Tài liệu bồi dưỠng giảng viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III


Hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay



tải về 1.55 Mb.
trang144/146
Chuyển đổi dữ liệu25.09.2022
Kích1.55 Mb.
#53304
1   ...   138   139   140   141   142   143   144   145   146
23.10. TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG GV HẠNG III

Hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay

Trước yêu cầu của tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng, đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 chỉ rõ phát triển khoa học và công nghệ phải thực sự trở thành động lực then chốt của quá trình phát triển. Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 cũng khẳng định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là mục tiêu, đồng thời là giải pháp quan trọng để góp phần đưa khoa học và công nghệ Việt Nam sớm đạt trình độ quốc tế. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ phải được thực hiện tích cực, chủ động, sáng tạo, bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi. Hoạt động khoa học và công nghệ của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bám sát quan điểm chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng với định hướng dài hạn và kế hoạch hợp tác quốc tế trung hạn. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31-10-2012, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng xác định quan điểm phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới...
Bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trên thế giới đặt Việt Nam vào nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về khoa học và công nghệ khi năng lực, tiềm lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Việt Nam còn thấp. Nhận thức được vấn đề này, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực đáng kể để tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ trong nước, từng bước hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các nhu cầu cấp thiết của sản xuất và đời sống. Hiện nay, bên cạnh việc tiến hành đổi mới toàn diện và đồng bộ trong quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung các nguồn lực để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch khoa học và công nghệ trung hạn 5 năm 2011 - 2015 và các chương trình, đề án trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên tới năm 2020, trong đó có Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ... Đây là các chương trình đặc biệt quan trọng, có khả năng tác động mạnh mẽ tới tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ trong nước, tăng cường hơn hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; từ đó góp phần quan trọng nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ về hợp tác khoa học và công nghệ với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ. Hơn 80 hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ và cấp bộ đã được ký kết và đang thực hiện.Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học và công nghệ. Từ năm 2000 đến nay, có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu triển khai các cấp; hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam với các tổ chức khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới đã và đang được thực hiện. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai thực hiện Đề án “Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 735/QĐ-TTg, ngày 18-5-2011, của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm liên quan, như Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam đến năm 2020, Chương trình Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020, Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020... Hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác liên chính phủ quan trọng được hoàn tất đàm phán và ký kết, như Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123), đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, mở ra những triển vọng to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về ứng dụng bức xạ cũng như phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Ngoài ra, còn có các hiệp định và thỏa thuận hợp tác khác được hai bên ký kết, như Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ; Thỏa thuận về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ I-ran; Biên bản thảo luận giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về Dự án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST); Hiệp định Dự án hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) với Vương quốc Bỉ và một số các văn bản hợp tác khác.
Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ trong khuôn khổ đa phương và song phương được duy trì và có bước phát triển đáng kể thời gian qua, giúp thể hiện vị thế và vai trò về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực, chủ động tham gia, đàm phán, ký kết biên bản các cuộc họp Ủy ban liên chính phủ trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương; tham gia các diễn đàn quốc tế, đẩy mạnh sự tham gia sâu hơn của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Ủy ban Sử dụng không gian vì mục đích hòa bình của Liên hợp quốc (COPUOS)...; tổ chức đón và làm việc với hơn 20 đoàn vào triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký; trao đổi, thảo luận, mở rộng các nội dung và hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai quyết định trong khuôn khổ Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đó là Quyết định phê duyệt Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020 và phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 (1).
Các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ được triển khai trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN, hợp tác song phương với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), với các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp; hợp tác với các cơ quan sở hữu trí tuệ trong khu vực và của các quốc gia khác vẫn được duy trì và phát triển, điển hình với Cơ quan sáng chế châu Âu (EPO), Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Nga, Xin-ga-po, Lào... Việt Nam đang tích cực tham gia và thực hiện các hiệp định tầm khu vực và thế giới nhằm đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế phục vụ cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam; triển khai hiệu quả các thoả thuận, chương trình, dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ với các đối tác quốc tế.
Hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ chú trọng; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành lập, duy trì và đẩy mạnh sự tham gia sâu hơn của Việt Nam trong 14 tổ chức quốc tế và khu vực về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, ưu tiên đối với các tổ chức quốc tế và khu vực; tiếp tục nghiên cứu mở rộng năng lực phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mới trong hoạt động đánh giá sự phù hợp; phối hợp với các bộ, ngành tham gia tích cực và hiệu quả các hiệp định thừa nhận lẫn nhau trong khối ASEAN, APEC...; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; khai thác có hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, khu vực và đối tác nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngành tiêu chuẩn, đo lường chất lượng. Việt Nam cũng tăng cường hoạt động hợp tác song phương, chú trọng đến các đối tác tiềm năng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, đồng thời tiếp tục hợp tác với đối tác thuộc các nước ASEAN, Nga, Bê-la-rút, Séc... Tham gia tích cực trong các phiên đàm phán đa phương và song phương; chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện tốt nhiệm vụ khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - Liên minh hải quan,... được ký kết. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015 tiếp tục được triển khai.
Bên cạnh đó, một số chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng được triển khai mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Thông qua chương trình hợp tác với Công ty ABI (Nhật Bản), quy trình công nghệ bảo quản quả vải thiều bằng công nghệ CAS được hoàn thiện và lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ hàng nông sản Kan-đa ở Tô-ky-ô. Thông qua hợp tác với Công ty Juran (I-xra-en), dây chuyền xử lý quả vải không xông SO2 (lưu huỳnh đi-ô-xít) đang được giới thiệu và triển khai thử nghiệm tại Bắc Giang. Hiệp định tài trợ Dự án đổi mới sáng tạo (IPP) giai đoạn 2 được ký kết thành công, nhằm hỗ trợ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để Luật và Chiến lược khoa học và công nghệ của Việt Nam đi vào cuộc sống; tăng cường đào tạo về đổi mới sáng tạo và hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực tiếp tục triển khai Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (FIRST) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) giai đoạn 2 (2014 - 2018); triển khai Dự án “Xây dựng trung tâm đào tạo cán bộ quản lý khoa học và công nghệ cho Lào”; tổ chức triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” hợp tác với Vương quốc Bỉ, đồng thời tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài. Hoạt động hợp tác nghiên cứu chung song phương theo nghị định thư tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nhằm thu hút các nguồn lực và kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài để phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ ở các địa bàn, quốc gia trọng điểm tiếp tục được kiện toàn để làm đầu mối kết nối thông tin, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hợp tác quốc tế về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được duy trì và có bước phát triển. Hoạt động hợp tác quốc tế trong ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước được thúc đẩy. Việt Nam đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế và khu vực nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn, an ninh hạt nhân, phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh các hướng ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường có thế mạnh của Việt Nam và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm và hàng hóa trong nước.
Công tác hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức thông tin, thư viện, thống kê khoa học và công nghệ của các nước và quốc tế tiếp tục được tăng cường và mở rộng trong thời gian qua. Các hoạt động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành thông tin, thư viện và thống kê; tìm kiếm đối tác mới và tiến hành các dự án hợp tác nghiên cứu chung, hoạt động của Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaREN) trong khuôn khổ TEIN4/APAN và hoạt động ứng dụng công nghệ mạng tiên tiến phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ được đẩy mạnh.

tải về 1.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   138   139   140   141   142   143   144   145   146




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương