Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 11 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010



tải về 156.2 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích156.2 Kb.
#39921
1   2   3

“Tắc xuất thế chi chánh thuyết thiên tại tư kinh, nhất đại sở thuyết quy thử kinh, như chúng thủy quy ư đại hải” (Chánh thuyết xuất thế riêng thuộc trong kinh này. Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này, như các dòng nước xuôi về bể cả), câu sau là tỷ dụ. Chánh thuyết xuất thế thuộc riêng trong kinh này, tôi nghĩ câu nói của Thiện Đạo đại sư, chắc là đã căn cứ trên câu kinh văn này để nói. Câu danh ngôn của Thiện Đạo đại sư là: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (sở dĩ chư Phật xuất thế chỉ là để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà). Mười phương ba đời hết thảy chư Phật, dùng thân Phật xuất hiện trong thế gian, nên dùng thân Phật để độ, bèn dùng thân Phật giáo hóa. Hết thảy chư Phật thị hiện thân Phật đến thế gian này để làm gì? Chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà! Có nghĩa là gì? Nói kinh Vô Lượng Thọ. “Nhất đại sở thuyết quy thử kinh” (Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này), trong một đời, suốt bốn mươi chín năm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói hết thảy các kinh nhằm nói lên điều gì? Nói kinh Vô Lượng Thọ, ngàn kinh muôn luận chỗ nào cũng chỉ về. Có người chẳng ưa thích pháp môn này, không hợp khẩu vị! Đức Phật bèn tùy thuận khẩu vị của người ấy mà giảng cho kẻ ấy nghe [pháp môn thích hợp], giảng đến cuối lại quẹo trở về, quay về Vô Lượng Thọ, đấy là phương tiện thiện xảo của đức Phật. Thật vậy, lời Thiện Đạo đại sư nói chẳng sai, “chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà”, kinh Hoa Nghiêm nói nhiều ngần ấy, đến cuối cùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Tỷ dụ [trong đoạn này] dễ hiểu, “như chúng thủy” (như các dòng nước), sông ngòi, Trường Giang và Hoàng Hà cuối cùng đều đổ vào biển cả.

“Do thử ngôn chi, bách vạn A-tăng-kỳ nhân duyên dĩ khởi Hoa Nghiêm chi điển, nhất đại sự nhân duyên dĩ thành Pháp Hoa chi giáo, diệc duy vi thử pháp chi do tự” (Do vậy, nói: Trăm vạn A-tăng-kỳ nhân duyên phát khởi kinh Hoa Nghiêm, một đại sự nhân duyên để thành kinh Pháp Hoa cũng chỉ là nguồn gốc của pháp này), nói rất hay! Vào đời Đường, các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều phái nhiều tăng nhân (người xuất gia) sang Trung Quốc du học. Khi ấy, Thiên Thai Trí Giả đại sư và Thiện Đạo đại sư của Tịnh Tông chúng ta đều là những bậc thầy nổi tiếng. Đối với những nước nhỏ ấy, rất nhiều người sau khi trở về nước đã trở thành tổ sư đại đức, đều là học trò của Thiện Đạo đại sư hay Trí Giả đại sư. Nay chúng ta sang Nhật Bản, gần như trong mỗi ngôi chùa, quý vị đến viếng Tổ Đường, đều thấy họ tạc tượng thờ Tổ Sư là ngài Thiện Đạo hay Thiên Thai đại sư, ở Trung Quốc không có. Họ còn vẽ hình các Ngài, treo trên xà nhà. Quý vị ngẩng đầu nhìn sẽ thấy tượng vẽ hay tượng đắp [của các Ngài]. Họ vô cùng tôn trọng tổ sư, đặc biệt là Thiện Đạo đại sư đã truyền dạy Tịnh Độ Tông. Chùa miếu Nhật Bản dùng [tên hiệu của] Thiện Đạo đại sư để đặt tên chùa, gần như đến nơi nào quý vị cũng đều thấy Thiện Đạo Tự. Quý vị thấy [tên chùa] là Thiện Đạo Tự, chắc chắn là đạo tràng tu Tịnh Độ. Đối với chuyện này, trong bài tựa của lão cư sĩ Mai Quang Hy, chúng ta đọc thấy: Những vị đại đức Tăng thời Tùy - Đường đã rất nghiêm túc suy tìm trong giáo pháp cả một đời đức Thích Ca Mâu Ni Phật: Trong một đời Ngài, hết thảy các kinh do đức Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, bộ kinh nào trọng yếu nhất, có thể đại diện cho hết thảy các kinh giáo đã nói trong bốn mươi chín năm? Mọi người cùng suy cử kinh Hoa Nghiêm, xưng tụng kinh Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, hết thảy các kinh giáo khác là quyến thuộc của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là một cái cây to, nó là căn bản, những kinh khác là cành lá trên cây ấy; nhưng Hoa Nghiêm đến cuối cùng quy vào Tịnh Độ. Do vậy, kinh Vô Lượng Thọ biến thành căn bản của căn bản, cuối cùng, kinh ấy (Hoa Nghiêm) quy vào kinh này (Vô Lượng Thọ), căn bản của căn bản. Vì thế, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, những giáo pháp Đại Thừa đều biến thành gì? Biến thành pháp dẫn khởi của kinh Vô Lượng Thọ. Đối với cách nói này, tôi bội phục năm vóc sát đất, vì sao? Vì sao tôi tin tưởng Tịnh Độ? Do kinh Hoa Nghiêm mà tin tưởng, từ kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm mà tin tưởng.

Thầy tôi khuyên tôi nên tin tưởng, tôi bề ngoài vâng lời, nhưng trong lòng chẳng phục. Đương nhiên tôi rất tôn kính thầy, nhưng vẫn ngờ vực Tịnh Tông. Lúc ấy, tôi có cách nghĩ sai lầm rất lớn, sự hiểu lầm này rất nhiều người vướng phải, ngỡ Tịnh Độ là pháp phương tiện do Thích Ca Mâu Ni Phật dùng để tiếp dẫn những bà già thiếu hiểu biết, chẳng biết pháp môn này rốt ráo là như thế nào, không hiểu! Tôi đã kể với quý vị, tôi giảng kinh Hoa Nghiêm được phân nửa, [khi đó là] lần giảng thứ nhất, [giảng] lần này là lần thứ hai. Giảng lần đầu tiên cũng giảng không ít năm, mười bảy năm đã giảng được phân nửa. Có một hôm, bỗng nhiên nghĩ: “Rốt cuộc Văn Thù, Phổ Hiền học những gì? Thiện Tài đồng tử là môn sinh đắc ý của Văn Thù Bồ Tát, là pháp tử của Văn Thù Bồ Tát, Ngài tu gì vậy?” Lật đến phần sau của Tứ Thập Hoa Nghiêm, giở đến quyển thứ ba mươi chín, thấy Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, điều này khiến tôi bị rúng động rất lớn. Văn Thù là thầy của bảy vị Phật, Phổ Hiền được tôn xưng là Nguyện Vương, [các Ngài] thật sự tu [Tịnh Độ]! Trong các vị Bồ Tát, hạnh môn triệt để nhất là Phổ Hiền, Ngài đại diện cho hạnh môn. Tôi nẩy sanh lòng tin đối với Tịnh Độ là nhờ Hoa Nghiêm. Ở đây, cụ Hoàng nói: “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa lưỡng kinh chỉ thị bổn kinh chi đạo dẫn, bổn kinh giả chánh thị nhất Đại Tạng giáo chi chỉ quy” (Cả hai kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa chỉ là pháp dẫn đường cho kinh này. Kinh này đúng là chỗ chỉ quy của cả Ðại Tạng giáo), tức là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa nhằm dẫn khởi pháp này, pháp này là Vô Lượng Thọ kinh. Quả thật là tôi đã được [kinh Hoa Nghiêm] hướng dẫn, nên mới thật sự phát tâm học tập [pháp môn Tịnh Độ]. Chúng ta thấy một câu nói của cư sĩ Bành Tế Thanh, trong sách này cũng được lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn rất nhiều; ông Bành nói kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm quá dài, tôi giảng lần đầu tiên, giảng được phân nửa, sau khi liễu giải vấn đề bèn buông kinh Hoa Nghiêm xuống, chẳng giảng [Hoa Nghiêm] nữa, mà giảng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi giảng mười lần, trước sau tổng cộng giảng từng lần một thành mười lượt, lần này là lần thứ mười một. Kinh này là trung bổn Hoa Nghiêm, chẳng khác gì Hoa Nghiêm.



“Hoa Nghiêm kinh mạt, Phổ Hiền đại sĩ thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc, thị kỳ minh chứng” (cuối kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền đại sĩ dẫn về Cực Lạc là một chứng cớ rõ ràng), chẳng giả tí nào! “Thánh giáo như chiên đàn, phiến phiến giai hương. Pháp pháp viên đốn, bổn vô cao hạ” (thánh giáo như chiên đàn, miếng nào cũng thơm. Pháp nào cũng viên đốn, vốn chẳng cao thấp), là như kinh Kim Cang đã nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, đúng vậy, chẳng giả tí nào! Pháp không có cao thấp, nhưng người có cao thấp, do căn tánh của mỗi người khác nhau. Tiếp theo là: “Duy dĩ chúng sanh cấu trọng chướng thâm, tâm thô, trí liệt” (chỉ vì chúng sanh cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí hèn), đó là có cao thấp. Vì vậy, tổ sư đại đức phán giáo, tuyệt đối chẳng phân chia theo nội dung kinh, mà phân chia theo căn tánh của con người, căn tánh nào sẽ thích hợp học tập kinh điển nào! Nói thật ra, kinh đâu có Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều là bình đẳng. Do vậy, cổ đức Trung Quốc đã nói: “Viên nhân thuyết giáo, vô giáo bất viên” (người viên mãn bàn về giáo pháp, giáo pháp nào cũng là viên mãn), câu này hay lắm! “Viên nhân” là người khai ngộ, người kiến tánh, dù là giáo pháp Tiểu Thừa giáo cũng nói thành cảnh giới Hoa Nghiêm. Kinh A Di Đà là tiểu bổn, mọi người thường niệm, cũng chẳng cảm thấy hy hữu, lạ lùng chi hết, nhưng bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư đã nâng kinh ấy lên cảnh giới Hoa Nghiêm. Quý vị đọc Sớ Sao, chính là như cổ đức đã nói “viên nhân thuyết giáo, vô giáo bất viên”. Liên Trì đại sư dùng “thập môn khai khải” và giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm để giảng giải kinh A Di Đà, đề cao địa vị Tịnh Độ Tông. Vào thời ấy, người ta khinh thường Tịnh Độ, chẳng muốn học pháp môn này, mà thích học Giáo, hay học Thiền. Liên Trì đại sư thấy rất rõ ràng: Quý vị học Giáo chẳng khai ngộ, học Thiền chẳng đắc Thiền Định. Nói cách khác, quý vị đã phí uổng tinh lực và thời gian! Do tâm đại từ bi nên Ngài khuyên quý vị niệm Phật. Quý vị coi thường Tịnh Tông, nên Ngài dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Sau khi nghe, nhận thấy [cảnh giới trong kinh Di Đà] chẳng khác cảnh giới Hoa Nghiêm, quý vị mới có thể phát khởi tín tâm, mới có thể quay đầu. Lòng từ bi vô tận!

Kế tiếp, Ngẫu Ích đại sư viết Yếu Giải. Yếu Giải không dài, nhưng đúng là danh phù hợp thật, lời chú giải của Ngài đúng là đơn giản, nhưng trọng yếu. Lão pháp sư Ấn Quang tán thán: “Dù A Di Đà Phật tái lai, tự viết chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn được!” Tán thán đến tột bậc! Xưa kia, tôi ở Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi là bạn già, có lần Sư mời tôi dùng cơm, có nhắc tới vấn đề này, hỏi tôi: “Lời tán thán ấy của Ấn Quang đại sư có phải là hơi quá lố một chút hay không?” Sư hỏi tôi như vậy. Tôi thưa: “Chẳng quá lố tí nào! Câu nào cũng là lời thật!” Hơn hai mươi năm trước, gần như ba mươi năm, tôi ở Mỹ, có một cư sĩ hỏi tôi, ông ta cũng hết sức hiếu học. Ông ta nói: “Pháp sư Tịnh Không! Nếu chỉ cho phép thầy chọn lựa một bộ trong Đại Tạng Kinh, thầy sẽ chọn bộ nào?” Tôi chẳng do dự mảy may, bảo ông ta: “Tôi chọn lựa Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư”. Quá hay! Tôi tán thành câu nói Ấn Quang đại sư cả hai tay. Tuy văn tự không nhiều lắm, nhưng có nhiều ý tưởng trong ấy từ trước đến nay các vị tổ sư đại đức chưa hề nói đến, mà Ngài có thể nói ra, nói rõ ràng dường ấy, nói thấu triệt ngần ấy, quả thật hết sức khó có! Trong bản chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn [sách Yếu Giải] rất nhiều, chúng ta có thể đọc thấy điều này.



Tiếp đó là nêu tỷ dụ: “Cơ ngộ vương thiện, nhi bất năng xan” (đói gặp cỗ vua mà chẳng dám ăn), nói lên điều gì? Đây là nói chúng sanh thiếu phước. Không chỉ riêng đối với Thích Ca Như Lai, đây là kinh bậc nhất và pháp môn bậc nhất để hết thảy chư Phật ứng hóa trong mười pháp giới, ứng hóa trong lục đạo, phổ độ chúng sanh, nhưng kẻ ấy chẳng tin, chẳng tiếp nhận, nghe không hiểu, đúng là nghe chẳng hiểu, chẳng giả! Tôi hiểu rất rõ đạo lý này, vì sao kẻ ấy nghe không hiểu? Đối với pháp môn này, kẻ ấy hoài nghi, đó là chướng ngại. Kẻ ấy ngạo mạn, xem thường bộ kinh nhỏ này, không thèm quan tâm tới. Thiếu phước báo mà! Đưa cho hắn kinh bậc nhất của chư Phật Như Lai, hắn chưa thể tiếp nhận. Đúng là tám chữ [trong lời nhận định của cụ Hoàng] đã nói rất hay: “Cấu trọng, chướng thâm, tâm thô, trí liệt” (cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí kém), đúng là giống như gặp được thức ăn của quốc vương mà chẳng dám xơi!

“Duy bổn kinh trì danh nhất pháp, nãi dị hành đạo, nhân nhân năng tu” (Chỉ một pháp Trì Danh trong kinh này mới là đạo dễ hành, ai cũng có thể tu được). Nói đến kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ và Tiểu Bổn Di Đà Kinh tương đồng, đề xướng trì danh, không như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, kinh ấy đề xướng tu Quán, nên còn gọi là Thập Lục Quán Kinh. Trong mười sáu phép Quán, phép cuối cùng, tức phép Quán thứ mười sáu, là trì danh. Trì danh được đặt sau cùng, pháp sau cùng là pháp quan trọng nhất! Quý vị xem biểu diễn văn nghệ hay diễn tuồng, màn hay nhất chắc chắn là “áp trục hý” tức màn diễn xuất cuối cùng. Phật pháp cũng là như vậy, thứ tốt nhất đặt ở cuối cùng. Quý vị xem phần Hai Mươi Lăm Pháp Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm, [hai mươi lăm môn Viên Thông] được xếp theo thứ tự lục căn, lục trần, lục thức, thất đại, xếp theo thứ tự ấy. Theo thứ tự thuận, pháp Nhĩ Căn Viên Thông của Quán Thế Âm phải thuộc vị trí thứ hai, kết quả là quý vị thấy các pháp ấy chẳng được xếp theo thứ tự thuận, pháp của Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt ở cuối cùng, chứng tỏ điều gì? Pháp môn ấy là pháp môn đặc biệt, chẳng phải là pháp môn thông thường. Trên thực tế, đây là hai pháp môn đặc biệt, nhưng rất nhiều người hiểu lầm, chỉ nói tới Nhĩ Căn Viên Thông, phớt lờ pháp Niệm Phật Viên Thông của Đại Thế Chí Bồ Tát. Do Quán Thế Âm Bồ Tát thay đổi vị trí, từ thứ hai chuyển đến cuối cùng, hết sức rõ rệt, quý vị vừa nhìn liền biết ngay, còn Đại Thế Chí Bồ Tát [nếu theo thứ tự thuận] được xếp vào vị trí thứ hai mươi ba, Di Lặc Bồ Tát được xếp vào vị trí hai mươi tư, nhưng lại đổi chỗ đôi chút: Di Lặc Bồ Tát xếp ở vị trí hai mươi ba, Đại Thế Chí Bồ Tát xếp xuống vị trí hai mươi bốn, chỉ thay đổi một vị trí, cho nên rất nhiều người không chú ý. Trong chương Hai Mươi Lăm Viên Thông có hai pháp môn đặc biệt, chẳng phải là một! Hai vị này không được xếp theo thứ tự thuận, nên [pháp môn của hai Ngài] là các pháp môn đặc biệt, đặc biệt trọng yếu! Chúng ta đọc kinh, nghiên cứu giáo pháp, chớ nên không lưu ý những chỗ như vậy. Trì danh mới là đạo dễ hành, người nào cũng có thể tu.

“Đại Thế Chí Viên Thông Chương viết: ‘Tịnh niệm tương kế, tự đắc tâm khai’, tức phàm phu tâm, khai Phật tri kiến” (Chương Ðại Thế Chí Viên Thông chép: “Tịnh niệm nối tiếp, tâm tự khai ngộ”, chính là [dùng ngay cái] tâm phàm phu mà khai tri kiến Phật). Cụ trích dẫn câu này hay lắm, “tịnh niệm tương kế” là công phu, cũng là nhất tâm trì danh; “tự đắc tâm khai” là khai ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, không cần tới phương pháp nào khác, chỉ là một câu Phật hiệu. “Tức phàm phu tâm, khai Phật tri kiến”, khai Phật tri kiến là đại triệt đại ngộ, là minh tâm kiến tánh, chẳng cần dùng phương pháp nào khác. Qua các đời, chúng ta thấy người niệm Phật trong thời gian ba năm bèn thành công, biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh; chúng ta hãy nghĩ coi những người ấy tâm có tự được khai ngộ hay chăng? Công phu tịnh niệm nối tiếp mà chắc chắn có, tâm sẽ được tự khai. Sau khi tâm đã tự khai, vì sao chẳng giảng kinh, chẳng hoằng pháp? Giảng kinh, hoằng pháp phải có pháp duyên; người ấy thiếu pháp duyên nên ra đi. Người ấy ra đi, có giảng kinh hay không? Có hoằng pháp hay không? Có! Người ấy làm như vậy đã nêu gương tốt nhất cho người đời sau, chẳng dùng ngôn giáo, mà dùng thân để biểu diễn. Trong Phật pháp, chúng tôi giảng kinh, dạy học hơn năm mươi năm, ông Hoàng Trung Xương biểu diễn, trong một thời gian chẳng dài [vẫn có thể vãng sanh], đã nêu ra một ví dụ tốt nhất, chứng minh cho chúng tôi giảng kinh, dạy học, công đức ấy thù thắng lắm! Nếu quý vị không tin, thấy người ta y giáo phụng hành, niệm hai năm mười tháng bèn thành công, [liền vỡ lẽ]: “Là thật! Chẳng giả!” Có bao nhiêu kẻ thiếu lòng tin, do dự, chần chừ, vừa trông thấy [tấm gương của ông Hoàng Trung Xương], lòng tin bèn kiên định! Ông ta thật sự tiếp dẫn đại chúng vãng sanh, mà cũng là tiếp dẫn kẻ hữu duyên. Người ta thấy gương ấy, thật sự phát khởi lòng tin: Nghiêm túc như ông ta, thật sự làm, ai nấy đều thành tựu!

“Chí ư căn khí thiển giả, đản năng chí tâm tín nhạo, nguyện sanh bỉ quốc, nãi chí thập niệm, lâm mạng chung thời, mông Phật nhiếp thọ, tiện sanh Cực Lạc, hoa khai kiến Phật, ngộ nhập Vô Sanh. Kỳ diệu tật tiệp, mạc quá ư thị” (Còn như kẻ căn khí cạn cợt, chỉ cần chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi kia, dẫu chỉ mười niệm, lúc mạng sắp hết, được Phật nhiếp thọ, liền sanh về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, ngộ nhập Vô Sanh, kỳ diệu, nhanh chóng, không chi hơn được). Kẻ căn khí nông cạn, tham Thiền chưa thể đắc Định, học Giáo chưa thể đại khai viên giải; chữ “căn khí thiển” chỉ hạng người ấy. Chỉ cần người ấy chí tâm tin tưởng, ưa thích. “Chí tâm” là chân thành đến tột bậc, quyết định chẳng hoài nghi mảy may, tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, tin tưởng kinh Vô Lượng Thọ, tin tưởng kinh A Di Đà, khăng khăng một mực thâm nhập một môn. “Nhạo” () là yêu thích. Không cần nhiều, một quyển sách nhỏ mỏng manh là được rồi! Nguyện sanh về Tịnh Độ, nguyện này vô cùng trọng yếu. Trong một đời này, khẳng định một phương hướng, một mục tiêu như thế, quyết định phải làm được! Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất khéo: Hành nhân, tức là người niệm Phật, có được vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không, [điều ấy] được quyết định bởi [hành nhân] có tín nguyện hay không? Chỉ cần quý vị thật sự tin, thật sự nguyện, không ai chẳng vãng sanh! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cao hay thấp, tùy thuộc công phu niệm Phật của quý vị sâu hay cạn. Câu này hay lắm! Công phu cạn là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vì sao? Chưa niệm đến nhất tâm bất loạn. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, sẽ sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công phu niệm Phật sâu hay cạn, trong ba cõi đều có chín phẩm, [tức là] đều có ba bậc chín phẩm, tùy thuộc công phu cạn hay sâu. Vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không, câu nói này hay quá! Cổ nhân chưa có ai nói vậy, nhưng trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói như thế.

Do vậy, trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh. Hạnh là quý vị thật sự niệm. “Nãi chí thập niệm” (dẫu chỉ mười niệm), “mười niệm” là như nguyện thứ mười tám “mười niệm ắt sanh” trong bốn mươi tám nguyện đã nói. Đó là nói khi lâm chung, trong một đời này chưa có duyên gặp gỡ, đến khi lâm chung mới gặp thiện hữu nói cho biết phương pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khuyên kẻ ấy niệm Phật. Điều kiện là người ấy nghe xong, ngay lập tức tiếp nhận, có thể tin tưởng, phát nguyện, bèn có thể vãng sanh, dẫu trong một đời chưa hề gặp [pháp môn này trước khi lâm chung]! Ở Mỹ, tôi đã được gặp một người. Tại đặc khu Hoa Thịnh Đốn (Washington DC), có một đồng tu cả đời chẳng tín ngưỡng tôn giáo nào, bị ung thư. Ông ta mở tiệm bán bánh mì, con người hết sức tốt lành, thật thà. Khi lâm chung, mắc bệnh ung thư, bệnh viện đã không nhận chữa trị nữa, bảo đã hết cách cứu. Người nhà lãnh về, đến khắp nơi cầu thần, bái Phật, mong có kỳ tích xuất hiện. Chúng tôi ở nơi ấy, có các đồng học học Phật thành lập một hội Phật giáo, có tên là Hoa Phủ Phật Giáo Hội (hội Phật giáo Washington). Có mấy đồng học [thuộc hội ấy] đến thăm ông ta, thấy tình trạng như vậy, bèn khuyên: “Nhân gian rất khổ, đừng cầu lành bệnh, hãy niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc”. Đem y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc giảng cho ông ta nghe. Nghe xong, ông ta hết sức hoan hỷ, bảo người nhà chẳng cần chạy chữa cho ông ta nữa, tất cả hãy cùng niệm Phật giúp ông ta cầu sanh Tịnh Độ. Niệm ba ngày, ông ta thật sự vãng sanh. Trước khi lâm chung ba ngày, ông ta mới chuyển biến ý niệm. Hễ niệm Phật, ông ta sẽ không đau. Ông ta vốn bị bệnh ung thư rất đau đớn; [nay do niệm Phật] không đau nữa. Vì thế, ông ta lòng tin tràn trề, niệm ba ngày, ra đi rất thuận lợi. “Mười niệm ắt sanh” là thật, chẳng giả! Khi lâm chung được Phật nhiếp thọ, Phật đến tiếp dẫn, liền sanh về Cực Lạc, hoa nở kiến Phật, ngộ nhập Vô Sanh.

Trong kinh Di Đà, có một câu kinh văn Huyền Trang đại sư và La Thập đại sư phiên dịch hoàn toàn khác nhau. Bản dịch của ngài La Thập có câu “nhất tâm bất loạn”; bản dịch của Huyền Trang đại sư không có câu này, Ngài ghi là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng phải là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn khó, nhất tâm hệ niệm dễ, chúng ta đều có thể làm được. Có phải là Cưu Ma La Thập đại sư dịch sai hay không? Nói thật ra, La Thập đại sư chẳng dịch sai, mà Huyền Trang đại sư cũng chẳng dịch sai! Nguyên văn là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng dịch sai! Đó là nguyên văn. La Thập đại sư dịch theo ý, khi lâm chung, [Tịnh nghiệp hành nhân] thật sự nhất tâm bất loạn. Khi lâm chung, công phu thành phiến, chưa đạt đến nhất tâm, nhưng khi Phật đến tiếp dẫn, trước hết, Phật quang chiếu tới quý vị, Phật quang vừa chiếu, khiến cho công phu của quý vị nâng cao gấp bội. Quý vị đã có công phu thành phiến, Ngài vừa chiếu, ngay lập tức trở thành nhất tâm bất loạn, chẳng dịch sai! Đức Phật giúp đỡ chúng ta, bản thân chúng ta chẳng có công phu gì thì không được rồi! Đức Phật chẳng có cách nào giúp đỡ quý vị! Phật giúp quý vị là tương đối, [nghĩa là] quý vị có một phần công lực, Ngài sẽ gia trì quý vị một phần. Quý vị có mười phần công lực, Ngài sẽ gia trì quý vị mười phần. Chính mình phải thật sự tu. Nếu chính mình chẳng thật sự tu, chỉ cầu Phật gia trì, đó là chuyện không thể thực hiện được! Hai bên phải đối ứng mà! Chính mình nhất định phải nghiêm túc nỗ lực nâng cao [cảnh giới] của chính mình, đến khi lâm chung, hiệu quả gia trì sẽ vô cùng rõ rệt. Vì thế, pháp môn này đúng là kỳ diệu, nhanh chóng; tốc độ nhanh chóng không chi hơn được!

“Nhất thiết chúng sanh do thử đắc độ, thập phương Như Lai nãi xứng bổn hoài” (Hết thảy chúng sanh do pháp này đắc độ mới xứng hợp bổn hoài của mười phương Như Lai). Thật vậy! Mười phương Như Lai ứng hóa trong thế gian này chỉ vì một chuyện này: Giúp chúng sanh lìa khổ, được vui, chẳng vì chính mình. Các Ngài đâu có ý niệm lo toan cho bản thân, các Ngài chẳng vì mình, mà vì chúng sanh mà đến [thế gian này]. Chúng sanh khổ sướng bởi đâu? Do mê hay ngộ mà ra. Vì sao quý vị khổ? Vì quý vị tạo nghiệp bất thiện. Cớ sao quý vị tạo nghiệp bất thiện? Do quý vị mê hoặc, nên mới tạo nghiệp, mới cảm lấy ác báo. Bởi lẽ, đức Phật biết: Sướng do đâu mà có? Sướng từ khai ngộ mà có. Sau khi đã ngộ, chắc chắn chẳng tạo ác nghiệp, đó là tiểu ngộ. Khi đại ngộ, thiện lẫn ác đều chẳng tạo, tạo gì? Phật pháp nói là “tịnh nghiệp”, tức nghiệp thanh tịnh. Thanh tịnh nghiệp là gì? Vẫn là đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, đoạn ác, tu thiện, nhưng trong tâm thanh tịnh, chẳng có dấu vết gì, bèn gọi là “tịnh nghiệp”; đấy cũng là thật sự buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, đoạn ác, tu thiện thì gọi là “tịnh nghiệp”.

Phật dùng phương pháp gì để giúp những chúng sanh khổ nạn và chúng sanh trong lục đạo? Phật dùng giáo học. Vì thế, thuở lão nhân gia tại thế đã nêu gương cho chúng ta: Sau khi khai ngộ bèn bắt đầu dạy học. Ba mươi tuổi khai ngộ, bảy mươi chín tuổi viên tịch, suốt bốn mươi chín năm chẳng bỏ sót ngày nào, hằng ngày dạy dỗ. Phật môn đệ tử chúng ta bất luận tại gia hay xuất gia, nhất định phải ghi nhớ: Đức Phật xuất hiện trong thế gian này để làm gì? Dùng phương pháp gì? Chúng ta phải học tập điều ấy. Phật giáo truyền đến Trung Quốc là giáo dục, chẳng phải là tôn giáo, quý vị chớ nên không biết điều này! Đạo tràng Phật giáo là cơ sở, thời cổ gọi là Tự. Tự có nghĩa là gì? Vì sao gọi là Tự? “Tự” () là cơ quan làm việc của chính phủ, trực tiếp thuộc quyền cai quản của hoàng đế. Nếu quý vị đến Bắc Kinh, đến thăm Cố Cung3, trong Cố Cung có chín Tự4. Một đơn vị bầy tôi của hoàng đế được gọi là Tự. Tự, có nghĩa là vĩnh viễn thiết lập, chẳng thể phế trừ! Do vậy, Tự được thành lập từ đời Hán cho mãi đến đời Thanh cũng không thay đổi. Triều đại thay đổi theo mỗi đời, chỉ riêng chín Tự không thay đổi danh xưng. Phật giáo truyền đến Trung Quốc cũng được gọi là Tự, vì thế, dưới hoàng đế có mười Tự, tức là vốn đã có chín tự, thêm vào cơ cấu này (nhà chùa) thành mười Tự. Tự này (nhà chùa Phật giáo) làm chuyện gì? Lo dạy học. Giáo dục Trung Quốc biến thành hai cơ cấu: Bản thân nhà vua nắm giữ một cơ cấu, giáo dục của Phật Đà do chính nhà vua nắm giữ, nên được phổ cập rất nhanh, phổ cập toàn quốc, vì mọi người tôn kính hoàng thượng. Cơ cấu kia là giáo dục Nho gia do Tể Tướng nắm giữ, nó có một bộ riêng, gọi là bộ Lễ. Bộ Lễ là bộ giáo dục. Tể Tướng cai quản bộ giáo dục, hoàng thượng tự mình nắm giữ nhà chùa, tức bộ giáo dục của Phật Đà. Hai nền giáo dục tồn tại song song ở Trung Quốc, Phật giáo chẳng phải là tôn giáo.

Hiện thời, Phật giáo biến thành tôn giáo, tứ chúng đệ tử chúng ta bất xứng với Thích Ca Mâu Ni Phật, vì sao trở thành nông nỗi này? Chúng ta thấy chùa chiền thời cổ, mỗi ngày làm chuyện gì? Giảng kinh, dạy học, giống như một ngôi trường. Điện đường là phòng học, Hòa Thượng Thủ Tọa phân tòa giảng kinh, giống như trong nhà trường hiện thời, lớp học khác nhau. Giảng đường này giảng Hoa Nghiêm, giảng đường kia giảng Vô Lượng Thọ, giảng đường nọ giảng Bát Nhã; họ có thầy, mỗi ngày lên lớp. Chẳng cho phép học trò lớp nào cũng đều học, chẳng phải vậy! Học trò chỉ có thể chuyên dồn công sức nơi một môn; quý vị học lớp của thầy nào, bèn đến giảng đường ấy. Một môn thâm nhập, chẳng phải là bảo quý vị môn gì cũng đều học, chẳng phải vậy! Thầy cũng chuyên dạy một môn, trò cũng chuyên học một môn. Học còn chưa xong một môn, chẳng thể học môn thứ hai. Quý vị có thể học rất nhiều môn, nhưng chẳng phải là học cùng một lúc. Học từng môn một thì được phép. Vì thế, nhà chùa là cơ cấu giáo dục. Nhất là đến thời đại Tùy - Đường, mười tông phái của Trung Quốc hình thành, đề xướng chế độ tùng lâm, đó chính là mở rộng quy mô, chính thức biến [nhà chùa] thành Đại Học. Chủ tịch tùng lâm là Phương Trượng, Trụ Trì, Hiệu Trưởng. Quý vị thấy các vị chấp sự (đảm đương trách nhiệm) dưới vị ấy: Thủ Tọa là giáo vụ, Duy Na là huấn đạo, trông nom việc giáo huấn, uốn nắn, Giám Viện trông nom tổng vụ (quản lý mọi sự vụ chung), hoàn toàn giống cách phân công trong trường Đại Học hiện thời. Trong Đại Học hiện thời, quý vị thấy Giáo Vụ Trưởng (Provost), Huấn Đạo Trưởng (Proctor), Tổng Vụ Trưởng (Dean of General Affairs), danh xưng khác nhau, nhưng công việc hoàn toàn tương đồng. Vì thế, Phật giáo truyền đến Trung Quốc đã biến hóa mang tánh chất cách mạng, được tổ chức theo quy củ chính thức, mang hình thức một trường học chính quy. Phật giáo vào thời đức Thế Tôn và vào thời mới truyền sang Trung Quốc mang tánh chất trường tư, giống như tư thục giáo dục, chưa được “chế độ hóa” (Institutionalized). Chế độ hóa là điểm đặc sắc trong Phật giáo Trung Quốc.



tải về 156.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương