Hướng dẫn về tự kỉ dành cho bạn bè Bộ cẩm nang hỗ trợ gia đình của Autism Speaks Về bộ cẩm nang này



tải về 378.03 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.04.2018
Kích378.03 Kb.
#37100
Hướng dẫn về tự kỉ dành cho bạn bè


Bộ cẩm nang hỗ trợ gia đình của Autism Speaks

Về bộ cẩm nang này
 Bộ cẩm nang này được thiết kế đặc biệt dành cho những người bạn của gia đình có người được chẩn đoán tự kỉ. Cảm ơn bạn đã dành thời gian tìm kiếm thông tin và tài liệu để giúp đỡ bạn của mình và trẻ tự kỉ.
Bộ cẩm nang này sẽ giúp bạn


  • Hiểu thêm về tự kỉ

  • Bạn của bạn cảm thấy ra sao nếu như đây là một chẩn đoán mới

  • Hỗ trợ cho bạn mình

  • Bạn và gia đình bạn làm thế nào để giao lưu và hỗ trợ trẻ tự kỉ



Cảm ơn những thành viên trong cộng đồng đã đọc soát bộ tài liệu và nguồn tài nguyên chia sẻ này cho dự án:
Kimberly Dick

J-Jaye Hurley



Cathy Moore

Trong bộ cẩm nang này, cụm từ “tự kỉ” được dùng để mô tả các dạng rối loạn phát triển thần kinh diện rộng (Pervasive Developmental Disorders), hay còn được biết đến với tên gọi rối loạn phổ tự kỉ (Autism Spectrum Disorder), bao gồm tự kỉ (Autism), rối loạn phát triển thần kinh diện rộng, rối loạn phát triển thần kinh diện rộng chưa xác định (Pervasive Developmental Disorder Not Otherwise Specified – PDD-NOS), và hội chứng Asperger.
Đđơn giản, chúng ta cũng sẽ dùng đại từ chung là “cô ta” khi đề cập đến người bạn.


Về chứng tự kỉ
Tự kỉ là gì
Tự kỉ là thuật ngữ tổng quát dùng để mô tả một nhóm hội chứng rối loạn phức hợp của sự phát triển thần kinh ở não bộ, được biết với tên gọi Rối loạn Phát triển thần kinh Diện rộng (Pervasive Developmental Disorder – PDD). Một dạng rối loạn phát triển thần kinh diện rộng khác là PDD-NOS (Rối loạn phát triển thần kinh diện rộng chưa Xác định), Hội chứng Asperger (Asperger Syndrome), Hội chứng Rett (Rett Syndrome) và Rối loạn Tan rã ở trẻ nhỏ (Childhood Disintegrative Disorder). Nhiều bố mẹ và các chuyên gia cho nhóm này vào loại Rối loạn phổ tự kỉ (Autism Spectrum Disorders).
Người bị hội chứng tự kỉ sẽ có các triệu chứng hoặc gặp trở ngại ở ba mảng sau:

  • Giao lưu xã hội

  • Dùng ngôn ngữ để giao tiếp xã hội

  • Có sở thích hoặc hành vi lặp đi lặp lại.


Chứng tự kỉ phổ biến như thế nào?
Ngày nay, người ta ước đoán rằng cứ 110 trẻ thì sẽ có một trẻ được chẩn đoán là mắc hội chứng tự kỉ, điều này khiến cho tự kỉ trở nên phổ biến còn hơn bệnh ung thư ở trẻ nhỏ, bệnh tiểu đường ở tuổi vị thành niên và cả bệnh AIDS nhi đồng kết hợp lại. Khoảng chừng 1,5 triệu người ở Mĩ và hàng chục triệu người trên khắp thế giới mắc hội chứng tự kỉ. Thống kê của chính phủ cho biết tỉ lệ phổ biến của tự kỉ tăng từ 10-17 phần trăm mỗi năm. Không có một lời giải thích chính thức nào cho sự tăng trưởng này, mặc dù người ta thường đưa ra hai lí do là việc chẩn đoán được cải tiến hơn và ảnh hưởng từ môi trường. Các nghiên cứu cho thấy bé trai dễ phát triển chứng tự kỉ hơn bé gái, và người ta chẩn đoán các bé trai bị mắc hội chứng tự kỉ nhiều gấp ba bốn lần bé gái. Những ước lượng tính riêng ở nước Mĩ cho biết cứ 70 bé trai thì sẽ có một bé được chẩn đoán là mắc hội chứng tự kỉ.
Điều gì gây ra tự kỉ?
Câu trả lời đơn giản là chúng tôi không biết. Phần lớn các trường hợp tự kỉ là do tự phát, có nghĩa là không rõ nguyên do.
Câu trả lời phức tạp hơn là ở chứng tự kỉ có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau và các triệu chứng có những cách kết hợp khác nhau, có thể có rất nhiều nguyên do. Chứng cớ khoa học tốt nhất mà chúng tôi được biết ngày nay đều hướng đến tiềm năng phát sinh ra các kết hợp khác nhau giữa các yếu tố gây nên tự kỉ - nhiều thành phần gene có thể tự chúng gây ra tự kỉ hoặc có thể khi kết hợp cùng với việc tiếp xúc với các yếu tố môi trường mà đến nay vẫn chưa xác định được là yếu tố gì. Thời gian tiếp xúc trong suốt quá trình phát triển của trẻ (trước, trong lúc, và sau khi ra đời) có thể đóng vai trò nào đó khiến cho chứng rối loạn này phát triển hoặc bộc lộ ra cuối cùng.
Tự kỉ trông như thế nào?

Trong khi toàn bộ trẻ tự kỉ đều gặp vấn đề ở ba mảng chính như trên, thì các triệu chứng xuất hiện khác nhau với tính chất nghiêm trọng khác nhau ở từng đứa trẻ riêng biệt. Không có hai đứa trẻ tự kỉ nào giống y như nhau.


Các triệu chứng chính có thể sẽ như thế này:




Về mặt xã hội


  • Ít tiếp xúc bằng mắt, ít dùng cử chỉ hoặc nét mặt.

  • Gặp khó khăn trong việc hiểu các cảm xúc và cảm giác của người khác.

  • Gặp khó khăn khi chơi đùa với những đứa trẻ đồng trang lứa.

  • Gặp vấn đề trong việc kết bạn và giữ gìn tình bạn.

  • Ít chia sẻ điều mình quan tâm với người khác.


Giao tiếp


  • Không nói chuyện.

  • Chậm học cách nói chuyện .

  • Có những lời nói bất thường (lặp đi lặp lại một vài thứ, phát ra những âm thanh bất thường)

  • Gặp khó khăn trong việc trò chuyện.

  • Ít bắt chước và ít chơi mấy trò tưởng tượng.


Hành vi lặp đi lặp lại

  • Có những hành động hay những cử chỉ lặp đi lặp lại (lắc lư, lăn tròn, vung tay đập đập, búng tay)

  • Có những ý thích lạ thường, mạnh mẽ và hạn chế (cứ hay nói về cùng một chuyện nào đó hoặc cứ hay chơi với cùng một món đồ nào đó, biết rất nhiều thứ về chuyện đang nói)

  • Chơi với từng phần riêng lẻ của món đồ chơi thay vì chơi với cả món đồ chơi đó (chẳng hạn như cứ xoay bánh xe của chiếc xe đồ chơi)

Nguồn: Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia (National Institute of Mental Health - NIMH). Để biết thêm thông tin về tự kỉ, hãy vào: www.nimh.nih.gov

ĐIỀU QUAN TRỌNG PHẢI NHỚ RẰNG – “NẾU BẠN GẶP MỘT NGƯỜI TỰ KỈ - THÌ BẠN ĐÃ GẶP ĐƯỢC MỘT NGƯỜI TỰ KỈ.”
STEPHEN SHORE, Ed.D.
Người bạn của bạn có thể có cảm giác như thế nào nếu đây là chẩn đoán mới
Biết con bạn được chẩn đoán tự kỉ là một khoảnh khắc sâu đậm trong đời người. Niềm vui khi đứa con sinh ra đời và niềm hi vọng về tương lai con mình bỗng phải đối mặt với nhiều ẩn số không ai biết được là gì. Bạn của bạn có thể phải trải qua nhiều loại cảm xúc khác nhau bao gồm:
Sốc: “Tôi không nhớ làm thế nào mà mình lái xe về nhà được sau khi lần đầu tiên nghe tin chẩn đoán.” “Chuyện này sao lại xảy ra với con tôi kia chứ?”

Buồn rầu hay đau khổ: “Tôi không còn sức lực nào hết.” “Tôi không thể làm những chuyện thường ngày tôi hay làm cho gia đình.” “Tôi đã khóc rất nhiều.” “Tôi chỉ cảm thấy buồn quá sức.”

Tức giận: “Chúng tôi không xứng đáng bị vậy.” “Tôi rất giận khi mà điều này lại xảy ra.”

Phủ nhận: “Con tôi sẽ lớn lên từ chuyện này.” “Tôi có thể chỉnh lại được.” “Bác sĩ họ nói sai rồi.”

Cô độc: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như thế.”

Chấp nhận: “Tôi thấy là chúng tôi có thể vượt qua chuyện này và rồi mọi thứ sẽ ổn thôi.”
Quan trọng là nhớ rằng bạn của bạn có thể trải qua nhiều loại cảm xúc thế này, và cô ta có thể sẽ có những cảm giác khác liên quan đến chẩn đoán ở những thời điểm khác nhau. Cô ấy không thể kiểm soát điều này được. Cuộc sống của cô ta không còn theo cách mà cô ấy từng nghĩ, do vậy cô ấy cần thêm sự giúp đỡ và cần người thông hiểu trong lúc diễn ra những giai đoạn cảm xúc khác nhau này.

Đây cũng là người bạn của bạn trước khi có chẩn đoán của đứa trẻ. Cô ta giờ chỉ là tập trung nhiều hơn cho con mình, và cô ta cần có những người bạn hỗ trợ mình và không để cho cô ấy đánh mất con người mình như lúc trước khi có kết quả chẩn đoán




Bạn có thể giúp được gì trong khoảng thời gian này?
Hãy cho cô ta biết rằng bạn ở đây vì cô ấy. Bạn có thể sẽ muốn hỏi xem con cô ấy ra sao rồi và hãy cho cô ta gợi chuyện trước. Nếu cô ấy muốn nói về vụ chẩn đoán và cảm giác của mình, thì hãy lắng nghe thật chăm chú. Một số bố mẹ không muốn bàn về vụ chẩn đoán (hoặc ít nhất là chưa muốn), và đối với những người này thì điều quan trọng là bạn nên duy trì liên lạc với họ. Mời họ đi dạo hoặc uống một tách cà-phê. Cố gắng giữ cuộc trò chuyện tránh xa đề tài về chuyện đứa trẻ đã đạt được gì làm được gì. Vào thời điểm đặc biệt này thì thật khó cho người bạn của bạn để chia sẻ cùng niềm vui của bạn.
Hãy hỏi bạn mình là có website hay cuốn sách nào mà cô ta nghĩ là sẽ giúp ích được hay không bởi bạn muốn tìm hiểu thêm về chứng tự kỉ. Cô ta sẽ cảm kích việc bạn đang tìm cách giúp đỡ cô ta và con mình.
Đừng chia sẻ vụ chẩn đoán này với người khác. Thậm chí có dụng ý tốt đi nữa, thì mỗi gia đình đều có thái độ khác nhau khi cần phải kể cho người ta biết về chẩn đoán con mình. Họ sẽ kể cho người khác biết khi nào cảm thấy thoải mái thôi.
Một số gia đình có người mắc chứng tự kỉ thấy rằng sẽ dễ dàng hơn nếu lúc ban đầu các mối quan hệ bạn bè được duy trì qua điện thoại, tin nhắn hay qua email.
Hãy đề nghị việc chăm nom trẻ tự kỉ giùm cho bạn mình (nếu bạn thấy thoải mái khi làm thế), hoặc chăm nom những đứa trẻ bình thường khác của bạn mình để bạn mình có thể có những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để cuộc sống cô ta không phải rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Hãy đề nghị giúp bạn mình làm những chuyện mua đồ lặt vặt. Thỉnh thoảng thật khó để dẫn theo trẻ tự kỉ ra ngoài. Nếu bạn tới tiệm tạp hoá hay tiệm giặt ủi thì có lẽ bạn cần biết xem bạn mình có cần gì không.
Hãy để bạn mình biết mình là một người bạn luôn có mặt khi cần tới nếu cô ta cần ai đó đi đón hay chở đứa con khác của mình đi sinh hoạt hay đi đâu đó.

Bạn có thể hỗ trợ cho người bạn mình thế nào?


Kym Grosso sẽ cho biết 10 điều bạn có thể làm để giúp đỡ một gia đình có người mắc chứng tự kỉ
10 điều bạn có thể làm để giúp đỡ một gia đình có người mắc chứng tự kỉ
Khi đứa trẻ lần đầu tiên được chẩn đoán tự kỉ, bố mẹ thường sẽ đi khắp nơi tìm những dịch vụ thích hợp dành cho người tự kỉ, cũng như tìm các bác sĩ, trường học và các nhà trị liệu phù hợp. Những gì chúng ta thường không thể tiên liệu được là mối quan hệ với bạn bè, gia đình và hàng xóm thường sẽ thay đổi. Một số người sẽ vẫn đứng bên cạnh chúng ta, làm bất kì điều gì có thể và chở che con của chúng ta bất kể việc chẩn đoán là gì. Tuy nhiên, một số người sẽ ngồi im lặng bên rìa ngoài hoặc sẽ không duy trì mối quan hệ với ta nữa.
Do vậy, chuyện gì xảy ra khi bạn phát hiện bạn mình, người nhà mình hay hàng xóm mình có trẻ được chẩn đoán tự kỉ? Bạn làm thế nào để giúp bạn mình? Bạn làm sao để giúp đứa trẻ đó? Có nhiều cách bạn có thể làm để giúp đỡ một người bạn, từ việc nói chuyện để đề nghị hẹn một ngày nào dẫn tụi trẻ ra chơ với nhau. Đây là 10 điều bạn có thể làm để giúp gia đình có trẻ được chẩn đoán tự kỉ:
1. Luôn ở đó
Trông thì dễ, mà bố mẹ của trẻ tự kỉ cần ai đó lắng nghe và hỏi thăm họ. Với tư cách là một người bạn, bạn không thể hiểu toàn bộ từ chuyên môn của tự kỉ, nhưng các vị bố mẹ có trẻ tự kỉ thường muốn nói về con cái của họ.
Tuy thế, điều có thể xảy ra là việc chẩn đoán tự kỉ đã đẩy chúng ta và con cái chúng ta vào tình trạng cô độc. Có vẻ chúng ta không muốn cô độc, nhưng ta thỉnh thoảng lại quá bận rộn với những sinh hoạt hay trị liệu liên quan đến tự kỉ, nên không còn nhiều thời gian cho chuyện khác. Đề nghị ghé thăm để uống một tách cà-phê hay gặp nhau chỉ là để nói chuyện có thể là cách tốt để giúp bạn của mình thoát khỏi mớ bòng bong về tự kỉ và giúp họ chống lại tình trạng cô độc.
2. Thảo luận chứng tự kỉ
Nói hay không nói về chứng tự kỉ? Đó là cả một vấn đề. Câu trả lời là “Còn tuỳ”. Hầu hết bố mẹ có trẻ tự kỉ thường rất sẵn lòng nói về chứng tự kỉ. Nhưng có những bố mẹ không muốn tiết lộ việc chẩn đoán, cũng như không muốn nói về chứng tự kỉ chút nào hay nói về tác động của nó đối với con họ. Một số bố mẹ có thể phủ nhận việc chẩn đoán và thậm chí còn không muốn nói đến từ “tự kỉ” chứ đừng nói gì là nói về chủ đề đó.
Do vậy với tư cách là một người bạn thì bạn làm gì? Hãy để bạn mình mở đầu chủ đề tự kỉ này, và hãy hỏi thăm tình hình đứa trẻ ra sao. Cho dù người bạn không dùng từ “tự kỉ”, thì cô ta cũng sẽ cảm kích bạn khi bạn hỏi thăm tình hình đứa trẻ nói chung… mà không phải bàn luận về chứng tự kỉ. Nếu người bạn đó cởi mở về việc chẩn đoán, thì sẽ hoàn toàn thích hợp khi mình tỏ ra thích bàn chuyện về đứa trẻ và chủ đề tự kỉ. Bởi vì chúng ta không bao giờ mặc nhiên thừa nhận sự tiến bộ, các bố mẹ có trẻ cần chăm sóc đặc biệt sẽ tự hào khi con họ làm được những chuyện dù rất nhỏ nhoi. Biết được bạn bè quan tâm về con cái chúng ta sẽ làm cho việc chia sẻ trong những thời điểm thế này trở nên đặc biệt hơn lúc nào hết.
3. Trẻ tự kỉ trông ra sao?
Đây dường như là một câu hỏi lạ lùng. Nhưng tôi biết là có nhiều lúc người ta gặp con trai tôi và rồi nhận xét, chẳng hạn như “Thằng bé có vẻ không giống tự kỉ” hay là “Thằng trông không giống như trẻ tự kỉ”. Điều thú vị là không có “cái nhìn” nào về chứng tự kỉ. Vâng, một số đứa trẻ có những đặc điểm hành vi hay xã hội tương tự nhau, nhưng hết thảy bọn trẻ đều khác nhau. Do vậy đây là lí do tại sao nếu ai đó bảo tôi là họ có kinh nghiệm về chứng tự kỉ, thì điều đó không có nghĩa là họ biết hoặc hiểu con tôi.
Nếu bạn biết, quan sát hay dạy một đứa trẻ tự kỉ khác, thì tốt nhất là không so sánh những điều bạn biết đối với đứa trẻ này. Tôi cũng sẽ kiềm chế mình lại không nói cho bạn của bạn biết về chuyện bạn nghĩ tự kỉ sẽ “trông” ra sao. Cởi mở để học hỏi những dấu hiệu của tự kỉ là điều quan trọng, nhưng tìm hiểu về đặc tính cá nhân của từng đứa trẻ tự kỉ là phương cách tiếp cận hiệu quả nhất.
Thỉnh thoảng thật khó giải thích cho người khác biết quan niệm cho rằng chứng tự kỉ ở từng đứa trẻ thì khác nhau thế nào. Nhưng với tự cách là bố/mẹ, khi con bạn có 10 đứa bạn mắc hội chứng Asperger thì bạn có thể dễ dàng thấy được là hết thảy chúng đều có những khả năng và sở thích đặc biệt ra sao.
4. Dự đoán
Nếu bạn hỏi tôi khi Tyler được chẩn đoán hồi 2 tuổi thì thằng bé sẽ ở vị trí nào lúc 12 tuổi, tôi có lẽ không thể nói cho bạn biết hay dự đoán được kết quả sau này, và các bác sĩ cũng thế. Nhiều lúc người ta sẽ hỏi chúng tôi “Dự đoán tiến triển sau này ra sao?” “Liệu thằng bé lớn lên có thoát ra được chứng tự kỉ hay không?” hoặc là “Thằng bé có đi học đại học được không?” Sự thật là chúng tôi không biết dự đoán tiến triển sau này của con mình ra sao, và chủ đề có thể trở nên nhạy cảm. Bởi vì chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên tương lai có thể rất đáng sợ, và bí ẩn.
Không giống các bố mẹ có trẻ bình thường có kế hoạch cho con mình học ở đại học hay là theo trường dạy nghề, thì chúng tôi thường không biết con cái của mình sẽ ở nơi đâu về mặt học hành, xã hội hay hành vi khi chúng trở thành thanh niên. Liệu chúng tôi có thể hoạch tính cho tương lai hay không? Vâng, nhưng chúng tôi sẽ làm mà phải chấp nhận những ẩn số khi hoạch tính tương lai. Tương lai con chúng tôi có thể hoặc không thể có phần học đại học hay theo những trường lớp về sau. Chúng tôi thường không biết là liệu con mình có khả năng độc lập để tự thân một mình hay không. Chúng tôi hi vọng chúng có thể tự lập được, nhưng thực tế cho tương lai có thể là trẻ sẽ sống ở khu chăm sóc đặc biệt hoặc sẽ sống với chúng tôi suốt đời.
Nhiều người chúng ta lo lắng là nếu có gì xảy ra với chúng ta thì chuyện gì sẽ xảy ra với con mình. Điều này cũng là rất khó biết. Do đó, nếu bạn của mình bắt đầu về chủ đề dự đoán chuyện sau này thì bạn cũng nên bàn luận về điều ấy. Nhưng cũng chú ý là một số bố mẹ không muốn nói về chuyện này.
5. Thông tin
Gần đây có nhiều câu chuyện về nhận thức tự kỉ ở báo chí. Là một người mẹ có con tự kỉ, tôi rất cảm kích những người bạn và người thân đã gửi cho tôi những thông tin họ đọc được. Nếu bạn có người bạn cởi mở bàn luận về chuyện tự kỉ, thì việc gửi cho họ đọc một vài thông tin là một cách tốt để cho thấy sự quan tâm của bạn. Chỉ vì bạn có trẻ tự kỉ không có nghĩa là chúng ta nhất định phải biết mọi thông tin mới nhất đang diễn ra trong thế giới tự kỉ.
Lời cảnh báo duy nhất mà tôi đề cập ở mảng này là bố mẹ luôn không đồng tình về các phương cách chữa trị hay các nguyên nhân của tự kỉ. Hệ quả là các bố mẹ thỉnh thoảng có những phản ứng gay gắt với những nghiên cứu, những bài viết về tự kỉ, v.v.. Do vậy lời khuyên của tôi là hãy cứ thong thả. Nếu người bạn đó dường như chấp nhận được thông tin mới, thì hãy cứ thoải mái gửi họ các thông tin nhưng đừng bao giờ thúc đẩy quá đà.
6. Hẹn nhau với bạn mình để dẫn bọn trẻ ra chơi cùng
Tôi có thể nhớ lần đầu tiên con trai tôi được chẩn đoán, và bạn tôi cũng có mấy đứa trẻ trạc tuổi Tyler. Những gì con trai tôi thật sự cần là được chơi cùng với những đứa trẻ bình thường khác. Tuy vậy, một số người bạn lại hành xử như là tự kỉ có thể lây nhiễm và không muốn con họ chơi cùng với con tôi. Tôi có thể nhớ một người chồng của bạn tôi đã bày tỏ sự bất bình trước con tôi và chứng tự kỉ của cháu. Sau đó, tôi không bao giờ phá luật để cho bọn trẻ chúng tôi chơi cùng nhau, vì tôi cảm thấy chồng cô ta không muốn con trai tôi đến gần con họ. Thật là một nhận thức phũ phàng khi mà có một số người chấp nhận con của chúng tôi, còn một số thì không.
Vậy bạn có thể làm gì? Nếu bạn có một người bạn có con tự kỉ, hãy mời mẹ con cô ấy đến chơi cùng. Đó sẽ là cuộc hẹn nhau bình thường? Có thể vậy… có thể không phụ thuộc vào bọn trẻ. Cho dù cuộc hẹn đó là chút gì đó bất thường, thì cũng giúp trẻ tự kỉ có cơ hội tìm hiểu những hành vi hay những kĩ năng xã hội bình thường từ các đứa trẻ khác. Đối với những đứa trẻ bình thường, thì cuộc hẹn như thế có thể cho chúng bài học về sự chấp nhận và chịu đựng những người khác biệt với chúng. Chấp nhận là bài học được tiếp thu tốt nhất bằng thực hành, do đó con của bạn cũng sẽ được nhiều ích lợi, đó có thể là một trải nghiệm tuyệt vời cho cả hai gia đình.
7. Hẹn nhau với hàng xóm để dẫn bọn trẻ ra chơi cùng
Khi gặp vấn đề về tự kỉ thì một người hàng xóm tốt không chỉ là giữ sân nhà bạn sạch sẽ và sẻ chia một tách đường. Nếu bạn có con cùng lứa tuổi với con nhà hàng xóm, hãy mời họ sang chơi. Bạn có thể muốn mời bố/mẹ và đứa con đến chơi cùng nhau trong một cuộc hẹn để bạn có thể tìm hiểu tự kỉ ảnh hưởng tác động đến từng đứa trẻ ra sao và làm sao để giúp bọn trẻ chơi cùng nhau.
Điều quan trọng cần ghi nhận là nhiều trẻ tự kỉ gặp khó khăn trong việc tạo nên và duy trì tình bạn, tham gia vào những cuộc trò chuyện hay chơi trong một nhóm trẻ con nào đó. Điều này có nghĩa là bạn có thể cần hỗ trợ cho tình bạn đó trở nên thuận tiện và giúp cho việc giao tiếp giữa con bạn trẻ tự kỉ trở nên dễ dàng. Nhiều đứa trẻ sẽ hoạt động tốt hơn trong một môi trường chơi đùa có qui định hẳn hoi. Tạo ra một buổi hẹn chơi đùa có qui củ với những trò chơi cụ thể sẽ giúp cho bọn trẻ có được thời gian vui vẻ thật sự.
8. Tìm người chăm sóc thay thế ngắn hạn
Dù đứa trẻ mắc phải chứng tự kỉ là trẻ sơ sinh, thiếu niên hay đã lớn thì việc kiếm người chăm sóc thay thế ngắn hạn là một vấn đề phức tạp đối với bố mẹ. Nhiều bố mẹ có trẻ khuyết tật thường tất bật với trách nhiệm chăm sóc trẻ mỗi ngày. Một số trẻ tự kỉ không ngủ ngon vào ban đêm và do vậy càng làm cho bố mẹ thêm mệt mỏi.
Tuy vậy, khi bạn có con cần chăm sóc đặc biệt thì thật khó để tìm ai đó đủ tin tưởng để nhờ họ chăm nom con bạn. Ví dụ, tôi có thể dễ dàng tìm một cô bé trông trẻ ở khu xóm của mình để trông giúp đứa con gái 4 tuổi phát triển bình thường. Nhưng khi đứa con trai tự kỉ của tôi ở độ tuổi đó, thì không có cách nào để một cô bé hay cậu bé tuổi mới lớn chưa qua huấn luyện có thể trông coi con trai tôi được. Con trai tôi chỉ nói mỗi lần có một vài từ và có nhiều vấn đề về hành vi, do vậy tôi chỉ có thể tin bố mẹ mình hay một người lớn khác để nhờ họ trông cháu.
Vậy điều này nghĩa là gì nếu bạn là một người bạn hay người nhà của bố/mẹ có trẻ tự kỉ? Một lời đề nghị chăm sóc thay thế ngắn hạn từ một người bạn hay một người nhà đáng tin cậy, người biết cách thích hợp để giao lưu với trẻ tự kỉ, sẽ là điều rất tuyệt. Dù là một giờ hay một đêm thì lời đề nghị đó sẽ là món quà dành cho một người bạn khi họ cần đến mình. Dường như đó là một sự giúp đỡ đơn giản nhưng điều đó là mọi thứ đối với người bố/mẹ đang ngập đầu trong công chuyện để họ có vài giờ thư thả đi mua đồ hoặc có được những giờ phút bên nhau với vợ/chồng của mình.
9. Không đánh giá
Dù cho là một cái nhìn không thiện cảm của mọi người trong cửa hàng tạp hoá hay những lời nhận xét từ người nhà về việc chúng tôi cần “rèn luyện con mình kĩ hơn” ra làm sao, hầu hết bố mẹ có con tự kỉ thường bị những lời đánh giá của người khác tác động lên mình. Chúng ta sống đời mình trong cái chậu cá, với hằng hà sa số những nhà trị liệu ở quê nhà và những cuộc hẹn bác sĩ kéo dài không dứt, thì ta thường trở nên mệt mỏi với “lời khuyên” từ những người không có con tự kỉ. Bạn có nghĩ lời phê bình của bạn có tính xây dựng nhiều đến đâu chăng nữa thì cũng nên ý thức là việc bày tỏ ra như thế có thể dễ dàng phá vỡ hay huỷ hoại tình bạn của mình.
Cho đến khi bạn đồng hành với chúng tôi suốt một đoạn đường thì bạn mới biết được có con tự kỉ là ra làm sao. Hầu hết chúng ta trong thâm tâm đều biết là không nên đánh giá người khác, nhưng ta lại cứ dễ dàng tuôn ra những lời đánh giá. Và khi điều đó xảy ra, thì rất khó để quay ngược trở lại.
10. Giữ bí mật
Một số bố mẹ, như tôi, thường rất cởi mở khi nói về con họ và vụ chẩn đoán. Nhưng có một số người thì lại không muốn thảo luận về chứng tự kỉ trừ khi nói với bạn thân hoặc với người nhà. Và ở khía cạnh cực đoan nhất thì có một số người lại phủ nhận việc chẩn đoán mà không muốn thảo luận vấn đề đó với bất kì ai.
Nhưng dù cho chúng tôi thảo luận về chứng tự kỉ ở con mình nhiều ra sao thì chúng tôi luôn muốn giữ bí mật. Chỉ vì chúng tôi cởi mở với bạn bè không có nghĩa chúng tôi muốn bạn bè mình hay gia đình mình đi kể với người khác về con mình hay về bất kì vấn đề nào mà chúng tôi đang gặp phải lúc đó. Giữ bí mật là điều cực kì quan trọng đối với người bố/mẹ quyết định không tiết lộ chẩn đoán của con mình cho người khác biết. Dường như đó là lẽ thường tình khi không tán gẫu về con của người khác, nhưng có điều cũng đáng lưu tâm là nếu chúng tôi kể cho bạn nghe điều gì đó, thì hãy giữ bí mật nó trừ khi bạn được người bố/mẹ đó cho phép chia sẻ thông tin ấy với người khác.
Điều mấu chốt
Trong đời mình, bạn có thể sẽ biết thêm nhiều người và gia đình có người mắc phải chứng tự kỉ. Bạn có thể quyết định mình là một phần cho giải pháp của họ bằng cách giúp đỡ họ. Hãy dành thời gian để tìm hiểu không chỉ về chứng tự kỉ mà còn về từng đứa trẻ nữa. Hãy chấp nhận những đứa trẻ khuyết tật và dạy con bạn làm thế nào để làm bạn với trẻ tự kỉ vì như thế chính là giúp đỡ chúng.
Nếu có một điều tôi học được về tình bạn sau khi con trai tôi được chẩn đoán tự kỉ, thì đó là việc tôi biết tình bạn sẽ rất mỏng manh dễ vỡ. Làm bạn trong những khoảng thời gian dễ chịu thì rất dễ dàng. Tuy nhiên phải trong những lúc khó khăn ta mới biết được ai là bạn thật sự của mình. Tôi bao giờ cũng biết ơn bạn mình và người nhà mình khi họ đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều sau vụ chẩn đoán. Họ đã chọn cách chấp nhận con trai tôi bởi chính con người thật của thằng bé và giúp chúng tôi bằng bất kì cách gì họ có thể làm. Chọn cách hỗ trợ gia đình có người tự kỉ là một trong những món quà tuyệt vời nhất bạn có thể cho người khác. Cũng có thể là hành động tốt bụng đó của bạn sẽ trở thành một trong những món quà tuyệt vời nhất mà sau này bạn sẽ được nhận trở lại từ bạn mình.
Thạc sĩ Kim Grosso

www.psychologytoday.com/blog/autism-in-real-life

“MỘT TRONG NHỮNG NHIỆM VỤ KHÓ KHĂN NHẤT VỚI TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI BẠN LÀ VIỆC TỎ RA THẤU HIỂU KHI MÀ TA KHÔNG HIỂU GÌ CẢ.” – ROBERT BRAULT




Bạn và gia đình làm thế nào để có thể giao lưu và giúp đỡ trẻ tự kỉ?
Bạn của bạn sẽ cảm kích lắm nếu bạn muốn giao lưu và giúp đỡ đứa con tự kỉ của cô ấy. Sau đây là một vài gợi ý:
Tìm hiểu sở thích của trẻ tự kỉ, và hỏi trẻ về những sở thích đó. Trẻ tự kỉ sẽ sẵn sàng giao lưu với bạn bằng hết sức mình nếu bạn hỏi chúng về những điều quan trọng đối với chúng.
Đối với một số gia đình, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu ta vào nhà họ. Một số trẻ tự kỉ cảm thấy thoải mái hơn khi ở nhà mình. Nhưng đừng cho là mọi gia đình đều thế. Như đã đề cập trước đó, mỗi người tự kỉ đều khác nhau. Bạn có thể cần hỏi bạn mình xem những điều tốt nhất dành cho con cô ta và gia đình cô ta là gì. Một số gia đình có thể muốn được bạn mời đến nhà của bạn. Dành thời gian thăm nhà bạn mình có thể giúp chống chọi lại cảm giác cô độc. Nếu gặp trường hợp này bạn có thể cần hỏi gia đình là làm sao bạn có thể làm cho trẻ tự kỉ cảm thấy thoải mái khi bạn tới thăm nhà.
Điều quan trọng là bạn cung cấp cho con mình đủ thông tin về cách giao lưu tốt nhất với trẻ tự kỉ. Hãy nhớ là không phải gia đình nào cũng muốn kể cho con họ nghe về vụ chẩn 9doán. Bạn có thể cần cung cấp cho con mình những gợi ý và thông tin liên quan. Xin vui lòng xem phần Nguồn tài liệu để tìm các gợi ý về việc làm thế nào để làm bạn với trẻ tự kỉ.

Có mười điều mà đứa trẻ tự kỉ nào cũng muốn bạn hiểu – Ellen Notbohm
Lấy từ cuốn sách Có mười điều mà đứa trẻ tự kỉ nào cũng muốn bạn hiểu (2005, NXB Future Horizons, Inc.). Được in lại theo sự cho phép của tác giả.

Có những lúc dường như điều duy nhất ta có thể đoán được chính là việc không thể đoán được điều gì. Đặc điểm nhất quán duy nhất là sự không nhất quán. Có một chút tranh cãi ở bất cứ mức độ nào ngoại trừ chuyện tự kỉ là điều rất khó hiểu, thậm chí đối với cả những ai gắn bó cả đời mình cùng nó. Trẻ tự kỉ có thể trông bình thường nhưng có những hành vi làm người ta khó hiểu và toàn gây rắc rối. Từng có lúc người ta nghĩ tự kỉ là “chứng rối loạn không thể chữa được”, nhưng quan niệm đó đang bị lung lay trước việc người ta càng lúc càng hiểu biết hơn về tự kỉ, ngay cả khi bạn đang đọc những dòng này. Hàng ngày, những người tự kỉ đang cho chúng ta thấy rằng họ có thể vượt qua, bù đắp lại và còn có thể xoay trở giải quyết được những điều khó khăn nhất do chứng tự kỉ gây nên. Trang bị cho bọn trẻ xung quanh ta những hiểu biết cơ bản về chứng tự kỉ sẽ tạo nên những ảnh hưởng rất lớn để chúng có khả năng đi tiếp cuộc hành trình của mình hướng đến một cuộc sống trưởng thành hiệu quả và tự lập. Tự kỉ là một chứng rối loạn cực kì phức tạp nhưng trong mục đích của bài viết này, thì chúng tôi sẽ rút ra bốn mảng nền tảng từ rất nhiều các đặc tính của tự kỉ: những thử thách về khả năng xử lí của giác quan, sự đình trệ và suy yếu đi của khả năng nói và sử dụng ngôn ngữ, những kĩ năng trẻ khó tiếp nhận được khi giao lưu xã hội và toàn bộ các vấn đề của trẻ con cũng như của lòng tự trọng. Và dù cho bốn yếu tố này thường gặp ở nhiều đứa trẻ, nhưng hãy luôn nhớ rằng tự kỉ là một dạng rối loạn: không có hai (hay mười hay hai mươi) đứa trẻ tự kỉ nào hoàn toàn giống y như nhau. Mỗi đứa trẻ đều ở một điểm khác nhau trong cả một dải phổ. Và một điều cũng quan trọng là mỗi bố/mẹ, giáo viên hay người chăm sóc đều ở một điểm khác nhau trên cả một dải phổ. Trẻ con hay người lớn thì đều có những nhu cầu riêng biệt. Đây là mười điều mà mỗi đứa trẻ tự kỉ đều mong ước là bạn hiểu được:




  1. Trước hết cháu là một đứa trẻ

Chứng tự kỉ của cháu chỉ là một khía cạnh của cả con người cháu mà thôi. Nó không định nghĩa nên con người cháu. Cô chú là người có những tâm tư, tình cảm và những tài năng khác, hay cô chú chỉ là một người béo (quá cân), cận thị (phải đeo kiếng) hay là người vụng về (cục mịch, chơi thể thao kém)? Đó có thể là những điều đầu tiên cháu thấy khi gặp cô chú, nhưng chúng không nhất định là những gì thuộc về con người cô chú. Là người lớn, cô chú có thể kiểm soát việc bản thân mình. Nếu cô chú muốn làm nổi bật một đặc điểm nào đó thì cô chú có thể thể hiện nó ra. Là một đứa trẻ, cháu vẫn còn phải tự bộc lộ mình. Cả cô chú và cháu đều chưa biết được cháu có khả năng gì. Định nghĩa con người cháu bằng một đặc điểm nào đó sẽ dẫn tới chuyện cô chú không kì vọng nhiều vào cháu. Và nếu cháu cảm nhận được rằng cô chú nghĩ là cháu không thể làm điều đó được thì phản ứng tự nhiên của cháu sẽ là: Sao lại phải cố?




  1. Cháu bị rối loạn phần cảm nhận từ giác quan

Phần tích hợp giác quan có thể là điều khó hiểu nhất ở chứng tự kỉ, nhưng đó cũng là điều quan trọng nhất. Điều này nghĩa là những phần thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác bình thường hàng ngày cô chú thậm chí không chú tâm đến có thể là điều làm cháu cực kì khổ sở. Cái môi trường mà cháu phải sống hàng ngày trông cứ như là kẻ thù của cháu vậy. Cháu có thể lãnh đạm hoặc tạo cảm giác thù hằn với cô chú nhưng thật sự là cháu chỉ đang cố tự bảo vệ mình. Đây là lí do tại sao mà chỉ cần đi tới tiệm tạp hoá một chút thôi cũng là điều khó nhọc đối với cháu rồi: Thính giác của cháu có thể nhạy hơn cô chú tưởng. Cháu nghe cả chục người nói chuyện cùng lúc. Cái loa phát ra oang oang những bản tin đặc biệt trong ngày. Dàn âm thanh Musak phát ra những tiếng rền rĩ. Máy đếm tiền thì kêu bíp bíp và khục khặc, máy xay cà-phê phát ra tiếng bình bịch. Máy cắt thịt rít lên, mấy đứa bé thì kêu gào, những cỗ xe kêu cót két, bóng đèn huỳnh quang kêu um ủm. Đầu cháu không có chức năng lọc được những âm thanh đi vào thế này và thế là cháu bị quá tải!


Khứu giác của cháu cũng rất nhạy. Cá ở quầy thịt không được tươi lắm, ông đứng bên cạnh ngày hôm nay chưa tắm gì, cửa hàng thưc ăn đang đưa những cho người ta mấy mẩu xúc xích, đứa bé ở phía trước chúng cháu thì ị đùn trong tã, người ta đang nhúng dưa chưa vào trong ammonia ở quầy 3… Cháu không thể sắp xếp lại mấy mùi này được. Cháu cảm thấy buồn nôn rất khó chịu… Bởi cháu định hướng bằng thị giác (xem thêm ở phần dưới), nên đây có thể là giác quan đầu tiên mà cháu cảm thấy bị kích thích quá mức. Ánh đèn huỳnh quang không chỉ quá sáng mà nó còn kêu rầm rì và um ủm. Căn phòng dường như sáng loá và làm đau mắt cháu. Ánh sáng chói loá dội vào mọi vật và làm méo mó đi những vật cháu đang nhìn – không gian dường như liên tục thay đổi. Có ánh sáng chói chang chiếu qua khung cửa sổ, cháu thấy có quá nhiều thứ nên không tập trung được (cháu có thể bù lại bằng ‘cái nhìn phiến diện theo hình ống’), những cánh quạt quay trên trần nhà, quá nhiều cơ thể chuyển động liên tục. Toàn bộ những điều này làm ảnh hưởng đến các cảm giác khu tiền đình và khả năng cảm nhận bản thân mình, thế là cháu không thể biết được cơ thể mình đang ở đâu trong vùng không gian này nữa.


  1. Hãy phân biệt giữa điều cháu không-làm (do cháu lựa chọn) và điều cháu không-thể-làm (do cháu không có khả năng).

Việc tiếp nhận và bày tỏ suy nghĩ bằng ngôn từ chính là những thách thức thật sự dành cho cháu. Không phải là cháu không lắng nghe các chỉ dẫn. Mà là chuyện cháu không thể hiểu cô chú nói gì. Khi cô chú gọi cháu từ phía bên kia căn phòng, đây là những gì cháu nghe được: “*&^%$#@, Billy. #$%^*&^%$&*. . .” Thay vì vậy thì hãy đến nói trực tiếp với cháu bằng những từ đơn giản: “Billy, đặt sách xuống bàn đi con. Đến giờ ăn trưa rồi.” Nhưvậy sẽ cho cháu biết cô chú muốn cháu nên làm gì và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Giờ thì cháu có thể làm theo lời cô chú dễ dàng hơn rồi.




  1. Cháu là người suy nghĩ cụ thể. Nghĩa là cháu diễn dịch ngôn ngữ theo đúng nghĩa đen từng chữ.

Cháu sẽ rất hoang mang khi cô chú nói, “Giữ chặt yên ngựa nhé anh chàng cao bồi!” trong khi thật ra cô chú có ý nói “Hãy ngừng lại đi”. Đừng nói với cháu những câu kiểu như là “như ăn bánh ấy” khi mà chẳng có miếng bánh nào trước mặt, mà ý cô chú lại là “chuyện này dễ làm thôi mà”. Khi cô chú nói “Jamie lướt như tên lửa ấy” thì cháu phải thấy đứa bé chơi với diêm lửa. Cứ nói với cháu “Jamie chạy rất nhanh”. Cháu không tiếp nhận được những thành ngữ, chơi chữ, lối dùng từ đa nghĩa, kiểu nói nước đôi, dùng hàm ý, ẩn dụ, nói bóng gió và những lời mỉa mai châm biếm.




  1. Hãy kiên nhẫn với vốn từ hạn chế của cháu

Thật khó để cháu nói cho cô chú biết cháu cần gì khi mà cháu không biết dùng từ nào để diễn tả ý nghĩ của mình. Cháu có thể đói, chán nản, hoảng sợ hay bối rối nhưng ngay hiện tại thì những từ ngữ đó nằm ngoài khả năng diễn đạt của cháu. Hãy để tâm đến ngôn ngữ cơ thể, sự lãnh đạm, nỗi âu lo hay những dấu hiệu khác cho biết cháu đang gặp chuyện không ổn.


Điều này cũng có mặt phụ: cháu có thể trông như “ông cụ non” hay ngôi sao điện ảnh, tuôn ra những câu chữ nằm ngoài độ tuổi của mình. Đó là những câu nói ghi nhớ từ thế giới xung quanh để bù lại cho khiếm khuyết ngôn ngữ bởi vì cháu biết khi người ta nói chuyện với cháu thì họ trông chờ cháu sẽ đáp lại. Những câu đó có thể từ sách vở, TV, bài diễn văn của ai đó. Người ta gọi cái này là “lặp lại máy móc lời người khác”, cháu không cần hiểu bối cảnh hay hiểu thuật ngữ cháu đang dùng. Cháu chỉ cần biết như thế thì cháu sẽ khoát khỏi tình trạng loay hoay tìm cho được lời đáp lại người ta.


  1. Bởi vì cháu khó tiếp thu ngôn ngữ, nên cháu định hướng bằng hình ảnh trực quan

Hãy cho cháu thấy làm sao để thực hiện hơn là chỉ nói bằng lời. Và hãy chuẩn bị tinh thần hướng dẫn cháu nhiều lần. Cứ làm đi làm lại sẽ giúp cháu tiếp thu được. Thời gian biểu bằng hình ảnh sẽ cực kì hữu ích để cháu biết mình sẽ trải qua những gì trong ngày. Giống như lịch hẹn giờ của cô chú, thì thời gian biểu bằng hình ảnh giúp cháu xoa dịu những căng thẳng khi phải nhớ điều gì tiếp theo đó, và khiến cho các hoạt động chuyển tiếp diễn ra trơn tru hơn, giúp cháu quản lí thời gian của mình và đáp ứng được sự kì vọng của cô chú.


Khi lớn lên thì cháu cũng sẽ không bao giờ không cần một thời gian biểu bằng hình ảnh, nhưng “mức độ thể hiện” có thể thay đổi. Trước khi biết đọc, cháu cần một thời gian biểu bằng hình với những bức ảnh hay những hình vẽ đơn giản. Khi cháu lớn lên một chút, thì từ ngữ kết hợp với hình ảnh sẽ có tác dụng, và sau đó nữa thì chỉ cần từ ngữ thôi.


  1. Hãy chú tâm vào những gì cháu có thể làm hơn là những thứ cháu không thể làm được

Cũng như bao người khác, cháu không thể học tập trong một môi trường mà cháu luôn có cảm giác mình không ổn và cần “điều chỉnh” lại. Cần phải tránh cho cháu thử một điều gì mới mẻ vì như vậy thì y như rằng cháu sẽ gặp phải những lời phê bình, cho dù có “mang tính xây dựng” đi nữa. Hãy nhìn vào thế mạnh của cháu và cô chú sẽ nhận ra. Có nhiều cách “đúng đắn” để làm hầu hết mọi chuyện trên đời này mà.




  1. Hãy giúp cháu giao lưu với người khác

Có vẻ như cháu không muốn chơi với mấy đứa trẻ khác ở sân chơi tập thể, nhưng thỉnh thoảng mọi chuyện chỉ đơn giản là cháu không biết làm sao để ngỏ ý chơi cùng. Nếu cô chú có thể khuyến khích những đứa trẻ khác rủ cháu cùng chơi bóng thì có thể là cháu sẽ rất thích khi được cùng chơi.


Cháu chơi cừ nhất khi tham gia vào những trò có luật lệ hẳn hoi, có phần khởi đầu và kết thúc thật rõ ràng. Cháu không biết cách “đọc” nét mặt, ngôn ngữ cơ thể hay cảm xúc của người khác, nên cháu rất biết ơn nếu có ai đó chỉ cho cháu cách xử sự thích hợp. Ví dụ, nếu cháu phá ra cười khi Emily trượt ngã thì không phải cháu nghĩ là chuyện đó vui. Chỉ là cháu không biết mình cần có phản ứng thích hợp ra sao. Hãy chỉ cháu nói câu “Bạn có bị gì không?” trong trường hợp đó.


  1. Hãy cố gắng thấu hiểu những điều làm cơn ăn vạ của cháu bộc phát

Ăn vạ, giận dữ, gào khóc hay bất kì tên gọi nào cô chú muốn, hết thảy đều khiến cháu thấy khiếp sợ hơn là chính cô chú đấy. Những điều đó xảy ra là vì một trong các giác quan của cháu trở nên quá tải. Nếu cô chú nhận ra được tại sao cháu lại ăn vạ, thì cô chú có thể ngăn tình trạng đó lại. Hãy ghi nhận lại thời điểm, bối cảnh, con người, các hoạt động. Rồi sẽ xuất hiện một mô hình chung cho các tình trạng như vậy.


Hãy nhớ là toàn bộ các hành vi đều là một dạng giao tiếp. Khi mà ngôn từ của cháu không thể phát huy tác dụng thì những hành vi ăn vạ sẽ cho cô chú biết cháu cảm nhận ra sao về một điều gì đó đang diễn ra xung quanh cháu.
Các bậc phụ huynh cũng nên nhớ điều này: những hành vi dai dẳng có thể có nguyên nhân y học nằm bên dưới. Dị ứng thức ăn và nhạy cảm, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về dạ dày cũng đều có thể là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hành vi như vậy.


  1. Hãy yêu thương cháu vô điều kiện

Hãy bỏ đi những suy nghĩ kiểu như “Nếu thằng bé như vầy…” và “Tại sao con bé không thể…”. Ngày xưa cô chú cũng từng không thể đáp ứng hoàn toàn những kì vọng của cha mẹ và cô chú đâu muốn khơi lại chuyện đó. Tự kỉ đâu phải do cháu chọn lấy. Nhưng hãy nhớ đây là chuyện xảy ra với cháu, không phải với cô chú. Không có cô chú trợ giúp cháu thì cháu có rất ít cơ hội có được đời sống trưởng thành tự lập, ổn thoả. Nhờ cô chú giúp đỡ và hướng dẫn mà khả năng đó được mở rộng ra hơn cô chú tưởng đấy. Cháu hứa với cô chú là cháu xứng đáng để cô chú giúp đỡ.


Và sau cuối, chỉ ba từ thôi: kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Hãy nhìn chứng tự kỉ của cháu như là một khả năng khác biệt chứ không phải là một khuyết tật. Hãy bỏ qua những gì cô chú thấy là hạn chế và thấy được những khả năng mà cháu có được nhờ tự kỉ. Có thể đúng là cháu không giao tiếp bằng mắt được hoặc không trò chuyện được tốt, nhưng liệu cô chú có để ý thấy là cháu không nói dối, không chơi gian lận, không ngồi lê đôi mách và cũng không công kích ai cả? Cũng đúng khi có thể cháu sẽ không trở thành một Michael Jordan tiếp theo. Nhưng với khả năng chú ý tinh tế đến các chi tiết và khả năng tập trung phi thường của mình, cháu có thể sẽ thành một Einstein kế tiếp đó chứ, hay một Mozart, một Van Gogh.
Họ có thể cũng mắc phải chứng tự kỉ.
Câu trả lời cho bệnh Alzheimer, cho bí ẩn của đời sống ngoài Trái đất – ta sắp sửa đón nhận phía trước những thành tựu tương lai gì đến từ những đứa trẻ tự kỉ ngày nay, như cháu?
© 2005, 2010 Ellen Notbohm (Hãy liên hệ với tác giả đđược phép đăng lại văn bản, bao gồm cả việc đăng lại trên Internet.)
Ellen Notbohm là tác giả của cuốn Mười điều mà mọi đứa trẻ tự kỉ đều muốn bạn biết, Mười điều mà mọi học sinh tự kỉ đều muốn bạn biết, và cuốn Hướng dẫn về dấu hiệu tự kỉ: Những tấm bưu thiếp đến từ con đường ít người qua lại, những cuốn lọt vào chung kết giải Foreword Book of the Year. Bà cũng là đồng tác giả của cuốn sách đoạt giải 1001 Ý tưởng tuyệt vời để nuôi dạy trẻ tự kỉ hoặc trẻ mắc phải hội chứng Asperger, và là cộng tác viên cho nhiều ấn phẩm cũng như nhiều website khắp thế giới. Để liên lạc với Ellen và khám phá công việc bà đang làm, hãy ghé thăm www.ellennotbohm.com

Những câu chuyện về việc giúp đỡ người tự kỉ

Có nhiều bạn, nhiều câu chuyện, những có một người bạn đặc biệt nổi trội, đó là người bạn Shani của tôi. Con trai tôi được 10 tuổi và được chẩn đoán mắc phải chứng rối loạn phát triển thần kinh diện rộng chưa xác định (PDD NOS) hồi lên 6. Ryan là thằng bé thông minh với tấm lòng dịu dàng vô cùng, ai biết nó cũng cho là thế. Điều đáng chú ý nhất ở người bạn Shani của tôi là cô ta luôn dành thời gian cho Ryan. Mặc cho lúc nào thì thằng bé cũng làm lơ, cự tuyệt hoặc còn la lối trước mặt cô ấy khi thằng bé không có đúng món bánh pizza nó thích, khi mang nước cam cho thằng bé mà còn hạt bên trong hay khi cô ta bỏ vào không đủ bánh qui giòn vào tô thằng bé, Shani “có được” Ryan bởi cô ấy cố gắng. Người ta thường không chú ý đến Ryan lắm. Khi thằng bé không nói xin chào, không nhận ra bạn đang hiện diện, hay hoàn toàn lờ đi câu hỏi của bạn, thì người ta dễ bỏ đi hay bỏ cuộc luôn. Nhưng không phải Shani, cô ấy thu hút Ryan bằng cách này, cách nọ. Cô ta chưa bao giờ đối xử với Ryan khác so với đứa trẻ khác. Hẳn thế, cô ấy có thể cho thằng bé đi chỗ khác với cái giọng điệu “phách lối” hơn so với đứa trẻ khác, nhưng cô ta sẽ không ngần ngại nói rằng, “Ryan, con phải hỏi xin cô dịu dàng nếu con muốn bánh”. Cô ta yêu thằng bé và đặt ra khuôn phép giống như đã làm với bất kì đứa trẻ nào tới nhà cô.


Tình yêu thương và lòng kiên nhẫn của Shani dành cho Ryan không chỉ rõ ràng với mẹ thằng bé, người lúc nào cũng chở che nó, mà còn đối với cả Ryan nữa. Ryan chỉ cho phép một vài người “bước vào” thôi, do vậy khi đang đi nghỉ mát với Shani và gia đình cô ta, lúc tôi thấy thằng bé ngả đầu lên vai cô ấy thì tôi biết được là cô ta đã chiếm được cảm tình Ryan rồi. Không có gì bí ẩn, không có mánh lới gì cả, không phần thưởng nào hết, chỉ là vấn đề thời gian, sự kiên nhẫn và lòng chân thành, là những thứ mà bọn trẻ như Ryan có thể sẵn sàng nhận ra được dễ hơn hơn là người ta tưởng khi nhìn nhận về trẻ tự kỉ.
Tôi cũng có phần thưởng nhận được từ tình bạn dành cho bà mẹ như tôi, tôi không nhớ được bao nhiêu lần mình nhấc điện thoại lên gọi cho cô ta trong nước mắt, cảm thấy như mình đã một lần nữa không làm gì được cho Ryan, và cô ta bảo rằng thằng bé may mắn biết bao khi có người mẹ như tôi. Lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu của cô đã khiến cho người bạn của cô có thể dễ dàng nhận ra được, khi người bạn này cần được trấn an là người đó đang làm hết sức mình rồi, dù cho có nhiều chỗ mấp mô trên đường. Tình mẫu tử là điều làm người ta cảm thấy thoả mãn và hài lòng, nhưng thậm chí những bậc phụ huynh tốt nhất cũng có những lúc khó chịu. Nuôi dạy trẻ tự kỉ dường như sẽ làm cho những lúc khó chịu đó thêm phần tội lỗi. Đó là lí do tại sao mỗi người bạn chúng tôi đều rất là quantrọng, nhưng đó phải là người bạn có thể nhìn thấu được sự bướng bỉnh, tính cứng nhắc và kì quặc của con trai tôi để có thể thấy được một cậu bé xinh xắn, dễ thương, vốn là những điều xứng đáng được công nhận. Shani sẽ không bao giờ hiểu được lòng biết ơn, quí trọng và lòng yêu thương từ tận đáy lòng mình dành cho tất cả những gì cô ta làm đối với tôi, với Ryan và với những người nhà còn lại của tôi nữa.
Kathy, mẹ của Ryan.

Tôi tên Jessica, và tôi có một đứa con trai 2 tuổi tên là Cashius, là một cậu bé dễ thương, tuyệt vời, xinh xắn, hoàn hảo, và thằng bé mắc phải chứng tự kỉ. Tôi có thể không được bố thằng bé giúp đỡ nhiều vì anh ấy có những vấn đề riêng của mình. Hoặc không có nhà nào ở gần đây giúp đỡ. Tôi thật có phúc khi có được cô bạn thân Jaymie trong bốn năm qua là chỗ dựa tinh thần cho tôi! Cô ta đã ở bên tôi trên từng bước đi kể từ lúc tôi bắt đầu hỏi bác sĩ “Thằng bé bây giờ không nói được sao?” hoặc lúc gia đình tôi nói “Ồ, chỉ là thằng bé chậm nói thôi mà”. Cô ấy đã ở đó bảo tôi hãy cứ theo cảm giác của chính mình. Cô ta dẫn con tôi đi trị liệu và bỏ ra nhiều thời gian để dạy cho ba đứa con của cô ta làm sao để chơi cùng thằng bé nhà tôi. Cô ấy dành thời gian rảnh ngoài giờ làm để đến dự buổi hội thảo Phân tích hành vi ứng dụng nhằm cải thiện các kĩ năng để có thể giúp đỡ Cashius. Cô ta luôn để tôi than van này kia và luôn bên cạnh giúp tôi sau khi tôi bình tâm trở lại. Cô ta luôn nghĩ đến những ý tưởng mới để làm bữa ăn cho Cashius bởi thằng bé phải kiêng ăn những món có gluten và sữa. Khi tôi lúc nào cũng chỉ lấy bánh nugget và bánh quế cho thằng bé thì cô ta luôn có được những thứ mới lạ dành cho Cashius thử qua. Tối hôm kia chúng tôi nói chuyện làm thế nào mà giải bóng bầu dục quốc gia lại cho người ta mặc đồ màu hồng và tôi nói là vậy thì tuyệt. Cô ta chỉ lắc đầu và bảo điều đó làm cô ấy tức chết đi được. Và ngay lập tức tôi biết là cô ấy chán chường bởi vì người ta không hỗ trợ và nhận thức đúng mức về chứng tự kỉ như đã làm với căn bệnh ung thư vú. Tôi đã cười. Chỉ có những ai thật sự yêu quí một người đang mắc phải chứng tự kỉ mới có thể hiểu cảm giác đó. Cô ta không chỉ làm tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có một người bạn thật đáng yêu, bao giờ cũng giúp đỡ mình, và thật tuyệt vời. Nhưng người may mắn nhất là Cashius, khi thằng bé có được người bạn như cô trong đời mình.


Jessica, mẹ của Cashius.

Khi con trai tôi Matthew được chẩn đoán tự kỉ, chúng tôi may mắn là có được nhiều giờ trị liệu cần thiết dành cho thằng bé. Nghĩa là hết nhà trị liệu này đến nhà trị liệu khác cứ ra vào nhà chúng tôi. Điều đó cũng có nghĩa là đứa con trai lớn Danny của tôi phải yên lặng mà chơi để không làm xao nhãng em nó. Tôi có người bạn Ellen cũng có đứa con trai bằng tuổi với Danny, và hai đứa này kết bạn với nhau. Ellen tạt qua để giao đồ, ngay lúc đó tôi đang giải thích với Danny lí do tại sao nó không thể chơi với bạn trong khi Matthew đang trị liệu. Ellen sau đó gọi cho tôi, và hỏi là liệu có thể cho Danny chơi ở nhà cô ta vào thứ năm mỗi tuần khi mà Matthew đang trị liệu hay không, tôi có lẽ đã khóc lúc ấy. Tôi quá lo lắng về Danny và cô bạn Ellen đã biết được điều mà chúng tôi cần là gì.


Jeanine, mẹ của Matthew


Nguồn tài liệu
Autism Speaks: www.autismspeaks.org
How to be a Friend to Someone with Autism (Làm thế nào để kết bạn với người tự kỉ)

Sách của Peter Faustino


The Autism Acceptance Book (Cuốn sách về sự chấp nhận tự kỉ)

Sách của Ellen Sabin


Muốn đặt câu hỏi thì cứ liên hệ với Đội ngũ Giải đáp Tự kỉ của Autism Speaks theo số 888 – AUTISM2 hoặc theo địa chỉ email familyservices@autismspeaks.org
Vãy ghé thăm chương trình Walk Now for Autism Speaks (www.walknowforautismspeaks.org/site/c.igIRL6PIJrH/b.4356939/k.BF85/Home.htm) để tham gia đi bộ ở khu vực bạn sống.

Về Autism Speaks
Autism Speaks là tổ chức khoa học và hỗ trợ về tự kỉ lớn nhất thế giới. Kể từ lúc thành lập năm 2005, thì Autism Speaks đã tạo ra được những bước tiến dài, bỏ ra hơn 160 triệu dollar để nghiên cứu và phát triển những nguồn tài liệu hỗ trợ mới, sáng tạo dành cho các gia đình. Tổ chức này dành cho việc tài trợ việc nghiên cứu về nguyên nhân, cách ngăn chặn, điều trị và chữa trị chứng tự kỉ; làm tăng ý thức của mọi người về chứng rối loạn phổ tự kỉ; và hỗ trợ cho những nhu cầu của những người mắc chứng tự kỉ và gia đình họ. Ngoài việc tài trợ cho việc nghiên cứu, thì Autism Speaks còn tạo ra những nguồn tài liệu và những chương trình bao gồm Mạng lưới Điều trị của Autism Speaks (Autism Speaks Treament Network), Trao đổi Tài nguyên liên quan đến gene tự kỉ của Autism Speaks (Autism Speaks Autism Genetic Resource Exchange), và một vài chương trình điều trị và khoa học khác. Những sáng kiến đáng chú ý về việc tạo ra nhận thức cho mọi người bao gồm việc thành lập Ngày Thế giới Nhận thức Chứng tự kỉ vào ngày 2 tháng 4 hàng năm, và được Liên hiệp quốc chấp thuận, ngày này Autism Speaks sẽ tổ chức các hoạt động thông qua sáng kiến Light It Up Blue. Chiến dịch “Hãy học các dấu hiệu” của Autism Speaks thực hiện cùng với tổ chức Ad Council đã đoạt được giải thưởng và nhận được phần sử dụng các phương tiện truyền thông trị giá 272 triệu dollar. Nguồn tài liệu gia đình của Autism Speaks bao gồm Bảng chú giải Đoạn phim Tự kỉ, bộ cẩm nang 100 ngày dành cho các gia đình mới nhận chẩn đoán, bộ cẩm nang dành cho nhà trường và một chương trình tài trợ cộng đồng. Autism Speaks đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm luật pháp liên bang nhằm thôi thúc chính quyền phải có lời đáp cho vấn đề tự kỉ, và đã hỗ trợ thành công cho việc cải cách bảo hiểm nhằm lo hết phần điều trị hành vi ở 27 bang gần đây, với đạo luật còn chờ thêm 12 bang nữa đang xét. Mỗi năm sự kiện Walk Now for Autism (Đi bộ vì tự kỉ) được tổ chức ở hơn 80 thành phố khắp Bắc Mĩ. Để tìm hiểu thêm về Autism Speaks, xin hãy vào www.autismspeaks.org

Về những người đồng sáng lập
Autism Speaks được Suzanne và Bob Wright sáng lập vào tháng 2/2005, hai người này có cháu mắc phải chứng tự kỉ. Bob Wright là Cố vấn cao cấp của Lee Equity Partners và Chủ tịch lẫn CEO của Hiệp hội công dân Palm Beach. Ông từng là phó chủ tịch của General Electric; và là giám đốc điều hành của NBC Universal trong hơn 20 năm. Ông còn đảm nhiệm vai trò trong hội đồng quản trị của Polo Ralph Lauren Corporation, Mission Product, LLC, EMI Group Global Ltd và Bệnh viện New York Prebyterian. Suzanne Wright là Giáo sư danh dự của trường Sarah Lawrence College, trường bà học hồi trước. Suzanne đã nhận được vô số giải thưởng, giải thưởng Women of Distinction Award của trường Palm Beach Atlantic Univeristy, CHILD Magazine Children’s Champions Award, Luella Bennack Volunteer Award, Spirit of Achivement do trường Albert Einstein College of Medicine’s National Women’s Division và giải Women of Vision do Viện khoa học Weizmann trao. Năm 2008, ông bà Wright được nêu tên trong danh sách 100 người hùng và nhà tiên phong của tạp chí Times, đây là danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, nhờ họ gắn kết với các hoạt động hỗ trợ tự kỉ trên toàn cầu. Họ cũng nhận được giải Double Helix dành cho Lãnh đạo tập đoàn, giải NYU Child Advocacy, giải Castle Connolly National Health Leadership, và giải American Ireland Fund Humanitarian Award. Trong những năm qua ông bà Wrights đã nhận được bằng tiến sĩ danh sự của trường St. John’s University, St. Joseph’s University và Umass Medical School – họ đã có bài nói chuyện đáng trân trọng tại buổi lễ tốt nghiệp ở hai trường đầu tiên. Ông bà Wrights là cặp vợ chồng đầu tiên được trao bằng danh dự như thế trong lịch sử trường St. John.
Каталог: downloads
downloads -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> CHÍnh phủ  CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> NĐ-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
downloads -> Ủy ban nhân dân tỉnh bà RỊa vũng tàU
downloads -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố CẦn thơ Độc lập Tự do Hạnh phúc
downloads -> BỘ y tế Số: 19/2011/tt – byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THỦ TƯỚng chính phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
downloads -> THÔng tư Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia

tải về 378.03 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương