Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU



tải về 133.97 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích133.97 Kb.
#35539
Họ tên: Nguyễn Thị Phượng

Lớp : 12 Văn 1



BÀI TẬP CHUYÊN ĐỀ:

PHONG CÁCH KÍ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG QUA

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG?”



* * *

* *

A- MỞ ĐẦU

  1. Lí do chọn đề tài:

1. Kí là một trong những thể văn học hiện đại thiên về ghi chép và bám sát

sự kiện lịch sử và được xem là một thể loại rất cơ động, linh hoạt, nhạy bén. Kí càng ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong việc phản ánh hiện thực của đời sống con người và xã hội một cách trực tiếp và tươi mới nhất, đồng thời vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật cơ bản của một tác phẩm văn học. Bằng vốn sống, sự hiểu biết và tài năng sáng tạo, các nhà viết kí thực sự đã khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong việc góp phần xây dựng một nền văn học hoàn chỉnh.

2. Trong những gương mặt viết kí tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, Hoàng Phủ Ngọc Tường nổi lên như một hiện tượng đáng chú ý với một phong cách viết vừa trữ tình, lãng mạn, vừa thâm trầm, triết lý đồng thời cũng rất độc đáo, tài hoa.

Đến nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được ghi nhận là một “cây kí” độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, mảng sáng tác thuộc thể loại kí có vị trí quan trọng, có nhiều thành công đáng kể. Sáng tác của ông mang đậm bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật khá đặc sắc…

Vốn được sinh ra và lớn lên ở Huế- một trong những trung tâm văn hoá lâu đời của đất nước, do đó, hơn ai hết, Hoàng Phủ Ngọc Tường rất am hiểu về thiên nhiên, lịch sử, văn hoá và con người nơi đây. Bởi vậy, những trang viết của ông luôn gắn với vùng đất Huế ruột thịt và chứa đựng những giá trị thẩm mỹ đặc biệt. Bên cạnh đó, với vốn kiến thức uyên bác, phong phú trên nhiều lĩnh vực có được bằng sự tích luỹ kiến thức qua những chuyến điền dã đến mọi miền của Tổ quốc, từ rừng hồi Lạng Sơn đến tận đất mũi Cà Mau…, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sáng tạo được những trang kí vừa chuyển tải được những vấn đề thời sự nóng hổi, đáng quan tâm đang diễn ra trong cuộc sống, vừa thể hiện được cái nhìn của một con người luôn muốn tìm hiểu, khám phá sự việc ở chiều sâu của nó.

Chính vì thế, những trang kí phẩm Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự đã khẳng định được giá trị của mình theo thời gian, gây được sự chú ý cho công chúng và những nhà phê bình, nghiên cứu văn học.

3. Vốn yêu thích vẻ đẹp thanh lịch, trầm tư của mảnh đất cố đô và ấn tượng sâu sắc bởi những trang viết trí tuệ nhưng cũng thấm đẫm chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường - đó chính là những lý do người viết muốn đi sâu vào những tác phẩm kí, đặc biệt là phong cách của nhà văn để khám phá những giá trị tiềm ẩn, cũng như muốn khẳng định sự đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà.


  1. Lịch sử vấn đề:

Bắt tay vào nghiên cứu đề tài về phong cách nghệ thuật Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng tôi nhận thấy đây không phải là công việc bắt đầu trên mảnh đất trống. Tới nay có khoảng 30 bài trực tiếp nghiên cứu, đề cập tới sự nghiệp, sáng tác (cả về sáng tác thơ, văn xuôi) đã được đăng trên các báo, tạp chí. Có 06 luận văn thạc sĩ nghiên cứu về thơ văn của ông. Các nhà phê bình nghiên cứu đều xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau để khám phá thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hầu hết các bài viết đều có sự thống nhất phần nào trong vấn đề tìm hiểu và phân tích về cảm hứng, nội dung, nghệ thuật…của nhà văn, qua đó khẳng định giá trị, bản sắc, thành tựu, đóng góp và vị trí riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.

Nhìn chung các công trình nghiên cứu, phê bình chỉ tập trung khảo sát, tìm hiểu về một số vấn đề tiêu biểu sau đây để phần nào khẳng định thành tựu và những đóng góp của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong sự nghiệp văn học:



+ Nghiên cứu về phương diện văn hóa trong kí của Hoàng Phủ Ngọc

Tường, tập trung ở những ý kiến đánh giá của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Trọng Tạo, Đặng Nhật Minh…

  • Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hoá và lịch sử của các điều kiện đời sống… Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân loé lên những ánh sáng bất ngờ… Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hoá với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn”.

  • Hoàng Cát cũng khẳng định: “Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn hiện lên là một nhà văn hoá hành văn vô cùng độc đáo, một cuốn từ điển sống về Huế” .

  • Tác giả Lê Trà My khi nghiên cứu kí Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận thấy ở ông có một bản lĩnh, một cách sống khá độc đáo: “Khi nhìn các vấn đề, nhà văn thường đặt chúng trong chiều sâu văn hoá dân tộc, khám phá ở đó những giá trị văn hoá, bằng những năng lực nội cảm của chính bản thân mình. Từ cách phân tích, lý giải, khơi mở vấn đề, đến việc đánh giá kết luận, nhà văn thường có một thước đo giá trị: đó là tính văn hoá” . Qua đó tác giả khẳng định bản lĩnh văn hoá của Hoàng Phủ được hình thành từ nền tảng của văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hoá vùng miền đã ảnh hưởng sâu sắc đến trái tim người nghệ sĩ Hoàng Phủ.

  • Nguyễn Trọng Tạo cũng nhấn mạnh: “Anh là một nhà văn hoá hành văn vô cùng độc đáo, một cuốn từ điển sống về Huế, và đôi khi như một triết gia uyên thâm lãng tử”. “Đọc anh, ta không chỉ thâu nhận đời sống, lịch sử, triết học, kinh tế, hay chính trị mà còn cảm nhận được cả một tình yêu lớn đối với con người, dân tộc và cách mạng”.

+ Nghiên cứu về thiên nhiên, tập trung ở một số nhà nghiên cứu : Lê Xuân Việt, Lê Thị Hường, Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài, Ngô Thị Kim Cúc,…

  • Tác giả Lê Xuân Việt trong bài “Cảnh sắc thiên nhiên trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường” có viết: “Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, cảnh sắc thiên nhiên Huế in rất rõ bản sắc, bút pháp trong sáng tác của anh. Anh viết về sông Hương, Bạch Mã, về “thành phố vườn” của Huế với những liên tưởng phong phú đa dạng mang dấu ấn của một cây bút tài hoa trong hư cấu, sáng tạo hình tượng nghệ thuật ít lẫn với những người viết khác” .

  • Nhà văn Tô Hoài đã có đôi dòng so sánh những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường với Sơn Nam, với mình rồi rút ra nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế”.

  • Tác giả Lê Thị Hường trong bài “Xin được nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường như một thi sĩ của thiên nhiên” đã nhìn nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tính hệ thống và nêu nhận xét: “Lần dở từng trang viết của anh, theo sau những bước lãng du, những phút “nhàn đàm”, hay đồng điệu vớinhững vần thơ mang tính chất tự bạch với thiên nhiên”. “Là thi sĩ của thiên nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhạy cảm với cỏ dại, cỏ gai, ngàn thông, chim sẻ… Là thi sĩ của thiên nhiên, những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến cho người đọc những miền không gian xanh thẳm, ẩn chìm những vết trầm tích văn hoá từ thiên nhiên” .

  • Trên Báo Thanh niên số 146 ra ngày 25.5.2002 có đăng bài của tác giả Ngô Thị Kim Cúc trong đó có nhận xét: “Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ là nhà -Huế- học. Chỉ cần lên đường, đôi mắt và trái tim anh lại bị hút chặt về những con người, sông nước, cỏ cây, muông thú… quá khứ gần và xa của mọi vùng đất khác, anh lại cày xới, xộc xạo, truy tìm cho đến tận ngọn nguồn mọi thứ, qua cả nhân chứng và sử sách” .

+ Nghiên cứu về mặt thể loại có các tác giả Trần Đình Sử, Phạm Phú Phong, Huỳnh Như Phương, Hoàng Sĩ Nguyên, Hà Minh Đức, Hoàng Ngọc Hiến… Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông- bút kí sử thi của Hoàng Phủ Ngọc Tường”, đã chỉ ra những đóng góp nổi bật của nhà văn ở thể loại kí, ông đã chỉ ra rằng trong Hoàng Phủ Ngọc Tường có “một cái nhìn sâu lắng về con người xứ Huế”, “có một tâm hồn Huế thiết tha”, “bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hoá và lịch sử của các hiện tượng đời sống”, “khác với phong cách Nguyễn Tuân đầy chất văn xuôi xương xẩu, gồ ghề với cái nhìn hóm hỉnh, bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường nghiêng hẳn về chất thơ thi vị, ngọt ngào” .

+ Nghiên cứu về phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường có các tác giả Hồ Thị Tâm, Hoàng Cát, Nguyễn Tuân, Đặng Tiến…



  • Tác giả Hoàng Cát có nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút kí văn học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử hay địa lý… sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được”. “Dù là viết lịch sử đã xảy ra cách nay hàng ngàn năm, từ thuở Âu Cơ và Lạc Long Quân, từ thời của các vua Hùng dựng nước và mở cõi, hay viết về không gian đa chiều trong nghệ thuật tạo hình hiện đại của nghệ sĩ Lê Bá Đảng ở bên Pháp thì cái rốn của tư duy, cái trằn trọc trong tâm tưởng và tâm hồn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bao giờ cũng dồn vào tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc

  • Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nhận xét “Hoàng Phủ Ngọc Tường là người thường hay suy nghĩ về lịch sử. Và những mô tả của anh, cố gắng thật tỉnh táo, bao giờ cũng được “chống đỡ” bởi những suy nghiệm sâu xa và ẩn ngầm về lịch sử; chính vì vậy mà những mô tả ấy thật khách quan nhưng không hề hời hợt

  • Khi đọc những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Trong nhiều vùng quê Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đến và viết, xứ Huế là nơi ông am hiểu hơn cả. Những trang văn của ông viết về Huế đã chứa đựng nhiều đặc sắc của văn phong. Trầm tĩnh lắng đọng trong giọng điệu, phong phú dầy dặn trong vốn liếng và kỹ lưỡng tự nhiên trong ngôn từ, ngữ pháp” .

Những nghiên cứu trên sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích, cũng là tiền đề vững chắc để người viết thực hiện chuyên đề.

  1. Mục đích nghiên cứu:

Bài viết được thực hiện với mục đích chính là làm nổi bật những nét phong cách chính của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

Do thời gian có hạn và vốn kiến thức còn hạn hẹp, trong bài viết này, người viết chỉ khảo sát phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường qua tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

  1. Phương pháp nghiên cứu:

Trong quá trình thực hiện chuyên đề, người viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:

- Phương pháp khảo sát, thống kê



  • Phương pháp phân tích

  • Phương pháp so sánh

  • Phương pháp tổng hợp

B- NỘI DUNG

  1. Khái quát

  1. Phong cách tác giả trong văn học:

Phong cách nghệ thuật là khái niệm chỉ nét riêng, độc đáo trong cách nhìn, cách tiếp cận, khám phá con người và đời sống của người nghệ sĩ gắn với hình thức thể hiện độc đáo.

Sinh thời, M. Gorki từng khẳng định: “ Nghệ sĩ là người biết khhai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy trong những ấn tượng ấy có cái giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”. Quả thực vậy, quá trình sáng tạo nghệ thuật là hoạt động tinh thần mang dấu ấn cá nhân, cá thể: “Khoa học là chúng ta, văn học là cái tôi” nên mỗi nhà văn “phải là một vũ trụ riêng tư, không lặp lại bao giờ.” Khi sáng tạo, dấu ấn cá nhân là một vấn đề cốt yếu, ở góc độ nào đó nó sẽ là vấn đề sinh tử, như Tuốc-ghê-nhép từng khẳng định: “Điều còn lại với mỗi nhà văn là cái giọng riêng của mình”.



  1. Phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường:

Hoàng Phủ Ngọc Tường từng được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá là “một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay”. Ông là cây bút uyên bác tài hoa, kí Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa giàu chất trí tuệ, vừa giàu chất thơ và thường gắn liền với xứ Huế. Kí Hoàng Phủ Ngọc Tường thường là kí tâm linh nên rất phong phú nội dung thông tin về văn hóa lịch sử. Cái tôi trong bút kí khác với cái tôi trong thơ trữ tình hay trong truyện ngắn, nó là cái tôi trực tiếp. Và chính những nét độc đáo ấy cảu cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm của ông bởi ở thể loại kí, sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ phụ thuộc vào sự quan sát , ghi chép, cũng không chỉ dựa vào những tư tưởng hay lượng tri thức mà nó chứa đựng. Một bài bút kí có hấp dẫn hay không phụ thuộc phần lớn vào sức hấp dẫn của cái tôi tác giả.

Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”,  một trong những thiên tùy bút xuất sắc nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng và của thể loại bút kí, tùy bút trong nền văn học nước ta nói chung, cũng thể hiện nổi bật những nét phong cách ấy của nhà văn họ Hoàng.



  1. Phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

  1. Đậm chất Huế:

Chất Huế trong bài kí thể hiện ở tình yêu và sự gắn bó sâu sắc của nhà văn với dòng sông quê hương.

Phải yêu Huế, gắn bó với sông Hương đến mức nào, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có được những trang viết đầy ắp tri thức và rất đỗi tài hoa về Hương giang như vậy. Tài năng nghệ thuật là một phần, cái yếu tố tiên quyết trong nghệ thuật vẫn là tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu đậm... Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã chiếm trọn tâm hồn ông.

Vì yêu Huế, yêu sông Hương nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chọn sông Hương làm đối tượng chính cho bài kí của mình. “ Phải lòng” dòng sông, nhà văn viết về nó với tất cả sự gắn bó, đắm say của một người con với dòng sông quê hương, với vẻ đẹp của quê hương, xứ sở.

Khi viết về sông Hương, nhà văn say sưa tìm kiếm và khẳng định vẻ đẹp riêng, sức cuốn hút, quyến rũ riêng của con sông xứ Huế ở các phương diện không gian và thời gian, lịch sử và văn hoá. Cả bài tuỳ bút dường như là cuộc hành trình tìm kiếm cho câu hỏi đầy khắc khoải “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Và cuộc tìm kiếm, lý giải cái tên của dòng sông đã trở thành cuộc tìm kiếm đầy hào hứng và say mê không chỉ vẻ đẹp của diện mạo hình hài mà còn là độ lắng sâu của tâm hồn và rung động. Con sông xứ Huế hiện lên trong cuộc tìm kiếm của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không chỉ là con sông địa lý mà là một sinh thể, một con người “sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều” vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, vừa thăng trầm chìm nổi cùng lịch sử lại vừa đằm thắm lắng sâu với nền văn hoá riêng của nó.

Chính con sông cũng đã khiến trái tim ông phải ngân rung những giai điệu yêu thương với những cung bậc khác nhau: khi thì băn khoăn, trăn trở, e ngại con người – vì “mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành” của sông Hương – mà có thể “hiểu một cách đầy đủ bản chất” của nó, “hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ”; khi lại nhớ đến nao lòng một nét sông Hương với “điệu chảy lững lờ” mà ông gọi là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”; có khi “thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày” bởi “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này”. Có khi cảm xúc yêu thương da diết với xứ Huế lại được bộc lộ gián tiếp trong cuộc hành trình lặng lẽ với rất nhiều những tìm kiếm và phát hiện: Cái “tôi” tác giả khi thì chứng kiến một nghệ nhân già sau nửa thế kỷ chơi nhạc đã chợt nhận ra khúc nhạc Huế trong những trang Kiều “Trong như tiếng hạc bay qua. Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”, khi bất ngờ và ngỡ ngàng nhận ra điểm tương đồng giữa con sông và con người ở “nỗi vương vấn và chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”; có khi lại cũng vì yêu Huế mà đọc văn kiện của Liên Hiệp quốc về Huế bằng sự rung động thẩm mỹ của tâm hồn để “thấy hiện bóng khuôn mặt quyến rũ và tươi trẻ của dòng sông thành phố giữa lòng thế giới hiện đại ”; đồng thời cũng hoài niệm đến khắc khoải khi phát hiện ra một sắc màu xưa cũ của chiếc áo cưới ở Huế ngày xưa, rất xưa “màu áo lục điều với loại vảimàu áo điều-lục với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện” để từ cái sắc màu văn hoá ấy mà liên tưởng một cách rất ngẫu hứng mà có lí tới “màu của sương khói trên sông Hương giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông”

Như vậy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem tình yêu đằm thắm lắng sâu và những cảm xúc sôi nổi, say sưa vào những trang viết để mối dòng văn như một bản đàn tâm hồn tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương. Như I.Ê-ren-bua đã từng viết : “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành tình yêu tổ quốc”, tình cảm đối với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là tình cảm đối với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở nồng cháy của nhà văn. Nhà thơ Ra-xun Gam-da-tôp đã từng nói : “Nếu nhà thơ không tham gia vào việc hoàn thành thế giới thì thế giới đã không được đẹp đẽ như thế này”. Dù Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là nhà thơ tiêu biểu (tuy ông đã xuất bản hai tập thơ) mà là một nhà viết kí, nhưng bằng bài kí đặc sắc này, ông đã góp một tay vào việc tạo nên một thế giới Việt Nam Đẹp và Thơ. Và đó là gì nếu như không phải là hành động yêu nước mang màu sắc riêng của người nghệ sĩ tài hoa này!



  1. Sự hòa quyện giữa chất trí tuệ và chất thơ

  1. Chất trí tuệ

Vốn hiểu biết phong phú cùng những kiến thức liên ngành đã giúp nhà văn khám phá vẻ đẹp đa dạng của sông Hương trên nhiều phương diện: địa lí, lịch sử, văn hóa.

Chỉ riêng từ góc độ địa lí, ai cũng dễ dàng nhận thấy : tác giả của nó – nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành hết tâm sức và tình cảm của mình, thậm chí cả tinh hoa và tinh huyết của một đời văn để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của Hương giang. Chỉ nói riêng về thủy trình của dòng sông từ thượng nguồn đổ về xuôi rồi đi ra biển, ta có thể thấy nhà văn đã say sưa và kì công “đúc câu luyện chữ” để dành tặng cho dòng sông mà mình yêu dấu như thế nào : ở thượng nguồn, sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, là “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Khi rời vùng núi để về đồng bằng, con sông hiện lên giống như “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức”. Chảy giữa lòng thành phố yêu thương sông Hương là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, là “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, để rồi trước khi chia tay “người tình mà nó mong đợi” ở “thị trấn Bao Vinh xưa cổ” sông Hương giống như nàng Kiều trở về tìm Kim Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa... Những cách nói độc đáo ấy hẳn phải là kết tinh củatình yêu sâu đậm, của những hiểu biết tường tận về dòng sông và của một lối tư duy sắc bén đã được tưới tắm trong niềm xúc cảm say mê, để rồi thăng hoa trong cảm hứng nghệ thuật. Quả không sai khi có ai đó đã từng gọi Hoàng Phủ Ngọc Tường là “một thi sĩ của thiên nhiên”!Xin được mượn những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo để hiểu thêm về "người thi sĩ thiên nhiên":



Sao thèm một điệu gì xưa lắm

Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có ai đó rót chiều vào chén ngọc

Huế dịu dàng xây bằng khói và sương.

Từ góc nhìn lịch sử, sông Hương không còn là cô gái “Di – gan man dại”, không còn là “người đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa” mà trở thành chứng nhân của những biến thiên lịch sử.

Từ góc nhìn văn hóa, sông Hương là một dòng sông của thi ca và âm nhạc.

Như vậy, Có thể nói, bằng tình yêu và tài năng của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm kiếm, phát hiện và khẳng định những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương. Hành trình chữ nghĩa ấy về con sông xứ Huế không chỉ nói lên tình cảm yêu mến, sự say mê đến độ đắm đuối của nhà văn trước những vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của Hương giang mà còn cho thấy sự tài hoa, chất lãng mạn bay bổng của tác giả.



Nghiêm túc, cẩn trọng trong tìm kiếm và phát hiện

Cả bài tuỳ bút là cuộc hành trình hào hứng và cẩn trọng, say sưa và rất nghiêm túc để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Ai dó đặt tên cho dũng sụng”. Đây là câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một nhà thơ nào đó khi đến với Huế song cũng là một câu hỏi đầy ngụ ý của chính Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hỏi như một cách để xác lập mối quan hệ giữa dòng sông với con người, giữa cái tên của dòng sông với cách nhìn, cách nghĩ và những cảm nhận của con người về nó. ý thức về điều này nên trong khi tìm hiểu về sông nhà văn cũng rất công phu tìm hiểu về cuộc sống và con người bên dòng sông ấy. Nghĩa là con sông đã được đặt trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với con người. Trong mối liên hệ ấy, sông đã được soi ngắm từ nhiều góc độ, thời gian và không gian, văn hoá và lịch sử, sinh hoạt và phong tục, đời sống sinh hoạt và thế giới tinh thần…Và trong quá trình tìm hiểu “Ai dó đặt tên cho dòng sông”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bộc lộ mình không chỉ là một cái tôi giàu hiểu biết, ham tìm hiểu mà còn là một cái tôi rất mực tinh tường và vô cùng sâu sắc trong những khám phá, tìm hiểu những chiều sâu văn hoá tinh thần, tâm hồn của sông Hương cũng là của con người xứ Huế.

Thành công của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ do nhà văn biết lắng nghe và xúa động, biết nghiên cứu, tìm hiểu và suy ngẫm mà còn bởi người nghệ sĩ ấy có thực tế từ những chuyến đi. Nhà văn đã thực hiện cuộc hành trình theo suốt chiều dài sông hương từ khi nó khởi nguồn ở cánh rừng Trường Sơn về Châu Hóa và gặp thành phố tương lai của nó và phát hiện: “Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới núi Kim Phụng.”. Và cũng bởi từng đến Sông Sen, sông Đa-nuyp, sông Neva mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể nhận ra nét riêng của sông Hương trong nhịp điệu (điệu slow tình cảm), trong sắc thái văn hóa và trong quan hệ của nó với thành phố Huế (cặp tình nhân lí tưởng trong truyện Kiều).

Với những vốn kiến thức phong phú và sự am tường của về nhiều lĩnh vực cũng như sự nghiêm túc và cẩn trọng trong tìm kiếm và phát hiện, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thể hiện thành công hình ảnh sông Hương độc đáo, ấn tượng với những nét đẹp rất riêng mà hiếm dòng sông nào có được.



  1. Chất thơ:

Chất thơ trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường trước hết thể hiện ở trí tưởng tượng phong phú.Nhà văn không thuần tuý chỉ ghi chép một cách chính xác khách quan mà còn biết tạo cho mình rất nhiều cơ hội để tưởng tượng: Viết về con sông song lại không bắt đầu từ việc quan sát thực tế, từ việc đi thực địa mà lại bắt đầu từ việc đọc Kiều để cảm nhận văn chương hoà quyện với cảm nhận về con sông xứ Huế. Và phút nhận ra cuộc gặp gỡ giữa âm hưởng sâu thẳm của Huế với cảnh sắc thiên nhiên qua ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du trên mỗi trang Kiều cũng chính là lúc nhà văn tưởng tượng về mối quan hệ giữa sông Hương và thành phố của nó là mối quan hệ của một cặp tình nhân lý tưởng với tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc. Cũng trong trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn, sông Hương khi là một dòng nhạc đa âm sắc (bản trường ca rầm rộ của rừng già, điệu slow của tình cảm, bản đàn lúc đêm khuya với tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo), khi là một con người giàu nữ tính và có đủ sức mạnh để trưởng thành dần trong cuộc hành trình (cô gái Digan phóng khoáng và man dại giữa rừng Trường Sơn, người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại, người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở với sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ giữa chốn kinh thành). Song có một điều quan trọng là, trong cuộc hành trình dù không ít những gian truân và cũng không hề ngắn ngủi ấy phẩm chất nữ tính của sông Hương khiến nó luôn tự bộ lộ mình là một người con gái rất mực đa tình: dù với tâm hồn tự do và trong sáng hay sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ thì hành trình của sông cũng là hành trình tìm kiếm người tình mong đợi để khi gặp được rồi, sông Hương trở nên mềm hẳn đi “như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”, rồi cũng như Kiều khi gặp chàng Kim, sông Hương gặp Huế đã trở thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya để rồi khi phải lưu luyến ra đi, sông Hương như chưa nỡ rời xa thành phố mà cố ý đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông – tây để gặp lại thành phố lần cuối trong “nỗi vương vấn” “chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu” như nàng Kiều trong đêm tình tự đã chí tình trở lại cùng Kim Trọng để nói một lời thề mà sự vang vọng của lời thề ấy, trong tưởng tượng và sự hình dung của nhà văn chính là giọng hò dân gian “Còn non- còn nước- còn dài -còn về- còn nhớ…”

Trí tưởng tượng mạnh mẽ và phong phú khi kết hợp với cái kho vốn cảm xúc, cảm giác rất dồi dào mà cũng vô cùng tinh tế sâu sắc đã tạo nên một chất thơ chan chứa trên mỗi trang văn và một sức lôi cuốn khó cưỡng lại đối với người thưởng thức.



Chất thơ trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường còn toát lên từ vẻ đẹp của ngôn ngữ. Bởi văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Chữ nghĩa chính là nơi phô bày tất cả tài nghệ của nhà văn. Sự tinh xảo của nhà văn khi chạm khắc nên những tượng đài nghệ thuật bằng ngôn từ phải nằm ở con chữ. Ở đây, dường như có bao nhiêu góc nhìn, điểm nhìn về sông Hương thì có bấy nhiêu kiểu chữ nghĩa được huy động để đặc tả cho thật ấn tượng, thật sắc, thật tinh hình hài và tâm hồn của con sông xứ Huế. Thậm chí, từng đường đi nước bước của con sông cũng được cái kho ngôn ngữ giàu có và tài hoa ấy làm cho thỏa mãn. Chẳng hạn như đoạn nhà văn miêu tả con sông Hương ở thượng lưu : “rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàn và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Hay như đoạn nhà văn miêu tả sông Hương rời khỏi vùng núi xuôi về đồng bằng chuẩn bị vào lòng thành phố Huế : “qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”. Đây là hai trong số những đoạn văn tiêu biểu trong bài kí. Chúng cho thấy bút lực dồi dào của nhà văn. Đó là một lối hành văn uyển chuyển, ngôn từ đa dạng và giàu hình ảnh. Từng từ, cụm từ, từng vế trong câu văn giống như một nét vẽ tài hoa của người họa sĩ, một động tác chạm khắc tinh xảo của nhà điêu khắc mà sau mỗi đường cọ, mỗi động tác nhào nặn, vẻ đẹp của sông Hương lại hiện ra một cách đặc sắc, đem đến cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng cho người đọc. Bên những đoạn văn như thế, ta không khó để bắt gặp trong thiên tùy bút này những cách diễn đạt của một “phu chữ”, của người đã cất công lựa chọn trong cái vốn ngôn ngữ toàn dân những từ, ngữ hay nhất có thể, rồi tổ chức, sắp đặt chúng theo một lối riêng nhằm tạo ra những ý văn hay, những câu văn đẹp. Chẳng hạn: “như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long […], nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Đó là chưa kể đến những ý văn đẹp như một ý thơ : “những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”; “những vấn vương của một nỗi lòng”; “đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói”;… Có thể khẳng định đây không phải là lối diễn đạt thông thường của văn xuôi, nhất là ở thể kí mà là những kiểu chữ nghĩa thường thấy trong thơ ca, thậm chí còn thơ hơn nhiều bài thơ mà ta đã đọc đâu đó.
Nói đến tài hoa của cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường về ngôn ngữ, cũng không nên quên các thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn đã sử dụng rất thành công. Tiêu biểu hơn cả là nhân hóa và so sánh. Với nhân hóa, nhà văn đã thổi hồn vào sông Hương, biến con sông vô tri vô giác thành một sinh thể có tính cách, có nỗi niềm, tâm trạng như con người. Con sông ấy lúc “rầm rộ” và “mãnh liệt”, lúc “dịu dàng” và “say đắm”; khi thì “nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”; khi thì “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”; khi là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, khi “trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”… Không chỉ có thế, chính nhà văn trong bài kí này đã giãi tỏ trực tiếp về cái thủ pháp nhân hóa mà mình sử dụng – cái thủ pháp mà dường như ông không thể không dùng đến khi khám phá, phát hiện ra những vẻ đẹp bất ngờ, thú vị của sông Hương : “Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”. Có thể nói, thủ pháp nhân hóa đã được nhà văn sử dụng rất hiệu quả trong bài kí. Nhờ nó mà hành trình về xuôi của sông Hương đã trở thành hành trình tâm hồn của người con gái tìm đến người tình mà nó mong đợi. Cũng nhờ thủ pháp ấy mà những kiến thức địa lý, lịch sử, văn hóa đã được thăng hoa để trở thành những tri thức nghệ thuật đẹp về đất nước, con người, về dòng sông yêu thương của Huế.
Bên cạnh thủ pháp nhân hóa, nhà văn cũng đã sử dụng rất thành công biện pháp so sánh. Ở đây, so sánh được thực hiện trên cơ chế của liên tưởng, tưởng tượng mà trong bài kí này, sức liên tưởng, tưởng tượng của nhân vật tôi là rất mạnh mẽ, với nhiều bất ngờ, thú vị. Chính những liên tưởng ấy đã giúp nhà văn xây dựng được nhiều hình ảnh so sánh độc đáo, đưa đến những cảm nhận mới mẻ, đặc sắc về sông Hương. Chẳng hạn, nhân vật tôi đã so sánh cái hữu hình, hữu ảnh của dòng sông với cái vô hình, vô ảnh của cảm xúc nội tâm con người: “đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Hay chỗ rẽ của sông Hương ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ được ví như “nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”… Chưa hết, bài kí còn có những hình ảnh so sánh đẹp như một hình ảnh thơ : “chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Đặc biệt, để làm nổi bật dòng chảy trôi lững lờ của sông Hương như một “điệu slow tình cảm”, cái tôi trong bài kí đã so sánh bằng một hồi ức. Ấy là khi tác giả đến Lê-nin-grát, đứng nhìn sông Nê-va băng băng lướt qua trước cung điện Pê-tec-bua ra biển Ban-tích. So sánh này càng trở nên thú vị khi nhà văn đã gián tiếp đặc tả dòng chảy rất nhanh của sông Nê-va qua hình ảnh của những chú hải âu đứng co một chân trên những phiến băng mà không kịp nói điều gì với người bạn của chúng… Và ở đoạn cuối thiên tùy bút, ta còn bắt gặp hình ảnh so sánh thật ấn tượng, có lẽ là kết quả của một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trong cảm nhận: “Trong đêm khuya, chưa bao giờ tôi được nghe một mùi đất thơm đến như vậy, xao xuyến như da thịt, sâu thẳm như thời gian. Chính lúc ấy, tôi liên tưởng đến sông Hương với cái tên gợi cảm của nó; sông Hương như hiện thân thành một cô gái thần tiên truyện cổ nào thùy mị đứng bên tôi…”
Như vậy, với những gì đã đề cập trên, ta có thể khẳng định cái tôi nhà văn trong bài kí này là một cái tôi mê đắm và tài hoa. Cái tôi ấy đã phát huy (dường như là tối đa) trí tưởng tượng bay bổng, khả năng liên tưởng tuyệt vời cùng kho từ vựng giàu có để tạo dựng nên một dòng sông nghệ thuật quyến rũ trên mỗi trang văn.

  1. Lối hành văn hướng nội

a, Các tác phẩm kí thường khai thác những đề tài nóng bỏng, có tính thời sự cao nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường lại viết về những “sự kiện của tâm hồn”.

Viết về sông Hương từ góc nhìn lịch sử, nhà văn không đặt nó trong những biến cố lịch sử lớn lao mà khai thác vẻ đẹp anh hùng của con sông từ những sự kiện còn vang bóng trong tâm hồn mỗi con người Huế.

Nhà văn ví sông Hương như “sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc” thể hiện sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình. Sông Hương là một bản anh hùng ca, đồng thời giữa đời thường sông Hương là một bản tình ca “Còn non, còn nước, còn dài – Còn về, còn nhớ…”. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn thấy từ dòng sông những dấu tích lịch sử; từng nhánh rẽ của dòng sông, đến “những cây đa, cây cừa cổ thụ” cũng hàm ẩn một phần lịch sử. Nhà văn đã ngược về quá khứ để khẳng định vai trò của dòng sông Hương trong lịch sử dân tộc. Từ thời đại các Vua Hùng, sông Hương là “dòng sông biên thùy xa xôi”. Trong những thế kỉ trung đại, với tên gọi Linh Giang, nó đã “oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt”. Sông Hương gắn liền với những chiến công Nguyễn Huệ. Sông Hương đẫm máu những cuộc khởi nghĩa TK XIX. Sông Hương gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 với những chiến công rung chuyển. Và sông Hương cùng những di sản văn hóa Huế oằn mình dưới sự tàn phá của bom Mỹ… Chất trữ tình của tùy bút giảm đi, nhường chỗ cho chất phóng sự với những sự kiện lịch sử cụ thể.Quay về quá khứ xa xưa, ngòi bút nhà văn lấp lánh niềm tự hào về lịch sử một dòng sông có cái tên mềm mại, dịu dàng nhưng kiên cường, kiêu hãnh qua thăng trầm lịch sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ điểm mà còn bình lịch sử để nhận thấy rằng trong hoàn cảnh nào khi nghe tiếng gọi của đát nước, sông Hương cũng biết cách “tự hiến đời mình làm một chiến công” . Sông Hương không chỉ có gương mặt đằm thắm dịu dàng mà còn có một đời sống, một cốt cách hào hùng. Cũng như những dòng sông khác trên đất nước Việt Nam, như con người Việt Nam, nó mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt , như Huy Cận từng viết:

Sống vững trãi bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.
b, Thể hiện dòng sông ở vẻ đẹp đi sâu vào trầm tích, văn hóa

Tác giả phát hiện từ âm thanh của dòng sông (tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiếng mái chèo khua sóng đêm khuya, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền…) đã hình thành những làn điệu hò dân gian và nền âm nhạc cổ điển Huế. Và rồi cũng chính trên dòng sông ấy, những câu hò Huế vút lên, mênh mang, xao xuyến…Viết về sông Hương, nhiều lần nhà văn đã liên tưởng đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đại thi hào đã từng có thời gian sống ở Huế, những trang Kiều ra đời từ mảnh đất có truyền thống nhã nhạc cung đình. Đó là cơ sở để Hoàng Phủ Ngọc Tường hóa thân vào một nghệ nhân già, nghe những câu thơ tả tiếng đàn của nàng Kiều, chợt nhận ra âm hưởng của âm nhạc cung đình và bật thốt lên: “Đó chính là Tứ đại cảnh”. Đây là một nhận xét cảm tính mơ hồ nhưng đã hé mở phần nào sự giao thoa tâm hồn giữa những người nghệ sĩ và sông Hương.


Nhà văn còn nhìn sông Hương như một dòng sông khơi nguồn cho cảmột dòng thi ca. Dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nhà thơ. Từ màu xanh biếc thường ngayf, nó đổi thành màu trắng trong cái nhìn của Tản Đà:

Dòng sông trắng lá cây xanh

Xuân giang xuân thụ cho mình nhớ ai

Đó còn là hình ảnh dòng sông mang tráng khí cao người anh hùng Cao Bá Quát:



Trường giang như kiếm dựng thanh thiên

Sông Hương còn bảng lảng nỗi sầu vạn cổ trong thơ Bà Huyên Thanh Quan, là vẻ đẹp rất Kiều trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả “Từ ấy”:



Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng,

Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai

Ven bờ sông phẳng con đò mộng

Lả lướt đi về trong gió mai...

(Dửng dưng)

Là vẻ đẹp rất Huế trong cái nhìn của nhà thơ Thu Bồn:

Con sông dùng dằng

Con sông không chảy.

Sông chảy vào lòng

Nên Huế rất sâu…

Lối văn hướng nội thể hiện ở những sự kiện vang bóng trong tâm hồn và việc đi tìm vẻ đẹp sâu trong trầm tích văn hóa đã làm nên nét riêng rất độc đáo cho kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.


C. KẾT LUẬN

Trong mọi không gian và thời gian, dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế hiện ra quen thuộc mà lạ lẫm đến bất ngờ. Bằng những con chữ có hồn ông đã góp phần làm nổi rõ bản sắc của thiên nhiên Huế và con người Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp cho kí Việt một tiếng nói riêng của một nhà văn rất Huế. Nếu là một người yêu văn chương nói chung và yêu thích thể loại kí nói riêng , ta dễ dàng nhận thấy nét độc đáo của kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, nó khác với kí của các nhà văn khác như Vũ Bằng hay Nguyễn Tuân. Trong “Thương nhớ Mười Hai”, một tác phẩm tiêu biểu của Vũ Bằng, ta bắt gặp những trang kí rất đỗi trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng vào phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở với những câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế. Vũ Bằng chọn nghiêng mình tìm về đất Bắc với nỗi nhớ da diết của một người con xa quê, ở tận bên kia “giới tuyến”. Như nhà văn Triệu Xuân đã từng ca ngợi: “Viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy mười hai giờ bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ ấy là tuyệt vọng!” Hay như Nguyễn Tuân với Hoàng Phủ Ngọc Tường- đều là những con người hết mực uyên bác, tài hoa, có tình yêu lớn với cái đẹp, với quê hương đất nước- ta vẫn nhận thấy sự khác biệt trong những áng văn của họ. Nếu như Nguyễn Tuân- cây bút viết kí cự phách lôi cuốn người đọc bằng cái đẹp phi thường “đèo cao thác dữ”, “cuồng phong bão táp” thì những trang kí của Hoàng Phủ lại gây ấn tượng bằng cái đẹp mơ mộng dịu dàng như sông Hương, như cô gái Huế tình tứ mà kín đáo,e ấp. Cứ thế Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp thêm cho kí Việt một tiếng nói rất riêng của một nhà văn rất Huế.


Tình yêu sâu sắc với xứ Huế, sự uyên bác, am tường và sự tài hoa, lãng mạn đã hun đúc nên một cái tôi trữ tình rất đỗi Hoàng Phủ Ngọc Tường.Chính những nét phong cách nổi bật ấy cũng đã làm nên một thiên tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” độc đáo và ấn tượng, đồng thời góp phần khẳng định vị trí riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nền văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt là ở thể loại kí.
Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng được coi là một trong những nhà viết kí tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bằng sự nhạy cảm tài hoa của người nghệ sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thực sự xác định cho mình được một lối đi riêng trong thể kí từ nguồn cảm hứng từ quê hương, đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu bản sắc văn hoá, đặc biệt là từ xứ Huế với bề dày lịch sử văn hóa của nó.

Tư liệu tham khảo

Trong bài viết này người viết có sử dụng một số tư liệu tham khảo sau:



  1. Văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  2. Bài nghiên cứu “Cái “tôi” hoàng phủ ngọc tườngtrong bút kí ai đã đặt tên cho dòng sông?”, Bùi Minh Đức Trường Đhsp Hà Nội 2.

  3. Bài “Xin được nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường như một thi sĩ của thiên nhiên” của tác giả Lê Thị Hường cùng một số bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, phê bình về Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  4. Một số tài liệu khác về tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, nguồn internet.


tải về 133.97 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương