Các loại sâu, bệnh hại ngô và biện pháp phòng trừ?



tải về 109.55 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích109.55 Kb.
#30810

Các loại sâu, bệnh hại ngô và biện pháp phòng trừ?


Nguồn: Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu khoa học nông vận
A. SÂU HẠI NGÔ

A. 1. Sâu xám (Tên khoa học: Agrotis ipsilon Rott.)


Đặc điểm gây hại

Sâu xám là loại sâu đa thực, chúng không chỉ hại nặng trên ngô mà còn hại cả đậu tương. Bướm trưởng thành đẻ trứng trên lá cây,  thân cây, hoặc trên cây cỏ trên mặt đất. Sâu non tuổi nhỏ sống ở trên lá, tuổi lớn ban ngày ẩn nấp dưới mặt đất, ban đêm chui lên phá hại. Sâu non hoá nhộng trong đất.

Sâu xám thường hại ngô ở tất cả các vùng vào giai đoạn cây con. Ở các tỉnh phía Bắc sâu xám hại nặng trên ngô trồng trong vụ đông xuân và vụ xuân. Ngô đông xuân gieo sớm đầu tháng 10 - giữa tháng 10 bị hại nhẹ hơn so với ngô gieo vào cuối tháng 10 - giữa tháng 11. Sâu thường gây hại vào ban đêm, sâu tuổi 1- 3 ăn lá ngô non hoặc gặm xung quanh thân ngô. Tuổi 4 trở đi sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân ngô non kéo  xuống đất. Sâu tuổi 6 mỗi đêm có thể cắn đứt 3 - 4 cây ngô non. Khi cây ngô có 7 - 8 lá, thân cây đã cứng, sâu th­ường đục vào thân gần sát gốc ăn phần non mềm ở giữa làm thân cây ngô bị héo và chết. Ruộng ngô bị sâu xám gây hại trông mất khoảng lỗ chỗ, mật độ cây giảm, thiệt hại về năng suất. Sâu xám thường hại nặng trên ngô trồng trên đất cát pha và đất thịt nhẹ.

Đặc điểm hình thái

Trứng hình cầu dẹt, lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi gần nở có màu tím sẫm. Sâu non màu xám hay đen bóng, đầu màu nâu sẫm, dài 37 – 47 mm. Nhộng màu cánh gián, dài18 – 24 mm. Bướm   màu nâu tối, thân dài 16 – 23mm, cánh trước màu xám có 6 chấm, giữa cánh có vân hình quả thận, hình tròn, hình gậy.



Biện pháp phòng trừ

 - Cày đất phơi ải để tiêu diệt trứng và nhộng.

- Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

- Bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc  cây bị sâu cắn để bắt sâu.

- Bẫy bướm trưởng thành bằng bả chua ngọt ( ở các tỉnh miền Bắc  thường từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 và từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10). Mỗi ha đặt 3 bẫy , mỗi bẫy cách nhau 400 – 500m.

Cách làm bẫy bả chua ngọt: 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 – 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1%  thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 – 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết.

A. 2.  Sâu xanh (Tên khoa học: Helicoverpa armigera Hubner )


Đặc điểm gây hại:  

Sâu xanh cũng là một loại sâu đa thực, có phổ ký chủ tương đối rộng, hại ngô và một số loại cây màu. Sâu xanh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây ngô. Khi cây ngô còn non, sâu ăn các bộ phận non của ngô như ngọn, lá non làm thủng lá, làm cây ngô sinh truởng chậm.  Lúc ngô trỗ cờ sâu đục vào lá bao cờ, gây hại cho bao phấn, bông cờ. Khi cây có bắp, sâu ăn hạt non hoặc đục vào trong bắp. Chất thải do sâu non bài tiết làm kết dính lá bao cờ, cản trở việc trổ cờ và tung phấn. Trên cây ngô, sâu non cắn phá râu ngô, làm giảm tỉ lệ đậu hạt. Nhiều khi sâu còn đục và ăn phần đầu bắp ngô, gây thối bắp ngô khi gặp mưa.



Đặc điểm hình thái:

Trứng hình cầu dẹt. Sâu non hình ống, đẫy sức có thể dài tới 35 – 50mm, có nhiều màu khác nhau.Trên mỗi đốt  thân sâu non có 4 u lông xếp thành hình thang. Sâu non hoá nhộng trong đất. Nhộng màu nâu, dài khoảng 17 -20 mm. Bướm trưởng thành  màu vàng nâu hay vàng nhạt, dài khoảng 15 – 17mm,.



Biện pháp phòng trừ :

- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

- Cày bừa phơi ải, làm đất kỹ trước khi gieo hạt để tiêu diệt nhộng sâu xanh trong đất.

- Khi phát hiện sâu xanh, có thể phun phòng lúc ngô 3-4 lá, 7-9 lá và trước trỗ cờ 5-7 ngày.

- Dùng ong mắt đỏ Trichogramma để diệt sâu non

- Dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học như NPV, Bt, VBt  phun khi sâu mới nở phun để trừ sâu non.

- Có thể phun các loại thuốc hóa học như Cartap 95 SP, Etofenprox, Sherpa 10 EC hoặc Supracide 40 EC ...để trừ sâu xanh. Liều lượng phun theo chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc.

A.3. Sâu đục thân (Tên khoa học: Ostrinia nubilalis Hubner)

Đặc điểm gây hại

Bướm trưởng thành sống ẩn nấp trong bẹ lá, đẻ trứng trên lá, sâu non nở  ra ăn thủng lá nõn, hay  ăn vào bao cờ, cuống cờ làm cờ gãy gục, hoa phấn khô héo, không tung phấn được. Sâu từ tuổi 3 trở lên đục phá vào thân làm cây chậm phát triển, thậm chí ngừng phát triển. Khi cây lớn, sâu đục trong thân để lại phân ở đường đục. Thân ngô bị đục ít khi chết. Nếu gặp gió to có thể bị gẫy ngang. Bắp bị sâu đục lúc còn nhỏ bị gẫy non, không lớn lên  được. Bắp ngô non có thể bị đục từ cuống bắp vào thân bắp, nếu bắp đã cứng thì sâu đục từ đầu bắp đến giữa bắp.

Sâu xuất hiện quanh năm nhưng phá hại mạnh nhất ở giai đoạn trỗ cờ phun râu, đóng bắp. Ở các tỉnh phía Bắc, vụ đông xuân thường có 3 lứa. Vùng trồng liên tiếp nhiều vụ có 7 - 8 lứa/năm. Từ lứa thứ 4 sâu phá hại ngô hè và ngô vụ thu.

Đặc điểm hình thái

Trứng đẻ thành ổ xếp dạng vẩy cá. Trứng hình bầu dục dẹt, mới đẻ màu trắng sữa, trên mặt trơn bóng, sau có một chấm đen rõ dần lên. Sâu non  màu nâu vàng, có những vạch nâu mờ chạy dọc trên lưng từ đầu đến cuối mình sâu.  Nhộng cái lớn hơn nhộng đực. Bướm trưởng thành thân dài, cánh trước màu vàng tươi đến vàng nhạt, có 2 đường vân màu thẫm chạy trên cánh theo hình gấp khúc. Mép trước và mép ngoài màu đậm hơn giữa cánh trở về mép sau. Cánh sau có màu sáng hơn và các đường vân màu nhạt hơn cánh trước.



Biện pháp phòng trừ

- Chọn và trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân.

- Luân canh cây trồng để tránh sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.

- Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ sau khi thu hoạch, cày ải sau khi thu hoạch ngô vụ thu để giết sâu non và nhộng.

- Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.

- Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng.

- Bảo vệ và lợi dụng ong ký sinh, quan trọng nhất là ong mắt đỏ ký sinh trứng Trichogramma.

- Dùng các loại thuốc Padan 95SP, Regent 800WG hoặc thuốc Basudin …. để phun hoặc rắc vào gốc cây ngô khi cần thiết.



A.4. Sâu cắn lá

1) Sâu cắn lá nõn(Leucania loreyi):

Con trưởng thành dài khỏang 14-18 mm, sải cánh rộng khỏang 25-30 mm, đầu mầu nâu tro. Cánh trước mầu nâu nhạt hoặc nâu vàng, họat động vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong bẹ lá bắp, hoặc bờ cỏ, thích mùi chua ngọt. Con cái đẻ trứng thành từng ổ trên lá nõn, bẹ lá, trên cờ hoặc râu bắp. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng, cá biệt trên 1.000 trứng.

Trứng hình bầu dục, mới đẻ mầu trắng sữa, sau chuyển sang mầu nâu. Tùy theo nhiệt độ không khí trong năm mà sau khi đẻ khỏang trên dưới một tuần lễ thì trứng nở.

Sâu non tuổi nhỏ cắn phá các phần non như lá nõn, hoa đực (lúc chưa trỗ), sâu non tuổi lớn thường gặm khuyết lá, có khi ăn trụi cả phần thân non phía trên mặt đất , cũng có khi chúng chui vào bắp non ăn hạt. Sâu non thường họat động vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong lá nõn , bẹ lá...

Khi cây còn nhỏ sâu hóa nhộng ở dưới đất (sâu 2-5 cm). Từ khi cây trỗ cờ trở đi sâu hóa nhộng trong bẹ lá, lá bi hoặc trái bắp. Sâu thường gây hại nhiều các vụ bắp Đông-Xuân và Xuân.

2)Sâu cắn gié (L. separata)

Con trưởng thành dài khỏang 16-20 mm, sải cánh rộng khỏang 40-50mm, thân mầu nâu tro hoặc nâu vàng nhạt, thích mùi chua ngọt. Ban ngày ẩn nấp trong các lùm cây, cỏ dại...từ chập tối trở đi bay ra họat động và đẻ trứng thành từng hàng hoặc từng ổ trên lá bắp. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng.

Trứng hình bánh bao, đường kính khỏang 0,5-0,7 mm. Lúc mới đẻ có mầu vàng tươi sáng, sau chuyển dần sang mầu vàng đậm, trước khi nở có mầu tím than.

Sâu non sợ nắng, sợ ánh sáng nên ban ngày thường ẩn nấp trong lá nõn, ban đêm bò ra cắn phá. Khi còn nhỏ sâu ăn khuyết lá, khi lớn sâu có thể ăn trụi cả lá chỉ để lại gân chính, như các bạn đã thấy trên ruộng bắp nhà mình. Nếu nặng ruộng bắp trở nên xơ xác, cây còi cọc, chậm phát triển. Từ khi cây bắp bước vào giai đọan trỗ cờ phun râu trở đi sâu gây hại cờ và râu bắp, làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng xuất.

Khi đẫy sức sâu dài khoảng 35-40 mm, di chuyển xuống đất để hóa nhộng trong một cái kén được kết bằng đất bột ở độ sâu 5-10 cm. Nhộng dài khỏang 16-20 mm, mầu nâu đỏ. Sâu thường gây hại nhiều cho bắp vụ Đông-Xuân.

Để phòng trị sâu có kết qủa, các bạn cần tiến hành một số biện pháp sau:

-Do sâu thường cắn phá vào ban đêm nên nếu các bạn có điều kiện có thể tổ chức đốt đèn bắt sâu non vào ban đêm.

-Dùng bẫy bả chua ngọt thu hút con trưởng thành vào bẫy để tiêu diệt, biện pháp này muốn có kết qủa phải được tiến hành đồng lọat trên diện rộng, tránh làm đơn lẻ một mình vì sẽ thu hút trưởng thành từ ruộng khác đến đẻ trứng gây hại nặng cho ruộng nhà mình. Cách làm bả như sau: các bạn có thể dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, một phần rượu và một phần nước, sau đó cứ 100 phần hỗn hợp này các bạn trộn thêm vào 1 phần thuốc trừ sâu Dipterex (hoặc Diptecide 90WP, hay Dip 80 SP). Bả pha xong đặt trong chậu sành, nhựa...mỗi chậu khỏang 0,25-0,5 lít, đặt cao khỏi mặt đất khỏang 1-1,5 mét nơi đầu gió, mỗi ha khỏang 7-10 chậu , cứ khỏang một tuần thay bả mới một lần.

-Thường xuyên kiểm tra ruộng bắp để sớm phát hiện sâu khi chúng mới nở và dùng thuốc phun xịt diệt trừ sâu kịp thời. Về thuốc các bạn có thể sử dụng một trong các lọai thuốc trừ sâu như: Confidor 100SL; Regent 5SC; Sudin 20EC; Sumitigi 30EC; Sumithion 50EC; Bi58 - 40EC; Basudin 40EC...

-Nếu ruộng bắp thường xuyên bị sâu gây hại nặng nên luân canh một vài vụ với một số lọai rau đậu như rau ngò, rau cải, đậu que, dưa leo, dưa hấu...



A.5. Sâu gai (Tên khoa học: Dactylispa sp.)


Đặc điểm gây hại

Sâu non đục vào giữa 2 lớp biểu bì và ăn chất xanh, làm giảm diện tích quang hợp của lá ảnh h­ưởng tới năng suất cây ngô. Sâu trư­ởng thành gặm ăn mô  của lá tạo thành những đường thẳng ngắn theo chiều dọc lá. Khi sâu trư­ởng thành xuất hiện mật độ cao thì vết ăn của chúng sát liền nhau, lá ngô chỉ còn trơ lại lớp biểu bì bạc trắng.

Khoảng giữa tháng 3 đến cuối tháng 3 khi ngô xuân đã mọc và ở giai đoạn 2 - 3 lá trư­ởng thành sâu gai di chuyển từ cỏ dại lên ngô. Sau đó, chúng đẻ trứng và tồn tại ở đó cho đến cuối vụ ngô xuân. Những năm nhiệt độ thấp thì thời gian phát sinh sâu gai muộn. Mật độ sâu gai trên ngô vụ sớm cao hơn trên ngô vụ muộn.

Đặc điểm hình thái

Trứng được đẻ thành ổ từ 1 - 3 quả  trong mô lá ngô. Sâu non  màu trắng đục, đầu màu nâu nhạt. Cơ thể dẹt, hình ô van dài. Sâu non đẫy sức hoá nhộng ngay trong vết hại trên lá ngô. Nhộng  màu nâu cánh gián, hình ovan dài, phía đầu hẹp, phía sau nở rộng hơn. Trư­ởng thành dài khoảng 55 -60 mm, đầu màu vàng nhạt đến vàng nâu. Hai mắt kép to đen nằm ở hai bên đầu. Cánh cứng, màu xanh đen bóng. Mặt lưng cánh cứng và mép bên có nhiều gai màu xanh đen  Mặt bụng, chân  có màu vàng nâu.



Biện pháp phòng trừ

Ở những vùng bị hại nặng điều chỉnh thời vụ từ thời vụ sớm sang thời vụ muộn.

Trồng sớm một diện tích nhỏ để làm bẫy dẫn dụ tr­ưởng thành sâu gai đến hại và dùng thuốc hoá học phun diệt sâu.

Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại là chỗ trú ngụ của sâu gai trong mùa không có ngô.

Bắt sâu bằng tay khi chúng xuất hiện đẻ trứng trên ngô xuân. Khi mật độ trứng cao có thể tiến hành ngắt phần ngọn lá ngô có nhiều trứng đem tiêu hủy.

Theo dõi đồng ruộng, khi phát hiện thấy sâu gai đẻ trứng rộ vào lúc ngô 4 - 5 lá thì dùng các loại thuốc trừ sâu tiếp xúc hoặc nội hấp như Basa 50EC, Padan 95SP, Ababetter 1.8 EC, 3.6EC, 5EC,  Reasgant   1.8EC, 2WG, 3.6EC, 5EC, 5WG, Ofatox 40EC ….Phun theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Phun vào buổi sáng hoặc chiều tối khi trư­ởng thành sâu gai ít hoạt động.


A. 6. Rệp hại ngô (Tên khoa học:  Aphis maydis Fitch. và  Rhopalosiphum maydis)


Đặc điểm gây hại

Rệp ngô là một trong những loại sâu hại quan trọng. Chúng thường gây hại từ khi cây ngô 8, 9 lá đến khi thu hoạch. Rệp bám trên lá, trong nõn, bẹ lá, lá bi, hoa cờ v.v… chích hút nhựa các bộ phận làm cho cây còi cọc, bắp nhỏ, năng suất và chất lượng ngô giảm. Rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô gieo dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao hoặc ruộng ngô bị hạn.

Rệp ngô còn là môi giới truyền virut gây bệnh khảm lá, đốm lá ngô.

Đặc điểm hình thái

Rệp ngô sinh sản theo lối đơn tính và đẻ con. Trong quần thể rệp thường thấy nhiều loại hình: Rệp cái không cánh, rệp cái có cánh và rệp con.

Rệp trưởng thành có hai loại hình, rệp có cánh và rệp không cánh dài 1,5 - 2,3 mm, màu vàng nhạt hoặc xanh xám, cơ thể hình bầu dục, thân mềm. Chân và tuyến tiết sáp ngắn, màu xanh đen. Rệp cái có cánh có đầu, ngực màu đen và bụng màu xanh.

Rệp non màu xanh sáng, chân và tuyến tiết sáp giống như trưởng thành có màu đen. Rệp non trải qua 7 - 10 lần lột xác mới thành rệp trưởng thành.

Một năm có từ 7 - 10 lứa. Rệp là loài ưa ẩm, xuất hiện trên đồng ruộng vào khoảng tháng 10, 11 phát triển nhiều trong tháng 1, tháng 2 lúc ẩm độ không khí cao. Từ tháng 4 trở đi số lượng rệp giảm dần. Trong mùa hè chỉ thấy rệp xuất hiện lẻ tẻ. Những ruộng gieo dầy, ẩm độ không khí cao rệp phát triển mạnh. Thiên địch của rệp là một số loài bọ rùa và ấu trùng ruồi Sirphus sp.

Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ để không bị rệp bay sang phá hại từ các ký chủ phụ. Không nên trồng ngô mật độ quá dầy, khi cây ngô cao 25 – 30 cm thì tiến hành tỉa định cây, loại bỏ những cây gầy yếu cho ruộng thông thoáng hạn chế rệp phát triển.

- Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch trên ruộng ngô.

- Biện pháp hóa học: Khi mật độ rệp cao dùng các loại thuốc vị độc, tiếp xúc, thuốc lưu dẫn như Sherpa 25EC, Trebon 10EC, Sherzol 50EC, Reasgant 1.8EC, 2WG, 3.6EC, 5EC, 5WG, Confitin 18 EC, 36EC, Emalusa 10.2EC, 20.5EC, 50.5WSG... Phun theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Chú ý thời gian các ly đối với ngô ngọt, ngô rau bao tử và ngô thu bắp non trước khi thu hoạch 15 -  20 ngày để tránh ngộ độc thực phẩm cho người và gia súc.

A. 7. Châu chấu hại ngô


Đặc điểm gây hại

Có rất nhiều loại  châu chấu gây hại ngô như châu chấu lúa, châu chấu sống lưng vàng, châu chấu ngô, châu chấu mía.... Châu chấu di chuyển thành đàn, cả trưởng thành và châu chấu non đều gây hại, chúng gặm cả lá non và lá già, làm khuyết từng mảng hoặc thủng lá, lá bị hại nặng còn trơ lại gân lá. Khi di chuyển thành đàn lớn chúng gây thành dịch, có thể phá hại toàn bộ ruộng ngô hoặc cả vùng. Châu chấu xuất hiện quanh năm và cũng tùy thuộc vào số lượng mà có thể gây tác hại lớn hay nhỏ. Chúng hoạt động mạnh vào  lúc trời mát mẻ thường từ 7 – 10 giờ sáng và 3 – 5 giờ chiều.



Đặc điểm hình thái: Châu chấu trưởng thành màu xanh hay vàng bóng. Râu đầu hình sợi có nhiều đốt. Chúng đẻ chúng thành ổ trong bẹ lá, nếp gấp của lá và trên những bụi cỏ, trứng dài hình hơi cong. Gây hại ngay từ khi mới nở, kích thước của trưởng thành to nhỏ khác nhau tùy theo từng loài.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ để hạn chế các ký chủ phụ và là nơi ẩn nấp để di chuyển sang ruộng khác phá hại.

Nên sử dụng các chế phẩm nấm sinh học Metarhizum để phòng trừ, tuy hiệu quả chậm nhưng lâu dài và không ô nhiễm môi trường. Khi mật độ cao dùng các loại thuốc vị độc, tiếp xúc, thuốc lưu dẫn như Sherpa 25EC, Trebon 10EC, Sherzol 50EC, Reasgant 1.8EC, 2WG, 3.6EC, 5EC, 5WG, Confitin 18EC, 36EC, Emalusa 10.2EC, 20.5EC, 50.5WSG,… đều có thể trừ được châu chấu. Phun theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Phun thuốc tốt nhất vào lúc châu chấu mới nở và tuổi nhỏ.


A. 8. Mọt hại ngô (Tên khoa học:  Sitophilus zeamais Motsch.)


Đặc điểm gây hại

Mọt ngô là loại đa thực, chúng có thể ăn được hầu hết các loại ngũ cốc, các loại đậu, hạt có dầu và nhiều sản phẩm thực vật khác. Thức ăn thích hợp nhất với nó là ngô hạt.

Mọt gây hại trên bắp và hạt ngô ngay giai đoạn ngô chín sáp ngoài đồng, chúng theo ngô vào kho và gây hại liên tục trong suốt quá trình bảo quản. Mọt trưởng thành dùng vòi khoét một lỗ sâu vào hạt, rồi đẻ trứng ở đó rồi tiết ra một thứ dịch nhầy để bít kín lỗ đó lại. Sâu non nở ra trong hạt,  nó thường ăn phôi trước, sau đó mới đến nội nhũ và các bộ phận khác làm hạt chỉ còn lại một lớp vỏ mỏng, nhìn bề ngoài dễ lẫn với hạt còn nguyên vẹn. Khi đẫy sức, sâu non đục những lỗ nhỏ lộ rõ trên mặt hạt để vũ hoá bay ra ngoài. Trong kho mọt hoạt động nhanh nhẹn, hay bay bò và có tính giả chết, chúng thích bò lên các vị trí cao trong đống hạt. Khi gặp điều kiện độ nhiệt cao, mọt thường tập trung vào kẽ kho, mép bao… để ẩn nấp.

Sâu non thân màu trắng sữa, đầu màu nâu nhạt, sâu non ăn hạt ngô và hoá nhộng ở ngay trong hạt. Nhộng hình bầu dục, cân đối hai đầu,  dài 3 – 4 mm, lúc đầu màu vàng sữa, sau chuyển thành màu vàng nâu.



Biện pháp phòng trừ

Phân loại và làm sạch ngô trước khi bảo quản, cất trữ. Bảo quản trong nhiệt độ cao (sấy) và nhiệt độ thấp (dưới 150C).

Xử lý hạt với bột hạt xoan, bột lá xoan hoặc thuốc thảo mộc trừ mọt Gu Chong Jing 25NP, an toàn với người và động vật. Thuốc Gu Chong Jing 25NP sử dụng theo  tỷ lệ 0,4%. Gói thuốc 200g xử lý cho 500 kg ngô hạt, trộng đều với hạt hoặc theo lớp đựng trong bao kín.

B. Bệnh hại ngô và biện pháp phòng trừ

B. 1. Bệnh thối thân vi khuẩn (Tên khoa học: Erwinia carotovora)


Triệu chứng bệnh

Bệnh thường biểu hiện vào giữa mùa khi thấy cây bị đổ một cách nhanh chóng. Ban đầu trên các đốt gần mặt đất thường xuất hiện những đốm nâu dạng ngậm nước, mềm hay nhớt. Các mô trên thân ngô có dạng ngậm nước và có mùi hôi. Lá bị héo và thối nhũn.



Nguyên nhân bệnh

Bệnh do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra.Vi khuẩn xâm nhập vào câyqua các lỗ hở như khí khổng, qua vết thương cơ giới do xây xát hoặc do côn trùng chích hút...Vi khuẩn tồn tại trong tàn dư cây bệnh, trong đất trở thành nguồn bệnh cho vụ sau. Chúng truyền lan từ cây này sang cây khác hoặc vùng này qua vùng khác nhờ  gió, nước, động vật hoặc côn trùng. Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ  và ẩm độ cao, thích hợp nhất từ 32 – 350C. Ruộng ngô trồng dày, không thông thoáng, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Các giống ngô lai thường bị nhiễm bệnh hơn các giống ngô thuần.

 Biện pháp phòng trừ

Ở các vùng thường xuyên bị hại nặng nên trồng các giống ngô  có khả năng chống chịu. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy. Không gieo ngô quá sâu, tạo độ thoát nước cho ruộng ngô. Luân canh với lúa và một số cây trồng khác không phải là ký chủ của vi khuẩn. Phun thuốc Bactocide 12 WP khi bệnh chớm xuất hiện cũng có khả năng hạn chế bệnh.


B. 2. Bệnh thối thân do nấm (Tên khoa học:  Fusarium moniliforme Sheld)


 Triệu chứng

 Bệnh xuất hiện và gây tác hại ở hầu hết các vùng trồng ngô, thường thể hiện rõ vào giai đoạn cây ngô tung phấn, trỗ cờ. Lá ngô bị bệnh chuyển màu vàng khô và chết. Thân cây bổ đôi quan sát thấy ruột có màu phớt hồng hay tím hồng. Lóng cây xốp, dễ bị đổ gẫy, hạt thường bị chín ép. Trên bộ phận bị bệnh có phủ một lớp nấm màu hồng.

 Nguyên nhân bệnh

  Bệnh do nấm Fusarium moniliforme gây ra. Nấm xâm nhập vào câyqua lỗ hở các tế bào, qua các vết thương cơ giới do xây xát ... Nấm gây bệnh truyền lan từ cây này sang cây khác hoặc vùng này qua vùng khác nhờ  gió, nước, động vật hoặc côn trùng. Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện ấm và ẩm. Ruộng ngô trồng dày, không được chăm sóc bóc tỉa, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Các giống ngô lai LVN10, 919, ngô Mỹ, DK888 bị nhiễm bệnh nặng hơn các giống ngô địa phương. Bệnh gây hại nặng trên các vụ ngô thu đông và xuân hè, nhưng hại nặng hơn ở vụ thu đông. Nấm bệnh tồn tại trong đất,  tàn dư cây bệnh và hạt giống là nguồn lan truyền bệnh trên đồng ruộng và trở thành nguồn bệnh cho vụ sau.



Biện pháp phòng trừ:

- Không lựa chọn những ruộng ngô bị bệnh để làm giống. Lựa chọn các giống có khả năng chống chịu bệnh để trồng.

- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh. Không gieo ngô quá sâu, tạo độ thoát nước cho ruộng ngô.

- Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/10kg hạt)

- Dùng chế phẩm đối kháng Trichoderma ủ với phần chuồng bón cho ruộng trước khi gieo, liều lượng 4kg/sào Bắc bộ.

B.3. Bệnh khô vằn (Tên khoa học: Rhizoctonia solani Kuhn)


Triệu chứng bệnh

Bệnh gây hại ở khắp các vùng trồng ngô.Nấm bệnh có thể gây hại cho ngô từ khi mới nảy mầm đến khi thu hoạch. Mầm bị nhiễm bệnh, trên rễ mầm và thân mầm thường có những vết bệnh màu nâu. Ngô bị nhiễm bệnh trong giai đoạn mầm thường còi cọc và vàng. Song biểu hiện rõ và nặng của bệnh là ở giai đoạn cây ngô trỗ cờ đến làm hạt.

Trên lá, lá bao bị bệnh, ban đầu thường xuất hiện những đốm nhỏ dạng dội nước sôi, vết bệnh lớn dần không có hình dạng nhất định, xung quanh có viền xanh sẫm hay mầu nâu. Các vết bệnh có thể liên kết với nhau thành đám lớn dạng vằn da hổ. Vết bệnh trên phiến lá và lá bao cũng giống như vết bệnh trên bẹ lá. Khi trời ẩm ướt trên mặt vết bệnh phủ lớp sợi nấm màu trắng và nhữnh hạch nấm xốp khi còn non có màu trắng, khi già chuyển màu nâu. Hạch nấm là nguồn lây nhiễm của nấm bệnh. Bệnh làm giảm năng suất và cây bị bệnh nặng hạt ngô sẽ bị lép.

 Nguyên nhân bệnh

 Bệnh do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra. Hạch nấm tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh và hạt giống là nguồn lan truyền bệnh trên đồng ruộng.

Biện pháp phòng trừ

 Không chọn những bắp bị bệnh để làm giống. Lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh để trồng. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh. Cày ải hoặc ngâm dầm để diệt hạch nấm. Xử lý hạt giống bằng Rovrral (2g/ 10kg hạt). Khi ngô đã lớn làm sạch cỏ, bóc sạch bẹ và lá bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế bệnh và ruộng ngô thông thoáng. Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng bón cho ngô, lượng dùng 80 – 100 kg/ha (4 kg/ sào Bắc bộ). Phun trừ bệnh bằng thuốc Validamicin 3 SC, pha nồng độ 0,2-0,25%.



 B.4. Bệnh bạch tạng (Tên khoa học: Sclerospora maydis (Racib.) Butller)

Triệu chứng bệnh

Bệnh xuất hiện ngay từ khi cây hại khi còn non ở giai đoạn 3 – 8 lá. Ban đầu thường ở tầng lá giữa, sau đó lan lên các lá trên ngọn.  Vết bệnh là các vết sọc dài trên phiến lá, chạy dọc theo gân lá từ gốc lá lên ngọn lá, màu trắng nhợt, hoặc hơi vàng, phiến lá nhỏ. Cây bị bệnh kém phát triển hoặc phát triển không bình thường, còi cọc, lá nhỏ, không hình thành hạt hay hình thành những hạt dị hình. Bị bệnh nặng cây ngô không cho năng suất hoặc có thể chết.

  Nguyên nhân bệnh

 Bệnh do nấmSclerospora maydis (Racib.) Butller gây ra. Nấm có thể tồn tại trên hạt, lá mầm là nơi bị nhiễm bệnh đầu tiên. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u ẩm ướt, nhiệt độ thấp hơn 240C.

 Biện pháp phòng trừ

 Sử dụng giống kháng bệnh, chỉ dùng hạt giống sạch bệnh, xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Luân canh với lúa hoặc một số cây trồng không phải là ký chủ của bệnh.

Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy, tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô. Khi xuất hiện cây bệnh, nhổ và tiêu huỷ ngay để tránh lây lan đồng thời có thể phun các thuốc như Ridomil MZ72, nồng độ 0,2%, thuốc Aliette 80WP nồng độ 0,2%  lên toàn bộ tán lá để trừ bệnh.

 B. 5. Bệnh Phấn đen (Tên khoa học: Ustilago maydis (Dc.) Codra)

Triệu chứng bệnh

Bệnh xuất hiện và gây hại ở hầu hết các vùng trồng ngô. Bệnh có thể  hại trên lá, thân, bông cờ và chủ yếu là trên bắp ngô. Đặc trưng điển hình của bệnh là tạo thành các u sưng.Lúc đầu vết bệnh chỉ sùi lên như một cái bọc nhỏ, sau đó phình to được bọc bởi một lớp bọc trắng, phớt hồng, dần chuyển sang màu tro.Bên trong là một khối rắn vàng trắng sau biến thành bột đen, đó là khối bào tử hậu. Bộ phận bị bệnh tạo thành những u sưng dị hình, thối hỏng làm giảm năng suất ngô đáng kể.

 Nguyên nhân bệnh

 Bệnh do nấm Ustilago maydis (Dc.) Codra gây ra. Nấm bệnh xâm nhập gây bệnh qua vết thương cơ giới do chăm sóc, vun xới hoặc mưa gió, do sâu bệnh cắn phá. Bệnh phát triển mạnh ở ruộng trồng dày và bón nhiều đạm vô cơ. Bào tử nấm bệnh tồn tại trên hạt giống và tàn dư cây bện là nguồn lây nhiễm cho vụ sau. Các giống ngô địa phương thường bị bệnh nặng.

 Biện pháp phòng trừ

 Không dùng ngô bị bệnh để làm giống, chỉ sử dụng hạt giống sạch bệnh.  Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc Thiram 85 WP, lượng 2-3 kg/tấn giống. Dùng các giống ngô chống chịu bệnh, Luân canh với lúa hoặc các cây đậu đỗ. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy. Phun các loại thuốc trừ bệnh như Thiram 85 WP, Tiptop 250 EC. Phun khi bắt đầu xuất hiện bệnh từ 1 – 5%.


B. 6. Bệnh sợi đen (Tên khoa học: Sphacelotheca reiliana (Kuhn.) Clinton)


Triệu chứng bệnh

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cây ngô trỗ cờ, ra bắp. Cả  bông cờ và bắp ngô đều bị hại. Bông cờ bị bệnh thường bị biến dạng, hoa không hình thành nhị, gốc hoa phình to, trong có chưá lớp phấn màu đen. Bắp ngô bị nhiễm bệnh phía trong lá bao hình thành các lớp phấn lúc đầu có màu xanh hay màu vàng. Lớp phấn phát triển, lá bao bị vỡ  để lộ ra một lớp phấn màu đen trong có chứa những sợi nấm đen.



Nguyên nhân bệnh

Bệnh sợi đen hại ngô do nấm Sphacelotheca reiliana (Kuhn.) Clinton  gây ra.Bệnh phát hiện thấy phổ biến ở các vùng núi cao thuộc các tỉnh phía Bắc nước ta như Lào Cai, Hà Giang, Sơn La.... Bệnh hại nặng từ tháng 5 – 9.  Hầu hết các giống ngô địa phương đều bị nhiễm bệnh. Bệnh lan truyền qua hạt giống và tàn dư cây bệnh.

 Biện pháp phòng trừ 

 Sử dụng giống có khả năng chống chịu. Không dùng hạt từ các ruộng ngô bị bệnh để làm giống. Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Luân canh với các cây không phải là ký chủ của bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sach tàn dư cây bệnh. Tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô để hạn chế sự phát triển của bệnh


B. 7. Bệnh đốm lá nhỏ (Tên khoa học: Helminthosporium maydis Nisikado)


Triệu chứng bệnh

Bệnh phổ biến ở khắp các vùng trồng ngô và trên tất cả các giống ngô địa phương, ngô lai. Bệnh gây hại từ khi cây có 2 – 3 lá cho đến hết thời kỳ sinh trưởng của cây. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, sau có dạng hình thoi. Xung quanh vết bệnh có thể có những đường viền dạng ngậm nước, sau chuyển thành màu vàng. Giữa vết bệnh có màu trắng xám. Kích thước của vết bệnh thay đổi theo giống, có thể từ 2 – 6 x  3 -22 mm. Nhiều vết bệnh liên kết với nhau thành đám lớn làm tổn thương lá và giảm quang hợp ảnh hưởng đến năng suất ngô.

 Nguyên nhân bệnh

 Bệnh đốm lá nhỏ do nấm Helminthosporium maydis Nisikado gây ra. Bệnh thường gây hại nhiều ở những ruộng ngô xấu tức là  những ruộng không có sự đầu tư thâm canh làm cho cây còi cọc, xấu sinh trưởng kém, còi cọc, không phát triển được. Tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng là nguồn lây nhiễm cho vụ sau.

 Biện pháp phòng trừ

  Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng Rovrral (2g/ 10kg hạt). Những vùng thường bị bệnh nặng nên luân canh với các cây không phải là ký chủ của bệnh. Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnhđem tiêu hủy và tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô. Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để phòng trừ bệnh trên đồng ruộng.


B. 8. Bệnh đốm lá lớn (Tên khoa học: Helminthosporium turcicum Pass)


Triệu chứng bệnh  

Bệnh xuất hiện ở khắp các vùng trồng ngô. Triệu chứng bệnh có thể nhận thấy trên các bộ phận như bẹ lá, lá bao và rõ nhất ở trên lá. Bệnh thường xuất hiện lá già sát gốc trước, sau đó lan dần lên những lá trên. Ban đầu vết bệnh là vệt nhỏ, dạng ngậm nước, sau lớn dần có hình thoi, trung tâm vết bệnh có màu nâu sáng, xung quanh màu nâu tối. Vết bệnh lớn, kích thước từ 0,3 – 3 x 0,5 cm, đôi khi tới 20 cm. Trong điều kiện ẩm ướt trên bề mặt vết bệnh xuất hiện lớp mốc màu đen.  Vết bệnh phát triển rất nhanh tạo thành những đám lớn. Lá ngô bị bệnh nặng, nhiều vết liên kết với nhau làm cho cả phiến lá khô táp. Lá mất màu, héo khô và giòn, làm giảm quang hợp của cây ảnh hưởng tới năng suất.  



Nguyên nhân bệnh

 Bệnh đốm lá lớn do nấm Helminthosporium turcicum Pass gây ra. Nấm bệnh xâm nhập vào lá qua lỗ khí khổng chủ yếu ở các bộ phận còn non trên cây. Những ruộng ngô xấu, ít được chăm sóc hoặc những ruộng thường xuyên bị thiếu nước...làm cho cây ngô sinh trưởng kém, còi cọc, không phát triển được là điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh phát triển. Các giống ngô địa phương bị bệnh nặng hơn các giống ngô lai. Tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng là nguồn lây nhiễm cho vụ sau.

 Biện pháp phòng trừ

 Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Luân canh trồng ngô với lúa và cây họ đậu. Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sach tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi ruộng tiêu huỷ. Thường xuyên ngắt tỉa lá già, lá bệnh, tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô. Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để trừ bệnh.



 B. 10. Bệnh Rỉ sắt (Tên khoa học: Puccinia sorghi Schw.)

Triệu chứnh bệnh

 Bệnh gỉ sắt phổ biến ở khắp các vùng trồng ngô. Bệnh hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây, chủ yếu trên lá. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu vàng nhạt, sau đó lớn dần và liên kết với nhau tạo thành ổ chứa các bào tử màu vàng nâu (bào tử hạ), dần có màu nâu đen như gỉ sắt (bào tử đông). Bệnh nặng vết bệnh dày đặc làm lá bị khô cháy, bệnh lan sang cả thân,  bẹ lá và áo bắp.

 Nguyên nhân bệnh

Bệnh gỉ sắt do nấm Puccinia sorghi Schw. gây ra. Trên cây ngô nấm bệnh chỉ thực hiện hai giai đoạn sinh trưởng là bào tử hạ và bào tử đông. Tuy nhiên sự truyền lan gây bệnh cho ngô chủ yếu là bào tử hạ. Chúng tồn tại trên tàn dư cây bệnh,  trên hạt tiếp tục lây nhiễm cho vụ sau. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mát mẻ, ẩm độ cao hoặc có mưa. Các giống ngô địa phương và các giống ngô lai đều bị bệnh. Các giống ngô đường, ngô nếp mẫn cảm với bệnh.

Biện pháp phòng trừ

Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Luân canh trồng ngô với lúa và cây họ đậu. Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sach tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi ruộng tiêu huỷ. Thường xuyên ngắt tỉa lá già, lá bệnh, tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô. Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để trừ bệnh.


B. 10. Một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng


* Thiếu đạm:

Cây ngô non thiếu đạm thường còi cọc, khẳng khiu, lá có màu xanh nhạt hay vàng xanh. Cây già thường có sọc vàng hình chữ V chạy dọc theo gân chính của lá tới ngọn lá. Ngọn lá ở dưới thường bị khô, mép lá vẫn giữ được màu xanh. Thân nhỏ và khẳng khiu. Bắp thường kéo dài ở đỉnh, hạt nhỏ, rắn.

* Thiếu lân:

Triệu chứng thiếu lân thường gặp trên ngô non vùng lạnh trong điều kiện quá ẩm hay quá khô. Cây bị thiếu lân thường còi cọc, lá có màu đặc trưng là màu huyết dụ. Bệnh nặng phiến lá chuyển sang màu vàng, ngọn lá từ màu huyết dụ chuyển sang màu đen và bị khô chết. Ở cây ngô đã có bắp, bắp thường nhỏ và thường có những vòng xoắn. Cây trồng thiếu lân bộ rễ thường kém phát triển và dễ bị sâu bệnh xâm nhập gây hại.



* Thiếu Kali

Triệu chứng đầu tiên của thiếu kali là các mép dưới của lá biến màu vàng và khô. Cuối vụ cây thường bị đổ do thân dễ bị nhiễm bệnh và bị thối. Bắp ở những cây thiếu kali thường nhỏ, xốp và có những vệt xám, đỉnh bắp không phát triển.
tải về 109.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương