Thanh tra chính phủ DỰ thảo cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 100.58 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích100.58 Kb.
#4167

THANH TRA CHÍNH PHỦ



DỰ THẢO


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2012

BÁO CÁO

Sơ kết việc triển khai thực hiện

Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và

Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ

(từ 01/5/2012 đến 31/10/2012)




I. TÌNH HÌNH KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự cố gắng phấn đấu của tất cả các cấp, các ngành, tình hình khiếu nại, tố cáo cả nước năm 2012 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011 về số lượng đơn thư và số vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tăng, có thời điểm tính chất mức độ gay gắt hơn (từ tháng 2 đến tháng 5 và tháng 10/2012). Trong đó, nhiều vụ việc phát sinh trước đây đã được các cấp chính quyền giải quyết nhiều lần, với nhiều biện pháp khác nhau nhưng không dứt điểm, hoặc đã dứt điểm được nhiều năm, nay công dân lại tái khiếu, nhất là các vụ việc khiếu nại liên quan đến việc về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Đáng chú  ý là một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối, tụ tập, làm mất an ninh, trật tự trước trụ sở cơ quan Trung ương, đưa lên mạng Internet với nội dung vu khống, sai bản chất sự việc nhằm bôi xấu chính quyền. Tình hình khiếu nại, tố cáo nêu trên đã  ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa bàn trong một số thời điểm, một số dự án bị đình trệ, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Đáng lo ngại là một số người khiếu nại thể hiện thái độ coi thường kỷ cương, bất chấp pháp luật, có hành vi đối đầu với chính quyền, tràn vào chiếm trụ sở cơ quan nhà nước, trụ sở tiếp dân thậm chí dùng vũ khí nóng để chống người thi hành công vụ.

Trước tình hình trên, ngày 18/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (sau đây viết tắt là Chỉ thị 14); Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài (sau đây gọi tắt là Kế hoạch 1130); sau 6 tháng triển khai thực hiện, kết quả như sau:



II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 14 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH 1130 CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ

1. Công tác quán triệt và chỉ đạo thực hiện.

Ngay sau khi Chỉ thị 14 được ban hành, các cấp, các ngành đã quan tâm tổ chức các hội nghị, ban hành nhiều văn bản để quán triệt và chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện. Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 1130 và ban hành văn bản1 hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, thống kê, phân loại kiểm tra các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có kế hoạch, biện pháp giải quyết dứt điểm; hàng tháng tổ chức giao ban với các Bộ, ngành liên quan; 03 tháng tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Chỉ thị, Kế hoạch trên phạm vi toàn quốc

Các địa phương Bộ, ngành đã ban hành 114 văn bản chỉ đạo, trong đó 24 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; một số Bộ ban hành Chỉ thị để triển khai các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Chỉ thị 14 và Kế hoạch 11302; tổ chức 447 hội nghị với 40.532 cán bộ tham gia để phổ biến, quán triệt và hướng dẫn việc thực hiện3. Nhiều địa phương đã kết hợp việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị, kế hoạch lồng ghép với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

2. Một số kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ.

a) Một số kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ tháng 7 đến tháng 11/2012

i) Tiếp công dân: Cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã tiếp 72.547 lượt người, 606 lượt đoàn đông người, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 25,3% lượt người và 2,7% số đoàn đông người. Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đã tiếp 11.605 lượt người (328 lượt đoàn đông người), so với cùng kỳ năm 2011 giảm 9,5% số lượt người và tăng khoảng 34% số lượt đoàn đông người. Như vậy, xu hướng các đoàn đông người khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương tiếp tục tăng.

Các Bộ ngành, địa phương tiếp 60.942 lượt người (278 lượt đoàn đông người), so với cùng kỳ năm 2011 tăng 35,2% số lượt người và giảm 19,9% số lượt đoàn đông người.



ii) Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Cả nước đã tiếp nhận và xử lý 20.746 đơn thư khiếu nại, tố cáo (giảm 56,6% so với cùng kỳ năm 2011), trong đó Thanh tra Chính phủ đã xử lý 1.871 đơn thư khiếu nại, tố cáo (giảm 4% so với cùng kỳ năm 2011), trong đó có 1.704 đơn khiếu nại; 167 đơn tố cáo. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp nhận, xử lý 18.875 đơn thư khiếu nại, tố cáo (giảm 59% so với cùng kỳ năm 2011) với 13.018 vụ việc thuộc thẩm quyền (giảm 167,3% so với cùng kỳ năm 2011), gồm 10.262 đơn khiếu nại, 2.756 đơn tố cáo.

iii) Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo: các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 5.685/13.018 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 43,67% (cao hơn cùng kỳ năm trước 6,85%). Có 228 vụ việc giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở. Trong đó Thanh tra Chính phủ đã giải quyết 13/19 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo các ngành, các cấp đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 6.212 triệu đồng, 15 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 03 vụ việc với 04 người.

b) Một số kết quả chủ yếu qua thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1130 của Thanh tra Chính phủ.

i) Nội dung về chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Nhiều địa phương đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác vận động quần chúng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành tăng cường công tác phối hợp với Ban dân vận, Mặt trận, các đoàn thể cùng cấp trong việc tuyên truyền, vận động và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho Hội nông dân các cấp tham gia, giải quyết khiếu nại, tố cáo4. Tăng cường các biện pháp để chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý nhà nước khi triển khai các công trình, dự án trên địa bàn; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của công trình, dự án, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện có liên quan đến công trình, dự án đầu tư; tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn; chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai….

- Nhiều địa phương, Bộ, ngành đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nhạy cảm, các cơ quan có ý kiến khác nhau phát sinh trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách5, góp phần tích cực vào ổn định tình hình, địa phương, đơn vị.

ii) Về công tác tiếp dân và kết quả thực hiện Đề án đổi mới công tác Tiếp công dân (theo Quyết định 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) sau khi có Chỉ thị 14:

- Thực hiện Chỉ thị 14, công tác tiếp công dân của Thủ trưởng các cấp các ngành đã có những chuyển biến tích cực. Số địa phương thủ trưởng trực tiếp công dân tăng6, nhiều địa phương đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân7.

- Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở các cấp, các ngành, đã có 13.108 cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo kế hoạch hiện nay còn 1.332 cán bộ chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ. Một số địa phương tích cực triển khai nhiệm vụ này như: Bắc Giang, Bình Thuận, TP Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, Bình Định. Một số địa phương còn nhiều cán bộ tiếp dân chưa được tập huấn như Quảng Ngãi, Long An, Hậu Giang…

- Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các Bộ ngành, địa phương đều đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân. Nhiều địa phương đã quan tâm bố trí trụ sở tiếp công dân theo khả năng hiện có và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 14 có 54 Trụ sở tiếp công dân các cấp được nâng cấp, bố trí mới; một số địa phương đã quan tâm đầu tư trang thiết bị làm việc mới cho Trụ sở tiếp công dân8.

- Thanh tra Chính phủ đã xây dựng cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo theo mô hình truyền thống và cung cấp miễn phí phần mềm dùng chung “Tiếp công dân” và “Xử lý đơn thư” cho các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai được 10 điểm thuộc thanh tra bộ, ngành, địa phương9.

- Hiện nay nhiều Bộ, ngành địa phương đã triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng ở mức cao cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo10.



iii) Nội dung về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài và thực hiện Kế hoạch 1130

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị 14, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch 1130; thành lập nhiều Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài11.

Tính đến ngày 30/11/2012, tổng số các vụ việc đã được rà soát 527/528 vụ việc, đạt 99,81%12, trong đó Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định phương án giải quyết 495/528 vụ việc; Bộ Tài nguyên và Môi trường 14/528 vụ việc; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 02/528 vụ việc; Bảo hiểm xã hội 03/528 vụ việc; Bộ Tài chính 09/528 vụ việc; Bộ Quốc phòng 05/528 vụ việc và Bộ Xây dựng 08/528 vụ việc, kết quả cụ thể như sau:

- Số vụ việc Trung ương và địa phương thống nhất sẽ chấm dứt xem xét việc thụ lý; xem xét giải quyết lại hoặc có những trường hợp cá biệt phải vận dụng chính sách để hỗ trợ là 415/527 (chiếm 78,74%), trong đó:

+ Số vụ việc chấm dứt xem xét là 253/527 (chiếm 48,1%);

+ Số vụ việc xem xét giải quyết lại hoặc có những trường hợp cá biệt phải vận dụng chính sách để hỗ trợ 162/527 (chiếm 30,74%).

- Số vụ việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ là 41/527 vụ việc (chiếm 7,78%).

- Số vụ việc Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan đang thống nhất phương án giải quyết là 29/527 vụ (chiếm 5,5%).

- Số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương là 42/527 vụ (chiếm 7,97%).

Sau khi kiểm tra, rà soát, thực hiện quy trình, Lãnh đạo Bộ, ngành và Lãnh đạo địa phương đã ký Biên bản thống nhất chủ trương và phương án để chấm dứt việc xem xét giải quyết 274/527 vụ việc khiếu nại, tố cáo (chiếm 51,99%)13.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan dân cử thực hiện chức năng giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ đã có công văn kèm theo danh sách các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố có các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Có thể khẳng định kết quả của việc thực hiện Kế hoạch 1130 đã có tác động tích cực đến tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ trương và quyết tâm của Đảng và Nhà nước về việc tăng cường rà soát, kiểm tra, phối hợp và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, cũng như sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là những người khiếu nại, tố cáo. Nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đã được nâng cao, tạo ra bước chuyển trong hành động thông qua việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 1130 trên phạm vi cả nước; đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Trung ương với địa phương, giữa cơ quan thanh tra với các ngành hữu quan khác trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều bức xúc trong dân cũng đã được giải tỏa; mức độ gay gắt của tình hình khiếu kiện nói chung, khiếu kiện đông người, phức tạp nói riêng trong toàn quốc trước mắt có phần dịu bớt; góp phần bảo đảm an ninh và trật tự xã hội.



iv) Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 14, Kế hoạch 1130 đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 5.809/6.806 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (đạt 85.4%); 840/953 quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật (chiếm 88,1%). Trong đó có 68/73 vụ việc khiếu nại có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện (đạt 93,2%). Một số địa phương, bộ có tỷ lệ thực hiện cao như tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Hà Giang, Kiên Giang, Lạng Sơn, Long An, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng…; một số địa phương tỷ lệ đạt thấp như: Bình Dương, Tây Ninh, Phú Thọ, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc…



v) Việc phối hợp xử lý khiếu nại, tố cáo đông người ở cấp Trung ương

Nhiều địa phương đã phân công Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thường xuyên phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các Bộ ngành chức năng xử lý các vụ khiếu nại, tố cáo đông người ở Trung ương. Khi nhận được thông tin của các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện Trụ sở tiếp dân của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, các huyện kịp thời phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc xử lý, giải quyết tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp và vận động đưa công dân khiếu kiện trở về địa phương để đối thoại và tiếp tục giải quyết theo quy định. Trong 6 tháng từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị, các địa phương đã phối hợp với cơ quan Trung ương xử lý 248 vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp ở Trung ương. Một số địa phương đã tích cực phối hợp xử lý khiếu kiện đông người vượt cấp như: Bắc Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh...14.

Thực hiện Chỉ thị 14, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phân công 01 Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các ngành liên quan của Thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Trung ương xử lý tốt các tình huống phức tạp do các đoàn đông người từ các địa phương khác về Thủ đô khiếu kiện, nhất là trong những thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước15.

vi) Về tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.

Công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các Bộ ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện theo kế hoạch. Các cấp, các ngành đã tiến hành 1.589 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo (tăng gần 250% so với cùng kỳ 2011). Qua thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm trong việc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, đơn vị, kiến nghị xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét 03 vụ, 04 người.



c) Kết quả về một số nhiệm vụ Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành Trung ương

i) Thanh tra Chính phủ:

- Triển khai thực hiện Chỉ thị 14 và kế hoạch công tác năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại16; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật tố cáo; xây dựng Luật Tiếp công dân17. Hiện nay, Luật tiếp công dân đã được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Theo kế hoạch, Dự thảo luật sẽ được trình Chính phủ vào tháng 01/2013.

- Nhằm đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo cho người dân, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Đề án tiếp tục tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2016 (dự kiến Đề án sẽ được trình Chính phủ vào cuối tháng 12/2012).

- Tập trung biên soạn và phát hành sách18; tổ chức tập huấn quán triệt Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các nghị định hướng dẫn thi hành cho các cán bộ chủ chốt của thanh tra các bộ, ngành, địa phương19; thường xuyên cử cán bộ tham gia giảng dạy, phổ biến, tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo tại Trường Cán bộ Thanh tra và tại Bộ, ngành, địa phương có yêu cầu.

- Tiến hành các cuộc hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo; ban hành quyết định phê duyệt dự án “Xây dựng dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”20; triển khai xây dựng và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Theo kế hoạch dự án được triển khai trong 2 năm (2013 – 2014).

- Triển khai 7/7 cuộc thanh tra trách nhiệm các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đến nay đã kết thúc, ban hành kết luận 6 cuộc thanh tra21.

Năm 2013 Thanh tra Chính phủ tiếp tục định hướng các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ có sai phạm.

ii) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Ngay sau khi có Chỉ thị số 14/CT-TTg và Kế hoạch số 1130/KH-TTCP, Bộ đã quán triệt, tập trung chỉ đạo, bố trí lực lượng, tích cực phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để rà soát các vụ việc tồn đọng, kéo dài22. Trong quá trình giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài cũng như các vụ việc mới phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết và Thủ tướng Chính phủ giao, đã quan tâm, chú trọng đối thoại, hòa giải, nhất là các trường hợp tranh chấp đất đai, đã tổ chức hòa giải thành một số vụ việc tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm23.

- Bộ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, trong đó tập trung thanh tra diện rộng đối với các nông trường, lâm trường; thanh tra về môi trường, đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn đối với các dự án thủy điện; thanh tra trách nhiệm trong quản lý nhà nước về môi trường; chỉ đạo kiểm tra việc quản lý sử dụng đất theo Chỉ thị 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc chấp hành pháp luật về đất đai trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn một số tỉnh, thành phố. Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai ngoài mục đích phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm còn nhằm chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đất đai, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, nhất là các khiếu kiện vượt cấp, đông người lên Trung ương.

iii) Bộ thông tin và Truyền thông

Để triển khai nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 14, trong các cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần, Bộ đã cùng với Ban Tuyên Giáo Trung ương luôn có những chỉ đạo, quán triệt định hướng thông tin đối với các cơ quan báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí khi thông tin về các vụ khiếu nại, tố cáo phải chính xác, đầy đủ, khách quan, tránh việc đưa tin một chiều, sai bản chất sự việc, nhất là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.



3. Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ.

a) Những mặt tích cực:

Sau 6 tháng triển khai Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130, cả nước đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm 201124; nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính các cấp, các ngành, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên; nhiều đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức các đợt cao điểm trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở. Các vụ việc khiếu kiện đông người được tập trung chỉ đạo giải quyết và cơ bản ổn định; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhiều năm đã được các ngành, các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại quy trình giải quyết để đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.

- Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng các cấp, các ngành đã tăng cường tổ chức đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại; nhiều địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện đông người và phức tạp. Một số địa phương đã giải quyết dứt điểm cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài nhiều năm. Công tác hòa giải cơ sở được coi trọng và thực hiện ngày càng có hiệu quả nên đã giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại ngay từ cơ sở.

- Đối với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan tuy mới triển khai thực hiện Chỉ thị 14, Kế hoạch 1130 trong thời gian ngắn, nhưng đã được tiến hành nghiêm túc với tinh thần quyết tâm, tích cực, nhất là trong việc phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài, đã tác động tích cực vào tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung.

- Việc hoàn thiện các văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tuyên tuyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thông tin về các vụ việc khiếu nại, tố cáo; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; phối hợp xử lý khiếu kiện đông người, vượt cấp ở Trung ương được quan tâm đẩy mạnh. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật được địa phương, Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo được thực hiện tăng so với thời gian trước, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.



b) Những hạn chế, tồn tại.

- Việc thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân còn chậm, nhất là khâu kiện toàn đội ngũ cán bộ, bố trí trụ sở và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của trụ sở tiếp công dân. Một số ít địa phương, Bộ ngành, Chủ tịch tỉnh, thủ trưởng cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp dân, chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định; việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng tiếp công dân và công tác phân loại, xử lý đơn thư, tổng hợp số liệu phục vụ chế độ thông tin báo cáo còn nhiều hạn chế25.

- Hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn thấp26. Vẫn còn những địa bàn có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được thanh tra, kiểm tra; việc đề xuất xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cán bộ có thẩm quyền vi phạm các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức.

- Một số nhiệm vụ Chỉ thị giao cho các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện còn chậm. Việc nắm thông tin, thống kê số liệu tình hình khiếu nại, tố cáo của một số địa phương còn hạn chế, chưa hệ thống, thiếu chính xác. Việc báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130 ở nhiều địa phương, bộ ngành còn chậm, chưa bám sát mục đích, yêu cầu của việc sơ kết và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, nhất là việc cung cấp số liệu, dẫn chứng về kết quả triển khai Chỉ thị, Kế hoạch.



c) Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:

- Nhận thức của một số ngành, địa phương về mục tiêu, ý nghĩa của việc thực hiện Chỉ thị số 14 và Kế hoạch số 1130 còn chưa thật đầy đủ dẫn đến việc triển triển khai thực hiện cũng như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

- Trong việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tiến độ và hiệu quả đạt được chưa cao do một số vụ việc phát sinh đã nhiều năm nay và pháp luật đã nhiều lần điều chỉnh, có nhiều thay đổi; hồ sơ, tài liệu bị thất lạc hoặc không đủ làm căn cứ xem xét, giải quyết, vì vậy việc giải quyết gặp những khó khăn nhất định để đảm bảo hợp lý và hợp pháp; một số cơ chế chính sách còn chưa đảm bảo được sự hài hòa giữa các mục tiên phát triển kinh tế với công bằng, an sinh xã hội; các chính sách bồi thường khi thu hồi đất sau đảm bảo tốt hơn về quyền lợi cho người dân gây tâm lý so bì, phát sinh khiếu nại dai dẳng; nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, hoặc do kẻ xấu kích động; cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành hữu quan và các đoàn thể trong hệ thống chính trị nhiều trường hợp thiếu thống nhất, lúng túng.

- Do thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị chưa nhiều, một số Bộ, ngành địa phương tập trung thời gian vào việc triển khai các nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch, do vậy một số nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà Chỉ thị nêu ra chưa được quan tâm chỉ đạo ráo riết để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội (khóa XIII), Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130, các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:



1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bám sát các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130 để chỉ đạo triển khai thực hiện; chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch thực hiện, nhất là đối với những đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể trong Chỉ thị và những Bộ ngành, địa phương có tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện; tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả việc thực hiện theo đúng yêu cầu. Kịp thời triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

2. Các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung việc triển khai tổ chức thực hiện phương án giải quyết đã thống nhất đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài; ký Biên bản thống nhất chủ trương, phương án chấm dứt xem xét giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã xác định không tiếp tục xem xét, giải quyết và thực hiện quy trình, các bước để chấm dứt và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; tăng cường sự phối hợp giữa Bộ, ngành Trung ương với địa phương.

Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130; định kỳ giao ban đánh giá kết quả, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các Bộ ngành, địa phương trong quá trình thực hiện; tổng hợp tình hình, kết quả trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

Sau khi giải quyết xong cơ bản 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, cả nước chuyển sang bước 2 là tập trung kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác. Thanh tra Chính phủ sẽ có công văn chỉ đạo riêng về việc này.

3. Đề nghị một số Bộ, ngành có liên quan:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; thi hành pháp luật đất đai, nhất là việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất.



- Bộ Nội vụ cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng cân đối, bổ sung biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và tham mưu giúp chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phê duyệt phân bổ kinh phí trong năm 2013 để việc xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo” thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

4. Kiến nghị Quốc hội quan tâm sớm thông qua Luật đất đai, Luật tiếp công dân, Luật hòa giải cơ sở./.

THANH TRA CHÍNH PHỦ

1 Kế hoạch số 2114/KH-TTCP ngày 28/8/2012; Công văn 1644//TTCP-VP ngày 02/7/2012.

2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, tỉnh Lâm Đồng., Quảng Bình, Thừa Thiên Huế; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân triển khai Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130.

3 Một số địa phương tích cực triển khai Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130 như: Lạng Sơn, Thái Bình, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường,…

4 Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh…

5 Vụ việc 14 hộ dân là CBCNV Công ty Đường 126 thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, vụ việc đã được Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp cùng Tổng Công ty XDCTGT 1 (là đơn vị chủ quản của Công ty Đường 126) giải quyết một cách quyết liệt nên vụ việc đã được giải quyết cơ bản, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài; vụ việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh vụ việc phức tạp khi thu hồi đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắc Nông và Bình Phước; vụ khiếu nại tại Dự án Hồ chứa nước Sông Ray, Ban Dân vận, UBMTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh ... đã tham gia tích cực trong việc giải thích pháp luật, vận động người khiếu nại không tụ tập khiếu nại đông người, đồng thời tích cực tham gia trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

6 Đã tiếp 49.563 lượt công dân khiếu nại, tố cáo

7 Đã tiếp 2.755 lượt công dân khiếu nại, tố cáo

8 Các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh..

9 Đó là: Bộ giáo dục và đào tạo; Bộ tài chính; Ủy ban dân tộc; Văn phòng Chính phủ; Đài truyền hình Việt Nam (VTV); UBND tỉnh Hải Dương; UBND tỉnh Nghệ An; Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc; Thanh tra tỉnh Lâm Đồng. Nhu cầu của thanh tra các bộ ngành, địa phương đề nghị cài đặt phần mềm còn 761 đơn vị, tuy nhiên, theo kế hoạch Thanh tra Chính phủ sẽ cung cấp đến cấp bộ, ngành, tỉnh, thành còn cấp quận, huyện, sở, ban ngành sẽ được xây dựng kế hoạch sau.

10 Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư quy định chế độ bồi dưỡng cho các đối tượng quân đội làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỉnh Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh…ban hành Quyết định quy định chế độ bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác này; nhiều tỉnh, thành phố khác HĐND đã thông qua Nghị quyết.

11 Thanh tra Chính phủ triển khai 19 Tổ công tác rà soát tại 36 tỉnh, thành phố; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai 9 Tổ công tác rà soát tại 11 tỉnh, thành phố

12 Còn lại 01 vụ việc khiếu nại của một số dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết, nhưng chưa có kết quả rà soát.

13 Trong đó Thanh tra Chính phủ thống nhất với địa phương chấm dứt 280/283 vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường 03/283 vụ.

14 (Tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu) Điển hình như khiếu nại về dự án Khu du lịch Sơn Tiên, dự án Hồ chứa nước Sông Ray, dự án Khu dân cư Long Hưng, dự án chợ Tân Hiệp, chợ Long Khánh, chợ Vĩnh Tân; (tỉnh Tiền Giang) 04 Đoàn đông người kéo kiện ở thành phố Hồ Chí Minh, 02 Đoàn khiếu nại đông người ở thành phố Hà Nội và 03 Đoàn kéo kiện ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

15 Công dân các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Nai...

16 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012; Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012

17 Thanh tra Chính phủ đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các Thông tư quy định và hướng dẫn quy trình nghiệp vụ trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Thông tư về việc ban hành các mẫu văn bản trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo..

18 Phát hành 02 cuốn: “Những nội dung cơ bản của Luật khiếu nại”, “Những nội dung cơ bản của Luật tố cáo”

19 Tại Miền Bắc, Miền Nam.

20 Quyết định số 2773/QĐ-TTCP ngày 25/10/2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ

21 Thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Bến Tre, Tuyên Quang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

22 Đến nay Bộ đã cử Tổ công tác để rà soát 72/74 vụ việc (đạt 97%), sau khi rà soát Lãnh đạo Bộ đã làm việc để thống nhất với địa phương biện pháp giải quyết 62/72 vụ việc (đạt 86%). Dự kiến Bộ sẽ hoàn thành việc rà soát các vụ việc theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP trong tháng 12/2012

23 Vụ việc tranh chấp với cơ sở tôn giáo, như khiếu nại của ông Nguyễn Văn Ta, khiếu nại của ông Huỳnh Văn Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn Dũng và Thánh thất Cao Đài Tây Ninh.

24 Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế toàn cầu và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư bị cắt giảm hoặc không triển khai, do vậy nhiều dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.

25 Theo báo cáo của 52 địa phương, năm 2012 còn 1.332 cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ theo kế hoạch. Riêng tỉnh Quảng Ngãi cán bộ chuyên trách tiếp dân của Trụ sở tiếp công dân tỉnh và Địa điểm tiếp công dân của 11 huyện chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ; công tác tiếp công dân ở xã, phường, thị trấn vẫn còn yếu.

26 Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mặc dù từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành đã triển khai 1.589 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý các cấp trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên việc kiến nghị và xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có vi phạm kết quả còn rất hạn chế (xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ).


Каталог: images
images -> Hướng dẫn sử dụng Dropbox Để sử dụng được Dropbox
images -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
images -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
images -> Lúa gạo Việt Nam Giới thiệu
images -> Trung Tâm kt tc-đl-cl
images -> Số: 105/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
images -> ChuyêN ĐỀ ĐẠi số TỔ HỢP, XÁc suất kiến thức cơ bản Đại số tổ hợp
images -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
images -> Review of Condor, Sun Grid Engine and pbs

tải về 100.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương