Việc kiểm tra dân số CỦa vua đAVÍt và DỊch bệnh hai trình thuật



tải về 17.68 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.12.2023
Kích17.68 Kb.
#56136
VIỆC KIỂM TRA DÂN SỐ CỦA VUA ĐAVÍT VÀ DỊCH BỆNH
HOC TU LICH SU VINH

VIỆC KIỂM TRA DÂN SỐ CỦA VUA ĐAVÍT VÀ DỊCH BỆNH



Hai trình thuật
Câu chuyện Đavít kiểm tra dân số xuất hiện trong hai trình thuật tương đương, một ở sách 1 Sử biên niên chương 21, và một ở sách 2 Samuel chương 24. Cả hai câu chuyện tương đối giống nhau về nội dung: Đavít kiểm tra dân số, Chúa nổi giận phạt dân Ít-ra-en bằng trận dịch, Đavít ăn năn và dựng bàn thờ. Chi tiết khác nhau giữa hai trình thuật là trong 2Sm 24, Chúa xúi Đavít kiểm tra dân số, còn trong 1Sb, đó là hành động xúi bậy của Satan.
Có nhiều ý kiến chú giải khác nhau về câu chuyện này, sau đây là những ý tưởng chính, xoay quanh một vài câu hỏi chính.
Tại sao Chúa lại phạt khi kiểm tra dân số?
1. Vì sinh mệnh của dân nằm trong tay Chúa, chỉ Ngài mới có quyền biết và nắm giữ sổ trường sinh (Tv 69,26), cũng như cuốn sách ghi tên kẻ sống và kẻ chết (Xh 32,32-33).1
2. Có người chú giải rằng đó là một hành động mở đầu cho một tổ chức mang tính tư pháp, hoặc là một sự điều động quân đội. Điều này là dấu chỉ cho thấy Đavít đang dần đi đến chỗ tự mãn. Có thể Gioab đã cảm nhận được nguy cơ này.2
3. Một lý do khác là vì việc kiểm tra dân số là điều cấm kỵ mang tính cách tôn giáo (Xhh 30,11-16):
“ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: 12 "Khi nào ngươi kiểm tra dân số để biết số con cái Ít-ra-en, thì mỗi người dân phải dâng lên ĐỨC CHÚA tiền chuộc mạng trong lúc kiểm tra dân số; và như thế sẽ không có tai ương nào xảy ra trong lúc kiểm tra dân số. 13 Đây là những gì mà bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số phải nộp: hai chỉ bạc, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện; hai chỉ bạc đó sẽ là phần dâng cúng ĐỨC CHÚA. 14 Bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số, từ hai mươi tuổi trở lên, sẽ phải nộp phần dâng cúng ĐỨC CHÚA. 15 Người giàu sẽ không nộp hơn hai chỉ bạc, và người nghèo sẽ không nộp ít hơn, để dâng cúng ĐỨC CHÚA mà chuộc mạng mình. 16 Ngươi sẽ lấy tiền con cái Ít-ra-en chuộc mạng mà dùng vào việc phục vụ Lều Hội Ngộ: đối với con cái Ít-ra-en, đó sẽ là kỷ vật trước nhan ĐỨC CHÚA nhắc nhở rằng các ngươi đã chuộc mạng."
4. Nhưng cũng có thể là việc kiểm tra này có liên hệ với những quy định về nghi thức thanh tẩy. Vì câu 9 nhắc đến “Ít-ra-en có tám trăm ngàn chiến binh biết tuốt gươm, và Giu-đa có năm trăm ngàn”, ngụ ý rằng việc kiểm tra này có thể là chuẩn bị cho việc phục vụ trong quân ngũ. Trong Đnl 1,2-3 có nói về việc kiểm tra dân số kiểu này: “Các ngươi hãy kiểm tra dân số toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en theo thị tộc và gia tộc, lập danh sách mọi người đàn ông từng người một. 3 Những người từ hai mươi tuổi trở lên, nghĩa là mọi người trong dân Ít-ra-en đến tuổi nhập ngũ, thì ngươi và A-ha-ron hãy liệt kê theo đơn vị của chúng.”
Nếu kết hợp hai giả thuyết này lại, có người cho rằng có thể là những quy tắc về thanh sạch đã bị quên lãng. Ví như trong Đnl 23,9-14 có quy định về việc giữ thanh sạch trong trại: ai xuất tinh thì không được vào trại, phóng uế thì phải ra ngoài trại đào lỗ và xong việc thì phải dùng xẻng lấp đi, vì phải giữ cho trại được thanh sạch để Thiên Chúa ghé thăm.
5. Theo Roberth North SJ., có thể là hành động này cho thấy rằng Đavít đang chuyển dần từ lòng trông cậy vào Chúa sang sự tự mãn vào nguồn lực con người. Nhưng một giả thiết khác là hành động của Đavít giống như một nỗ lực xem Chúa có giữ lời hứa với Abraham hay không (lời hứa con cháu đông đúc như sao trên trời)3, và như thế, phải chăng hành động kiểm tra dân số của Đavít là một sự xúc phạm đến sự trung thành của Thiên Chúa?
Do ai mà Đavít kiểm tra dân số?
Nếu bảo là do Chúa xúi như trong sách 2Sm thì xem ra cái xấu, tội ác lại như bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thực ra, đó là cách trình bày thường thấy trong Kinh Thánh để châm biếm cái xấu đó. Tác giả 1Sb đã tránh điều đó, khi gán tội này cho sự xúi dại của Satan.4
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc Chúa xúi Đavít làm vậy là để phạt dân vì những tội lỗi trước đó.5
Với tác giả của 1Sb, Satan là thủ phạm xúi Đavít kiểm tra dân số. Vì không thể có chuyện Thiên Chúa xúi rồi lại phạt nghiêm khắc như thế. Ở đây ta thấy một sự tiến triển về quan niệm thần học.6


1 KINH THÁNH (NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ dịch và chú thích), Ấn bản 2011, Nxb. Tôn giáo, 2011, tr. 598.

2 JOHN BATON – JOHN MUDDIMAN, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press Inc., New York, 2001 229

3 RAYMOND E. BROWN S.S. et alii, The New Jerome Biblical Commentary, Prentice Hall, New Jersey, 1990, tr. 369.

4 KINH THÁNH (NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ dịch và chú thích), Ấn bản 2011, Nxb. Tôn giáo, 2011, tr. 598.

5 JOHN BATON – JOHN MUDDIMAN, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press Inc., New York, 2001, tr.229.

6 JOHN BATON – JOHN MUDDIMAN, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press Inc., New York, 2001, tr.747.

tải về 17.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương