Nghị quyết số 152/nq ngày 10 tháng 1 năm 1967 của Ban Bí thư tw về một số vấn đề về tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận



tải về 113.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích113.77 Kb.
#3730
Nghị quyết số 152/NQ ngày 10 tháng 1 năm 1967 của Ban Bí thư TW

Về một số vấn đề về tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận 

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ III và Nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác phụ vận năm 1960, các cấp uỷ Đảng đã có nhiều tiến bộ và đã đạt được những thành tích lớn về mặt lãnh đạo công tác phụ vận. Đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện các nghị quyết của Hội nghị 11, 12 của Trung ương và Chỉ thị 99 của Ban Bí thư về phương hướng, nhiệm vụ công tác vận động phụ nữ trước tình hình mới, các cấp uỷ Đảng và các ngành đã lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động được một phong trào phụ nữ lớn mạnh chưa từng có trong tất cả các lĩnh vực. Cuộc vận động "ba đảm đang" đã có tác dụng to lớn trong việc động viên các tầng lớp phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đời sống, phục vụ chiến đấu và chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trên nhiều mặt hoạt động đã được nâng cao. Các cấp uỷ và cơ quan nhà nước đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ nữ có trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật, để đề bạt được một số khá đông phụ nữ vào cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành và đã giải quyết một số vấn đề về quyền lợi cho phụ nữ, nhi đồng.

Tuy nhiên, so với yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, và yêu cầu của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, việc tổ chức và lãnh đạo công tác phụ vận của Đảng còn có những thiếu sót:

1. Hiện nay phụ nữ lã những lực lượng lao động tập thể ngày càng tham gia hoạt động đông đảo vào đời sống xã hội. Nhất là trong thời chiến, nhân dân ta đã phải động viên toàn lực lượng để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ đang dần dần trở thành lực lượng sản xuất và công tác chủ yếu ở một số ngành, do đó công tác phụ vận càng trở thành nhiệm vụ quan trọng. Các cấp, các ngành và cơ quan nhà nước phải làm tốt công tác phụ vận: một mặt động viên được hết mọi khả năng của phụ nữ đóng góp cho cách mạng, mặt khác hết sức chú ý săn sóc lợi ích của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện thực hiện giải phóng phụ nữ.

Nhưng cho đến nay, công tác phụ vận - vận động phụ nữ công nhân, nông dân cũng như viên chức, trí thức chưa thật quán triệt sâu sắc trong một số cấp uỷ Đảng và ngành. Một số cơ quan thuộc bộ máy Đảng và Nhà nước chưa thật quan tâm đầy đủ săn sóc quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Công tác phụ vận ở miền núi và ở nhiều nơi có đạo Thiên chúa chưa được chú ý đúng mức.

2. Nhìn chung các cấp uỷ Đảng mới chú trọng động viên lực lượng phụ nữ tham gia sản xuất và chiến đấu, chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân bố, sử dụng hợp lý sức lao động và phụ nữ, chưa quan tâm đầy đủ việc bồi dưỡng, bảo vệ sức lao động của phụ nữ, và đề bạt, bồi dưỡng nhiều cán bộ nữ, nhất là nữ thanh niên.

Một số cấp uỷ Đảng chưa đánh giá đúng tác dụng của Hội liên hiệp phụ nữ là một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng, nên chưa phát huy đầy đủ tác dụng của Hội.

3. Ban phụ vận trung ương đã nghiên cứu đề xuất với Ban Bí thư một số chủ trương và chính sách về công tác phụ vận. Tuy nhiên, Ban phụ vận trung ương chưa giúp Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã đề ra và kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp thiết của quần chúng phụ nữ, nhất là trong thời chiến. Việc chủ động phối hợp với các đảng đoàn các ngành, các cơ quan nhà nước trong công tác nghiên cứu và thúc đẩy các ngành thực hiện tốt công tác phụ vận còn yếu.

Những thiếu sót trên đây đã hạn chế việc phát huy khả năng và trí tuệ của phụ nữ phục vụ cho cách mạng. Nguyên nhân chính của những thiếu sót trên là do một số quan điểm của Đảng về vai trò vị trí của phụ nữ, về đường lối phụ vận của Đảng chưa được quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành. Một số cấp uỷ chưa đánh giá đúng lực lượng và khả năng cách mạng của phụ nữ, chưa nhận đầy đủ vị trí và nội dung công tác phụ vận của Đảng, còn lúng túng trong việc thực hiện nguyên tắc lãnh đạo và chỉ đạo công tác phụ vận.

Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất là tư tưởng hẹp hòi "trọng nam khinh nữ", chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết những khó khăn trở ngại của phụ nữ. Ngoài ra, chức năng nhiệm vụ của Hội liên hiệp phụ nữ và của các ngành đối với công tác phụ vận và phương thức công tác phụ vận chưa được qui định cho thích hợp với tình hình mới.

Trong thời gian trước mắt công tác phụ vận cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:

1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục người phụ nữ mới, động viên hơn nữa phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sản xuất, phụ vụ đời sống, phục vụ chiến đấu.

2. Quản lý, bồi dưỡng, phân bổ, sử dụng hợp lý lực lượng lao động phụ nữ.

3. Tăng cường bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, chủ yếu tập trung vào công tác mẫu giáo, nhóm trẻ, vệ sinh phòng bệnh cho phụ nữ và trẻ em.

4. Tăng cường bồi dưỡng cán bộ nữ về mọi mặt. Đề bạt, sử dụng cán bộ nữ với tỷ lệ thích đáng trong các cấp, các ngành.

Để đảm bảo thực hiện triệt để các nghị quyết 11, 12 của Trung ương và chấp hành đúng đắn đường lối, phương châm, nhiệm vụ công tác phụ vận của Đảng, Ban Bí thư qui định rõ nhiệm vụ, chức năng, phương thức công tác phụ vận cho các cấp, các ngành phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Trước hết, cần nhận rõ phong trào phụ nữ là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng nói chung, sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Do đó, nội dung và tính chất công tác vận động phụ nữ không đơn thuần chỉ là giao dục động viên chính trị, mà còn bao gồm cả vấn đề: tổ chức phụ nữ sản xuất và quản lý kinh tế, giáo dục và hướng dẫn phụ nữ xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện nam nữ bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, giáo dục đạo đức người phụ nữ mới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Phương thức vận động phụ nữ không phải chỉ thông qua các đoàn thể quần chúng, mà còn phải thông qua các ngành kinh tế, hành chính, bằng luật pháp, chế độ, chính sách, bằng các hoạt động văn hoá, khoa học, văn học, nghệ thuật, v.v…

Sau đây là một số vấn đề cụ thể:

I- nhiệm vụ trước mắt và phương thức công tác của ban phụ vận

Ban phụ vận là một ban chuyên môn của Đảng đã được Nghị quyết số 89 tháng 12-1963 qui định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức. Ban phụ vận trung ương sẽ cùng với Ban tổ chức trung ương nghiên cứu và hướng dẫn tổ chức Ban phụ vận ở một số tỉnh, thành cần thiết.

Trước mắt, Ban phụ vận trung ương cần tập trung vào mấy công tác cụ thể sau đây:

a) Bước đầu tổng kết việc thực hiện và hướng dẫn các cấp uỷ Đảng, các ngành tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị 99; góp phần phổ biến tốt nghị quyết về công tác cán bộ nữ, nghị quyết về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, và có kế hoạch kiểm tra, phát hiện, đề xuất chủ trương giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phụ vận trong tình hình mới.

b) Cùng với các ngành có liên quan, tiến hành các công tác sau đây:

1. Nghiên cứu việc phân bố, sử dụng hợp lý sức lao động phụ nữ trong nông nghiệp. Hướng dẫn thực hiện quyết định của Chính phủ về sử dụng lao động phụ nữ trong công nghiệp.

2. Nghiên cứu nội dung giáo dục đạo đức người phụ nữ mới.

3. Nghiên cứu việc thực hiện nghị quyết mới của Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ.

4. Tăng cường việc tổ chức đời sống, bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em.

5. Kiện toàn các tổ chức Hội ở cơ sở.



Phương thức công tác của Ban phụ vận:

Ban phụ vận trung ương cần phối hợp công tác chặt chẽ với Đảng đoàn Tổng công đoàn, Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, Ban nông nghiệp trung ương, Đảng đoàn các ngành và các cơ quan nhà nước. Từng thời gian, Ban phụ vận trung ương cùng các ngành có liên quan nghiên cứu các chuyên đề, nhằm giải quyết một cách sâu sắc và cơ bản những vấn đề về phụ nữ của các ngành và kịp thời góp ý kiến về những vấn đề nghiên cứu của các ngành có liên quan đến phụ nữ. Cần có những cuộc hội nghị liên tịch giữa Ban phụ vận trung ương và Đảng đoàn các ngành để thảo luận sự phối hợp công tác.

Các uỷ viên Ban phụ vận trung ương công tác ở các địa phương và các ngành cần hết sức coi trọng việc góp phần của mình vào công tác của Ban phụ vận trung ương; nắm t́nh h́nh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác phụ vận của Đảng ở ngành và địa phương mình, góp ý kiến với cấp lãnh đạo của ngành, của địa phương về những vấn đề có liên quan đến công tác phụ vận, phát hiện những vấn đề bất hợp lý, những vi phạm luật lệ, chế độ, chính sách đối với phụ nữ, nghiên cứu đề xuất ý kiến với Ban phụ vận về công tác phụ vận của ngành, của địa phương. Trong việc phân phối công tác cho các uỷ viên Ban phụ vận trung ương, các cấp địa phương và các ngành cần chú ý bố trí sao cho hợp lý và dành thì giờ cho các uỷ viên đó có thể làm tròn những nhiệm vụ nói trên.

II- phát huy mạnh mẽ tác dụng của hội liên hiệp phụ nữ

Hội liên hiệp phụ nữ là một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng, có truyền thống đoàn kết và giác ngộ chính trị cho các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh để thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ. Trong tình hình chống Mỹ cứu nước hiện nay, các cấp uỷ Đảng càng cần nhận rõ tác dụng của Hội liên hiệp phụ nữ, đề cao vai trò của Hội, sử dụng tổ chức Hội đúng với chức năng của một tổ chức quần chúng.

Hội liên hiệp phụ nữ có nhiệm vụ:

1. Giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt nhiệm vụ và các chính sách sản xuất, phục vụ đời sống, phục vụ chiến đấu và chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Phát huy và cổ vũ phong trào "ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc thi đua với phụ nữ miền Nam thành phong trào sâu rộng và vững chắc.

Giáo dục ý thức nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ và hướng dẫn phụ nữ phấn đấu để thực hiện nam nữ bình đẳng.

2. Phối hợp với các ngành làm tốt công tác phúc lợi đối với phụ nữ và trẻ em. Hướng dẫn chị em tổ chức tốt đời sống thích hợp với thời chiến và bảo vệ sức khoẻ, giải quyết khó khăn cho phụ nữ.

3. Kiểm tra việc thực hiện các luật pháp, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Đề xuất với Đảng và Nhà nước bổ sung những chính sách về chế độ cần thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

4. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Hội trong phong trào sản xuất và chiến đấu.

Đối với nhiệm vụ huy động phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp. Hội liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm giáo dục cho phụ nữ quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất và ý nghĩa của các chỉ tiêu chính về sản xuất, động viên phụ nữ quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu, các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo hoàn thành kế hoạch nhà nước. Các cấp hội phát hiện và đề xuất những yêu cầu với cấp uỷ và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm để tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất tốt như: hướng dẫn kỹ thuật, giải quyết công điểm hợp lý, giải quyết khó khăn về gia đình, con cái, bảo hộ lao động, v.v…

Việc trực tiếp chỉ đạo và quản lý sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật là trách nhiệm của các ngành, các cơ quan phụ trách sản xuất, kỹ thuật.

Hội liên hiệp phụ nữ chủ động đề xuất với các ngành có liên quan những yêu cầu về công tác vận động phụ nữ để các ngành kịp thời đưa vào chương trình của các ngành. Hội tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm của quần chúng, xây dựng những điển hình phụ nữ về các mặt, để làm kiểu mẫu vận động phụ nữ noi theo, giúp các cấp uỷ và các ngành những kinh nghiệm cụ thể trong công tác lãnh đạo phụ nữ.

III- Qui định trách nhiệm các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước

Các cấp uỷ, các ngành và các cơ quan nhà nước phải quán triệt quan điểm vận động phụ nữ và thể hiện đường lối, chủ trương, phương châm công tác vận động phụ nữ của Đảng và Nhà nước trong công tác của ngành mình. Ban phụ vận trung ương nghiên cứu, đề xuất các vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ công tác phụ vận và chính sách trung ương đối với phụ nữ. Còn việc vận dụng cụ thể vào từng ngành nói chung là do các ngành chịu trách nhiệm: mỗi ngành có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chế độ, chính sách có liên quan đến công tác và đời sống phụ nữ, trẻ em ở ngành mình, nhất là những ngành có đông nữ và những ngành có liên quan nhiều đến phụ nữ, trẻ em, như y tế, giáo dục, thương nghiệp, v.v… Ban phụ vận trung ương và đảng đoàn Hội liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, phối hợp cùng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề nói trên (gặp vấn đề lớn thì cùng nhau làm báo cáo và đề nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ). Vấn đề này, nghị quyết số 89 tháng 12-1963 của Ban bí thư đã nói, nay nêu cụ thể thêm như sau:

- Đối với những vấn đề có liên quan đến phụ nữ nông dân như vấn đề bố trí, sử dụng hợp lý lao động phụ nữ, cải tiến công cụ lao động, chế độ phúc lợi tập thể, vấn đề bảo hộ lao động, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ là nữ v.v… Ban nông nghiệp trung ương, đảng đoàn các Bộ lao động, nông nghiệp, công nghiệp và Ban phụ vận trung ương cùng chịu trách nhiệm đề xuất vấn đề và nghiên cứu. Riêng về vấn đề nhà trẻ, lớp mẫu giáo, Ban phụ vận trung ương cần chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ giáo dục và Ban nông nghiệp trung ương.

- Đảng đoàn Tổng công đoàn chịu trách nhiệm chính đối với nữ công nhân viên chức, cụ thể là:

+ Tổ chức giáo dục, động viên nữ công nhân viên chức và trực tiếp chỉ đạo phong trào "ba đảm đang" trong nữ công nhân viên chức.

+ Chăm lo đời sống, giải quyết quyền lợi cho nữ công nhân, viên chức.

+ Lãnh đạo công đoàn phối hợp với các ngành chuyên môn có kế hoạch đào tạo nữ công nhân và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ công nhân, viên chức.

Hội liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm góp phần với Tổng công đoàn làm các việc trên.

Từng thời gian, ban phụ vận trung ương phối hợp cùng đảng đoàn Tổng công đoàn trong công tác nghiên cứu và kiểm tra.

- Đoàn thanh niên lao động Việt Nam chịu trách nhiệm chính về tổ chức, động viên, giáo dục nữ thanh niên. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên về việc giáo dục sự nghiệp giải phóng phụ nữ, ý thức nam nữ bình đảng, quan niệm luyến ái và luật hôn nhân và gia đình cho nữ thanh niên.

Hai đoàn thể có trách nhiệm cùng nhau chăm lo việc bảo vệ sức khoẻ, săn sóc con cái, bảo đảm quyền lợi cho nữ thanh niên. Đoàn thanh niên lao động cùng với Ban phụ vận nghiên cứu hình thức sinh hoạt thích hợp cho nữ thanh niên, làm cho nữ thanh niên đóng vai trò đầu tầu xung kích trong công tác của Hội liên hiệp phụ nữ, nghiên cứu cấu tạo của Ban chấp hành các cấp bộ Đoàn có tỷ lệ nữ thích đáng.

Ban tổ chức của các cấp ủy Đảng và các ngành có trách nhiệm cùng Ban phụ vận và đảng đoàn các cấp nắm vững đội ngũ cán bộ nữ, nghiên cứu đề ra các chủ trương, chính sách cụ thể bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chính sách cán bộ nữ, chính sách phát triển và giáo dục nữ đảng viên trong các cấp, các ngành.

- Ban tuyên giáo trung ương và Ban phụ vận trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các cấp, các ngành làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho phụ nữ, giáo dục ý thức nam nữ bình đẳng và đấu tranh chống tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ. Ban tuyên giáo trung ương và Ban tổ chức trung ương còn có trách nhiệm hướng dẫn các cấp, các ngành trong công tác bồi dưỡng chính trị, lý luận cho cán bộ nữ. (Đối với vấn đề này, Ban phụ vận trung ương cũng có trách nhiệm đóng góp phần của mình).

- Đảng đoàn Bộ lao động có trách nhiệm phối hợp với Ban phụ vận trung ương và đảng đoàn Tổng công đoàn nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về phân bố, sử dụng hợp lý lao động nữ, bồi dưỡng và bảo hộ lao động nữ, chính sách thù lao lao động nữ v.v… và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành thực hiện.

- Đảng đoàn các ngành Tư pháp, Toà án công tác với Ban phụ vận trung ương nghiên cứu dề ra các luật pháp đảm bảo quyền tự do bình đẳng cho phụ nữ và đảm bảo các luật pháp đó của nhà nước được quán triệt trong nhân dân và được chấp hành nghiêm chỉnh.

- Tạp chí học tập và báo Nhân dân phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện đường lối, chủ trương, phương châm vận động phụ nữ của Đảng, đấu tranh chống tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ. Ban phụ vận trung ương và Hội liên hiệp phụ nữ trung ương góp phần của mình đối với vấn đề này.

iv. tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phụ vận

Các cấp uỷ phải làm cho toàn đảng bộ nhận thức sâu sắc yêu cầu công tác phụ vận và quán triệt đường lối phụ vận của Đảng, đảm bảo công tác phụ vận là công tác của toàn Đảng. Cần có kế hoạch để lãnh đạo toàn đảng bộ và các ngành tổng kết kinh nghiệm công tác phụ vận, tiếp tục thi hành tốt chỉ thị 90, nghị quyết về công tác cán bộ nữ và nghị quyết về một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận. Cần có biện pháp cụ thể để lãnh đạo tốt hơn nữa phong trào "ba đảm đang".

- Từng thời gian, các cấp uỷ cần căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng công tác chung của địa phương để qui định nhiệm vụ, phương hướng công tác phụ vận cho toàn đảng bộ và các ngành.

- Từng thời gian, Thường vụ cấp uỷ cần nghe báo cáo tình hình công tác phụ vận, nhận định đánh giá phong trào và đề ra nhiệm vụ cho phụ nữ, đồng thời báo cáo lên cấp trên.

- Các cấp uỷ cần có những cuộc họp chuyên đề để giải quyết một cách sâu sắc từng vấn đề đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác phụ vận.

- Các cấp uỷ Đảng cần kiện toàn bộ máy lãnh đạo của cấp Hội, nghiên cứu cấu tạo thành phần Ban chấp hành các cấp Hội cho thích hợp và đủ sức lãnh đạo, bổ sung thêm những cán bộ trẻ, có sức khoẻ, đã trưởng thành trong sản xuất và chiến đấu, có trình độ văn hoá, kỹ thuật, quản lý sản xuất. Đồng thời, cần có kế hoạch từng bước bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt cán bộ nữ tham gia cơ quan lãnh đạo các ngành, nhất là những ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, thương nghiệp, công nghiệp nhẹ, toà án, uỷ ban, Đoàn thanh niên lao động, Công đoàn. Đặc biệt, các cấp uỷ cần chú ý giúp củng cố các cơ sở Hội vững chắc, bồi dưỡng cán bộ cơ sở có trình độ và năng lực hoạt động.

Các cấp uỷ Đảng ở cơ sở phải bảo đảm cho tổ chức phụ nữ ở cơ sở có sinh hoạt riêng thường kỳ và hướng dẫn nội dung sinh hoạt, bảo đảm quyền dân chủ của quần chúng phụ nữ.

Các cấp uỷ cần coi trọng nguyên tắc tổ chức của Hội, bảo đảm cho các đồng chí cấp uỷ phụ trách phụ nữ có điều kiện đi sâu vào công tác phụ nữ; khi rút cán bộ chủ chốt của các cấp Hội để bổ sung cho các ngành, cần cân nhắc kỹ và trao đổi ý kiến với đảng đoàn phụ nữ cấp trên, đồng thời có thời gian chuẩn bị người thay thế.

- Các cấp uỷ cần tăng cường lãnh đạo các ngành làm tốt công tác phụ vận. Chú trọng tổ chức tốt đời sống cho phụ nữ, trẻ em, nhất là ở những địa phương phải chiến đấu căng thẳng. Coi trọng việc tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo, chăm sóc và dạy dỗ con em liệt sỹ, trẻ em mồ côi vì tai nạn chiến tranh.

- Các cấp uỷ cần phân công 1 đồng chí Thường vụ phụ trách dân vận. Từng thời gian, nên có hội nghị liên tịch giữa các đoàn thể và các ngành có liên quan để bàn những vấn đề cần thiết và phân công trách nhiệm cụ thể.

Nghị quyết này phải được phổ biến thông suốt trong các cấp uỷ, các ban phụ vận và đảng đoàn Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, các đảng đoàn các ngành, cho đến tận các chi bộ.

Các cấp uỷ và đảng đoàn các ngành cần bàn kế hoạch thực hiện. Ban phụ vận trung ương có trách nhiệm theo dõi và hướng dẫn.



 

 

tải về 113.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương