辭。

(Diễn: “Ngã” là từ ngữ diễn tả sự thân thiết).
Do tùy thuận pháp thế gian mà nói chữ này. Phật pháp vô ngã, chắc chắn chẳng có Ngã Kiến và Ngã Chấp, bất đắc dĩ tùy thuận ngôn từ thế gian để nói. Đối với chúng sanh mà nói thì do chúng sanh là loài hữu tình, tức là loài chúng sanh có tình cảm, nên cách nói này có ý nghĩa thân thiết đặc biệt. “Ngã Thế Tôn”: Đức Thế Tôn của chúng ta, đức Phật của chúng ta, là từ ngữ mang ý nghĩa thân thiết.
(Diễn) Sạ thuyết tam thừa, chỉ Hoa Nghiêm chi hậu, Pháp Hoa chi tiền, tứ thập niên sở thuyết chi pháp.

() 乍說三乘,指華嚴之後,法華之前,四十年所說之法。

(Diễn: “Tạm nói pháp tam thừa”: Chỉ các pháp được nói sau thời Hoa Nghiêm, trước thời Pháp Hoa trong suốt bốn mươi năm).
Sạ thuyết” là nói tạm thời, nói quyền biến, chẳng phải là nói chân thật. “Tam thừa” là Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, và Bồ Tát thừa. Sau thời Hoa Nghiêm (Āvatamsaka), trước thời Pháp Hoa (Sad-dharma Pundárīka), đức Phật giảng A Hàm (Āgama) mười hai năm, Phương Đẳng (Vaipulya) tám năm, Bát Nhã (Prajñā) hai mươi hai năm, thuyết pháp bốn mươi năm, đấy là pháp Tam Thừa. Hoa Nghiêm là pháp Nhất Thừa, Pháp Hoa cũng là pháp Nhất Thừa. “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam” (Chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba). Đấy mới là bổn hoài, bổn ý xuất thế độ sanh của đức Thế Tôn. Vì sao nói ba thừa? Chúng sanh mê quá sâu, nói pháp Nhất Thừa chúng ta chẳng thể tiếp nhận, nên đức Thế Tôn mới dùng những pháp phương tiện thiện xảo để dẫn dụ, hướng dẫn, dần dần nâng cao trình độ và cảnh giới của chúng ta, phải nâng lên đến cảnh giới Nhất Thừa thì mới được coi là đạt được bổn hoài độ sanh và mục tiêu giáo hóa chúng sanh. Ví như thầy muốn học trò thành tựu trí huệ viên mãn, đạt đến học vị Tiến Sĩ tối cao, không có cách nào bảo trẻ nhỏ học ngay lớp Tiến Sĩ được, bất đắc dĩ mới lập ra Tiểu Học, Trung Học và Đại Học. Ba thừa ấy đều là pháp phương tiện, giúp họ nâng cao cảnh giới, cuối cùng đạt đến học vị Tiến Sĩ thì mới được coi là đã đạt được mục tiêu dạy học. Phật dùng cách thức giống như vậy đối với chúng sanh.
(Diễn) Chung quy Nhất Thật giả.

() 終歸一實者。

(Diễn: “Rốt cuộc quy về Nhất Thật” là...)
Thật” () là chân thật, có thể thấy Tam Thừa đều là Quyền, là phương tiện môn, là phương tiện quyền xảo, chẳng chân thật. Do vậy, cổ đại đức phán định kinh điển, phán định những kinh luận do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi năm chỉ có hai bộ kinh là Nhất Thừa Viên Giáo, tức Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh và Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nhất Thừa Biệt Giáo là kinh Phạm Võng. Do vậy, kinh Nhất Thừa tổng cộng chỉ có ba bộ. Quý vị đừng vì vậy mà cho rằng kinh Di Đà chẳng phải là kinh Nhất Thừa! Cần biết rằng kinh Di Đà là đỉnh cao nhất của kinh điển Nhất Thừa. Cổ nhân tuy chưa nói, nhưng trong kinh Nhất Thừa có nói. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, “mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc”, tức là trở về kinh A Di Đà. Nói cách khác, kinh A Di Đà là đỉnh cao nhất của kinh Nhất Thừa, quý vị phải tự nhận biết! Lời nói của cổ nhân vô cùng hàm súc, chẳng thô thiển, bộc tuệch bộc toạc như lời chúng ta nói hiện thời. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát suất lãnh bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, đủ thấy kinh A Di Đà là pháp Nhất Thừa tối thượng, là đỉnh cao nhất của Nhất Thừa.
(Diễn) Chỉ Pháp Hoa Kinh, thử kinh đãng hóa thành60 chi chấp giáo.

() 指法華經,此經蕩化城之執教。

(Diễn: Nói về kinh Pháp Hoa, kinh này quét sạch kiến chấp nơi giáo pháp quyền biến).
Ở đây nói “chung quy Nhất Thật” (rốt cuộc quy về Nhất Thật) là nhằm nói đến kinh Pháp Hoa là kinh được đức Phật nói sau cùng. “Chấp giáo” là Sở Tri Chướng, đức Phật giảng kinh, giảng Lý nào, người ấy bèn chấp vào Lý đó, giảng pháp môn nào người nghe bèn chấp vào pháp môn ấy.
(Diễn) Giải thảo am chi trệ tình, khai phương tiện chi quyền môn, thị chân thật chi diệu lý cố.

() 解草庵之滯情,開方便之權門,示真實之妙理故。

(Diễn: Tháo gỡ chấp trước chốn am tranh61, mở môn phương tiện quyền biến, chỉ bày diệu lý chân thật).
Kinh Pháp Hoa được gọi là “khai Quyền, hiển Thật”, đến khi ấy mới

nói lời chân thật. Những điều đã giảng trong bốn mươi năm trước đều là pháp phương tiện. Vì sao trước kia không giảng pháp chân thật? Do trước kia trình độ [của thính chúng] chưa đủ, không có định lực, không có trí huệ, dẫu Phật có nói thì họ cũng chẳng thể tin được, có nói cũng giống như không nói! Đến lúc này, do có bốn mươi năm tu dưỡng, công phu định lực và trí huệ đã khá, Phật nói pháp môn này chúng ta sẽ tin tưởng, có thể tiếp nhận, cho nên mới khai Quyền, hiển Thật, nói pháp chân thật.


(Diễn) Đẳng ban trân tứ giả, như chư tử xuất trạch, đẳng tứ đại xa, kỳ xa cao quảng, chúng bảo trang hiệu đẳng.

() 等頒珍賜者,如諸子出宅,等賜大車,其車高廣,眾寶莊校等。

(Diễn: “Bình đẳng ban cho món quý báu” là như các con ra khỏi nhà [đang cháy hừng hực, ông đại phú trưởng giả] bèn bình đẳng ban cho các con những cỗ xe to. Xe ấy cao rộng, được trang hoàng bằng các thứ báu v.v...)
Đây là một tỷ dụ trong kinh Pháp Hoa. “Đẳng” () là bình đẳng, “trân” () là quý báu, “trang” () là trang nghiêm, “hiệu” () là chưng bày, trang hoàng. Điều này nói rõ Phật tâm thanh tịnh, bình đẳng, đối đãi hết thảy chúng sanh nhất định chẳng có sai biệt. Nay chúng ta tu học Phật pháp, trong Phật pháp đạt được, bất luận là Giải, Hạnh hay Chứng, các thứ sai khác không giống nhau, đều là vì bản thân chúng ta tiếp nhận khác nhau, chứ không phải do đức Phật dạy chúng ta học sai khác. Tâm chúng ta càng chân thành, càng thanh tịnh thì càng đạt được công đức thù thắng. Quý vị vẫn sử dụng cái tâm phân biệt, vẫn có chấp trước, vẫn có nhân ngã, thị phi, đương nhiên quý vị đạt được hữu hạn!
(Diễn) Cánh tích thù ân giả, thù ân ngôn dị thường chi ân. Nhân thượng hữu như thị chí diệu chi dụng, cố ư nhất đại thời giáo trung phục xuất thử kinh dã.

() 更錫殊恩者,殊恩言異常之恩,因上有如是至妙之用,故於一代時教中復出此經也。

(Diễn: “Cánh tích thù ân” (ban bố ân đức càng đặc biệt thù thắng): Chữ “thù ân” ý nói ân đức dị thường. Do [pháp môn Niệm Phật] có tác dụng mầu nhiệm đến tột cùng như đã nói trong phần trước, nên trong giáo pháp cả một đời đức Phật lại nói ra kinh này).
Thù” () là thù đặc (đặc biệt, lạ lùng), “ân” () là ân đức. “Cánh tích thù ân” (ban bố ân đức càng đặc biệt thù thắng) là nói đến bản kinh này. Đây là nói rõ kinh A Di Đà cao hơn kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là “đẳng ban trân tứ” (bình đẳng ban cho món quý báu), còn kinh A Di Đà là “cánh tích thù ân”, đến tột cùng không còn gì hơn được nữa! Khen ngợi kinh này đến chót vót, không còn có gì vượt trỗi được nữa! Quý vị phải ghi nhớ, trọn đừng nghĩ Liên Trì đại sư và pháp sư Cổ Đức là “lão Vương bán dưa, tự bán, tự khoe”. Nếu quý vị dùng thái độ ấy để đọc bản Chú Sớ này sẽ là sai lầm, của trân bảo vô thuợng ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ!

Bản chú sớ này lưu thông rất rộng, người đọc rất nhiều, có mấy ai đọc mà thật sự cảm động, nhất tâm nhất ý niệm Phật? Vì sao chẳng thể cảm động? Ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ! Nếu thật sự giác ngộ, nhìn thấy Phật, Tổ rát miệng xót lòng, không ai chẳng cảm động, buông thế duyên xuống, hết thảy kinh luận, hết thảy pháp môn đều buông xuống hết, chuyên tu pháp môn này. Vì sao? Pháp môn này là pháp môn vô thượng, là pháp môn bậc nhất, cao hơn kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa, có thể giúp quý vị chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề trong một đời; chỉ có pháp môn này, trừ các pháp môn này ra, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng thể đạt được như vậy. Đấy mới là kể như quý vị nhận thức chân chánh, nhìn thấy rõ rệt. Giảng một lượt bản kinh này trong thời gian bốn năm, đáng lắm chứ! Dùng công phu bốn năm để nghe bộ kinh này, không dài đâu! Hôm nay đã hết thời gian rồi!


---o0o---


tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương