V¡n ho¸ viöt nam: toµn cçu ho¸ Vµ thþ tr¦êNG


C¸C T¤N GI¸O B¶N §ÞA Vµ ¶NH H¦ëNG CñA Nã §ÕN §êI SèNG V¡N Ho¸ CñA NG¦êI VIÖT NAM Bé



tải về 1.77 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.77 Mb.
#17135
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17



C¸C T¤N GI¸O B¶N §ÞA Vµ ¶NH H¦ëNG CñA Nã
§ÕN §êI SèNG V¡N Ho¸ CñA NG¦êI VIÖT NAM Bé

G



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN VAÊN HOAÙ VIEÄT NAM





S.TS Ngô Văn Lệ*


Đồng bằng sông Cửu Long là một đồng bằng lớn ở nước ta với diện tích 39.000km2, chiếm 12% diện tích cả nước. Xét về nhiều phương diện, hiện nay và trong tương lai lâu dài đồng bằng sông Cửu Long cùng với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – văn hoá ở nước ta. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mới đối với lịch sử lâu đời của nước Việt Nam. Nhưng chính vùng đất này lại là vùng đất hứa, là niềm hy vọng của bao lớp cư dân vì nhiều lý do khác nhau đã đến đây để sinh cơ lập nghiệp, mưu cầu cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn. Các thế hệ người Việt cùng với các thế hệ của các tộc người anh em khác đã chung lưng đấu cật khai phá và bảo vệ vùng đất này, làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như trong xây dựng hoà bình. Do tính chất và tầm quan trọng của vùng đất này nên từ lâu đã có nhiều công trình nghiên cứu về nó111.

Khi nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là một vùng văn hoá lịch sử, ngoài những nội dung liên quan đến một vùng cụ thể, tức khu vực học, có một số vấn đề cần được quan tâm đến. Những vấn đề đó thường có tính đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long làm nên sắc thái của một vùng văn hoá, chi phối một cách sâu sắc đến các yếu tố văn hoá, đến sự phát triển kinh tế – văn hoá, xã hội của cả khu vực cũng như của từng cộng đồng dân cư sinh sống trên vùng đất Nam Bộ.

Trước hết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mới so với các khu vực khác của Việt Nam. Cách đây mấy thế kỷ, nơi đây còn là một vùng đất hoang vu, thiên nhiên khắc nghiệt, môi sinh đa dạng bao gồm các tiểu vùng khác nhau. Những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và đa dạng, có những nét đặc thù so với các vùng khác trong nước ảnh hưởng một cách trực tiếp và sâu sắc đến việc hình thành các yếu tố văn hoá của cư dân trong vùng.

Mặt khác, so với các vùng khác ở nước ta, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều yếu tố thiên nhiên thuận lợi, thích hợp với nền kinh tế đa dạng, đáp ứng được những yêu cầu trong đời sống thường nhật.

Thứ hai, đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nhiều tộc người sinh sống. Xét về thành phần tộc người thì dễ dàng nhận thấy ở đồng bằng sông Cửu Long là hết sức đa dạng. Có thể nói đây là một trong số những vùng khá đặc biệt, không những đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Đây là một trong những vùng đồng bằng duy nhất mà ở đó có bốn tộc người cư trú khác biệt nhau về mọi phương diện. Chưa nói đến là nơi đây đã từng có một số tộc người sinh sống nhưng do những biến động lịch sử họ đã di chuyển đến nơi khác112. Những biến động lịch sử làm cho làn sóng di cư xảy ra liên tục113. Ở đây đã diễn ra ba hình thức di dân. Đó là di dân tự nhiên, di dân cơ chế, di dân tại chỗ114. Các tộc người cư trú ở đồng bằng sông Cửu Long có mặt vào các thời điểm khác nhau. Giữa những tộc người này có sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, tổ chức xã hội, tôn giáo. Sự khác biệt đó là những trở ngại ban đầu cho quá trình tiếp xúc. Nhưng trải qua một khoảng thời gian dài cùng cộng cư trên một lãnh thổ phải thường xuyên chống kẻ thù xâm lược và thiên nhiên khắc nghiệt và do quá trình sống xen kẽ đã xảy ra quá trình giao lưu văn hoá (echanges culturelles), và tiếp biến văn hoá (acculturation) giữa các tộc người tạo nên những yếu tố văn hoá chung giữa các tộc người sinh sống ở đây và những quá trình đó vẫn đang xảy ra dưới những tác động tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ của các nền văn hoá. Do vị trí địa lý của mình mà vùng đất này từ lâu đã là nơi giao lưu, hội tụ của các nền văn minh khác nhau. Nằm trên trục giao thông quan trọng, người dân mở rộng giao lưu buôn bán với các vùng khác và cũng luôn mở cửa để đón nhận những yếu tố văn hoá du nhập từ ngoài vào. Cũng do quá trình tiếp xúc thường xuyên với thế giới bên ngoài nên đã xảy ra quá trình hỗn dung văn hoá.

Thứ tư, đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nhiều tôn giáo. Trên vùng đất này, ngoài những tôn giáo du nhập vào từ bên ngoài vào hay do những đoàn lưu dân mang theo như Phật giáo, Công giáo, Islam, Tin Lành, còn có nhiều tôn giáo chỉ xuất hiện ở đây mang sắc thái địa phương rõ rệt như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hoà Hảo. Những tôn giáo này thường có tính hỗn hợp (syncretisme) bởi giáo lý được lấy từ các tôn giáo khác.

Chúng tôi đã trình bày một số đặc điểm có tính đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long. Nếu đem so sánh với các vùng khác của Việt Nam thì rõ ràng bên cạnh những nét chung của đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là một phần lãnh thổ của Việt Nam trong không gian của Đông Nam Á nhưng lại có những khác biệt mà chúng ta dễ dàng nhận ra. Khi nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long có một thực tế là có rất nhiều tôn giáo bản địa. Những tôn giáo này có ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận dân cư. Nhưng tại sao các tôn giáo đó lại ra đời ở Nam Bộ và cũng chỉ ảnh trong giới hạn của không gian Nam Bộ. Qua các tài liệu đã được công bố, qua thực tiễn công tác ở các tỉnh phía Nam trong những năm qua, chúng tôi thử nêu lên một số nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của một số tôn giáo mà phạm vi ảnh hưởng chỉ giới hạn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Dân tộc học Xôviết trước đây, nhà dân tộc học đồng thời cũng là một nhà tôn giáo học nổi tiếng người Nga, Giáo sư Tiến sỹ S. A. Tocarev nêu lên luận điểm cho rằng tôn giáo là một hiện tượng xã hội115. Vấn đề này đã dẫn đến cuộc thảo luận học thuật được đăng tải trên tạp chí Dân tộc học Xôviết trong nhiều năm. Các nhà dân tộc học Xôviết đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này116. Trong bài viết có tính chất tổng kết cuộc trao đổi sôi nổi này, Giáo sư S. A. Tocarev vẫn bảo lưu ý kiến của mình117. Chúng tôi tán thành ý kiến của Giáo sư S. A. Tocarev khi nói về tôn giáo như là một hiện tượng xã hội. Và một khi coi tôn giáo như là một hiện tượng xã hội thì nguyên nhân ra đời của các tôn giáo cũng phải được xem xét trong bối cảnh xã hội nhất định. Không đặt trong một khung cảnh xã hội nhất định với các mối liên hệ thì chúng ta sẽ không có cơ sở để lý giải các hiện tượng xã hội có liên quan đến sự ra đời của các tôn giáo. Trên cơ sở lập luận như vậy, chúng tôi trở lại xem xét nguyên nhân làm nảy sinh những tôn giáo bản địa ở đồng bằng sông Cửu Long ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Bối cảnh xã hội mà chúng tôi nói đến trong bài viết này là bối cảnh xã hội của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Giai đoạn lịch sử này, do tính chất và đặc điểm của chính nó, từ lâu đã được các nhà khoa học lưu tâm đến118.

Bối cảnh xã hội Việt Nam ở giai đoạn này theo chúng tôi có mấy vấn đề cần được quan tâm đúng mức như sau:

1. Tính chất phản động của triều đình nhà Nguyễn

Vào đầu thế kỷ XIX, được sự giúp đỡ của các thế lực trong và ngoài nước, Nguyễn Ánh đã khôi phục được quyền thống trị cho dòng họ Nguyễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do bản chất của chính quyền này là một dòng họ vua quan đầy tham vọng cho nên khi nắm được chính quyền trong cả nước, bản chất đó hướng triều đình đi tới một đường lối có tính bảo thủ, ngoan cố và cổ hủ nhằm tái lập chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu tập quyền dòng họ trên phạm vi cả nước. Quyền hành tập trung trong tay vua tới mức bất kỳ một công việc gì dù lớn hay nhỏ các quan dưới quyền cũng không được tự ý thi hành nếu không có ý kiến của nhà vua. Hệ thống hành chính quan liêu hoạt động theo ý muốn của nhà vua và dựa vào bộ luật được ban hành từ thời Gia Long có tên Hoàng Việt luật lệ, thường gọi là Luật Gia Long. Đây là bộ luật dựa theo luật nhà Mãn Thanh, một thứ luật của kẻ thống trị ngoại tộc xâm lược. Đó là thái độ của nhà Nguyễn đối với nhân dân, một thái độ rõ ràng là đàn áp, trừng trị và đối lập. Nhà nước đó chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực “phong kiến phản động tàn tạ, không có cơ sở xã hội nào ngoài giai cấp địa chủ”119.

Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính cũng thể hiện tính chất nhất quán của triều Nguyễn. Trong lĩnh vực ruộng đất, đường lối chung là sự tái lập và phát triển một cách ưu tiên các loại sở hữu nhà nước và sở hữu làng xã để là cơ sở cho nền kinh tế nhà nước, đồng thời hết sức chú ý đến sự phát triển sở hữu địa chủ trên cơ sở hạn chế sở hữu nhỏ tự canh của nông dân tập thể120. Đường lối này không phù hợp với yêu cầu phát triển lịch sử nên không thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Về các ngành kinh tế khác như thủ công nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, nhà Nguyễn cũng có một chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động kinh tế và đã thu được một số thành tựu nhất định121. Tuy nhiên, trong các công trường khai mỏ nói chung vẫn là lối sản xuất thủ công, quan hệ chủ thợ còn mang tính chất cưỡng bức lao dịch, chưa tạo được những chuyển biến căn bản giúp cho sản xuất phát triển. “Tổ chức phường thủ công ở nước ta cho đến thế kỷ XIX chịu sự chi phối nặng nề của nền kinh tế tự nhiên kiểu phương Đông, do vậy tính năng động bị hạn chế. Những tục lệ của phường, quan hệ gò bó giữa thợ cả và thợ bạn, việc giữ bí mật chuyên môn, không truyền nghề cho con gái, kiểu mẫu không thay đổi… đã cản trở không ít sự phát huy sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của người thợ thủ công”122. Nền kinh tế hàng hoá bị nhiều cản trở với các chế độ thuế khoá nặng nề, không thể phát triển được. Nền kinh tế thương nghiệp cũng bị hạn chế bởi chính sách trọng nông ức thương. Chính sách nội thương của nhà Nguyễn chưa thực sự tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Việc nhà nước độc quyền mua bán nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng, thu mua lâm thổ sản quý với lệ thuế phiền phức đã ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nội thương. Nền kinh tế tiền tệ không đóng vai trò tích cực để góp phần làm phát sinh những quan hệ kinh tế mới vì đại bộ phận thu nhập của nhà nước là bằng hiện vật.

Tất cả các quan lại trong hệ thống chính quyền đều được trả lương bằng gạo, ít khi bằng tiền. Tất cả những điều đó làm giảm đi vai trò của tiền tệ trong nền kinh tế.

Về hệ tư tưởng, hệ thống chính là Nho giáo. Vì hệ tư tưởng Nho giáo tồn tại lâu đời trong xã hội Việt Nam và cùng với việc thờ cúng thần linh, tổ tiên được coi là phương tiện tốt nhất tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa triều đình và thần dân. Sở dĩ các vua nhà Nguyễn đề cao vai trò của Nho giáo trong đời sống chính là nhằm khẳng định ý thức hệ chính thống của vương triều trong bối cảnh mới. Nhưng đây không phải Nho giáo thời kỳ cực thịnh đã đóng góp một cách tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như những thế kỷ trước mà trái lại, vẫn hoàn toàn dựa theo khuôn mẫu của Trung Hoa là những gì hết sức bảo thủ trói buộc con người, là công cụ thống trị nhân dân. Mọi tư tưởng khoa học không được biết đến, mọi đề xuất cho việc canh tân đất nước đều không được lắng nghe.

2. Đời sống khổ cực của những người lao động

Chính sách kinh tế của nhà Nguyễn đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân cùng với các yếu tố khác góp phần tăng thêm nỗi thống khổ của nhân dân. Ngay sau khi vượt qua được bão táp khởi nghĩa nông dân để khôi phục lại quyền thống trị của dòng họ Nguyễn, triều đình Nguyễn đã tỏ rõ sự tận hưởng đắc thắng bằng những hành động xa xỉ đáng lên án. Nguyễn Ánh chiến thắng quân Tây Sơn nhưng không đóng đô ở Thăng Long theo truyền thống hay ở thành Gia Định, nơi đã bỏ ra bao công sức xây dựng và cũng là chỗ dựa để Nguyễn Ánh đoạt được quyền thống trị trong cả nước. Nguyễn Ánh xây dựng kinh thành Huế với quy mô lớn gấp hàng chục lần thành Gia Định theo kiểu Trung Quốc. Biết bao nhiêu tiền của và công sức của nhân dân bỏ ra phục vụ cuộc sống xa hoa của vương triều này. Ch. Maybon, một người phương Tây có mặt ở Việt Nam vào thời gian đó đã viết: “Nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây toà thành và các công trình công cộng khác”. Và ở Huế “đã có tám vạn người từ các nơi trong cả nước đang khẩn trương xây dựng một toà thành bằng gạch. Từng đoàn dài dân, thợ đang chuyên chở vật liệu… Những đống gạch, những xưởng rèn, những lán trại… tất cả tạo thành một cảnh tượng rất khó hình dung nếu không được chứng kiến tận mắt. Tiếng búa đập, tiếng kêu la của cả một đội quân dân phu khổng lồ ấy gây thành một thứ tiếng ồn ào, nhức óc, nhưng tất cả vẫn cặm cụi làm việc, chẳng ai dám nghỉ tay”123. Xây dựng kinh thành xong, nhân dân lại phải tốn công sức và tiền của cho việc xây dựng các lăng tẩm dành cho vua sau khi chết”. Tình trạng lao dịch dưới triều các vua Thiệu Trị và Tự Đức cũng tương tự các đời vua trước... Năm 1841, khởi công xây dựng lăng Minh Mạng, cung điện, đường vào lăng, lầu các, thuyền xe, voi ngựa, các đồ dùng của các tiên đế không thiếu thứ gì. Dân các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hoá, Bắc Ninh vận chuyển vật liệu về kinh đô chủ yếu khuân vác bằng đường bộ. Dân phu bị bệnh ngày một nhiều, khi mới phát chỉ có 50 – 60 người chết, rồi đến 400 – 500, rồi lại lên đến hơn 3.000 người124.

Còn đối với bọn quan lại, sử sách ghi lại đầy rẫy những dẫn chứng không thể bác bỏ về đời sống xa hoa, truỵ lạc, tham ô, đê tiện của chúng.

Để bù đắp lại những chi phí khổng lồ cho việc xây dựng kinh thành, lăng tẩm và phục vụ đời sống xa hoa của cả một vương triều và bọn quan lại, không có cách nào khác là huy động sức người và sức của trong nhân dân. Người nông dân phải đóng nhiều loại thuế. Ngoài thuế ruộng đất khá nặng nề, họ còn phải đóng thuế đinh và nó trở thành một trong những nguồn thu nhập lớn nhất của nhà nước phong kiến. Người nông dân phải đi lính, đi phu để phục vụ cho đời sống vốn đã rất xa hoa của bọn thống trị. Những người thợ thủ công cũng phải đóng thuế hết sức nặng nề. Họ vừa phải đóng thuế đinh vừa phải nộp thuế sản phẩm125.

Đời sống của người nông dân khổ cực còn do thiên tai gây nên. Sử sách đã ghi nhận những trận bão lụt lớn gây mất mùa. Từ "năm 1806 đến năm 1846 có 17 năm đê vỡ”. Và “năm 1842 ở Nghệ An, nước biển dâng lên 14 – 15 thước làm đổ nhà 50.413 hộ, thuyền đắm, 5.347 người chết (Nghệ An nặng hơn Hà Tĩnh ba lần). Tháng 5 nhuận Bính Ngọ (1846), hai tỉnh này lại chịu trận bão lớn: 24.821 nhà đổ, 820 đền chùa vỡ, 305 thuyền, 154 người chết”. Hay "vào năm 1851 ở Ninh Bình và Nam Định bị một trận bão lớn, một giáo sỹ chứng kiến tại chỗ ước tính 10.000 người chết”126. Trong cơn hoạn nạn, người dân không nhận được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp để khắc phục thiên tai. Bọn quan lại địa phương nhiều khi lại lợi dụng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh để làm giàu, gây thêm tai hoạ cho người dân nghèo. Ngoài lụt, bão, một tai hoạ không kém khủng khiếp thường gây ra bao nỗi thương tâm là các trận dịch bệnh. Theo Quốc sử di biên, từ cuối năm 1802, Gia Định đói lắm, quan trấn phát gạo cho dân mượn. Năm 1820, bệnh dịch diễn ra từ mùa thu qua mùa đông, khởi đầu từ Hà Tiên suốt đến Bắc Hà, số dân chết đến 206.835 người127. Dịch bệnh xảy ra làm chết người, làm hao mòn sức lực, ảnh hưởng đến sản xuất và đến các sinh hoạt cộng đồng khác. Đi kèm theo thiên tai, dịch bệnh là nạn đói triền miên cũng gây không ít nỗi thống khổ cho người lao động. Thiên tai, dịch bệnh, nạn đói làm cho đời sống của người nông dân tại các làng quê Việt Nam khổ cực, đã xô đẩy nhiều nông dân phải rời bỏ quê hương phiêu tán. Ngay cả vùng Gia Định đất rộng, người thưa mà vào năm 1854 đã có tới 2 vạn dân phiêu tán128. Rõ ràng những chính sách của nhà Nguyễn sau khi thiết lập bộ máy cai trị trong cả nước chưa làm được gì nhiều để có những tác động tích cực làm chuyển biến kinh tế – xã hội Việt Nam. Đời sống của nhân dân lao động trong cả nước rất cơ cực, đưa đến những cuộc đấu tranh quyết liệt.

3. Sự phản kháng của nhân dân 

Chính sách bóc lột tàn nhẫn của cả một hệ thống quan lại từ trung ương đến các địa phương đã đẩy những người lao động vào thế cùng, buộc họ phải phản ứng một cách mãnh liệt để bảo vệ sự sống cho gia đình, cho những người thân và cho chính bản thân họ.

Giai cấp cơ bản và đông đảo trong xã hội là nông dân. Vấn đề cơ bản của nông dân là ruộng đất – tư liệu sản xuất chính và cũng là nguồn sống chính. Nhưng những nguyện vọng chính đáng của họ không được đáp ứng và do đó có những phản ứng tuỳ theo cấp độ. Cấp thấp nhất là đòi chia lại ruộng đất. Cấp cao hơn là ly tán, bỏ quê hương ra đi. Cấp cao nhất thể hiện phản ứng gay gắt của nông dân là tham gia các cuộc khởi nghĩa. Tất nhiên các cuộc khởi nghĩa nổ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau (như mâu thuẫn quyền lợi giữa các phe phái, sự bần cùng của người dân, sự bất bình đẳng quyền lợi giữa các tộc người...). Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu chi phối hình thức đấu tranh là ách áp bức bóc lột của bọn quan lại địa chủ. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, liên tục với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Trong khoảng thời gian nửa thế kỷ, dưới triều Nguyễn đã có tới 415 cuộc khởi nghĩa129 nổ ra ở cả ba miền Nam, Bắc, Trung với sự tham gia của những nhà Nho, đồng bào các tộc thiểu số. Có những cuộc khởi nghĩa kéo dài hàng chục năm, với những trận đánh lớn làm rung chuyển cả một vùng như khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo nổ ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hay như cuộc khởi nghĩa do Nông Văn Vân lãnh đạo “một cuộc đấu tranh rộng lớn và tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số” nửa đầu thế kỷ XIX như nhận định của các tác giả bộ Lịch sử Việt Nam130. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp ba miền, trong đó có những cuộc đấu tranh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gây một tiếng vang: “Phong trào đấu tranh chống triều Nguyễn trên địa bàn Nam Bộ những năm đầu vua Thiệu Trị, đáng chú ý hơn là các cuộc khởi nghĩa ở Lạc Hoá (Trà Vinh), ở Ba Xuyên (Sóc Trăng), ở Thất Sơn (An Giang) và Hà Âm, Hà Dương (Kiên Giang), đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong cục diện đấu tranh của nhân dân Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX”131. Đặc biệt có cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi nổ ra ở Gia Định132. Tuy xét về xuất phát điểm (hay nguyên nhân) cuộc khởi nghĩa này là do những xung đột của các phe phái quý tộc nhưng có sự tham gia đông đảo nhân dân vùng Gia Định và phụ cận vì nó cùng chung mục tiêu là chống chính quyền nhà Nguyễn ruỗng nát, nguyên nhân của những nguyên nhân gây nên nỗi thống khổ cho những người lao động. Nói về ý nghĩa của các cuộc đấu tranh của nhân dân diễn ra trong giai đoạn này, GS. Nguyễn Phan Quang có nhận xét: "Phong trào đấu tranh của nông dân và nhân dân các dân tộc chống triều Nguyễn liên tục, quyết liệt trong hơn 50 năm xét cho cùng là nhằm chống lại sự huỷ hoại tiềm lực dân tộc của nhà nước thống trị. Không cam chịu chết dần chết mòn vì đói rét bệnh tật, các tầng lớp bị trị đã vùng lên tìm lối thoát cho sự sống còn của bản thân mình, cũng tức là đấu tranh cho sự tồn tại của xã hội, của cả dân tộc”133.

4. Cuộc xâm lược của pháp và những hậu quả của nó

Chính sách bế quan toả cảng và chính sách sát đạo đã tạo cho thực dân phương Tây cái cớ để chúng thực hiện âm mưu xâm lược nước ta. Ngày 31/5/1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược. Chúng muốn chiếm Đà Nẵng để làm bàn đạp tấn công Huế. Nhưng chúng đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của nhân dân và quan quân nhà Nguyễn trước hoạ mất nước. Sau đó, chúng chuyển hướng tấn công Gia Định, vốn là chỗ dựa của Nguyễn Ánh trước đây với mục đích là giành một địa bàn quan trọng và thuận lợi cho việc hành binh và lưu thông thương mại, đồng thời để gây sức ép với triều đình Huế qua việc cắt đứt con đường vận chuyển lương thực từ miền Nam ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, để rồi từ đó Pháp sẽ có điều kiện phát triển chiến tranh sang Campuchia, Lào rồi tiến lên vùng biên giới giữa Lào và Trung Quốc.

Để thực hiện dã tâm đó, vào tháng 2 năm 1859, Pháp chuyển quân từ Đà Nẵng và tiến dần lên Sài Gòn. Ngày 10 tháng 2 năm 1859, chúng đánh chiếm những đồn nhỏ trên đường tiến vào Sài Gòn. Mặc dù gặp sức kháng cự nhưng cuối cùng chúng cũng chiếm được và tiến đánh Gia Định. Thành Gia Định với mức độ khá quy mô và kiên cố vào thời bấy giờ cũng không thể bảo vệ được trước sức tấn công của thực dân Pháp. Để rồi sau khi chiếm được thành Gia Định, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng lấn chiếm các tỉnh khác như Định Tường (Mỹ Tho), Biên Hoà. Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) đã thừa nhận ba tỉnh miền Đông Nam Bộ và Côn Đảo thuộc Pháp.

Trong khi triều đình nhà Nguyễn từng bước nhượng bộ thực dân Pháp (vì quyền lợi của dòng họ), nhân dân ta ở các tỉnh bị Pháp chiếm vẫn tiếp tục đấu tranh. Đó là những cuộc kháng chiến đầu tiên và còn tiếp diễn mãi.

Đến năm 1867, chỉ trong vòng một tuần thực dân Pháp chiếm các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Đến đây kết thúc giai đoạn đầu trong kế hoạch chung xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Và cũng từ đây bắt đầu một giai đoạn mới trong lịch sử nước ta. Mặc dù vua quan nhà Nguyễn từng bước nhượng bộ nhưng nhân dân ta với lòng yêu nước không cam tâm nhìn cảnh đất nước bị ngoại bang thống trị vẫn đấu tranh kiên cường. Kể từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta đã gần 150 năm, thời gian đủ để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về sự kiện này. Nói về nguyên nhân dẫn đến mất nước và trách nhiệm của nhà Nguyễn trước sự kiện này, chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của GS. Đinh Xuân Lâm: "Triều Nguyễn nhanh chóng bỏ rơi vai trò lãnh đạo nhân dân kháng chiến, trượt dài và nhanh trên con đường thoả hiệp, đầu hàng Pháp để rồi bắt tay với Pháp đàn áp và bóc lột nhân dân trong cả nước…".

Theo dõi cuộc chiến đấu chống Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX, ta thấy rõ nhân dân ta với nhiệt tình yêu nước sáng suốt, ngay từ giờ phút đầu của cuộc chiến đấu đã biết tự nguyện tạm gác mối thù giai cấp để đứng lên bảo vệ Tổ quốc dưới lá cờ của triều đình. Chính do đối lập sâu sắc với nhân dân cả nước nên triều Nguyễn đã nhanh chóng từ bỏ vai trò lãnh đạo rồi bắt tay với kẻ thù dân tộc đàn áp thống trị nhân dân. Đã vậy, đứng trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, chúng vẫn không hề thay đổi chính sách phản động về các mặt làm cho đất nước ngày càng suy yếu hơn. Kết quả là khả năng bảo vệ độc lập dân tộc đã nhanh chóng triệt tiêu và đến một lúc nào đó thì việc mất nước đã trở thành tất yếu. "Nhà Nguyễn đã biến việc nước ta bị mất vào tay Pháp từ chỗ không tất yếu thành tất yếu”134. Và "Những vị hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Nhân dân xứ này, quan lại, binh lính xứng đáng có quyền được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Phải công nhận nước Việt này đã có một sức sống vô cùng mạnh mẽ để có thể chịu đựng và chiến đấu trong bao nhiêu năm dài – trong khi thiếu thốn tất cả mọi phương tiện – để có thể bảo vệ đất nước họ. Chính phủ họ đã mù quáng vì không dự liệu, không chuẩn bị gì hết”135. Những nhận xét đánh giá như vậy là rất chính xác và khoa học.

Như vậy, chúng tôi đã trình bày một cách hết sức khái quát bối cảnh xã hội Việt Nam, trong đó có Nam Bộ, giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – giai đoạn nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và xác lập ách thống trị ngoại bang lên toàn bộ đất nước. Sự du nhập phương thức sản xuất mới, sự xuất hiện của người nước ngoài cùng với việc đầu tư về kinh tế đã tác động mạnh tới sinh hoạt vật chất và đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Nhưng rõ ràng những biến đổi đó còn chậm “trong xã hội, trật tự đẳng cấp Sỹ – Nông – Công – Thương và các quan hệ gia đình dựa trên tư tưởng Nho giáo, về cơ bản vẫn giữ nguyên như trước và vẫn tiếp tục giữ vai trò chi phối đời sống làng xã, cũng như trong cộng đồng dân tộc. Phải đợi đến đầu thế kỷ XX, cùng với cuộc khai thác thuộc địa trên quy mô lớn của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam mới có những chuyển biến cơ bản và lớn lao hơn136. Đó là ý kiến nhận xét của GS. TS. Nguyễn Văn Khánh về cơ cấu kinh tế – xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp. Chúng tôi tán thành ý kiến nhận xét này khi tiếp cận nghiên cứu về sự ra đời của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ. Nhưng qua việc trình bày này khó có thể nêu lên được những tác nhân trực tiếp dẫn đến việc xuất hiện những tôn giáo bản địa ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như luận điểm đã được trình bày ở trên. Rõ ràng, nếu chỉ căn cứ vào bối cảnh xã hội Việt Nam mà không tính đến những hoàn cảnh cụ thể của Nam Bộ lúc bấy giờ thì không thể nào giải thích được sự ra đời của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ.

Chúng tôi cho rằng những gì mà chúng tôi vừa trình bày về bối cảnh xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều có những tác động đến miền Nam, nhưng chung quy vẫn là những nguyên nhân gián tiếp. Còn nguyên nhân trực tiếp theo chúng tôi phải xem xét từ hoàn cảnh cụ thể của Nam Bộ trong giai đoạn này, những vấn đề có tính đặc thù của Nam Bộ mà chúng tôi nhìn nhận như là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ra đời những tôn giáo bản địa Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Điều đó cũng góp phần lý giải vì sao những tôn giáo đó chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi Nam Bộ mà không lan ra các vùng khác của Việt Nam.



5. Thành phần cư dân phức tạp 

Những lưu dân vào Nam Bộ khai hoang, lập nghiệp là những người nghèo khó hay vì những lý do khác nhau không thể sinh sống ở quê nhà, nơi “chôn nhau, cắt rốn”, phải rời bỏ quê hương ra đi. Những lưu dân ra đi từ nhiều vùng miền khác nhau chính vì thế thành phần cư dân vô cùng phức tạp. Họ ra đi từ nhiều làng quê ở miền Bắc, miền Trung, gặp nhau ở vùng đất lạ mà thiên nhiên lại vô cùng khắc nghiệt: "Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông cá lội trên giồng cọp um”, hay: "Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma”. Ở các làng miền Việt miền Bắc, miền Trung thành phần dân cư không phức tạp như vậy. Thông thường mỗi làng chỉ bao gồm thành viên của một vài dòng họ. Nhìn chung thành phần cư dân ở đó tương đối thuần nhất, những thành viên trong một làng (công xã) thường có mối quan hệ thân thuộc. Còn những người từ vùng khác di cư đến (thường số lượng không nhiều) là dân ngụ cư và hầu như không có vai trò gì trong mọi hoạt động của làng (xã). Tình hình đó cho đến ngày nay vẫn còn có thể thấy ở các làng miền Bắc137.

Đứng về mặt nào đó cũng phải thừa nhận nông dân nói chung không bao giờ tự giải phóng được mình mà chỉ làm đội quân hùng hậu dưới sự lãnh đạo của các giai cấp khác mà thôi. Nông dân biết rất rõ vì sao họ chịu khổ cực nhưng họ lại không biết nguyên nhân của cái nguyên nhân đó. Nông dân do trực quan thấy được rằng họ khổ là do không có ruộng đất, nhưng họ lại chưa hiểu vì sao họ không có ruộng đất, họ cũng không biết là bị bóc lột như thế nào. Đối với họ, có lẽ số phận đã sinh ra như thế và chính ở trong tình trạng đó đã tạo môi trường để nảy sinh các màu sắc tôn giáo và phương thuật của phong trào nông dân.

Làng Việt Nam Bộ là làng khai phá. Quá trình hình thành làng Việt ở Nam Bộ khác với quá trình hình thành làng ở miền Bắc và miền Trung. Nếu như các làng Việt Bắc Bộ ra đời do sự tan rã dần của công xã nông thôn mà dấu tích còn lại chính là ruộng công điền, công thổ thì làng Việt Nam Bộ ra đời do nhu cầu khai phá đất mới từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Có làng do dân cư từ nhiều nguồn khác nhau tập hợp lại trong quá trình khai phá, cũng có làng vốn là những đồn điền của chúa Nguyễn, của nhà Nguyễn.

Mặt khác, do dân cư có nguồn gốc khác nhau nên trong làng có thành viên của nhiều dòng họ khác nhau, làm cho mối quan hệ dòng họ vốn rất bền chặt ở các làng Việt Bắc Bộ có phần lỏng lẻo hơn và cũng không có cảnh “trong họ ngoài làng”, "ba họ chín đời", cũng vì thế mà không có sự phân biệt chính cư, ngụ cư vốn hết sức nặng nề trong các làng Việt Bắc Bộ. Một điều cũng dễ dàng nhận thấy là cùng khai hoang lập làng với người Việt còn có người Khmer, người Hoa, người Chăm, thậm chí còn có cả các tộc người khác đã từng cư trú ở đồng bằng sông Cửu Long trước khi người Việt có mặt ở đây. Trong quá trình khai hoang lập làng giữa các tộc người đã diễn ra quá trình giao lưu văn hoá có sự trao đổi, tiếp nhận những giá trị văn hoá. Quá trình đó diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ, kết quả là đã hình thành vùng văn hoá "văn minh miệt vườn" với những đặc trưng rất khác biệt so với các vùng văn hoá khác. Ngoài ra, ở các làng xã Nam Bộ hầu như không có hương ước, vốn rất phổ biến ở các làng Việt Bắc Bộ. Làng Việt Nam Bộ được hình thành trong quá trình khai phá, mối quan hệ dòng họ lỏng lẻo trong vùng có nhiều thành phần tộc người sinh sống, làng không vận hành theo hương ước, không có các tổ chức phi quan phương cùng song hành với các tổ chức quan phương như các làng Việt Bắc Bộ. Tất cả những nhân tố đó góp phần lý giải sự ra đời các tôn giáo bản địa của người Việt ở Nam Bộ.

6. Không có hệ tư tưởng chủ đạo chi phối 

Có một thực tế là những người nông dân Việt vào Nam Bộ khai hoang lập làng (ấp) "hầu hết là những người nghèo khổ, dốt nát, đủ tinh thần thực tiễn mà thiếu chữ, đủ đức làm dân, làm người mà không thuộc kinh truyện138. Xét về cơ bản, nền giáo dục của lớp cư dân vào Nam Bộ khai hoang vẫn nằm trong khuôn khổ của ý thức hệ Nho giáo. Đó là nền tảng giáo dục của xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng những di dân lại là những người nghèo khó, những người vì những lý do khác nhau đã phải rời bỏ quê hương, môi trường lao động cực nhọc ở miền đất mới không phải là mảnh đất tốt cho Nho giáo bám rễ sâu. Nhà nước phong kiến không quan tâm đến việc học hành, thi cử mà chỉ quan tâm đến việc thu thuế, bắt lính. Đó là lý do giải thích vì sao ở giai đoạn đầu trong quá trình khai phá, giáo dục không được quan tâm. Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam khá sớm và đã có ảnh hưởng rất lớn về mọi mặt139. Từ thế kỷ XV, Nho giáo đã chiếm được vũ đài chính trị và thay thế vai trò của Phật giáo. Nhà Lê đề cao Nho giáo vì những đóng góp của Nho sỹ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Do đó, Nho giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống mọi mặt của nhân dân ta thời đó. Nhưng một khi chính trị suy vi, Nho giáo cũng mất dần địa vị độc tôn. Khi vào tới Nam Bộ, Nho giáo đã nhạt dần lại tồn tại trong bối cảnh cư dân vốn là những người nghèo khó ít học thì khó lòng có thể xác lập được một chỗ trong xã hội để chi phối và ảnh hưởng như nó đã từng có trong xã hội Việt Nam.

Phật giáo du nhập vào nước ta từ đầu Công nguyên và đã từng có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành những đặc điểm văn hoá Đại Việt và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ thời Lý, và đặc biệt là thời Trần, Phật giáo đã chi phối một cách sâu sắc đến đời sống mọi mặt của nước ta và để lại một di sản văn hoá có giá trị cho tới ngày nay. Nhưng dần dần Nho giáo đã thay thế vai trò của Phật giáo. Phật giáo từ bỏ vũ đài chính trị trở về với quảng đại quần chúng nhân dân lao động nhưng đã mất đi cái ảnh hưởng lớn lao đã từng có. Bởi vì kể từ thế kỷ XV bắt đầu thời kỳ suy vi của Phật giáo. Trong bối cảnh như vậy, lại ở những vùng đất đầy khó khăn, những giáo lý cao siêu của Phật giáo ở một mức độ nào đó không còn thích hợp với những lưu dân rời bỏ quê hương vì nhiều lý do khác nhau. Một khoảng trống trong đời sống tâm linh của những lưu dân trên vùng đất phương Nam xa xôi với cội nguồn chưa được lấp đầy. Bằng con đường hoạt động tích cực của các giáo sỹ phương Tây, Công giáo đã du nhập vào Việt Nam. Đến thế kỷ XIX, Công giáo đã có một lượng tín đồ đáng kể và phát triển mạnh mẽ ở các vùng ven biển, nơi có điều kiện tiếp xúc với các giáo sỹ phương Tây. Nhưng đây là tôn giáo mới du nhập vào nước ta trong bối cảnh xã hội đầy biến động. Hơn thế nữa, Công giáo có những giáo lý xa lạ với những tập tục truyền thống vốn có lâu đời ở nước ta, gắn bó với những người lao động. Do đó, Công giáo khi du nhập vào Nam Bộ ngay từ đầu đã vấp phải sức chống đối. Về sau này khi thực dân Pháp đã thiết lập được ách thống trị của mình trong phạm vi cả nước và đã tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho Công giáo có thể mở rộng nhưng Công giáo cũng chỉ gây được ảnh hưởng khiêm tốn140. Chỉ sau năm 1954, với âm mưu di cư nửa triệu người Công giáo từ miền Bắc vào Nam do chính sách ưu ái Công giáo của chế độ Mỹ nguỵ, vai trò của Công giáo mới rõ ràng hơn ở dải đất miền Nam Việt Nam.

Như vậy, chúng tôi đã trình bày một cách rất khái quát những tôn giáo hiện hữu ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng như vai trò và những ảnh hưởng của những tôn giáo đó đến đời sống của người Việt. Do những nguyên nhân rất khác nhau, các tôn giáo đó ảnh hưởng rất hạn chế đến đời sống của những lưu dân trên vùng đất mới. Một khoảng trống, một sự hụt hẫng trong đời sống tâm linh là có thật đối với những lưu dân khi phải sống xa cội nguồn, khi mà cuộc sống nhiều khó khăn, bất trắc luôn đe doạ.



7. Một môi trường sống đa dạng

Những lưu dân từ miền Trung hay miền Bắc vào Nam Bộ vốn trước đây sinh sống ở những vùng tương đối thuần nhất xét về phương diện môi trường. Khi họ di cư vào Nam Bộ, họ thấy một thiên nhiên đa dạng và bí ẩn. "Ruộng đồng mặc sức chim bay/ Biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi” hay: "Tới đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”. Môi trường nơi con người sinh sống có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, hình thành những đặc trưng văn hoá vật chất cũng như văn hoá tinh thần của một cộng đồng141. Mảnh đất này còn là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng tộc người vốn từng sinh sống lâu đời hay mới di cư tới. Sự xáo trộn về phương diện dân cư thường bị tác động bởi nhiều yếu tố mà kết quả cuối cùng là dẫn đến sự giao lưu văn hoá. Do cư dân ở đây vốn là tín đồ của các tôn giáo khác nhau nên cũng đã xảy ra sự tiếp nhận các yếu tố tôn giáo khác nhau. Hiển nhiên trong sự giao lưu đó sẽ có cả những yếu tố tích cực và cả yếu tố mê tín dị đoan. Một khía cạnh khác cũng cần lưu ý là ảnh hưởng của môn phong thuỷ (geomancie) xem vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long như là một vùng linh địa, miền đất thiêng, nơi xuất hiện những nhân vật hiển linh cứu người.

Trong bối cảnh như vậy, những yếu tố thiên nhiên đa dạng, trình độ dân trí có hạn được giải thích một cách huyền bí là những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện các tôn giáo mang tính cứu thế suốt thế kỷ XIX, và rộ lên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. G. Cuolet đã có những miêu thuật khá tốt trong cuốn sách Những xã hội kín trên đất An Nam142. Đó là một đặc trưng đáng lưu ý ở Nam Bộ với hai địa điểm huyền bí: miền Bảy Núi và núi Bà Đen. Đó cũng là hai trung tâm xuất hiện hai tôn giáo mới: đạo Cao Đài và đạo Hoà Hảo.

Đạo Cao Đài được một nhóm trí thức và giới thượng lưu thời Pháp thành lập vào năm 1926, hỗn hợp giáo lý của các tôn giáo đương thời (kiểu tôn giáo Islam) nhuốm màu sắc Đạo giáo về nội dung và phương pháp hành lễ lấy kinh nghiệm tổ chức đạo của Công giáo, tôn Đấng Chí tôn ngồi trên đài cao như một Đấng tối cao, đứng trên các vị sáng lập các tôn giáo Đông Tây theo nguyên tắc Tam giáo đồng nguyên, ngũ chi hợp nhất (Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, Công giáo và đạo Phong thần của Khương Tử Nha). Đạo phát triển mạnh ở miền Đông Nam Bộ, sau tràn lan ra khắp miền Nam.

Đạo Hoà Hảo thì ngược lại, xuất hiện ở miền Bảy Núi năm 1939 tại làng Hoà Hảo – làng của người đứng ra lập đạo Huỳnh Phú Sổ và cũng vì vậy mà đạo này được gọi là đạo Hoà Hảo. Đạo kế thừa truyền thống của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (1848) và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa phát triển rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long, giáo lý dựa trên truyền thống của các tôn giáo dân tộc và đạo Phật được phổ thông hoá bằng bốn điều: ơn Tổ quốc, ơn Pháp bảo, ơn đồng bào, nhân loại được thể hiện qua các bài sấm truyền theo hình thức song thất lục bát của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tự nhận là người được thánh nhân phù trợ, trời sai xuống cứu thế trước là cứu thể xác (chữa bệnh), sau là cứu linh hồn. Triết lý của đạo mộc mạc, lễ thức đơn giản chỉ thờ một tấm trần điều, hương hoa, nước lã tại gia, không có nơi thờ tự công cộng, thích hợp với tâm lý và tình cảnh của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Và cũng tại chính vùng đất Nam Bộ trong thời kỳ tiến hành hai cuộc kháng chiến cho đến nay, nảy sinh và phát triển những đạo mới, trong đó có đạo Dừa, một số đạo phái Tin Lành khác xa với giáo lý của đạo Tin Lành chính thống cũng như một số hiện tượng tôn giáo mới như Long Hoa Di Lặc, Thanh Hải vô thượng sư.

Chúng tôi đã nêu lên một số nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của những tôn giáo bản địa ở Nam Bộ vào những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các nghiên cứu gần đây cũng đã giải thích những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ. Trong bài viết Đạo Cao Đài – một thực tiễn khách quan, một thế ứng xử, GS. Đặng Nghiêm Vạn đã đưa ra “một số nguyên nhân dẫn đến đạo Cao Đài trở thành tôn giáo” như sau:

– Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến ngày nay. Sự xuất hiện các tôn giáo hay một số hiện tượng tôn giáo mới thường do những người ở tầng lớp giàu có, tri thức đương thời khai sáng. Đạo Cao Đài hơn các đạo mới thành lập khi mọc, khi lặn ở chỗ đã hiểu được tâm lý xã hội người nông dân Nam Bộ đương thời.

– Về phương diện tôn giáo, điều đáng lưu ý nhất là đạo Cao Đài mang tính thực tiễn143.



Có thể có các cách lý giải khác nhau về nguyên nhân ra đời các tôn giáo bản địa Nam Bộ. Nhưng có một thực tế là các tôn giáo chỉ ra đời trong xã hội của người Việt Nam Bộ và cũng chỉ giới hạn trong phạm vi đó. Rõ ràng xã hội của người Việt Nam Bộ và bối cảnh của xã hội Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời các tôn giáo ở Nam Bộ và cũng chính những điều đó lại chế định vùng ảnh hưởng của các tôn giáo đó. Khi các tôn giáo đó ra đời và xác lập được vị trí của mình trong đời sống của cư dân Nam Bộ, đến lượt mình, các tôn giáo mới lại tác động đến đời sống mọi mặt của cư dân. Bởi vì, một sự du nhập hay là sự xuất hiện của một tôn giáo ở một xã hội nào đó nếu xét trên bình diện văn hoá là sự xuất hiện một thành tố văn hoá mới. Tôn giáo, dù là những tôn giáo có tính quốc tế (như Phật giáo, Công giáo…) hay một tôn giáo có tính khu vực (như Ấn Độ giáo, Khổng giáo…) hay có tính địa phương (như Cao Đài, Hoà Hảo…) cũng chỉ là một thành tố (component) văn hoá của một tộc người. Vì rằng, trước khi các tôn giáo đó du nhập hay mới xuất hiện ở một tộc người thì bản thân tộc người đó đã có một nền văn hoá của mình. Nhờ có những giá trị văn hoá nên các tộc người mới tồn tại và phát triển. Cho nên, mặc dù tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống mọi mặt của một tộc người, thậm chí còn là nền tảng văn hoá của một tộc người nhưng không phải là tất cả.

Văn hoá của một tộc người bao gồm những giá trị vật thể và phi vật thể mà tôn giáo chỉ là một trong nhiều thành tố góp phần làm phong phú văn hoá của tộc người. Tôn giáo không phải là tổng thể văn hoá của một tộc người. Nhưng “tôn giáo là hình thái ý thức xã hội ra đời và phát triển từ hàng ngàn năm nay, tồn tại cùng loài người trong một thời gian khó mà đoán định trước được. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, tư tưởng văn hoá – xã hội và tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của nhiều quốc gia, dân tộc, của các tầng lớp người, nhất là đối với thế hệ trẻ”144. Một nhận định có tính chất bao quát như vậy theo chúng tôi cũng rất phù hợp với tình hình thực tế ở Nam Bộ khi các tôn giáo bản địa ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Và trong bối cảnh cụ thể của Nam Bộ khi các tôn giáo mới ra đời cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống mọi mặt của cư dân. Chúng tôi xin được trở lại vấn đề các tôn giáo bản địa ra đời ở Nam Bộ vào những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống mọi mặt của cư dân Nam Bộ, trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo. Như là một hệ quả, các tôn giáo đó với tư cách là một thành tố văn hoá mới đã góp phần làm phong phú thêm văn hoá của người Việt Nam Bộ. Các tôn giáo bản địa ra đời vào các thời điểm khác nhau nhưng đều ra đời ở Nam Bộ mà tín đồ chủ yếu là nông dân, địa bàn cư trú chủ yếu vẫn là nông thôn, nơi có điều kiện bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống. Nếu như trước đây trong không gian văn hoá Nam Bộ, người Việt với những giá trị văn hoá truyền thống của mình đã cùng cộng cư với người Khmer, người Hoa, người Chăm có những đặc trưng văn hoá riêng đã tạo nên bức khảm văn hoá khá đa dạng. Tuy nhiên, văn hoá người Việt vẫn là một thể thống nhất cho dù có một bộ phận người Việt theo Phật giáo hoặc Công giáo với số lượng hạn chế. Giờ đây khi xuất hiện các tôn giáo mới, cho dù có được tổ chức chặt chẽ hay không, có hệ thống giáo lý hay không, một sự kế thừa các tôn giáo có trước, hay là một sự hỗn dung thì các tôn giáo đó vẫn tồn tại như một thực thể và chính những điều đó đã góp phần làm cho bức tranh văn hoá Nam Bộ thêm phong phú. Những quy định của giáo luật mà mỗi tín đồ của các tôn giáo này thực hiện và phải tuân thủ (như quy định về y phục, lễ phục, việc búi tóc, hình thức thờ cúng, lễ vật…) đã làm cho họ khác với những người không theo các tôn giáo đó. Có một thực tế là các tôn giáo ra đời ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng văn hoá Việt, mà cái nôi là đồng bằng sông Hồng có truyền thống ngàn năm đã hằn sâu vào tiềm thức các thế hệ người Việt cho dù họ sinh sống ở đâu. Những lễ hội truyền thống, việc thờ cúng tổ tiên, những quan hệ dòng họ, quan hệ làng xã là hằng số văn hoá tạo nên bản sắc không dễ dàng có thể loại bỏ. Các tôn giáo mới ra đời trong sự kế thừa và hỗn dung các tôn giáo có trước không đủ mạnh để thiết lập ảnh hưởng một cách tuyệt đối nên không đủ sức phá vỡ nền tảng văn hoá truyền thống bền vững của người Việt, để xác lập vị trí độc tôn của tôn giáo mới như chúng ta đã thấy hiện tượng đó đã xảy ra ở một số nơi145. Do đó, ảnh hưởng của các tôn giáo này đến đời sống tín ngưỡng người Việt cũng có giới hạn. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao các tôn giáo mới ra đời ở Nam Bộ lại không cực đoan như một số giáo phái mới ra đời ở các nơi khác, thường mở rộng vùng ảnh hưởng cũng như giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tôn giáo bằng các cuộc bạo lực vũ trang mang nặng tính kỳ thị tôn giáo. Và nó cũng thể hiện khả năng tiếp biến văn hoá của người Việt trong môi trường mới.

Những người nông dân Việt trong quá trình khai hoang lập làng cùng cộng cư với các tộc người khác, có ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo khác biệt nhưng bằng năng lực và dựa trên nền tảng văn hoá truyền thống đã biết cởi bỏ những ràng buộc không còn phù hợp để tiếp nhận có chọn lọc những giá trị văn hoá của các tộc người khác làm phong phú văn hoá, nhưng lại không làm mất đi những nét đẹp của văn hoá truyền thống. Các tôn giáo ra đời ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều thể hiện tính nhập thế như là một trào lưu diễn ra trong suốt thế kỷ XIX và rộ lên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Phật giáo Hoà Hảo nói pháp môn là học Phật tu nhân nhưng trong thực tế đời sống nhiệm vụ của người tín đồ tập trung vào tu nhân. Thực hiện tu nhân các tín đồ chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá truyền thống Việt Nam và đi vào cụ thể hơn như đã được nhấn mạnh trong quan điểm tứ trọng đại ân: ân tổ tiên, cha mẹ, ân quê hương, đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào, nhân loại. Còn đối với Cao Đài, trừ nhóm nhỏ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, còn các phái khác đều tự xem là phổ độ, hướng dẫn đồng bào tu hành để được giải thoát. Các hoạt động thực tiễn của Cao Đài và Hoà Hảo kể từ khi lập đạo cho đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, khi mà ở một mức độ nào đó vai trò của những người đứng đầu các tôn giáo này đã giảm, đã thể hiện rõ tính nhập thế. Những người đứng đầu các tôn giáo này thậm chí đã thành lập các đảng phái chính trị, các lực lượng vũ trang tham gia tích cực vào đời sống chính trị, trở thành những thế lực nhất định trên chính trường ở miền Nam trước năm 1975. Với tinh thần bình đẳng, khoan dung, ý thức trách nhiệm chia sẻ với đồng loại có một hoạt động mang tính xã hội rất tiêu biểu của các tín đồ hai tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo là việc làm từ thiện. Là những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc khi vào công tác ở miền Nam, lúc đầu chúng tôi rất ngạc nhiên về hoạt động nhân đạo của các tổ chức và các cá nhân, nhất là các tôn giáo. Bất kỳ một sự thiệt hại nào do thiên tai gây ra cho đồng bào ở các vùng miền khác nhau như lũ lụt, bão gió thì có ngay một phong trào quyên góp ủng hộ, chia sẻ. Với các tín đồ của các tôn giáo bản địa những hoạt động từ thiện còn nằm trong đường hướng tu hành và với một tinh thần chia sẻ khó khăn khi hoạn nạn, việc làm từ thiện được các tín đồ thực hiện hàng ngày và rất tự nhiên.

Ngoài những hoạt động tôn giáo bình thường hàng ngày mà mỗi tín đồ phải thực hiện, hàng năm các tôn giáo bản địa còn tổ chức một số ngày lễ trọng với quy mô cộng đồng, nhằm củng cố đức tin, khuếch trương thanh thế, phát triển đạo. Đối với Hoà Hảo có những ngày lễ trọng sau (tính theo âm lịch):

– Ngày 1 tháng giêng: Tết Nguyên đán;

– Ngày 15 tháng giêng: Lễ Thượng nguyên;

– Ngày 8 tháng tư: Lễ Phật đản;

– Ngày 18 tháng năm: Lễ khai đạo;

– Ngày 15 tháng bảy: Lễ Trung nguyên;

– Ngày 12 tháng tám: Vía Phật thầy Tây An;

– Ngày 15 tháng mười: Lễ Hạ nguyên;

– Ngày 25 tháng một (tháng 11): Lễ sinh nhật ông Huỳnh Phú Sổ;

– Ngày 8 tháng chạp (tháng 12): Lễ Phật thành đạo.

Còn đối với Cao Đài có các ngày lễ trọng sau (tính theo âm lịch):

– Ngày 9 tháng giêng: Lễ vía Đức Chí Tôn (Thượng đế);

– Ngày 15 tháng giêng: Lễ Thượng nguyên;

– Ngày 15 tháng hai: Lễ vía Thái Thượng Lão Quân;

– Ngày 8 tháng tư: Lễ vía Thích Ca Mâu Ni;

– Ngày 15 tháng bảy: Lễ Trung nguyên;

– Ngày 15 tháng tám: Lễ hội yến Diêu trì Kim Mẫu;

– Ngày 15 tháng mười: Lễ Hạ nguyên và Lễ Khai đạo;

– Ngày 15 tháng chạp (tháng 12): Lễ đưa các Chư Thánh triều thiên.

Nhìn vào hệ thống những ngày lễ trọng trong năm giữa tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo thì thấy có sự khác nhau trong một số ngày lễ gắn liền với từng tôn giáo, số còn lại phần lớn gắn liền với những ngày lễ trong năm của người Việt. Điều này một lần nữa khẳng định các tôn giáo bản địa khi ra đời đã dựa trên nền tảng căn bản của văn hoá truyền thống của người Việt. Và sự xuất hiện các thành tố văn hoá mới tuân thủ những quy luật của phát triển văn hoá. Đó là, văn hoá của bất kỳ một tộc người nào trong quá trình tồn tại và phát triển đều có sự kế thừa truyền thống (tradition), sự cách tân (innovation), sự giao lưu văn hoá (echanges culturelles) và sự tiếp biến văn hoá (acculturation). Các tôn giáo ra đời ở Nam Bộ trong không gian xã hội của người Việt là sự kế thừa những giá trị văn hoá truyền thống, có sự cách tân, có giao lưu và tiếp biến văn hoá nhưng rõ ràng những giá trị văn hoá mới này không đủ sức phá vỡ cơ tầng văn hoá truyền thống vốn đã tạo nên sức mạnh để cho tộc người Việt tồn tại và phát triển trong hơn ngàn năm Bắc thuộc, để xác lập vị trí độc tôn, chi phối đến đời sống mọi mặt của người Việt Nam Bộ.

Cũng đã xảy ra một tình hình tương tự ở xã hội người Chăm. Khi Islam du nhập vào xã hội người Chăm đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của Bàlamôn giáo vốn có ảnh hưởng sâu rộng chi phối đến mọi khía cạnh đời sống của người Chăm để rồi dẫn đến một kết quả là Bàlamôn giáo không mất đi ảnh hưởng nhưng lại xuất hiện một cộng đồng Bàni. Bàni là một cộng đồng theo Islam được tiếp biến rất mạnh mẽ của văn hoá truyền thống Chăm ở Việt Nam, mà địa bàn cư trú giới hạn ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Cộng đồng dân cư này, tuy thừa nhận là những người theo tôn giáo Islam nhưng lại có sinh hoạt tôn giáo độc lập với cộng đồng Islam của người Chăm ở Nam Bộ, cũng như đối với cộng đồng Islam thế giới. Cộng đồng Chăm Bàni tuân thủ giáo lý Islam theo một cách riêng, trong đó có nhiều điều hoàn toàn xa lạ với giáo luật Islam, như có tầng lớp tu sỹ tách biệt với tín đồ làm nhiệm vụ trung gian giao tiếp giữa tín đồ với các vị thần thánh, với thượng đế, các tín đồ không làm lễ mỗi ngày năm lần. Cũng như nhóm Bàlamôn, họ vẫn giữ chế độ mẫu hệ, vẫn tiến hành các tập quán của cha ông, vẫn làm những nghi lễ với nhóm Bàlamôn, trong các trường hợp các nghi lễ này có liên quan tới các hệ thống thuỷ lợi…146. Chúng tôi nói đến trường hợp văn hoá của người Chăm, như muốn nhấn mạnh đến một thực tế là cho dù trong lòng xã hội người Việt Nam Bộ đã xuất hiện những tôn giáo mới nhưng những tôn giáo này chỉ góp phần làm phong phú văn hoá của người Việt mà không đủ sức làm mất đi những giá trị văn hoá truyền thống.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận những tác động của các tôn giáo mới, với tư cách là những thành tố văn hoá, đối với đời sống của người dân với tư cách là một tín đồ. Những công trình nghiên cứu gần đây về tôn giáo bản địa ở Nam Bộ147 đã đề cập đến những tác động đó. Nhưng theo chúng tôi, những tác động đó cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó. Bởi vì, trong đời sống hàng ngày của người Việt nói chung và người Việt Nam Bộ nói riêng, việc thờ cúng tổ tiên không chỉ riêng trong việc cúng bái ngày giỗ chạp, ngày sóc, ngày vọng mà còn liên quan đến các phong tục tập quán của cộng đồng, của từng cá nhân như liên quan đến những thời điểm quan trọng nhất trong chu kỳ đời sống của một con người: sinh đẻ, hôn nhân, lúc về già, khi chết và kể cả sau khi chết để được mồ yên mả đẹp. Những tín đồ Cao Đài và Hoà Hảo vẫn giữ một truyền thống duy trì một cách nề nếp việc thờ cúng tổ tiên. Đây là một nét văn hoá truyền thống trong hầu hết các gia đình người Việt và là tín ngưỡng đứng ở vị trí then chốt trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình người Việt. GS. Đặng Nghiêm Vạn trong các công trình nghiên cứu về tôn giáo đã trình bày khá chi tiết về hệ thống tôn giáo dân tộc của người Việt mà ông gọi là Đạo tổ tiên148.

Theo đó, thì bất cứ một người Việt nào dù sống ở nông thôn hay thành thị, ở trong nước hay ở nước ngoài cũng đều có Đạo tổ tiên. Và như vậy, trước khi trở thành những tín đồ của Cao Đài, Hoà Hảo trong mỗi người nông dân Việt Nam Bộ đã duy trì việc thờ cúng tổ tiên như khi họ còn ở miền Bắc hay miền Trung, không gian tôn giáo không thay đổi trong môi trường mới.

Và như vậy, bất kỳ một yếu tố văn hoá ngoại nhập nào (mà ở đây là những tôn giáo bản địa như là một thành tố văn hoá) muốn xác lập được vị trí của mình trong đời sống tâm linh của người Việt Nam Bộ phải đủ sức phá vỡ cơ tầng văn hoá truyền thống (mà ở đây là Đạo thờ tổ tiên), vốn đã ngấm sâu trong tâm khảm của người dân, là bản sắc (identité) văn hoá tộc người Việt. Sự ra đời các tôn giáo trong lòng xã hội của người Việt Nam Bộ, trước hết với tư cách là một thành tố văn hoá góp phần làm phong phú thêm văn hoá của người Việt tại vùng đất mới và thứ hai là với tư cách một tôn giáo, tác động đến đời sống mọi mặt của cư dân.

Như vậy, tôn giáo là một hiện tượng xã hội ra đời trong những điều kiện xã hội cụ thể và cũng chính những điều kiện cụ thể đó lại chế định vùng ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo, dù là tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào hay là tôn giáo bản địa, xét cho cùng cũng chỉ là một trong nhiều thành tố văn hoá của tộc người, góp phần làm phong phú văn hoá của chính tộc người đó. Tôn giáo không phải là tất cả những giá trị văn hoá của một tộc người ngay cả khi tôn giáo đó là quốc giáo. Nhưng với tư cách là một tôn giáo thì chính tôn giáo đó lại tác động một cách sâu sắc đến đời sống mọi mặt của cư dân. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do điều kiện địa lý tự nhiên, do môi trường xã hội, đã xuất hiện một số tôn giáo bản địa trên địa bàn Nam Bộ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hoà Hảo. Những tôn giáo bản địa đó đã góp phần làm phong phú văn hoá của người Việt Nam Bộ, tạo nên một sắc thái riêng của văn minh miệt vườn. Các tôn giáo đó ra đời ở người Nam Bộ và cũng chỉ giới hạn ảnh hưởng của mình trong không gian đó. Với tư cách là một tôn giáo, các tôn giáo đó đã tác động đến đời sống mọi mặt của cư dân người Việt Nam Bộ. Nhưng do những tôn giáo này ra đời dựa trên nền tảng văn hoá truyền thống của người Việt lại là sự hỗn hợp của nhiều tôn giáo nên không đủ sức phá vỡ cơ tầng văn hoá truyền thống để xác lập vị trí độc tôn trong đời sống tâm linh của người Việt Nam Bộ. Chính vì thế, các tín đồ của các tôn giáo bản địa vẫn duy trì việc thờ cúng tổ tiên như các thế hệ cha ông, bên cạnh việc thực hành các quy định của giáo luật. Khi nghiên cứu về văn hoá người Việt cần lưu ý đến khía cạnh này. Người Việt có khả năng tiếp nhận các giá trị văn hoá của các tộc người khác và bằng trí tuệ của mình đã bản địa hoá thành những giá trị mang đậm nét văn hoá Việt.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Sabino Acquaviva, Xã hội học tôn giáo, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

[2] Aruchianov S.A., Các quá trình tộc người và các quy luật thâm nhập cái mới vào văn hoá của tộc người, tạp chí Dân tộc học Xôviết, số 1, 1982 (tiếng Nga)

[3] Nguyễn Công Bình và các tác giả, Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long,


NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.

[4] Nguyễn Công Bình và các tác giả, Đồng bằng sông Cửu Long – Nghiên cứu và phát triển, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

[5] Bromlei Iu. V., Đại cương lý thuyết tộc người, NXB Khoa học, Moskva, 1983 (bản tiếng Nga).

[6] Bromlei Iu. V., Các vấn đề dân tộc học hiện đại, NXB Khoa học, Moskva, 1981 (bản tiếng Nga).

[7] Bromlei Iu. V., Những quá trình tộc người trong thế giới hiện đại, NXB Khoa học, Moskva, 1987 (bản tiếng Nga).

[8] Condominas G., Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1998.

[9] Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1996.

[10] Phan Hữu Dật, Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1998.

[11] Mạc Đường và các tác giả, Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

[12] Diệp Đình Hoa, Tìm hiểu làng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.

[13] Diệp Đình Hoa, Làng Nguyễn, tìm hiểu làng Việt II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994.

[14] Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.

[15] Nguyễn Văn Khánh, cấu kinh tế – xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858 – 1945), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

[16] Ngô Văn Lệ, Một số vấn đề về văn hoá tộc người ở Nam Bộ và Đông Nam Á, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2003.

[17] Ngô Văn Lệ, Tộc người và văn hoá tộc người, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2004.

[18] Ngô Văn Lệ, Làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ, Hội thảo khoa học quốc tế Hiện đại và động thái truyền thống ở Việt Nam: những tiếp cận nhân học, tập bản thảo.

[19] Huỳnh Lứa và các tác giả, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1987.

[20] Huỳnh Lứa, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

[21] Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hay văn minh miệt vườn, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1968.

[22] Sơn Nam, Lịch sử khai hoang miền Nam, NXB Đông Phố, Sài Gòn, 1973.

[23] Phan Ngọc, Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1994.

[24] Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1998.

[25] Nguyễn Hồng Phong, Văn hoá chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1998.

[26] Nguyễn Hồng Phong, Một số vấn đề về hình thái kinh tế – xã hội, văn hoá và phát triển, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

[27] Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802 – 1884), NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

[28] Phan Quang, Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1981.

[29] Nguyễn Đức Sự (Chủ biên), C. Mác – Ph. Ăngghen về vấn đề tôn giáo, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.

[30] Hà Văn Tấn, Theo dấu chân các văn hoá cổ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.

[31] Tchebocxarov – Tchebocxarova, Các dân tộc, các chủng tộc, các văn hoá, NXB Khoa học, Moskva, 1985 (bản tiếng Nga).

[32] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2001.

[33] Ngô Đức Thịnh, Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2004.

[34] Chu Khắc Thuật – Nguyễn Văn Thu (đồng Chủ biên), Văn hoá, lối sống và môi trường, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1998.

[35] Tocarev S. A., Các hình thái tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.

[36] Đặng Nghiêm Vạn, Quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

[37] Đặng Nghiêm Vạn, Về tôn giáo tín ngưỡng hiện nay ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

[38] Đặng Nghiêm Vạn, Dân tộc văn hoá tôn giáo, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.

[39] Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo hiện nay ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.

[40] Đặng Nghiêm Vạn, Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2004.

[41] Đặng Nghiêm Vạn, Văn hoá Việt Nam đa tộc người, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.

[42] Viện Sử học, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

[43] Viện Sử học, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.

[44] Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Căn tính tộc người, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

[45] Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Tôn giáo và đời sống hiện đại (ba tập), Hà Nội, 1997.

[46] Trần Quốc Vượng, Theo dòng lịch sử, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1996.

[47] Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa văn hoá, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1998.

[48] Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000.

[49] Hoàng Tâm Xuyên, Mười tôn giáo lớn trên thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.

1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương