TỰ ÐIỂn phụng vụ



tải về 0.56 Mb.
trang4/13
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích0.56 Mb.
#8221
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Bàn Chuẩn Bị Lễ Vật


(= Crédence)

Lúc đầu đó là cái bàn trên đó người ta đặt những đồ ăn đồ uống cần phải thử trước khi dọn cho các bậc vị vọng. Người ta nếm trước để có thể an tâm dọn cho các thực khách.

Trong phụng vụ, đó là cái bàn để đặt chén thánh, dĩa, bình thánh, bánh rượu và nước cần dùng cho bữa tiệc hiến tế Thánh Thể. Các sách, nến và những thứ khác cần dùng trong nghi lễ cũng thường được đặt trên đó. Tất cả những thứ này sẽ được mang lên bàn thờ vào những lúc qui định.

Bàn Thờ


(= Autel)

Trong La ngữ, từ altare, bắt nguồn từ chữ altus nghĩa là cao. Thoạt đầu, bàn thờ là một nơi cao dùng làm điểm giao kết giữa Thiên Chúa và thế giới. Bởi vậy, các ngọn núi hay các quả đồi là những nơi dành riêng để xây dựng các tế đàn nơi Thiên Chúa ngự xuống, và là nơi con người đi lên "Chạm núi cao cho khói tỏa mịt mù" (Tv 143,5). Cũng có khi một tảng đá từ trời rơi xuống - thiên thạch - làm cho nơi ấy thành một nơi phụng tự (chẳng hạn thánh địa La Mecque). Mặc dù bàn thờ cũng có thể ám chỉ toàn bộ một nơi thờ phượng (Ðông phương vẫn giữ thói quen này), nhưng dần dần được dùng để chỉ nơi trung tâm, tức là cái bàn, trên đó người ta dâng lên Thiên Chúa hoa màu lợi tức của mình. Việc đặt các thực phẩm ấy trên bàn thờ bằng đá như vậy là đặt chúng trong tay Thiên Chúa, hỏa thiêu chúng tức là dâng chúng lên trời để Thiên Chúa thưởng thức linh hương ngạt ngào của chúng (xc. St 8,21). Là cái bàn trên đó các lễ vật chuyển sang lãnh vực linh thánh, đương nhiên bàn thờ tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chính vì thế, bàn thờ không phải là nơi ai cũng được đụng chạm đến, thông thường chỉ có các tư tế mới được tới gần (xc. Xh 29), với những cử chỉ cung kính, như việc hôn kính bàn thờ trong thánh lễ.

Là bàn dâng lễ toàn thiêu, trên đó tế vật hoàn toàn trở thành khói hương bay lên Thiên Chúa, nên bàn thờ cũng là nơi Thiên Chúa và cộng đoàn cùng chia sẻ lương thực, dấu chỉ hiệp thông. Lương thực do Chúa ban được dâng lại cho Người, phần còn lại thuộc về con người và được nhìn nhận như là vật thánh thực sự (xc. Bữa tiệc). Thiên Chúa và con người hiệp thông trong cùng một sự sống: cả hai đều là thực khách. Khi kết thúc giao ước Xi-nai, một phần máu của các vật hy lễ được rưới trên bàn thờ, tượng trưng cho Ðức Gia-vê, còn lại phần kia rẩy trên dân. Nhờ hy lễ, Thiên Chúa và con người trở thành đồng huyết thống (xc. Xh 24).

Trong Tân ước, xét như Thiên Chúa, Ðức Ki-tô là Bàn thờ: với tư cách nhân loại, Người là Lễ vật và Tư tế. Lời tiền tụng thứ 5 của mùa Phục sinh tung hô: "Khi Người hiến mình trên thánh giá, Người đã làm cho hết thảy các hy lễ của Giao ước cũ đạt đến thành toàn; và khi hiến thân để cứu độ chúng con, chỉ một mình Người là bàn thờ, tư tế và tế vật".

Khi thánh hiến bàn thờ, việc dùng dầu thánh xức trên năm dấu thánh giá (ở giữa và bốn góc) và trên khắp mặt bàn thờ, biến tảng đá ấy biến thành biểu tượng của Ðức Ki-tô, Ðấng đã được xức dầu Thánh Thần. Việc xông hương bàn thờ biểu trưng cho hy lễ Ðức Ki-tô. Ðấng hiến mình cho Chúa Cha tựa hương thơm ngào ngạt (Ep 5,2), đồng thời biểu tượng cho lời cầu nguyện nhờ Thánh Thần tác động trong tâm hồn. Khăn trải bàn thờ cho thấy đó là bàn tiệc Thánh Thể, nơi đây Thiên Chúa và con người cùng hiệp thông, không phải bằng máu của súc vật hy tế, nhưng trong Bửu huyết của Ngôi Lời nhập thể, Ðấng đã chết và phục sinh. Những ngọn nến bao quanh bàn thờ gợi lên Ðức Ki-tô là "Ánh sáng muôn dân" (Lc 2,32). Bên dưới mặt bàn thờ có đặt hài cốt các thánh: đó là biểu hiện sự hiệp nhất giữa hy lễ của Ðầu và các chi thể trong Nhiệm Thể.

Trong các thánh đường, bàn thờ, nơi tái diễn hy lễ độc nhất của Tân ước, là trọng tâm qui tụ của toàn bộ toàn kiến trúc. Nhằm làm nổi bật hơn nữa giá trị đích thực của bàn thờ, không nên đặt nhà tạm ở đó. Ngoài những cử chỉ tôn kính dành cho bí tích Thánh Thể (xc. Bái gối), bàn thờ cũng xứng đáng được các tín hữu biểu lộ sự cung kính hơn cả thánh giá nữa (xc. Cúi). Việc các linh mục hôn bàn thờ khi cử hành thánh lễ là biểu hiệu của lòng tôn kính và sự hiệp thông. Bàn thờ, Tư tế và Hiến tế Tạ ơn là những biểu tượng của Ðức Ki-tô theo những cấp độ khác biệt, nhưng bổ túc cho nhau.

Chỉ có bàn thờ cố định mới được thánh hiến. Một bàn thờ di động được làm phép do đức giám mục hay vị linh mục phụ trách nhà thờ nơi đặt bàn thờ đó và không đặt hài cốt các thánh bên dưới.

Bánh


(= Pain)

Bánh là thức ăn chính yêu của con người, nhất là ở Tây phương. Bánh còn là biểu tượng của thực phẩm. Với ý nghĩa này, bánh được dâng lên Thiên Chúa như lễ vật. Trong Giao ước cũ, Ðức Gia-vê truyền dâng cho Người bánh tiến - theo nghĩa đen, là bánh của Nhan Người - Bánh này được đặt trước Nhan Thiên Chúa suốt cả tuần, trong nơi thánh Lều Tạm hay Ðền thờ, trước khi được vị tư tế lãnh nhận (Xh 25,30; Lv 24,5-9; 1 Sm 21,5). Thiên Chúa muốn con người luôn nhớ rằng: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Ðnl 8,3; Mt 4,4).

Ngôi Lời Thiên Chúa là Lời đến từ Thiên Chúa và lại về với Thiên Chúa (Is 55,11). Chỉ Lời Chúa mới có khả năng "làm cho tâm hồn con người được vững mạnh" (Tv 103,15). Trong diễn từ về Bánh Hằng sống (Ga 6), Ðức Giê-su tuyên bố Người là "Bánh Thiên Chúa ban, là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian" (6,33). Chính Chúa Cha là Ðấng ban cho chúng ta Bánh Hằng sống, và chính Ngôi Lời Nhập thể đã tự hiến mình khi ban tặng Thân thể Người để thế gian được sống (6,51).

Trong bí tích Thánh Thể, Thân thể Ðức Ki-tô là của ăn và Bửu huyết Người thật là của uống (6,55). Khi lãnh nhận Thân và Huyết Ðức Ki-tô, Ki-tô hữu tham dự vào hy tế của Người, hiệp thông với chính Chúa Con, Ðấng sống nhờ Chúa "lương thực cần dùng" (Mt 6,11, theo ý nghĩa nguyên thủy của từ Hy Lạp épousios). Do đó, chúng ta không ngừng dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha. Bánh Chúa Cha ban cho chúng ta là chính Con của Người đã tự hiến vì chúng ta, và bánh chúng ta dâng lên Chúa Cha cũng chính là Người Con ấy. Trong phụng vụ, đó là hai chiều kích không thể tách rời được (xc. Bánh không men; Tế phẩm).

Trong một vài trường hợp, chẳng hạn lễ Hiển linh, trước khi chuẩn bị lễ vật, người ta có thói quen chúc lành trên bánh và các thứ bánh không thánh hiến. Các nghi thức làm phép bánh rất cổ xưa. Việc lãnh nhận bánh này đôi khi thay thế việc hiệp lễ, khi không thể hiệp lễ theo đúng nghĩa được.



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương