GIÁng sinh ngày cũ



tải về 133.35 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích133.35 Kb.
#39227
GIÁNG SINH NGÀY CŨ

Mỗi năm khi chớm đông về, với lá vàng ngập lối bước trong tuyết thưa, nắng nhạt, khi không gian bàng bạc một mầu sương khói, tâm tư lại trĩu nặng như thân thể gầy guộc nặng bao lớp áo ngự hàn. Mỗi sáng đếm bước trên lối mòn sương đọng, tâm hồn tê tái như băng giá ngoài trời. Nhưng một chút mặt trời len lén vào hồn khi mùa Giáng Sinh đến, gợi nhớ vùng vàng kỷ niệm ngày xa cũ.

Những ngày thật đẹp, thật sống động, thật tuyệt vời đó làm sao mà quyên được! Lòng rộng mở như giòng sông vào biển cả đón những niềm vui chất phác, giản dị, thành thật...

Những lần "thanh tra" hè phố, dán mắt vào cửa kính, "rửa mắt" trên đường Tự Do, Lê Lợi, "đóng đô" tại quán Mai Hương, Thanh Bạch, Cái Chùa, Bô Đa (Brodart) cùng bầy bạn trẻ vui nhộn biết bao, tiếng cười vỡ toang lồng ngực trong nắng chiều gió lộng bờ sông.

Nhac Giáng Sinh từ hành lang TAX, CRYSTAL ngập hồn tuổi trẻ. Dưới khung trời thư viện Đắc Lộ, dưới bóng hoàng lan lá thon, hoa vàng lấm tấm điểm trên bờ vai áo thư sinh, những mái đầu xanh chụm vào nhau cười cười, nói nói hí hửng mùa Giáng Sinh đến. Những tiếng lao xao vừa nhẹ vừa sắc trên lối đường sỏi đá với tà áo mầu nâu thướt tha của một duyên dáng nào đó đủ cho có phép mầu làm tiếng nói cười cùng im, và tất cả ánh mắt đồng quy một điểm...

Chen vai sát cánh thành vòng, Thánh Lễ tại Đắc Lộ, Phục Hưng ngoài trời với những tiếng hát vào đời như muốn uống nhạc vào hồn... Những đêm thánh ca với các ca đoàn Trùng Dương, An Phong... Những đại nhạc hội thân mật tưng bừng tại Dược, Văn Khoa, Luật... Những vũ điệu vừa quý phái vừa trẻ trung của trường Regina Pacis. Mê mải và kích thích bao nhiêu trong sửa soạn nhà cửa, chuẩn bị Giáng Sinh trước ánh mắt vui hiền, đầy khích lệ của cha già... Sao đèn không giới hạn trên vòm trời Thánh Đường, cả Sàigòn biển người tràn ra các con đường, đi ào ạt, đi mệt nghỉ đủ các loại xe, đủ các hạng người, đủ các loại tiếng động ai cũng một niềm vui chung, chỉ nhìn không cần nói và như toàn thể thành đô tham dự đêm hoa đăng vĩ đại tự nhiên... Từng nhóm và từng nhóm nối tiếp, bất ngờ gặp gỡ nhập bọn, cứ thế mà tuôn tràn, có khi quên cả giờ giới nghiêm. Những Grivral, La Pagode, Pôle Nord, Lan Hương... không còn một chỗ trống, nghẹt cả lối đi.

Bữa ăn nửa khuya réveillon bất hủ trong ánh nến, ánh cười, ánh sao, ánh đèn... trong khi triều dâng xe cộ từ các hang cùng, ngõ hẻm đến các đại lộ chỉ vơi dần khi trời vừa sáng. Trắng đêm ngồi đấu hót cùng bạn dưới bóng lung linh của hoa đăng bóng rợp vú sữa trước hiên nhà.

Hay tại tiền đồn, đón mừng Giáng Sinh ngưng chiến nhưng vẫn súng ghì chặt trên tay, lưng nhễ nhãi mồ hôi thấm qua bao đạn, cùng với tiếng chạy rầm rầm của chiếc máy điện tăng cường, với những đèn ngôi sao trên cổng chào mới tạm xong đầy lá dừa, hoa dại. Tất cả quân nhân đủ mọi thành phần tôn giáo, áo giáp, súng dài, súng ngắn, lựu đạn đầy mình trang trọng đón mừng thánh lễ nửa đêm trong niềm tin, thành khẩn nguyện cầu một nền hòa bình mong đợi. Rồi tiếp nối liên hoan, những giọng ca bất ngờ của lính tiền đồn đủ mầu, đủ kiểu, từ sáu câu vọng cổ đến bài hát trữ tình... Thức ăn ê hề không thiếu mà rượu thì giới hạn để đề cao cảnh giác nhưng hay "bị vượt biên" qua tiếng tặc lưỡi, chửi thề vô hại. Những tràng cười hô hố, câu hò ò e, tiếng sằng sặc cười cao độ trước câu truyện tiếu lâm thích chí... kéo dài mãi cho đến khi chén đĩa sạch trơn và mặt trời lấp ló trên lô cốt tiền phương...

Nơi đây với tuyết lạnh, với mưa dài, với những đèn Giáng Sinh vàng vọt ánh đèn đường và con phố trống trơn vụt qua những chiếc xe chạy vội trốn tuyết, trốn lạnh, trốn mưa... Ra ngoài tìm hương xưa khó thật. Nhưng khi trở về ngồi bên lò sưởi, nhìn lửa nhấp nhô, nghe lửa tí tách cùng bạn, cùng người thân trò chuyện thâu canh và khi quá khuya trong giấc ngủ thiếp đi chập chờn hồn Giáng Sinh xưa đâu có hiện ra đủ làm cho hoa lòng nở lại và cung lòng dâng lên giai điệu thuở nào của những mùa Giáng Sinh tuyệt vời nơi quê cũ.


Lê Ngọc Hồ

CỘNG ĐỒNG GIÁNG SINH
MỘT
Giáng Sinh Là Hy Vọng.
Hàng năm mỗi độ đông về, một niền vui nhẹ nhẹ len lén vào hồn khi đâu đó bắt đầu trang hoàng cho Giáng Sinh, một vài âm thanh thân thương quen thuộc của một hồn nhạc phấn khởi, thánh thiện... nhạc Giáng Sinh.
Rồi hy vọng, rồi tình người, rồi chia sẽ, rồi hoa, rồi họa, rồi nhạc, rồi ánh đèn, rồi truyện kể, rồi quà tặng, rồi truyền thống... tưng bừng nở trong lòng người và trời giữa khung cảnh mùa đông lạnh giá, cây lá trơ trụi, có nơi ngập tràn tuyết trắng... Cảnh khô lạnh đó bỗng như có phép thần trở nên êm dụi, có tình và nên thơ hơn khi hồn Giáng Sinh đã nhập. Cộng đồng Công Giáo từ năm 1976 hàng năm vẫn tổ chức lễ Giáng sinh, ban đầu đối tượng là tín hữu nhưng thấy ngày càng đông đồng bào tham dự nên tự đó mặc nhiên lãnh trách nhiệm tổ chức lễ cho tất cả. Cũng như Tết Nguyên Đán, đêm giao thừa các ngôi chùa ở Seattle và vùng phụ cận tổ chức lễ trong chánh điện, nhưng ngoài sân chính giờ phút giao thừa một giây pháo dài, thật dài suốt chiều sân tưng bừng nổ đì đoàng ngang dọc, tiếp theo tràng pháo tay của tất cả đồng bào đông nghẹt trong sân không phân biệt tôn giáo. Cũng thế các hội đoàn ở đây lần lượt thay nhau tổ chức hội chợ tết. Các Cộng Đồng Phật Giáo, Công Giáo và các hội đoàn mặc nhiên tự nguyện tổ chức, nếu không sẽ cảm thấy thiếu xót với tất cả đồng bào. Cũng trong tinh thần ấy năm gần đây manh nha sự việc quý vị đồng hương Bình Định và những người mến mộ đại đế Quang Trung tổ chức giỗ trận Đống Đa mồng 5 tết... và biết đâu trong tương lai một số đoàn thể cùng đồng hương tổ chức lễ Hai Bà Trưng ngày phụ nữ Việt Nam, lễ đức thánh Trần đại anh hùng thánh tổ Hải Quân... Trong thập niên trước các cụ hàng năm tổ chức lễ giỗ tổ, nhưng thập niên này các cụ tuổi hạc càng cao khó lái xe, di chuyển hạn hẹp, các đoàn thể, đồng hương và giới trẻ nên tiếp tay các cụ hầu tiếp tục và làm triển nở truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng.
Trước năm 1975 mặc dù thời chinh chiến tại Việt Nam, nhiều nơi súng đạn tơi bời, dù ngưng chiến hay không, nhưng Giáng Sinh vẫn về nơi tiền đồn, lính dựng cổng chào, mưng vui lễ rồi ăn nhậu, nhậu thì giới hạn nhưng ăn thả dàn súng vẫn kè kè bên thân. Nơi hậu cứ cổng trại giăng đèn, kết hoa, ở quân trường đồng ca trong thánh lễ. Tại Sàigòn và các đô thị lớn thì người xe như nước, áo quần xe xua, các thánh đường Đức Bà, Tân Định, Chợ Quán, Cưu Thế, Ba Chuông v... v... đông nghẹt, tiếng thánh ca trầm bổng người người hân hoan, thánh đường huy hoàng. Những ngày cận Giáng Sinh thì hoa nở đầy quán cóc cùng hàng hàng kim tuyến lóng lánh đường Nguyễn Huệ, đồ chơi trẻ em và lịch tràn ngập đường Lê Lợi, muôn ngàn vì sao giấy đủ màu xa xuống công trường Hòa Bình nhà thờ Đức Bà và trập trùng dãy núi hang đá xuất hiện ở đường Kỳ Đồng nhà thờ Cứu Thế. Các quán nước, tiệm kem bánh ngọt như Mai Hương, Cái Chùa, Givral, Pôle Nord... không còn một chỗ trống. Rồi liên hoan của các trường từ lớn đến nhỏ từ trung đến đại học, rồi dạ vũ nhiều nơi. Mọi người từ thành thị đến thôn quê quên đi trong chốc lát nguy hiểm của súng đạn, nỗi buồn của chia ly để hưởng một niềm vui cho dù là nhỏ bé, để có một hy vọng cho dù là mong manh để có thể chịu đựng sức đè nặng của chiến tranh dai dẳng cả 1/3 thế kỷ. Dáng nét bên ngoài của Giáng Sinh nhạt mờ sau 1975, nhưng bây giờ lại nhẹ gót trở về hòn ngọc Viễn Đông thuở nào.

HAI
Giáng Sinh Là Chia Sẽ.
Tại Hội trường rộng lớn Sharples đường Graham tối đêm Giáng Sinh vừa qua có trên 3 ngàn đồng bào đến tham dự. Các hàng ghế kẹt cứng và số người đứng cũng đến 1/4 tổng thể ở các hành lang bên trong và bên ngoài. Có người cho rằng số đồng hương không Công Giáo cũng chiếm khoảng 40%. Nên chi Cộng Đồng Công Giáo để đáp lại phần nào tấm thịnh tình đó đã không dám quản ngại phí tổn cả ngàn để mượn 4 nhân viên an ninh công lực đến bảo vệ trật tự và an ninh, số tiền này lớn hơn chi phí thuê hội trường và trang trí. Đồng bào đến để nối vòng tay rộng chia sẽ niềm vui Giang Sinh trong thánh ca, trong lời chúc lúc gặp nhau, trong hiệp nhất là món quà tinh thần cao quý trao tặng lẫn nhau. Cũng như phái đoàn Liên Tôn cùng đến tham dự, nét son đoàn kết của cộng đồng. Những vị lão đến sau không còn ghế và ban tổ chức kêu gọi người trẻ nhường chỗ để chia sẽ và giữ truyền thống kính lão trong phong tục tốt đẹp của dân tộc. Cũng như một ca đoàn đông ca viên ở đây đã chia sẽ ca trưởng và ca viên cho một ca đoàn tân lập.
BA
Giáng Sinh Là Tình Người.
* Tình người được thể hiện qua những cánh thiệp dù bận rộn cuối năm cũng không quên bạn bè họ hàng, người quen, trái tim vào trong nét chữ gửi những thân thương. Xin cám ơn mùa Giáng Sinh để còn chút gì đề nhớ, để thương trong cuộc đời bị cuốn hút vào guồng máy vật chất để có những giây trở về con người thật của mình tạm rời xa con người máy móc, nhưng có khi cũng phải trả giá nào đó vì tình nào mà chẳng có hy sinh... Có một nữ sinh viên mua hơn chục tấm thiệp mà mất 2 ngày chọn lựa, ví muốn mỗi tấm thiệp ý nghĩa cho từng người cá biệt, gói ghém tâm tình người gửi. Có khi chọn được nét vẻ hay, nhưng lời lại không đẹp và ngược lại...
* Tại một bảng thông tin tức của một thánh đường Mỹ một tờ giấy nhỏ viết vài hàng: một cụ già V.N. không thân nhân bị ung thư nằm tại nhà thương, số phòng... Một thanh niên đọc thân gọi thêm mấy người bạn cùng tới thăm, cụ bị thuốc hành đúng lúc đến thăm cụ, cụ cởi xé quần áo và cứ quầy quầy xua đuổi chính anh bạn đã được cụ tại bảng thông báo, anh vui lòng ra khỏi phòng để bạn mình thăm hỏi. Lúc ra về anh kính cẩn chào cụ không lộ một nét buồn.
* Có một thiếu nữ Việt về quê hương, sau khi lao đao mới có được tấm vé giá phải chăng vì hãng du lịch tại một chợ lúc nói có vé, lúc nói phải đợi trong danh sách chờ. Rồi nào mua quà tặng, xin phép nghỉ... Chỉ trong 3 tuần thay mặt cha mẹ xây phần mộ cho ông bà, xin lễ cho tổ tiên, thăm tặng quà cho thân nhân, bè bạn... Sau khi làm xong nhiệm vụ được trao phó đã mệt mờ người, nhưng cố gắng cùng người bạn đi mua đồ và gói hàng trăm phần quà đến thăm viện dưỡng lão tận tay trao tặng các cụ ông, cụ bà. Đến thăm viện mồ côi cũng thế.
* Vào hội trường Sharples còn sớm nhưng đã thấy khá đông, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỗ tốt nhưng lại được bảo là đã có người tuy không thấy nón áo ngoài hay vật dụng chi. Đến chỗ khác cũng thế. Một anh bạn đi cùng định thắc mắc nhưng vội can anh. Giáng Sinh là tình mà bạn, quý vị này chỉ giữ chỗ cho thân nhân, thân hữu thôi... Như câu truyện vua nước Sở mất cung thì cũng người nước Sở được cung thôi.
* Tiếng kêu cứu của đồng bào ruột thịt từ trại Palawan, Philippines qua kháng thư của các vị lãnh đạo tinh thần như Thượng Tọa Thích Thông Đạt, qua thư của Linh Mục Nguyễn Trọng Tước dòng tên gửi lên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc vì cái chết thiếu phương tiện cấp cứu của thuyền nhân Trần Anh Dũng bị bệnh suyễn. Vì theo chủ trương cắt giảm thuốc men, thư từ, tiền bạc, giáo dục, tự do của Cao Ủy, mục đích gây một đời sống khó khăn để đồng bào tự nguyện hồi hương. Tình người cao cả của các vị lãnh đạo tinh thần đã lo lắng, cầu nguyện, làm hết sức mình và kêu cứu đồng bào hải ngoại tiếp tay khi số phận người ti nạn bị thanh lọc càng ngày càng bi thảm. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Nhiều điều phủ lấy giá gương, Người cùng một nước phải thương nhau cùng. Và còn biết bao bàn tay đáo, bước chân âm thầm thể hiện tình người trong màu Giáng Sinh này và trong suốt cả những năm trường vừa qua.
BỐN
Giáng Sinh Là Nhạc.
Từ ngàn xưa đến ngàn sau, qua văn chương và triết lý nhân loại đã đề cao sức mạnh vô song và truyền cảm vô biên của âm nhạc:
Người Việt Nam ai cũng biết những Truyện:
* Trương Chi Và Mỵ Nương

Ngày xưa có anh trương Chi



Người thì thật xấu, hát thì thật hay.
Chỉ là một anh lái đò xấu xí, nhưng tiếng hát hay của chàng đã là cho Mỵ Nương can quan Tể Tướng ốm tương tư gầy mòn, thuốc thang liên miên không hết.
* Truyện Hà Ô Lôi
Trong Lĩnh Nam trích quái có kể: Hà Ô Lôi đen như lọ nồi, da bóng như mỡ bôi, không biết chữ nhưng thông minh, khúc điệu ca ngâm hay tuyệt khiến các bà các cô ai cũng biết mặt, muốn nghe ca. Vua cũng yêu, đãi như khách. Có nàng quận chúa vốn giòng tôn thất, mỹ danh A Kim, 23 xuân xanh, nhan sắc tuyệt vời có một, không hai, góa chồng. Vua say mê như điếu đổ, nhưng cũng không được nàng. Thế mà Ô Lôi dân giã, đen như cột nhà cháy, xin làm tên cắt cỏ để ca hát cho quận chúa, nàng nghe mê mẩn tâm thần, tình riêng xúc động để ngày tháng sau đó sa vào trong vòng tay của Ô Lôi. Trong sữ truyện Trung Hoa cũng có những: Tiếng sáo Trương Lương làm tan vạn binh Hạng Võ. Tiếng đàn Bá Nha sáu con ngựa ăn cỏ cũng phải ngẩng đầu lên nghe... Đức Khổng Tử cũng đặt nhạc ngang bằng với Lễ trong thần thoại Hy Lạp, có thần Amphion là thi sĩ kiêm nhạc sĩ. Tiếng đàn Lyre của ông truyền cảm mãnh liệt mức các tảng đá đổ xô tới nghe, chen chúc chồng lên nhau trở nên thành lũy Thèbes. Xây thành không phải dùng nhân lực.
Theo linh mục nhạc gia nổi danh Ngô Duy Linh cho rằng: Am nhạc sức cảm hóa vạn năng, âm nhạc đã 40,000 tuổi (theo Chailley) mà cò rất trẻ. "Áo nghĩa thư" bộ đại triết của Ấn độ cho rằng âm thanh OM hay AUM là những âm thanh "hằng sống và dũng mãnh" tái tảo ra thế giới, và các thần minh được tái tạo bằng xướng ca. Giáo sư Jacques Chailley viết: "Đối với người cổ sơ âm nhạc không phải nghệ thuật mà là một quyền năng."
Từ trong sức mạnh của âm nhạc, nhạc Giáng Sinh đặc biệt đã chỉ nâng tâm hồn lên, cảm hóa hướng thượng sức hấp dẫn lành thánh. Thánh ca Giáng Sinh là nhạc trời, là tiếng hát thiên thần... không có nguồn nhạc nào phong phú và tuyệt vời như nhạc Giáng Sinh, nguồn nhạc quốc tế diệu mỹ đã tắm tinh cầu này trong những sóng nhạc bất tận, tạo nên một biển âm thanh thật phấn khởi, thật du dương, thật thánh thót chan hòa tình tinh tuyền. Bên lò sưởi tí tách than hồng, ngoài trời giá băng hay tuyết trắng, nhưng ánh đèn ngũ sắc nhấp nháy hay tỏ mờ trên mái nhà lối xóm, hay trên hàng cây trong vườn, bên chung "trà vương" tỏa hương thơm, hay bên ly nước táo hâm nóng nhấm nháp ít hạt dẻ nóng bùi, mà nghe nhạc Giáng Sinh thì không còn lạc thú giản nào hơn, tâm hồn cảm thấy lâng lâng mà quên hết ưu phiền truyện việc làm, truyện kinh tế xuống dốc, giá cả loe thang vân... vân...
Có bài thánh ca đơn giản mà tuyệt Mỹ đã đi vào tâm tình nhân loại. Từ người bình dân đến giới cao sang, từ người không biết nhạc đến những đại nhạc gia đều cùng mộ mến (giống như trường hợp truyện Kiều của Nguyễn Du Việt Nam) đó bài Silent Night nguyên bản gốc là Stille Nacht, Heilige Nacht. Bản thánh ca này nghe bao nhiêu thấy hay bấy nhiêu. Mỗi lần nghe đều khám phá thấy một niềm vui, một an bình, một ân tình, một êm đềm mới... lạ một điều nghe hoài không chán như một điệp khúc của lời tim. Đặc biệt các âm vô cùng đơn giản như bình ca, không cao quá, không thấp quá, lập lại có khi. Phải chăng đây là hồn trời, hồn đất, hồn người nhập vào bài ca. Hình ảnh của đỉnh cao chót vót, 4 mùa tuyết trắng. gãi vào lòng trời xanh thăm thẳm với bông nõn lững lờ êm trôi dưới nắng thủy tinh trong vắt, với ngàn thông xanh ngát một màu, với ngàn ngàn hoa núi trên đồi dưới lũng, với hồn người dân dưới chân rặng Alpes được ướp bằng những câu ca, tiếng hò truyền thống truyền từ đời nọ sang đời kia kết tinh mà thành. Có người cho rằng nơi phong cảnh kỳ tú, sơn thủy hữu tình mới sinh ra đại tác phẩm, giai nhân. Bài thánh ca này được khai sinh trong một trường hợp thật đơn giản và cũng do tình cờ của nhạc sử nếu không bài ca diệu kỳ này đã bi chôn vùi mất tích, người đời không còn biết đến.
Theo Linh Mục tiến sĩ Hồ Ngọc Thỉnh bên Đức cho biết lịch sử bài ca này như sau: Trong một họ đạo nhỏ thuộc một xứ đạo lớn, tại thôn thượng (Oberndorf) có vài trăm cư dân, một cha phó Joseph Mohr có tâm hồn nghệ sĩ được cử coi sóc. Lễ Giáng Sinh năm 1818 cây đàn Organ của nhà thờ bị hư, cha Mohr bỗng có một ý nghĩ "cách mạng" theo thời đó, sáng tác ít câu thơ bằng thứ tiếng Đức văn chương, ý như sau:
Đêm thinh lặng, đêm thánh thiện

Vạn vật ngủ yên, chỉ có một đôi vợ chồng

Dễ thương, thánh đúc đơn côi tỉnh thức

Một cậu bé tóc vàng thùy mị



Ngủ say trong yên lặng của Thiên quốc
Cha bèn đưa cho vị chơi đàn trong nhà thờ, cũng là thày giáo trong làng Franz Gruber phổ nhạc. Vì biết đàn Organ hư, ông giáo phổ nhạc bài thơ viết hòa âm cho guitar. Điệu valse nhẹ nhàng thanh thoát, ngọt ngào đã làm say mê giáo dân họ lẻ. Bà vợ ông giáo Gruber nói với chồng như lời một tiên tri: "Người đời sẽ mãi mãi hát bài này, ngay cả sau khi chúng ta đã thành người thiên cổ." Nhưng bài hát "cách mạng" này chơi với đàn guitar trong nhà thờ là sự việc chưa từng xảy ra vào thời đó, bị cha xứ già bảo thủ Noestler báo cáo về tòa giám mục về tính phóng khoáng: bài thánh ca chơi với nhạc cụ guitar của cha phó Mohr. Không biết Linh Mục nghệ sĩ có bị khiển trách không, nhưng ông giáo Gruber bị lột hết mọi chức tước. Tuy nhiên sau ông được phục hồi danh tiếng, giữ chức nhạc trưởng tại nhà thờ tỉnh Hallein và mất năm 1863. Còn Linh Mục thi sĩ sau trở thành cha sở xứ Wagrein, sống khó nghèo, mất năm 1848, không ngờ rằng tên mình còn được nhớ mãi với các thế hệ sau yêu nhạc Giáng Sinh.
Sau lần hát đầu tiên năm 1818, bài ca bị bỏ quên trong học tủ nhà "mặc áo" của thánh đường. Mải tới 7 năm sau, một người sửa đàn tên Mauracher tình cờ thấy được. Ông chép lại mang về miền Tirol (Áo) không dám tiết lộ xuất xứ sự bị hiểu lầm. Ông trao cho bốn anh em nhà Strasser làm bao tay đi bán khắp nơi, hát thiệt hay có tiếng để chiêu khách. Lúc đó bài ca được coi như bài ca bình dân miền núi do những người "Sơn Đông mãi võ" ca hát chiêu hàng. Năm 1832 (14 năm sau) bốn anh em nhà Strasser hát ở Leipzip (Đức) rất đông thính giả và say đó tại nhà nguyện của Hoàng Gia. Năm sau đó (1833) bài hát được in tại thành phố Dresden của Đức với tựa bài hát của bốn người Tirol, hòa âm Piano Forte (lúc ban đầu hòa âm cho guitar) tên 2 tác giả cũng chẳng ai biết đến. Năm 1843 (1/4 thế kỷ sau) mới được in trong tập "kho tàng âm nhạc của người Đức" với tựa đề "Một kiểu dân ca miền Tirol"
Năm 1854 (36 năm sau) Ban nhạc hoàng gia Berlin Đức muốn có 1 bản của bài ca, họ viết thư cho tu viện St Peter. Rất may lúc đó Felix Gruber, con trai út nhạc sĩ đang tu học. Cậu liền vội vã viết thư cho cha, tác giả rất mừng viết một bài và ghi rõ ràng: Thơ của Joseph Mohr, nhạc của Franz Gruber: Sau bài ca được phổ biến toàn nước Đức, và chuyển trên 40 ngôn ngữ trên thế giới.
Trong khi đó bài Đêm Đông, bài thách ca Giáng Sinh người việt hầu như ai cũng biết, thuở ban đầu sinh ra được may mắn hơn. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó 1945, 1946 toàn dân phấn khởi tưng bừng trước khí thế giành độc lập trong tay người Pháp. Lòng ái quốc sôi sục trong huyết quản của mọi công dân, nhất là thanh nam, thanh nữ lúc đó. Trước cao trào của toàn dân, các bộ môn nghệ thuật đua nhau phát triển thăng hoa. Nhưng nhất là nhạc bùng nổ từ thành thị tới thôn quê, luôn luôn có những bài ca mới, có những nhạc sĩ sáng tác mới về đạo cũng như đời, được tất cả nam, phụ, lão, ấu các giới sĩ, nông, công, thương hoang nghênh cổ võ. Các nhạc đoàn Công Giáo như Lê Bảo Tịnh với những nhạc sĩ Hùng Lâm, Tâm Bảo, Nguyễn Khắc Xuyên... nhạc đoàn Sao Mai... nhạc sĩ Hải Linh được tắm, đắm mình trong bầu khí nóng hổi đó. Nhất là vùng địa sử nơi tác giả đang sống, vùng châu thổ sông hồng, sông thái với những cánh đồng xanh nõn màu cốm mới, những ngọn núi đá vôi trập trùng xanh biết viền vòng chân trời, với những ruộng muốn trắng ngút ngàn ven biển, những cánh ruộng tân bồi phù sa mầu mỡ cò bay thẳng cánh, dân cư đông đúc làng trên, xóm dưới trù mật, bên những kiến trúc đường nét phong phú mỹ thuật V.N như chùa Cổ Lễ, nhà thờ Phát Diệm, với lòng mộ đạo của giáo dân Bùi Chu Nam định, Phát Diệm Ninh Bình. Tất cả những thứ trên đã nhập hồn vào Bài Đêm Đông của tác giả, bài ca Giáng Sinh phấn khởi như một khải hoàn ca, dồn dập như một khúc quân hành, hân hoan rạng rỡ của một đổi đời sự vùng lên của một dân tộc. Tại một chủng viện thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, miền Bắc, trong những ngày nghỉ người ta nghe thấy tiếng violin thánh thót kéo thử đi thử lại bài thánh ca vừa sáng tác, khi tiếng đàn ngưng thì tiếng thuốc lào ròn rã và làn khói lam nhạt nhẹ vươn bay qua cửa sổ mành buông phân nửa, trong căn phòng nhỏ đơn sơ, ảnh thánh giá trên tường, kê một chiếc giường con trải chiếu cói Phát Diệm, một chiếc bàn gỗ soan trên đầy bản nhạc chữa, xóa, một chiếc ghế mây đã cũ. Đó là nơi chào đời bản Thánh Ca Đêm Đông. Bản thánh ca này thật diễm phúc mới khai sinh đã được hàng trăm bàn tay các ca viên chủng sinh nâng niu và đồng thanh ca hát trong lễ Giáng Sinh gần kề, đã được toàn thể chủng sinh, bề trên chủng viện và Đức giám mục địa phận chiếu cố. Và đây có thể là một lý do để sau này Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi trao một món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa cho tác giả, một học bổng học nhạc tại ngoại quốc nhiều năm.
Mùa Giáng Sinh được nghe và xem những buổi đại hòa tấu Noel 1989 tại Berlin trên truyền hình do đại thân tài âm nhạc của thế giới Leonard Bernstein (nay đã ra người thiên cổ) điều khiển trong những Symphony bất hũ của Beethoven, nghe cảm thấy bàng hoàng trong cõi trần này lại có được những giây phút xuất thần, chìm hồn trong sóng nhạc diệu huyền tuyệt kỹ. Hay Christmas in Vienna với những danh ca của thế kỷ Plácido Domingo, Diana Ross và Jose Carreras. Như hai thái cực, song ca Domingo và Carreras giọng Tenor cường độ dũng mãnh như gió táp, mưa sa, như bão cát, sóng thần bên cạnh Diana Ross giọng lướt nhẹ như mây trôi, gió thở êm như nhung mà thoảng như hơi.Trong bài O Holy Night khi âm thanh cao vút như tít thinh không nghe mà sởn gai ốc, nổi da gà. Cũng như giọng Tenor vàng của Luciano Pavarotti bên cạnh một thiếu niên trong "boy choir" của nhà thờ chánh tòa ở Montreal, Canada trong bản Adeste Fedeles cũng ở hai thái cực một giọng mạnh như triều dâng sóng vỗ, một giọng nhẹ như sương khói tha; cũng giống như thân hình một Pavarotti như trâu đen bên một bé mảnh mai như chuột bạch. Không ngờ hai thái cực mà lại hòa điệu tuyệt vời đến thế trong âm nhạc và có biết bao những lần hát thánh ca, nhạc Giáng Sinh truyền thanh và truyền hình từ lễ Tạ Ân đến đại lễ Giáng Sinh.
Những lần trình diễn thánh ca Giáng Sinh tại các nhà thờ Tin Lành, Công Giáo như St Mark, Over Lake Redmond, St Jame, Blessed Sacrament... và còn biết bao nhà thờ khác nữa...
Đó là những điều kiện cần để vui hưởng tinh thần nhạc mùa Giáng Sinh, nhưng chưa phải là điều kiện đủ nếu không nghe các ca đoàn Việt Nam. Trước năm 1975 ở Sàigòn mùa Giáng Sinh ai ai cũng muốn được thưởng thức các ca đoàn nổi tiếng như Hồn Nước, Trùng Dương, An Phong. Nhất là ca đoàn An Phong Cháu Cứu Thế với cả trên 140 ca viên rất trẻ, điêu luyện, giọng rất hay, chơi nhạc trẻ. Một lần ca đoàn An Phong lực lượng hùng hậu trình diễn tại nhà nguyện Regina Pacis, người viết được nghe nữ sĩ Sơn Ca thốt lên khiếp đảm: "Trời ơi! Họ như thế ai mà dám hát nữa!" Ca đoàn này được so sánh với ban hợp ca thánh giá gỗ (Croix de bois) nổi danh thế giới đến Sàigòn trình tấu.
Cũng như năm nay trên 300 ca viên của ca đoàn tổng hợp Cộng Đồng Công Giáo đã làm nhiều người ngạc nhiên thán phục. Đó là các ca viên của 6 ca đoàn trong cộng đồng, tiếc rằng ca đoàn ở Olympia không lên dự được, năm rồi thì bị lạc đường. Năm 1976 năm khai sinh ra Cộng Đồng Công Giáo V.N Tổng Giáo Phận Seattle, cũng là năm khai sinh ra ca đoàn Cecilia. "Cái thuở ban đầu thưa thớt ấy!" có đến 7 ca viên trong đó có 2 ca viên không Công Giáo đến yểm trợ. Năm đầu thành lập, đêm Giáng Sinh khi hát gọi thêm mấy người nữa trong đó có 2 em nhỏ đứng vô cho vui cửa nhà! 17 năm qua, "làm sao dám mơ rằng có" ca đoàn tổng hợp của cộng đồng có trên 300 ca viên! ca đoàn tăng với cấp số nhân lũy thừa mười mấy!
Một vị thánh tiến sĩ hội thánh có nói: "Hát là cầu nguyện hai lần" Đây trên 300 con tim kêu mời trên 3,000 đồng hương hiệp thông nguyện cầu trong một đêm đông thánh. Đêm Giáng Sinh tại hội trường Sharples đường Graham thành phố Seattle.
Đúng 7 giờ 40 bắt đầu đêm cầu nguyện bằng thánh ca. Toàn thể hội trường dưới nhà, trên lầu không một chỗ trống. Đồng bào tiếp tục đến, đứng chật hành lang bên ngoài va các lối đi hai bên ở dưới nhà và trên lầu. Linh mục quản nhiệm Trần Đức Phương mở đầu bằng lời chào mừng quý vị trong phái đoàn Liên Tôn, các quý vị đồng hương không Công Giáo, quý vị tín hữu và chúc toàn thể quý vị một mùa Giáng Sinh an bình hy vọng một tân niên thành công thăng tiến. Và xin toàn thể qúy vị cùng hiệp thông với trên 300 ca viên của 6 ca đoàn cầu nguyện bằng thách ca cho quê hương thân yêu, cho đồng bào trại tị nạn, cho đồng hương hải ngoại khắp nẻo đường thế giới.
Hàng hàng lớp lớp các ca viên đúng đầy ở chính diện và một số đông phải đúng ở hai bên cánh. Ca đoàn nào cũng mặc đồng phục: quần đen, áo trắng hay toàn trắng, hay áo gấm xanh quần trắng, hay áo trắng khăn đỏ... đẹp như đồng phục nữ sinh Trương Vương, gia long ngày nào, đẹp như đội nữ quân nhân ngày duyệt binh... Trong khoảng 2 giờ đồng hồ các ca đoàn Cecilia, Trinh Vương Evarett, Thánh Gia Tacoma, Cung chiều, Thánh Tâm Federal Way, Thiếu Nhi Thánh Thể lần lượt dẫn nẻo nhạc thánh vào lịchsử ơn cứu độ từ mong đợi đến vui mừng hồng ân Ngày Chúa đến, trên 300 hồn thành tâm cầu nguyện từ giòng tim phát thành lời ca tình dâng sốt sắng. Lời dẫn nhập vào mỗi thánh ca phát âm lưu loát như nước chảy xuôi giòng, ý nghĩa cao siêu như ngôn từ thiên sứ. Và những lời ca cao vút tới mây trời, trầm như sóng ngầm đáy biển, lúc nhỏ như hơi gió thoảng ngoài song, lúc mạnh như sóng thần va vách đá. Các ca trưởng thì "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười" người thì bay bướm điêu luyện, người thì tự tin vững vàng; kẻ thì đơn sơ dễ thương, kẻ thì đại khái vui vẻ, vị thì trầm mặc giữ gìn, vị thì dễ dàng thanh thoát...
Cả 6 ca đoàn lần lượt thay phiên nhau lên hát thánh ca trong tâm thức nguyện cầu như Linh Mục Quản Nhiệm đã nhấn mạnh, mỗi ca đoàn hát 2 bản. Không ai bảo ai mà tất cả các ca viên trong 6 ca đoàn ai cũng cố gắng tối đa với "màu cờ sắc áo" và đặc nét của mình để hát sao cho rất hay, cho kỹ thuật điêu luyện, nhất là giọng man thật vững vàng, lời "dẫn nẻo vào bài thánh ca" rất rõ ràng, rất lưu loát, rất văn chương. Tất cả các ca viên Nam cũng như nữ, cố tạo nên cho ca đoàn mình hát có cường độ rất mạnh... Ca đoàn Cecilia kết thúc phần thánh ca cầu nguyện một bài nhạc Giáng Sinh trẻ, lời Anh Ngữ đã thay đổi không khí lớp thính giả rất trẻ 6,7 tuổi phấn khích nhún nhẩy theo điệu nhạc.
Nhạc đệm rất hay từ Organ, Piano điện, Guitar, Violin, Saxophone... Nhất là "tay nghề" già dặn nghệ thuật, kỹ thuật điêu luyện, đêm êm và hòa hợp tuyệt vời. Một điểm son thật rõ nét là ít có khi nào tiếng đàn đệm át tiếng hót. Một bông hồng cho quí vị chơi nhạc ngày Giáng Sinh 1993 của Cộng Đồng vừa qua vì nhiều khi các ban nhạc dễ mắc phải tiếng đàn lớn hơn tiếng hát.
Phần cầu nguyện bằng thánh ca với các bản Trời Cao, Mong Chờ Giêsu, Hồng Ân Thiên Chúa...
Các ca đoàn quốc tế khi hát thánh ca cũng có những bản Ave Maria của Schubert, Amazing Grace, hay phần kết của trường ca Đời Chúa Cứu Thế của Messiah của Handel ngợi ca Chúa sống lại. Nhưng với đại chúng VN hình như vẫn còn cho rằng thánh ca Giáng Sinh (ngay cả một số sách nhạc Công Giáo cũng xếp loại như thế) chỉ là những bài nói đến Chúa Giáng Sinh như: Đêm Đông (Hang Be Lem), Cao Cung Lên, Quê Hương Thượng Đế, Trời Hân Hoan, Đêm Nay Thiên Chúa, Tiếng Chuông Sinh Nhật, Cùng Đi Be Lem, Đây Tin Mừng, Hôm Nay Toàn Dân. Tiếng Hát Thiên Thần, Hội Nhạc Thiên Quốc, Mùa Đông Năm Ấy, Hôm Nay Chúa Cứu Thế, Đêm Bình An, Be Lem Ơi, Khúc Hoan Ca, Chúa Bởi Trời, Màn Đêm Lung Linh, Đêm Ánh Sáng, Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời, Đêm Thánh Vô Cùng, Dâng Chúa Hài Nhi, Kìa Trời Bừng Vui, Đêm Nay Tầng Xanh, Loài Người Ơi! Xin Tình Yêu Giáng Sinh...
Nên chi người viết nghe một vị thốt ra: "Ồ! chưa hát thánh ca Giáng Sinh! "Mặc dù lúc đó 6 ca đoàn đã hát 10/12 bài thánh ca của phần cầu nguyện bằng thánh ca. Tuy chỉ có khả năng "Dựa ghế mà nghe "nếu có được hỏi dùng thánh ca cầu nguyện cũng cần có sự hiệp thông tối đa của đại chúng, cũng tạm rút ra một vài hệ luận:
* Sách có nói "Không biết thì không yêu" (vô tri bất mộ) nên đại chúng chỉ có thể yêu, chỉ có thể nâng tâm hồn lên với những bại đã biết sơ, dễ hiểu, nên nếu có thể được và đẹp ý các ca đoàn thì xin xem kẽ một số bài đã được đại chúng quen thuộc. Từ từ sẽ giới thiệu ít bài mới lạ, có mới có cũ. Những bài cũ nhưng hay, tập luyện công phu, dễ đánh động tâm hồn lắm. Có những vị chia sẻ, họ đã chuyển hướng 180 độ của cuộc đời qua thánh ca. Ngay cả đại chúng Mỹ trình độ thẩm âm khá cao mà phần đầu, phần giữa của trường ca Đời Chúa Cứu Thế Messiah của

Handel họ cũng "khó nuốt".


* Nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật (nghệ thuật vị nghệ thuật) hay nghệ thuật vì con người (nghệ thuật vị nhân sinh). Nếu có thể được và đẹp ý quí ca đoàn hướng dẫn thính giả từ từ, được nghe từ bài dễ đến khó, hay xen kẽ dễ, khó. Nhà đại học, Vật lý gia của thế kỷ, Einstein nổi tiếng về nguyên tử hạnh nhân cũng là người rất yêu âm nhạc. Đã lớn tuổi ông còn học vĩ cầm thường hay chơi sai nhịp, thầy nhạc của ông một hôm thấy ông sai nhịp hoài đã nói: "Lạ quá! Ông là một nhà bác học mà không biết đếm hay sao? Sao sai nhịp hoài!"
Một hôm ông là một thượng khách của một buổi hòa tấu tại một biệt thự lộng lẫy, nữ chủ nhân là một mệnh phụ danh tiếng và giàu có. Nhà bác học thấy một thanh niên trí thức nghe hòa tấu mà cứ ngáp dài. Ông "khêu" người thanh niên va hai người vào trong một gian phòng nhỏ của chủ nhân đóng kín cửa lại, ổng chia sẻ vời thanh niên ông cũng phải vất vả mới hiểu và chơi nhạc được và muốn thưởng thức nhạc cũng nên đi từ dễ đến khó như trong toán học. Ông dùng vĩ cầm sẳc có trong phòng chơi ít "notes" nhạc và giải nghĩa dễ hiểu hay căn bản. Suốt cả giờ dài đồng hồ ông kiêu nhẫn. vui vẻ hướng dẫn. Đến khi trở lại thính phòng ông thấy người thanh niên chăm chú nghe, ông mĩm cười. Nữ chủ nhân thấy biến mất vị thượng khách hiếm quí sai gia nhân tìm kiếm, sau hỏi ông mới ra sự thể, phiền người thanh niên và trách ông sao làm thế? Vì biết ông rất thích nghe hòa tấu, lại bỏ cơ hội lâu lâu mới có! Và bà đã kỳ công mời cho được nhạc trưởng tài ba. Nhưng nhà bác học cười xòa trả lời, sự hy sinh nhỏ của ông đã giúp cho một thanh niên biết thưởng thức và từ đây yêu nhạc là một phần thưởng quý của ông trong buổi nhạc hòa tấu này.
Nếu muốn đại chúng hiệp thông với các đoàn như thế chắc hẳn là nghệ thuật vị nhân sinh rồi. Linh Mục Trần Công Nghị có viết: "Vì vậy mà khi bài thánh ca trở nên quá "cầu kì", quá "trang điểm", quá "nồng thắm" quá "riêng tư"... bài ca đó dù hay đến đâu cũng đánh mất cái ý nghĩa quan trọng của bài ca phụng vụ là không đưa tới việc cầu nguyện mà lại dẫn người nghe vào việc đắm mình trong cung điện mà thôi. "Nếu thánh ca mà chỉ có mục đích "nghệ thuật vị nghệ thuật" thì chắc sẽ dẫn đến chỗ: Người ta co thể khen việc trình diễn hay và hát giỏi, nhưng tâm tình giúp việc cầu nguyện có tạo được nơi cộng đoàn cầu nguyện hay không thì đó mới là yếu tố chính định giá ca nhạc phụng vụ. "(Linh Mục Trần Công Nghị).
Từ đó có thể đi đến một nhận định
- Nếu vừa đáp ứng cao về nghệ thuật lại vừa đáp ứng cao về nhân sinh thì là nhất rồi, lý tưởng lắm rồi.
- Bằng không nghệ thuật vị nhân sinh phải được luôn ưu tiên hơn.
- Ta có thể dùng một công thức toán học để biểu diễn tương quan và thể ưu tiên.
- Nghệ thuật vị nhân sinh. Nghệ thuật vị nghệ thuật.
- Thánh ca trong cương vị "nghệ thuật vị nhân sinh" nên hẳn nhiên là chú trọng tới đối tượng của mình. Trình độ thẩm âm của thính giả hay của tín hữu nghe thánh ca để cầu nguyện đúng là một vấn đề.
Truyện được nghe khó tin nhưng có thật đã xảy ra vào những năm 1952 hay 1953 gì đó. Lúc bấy giờ ở thành phố Nam Định (Bắc VN) có 2 nhà thờ, 1 nhà thờ lớn do các cha Triền không phải là dòng coi sóc ở phố Paul Bert, tín hữu đi lễ đa số là công chức giáo viên, thương gia, một nhà thờ gọi là nhà thờ Khoái Đồng kề ngoại ô, gần hồ "Laquette" và trường Saint Thomas. Nhà thờ này kiến trúc đường nét Tây Ban Nha rất mỹ thuật (cũng như nhà thờ St James ở Seattle) nhưng nhỏ hơn do các cha dòng áo trắng Đa Minh coi sóc. Gần trường Saint Thomas có Giáo Hoáng chủng viện của các đại chủng sinh tu học. Cha Chung (tên Việt Nam) dòng Đa Minh, gốc Tây Ban Nha cao lớn, râu quai nón dài, biệt tài về nhạc. Có những lần mừng thượng khách, Cha Chung điều khiển ca đòan cả gần 50 ca viên đại chủng sinh hát bài Tiếng Thu, thơ của Lưu Trọng Lư, không biết nhạc sĩ nào phổ nhạc. Bài hát ca hay đến nỗi hơi hát nhẹ êm và có hồn như thật, diễn tả "gót" gió thu nhẹ lượt bước đi xào xạc trên lá vàng khô. Quý khách vỗ tay tán thưởng cả mấy phút chưa ngưng. Những ngày lễ lớn cha và ca đoàn đại chủng sinh hát lễ và hát chầu cho nhà thờ Khoái Đồng. Hầu hết các tín hữu là giáo dân từ quê vì hoàn cảnh chiến tranh tản cư lên ở ngoại ô và các dân lao động ven đô. Lần nào dưới sự điều khiển của cha, ca đoàn hát công phu, 4, 5 bè hòa âm điệu luyện và v.v...
Đến tháng hè, một lần Cha Chung dẫn đa số các đại chủng sinh du ngoạn miền nào đó. Thánh lễ lần này chỉ còn thầy đại chủng sinh kéo theo vài giáo dân biết chút đỉnh hát, đàn cũng vậy chỉ có bè duy nhất, không hòa âm chi hết. Mấy thá lo lắng sợ lo bị giáo dân chê thì xấu hổ chết đi được, đã tính từ chối như cha sở cứ hát. Khi xong lễ mấy bà xồn xồn, mấy ông trung niên kéo đến làm mấy thầy giật mình đến thót một cái, rồi tiếng nói lao xoa:
- Hôm nay ca đoàn hát hay ơi là hay!
- Này có nói thiệt không mấy bà? Hay bóng gió?
- Thưa thật mà, nói dối tội trọng, hát nghe rành mạch, rõ ràng hay như thiên thần, nghe lọt "Lỗ nhĩ" quá!
- Thế những lần trước thì sao?
- Nói thật thầy đừng nói với cố kẻo Ngài quở! nghe thì nghe! mà sao lung tung xà bần! rối rấm quá! hay hát kiểu "Tây Bán Nhà" của cha "Râu Xồm"! Ấy chết lỡ miệng thầy cho nói lại... Mấy thầy cứ là "há hốc" mồm chả còn "ngôn" gì được cả!
* Để tạo mức hiệp thông hơn, đại chúng đỡ thụ động và cùng với ca đoàn chú dộng trong việc hát thánh ca cầu nguyện. Tại nhà thờ Công Giáo Blessed Sacrament ở University District, Seattle ngày Hát thánh ca do ban hợp ca dưới sự điều khiển của Tiến Sĩ âm nhạc William Clarke. Sau phần trình diễn "nguyên con" trường ca Messiah, đến phần hát thánh ca Giáng Sinh thì:
+ O Little town of Bethlehem
+ O Come All Ye Faithful clear
Ca Đoàn và đại chúng cùng hát.
+ Joseph dearest, Joseph mine Ca đoàn
Những bài hát đại chúng cùng hát có in và phát ra.
+ Joy to the world
+ Lo How Rose
Ca đoàn và đại chúng cùng hát.
+ Lullaby (Mozart) - ca đoàn v.v...
Không biết cộng đồng Công Giáo năm tới có thể thử áp dụng lần đầu chọn hai bài thật phổ thông hay nhiều hơn nếu có thể như Hang Be Lem. Đêm thánh Vô Cùng. Và in Phát cho đại chúng rồi từ từ tăng lên để tâm hồn đại chúng cùng hòa hợp với ca đàn cộng đồng và cầu nguyện sốt sắng hơn!
Đến phần thánh lễ đâu là lúc hồn thánh nhập sự vào ca đoàn tổng hợp, hát tự nhiên, như thở, như đi, như phản xạ tự nhiên, không dụng công mà đạt như mây bay, gió thổi. Những bài thánh ca như Hang Bê Lem, Cao Cung Lên... đã quá quen, đã tập kỹ, hòa âm đủ hát thiệt hay nhưng chưa phải là nhất. Ca đoàn tổng hợp hát bài "Giấc mơ chưa tròn" có hồn nhất. Một điều thích thú và ngạc nhiên vài nguyên nhân chăng?
* Yếu Tố Nội Tại Như Cha Quản Nhiệm nhận xét, bài này các ca viên rất thuộc nên theo dõi hoàn toàn được ca trưởng. Và các ca đoàn cũng tập rất nhuần nhuyễn bài này. Biết đâu cũng có thể các ca viên tự động trở về nguồn dân tộc trong vô thức, hồn nhạc Việt Ngữ công đã nhập vào tâm với tình ca và giọng hát, giọng láy...
* Yếu Tố Ngoại Vi Bài ca được hát vào khoảng giữa như câu cách ngôn: "Nằm giữa chẳng mất phần (mềm)" khi trên 300 ca viên đã quen giọng nhau, đã có trớn sẳn, vẫn còn sung sức. Cũng như các ca viên đã quen ăn ý với ca trưởng trẻ đơn sơ dễ dàng. Và các đàn đệm đã rút kinh nghiệm hòa hài dù nhạc cụ Tây phương mà ăn khớp vô cùng.
Linh mục khách lê Văn Quảng sững sờ trước số ca viên đông đảo đúng hàng hàng lớp lớp hình chữ U ngược, cho rằng đông hơn giáo dân nơi cha truyền giáo ngày lễ lớn tại Đài Loan
Trên 3,000 đồng hương được "uống no nê" nhạc thánh suốt buổi lễ và lời chúc Giáng Sinh và tân niên của ông chủ tịch ủy ban thường vụ Phạm Quí Hậu.
Nhạc Giáng Sinh trong môi trường này là chất xúc tác để ca đoàn tổng hợp tình kính dâng lên Chúa hài đồng cùng với tín hữu và là món quà đẹp tinh thần và ý nghĩa tặng quý đồng hương tham dự.

NĂM
Giáng Sinh Là Hoa, Lá Lụa, Là Thơ
Nhạc Giáng Sinh phong phú bao nhiêu thì thiệp Giáng sinh phong phú bấy nhiêu. Đến nỗi nhận được 200 thiệp mà không thiệp nào giống nhau. Trong khi ngoài trời vùng Bắc bán cầu cây cối trơ trụi, cảnh vật màu chìm xỉn, chẳng tìm thấy ở góc núi, chân đồi, khoảng vườn nào hoa sắc vàng, đỏ, tím, nâu, xanh mơn mởn nữa. Nhưng luật bù trừ có vạn muôn ngàn hoa thiệp ngàn lẻ một màu sắc, ngàn lẽ một kiểu vẻ, ngàn lẽ một cách trang trí, của vạn ngàn lẽ một họa sĩ bay, chạy muôn phương, vạn hướng sa vào thùng thơ trong đó muôn vạn hoa lòng qua nét chữ gởi những lời chúc đẹp cho nhau. Muôn vạn hoa thiệp đó trở thành muôn bướm đẹp đậu đâu đó khắp các tư gia đem một màu sắc sinh động tô điểm cho màu Giáng Sinh. Ngoài trời không có hoa, nhưng trong nhà vẫn có hoa nhất là hoa trạng nguyên môi má lúc nào cũng đỏ chói lói tràn ngập các chợ, huy hoàng một góc thánh đường, nổi bật tại tư gia.
Rồi hoa vần nở trên những bài thơ, trong báo chí. Hồn nhân bản mời gọi cấu tứ thiết tha. Tình Giêsu nhuộm hồng chữ nghĩa... Nên chi có tác giả đã có dư trăm bài thơ suy tụng.
SÁU
Giáng sinh Là Ánh Sáng
Đường viền hai ngọn tháp sắc nét cao vút lưng trời bằng muôn ngàn viên ngọc trân châu sáng láng nổi bật huy hoàng trên nền trời đêm đen tuyền, dưới chân là một biển người hàng hàng lớp lớp tràn ngập mọi nẻo đường ngang dọc của thành phố, cùng vạn muôn làn sóng ánh sáng chồm lên di động không ngừng hết lớp này sang giờ khác, như những dòng sông ánh sáng chảy như lao giữa biển đem đen. Chắc quí vị đã biết đó là đâu?
Thưa là Sàigòn Giáng sinh 1993 qua video tape. Nhà thờ Đức Bà Sàigòn chắc phải giăng tới 70 ngàn báng đèn loại trung cho Giáng Sinh này.
Cũng như rất nhiều đô thị, miền quê của Âu, Mỹ, Á, Úc, Phi mùa lên ngôi của "ánh sáng". Tại Seattle có tư gia cho biết trên bảng điện quang là chăng 35 ngàn bóng lớn nhở. Có nhiều nhà còn nhiều hơn thế nữa. Nhiều khu gia cư là một biển sáng ngũ sắc hàng 100 nhà thi nhau giăng đèn, trang trí đủ màu, đủ kiểu cả một khu hàng 100 mẫu. Rồi những con thuyền chạy trong vịnh, trong hồ tạo nên hoa đăng bập bềnh trên sóng nước... lái xe nửa khuya, sương mù phủ mênh mông một vùng mà thấy những đốm đèn cho dù thưa thớt, cũng thấy một niềm vui được thắp sáng, một nụ hôn vừa thanh bình. Xin cảm ơn chủ nhân ngọn đèn, xin cảm ơn tinh thần Giáng Sinh. Một số nước như VN, Phi Luật Tân... mỗi mùa Giáng Sinh đến có truyền thống treo nhiều đèn ngôi sao để nhớ thuở ba nhà đạo học Đông phương quen gọi là ba vua đến chầu Chúa Cứu Thế mới sanh. Sàigòn trước 1975 các thánh đường treo nhiều đèn ngôi sao lớn nhỏ nhất là bên ngoài và dọc theo. Tháp nhà thờ Đức Bà Sàigòn có năm treo trên trăm đèn ngôi sao lớn nhỏ. Và "kỹ nghệ" làm đèn ngôi sao rất phát triển, đèn sao đẹp phải kể xóm đạo sát bên nhà thờ Chợ Quán như một thủ công nghệ, họ đã chuẩn bị hàng năm vót các nan tre gác sẳn lên trần, gần mùa Giáng Sinh lấy xuống làm khung đèn, dán giấy múa mỏng mịn đủ mùa sắc, giấy kim tuyến óng ánh ngũ sắc. Có làm những đèn ngôi sao mẹ, đèn chính ở giữa rất lớn có khi tới hai thước, bao chung quanh những đèn ngôi sao con đủ màu rất đẹp và giá cũng khá cao, phần nhiều làm đèn sao có múi nổi cầu công hơn là đèn ngôi sao bằng như miền Bắc thường làm. Rồi mỗi khi Giáng Sinh về, những vì sao đèn lớn nhỏ lại sa xuồng trước hang đá máng cỏ của Chúa Hài Đồng hay trước hiên nhà các tín hữu nên người ta gọi Giáng Sinh là mùa sao đèn, mùa ánh sáng...
Ngược dòng thời gian đi tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của những ngọn đèn, của mùa ánh sáng trong đêm đen mùa đông. Theo các nhà nghiên cứu cũng như vừa đây 1993 tác giả Linh Mục Nguyễn Xuân Huyên có biết lý do Giáo Hội chọn đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 mừng lễ Giáng Sinh không phải là lý do lịch sử Chúa Cứu Thế sinh đúng ngày đó, mà là lý do thần học Giáo Hội ban đầu các tông đồ và tín hữu sau này kính mừng lễ phục sinh rất trọng thể vì mầu nhiệm sống lại tối quan trọng không để ý mừng ngày Chúa Sinh nên sách viết đích xác ngày chúa sinh ra. Người dân La Mã và dân trong đế quốc thuở đó thờ thần ánh sáng (Mithra) họ tôn kính mặt trời. Căn cứ vào hiện tượng thiên nhiên ở Bắc bán cầu bắt đầu từ ngày thu phân ngày càng ngắn, đêm càng dài, VN cũng có câu tục ngữ:
"Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng. Ngày tháng mười chưa cười đã tối"
Cho đến đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 ngày càng ngáy càng dài ra và đêm càng ngắn đi. Ngày hay mặt trời lấy lại ưu thế. Nên người dân La Mã lúc đó mừng lễ sinh nhật "thần mặt trời bách thắng" (Natalis Solis Invicti) của họ.
Đến năm 311, Hoàng Đế Constantin nhập thiên Chúa Giáo vẫn tôn quí ngáy 25 tháng 12 cùng với dân và quốc của ông. Phái Giáo Hội thì suy tôn Chúa Cứu Thế là "mặt trời công chích" thay cho "lễ sinh nhật của mặt trời bách thắng". Và từ đó đêm 24 sang 25 tháng 12 là đêm ánh sáng lên ngôi và muôn ngọn đèn xuất hiện.
Những ánh đèn này đã làm thi vị cho đêm mùa đông nhất là những vùng lạnh lẽo tuy tuyết băng, đã làm ấm lòng người lữ khách lái xe qua, để Đông Tây gặp nhau trong câu nói Đức Khổng Tử: "Thà thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối."
BẢY
Giáng Sinh Là Quà Tặng
Trong đêm thánh ca vị phó tế Nguyễn Thế Hưng trong lời chia sẻ co nói: "... Chúa Hài Đồng là món quà tuyệt vời của chúng ta. Ngược lại mỗi và mọi người cũng là món quà tuyệt vời cho Chúa và cho nhau..."
Thật vậy, truyện cổ kể rằng một người cha để cho vợ con tất cả đi thánh lễ Chúa Giáng Sinh, Chúa nhập thể chỉ là một huyền thoại hay là một sự kiện không cần thiết đối với ông!
Ngả người trên ghế bành, bên cạnh lò sưởi tí tách. Ông đọc báo. Những tiếng đập mạnh vào cửa kiếng, lúc đầu ông tưởng là gió lay cành chạm cửa, nhưng càng lúc càng nhiều, ông ra xem thấy bầy chim trốn tuyết thấy có ánh sánh thì lao vào cửa kiếng. Tội nghiệp cho bầy chim, ngại ngùng nhưng sau ông đứng dậy lấy áo ngự hàn, lóp ngóp ra sân mở cửa bật đèn nhà kho để cho bầy chim bay vào, nhưng hoài công bầy chim cứ tiếp tục vào cửa kiếng mặc tiếng la, tay chỉ của ông. Ước gì bầy chim hiểu ông, tin ông nhưng khó lòng. Mặc kệ vậy, chán vì uổng công trở lại ghế bành nhưng không cỏn hứng đọc tiếp, ông ngồi thừ, "Eraka" thấy rồi!một tia sáng lóe trong "chất xám" của ông mỉm cười...
Vợ con trở về ông ra đón và vui vẻ loan báo: Giáng Sinh năm tới ông cùng toàn thể gia đình dự thánh lễ đêm. Vì ông đã hiểu phần nào mầu nhiệm nhập thể, Chúa phải xuống thế làm người để nhân loại có thể tin vào Ngài và theo sự hướng dẫn của Ngài.
Tinh thần của mùa Giáng Sinh là tinh thần trao tặng cho nhau với tất cả chân tinh. Một nụ cười một cảm thông, một cử chỉ ngay cả một mòn quà đon sơ, một hành động tế nhị biểu lộ tình yêu thương cho nhau để thắp sáng tin yêu trong tim mình và tha nhân và biết trái đất thành tinh cầu yêu thương nữa.
TÁM
Giáng Sinh Là Truyện Kể.
Trong kho tàng văn hóa VN có các kinh truyện mà ai cũng biết như Kinh Phù Đổng, Kinh Trầu Cau, Kinh Mỵ Châu, Kinh An Tiêm (truyện quả dưa đỏ), Kinh Tiết Liêu (truyện bánh chưng, bánh dầy)... Đó là những sứ điệp văn hóa của tổ tiên truyền cho con cháu từ thời dựng nước và sau này để lại cho con cháu để truyền từ đòi nọ sang đời kia cho dẽ nhớ, dễ thuộc vì kẻ thù phương Bắc "chuyên trị" đốt sách và chỉ muốn đồng hóa dân ta.
Hồn của Giáng sinh cũng rất phong phú về truyện kể đầy ý nghĩa không biết là bao nhiêu như Christmas Carols của Charles Dicken, Chúa Đến của Leon Tostoi, 3 Lễ Nửa Đêm của Alphonse Daudet và ngàn ngàn truyện khác của tác giả hữu danh và vô danh. Sợ mất thì giờ của quí độc giả và trang báo giới hạn chỉ xin tóm gọn một truyện "Chúa Đến":
Có một ông lão thợ giầy vợ thì chết, con sang làm ăn ở Mỹ Châu, sống nghèo nhưng mộ đạo. Gần lễ Giáng Sinh ông cầu nguyện mong Chúa đến hay một dấu chỉ nào Chúa ghé mắt đến ông. Một đêm ông mơ Chúa nói: "mai ta đến thăm", sáng dậy dọn nhà, quét tước chuẩn bị ít đồ đãi khách. Từ sáng đến trưa chẳng thấy gì, có một ông lão cào tuyết cóng lạnh bên ngoài, ông mời lão ghé hút điếu thuốc, uống ly trà nóng. Xế trưa thấy một quả phụ, chồng chết trận, ôm con đi nhà thương về. Tội nghệp, ông mời hai mẹ con vào sưởi đỡ lạnh đã cho cháu ít sữa tươi, mời người mẹ miếng bánh. Rồi chiều đi, tối lại đang đinh đóng cửa vì hôm nay Chúa bận không đến hẹn được! Bổng thấy một bé đánh giầy rách rưới hốt hoảng chạy ào vào, rồi một thiếu phụ la hét đuổi theo, té ra thằng bé đói quá ăn cắp trái táo. Còn đồng lẻ ông bồi thường cho bà bán hàng và cho thằng bé miếng bánh còn dư. Đóng cửa lại, ông ăn tối, hút điếu thuốc sắp sửa lên giường cánh cửa sổ gió mạnh làm bật mở, gió ùa lật trang mở có ghi:
Vì ta đói các người cho ta ăn, ta khát các người cho ta uống, ta là khách lạ có người tiếp rước ta, ta đau các người thăm ta, ta bị tù các người, công chính sẽ thưa: Lại Chúa khi nào chúng tôi thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc. Chúa sẽ trả lời: "Quả thật ta bảo các người, ai làm việc đó cho một trong các anh em hèn mọn nầy của ta, ấy là làm cho chính ta vậy. "(Matthêu 25,35-40). Ông thợ mỉm cười,hiểu rồi hôm nay Chúa không phải đến một lần mà nhiều lần.
CHÍN
Giáng Sinh Kéo Dài
Hồn Giáng sinh thật mênh mông làm sao kể hết vả lại ai chẳng biết. Vì Giáng sinh không phải thỉ là định nghĩa của các nhà thương mại từ lễ Tạ Ân cho đến ngày 6 tháng 1 Dương lịch để dẹp hòng cũ, quảng cáo hàng mùa xuân mùa hè. Hay của những người tục hóa lễ Giáng Sinh đễ hưởng thụ và ăn chơi cần chấm dứt tiết mục để sang tiết mục khác, đổi không khí... Tinh thần đích thực của Giáng Sinh là kéo dài vì bao lâu còn tình người, còn thân thương, còn hy vọng, còn trao tặng, còn chia sẻ... là còn tinh thần Giáng Sinh của 365 ngày trong năm nếu có nhạt mờ sẽ được hâm nóng, tô đậm lại ngày Giáng sinh sắp tới. Cũng thế, hồn tết của người Việt là làm mới toàn bộ, canh tân toàn diện bề trong lẫn bề ngoài: Năm mới, người mới, tinh thần mới, quần áo mới, dọn dẹp mới, trang trí... cũng là ngày mẫu nhật, phụ nhật, sinh nhật của toàn gia đình, ngày Valentine... tất cả đều dồn vào ngày tết Việt. Cũng là ngày xóa bỏ hận thù, đố ky, không ai có quyền đòi nợ ngày tết (chấm dứt tối 30 tết) không có quyền thi hành án tử mùa xuân... giàu nghèo, sang hèn, mọi giai tầng cùng vui hưởng tết như câu:
Kiết cú như ai cũng rược chè.
Quẳng cánh lo đi mà vui tết, sắm tết, đốt pháo vì tinh thần của năm mới, mùa xuân cuộc đời, lòng người sẽ Bốn mùa xuân.
Lấy nguồn sống mới, sức sống mới từ hồn tết hay từ truyền thống ông là để lại: "Giấy rách giữ lấy lề", "Con nhà Tông không giống tông cũng giống cánh" Tinh thần ấy rất cao quý và tặng sức làm cho con người Việt Chịu đựng được bao cảnh khổ, tuyệt vọng suốt chiều dài lịch sử và vừa qua với 1/3 thề kỷ chiến tranh tàn phá rồi nghèo đói liên tiếp. Tết là một dịp con chúa hướng về tổ tiên nơi bàn thờ với khói hương nghi ngút, trong lòng người với ân sâu nghĩa nặng, với sự làm rạng danh tiên tổ. Linh Mục học giả Julian Elizalde mà người Việt gọi tên Việt là Cha Thành có lần nói: "Một số nhà người Việt trang trí không thấy có ít đạc nét Việt Nam hay một số nhà tín hữu Công Giáo không thấy bàn thờ tổ tiên vì cộng đồng Vatican đã cho phép và khích lệ. Bàn thờ Chúa thứ nhất rồi đến bàn thờ tổ tiên. Cũng như trong phim Trời và Đất (Heaven and Earth) nhân vật chính trong phim Lệ Lý qua diễn xuất linh động xuất sắc của nữ tài tử Lê Thị Hiệp, chịu bao cảnh nhục nhằn, khốn khổ, oan khiên, thù nghịch nạn nhân của mọi chế độ, mọi hoàn cảnh chế độ thời chiến tranh ở VN (Đó là một trường hợp điển hình của sức chịu đựng, hoàn cảnh khốn khổ của dân tộc Việt của trong thập niên loạn lạc, mà một số người ngoại quốc đã không chịu hiểu! Chúng tôi không xin quí vị thương xót, tội nghiệp, chúng tôi chỉ xin quí vị không bất công, xin đừng ngạc nhiên và hỏi chúng tôi như thế sao? Mà chỉ xin quí vị tự hỏi nếu dân tộc khác ở vào hoàn cảnh của chúng tôi thì sao, cảnh chỉ một miếng bánh mì, một miếng "cheese" trong thế chiến 2 ở Âu Châu cũng đổi được tất cả dẫu đến cái quí của người con gái là một minh chứng. Xin trả lại cho dân tộc chúng tôi sự xét đoán công bình, xin trả lại niềm tự hào là người Việt, không mặc cảm chi hết (mà một số người có thể bị). Ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh còn theo đuổi ám ảnh nàng vượt cả thời gian và không gian, dẫu nàng đã lấy chồng Mỹ, về sống ở San Diego. Nàng phản đối kịch liệt đến ly thân vì không muốn thấy người chồng buôn súng, bán đạn, những khí giới đã làm tan nát đời nàng và quê hương nàng và kết quả người chồng tự vẫn. Gò má nàng bao nhiêu năm trường, ao nhiêu lần đã tắm lệ. Về quê hương sau năm xa cách để giúp đỡ gia đình. để yểm trợ vài việc xã hội tại lối xóm nhưng cũng bị gia đình nhất là người anh trong bữa cơm họp mặt gia đình, nàng lại là nạn nhân vì hoàn cảnh đói nghèo của đất nước người anh lại trách nàng và một lần nữa nước mắt lại chan đầy chén cơm...
Nhưng đêm về, trước bàn thờ tổ tiên, trước bài vị của người cha yêu dấu đã có lần nói cho nàng hiểu thế nào là truyền thống tổ tiên, lịch sử cha ông, nàng đã tìm được nụ cười sau bao lần suối lệ vùi dập, đã tìm được niềm tin yêu và trong vòng tay của người mẹ.
Xin Cám ơn hai nguồn tình thiêng liêng nhất, cao quý nhất, cô giá nhất, vĩ đại nhất đã tặng dân tộc tôi. Xin cám ơn Trời, xin cám ơn đời để hồn Tết Việt cả trong bốn mùa, để hồn Giáng Sinh kéo dài và sống mãi trong mỗi và mọi người cả trọn năm trường.
Lê Ngọc Hồ & ĐẶNG ÁI LIÊN

tải về 133.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương