THÔng tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY


Triển khai Nghị định 67 về phát triển thủy sản: Những nút thắt cần gỡ - Kỳ 1: Để trợ sức cho ngư dân bền gan bám biển



tải về 320.87 Kb.
trang4/12
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích320.87 Kb.
#29190
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

2. Triển khai Nghị định 67 về phát triển thủy sản: Những nút thắt cần gỡ - Kỳ 1: Để trợ sức cho ngư dân bền gan bám biển


(Baoquangbinh.vn 23/1, tác giả Mai Nhân)



Ngư dân bền gan bám biển với sự trợ giúp tích cực từ phía Nhà nước.
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời trong bối cảnh ngành kinh tế mũi nhọn đầy tiềm năng này vẫn chưa khai thác tối đa thế mạnh vốn có và ngư dân-chủ thể của hoạt động đánh bắt xa bờ-vẫn đương loay hoay với nguồn vốn cũng như tìm những hướng đi phù hợp, hiệu quả nhất trong quá trình làm giàu, bảo vệ lãnh hải quê hương...
Hiện tại, Nghị định 67 của Chính phủ đang được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan tích cực triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời để ngư dân có thể thụ hưởng được sự trợ sức bền vững nhất trong nỗ lực bám biển của mình. Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều băn khoăn, đề xuất của ngư dân đối với Nghị định 67 để văn bản pháp luật này thực sự phát huy tác dụng trong đời sống.
Anh Lê Văn Nhỏ (Đức Trạch, Bố Trạch) là một trong hai ngư dân của xã được hỗ trợ đóng tàu mới theo Nghị định 67. Đây là một tin vui đối với một gia đình mấy đời gắn bó với biển. Anh chia sẻ, con tàu vỏ gỗ này được đóng với công suất 1.000CV với nguồn kinh phí 5 tỷ đồng. Nguồn vốn đối ứng của gia đình là 1,5 tỷ đồng đã được anh hoàn thành không quá khó khăn. Anh dự tính sau này sẽ còn tiếp tục trang bị thêm máy móc hiện đại và tăng công suất cho tàu để đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ. Mọi thủ tục cần thiết đang được phía gia đình và các cơ quan chức năng nhanh chóng xúc tiến theo kế hoạch.
Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của anh cũng như nhiều ngư dân khác của xã biển Đức Trạch chính là địa điểm để đóng tàu. Bao đời nay, những con tàu cá của xã đều được đóng ở các cơ sở địa phương, ngư dân có thể bám sát 24h/24h trong suốt quá trình đóng tàu. Những thợ đóng tàu giàu kinh nghiệm cũng hiểu rõ ưu, khuyết điểm của từng loại tàu để có phương pháp đóng hay những điều chỉnh phù hợp.
Nhưng, trên thực tế, tất cả các cơ sở này vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật bắt buộc theo Nghị định 67, do đó, tàu mới phải được đóng ở những cơ sở khác bên ngoài xã, gây khó khăn cho ngư dân trong quá trình đi lại cũng như vô hình chung tạo sự lo lắng về chất lượng tàu cho bà con. Thêm vào đó, như lý giải của anh Lê Văn Nhỏ, các mẫu tàu được giới thiệu vẫn tồn tại một số điểm chưa phù hợp với thực tế đánh bắt của ngư dân địa phương. Chẳng hạn, độ uốn của đáy tàu mẫu chưa đủ độ cong và phải mất ít nhất 10 năm để đạt sự giãn nở cần thiết, trong khi đối với tàu truyền thống, đáy tàu cong hơn và chỉ cần mất 3-5 năm để có sự giãn nở cần thiết.
Trên bãi đóng tàu Nam Đức, anh Nguyễn Văn Đông (Thượng Đức, Đức Trạch) ngồi trầm tư bên chiếc tàu gỗ công suất hơn 700CV trị giá 3 tỷ đồng đang được hoàn thiện của gia đình. Anh tâm sự, ngay khi có thông tin về Nghị định 67, gia đình anh quyết tâm sẽ đóng tàu mới, công suất lớn hơn để đủ sức vươn khơi bám biển. Chiếc tàu cũ công suất 400CV được anh bán cách đây 2 tháng với giá 1,5 tỷ đồng. Anh nhẩm tính, với số tiền này cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, chiếc tàu mới sẽ đúng như ước nguyện bấy lâu của anh và gia đình.
Thế nhưng, theo Nghị định 67, ngư dân để được hưởng sự hỗ trợ sẽ phải có một chiếc tàu cá hoạt động hiệu quả trong vòng 3 năm trở lên, trong khi tàu của anh đã được bán. Vậy là ngay từ khâu làm hồ sơ, anh Nguyễn Văn Đông đã không đủ điều kiện thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 67. Theo ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch xã Đức Trạch, đó chính là minh chứng cho việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầy khó khăn của ngư dân trong xã. Hơn 7 tàu cá công suất trên 400CV của xã Đức Trạch được đóng mới trong những tháng cuối năm 2014 đều đang gặp hoàn cảnh tương tự.
Một thực tế khá mâu thuẫn đang xảy ra là để được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67, người dân phải có vốn đối ứng và để có thể bảo đảm được nguồn vốn đối ứng này, bà con chọn giải pháp bán tàu cũ. Nhưng sau khi bán tàu cũ, khi xét duyệt để được hỗ trợ vay vốn lại không bảo đảm tiêu chí phải có tàu 3 năm trở lên hoạt động đánh bắt hiệu quả. Vì vậy, nhiều ngư dân như anh Nguyễn Văn Đông đều tự xoay xở nguồn vốn để đóng mới tàu vỏ gỗ. Còn hiện tại, Đức Trạch đã đăng ký đóng mới 5 tàu cá đủ điều kiện để được hỗ trợ vốn theo Nghị định 67.
Đối với xã Thanh Trạch (Bố Trạch), trong quá trình triển khai Nghị định 67 lại nảy sinh một số khó khăn đặc thù khác. Với trình độ ngư dân còn ở mức thấp, đặc biệt như theo lời ông Phan Đức Huấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Trạch, một số ngư dân khi ký tên còn phải điểm chỉ hoặc nhờ vợ ký giùm bởi không biết chữ, việc để ngư dân hiểu rõ, hiểu cặn kẽ từng nội dung hỗ trợ của nghị định không phải là điều đơn giản. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của chính quyền địa phương và các bên liên quan.
Thêm nữa, khi được hỗ trợ đóng tàu mới, bà con vô cùng phấn khởi nhưng bày tỏ lo lắng về máy của tàu. Ông Phan Đức Huấn giải thích thêm, trước đây, bà con quen với dùng máy cũ, nhưng theo bà con thì chất lượng tốt, tiết kiệm dầu. Với tàu mới, máy mới, giá thành máy mới đắt hơn trong khi chất lượng máy vẫn chưa được bà con tin tưởng. Bà con cũng bày tỏ thắc mắc, Nghị định 67 đòi hỏi tàu mới, máy mới, thiết bị mới, nhưng một số ngư cụ, trang thiết bị của bà con từ tàu cũ vẫn dùng được liệu có thể được xem như đối tượng đối ứng, giảm bớt phần nào nguồn vốn đối ứng của bà con hay không?
Ông Phan Đức Huấn chia sẻ thêm một trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Khởi (Thanh Xuân, Thanh Trạch). Ngư dân này được đánh giá là thuyền trưởng giỏi nhất nhì khu vực cảng Gianh với hơn 10 năm bám biển. Do hoàn cảnh gia đình, anh Nguyễn Văn Khởi cùng bố chạy chung một tàu do bố anh đứng tên. Cách đây hơn 2 năm, anh mới có đủ điều kiện sắm riêng một chiếc tàu mang tên mình. Nhưng do tàu cá vẫn chưa đủ thời gian (3 năm trở lên) hoạt động theo yêu cầu của Nghị định 67, cho nên, anh không có tên trong danh sách được hỗ trợ đóng mới tàu vỏ thép.
Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định, hiện tại, tỉnh ta trong giai đoạn thí điểm thực hiện Nghị định 67, do đó, nhiều tiêu chí lựa chọn chắc chắn sẽ khắt khe hơn và phải bảo đảm tính hiệu quả của các tàu cá đóng mới được hỗ trợ theo nguồn vốn này. Sau đợt thí điểm, trên cơ sở căn cứ đánh giá tình hình thực tiễn và tiếp thu ý kiến của bà con ngư dân, các đợt hỗ trợ đóng mới tàu cá tiếp theo sẽ có những điều chỉnh phù hợp với thực tế mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, hiện tại, tỉnh ta đã có 7 cơ sở đóng tàu được công nhận bảo đảm các điều kiện theo đúng Nghị định 67 cho ngư dân lựa chọn. Ông Lê Văn Lợi đánh giá, đây là quy định tốt cho ngư dân, bởi với những tàu vỏ gỗ, vỏ thép công suất lớn, máy móc hiện đại phải được đóng ở cơ sở uy tín, đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật.
Các cơ sở nhỏ hơn ở các xã biển cần nhanh chóng nâng cấp trang thiết bị, nhà xưởng hoặc có sự liên kết để có thể đủ điều kiện đóng tàu mới theo Nghị định 67. Bà con ngư dân cũng hoàn toàn yên tâm về mẫu tàu, bởi trong suốt quá trình triển khai, giữa ngư dân và cơ sở đóng tàu sẽ có sự bàn bạc, điều chỉnh kỹ lưỡng, chặt chẽ và thống nhất về mẫu mã, máy móc, trang thiết bị...
Đối với thực tế khó khăn về vốn đối ứng ở các xã biển, ông Lê Văn Lợi cho rằng, ngay từ khâu tuyên truyền, chính quyền địa phương phải giải thích rõ cho bà con trong quá trình xây dựng phương án đề xuất hỗ trợ vốn theo Nghị định 67. Trong phương án này, bà con cần nói rõ nguồn vốn đối ứng sẽ từ việc bán tàu cũ. Sau khi phương án được thông qua, bà con tiếp tục triển khai bán tàu để bảo đảm nguồn vốn đối ứng.
Từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 67 cho thấy đòi hỏi cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp trong quá trình triển khai, đồng thời, khâu tuyên truyền đến ngư dân phải nhanh chóng, chính xác và có sự tư vấn, phân tích cụ thể, chặt chẽ hơn. Lập số điện thoại, đường dây nóng hay điểm thông tin về Nghị định 67 cũng là một cách thức hay để đưa Nghị định đến gần với ngư dân hơn.
Đồng thời để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, huy động tối đa mọi nguồn lực đóng tàu cá mới, đặc biệt là tàu vỏ thép bền vững, cần xây dựng một điển hình trong quá trình này, để từ đó, nhân rộng phong trào mạnh mẽ hơn trong bà con ngư dân. Với 13 trường hợp ngư dân đang làm việc với ngân hàng và cơ sở thiết kế để đóng tàu mới trong giai đoạn thí điểm này, tin chắc rằng chỉ một vài tháng nữa thôi, những con tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn, diện mạo mới của Quảng Bình sẽ hiên ngang rẽ sóng làm giàu cho quê hương, bảo vệ lãnh thổ trên biển thiêng liêng của Tổ quốc. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201501/trien-khai-nghi-dinh-67-ve-phat-trien-thuy-san-nhung-nut-that-can-go-ky-1-de-tro-suc-cho-ngu-dan-ben-gan-bam-bien-2122170/


tải về 320.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương