Ubnd thành phố HÀ NỘi sở CÔng thưƠng số: 4741/kh- sct cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 111.4 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích111.4 Kb.
#36649

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

SỞ CÔNG THƯƠNG

Số: 4741/KH- SCT



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2013


KẾ HOẠCH

Thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường

các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-BCT ngày 06/11/2013 của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:



I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành và bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

- Đảm bảo cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ Đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, gắn công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu:

- Đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường. Hàng hóa phải đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết.

- Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục và tăng cường phát triển mạng lưới bán lẻ hàng hóa rộng khắp trên địa bàn Thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Các địa điểm kinh doanh trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng kinh doanh thương mại tại các tuyến phố được trang trí, sắp xếp gọn gàng, sạch đẹp đáp ứng nhu cầu mua sắm và tham quan vui chơi của mọi người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ.



II. NỘI DUNG:

1. Dự báo tình hình giá cả, cung cầu thị trường trước, trong và sau Tết:

Trong thời gian những tháng cuối năm 2013 còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân tạo sức ép tăng giá như: giá cả thế giới có xu hướng tăng trở lại cuối năm đi đôi với tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều nước, tình hình mưa bão, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa đặc biệt là đối với nhóm hàng thực phẩm và rau củ. Dự kiến Quý IV/2013, giá cả các mặt hàng sẽ có sự gia tăng do chi phí đầu vào tăng tạo giá đầu ra mới và các chính sách đang chuyển từ áp lực thắt chặt sang lỏng dần, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 (cuối tháng 1 và đầu tháng 2 dương lịch năm 2014) sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm, dự báo chỉ số CPI cả năm 2013 tăng khoảng 8,5% - 9% so với năm 2012.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Giáp Ngọ năm 2014 ước khoảng 38.000 tỷ đồng/tháng, tăng khoảng 15-18% so với các tháng trong năm, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%.

Nhu cầu tiêu dùng, khả năng cung ứng các nhóm hàng thiết yếu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết như sau:

- Lương thực: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 65.000 tấn/tháng. Nguồn cung cấp chủ yếu cho khu vực nội thành Hà Nội là từ các đại lý, mạng lưới của Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và các đơn vị thành viên... và các hộ kinh doanh tại các chợ. Tại khu vực nông thôn chủ yếu người dân tiêu dùng lúa gạo tự sản xuất được, chiếm khoảng 40% mức tiêu thụ chung của Thành phố.

Tình hình giá lúa gạo ổn định do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, thời gian trước và sau Tết Nguyên đán giá gạo tăng nhẹ, tập trung vào các mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp ngon. Mức tăng không đáng kể do nhu cầu tiêu dùng tăng và thị trường Hà Nội không tự cung cấp được mà phải khai thác từ các địa phương khác.



- Thịt gia súc: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 10.000 tấn lợn hơi/tháng, dự kiến tháng Tết nhu cầu có thể lên 12.000 tấn. Hiện tại, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu. Tuy nhiên, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn, nên có những thời điểm thị trường vẫn thiếu hàng cục bộ, phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía nam.

Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ (từ tháng 3-7/2013), giá thịt gia súc tương đối ổn định ở mức thấp do thời tiết nắng nóng và tâm lý lo ngại dịch tai xanh ở lợn tái bùng phát tại nhiều địa phương, trong khi chi phí đầu vào của chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi đang phải bán ra dưới mức giá thành sản xuất. Từ cuối tháng 7, giá thịt lợn bắt đầu nhích lên do nhu cầu tăng; Nguyên nhân chủ yếu là do mưa bão, nguồn cung trong nước giảm sau khi các thương lái thu mua lợn quá lứa xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá thịt lợn hơi từ đầu tháng 9/2013 bắt đầu có biến động tăng. Dịp cuối năm và giáp Tết nhu cầu về thịt lợn tăng do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng, thêm vào đó tình hình thời tiết trong những tháng cuối năm trở lạnh và có nhiều diễn biến khó lường thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên lợn phát triển nên có thể lượng cung thịt lợn trong dịp Tết giảm, dự báo dịp Tết giá thịt lợn có thể tăng lên từ 5 – 10%.

- Thịt gia cầm: Nhu cầu tiêu thụ khoảng 3.500 tấn thịt/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết lên 6.000 tấn. Tổng sản lượng thịt gà, vịt từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn Thành phố cung ứng 26.000 tấn thịt thương phẩm/năm, đáp ứng khoảng 62% lượng thịt tiêu thụ trên thị trường, 38% lượng thịt còn lại được khai thác, cung ứng từ các tỉnh lân cận.

Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ (từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2013) giá thịt gia cầm tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ tại một số thời điểm: dịp lễ 30-4, 1-5 giá tăng do nhu cầu tăng và thời điểm đầu tháng 9 giá tăng do tình hình thời tiết mưa bão kéo dài khiến tiểu thương lợi dụng tăng giá. Dự báo, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán giá bán thịt gia cầm tăng do nhu cầu của nhân dân tăng cao, mức tăng khoảng 5-10%.

- Thủy hải sản: Nhu cầu khoảng 4.500 tấn/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết lên 5.000 tấn. Mặt hàng này Hà Nội tự cung cấp cho thị trường rất ít, chủ yếu là các loại thủy sản nước ngọt (khoảng 15%), nhu cầu các loại thủy, hải sản tươi, đông lạnh nước mặn, nước lợ chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành phố khác.

Dự báo mặt hàng này sẽ tăng từ 10 – 15% do trong dịp cuối năm nhu cầu chế biến gia tăng, mặt khác sản lượng thu hoạch đối với mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thời tiết.

- Thực phẩm chế biến: Nhu cầu tiêu thụ khoảng 4.000 tấn/ tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết có thể tăng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Mặt hàng này, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến của Hà Nội cung cấp lượng hàng ít (khoảng 20-25%), chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành khác.

- Rau, củ: Nhu cầu khoảng 75.000 tấn rau, củ, quả các loại/ tháng, sản lượng rau, củ thành phố sản xuất được khoảng 500.000 tấn/năm, dự kiến tháng tết lên 90.000 tấn. Nguồn cung cấp chủ yếu tại các huyện ngoại thành (đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu) còn lại được cung ứng từ các tỉnh lân cận.

Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tình hình sản xuất và cung ứng rau củ ra thị trường của Thành phố không có nhiều biến động; đến tháng 7 mưa, bão liên tiếp và xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nhiều diện tích trồng rau, ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá các loại rau củ tăng mạnh (tăng từ 15-25% so với tháng 6/2013). Dự báo từ nay đến cuối năm, thời điểm trước và sau Tết nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, ảnh hưởng của thời tiết nên giá mặt hàng rau, củ vẫn ở mức cao.

Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như bánh mứt kẹo, nước giải khát....

- Bánh mứt kẹo các loại khoảng 1.500 tấn tiêu thụ trong dịp Tết. Các doanh nghiệp chủ đạo của Hà Nội cung ứng bánh mứt kẹo là công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị, Tràng An...

- Rượu, bia, nước giải khát khoảng 100 triệu lít chủ yếu từ Tổng công ty rượu, bia nước giải khát, công ty cổ phần Thăng long, Công ty rượu Hà Nội, Công ty bia Việt Hà...

Một số loại bánh mứt kẹo, rượu bia cao cấp được các doanh nghiệp nhập khẩu, chiếm khoảng 10-15% tổng số lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết. Các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tại các tuyến phố là nơi bày bán các mặt hàng này.

- Xăng, dầu trong tháng Tết tăng khoảng 20% so với thực hiện Tết Quý Tỵ 2013, dự kiến khoảng 60 triệu lít. Đơn vị cung cấp chủ yếu là Công ty Xăng dầu khu vực I, công ty xăng dầu Hà Sơn Bình, công ty xăng dầu quân đội và một số công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trên địa bàn Thành phố.



2. Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và các hoạt động phục vụ Tết:

Lễ Noel vào ngày 25/12/2013; Tết Dương lịch 2013 vào ngày 01/01/2014; các ngày nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra từ 28/01/2014 đến hết 03/02/2014 (tức ngày 28/12 năm Quý Tỵ đến ngày 04/01 năm Giáp Ngọ).

Thời điểm từ tháng 01 năm 2014 đến đầu tháng 02 năm 2014 mức tiêu thụ hàng hoá sẽ tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh hàng hoá. Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tập trung triển khai tốt các nội dung sau:

2.1. Kế hoạch dự trữ hàng hoá:

a/ Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của Thành phố: Tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu với số lượng hàng hóa như sau : gạo tẻ 5.500 tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà 450 tấn; trứng gia cầm 6 triệu quả; thủy, hải sản đông lạnh 300 tấn; dầu ăn 1.500 nghìn lít; rau củ 2.000 tấn với tổng giá tiền hàng 318 tỷ đồng sẵn sàng phục vụ Tết.

Đồng thời, bằng nguồn vốn tự có của mình, các doanh nghiệp chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được Thành phố cho tạm ứng vốn, triển khai bán tại các điểm bình ổn giá:

+ Tập trung bán hàng thiết yếu tại 610 điểm bán bình ổn giá cố định đăng ký treo biển nhận diện theo mẫu quy định của Thành phố và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn nhưng không treo biển nhận diện, đảm bảo giá bán ổn định theo giá được Sở Tài Chính chấp thuận.

+ Tổ chức 250 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất theo Kế hoạch đã đăng ký với Sở Công Thương đặc biệt tập trung vào thời gian giáp Tết Nguyên Đán phục vụ nhu cầu mua sắm nông dân và công nhân có thu nhập thấp trong dịp Tết.

Ngoài ra các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng khác như bánh mứt kẹo, rượi bia nước giải khát, các loại nông sản như măng miến, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính... để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân Thủ Đô trong dịp Tết.

b/ Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại: Căn cứ vào Kế hoạch và kết quả thực hiện Tết năm 2013 cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa sau Tết, cụ thể:

- Công ty xăng dầu Khu vực I dự trữ và bán ra trên 4,5 vạn m3 xăng dầu, Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình 6900m3 xăng dầu.

- Các Trung tâm thương mại, siêu thị: Metro; BigC; Co.op Mart; Fivimart; Intimex.... dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng 2.500 tỷ đồng.

- Tổng công ty thương mại dự trữ và bán ra thị trường các nhóm hàng phục vụ nhu cầu Tết với tổng giá trị tiền hàng ước khoảng 1.095 tỷ đồng.

- Tổng công ty lương thực Miền Bắc dự trữ tại các kho khoảng 50.000 tấn gạo trong đó khoảng 20.000 tấn là gạo đặc sản và gạo nếp.

- Các công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm, Công ty TNHH CNTP Vinh Anh, TNHH Minh Hiền, TNHH chăn nuôi Việt Hưng, Công ty TNHH phát triển Thành Đồng II dự trữ đưa ra thị trường khoảng trên 1.000 tấn thịt sạch.

c/ Đối với các doanh nghiệp sản xuất – các doanh nghiệp chủ yếu phục vụ trong ngành chế biến thực phẩm và đồ uống trong đó các mặt hàng chính phục vụ Tết gồm: bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, sữa, thịt gia súc gia cầm...

Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch dự trữ và sản lượng hàng hóa phục vụ Tết cụ thể:

- Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Hà Nội: Sản xuất đưa ra thị trường trong các dịp Lễ tết dự kiến khoảng trên 100 triệu lít thương hiệu “Bia Hà Nội”; khoảng 7 triệu lít rượu các loại, trong đó chủ yếu là các loại rượu vodka và rượu đóng chai pet.

- Công ty cổ phần vang Thăng Long dự kiến sản lượng sản xuất đưa ra thị trường trong dịp Tết khoảng 3,8 triệu chai rượu các loại.

- Liên doanh nhà máy bia Đông Nam Á: sản xuất khoảng 15 triệu lít các loại bia lon và chai mang thương hiệu Halida, Carlsberg. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất bia thương hiệu “Sài Gòn” sản xuất và dự trữ sản lượng khoảng 25 triệu lít.

- Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 9.000 tấn kẹo các loại, trong đó khoảng 3.500 tấn bánh và 5.500 tấn kẹo; Công ty cổ phần Hữu Nghị sản xuất khoảng 12.000 tấn bánh mứt kẹo; Công ty bánh kẹo Tràng An sản xuất dự trữ khoảng trên 2.500 tấn bánh mứt kẹo; Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội dự trữ khoảng 450 tấn bánh mứt các loại trong đó chủ yếu là các loại mứt tết (350 tấn).

- Công ty CP sữa quốc tế (IDP) dự kiến sản lượng phục vụ Tết khoảng trên 12 triệu lít sản phẩm, Công ty CP sữa Hà Nội milk dự kiến sản xuất khoảng 4 triệu lít sản phẩm và một số doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện Ba Vì dự trữ khoảng 1 triệu lít gồm hai sản phẩm sữa chính là sữa tươi tiệt trùng và sữa chua ăn.

d/ Đối với các chợ - là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô. Các doanh nghiệp quản lý chợ, các Ban quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết, đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng.

e/ Các làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội tập trung sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên Đán với sản lượng dự kiến: quần áo trên 150 nghìn sản phẩm, bánh kẹo khoảng trên 2.400 tấn; giò chả trên 100 tấn; miến trên 500 tấn; bột sắn trên 3.000 tấn; đỗ xanh 150 tấn và chè khô trên 300 tấn. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết ước tính trên 140 tỷ đồng.

Ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết đáp ứng được khoảng 25 - 30% lượng nhu cầu tiêu dùng của Thành phố trong những tháng Tết, trong đó nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỷ đồng.



2.2. Tổ chức các hoạt động khác:

- Tổng Công ty thương mại dự kiến tổ chức: 05 phiên chợ Tết với quy mô khoảng 1.000 – 3.000 m2 tại các huyện ngoại thành; khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời điểm Giáp Tết phục vụ nhu cầu mua sắm Tết (thời gian dự kiến từ 21/01/2014 đến 25/01/2014 tức vào 21 – 25/12 âm lịch); tổ chức các quầy hàng Tết (thời gian từ 07/01 – 28/01/2014, tức ngày 17/12 – 28/12 âm lịch). Ngoài ra, Tổng công ty thương mại dự kiến tham gia Hội chợ Xuân do trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam tổ chức với qui mô dự kiến 12 - 16 gian (dự kiến thời gian tổ chức 17/01 – 28/01/2014).

- Tổ chức Tháng khuyến mại năm 2013 (từ ngày 01/11 đến ngày 30/11/2013) với quy mô dự kiến hơn 300 doanh nghiệp, đơn vị tham gia. Trọng tâm của tháng khuyến mại năm 2013 sẽ tập trung vào các sự kiện: tổ chức chương trình bán hàng khuyến mại trực tuyến từ ngày 01/11-15/11/2013; tổ chức 2 ngày Vàng khuyến mại vào ngày 16 và 17/11/2013 tại 25 "điểm Vàng" với mức giảm giá hàng hóa từ 20% trở lên; bán hàng tại hơn 1.000 điểm khuyến mại với mức giảm giá từ 15% trở lên; Tổ chức “Hội chợ vàng khuyến mại” từ ngày 29/11 - 03/12/2013 tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội với quy mô trên 150 gian hàng khuyến mại.

- Tổ chức các Hội chợ Xuân trên địa bàn Thành phố tập trung vào các sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân như hàng nông sản thực phẩm, quần áo, may mặc, thời trang, hàng gia dụng, hoa cây cảnh, sản phẩm truyền thống phục vụ Tết Nguyên Đán.

- Tổ chức chợ hoa, chợ nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố phục vụ nhân dân tham quan mua sắm phục vụ Tết.

- Đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong suốt dịp Tết 2014 với mục tiêu đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và đảm bảo chất lượng điện năng cho toàn địa bàn Thủ đô Hà Nội trong những ngày Tết. Chú trọng công tác bảo vệ an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ về môi trường tại các làng nghề, các nhà máy sản xuất trên địa bàn đảm bảo môi trường trong dịp Tết Nguyên Đán.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Công Thương:

Tổ chức triển khai kế hoạch Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 đến các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại, HTX TMDV, Ban quản lý, doanh nghiệp quản lý các chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.



a. Phòng Quản lý thương mại:

- Theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trước hết là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu, báo cáo kịp thời lãnh đạo Sở để có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không được để xảy ra mất cân đối cung cầu.

- Chỉ đạo các đơn vị được UBND Thành phố ứng vốn: tăng cường công tác dự trữ hàng hóa, mở rộng nguồn hàng và mạng lưới bán hàng bình ổn giá, tổ chức các đợt bán hàng lưu động tới các chợ dân sinh, khu dân cư, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng theo nhu cầu tiêu dùng tại các điểm đăng ký bán hàng bình ổn giá.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn có các biện pháp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm tốt các công tác thị trường, chuẩn bị cơ sở vật chất, khai thác tốt hệ thống trung tâm thương mại, chợ đầu mối, cửa hàng và nguồn hàng đảm bảo cung cầu hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn, nhất là các dịp noel,Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, Kế hoạch đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân, tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

- Chủ trì phối hợp với Sở Giao Thông Vận Tải, Công an Thành phố xem xét và trình UBND Thành phố phê duyệt các điểm bố trí chợ hoa, chợ nông sản Tết, Hội chợ Xuân trên địa bàn, phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các điểm này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào mặt hàng thịt lợn, gia cầm, trứng gia cầm, rau an toàn. Phối hợp với Sở Tài Chính kiểm tra đăng ký giá, niêm yết giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại; kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị lực lượng hàng hoá của các doanh nghiệp thương mại, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn.

- Phối hợp với sở Y tế kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, chế xuất, trường mẫu giáo, tiểu học.

- Chủ trì, tổng hợp kết quả kinh doanh phục vụ Tết báo cáo Thành uỷ, UBND Thành phố và Bộ Công Thương theo tiến độ cụ thể sau:

+ Báo cáo Kế hoạch chuẩn bị Tết và thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ, của Bộ Công Thương trước ngày 15/11/2013.

+ Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị và tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa tại địa phương dịp cuối năm trước ngày 25/12/2013.

+ Báo cáo tình hình thị trường, cung cầu giá hàng hóa tại địa phương dịp sát Tết nguyên đán 2014 trước ngày 24/01/2014.

+ Báo cáo kết quả phục vụ Tết trước ngày 05/02/2014.

(Báo cáo gửi Bộ Công Thương bằng văn bản và E-mail theo địa chỉ: Bộ Công Thương, E-mail: hienlt@moit.gov.vn – fax: 0422205510)

b. Phòng Kế hoạch Tài Chính:

Xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và khuyến mại trên địa bàn Thành phố trong dịp cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán năm 2014, đảm bảo các đơn vị tổ chức thực hiện đúng các quy định pháp luật về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và khuyến mại trên địa bàn.

Triển khai thực hiện hiệu quả tháng khuyến mại năm 2013.

c. Phòng Quản lý công nghiệp:

Theo dõi và năm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, sản lượng hàng hóa, số lượng dự trữ và bán ra của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân như bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, sữa chế biến…

Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra việc tuân thủ các qui định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu đối với các mặt hàng phục vụ Tết; thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất nhằm đảm bảo tốt việc lưu thông hàng hóa trên thị trường.

d. Phòng Quản lý tiểu thủ công nghiệp và làng nghề:

- Theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, sản lượng hàng hóa và công tác phục vụ Tết của các làng nghề trên địa bàn Thành phố.

- Kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết của các làng nghề trên địa bàn Thành phố.

e. Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường:

Chủ động kiểm tra về môi trường tại các làng nghề, các nhà máy sản xuất trên địa bàn đảm bảo môi trường trong dịp Tết Nguyên Đán. Phối hợp với các phòng liên quan kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.



f. Phòng Quản lý điện năng:

Phối hợp với Công ty điện lực Hà Nội lập kế hoạch và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trong suốt dịp Tết Nguyên đán.



g. Phòng Kinh tế đối ngoại:

Theo dõi và nắm bắt tình hình hoạt động, kinh doanh của các văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn về công tác phục vụ Tết.



h. Văn phòng Sở:

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường của Trung ương và của Thành phố cho nhân dân trên địa bàn; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.



i. Chi cục Quản lý thị trường:

Triển khai quyết liệt kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường quý IV/2013 và quý I/2014; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng thành phố và quận, huyện để quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thịt lợn, trâu bò, gia cầm, thực phẩm chế biến, đồ uống, rau an toàn; văn hoá phẩm có tính mê tín dị đoan cấm hoặc không được phép lưu hành; đồ chơi trẻ em có tính kích động bạo lực, pháo nổ; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phát hiện các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hoá bất hợp pháp, kiểm tra việc thực hiện bán hàng bình ổn giá tại các điểm bán hàng doanh nghiệp đăng ký, kiểm tra các Hội chợ Xuân, các kho dự trữ hàng thực phẩm, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, các tuyến phố kinh doanh đồ chơi trẻ em... Đảm bảo việc kiểm tra, xử lý đúng quy định nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị.



2. Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã:

Căn cứ Kế hoạch hướng dẫn của Sở Công Thương, tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các phường, xã, thị trấn tập trung cung cấp thông tin dự báo thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ và cung ứng hàng hoá ra thị trường phục vụ tốt người tiêu dùng, đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trên địa bàn; quan tâm kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, các cửa hàng thương mại, cửa hàng ăn uống tại các tuyến phố, các chợ việc tổ chức kinh doanh hàng hoá đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, quản lý chặt chẽ hoạt động các chợ hoa, chợ nông sản thực phẩm, Hội chợ xuân.

- Phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các kho hàng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng trên địa bàn.

3. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị:

- Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị chủ động đánh giá tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên Đán xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng hoá để đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ, đảm bảo cung ứng hàng hoá có nguồn gốc hợp pháp rõ ràng với chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổ chức chỉnh trang cửa hàng sạch đẹp, đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đảm bảo tại các điểm bán hàng cũng là nơi để người dân và khách du lịch đến tham quan, vui chơi, mua sắm.

- Chủ động mở rộng mạng lưới bán hàng, hệ thống thanh toán để tạo điều kiện cho khách đến mua hàng được thuận lợi, nhanh chóng, tránh tình trạng quá tải trong khâu thanh toán.

- Các đơn vị chủ động khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đảm bảo dự trữ hàng hoá có chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và sau Tết Nguyên đán, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

- Các doanh nghiệp được Thành phố cho tạm ứng vốn để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2013 thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

+ Dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Giáp Ngọ. Niêm yết giá và bán theo đúng giá được Sở Tài Chính chấp thuận. Trường hợp giá của một hoặc một số loại hàng hóa trên thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục và mức tăng từ 15% trở lên, doanh nghiệp báo cáo Sở Tài Chính, Sở Công Thương phương án điều chỉnh giá và chỉ được điều chỉnh giá sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Sở Tài Chính. Mức giá điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc thấp hơn giá thị trường 10%.

+ Mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng tại các khu vực đông dân cư, chợ và vùng nông thôn ngoại thành; tăng cường tổ chức các chuyến bán hàng bình ổn lưu động về khu vực ngoại thành, vùng sâu vùng xa, các khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... đặc biệt trong các thời điểm có biến động về giá để người dân trên địa bàn Thủ đô đều được hưởng chương trình bình ổn giá của Thành phố.

+ Giám sát, kiểm soát chất lượng và giá bán của mặt hàng tham gia bình ổn, đồng thời kiểm soát tốt các đại lý phân phối của doanh nghiệp.

+ Thực hiện nghiêm túc việc bán hàng cũng như treo biển nhận diện tại hệ thống các điểm bán hàng bình ổn đã đăng ký.

+ Tổ chức bán hàng, trực Tết trước, trong và sau Tết phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Thời gian mở cửa đến hết ngày 30 /01/2014 (tức ngày 30 Tết) và mở cửa bán trở lại chậm nhất vào ngày 03/02/2014 (Tức ngày mồng 4 Tết).

4. Các Doanh nghiệp quản lý chợ, Ban quản lý chợ:

- Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp hàng hoá ngăn nắp, gọn gàng, thực hiện việc bán hàng văn minh lịch sự, thực hiện quy định về chất lượng hàng hoá và an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn hàng hoá, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, cũng như các quy định khác về hoạt động thương mại, dịch vụ.

- Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá, đôn đốc các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm việc nộp thuế và các loại phí theo quy định; kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong và quanh khu vực chợ.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO:

Phòng Kinh tế các quận, huyện; Chi cục QLTT; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh chợ và Ban quản lý các chợ xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2014, tổ chức triển khai và tổng hợp tình hình kết quả thực hiện gửi về Sở Công Thương theo thời gian sau:

- Kế hoạch phục vụ Tết gửi trước ngày 10/11/2013.

- Báo cáo nhanh (đợt 1) kết quả phục vụ Tết vào ngày 20/01/2014.

- Báo cáo nhanh (đợt 2) kết quả phục vụ Tết vào ngày 27/01/2014.

- Báo cáo tổng kết tình hình phục vụ Tết vào ngày 04/02/2014 (mùng 5 Tết).

- Chi cục QLTT báo cáo kết quả thực hiện 02 tuần/lần vào sáng thứ 6.

Báo cáo gửi về Sở Công Thương bằng văn bản và email theo địa chỉ: Sở Công Thương, số 331 Cầu Giấy; Fax: 04.62691288; email: phongqltm@gmail.com đúng thời gian quy định.

Để thực hiện tốt kế hoạch, Sở Công Thương đề nghị các Sở, Ban, Ngành, Phòng Kinh tế các quận, huyện, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Đề nghị Bộ Công Thương, Thành uỷ, UBND Thành phố quan tâm tạo điều kiện để Ngành Công Thương hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014./.

Nơi nhận:

- Bộ Công Thương;

- Thường trực Thành uỷ;

- Thường trực HĐND TP, UBND TP; (để

- Đ/c Nguyễn Thế Thảo - CT UBND TP; báo

- Đ/c Nguyễn Văn Sửu - PCT UBND TP; cáo)

- VP Thành uỷ HN; VP UBND TP;

- Vụ TTTN- Bộ Công Thương;

- Các đ/c Phó Giám đốc Sở; (để đôn đốc th/hiện)

- Các Sở NN&PTNT, Ytế, TC,

VH-DL-TT, GTVT, CATP; (để

- UBND các quận, huyện,TX; phối

- Sở CT một số tỉnh, TP; hợp)

- Công đoàn ngành;

- Chi cục QLTT, Các phòng, ban Sở (để th/hiện);

- Các DNTM, TTTM, ST, chợ (để th/hiện);

- Đài PTTH HN, báo HN mới, KTĐT,

TM, LĐ, ANTĐ, TTXVN (phân xã HN) (để đưa tin);



- L­­­ưu VT, KHTC.

GIÁM ĐỐC

Lê Hồng Thăng






Каталог: webcenter -> contentattachfile

tải về 111.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương