Tự Do Ngôn Luận Bán Nguyệt San



tải về 0.99 Mb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích0.99 Mb.
#35403
1   2   3   4

ĐƠN TỐ CÁO VÀ YÊU CẦU

(V/v: Quốc hội lên tiếng về việc công an lạm quyền đánh chết dân, công lý chưa được thực thi đầy đủ, pháp luật chưa công minh)


Kính gửi:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng.

- Các Đại biểu Quốc hội:

+ Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Ông Phạm Quang Nghị

+ Quận Hoàng Mai, Hà Nội: Ông Nguyễn Hồng Sơn

+ Huyện Bến Cát, Bình Dương: Ông Lê Thành Nhơn

Chúng tôi là thân nhân của những nạn nhân bị công an Việt Nam đánh chết. Gồm:

- Nguyễn Quang Phục – sinh năm: 1949. Trú tại: số nhà 11, hẻm 254/101/3, tổ 5, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Số điện thoại: 01653687846

- Trịnh Kim Tiến – sinh năm: 1990. Trú tại: 525 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 0947526256

- Nguyễn Thị Thanh Tuyền – sinh năm: 1981. Trú tại: thôn Phước An, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Số đt: 0908796116.

Chúng tôi đồng gửi đơn này khẩn thiết đề nghị QH lên tiếng về tình trạng công an ngày càng lạm dụng chức vụ, nghề nghiệp gây ra những cái chết oan khuất cho người dân; sự thật bị bao che, lấp liếm; công lý và pháp luật không được thực thi đầy đủ và trọn vẹn.

Đau đớn trước những cái chết oan ức, tức tưởi của người thân, chúng tôi càng đau xót hơn khi sự thật bị che giấu, công lý bị chà đạp bởi những người thực thi pháp luật và tình trạng công an đánh chết người vẫn liên tục tiếp diễn mà không được giải quyết trọn vẹn.

Việc cụ thể như sau:



1. Tôi là Nguyễn Quang Phục, sinh năm 1949, trú tại Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội. Ngày 21-01-2010, con tôi là Nguyễn Quốc Bảo, sinh năm 1978 bị công an quận Hai Bà Trưng tạm giữ một cách không rõ ràng và ngày 22-01-2010 tôi được báo tin xác con tôi đã được công an quận Hai Bà Trưng đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Bảo là một người con có hiếu với cha mẹ, xưa nay không hề có tiền án, tiền sự nào, là một thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có một vợ và con trai nhỏ.

Lúc bị giữ, Bảo đang trên đường đi mua đồ chơi cho con của Bảo. Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt ép đưa Bảo về đội Hình sự quận với lý do tạm giữ hành chính. Nhưng lý do tạm giữ hành chính là gì lại không nhất quán rõ ràng. Theo kết quả điều tra của VKSNDTC, sáng ngày 21-01-2010, công an quận Hai Bà Trưng nhận được đơn của ông Vũ Văn Hoạt nào đó, mà không ai biết đó là ai, trình báo về việc con trai tôi đi xe máy theo sát ôtô của ông ta với biểu hiện nghi vấn từ sáng nên yêu cầu được bảo vệ. Nhưng thời điểm đó, Bảo không đi ngoài đường mà đang nghỉ tại khách sạn Thành Đô (Đền Lừ). Công an quận Hai Bà Trưng nói họ đã theo dõi Bảo từ sau khi nhận được đơn của ông Hoạt cho đến lúc bắt nhốt Bảo.



Mâu thuẫn là ở chỗ kết luận lại nói con trai tôi bị tạm giữ vì lý do không đội mũ bảo hiểm, trong cốp có vũ khí thô sơ và không có giấy tờ tùy thân. Nhưng nếu con tôi không đội mũ thì tại sao họ không bắt con tôi luôn từ sáng trong khoảng thời gian họ theo dõi con tôi mà phải đợi đến chiều? Vũ khí thô sơ mà họ nói chỉ là một con dao gọt hoa quả cùng với cái kéo chỉ là hai đồ gia dụng bình thường mà ai cũng có thể mang đi, đó không phải là vũ khí thô sơ. Còn nếu không có giấy tờ tùy thân thì tại sao đang trong quá trình điều tra, công an thành phố Hà Nội lại có chứng minh nhân dân của Bảo để trả lại cho gia đình tôi? Việc trả lại giấy tờ là một điều kì lạ và sai quy trình điều tra.

Kết luận của cơ quan pháp y Quân đội có cho kết quả khám nghiệm HIV và độc tính trong cơ thể của con tôi là âm tính, vậy mà họ nói con trai tôi sử dụng ma túy.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho Bảo là chấn thương sọ não mức độ nặng, do tác động của vật tày có giới hạn gây vỡ nền sọ ở hố sau sọ phải. Trên thân thể vô số thương tích do vật tày có giới hạn là vật cứng gây ra.

Không ai tự đánh mình đến chết! Vậy mà cơ quan điều tra kết luận con trai tôi tự thương, tự gây ra thương tích cho mình mà chết.



2. Tôi là Trịnh Kim Tiến, sinh năm 1990, trú tại 525 Trần Khát Chân, Hà Nội, là con gái của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng, sinh năm 1958, người bị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, nguyên phó Công an cùng dân phòng phường Thịnh Liệt đánh vào ngày 28-02-2011 và tử vong vào ngày 8-3-2011.

Bản án 4 năm tù giam về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”, không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của công an trực ban và dân phòng phường Thịnh Liệt, những đồng phạm gây ra cái chết oan của bố tôi trong phiên tòa ngày 13-01-2012 của Tòa án nhân dân Tp Hà Nội; chúng tôi cho rằng là chưa đúng pháp luật, chưa khách quan, bỏ lọt tội phạm, gây bức xúc cho gia đình tôi.

Ngày 28-02-2011, bố tôi bị giam giữ trái pháp luật gần 6 tiếng đồng hồ tại đồn công an phường Thịnh Liệt. Sau khi bị đánh đập dã man, trong tình trạng hết sức nguy hiểm, liệt hết tay chân và đau đớn, họ đã không cho bố tôi đi cấp cứu. Bố tôi bị còng tay, đưa lên xe đồn và mang về phường. Các cán bộ trực ban CA phường Thịnh Liệt đã thiếu trách nhiệm, bỏ mặc, giam giữ bố tôi suốt 6 tiếng tại trụ sở mà không kiểm tra sức khỏe của bố tôi dẫn đến bố tôi không được cấp cứu kịp thời và đã tử vong. Họ đã cản trở việc cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và cho bố tôi ăn uống, thậm chí họ còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai.

Chỉ vì một sự việc không đáng, một lỗi vi phạm giao thông nhỏ, không đội mũ bảo hiểm mà bố tôi bị đánh chết một cách oan ức. Bản án cho rằng người bị hại là bố tôi có lỗi, có hành vi chống người thi hành công vụ là không có cơ sở.

Lời khai của nhân chứng có mặt trực tiếp tại đó khẳng định bố tôi hoàn toàn không đánh bị cáo mà chỉ có lời nói nóng nảy. Trong khi đó, các nhân chứng khách quan là những người xe ôm, người bán hàng và người có nhà ở gần đó thì không được phép có mặt tại Tòa án để được thẩm vấn công khai, khách quan tại phiên tòa mà Tòa án chỉ đọc lời khai có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, không đủ cơ sở khẳng định các lời khai của các nhân chứng này có khách quan không, có bị ép cung hay mớm cung không.

Tội danh mà Tòa án xét xử bị cáo là chưa đúng với hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Ninh. Đồng thời việc không xem xét đến trách nhiệm của những người liên quan đã bỏ lọt tội phạm.



3. Tôi là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1981, trú tại Thôn phước an, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Chồng tôi là Nguyễn Công Nhựt, sinh năm 1981 đã chết một cách bí ẩn tại trụ sở công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ngày 25-04-2011.


Tôi khẳng định chồng tôi bị tra tấn, nhục hình, đánh đến chết. Chồng tôi không tự tử như lời ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Bình Dương trả lời trên báo Người Lao Động.

Anh Nhựt không thể tự nguyện ở lại đồn công an rồi tử tự chết trong khi anh có một gia đình hạnh phúc. Trong khi anh không hề phạm tội mà lại là người đi tố giác tội phạm.

Chồng tôi làm việc cho công ty Kumho, một công ty chuyên sản xuất lốp xe của Hàn Quốc. Phát giác được có sự ăn chặn, trộm cắp diễn ra, mức hao hụt thành phẩm do phần mềm bị lỗi, nghi ngờ những người ăn trộm 56 lốp xe trong đêm ngày 21-08-2010, anh đã báo cho ông Chi Kyu Sik, ông Kim Tae Song… nhưng các vị lãnh đạo công ty Hàn Quốc này đều làm ngơ. Sau đó chính họ đã giao nộp anh Nhựt cho công an Bình Dương trong giờ làm việc mà không báo cho gia đình tôi biết. Cũng trong ngày họ đã tuyển dụng gấp thay thế vị trí của anh Nhựt.

Lúc đầu công an Bình Dương trả lời là anh sợ tội nên quẫn trí tự tử chết! Sau đó lại trả lời anh có công tố giác tội phạm và sợ bi trả thù nên không dám về nhà và đã xin ở lại đồn công an rồi tự tử.

Điều đáng buồn cười nhất, tôi xin được nói là buồn cười, cười trong dòng nước mắt đau thương, một điều hết sức phi lý: chồng tôi chết bởi một sợi dây sạc pin điện thoại. Chồng tôi tự tử bằng một sợi dây sạc pin điện thoại – đó là phát ngôn đầu tiên của công an Bình Dương. Sau đó, đối diện với dư luận phẫn nộ thì công an Bình Dương trả lời rằng “Nhựt thắt cổ bằng dây cáp điện thoại bàn”. Câu trả lời của công an Bình Dương: “Thắt cổ dưới hình thức treo cổ”. Vô lý trong một đồn công an hàng bao nhiêu con người ra vào lại để một người đàn ông nặng 65kg cao 1m78 “thắt cổ dưới hình thức treo cổ” dễ dàng đến vậy. Người ta biết rõ anh chuẩn bị tự tử hay sao mà còn chuẩn bị cho anh giấy bút để viết lại bức thư tuyệt mệnh ca ngợi những điều tra viên là những người tuyệt vời nhất. Nét chữ đó không phải nét chữ của anh Nhựt, ngôn ngữ viết không phải do anh viết. Nhưng cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương đã giám định và đưa ra kết luận là do anh viết. Cơ quan pháp y của cơ quan công an Bình Dương kết luận là anh tự tử. VKSND Tối cao gần một năm qua chưa thông báo cho gia đình tôi về kết quả điều tra.

Một lần nữa tôi xin khẳng định chồng tôi không tự tử.

* * *

Tất cả chúng tôi đều nhận thấy những cái chết oan khuất như thế vẫn đã và đang diễn ra trong nhiều năm nay:



20-11-2009: Anh Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi) đã qua đời tại phòng tạm giam công an quận Hà Đông, Hà Nội. Chiều 10-11-2009, có hai người tự xưng là công an quận Hà Đông đến nhà, nói đưa Hùng đi có chút việc. Ngày 21-11-2009, gia đình Hùng nhận được tin báo từ công an Hà Đông rằng Hùng đã chết. Hùng vốn khỏe mạnh, nặng 55kg, không có tiền sử bệnh tật. Ông Nguyễn Xuân Bình (70 tuổi), bố của Hùng đau đớn gấp ngàn lần hơn khi kinh hoàng trông thấy xác con “toàn bộ thân thể khô đét lại, 10 đầu ngón tay chân bầm tím…từ 1/3 đùi trở xuống đến bàn chân phù nề và thâm tím”. Ông gửi đơn thư đi nhiều nơi mong nhận được trả lời thỏa đáng về nguyên nhân tử vong trong khi bị giam giữ của đứa con trai duy nhất. Phía công an Hà Đông cho rằng “không có chuyện dùng nhục hình, bức cung hay đánh đập can phạm”, nhưng lại từ chối giải thích vì sao lại có những dấu vết “lạ” trên cơ thể anh Hùng, dù họ khẳng định lúc bị bắt những vết thâm tím này không hề có. Vụ việc này đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

7-5-2010: Anh Võ Văn Khánh (SN 1981, ngụ Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) bị chết trong đồn công an. Kết luận của công an là “tự tử bằng dây buộc giày”. Theo thông báo của tổ pháp y với gia đình, xương sườn anh Khánh bị đứt là do vết mổ cũ, còn bên trái xương sườn có vét bầm đen là do quá trình sơ cấp cứu.

Ngoài ra, khi phẫu thuật phía dưới vai trái anh Khánh, tổ pháp y cũng phát hiện có máu bầm tím. Ngày 8-5, CA huyện Điện Bàn đưa xác anh Khánh về cho gia đình ở Điện An kèm theo một phong bì 10 triệu đồng. Cho đến nay vẫn không có tin tức gì thêm về vụ việc này.



25-5-2010: Em Lê Xuân Dũng (12 tuổi, vừa học xong lớp 6, Trường THCS Tĩnh Hải), anh Lê Hữu Nam (43 tuổi, trú tại thôn Trung Sơn) bị công an bắn chết khi người dân xã Tĩnh Hải tập trung tại khu vực thi công san lấp mặt bằng dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ngăn cản không cho các thiết bị máy móc, xe ôtô chở đất đá hoạt động. Đến nay vụ việc này đã bị cho chìm xuồng.

29-6-2010: Anh Vũ Văn Hiền (40 tuổi) tử vong trong tay công an. Theo lời công an nói với bác sĩ, nạn nhân phải đi cấp cứu do “tự lao đầu vào tường”. Người giám sát việc mổ tử thi cho hay: nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng: Đỉnh đầu có hai vết tụ máu, vỡ xương hàm trái, thái dương trái bị rạn xương sọ, phổi tụ máu, gãy 4 chiếc xương sườn, gẫy cẳng xương tay trái.

Ngày 1-12, cơ quan điều tra, viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hạ Kim Quý, trung tá công an, nguyên đội trưởng đội quản giáo, công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các can phạm Lê Văn Hiếu, Nguyễn Quý Thương trong đó Lê Văn Hiếu đã nhiều lần đánh anh Vũ Văn Hiền khiến Hiền bị đa chấn thương, xuất huyết não, nhồi máu phổi bị tạm giam. Không có thêm tin tức gì về vụ việc này và kết quả khởi tố.



23-7-2010: Anh Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1989, quê thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tử thương do không đội mũ bảo hiểm.

Chiều 4-8-2010, Viện khoa học hình sự kết luận nguyên nhân cái chết của anh Khương được xác định là do não bị tụ máu dưới màng mềm được hình thành do có ngoại lực lớn tác động trực tiếp.

Liên quan đến vụ án này đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ công an huyện Tân Yên là: Ngô Văn Đỗ, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Thế Nghiệp và Diêm Đăng Quyết để điều tra vụ việc.

Kết quả cuối cùng Nguyễn Thế Nghiệp nhận án 7 năm tù giam về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” sau khi nhân dân Bắc Giang bức xúc mang thi thể anh Khương lên UBND Bắc Giang.



8-8-2010: Anh Trần Duy Hải (32 tuổi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chết trong đồn công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Theo lời của công an thì anh Hải đã “dùng áo sơ-mi dài tay treo cổ trên khung cửa sổ buồng tạm giam để tự sát”.

9-9-2010: Ông Trần Ngọc Đường (52 tuổi, ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) đã chết sau khi làm việc với công an xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Công an nói ông Đường chết “do treo cổ”, nhưng người nhà ông Đường cho rằng chuyện đó khó có thể xảy ra vì ông chết trong tư thế ngồi co, hai tay chống vào tường nhà, cách đó 2m là chiếc mũ, điếu cày và quần tây của ông được xếp ngăn nắp. “Chết trong tư thế ngồi thì làm sao gọi là thắt cổ được? Qua quan sát bằng mắt thường, tôi không thấy dấu hiệu cha tôi chết do treo cổ”. Vụ việc này đã bị chìm xuồng.

6-3-2011: Anh Nguyễn Lập Phương (sinh 1965, ở thôn 3, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau 4 ngày bị giam giữ đã được đưa từ đồn công an huyện Thủy Nguyên đến bệnh viện và tử vong. Thượng tá Võ Xuân Trọng, phó Trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên cho biết: Do thấy đối tượng Nguyễn Lập Phương có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ nên cho đi cấp cứu, lên viện thì chết. Kết quả giám định ban đầu cho thấy nạn nhân chết vì bệnh tim. Anh Nguyễn Trung Trực (SN 1983), em trai anh Nguyễn Lập Phương cùng người nhà có mặt tại nhà xác BV Thuỷ Nguyên, chứng kiến thi thể anh Phương có nhiều vết bầm tím trên 2 tay, dọc hai bên sườn, chân, cằm và ngực bầm tím, hai mi mắt và hai bên tai có vết rách khoảng 2 cm.

30-3-2011: Ông Trần Văn Dữ (44 tuổi, ngụ tại ấp 3, thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bị vỡ gan và lách gây tụ máu bầm trong ổ bụng dẫn đến tử vong sau khi bị công an bắt. Ông được người dân phát hiện nằm chết ở gần đồn công an sau đó. Hung thủ là Thượng úy Võ Văn Út Đèo, Phó trưởng công an thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Thượng sĩ Danh Nhãn và trung sĩ Trần Văn Khải, công an thị trấn Ngã Năm.

Tháng 9-2011, báo Dân Trí đưa tin: Truy tố 3 công an đánh người tử vong. Theo Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, trong vụ án này, Thượng úy Đèo đã thiếu trách nhiệm, để cho cấp dưới đánh ông Dữ khiến ông này bị chấn thương nặng; thậm chí khi ông Dữ bị lâm nguy lại ra lệnh cho thuộc cấp mang ra bỏ ngoài khuôn viên đơn vị cho đến chết. Hành vi này trái với đạo đức nghề nghiệp nên Đèo cũng là đồng phạm với Nhãn, Khải và Thắng. Không có thêm tin tức gì về vụ án này.



8-8-2011: anh Trần Gòn (27 tuổi, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bị công an đánh trọng thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận vào ngày 8-8 và chết tại bệnh viện tối cùng ngày.

Khi đến trụ sở CA phường Mỹ Hải, anh Trần Gòn vẫn bình thường, không bị thương tích. Nhưng đến khoảng 14g cùng ngày, anh được đưa từ Công an P. Mỹ Hải đi cấp cứu với nhiều vết thương và tử vong tại bệnh viện.

Hung thủ là thượng sĩ công an Lê Khắc Sáu bị tạm giam 2 tháng để phục vụ điều tra vì bị nghi đánh người tử vong.

Chiều 14-8, thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, giám đốc Công an Ninh Thuận, cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với thượng sĩ Lê Khắc Sáu. Không có thêm thông tin về vụ này.



19-02-2012: Gia đình anh Hoàng Gia Đạt Phước, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 Tp Hồ Chí Minh, nhận được tin từ công an phường, yêu cầu đến công an quận 9 để làm việc. Tại đây gia đình anh Phước bất ngờ và đau đớn nhận được tin anh đã tử vong. Trước đó cuối tháng 12-2011, Phước đã mua chiếc xe máy không rõ nguồn gốc của 1 đối tượng tại tiệm sửa xe của mình trên đường số 1, phường Long Thạnh Mỹ và bán lại để kiếm lời. Do chiếc xe này liên quan đến vụ mất cắp nên Phước đã bị công an tạm giữ để điều tra làm rõ hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Gia đình anh khẳng định từ trước đến nay anh vẫn mạnh khỏe không có bệnh tình gì đáng kể. Theo những người hàng xóm Phước rất hiền và chưa từng vi phạm pháp luật. Sự việc rồi cũng im lặng.

Mới đây nhất, ngày 29-02, ông Nguyễn Hữu Năm, sinh năm 1957 nguy kịch sau khi chịu 6 phát súng của viên Trưởng công an xã Long Hà, Bình Phước.

Trước khi bị bắn, ông Năm đang xem tivi với cháu nội. Chỉ vì ông đứng dậy can ngăn công an khi một người khách không liên quan đến việc đánh bài bị mời vào làm việc mà ông đã bị tên Cao Đình Sâm, Trưởng công an xã Long Hà dùng chân đạp ngã, rút súng ngắn và từ khoảng cách một mét bắn liên tiếp vào cổ và vai ông và sau đó còn tiếp tục lao đến đánh vào đầu ông Năm rồi còng tay bắt ông này về trụ sở công an xã.

Trưởng công an xã này và các công an viên nồng nặc mùi rượu, trước đó họ ăn thịt chó và uống rượu tại quán kế bên quán ông Năm – theo lời của nhiều nhân chứng.

Sự việc đến nay không có thêm thông tin.



Đó chỉ là một số trường hợp bị chết dưới bàn tay của công an hay liên quan đến công an trong 3 năm trở lại đây. Và sẽ có rất nhiều những trường hợp khác nữa nếu như tình trạng công an đánh chết người dân không được ngăn chặn kịp thời.

Tình trạng trên tiếp diễn liên tục đã làm cho hình ảnh của lực lượng công an ngày càng tồi tệ trong mắt nhân dân; những bản án, kết luận điều tra không công khai minh bạch, thiếu công bằng đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của người dân vào pháp luật và chính quyền.
Chúng tôi cho rằng những việc làm, hành động đó của công an vi phạm nghiêm trọng phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp mà ngành công an thường tuyên bố – là những người thực thi pháp luật, hiểu biết luật pháp.

Sự bao che lấp liếm, dung túng cái ác đang được diễn ra một cách công khai, công lý đang bị chà đạp.

Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ công dân.

Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội được xem như tiếng nói của người dân. Chúng tôi gửi đơn tố cáo và yêu cầu này đến Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với đề nghị Quốc hội phải lên tiếng về vấn nạn công an lạm dụng quyền lực gây ra những cái chết tang thương cho dân lành. Tình trạng trên cần được ngăn chặn ngay lập tức. Công lý phải được thực thi đầy đủ và trọn vẹn để những tiếng nấc uất nghẹn được an nghỉ nơi chín suối.

Việt Nam, ngày 19-03-2012

Đồng kính đơn

- Nguyễn Quang Phục

- Trịnh Kim Tiến

- Nguyễn Thị Thanh Tuyền
Mấy hôm nay cộng đồng mạng bức xúc trước sự việc mấy chục nữ công nhân Việt Nam ở Malaysia bị bỏ đói.

Tờ The Star của Malaysia ngày 17-3 đưa tin về 42 người phụ nữ Việt Nam (VN) sống tại thành phố George Town, bán đảo Penang, Malaysia, trong một căn nhà 4 phòng, mỗi phòng chỉ đủ chỗ ngủ cho năm người, và tất cả chỉ có một chỗ đi vệ sinh duy nhất. Họ từ VN sang Malaysia lao động nhưng đang không có việc làm, không có tiền gửi về giúp gia đình, một số đã ở Malaysia một năm rưỡi trong khi hộ chiếu đã hết hạn.

Đây không phải lần đầu tiên báo chí nói về cuộc sống bi kịch của công nhân VN lao động ở Malaysia.

Tình trạng lừa gạt, ngược đãi, đuổi việc phi lý của các ông chủ hãng đã làm nhiều công nhân VN tuyệt vọng, có người ốm đau chờ chết, có người bị tai nạn lao động chịu tật nguyền suốt đời…

Tiếp tục ở lại thì sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, về nước càng khổ nhục hơn, bởi vì danh dự thì ít, mà vì nợ nần chưa trả thì nhiều, nên họ nhắm mắt buông xuôi với kiếp sống giang hồ. Nữ công nhân VN làm nghề mại dâm rẻ tiền phổ biến ở Malaysia.

Cách đây ít lâu, tờ Việt Báo có bài "30 công nhân tại Malaysia kêu cứu vì bị ngược đãi" cho biết hàng chục hộ dân ở Trà Vinh đã kéo đến công ty môi giới, Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh, khóc lóc, van xin công ty giúp đỡ người thân của họ được trở về nước, để thoát khỏi cảnh bị đánh đập, bỏ đói tại Malaysia.

Bài báo cũng cho biết 30 công nhân trên đã từng "hớn hở đăng ký đi sang xứ người", vì "được sự động viên của chính quyền xã". Sau khi được đưa lên thị xã Trà Vinh học 4 tháng ngoại ngữ và luật Malaysia, họ lên Sài Gòn khám sức khỏe và tất cả đều “trúng tuyển”. Trở về nhà, họ vay tiền ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài để có đủ số tiền trang trải các chi phí dịch vụ và vé máy bay. Chia tay người thân vào ngày 28-11-2004, họ hân hoan với hy vọng sẽ có “đô” gửi về giúp gia đình. "Nào ngờ, ngày đầu tiên đặt chân đến Malaysia thì họ mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa", bài báo viết.

Thời chiến tranh chống Mỹ, trong bài “Hành khúc giải phóng” của Lưu Hữu Phước có câu: “Ra đi ước hẹn ngày về thăm quê - Rằng chưa tan hết giặc ta chưa về”, được đổi thành: “Ra đi ước hẹn ngày về thăm quê. Đời của em tan nát không đường về!”



Xuất khẩu lao động: chính sách xuyên suốt

Tận dụng nạn thất nghiệp ở nông thôn Việt Nam ngày mỗi tăng, tâm lý muốn vượt qua nghèo đói, mong có cơ hội "đổi đời" của hàng triệu người, đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đưa xuất khẩu lao động ra nước ngoài thành chính sách xuyên suốt từ nhiều thập niên nay.

Đừng nói chính quyền các cấp của nhà nước CSVN không biết gì về tình cảnh công nhân lao động VN ở nước ngoài, ngược lại, họ biết rất rõ!

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB & XH), hiện có khoảng 500 ngàn lao động VN làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, người lao động tại Đài Loan đứng đầu, tiếp đến là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Macau, Ả Rập Xê Út, Cộng hòa Síp… Đáng chú ý, trong số 500 ngàn lao động có tới 215 ngàn là lao động nữ, chiếm 50,2%, chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội chiếm 52,9%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 1,10%, thủy sản 0,13%, còn lại là các ngành nghề khác. Đây cũng là đối tượng bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, bóc lột sức lao động nhiều hơn so với nam", theo tờ Dân Trí 22-11-2011.

Tờ điện tử ĐCSVN nhận định rằng "trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lao động, nhưng VN vẫn xây dựng được thị trường lao động đa dạng phong phú, hàng năm đưa được số lao động ra nước ngoài ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 3 năm (2006–2008) trung bình mỗi năm đưa được hơn 83.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài…".

Ngày 29-11-2006 Quốc hội VN đã thông qua "Luật Người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Điều 5 của luật này xác định "tạo điều kiện thuận lợi để công dân VN có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài" và "bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…”

Thế nhưng, trước những rủi ro, bi kịch trong đời sống, công nhân VN ở nước ngoài không biết kêu cứu ai. Nhà nước, tức là các cơ quan đại diện ngoại giao, thường làm ngơ, đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ LĐTB & XH hoặc đơn vị tuyển dụng trong nước.

Trong khi đó, công nhân VN không được thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình. Còn công đoàn quốc doanh, công cụ của ĐCSVN, nếu không trốn tránh trách nhiệm thì cũng đứng về phía những kẻ bóc lột, không chỉ đối với công nhân VN ở nước ngoài, mà ngay cả với công nhân trong nước làm việc tại các công ty ngoại quốc.  

Nhiều năm qua, trong rất nhiều trường hợp bị lừa đảo, hành hạ ở nước ngoài, công nhân VN nhận được giúp đỡ pháp lý cũng như vật chất chủ yếu từ các cá nhân và các tổ chức từ thiện của người Việt hải ngoại. Nhưng sự giúp đỡ bất vụ lợi, “áo lành đùm áo rách” này cũng bị nhà chức trách CSVN đánh phá ngông cuồng.

Tháng 10 năm 2006, người Việt từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp về thủ đô Warsaw của Ba Lan để thành lập Ủy ban Bảo vệ Lao động VN. Đại sứ quán VN tại Ba Lan đã gửi công hàm phản đối tới chính phủ Ba Lan. Tuy nhiên, hiểu rõ chế độ Cộng sản hơn ai hết, chính phủ Ba Lan vẫn đồng ý cho người Việt tổ chức hội nghị tại phòng họp của quốc hội. Lúc bấy giờ luật sư Lê Thị Công Nhân được mời sang tham dự nhưng bị giữ lại sân bay khi xuất cảnh.

Đỗ Thị Minh Hạnh cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, chỉ vì giúp đỡ dân oan bị cướp đất và bênh vực công nhân lao động mà bị xét xử bất công với bản án nặng nề 7-9 năm tù.

Tháng 9-2010, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động tổ chức đại hội tại Malaysia với sự tham gia của chủ tịch công đoàn nước sở tại và nhiều công nhân tới từ các nước. Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch Uỷ ban, đã bị biên phòng Malaysia giữ tại sân bay Kula Lumpur, không cho nhập cảnh. Ông Thành cho biết lúc đầu phía Malaysia từ chối nêu lý do, nhưng sau khi có sự can thiệp của Đại sứ quán Ba Lan tại Malaysia (ông Thành mang hộ chiếu Ba Lan) thì một sĩ quan biên phòng Malyasia cho biết chính phủ VN đã đề nghị như vậy.

Hãy tạm bỏ qua một bên vấn đề công nhân trong nước, bởi vì nếu được phép thành lập công đoàn độc lập và hoạt động hợp pháp, chắc chắn một Công đoàn Đoàn Kết theo mô hình Ba Lan sẽ ra đời với nhiều triệu thành viên. Hà Nội lo sợ trước nguy cơ chế độ có thể bị xoá sổ như tại Ba Lan là điều dễ hiểu.

Nhưng vì sao móng vuốt của Hà Nội kéo dài khắp nơi, thậm chí tận dụng cả quan hệ ngoại giao để ngặn chặn mọi sự giúp đỡ cho công nhân VN lao động ở nước ngoài?



“Làm cho khốc hại chằng qua vì tiền”

Xuất khẩu lao động là cỗ máy in tiền!

Tôi có người bạn học cũ là cán bộ của Vụ Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB & XH và một người quen khác đã từng có công sức quan trọng đưa hàng chục ngàn lao động VN sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Bulgaria trong giai đoạn “bốn phương vô sản đều là anh em” và hàng ngàn người khác sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... vào thời các nhà tư bản xanh và đỏ "liên hiệp lại" bóc lột công nhân.

Qua người bạn và nhờ nhận làm một số dịch vụ giao tiếp, dịch hồ sơ cho người quen muốn thăm dò thị trường lao động Ba Lan, tôi đã tìm ra lời giải chính xác cho bản chất của sự việc.

Xuất khẩu công nhân lao động ở VN được xem là món kinh doanh hơn cả buôn ma tuý. Hơn là vì hợp pháp, vốn bỏ ra không đáng kể, nhưng lợi nhuận không thua kém. Công việc kinh doanh không cần đến học thức, chỉ cần có một số quan hệ đặc biệt với quan chức và biết bôi trơn các mối quan hệ ấy. Tất cả các khâu khác như mặt bằng để tập trung học tiếng hay học nghề, kiểm tra tay nghề đều có thể thuê mướn.

200 ngàn USD là số tiền trả cho giấy phép được làm dịch vụ xuất khẩu lao động kỳ hạn một năm do Bộ LĐTB & XH cấp. Bao nhiêu nộp ngân sách, bao nhiêu vào tay ai thì chỉ có trời hoặc Bộ trưởng biết. Tại sao thời hạn một năm? Một năm là đủ ăn bộn. Phải trình diện để nói chuyện phải quấy cho chuyện làm ăn tiếp. Như thế nào? Tuỳ ở thu nhập năm qua! Không giấu được, vì hợp đồng khung và từng đợt đi cụ thể của công nhân đều phải qua Bộ duyệt.

Tôi làm phép tính số học đơn giản để thấy lợi nhuận của việc kinh doanh này.

Ví dụ tạm lấy mức lương 700 USD/tháng cho một công nhân đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng (ở Nhật Bản hay một số nước tư bản khác có mức lương cao hơn, ở Malaysia ít hơn).

Thông thường, công nhân được đối tác nước ngoài cam kết cho ăn trưa, nơi ở miễn phí và cấp vé máy bay trở về VN khi kết thúc hợp đồng. Trong thực tế thì muôn hình vạn trạng, biến hoá khôn lường. Tiền đã trao và cá đã cắn câu, điều gì xảy ra sau khi công nhân đặt chân đến xứ người là hoàn toàn khác!

Theo quy định chính thức của Bộ LĐTB & XH, công ty môi giới của VN và nước ngoài được hưởng công dịch vụ bằng một tháng lương của người lao động cho một năm làm việc, gọi là “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài”.  

Hợp đồng ký với người lao động thường một năm và có thể gia hạn tới ba năm! Như vậy, để được đi, mỗi công nhân phải chấp nhận nộp trước “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài” cho 3 năm, tức là 700 USD nhân 3 năm, bằng 2.100 USD, nhân 2 môi giới, bằng 4.200 USD. Chỉ với 100 công nhân, hai công ty môi giới sẽ bỏ túi 420 ngàn USD! Với con số ngàn, trăm ngàn công nhân thì sẽ là bao nhiêu?

Khoản thứ nhì. Có một luật bất thành văn mà các bên liên quan gọi là “chi phí ngoài”, nói trắng ra là tiền làm thủ tục chiếu khán nhập cảnh (visa). Công ty môi giới có hối lộ cho đại sứ quán các nước hay không, hoặc nói vống lên để thêm tiền bỏ túi riêng, thì cũng chỉ có... trời biết!

Trong giai đoạn 2007-2008, người ta nói đi Cộng hoà Czech mỗi công nhân phải trả 2.500 USD cho visa lao động! Sự việc ông đại sứ CH Czech tại VN bị triệu hồi về nước và CH Czech tạm ngưng cấp visa cho công dân VN một thời gian, củng cố thêm sự thật của tin đồn. Cứ cho chi phí hết 1.500 USD, với 100 công nhân, công ty môi giới có thêm vào tài khoản 100 ngàn USD nữa.

Khoản thứ ba mới đáng sợ!

Khi ký kết hợp đồng, công nhân buộc phải thế chấp để ngăn chặn bỏ việc làm. Hầu hết công nhân là những người nghèo (chỉ một số rất ít lợi dụng con đường này để vượt biên hợp pháp) nên phải cầm cố đất, nhà ở, hoặc tiền (tiền thế chấp từ vài ngàn USD, tới 10 ngàn hoặc hơn, tuỳ theo từng nước). Nếu phá vỡ hợp đồng, tiền bạc, tài sản thế chấp sẽ bị mất đứt. Các công ty môi giới và ông chủ ngoại quốc được quyền ăn chia, với cách nói mỹ miều là “tiền bồi thường thiệt hại”!

Như vậy, chưa biết tương lai tròn méo ra sao trên xứ lạ, trước khi lên đường, mỗi công nhân phải gồng mình chịu phí dịch vụ, phí visa và tiền thế chấp. Chưa kể các khoản cho hồ sơ, hộ chiếu, công chứng, khám sức khoẻ, bảo hiểm và thời gian đi lại thực hiện các thủ tục. Ngoài ra, với các khoản thế chấp tại VN, các công ty môi giới có thể dùng vào việc sinh lợi khác.

Đây chính là nguyên nhân cốt lõi vì sao nhà cầm quyền VN lại làm ngơ trước thân phận khốn cùng của người lao động VN ở nước ngoài và ngăn cản giúp đỡ họ.

Những người nghèo khổ đi nước ngoài lao động thực chất bị vứt vào canh bạc chót và chờ vào sự may mắn. Nơi nào ông chủ tốt hoặc nước sở tại có môi trường xã hội văn minh bảo vệ quyền lợi người lao động, thì tuy vất vả nhưng còn thực hiện được một phần mơ ước. Gặp ông chủ bất nhân, chính quyền sở tại làm ngơ, coi như mất trắng và thân tàn ma dại.

Nếu chịu không nổi, đành chịu phá vỡ hợp đồng ra ngoài kiếm sống, thì như đã nói, ông chủ và các công ty môi giới hưởng lợi hợp pháp số tiền bạc và tài sản thế chấp. Vì thế, không loại trừ khả năng các công ty môi giới khuyến khích các ông chủ ngược đãi để công nhân bỏ trốn càng nhiều càng tốt.

Lời kết

Trong thập niên 90 nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết: “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”!

Gần đây, với vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, nhà văn Thuỳ Linh viết: "Thời nay còn hơn cả thổ tả, táng tận lương tâm đến mức có nhiều kẻ chưa thể tiến hóa làm người"!

Lợi dụng lòng yêu nước và sự mù loà kiến thức của công nhân và nông dân lương thiện, những người CSVN đã cướp được chính quyền vào năm 1945 và sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, cảm thấy đã có mọi thứ trong tay, họ trắng trợn trở mặt.

Nhưng dường như còn nhiều người vẫn chưa nhận ra. Nông dân, công nhân không có điều kiện tiếp cận thông tin, ngờ nghệch cả tin, thậm chí vội vã cám ơn khi được Đảng xoa đầu hoặc nhả ra những lời châu ngọc (dối trá) - đã đành, mà trong giới có học cũng vậy.

Thái độ này kéo dài thêm sự tồn tại của hệ thống bất nhân và thân phận bị cai trị, nô lệ của chính mình.



© 2012 Lê Diễn Đức

RFA Blog




S 144 * Trang


tải về 0.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương