NHỮng đIỂm mới của bộ luật hình sự 2015


B. Một số sửa đổi, bổ sung cụ thể theo các nhóm tội



tải về 274.98 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích274.98 Kb.
#16905
1   2   3

B. Một số sửa đổi, bổ sung cụ thể theo các nhóm tội

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XIV):

Bổ sung thêm trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người với khung hình phạt từ 1 – 5 năm tù (khoản 3 Điều 123); tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) và tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154). Tăng nặng hình phạt đối với trường hợp phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến chết nhiều người (khoản 3 Điều 132). Bổ sung thêm tình tiết định khung là “Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” cho tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác tại (Điều 134).

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Chương XV):

Bổ sung thêm một tội danh mới, tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167). Đồng thời, bổ sung thêm hành vi phạm tội đối với hai tội danh khác là hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 160) và hành vi làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161). Tăng nặng hình phạt đối với 6 tội thuộc nhóm này (các điều 158, 159, 162, 163, 164, 166).

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI):

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu theo hướng bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; tăng mức phạt tiền bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu; đồng thời, cụ thể hóa hành vi phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với các tội phạm thuộc nhóm này, nhất là cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu 02 triệu đồng nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo (khoản 1 Điều 173).

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (Chương XVII):

Để thể hiện tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng như đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình, BLHS năm 2015 đã hình sự hóa 03 hành vi sau: 1) cưỡng ép ly hôn; 2) cản trở ly hôn (Điều 181); 3) tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187).

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII):

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) theo hướng:

+ Không hình sự hóa đối với các tội: kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS năm 1999); báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 BLHS năm 1999); vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170 BLHS năm 1999); sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178 BLHS năm 1999);

+ Đã thay thế tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999) bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực quản lý kinh tế như: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 229); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230)... Quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo hành lang pháp lý an toàn để các doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với những người làm công tác truy tố, xét xử, cần phải đặc biệt chú ý đến sự khác biệt về cấu thành tội phạm giữa các tội danh nhằm tránh áp dụng sai điều luật.

+ Bổ sung một số tội mới trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, cạnh tranh: Điều 212. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;..

+ Tăng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX):

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX) theo hướng:

+ Cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (Điều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai);

+ Tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường.

Đồng thời, bổ sung tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238). Đặc biệt, Bộ luật quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 09 tội danh trong chương này. Đó là những tội phạm gây ô nhiễm cho môi trường, hủy hoại các loài động vật, thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về ma túy (Chương XX):

BLHS hiện hành quy định một số tội phạm ghép thuộc chương các tội phạm về ma túy. Với những quy định này thì những hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng lại có chung chính sách xử lý hình sự. Do vậy, để đảm bảo việc phân hóa trách nhiệm hình sự, Chương XX BLHS năm 2015 đã tách 04 tội ghép trong chương các tội phạm về ma túy (các Điều 194, 195, 196, 200 BLHS năm 1999) thành 14 tội danh khác nhau, đồng thời cụ thể hóa các hành vi phạm tội. Đó là các tội liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (các điều từ 250 đến 261 và các điều 264, 265) với chính sách xử lý khác nhau, đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đồng thời điều chỉnh lại các mức định lượng cho phù hợp với tình hình mới. Ví dụ: Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy; Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy…

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI):

Đối với nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI), BLHS năm 2015 quy định phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng thuộc các tội: vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; cản trở giao thông đường bộ; tổ chức đua xe trái phép; đua xe trái phép (các Điều 260, 261, 265, 266). Đồng thời, bổ sung 8 tội danh mới trong lĩnh vực này gồm: sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); cưỡng bức lao động (Điều 297); bắt cóc con tin (Điều 301); cướp biển (Điều 302).

Cần lưu tâm là BLHS năm 2015 đã tăng mức tối thiểu truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Đánh bạc (Điều 321), Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322) lên 5.000.000 đồng.

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (Chương XXII):

BLHS năm 2015 đã tách 03 tội ghép trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (các Điều 263, 270, 275 BLHS năm 1999) thành 07 tội danh khác nhau, đồng thời cụ thể hóa hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Đó là các tội: cố ý làm lộ bí mật nhà nước; mua bán bí mật nhà nước; chiếm đoạt, tiêu hủy bí mật nhà nước; vi phạm các quy định về quản lý nhà ở; xây dựng, sửa chữa công trình xây dựng trái phép; xây dựng trên đất cấm xây dựng; tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (các điều 348, 349, 355, 356, 357, 362, 363)

- Những nội dung sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về chức vụ (Chương XXIII):

BLHS năm 2015 có những nội dung sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thể hiện ở hai điểm cơ bản: một là Điều 28 đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3 và khoản 4 của các điều 353, 354 BLHS) nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn, góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hai là, BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi một số tội tham nhũng cũng như một số tội thuộc Chương XXIII - Các tội phạm về chức vụ ra cả khu vực tư (ngoài Nhà nước), theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của BLHS. Ngoài ra, người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thì cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các điều 364, 365 của BLHS. Quy định này nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

- Những sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (Chương XXIV):

BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (Chương XXIV) theo hướng: bổ sung tình tiết tăng nặng định khung đối với 6 tội danh trong chương này (các Điều 368, 369, 370, 371, 373, 374). Bên cạnh đó, Bộ luật này còn sửa đổi, bổ sung tội dùng nhục hình (Điều 373) và tội bức cung (Điều 374) trên tinh thần cập nhật nội dung Công ước chống tra tấn mà nước ta là thành viên; sửa đổi, bổ sung tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375) theo hướng mở rộng chủ thể tội này. Theo đó, ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì những người khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp cũng có thể trở thành chủ thể của tội này vì họ có cơ hội tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc. Bổ sung 3 tội danh: cản trở việc thi hành án (Điều 381); vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388) và gây rối trật tự phiên toàn (Điều 391).

II. GIỚI THIỆU SƠ BỘ VỀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015

1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, phát huy thành tựu của BLTTHS năm 1988 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS được Quốc hội thông qua năm 1990, năm 1992 và năm 2000.

Sau hơn 11 năm thi hành, BLTTHS năm 2003 đã khẳng định vai trò quan trọng của trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chủ yếu là: (1) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng có những nội dung chưa phù hợp nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người trực tiếp giải quyết vụ án nhưng chỉ được giao những thẩm quyền rất hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải quyết vụ án; (2) Còn thiếu một số quyền quan trọng bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội; (3) Quy định về căn cứ tạm giam còn định tính đang là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng tạm giam trong thực tiễn; quy định về một số biện pháp cưỡng chế tố tụng còn chưa đầy đủ và cụ thể, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; (4) Quy định về chứng cứ còn bất cập, chưa phù hợp với diễn biến tình hình tội phạm, chưa thể hiện được yêu cầu tranh tụng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, chủ yếu vẫn chỉ ghi nhận những nguồn chứng cứ truyền thống, chưa công nhận là chứng cứ đối với các dữ liệu điện tử được thu thập từ mạng in-tơ-nét, từ các thiết bị điện tử; (5) Chế định thời hạn tố tụng chưa thật hợp lý, vẫn còn những hoạt động tố tụng chưa bị ràng buộc bởi thời hạn; thời hạn tạm giam còn dài; một số thời hạn quá chặt chẽ nên thiếu tính khả thi; (6) Bộ luật hiện hành mới chỉ quy định thủ tục áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội, chưa quy định thủ tục cho người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; thiếu các biện pháp bảo vệ người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; (7) Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thiếu chặt chẽ đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm còn nhiều như hiện nay; (8) Nhiều quy định của BLTTHS hiện hành mới dừng ở những quy định chung; chưa quy định rõ về giá trị của các nguồn tư liệu có được thông qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự; thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương cải cách tư pháp như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần X, XI của Đảng. Các nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 một lần nữa đã thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng ta về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bổ sung nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ, bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng Hiến định. Thêm vào đó, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật liên quan đến tố tụng hình sự như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật thi hành án hình sự v.v… nên BLTTHS hiện hành cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

2. Giới thiệu khái quát về Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

BLTTHS năm 2015 gồm có 510 điều, được bố cục thành 9 phần, 36 chương. So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 tăng thêm 154 điều. Trong đó, bổ sung 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều. Về bố cục, tách chương quyết định việc truy tố khỏi phần khởi tố, điều tra vụ án hình sự để xây dựng thành một phần độc lập (Phần thứ ba: Truy tố); ghép phần xét xử sơ thẩm và phần xét xử phúc thẩm điều chỉnh trong một phần (Phần thứ tư: xét xử vụ án hình sự). Cụ thể như sau:

- Phần thứ nhất: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 142).

- Phần thứ hai: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự (từ Điều 143 đến Điều 235).

- Phần thứ ba: Truy tố (từ Điều 236 đến Điều 249).

- Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự (từ Điều 250 đến Điều 362).

- Phần thứ năm: Một số quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án (từ Điều 363 đến Điều 369).

- Phần thứ sáu: Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (từ Điều 370 đến Điều 412).

- Phần thứ bảy: Thủ tục đặc biệt (từ Điều 413 đến Điều 490).

- Phần thứ tám: Hợp tác quốc tế (từ Điều 491 đến Điều 508).

- Phần thứ chín: Điều khoản thi hành (Điều 509 và Điều 510).

3. Những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

So với quy định của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:



A. Một số nội dung thay đổi chính

- Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp; tăng quyền, trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.

- Mở rộng diện người tham gia tố tụng; bổ sung diện người tham gia tố tụng, một số cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

- Bổ sung quyền của những người tham gia tố tụng theo hướng mở rộng hơn diện người tham gia tố tụng.

- Điều chỉnh khái niệm chứng cứ, nguồn, thu thập chứng cứ; xử lý chặt chẽ hơn về vật chứng.

- Quy định về rút ngắn thời hạn tạm giam, việc gia hạn tạm giam cùng nhiều bổ sung về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự...


B. Một số sửa đổi, bổ sung cụ thể theo từng phần, từng chương:
PHẦN THỨ NHẤT: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về những nguyên tắc cơ bản (Chương II)

Nhằm bảo đảm các quy định về nguyên tắc cơ bản đúng nghĩa là những tư tưởng chỉ đạo đối với việc xây dựng và thực hiện BLTTHS, tạo cơ sở cho việc hình thành những chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, từ 30 nguyên tắc hiện hành, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số nguyên tắc mới nhằm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng thời, loại bỏ những quy định không mang tính nguyên tắc, cụ thể như sau:



Thứ nhất, điều chỉnh nội dung của 25 nguyên tắc hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua, đồng thời bảo đảm phù hợp với yêu cầu mới của Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, bổ sung 05 nguyên tắc mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26); bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).

Thứ ba, đưa một số quy định không mang tính nguyên tắc mà chỉ có tính chất là thủ tục hoặc là trách nhiệm của các cơ quan để quy định trong các chương khác tương ứng của BLTTHS nhằm bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ của hệ thống các nguyên tắc cơ bản. Ví dụ: giám đốc việc xét xử; trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng…

2. Về cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Chương III)



2.1. Về phạm vi điều chỉnh và tên chương

BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của chương này theo hướng không chỉ điều chỉnh đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, mà còn điều chỉnh cả cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trên cơ sở đó, điều chỉnh tên chương thành: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

2.2. Về phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán (các điều 36, 37, 41, 42, 44, 45)

* BLTTHS năm 2015 quy định:

(1) Trong lĩnh vực được phân công phụ trách, cấp phó không chỉ được giao thẩm quyền tiến hành tố tụng như hiện hành, mà còn được giao thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp;

(2) Phân định thẩm quyền giữa Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng với người trực tiếp tiến hành tố tụng theo hướng những thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định; hầu hết những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp quyết định. Tăng cơ bản thẩm quyền cho Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.

Trên cơ sở đó, việc tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được quy định cụ thể như sau:



- Tăng cho Điều tra viên các thẩm quyền: (1) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; (2) Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; (3) Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ; quyết định dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; (4) Quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; (5) Quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; (6) Thi hành lệnh phong tỏa tài khoản.

- Tăng cho Kiểm sát viên các thẩm quyền: (1) Trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; (2) Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; (3) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; (4) Bắt buộc có mặt khi Cơ quan điều tra tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét; (5) Yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can; (6) Quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, bị hại; (7) Quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Tăng cho Thẩm phán các thẩm quyền: (1) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện biện pháp cưỡng chế; (2) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;  (3) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; (4) Yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; (5) Quyết định việc thu thập, bổ sung chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

2.3. Mở rộng diện người tiến hành tố tụng (các điều 38, 43, 48)

Để phù hợp với Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tổ chức TAND năm 2014 và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua, BLTTHS năm 2015 bổ sung diện người tiến hành tố tụng gồm: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên và quy định cụ thể nhiệm vụ của họ khi được phân công giúp việc cho Điều tra viên, kiểm sát viên, Chánh án Tòa án.



2.4. Bổ sung cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35)

BLTTHS năm 2015 bổ sung cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đồng thời, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của lực lượng Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2.5. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 39, 40)

BLTTHS năm 2015 bổ sung hai điều luật mới nhằm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.



Каталог: images -> documents
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
documents -> CỤC ĐĂng kiểm việt nam
documents -> QuyếT ĐỊnh của thủ TƯỚng chính phủ SỐ 276/2006/QĐ-ttg ngàY 4 tháng 12 NĂM 2006 VỀ giá BÁN ĐIỆn thủ TƯỚng chính phủ
documents -> Nghị ĐỊnh số 47/2010/NĐ-cp ngàY 06 tháng 05 NĂM 2010 CỦa chính phủ quy đỊnh xử phạt hành chính về HÀNH VI VI phạm pháp luật lao đỘNG
documents -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc BÁo cáo hoạT ĐỘng y tế CƠ SỞ
documents -> Số hồ sơ: /vslđ HỒ SƠ VỆ sinh lao đỘNG
documents -> Mẫu (Form) nc13 Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/tt-bca
documents -> THÔng tư CỦa bộ CÔng thưƠng số 10/2008/tt-bct ngàY 25 tháng 7 NĂM 2008
documents -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI
documents -> NghÞ ®Þnh cña ChÝnh phñ Sè 67/2001/N§-cp ngµy 01 th¸ng 10 n¨m 2001 Ban hµnh c¸c danh môc chÊt ma tuý vµ tiÒn chÊt

tải về 274.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương