Vương Trí Nhàn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm Lời tác giả



tải về 0.72 Mb.
trang7/10
Chuyển đổi dữ liệu30.04.2018
Kích0.72 Mb.
#37614
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Vương Trí Nhàn

Nhật Ký Đặng Thùy Trâm



Tập 11

5.6.69
Địch triển khai thêm, không thể ở đó được nữa, đêm nay đa số cán bộ và thương binh dẫn nhau chạy xuống Phổ Cường. Tối không trông rõ mặt người nhưng có lẽ ai công cảm thấy rất đây đủ những nét đau buồn trên khuôn mặt từng cán bộ và thương binh. Mình lo đi liên hệ giải quyết công tác đến khuya mới về, thương binh đã đi ăn cơm xong - nằm ngổn ngang trên thềm nhà Đáng, một vài người đã nghỉ, số còn lại khẽ rên vì vết thương đau nhức.


Còn lại trên đó ba cas cố định chưa có người khiêng, một số cán bộ lanh đạo còn trên đó, ưùnh cắn trở về. Trở về lúc này thật gay go, không hiểu địch nằm ở đâu. Nhưng biết làm sao, yêu cầu công tác đòi hỏi mình phải trở về, dù chết cũng phải đi.
Đêm rất khuya rồi, không ai chợp mắt.. Thuận ngồi lặng thinh bên mình, em không nói một lời nào, mãi đến lúc chia tay em mới nói một câu ngắn "Chị làm sao chứ em lo quá đi" và mình thì không nói hết một câu "chị gửi ba lô cho em, trong đó có quyển sổ…" muốn nói tiếp rằng nếu chị không về nữa thì em giữ quyển sổ đó và sau này gửi về gia đình. Nhưng mình không nói hết câu: Trong ánh trăng mờ hai chị em đều đọc được trong đôi mắt người thân của mình một nỗi buồn ly biệt. Em đi rồi và mọi người khác cũng đã đi hết, còn một mình trên chiếc thềm vắng nhà chị Tính, không hiểu sao nước mắt bỗng tràn trên đôi má của mình. Khóc ư Thùy? Đừng chứ, hãy dũng cảm kiên cường trong mọi tình huống, hãy giữ mãi nụ cười trên môi dù trăm nghìn vạn khó khăn nguy hiểm đang đe doạ quanh Thùy.
11.6.69
Chính phủ Lâm thời ra đời. Đó là một sự kiện lịch sử, cuộc cách mạng đã tiến thêm một bước dài quan trọng. Mừng vui vì thắng lợi đó nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy cái ác liệt của chiến trường.
Suốt đêm ngày không gian nảo động vì tiếng bom pháo, tiếng phản lực gào thét, tiếng tàu rọ, HU-1A quần lượn trên đầu. Khu rừng đầy những vết bom đạn, nhũng cây còn lại bị úa vàng vì chất độc. Cả người cũng đã bị ảnh hưởng chất độc, toàn thể cán bộ đều mệt mỏi bơ phờ tay chân rũ rượi ăn uống không nổi. Ai cũng muốn động viên chính bản thân và động viên đồng chí mình vậy mà vẫn có những phút cái lo âu hiện lên rõ rệch và đằng sau nó thấp thoáng bóng dáng của sự bi quan.
13.6.69
Xuống Phổ Cường. Ra đi niềm vui hồ hởi vì hy vọng rằng dịp này sê có điều kiện về sống giữa tình thương của những người thân trong một hai ngày trước lúc bắt tay vào thu dung. Nhưng vừa xuống đến nơi gặp Thuận, em báo tin chuẩn bị đón thương của đơn vị 120 sau đêm đánh quận. Ba cas thương nặng trong đó có Tâm. Nghe báo, đầu óc mình chỉ còn tập trung vào có chuyện đó. Mười giờ thương khiêng lên. Đồng chí Lợi vết thương… (nhoè không rõ chữ) tình trạng hấp hối. Đồng chí Thành vết thương trung bình. Còn Tâm … cậu bé Phổ Cường với giọng hát rất hay với đôi mắt to và tính nết rất dễ thương thì… một chân đã bị mìn tiện cụt. Em nằm li bì, biểu hiện choáng nặng. Tập trung vào cấp cứu mà lòng mình nặng trĩu xót thương. Đâu phải chỉ có bấy nhiêu máu xương phải đổ? Còn nhiêu và rất nhiều nữa. Cảnh giác nghe em! Mình nói với em của mình mà biết mấy lo âu. Suốt một đêm dài mọi người đều không ngủ, mệt mỏi, và thương xót làm mình bải hoải.
Ba giờ sáng ra đi, em đưa mình ra tận đường lên đèo ải. Em của tôi ơi, đừng bao giờ xảy ra điều gì rủi ro nghe em.
16.6.69
Những kỳ niệm không bao giờ quên, không thể nào quên nhưng ta sẽ nghĩ gì khi nhớ lại kỳ niệm đó? Buồn? Vui? Ân hận? Hay là gì hở Th.? Hở cô gái đã từng biết xử trí một cách đúng đắn trong mọi tình huống khi mà cuộc sống tình cảm diễn ra phức tạp hết sức!
17.6.69
Đâu phải chỉ là tình thương! Tình thương không thể có được cái nóng bỏng thiết tha, không thể có sức mạnh chi phối toàn bộ suy nghĩ tình câm của một con người. Vậy thì nói sao đây Trước đây, bây giờ và cả về sau bao giờ mình cũng biết bắt con tin làm theo suy nghĩ của khối óc cho nên những sai lắm người ta thường mắc thì mình không bao giờ mắc phải đâu. Nhưng có một điều ở đây làm mình ngạc nhiên và khó nghĩ vì nếu gọi là sai ầm thì không phải mà nếu coi là một điều đúng hẳn thì càng không phải. Sao đây? Ôi! Cuộc đời biết mấy phức tạp và cuộc chiến tranh ác liệt này lại làm cho cuộc đời phức tạp hơn cả triệu lần.
Đêm tối, mà bảu trời vẫn rực sáng? Vì ánh chớp, vì ánh lửa của những trái pháo hay vì một đôi mắt đen rực sảng tình thương. Trời mùa hè oi bức hay sức nóng của tình thương làm mình thấy ngột ngạt - Buồn vui lẫn lộn – Mà không, vui gì đâu. Chỉ nó nỗi buồn đè nặng lên trái tim mình, trái tim khao khao khát tình thương nhưng lại rất hiểu rằng cần một tình thương như thế nào đó nó mới sống được. Trái tim ấy chỉ biết nhận những dòng máu nóng trong sạch chứ không thể tiếp thu những dòng máu bệnh tật. Dĩ nhiên không có máu thì trái tim sẽ chết nhưng thà là chết mà giữ mãi cái cao quý của trái tim một người cộng sản, một con người chân chính.
18.6.69
Được thư nhà, những lá thư đượm màu sắc hoà bình. Những con đường đỏ rực hoa phượng và căn phòng nhỏ thơm ngát hương sen. Chiếc tủ radio quen thuộc giữa nhà. ôi! Các em của tôi ơi, khung cảnh ấy xa vời quá, chị Thùy của các em chỉ biết có những dòng đạn lửa đỏ rực giữa trời đêm, chỉ biết có mùi thuốc pháo hăng xộc vào mũi, chỉ biết có những buổi chia tay trong lo âu… cho nên cảm thấy buồn buồn khi đọc những trang thư của các em.
Độ này rất nhiều người đi Bắc, họ ra đi hồ hởi vui tươi, nhưng khi đến chào mình hình như họ không dám biểu lộ niềm vui ấy. Còn mình cười rất tươi tiễn họ lên đường nhưng rồi sau đó một mình mình đứng lặng hồi lâu không biết nói gì Thùy ơi, đừng buồn Th. nhé, hẹn ngày mai khi nước nhà độc lập Th cũng sẽ đi về phương Bắc, lúc đó chác niềm vui sẽ vẹn toàn.
25.6.69
Địch càn càn lên rất sớm, mới sáng dậy chưa kịp ăn uống gì đã phải chui xuống đất. Hơn một năm rưởi mới trở lại nằm công sự nóng nực làm mình mệt phờ. Tình hình địch rất căng, quân chúng rải đầy khắp ba thôn trong xã. Lính Mỹ + ngụy + cảnh sát dã chiến. Công sự mình nằm cách địch không xa, bốn đứa đã xuống nhưng chưa kịp đậy nắp vì nóng nực. Đến trưa Tẩn đứng cảnh giới có vẻ mệt nó ngồi xuống cạnh mình kể lại cảnh càn quét phía trên của địch đang diễn ra. Bỗng có tiếng la của một thằng ngụy, Tẩn ghé mắt nhìn lên và hốt hoảng đóng nắp công sự. Thằng ngụy đã mò đến cạnh chỗ bọn mình ở, chỉ còn cách độ năm mét. Chiếc nắp công sự bị đóng lại một cách vội vàng vẫn còn trống trải, mình nghe bước chân địch sột soạt qua bụi dứa dại và tiếng la hét gọi nhau. Tiếng em thì thầm bên tai:
- Rủi ro mình hy sinh thì sao chị?
- Thì thôi chớ sao!
- Không, em không chịu đâu, em thì đã đành, còn chị rồi ba má sẽ nghĩ sao…
… (nhoè không đọc được) nhìn mình cháy bỏng lo âu và thiết tha vô hạn. Mình quay đi không dám nhìn vào đó nữa. Trong đôi mắt đó có lời nói của Khơ-riu-chèa với Paven giữa ngục tù. Lòng xao xuyến xót thương, thương em và thương cả chính mình nay. Nhưng có cách nào khác đâu, mình cũng đã làm như Paven trong trường hợp đó.
* * *
Cái chết của Giàu làm mình sửng sốt Trong trận càn hôm nay bọn điệp đã chỉ công sự Giàu ở, mấy trái mìn "mo" và những băng đạn của bọn khát máu đã giết chết Giàu và năm du kích nữa. Mới đêm hôm trước mình gặp Giàu ở Xuân Thành, người y tá trưởng mới của Phổ Cường sung sướng gặp lại mình, anh ta khác hẳn những lần mình gặp trước đây. Có lẽ trong những điều Thuận bàn giao lại cho anh, hình như có cả một điều dù em mình không nói ra, đó là trách nhiệm bảo vệ cho mình, người cán bộ của huyện, người thân yêu của em. Giàu đã nhận trách nhiệm đó một cách đầy đủ. Anh ta thay Thuận dẫn mình đi công tác hết chỗ này qua chỗ khác Khi đêm đã khuya, anh dẫn mình về nhà Thuận và nói khẽ với Thuận: "Bây giờ để chị Trâm ở đây với anh hay là về ở với tôi? Em mình trả lời: "Tuỳ anh". Giàu đã gửi mình cho Thuận "Nhờ anh bảo đảm giùm cho chị Thuỳ Trâm anh nhé". Đêm rất khuya anh mới ra về.
Mình không thể ngờ bữa tối cùng đi với anh trên con đường quanh quất trong xóm, cùng ăn với anh những trái dưa gang, những chén cháo khuya trong cảnh đầm ấm của gia đình ấy lại là buổi cuối cùng.
Đêm nay cũng vẫn ánh trăng đó, con người đó, khung cảnh đó nhưng riêng anh thì đã nằm yên dưới ba tấc đất rồi.
Người vợ trẻ của anh trong tay ôm đứa con nhỏ ngồi như một xác chết. Mình không biết nói gì với chị và nước mắt mình rưng rưng khi nghe chị dặn, giọng nghẹn ngào trong nước mắt, "Anh ấy thì đã yên rồi, nhưng còn chị lại và cậu Ba làm sao tránh cho khỏi để rồi lại mất mát”.
Ôi, biết nói làm sao ngoài tiếng nói trả thù. Trả thù cho những người đã ngã xuống và cả cho chúng ta, những người còn sống giữa hờn căm và đau xót.
Em nhìn mình một lần nữa, đôi mắt đen của em nói với mình trong im lặng: "Cuộc sống sao ngắn ngủi quá phải không chị? Ta sẽ làm gì đề đừng phải ân hận khi nhắm mắt xuôi tay".
29.6.69
Vẫn là những cái chết chảy máu trong lòng những người còn sống. Một cas cụt chân do mìn gip mới đến bệnh xá lúc ba giờ mười lăm. Đó là Liễn, đồng chí xã đội của Phổ Cường, mới hôm nào đó anh ta dẫn mình trốn dưới công sự. Hôm nay… Nhìn anh, lòng mình cháy bỏng lo âu, nếu như những người thân yêu của mình cũng gặp trường hợp đó thì sao? Thì cũng thôi chứ biết làm sao.
7.7.69
Tạm biệt Phổ Cường để về cánh Bắc công tác một thời gian. Chiều nay rời Phổ Cường, qua đường chiến lược và bước chân vào đoạn đường sinh tử đã được mệnh danh là Khe Sanh.
Rời mảnh đất thân thương lòng mình thấy xao xuyến nhớ nhung, mảnh đất nghèo này đã gắn bó với mình biết mấy. Từ những người mẹ, người chị, những cán bộ địa phương đến những du kích ở đây hầu như đâu quen biết, mến thương mình. Đi giữa xóm thôn đâu đâu mình cũng nghe tiếng chào hỏi quen thuộc "Chị Hai" và những bàn tay thân thiết nắm chặt tay mình.
Và… có gì so sánh được với tình thương rất đỗi thiết tha mà em đã dành trọn cho mình tất cả. Em ngồi đó gục đầu trên bàn lo lắng xót xa khi thấy mình đi vào nguy hiềm. Đôi tay em siết chặt tay mình, mình cảm thấy bàn tay em run lên thương yêu lo lắng. Em hỏi mình mà đôi mắt nặng trĩu lo buồn "Chị ơi, chị có về với em không?".
Muốn động viên em, mình không hề đề lộ cái ý nghĩ đang làm mình lo âu là qua Khe Sanh không biết có chạy được không Mình vẫn cười vui với em nhưng lòng xót xa biết mấy. Cũng có thể đây là lần cuối ta gặp nhau. Em ơi làm sao thu gọn hình ảnh em để mang theo trong những ngày gian khổ, làm sao có được một người em đã dành trọn mọi thương yêu tha thiết nhất cho chị.
Thôi nhé, tạm biệt tất cả, hẹn một ngày không xa lại gặp lại trong niềm vui sum họp.
8.7.69
Trở lại ngôi nhà quen thuộc với gốc ô ma và bờ giếng của đất Phổ Hiệp. Gặp lại Nghĩa, Thường và quê hương Phổ Hiệp.
Nói chuyện với Nghĩa một buổi, một buổi cng chưa đủ để san bằng mọi ngăn cách trong tình chị em xưa nay. Nhưng dù sao mình cũng muốn rằng “Trời lại trong xanh sau những ngày mưa bão”. Mình đã tha thứ cho em mọi lỗi lam và lòng căm thấy nhẹ nhàng đôi chút khi thấy em đang trở lại con đường cũ đầy thương yêu của chị em mình.
Tối nay qua Khe Sanh, ai cũng lo cho mình,… (nhoè không không đọc được) và Cho đưa mình đến gần Vinh Phước - Đứa em gái lo lắng làm mình cảm động. Xưa nay mình không thấy hết tình thương của nó, có chăng cũng vì Thuận đã quá quan tâm làm nó phải lo theo, nhưng bây giờ mình cảm thấy tình thương ấy sâu sắc, tự giác. Từ lúc qua đường chiến lược, qua đầm nước đến bữa cơm ăn, Cho chăm sóc mình từng bước đi, từng chén cơm, miếng cá. Chốc lát nó lại thở dài: "Em lo quá, làm sao chị qua Khe Sanh , đạn bom như mưa lại bỏ lại chị một mình thì làm sao? Hay để em đưa chị qua Khe Sanh rồi hãy trở về?".
Mình vuốt mái tóc em và cười với nó: "Không sao đâu, chị sẽ đi được. Còn rủi ro thì chuyện đó ai lường được!".
Nhưng đêm đó qua Khe Sanh không một quả pháo, một ánh đèn, tràng đạn nào cả. Hình như địch cũng thương đôi chân yếu đuối của một cô gái quen sống giữa yêu thương, quen được nâng niu, chiều chuộng từ nhỏ.
12.7.69
Những ngày rỗi rãi, có nhiều giờ suy nghĩ. Nghĩ gì đây mà đôi mắt vuông buồn hở cô gái giàu yêu thương suy nghĩ? Dĩ nhiên cái nhớ làm mình thấy nao nao trong dạ. Cánh Nam thân yêu ơi, ở đó những người thân yêu của ta chắc vẫn lo lắng nhớ thương ta, sẽ có một đôi mắt đen thao thức trong đêm dài khi nghe tiếng bom đạn nổ rền ngoài cánh Bắc. Đứng ngoài này mình cố len lỏi đôi mắt nhìn qua những ngọn núi đề nhìn về cánh Nam và nhận ra chỗ núi lở của Phổ Cường. Nhớ thương vô cùng! Mình ra đi, đề lại ở nhà hàng trăm nghìn khó khăn. Trung chắc đã chết rồi, anh bộ đội bị hoại thư cánh tay chắc gì đã qua khỏi… Các anh chị ở nhà chắc vất vả trăm chiều. Thương vô cùng những anh Tự, anh Kỳ, những chị Lãnh, Liên...
Có một điều làm mình thấy khổ tâm là tình thương kỳ lạ của em, tình thương ấy ít đem lại niềm vui trong sáng mà chỉ có nỗi lo buồn, đau xót và suy nghĩ mà thôi. Biết nói sao với em bây giờ, hình như đã có sứt mẻ trong những điều mà trước đây mình cảm thấy không gì có thể xâm phạm. Cuộc đời rồi sê ra sao?
14.7.69
Hôm nay là ngày sinh của ba, mình nhớ lại ngày đó giữa bom rơi đạn nổ, mới hôm qua một tràng pháo bất ngờ đã giết chết năm người và làm bị thương hai người. Mình cũng nằm trong làn đạn lửa của những trái pháo cực nặng ấy. Mọi người còn chưa qua cái ngạc nhiên lo sợ. Vậy mà mình vẫn như xưa nay, nhớ thương, lo lắng và suy tư đè nặng trong lòng. Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hoà bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương đề giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên có ân hận gì đâu!
Chiều nay lại buồn da diết, nhớ thương em kỳ lạ. Giờ này em đang làm gì? Chị tưởng như thấy em nằm trên chiếc võng đôi mắt buồn mênh mông và nỗi nhớ thương làm khuôn mặt em gầy hốc hác. Em của tôi ơi, biết nói gì với em đây hở đứa em kỳ lạ.
16.7.69
Không biết người ta nghĩ gì khi đứng nhìn một vụ oanh tạc của những chiếc phi cơ ăn cướp của giặc Mỹ. Chiều nay cũng như mọi buổi chiều khác, chiếc tàu hai thân quần mấy vòng trong xóm rồi một quả rocket phóng xuống xóm 13 Phổ An rồi liền theo đó, hai chiếc phản lực thay nhau bổ nhào Từng quả bom rời khỏi chiếc máy bay nặng nề lao xuống và bùng lên nhưng khói lửa mịt mù, những quả bom xăng hình vuông lấp loáng trong ánh nắng mặt trơi vừa chạm đến mặt đất tức thì một quả cảu lửa bốc lên đỏ rực rồi khói đen nghi ngút bầu trời. Máy bay vẫn gào rú, mỗi lần như vậy hàng loạt bom lại rơi, tiếng nổ điếc tai, nhức óc.
Từ một vị trí không xa, mình ngồi lặng nhìn mà lòng căm uất. Trong khối lửa kia ai là người bị cháy thiêu trong đó? Trong tiếng nổ long trời ai tan xác trong những hố bom đào sâu dưới đất đó? Bà già ngồi bên mình mắt đăm đăm nhìn về thôn xóm chép miệng: "Lối đó là lối bà già vợ thằng Hùng đó".
20.7.69
Lớp y sĩ sản khoa của Khu giải tán. Trong số những người lên đường đi công tác xa có chị Hai đi Gia Lai. Lá thư chị gửi về với những dòng chữ nghều ngào và thấm nước mắt. Thương chị vô vàn, chỉ có vì nhiệm vụ của Đảng người ta mới có thể có những cuộc ra đi như vậy mà thôi. Trước đây khi bước chân lên chiếc ô tô đưa mình vào Nam, mình cũng đã khóc. Nhưng trong nước mắt ấy có nhở thương đau xót và có cả tự hào vinh dự. Còn bây giờ chị ra đi, giọt nước mắt chảy dài trên mặt thấm mặn đau buồn, xót xa, thương nhớ. Để ra đi, chị gạt nước mắt vì nghĩ mình là một Đảng viên
Những chuyển ra đi vẫn còn tiếp diễn, mình đã gặp biết bao nhiêu người vì nhiệm vụ ra đi chưa chắc đa có đầy đủ niềm tự hào phấn khói khi bước chân trên con đương rất đỗi vinh quang. Vì sao ư? Dễ hiểu thôi, vì chiến trường đòi hỏi quá cao mà hậu phương thì đã tất cả cho tiền tuyến từ những năm nào. Như vậy nghĩa là sao hở Thuỳ? Nghĩa là có cái gì thoáng nét tư tưởng bi quan xuất hiện trong Th. đó.
22.7.69
Chiều mưa xa nhà.
Buồn nhớ mênh mông dày nặng như màn mưa đang che phủ quanh chân trời. Thấy mình rất đáng trách vì thật là không hợp thời, giữa cảnh nước sôi lửa bỏng này mà để lòng mềm yếu trước cảnh thiên nhiên. Nhưng thực ra không phải vì mưa đang rơi, không phải vì nếp nhà tranh không đủ che mưa với cảnh nhà cô đơn hiu quạnh này làm mình cảm thấy buồn, mà từ mấy bữa nay về sống ở đồng bằng, mình thấy cô đơn kỳ lạ. Những buổi sáng mặt trời lên trên mặt biển, những buổi chiều hoàng hôn trên cánh đồng xa và những đêm trăng rực rỡ trên bờ cát trắng…, tất cả đều là cảnh đẹp nhưng mình nào có thấy vui. Vui gì đâu khi hàng ngày đau thương tang tóc còn đè nặng trên cuộc sống chúng ta, mới hôm qua trong trận càn địch giết chết năm người và chiều chiều chúng đem bom xuống trút vào thôn xóm.
Vui gì đâu khi mỗi người một ngả, lo âu thương nhớ không phút nào nguôi. Những lá thư gửi đến mình ngắn ngủi mà tha thiết lo âu, những người thân thương nhắc nhủ mình cảnh giác, lo cho mình từng phút, từng giây. Ôi, biết nói sao bây giờ…
Chiều nay được thư em báo tin chuẩn bị đi công tác Khu 6. Nghe tin mình xót xa như được một tin buồn nặng nề. Em đi… chỗ dựa vững vàng nhất trong cuộc sống của mình trên mảnh đất miền Nam này sẽ mất. Đó là một sự thực vì không ai thương mình, lo cho mình, cảm thông với mình và hiểu mình bằng em cả. Kể cả M. cũng không thương mình bằng em đâu. Cũng hơi kỳ lạ bởi vì quả thực không có một tình thương nào tha thiết bằng em dù đó chỉ là tình chị em, tình cách mạng…
23.7.69
Một chiếc bật lửa Mỹ có khắc tên mình cạnh tên người đồng chí thân yêu. Anh Đáo đưa nó cho mình và hỏi ai khắc. Mình cười vô tư rối trả lại cho anh nhưng lúc ra về mình cảm thấy nao nao. M. ơi! Anh khắc tên em cạnh tên anh vì sao? Vì những ngày xưa thơ mộng, vì tình thương yêu đằm thắm nơi anh vẫn còn hay vì đó chỉ là một động tác bình thường của anh? Thực ra không ai làm một việc gì mà không có ý nghĩ, M. lại càng không phải là loại người như vậy. Nhưng M. ơi, anh hãy nói đi anh, vì sao anh khắc tên em cạnh tên người bộ đội giải phóng quân mà anh thường nói rằng không phù hợp với cô sinh viên y khoa ấy?
24.7.69
Gặp lại San giữa đồng bằng. San không ngờ có cuộc gặp gỡ ấy nên anh đứng sững, mừng rỡ ngạc nhiên làm anh nói chẳng nên lời. San chuẩn bị đi Bắc nên anh năn ni mời mình đến chỗ anh chơi. Nể lởi San mình theo anh về nơi anh ở. Bước chân trên cánh đống ngập nước của Phổ Văn, mình đi với anh giữa một chiều mưa tầm tã. Hai đứa định vào trú mưa ở một nhà quen San nhưng căn nhà vừa bị Mỹ đốt cháy chỉ còn vẻn vẹn một tấm tôn che không đủ chỗ ngồi cho cả chủ và khách. Thấy ở không tiện mình rủ San đi, chị chủ nhà buồn buồn nói: "Sao không ở lại ăn cơm rồi hãy đi, chú sợ cơm không chín chứ gì?". Mình và San không định ở lại ăn cơm nhưng quả thực chắc nồi cơm không chín nổi. Trời mưa như trút nước, bếp lửa thu hẹp dần chỉ còn mấy cây củi ở giữa bếp cháy được. Nồi cơm sôi yếu dần vì lửa tắt và vì nước mưa nhỏ vào nồi cơm. Có nhà quay phim nào quay một cảnh như thế này chưa nhỉ? Một cảnh đơn sơ mà nói rất nhiều với người ta về tội ác của chiến tranh.
Trong số khách ngồi trú mưa có một người cán bộ, anh ta cười kể lại câu chuyện ngày trước khi địch mới bắt đầu đốt phá. Ngày ấy giữa xóm thôn trù phú mới chỉ vài gia đình bị cháy nhà, tết đến người chủ nhà dọn mâm cúng lên trên cánh cửa cháy kê giữa nền nhà trơ trụi. Anh ta - người cán bộ - cùng bà con đến thăm thấy cảnh đó nghẹn lời không nói hết câu để động viên an ủi nạn nhân. Bây giờ khắp xóm thôn đâu cũng là như vậy, và anh cười trước cảnh chiều nay! Mình không thua bọn nó đâu, đốt cái này ta làm cái khác, khó gì đâu mấy tấm tranh là đủ rồi. Cuộc sống trong chiến tranh tạo cho người ta một yêu cầu tối thiểu. Cuộc sống chỉ còn là chiến đấu, công tác, còn những gì phục vụ con người chỉ còn là một nồi cơm với mắm, một tẩm nilon trải dưới hầm và một đôi gánh trong đó có đủ áo quần, gạo, củ, mắm muối sẵn sàng lên vài khi địch càn đến.
San ơi ra miền Bắc nhớ nói cho những người đang sống ngoài ấy rằng miền Nam còn đau khổ, chỉ khi nào hết giặc Mỹ mới thực sự có cuộc sống mà thôi.


Vương Trí Nhàn

Nhật Ký Đặng Thùy Trâm



Tập 12

26.7.69
Đoàn du kích đi cõng đạn về qua “Khe Sanh” bị Mỹ phục kích tại núi Cửa. Mấy thằng Mỹ đi phục mà nằm ngủ như chết, mấy đồng chí của mình đi sát đến nơi mới nhận ra những thằng Mỹ nằm ngổn ngang trên những tảng đá. Vì vội vàng một đồng chí lọt chân rơi xuống vực sâu may mà vướng một hòn đá nên mắc lại, bọn Mỹ liệng mìn ra nhưng không gây thiệt hại gì. Một giờ sáng mấy anh đó mới trở lại Phổ An tìm gặp Hùng (thôn đội trưởng) liên hệ chỗ ở và kể lại chuyện trên. Nằm trong hầm mình không ra chỉ lắng nghe nên không ngờ rằng trong số đó có Nhiều - thằng em út của Thuận - sáng ra nghe nói có du kích Nga Mân mình hiểu ngay người đó là Nhiều, lòng xót xa thương đứa em ngây thơ đó Chạy đi tìm nó nhưng địch càn lên, anh em đã dẫn nó đi trốn nơi khác. Vô cùng ân hận, ước gì gặp đứa em nhỏ, nắm bàn tay em an ủi động viên với tình thương của một người chị. Và em ơi, hình ảnh em là hình ảnh của đứa em trai mà chị đêm ngày thương nhớ thiết tha


27.7.69
Địch tập kích vào xóm lúc 18 giờ 30 - mọi nhà đang ăn bữa cơm chiều lật đật bỏ chén đũa, gồng gánh lên vai đi lánh địch. Mình không theo, định có chuyện gì sẽ chịu công sự. Ngồi tiếp tục ăn cơm mà đạn chưa chịu trên đầu. Trời đã tối, Tâm và Hùng mới về. Nhận định tình hình thấy ở lại không ổn nên quyết định phân tán. Mình đi Phổ Quang, Tâm và Hùng bật chạy lên 18, thấy Chín lề mề quá mình bỏ đi trước.
Ra đi trong lúc trời chập choạng tối, một mình mình đi giữa xóm thôn vắng teo không một bóng người, lòng mình thấy tủi tủi thế nào ấy. Xuống đến nhà Phượng, căn nhà vắng lạnh không một bóng người, pháo bắn cây cối đổ ngổn ngang, mùi thuốc còn khét lẹt Chạy xuống nhà chị Thịnh, chị cho biết mọi người đã ra gò hết cả. Bây giờ rất khó đi vì pháo bắn nên chị không thể dẫn đi được. Quả nhiên, chưa nói hết lời pháo đã nổ chát bên tai, lửa rực sáng cả khu vực mình ở. Đành phải ở lại nhà chị Thịnh. Đêm nay, một đêm đầu tiên mình phải sống bơ vơ, không có ai đảm bảo cho mình ngoài những người dân đối với mình chỉ có một tình thương bình thường. Gần hai năm nay đi đâu mình cũng vô tư mặc dù giữa tình hình rất căng thẳng mình vẫn thấy yên tâm vì đã có người bảo vệ chu đáo, dựa vào họ mình không phải lo lắng gì cả. Đêm nay chỉ một mình mình, lần đầu tiên kể từ ngày bước chân vào Nam mình phải suy nghĩ: Địch càn xuống mình sẽ chạy đi đâu? Nếu chúng tập kích vào đêm nay thì phải xử trí thế nào? Cần liên hệ với ai để có công sự ở?
Hầm chật và nóng nên mình cùng chị chủ nhà ra hè nằm. Muỗi vo ve bên tai làm mình không ngủ được hay vì những suy nghĩ cứ quẩn quanh bên mình. Đêm đa khuya, đài phát thanh đã hết buổi phát thanh cuối cùng mình vẫn chưa ngủ được. Có tiếng chó sủa ran trong xóm, mình ngồi dậy căng mắt nhìn vào bóng đêm phát hiện tình hình. Bỗng nhiên một ước ao vô lý mà cháy bỏng thiết tha nối dậy trong mình. Ước gì trên con đường kia sẽ xuất hiện một bóng người thân yêu, người đó là em, em sẽ gặp chị giữa lúc này. Có lẽ chị sẽ úp mặt trong cánh tay rắn rỏi của em, nước mắt chị sẽ thấm ướt trên đôi tay em mà chị lặng yên không giải thích vì sao cả.
Tại sao mình lại không nghĩ đến ai khác mà nghĩ đến em? Dễ hiểu thôi, vì trong mọi gian nguy trên đất miền Nam này em ở đó săn sóc, bảo vệ mình từng ly hmg tí, vì em đã nâng niu, chiều chuộng mình, không để mình phải khổ dù chỉ là một việc làm nhỏ nhất em cũng không để mình làm, một đoạn đường ngắn ngủi em cũng không để mình đi một mình… Bây giờ em đang làm gì? Có biết chăng đêm nay một mình chị trong cảnh chạy càn bơ vơ lạc lũng này không?
29.7.69
Chiến tranh thật tàn khốc hết mức. Sáng nay người ta đem đến cho mình một thương binh toàn thân bị lân tinh đốt cháy. Đến với mình sau cả giờ đồng hồ kể từ lúc bị nạn mà khói vẫn còn nghi ngút cháy trên người nạn nhân. Đó là một cậu bé hai mươi tuổi, đứa con trai duy nhất của một chị cán bộ xã mình ở. Một tai nạn rủi ro làm quả pháo lân tinh nổ khiến cậu bị bỏng nặng. Không ai còn nhận ra cậu bé xinh trai mọi ngày nữa. Đôi mắt đen vui cười hôm nay chỉ còn là hai hốc nhỏ mi mắt đã chín vàng, khói lân tinh vẫn còn bốc lên khét lẹt. Trông cậu ta giống như đem thui vàng trong lò ra. Mình đứng lặng người trước cảnh đau lòng đó. Mẹ cậu khóc mếu máo, hai bàn tay run rẩy sờ khắp người con, từng mảnh da bong ra, cong lên như miếng bánh tráng. Em gái và chị gái cậu vừa săn sóc cậu mà nước mắt ròng ròng chảy, còn một người con gái thì sững sờ ngồi cạnh cậu đôi mắt dịu hiền đờ đẫn lo âu, từng lọn tóc đen bết mồ hôi dính trên đôi má đỏ bừng vì xúc động và vì mệt. Từ (tên cô gái đó) là người yêu của Khánh (tên cậu bé đó). Cô vừa khiêng Khánh xuống đây. Nghe nói cần có serum truyền, Từ đã lội sông đi mua ngay. Nước sông đang lên, không biết bơi nhưng Từ vẫn băng qua sông, tình yêu đã giúp Từ sức mạnh. Bây giờ Từ ngồi đó cạnh Khánh lặng yên, nhẫn nại. Vẻ đau khổ hằn lên trên vầng trán ngây thơ của cô gái xinh đẹp - nhìn cô mình muốn viết một bài thơ về tội ác của chiến tranh, tội ác đã bóp chết triệu tình yêu trong sáng, bóp chết triệu hạnh phúc của con người nhưng mình không viết được Ngòi bút của mình không sao viết hết dù đây là một trường hợp mà mình đã thấy bằng tất cả giác quan và tình cảm của mình.
30.7.69
Mười hai giờ khuya, anh Kỷ từ cánh Nam ra báo cho mình một tin đau xót: Địch đã tập kích vào bệnh xá một cách hết sức bất ngờ. Liên đã bị chúng bắn chết trong lúc dẫn thương binh chạy. Anh em thương binh không hiểu ai còn ai mất…
Trong ba tháng trời, bốn lần bệnh xá bị đánh phá. Lòng mình cháy bỏng lo âu, ôi những người đồng chí của tôi, ai còn ai mất? Đang lang thang ở một nơi nào? Khó khăn đè nặng lên các đồng chí như hòn núi lớn và cũng đè nặng trong lòng tôi. Tôi vẫn còn đủ sức lật đổ hòn núi đó chứ các đồng chí phải lật đổ nó đi thôi, nếu không nó sẽ đè chết chúng ta chứ không còn cách nào hơn cả.
Liên ơi, hôm nào tạm biệt Th., Liên còn hôn Th. và dặn đi dặn lại rằng Thùy phải cảnh giác, nhưng hôm nay người ngã xuống trước lại là Liên, cô gái xinh xắn và xuất sắc trong công tác, cô gái cưng của bệnh xá không còn nữa. Liên ơi còn sống ngày nào Thùy thề sẽ trả thù cho Liên, cho Lý và cho cả triệu người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu sinh tử này.
31.7.69
Chị Hạnh ra báo tin cụ thể về tình hình bệnh xá. Cũng đúng ngày 28, ngày mà cách đây tròn ba tháng địch đã tập kích vào bệnh xá lần đầu. Bây giờ chúng lại tìm vào chỗ ở của ta, Liên đã hy sinh, anh Tư cũng đã hy sinh trên đỉnh đồi và Lệ thì bị chúng bắt sống.
Buồn thương căm uất làm mình lặng người mặc dù đã biết trước nhưng vẫn không thể bình tĩnh được.
Ơi những người đã mất và những người còn sống, chúng ta vẫn bên nhau, vẫn cùng sát cánh để chiến đấu với kê thù, vẫn có Liên, có anh Tư, có Lý, Hường, có triệu Linh hồn những đồng chí thân thương còn bên cạnh tôi, sống và chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
3.8.69
Gặp lại anh Tân sau ba tháng trời gian truân, tàn khốc. Anh Tân đối với mình không phải là một đồng chí Bí thư huyện uỷ mà chỉ là một người anh thân thiết Không hiểu anh có đồng ý không nếu trong quan hệ mình giữ trọn cái bản chất của một người con gái xuất thân từ Xã hội Chủ nghĩa, nghĩa là lúc nào cũng có cái bình đẳng thân thiết và thông cảm không hề phân biệt cấp bậc.
Hôm chia tay để anh đi về cánh Nam, mình từ trong Bình Mỹ trở ra, lòng băn khoăn một nỗi là mong gặp anh rước lúc anh đi. Chiều gần tối mình mới về tới nhà bỗng thấy anh đi ra. Trong bóng chiều chập choạng, màu áo của anh như điệp với không gian, chỉ còn thấy rõ trước mắt mình một nụ cười tươi, một đôi mắt sáng và đen ngời trên khuôn mặt của anh. Bỗng dưng mình thấy thương anh vô cùng, người anh lúc nào cũng giữ vững niềm lạc quan kỳ lạ. Muốn chạy đến bên anh, gục đầu trong cánh tay anh như những lần mình đi xa về gặp ba má hay cậu Hiền nhưng mình đứng yên không nói gì cả; quanh mình còn có những người khác. Anh bắt tay mình rối đi một đoạn còn dặn với "Cảnh giác nghe đồng chí Trâm?" (Mình hiểu tiếng "đồng chí anh dùng ở đây). Không suy nghĩ gì cả mình nói theo anh "Vào trong đó viết thư về nghe anh Tân". Nói xong mình ân hận, nói câu đó người ta sẽ nghĩ gì, có ai hiểu hết tình cảm anh em giữa mình và anh không? Hay là họ không hài lòng khi thấy một đồng chí cán bộ đối với một đồng chí Bí thư một cách không đúng khuôn khổ.
Anh Tân ơi, có một điều làm em đắn đo khi xem anh như một người anh trai chí thiết chính là điều này. Anh là một cán bộ to nhưng em thì không muốn điềm đó. Giá anh chỉ là một cán bộ như em thôi, em sẽ thoải mái hơn trong tình anh em đối xử hàng ngày. Anh nghĩ gì về đứa em miền Bắc này hở anh Năm?
5.8.69
Đi cấp cứu ban đêm, đường đi qua nhiều đoạn nguy hiềm, những con đường quốc lộ xe địch qua lại thường xuyên và những ngọn đồi nơi quân Mỹ đóng. Đèn từ những khu căn cứ rực sáng, mình đi giữa cánh đồng Phổ Thuận, ba bên là ba nguồn sáng rực rỡ, núi chóp, núi xương rồng và những ngọn pháo sáng treo lơ lửng phía trước mắt. Những nguồn sáng ấy theo các ngả làm bóng mình nghiêng theo các hướng, mình có cảm giác như một diễn viên đang đứng trên sân khấu như những ngày còn là cô sinh viên Y khoa trong các buổi biểu diễn ca nhạc. Bây giờ mình cũng là một diễn viên trên sân khấu của cuộc đời, mình đang thủ vai một cô gãi vùng giải phóng với bộ quần áo đen, đêm đêm theo du kích đi hoạt động giữa vùng ta và gần sát bên địch. Có thề mình sẽ gặp địch và cũng có thể mình sẽ ngã xuống, trong tay xách thuốc còn nắm chặt và người ta cũng sẽ thương tiếc người con gái đã hy sinh vì cách mạng giữa tuổi đời còn xanh ngát ước mơ.
6.8.69
Hoàng hôn trên đồng lúa bao giờ cũng giữ được vẻ nên thơ dù giữa hoàn cảnh nào cũng vậy. Mới sáng nay địch càn vào Kim Giao, trong lúc tác chiến hai đồng chí đã bị thương nặng, một đồng chí hy sinh. Tang tóc còn đè nặng bên mình vậy mà chiều nay đứng giữa đồng lúa chín vàng mình bỗng thấy cuộc sống vẫn đang lên. Người ta vẫn gặt lúa tấp nập và nụ cười vẫn tươi trên khuôn mặt người cán bộ trẻ cùng đi với mình. Anh ta tên là Công, người yêu của Liên. Liên chết hôm nay chưa được mười bữa, Công đau buồn khôn xiết nhưng giờ đây trước mặt mình anh vẫn cười tươi và câu chuyện vẫn tràn trề sôi nổi. Mới lúc nãy trước lúc đi anh ôm cây đàn măng-đô-lin chơi một bài nhạc vui. Mình nhìn anh cảm thấy kỳ lạ. Nếu đặt mình trong địa vị của Công thì sao? Chắc không thể có nụ cười và tiếng đàn sôi nổi ấy.
15.8.69
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại.
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.
Phải đọc và hiểu sâu sắc lời của Tố Hữu mới không bi quan trước cảnh này. Một trận ra quân, hai đồng chí bị thương nặng, sáu người hy sinh, mười người bị bắt sống. Trong số người hy sinh có anh Đáo, người Huyện đội trưởng của Đức Phổ. Mình quen anh từ những ngày đầu bước chân về Đức Phổ, anh ít nói nhưng sâu sắc, rất sát người, sát việc và có nhiều uy tín trong quần chúng. Trong trận này anh đã tự mình dẫn một tổ thọc sâu vào sát trung tâm quận, anh bị một viên đạn xuyên từ đáy lên đỉnh phổi, vết thương ngực hở mà không được băng bó nên anh choáng không hồi phục.
Giờ phút hấp hối anh cũng còn tỉnh táo, cũng còn đủ sức hiểu và không muốn làm phiền đến người khác. Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình - uất ức căm thù làm mình run tay. Không, mình không đầu hàng đâu ý chí trả thù sẽ đem đến thêm nghị lực cho mình. Anh Đáo ơi anh có còn nghe thấy tiếng em không? - Tiếng nói của một người đồng chí, một người em, một người bạn thề sẽ trả thù cho anh và cho những đồng chí đa ngã xuống vì ngày mai thắng lợi.
17.8.69
Nhận được thư em, buồn buồn khi thấy em hỏi: "Chị có còn nhớ đứa em mộc mạc này không?". Chao ôi, sao mà em ngây thơ thế hở đứa em thông minh dũng cảm của tôi? Bao giờ chị cũng dành cho em nhớ thương trọn vẹn, bao giờ chị cũng thương em và biết ơn trước tình thương cao cả thiêng liêng độc đáo mà em đã dành cho chị. Em có biết không, chiều nay cũng như bao nhiêu buổi chiều khác, chị vẫn nhìn về trong ấy, qua lớp sương chiều chị vẫn nhận ra đỉnh núi xanh có một vệt đất đỏ, đó là đỉnh núi của quê em, ở đó có em đang đêm ngày nhớ thương lo lắng cho chị. Bao giờ quên được em đâu?
25.8.69
Những ngày căng thẳng tột bậc. Đêm đêm bọn Mỹ đi quanh làng chui nằm trong lúa để sáng sớm tinh mơ lại bò vào làng tập kích thật sớm. Sáng nay mới mờ mờ sáng chúng đã bao quanh xóm. Mình xuống công sự với tư thế đã sẵn sàng, nằm dưới công sự nghe chúng la hét, lùng sục phía trên, cái cảm giác ghê tởm căm thù có một sức nặng như một trọng lượng đè lên trái tim mình. Trong trận càn sáng nay, mẹ con chị Thu Hương bị thương. Chị Thu Hương, người y tá xã mà xưa rày mình cùng ở với chị, mới đêm hôm cùng ngồi với mình tâm sự cho đến tận khuya. Lần đầu tiên mình nghe người mẹ của một đứa con "tập tàng" tâm sự về nỗi đau buồn trước sự lỗi lầm của họ. Thằng bé con chị bụ bẫm và xinh xắn như một đứa trẻ Tây âu sáng nay bị hai mảnh cối xuyên vào ngực đúng vùng tim không hiểu có sống nổi không. Chiến tranh là vậy đó, nó không từ trẻ nhỏ, không từ một bà già và đáng ghê tởm vô cùng là bọn Mỹ khát máu.
29.8.59
Người mẹ ẩy còn rất trẻ, nhìn khuôn mặt đầy đặn với nước da trắng trẻo và dáng người thon thả của chị ít ai biết được rằng chị đã có một đứa con lớn với ba trồi quân. Mình không hiểu gì về chị lắm, chỉ sống gần Thiện - con chị - nhưng đêm nay không hiểu sao chị đem câu chuyện tâm tình của một người mẹ về đứa con duy nhất của mình kề cho mình nghe.
Thiện năm nay mười tám tuổi. Cha của Thiện đi tập kết, người mẹ trẻ ở nhà cặm cụi nuôi con. Thiện đã lớn lên trong tình thương kỳ diệu của mẹ. Quá thương con, chị đã nuông chiều con quá mức, ngày ngày mỗi buổi đi học Thiện đòi mẹ phải trả công, bước chân về nhà Thiện đòi ăn bánh, bữa nào cơm không có cá thằng nhỏ hờn bỏ cơm đi học, làm mẹ nó phải chạy theo năn nỉ để nó về ăn một chân cơm cho khỏi đói lòng. Mười lăm tuổi Thiện đòi đi bộ đội, mẹ nó không cho nhưng Thiện đã nói là làm. Nó khai tăng một tuổi rồi theo một đồng chí bộ đội đi về đơn vị. Mẹ Thiện đưa con đi mà tin rằng giỏi lắm một tuần nữa con mình sẽ về. cái thằng nhỏ suốt ngày đòi ăn vặt, chưa hề biết làm một việc nhỏ nào từ lúc lởn đến giờ mà làm sao đi bộ đội! Nhưng chị đã lầm, cuộc đời gian khổ nhưng vinh quang của những người bộ đội đã lôi cuốn được Thiện. Thằng nhỏ chịu đựng mọi gian nan cực khổ mà nó chưa hề tưởng tượng được ra. Thiện đã trưởng thành, mười bảy tuổi em đã thành một Đảng viên. Không hiểu sao em không hề viết thư về cho mẹ, đằng đẵng ba năm ròng.
Ba năm… chắc Thiện không thể hiểu được rằng mẹ nó đã thương nhớ nó đến mức nào. Ba năm xa con cũng là ba năm ác liệt của quê nhà. Giặc càn quét đánh phá, chiếc hầm pháo nơi ăn ở cuối cùng của gia đình chị cũng bị mìn giật tan tành. Chị dẫn mẹ già đi tìm chỗ ở giữa mùa mưa, những ngày mưa lạnh nằm còng queo trong một xó hè của người khác, chị chỉ đau khổ lo âu không hiểu con mình ở đâu, có áo ấm mặc không? Với số tiền ít ỏi chị mua len đan áo cho con để đó đợi nó trở về. Hết mùa lạnh Thiện không về, chị sợ áo đã chật mùa sau, chị đem bán chiếc áo đó đan lại chiếc khác lớn hơn để đó đợi con về. Đêm ngày chị len lỏi đi tìm hỏi tin con "Anh ơi, đồng chí ơi, có biết thằng Thiện ở công trường I không?". Những người gặp chị vừa thương, vừa bật cười vì câu hỏi ngớ ngẩn đó. Trời ơi, bộ đội thì đông, vùng giải phóng thì rộng chị hỏi vậy mới biết làm sao mà tìm?
Cho đến một ngày dò hỏi tin con đã về đơn vị 48, chị chạy đến đồng chí cán bộ phụ trách xin đi tìm gặp con. Thông cảm với nỗi lòng người mẹ người thủ trưởng của chị hứa sẽ dẫn chị đi đến chỗ Thiện nhưng sau nhiều ngày công tác vất vả cộng với nỗi cực nhọc vì tìm con chị đã kiệt sức, chị đau nặng nửa tháng trời, khi chị khỏi thì đơn vị con đã lên đường hành quân đi chiến đấu. Lại những ngày xa cách lo âu đau khổ vì nhớ con. Rồi có một bữa gặp một người quen cùng xóm đang công tác tại đơn vị Thiện đóng, chị mừng hơn được của. Chị chụp hỏi đồng chí cán bộ đó về con. Anh cán bộ đồng hương ngập ngừng báo với chị rằng cách đây một tháng sau ba lần xin về thăm mẹ mà chưa được phép, Thiện đã bỏ đi đâu mất.
Nghe tin chị như người điên. Bao nhiêu nhớ thương, khao khát, hy vọng mong chờ giờ đây như tuyệt vọng, không còn sáng suốt nưa chị chỉn người cán bộ đó không một chút nề nang: "Anh không xứng là người đồng hương vì anh không có chút tình quê hương. Anh không xứng là một thủ trưởng vì anh không có anh đồng đội… Anh không hiểu gì hết, con tôi mới rời vú mẹ mà anh đành đoạn không cho nó gặp mẹ sau ba năm nó nhớ tôi. Con tôi đâu? Nếu nó chết trên đường đi tìm mẹ thì… anh biết không? Tôi sẽ tuyên truyền để không một bà mẹ nào cho con đi giải phóng nữa đâu, Chị bỏ công tác đi Sài Gòn, chị không hiểu đi làm gì nữa nhưng chỉ biết rằng nếu ở nhà chắc sẽ điên và sống không nổi nữa.
Thực ra Thiện không đào ngũ, em đã chuyển đi đơn vị khác đặc biệt hơn. Trong một buổi đi cõng gạo em đã ghé qua nhà nhưng mẹ em đâu có ở nhà. Thiện lại lên đường. Ở Sài Gòn nghe tin con về, ngay chiều hôm đó chị ra mua vé tàu trở về Quảng Ngãi. Và chị đã gặp con, ôm con trong lòng chị lan tay trên từng ke tóc, tùng vết sẹo trên người con. Con chị, thằng Thiện ốm yếu, nũng nịu ngày xưa nay đã là một đồng chí bộ đội với nước da ngăm đen và dáng người mảnh khảnh nhưng rắn rỏi. Thiện đã là một Đảng viên chính thức, một đồng chí trinh sát giỏi dạn dày gian khổ Nước mắt chị từng giọt rơi trên chiếc áo màu xanh lá cây đã bạc màu và đôi vai đã sờn vì nhiều lần mang công.
Thiện xin đơn vị về nhà mười ngày. Mười ngày làm sao cho đủ với người mẹ ấy. Như một đám ruộng khô hạn giữa mùa hè, một gàu nước mát thấm thía vào đâu? Chị không cho Thiện về đơn vị nữa.
- Không đi đâu nữa hết. Có chết mày chết ở đây tao cũng thoả mãn. Làm cách mạng ở đâu cũng được. Tao không để mày đi nữa đâu…
* * *
Nằm trên vũng cột giữa hai cột tre xiêu vẹo, mình lặng nghe chị kể. Mình cười mà nước mắt chảy dài theo những sợi tóc xoã ngang mặt. Thương chị vô vàn, cảm thông vô vàn với tấm tình của một người mẹ nhưng cần phải có một kết luận đúng đắn để chị trở thành mẹ Việt Nam điển hình về tình thương con cho đúng đắn, biết dâng con mình cho Tổ quốc. Chị ơi, chị đừng để tình thương ấy sai đường lạc lối. Em sẽ chờ kết luận của câu chuyện đề ghi tiếp vào nhật ký của em.
Đêm khuya rồi Thiện đã ngủ ngon, cậu bộ đội trở lại bé bỏng trong cánh tay âu yếm của người mẹ. Thiện ơi, người giải phóng quân đã từng lăn lộn trên chiến trường với những chiến công rực rỡ, cháu hãy nói với cô đi, cháu sẽ xứng đáng là một giải phóng quân.
30.8.69
Mấy hôm nay nóng ruột lạ lùng, nghe ở Phổ Cường tác chiến ác liệt mình thao thức lo âu, đêm ngày ra vào không yên dạ. Linh tính như báo một điều gì không lành… Và chiều nay quả nhiên tin buồn đến trong tin chiến thắng từ cánh Nam đưa ra: Trắng một đêm chiến đấu liên tục, ta diệt mười bốn tăng, một HU-LA, 15 xe nhà binh, diệt một trăm năm mươi tên Mỹ. Một du kích hy sinh, hai đồng chí bị thương. Ôi, sao đồng chí du kích đó lại là Nhiều, đứa em mồ côi cha mẹ, đứa em cưng của Thuận? Thương Nhiều chừng nào lại thương Thuận chừng nấy. Chắc em mình héo hon từng tấc ruột. Em ơi chị hiểu lòng em, lòng đứa con mồ côi chiu chắt nuôi em mình, lo cho nó từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy cho nó từng lời ăn, tiếng nói. Bây giờ… Rất tiếc rằng chị không được gần em để ôm em trong lòng xoa dịu nỗi đau khổ cho em, lau tùng giọt nước mắt chảy tràn trên đôi mắt long lanh của em.
Chiều nay địch tập kích vào làng khi đã lên đèn, xuống công sự tối om và ngột ngạt mà mình chỉ nghĩ đến Nhiều, nước mắt mình hoà với giọt mồ hôi. Nhiều ơi, chị và anh Ba, chị Bốn sẽ trả thù cho em nghe em!
1.9.69
Tiễn anh Tân lên đường đi họp lòng mình xao xuyến lo âu và nhớ anh. Tình anh em đã lớn lên trong những ngày qua. Mình cũng đã tin rằng với mình anh có một tình thương đặc biệt - nó cũng chỉ là tình anh em, tình cách mạng nhưng có cái đậm đà sâu sắc của những tâm hồn hiểu biết và cảm thông nhau. Hồi chiều ngồi lật quyển sổ của anh thấy mấy lá thư mình gửi anh vẫn cất trong trang sổ đó, mấy lá thư ngắn ngủi viết trong trang giấy xé vội. Mình biết tính anh, thư từ anh xem rồi xé đốt cả loạt nhưng mấy tờ giấy đó anh vẫn giữ nghĩa là anh đã dành cho mình một góc trong trang sổ của đời anh.
Trong những điều anh căn dặn anh Sơ (đồng chí Xã uỷ xã Phổ Văn) có việc phải bảo vệ mình chu đáo không được để tổn thất đáng tiếc, không được làm hao hụt vốn liếng của Đảng. Mình cười thầm khi nghe anh dặn: "Nhớ đấy tôi gửi đấy". Không hiểu anh Sơ có biết rằng trong câu gửi gắm ấy có tình người anh lo cho đứa em gái hay không.
Một cái tang đau đớn nhất đã đến với chúng ta. Bác Hồ đã từ trần.
Ôi, tôi không khóc mà thấy tim mình rỉ máu đau xót không thề nào tả được. Bác ơi! Sao Bác lại vĩnh biệt chúng con khi sự nghiệp còn dang dở! Nước nhà chưa thống nhất, đồng bào miền Nam chưa được đón Bác vào Nam, mà Bác đã yên giấc rồi. Bác ơi, ở bên kia thế giới chắc Bác chưa yên lòng khi nước nhà còn một nửa chìm trong lửa khói, máu dân tộc Việt Nam còn chảy ròng cho sự nghiệp của Bác và của dân tộc.
Nhớ Bác chúng con thề chiến đấu để sự nghiệp chung hoàn thành. Nhớ Bác, nước mắt đọng lại thành căm thù trút vào đầu giặc Mỹ.
Bác của con, của dân tộc Việt Nam, của tất cả những người vô sản trên thế giới hãy tin rằng Bác không bao giờ chết, tên tuổi và sự nghiệp của Bác sẽ còn sống muôn đời!
4.9.69
Thư anh Tân, lá thư do chính tay anh đưa mình sau mấy bữa xa cách. Muốn nói với anh rất nhiều mà không sao nói được. Anh cũng vậy. Tất cả chỉ vì một lý do rất giản đơn: quanh anh lúc nào cũng là người và việc! Làm sao để có một buổi dành trọn cho anh em mình hả anh Năm? Không lẽ suốt năm suốt tháng anh em mình cũng chỉ tâm tình với nhau qua những trang thư và nhật ký thôi sao Không, em không chịu đâu anh Năm à. Phải có một buổi nào anh nói cùng em nghe tất cả nghe anh.
13.9.69
Em ơi, khoảng cách không gian và thời gian càng xa thì chị càng thấy gần em hơn. Nhớ thương và lo lắng cho em hơn bao giờ hết. Ngày gặp em xa như một điểm đèn mờ nhỏ giữa đêm khuya, chị là người khách đi đường mắt đăm đắm nhìn ngọn đèn mà lòng khao khát mong đợi. Em có biết chị đã đấu tranh để em về gần chị như thế nào không? Khi thấy ý muốn không đạt được chị buồn đến nhức nhối. Giữa muôn nghìn lo âu ác liệt chị không quên được một điều: Bao giờ gặp em? Bao giờ được sống gần em như những ngày xưa thân ái? Đừng ngã xuống nghe em, hãy sống, phải sống để còn có ngày chị được ôm em trong tình thương cao quý thiêng liêng mà chị đã đặt hết cho đứa em miền Nam ấy.
Cuộc chiến còn dài, chị em mình đều là những người lính đứng ở tuyến trước. Ai biết rồi sẽ ra sao nhưng cứ tin đi, như Simonov trước đây đã tin trong bài thơ "Đợi anh về".
“Em ơi, đợi… chị về!
Đợi chị hoài em nhé…”
14.9.69
Những giấc mơ ghi lại những suy nghĩ đã hằn sâu trong suy tư của mình. Mình thấy mình trở lại Hà Nội sau bao ngày xa cách, được gặp ba má, được gặp em và… ở Hà Nội mà lại có đứa em miền Nam. Mình gặp Thuận, ngạc nhiên thấy em nhìn mình không chớp mắt - đôi mắt long lanh nỗi đau buồn. Ôi, đó hẳn là hình ảnh thực của cuộc sống đầy gian khổ hôm nay.
Những ngày này mình thường cảm thấy cô đơn và không sao ngăn được một nỗi buồn đè nặng trong tim. Bệnh xá chưa triển khai được, vẫn cảnh lang thang nay chỗ này mai chỗ khác. Chiếc giỏ xách tay nặng trĩu và nỗi lo còn nặng hơn nhiều.
23.9.69
Tháng Chín gần qua hết, thời gian qua nhanh đến không ngờ. Mùa thu đã về trên những đồng lúa ươm vàng. Cảnh ngày mùa lẽ ra phải vui vì sự no ấm đã về sau bao ngày lao động vất vả nhưng giặc Mỹ, ngụy lăm le đe doạ đồng lúa. Những đoàn tàu sáng sớm đã đổ quân xuống đi càn, những trận pháo nện vào giữa cánh đồng đông đặc bên bồ lúa… Lo âu, căm thù đã át mất niềm vui của mùa gặt. Bỗng nhiên mình nhớ đến những cuốn phim và những bài hát trên cánh đồng Xã hội Chủ nghĩa và lòng quặn thắt một câu hỏi: Bao giờ, bao giờ miến Nam mới được Hoà bình, Tự do, Độc lập?
* * *
Thư cánh Nam gửi ra không có thư em. Qua những người khác biết em đau yếu và buồn rầu đến suy nhược. Nỗi xót thương em da diết trong lòng. ở đâu làm gì cũng không quên được em. Chao ôi có cách nào san sẻ cùng em mọi khổ đau đó hở em? Cầu chúc em tôi bình an để còn gặp lại nhau em nhé. Từ nơi xa xôi gửi về em nghìn vạn nhớ thương, có nghe không người em kỳ lạ của tôi!
20.10. 69
Rất lâu rồi không ghi nhật ký. Cuộc sống lẽ nào lại để mất dần những suy tư của một con người biết suy nghĩ hay sao? Không, mình không muốn như vậy nhưng công việc đè nặng lên mình. Và hàng ngày từng cái chết đau xót của anh em đồng chí làm mình quên đi những cái thuộc về băn thân mình nhưng quyển nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này.
* * *
Anh Tám Vinh đã chết rồi! Anh Tám ơi, em không bao giờ quên anh, người nông dân chất phác cần cù thương vợ thương con và thương bạn bè đồng chí mình với tình thương vô hạn. Những đêm khuya khi mình ngon giấc ngủ anh lục đục chui trong bụi tre mở nắp công sự múc từng gàu nước để ngày mai nếu mình có xuống ở đỡ bị lạnh. Và anh cũng đã nhường những chiếc công sự không ngập để anh ra ở chỗ công sự đầy nước và khó khăn... Anh chết rồi ư anh Vinh! Không! Anh vẫn sống. Người anh cần cù giản dị rất đỗi mến phục của tôi.



tải về 0.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương