PHƯƠng pháP ĐỆm hát cơ BẢn trêN ĐÀn organ cho giáo viêN Âm nhạC Ở CÁc trưỜng phổ thông chế Long Mỹ Trường CĐsp trung Ương Nha Trang



tải về 39.15 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.09.2016
Kích39.15 Kb.
#31741
PHƯƠNG PHÁP ĐỆM HÁT CƠ BẢN TRÊN ĐÀN ORGAN CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Chế Long Mỹ

Trường CĐSP Trung Ương Nha Trang

Đồng Đế – Nha Trang – Khánh Hòa

Trong những năm gần đây, việc đào tạo giáo viên âm nhạc (GVAN) cho các trường phổ thông ở từng địa phương về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng, hầu hết các địa phương đều đào tạo giáo viên âm nhạc phục vụ cho bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, với việc đào tạo ào ạt, đại trà như hiện nay, liệu có đảm bảo về mặt chất lượng? Vấn đề đặt ra là khả năng đệm hát của giáo viên âm nhạc trong các trường phổ thông có đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn âm nhạc hay không?

Trên thực tế tại các trường phổ thông, việc sử dụng nhạc cụ để đệm cho học sinh trong tiết học âm nhạc là rất hạn hữu, thậm chí nhiều trường không sử dụng đến nhạc cụ, hoặc nếu có sử dung thì cũng chỉ đàn giai điệu bài hát mà thôi. Phương tiện chủ yếu để giảng dạy là đĩa nhạc mẫu, máy nghe nhạc, hoặc nhạc midi được chuẩn bị trước. Một số tiết học có sử dụng công nghệ thông tin thì phần âm nhạc cũng được cài sẵn trên máy tính… Xét ở bình diện tổng thể thì những cách thực hiện như trên rất tiện lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, theo nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, việc giáo viên không chọn cách đệm đàn trực tiếp tại lớp sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy, làm mất đi sinh khí, giá trị nghệ thuật và hứng thú học tập của học sinh. Có nhiều lý do vì sao GVAN không chọn cách đệm hát trực tiếp trong tiết dạy:

* Do nhiều trường chưa có phòng chức năng để dạy môn âm nhạc cho nên giáo viên gặp khó khăn khi di chuyển đàn từ phòng này sang phòng khác.

* Còn nhiều trường chưa được trang bị đàn phù hợp nên cũng gây nhiều khó khăn cho GVAN.

* Do có sẵn đĩa nhạc nền, máy nghe và việc tìm nhạc nền cho bài hát rất dễ dàng nên hầu hết GVAN thích chọn phương án này thay cho việc đệm đàn trực tiếp tại lớp.

* Lãnh đạo nhà trường không kiểm tra thường xuyên việc đệm hát của giáo viên trên lớp hoặc nếu có thì cũng không sâu sát với chuyên môn.

* Và một nguyên nhân khác, tôi cho đây là cốt lõi của vấn đề đó là kỹ năng sử dụng nhạc cụ của GVAN còn nhiều hạn chế, thậm chí có GVAN không biết cách đệm hát cho một ca khúc đơn giản nhất…

Từ thực tế hiện nay, để đóng góp một phần nhỏ vào giải quyết việc đệm hát cho GVAN phổ thông, tôi xin nêu ra phương pháp đệm hát cơ bản trên đàn Organ như sau:

Thứ nhất: Phải chuẩn bị bài hát chính xác giai điệu, lời ca, tên tác giả. Nên chọn bài hát trong các tập bài hát của học sinh phổ thông do NXB Giáo Dục phát hành. Trong phạm vi bài viết, tôi chọn bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”, nhạc Nguyễn Ngọc Thiện, thơ Viễn Phương(tiết 22, chương trình môn âm nhạc lớp 6) để làm ví dụ.

Thứ hai: Xác định chính xác giọng của bài hát:

Ơ đây tôi không đi sâu vào hướng dẫn cách xác định giọng của một tác phẩm âm nhạc mà chỉ đi vào cụ thể đối với bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”. Có những dấu hiệu để xác định giọng như sau:

* Bài hát được viết ở bộ khóa không có dấu hóa thường xuyên

* Không xuất hiện dấu hóa bất thường trong suốt bài hát

* Kết thúc bài hát ở nốt Đô, giai điệu luôn bình ổn ở âm thanh này

Như vậy ta khẳng định bài hát được viết ở giọng Đô trưởng.

Chú ý cách xác định giọng này chỉ dùng cho các ca khúc viết theo phong cách âm nhạc phương Tây. Tuy nhiên, trong quá trình xác định giọng chúng ta cần xem xét thật kỹ tiến hành giai điệu của bài hát để xác định giọng cho chính xác, bởi vì có nhiều bài hát âm kết bài không phải là chủ âm.

Thứ ba: Phân tích cấu trúc, cách tiến hành giai điệu, hình tượng âm nhạc của bài hát:

Chúng ta cần phân tích sơ qua bài hát để biết bài hát có cấu trúc như thế nào? được viết ở hình thức mấy đoạn, giai điệu được tiến hành ra sao? hình tượng âm nhạc âm nhạc của bài hát là gì?

Bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”, được viết ở hình thức hai đoạn đơn, gồm bốn câu nhạc. Câu 1, từ nhịp đầu đến nhịp 8, gồm hai tiết nhạc, kết thúc câu 1 ở bậc 5( âm sol).



Câu 2, từ nhịp 9 đến nhịp 16, gồm hai tiết nhạc, kết thúc câu 2 ở bậc 1( âm đô).



Câu 3, từ nhịp 17 đến nhịp 24, gồm hai tiết nhạc, kết thúc câu 3 ở bậc 5( âm sol).



Câu 4, từ 25 đầu đến nhịp 32, gồm hai tiết nhạc, kết thúc câu 4 ở bậc 1( âm đô).



Giai điệu được tiến hành nhịp độ vừa phải, với các quãng đồng âm, quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 7; âm thanh chủ yếu xoay quanh trục của giọng, âm hình chủ đạo được thể hiện xuyên suốt trong bài hát; các bước nhảy được giải quyết một cách hợp lý tạo nên bức tranh về em bé ngày đầu tiên đến trường trong tâm trạng không vui với bao điều lạ lẫm.

Am hình tiết tấu chủ đạo

Thứ tư: Đặt hợp âm cho ca khúc:

* Chúng ta xác định chính xác các hợp âm 3 chính (C, F, G(7)) và hợp âm 3 phụ (Am, Dm, Em) của giọng chính trong bài hát( thỉnh thoảng cũng có thể dùng hợp âm D7)

* Tiến hành đặt hợp âm: khi đặt hợp âm, chúng ta phải biết cách vận dụng các kết hòa âm như kết nửa hoặc kết trọn tùy theo ý của từng câu nhạc. Khi đặt hợp âm cho ca khúc có thể đặt theo ý nhạc từ nhỏ đến lớn như tiết nhạc hoặc câu nhạc. Đặc biệt cần chú ý những điểm cao trào để chúng ta đưa vào những mảng hòa âm kết hợp với tiết tấu tạo thành những câu giằng phù hợp với ý đồ của tác giả và mang lại hiệu quả cao cho bài hát. Tuy nhiên, tùy theo khả năng thực hành của người giáo viên, chúng ta có thể giản lược bớt hợp âm cho phù hợp.

Chúng ta nhận thấy, ý nhạc đầu tiên có 3 âm chung với hợp âm Đô trưởng đó là âm đô, âm mi và âm sol. Do vậy chúng ta đặt hợp âm C, hợp âm chủ của bài. Ý nhạc tiếp theo có 2 nhịp, nhịp trước có âm fa và âm la ta đặt hợp âm F; nhịp tiếp theo có âm rê ta đặt hợp âm Dm. Ý nhạc tiếp theo có âm đô, âm rê, âm mi, ta ưu tiên đặt hợp âm C. Ý nhạc tiếp theo có 2 nhịp, gồm âm fa, âm la, rê, âm sol, ta sử dụng 2 hợp âm là D7 và G. Hợp âm G trưởng được sử dụng cho kết câu 1.

Sang câu 2, ta nhận thấy 3 ý nhạc đầu giống với 3 ý nhạc đầu của câu 1, do đó ta đặt các hợp âm C, F, Dm, C. Còn ý nhạc cuối cùng có các âm rê rê rê mi rê đô, ta đặt hợp âm G7 và C. Đây là vị trí kết câu 2 và kết đoạn 1.



Câu 3 và 4, ta dùng cách phân tích tương tự và đặt hợp âm như sau:



* Sau khi đặt xong hợp âm, chúng ta nghe lại hợp âm trên đàn để điều chỉnh cho thật phù hợp.

Thứ năm: Chọn điệu, chọn tiếng

* Một loại nhịp có thể sử dụng nhiều điệu khác nhau, do đó chúng ta căn cứ vào âm hình tiết tấu chủ đạo, tính chất và kết hợp với nhịp của bài hát để chọn điệu trên đàn Organ. Về cơ bản thì: Loại nhịp 2/2; 2/4; 2/8 người ta thường sử dụng điệu March, Disco; Polka, Country 2/4…; Loại nhịp 3/2; 3/4; 3/8 thường sử dụng điệu Valse, Boston…; Loại nhịp 4/2; 4/4; 4/8 thì dùng điệu March, Polka, Chachacha, Rumba, Beat…; Loại nhịp 6/4; 6/8 thường sử dụng điệu Slowrock, Ballad, Valse… Ví dụ bài “ Ngày đầu tiên đi học”, ta thấy bài hát hội đủ các yếu tố phù hợp với điệu Valse, do đó ta chọn điệu Valse để đệm.

* Để lựa chọn tiếng cho phù hợp với sắc thái tình cảm của bài hát ta phải căn cứ vào chất liệu âm nhạc của bài hát đó. Đối với những làn điệu dân ca chúng ta có thể sử dụng tiếng Flute, Piccolo giả tiếng sáo; Sitar, Dulcimer giả tiếng đàn tranh, tiếng Jazz Guitar để giả tiếng đàn bầu… Đối với bài hát theo phong cách âm nhạc Phương Tây có tính chất hành khúc ta chọn tiếng Trumpet, Brass, Accordion…; bài hát có tính chất trữ tình ta chọn Nylon Guitar, Saxophon, Grandpiano… Đối với bài “ Ngày đầu tiên đi học”, ta chọn tiếng GrandPiano, kết hợp với tiếng Vibraphone để đệm, tiếng Accordion để đàn Intro.

Thứ sáu: Chọn âm hình đệm:

Để chọn được âm hình đệm phù hợp, ta căn cứ vào âm hình tiết tấu chủ đạo và điệu của bài hát. Ví dụ bài “ Ngày đầu tiên đi học”, ta có thể sử dụng 2 âm hình cơ bản sau:

Thứ bảy: Viết intro, kết: Phần này đòi hỏi phải có tư duy của người sáng tác âm nhạc. Yêu cầu khi viết Intro phải khúc chiết, kết cấu chặt chẽ, thể hiện được hình tượng của bài hát. Thông thường người ta hay sử dụng một câu nhạc trong ca khúc. Ví dụ bài “ Ngày đầu tiên đi học” ta lấy câu nhạc cuối cùng của bài làm câu Intro:



Và một cách khác, chúng ta có thể sáng tác mới hoàn toàn hoặc lấy âm hưởng của ca khúc để viết Intro.

Còn phần kết, chúng ta có thể sử dụng lại Intro hoặc viết câu nhạc khác. Tuy nhiên, phải hết sức ngắn gọn thể hiện được ý nhạc kết thúc bài hát.

Thứ tám: Sau cùng chúng ta tiến hành đệm ca khúc trên cơ sở đã được chuẩn bị theo các bước:

* Trước tiên, chúng ta chọn điệu Valse với tempo khoảng 90; lưu tiếng Accordion, GrandPiano và Vibraphone vào bộ nhớ của đàn.

* Đàn Intro, và bấm hợp âm tay trái thật chính xác.

* Ghép âm hình đệm với giai điệu của ca khúc, phần này sẽ tốn nhiều thời gian.

Đoạn 1: Ta đệm theo âm hình đệm 1:



Đoạn 2: Ta đệm theo âm hình 2:



* Đàn đoạn kết để kết thúc bài.

Như vậy, chúng ta đã hoàn thành chi tiết một bài đệm hát với cấu tạo như sau:

Chúng ta biết rằng, khả năng thị phạm của người thầy trước học sinh là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc thì khả năng này cần phải đề cao. Một khi người thầy đêm đàn để các em hát chắc chắn sẽ kích thích được sự hưng phấn cho các em và tiết học sẽ sôi nổi hơn nhiều. Chính từ điều này, chúng ta sẽ phát huy tối đa khả năng của học sinh, thu hút các em tham gia vào hoạt động học một cách tích cực hơn, dần hình thành tư duy độc lập, tự chủ động trong học tập.

Nhằm góp phần khắc phục vấn đề đệm hát cho giáo viên phổ thông trước hết các cơ sở đào tạo cần yêu cầu cao hơn trong phân môn đệm hát, trang bị kỹ năng đệm hát thật vững vàng cho thầy cô giáo tương lai. Mặc khác, về phía trường phổ thông cần xây dựng những phòng chức năng chuyên biệt, đầy đủ phương tiện phục vụ giảng dạy âm nhạc đồng thời yêu cầu giáo viên phải phát huy khả năng đệm hát của mình trong từng tiết dạy. Có như vậy, việc đệm hát trong tiết dạy âm nhạc mới được thực hiện nghiêm túc đem lại hiệu quả cao trong giảng dạy ở bậc học phổ thông.

Chế Long Mỹ: Khoa Am Nhạc, Trường CĐSP Trung Ương – Nha Trang

Đồng đế – Nha Trang – Khánh Hòa.

ĐT: 0985328827



Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ sách âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 9. Nxb giáo dục

  2. Lam Duy. Bước đầu sáng tác ca khúc. Nxb Trẻ. 2004

  3. V.A.Vakhrameev. Lý thuyết âm nhạc cơ bản. Nxb Am nhạc.1993

  4. Phạm Tú Hương. Vũ Nhật Thăng. Sách giáo khoa hòa thanh. Nxb Am nhạc.1993

  5. Đào Ngọc Dung. Phân tích tác phẩm âm nhạc. Nxb Giáo dục. 2001

  6. Đào Ngọc Dung. Phân tích ca khúc. Nxb Am nhạc. 2006


tải về 39.15 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương