THÔng tư Quy định nội dung Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt


Hệ thống làm mát lò phản ứng và hệ thống phụ trợ



tải về 352.59 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích352.59 Kb.
#23730
1   2   3   4   5

6.3. Hệ thống làm mát lò phản ứng và hệ thống phụ trợ

6.3.1. Trình bày thông tin về hệ thống làm mát lò phản ứng và hệ thống phụ trợ được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin dưới đây để chứng minh hệ thống làm mát vùng hoạt sẽ duy trì sự nguyên vẹn cấu trúc trong trạng thái vận hành và khi xảy ra sự cố.

Về tính nguyên vẹn của biên chịu áp chất làm mát cần cung cấp các thông tin dưới đây:

- Danh mục các bộ phận của biên chịu áp chất làm mát và tiêu chuẩn áp dụng tương ứng;

- Kết quả phân tích chi tiết, đánh giá ứng suất và nghiên cứu cơ kỹ thuật và cơ học phá hủy cho các bộ phận của biên chịu áp chất làm mát trong điều kiện bình thường, điều kiện dừng lò và sự cố giả định.

Về thùng lò cần cung cấp các thông tin dưới đây:

- Chi tiết các thông tin để chứng minh rằng vật liệu, phương pháp chế tạo, kỹ thuật kiểm tra và giả định về sự kết hợp tải phù hợp với quy định và tiêu chuẩn công nghiệp;

- Vật liệu chế tạo thùng lò, giới hạn nhiệt độ - áp suất và tính nguyên vẹn của thùng lò, bao gồm cả đánh giá sự giòn hóa.

Trường hợp thiết kế lò phản ứng có các bộ phận bê tông dự ứng lực cần cung cấp các thông tin cho các bộ phận này tương tự như thông tin được yêu cầu đối với thùng lò.

Thiết kế hệ thống làm mát lò cần được cung cấp các thông tin sau:

- Mô tả về hệ thống làm mát, bao gồm: bơm chất làm mát, máy tuần hoàn khí, bình sinh hơi, đường ống hoặc hệ thống chất làm mát, hệ thống cô lập đường hơi chính, hệ thống làm mát cô lập vùng hoạt, ống đường hơi chính và đường nước cấp làm mát, bình điều áp và các hệ thống xả của bình điều áp, hệ thống làm mát khẩn cấp, hệ thống tải nhiệt dư bao gồm tất cả các bộ phận như bơm, van và bộ phận hỗ trợ;

- Chứng minh mọi bộ phận của hệ thống làm mát và hệ thống phụ tương tác với hệ thống làm mát được thiết kế đáp ứng yêu cầu an toàn trong thiết kế.



6.4. Hệ thống an toàn kỹ thuật

Trình bày thông tin về hệ thống an toàn kỹ thuật và hệ thống liên quan được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin dưới đây.

6.4.1. Hệ thống làm mát khẩn cấp, cần trình bày các thông tin sau:

- Mô tả hệ thống làm mát khẩn cấp và hệ thống chất lỏng có liên quan;

- Các nguồn nước làm mát khẩn cấp tại chỗ và di động bổ sung theo bài học sau sự cố Fukushima;

- Mô tả sơ đồ logic khởi động các hệ thống này (là các hệ thống bảo vệ quy định tại Mục 6.5.1 trong Báo cáo PTAT-DAĐT).

6.4.2. Các hệ thống của boong-ke lò, cần trình bày các thông tin sau:

- Mô tả các hệ thống của boong-ke lò có chức năng khoanh vùng ảnh hưởng của sự cố, tải nhiệt dư boong-ke lò và các chức năng khác;

- Thiết kế chức năng của boong-ke lò thứ cấp, hệ thống cô lập boong-ke lò, bảo vệ boong-ke lò chống quá áp và duy trì áp suất âm, hệ thống kiểm soát khí dễ cháy trong boong-ke lò, hệ thống phun nước boong-ke lò và hệ thống kiểm tra rò rỉ boong-ke lò;

- Mô tả thiết kế hệ thống xả áp khẩn cấp boong-ke lò theo bài học sau sự cố Fukushima.

6.4.3. Hệ thống bảo đảm điều kiện làm việc của nhân viên, cần trình bày các thông tin sau:

- Mô tả hệ thống, thiết bị, nguồn dự trữ và quy trình để bảo đảm nhân viên vận hành cả trong phòng điều khiển chính và phòng điều khiển phụ có thể thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vận hành và duy trì an toàn nhà máy khi xảy ra sự cố;

- Chứng minh khả năng kết nối thông tin liên lạc với bên ngoài từ phòng điều khiển chính và phòng điều khiển phụ trong điều kiện nhà máy xảy ra sự cố nghiêm trọng;

- Mô tả việc che chắn, hệ thống lọc không khí, hệ thống kiểm soát không khí, khả năng dự trữ thực phẩm và nước uống trong phòng điều khiển chính và phòng điều khiển phụ.

6.4.4. Hệ thống loại bỏ và kiểm soát các sản phẩm phân hạch, cần trình bày các thông tin sau:

- Mô tả hệ thống loại bỏ và kiểm soát các sản phẩm phân hạch;

- Chứng minh khả năng hoạt động của hệ thống, bao gồm việc đánh giá độ pH của chất làm mát, sự biến đổi hóa tính trong tất cả các điều kiện cần thiết để vận hành hệ thống;

- Ảnh hưởng của tải thiết kế giả định tới các phin lọc do sản phẩm phân hạch;

- Ảnh hưởng của cơ chế phát thải sản phẩm phân hạch trong cơ sở thiết kế tới khả năng hoạt động của phin lọc.

6.4.5. Trình bày bổ sung thông tin quy định tại Mục 6.1 cho các hệ thống an toàn kỹ thuật khác, bao gồm hệ thống cung cấp nước bổ trợ, hệ thống xả hơi ra ngoài không khí và hệ thống làm mát dự phòng.



6.5. Hệ thống đo và điều khiển

Trình bày thông tin về hệ thống đo và điều khiển được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin dưới đây.

6.5.1. Hệ thống bảo vệ

Trình bày các thông tin về hệ thống bảo vệ bao gồm hệ thống dừng lò, hệ thống khởi động cho các hệ thống an toàn kỹ thuật.

6.5.1.1. Hệ thống dừng lò

Trình bày thông tin về hệ thống dừng lò được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin cụ thể đặc trưng cho hệ thống dừng lò dưới đây:

- Cơ sở thiết kế cho từng thông số dừng lò có tính đến hậu quả của sự cố khởi phát giả định gây dừng lò;

- Hệ thống thông số kỹ thuật đặt ngưỡng dừng lò, thời gian trễ trong vận hành hệ thống, sai số trong các phép đo và mối liên quan của các thông số này với các giả định quy định tại Mục 7 của Báo cáo PTAT-DAĐT;

- Phần kết nối với hệ thống khởi động cho hệ thống an toàn kỹ thuật, cùng với các biện pháp đáp ứng yêu cầu sử dụng tín hiệu riêng và các kênh đo thông số riêng;

- Phần kết nối với thiết bị đo, điều khiển và hệ thống hiển thị không liên quan tới an toàn, cùng với các biện pháp bảo đảm tính độc lập;

- Biện pháp bảo đảm sự phân tách các kênh của hệ thống dừng lò dự phòng. Mô tả cách thức mà các tín hiệu được đồng thời sinh ra từ các kênh độc lập dự phòng;

- Quy định về khởi động hệ thống dừng lò bằng tay từ phòng điều khiển chính và phụ;

- Thông tin về thiết kế phần mềm, chương trình bảo đảm chất lượng, chương trình đánh giá và kiểm chứng phần mềm đối với loại thiết kế dừng lò bằng tín hiệu logic từ máy tính.

6.5.1.2. Hệ thống khởi động cho hệ thống an toàn kỹ thuật

Trình bày thông tin về hệ thống khởi động cho các hệ thống an toàn kỹ thuật được quy định tại Mục 6.1. Trường hợp hệ thống khởi động cho hệ thống dừng lò và các hệ thống an toàn kỹ thuật được thiết kế trong cùng một hệ thống đơn thì mô tả chung hệ thống khởi động đơn này.

Ngoài ra, cần bổ sung thông tin cụ thể về hệ thống khởi động cho hệ thống an toàn kỹ thuật như sau:

- Cơ sở thiết kế cho mỗi thông số của hệ thống khởi động có tính đến hậu quả của sự cố khởi phát giả định;

- Phần kết nối với hệ thống dừng lò, cùng với biện pháp đáp ứng yêu cầu sử dụng các tín hiệu riêng và kênh đo thông số riêng;

- Phần kết nối với hệ thống không liên quan đến an toàn, cùng với các biện pháp bảo đảm cô lập hợp lý cho các tín hiệu điện và phân cách vật lý cho các kênh của hệ thống khởi động dự phòng;

- Thông tin về thiết kế phần mềm, chương trình bảo đảm chất lượng, chương trình đánh giá và kiểm chứng phần mềm đối với loại thiết kế khởi động hệ thống an toàn kỹ thuật bằng tín hiệu logic của máy tính số;

- Thông số kỹ thuật của điểm thiết lập hệ thống khởi động, thời gian trễ trong vận hành hệ thống và sai số của phép đo; mối liên quan của các thông số này với các giả định quy định tại Mục 7 của Báo cáo PTAT-DAĐT;

- Quy định về khóa liên động bảo vệ các thiết bị như bơm, van và động cơ trong khi khởi động hệ thống an toàn kỹ thuật; luận chứng việc khóa liên động sẽ không gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hệ thống khởi động này;

- Quy định về khởi động hệ thống an toàn kỹ thuật bằng tay từ phòng điều khiển chính và phụ;

- Quy định về điều khiển từ xa và điều khiển tự động, điều khiển cục bộ, điều khiển bật - tắt hoặc điều khiển biến điệu đã được đưa vào thiết kế và phân tích an toàn.

6.5.2. Thiết bị hiển thị liên quan tới an toàn

Trình bày thông tin về thiết bị hiển thị có liên quan tới an toàn và hệ thống thông tin máy tính của NMĐHN được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung thông tin cụ thể sau đây:

- Danh mục các thông số đo được, vị trí vật lý của các đầu đo; yêu cầu chất lượng của môi trường đối với thiết bị và thời gian hoạt động tin cậy của đầu đo trong điều kiện nghiêm trọng nhất;

- Đặc trưng kỹ thuật của các thông số ghi đo bằng máy tính và đặc trưng của phần mềm máy tính (tần số quét, kiểm chứng thông số, kiểm tra đầu đo kênh hai chiều) được sử dụng để lọc tín hiệu, điều hướng, phát tín hiệu cảnh báo, lưu dữ liệu trong thời gian dài, hiển thị tại phòng điều khiển chính và phụ. Nếu xử lý và lưu dữ liệu bằng nhiều máy tính thì cần mô tả biện pháp đồng bộ hóa hệ các máy tính này.

6.5.3. Hệ thống đo khác có liên quan tới an toàn

Trình bày thông tin được quy định tại Mục 6.1 về hệ thống đo và chẩn đoán khác liên quan tới an toàn, bao gồm:

- Hệ thống đặc biệt cần thiết cho quản lý sự cố;

- Hệ thống phát hiện rò rỉ;

- Hệ thống theo dõi rung và mất bộ phận;

- Hệ thống khóa liên động bảo vệ được tính đến trong phân tích an toàn để tránh phá hủy các thiết bị liên quan tới an toàn và thiết bị ngăn ngừa sự cố.

6.5.4. Hệ thống điều khiển không liên quan tới an toàn

Trình bày thông tin tóm tắt về các hệ thống điều khiển không liên quan tới an toàn. Trình bày thông tin chi tiết nhằm chứng minh hư hỏng giả định của hệ thống điều khiển sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thuộc phân nhóm an toàn hoặc dẫn đến tình huống nghiêm trọng hơn.

6.5.5. Phòng điều khiển chính

Mô tả triết lý thiết kế chung phòng điều khiển chính bao gồm sự bố trí trong phòng điều khiển chính, nhấn mạnh đến sự tương tác giữa người - thiết bị.

6.5.6. Phòng điều khiển phụ

Mô tả phòng điều khiển phụ, bao gồm:

- Sự bố trí trong phòng điều khiển phụ, nhấn mạnh đến sự tương tác người - thiết bị;

- Biện pháp phân cách điện và phân cách vật lý giữa các hệ thống và giữa các tín hiệu thông tin trong phòng điều khiển chính và phòng điều khiển phụ nhằm chứng minh phòng điều khiển phụ được thiết kế dự phòng, độc lập với phòng điều khiển chính;

- Cơ chế truyền tín hiệu điều khiển và tín hiệu thông tin từ phòng điều khiển chính đến phòng điều khiển phụ nhằm bảo đảm việc truyền tín hiệu trong điều kiện sự cố.

6.6. Hệ thống điện

6.6.1. Trình bày thông tin về hệ thống điện được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin cụ thể sau đây:

- Các phân khu hệ thống điện;

- Luận chứng việc phù hợp với tiêu chí thiết kế của các hệ thống điện liên quan tới an toàn bảo đảm tính dự phòng, phân cách vật lý, độc lập và có khả năng kiểm tra;

- Biện pháp bảo vệ thiết bị điện, bao gồm quy định bỏ qua việc bảo vệ này trong điều kiện sự cố;

- Lưới điện sử dụng, sự kết nối giữa lưới điện này với các lưới điện khác và các điểm kết nối tới hệ thống điện trong nhà máy (hoặc tới trạm phân phối điện);

- Đánh giá sự ổn định và tin cậy của lưới điện trong mối tương quan với vận hành an toàn nhà máy;

- Vị trí vật lý của trung tâm phân phối phụ tải điện cùng với quy định về thông tin liên lạc giữa trung tâm phân phối phụ tải, trung tâm điều hành tải chính ngoài NMĐHN và các nhà máy điện khác;

- Các phương tiện chính điều chỉnh điện áp và tần số của lưới điện ngoài NMĐHN; bản vẽ mô tả đường truyền tải điện có các điểm kết nối của lưới điện chính.

6.6.2. Hệ thống điện ngoại vi

Trình bày thông tin liên quan tới hệ thống điện ngoại vi, bao gồm:

- Hệ thống điện ngoại vi, trong đó nhấn mạnh đến hệ thống kiểm soát và bảo vệ tại nơi kết nối với hệ thống điện trong nhà máy, gồm: cách bố trí thiết bị đóng ngắt điện, ngắt kết nối điện tự động và bằng tay;

- Quy định thiết kế nhằm bảo vệ nhà máy khỏi sự nhiễu loạn điện ngoại vi và duy trì cấp điện tới hệ thống bổ trợ của NMĐHN;

- Độ tin cậy của lưới điện và các đặc trưng thiết kế cần thiết để hạn chế mất điện lưới.

6.6.3. Hệ thống điện trong nhà máy

6.6.3.1. Hệ thống điện xoay chiều

Trình bày thông tin về hệ thống điện xoay chiều, bao gồm:

- Hệ thống điện sử dụng đi-ê-zen hoặc sử dụng hơi từ tuốc-bin;

- Cấu hình máy phát điện;

- Hệ thống điện xoay chiều chống ngắt.

Các yêu cầu về điện cho mỗi phụ tải điện xoay chiều của NMĐHN, bao gồm:

- Tải trong trạng thái ổn định;

- Tải động cơ khi khởi động ở thang kV-A;

- Điện áp danh định;

- Sụt áp cho phép để thực hiện đầy đủ chức năng của các thiết bị, hệ thống trong thời gian yêu cầu;

- Các bước và thời gian cần thiết để đạt được đủ công suất cho mỗi tải;

- Tần số danh định và sự dao động tần số cho phép;

- Số lượng các kênh của hệ thống an toàn kỹ thuật và số lượng tối thiểu các kênh để hệ thống này được cấp điện đồng thời.

Ngoài ra, cần bổ sung thông tin liên quan về hệ thống điện xoay chiều trong nhà máy để chứng minh rằng:

- Trong trường hợp xảy ra sự cố trong cơ sở thiết kế đồng thời với mất điện ngoại vi, hệ thống an toàn kỹ thuật cần thiết vẫn được cấp điện kịp thời từ máy phát đi-ê-zen khẩn cấp hoặc nguồn dự phòng khác mà không xảy ra hiện tượng quá tải hay gián đoạn với các giả định được quy định tại Mục 7;

- Các nguồn điện xoay chiều khẩn cấp tại chỗ và di động bổ sung theo bài học sau sự cố Fukushima;

- Thiết bị đóng ngắt điện của hệ thống điện xoay chiều trong nhà máy được bố trí để bảo đảm sự phân phối tin cậy nguồn điện khẩn cấp cho các hệ thống an toàn kỹ thuật và tải hệ thống điện xoay chiều chống ngắt;

- Nguồn điện xoay chiều chống ngắt cấp điện liên tục cho các hệ thống an toàn chính, hệ thống đo và điều khiển liên quan tới an toàn kể cả khi mất nguồn điện ngoại vi giả định;

- Tốc độ suy giảm tần số tối đa và giới hạn giá trị tần số dưới đối với sự suy giảm khả năng bơm nước làm mát lò phản ứng được luận chứng và bảo đảm số lượng tối thiểu các kênh thuộc hệ thống an toàn kỹ thuật được khởi động đồng thời khi hệ thống này có nhiều hơn hai kênh.

6.6.3.2. Hệ thống điện một chiều

Trình bày thông tin về hệ thống điện một chiều được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung thông tin cụ thể về hệ thống này, bao gồm:

- Đánh giá khả năng suy giảm công suất điện của ắc-quy/pin trong thời gian dài;

- Tải xoay chiều chính (gồm bộ chuyển hệ thống điện xoay chiều chống ngắt và tải xoay chiều không liên quan tới an toàn);

- Biện pháp bảo vệ chống cháy trong khu vực chứa ắc-quy hoặc pin một chiều và hệ thống dây cáp liên quan.

Xác định các yêu cầu về điện cho mỗi tải một chiều của nhà máy, bao gồm:

- Tải ở trạng thái ổn định và khi dao động trong điều kiện khẩn cấp;

- Chuỗi tải;

- Điện áp danh định;

- Sụt điện áp cho phép;

- Số lượng các kênh của hệ thống an toàn kỹ thuật và số lượng tối thiểu các kênh để hệ thống này được khởi động đồng thời.

6.7. Hệ thống bổ trợ NMĐHN

6.7.1. Hệ thống cấp nước

Trình bày thông tin được quy định tại Mục 6.1 cho hệ thống cấp nước của nhà máy. Hệ thống cấp nước của nhà máy bao gồm:

- Hệ thống cấp nước cho vận hành nhà máy;

- Hệ thống làm mát cho các hệ thống bổ trợ của lò phản ứng;

- Hệ thống nước dự phòng để khử khoáng;

- Môi trường tản nhiệt cuối cùng;

- Cơ sở lưu trữ nước từ thiết bị ngưng tụ.

6.7.2. Hệ thống bổ trợ cho hoạt động của lò phản ứng

Trình bày thông tin được quy định tại Mục 6.1 cho các hệ thống bổ trợ cho quá trình hoạt động của lò phản ứng. Các hệ thống bổ trợ bao gồm:

- Hệ thống nén khí;

- Hệ thống lấy mẫu trong và sau sự cố;

- Hệ thống thoát nước trên sàn và thoát nước trên thiết bị;

- Hệ thống kiểm soát lượng nước và hóa tính;

- Hệ thống làm sạch;

- Hệ thống kiểm soát axit boric.

6.7.3. Hệ thống sưởi, thông gió, điều hòa không khí và làm mát

Trình bày thông tin được quy định tại Mục 6.1 cho hệ thống sưởi, thông gió, điều hòa không khí và làm mát. Cần lưu ý hệ thống thông gió cho phòng điều khiển, khu vực bể chứa nhiên liệu đã cháy, khu vực chứa chất thải phóng xạ, khu vực hỗ trợ, tòa nhà tuốc-bin (đối với lò phản ứng nước sôi) và các hệ thống an toàn kỹ thuật.

6.7.4. Hệ thống bổ trợ khác

Trình bày thông tin về hệ thống bổ trợ khác có khả năng ảnh hưởng đến an toàn nhà máy mà không nằm trong các phần khác của Báo cáo PTAT-DAĐT, bao gồm: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng, hệ thống nước làm mát, hệ thống khởi động, hệ thống bôi trơn, hệ thống lấy và xả khí đốt cho máy phát điện đi-ê-zen.



6.8. Hệ thống chuyển đổi năng lượng

Thông tin về hệ thống chuyển đổi năng lượng tùy thuộc vào loại NMĐHN. Mô tả các thông tin dưới đây hoặc thông tin tương tự:

- Yêu cầu về hiệu suất của máy phát tuốc-bin trong các trạng thái vận hành bình thường và trong điều kiện sự cố;

- Đường hơi chính và các van kiểm soát, thiết bị ngưng tụ chính và hệ thống xả của thiết bị ngưng tụ chính, hệ thống bịt kín tuốc-bin, hệ thống đi tắt không qua tuốc-bin, hệ thống làm sạch nước ngưng tự, hệ thống nước tuần hoàn, hệ thống xả bình sinh hơi;

- Chương trình kiểm soát hóa tính của nước và đánh giá vật liệu chế tạo hệ thống đường hơi, đường ống cấp nước và hệ thống ngưng tụ.

6.9. Hệ thống phòng cháy và chữa cháy

6.9.1. Trình bày thông tin về hệ thống phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần cung bổ sung các thông tin dưới đây nhằm chứng minh đã thực hiện các yêu cầu phòng cháy và chữa cháy trong thiết kế NMĐHN:

- Áp dụng nguyên lý bảo vệ nhiều lớp trong các sự kiện cháy và có biện pháp ngăn ngừa, phát hiện, dập lửa và cô lập đám cháy;

- Xem xét việc lựa chọn vật liệu, phân cách vật lý các hệ thống dự phòng, khả năng kháng chấn của thiết bị và sử dụng các lớp rào chắn để cách ly các kênh dự phòng;

- Yêu cầu bảo đảm an toàn cháy nổ cho nhân viên.

6.9.2. Phân tích, đánh giá mức độ thành công của hệ thống phòng cháy và chữa cháy.



6.10. Hệ thống xử lý và lưu giữ nhiên liệu

6.10.1. Trình bày các thông tin được quy định tại Mục 6.1 về hệ thống xử lý và lưu giữ nhiên liệu, bao gồm chi tiết sự bố trí các hệ thống che chắn, xử lý, lưu giữ, làm mát, giao nhận và vận chuyển nhiên liệu hạt nhân.

6.10.2. Nhiên liệu chưa sử dụng

Trình bày thông tin về hệ thống xử lý và lưu giữ nhiên liệu chưa sử dụng được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin chi tiết nhằm chứng minh nhiên liệu chưa qua sử dụng được lưu giữ an toàn và an ninh trong mọi thời điểm:

- Đánh giá hệ thống đóng gói, kiểm đếm nhiên liệu, hệ thống lưu giữ, thiết bị ngăn ngừa tới hạn, kiểm soát tính nguyên vẹn, kiểm soát sự ăn mòn của nhiên liệu;

- Đánh giá các biện pháp bảo đảm an ninh nhiên liệu.

6.10.3. Nhiên liệu đã cháy

Trình bày thông tin về hệ thống xử lý và lưu giữ nhiên liệu đã cháy được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin chi tiết nhằm chứng minh nhiên liệu đã cháy được lưu giữ an toàn và an ninh tại mọi thời điểm:

- Quy định về bảo vệ phóng xạ, ngăn ngừa tới hạn;

- Quy định về kiểm soát tính nguyên vẹn nhiên liệu, bao gồm: quy định ứng phó với nhiên liệu bị hỏng, kiểm soát sự ăn mòn của vỏ nhiên liệu do bị ôxy hóa, kiểm soát thành phần và hóa tính của nhiên liệu, làm mát nhiên liệu;

- Hệ thống kiểm đếm nhiên liệu, an ninh nhiên liệu;

- Phương pháp đóng gói và vận chuyển nhiên liệu.



6.11. Hệ thống xử lý chất thải phóng xạ

6.11.1. Trình bày thông tin về hệ thống xử lý chất thải phóng xạ được quy định tại Mục 6.1. Ngoài ra, cần bổ sung các thông tin sau:

- Thiết kế của nhà máy nhằm kiểm soát an toàn, thu gom, phân loại, xử lý, chế biến, lưu giữ và loại bỏ chất thải phóng xạ dạng rắn, lỏng và khí sinh ra từ mọi hoạt động tại địa điểm trong suốt vòng đời NMĐHN;

- Đặc trưng thiết kế của cấu trúc, hệ thống và bộ phận để thực hiện các chức năng trên;

- Thiết bị theo dõi sự rò rỉ hoặc phát tán chất thải phóng xạ;

- Đánh giá khả năng chất thải phóng xạ bị hấp phụ hoặc hấp thụ và đưa ra biện pháp ứng phó cần thiết với nguy cơ này.

6.11.2. Mô tả các nguồn phát sinh chất thải phóng xạ.

6.11.3. Dẫn chiếu chéo tới phần của Báo cáo PTAT-DAĐT về bảo vệ bức xạ và các khía cạnh vận hành của hệ thống quản lý chất thải phóng xạ.



6.12. Các hệ thống liên quan tới an toàn khác

Mô tả các hệ thống khác có chức năng an toàn, có khả năng hỗ trợ hệ thống an toàn (có trước và được bổ sung sau sự cố Fukushima) hoặc có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống an toàn.



6.13. Hệ thống bảo vệ thực thể của NMĐHN

Mô tả hệ thống bảo vệ thực thể cho NMĐHN bao gồm hệ thống các thiết bị kiểm soát tiếp cận, phát hiện đột nhập, trì hoãn và ứng phó.

Luận chứng thiết kế của hệ thống bảo vệ thực thể để thực hiện hiệu quả các chức năng cơ bản của một hệ thống bảo vệ thực thể dựa trên phân tích dữ liệu nguy cơ trong cơ sở thiết kế tại địa điểm NMĐHN.

7. Phân tích an toàn



7.1. Tổng quan

7.1.1. Mục này của Báo cáo PTAT-DAĐT mô tả các kết quả phân tích an toàn nhằm đánh giá an toàn nhà máy khi xảy ra sự cố khởi phát giả định dựa trên các tiêu chí an toàn và giới hạn về phát thải phóng xạ.

Phân tích an toàn bao gồm phân tích an toàn tất định và phân tích an toàn xác suất được thực hiện đối với các trạng thái: vận hành bình thường, trạng thái bất thường, sự cố trong cơ sở thiết kế, sự cố ngoài thiết kế và một số sự cố nghiêm trọng được lựa chọn.

7.1.2. Mục này cần cung cấp đủ thông tin để:

- Luận chứng cơ sở thiết kế của các hạng mục quan trọng về an toàn;

- Bảo đảm thiết kế đáp ứng các giới hạn về liều bức xạ và phát thải phóng xạ cho mỗi trạng thái NMĐHN.



7.2. Mục tiêu an toàn và tiêu chí chấp nhận

7.2.1. Dẫn chiếu tới các nguyên lý và mục tiêu về an toàn hạt nhân, bảo vệ bức xạ và an toàn kỹ thuật áp dụng cho thiết kế cụ thể của nhà máy được quy định tại Mục 5.1 và 5.2.

7.2.2. Xác định tiêu chí chấp nhận cụ thể cho các cấu trúc, hệ thống và bộ phận đối với từng nhóm sự cố khởi phát giả định và loại phân tích (phân tích an toàn tất định hoặc phân tích an toàn xác suất). Các tiêu chí chấp nhận này phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

- Sự kiện có tần suất xảy ra cao phải dẫn tới hậu quả nhỏ;

- Sự kiện có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng phải có xác suất xảy ra rất thấp.

7.2.3. Luận chứng và lập tài liệu về các tiêu chí chấp nhận cụ thể.



7.3. Nhận dạng và phân nhóm các sự cố khởi phát giả định

7.3.1. Mô tả các phương pháp nhận dạng sự cố khởi phát giả định. Cần xem xét các sự cố khởi phát do lỗi của con người. Đối với mỗi phương pháp nhận dạng, cần chứng minh sự cố khởi phát giả định được nhận dạng theo cách tiếp cận hệ thống.

7.3.2. Mô tả và luận chứng cơ sở phân nhóm sự kiện. Phân nhóm các sự cố khởi phát giả định nhằm:

- Luận chứng cơ sở xác định phạm vi các sự kiện được xem xét;

- Giảm bớt số lượng các sự cố khởi phát giả định cần phân tích chi tiết, tạo thành một nhóm các sự kiện chung nhất trong một nhóm sự kiện được sử dụng trong phân tích an toàn, nhưng không bao gồm các sự kiện dẫn tới đáp ứng giống nhau của các hệ thống về khía cạnh thời gian, ứng phó của hệ thống nhà máy hay phát thải phóng xạ;

- Cho phép áp dụng các tiêu chí chấp nhận khác nhau khi phân tích các phân nhóm sự kiện khác nhau.

Việc phân nhóm các sự kiện theo tác động của sự kiện đối với nhà máy được thực hiện theo quy định tại Mục 7.3.5 và 7.3.6. Việc phân nhóm các sự kiện theo tần suất dự kiến xảy ra được thực hiện theo quy định tại Mục 7.3.7.

7.3.3. Danh mục các sự cố khởi phát giả định trong Báo cáo PTAT-DAĐT phải bao gồm các trạng thái bất thường, sự cố trong cơ sở thiết kế và sự cố ngoài thiết kế. Cần phân tích sâu hơn một số sự cố trong cơ sở thiết kế và sự cố ngoài thiết kế nếu giả định có thêm các lỗi bổ sung và dẫn đến sự cố gây phá hủy nghiêm trọng vùng hoạt hay phát thải phóng xạ ra bên ngoài.

7.3.4. Việc phân nhóm sự kiện phải xem xét, đánh giá các vấn đề sau:

- Nguồn gốc xảy ra sự kiện, bao gồm cả nguy hại bên trong và nguy hại bên ngoài ở tất cả các chế độ vận hành NMĐHN;

- Các điều kiện vận hành nhà máy khác nhau, như điều khiển bằng tay hay điều khiển tự động;

- Các điều kiện khác nhau tại địa điểm, như có hoặc mất toàn bộ nguồn điện ngoại vi, khả năng tương tác giữa nguồn phát điện và lưới điện, khả năng tương tác giữa các tổ máy trong cùng địa điểm v.v.;

- Sai hỏng trong các hệ thống, như bể lưu giữ nhiên liệu đã cháy và thùng lưu giữ khí phóng xạ v.v..

7.3.5. Danh mục các sự cố khởi phát giả định bên trong nhà máy cần được phân tích và trình bày trong Báo cáo PTAT-DAĐT bao gồm tối thiểu các sự kiện sau:

- Tăng hay giảm khả năng tải nhiệt;

- Tăng hay giảm dòng chất làm mát vùng hoạt;

- Thay đổi bất thường về độ phản ứng và công suất;

- Tăng hay giảm lượng chất làm mát trong vùng hoạt;

- Phát tán vật liệu phóng xạ từ các hệ thống phụ hay từ các bộ phận;

- Các sự kiện: mất các hệ thống hỗ trợ, ngập lụt bên trong nhà máy, hỏa hoạn và cháy nổ, vật phóng trong nhà máy, sụp đổ cấu trúc, rơi vật nặng, va đập mạnh đường ống, hiệu ứng bắn tia nước với tốc độ lớn, lỗi tín hiệu cô lập boong-ke lò dẫn đến mất chất làm mát bơm chính;

- Các sự kiện quan trọng khác cần phân tích.

7.3.6. Danh mục các sự cố khởi phát giả định bên ngoài nhà máy cần phân tích và trình bày trong Báo cáo PTAT-DAĐT bao gồm tối thiểu các sự kiện sau:

- Các điều kiện tự nhiên như lũ lụt, động đất, núi lửa, gió mạnh và các điều kiện thời tiết cực đoan;

- Các mối nguy hại do hoạt động của con người gây ra như hỏa hoạn, nổ, máy bay đâm, phát tán chất độc sinh học hay chất độc hóa học, tràn khí và chất lỏng ăn mòn, giao thoa sóng điện từ, hư hại hệ thống lấy nước, nguy hại có nguyên nhân từ các hoạt động giao thông gần nhà máy và tại khu vực đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

7.3.7. Sự cố khởi phát giả định được phân nhóm theo tần suất dự kiến xảy ra, cụ thể như sau:

- Trạng thái bất thường: 10-2 - 1 lần/năm vận hành;

- Sự cố trong cơ sở thiết kế: 10-4 - 10-2 lần/năm vận hành;

- Sự cố ngoài thiết kế: 10-6 - 10-4 lần/năm vận hành;

- Sự cố nghiêm trọng: nhỏ hơn 10-6 lần/năm vận hành.


Каталог: vbpq -> Lists -> Vn%20bn%20php%20lut -> Attachments
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ CÔng an cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ lao đỘng thưƠng binh và XÃ HỘI
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> NGÂn hàng nhà NƯỚc việt nam
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn bộ TÀi chính bộ KẾ hoạch và ĐẦu tư
Attachments -> BỘ CÔng an cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ TÀi chính cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ quốc phòng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG

tải về 352.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương