THÁnh công đỒng vatican II the sacred vatican council II (1962-1965) hiến chế SẮc lệnh tuyên ngôN


Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng



tải về 5.72 Mb.
trang2/67
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích5.72 Mb.
#3996
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   67

Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng

I. Một Vài Khái Niệm Về Các Công Ðồng


 A. Ðịnh Nghĩa Công Ðồng:

Công Ðồng là gì? Ðó là câu hỏi mà thiết tưởng cần được trả lời trước hết.








Công Ðồng Vaticanô II, do Ðức Gioan XXIII triệu tập và kết thúc ở thời Ðức Phaolô VI.


Một cách tổng quát Công Ðồng là một hội nghị gồm các Giám Mục cùng một số chức vị trong Giáo Hội chính thức nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý hoặc qui luật của Giáo Hội.

Có những cấp bậc Công Ðồng khác nhau, được kể trong hai loại tổng quát: Công Ðồng phổ quát và Công Ðồng riêng. Công Ðồng phổ quát còn được gọi là Công Ðồng Chung. Theo pháp chế hiện hành của Giáo Hội, Công Ðồng Chung là một hội nghị toàn thể các Giám Mục của Giáo Hội, được triệu tập do và dưới thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Từ ngữ "chung" được dịch từ một tỉnh từ Hy Lạp mang ý nghĩa "thuộc về mọi phần đất có người ở": nghĩa là chỉ toàn thể thế giới.

Trước Công Ðồng Vaticanô II, chỉ có những Giám Mục tông tòa mới có quyền tham dự Công Ðồng Chung. Nhưng ngày nay, Sắc lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục xác định lại: "Thánh Công Ðồng chế định: mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung, vì là thành phần của cộng đoàn Giám Mục" (GM 4). Thứ đến, được gọi là Công Ðồng riêng, một hội nghị gồm các Giám Mục của khu vực nào đó trong Giáo Hội. Công Ðồng riêng được gọi là Ðại Công Ðồng, nếu hội nghị gồm các Giám Mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau, dưới quyền chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh. Nếu chỉ có các Giám Mục của một giáo tỉnh, dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám Mục hay một Giám Mục thâm niên công vụ, thì Công Ðồng được gọi là Công Ðồng tỉnh. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể thêm vài loại khác như Công Ðồng toàn quốc, Công Ðồng toàn miền, v.v...

Chúng ta còn thấy có những hội nghị Giám Mục khác, chẳng hạn như các thượng hội đồng. Thượng hội đồng giáo phận được dùng để chỉ những phiên họp của vị Giám Mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn thượng hội đồng Giám Mục là một hội nghị, được thành lập ngay sau Công Ðồng Vaticanô II, gồm những Giám Mục được chọn trong số các Giám Mục toàn thế giới, do chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập, với mục đích cùng tìm hiểu và cố vấn cho Ngài trong những vấn đề có tính cách thời sự của Giáo Hội.



B. Thẩm quyền của Công Ðồng:

Công Ðồng giữ thẩm quyền tối thượng trong Giáo Hội. Nền tảng này dựa vào chính ý muốn của Chúa Kitô là Ðấng đã ban quyền cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài, để dạy dỗ và điều khiển Giáo Hội.

Công Ðồng Chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Thực ra, đó chính là Giám Mục Ðoàn qui tụ về một nơi. Những sắc lệnh giáo lý của Công Ðồng này giữ một giá trị giáo thuyết rất cao: với một vài điều kiện, chúng thành bất khả ngộ.

Những sắc lệnh Công Ðồng có thể chia làm hai loại: giáo lý hoặc qui luật. Sắc lệnh về qui luật đề cập đến luật lệ, tập quán, nghi lễ v.v... Sắc lệnh về giáo lý nhằm ngay đến giáo lý mạc khải, làm sáng tỏ những điểm còn nghi ngờ, xác quyết những chân lý bị lạc giáo chối từ v.v... Vì thế, trong những sắc lệnh về loại này, chúng ta thấy có những "định thức". Gọi là định thức, những công thức ngắn về một điểm của giáo lý, hoặc xác quyết một chân lý, hoặc lên án một lạc giáo, và kết thúc bằng phán quyết "tuyệt thông". Giáo lý ở các định thức thuộc về tín điều: chối bỏ sẽ bị liệt vào hàng lạc giáo.



C. Các Công Ðồng trong lịch sử:

Trước hết chúng ta nói đến Công Ðồng "Giêrusalem". Ðó là cuộc hội nghị của các Tông Ðồ và những môn đồ khác, vào khoảng năm 48-50 (x. CvSđ 15). Giáo Hội sơ khai đã bắt đầu tổ chức hội nghị công đồng rất sớm, vì thực sự đó chính là sự thể hiện tính cách cộng đoàn của Giám Mục. Ngay trước thời kỳ thanh bình dưới đời vua Constantinô, đầu thế kỷ thứ IV, cũng đã có Công Ðồng Elvira (Tây Ban Nha), nổi tiếng trong quyết nghị công bố luật độc thân giáo sĩ. Sau đó, do lệnh vua Constantinô, Công Ðồng Arles (Pháp) được nhóm họp để chống lại lạc giáo Ðonatô. Cũng chính vị Hoàng Ðế này triệu tập Công Ðồng Chung thứ nhất ở Nicea (Nikaia) vào năm 325.

Bảy Công Ðồng Chung đầu tiên đã có một thẩm quyền đặc biệt: ngày nay Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương cũng như nhiều người Tin Lành đều nhìn nhận. Tất cả bảy Công Ðồng đó đều được triệu tập do hoàng đế (hay nữ hoàng) chứ không do Ðức Giáo Hoàng: và đôi khi chống lại Ðức Giáo Hoàng, như Công Ðồng Chung thứ II thành Constantinopla. Thẩm quyền của những Công Ðồng Chung đó dựa vào sự chấp nhận của Giáo Hội phổ quát, bởi Giáo Hội nhìn thấy ở đó sự phản chiếu trung thành của Mạc Khải. Sau đây là danh sách:

1. Công Ðồng Nicea (Nikaia) năm 325: thành phần tham dự gồm khoảng 300 Giám Mục Ðông Phương, 4 Giám Mục Tây Phương, với 2 linh mục Roma giữ chức vụ sứ thần cho Ðức Giáo Hoàng Silvester I. Công Ðồng lên án lạc giáo Ariô, và định tín rằng Ngôi Lời đồng bản tính với Ðức Chúa Cha.

2. Công Ðồng Constantinopla I, năm 381: do Hoàng Ðế Theođosiô triệu tập. Khoảng 186 Giám Mục Ðông Phương tham dự. Không có một Giám Mục Tây Phương nào. Ðức Giáo Hoàng Ðamasô không được phép chủ tọa. Công Ðồng lên án lạc giáo Maceđôniô, và tuyên bố thiên tính của Chúa Thánh Thần.

3. Công Ðồng Êphesô, năm 431: do Hoàng Ðế Theođosiô II triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 250 Giám Mục Ðông Phương, 1 Giám Mục Tây Phương và 1 phó tế thành Carthagô, cùng với 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Celestinô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án 2 thủ lãnh lạc giáo: Nestoriô và Pelagiô. Công Ðồng tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và xác định sự Ngôi hiệp nơi Chúa Kitô.

4. Công Ðồng Calceđonia (Khalkedon), năm 451. Hoàng Ðế Marcianô đứng ra triệu tập. Thành phần tham dự: có lẽ khoảng 600 Giám Mục Ðông Phương, 2 Giám Mục Phi Châu và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Lêô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án thủ lãnh lạc giáo Eutiches, và tuyên bố Chúa Kitô có một ngôi vị và hai bản tính.

5. Công Ðồng Constantinopla II, năm 553, do Hoàng Ðế Giustinianô I triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 150 Giám Mục Ðông Phương, 8 Giám Mục Phi Châu. Ðức Giáo Hoàng Vigiliô không muốn tham dự (mặc dầu Ngài có mặt ở Constantinopla cùng với 16 Giám Mục La tinh). Công Ðồng lên án "Ba Giảng Thuyết" tức các tác giả: Origenes, Theođoretô và Ibas.

6. Công Ðồng Constantinopla III, năm 680. Thành phần tham dự: 165 Giám Mục Ðông Phương, 6 Giám Mục Tây Phương, và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Agathon (2 linh mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án lạc giáo nhị-tính-nhất-ý và dạy rằng Chúa Kitô có 2 ý chí.

7. Công Ðồng Nicea II (Nikaia), năm 787. Hơn 300 Giám Mục Ðông Phương và 2 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Hadrianô I (1 linh mục hạt trưởng và 1 linh mục) tham dự. Công Ðồng lên án phái chủ trương bác bỏ việc tôn kính ảnh tượng.

Ðối với 7 Công Ðồng vừa kể trên, người ta không đặt vấn đề nghi ngờ về giá trị. Nhưng với Công Ðồng thứ 8 mà chúng ta sắp nói đến, có nhiều bất đồng ý kiến.



8. Công Ðồng Constantinopla IV: Theo Công Giáo, Công Ðồng được nhóm họp năm 870, do Hoàng Ðế Basiliô triệu tập, có 102 Giám Mục Ðông Phương, 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Hađrianô II (2 Giám Mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án Ðức Thượng Phụ Photios. Nhưng theo Giáo Hội Ðông Phương, Công Ðồng này đã bị Công Ðồng năm 880 hủy bỏ, và đây mới thực là Công Ðồng Chung giá trị.

Sau đây chúng ta sẽ kể đến những Công Ðồng nhóm họp ở Tây Phương; không có Giáo Hội Ðông Phương tham dự, trừ ở hai Công Ðồng Lyon và Firenze (Florentinô).



9. Công Ðồng Lateranô I, năm 1123. Ðức Giáo Hoàng Callitô II triệu tập, và gồm 300 Giám Mục Tây Phương tham dự. Công Ðồng bàn luận về vấn đề "ban chức".

10. Công Ðồng Lateranô II, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô II triệu tập vào năm 1139. Khoảng 1,000 nhân vật tham dự. Công Ðồng lên án các giáo phái ly khai, và đề cập tới vấn đề qui luật.

11. Công Ðồng Lateranô III, năm 1179, do Ðức Giáo Hoàng Alexanđrô III triệu tập. 300 Giám Mục và 400 giáo sĩ tham dự. Công Ðồng bàn về việc bầu Giáo Hoàng, và lên án lạc giáo Albigenses (hoặc Cathari).

12. Công Ðồng Lateranô IV, năm 1215, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô III triệu tập. Thành phần tham dự: 412 Giám Mục và 388 giáo sĩ. Công Ðồng lên án lạc giáo Albigeois, và các lạc giáo do P. de Vaux và do Joachim khởi xướng.

13. Công Ðồng Lyon I, năm 1245, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô IV triệu tập, với sự tham dự của 140 Giám Mục và nhiều giáo sĩ. Công Ðồng cách chức Hoàng đế Frederic II.

14. Công Ðồng Lyon II, năm 1274, do Ðức Giáo Hoàng Gregoriô X triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 500 Giám Mục và 570 giáo sĩ (có Thánh Tôma và Thánh Bonaventura) với Hoàng Ðế Ðông Phương Michael Paleologô. Công Ðồng bàn luận về vấn đề hiệp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương.

15. Công Ðồng Vienne, năm 1321, do Ðức Giáo Hoàng Clementê V triệu tập. Người ta không rõ thành phần tham dự: có người cho là 114, người khác bảo 300. Công Ðồng hủy bỏ dòng tu Ðền Thờ và lên án lạc giáo do Lambert de Bègue chủ xướng.

16. Công Ðồng Constance, từ năm 1414 đến 1418, do Hoàng Ðế Segismunđô triệu tập, với sự tham dự của 32 Hồng Y, 183 Giám Mục, 100 linh mục và 350 giáo sĩ. Công Ðồng bãi nhiệm 3 Ðức Giáo Hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương, lên án Wiclef và Huss. Sau hết, Công Ðồng chọn Giáo Hoàng Martinô V.

17. Công Ðồng Firenze, từ năm 1438 đến 1445, do Ðức Giáo Hoàng Eugentiô IV triệu tập. Ðều tiên Công Ðồng nhóm ở Basel, sau rời về Ferrara và cuối cùng ở Firenze. Thành phần tham dự: 150 Giám Mục Tây Phương, với 30 Giám Mục Ðông Phương. Các Giám Mục tham dự ký một bản công thức hiệp nhất.

18. Công Ðồng Lateranô V, năm 1512-1517, do Ðức Giáo Hoàng Giuliô II triệu tập, gồm 115 Giám Mục Tây Phương. Công Ðồng bàn về vấn đề canh tân Giáo Hội và lên án những nhà tân thuyết Aristoteles (Neo-aristotelismô).

19. Công Ðồng Triđen, từ năm 1545 đến 1563, do Ðức Giáo Hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc đầu 70 Giám Mục tham dự và lúc cuối có 252 Giám Mục, với nhiều giáo sĩ khác. Công Ðồng lên án giáo phái Tin Lành và tuyên bố nhiều định tín khác. Công Ðồng ra lệnh canh tân Giáo Hội.

20. Công Ðồng Vaticanô I, năm 1870, do Ðức Giáo Hoàng Piô IX triệu tập, với sự tham dự của 747 Giám Mục. Công Ðồng lên án thuyết duy lý và thuyết chủ trương Giáo Hội Pháp độc lập. Công Ðồng tuyên bố tính cách bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng.

21. Công Ðồng Vaticanô II, do Ðức Gioan XXIII triệu tập và kết thúc ở thời Ðức Phaolô VI.

Ngoài những Công Ðồng Chung kể trên, chúng ta biết còn có nhiều Công Ðồng riêng ảnh hưởng lớn lao trong Giáo Hội, như Công Ðồng Cathagô (do Thánh Cyprianô khởi xướng năm 256) và Công Ðồng Toleđô. Trong thời Trung Cổ, các Công Ðồng và Thượng Hội Ðồng được triệu tập rất thường.

 


tải về 5.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   67




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương