Vn và aec: Mất cân bằng nguồn lao động?



tải về 17.2 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích17.2 Kb.
#28511

VN và AEC: Mất cân bằng nguồn lao động?

BBC


Image copyright Getty Image caption Công nhân Việt Nam - hình minh họa

Vì tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam sẽ bị chảy máu nguồn lao động có tay nghề và kỹ năng tuy hiện tượng này không dễ dàng xảy ra ngay lập tức, theo nhận định của một chuyên gia kinh tế.

Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt hôm 31/12/2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức sẽ mang lại thách thức về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và lực lượng lao động Việt Nam.

Một trong trụ cột về chính sách của AEC, chính thức hình thành ngày 31/12 năm 2015 là sự thúc đẩy dịch chuyển tự do trong thị trường nội khối, gồm nguồn lao động có kỹ năng.

Báo điện tử Dân Trí tại Việt Nam đã nêu ra phân tích về những thách thức nước này cần phải vượt qua khi tham gia AEC, trong đó có việc đảm bảo năng suất, chất lượng hiệu quả nguồn lao động trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.


Chất lượng nguồn lao động còn thấp


Theo bà Phạm Chi Lan việc hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN là một bước chuyển biến tốt đối với những nước liên quan và cũng quan trọng đối với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh, trao đổi văn hóa, kinh tế.

Bà nói: “Cũng có những thách thức với Việt Nam khi tham gia AEC. Và điều thực sự đáng lo là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như lực lượng lao động đặt trong bối cảnh so với các nước ASEAN.

"Đặc biệt là các nước ASEAN tiên tiến hơn như nhóm bốn nước ASEAN lớn nhất về kinh tế trong đó có Singapore, Malaysia, Thái Lan, hay Indonesia thì Việt Nam còn có rất nhiều thách thức phải vượt lên.”

Báo Dân Trí nêu rằng Việt Nam hiện chỉ có 20% lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo. Chưa kể trình độ ngoại ngữ của lao động trình độ đại học và lao động có tay nghề của Việt Nam còn nhiều hạn chế và thấp hơn so với Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Bên cạnh đó năng lực cạnh tranh của các nước ASEAN cũng không đồng đều, và khả năng thích ứng với kinh tế thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt, khả năng chủ động khai thác cơ hội còn hạn chế.

Image copyright elvis

Tuy nhiên theo bà Phạm Chi Lan nguồn lao động của Việt Nam đang dần dần được cải thiện.

“Việc ngành giáo dục đào tạo tại Việt Nam cũng có những cố gắng lớn để đẩy mạnh cải cách hơn và có sự tham gia của khu vực tư nhân hoặc sự liên kết với các nước khác sẽ thúc đẩy nguồn lao động Việt Nam cải thiện tốt hơn trên mọi mặt và đáp ứng được nhu cầu công việc trong nước.

Bà cũng nói AEC cho đến nay mới chỉ cam kết với nhau mở cửa cho một số loại hình lao động trong các lĩnh vực mà ASEAN sẵn sàng trao đổi với nhau.

Bên cạnh đó nguồn lao động sẽ bị đòi hỏi phải có tay nghề, chứng chỉ đạt chuẩn chung của ASEAN mới có thể dịch chuyển được, chưa kể về yêu cầu hiểu biết ngôn ngữ, luật pháp của các nước tiếp nhận. Nên điều đó cũng cho thấy không dễ dàng di chuyển nguồn lực của Việt Nam sang các quốc gia khác.

"Tất nhiên những người có kỹ năng trong một số lĩnh vực thì họ cũng đang kỳ vọng cơ hội làm việc ở các nơi khác. Nhưng sức ép đối với Việt Nam không chỉ có việc chảy máu một phần những lực lượng lao động có kỹ năng ra bên ngoài. Mà ngay trong nước, tôi cũng e ngại là những người lao động có kỹ năng ở nơi khác vào thì khiến cho những người trẻ ở Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh những vị trí việc làm tốt.



Image copyright Reuters Image caption Công nhân Việt Nam trong một nhà máy chế xuất của Đài Loan

"Sức ép này là hiện hữu nhưng cũng không phải dễ dàng xảy ra được ngay lập tức trong thời gian trước mắt,” bà Phạm Chi Lan nói với BBC tiếng Việt.



"Những người lao động tay nghề tại Việt Nam cũng cảm nhận được rõ làn sóng đầu tư nước ngoài có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Với việc tham gia TPP, ký hiệp định thương mại với EU mở ra nhiều triển vọng cho Việt Nam trong làn sóng đầu tư nước ngoài. Vì vậy sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt được mở ra cho những người lao động tay nghề.

“Việc đáng lo đối với Việt Nam là làm sao tạo được lực lượng lao động và đáp ứng được nhu cầu mới của những làn sóng đầu tư, cũng như nhu cầu của chính các doanh nghiệp Việt Nam là phải nâng cao chất lượng lao động của mình để từ đó tăng năng xuất lao động,” nữ kinh tế gia bày tỏ quan ngại
tải về 17.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương