Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一



tải về 2.21 Mb.
trang27/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   29

65 Đây là câu nhận định về tài năng của Mạnh Công Xước trích từ chương Hiến Vấn, sách Luận Ngữ. Chúng tôi dịch câu này theo cách giải thích của cụ Lý Bỉnh Nam trong Luận Ngữ Giảng Yếu. Cụ giải thích thêm: “Theo Khổng An Quốc, do tánh tình của Mạnh Công Xước liêm khiết, thanh cao, ít ham muốn, mà hai nước Đằng, Tiết nhỏ nhoi, chánh sự phiền toái, nhiều mưu mô phải đối phó, nên họ Mạnh sẽ không thể đảm đương được”. Năm 1046 trước Công Nguyên, sau khi Châu Công Đán đánh dẹp chư hầu trở về đã phong cho em là Cơ Tú làm vua đất Đằng, đóng đô ở Đằng Thành (cách huyện Đằng tỉnh Sơn Đông 7 km), đầu thời Xuân Thu nước này có quan hệ mật thiết với nước Lỗ. Về sau nước Đằng bị Tống Khang Vương diệt (không rõ năm nào). Tiết cũng là một nước chư hầu rất nhỏ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Điều kỳ lạ là sử không ghi chép về vị trí, lịch sử nước này. Chỉ biết nước Tiết ba lần dời đô, kinh đô đầu tiên là Tiết Thành (nằm về phía Đông Nam huyện Đằng), rồi dời sang Hạ Bi (nay thuộc Bi Huyện tỉnh Giang Tô) cuối cùng dời đến Thượng Bi (phía tây Tiết Thành). Như vậy, nước Tiết nằm ở phần ranh giới giữa tỉnh Sơn Đông và Giang Tô hiện thời.

66 Nhị Thập Tứ Sử là hai mươi bốn bộ sử chánh yếu của Trung Hoa, gồm Sử Ký (Tư Mã Thiên soạn), Hán Thư (Ban Cố soạn), Hậu Hán Thư (Phạm Việp soạn), Tam Quốc Chí (Trần Thọ soạn), Tấn Thư (Phòng Huyền Linh soạn), Tống Thư (Trầm Ước soạn), Nam Tề Thư (Tiêu Tử Hiển soạn), Lương Thư (Diêu Tư Liêm soạn), Trần Thư (Diêu Tư Liêm soạn), Ngụy Thư (Ngụy Thâu soạn), Bắc Tề Thư (Lý Bách Dược soạn), Châu Thư (Lệnh Hồ Đức Phân soạn), Tùy Thư (Ngụy Trưng soạn), Nam Sử (Lý Diên Thọ soạn), Bắc Sử (Lý Diên Thọ soạn), Cựu Đường Thư (Lưu Hú soạn), Tân Đường Thư (Âu Dương Tu, Tống Kỳ soạn), Cựu Ngũ Đại Sử (Tiết Cư Chánh soạn), Tân Ngũ Đại Sử (Âu Dương Tu soạn), Tống Sử (Thoát Thoát soạn), Liêu Sử (Thoát Thoát soạn), Kim Sử (Thoát Thoát soạn), Nguyên Sử (Tống Liêm soạn), và Minh Sử (Trương Đình Ngọc soạn). Tuy vậy, một số sử gia như Tư Mã Quang không coi Tân Đường Thư và Tân Ngũ Đại Sử là sử liệu đích thật, chỉ coi đó là hai tác phẩm văn chương mang tính chất tham khảo mà thôi!

67 Tỉnh Am là pháp hiệu của đại sư Tư Tề Thật Hiền, Tổ thứ mười một của Tịnh Độ Tông.

68 Hiện thời Ngài Triệt Ngộ được tôn là Tổ sư thứ mười hai của Liên Tông. Chúng tôi thấy từ điển Phật Quang Sơn vẫn ghi ngài Tỉnh Am là Tổ thứ chín của Liên Tông, nhưng các tài liệu về chư Tổ Tịnh Tông khác đều tôn Ngài là Tổ thứ mười một. Chúng tôi đoán có lẽ khi Tổ Ấn Quang viết lá thư này thì khi ấy ngài Tỉnh Am vẫn đang được coi là Tổ thứ chín của Liên Tông nên mới suy cử ngài Triệt Ngộ làm vị Tổ thứ mười.

69 Bạch Y Quán Âm (Pāndaravāsinī), còn được phiên âm là Bạn Đà La Phược Tự Ni, hoặc Bán Noa Ra Phạ Tất Ninh, dịch nghĩa là Bạch Xứ, Bạch Trụ Xứ, chính là một trong ba mươi ba tôn tượng của Quán Âm trong Quán Âm Viện thuộc Thai Tạng Mạn Đồ La, mật hiệu là Ly Cấu Kim Cang. Tôn tượng Ngài thường mặc áo trắng, ngồi trên hoa sen trắng, tay trái cầm hoa sen trắng, tay phải kết ấn Dữ Nguyện. Theo Đại Nhật Kinh Sớ, màu trắng ở đây tượng trưng cho tâm Bồ Đề thanh tịnh. Trong Mật Tạng không hề thấy có bài chú Bạch Y như bản chú Bạch Y đang lưu hành, chỉ thấy bài chú Bạch Y Đại Bi như sau: “Nam ma tam mạn đa bột đà nẫm, đát tha nghiệt đa vĩ sái dã, tam bà phệ, bát đàm ma, ma lý nễ, xoa ha” (Namah samanta buddhānām tathāgata visaya sambhave padma mālini, svāhā).

70 Quán Âm Trì Nghiệm Ký (2 quyển) được Châu Khắc Phục biên soạn vào năm Thuận Trị 16 (1659), còn có tên là Quán Thế Âm Kinh Chú Trì Nghiệm Ký, sưu tập những chuyện linh cảm của Quán Thế Âm Bồ Tát từ đời Tấn đến thời Thuận Trị, gồm 118 câu chuyện. Phần Phụ Lục của quyển cuối bao gồm Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Bạch Y Đại Ngũ Ấn Tâm Đà La Ni Kinh, Lễ Quán Âm Văn và biện định những điều ngoa truyền về Quán Thế Âm Bồ Tát.

71 Hải Nam Nhất Chước là tác phẩm của Từ Khiêm (hiệu Bạch Phảng) viết vào cuối đời Thanh, sưu tập những chuyện truyền kỳ tại vùng duyên hải Nam Trung Hoa.

72 Đây là một thành ngữ dựa theo câu nói của Khổng Tử được chép trong thiên Vi Chánh sách Luận Ngữ: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri mạng, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”. Sách Luận Ngữ Giảng Yếu giải thích câu này phải được hiểu như sau: “Lập có nghĩa là học vấn đã thành tựu, có được cơ sở vững chắc, không còn bị dao động bởi những tà thuyết bên ngoài. Bất Hoặc là không còn ngờ vực nữa, gặp chuyện biết xử sự đúng với đường lối theo lẽ chánh, không xử sự tùy tiện theo cảm tính. Thiên Mạng (mạng trời) không có nghĩa là ý muốn độc đoán của một đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa nào mà chính là chân lý, chánh lý, thường được gọi là Dịch, tức sự vận hành của trời đất, theo đúng chân lý, đúng với lẽ nhân quả. Nhĩ Thuận là tai nghe lời nói, nắm bắt được ý nghĩa chánh đáng, tâm không còn cảm thấy trái nghịch với những gì đã nghe vì đã hiểu được bản chất của sự việc, thấy được lẽ chánh. Tùng Tâm là theo đúng thứ tự chánh đáng mà tiến hành. Củ vốn là cái thước để vẽ hình vuông, được hiểu theo nghĩa rộng là chừng mực, quy củ, phương pháp, luật lệ. Do vậy, cả câu này phải hiểu là: “Ta từ năm mười lăm tuổi dốc chí học tập, đến năm ba mươi tuổi đã tự lập được căn bản, đến năm bốn mươi tuổi không lầm lẫn khi phải ứng phó với mọi sự, đến khi năm mươi tuổi liền hiểu thấu mạng trời, năm sáu mươi tuổi dẫu nghe ý kiến trái nghịch vẫn biết lắng nghe, hiểu được ý nghĩa, đến năm bảy mươi tuổi đạt đến mức thuận theo lòng mong muốn, làm điều gì cũng theo đúng thứ tự chánh đáng, không vượt ra ngoài khuôn khổ, mực thước”.

73 Kỷ nhân ưu thiên” là một câu chuyện ngụ ngôn trích từ sách Liệt Tử: Ở nước Kỷ có người chỉ sợ trời sập xuống, thiên hạ sẽ chết hết. Sách cổ thường dùng điển tích này để châm biếm những người hay lo chuyện không đâu, vô căn cứ. Chưa rõ chữ “đồng tử tán trách” (đứa bé con khen cái chiếu làm bằng trúc) xuất phát từ điển tích nào.

74 Tịnh pháp giới hộ thân chú: Nói chi tiết, phần này gồm có sáu bài chú nhỏ thường được dùng trong khóa tụng trong Thiền Môn xưa kia, gồm: Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn, Tịnh Khẩu Nghiệp Chân Ngôn, Tịnh Thân Nghiệp Chân Ngôn, Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn, An Thổ Địa Chân Ngôn, và Phổ Cúng Dường Chân Ngôn. Đôi khi các khóa tụng chỉ dùng giản lược hai bài là Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn và Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn. Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn gọi đủ là Thanh Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn. Theo Đại Nhật Kinh Sớ, chú này thể hiện chân thể Phật đã chứng. Thanh Tịnh là bản thể của Chân Như vì Chân Như lìa hết thảy phiền não cấu nhiễm, Pháp Giới là chỗ nương tựa của hết thảy công đức thế gian lẫn xuất thế gian. Như vậy, Tịnh Pháp Giới là công đức vô vi của Chân Như. Chân ngôn này gồm hai bài khác nhau, một là “Nam mô tam mạn đa Phật đà nẫm, đạt ma đà da, tát phạ bà phạ, cú hám” (dành cho Thai Tạng Giới) và bài chú thứ hai là Án Lam (phổ biến hơn, dành cho Kim Cang Giới). Chú Án Lam thường được xử dụng nhất với mục đích thanh tịnh thân tâm và hoàn cảnh, vì theo Du Già Liên Hoa Bộ Niệm Tụng Nghi Quỹ, chữ Án (Aum) tức là bản thể của pháp giới, là lời quy mạng trong Kim Cang Giới, khi tụng chữ Lam, từ trên đảnh đầu sẽ có chữ Lam (Ram) phát sanh từ pháp giới tỏa ánh sáng đỏ chói lọi như ngọn lửa rực rỡ thiêu đốt tất cả những vật ô uế lẫn những tư tưởng ô uế, tịnh hóa thân tâm. Hành nhân trước khi tụng niệm dùng chú này để thanh tịnh bản thân, đồng thời thanh tịnh vật phẩm cúng dường.

Chú Thanh Tịnh Tam Nghiệp (“Án, tát phạ bà phạ thuật đà ta phạ đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám”) như tên gọi nhằm thanh tịnh ba nghiệp, khiến thân tâm hành nhân tương ứng với ba nghiệp của Phật, Bồ Tát. Khi tụng hành nhân phải kết Liên Hoa Hiệp Chưởng Ấn (chắp mười ngón tay khít vào nhau, lưng bàn tay hơi khum như đóa sen búp). Theo Bí Tạng Ký, hai tay chắp lại như thế tượng trưng cho Lý và Trí hợp nhất. Nhiếp Vô Ngại Kinh giải thích tỉ mỉ hơn: Năm ngón bên tay trái tượng trưng cho năm trí của Thai Tạng Giới, năm ngón bên tay phải tượng trưng cho năm trí của Kim Cang Giới. Mười ngón hợp lại tượng trưng cho Thập Độ hoặc mười pháp giới, mười chân như dung hợp. Do vậy, mỗi ngón tay tượng trưng cho một Độ (Ba La Mật). Như vậy Liên Hoa Hiệp Chưởng tượng trưng cho sự viên dung mọi trí, mọi giới, mọi độ.



Trong Tịnh Tông, thường thì những bài chú này không dùng đến vì A Di Đà Phật vạn đức hồng danh đã là vô thượng thần chú, là kết tinh của mọi giáo pháp nên hành giả nhiếp tâm chuyên trì thì công đức chẳng kém gì trì tụng các chú khác mà có phần còn vượt trỗi hơn. Điều này có thể minh chứng qua hành trạng của Tổ Liên Trì: Ngài thông hiểu Mật Pháp vì từng san nhuận nghi thức Du Già Diệm Khẩu, nhưng khi được đại chúng cầu thỉnh ra làm lễ cầu mưa trong lúc hạn hán, Ngài nói không biết thực hiện đàn pháp đảo vũ. Đại chúng cố van nài, Ngài bèn đi quanh bờ ruộng gõ mõ niệm Phật, trời liền đổ mưa lai láng. Hơn nữa, những bài chú chỉ phát huy được diệu dụng khi hành nhân tụng niệm với tâm đại Bồ Đề, nhiếp tâm thanh tịnh, tương ứng với Phật, Bồ Tát, tha thiết như con nhớ mẹ, đồng thời phải kết ấn khế tương ứng. Có những ấn khế phải được A Xà Lê truyền thụ mới được sử dụng, không được kết ấn bừa bãi. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều chú ngữ trong khóa tụng sẽ khiến hành giả phân tâm, khởi phân biệt, nên hiện thời các vị hoằng truyền Tịnh Tông đa số lược bỏ các ấn chú khỏi khóa tụng, chỉ giữ lại chú Vãng Sanh cho hành nhân dễ chuyên tâm.

75 Tức là pháp Thập Niệm Ký Số được viết trong “Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân” (thư thứ tư) trong Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển một: “Trong lúc niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh, lại phải nhớ phân minh, đến mười câu là thôi. Lại phải niệm từ một câu đến mười câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi. Niệm đâu nhớ đấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu nhớ thẳng vào mười câu thấy khó thì chia thành hai hơi, tức là từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn thấy mệt, nên từ câu một đến câu ba, từ câu bốn đến câu sáu, từ câu bảy đến câu mười, chia làm ba hơi để niệm. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không chỗ chen chân, nhất tâm bất loạn, niệm lâu ngày sẽ tự được”.

76 Anh pháp sư chính là ngài Đức Tạng Trạch Anh (1045-1099) sống vào thời Bắc Tống, người huyện Đồng Giang (tỉnh Chiết Giang), họ Du, tự Uẩn Chi. Sư mất mẹ từ bé, có lần theo cha đến Hàng Châu, gặp được ngài Nam Sơn Đoan Phong bèn xin theo xuất gia. Năm Thiên Ninh thứ nhất (1068), Sư thọ Cụ Túc Giới, chuyên tâm trì luật cũng như theo học giáo nghĩa Chỉ Quán với ngài Xử Khiêm chùa Bảo Các, rất được ngài Xử Khiêm coi trọng, đặc biệt truyền dạy Thập Bất Nhị Môn Luận, Kim Cang Bễ Luận, do vậy Sư ngộ hiểu sâu xa giáo nghĩa Thiên Thai lẫn chỗ huyền áo của Tịnh Tông. Đồ chúng các tỉnh Giang, Hàng, Hồ… theo học rất đông, Sư chú tâm dạy họ bằng giáo nghĩa Tịnh Độ và thường răn nhắc đại chúng siêng tu Tịnh nghiệp. Do kính trọng, mọi người đều gọi ngài là Đồng Giang pháp sư hay Đồng Giang Anh pháp sư chứ không gọi thẳng tên. Ngài để lại cho đời các bộ chú giải Tâm Kinh, Tam Châu Luận, Tịnh Độ Tu Chứng Nghi, Vãng Sanh Tịnh Độ Thập Nguyện Văn, Biện Hoành Thụ Nhị Xuất, Khuyến Tu Tịnh Độ Tụng…

77 Tùy Hình Hảo (Anuvyañjana), còn dịch là Tùy Hảo, Tiểu Tướng, Tiểu Hảo, hoặc chỉ gọi gọn là Hảo. Những tướng đẹp dễ thấy của chư Phật, Bồ Tát gọi là Tướng, những vẻ đẹp kín đáo, ẩn mật, khó thể thấy ngay được thì gọi là Hảo. Những vẻ đẹp ấy trang nghiêm, tăng thêm vẻ đẹp cho mỗi tướng chánh nên gọi là Tùy Hình Hảo. Sách Pháp Giới Thứ Ðệ, quyển hạ chép: “Tướng và [tùy hình] hảo đều là sắc pháp, đều để trang nghiêm rạng rỡ thân Phật; nhưng tướng là Tổng quát, tùy hình hảo là chuyên biệt. Nếu một tướng mà không có tùy hình hảo thì chẳng viên mãn. Chuyển Luân, Ðế Thích, Phạm Vương cũng có ba mươi hai tướng nhưng không có tùy hình hảo nên thân họ chẳng vi diệu”. Trí Ðộ Luận cũng giảng: “Tướng thô nhưng tùy hình hảo lại tế. Chúng sanh thấy Phật liền thấy ngay được tướng, nhưng khó thấy được tùy hình hảo. Tướng thì người khác cũng có, nhưng tùy hình hảo thì không phải ai cũng có. Do vậy, phải nói riêng tướng và tùy hình hảo’’.

78 Tiên Chú: Tiên (笺) là chú giải ngắn gọn, sơ lược. Do những lời chú thích cho những bộ kinh này chỉ gồm một hai câu, nêu lên những nét chánh yếu của mỗi đoạn, hoặc chú thích những chữ quan trọng nên gọi là Tiên Chú.

79 Lệ Trạch là chữ trích từ phần Tượng Truyện giải thích quẻ Đoài trong kinh Dịch: “Lệ trạch, Đoài, quân tử dĩ bằng hữu giảng tập”. Sách Châu Dịch Chánh Nghĩa giảng: “Lệ Trạch Đoài: Lệ có nghĩa là tiếp nối với nhau, giống như hai cái đầm thông với nhau, hết sức tràn trề đầy ắp cho nên mới nói ‘Lệ trạch, Đoài’ (hai cái đầm thông với nhau, đó là ý nghĩa được biểu trưng bởi quẻ Đoài). ‘Quân tử dĩ bằng hữu giảng tập’: Đồng môn là Bằng, đồng chí là Hữu. Bằng hữu cùng tụ lại một chỗ, giảng giải, nghiên cứu đạo nghĩa, vui vẻ tột bậc, không gì hơn được nữa”. Do vậy, chữ Lệ Trạch thường được dùng với ý nghĩa bạn bè cùng chí hướng tha thiết bảo ban răn nhắc lẫn nhau.

80 Nói gọn của chữ Kim Thành Thang Trì (tức hào sâu như ao nước sôi, thành vững chắc như sắt), ở đây được dùng với ý ca ngợi người bảo vệ đạo pháp.

81 Bác Sĩ là một chức quan đã xuất hiện từ thời Chiến Quốc, thường được phong cho những người thông thạo một môn học vấn nào đó, nhất là Kinh Học (ngành nghiên cứu về kinh điển). Quan Bác Sĩ thường là người thông thạo cổ kim có nhiệm vụ quản thủ văn kiện, hồ sơ, biên soạn trước thuật, có khả năng dạy dỗ đào tạo nhân tài. Đời Tần, quan Bác Sĩ chưởng quản mọi sử liệu của đất nước. Đến đời Hán Vũ Đế, do tôn sùng Nho Học còn đặt ra chức Ngũ Kinh Bác Sĩ nhằm nghiên cứu và giảng dạy năm kinh của Nho gia, vai trò quản thủ biên chép sử liệu được giao cho Thái Sử. Đến đời Đường, người tinh thông một môn học nào đều được xưng tụng là Bác Sĩ như Y Học Bác Sĩ, Toán Học Bác Sĩ (Toán ở đây là bói toán, chứ không có nghĩa là toán học) v.v… Đến đời Tống, danh hiệu này mất hẳn tính chất cao quý và chức quan này không còn tồn tại nữa; không hiểu sao dân gian bắt đầu gọi những người phục vụ là Bác Sĩ, chẳng hạn những anh bồi rót trà trong quán cơm, quán trà được gọi là Trà Bác Sĩ. Thời hiện đại, chữ Bác Sĩ dùng để dịch nghĩa học vị Tiến Sĩ (Doctor), còn bác sĩ chữa bệnh được gọi là Y Sinh.

82 Theo bộ Tục Tập Cổ Kim Phật Đạo Luận của ngài Trí Thăng soạn vào đời Đường, câu chuyện này được chép như sau: “Theo Hán Pháp Bản Nội Truyện, vào niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán Minh Đế, đêm vua nằm mộng thấy người vàng cao một trượng sáu, quang minh sáng lạ lùng, sắc tướng khôn sánh. Minh Đế ngủ không yên giấc, đến sáng hội họp đông đảo quần thần để đoán điềm mộng. Thông Nhân Phó Nghị tâu rằng: ‘Thần nghe nói ở Tây Vực có vị thần hiệu là Phật, ắt bệ hạ nằm mộng thấy vị ấy’. Quốc Tử Bác Sĩ Vương Tuân cung kính thưa: ‘Thần xét thấy Châu Thư Dị Ký chép: Thời Châu Chiêu Vương có thánh nhân xuất hiện nơi phương Tây’. Thái Sử Tô Do tâu: ‘Sách ấy chép rằng một ngàn năm sau, thanh giáo sẽ lan truyền đến đất này, ắt là bệ hạ mộng thấy vị thần ấy’. Minh Đế tin những lời tâu ấy là đúng, bèn sai Trung Lang Thái Âm, Trung Lang Tướng Tần Cảnh, Bác Sĩ Vương Tuân v.v… mười tám người đi tìm hỏi Phật pháp. Bọn họ đến Thiên Trúc gặp được hai vị sa môn Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, bọn Tần Cảnh bèn cầu thỉnh. Hai vị Ma Đằng là bậc trí huệ thông suốt, chẳng nề hà nhọc nhằn, liền cùng với nhóm Tần Cảnh vượt qua Lưu Sa, đến Lạc Dương”.

83 Trang Công: Ở đây, chúng tôi ngờ rằng nguyên bản ghi sai chữ này, vì trong phần sau đều ghi là Trang Vương. Thời ấy, có rất nhiều vị vua chư hầu có hiệu là Trang Công, nên Trang Công ở đây không rõ là vị nào. Hơn nữa, để đối ứng với Châu Chiêu Vương ở câu trên thì phải nói đến niên đại của một vị hoàng đế khác của nhà Châu. Do vậy, chúng tôi tin rằng đời vua được nói ở đây phải là Châu Trang Vương. Châu Trang Vương làm vua từ năm 697 đến năm 682 trước Công Nguyên. Như vậy, năm Châu Trang Vương thứ bảy là năm 690 trước Công Nguyên.

84 Hằng tinh (Star) gồm những thiên thể có hình cầu hoặc gần như hình cầu có mật độ vật chất rất cao, chứa toàn những nhiên liệu đang bốc cháy tạo thành, hành tinh gần quả đất nhất chính là mặt trời. Hằng tinh khác với hành tinh (Planet). Hành tinh là những thiên thể xoay quanh một hằng tinh và hành tinh không có khả năng tự phát ra ánh sáng, chẳng hạn như Thủy Tinh, Kim Tinh, Hỏa Tinh v.v… là hành tinh.

85 Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744), cao tăng đời Đường, người xứ An Khang, Kim Châu (nay là huyện Hán Âm, tỉnh Thiểm Tây), thường được gọi là Đại Huệ thiền sư. Sư xuất gia năm 15 tuổi, chuyên nghiên cứu Luật Tông, sau tham học với Lục Tổ Huệ Năng, trở thành cao túc của Lục Tổ, ở lại hầu thầy suốt mười lăm năm. Sau khi Lục Tổ thị tịch mới sang chùa Bát Nhã thuộc Nam Nhạc (Hồ Nam) để hoằng dương thiền học của Huệ Năng vào năm Tiên Thiên thứ hai (713) đời Đường Huyền Tông. Đệ tử Sư là Mã Tổ Đạo Nhất cũng là một vị cao tăng nổi tiếng thời ấy. Từ dòng Thiền này, về sau đã phát sanh các dòng thiền Lâm Tế, Quy Ngưỡng… và các vị cao tăng nổi tiếng như Phổ Hóa, Hoàng Bá…

86 Không rõ ở đây là do bản in Ấn Quang Văn Sao Tam Biên của Báo Ân Niệm Phật Đường ở Cổ Tấn in sai hay sách Tiên Chú ghi sai. Theo đoạn trên, có thuyết cho rằng đức Phật phải giáng sanh vào năm Châu Trang Vương thứ bảy là vì dựa trên sự kiện “hằng tinh chẳng hiện, đêm sáng như ban ngày”. Không hiểu sao trong câu này lại ghi là “năm Trang Vương thứ chín”. Do không có bản Di Đà Tiên Chú trong tay để đối chiếu, chúng tôi xin ghi lại điều này như một điểm tồn nghi.

87 Hàng Bố nói đầy đủ là Thứ Đệ Hàng Bố Môn. Hàng là Hàng Liệt (để theo từng dãy), Bố là Bố Trí (xếp đặt). Đây là một thuật ngữ nhằm diễn tả từng giai đoạn địa vị tu tập của Bồ Tát từ lúc sơ phát tâm cho đến khi chứng được Phật Quả. Hàng Bố đối lập với Viên Dung. Theo ngài Thanh Lương, từ địa vị Bồ Tát tiến đến Phật quả gồm hai môn:

1) Sơ Hậu Tương Tức (đầu tiên và sau rốt không sai, không khác): Nghĩa là lúc mới phát tâm thì đã thành Chánh Giác (đây là nói trên mặt Lý, giống như Lý Tức Phật trong Tông Thiên Thai). Đó gọi là Viên Dung Môn.

2) Sơ Hậu Thứ Đệ (Đầu tiên và sau rốt theo thứ tự): Tức là năm mươi hai địa vị tu chứng từ Thập Tín, Thập Trụ… cho đến địa vị Đẳng Giác (Thập Tín chưa được kể là Pháp Thân đại sĩ, nên thường nói là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, tức là những địa vị từ Thập Trụ cho đến Đẳng Giác Bồ Tát). Phải theo thứ tự mà lần lượt tấn tu nên gọi là Hàng Bố Môn.


88 Tứ pháp giới chính là vũ trụ quan của Tông Hoa Nghiêm: Toàn thể vũ trụ quy về nhất tâm. Nếu quan sát từ trên hiện tượng và bản thể thì có thể chia thành bốn tầng lớp:

1) Sự Pháp Giới: Tức hiện tượng giới sai biệt. Sự có nghĩa là sự tướng, Giới có nghĩa là phân biệt, hạn định. Toàn thể các sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên sanh, đều có giới hạn riêng biệt cho từng loại, thế tục thường tưởng lầm đó là bản tánh đặc trưng của từng loại, rồi khởi lên ý niệm phân biệt đối với từng đối tượng, nên dựa vào tánh chất đặc trưng của từng đối tượng để nhận biết sự vật. Đây gọi là “tình kế cảnh” (cảnh do phân biệt, tình cảm, so đo mà có).

2) Lý Pháp Giới: Tức bản thể giới bình đẳng. Lý là lý tánh. Bản thể của hết thảy vạn vật trong vũ trụ là Chân Như, bình đẳng không sai biệt.

3) Sự Lý Vô Ngại Pháp Giới: Hiện tượng giới và bản thể giới cùng mang quan hệ “cùng là một thể, chẳng hai, chẳng khác”. Nói cách khác, bản thể không có tự tánh, nhờ vào Sự mà hiển lộ (thường nói là “Chân Như lý thể tùy duyên biến hiện”, hoặc “Lý do Sự hiển”), dựa vào Sự mà nhận biết được Lý (thường nói “Sự do Lý thành”), do đây mà tỏ lộ trọn pháp giới Sự Lý viên dung vô ngại.

4) Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới: Bản thân hiện tượng giới là tuyệt đối chẳng thể nghĩ bàn, nghĩa là hết thảy các pháp đều có Thể, có Dụng; tuy mỗi pháp do nhân duyên mà sanh khởi, nhưng mỗi pháp vẫn giữ tự tánh của nó. Thoạt nhìn, mỗi Sự tách biệt nhau, nhưng không một duyên nào chẳng phải do nhiều duyên hợp thành, mà một duyên cũng giúp cho khắp các duyên khác được thành tựu. Vì thế, lực dụng của chúng chồng chéo lẫn nhau, kinh thường diễn tả bằng thuật ngữ “trùng trùng duyên khởi”.


89 Thập Huyền: Còn gọi là Thập Huyền Duyên Khởi, Nhất Thừa Thập Huyền Môn, gọi đủ là Thập Huyền Duyên Khởi Vô Ngại Pháp Môn. Mười môn này được lập ra nhằm biểu thị tướng trạng của Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Tông Hoa Nghiêm cho rằng “thông hiểu những nghĩa này sẽ thâm nhập được biển huyền diệu của đại kinh Hoa Nghiêm”. Thập Huyền Môn gồm:

1) Đồng Thời Cụ Túc Tương Ứng Môn (đồng thời đầy đủ tương ứng): Hết thảy hiện tượng cùng một lúc tương ứng, cùng lúc viên mãn trọn vẹn. Một với nhiều đều cùng một thể, không phân biệt trước sau. Để dễ hiểu ý này, các nhà chú giải thường dùng ví dụ sau: Nước chỉ là một, ý muốn của chúng sanh là nhiều pháp, cùng một dòng nước mà có thể đáp ứng đầy đủ các ý muốn khác nhau của người dùng như uống, giặt, tắm, rửa, bơi lội v.v… Tất cả những hành động ấy đều có thể xảy ra cùng một lúc nhưng nước vẫn đáp ứng trọn vẹn mà các hành động ấy cũng không trở ngại nhau.

2) Quảng Hiệp Tự Tại Vô Ngại Môn (rộng hẹp tự tại vô ngại): Đem đối lập không gian rộng và hẹp với nhau thì dường như mâu thuẫn, nhưng từ chỗ đối lập mâu thuẫn ấy lại có thể nhận biết chỗ chúng dung nhập nhau. Chẳng hạn như tấm gương có thể thâu nhận hình ảnh của muôn trùng sông núi. Muôn trùng sông núi bao la hiện trong tấm gương nhưng chẳng ngăn trở nhau, chẳng chồng chất lên nhau, vẫn giữ nguyên hình dáng.

3) Nhất Đa Tương Tức Tự Tại Môn (một chính là nhiều, nhiều chính là một): Như ngàn ngọn đèn cùng thắp, ánh sáng hòa lẫn vào nhau, soi rọi lẫn nhau.

4) Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn (các pháp chính là lẫn nhau vô ngại): Một và hết thảy đều do cùng một thể mà ra, dung nhiếp lẫn nhau vô ngại. Một ví dụ rất dễ thấy là nước và sóng; sóng do nhiều hạt nước hợp thành, sóng lặng lại trở thành nước, nước động lại biến thành sóng. Hoặc mây do các hạt nước bốc hơi hợp thành, mây chính là nước, nước biến thành mây.

5) Ẩn Mật Hiển Liễu Câu Thành Môn (ẩn mật và hiển hiện đều cùng thành tựu): Trong ẩn có hiển, trong hiển có ẩn, giống như mặt trăng về bản thể không thay đổi, nhưng có lúc trăng sáng hay trăng mờ là do bị mây che hay không. Mây che thì trăng mờ nhưng tánh sáng vẫn không mất, tức là trăng sáng và trăng mờ vẫn cùng một thể.

6) Vi Tế Tương Dung An Lập Môn (các thứ nhỏ nhiệm chứa đựng lẫn nhau, cùng tồn tại): Đối với mỗi một hiện tượng, dùng cái nhỏ đem cái nhỏ bỏ vào cái lớn hay ngược lại mà mọi vật vẫn không hư hoại tướng trạng của nó. Kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả điều này bằng hình ảnh: Thiện Tài đồng tử đi vào khắp các lỗ chân lông trên thân Phổ Hiền Bồ Tát, thấy trong mỗi lỗ chân lông có vô lượng vô biên vi trần Phật quốc độ, trong quốc độ có vi trần số đức Phổ Hiền, Thiện Tài lại đi vào lỗ chân lông của mỗi vị Phổ Hiền ấy, lại thấy trong ấy có vô lượng vô biên vi trần số Phật quốc độ, cứ thế cho đến trùng trùng vô tận. Hoặc nói trong mỗi đầu sợi lông có đủ vi trần số quốc độ, có đủ cả chư Phật ba đời v.v…

7) Nhân Đà La Võng Pháp Giới Môn: Dùng hình ảnh cái lưới kết bằng ngàn viên châu của Đế Thích để diễn tả khái niệm này: Mỗi viên châu chiếu rọi bóng của 999 viên châu kia, mà 999 viên châu kia mỗi viên đều dung chứa hình ảnh của viên châu này! Lớn vào trong nhỏ, nhỏ vào trong lớn chẳng loạn, chẳng hoại một tướng nào. Kinh Hoa Nghiêm thường diễn tả bằng ví dụ: Bồ Tát bứt lấy một cõi quăng đi vi trần số cõi Phật nhưng chúng sanh trong cõi ấy vẫn không biết không hay; hoặc đem tam thiên thế giới bỏ vào một vi trần, thế giới ấy không chật hẹp không biến dạng, hoặc dùng một cây lọng che khắp mười phương vi trần số cõi Phật…


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương