Đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia aec



tải về 34.39 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích34.39 Kb.
#28512

Đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC

AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa - xã hội). AEC là cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP khoảng 2.500 tỷ USD. Theo cơ chế này, bên cạnh dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, vốn, nguồn lao động di chuyển tự do giữa các nước ASEAN là nguồn lao động có kỹ năng. Một thị trường lao động nói chung và một phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, lao động có kỹ năng sẽ nhanh chóng được hình thành trong AEC. Việt Nam là một thành viên của ASEAN cho nên việc lao động di chuyển giữa các nước thành viên trong đó có Việt Nam là tất yếu và cũng là cơ hội để quá trình hội nhập và cạnh tranh trên phân khúc thị trường lao động có kỹ năng. Cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt và sự tham gia của lao động nước ngoài trên thị trường lao động Việt Nam cũng tất yếu.

Các nghiên cứu liên quan đến AEC đề cập nhiều đến hội nhập thương mại hàng hóa, dịch vụ. Một số nghiên cứu của các nước ASEAN và Việt Nam bước đầu đề cập đến mức độ tham chiếu nguồn nhân lực của Việt Nam với các nước ASEAN khác từ góc độ hạn chế lao động Viêt Nam (Nguyễn Huy Hoàng 2013, Bùi Thị Minh Tiệp, 2015) mà chưa phân tích những thế mạnh và khả năng tham gia đáng kể của lực lượng lao động Việt Nam vào thị trường này. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp gắn với quan sát của tác giả về mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC.

Những lợi ích của thị trường lao động có kỹ năng cao trong AEC

Với việc thành lập AEC, dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn di chuyển tự do đồng thời với cả việc di chuyển tự do lao động có kỹ năng giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN. Di chuyển lao động có kỹ năng chỉ là một dòng hành động thuộc nội dung thiết lập một thị trường thống nhất và một hệ thống sản xuất thống nhất. Bên cạnh đó, còn có các nội dung khác bao gồm thiết lập một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Như vậy, gắn với việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ, ASEAN sẽ có một mạng lưới sản xuất thống nhất, thị trường lao động có tính kết nối cao và vận hành thông suốt. Bởi vì AEC không chỉ là một khu vực thương mại tự do mà tiến đến một trình độ hội nhập cao hơn là thị trường chung. Thị trường lao động khu vực tác động tích cực đến sự vận hành thị trường và mạng lưới sản xuất. Các dòng di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn tạo lợi ích cho các bên tham gia. Việc di chuyển lao động tạo khả năng mang lại lợi ích cho lực lượng lao động như tiền lương, việc làm và sự ổn định cuộc sống. Di chuyển lao động còn phản ánh trình độ cao của mở cửa thị trường lao động cũng như năng lực quản lý lao động của các quốc gia có liên quan. Người lao động di chuyển giữa các quốc gia, bên cạnh việc mang theo kiến thức, kỹ năng, sức lực để sáng tạo giá trị còn mang theo cả phong tục, tập quán, lối sống, do đó rất dễ gây nên tính phức tạp trong quản lý di cư cũng như làm phát sinh các vấn đề xã hội. Đồng thời, lao động nhập cư còn gây ra tình trạng căng thẳng về việc làm tại nước tiếp nhận cũng như tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế. Vì vậy, việc mở cửa thị trường lao động phản ánh trình độ hội nhập cao hơn so với hội nhập về hàng hóa, dịch vụ hay vốn đầu tư. Nó cho thấy trình độ cao trong quản lý di cư của cả quốc gia xuất cư và quốc gia nhập cư.

Mặc dù chưa có các tiêu chuẩn thống nhất trong tất cả các nước ASEAN về thị trường lao động nhưng chắc chắn đây phải là thị trường của những người có chứng chỉ nghề nghiệp hoặc bằng cấp được các nước ASEAN công nhận. Mức độ lành nghề hay tính chuyên nghiệp sẽ được đặt lên hàng đầu và đây được xem là một trong những rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với thị trường lao động ASEAN.

Lợi ích từ việc hình thành thị trường lao động có tay nghề hay kỹ năng cao trong AEC bao gồm:

Thứ nhất, tạo việc làm cho người lao động có tay nghề trong ASEAN. Các số liệu cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của các nước khá cao. Trừ Campuchia, Thái Lan tỷ lệ thất nghiệp dưới 1% và Lào ở mức 1,4%, các nước còn lại trong đó có Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp từ 2-4%, cá biệt Indonesia khoảng 6% và Philippines khoảng 7% (Bảng 2). Áp lực về việc làm là động lực để lao động di chuyển nội khối. Đồng thời, khoảng cách địa lý gần nhau giữa các nước ASEAN, mức độ hiểu biết lẫn nhau khá lớn, tính tương đồng khá lớn về văn hóa, tiếp cận thuận lợi cũng là động lực thúc đẩy di chuyển lao động.

Thứ hai, lao động không có kỹ năng sẽ không được di chuyển tự do, cho nên quy định về di chuyển tự do lao động có kỹ năng giữa các nước ASEAN tạo ra một phân khúc thị trường lao động khá hẹp và có sự sàng lọc đáng kể đối với lao động di chuyển. Với quy định này, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các nước ASEAN và đây là áp lực buộc phải đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN. Trong dài hạn, chắc chắn có sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu lực lượng lao động, đặc biệt là khả năng tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo của các nước ASEAN.

Thứ ba, lợi ích thu được của các quốc gia từ việc di chuyển này sẽ gia tăng rất lớn vì lao động có kỹ năng cạnh tranh, tạo khả năng năng cao năng suất lao động, cải thiện đáng kể chất lượng công việc cũng như làm giảm chi phí lao động có kỹ năng.

Thứ tư, tạo áp lực để các nước thành viêc hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, quy định cũng như các đạo luật khác trước hết để thích nghi đồng bộ với quy định về lao động của các nước trong ASEAN. Đặc biệt, những yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ASEAN càng khẳng định đây là khâu đột phá chiến lược của Việt Nam để tập trung nhiều hơn nguồn lực.

Mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam trong AEC

Phân tích về nguồn nhân lực Việt Nam của Liên hợp quốc cho thấy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng giai đoạn 2010-2040 và theo kinh nghiệm các nước, đây là giai đoạn nền kinh tế có khả năng cất cánh để trở thành nước công nghiệp. Giai đoạn này của Việt Nam tương tự với Indonesia và Malaysia. Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất để nguồn nhân lực Việt Nam có thể tham gia vào thị trường lao động AEC. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt sang Malaysia với hàng ngàn chỉ tiêu mỗi năm với thu nhập trung bình 150-200USD/tháng với nhiều loại ngành nghề khác nhau, từ đơn giản như giúp việc gia đình đến làm nghề xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp (Vietcombank, Agribank, Sacombank, Tập đoàn Hoàng Anh Gialai…) Việt Nam đã mở chi nhánh và hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.

Thực tiễn cho thấy, thương mại Việt Nam với các nước ASEAN chiếm tỷ trọng đáng kể với khoảng 20% tổng thương mại của tất cả các đối tác. Nhiều đối tác đầu tư trực tiếp quan trọng tại Việt Nam là các nước ASEAN (như Singapore luôn là một trong ba nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam). Nhân lực Việt Nam có khả năng đảm nhận những công việc kể cả vị trí điều hành khá cao trong doanh nghiệp của các đối tác đầu tư đến từ ASEAN (cuộc thi tay nghề ASEAN tổ chức vào cuối năm 2014 tại Hà Nội với kết quả giải nhất thuộc về đội Việt Nam đã chứng tỏ điều đó). Chưa kể, một số lượng đáng kể người Việt Nam di chuyển sang các nước ASEAN bằng con đường du lịch và tìm việc làm phi chính thức tại các nước ASEAN cũng là dấu hiệu cho thấy, khả năng tiếp cận nhanh chóng với thị trường lao động ASEAN. Hầu hết các danh mục ngành nghề của Việt Nam các nước ASEAN tương tự nhau, cho nên đây là khía cạnh không tạo ra sự khác biệt quá lớn trong đào tạo nghề nghiệp và sự công nhận lẫn nhau. Đến nay, ASEAN cũng đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức như: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, chứng chỉ giám sát, nhân lực nghề y, nha khoa, kế toán, du lịch. Những dấu hiệu trên cho thấy, tiềm năng đáng kể của lao động Việt Nam trong việc sẵn sàng tham gia cộng đồng ASEAN.

Các yếu tố cấu thành thế mạnh và mức độ sẵn sàng của lao động Việt Nam trong tham gia AEC cũng cho thấy có những yếu tố cản trở hoặc làm giảm mức độ sẵn sàng này:



Thứ nhất, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, bằng 1/5 năng suất lao động của Thái Lan và Malaysia. Đó là chưa đề cập đến so sánh với năng xuất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Newzealand mà những đối tác này đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN và khả năng mở rộng thị trường lao động sang các nước này là không tránh khỏi. Đây là yếu tố làm giảm khả năng hấp dẫn lao động Việt Nam trước các nhà tuyển dụng nước ngoài, thậm chí là khía cạnh để các nhà tuyển dụng tăng tính khắt khe trong yêu cầu đối với lao động Việt Nam.

Thứ hai, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam chưa đồng đều, trong đó tỷ trọng của trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp dưới 50% tổng số lao động (Bảng 3) cùng với chỉ số phát triển con người (HDI) khá thấp so với các nước ASEAN 6 và không cao hơn đáng kể so với nhóm CLM (Capuchia, Lào, Myanmar). Chỉ số HDI của Việt Nam là 0,638 trong khi của Singapore là 0,901 và Myanmar là 0,524.

Thứ ba, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN chưa cao. Chẳng hạn, chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam đặc biệt các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học các thứ tiếng Thái Lan, Lào, Campuchia hoặc tiếng của các nước ASEAN khác. Cho nên, khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới khó khăn. Ngoài ra, vấn đề kỹ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có sự phân tích và nhận dạng đúng để có giải pháp khắc phục.

Các đề xuất khuyến nghị

Dự kiến, đến ngày 31/12/2015, AEC được thành lập. Theo đó, Việt Nam tham gia khá toàn diện và sâu rộng, trong đó có cả nguồn nhân lực. Đây là một cuộc cạnh tranh thực sự và trực tiếp, cho nên Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả từ phía Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Từ nay đến cuối năm 2015 là khoảng thời gian vô cùng quý báu để sẵn sàng cạnh tranh, sẵn sàng chấp nhận thách thức cũng như khai thác mọi cơ hội đang mở ra trong AEC.

Đối với Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về AEC, đặc biệt về lao động có kỹ năng cao, các tiêu chuẩn cụ thể được các nước ASEAN khác công bố và áp dụng; đồng thời, tổng kết kinh nghiệm thích nghi và sẵn sàng của các quốc gia khác để làm bài học tham chiếu cho Việt Nam. Công tác thông tin về tình hình lao động các nước cũng cần được công bố công khai để các doanh nghiệp, dân cư tiếp cận thuận lợi. Theo đó, các thỏa thuận được ký kết cần thông báo cụ thể đến từng doanh nghiệp và dân cư, đặc biệt tới đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học, trung tâm dạy nghề… chuẩn bị tốt nghiệp. Các cuộc hội thảo, diễn đàn, trang thông tin điện tử và định hướng dư luận cần đặc biệt được coi trọng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một cổng thông tin điện tử quốc gia về thị trường lao động trong AEC hoặc sàn giao dịch, chợ việc làm trong AEC với thông tin thiết thực về chính sách, tiêu chuẩn, mức tiền lương, điều kiện sinh hoạt để người dân dễ dàng tiếp cận; Sắp xếp và phát triển các cơ sở đào tạo và trung tâm đào tạo nghề nghiệp nhằm thích nghi với điều kiện thành lập AEC, trong đó cần chú ý đào tạo ngôn ngữ các nước ASEAN; Công bố chứng chỉ của các cơ quan được ASEAN thừa nhận để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận cũng như yêu cầu các nước ASEAN khác công bố thông tin này trên cổng thông tin điện tử của Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, cần tích cực, chủ động nghiên cứu thị trường ASEAN, trong đó có thị trường lao động để có thể hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn nghề nghiệp nhằm có kế hoạch thích nghi. Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề, rèn luyện thể lực, cường độ và năng suất lao động có thể thực hiện trong vòng 6 tháng đến 12 tháng nhằm rèn luyện các loại kỹ năng cần thiết và cập nhật thông tin để thích nghi với thị trường các nước ASEAN. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống công ty đào tạo lao động có kỹ năng cao thuộc các loại ngành nghề được ASEAN công bố; kết hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề nhằm tạo môi trường tốt nhất cho lao động Việt Nam khi tham gia thị trường lao động trong AEC. Ngoài ra, cần mạnh dạn kết nối với các cơ sở đào tạo có uy tín trong ASEAN để học hỏi kinh nghiệm cùng nhu để thích nghi chủ động trong AEC.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng và ThS. Trần Đức Thắng, "Đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia AEC", Tạp chí Tài chính, http://tapchitaichinh.vn, số tháng 5/2015.



http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi---binh-luan/danh-gia-nguon-nhan-luc-viet-nam-khi-tham-gia-aec-63821.html

tải về 34.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương