Thi ca rg-veda



tải về 264.55 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích264.55 Kb.
#34797
1   2

CÁC VỊ THẦN TRỪU TƯỢNG

Diễn biến tư tưởng trong thời kỳ Vệ đà cho thấy một xu hướng đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng. Một kết quả của xu hướng, tuy không nhiều, chỉ xuất hiện ở cuốn sách cuối cùng mà thôi. Một số trong họ là sự thần thánh hóa những danh từ trừu tượng như thần Sraddhã, “Tín tâm”, được cầu khấn trong một bài tụng ca ngắn, và thần Manyu, “Thịnh nộ” trong hai bài. Những sự trừu tượng này ngày càng nhiều thêm trong các sách Vệ đà về sau này. Thế nên thần Kãma, “Dục vọng”, xuất hiện lần đầu tiên trong Atharveda trong đó đã nói đến những mũi tên thần dùng để xuyên thủng những trái tim; đây là vị thần mở đường cho vị thần tình yêu với những mũi tên bằng hoa, khá quen thuộc trong văn chương cổ điển. Đông đảo hơn nữa là nhóm trừu tượng gồm những vị thần có tên để chỉ một con người, như Dhãtr, ”Đấng Sáng tạo”, hay một biểu tượng như Prajãpati, ”Chúa tể muôn loài”. Những thần có vẻ như không phải là những sự trừu tượng hẳn, mà sinh ra từ những tính ngữ để chỉ một hình thức hoạt động hay tính cách nào đó, ban đầu được gán cho một hay nhiều vị thần xưa cũ, rồi cuối cùng mới có được một giá trị riêng. Thế nên Prajãpati lúc đầu là tính ngữ của những vị thần như Savitr và Soma, lại xuất hiện trong câu chót của cuốn sách cuối cùng như một vĩ thần riêng biệt mang thuộc tính của một đấng sáng tạo. Vị thần này nhiều lần trong Atharvaveda và Vãjasaneyi-Samhitã, và thường xuyên trong các Brãhmana, được công nhận là vị thần chính, cha của các thần. Trong bộ Sutra  thì Prajãpati được đồng hóa với Brahma, người kế vị ông ta trong thời sau Vệ đà.
Một tụng ca của cuốn sách thứ mười cho ta sự minh họa rất hay về cách thức ra đời kỳ lạ của những ý niệm trừu tượng như thế. Đây là một trong các stanza:

Đấng tạo nên bầu trời hùng vĩ, mặt đất vững vàng

Vương quốc ánh sáng và cả vòm trời

Đấng vượt qua không gian bất tận;

Vị thần nào ta dâng lễ vật?

Câu thứ tư ở đây là điệp khúc của chín stanza liên tiếp, trong đó đấng sáng tạo được nhắc đến như một người xa lạ, với đại từ nghi vấn ka - ”nào”. Chữ ka này trong văn học Vệ đà sau đó được dùng không những như một tính ngữ của đấng tạo hóa Prajãpati, và cả như một tên riêng của vị thần tối cao này.

Một vị thần có tính trừu tượng xuất hiện trong các phần xưa nhất cũng như mới nhất của Rg-Veda là Brhaspati, ”Chúa tể cầu nguyện”. Roth và các nhà nghiên cứu Vệ đà xuất chúng khác xem thần này là sự nhân hóa rõ rệt của lòng sùng mộ. Tuy nhiên theo ý kiến của tác giả sách này thì ông ta chỉ là một sự thần thánh hóa gián tiếp hoạt động hiến tế của thần Agni, một vị thần mà chắc chắn là có nhiều điểm chung với Brhaspati. Thế nên đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của thần này là vai trò tư tế của ông ta. Giống như Agni, ông cũng được kéo vào và có một chỗ đứng vững chắc trong thần thoại về Indra. Thế nên ông ta thường được mô tả là người tống đuổi đàn bò ra ngoài sau khi đánh đuổi con quỷ Vala. Trong vai trò là một tư tế của Brahmã, Brhaspati có vẻ như là một nguyên mẫu của thần Brahmã, vị thần đứng đầu trong tam vị sau này của Hindu. Nhưng riêng cái tên Brhaspati đã tồn tại trong thần thoại sau Vệ đà như một cái tên của một thánh nhân, bậc thầy của các vị thần, người giám sát hành tinh Jupiter.

Một ý niệm trừu tượng khác, thuộc loại rất lạ lùng, là nữ thần Aditi. Một dù không phải là đối tượng của một tụng ca riêng rẽ nào nhưng nữ thần này thường được tôn vinh một cách tiện thể. Nữ thần này có hai, và chỉ hai mà thôi, tính cách nổi bật. Trước hết, bà là mẹ của một nhóm nhỏ các vị thần gọi là Ãdityas, đứng đầu là Varuna. Thứ hai, giống như Varuna, con trai mình, bà có quyền năng cởi bỏ những xiềng xích của sự đau đớn thể xác và của mặc cảm tội lỗi. Tên gọi bà, với cái nghĩa là “cởi trói”, “tự do” có sự liên quan rõ rệt với đặc điểm sau này. Ý nghĩa không thuộc về con người này dường như vẫn còn lưu lại trong một vài đoạn của Rg-Veda. Thi sĩ cầu cho có được “món quà chắc chắn và vô hạn của Aditi” vốn đã nhiều lần áp dụng cho các Aditya, khi được đem dùng lần đầu tiên rất có thể có nghĩa là “Những đứa con của sự giải phóng” để nhấn mạnh trên điểm nổi bật trong tính cách của họ, theo cách nói phổ biến trong Rg-Veda. Từ giống cái “giải phóng”(aditi) dùng trong trường hợp này như vậy đã được nhân hóa qua một quá trình có nhiều hơn một tiếng tương ứng trong Phạn ngữ. Như vậy Aditi, nữ thần có nguồn gốc Ấn Độ, nói về lịch sử thì còn ít tuổi hơn ít nhất là một vài người con của bà, họ vốn có nguồn gốc từ thời trước Vệ đà.


Nữ thần có tầm quan trọng kế tiếp, Sarasvatĩ, chỉ được xếp ngang với vị thần ít nổi bật nhất trong số các nam thần. Ngoài Prthivĩ ra, một trong số ít những nữ thần được dành cho cả một bài tụng ca là Rãtrĩ, nữ thần “Đêm”. Giống như người em gái mình là Bình minh mà nữ thần này thường đi đôi, Rãtrĩ được nói là con gái của bầu trời. Nữ thần này không được hình dung như một ban đêm tăm tối, mà là một ban đêm ngời sáng ánh sao. Thế nên để làm nổi bật sự tương phản của cặp chị em sinh đôi này, một thi sĩ đã nói: “Một người khoác trên mình một ngôi sao, còn người kia thì khoác ánh sáng mặt trời”. Các stanza sau đây được trích từ một tụng ca dành cho Nữ thần Đêm (x.127) :

Đêm đang đến, và khắp mọi nơi

Mắt nữ thần soi sáng

Người trang điểm thật là rạng rỡ.

Nữ thần bất tử, xa xôi và bàng bạc.

Phủ kín cả đồi cao và thung lũng

Với ánh sáng, chế ngự bóng tối.

Giờ đây nữ thần đã đến,

Đẩy lùi xa người em gái Bình minh,

Đẩy thật xa bóng tối đêm dày.

Như vậy đó, nữ thần đang đến,

Ta về nhà khi người tiến đến gần

Như con chim tìm tổ trên cành.

Dân làng đã tìm nơi ngơi nghỉ,

Thú dồn chân và chim vỗ cánh mau,

Con diều hâu đang đói cũng nằm im.

Nữ thần Đêm, xin tránh dùm lũ sói,

Và đuổi xa kẻ trộm rập rình

Đưa con qua cõi tối bình yên.

Các nữ thần, khi là vợ của các thần lớn, thì lại giữ một vai trò càng ít quan trọng hơn nữa, họ hoàn toàn không có một tính cách riêng nào. Thật vậy, chẳng có một điều gì được nói về họ ngoài cái tên, mà cái tên này chỉ được tạo nên từ tên của chồng họ bằng cách thêm vào một tiếp vĩ ngữ giống cái.

Một đặc điểm kỳ lạ của thần thoại Vệ đà là việc khẩn vái một số các vị thần theo từng đôi mà cái tên là những sự lắp ghép hai phần. Khoảng một chục đôi như thế được cầu khấn bằng những tụng ca nguyên cả bài, và khoảng nửa chục khác bằng những đoạn thơ rải rác. Một số rất lớn những tụng ca như thế được dùng cho cặp Mitrã-Varuna, nhưng những cái tên thường thấy phối hợp theo kiểu này là tên của Trời và Đất (Dyãvã – Prthivĩ). Có thể chắc chắn rằng cái tên của cặp sau này đã giúp ta loại suy ra được kiểu phối hợp phổ biến này. Vì sự liên kết của đôi này, có thể có nguồn gốc từ thời Ấn –Âu, mới xem có vẻ quá gắn bó đến nỗi thần thoại về sự kết hợp vợ chồng của họ được thấy phổ biến khá rộng ở các dân tộc sơ khai.

* Nhóm linh thể cấp cao: Ngoài những vị thần theo từng cặp này ra còn có một số những nhóm linh thể khá rõ rệt thường đi kèm theo một vị thần nào đó.

i) Nhóm lớn nhất và quan trọng nhất trong số này là nhóm thần Marut hay thần Bão Tố, mà như chúng ta đã thấy, luôn luôn phục vụ cho thần Indra trong các cuộc chiến của thần. Cũng nhóm này, dưới cái tên Rudras, đôi khi được gắn với người cha của họ là Rudra.

ii) Nhóm thần Adityas nhỏ hơn thì luôn được nhắc đến cùng với bà mẹ của họ là Adiyi, hoặc với người đứng đầu của họ là Varuna. Trong hai đoạn của Rg-Veda thì số lượng của họ là bảy hay tám, nhưng trong các sách Brãhmana và về sau thì số lượng này thường là mười hai. Có khoảng tám hay mười tụng ca trong Rg-Veda được dành chung cho nhóm họ. Các câu sau đây được lấy từ một tụng ca (viii. 47) trong đó đặc biệt cầu xin sự giúp đỡ và che chở của họ:

Như con chim dang đôi cánh chở che,

Xin mở rộng sự che chở cho chúng con.

Như người đánh xe tránh con đường xấu

Xin hiểm nguy không đến cùng con.

Kính lạy Thần, khi dựa vào ngài,

Chúng con chiến đấu như người mang áo giáp.

Thần Aditya, hãy nhìn xuống chúng con

Như thám tử trên bờ theo dõi.

Xin dắt chúng con tới nẻo đường vui,

Như đàn ngựa qua khúc sông cạn.

iii) Một nhóm thứ ba ít quan trọng hơn là nhóm Vasus, gắn kết chủ yếu với Indra trong Rg-Veda, dù rằng trong các kinh sách Vệ đà về sau thì Agni trở thành người cầm đầu của nhóm. Họ là một nhóm không xác định rõ, vì không có gì là đặc trưng, chẳng có tên của các thành viên và cũng không có số lượng nhất định. Tuy nhiên sách Brãhmana nói đến tám thần trong số này.

iv) Cuối cùng là đến các Visvede hay Các Thần, và có khoảng sáu mươi tụng ca dành cho nhóm này. Đây là một nhóm thần hiến tế tưởng tượng được cho là bao gồm toàn bộ các thần để cho không có một vị thần nào bị bỏ sót trong sự cầu khấn nhắm vào tất cả các thần. Điều kì lạ là nhóm Các Thần này đôi khi lại được hình dung như một nhóm nhỏ, được khấn nguyện chung với các nhóm khác, như Vasus và Aditya.

* Nhóm linh thể cấp thấp: Ngoài những vị thần cấp cao, trong Rg-Veda còn có một số linh thể không được cho hẳn là linh thiêng ngay từ đầu. Quan trong nhất trong số này là những Rbhus họp thành một bộ ba, và có mười một tụng ca dành cho họ. Đặc biệt khéo tay, họ thường được cho là đã đạt đến bậc thần linh nhờ ở kỹ năng tinh xảo của mình. Trong số năm kì tích về sự khéo tay của họ, quan trọng nhất-mà qua đó họ tỏ ra là những địch thủ đáng gờm của Tvastr - vị thần khéo tay, là việc họ đã biến đổi cái chén uống nước của thần này thành bốn cái chén nhỏ sáng ngời. Cái chén lớn có lẽ tượng trưng cho mặt trăng, còn bốn cái chén nhỏ là những tuần trăng. Chuyện này cũng được giải thích như là một năm với bốn mùa. Các Rbhus ngoài ra còn được nói là làm trẻ lại cha mẹ họ, cha mẹ đây có lẽ muốn nói Trời và Đất. Do thành tích kì diệu này cho nên còn có một thần thoại khác đặc biệt liên quan tới họ nữa. Họ được nói là đã nghỉ lại mười hai ngày trong ngôi nhà mặt trời Agohya (từ này có nghĩa “không thể che giấu”). Thời gian lưu trú này của các Rbhus trong nhà của mặt trời rất có thể ám chỉ ngày đông chí (thời điểm mặt trời xuống thấp, ngày ngắn đêm dài), mười hai ngày thêm vào là số ngày cần thiết để làm cho năm âm lịch 354 ngày theo kịp năm dương lịch gần 366 ngày, và được xen kẽ vào trước khi ngày trở nên dài hơn thấy rõ. Nhìn chung có thể rằng các Rbhus nguyên là những tiểu tiên trên mặt đất hoặc trên không gian mà sự khéo léo của họ dần dần đã được gán cho nhiều chuyện thần thoại ly kỳ.

Vài đoạn trong Rg-Veda có nói đến một nữ thủy thần trên trời có tên là Apsara (“di chuyển trên nước”), được xem là vợ của một vị thần có tên là Gandharva. Apsara, theo lời của thi sĩ, ở trên trời cao mĩm cười với người yêu của mình. Đôi khi người ta nói đến nhiều Apsara chứ không phải là một. Trong các sách Vệ đà sau này thì chỗ ở của họ mở rộng xuống tới mặt đất, tại đây họ thường ở trong rừng cây khiến cho nơi đây ngân vang những tiếng đàn, tiếng chiêng của họ. Sách Brãhmana mô tả họ là những nữ thần xinh đẹp tuyệt vời, yêu thích hát ca, múa nhảy và vui chơi. Trong thời kì sau Vệ đà họ trở thành những kỹ nữ hạng sang trên cung trời Indra. Các Apsara không những được các Gandharva thương yêu, mà cả con người nữa. Một nàng như thế là Urvasĩ. Một bài tụng ca bí hiểm kể lại cuộc đối thoại giữa nàng với Purũvas, người chồng trần gian của nàng trong Rg-Veda (x .95). Ở đây người ta nghe nữ thần nói:

Trong hình dạng khác, em lang thang giữa đời người,

Và ở nhiều đêm suốt bốn mùa thu.

Người yêu của nàng cầu xin nàng quay lại; nhưng dù yêu cầu bị từ chối, anh ta (giống như Tithonus) cũng nhận được lời hứa sẽ trường sinh. Sách Satapatha Brãhmana kể lại câu chuyện này một cách mạch lạc và chi tiết hơn. Thời hạn mà Urvasĩ sống chung với Purũravas dài hay ngắn tùy thuộc vào một điều kiện. Khi các Gandharva âm mưu phá vỡ điều kiện này thì nữ thủy thần đã lập tức biến đi. Purũ-ravas buồn nản lang thang đi tìm nàng, và cuối cùng tìm thấy nàng đang tắm trong một hồ sen cùng với các Apsara khác dưới dạng một con thiên nga. Urvasĩ hiện ra hình thật với chàng và để đáp lại sự khẩn khoản của chàng, nàng bằng lòng trở lại một lần sau khoảng thời gian một năm. Thần thoại này sau thời kì Vệ đà đã tạo nên đề tài cho tuồng kịch Vikramorvasĩ của Kãlidãsa.

Gandharva có vẻ như lúc đầu đã được hình dung là một người thôi. Vì trong Rg-Veda cái tên này gần như luôn luôn xuất hiện ở số ít, và trong sách Avesta, nơi người này đôi khi được thấy dưới dạng Gandarewa, cũng chỉ ở số ít thôi. Theo Rg-Veda, vị thần này, người yêu của nữ thủy thần, sống trong một cõi không gian sầu thẳm, và đứng thẳng trên vòm trời. Thần này còn là người canh giữ nước soma trên trời, và đôi khi, như trong Avesta, có liên quan với nước. Trong các sách Vệ đà về sau thì các Gandharva họp thành một lớp, vì sự gắn bó của họ với các Apsara quá thường xuyên cho nên đã sinh ra một thành ngữ khuôn mẫu. Trong thời sau Vệ đà đã trở thành những người ca hát trên trời, và khái niệm về ngôi nhà trong không gian của họ vẫn còn tồn tại trong thành ngữ “Thành phố của các Gandharva” như một cụm từ tiếng Phạn để chỉ sự “hư ảo”.

Nhà tư tế: Trong vô số những tư tế và nhân vật chính ngày xưa của Rg-Veda, rất quan trọng nhất là Manu, người lo việc hiến tế đầu tiên và là thủy tổ của loài người. Các thi sĩ gọi ông là “cha chúng ta”, và xem những tư tế là “người của Manu”. Theo sách Satapatha Brãhmana thì Manu có một vai trò quan trọng trong lịch sử loài người giống như là Nô-ê vậy.

• Một nhóm tư tế ngày xưa có tên là Angirase, có liên quan mật thiết với Indra trong thần thoại về việc bắt bò.

• Một nhóm các tư tế thần thoại khác là các Bhrgus, những người này đã được Mãtarisvan, Pro-metheus của Ấn Độ, trao cho ngọn lửa (Agni) giấu kín của nhà trời, và họ có nhiệm vụ gầy dựng và phân phát ngọn lửa hiến tế trên thế gian.

• Một nhóm các tư tế thủy tổ với số lượng rõ ràng, hiếm khi được nhắc đến trong Rg-Veda, là nhóm bảy Rsi hay tiên tri. Trong sách Brãhmana họ được cho là bảy ngôi sao trong chòm Đại Hùng, và được nói rằng lúc đầu họ là bảy con gấu. Sở dĩ có sự đồng hóa kì dị này một phần là do sự giống nhau về số lượng trong hai nhóm, phần khác là do sự đọc gần giống nhau giữa chữ Rsi, tiên tri, và chữ Rksa mà trong Rg-Veda vừa có nghĩa là “sao” vừa có nghĩa là “gấu”.

Ngựa: Loài vật có một vai trò quan trọng trong các khái niệm thần thoại và tôn giáo của Vệ đà. Trong số các loài vật này thì ngựa rõ ràng là con vật kéo xe, và đặc biệt là đại diện cho mặt trời dưới nhiều cái tên. Trong nghi thức cúng tế của Vệ đà, ngựa được xem là tượng trưng cho mặt trời và lửa. hai tụng ca của Rg-Veda (i.162-163) về chủ đề này còn cho ta thấy rằng việc hiến tế ngựa đã là thông lệ từ thời rất xưa của Ấn Độ cổ đại.

Thần bò: Con vật được thấy nói đến nhiều nhất trong Rg-Veda. Điều này chắc chắn là do địa vị quan trọng, từ sự ích lợi nổi bật của nó, mà con vật này chiếm giữ trong thời kì rất xa xưa của cuộc sống người Ấn Độ. Những tia sáng bình minh và những đám mây được xem là những con bò. Đám mây mưa, nhân hóa dưới cái tên Prsni, “con bò đốm”, là một con bò, mẹ của các thần Bão tố. Những đám mây bao la, quyết định sự phồn thịnh của người dân Ấn, rõ ràng là nguyên mẫu của những con bò nhiều màu đem lại mọi lạc thú trên trời cho người có phúc được mô tả trong Atharvaveda, và là tổ tiên của “Con bò trù phú” (Kãmaduh) rất thường được nói đến trong thi ca sau Vệ đà. Mặt đất đôi khi cũng được các thi sĩ của Rg-Veda gọi là con bò. Việc con vật này vốn đã có một phẩm chất thiêng liêng được chứng minh qua sự kiện là một Rsi đã gọi một con bò cái là Aditi và nữ thần, nhằm bảo với những người nghe là không được giết con bò này. Aghnyã (“không được giết”), một cái tên thường gán cho con bò cái trong Rg-Veda, cũng nhằm mục đích ấy. Thật vậy các bằng chứng trong Avesta cho thấy rằng việc tôn thờ con vật này đã có từ thời Ấn Độ - Ba Tư kia. Trong sách Atharvaveda việc thờ cúng bò hoàn toàn được thừa nhận, còn trong Satapatha Brãmana thì nhấn mạnh trên những hậu quả của việc ăn thịt bò. Việc thờ bò không những tồn tại cho đến ngày nay tại Ấn Độ, mà qua thời gian nó còn được củng cố thêm nhiều nữa. Không có con vật nào mà loài người chịu ơn nhiều cho bằng con bò, và món nợ này đã được đền đáp rộng rãi tại Ấn Độ bằng một sự tôn kính không hề có ở các nước khác. Con bò đã tỏ ra là một nhân tố quan trọng như thế trong cuộc sống và tư tưởng của người Ấn Độ cho nên sự miêu tả thấu đáo về ảnh hưởng của nó từ thời xa xưa đáng là một chương trong lịch sử văn minh nhân loại.

Con rắn: Trong số những con vật nguy hiểm nổi bật nhất được nói đến trong Rg-Veda. Đây là hình thức mà con quỷ hùng mạnh, kẻ thù của Indra đã chọn. Con rắn còn hiện ra dưới dạng một vật linh đôi khi được nói đến trong Ahi budhnya, “Con rồng vực thẳm”), được cho là sống trong cõi sâu vô tận của đại dương không gian, và có lẽ đại diện cho khía cạnh hữu ích trong tính cách của con rắn Vrtra. Trong các ách Vệ đà thời sau này loài rắn được nói đến như một lớp bán thần cùng với Gandharva và các thần khác; sách Sũtra có liệt kê những lễ vật để dâng cúng cho các thần này. Trong các cuốn sách sau đó chúng ta lần đầu tiên được biết đến những Nãga, thực ra là những con rắn nhưng chỉ đội lốt con người. Trong thời gian sau Vệ đà, người ta được thấy việc thờ rắn ở khắp Ấn Độ. Vì không có dấu vết gì của việc này trong Rg-Veda, trong khi lại thấy đầy rẫy trong ở những người Ấn Độ không phải Aryan cho nên có lý do để tin rằng khi người Aryan tràn sang Ấn Độ, xứ sở của loài rắn, thì họ thấy việc thờ rắn phổ biến ở người dân bản xứ và đã bắt chước theo.

Cây cối: thường được cầu khấn như những vị thần, chủ yếu là cùng lúc với núi non, sông nước và trời đất. Tuy nhiên có nguyên một tụng ca (x. 97) dành cho việc ca ngợi cây cối (o Sadhi) riêng thôi, chủ yếu là về khả năng chữa bệnh cho chúng. Các sách Vệ đà về sau có nói đến những việc dâng cúng cho cây cối và sự sùng bái đối với những cây to khi một đám cưới đi ngang qua đấy. Một tụng ca của Rg-Veda (x. 146) ca ngợi toàn bộ cây rừng, nhân hóa dưới dạng Aranyãnĩ, vị thần nhạo báng của rừng cây. Ở đây những hình ảnh và âm thanh kì lạ vào lúc tranh tối tranh sáng được mô tả bằng một cảm nhận tinh tế về thiên nhiên. Trong cõi hoang vu tăm tối của rừng cây.

Ta nghe tiếng đàn bò gặm cỏ,

Mái nhà kia thấp thoáng mờ xa.

Nữ thần rừng Aranyãnĩ chuyển động

Như cỗ xe cót két giữa hoàng hôn.

Nơi đây ai đó gọi đàn bò,

Đàng kia tiếng người đang đốn củi.

Ai còn đang nấn ná trong rừng

Nghe như có tiếng người đang khóc.

Xin đừng làm Aranyãnĩ thương tổn,

Xin hãy đừng tiến lại quá gần

Khi đã ăn xong trái ngọt

Thì nữ thần thoải mái đi nằm.

Khắp người ngọt ngào hương thơm,

No nê rồi, nhưng còn ngơi nghỉ.

Bà mẹ của thú hoang, tiên nữ rừng cây.

Con xin dâng vạn lời tán tụng.

Tuy nhiên vai trò của các thần rừng, thần cây là một vai trò rất nhỏ bé trong Rg-Veda.

Dụng cụ hiến tế: Một đặc điểm tôn giáo lạ lùng liên quan tới một quá khứ xa xôi là việc thần thánh hóa hoặc thờ cúng cả đến những đồ vật do chính bàn tay con người làm ra, khi chúng được xem là hữu ích cho con người ta. Thế nên trong một bài tụng ca (iii. 8) người ta cầu khấn cây trụ hiến tế (gọi là “chúa tể rừng cây”), trong khi ba bài tụng ca trong cuốn sách thứ mười được dùng để ca ngợi những hòn đá nghiền ép dùng để chế biến nước soma. Một vài stanza cầu khấn cái cày, và nguyên một tụng ca (vi. 75) được dành ra để ca ngợi các công cụ chiến tranh, trong khi một bài Atharvaveda (v. 20) ca tụng chiếc trống.

Loài quỷ: Các con quỷ thường được nói đến trong Rg-Veda gồm hai hạng. Một hạng gồm những đối thủ trên trời của các vị thần. Theo quan điểm ngày xưa thì đã có một xung khắc nảy sinh giữa một vị thần và một con quỷ mà thôi. Quan điểm này dần dần phát triển thành một ý niệm về các thần và những con quỷ nói chung đã liên minh lại thành hai phe chống chỏi nhau. Các sách Brãhmana thường nói đến sự xung khắc này. Asura (A-tu-la) là tên thường gọi của những kẻ thù trên không của các vị thần. chữ này có một lai lịch đáng nói. Trong Rg-Veda đây là danh hiệu chủ yếu để gọi các vị thần, và trong sách Avesta thì tên này để chỉ dưới hình thức Ahura, vị thần cao nhất của đạo Thờ Lửa. Tuy nhiên, trong các phần sau của Rg-Veda thì asura, khi dùng một mình. Còn có nghĩa là “quỷ”, và đây là nghĩa duy nhất của từ này trong Atharvaveda. Đã có một cố gắng không mấy thành công để giải thích vì sao một từ có nghĩa là “thần” lại trở nên có nghĩa là “quỷ”, cho rằng đây là do sự mâu thuẫn giữa các nhóm dân, các asura hay thần của các bộ lạc bên ngoài Vệ đà lại là những con quỷ trong Avesta. Không có bằng chứng cổ truyền nào hậu thuẫn cho quan điểm này, và nó bị phản bác bởi sự kiện là đối với người Ấn Độ của Rg-Veda thì asura không những có nghĩa nói chung là một thực thể linh thiêng mà được sử dụng thích hợp riêng cho Varuna, vị thần được ca tụng nhiều nhất. Do đó từ nay hẳn đã thay đổi nghĩa qua thời gian ngay ở bên trong những người Vệ đà. Ở đây ngay từ đầu từ này đã có nghĩa là “người sở hữu một quyền lực huyền bí”, do đó có thể đã được áp dụng cho những thực thể không lành mạnh. Vì thế trong một tụng ca của Rg-Veda (x. 124) chúng ta thấy cả hai nghĩa của từ này. Vào cuối thời kì Vệ đà thì từ này đã không còn được sử dụng cho các vị thần nữa. khuynh hướng này rất có thể đã được thúc nhanh bởi sự cần thiết phải có một từ để gọi các thế lực ma quỷ xấu xa nói chung, cũng như bởi khoa từ nguyên học bình dân phôi thai, vốn nhìn thấy một sự phủ định (a-sura) trong từ này và dẫn đến sự ra đời của từ sura, “thần”, một thuật ngữ được thấy lần đầu tiên trong bộ UpaniSad.

•    Một nhóm quỷ trên trời, chủ yếu là những kẻ thù của Indra, có tên là Pani. Nghĩa đúng của từ này là “kẻ hà tiện” đặc biệt là về lễ vật hiến tế. Từ cái nghĩa này nó đã phát triển ra cái nghĩa thần thoại về những con quỷ, giống như những con quỷ lúc đầu được cho là canh giữ kho báu trên trời. Từ dãsa hay dasyu, đúng ra là chỉ những thổ dân da đen Ấn Độ trái ngược với những người Aryan chiếm đóng có màu da sáng, lại thường được dùng trong cái nghĩa quỷ ma. Đáng chú ý hơn nhiều trong số các con quỷ trên trời của Rg-Veda thì Vrtra, dưới dạng hình con rắn, và cái tên của nó có nghĩa là “cuộn quanh”. Một con quỷ khác được nhắc đến thường xuyên là Vala, sự nhân hóa kì bí của cái hang giam nhốt những con bò nhà trời. Trong văn học sau Vệ đà, hai con quỷ này thường được nói đến cùng một lúc và được coi là hai anh em đã bị Indra giết chết. Con quỷ thường được nhắc đến tên nhiều nhất trong số những kẻ thù còn lại của Indra là Susna, kẻ “huýt sáo” hay “chê bai”. Một con quỷ hiếm khi được nhắc đến là Svarbhãnu, được cho là đã dùng bóng tối để gây ra nhật thực. Kẻ kế vị của nó trong văn học Phạn ngữ là Rãhu, được cho là gây ra nhật thực hay nguyệt thực bằng cách nuốt lấy mặt trời hay mặt trăng.



•     Lớp quỷ thứ hai gồm những yêu tinh được cho là đầy dẫy trên mặt đất, kẻ thù của loài người, cũng như những Asura đối với các thần. Tên phổ biến nhất để gọi lớp quỷ này là Raksa. Chúng ít khi được nhắc đến trừ khi có liên quan với một vị thần được người ta cầu khấn để tiêu diệt chúng, hoặc ngợi ca vì đã tiêu diệt chúng. Các yêu tinh được cho là có những hình dạng của loài vật hoặc loài người. Hình thù của chúng được mô tả khá đầy đủ trong Atharvaveda, ở đó chúng có những dị hình hoặc có những màu sắc lam, lục, vàng… Theo Rg-Veda thì chúng rất thèm thịt người và thịt ngựa, và chúng tấn công họ bằng cách chui vào bên trong để thỏa mãn sự thèm khát. Ban đêm chúng đi lang thang và mục tiêu tấn công của chúng là những cuộc hiến tế. sự tin tưởng rằng những Raksa quấy nhiễu ráo riết việc thực hiện các nghi thức hiến tế vẫn còn khá phổ biến trong thời kì sau Vệ đà. Một loại yêu tinh ít được đề cập đến trong Rg-Veda, nhưng thường được nhắc đến trong các sách Vệ đà về sau này, đó là Pisãca, được cho là chuyên ăn các xác chết và có quan hệ gắn bó với tử thần.
Cái chết và kiếp sau ít được nói đến trong các tụng ca của Rg-Veda, vì những người Ấn Độ lạc quan và năng động thời Vệ đà, khác với hậu duệ của họ trong mấy thế kỷ sau đó, có vẻ như không nghĩ gì nhiều về thế giới bên kia. Phần lớn những thông tin về quan điểm của họ đối với kiếp sau chỉ được tìm thấy trong các tụng ca của cuốn sách cuối cùng. Ở đây người ta bộc lộ sự tin tưởng rằng ngọn lửa hay nấm mồ chỉ hủy hoại thân xác mà thôi, còn con người thật của kẻ quá cố thì vẫn không hư hoại. Người ta cho rằng linh hồn có thể tách lìa thân xác, không những sau khi chết, mà cả trong cơn mê (x. 58). Ở đây và cả trong các sách Vệ đà về sau này, không thấy nói gì đến thuyết chuyển kiếp (hay luân hồi) của linh hồn, dù rằng thuyết này đã được khẳng định chắc chắn từ thế kỷ thứ VI trước CN khi đạo Phật ra đời. Tuy nhiên, một đoạn trong Rg-Veda, trong đó nói rằng linh hồn nhập vào sông nước, cỏ cây, có thể chứa đựng mầm mống của lí thuyết này.                  




Каталог: application -> uploads -> subjects -> mediahk4-k1 -> VAN%20HOC%20PHAN%20TANG
VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> ĐỀ CƯƠng ôn thi môn văn học phạn ngữ (Thời gian làm bài 60 phút)
VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> VĂn học sanskrit trong kinh tạng I. Khái quát về Kinh Tạng Saṅskrit Phật giáo
VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> LUẬn tạng trong văn học sanskrit phật giáo I. Khái quát về Luận Tạng (Abhidharma-pitaka) Sanskrit Phật giáo
VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> Triết lý CỦa rg-veda giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường) SỰ chếT
VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> THỜI ĐẠi rg-veda giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường)
VAN%20HOC%20PHAN%20TANG -> CÁc sách vệ ĐÀ VỀ sau giảng viên: ts. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường) samaveda

tải về 264.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương