Tiếng Việt từ thời lm de Rhodes Kinh Lạy Cha


Đồng tiền Thái Bình Thiên Quốc - để ý chữ quốc có bộ vi



tải về 0.93 Mb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích0.93 Mb.
#37765
1   2

Đồng tiền Thái Bình Thiên Quốc - để ý chữ quốc có bộ vi và chữ vương. Sau thời cách mạng Mao Trạch Đông (phế bỏ chế độ quân chủ), chữ ngọc được chuộng hơn!

Chữ quốc 國 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu đức 德 nhập thanh, hợp khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết: 古或切 cổ hoặc thiết (TVGT, ĐV, QV, NT, TTTH), 古或反 cổ hoặc phản (LKTG), 于逼翻 vu bức phiên8 (BH 佩觿), 骨或切,觥入聲 cốt hoặc thiết, quang nhập thanh (TV, LT, KH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi

CV ghi cùng vần/nhập thanh 虢 郭 𢼛 馘 幗 摑 膕 國 (quắc quách quặc quốc)

古伯切, 觥入聲 quang nhập thanh (TVi)

古紅切, 音公 cổ hồng thiết, âm công (TVi)

古或切, 觥入聲 cổ hoặc thiết, quang nhập thanh (CTT) ...v.v... Giọng BK bây giờ là guó so với giọng Quảng Đông gwok3 gok3 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] gwet7 [海陆丰腔] kwet7 [客英字典] kwet7 gok7 [宝安腔] get7 gok7 [客语拼音字汇] ged5 gued5 [陆丰腔] kuet7 [沙头角腔] giet7 gok7 [台湾四县腔] kwet7, giọng Mân Nam/Đài Loan kok1, tiếng Nhật koku và tiếng Hàn kwuk. Một dạng âm cổ phục nguyên của quốc là *kwək.

3.5 Nước chữ Nôm (nhược HV)

Thời LM de Rhodes đến An Nam thì hai dạng nác và nước cùng hiện diện, cũng như phạm trù nghĩa khá rộng của nước từ chất lỏng (cụ thể) đến nước nhà (quốc gia). Một ngữ căn của nác/nước có thể là dạng tiền Nam Á *hdaak để cho ra dạng đak và nác trong các tiếng Bahna, Mnong, Kơho, Mường, Việt ... Dạng nác (nước) còn được duy trì trong các tiếng địa phương VN như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá (cd. khôn ăn nác, dại ăn xác) … So với dạng dak3 (Mường Bi, Nguồn), dak2 (Chứt), tik/tưk (Khme), dak (Môn, Rơngao, Sakai, Biat), đek/đak (Mnông), đaq (Tà Ôi, Chơro, Kơho) …v.v… Một số địa danh, sông ngòi cũng dùng *đak (nước) cho thấy rõ ràng âm này đến từ phương Nam. Các tài liệu cổ TQ ghi lại âm đắc/đức 淂 chỉ nước (nác) là chữ hiếm với tần số dùng là 161 trên 171894734; Ngọc Thiên ghi cách đọc 淂 là 淂勒切 đô lặc thiết (đắc) – 水也 thuỷ dã, so với 都則切 đô tắc thiết (QV), 的則切,音德 đích tắc thiết, âm đức (TV, LT), 多則切,音德 đa tắc thiết, âm đức (TVi, CTT), 丁力切,音滴 đinh lực thiết, âm tích/trích (QV). Đắc HV còn trở thành được trong tiếng Việt, cũng đàng và đường (VBL), tương ứng với quá trình (đák) nác trở thành nước. Trần Cương Trung (thế kỷ XIII) còn ghi âm nước là lược 掠 (Sứ Giao Châu Tập). Nghĩa nguyên thuỷ nước (chất lỏng) của đắc/đức trong các tài liệu TQ sau này đã tiếp biến để trở thành ‘thuỷ mạo’ (óng ánh hay long lanh như mặt nước/QV/LT/TVi) hay ‘thuỷ danh’ (tên sông/TV) để người TQ có thể hiểu được! CTT còn ghi là không nên dùng tục tự này cho chữ đắc 得 (dị thể).

Có lẽ nên nhắc lại về các dạng phồn thể của quốc chữ Hán để cho thấy khái niệm về quốc gia rất phong phú/thâm trầm từ thời cổ đại: có biên giới và lãnh thổ (bộ vi 囗, chữ thổ 土 ở giữa), có vua (chế độ quân chủ, chữ vương 王 ở giữa9), có quần chúng (chữ dân 民 ở trong bộ vi) ...v.v... Tiếng Việt nước còn gợi cho ta nghĩ đến đất nước hay chủ quyền cụ thể của quốc gia. Văn hoá và tư duy truyền thống rất lâu đời về quốc (nước) đã ảnh hưởng phần nào đến những cách hiểu khác nhau, và dĩ nhiên các kết quả tiêu cực sau này liên hệ đến câu "Quốc Cha trị đến" trong KLC chẳng hạn.

4. "Quốc Cha trị đến" trong KLC

Như đã bàn trong bài 5A, KLC chữ Nôm năm 1855 lại không có câu nguyện quan trọng và nhạy cảm "Quốc (nước) Cha trị đến". Số chữ KLC trong bản Nôm 1855 là 49, bằng với số chữ La Tinh của KLC (Vulgate), hay là ít nhất trong tất cả các bản KLC bằng tiếng Việt hay Nôm hiện hữu. Đây là một dấu chỉ báo cho biết một biến cố quan trọng sẽ xẩy ra, quả thật là sau bản Nôm KLC 1855 là chiến dịch nước Pháp xâm lăng10 Đại Nam! Điều đáng chú ý là trong cùng bài viết11 “Notice sur la langue annamique”, học giả/nhà Đông phương học Léon de Rosny (1837-1914) ghi bản KLC bằng chữ quốc ngữ và có câu này (nước cha trị đến - hàng chữ sau là tiếng Pháp tương ứng) - xem hình chụp ở trang sau. Trong thời kỳ cấm đạo, câu kinh này đã gây nhiều rắc rối như trong tài liệu "Les Martyrs de l'extrême Orient et les persécutions antiques" (1877), tác giả Edmont le Blant ghi lại chuyện một giáo sĩ TQ có tên là Joseph Yuên đã bị tù đày, và bị các quan lại tra khảo về câu này trong KLC. Nhà cầm quyền TQ thời đó thường nghĩ rằng "Quốc Cha trị đến" hàm ý nước ngoài (Tây phương) đến xâm chiếm nước mình và cướp lấy dân (theo đạo CG thay vì phải trung thành với vua như truyền thống). Giáo sĩ Joseph Yuên12 (1766-1817) là người tỉnh Tứ Xuyên, phong LM năm 1795 bị kết án treo cổ năm 1817. Ông được phong Thánh vào năm 2000 bởi Đức Thánh Cha John Paul II. Tình trạng nghi kỵ CG ở Đại Nam cũng không khác gì mấy so với các nước Nhật và TQ vào thời kỳ này.



Tiếng Việt mà Léon de Rosny chép lại (1855) không gần với tiếng Việt ngày nay như cách viết của các LM Béhaine và Taberd trước đó (1772/1773 1838). Tuy nhiên, sự có mặt của câu "Nước Cha trị đến" trong bản quốc ngữ cho thấy bổn đạo CG đã bảo lưu trung thành với bản kinh gốc, so với sự vắng mặt của câu này trong bản chữ Nôm cùng một thời điểm. Điều này còn cho thấy quan lại cầm quyền thời này có thể không dùng (và không đọc được) chữ quốc ngữ so với chữ Nôm và chữ Hán (chính mạch). Trước đó gần hai thế kỷ, các báo cáo CG thường niên (1685) ghi lại sự kiện liên hệ: quan chức và lính gác bắt được hai tập tài liệu bằng chữ Nho và chữ quốc ngữ từ một người giúp việc nhà dòng ở Nghệ An. Tuy nhiên, người này được tha vì quan viên không đọc được chữ quốc ngữ13. Từ đó, LM Francois Deydier14 ra lệnh tất cả giấy tờ cùng thông tin quan trọng cần phải viết bằng chữ quốc ngữ. Thật ra câu "Quốc Cha trị đến" cũng tạo nhiều tranh luận từ xưa vì được dịch từ các bản kinh Hi Lạp và La Tinh. Tiếng Hi Lạp gốc của câu này là ἐλθέτω ἡ βασιλεία σου:



ἐλθέτω (elthetō) nghĩa là đến (động từ)

(ē) dùng làm mạo từ (article/A)

βασιλεία (basileia) nghĩa là triều đại (kingdom/A), vương quyền (kingship/A), điều luật (rule/A) ...

σου (sou) nghĩa là của anh/chị/của các anh/của các chị/của các ngài … (đại từ sở hữu ngôi thứ hai)

Dịch ra tiếng Anh là Your (hay Thy, tiếng Anh Cổ) kingdom come ~ Que ton règne vienne (P). Tuy nhiên, nước/quốc/triều đại trong Kinh Thánh hàm ý trừu tượng (tinh thần, mang tính chất thần thánh) chứ không phải nước (quốc gia) theo nghĩa bình thường là phải có đất đai/lãnh thổ hay nước với chế độ quân chủ (monarchy). Tiếng Hi Lạp βασιλεία (basileia) lại có gốc là "malkuth" (tiếng Do Thái) và "malkutha" (tiếng Aramaic) với nét nghĩa chính là quyền lực (dominion/A) hay phép tắc (rule/A), do đó dịch thành nước (quốc, kingdom/A ~ règne/P) cũng không chính xác cho lắm. Trong Kinh Thánh, chương John 18:36, ĐCGS cũng nhắc (gián tiếp) đến nước của mình15 "Vương quốc Ta không thuộc thế gian này ~ My kingdom is not of this world". Các lấn cấn về phạm trù nghĩa16 nguyên thuỷ dĩ nhiên sẽ lan toả ra các ngôn ngữ khác, hoàn toàn xa lạ với văn hoá CG và ngôn ngữ Tây phương, khi dịch câu trên ra tiếng bản địa.



5. Rày trong KLC "Chúng tôi trông Cha rày cho hàng ngày dùng đủ"

Rày (rầy) vào thời LM de Rhodes (trong VBL/1651), ông ghi nghĩa là hodie (La Tinh, ngày này/hôm nay) cùng một nghĩa và cùng hiện diện với nay/này. Để ý là các dạng17 rày, nàynay đều cùng vần, đều bắt đầu bằng phụ âm đầu lưỡi. Đây là LM de Rhodes/cộng sự viên đã dịch từ Kinh Lạy Cha/KLC (Vulgate) tiếng La Tinh hodie ra tiếng Việt rày, hiện diện từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX trong KLC. VBL ghi: "ngày rày" cùng một nghĩa như "rày", "rày bây giờ" là bây giờ (ngay bây giờ), "Mới rày có sự này" nghĩa là mới đây mới có sự (cố) này. Rất thường gặp trong các tác phẩm Nôm của LM Maiorica và VBL, PGTN. Bây giờ ít thấy ai dùng rày một cách tự do (free morpheme) nhưng vết tích còn bảo lưu trong các cách dùng "từ rày về sau, rày đây mai đó" (người miền Bắc thường đọc là rầy so với dạng rày). Rày có một dạng chữ Nôm 𣈙 gồm có bộ nhật 日 (chỉ ngày, biểu ý) ở trên hợp với chữ lệ HV 例 (biểu âm):"Diếp huyện hoa còn quyến khách, rày biên tuyết đã nên ông ... Diếp trúc còn khoe tiết cứng, rày liễu đã rũ tơ mềm" Quốc Âm Thi Tập/Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380-1482), "Ngày rày gặp gỡ" Truyền Kỳ Mạn Lục, "... trong thành Roma, rầy hãy còn dấu tích đấy ... song le thánh dấu chân ấy đã qua mấy đời hãy còn vậy cho đến rày" PGTN trang 166, 251; "... rày thấy con ở trong muôn vàn thánh thần. Ngày trước thấy năm dấu ở mình con chảy máu ra, rày thấy sáng láng ... rày thấy con sống lại mà nói những lời lành" Đức Chúa Giê Su quyển chi cửu/chi thập (bản Nôm/Maiorica) trang 24-25.

Một vấn đề thường gây tranh luận trong KLC là tại sao lại xin cho ngày hôm nay (rày) mà ngày mai, ngày mốt thì sao? Nếu bỏ chữ rày đi thì nghĩa thay đổi ra sao so với nguyên tác KLC bằng tiếng Hi Lạp18? Có sự lặp lại (thời gian tính) trong câu nói "rày cho chúng con hàng ngày dùng đủ" Đã có nhiều suy diễn khác nhau từ bản KLC tiếng Hi Lạp cổ so với bản dịch ra La Tinh, cũng như khi dịch ra tiếng Anh/Pháp và Việt! Tuy nhiên, các phân tích thú vị trên không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.

6. Dạng bị (thụ) động trong tiếng Việt (Passive voice)

Tiếng Việt thời LM de Rhodes có nhiều động từ đơn hay kép chỉ quan hệ bị động như phải, chịu (chịu vui vẻ là được vui vẻ, chịu hình đời đời/PGTN ...), bị19 (bị phũ ba ~ bị phong ba/VBL) , được, mắc ... Mỗi động từ này lại có phạm trù nghĩa khá rộng như phải là đúng (thậm phải/VBL là rất đúng, phải lẽ/PGTN), cần/nên:"phải nước, phải gió, phải tàu/phải biển (bị chìm tàu), thuyền phải cạn phải đá ..." VBL trang 590; "cùng phải những sự khốn nạn ... còn phải tội đầu hết ông Adam truyền cho" PGTN 89, 156 ...v.v... Các câu "Tôi phải bệnh", "Tôi bị bệnh" hay "Tôi mắc bệnh ~ tôi bị mắc bệnh ~ tôi mắc phải bệnh ~ tôi bệnh" có cùng nghĩa. Tuy nhiên vấn đề trở nên thú vị khi "phải" có thể là bị động hay chủ động (nghĩa ngược hẳn với nhau): so sánh hai câu nói "Tôi phải đánh trước" so với "Tôi bị đánh trước". Một cách giải thích cách dùng có vẻ mâu thuẫn này là từ góc độ tư duy tổng hợp và truyền thống của người VN. Từ một tư duy tổng hợp, vai trò của người nói/phát ngôn trong câu nói ra thể hiện rất rõ nét khi xem kỹ các cách dùng trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền, ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh...v.v... Để ý động từ được nghĩa là thắng (tích cực, khác với bị/tiêu cực) vào thời VBL: được trận ~ thắng trận, được giặc ~ đánh thắng giặc...

Vấn đề tiếng Việt có dạng bị động hay không20 đã được bàn đến nhiều tuy kết quả không thống nhất. Một số tác giả cho rằng tiếng Việt không có câu bị động như G. Cardier, M.B. Emeneau, Trần Trọng Kim, Nguyễn Thị Ảnh, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Minh Thuyết ... Nếu phân tích câu qua cấu trúc chủ từ (chủ ngữ/subject), động từ và túc từ (bổ ngữ/object) hay [S+V+O] thì khả năng thành lập câu bị động [O + phải/chịu/được/bị + [S+V]] đã hiện diện từ thời VBL.

Trở lại với KLC, ngữ pháp Tây phương21 (tiếng Pháp) đã có ảnh hưởng lớn vào đầu thế kỷ XX để cho ra cách dịch "Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên" - xem mục 2.11 bài 5A. Đây là các câu chuyển ngữ theo khá sát tiếng Pháp hay tiếng Anh "Que ton nom soit sanctifié, Que ton règne vienne, Que ta volonté soit faite sur la terre comme au ciel" ~ "Hallowed be your name. Your kingdom come, your will be done". Vì dịch sát theo bản tiếng nước ngoài nên ta thấy trong bản KLC trên, phần Luke 11:2-4 ghi "Lạy Cha! danh Cha được thánh; nước Cha được đến; xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy; xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình; và xin chớ đem chúng tôi vào sự cám dỗ" (để ý cách dùng được, bánh). Bản KLC vào đầu thế kỷ XX phản ánh một khuynh hướng tổng quát hơn trong văn học chữ quốc ngữ: bắt đầu bằng những bài dịch các tác phẩm tiếng Pháp, Hán văn ra văn xuôi như Gia Định Báo 1865, Nông Cổ Mín Đàm (1900), Lục Tỉnh tân văn (1910), Chuyện Giải Buồn/Huỳnh Tịnh Của (1880/1885), tuần báo Đông Dương tạp chí/Nguyễn Văn Vĩnh (1913) ...v.v... Phần lớn là dịch trực tiếp ra tiếng Việt dựa vào ngữ pháp của tiếng Pháp (nguồn các tác phẩm).



7. Giới tính (gender) và ngôn ngữ

Gần đây có khuynh hướng thay đổi KLC để phản ánh trung thực hơn hiện trạng xã hội, đặc biệt về ngôn ngữ của giới tính (giống, giới - gender/sex/A). Phong trào nam nữ bình quyền (feminism) đã khởi dậy từ nhiều năm trước, từ thế kỷ XX trên thế giới, ngay cả NXB từ điển danh tiếng Merriam-Webster của Mỹ ngày 12/12/2017 đã chọn chữ "feminism" là từ khóa của năm 2017. Giáo hội CG Thuỵ Điển (24/11/2017) cũng khuyến khích bổn đạo dùng ngôn ngữ trung tính (neutral) khi đề cập đến Thượng Đế (God), so với các cách dùng như LORD hay HE (tiếng Anh) có khuynh hướng thiên về phái nam hơn. Một lý do đơn giản là Thượng Đế không có (và đứng trên) giới tính theo sự hiểu thông thường trong ngôn ngữ. Một đề nghị22 là thêm vào KLC cụm từ "và Mẹ"  "Lạy Cha và Mẹ chúng con ở trên trời". Thêm vào đó là NXB Zondervan, lớn nhất thế giới trong số các NXB Kinh Thánh, đã quyết định (2002) thay thế các từ MEN, SONS và HE (liên hệ đến tín hữu CG) bằng các từ PEOPLE, CHILDREN và THEY phản ánh tính chất trung tính của ngôn ngữ. Trong hoạt động truyền giáo cho tới ngày nay, một số giáo hội đã có nữ LM, tuy vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh luận sôi nổi: td. chính Đức Thánh Cha (Đức Giáo Hoàng/Pope) Phanxicô (Francis) đã không chấp nhận23 CG có nữ LM như Anh giáo.

Tóm lại, xem qua các bản KLC theo dòng thời gian và bằng các ngôn ngữ trên thế giới, cho ta cơ hội tìm hiểu quá trình thay đổi của ngôn ngữ với thời gian (lịch đại/diachronic) và không gian (phương ngữ). So sánh các bản KLC trong cùng một thời kỳ cũng cho ta nhận biết quá trình biến đổi ngữ âm trong cùng một họ ngôn ngữ (đồng đại/synchronic). Ngoài ra, các thay đổi cách dùng từ trong KLC cũng phản ánh tư duy và văn hoá của từng giai đoạn trong lịch sử, từ khái niệm về đấng tối cao trong vũ trụ cho đến sự bình đẳng giữa các phái, từ tín ngưỡng trong xã hội cho đến các trải nghiệm nghiệm khoa học mới nhất về con người (thuyết sáng tạo so với thuyết tiến hoá). Do đó, Kinh Lạy Cha (CG) còn ghi lại những dấu ấn quan trọng của lịch sử: thí dụ như giai đoạn nước Pháp xâm chiếm Đại Nam thì ngay trước đó KLC chữ Nôm (1855) không có ghi câu "Quốc Cha trị đến”. Đây là ‘một câu bốn chữ’ đơn giản nhưng rất quan trọng cho niềm tin tôn giáo, có mặt trong KLC – tuy kinh này tóm gọn lại chỉ có vài chục chữ24 mà thôi.

8. Tài liệu tham khảo chính và ghi chú thêm

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

(1774/Quảng Đông  Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Gonçalo Fernandes & Carlos Assunção (2017) "First codification of Vietnamese by 17th-century missionaries: the description of tones and the influence of Portuguese on Vietnamese orthography" đăng trong tạp chí Histoire Épistémologie Langage 39/1 (2017) tr. 155-176.

4) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

5) Roland Jacques (2004) « Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam » (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam) - NXB Đinh Hướng Tùng Thư (Pháp). Có thể đọc các bài viết của LM Roland Jacques trên mạng như http://www.dunglac.info/index.php?m=home&v=detail&ia=11502 . Các bài viết như "Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay: tiến trình của Kinh Lạy Cha" của Roland Jacques (người dịch Nguyễn Đăng Trúc) trên mạng này http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18656 …v.v…

6) Halario de Jesu (thế kỷ XVIII) "Sách Các Phép" bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).

7) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).

8) Alexis Michaud/André-Georges Haudricourt (1949/2008) "The origin of the peculiarities of the Vietnamese alphabet" đăng trong tạp chí Mon-Khmer Studies 9:89-104 (2010).

9) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

10) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

11) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html ...v.v...

(2011"Những thành kiến hoá thạch về phái nữ qua chữ viết (bộ nữ)" có thể xem toàn bài trên trang này http://chuvietcolacviet.vn/nghiencuu/detail/nhung-thanh-kien-hoa-thach-ve-phai-nu-qua-chu-viet-bo-nu-8.html

(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

(2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” - có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

(2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

(2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

- Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5947-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-ngh%C4%A9a-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B1c-t%C3%A0u-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%93-la-ph%E1%BA%A7n-1.html hay trang http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm

(2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5A)" có thể xem toàn bài trên trang https://nghiencuulichsu.com/2018/02/06/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha/ hay https://www.facebook.com/conggiao.info/posts/1586641711427101 ...v.v...

12) Stêphanô Huỳnh Trụ (2011) "Thể hiện, thực hiện" bài viết cũng ghi lại một số bản dịch KLC khác nhau, có thể xem toàn trên trang này http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110729/11827



1 Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Úc) - địa chỉ nguyencungthong@yahoo.com

2 Bài tường trình của LM Borri nhan đề "Relatione della nuova missione delli pp. della Compagnia di Giesù, al regno della Cocincina" (1631) - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn https://www.liberliber.it/mediateca/libri/b/borri/relatione_della_nuova_missione/pdf/borri_relatione_della_nuova_missione.pdf

3 Có lẽ đây là lần đầu tiên người Việt biết đến loại thức ăn sushi của người Nhật, so với phong trào ăn/nhà hàng sushi rầm rộ ở VN trong thập niên 2010. Để ý phiên âm fuxi là sushi theo tiếng Việt hiện đại (f tiếng La Tinh ứng với s)! Tiếc rằng bản dịch VBL của Thanh Lãng/Hoàng Xuân Việt/Đỗ Quang Chính (1991) vẫn dùng dạng fuxi trong phần chữ quốc ngữ (trang 145).

4 Không những chỉ có tiếng Bồ-Đào-Nha trong thời ban đầu, các tiếng Hi Lạp, La Tinh, Ý (cũng liên hệ đến tiếng La Tinh) đều được dùng để kí âm tiếng Việt vào thời VBL. Đây cũng là ghi nhận của LM de Rhodes trong BBC sau khi so sánh với các ngôn ngữ ở Á Đông, thí dụ như âm l: "... L thông dụng rất nhiều ở đầu tiếng, thí dụ lá (folium/L), chữ này người Nhật Bản thiếu hoàn toàn, cũng như người Trung Hoa thiếu r".

5 Thí dụ ngôn ngữ đơn lập (isolating/analytic language) là tiếng Việt hiện đại, tiếng Hán, tiếng Thái ...v.v... Các ngôn ngữ này hầu như không dùng phụ tố (affix) như tiền tố (prefix, tiếp đầu ngữ), trung tố (infix) hay hậu tố (suffix, tiếp vĩ ngữ). Bạn đọc có thể tham khảo các bài viết liên hệ như http://ling.uni-konstanz.de/pages/home/plank/for_download/Morphology-I-WS13-14/9_Morpho_Typo.pdf ...v.v...

6 Tỉ số hình vị và từ (M/W, M = morpheme, W = Word/chữ ~ từ) còn gọi là tỉ số tổng hợp (Index of synthesis, J. H. Greenberg 1960). Có các loại tỉ số khác phản ánh cách phân tích định lượng (quantitative approach) như tỉ số ghép (Compounding ratio, R/W - R Root/ngữ căn, W = Word/chữ), tỉ số tiền tố và từ (Prefixial index, P/W - P = Prefix/tiền tố), tỉ số hậu tố và từ (Suffixial index, S/W - S = Suffix/hậu tố) ...v.v... Tham khảo bài viết liên hệ của GS Greenberg trong cuốn "On Language: Selected Writings of Joseph H. Greenberg" Chủ biên Keith Denning và Suzanne Kemmer, NXB Stanford University Press 1990.

7 LM Francisco de Pina (1585-1625) là thầy dạy tiếng Việt đầu tiên cho LM de Rhodes, cũng như lời tựa của VBL cũng nhắc đến công trình của LM người Bồ-Đào-Nha này. LM de Rhodes còn thuật lại chi tiết hơn" (LM Francisco de Pina) người thứ nhất trong chúng tôi am tường tiếng Việt, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn".

8 Chữ quốc ~ vực có khả năng liên hệ đến nhược. Chữ vực 域 có cách đọc theo phiên thiết là 于畐切 ư/vu bức thiết (TVGT) - có khả năng ngạc cứng hoá trở thành *nhược hay *dược. Quả là như vậy khi ta thấy Chính Tự Thông phiên âm vực là doanh bực thiết 營逼切, đáng lẽ phải đọc gần như *dược/dực. Khuynh hướng ngạc cứng hoá còn vết tích trong cách phát âm phụ âm môi răng v của vực (giọng Bắc bộ) đọc như mjực (mdực) theo giọng Nam bộ. Giọng Nam bộ còn nhiều vết tích âm cổ hơn so với Bắc bộ: nhân đọc như *nhưn (nhin, tự điển Việt Bồ La/VBL 1651), và nhất đọc như *nhứt (nhít, VBL 1651) ...v.v... VBL trang 178 ghi "dớt miệng" là nước miệng (> nước miếng - saliva/L, khuynh hướng đồng hoá thanh điệu), "giổ ra dớt". Vực còn được phiên là vũ bức thiết 雨逼切 (ĐV) hay việt bức thiết 越逼切 (TV): các âm này còn có thể ngạc hoá thành dược như chữ dược 籰 (cái guồng quay tơ). Để ý chỉ có Loại Thiên (khoảng 1039/1066) mới phiên dược là việt bức thiết so với vương phược thiết 王縛 切 (QV/1008) hay TV/1037), hay khả năng ngạc hoá thành dược có thể xẩy ra vào khoảng cuối thế kỷ XI. Đây là giai đoạn Việt Nam bắt đầu củng cố nền độc lập với nhà Lý (1009-1225) và khái niệm nước (quốc gia) theo dạng trung ương tập quyền (ảnh hưởng TQ) trở nên cần thiết: âm *dược > nhược (từ gốc vực 域) bắt đầu trở thành quan trọng. Chữ vinh 榮 đọc là 永兵切 vĩnh binh thiết (TVGT, ĐV/năm 751, QV), hay Ư bình thiết (TV, 1037/1067) nhưng đến thời TV/LT ghi thêm cách đọc 維傾切 duy khuynh thiết - Tự Vị/1615 ghi rõ vinh đọc là vu bình thiết âm dinh/doanh 于平切, 音營 hay 以中切,音融 dĩ trung thiết, âm dung - so với Vận Hội (1297) ghi là ư doanh thiết, âm doanh 於營切, 音營. Chữ huỳnh 熒 thời Tự Vị đã đọc là 于平切, 音榮 vu/ư bình thiết, âm vinh - so với thời Khang Hi đã đọc là 維傾切,音營 duy khuynh thiết, âm doanh. Ngoài ra chữ quân 勻 đáng lẽ phải đọc là đọc là duân3 - dương luân thiết 羊倫切 (ĐV) hay du luân thiết, âm vân 兪倫切, 音 云(TV) - nhưng âm HV vẫn là quân (quy luân thiết, âm quân 規倫切,音君/TV). Đây là các dữ kiện ngữ âm hỗ trợ cho thời gian dạng ngạc hoá của v là d- xuất hiện vào khoảng thế kỷ XI hay trễ nhất là vào thế kỷ XIV. Do đó, nước (chất lỏng) chỉ quốc gia có thể là dạng trùng hợp với nước (nhược), một dạng ngạc cứng hoá của vực (~ quốc).

9 Do đó, sau thời cách mạng của Mao Trạch Đông kết liễu chế độ quân chủ TQ, chữ quốc với chữ ngọc 国 ở giữa đã trở thành dạng phổ thông hơn và thay thế chữ quốc với chữ vương 囯 (chỉ cần thêm một nét).

10 Xem thêm cuốn "Tây Dương Gia Tô bí lục" (NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội/1981), tuy có nhiều vấn đề về văn bản và mức chính xác, nhưng lọc ra một số dữ kiện cho thấy khoảng giữa thế kỷ XIX tình hình theo đạo CG ở Đại Nam rất căng thẳng! Trong quyển 7 và 8, dịch giả (Ngô Đức Thọ) dùng Kinh Bởi Trời (chỉ ba lời thỉnh cầu đầu liên hệ đến ĐCT) và Kinh Lạy Cha (chỉ bốn lời cầu liên hệ đến con người - con của Cha). Kinh Bởi Trời hiện nay chỉ Kinh Lạy Ơn ĐCGS ("Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu xưa bởi trời mà xuống thế gian ba mươi ba năm cùng chịu những sự thương khó ..."), khác với Kinh Lạy Cha ("Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến ...").

11 Đáng lẽ là "Notice sur le langue annamique" theo đúng cách ghi của trang mạng đã đăng bài viết này, đầu đề bài viết của Léon de Rosny là "Notice sur la langue annamique" (langage là danh từ giống cái/féminin).

12 Xem chi tiết trang này https://catholicsaints.info/saint-iosephus-yuan-zaide/ hay gần đây hơn trong bài viết http://eglasie.mepasie.org/asie-du-nord-est/chine/2000-09-16-canonisation-de-martyrs-de-leglise-en-chine ...

13 Ngay cho đến thời nhà nho Nguyễn Bá Học (1857-1921), việc đọc được và học chữ quốc ngữ là cả vấn đề, ông từng tâm sự rằng "Tôi lúc mới học Quốc–ngữ thường không dám học to tiếng, chợt có khách đến phải giấu ngay sách vào trong túi áo, hình như có hai mươi bốn mẫu– tự quốc ngữ, là một cái sách bí–mật cấm thư" trích Nam Phong, số 50, 1921, trang 167.

14 Năm 1679, Đức Thánh Cha Innocens XI (1676-1689) chia giáo phận Đàng Ngoài làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới. LM François Deydier Phan, thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), là giám mục tiên khởi của giáo phận Đông Đàng. Về sự kiện năm 1685, xem thêm chi tiết trong bài viết "Chữ quốc ngữ thời Hội Thừa Sai" (2018) của Phạm Thị Kiều Ly trang này chẳng hạn https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chu-quoc-ngu-thoi-hoi-thua-sai-paris

15 Tiếng La Tinh (Vulgate) "regnum meum non est de mundo". Để ý VBL dịch regnum ra là cuốc (quốc), nước và nác - ba dạng này đều hiện diện vào thời LM de Rhodes.

16 Từ thời ĐCGS, cách dùng Nước Thiên Đàng (Nước Cha/Trời, ĐCGS là con một của ĐCT) đã dẫn đến lời cáo buộc "tội phạm thượng" (blasphemy) từ dân Do Thái. Ngay từ lúc ĐCGS mới ra đời, vua Herod đã xem ĐCGS là một hiểm hoạ cho nước Do Thái mà mình đang cai trị và ra lệnh giết tất cả các đứa bé dưới hai tuổi ở Bethlehem và các vùng phụ cận. Khi ĐCGS chết trên thập tự giá, quan tổng trấn La Mã Philatô (Pilate) đã ra lệnh treo tấm bảng ghi bằng ba thứ tiếng Do Thái, Hi Lạp và La Tinh "Giêsu người Nazareth, vua dân Do Thái" (John 19:17-22), dù Philatô thấy ĐCGS không có tội! Một số học giả Kinh Thánh đề nghị dịch Nước Cha (Nước Thiên Đàng) là lãnh thổ của tình yêu (love's domain) hay quy luật tình yêu (love's rule); một số khác đề nghị giữ nghĩa nguyên thuỷ của tiếng Hi Lạp cổ basileia là nền móng, cơ sở (base, foundation/A) để không lầm với khái niệm của nước (quốc gia) quân chủ (monarchy) ...v.v...

17 Có thể kể thêm dạng đây (cùng vần, cùng bắt đầu bằng phụ âm đầu lưỡi): nếu các từ rày, nay/này xác định thời gian thì đây liên hệ đến không gian. Thay đổi thanh điệu các dạng trên (thanh bằng  trắc) cho ra nghĩa ngược lại: ở đây ở đấy, hôm nay ≠ hôm ấy (VBL ghi nấy ~ ấy).

18 Trong KLC: tiếng Hi Lạp σήμερον (sémeron) nghĩa là bây giờ (now/A), hôm nay (this day/A). Tiếng Hi Lạp ἐπιούσιος (epiousios) nghĩa là cho ngày mai (for the morrow/A), cần thiết (necessary/A), đủ (sufficient/A) - chữ này rất hiếm, chỉ xuất hiện trong Kinh Thánh hai lần ở chương Matthew và Luke.

19 Động từ bị tương ứng với bị HV 被, có một dạng âm cổ phục nguyên (reconstructed sound) là *bai? (có thể liên hệ đến dạng phải trong tiếng Việt). Tiếng Trung (Hoa) cũng dùng bị cho trường hợp bị động và thường hàm ý tiêu cực. Các ngôn ngữ Á Đông như Hán, Nhật, Đại Hàn và VN ít dùng dạng bị động so với Tây phương, nhưng khi dùng thì thường chỉ tình huống tiêu cực (bị bệnh, bị tù, bị kẹt ...): *bị lên chức được lên chức. Được còn dùng để chỉ sự ước ao (tích cực) so với nét nghĩa nhận/hưởng, các dạng chữ Nôm dùng đặc HV 特 hay đắc HV 得 cùng một nghĩa.

20 Xem thêm các sách liên hệ đến "Ngữ pháp tiếng Việt" như của Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp/Đoàn Thiện Thuật/Nguyễn Minh Thuyết ... Hay các bài viết như "Dạng bị động và vấn đề câu bị động trong tiếng Việt" của Nguyễn Hồng Cổn/Bùi Thị Diên - tạp chí Ngôn Ngữ 7 (2004).

21 Trong Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 755 (11.8.1928), cụ Phan Khôi đã bàn chi tiết về cách dùng dạng bị động: "Chữ "được" ấy, thấy có nhiều người không hiểu, đem mà hỏi nhau. Mà không hiểu cũng phải. Vì trong tiếng An Nam ta, bị động từ (verbe passif) có hai cách đặt: một là đặt với chữ được, trong khi mình gặp sự gì vừa ý mình, như được thưởng, được cử làm hội đồng, v.v.; hai là đặt với chữ bị trong khi gặp sự gì trái ý mình, như bị quở, bị đánh v.v...Thường thường, ở Trung Kỳ, ai phạm tội mà bị kết án đày một ngàn dặm thì đày đi Lao Bảo, còn ai bị kết án đày ba ngàn dặm thì đày đi Côn-nôn. Nay Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến đương ở Lao Bảo là nơi gần hơn mà lại dời đi Côn-nôn là nơi xa hơn, lẽ đáng nói bị mới phải, sao lại nói được? Cho nên không hiểu là phải. Chúng tôi xin giải nghĩa tại làm sao mà nói chữ được trong câu đó. Số là, Lao Bảo là một nơi nhà nước đặt ra để giam bọn tù trộm cướp. Ở đó nước độc lắm, vả lại cách đãi ngộ bọn tù phạm cũng hà khắc hơn các nơi khác. Ban ngày tù đi làm xâu, tối lại xỏ chơn vào cùm hết thảy. Lính gác ở đó có tiếng là tàn nhẫn lắm, vì họ được phép bắn tù trong khi dẫn đi ở ngoài nếu kêu ba tiếng mà tên tù nào không xây mặt lại. Cho nên họ giết người dễ lắm, nhiều khi họ bắn chết tù trong núi sâu, rồi chỉ cắt cặp tai và lấy cái thẻ số hiệu đem về trình quan là đủ. Đã ở tù thì đâu là chẳng khổ, song Côn-nôn so với Lao Bảo còn khá hơn. Lao Bảo dầu gần song khó trông có ngày về; Côn-nôn dầu xa mà có ngày về đặng. Bởi vậy nói rằng "Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn-nôn" là có ý mừng cho hai người tù quốc sự có lẽ khỏi bỏ thây nơi ác địa, và cũng nhơn đó tỏ ra sự làm ơn tròng tréo của triều đình Huế và chánh phủ Bảo hộ Trung Kỳ".

22 Thí dụ như xem https://www.youtube.com/watch?v=bHpxonZT8jE hay bài viết của Roger Wosley (2015) trên trang http://www.patheos.com/blogs/rogerwolsey/2015/05/lets-change-the-lords-prayer/ …v.v…

23 Xem bài viết (2016) trang này http://www.abc.net.au/news/2016-11-02/pope-says-he-believes-ban-on-female-priests-is-forever/7986818 ...v.v...

24 Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte (1769-1821) từng nói "Các bạn có muốn biết điều gì thật là tuyệt vời không? Cứ đọc nhiều lần KLC”. Nhà văn/triết gia Aldous Huxley (1894-1963) cũng từng viết "Hàng triệu người đọc câu thứ ba trong KLC hàng ngày, nhưng chẳng ai muốn làm theo ý ai ngoại trừ ý của chính mình". Thánh Tôma Aquinô (thế kỷ XIII) gọi KLC là Kinh hoàn hảo nhất trong mọi kịnh Nhà thần học Frederick Denison Maurice (1805-1872) từng nhận xét là "Ta có thể nhớ KLC khá nhanh, nhưng tim ta học KLC lại rất chậm". Nhà chính trị/Công tước người Anh Arthur Wellesley (1769-1852) từng nhận định “The Lord’s prayer contains the sum total of religion and morals” tạm dịch/NCT “Kinh Lạy Cha là tổng số (bao gồm cả) của tôn giáo và đạo đức” ...v.v… Không những có ảnh hưởng rộng lớn, nhiều sự kiện xẩy ra cũng đáng chú ý. KLC thường được đọc trong trường phổ thông (public schools) như ở tỉnh British Columbia của Canada, chỉ tới năm 1996 thì mới có phán quyết từ toà án là không dùng nữa. Ở Mỹ, Toà Án Tối cao (Tối Cao Pháp Viện/Supreme Court) ra phán quyết không cần đọc KLC ở trường phổ thông vào ngày 17/6/1963. Các trường CG ở Úc vẫn đọc KLC hàng ngày … Người viết có đọc đâu đó ông cố vấn Ngô Đình Cẩn (em tổng thống Ngô Đình Diệm) đã đọc KLC trước khi ra pháp trường (1964). Quốc hội Úc (liên bang và tiểu bang) đều khai mạc bằng lời từ KLC. Vợ Tổng Thống Mỹ Donald Trump (bà Melania Trump) từng đọc KLC trong buổi mít tinh chào mừng chồng mình ở Melbourne (Florida) ngày 18/2/2017; một số dư luận không tán thành các sự việc trên.

Каталог: 2018
2018 -> UỶ ban nhân dân tỉnh bắc ninh số: 1256/QĐ-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2018 -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc ninh số: 1284/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2018 -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc ninh số: 1298/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2018 -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc ninh số: 1357/qd-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2018 -> V/v khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông trên tuyến ql18 và tl. 295B
2018 -> V/v chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải
2018 -> TL. chủ TỊch chánh văn phòNG
2018 -> TL. chủ TỊch kt. Chánh văn phòng phó Chánh văn phòNG
2018 -> V/v tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01
2018 -> Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 92/2006/NĐ-cp ngày 7/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương