Về việc phân cấp quản lý, cấp phát và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng



tải về 101.82 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích101.82 Kb.
#7213

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH YÊN BÁI


Số: 1397/QĐ-UBND


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Yên Bái, ngày 17 tháng 9 năm 2009


QUYẾT ĐỊNH

Về việc phân cấp quản lý, cấp phát và sử dụng kinh phí

thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng

và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh Yên Bái

do Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý



CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 và Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 47/2009/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 11/3/2009 của liên Bộ: Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý;



Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 114/TTr- LĐTBXH ngày 15 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý, cấp phát và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009. Các văn bản quy định trước đây về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.





KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Thị Thanh Trà



UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH YÊN BÁI



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





QUY ĐỊNH

Về việc phân cấp quản lý, cấp phát và sử dụng kinh phí

thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng

và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh Yên Bái

do Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 17/9/2009

của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái )



Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này xác định phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trong công tác quản lý, tổ chức cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến thuộc Ngân sách Trung ương uỷ quyền đảm bảo trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Việc cấp phát, sử dụng quyết toán và phân cấp quản lý kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến thuộc Ngân sách Trung ương phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và các nội dung tại Quy định này; đảm bảo nguyên tắc chi, trả kịp thời, đúng chế độ, đúng nội dung, đúng đối tượng và hoàn thành chi, trả trước ngày 15 hàng tháng.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận và thanh toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến.

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hội mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận và thanh toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến sau khi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định.

- Hàng tháng các đơn vị thực hiện rút dự toán theo thông báo kết quả thẩm định dự toán chi của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Số dư dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến hết niên độ ngân sách năm dự toán (bao gồm cả thời gian chỉnh lý quyết toán theo chế độ quy định) không sử dụng hết thì huỷ bỏ.

- Đối với các khoản lĩnh trùng, cấp trùng, chi sai chế độ: Ngành Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch thực hiện thu hồi, nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định.

- Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được sử dụng, quản lý và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn theo quy định của pháp luật.

- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái.

- Chi hỗ trợ cho các công trình, dự án đầu tư hoặc có tính chất đầu tư; thực hiện đúng trình tự, quy trình đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành và theo quy định phân cấp quản lý đầu tư xây dựng của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái.

Điều 3. Nghiêm cấm các tổ chức, các cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý kinh phí chi thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến cho vay, mượn, sử dụng kinh phí vào mục đích khác. Không được thu bất cứ một khoản lệ phí nào của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trong khi giải quyết chi, trả, thực hiện chế độ chính sách ưu đãi.

Điều 4. Đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần; các khoản trợ cấp ưu đãi khác; chi hỗ trợ hoạt động Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Điều 1, Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21/6/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; các Nghị định của Chính phủ quy định về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 5. Đảm bảo đủ số lượng cán bộ làm công tác quản lý tài chính, kế toán theo quy mô, mức độ kinh phí đang quản lý theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn, chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp theo quy định cho Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện; đối với các chức danh quản lý phải được xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Chương II

NỘI DUNG CHI KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Điều 6. Nội dung chi và quản lý kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng:

1. Kinh phí trợ cấp chính sách ưu đãi hàng tháng, một lần theo quy định hiện hành cho các đối tượng

1.1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (cán bộ lão thành cách mạng).

1.2. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa).

1.3. Thân nhân Liệt sỹ và gia đình liệt sỹ.

1.4. Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

1.5. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến.

1.6. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

1.7. Bệnh binh.

1.8. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

1.9. Người có công giúp đỡ cách mạng.

1.10. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

1.11. Con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

1.12. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày.

1.13. Các đối tượng khác theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.



2. Các khoản chi ưu đãi khác

2.1. Chi cấp Báo Nhân dân hàng ngày cho người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945, cán bộ tiền khởi nghĩa.

2.2. Bảo hiểm y tế.

2.3. Trợ cấp lễ báo tử liệt sỹ.

2.4. Trợ cấp mai táng phí.

2.5. Điều trị, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, chức năng lao động cho thương bệnh binh và người có công.

2.6. Quà tặng của Chủ tịch nước và ăn thêm ngày lễ, tết.

2.7. Thuốc đặc trị và các điều trị đặc biệt khác cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh điều trị vết thương bệnh tái phát.

2.8. Giám định y khoa cho thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hoá học, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.

2.9. Phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người có công với cách mạng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2.10. Hỗ trợ tiền tàu, xe, đi khám chữa bệnh, giám định thương tật.

2.11. Hỗ trợ tiền tầu, xe, tiền lưu trú đi làm dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng.

2.12. Chi công tác mộ liệt sỹ: Khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ, đón nhận, an táng; hỗ trợ sửa chữa nâng cấp, xây mới mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sỹ.

2.13. Hỗ trợ thân nhân liệt sỹ thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sỹ.

2.14. Đón tiếp người có công với cách mạng.

2.15. Trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo.

2.16. Các khoản chi ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi hỗ trợ Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý

3.1. Sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, cơ sở hạ tầng.

3.2. Mua sắm, sửa chữa đồ dùng, trang thiết bị làm việc.

3.3. Chi thuê mướn nhân công, thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, tuyên truyền.

3.4. Chi sách báo, sinh hoạt văn hoá, thể thao.

3.5. Chi tầu xe cho thương binh, bệnh binh về thăm gia đình; chi đón tiếp thân nhân người có công với cách mạng để thăm người có công với cách mạng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công.



Điều 7. Chi công tác quản lý

1. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái được trích theo tỷ lệ phần trăm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định trên tổng số kinh phí thực tế chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công cách mạng; để chi các hoạt động nghiệp vụ: Quản lý đối tượng chính sách, quản lý hồ sơ và quản lý tài chính, kế toán theo quy định của Liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Căn cứ để phân bổ chi phí quản lý

- Căn cứ vào số đối tượng quản lý của từng huyện, từng xã;

- Căn cứ vào số xã, phường, thị trấn của từng huyện, thị xã, thành phố;

- Căn cứ yêu cầu quản lý, mức độ phân cấp quản lý, vị trí địa lý, giao thông đi lại.

3. Nguyên tắc phân bổ chi phí quản lý chi trả

- Chi thù lao cho cán bộ chi trợ cấp tại xã, phường, thị trấn: Đảm bảo mức chi cho cán bộ xã, phường, thị trấn đủ tiền xăng xe, chi phí đi lại, tiền công tác phí, tiền công, văn phòng phẩm làm công tác quản lý thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và công tác Lao động - Thương binh xã hội tại địa phương. Mức thù lao chi trả của từng xã, phường, thị trấn; cán bộ trực tiếp chi trả, cán bộ Ban quản lý chi trả do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quy định; phù hợp nguồn kinh phí được cấp và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Phân bổ theo tỷ lệ (%) cho các huyện, thị xã, thành phố có số đông đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng gồm 7 huyện, thị xã, thành phố: Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên và huyện Yên Bình;

- Riêng 02 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải số đối tượng chính sách người có công ít, mỗi huyện có 16 đến 18 đối tượng với số tiền chi trả trợ cấp 14 - 15 triệu đồng/tháng; việc chi trả trợ cấp thường được thực hiện tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, do vậy, không phân bổ theo tỷ lệ %; mức phân bổ theo số tuyệt đối là 5 triệu đồng trên tháng; để thực hiện nhiệm vụ chi trả trợ cấp; công tác quản lý đối tượng chính sách người có công với cách mạng và công tác Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương.

- Mức phân bổ chi phí quản lý chi trả kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cho các huyện, thị xã, thành phố và chi tại Sở không vượt so với mức được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ cho tỉnh Yên Bái.

- Hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và tỷ lệ (%) nghiệp vụ quản lý được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ cho tỉnh; điều chỉnh, bổ sung mức phân bổ cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và chi tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Mức phân bổ chi phí quản lý:

Tổng số chi phí quản lý chi trả được trích theo quy định của toàn tỉnh theo Văn bản số 4388/LĐTBXH-KHTC ngày 22/12/2005 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội là 4,09 %, trong đó:

4.1. Chi tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là: 1,39%;

4.2. Chi tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố là: 2,7% :

Mức phân bổ cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố như sau:

- Thành phố Yên Bái: 1,4%;

- Thị xã Nghĩa Lộ: 3,8%;

- Huyện Văn Chấn: 3,3%;

- Huyện Trấn Yên: 2,1%;

- Huyện Văn Yên: 3,0%;

- Huyện Lục Yên: 3,4%;

- Huyện Yên Bình: 2,8%.

4.3. Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện căn cứ vào số kinh phí thực chi trả trợ cấp ưu đãi nhân với tỷ lệ (% ) được phân bổ để chi công tác quản lý, trong đó:

+ Chi thù lao chi trả trợ cấp tại xã, phường, thị trấn là: 53%;

+ Chi quản lý tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là: 47%.

4.4. Hàng tháng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào số kinh phí chi trả chính sách đối với người có công với cách mạng của tỉnh nhân với tỷ lệ (%) được phân bổ để chi nghiệp vụ quản lý;

4.5. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cân đối phần kinh phí nghiệp vụ quản lý chi trả của toàn tỉnh; số được trích theo quy định trừ đi số đã chi cho các huyện và chi tại Sở (nếu còn) thì có kế hoạch cấp bổ sung kinh phí cho Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện để mua sắm, sửa chữa tài sản có giá trị lớn, phục vụ công tác quản lý đảm bảo cân đối chung toàn ngành.

5. Nội dung chi phí quản lý chi trả: Tại Văn bản số 4388/LĐTBXH-KHTC ngày 22/12/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm:



5.1. Chi tại Sở Lao động -Thương binh và Xã hội :

a) Chi phổ biến chính sách, ưu đãi người có công với cách mạng. Mức chi theo quy định hiện hành về phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Chi thông tin, tuyên truyền chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên phương tiện thông tin đại chúng.

c) Chi vật tư văn phòng phẩm, in ấn biểu mẫu, mua sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý (Sở in biểu mẫu sổ sách kế toán, sổ lĩnh tiền và tài liệu chuyên môn cấp cho huyện và tại Sở, sổ sách biểu mẫu phải thống nhất theo phần mềm quản lý chung của ngành); Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Chi tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và chế độ chi tổ chức các hội nghị tập huấn đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

đ) Chi xét duyệt, thẩm định hồ sơ và điều chỉnh trợ cấp. Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của liên Bộ: Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài dự án khoa học có sử dụng Ngân sách Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

e) Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng (két đựng tiền, tủ hồ sơ, bàn ghế làm việc, máy vi tính...). Mức chi căn cứ vào nhu cầu và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

g) Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản hồ sơ, quản lý đối tượng, quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi cho đối tượng chính sách. Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước.

h) Chi phụ cấp làm đêm, thêm giờ. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

i) Chi xăng dầu, thông tin liên lạc, trao đổi kinh nghiệm, thuê mướn và chi khác phục vụ công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.



5.2. Chi tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện

a) Chi thù lao cho cán bộ trực tiếp chi trả trợ cấp và quản lý đối tượng ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại xã, phường, thị trấn. Mức chi cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy định phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Chi công tác quản lý

- Chi phổ biến chính sách, ưu đãi người có công với cách mạng. Mức chi theo quy định hiện hành về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Chi thông tin, tuyên truyền chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặt mua cho mỗi xã, phường, thị trấn số Báo và Tạp chí của ngành (Báo Lao động Xã hội, Tạp chí Lao động Xã hội).

- Chi vật tư văn phòng phẩm, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý đối tượng, quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tại địa phương. Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết. Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và chế độ chi tổ chức các hội nghị tập huấn đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chi xét duyệt, thẩm định hồ sơ và điều chỉnh trợ cấp. Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của liên Bộ: Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài dự án khoa học có sử dụng Ngân sách Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chi trả và quản lý đối tượng (két đựng tiền, tủ hồ sơ, bàn ghế làm việc, máy vi tính...). Mức chi căn cứ vào nhu cầu và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý hồ sơ, quản lý đối tượng, quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi cho đối tượng chính sách. Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước.

- Chi phụ cấp làm đêm, thêm giờ. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Chi xăng dầu, thông tin liên lạc, trao đổi kinh nghiệm, thuê mướn và chi khác phục vụ công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.


Chương III

QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH

VÀ CÁC CẤP NGÂN SÁCH
Điều 8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm

1. Thẩm tra, xét duyệt dự toán kinh phí hàng năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng, Trung tâm Bảo trợ xã hội và dự toán chi tại Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng hợp thành dự toán kinh phí của tỉnh gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 05 tháng 7 hàng năm.

2. Căn cứ Quyết định dự toán Ngân sách được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao hàng năm; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch phân bổ và Quyết định giao dự toán cho Phòng Lao động - Thương binh Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hội và chi tại Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Hàng tháng thẩm kế số lượng hồ sơ đối tượng tăng, giảm người có công với cách mạng trên phạm vi toàn tỉnh; thông báo kết quả thẩm định dự toán chi trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần và các khoản chi ưu đãi khác cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức thực hiện.

4. Trên cơ sở đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hôi và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xác nhận của Kho bạc Nhà nước (nơi đơn vị mở tài khoản) về số dư dự toán được giao còn lại và khả năng sử dụng kinh phí của đơn vị; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quyết định điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị sử dụng ngân sách cho phù hợp với thực tế. Quyết định điều chỉnh dự toán gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (để báo cáo) và Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản giao dịch của các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện.

5. Thẩm tra, xét duyệt, thông báo, nhận xét, đánh giá kết qủa thực hiện dự toán, quyết toán kinh phí hàng quý, năm cho các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Văn phòng Sở và Trung tâm Điều dưỡng người có công.

6. Tổng hợp quyết toán kinh phí toàn ngành hàng quý, năm gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng theo quy định (báo cáo quyết toán năm gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 05 tháng 7 hàng năm ).

7. Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước được hình thành từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo quy định của Nhà nước.

8. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ: Về chế độ, chính sách ưu đãi người có công, người trực tiếp tham gia kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; những quy định chung về chế độ tài chính, kế toán và chế độ tài chính, kế toán chuyên ngành. Chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức thực hiện chi, trả trợ cấp ưu đãi cho các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh.

9. Chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh định kỳ, đột xuất kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở cấp huyện, cấp xã, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hội và các cá nhân, đơn vị có liên quan. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tối thiểu 01 lần/năm, cấp xã ít nhất 03 xã/huyện và từ 03 đến 05 hộ gia đình chính sách/xã được hưởng chế độ chính sách trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.



Điều 9. Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội cấp huyện, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hội mở tài khoản dự toán kinh phí uỷ quyền thuộc Ngân sách Trung ương, nơi đơn vị giao dịch để tiếp nhận và thanh toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo đúng quy định hiện hành.

2. Đảm bảo kịp thời và đủ nguồn kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn.

3. Kiểm soát chi kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Thông tư số 47/2009/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 11/3/2009 của liên Bộ: Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn cấp phát quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và các quy định hiện hành khác của Nhà nước.



Điều 10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm

1. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng chính sách, quản lý kinh phí, quản lý tài sản, lập dự toán hàng năm, chấp hành dự toán được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao; báo cáo quyết toán đúng thời gian quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước.

2. Định kỳ, đột xuất chỉ đạo kiểm tra, thanh tra công tác quản lý đối tượng chính sách, các nguồn kinh phí thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, sử dụng.

Điều 11. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm:

1. Quản lý đối tượng chính sách, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn; mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện để theo dõi nguồn kinh phí được giao.

2. Hàng năm lập dự toán các khoản chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn quản lý gồm: Trợ cấp thường xuyên, một lần, trợ cấp ưu đãi khác, chi công tác quản lý gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 10 tháng 6 hàng năm.

3. Hàng tháng trên cơ sở thông báo kết quả thẩm định dự toán trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, các chế độ trợ cấp ưu đãi khác; kiểm tra, rà soát đối tượng tăng, giảm, thẩm định hồ sơ tăng mới lập dự toán và in danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp một lần và các khoản trợ cấp ưu đãi khác cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của cấp xã. Rút dự toán ngân sách để cấp xã chi, trả trợ cấp ưu đãi cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, chi cho công tác quản lý chi trả. Thanh quyết toán với Uỷ ban nhân dân cấp xã và Kho bạc Nhà nước huyện. Mở sổ kế toán, lưu trữ chứng từ, theo đúng quy định của pháp luật.

4. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện đúng quy định của Nhà nước trong công tác quản lý đối tượng chính sách, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo quản lưu trữ hồ sơ, chứng từ gốc. Nếu phát hiện thấy sai phạm, kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý.

5. Hàng quý, hàng năm lập báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; báo cáo phải thể hiện đầy đủ các khoản chi theo quy định có trong dự toán được giao và theo đúng mục lục Ngân sách Nhà nước, có đủ biểu mẫu, thuyết minh, xác nhận của Kho bạc Nhà nước, danh sách đã chi tiền trợ cấp có đủ chữ kí người nhận tiền và có Uỷ ban nhân dân cấp xã ký đóng dấu, xác nhận; quyết toán kinh phí chi tại phòng và các chứng từ theo quy định; gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thời gian gửi báo cáo quý chậm nhất 25 ngày, sau ngày kết thúc quý; thời gian gửi báo cáo quyết toán năm chậm nhất ngày 30 tháng 4 hàng năm.

6. Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước được hình thành từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và tài sản ngành Lao động - Thương binh và xã hội trang cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Nhà nước.

7. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp ký hợp đồng trách nhiệm với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến theo Mẫu số C74-D/LĐTBXH ban hành theo Quyết định số 09/2007/QĐ-LĐTBXH ngày 30/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

8. Huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu và các huyện có xã miền núi, số đối tượng hưởng chế độ chính sách quá ít, không đủ điều kiện tổ chức chi trả trợ cấp tại cấp xã thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả trực tiếp cho các đối tượng chính sách trước ngày 15 hàng tháng và được nhận tiền thù lao chi trả theo quy định.

9. Định kỳ hàng quý và hàng năm báo cáo công khai số đối tượng hưởng chế độ chính sách ưu đãi, kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng, kinh phí chi cho công việc: Công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, chi hỗ trợ hoạt động Trung tâm Điều dưỡng người có công, kinh phí điều trị, điều dưỡng, dung cụ chỉnh hình, Bảo hiểm y tế ...) và kinh phí thu, chi quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” theo đúng quy định.



Điều 12. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

1. Căn cứ số đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thành lập Ban quản lý chi trả tiền trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trong đó: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã là Trưởng ban và lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, nghiệp vụ, phẩm chất tốt để làm công tác trực tiếp chi trả trợ cấp ưu đãi người có với cách mạng; mời Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát việc chi trả tiền trợ cấp ưu đãi người có công.

2. Ban Quản lý có trách nhiệm mở sổ theo dõi quản lý đối tượng chính sách, quản lý kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện chi, trả kịp thời, đúng nội dung, đúng chế độ, đúng đối tượng; các thành viên trong Ban quản lý được hưởng tiền thù lao chi trả theo quy định:

- Mở sổ theo dõi, quản lý từng loại đối tượng chính sách, lập danh sách đối tượng hết tuổi hưởng trợ cấp, chuyển đi địa phương khác và hồ sơ đối tượng từ trần (nếu có), hàng tháng gửi báo cáo về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm cơ sở cắt giảm, giải quyết chế độ mai táng phí kịp thời cho đối tượng chính sách theo quy định.

- Hàng tháng nhận danh sách chi trả trợ cấp, tiền mặt tại Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện; mở sổ theo dõi tiền mặt, kiểm tra đối chiếu danh sách chi trả trợ cấp với sổ quản lý đối tượng trước khi chi trả, lập chứng từ, ghi chép vào sổ sách theo quy định, trực tiếp chi trả tiền trợ cấp cho người có công (không được giữ tiền mặt ở quỹ của xã quá hai ngày); thanh toán kinh phí chi trả trợ cấp chính sách ưu đãi người có công với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chậm nhất là ngày 25 hàng tháng.

- Khi giao tiền trợ cấp ưu đãi cho đối tượng được hưởng (hoặc người được đối tượng uỷ quyền nhận thay thì phải có giấy uỷ quyền theo quy định); yêu cầu người nhận tiền ký nhận và ghi rõ họ tên vào danh sách chi trả và phiếu lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng.

- Bố trí nơi chi trả trợ cấp thuận lợi và thông báo công khai địa điểm và thời gian chi trả trợ cấp cho nhân dân được biết đến nhận trợ cấp.

- Các loại sổ sách, hồ sơ chứng từ, báo cáo liên quan tới công tác chi trả tiền trợ cấp cho người có công; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký duyệt mới có cơ sở pháp lý.

- Định kỳ hàng quý và hàng năm báo cáo công khai số đối tượng hưởng chế độ chính sách ưu đãi, kinh phí chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng và kinh phí thu, chi quỹ ''Đền ơn đáp nghĩa" theo đúng quy định.

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước được hình thành từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và tài sản được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trang cấp.



Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Điều dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng người có công, Uỷ ban nhân dân cấp xã và các cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng chính sách, quản lý kinh phí và tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thì được khen thưởng theo quy định; nếu vi phạm gây thiệt hại, thất thoát kinh phí, làm sai lệch hồ sơ chế độ chính sách của người có công với cách mạng thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.


Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm: Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này đối với các Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

3. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, kiểm tra Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.

4. Quy định này có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/10/2009; các văn bản trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.






KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Phạm Thị Thanh Trà


tải về 101.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương