Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 11 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010



tải về 156.2 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích156.2 Kb.
#39921
1   2   3

Khi tôi mới học Phật, thầy tôi đã nói chuyện này rất nhiều lần, đương nhiên là đặt hy vọng nơi tôi, nhưng tôi không có đại phước báo như thế. Thầy đã bảo tôi rất nhiều lần: “Muốn cho Phật giáo hưng vượng trở lại, nhất định phải khôi phục chế độ tùng lâm”. Nếu nói theo cách bây giờ, nhất định phải lập Đại Học Phật giáo thì Phật pháp mới có thể hưng vượng. Chuyện này chúng ta chỉ đành trông chờ quốc gia, cá nhân chẳng có năng lực ấy, nói theo Phật pháp là chẳng có đại phước báo dường ấy! Vì thế, đức Thế Tôn đem đại sự Phật pháp hưng vượng hay suy vi phó thác cho quốc vương, đại thần, để họ hộ trì. Trong quá khứ, tại Trung Quốc, lịch đại đế vương đều hộ trì Phật pháp, đặc biệt là nhà Thanh là dân tộc thiểu số vào làm chủ Trung Quốc, thống trị một quốc gia to như thế, họ dùng phương pháp gì? Dùng giáo dục. “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (xây dựng đất nước, cai trị dân chúng, lấy giáo dục làm đầu). Họ dùng giáo dục của Nho, Thích, Đạo, giữ vững nền cai trị tới hai trăm sáu mươi năm, giữ ổn định trong một thời gian dài. Cuối cùng, đúng là [thành quả ấy] bị hủy mất bởi chính Từ Hy Thái Hậu. Từ Hy Thái Hậu nắm quyền, bèn phế trừ sự giảng học. Trong quá khứ, trong cung đình luôn lễ thỉnh những vị cao tăng đại đức Nho, Thích, Đạo vào dạy học trong cung đình, hoàng thượng dẫn văn võ bá quan nghe giảng, những ý nghĩa được giảng đều [được thâu thập] trong Tứ Khố Toàn Thư. Tôi đọc Tứ Khố Toàn Thư, thích xem những thứ như Luận Ngữ, Mạnh Tử, [để tìm hiểu] cách giảng nghĩa tại cung đình trong quá khứ là như thế nào? Những nghĩa lý đã giảng giải đều được thâu thập trong bộ Tứ Khố, bản ấy là bản tiêu chuẩn. Họ thật sự làm, không giống như hiện thời, hiện tại không làm! Đến thời Từ Hy, không làm như vậy nữa. Từ Hy chuộng quỷ thần, thích cầu cơ, gặp chuyện gì chính mình chẳng thể giải quyết, bèn chẳng hỏi han ai khác, mà thưa hỏi trong đàn cầu cơ, cho nên bà ta làm mất nước! Chương Gia đại sư kể cho tôi nghe chuyện này. Chương Gia đời trước là quốc sư của nhà Thanh5. Do vậy, Phật giáo bị biến thành tôn giáo, giáo dục của Phật Đà chẳng còn nữa, chúng ta phạm lỗi với Thích Ca Mâu Ni Phật ở chỗ này!

Chẳng liễu giải thì thôi, chẳng cần phải nhắc tới, nhưng thật sự liễu giải, nhận biết rồi, chúng ta nhất định phải đi theo con đường của Thích Ca Mâu Ni Phật. Bản thân tôi tiếp nhận sự giáo huấn của Chương Gia đại sư, Ngài khuyên tôi xuất gia, lại còn dặn tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi hiểu ý lão nhân gia, chẳng cô phụ thầy, suốt đời chúng tôi đi theo con đường này. Đi theo con đường này rất nhọc nhằn, nhưng đáng công lắm! Mong các đồng học chúng ta đều có thể giác ngộ, thật sự phát tâm dạy học, bất luận là tại gia hay xuất gia đều có thể [làm công tác giáo hóa]. Thuở đức Thế Tôn tại thế, cư sĩ tại gia Duy Ma Cật (Vimalakīrti) giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, giảng kinh, dạy học mỗi ngày. Thời đầu Dân Quốc, tiên sinh Âu Dương Cánh Vô là một vị đại đức trong Phật môn đã thành lập Chi Na Nội Học Viện, thâu nhận hàng xuất gia lẫn tại gia, tổ chức rất thành công; nhưng vì tình hình chiến tranh, hoạt động được hai năm rồi phải đóng cửa học viện. Ông ta nói rất hay: “Phật môn là sư đạo”. Sư đạo có nghĩa là thầy là lớn nhất, tôn sư, trọng đạo! Chúng ta thấy trong kinh Duy Ma, đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật là Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, nghe cư sĩ Duy Ma giảng kinh, lễ tiết hoàn toàn giống như [lễ tiết dành cho] Thích Ca Mâu Ni Phật. Cư sĩ Duy Ma là kẻ tại gia, khi lên tòa giảng kinh, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đảnh lễ cư sĩ ba lạy, nhiễu quanh ba vòng. Đó là tôn sư trọng đạo, Ngài là thầy mà! Tuy quý vị xuất gia, là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật, quý vị vẫn là học trò, vẫn chưa đạt tới địa vị như Ngài (Duy Ma Cật). Vì vậy, nói theo Phật pháp, hai vị Phật đồng thời xuất hiện trong thế gian thuở ấy, một vị là xuất gia Phật, vị kia là tại gia Phật, hai vị Phật, quyết định chẳng thể khinh mạn! Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, nhất định phải tôn trọng đôi bên; chẳng thể nói vừa xuất gia bèn ngạo nghễ, ngã mạn, coi thường người khác. Trong giới cư sĩ, thật sự có những bậc đại đức, tu hành rất tốt đẹp, thậm chí có người khai ngộ, làm sao quý vị có thể khinh mạn họ được? Nhất định phải hiểu điều này! Bất luận tại gia hay xuất gia, nếu thật sự học Phật, phải học theo Thích Ca Mâu Ni Phật khiêm hư, cung kính hết thảy chúng sanh, phải nêu gương thật sự đoạn trừ tham, sân, si, mạn. Kẻ còn có ngạo mạn thì như thế nào? Quý vị là phàm phu! Bởi lẽ, mười phương Như Lai xuất hiện trên cõi đời chẳng có chi khác, [chỉ là] mong giúp cho hết thảy chúng sanh sớm có ngày thành Phật, sớm có ngày rời khỏi lục đạo, rời khỏi mười pháp giới, đấy là tâm nguyện của Phật.

Kế đó là: “Hựu bổn kinh sở tuyên, nãi Như Lai chân thật thuần nhất chi pháp, vô hữu quyền khúc, cố danh chánh thuyết” (Kinh này lại tuyên dương pháp chân thật thuần nhất của Như Lai, chẳng quyền biến, cong quẹo, nên gọi là Chánh Thuyết). Mấy câu này hết sức quan trọng, vì trong hết thảy kinh giáo, đức Thế Tôn khai thị quả thật có nói phương tiện, có khi nói uyển chuyển, tùy thuận, [những cách nói như vậy] rất nhiều, hết sức phổ biến, vì sao? Chúng sanh căn tánh khác nhau. Do vậy, giáo học trong Phật môn thường được gọi là “đại giảng đường” hay “đại giảng tòa”. “Đại” có nghĩa là gì? Căn tánh của thính chúng hoàn toàn khác nhau, có kẻ không biết chữ, có người trình độ Tiểu Học, cũng có người học lớp Tiến Sĩ, mỗi cá nhân nghe giảng đều hoan hỷ, mỗi người nghe đều được lợi ích, đấy chẳng phải là chuyện dễ! Không giống như lên lớp trong trường học, học trò có trình độ ngang nhau, dễ giảng, ở đây là hoàn toàn khác nhau, “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp” (Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp), hết thảy chúng sanh không chỉ nghe hiểu, mà còn đều được thụ dụng. Đó gọi là “đại giảng tòa”; những vị giáo thụ6 hay giáo sư bình thường sẽ chẳng thể làm được. Do vậy, giảng đường trong Phật môn người đến chẳng cự tuyệt, người đi không giữ lại. Quý vị thông đạt quyền biến, hễ giảng sâu, phải quan tâm đến những kẻ trình độ nông cạn, xét coi họ có hiểu hay không? Nếu giảng nông cạn, cũng phải quan tâm đến những kẻ có trình độ cao; phương diện nào cũng phải xét đến. Vì thế, đức Phật có Thật và có Quyền, có thẳng, và có cong (nói phương tiện, vòng vo để từ từ hướng dẫn đến mục tiêu), dùng phương pháp dạy học thiên biến vạn hóa, có thể thích hợp các loại căn khí khác biệt. Nhưng kinh này không như vậy, nói thẳng thừng, thỏa đáng, chẳng nói phương tiện, chẳng nói loanh quanh, câu nào cũng giảng pháp chân thật, trực tiếp hướng dẫn quý vị trở về tự tánh. Quý vị phải biết: Vãng sanh Cực Lạc là trở về tự tánh. Trở về tự tánh là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phương pháp hết sức đơn giản, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, đạt đến rốt ráo viên mãn.



“Hựu nãi Thế Tôn xứng kỳ bổn tánh, hòa bàn thác xuất, hào vô bảo lưu, cố danh xứng tánh” (Lại nữa, Thế Tôn xứng hợp bổn tánh trao bày hết cả ra, chẳng có chút mảy may giấu diếm, nên gọi là Xứng Tánh). Mấy câu này nói rất hay, kinh Vô Lượng Thọ từ bản tánh của Thích Ca Như Lai tự nhiên lưu lộ, lại còn là viên mãn lưu lộ. Giống chúng ta tặng quà, dọn hết cả mâm ra, chẳng giữ lại mảy may nào, tuyên dương toàn bộ tự tánh. Những kinh điển đàm luận xứng tánh như vậy, giãi bày trọn hết như thế không nhiều lắm! Vì thế, kinh này cực viên, cực đốn, nên gọi là xứng tánh. “Nhất thiết hàm linh giai nhân thử nhi đắc độ thoát, nãi xứng tánh trung đăng phong tạo cực chi đàm, cố vi Xứng Tánh Cực Đàm” (Hết thảy hàm linh đều do đây mà được độ thoát, thật là bàn luận xứng tánh đến cùng tột, nên gọi là Xứng Tánh Cực Ðàm). “Cực” () là đạt tới đỉnh điểm. Bởi lẽ, kinh Vô Lượng Thọ là chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm đàm luận xứng tánh, nhưng so với kinh Vô Lượng Thọ thì kinh Vô Lượng Thọ là “xứng tánh cực đàm”, đăng phong tạo cực (đạt tới tột đỉnh). Đây cũng là nói rõ: Kinh Hoa Nghiêm bước vào Tịnh Độ mới thật sự viên mãn. Nếu chẳng do mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, kinh Hoa Nghiêm chẳng viên mãn. Vì sao? Hoa Nghiêm chỉ có thể độ bậc thượng thượng căn, đối với căn tánh thượng trung hạ sẽ chẳng khế cơ. Hễ dẫn về Cực Lạc, từ thượng thượng căn cho đến thượng trung hạ toàn bộ đều độ được, Hoa Nghiêm bèn viên mãn! Thượng trung hạ căn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn bộ đều biến thành thượng thượng căn, chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta học pháp môn Tịnh Độ chớ nên không biết điều này! Quý vị biết những đạo lý và chân tướng sự thật này, mới có thể chết sạch so đo, khăng khăng tu một môn này, chắc chắn thành tựu trong một đời này. Đối với thế giới này, đối với thiên đường, hay đối với mười pháp giới, chẳng còn có ý niệm tham luyến nữa! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tập tới đây.

1Trọn gói”: Tạm dịch chữ “nhất điều long”, một ngôi trường gọi là “nhất điều long” khi nó có toàn bộ các cấp lớp, chẳng sót một lớp nào.

2 Giáp, Ất, Bính, Đinh v.v... là cách đánh số thứ tự theo lối truyền thống trong cổ văn, giống như chúng ta dùng số La Mã hoặc các con số 1, 2, 3... để đánh số từng đoạn.

3 Cố Cung, còn gọi là Tử Cấm Thành là cung điện hoàng đế của hai triều đại Minh và Thanh tại Bắc Kinh. Cố Cung do hoàng đế Minh Thành Tổ (Châu Lệ) bắt đầu xây dựng vào năm 1406 khi dời kinh đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh, mãi đến niên hiệu Vĩnh Lạc thứ tư (1420) mới hoàn thành. Tổng công trình sư (kiến trúc sư trưởng) là Khoái Tường, một trong những thiết kế sư (kiến trúc sư) nổi tiếng của công trình này là thái giám Nguyễn An (vốn bị nhà Minh bắt về nước khi chiếm Việt Nam dưới đời Hồ Quý Ly).

4 Quy chế “cửu tự” đã có từ thời Tiền Hán. Đây chính là chín cơ cấu quản lý sự vụ trực thuộc chánh quyền trung ương. Chín cơ cấu này do cửu khanh (chín vị đại thần quyền hạn nhỏ hơn Tam Công) đứng đầu, tâu trình trực tiếp với hoàng đế, không qua sự quản lý của Tể Tướng (hay Thủ Phụ). Dinh thự của cửu khanh gọi là Tự. Do đó, chín cơ quan này cũng được gọi là Tự. Cửu Tự gồm:

1. Thái Thường Tự: Chưởng quản nghi lễ, phụ trách các điển lễ của quốc gia (thường gọi chung là Quốc Tế) như lễ tế trời, tế xã tắc v.v..., đồng thời quản lý âm nhạc cung đình, cũng như quản lý các thuật sĩ và y sĩ. Cơ quan này về sau trực thuộc bộ Lễ.

2. Quang Lộc Tự: Chưởng quản những sự vụ thường ngày trong cung, phụ trách yến tiệc, chuẩn bị các nhu cầu ăn mặc trong cung.

3. Vệ Úy Tự: Chưởng quản vũ khí và canh gác, phòng bị trong cung, nhất là chịu trách nhiệm bảo vệ kho vũ khí, sắp đặt các thứ nghi trượng và ngự lâm quân bảo vệ khi vua xuất du.

4. Tông Chánh Tự: Chưởng quản sự vụ trong hoàng tộc, tông thất, cũng như gia phả của ngoại thích (họ hàng của các hoàng hậu, phi tần), bảo vệ, tu bổ lăng miếu của hoàng gia, kiêm nhiệm chưởng quản tăng nhân, đạo sĩ.

5. Thái Bộc Tự: Chưởng quản xe ngựa của hoàng gia, kho dự trữ, các bãi chăn nuôi, cung cấp quân lương.

6. Đại Lý Tự: Chưởng quản pháp luật. Đây là cơ quan tư pháp tối cao, gần như Tối Cao Pháp Viện hiện thời. Các vụ trọng án do các quan Án Sát (Niết Ty) các tỉnh phải đệ đạt hồ sơ lên Đại Lý Tự trước khi phán án chung thẩm. Nếu cần, Tam Pháp Ty đồng thời tham gia thẩm tra vụ án. Thời Minh, Đại Lý Tự kiêm nhiệm vai trò mật vụ, có thể bắt giữ bất cứ ai, kể cả hoàng thân, quốc thích. Đại Lý Tự cùng với Ngự Sử Đài và bộ Hình được gọi là Tam Pháp Ty.

7. Hồng Lô Tự: Chưởng quản chuyện tiếp đón sứ thần ngoại quốc, tiếp nhận lễ vật, chuẩn bị tặng phẩm của hoàng đế đối với các phái bộ ngoại quốc, cũng như hướng dẫn nghi lễ cho các sứ thần ngoại quốc triều kiến hoàng đế.

8. Tư Nông Tự: Chưởng quản lương thực, hàng hóa, vải vóc trong toàn quốc, gần như tương đương với bộ Tài Chánh hiện thời. Về sau, vai trò của Tư Nông Tự bị bộ Hộ thay thế, hầu như chỉ còn giới hạn vai trò trong kinh thành. Vai trò của Tự này đôi khi xen lẫn với Thái Phủ Tự.

9. Thái Phủ Tự: Chưởng quản sự giao dịch mua bán hàng hóa, tiền tệ, dự trữ, trả lương, phát bổng cho các quan, cũng như khống chế vật giá.



5 Nói “đời trước” vì người Mông Cổ tin ngài Chương Gia là một vị hoạt Phật (tức tu sĩ được coi là hóa thân của các tổ sư, Phật, Bồ Tát) chuyển thế nhiều lần. Chương Gia đại sư (Lobsang Pelden Tenpe Dronme, 1891-1957), thầy của hòa thượng Tịnh Không, là đời thứ mười chín. Vị “Chương Gia đời trước” được nhắc đến ở đây là Chương Gia đời thứ mười bảy (1849-1875) được vua Hàm Phong (chồng Từ Hy Thái Hậu) mời vào kinh để coi sóc việc nhập tạng kinh điển, chưởng quản Lạt Ma Giáo toàn quốc, và vị kế tiếp là Chương Gia đời thứ mười tám (1878-1888) đều là quốc sư nhà Thanh. Tuy nói Chương Gia có đến mười tám đời, nhưng trên thực tế chỉ có bảy đời, vì vị Chương Gia thứ nhất (Dragpa Oser, 1607-1641) được tăng sĩ Mông Cổ coi là hóa thân lần thứ mười ba của tôn giả Channa (người Hoa thường phiên âm là Tôn Đạt, còn ghi là Chandaka, tức ngài Xa Nặc, người đánh ngựa của đức Phật Thích Ca). Ngài Xa Nặc là một trong sáu vị tỳ-kheo thường được gọi là Lục Quần Tỳ Kheo chuyên gây rối trong Tăng đoàn để đức Thế Tôn có cơ hội chế giới.

6 Giáo Thụ là cách người Hoa dịch chữ Professor, tức là các giáo sư trong trường Đại Học, và được chia thành nhiều cấp như Giảng Tòa Giáo Thụ (Chair Professor), Giáo Thụ (Professor), Phó Giáo Thụ (Associate Professor), Trợ Lý Giáo Thụ (Assistant Professor), Giảng Sư (Instructor). Còn chữ Giáo Sư chỉ chung các thầy giáo, nhất là trong các trường Tiểu Học, Trung Học, nhưng hầu như rất ít khi dùng chữ Giáo Sư mà thường gọi là Lão Sư.


tải về 156.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương